Xuyên Mỹ
Tác giả: Phan Việt
Phát hành: Nhã Nam
Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn
Số trang: 280
Tái bản: 2016
E-book này được thực hiện trên tinh thần thiện nguyện, phi lợi nhuận và phục vụ
cộng đồng người đọc chưa có điều kiện mua sách giấy.
Bạn nên mua sách giấy để ủng hộ đơn vị xuất bản và thưởng thức trọn vẹn tác
phẩm.
Cùng bạn đọc
Xuyên Mỹ ra mắt bạn đọc lần đầu vào năm 2014. Trong hai
năm qua, Xuyên Mỹ được tái bản 6 lần. Thỉnh thoảng, tôi nhận
được email từ một độc giả không quen nói rằng cuốn sách giúp
họ đặt xuống những gánh nặng mà họ đã tự nguyện mang vác
trong cuộc sống gia đình. Có người nói rằng họ cảm thấy được
an ủi rất nhiều khi đọc sách. Cuốn sách cũng có rất nhiều độc giả
trẻ, độc giả nam. Với tôi, đây là những phần thưởng lớn nhất và
cũng là lý do chính mà tôi viết cuốn sách này. Nhân đây, tôi xin
cảm ơn nhà xuất bản Trẻ, đặc biệt là chị Lê Hoàng Anh và anh
Trương Quý, hai người biên tập tận tình của Xuyên Mỹ trong lần
xuất bản đầu tiên.
Năm nay, tôi in lại Xuyên Mỹ với Nhã Nam để đưa nó về một
nhà với Một mình ở châu Âu và Về Nhà (dự kiến ra mắt cuối
năm 2016). So với bản năm 2014, Xuyên Mỹ ở lần in này có một
số thay đổi nhỏ. Tôi lược bớt một số nội dung khảo cứu hoặc
chuyển chúng từ phần thân sách xuống phần chú thích cuối
sách để khỏi làm loãng mạch truyện. Tôi viết bổ sung một số
câu chuyện để làm rõ hơn không khí và văn hóa Mỹ. Những
phần bổ sung này cũng nhằm kết nối cuốn sách chặt hơn với
Một mình ở châu Âu và Về Nhà. Cuối cùng, tôi chỉnh lại ngôn
ngữ của cuốn sách và ảnh.
Xin trân trọng giới thiệu Xuyên Mỹ trong hình hài mới này.
Phan Việt
Columbia, South Carolina, 2016
Lời giới thiệu cho lần in đầu tiên - 2014
Xuyên Mỹ là cuốn sách thứ hai trong bộ sách Bất hạnh là một
tài sản. Tiếp nối Một mình ở châu Âu, cuốn sách này kể lại
khoảng thời gian hai năm từ lúc tôi ở châu Âu về nhà bên bờ
Đông nước Mỹ, rồi chuyển từ bờ Đông trở lại Chicago, chia tay
chồng tôi, tốt nghiệp chương trình tiến sĩ, và cuối cùng chuyển
đi bờ Tây làm việc.
Hai năm băng ngang nước Mỹ này có lẽ là hai năm khó khăn
nhất trong cuộc sống người lớn của tôi. Trong hai năm, có
những thời điểm, tôi sợ tỉnh dậy vào buổi sáng vì không muốn
đối mặt với những ý nghĩ và cảm giác mà tôi gần như không
còn khả năng điều khiển. Tôi cũng sợ đi ngủ bởi vì giấc ngủ luôn
chập chờn những câu hỏi mà tôi không có khả năng trả lời. Nhớ
lại khoảng thời gian này là một điều khó khăn: tôi phải chứng
kiến mình như một người bị bịt mắt mò mẫm trong rừng, cứ đi
một bước lại lùi hai bước, băng ra khoảng trống rồi lại đâm vào
bụi rậm, lúc thì tỉnh táo sáng suốt, lúc lại sợ hãi tê liệt, lúc thì
biết rõ đúng sai, nhưng thường xuyên hơn là cảm giác hoàn
toàn mất hướng.
Không phụ nữ nào muốn kể lại những đổ vỡ của mình. Phụ nữ
Việt Nam lại càng không. Vì vậy trong một thời gian dài, tôi
không chắc mình có nên in cuốn sách này và thực tế là tôi đã
nghiêng về phía không in. Không in thì không có gì trong cuộc
sống hiện tại của tôi hay những người có mặt trong cuốn sách
này bị phá vỡ. Tôi đã nghĩ rất nhiều. Cuối cùng tôi vẫn quyết
định in sách. Khoảng thời gian chờ để mình chắc chắn về điều
này còn dài hơn thời gian thực sự để viết. Cái làm tôi quyết định
chỉ là ý nghĩ, chính vì tôi đã rất khó khăn khi trải qua ly hôn -
mà một nguyên nhân quan trọng là vì tôi đã mò mẫm một
mình, không có thông tin về câu chuyện của những phụ nữ Việt
Nam khác - nên có thể câu chuyện của tôi sẽ có ích cho những
người cũng trải qua các bước ngoặt tương tự. Điều tôi mong
muốn là cuốn sách này giúp bạn đọc cảm thấy họ không một
mình trong những gì họ trải qua và có thể giúp họ cắt nghĩa
thêm một chút các cảm giác của mình. Bất kể bạn ở độ tuổi nào,
xuất thân ra sao, mất mát tình cảm đều có những điểm chung
mà sự chia sẻ sẽ làm mất mát vợi bớt và làm chúng ta mạnh mẽ
lên, độ lượng lên.
Tuy nhiên, mặc dù không ngại kể lại những suy nghĩ và cảm
xúc của bản thân, tôi cảm thấy không có quyền kể về những
người đã có mặt trong cuộc sống của tôi vào thời điểm đó. Vì
vậy, tôi hạn chế tối đa việc nhắc đến họ. Ở những chỗ buộc phải
nhắc đến để đảm bảo câu chuyện không tối nghĩa, tôi hy vọng
bạn đọc hiểu rằng đó chỉ là mô tả qua cảm nhận của tôi. Tôi
cũng hy vọng bạn hiểu rằng đây là cuốn sách kể lại việc tôi trải
qua ly hôn thế nào, chứ không phải vì sao tôi ly hôn. Giống Một
mình ở châu Âu, đây là câu chuyện của tôi, sự thật của tôi vào
thời điểm đó.
Ly hôn là câu chuyện có nhân vật nhưng không có anh hùng.
Nhân vật của nó không phải lúc nào cũng cư xử có lý, tỉnh táo.
Nhưng cuộc sống thật thì như vậy - nó bộn bề và ngổn ngang; nó
dường như phi lý, bất định, thậm chí độc ác vào rất nhiều lúc. Có
điều, những tài sản vô giá mà nó mang lại hình như cũng nằm
ẩn trong chính những dường như ngổn ngang, phi lý, bất định
đó.
Phan Việt
Columbia, South Carolina, 2013
“Đứng lên!”
Phần 1
Nước Mỹ: bờ Đông
Chương 1
Tôi đã trở lại Nashua được hai tuần.
Chỉ trong hai tuần, châu Âu bị gột sạch, thế vào đó là cuộc sống
cũ ở Mỹ. Nashua đã sang thu. Gió bắt đầu chớm lạnh, về đêm
thường có mưa chuyển mùa. Sau mưa, những cây liễu cổ thụ
quanh nhà tôi trút đầy lá xuống mặt hồ; gió thổi lá dạt thành
đường viền xanh quanh mép nước. Trong bãi đậu xe, lá phong
phủ kín kính xe và lối đi - những cái lá đỏ ẩm ướt nằm im lìm. Có
đêm, trời không mưa nhưng sương mù xuống dày, buổi sáng cả
khu nhà mù xám, bãi cỏ đóng một lớp băng mỏng. Lũ ngỗng đi
tránh rét ở phương Nam bắt đầu, thỉnh thoảng chúng dừng lại
từng đàn, sục mỏ xuống chân cỏ kiếm ăn rồi đồng loạt cất cánh
bay mất.
Nhưng ngoài những dấu hiệu chuyển mùa đó, cuộc sống ở thị
trấn này vẫn như trước hè, như thể tôi chưa từng đi khỏi đây và
sẽ không bao giờ đi khỏi đây. Hàng ngày, sau khi Sơn đi làm, tôi
lại đều đặn ra hiệu sách Barnes and Noble hoặc Borders ngồi viết.
Tôi tiếp tục làm người vô hình ở chốn vô danh của nước Mỹ, như
những năm qua, khi tôi và Sơn di chuyển dọc ngang nước Mỹ
theo công việc của anh: từ Chicago sang Boston, rồi về lại
Chicago, rồi đi Oregon bên bờ Tây, rồi về lại Chicago, rồi đi New
Jersey bên bờ Đông, rồi về lại Chicago, và giờ ở New Hampshire.
Chỗ nào, thứ quen thuộc nhất cũng là những cửa hàng Barnes
and Noble hay Borders, nơi sách bán sẽ giống nhau và cà phê sẽ
giống nhau.
Không phải tôi không nghĩ đến châu Âu và cái hạnh phúc của
những tháng ngày một mình đó. Nhưng thực tại có cách tẩy sạch
quá khứ. Cái nhìn thấy hôm nay luôn mạnh hơn và có thể làm
tan chảy cả những dự định dũng cảm nhất của hôm qua.
Lúc mới ở châu Âu về, tôi và Sơn đã nói chuyện. Chúng tôi nói
bằng tiếng Anh.
- Anh ạ, lúc em ở châu Âu một mình, em rất vui. Nếu em quay lại
sống một mình thì có được không?
- Dĩ nhiên là được.
- Nếu em quay lại sống một mình anh có ổn không?
- Dĩ nhiên.
Nhiều khi tôi không hiểu. Sơn lúc nào cũng thế, lúc nào cũng sẽ
ổn, có tôi hay không cũng vẫn ổn. Không gì có thể tác động đến
Sơn. Anh hình như không bao giờ biết tôi nghĩ gì, cảm thấy thế
nào. Tôi chỉ như một vật đeo bám vào cái trụ đá không thể xoay
chuyển là anh. Cuộc sống này của hai chúng tôi mà sao tôi luôn
cảm thấy mình không phải một nửa trong đó.
- Anh ạ, hay là thế này... Bây giờ còn bao nhiêu tiền, mình chia
đôi, mình muốn làm gì thì làm trong một năm tới; sau đó mình
sẽ gặp lại xem mình có muốn tiếp tục sống với nhau không. Nếu
mình muốn sống với nhau tiếp thì sống, không thì...
- ... ai đi đường nấy.
Ai đi đường nấy. Sơn nói rất bình thường. Anh nói cũng bình
thường như tôi vừa nói “Anh ạ, hay là thế này...”. “Ai đi đường
nấy”. Chỉ mấy chữ mà vẽ ra một viễn cảnh rõ ràng. Tôi và Sơn sẽ
không còn là vợ chồng, anh sẽ ra khỏi cuộc đời tôi, sẽ tới một
thành phố hay thị trấn mới sống cuộc đời riêng mà tôi hoàn toàn
không biết, sẽ kể những chuyện cười và nói những điều báng bổ
kỳ dị vốn thường làm tôi vừa bật cười vừa nhăn nhó; anh sẽ lái xe
trên những xa lộ tôi chưa biết, vượt qua những quả núi hay dòng
sông mà tôi chưa thể tưởng tượng mình sẽ có cảm giác thế nào
khi vượt qua. Và sẽ có một người phụ nữ khác...
- Không đâu, thế buồn quá - tôi nói.
Tôi nói “thế buồn quá” xong thì còn buồn hơn. Tương lai là
một vòm trời xám khổng lồ chuẩn bị sập xuống mà tôi chắc chắn
không đủ sức đỡ. Nếu tôi chia tay Sơn, cuộc đời tôi chỉ có thể
xuống dốc từ đây - xuống dốc không cưỡng được. Tôi chỉ cần
buông tay ra là sẽ tụt dốc.
- Không đâu - tôi nói - em muốn sống với anh, mình cứ sống với
nhau mãi, không ai đi đâu cả.
Ngày hội sườn nướng và nhạc nước, mùa thu, New Hampshire
Và như thế, tất cả những gì châu Âu từng gieo vào lòng tôi bị
cuốn phăng ra ngoài. Chúng bị cuốn trôi y như những rập rình
và nổi loạn nửa vời mà tôi đã ướm thử trong những năm qua.
Bao giờ cũng chỉ là những rập rình trong đầu và lại tan trong đầu
- tan ngay khi chúng được thốt ra thành những “Anh ơi, hay là...”.
Tôi lại lùi vào sống chủ yếu trong đầu mình. Cuộc sống cứ thế
trôi.
*
* *
Giữa tháng Mười, nước trong trời đất bị hút cạn; không khí trở
nên khô hanh hoàn toàn. Da tôi cảm thấy cái khô ấy. Cả cơ thể tôi
cảm thấy sự khô kiệt.
Ngày tiếp tục trôi. Cùng với thời gian, những cơn ám ảnh lại
trở lại. Tôi nghĩ đến những năm tháng của chúng tôi. Bằng cách
nào đó, cuộc sống đã biến thành một chuỗi ngày; mỗi ngày là
một cố gắng để nó không tệ hơn ngày hôm qua, nhưng bằng cách
nào đó, nó vẫn cứ tệ hơn. Ta dạn dĩ hơn trong việc nói những lời,
làm những điều khiến người kia tổn thương và cứ ngại dần việc
nói những lời, làm những điều cho người kia hạnh phúc. Những
điều không nói nhiều lên; những ý nghĩ một mình nhiều lên; và
bắt đầu những ướm thử, phóng đại, tuyệt vọng.
Có một chuyện cứ trở đi trở lại trong đầu tôi. Một lần, ở New
Jersey, Sơn nổi giận với tôi. Anh ngồi ở bàn, tay cầm lọ dầu gió,
hỏi đi hỏi lại câu hỏi “Tại sao?” và không thỏa mãn với bất cứ câu
trả lời nào của tôi. Đầu tôi căng ra, kiệt quệ; não tôi dường như đã
bị những câu hỏi tại sao rạch một vết sâu. Ở cuối một câu hỏi
“Tại sao?”, anh hất lọ dầu gió, chẳng có chủ đích gì. Dầu bạc hà
dính vào tóc mái của tôi, rịn xuống da đầu vừa mát vừa bỏng.
Tôi đi vào bếp lấy cái kéo lớn, cắt đoạn tóc mái đó xuống sát da
đầu, rồi đưa đầu xuống dưới vòi nước để rửa những vết dầu.
Trong những ngày sau đó, tôi ra đường với mái tóc có một
khoảng trắng nham nhở trước trán. Tôi cũng không nghĩ đến
việc đội mũ che lại. Có ích gì? Tôi có thể chống lại cả thế giới nếu
có một người luôn đứng về phía tôi, là bạn đời, là đồng đội, sẽ
không cố tình làm tôi tổn thương. Nhưng nếu người mà tôi phải
gồng lên nhiều nhất để mình không bị tổn thương lại ở ngay
trong nhà mình thì thế giới còn có nghĩa lý gì?
Tóc tôi đã mọc lại, được cắt đi nhiều lần từ New Jersey nhưng
có những thứ hình như không mọc lại, dù tôi cố gắng đến mấy.
Phụ nữ là thế. Cũng có thể tâm tính con người là thế. Họ sẽ không
nói nữa; lòng họ đầy những bí mật.
Nhưng ngoài những lúc ấy, chúng tôi cũng đã thật hạnh phúc,
nhất là những năm đầu. Những chuyến đi xa ngang dọc nước Mỹ.
Những khi nằm cạnh nhau đọc sách. Những lúc cười - khi thì vì
những bài thơ haiku mà tôi xuyên tạc, khi thì vì những trò nhố
nhăng cả hai nghĩ ra, nhưng thường thì vì sự báng bổ thản nhiên
của Sơn với mọi thứ trên đời. Rồi những cuộc nói chuyện dài về
đủ mọi thứ - triết học, toán học, máy tính, tôn giáo, văn học đến
những chuyện tầm phào. Những cuộc nói chuyện chỉ cần vài từ
là đủ.
- Có làm hay không?
- Không chắc thì không làm.
Cách cả hai cùng nhìn cuộc sống - như một thứ không thể để
nó chảy trôi dựa trên luật chơi và sự giải thích của người khác -
Sơn thì ra mặt, tôi thì ngấm ngầm.
Xã hội về cơ bản giống một bầy đom đóm - Sơn có lần nói - Nếu
mình muốn nổi lên thì mình phải sáng chói như mặt trời; nếu
không, mình phải như đom đóm gộc, phải hiểu và nghĩ giống
những con đom đóm khác, kể cả vớ vẩn, ngu ngốc và uỷ mị
giống họ. Đom đóm bao giờ cũng bay theo những con đom đóm
gộc. Còn nếu mình không phải mặt trời cũng không phải đom
đóm gộc mà mình là bóng đèn hay mặt trăng thì mình phải chấp
nhận là, đom đóm đàn không bay theo những thứ ánh sáng đứng
giữa như thế.
Nhưng cũng nhiều khi, tôi không thể cười vì “mình” với Sơn
hình như chỉ có mình anh; tôi cũng bị xếp vào “chúng nó” và
những cái “vớ vẩn, ngu ngốc, ủy mị” mà anh nói gồm cả những
gì tôi đang làm. Sơn nghĩ - và không ngại nói rõ với tôi - rằng tôi
ngây thơ quá, tôi đang làm những việc vô ích, phù phiếm - như
viết sách, dịch sách, học tiến sĩ, muốn làm cái nọ, cái kia cho xã
hội. Điều này thì không chỉ mình Sơn. Hình như nhiều người đàn
ông Việt Nam cũng nghĩ vậy. Họ thích và thành thạo việc nhắc
nhở những người phụ nữ quanh họ rằng việc một phụ nữ nghĩ
mình có trách nhiệm và có thể làm những việc nghiêm túc cho
xã hội là một việc nực cười tự thân và không thể thành hiện thực.
Với họ, phụ nữ vĩnh viễn chỉ có thể là đom đóm đàn, còn họ
nghiễm nhiên là mặt trời, mặt trăng, cột đèn, nếu không cũng là
đom đóm gộc. Họ hình như không biết điều đó khiến người bạn
đời của họ cảm thấy cô đơn như thế nào. Cô đơn giết người phụ
nữ rất nhanh - cái chết từ trong ra, như một thân cây héo hon
dần.
Nhưng thực sự, để gạch đầu dòng(1) thì Sơn có nhiều cái mà tôi
quý và trọng - và thấy chúng đẹp, và không muốn chúng biến
mất khỏi cuộc đời tôi. Sơn thông minh - theo cách không giống
ai, không cần ai công nhận. Anh hài hước và phóng khoáng - một
cách báng bổ và không sợ sự báng bổ. Trên hết, Sơn là người sống
có nguyên tắc, có tự trọng - có lẽ quá nhiều tự trọng. Những
nguyên tắc ấy làm anh khó sống trong xã hội và cũng trở nên
khó sống cùng bởi vì để giữ nguyên tắc của mình một cách tuyệt
đối thì người ta phải không cần bất cứ ai, bao gồm cả những
người thân thiết nhất với mình.
Cuộc sống của chúng tôi trong những năm qua luôn giữa hai
thái cực: vui thái quá và buồn thái quá. Tôi thường không biết
khoảnh khắc tiếp theo trong cuộc sống của chúng tôi là vui hay
buồn. Tôi cũng không biết năm sau nữa chúng tôi ở đâu; không
thể hình dung cái gọi là “cuộc sống ổn định” mà mọi người đều
mong muốn sẽ như thế nào với hai chúng tôi.
- Nếu em muốn ổn định thì đi mà tìm một thằng khác.
Sơn có lần nói với tôi và tôi không có gì để đáp lại câu nói đó.
Đấy là một thách thức mà tôi không thể nhận lời.
Trong những năm đầu, như tất cả những phụ nữ mới kết hôn,
hoảng hốt nhận ra người bạn đời của mình và mình có thể cãi
nhau rất to, rất nghiêm trọng, tôi thường xuyên tự hỏi mình đã
làm gì sai. Tôi cố gắng sửa chữa, cố gắng giải thích, rồi đấu tranh,
mềm có, cứng có. Khi những điều này không có kết quả, tất cả nỗ
lực của tôi đều như húc đầu vào một bức tường đá, thì tôi bắt đầu
như người loanh quanh trong một căn nhà rải đầy vỏ trứng; lúc
nào cũng rón rén để tránh những rạn vỡ. Nhưng cả điều đó
dường như cũng không đủ. Rạn vỡ vẫn cứ xảy ra. Lâu dần, tôi bắt
đầu thấy mình như người thủ sẵn một ít đồ đạc phòng thân để
lúc nào cũng có thể mở cửa đi tránh bão. Bây giờ, quá mệt để có
thể tiếp tục chạy, tôi không còn biết làm gì khác ngoài ra đi.
Nhưng ra đi thế nào?
Sơn không phải người xấu. Thậm chí trái lại. Anh vẫn là người
đàn ông thông minh nhất, hào phóng nhất, mạnh mẽ nhất, hài
hước nhất mà tôi biết. Nhưng anh chỉ không phải người bạn đời
tốt nhất - cho tôi. Tôi có lẽ còn chưa biết hết về bản thân nhưng
cũng đủ để hiểu rằng, nếu không có gì thay đổi, tôi không thể
sống mãi như thế này. Tôi không thể đứng mãi ở cửa, tự hỏi lúc
nào mình là “chúng ta”, lúc nào mình là “chúng nó”.
Nhưng phải ra đi thế nào, sau bảy năm ?
Tối hôm qua, tôi nằm trên sàn nhà đọc sách rồi nước mắt cứ
thế chảy. Một lúc nào đó, tôi thiếp đi rồi choàng mở mắt vì một
tiếng động. Sơn đang tắt đèn đi ngủ. Một ý nghĩ đi qua óc tôi:
thực ra chẳng có tiếng động nào đánh thức tôi cả, tôi chỉ phải
thức dậy để chứng kiến cái này. Để thấy không phải chỉ có một
mình tôi đang chịu đựng. Cả Sơn có lẽ cũng đang chịu đựng. Anh
không phải người bạn đời tốt nhất cho tôi thì tôi cũng không
phải người bạn đời tốt nhất cho anh. Bất kể tôi nghĩ anh hành hạ
tôi thế nào thì tôi có lẽ cũng hành hạ anh như thế, đơn giản vì
Sơn là Sơn, tôi là tôi, và chúng tôi là như thế.
Cái này không thể tiếp tục mãi. Đời người thực sự quá ngắn để
tiêu phí trong bất hạnh. Tôi muốn Sơn hạnh phúc - với ai cũng
được, nhưng phải hạnh phúc. Tôi cũng muốn tôi hạnh phúc -
một mình cũng được, nhưng phải hạnh phúc(2).
Nhưng phải kết thúc cái này như thế nào?(3)
Chương 2
Cuối tháng Mười, trời bắt đầu trở lạnh dù hôm nào cũng có
nắng. Không khí trong vắt. Những ngọn núi tôi nhìn thấy khi lái
xe trên đường Brook Pit đã chuyển sang màu đỏ và vàng. Chúng
gợi nhớ nắng và đất đá vùng sa mạc Tây Nam nước Mỹ, nơi mà
tôi và Sơn đã chạy xe xuyên từ Las Vegas sang Grand Canyon rồi
về Los Angeles. Chúng gợi nhớ cả New Jersey - hai chúng tôi đã
sống trong một căn hộ cao tầng mà từ ban công, vào mùa thu,
có thể nhìn thấy những tháp nhà thờ trắng nổi trên biển lá đỏ.
Rồi còn những đồng lúa mì và rừng bạch dương vàng của Iowa
và Illinois thuộc miền Trung Tây. Những thị trấn nhỏ thuộc
Massachusetts mà chúng tôi hay tới thăm vào những ngày cuối
tuần - Walden của Henry David Thoreau, Concord của Ralph
Waldo Emerson.
Chúng tôi đã thông báo với văn phòng thuê nhà là sẽ rời khỏi
đây để trở lại Chicago vào cuối tháng Mười một. Chúng tôi sẽ ở
đó; tôi sẽ tốt nghiệp chương trình tiến sĩ, còn những việc khác,
chúng tôi không rõ. “Ly dị” - từ này vẫn chưa một lần được nói
ra mặc dù đã treo lơ lửng trong không khí(4). Tôi không biết Sơn
nghĩ gì, có lẽ anh không thực sự tin chúng tôi sẽ ly dị .(5) Còn tôi,
mỗi lần nghĩ đến nó, trong đầu tôi cũng gần như lập tức nhớ đến
vẻ mặt và những im lặng kéo dài tại các bàn tiệc đám ma đám
cưới khi ai đó đột nhiên nói, “Này, con Trang vừa ly dị chồng
đấy”. Nỗi sợ bị gộp chung vào cái nhãn hữu hình “đàn bà ly dị(*)”
cộng với vô vàn những cái nhãn chỉ âm thầm được gọi ra trong
im lặng kéo dài làm tôi đông cứng.
- Cứ về Chicago xem thế nào - Sơn nói.
- Rồi ai đi đường nấy à?
- Biết làm thế nào được.
- Nhưng em sợ lắm.
- Có gì đâu mà sợ. Cái gì không giữ được thì vứt toẹt đi, có gì đâu.
- Nhưng em phải bắt đầu lại từ đầu. Em ba mươi tuổi rồi...
- Thế đã làm sao, có gì mà sợ, có người còn bắt đầu lại lúc năm
mươi, sáu mươi.
- Nhưng đấy là đàn ông. Anh không biết làm phụ nữ khó thế nào
đâu.
- Không giữ được thì phải bỏ đi thôi chứ biết làm thế nào?
- Thôi, cứ chờ xem thế nào.
Chờ cái gì? Chờ xem cái gì?
Sáng nay, Sơn dậy từ ba giờ sáng để đi chơi với mấy người bạn.
Tôi ngủ đến gần trưa rồi ra hiệu sách Borders để viết. Tôi không
lái xe mà đi bộ dọc đường Brook Pit, băng qua bãi đỗ xe của siêu
thị Market Basket, xuyên qua mấy con đường nhỏ đầy quả thông
khô để tới Borders, ngồi vào cái bàn cao gần chỗ bán cà phê, gọi
một cốc mocha và bắt đầu viết. Có một ông già dạo này hay ra
hiệu sách và thường ngồi đọc ở cái ghế bành gần chỗ tôi. Chúng
tôi vẫn mỉm cười chào nhau nhưng phải đến hôm nay mới nói
chuyện. Trông ông như Hemingway - cao lớn, râu tóc bạc trắng.
Tôi hỏi ông có phải giáo sư không vì tôi thấy ông đọc cuốn Đứng
trên vai người khổng lồ của Stephen Hawking; ông bảo đúng,
ông là giáo sư vật lý.
- Cô có biết bí quyết để dạy tốt là gì không? Phải đi tiểu thường
xuyên. Đấy là lời khuyên quan trọng nhất mà tôi nhận được. Cô
học xong tiến sĩ rồi có thể cũng làm giáo sư. Hãy nhớ nhé; phải
đi tiểu thường xuyên trong lúc dạy học.
Chúng tôi nói chuyện trường học và công việc nghiên cứu.
Ông hỏi tôi người gốc gì, tôi nói Việt Nam. Ông bảo hồi thập kỷ
60, ông suýt đi Việt Nam “chống cộng” nhưng may quá lại
không phải đi.
- Không thì hóa ra mình là thằng ngốc, có biết cộng sản là gì đâu
mà chống, chỉ nghe đài báo tuyên truyền. Để tôi kể cho cô
chuyện này. Một lần, tổng thống Mỹ và tổng bí thư đảng cộng
sản Trung Quốc ngồi trên hai xe ô tô đi cùng một đường. Xe đi
đến một ngã ba, rẽ phải là đi về chủ nghĩa tư bản, rẽ trái là đi về
chủ nghĩa cộng sản. Tổng thống Mỹ bảo lái xe “Rẽ phải”. Tổng bí
thư Trung Quốc thì bảo lái xe “Rẽ phải nhưng mà xi nhan trái.”
Tôi phá lên cười.
- Tôi biết thể nào cô cũng thích cái chuyện này mà.
Ông nhìn tôi bằng cái nhìn đấy - cái nhìn của một ông già hiền
từ, hẳn đã trải qua rất nhiều chuyện trong đời nên bây giờ chỉ
còn những chuyện cười và chỉ muốn kể chuyện cho người khác
cười.
- Hãy cười nhiều vào. Cô có vẻ không hay cười, tại sao thế? Tôi
thấy cô ngồi viết cả ngày, cô không nói chuyện với ai nhưng tôi
biết cô là người thích cười và biết cười. Phải cười nhiều vào.
- Cuộc sống của cháu vào lúc này không được buồn cười lắm.
- Thế lại càng phải cười chứ. Cái cậu hôm trước đi cùng cô có
phải chồng cô không?
- Vâng.
- Trông cậu ấy cũng hiền lành.
- Vâng, anh ấy hiền khi anh ấy muốn hiền.
- À, tôi hiểu rồi - Ông tặc lưỡi, rồi thêm - Mọi việc rồi sẽ ổn thôi.
Tôi cố cười. Tôi thực sự muốn tin vậy lắm.
- Để tôi kể cô nghe chuyện này. Hồi còn trẻ, tôi nóng tính lắm.
Kiêu ngạo nữa. Người vợ đầu của tôi rất đẹp. Tôi hay nghi, thế là
tôi nhờ bạn tôi đặt máy nghe trộm điện thoại. Một hôm, tôi thấy
cô ấy gọi cho một người đàn ông, rồi bảo “Em sẽ bảo chồng em
là máy rửa bát bị hỏng, em phải ra ngoài gọi người đến sửa... chờ
em ở chỗ...”. Rồi cô ấy gọi cho tôi ở cơ quan, cô ấy bảo “Anh ơi,
máy rửa bát bị hỏng, em sẽ ra ngoài gọi người...”. Tôi bảo ừ em đi
đi...
- Chúa ơi.
- Thật điên rồ phải không? Haha... Buồn cười là, lúc trước, tôi chỉ
nghi ngờ cô ấy có bồ thì lúc nào tôi cũng tưởng tượng đủ thứ
trong đầu, lúc nào tôi cũng như sắp phát điên. Nhưng khi tôi
biết sự thật, tôi rất bình tĩnh, tôi chỉ bảo ừ em đi đi...
- Và thế là hết?
- Thế là hết.... đơn giản không? Sự thật bao giờ cũng đơn giản thế
đấy. “Sợ hãi sẽ cầm tù ta, sự thật sẽ giải phóng ta”, cô nghe câu ấy
chưa?
- Cháu tưởng là “hy vọng sẽ giải phóng ta”?
- Tôi thích sự thật hơn là hy vọng.
- Nhưng phải đủ khỏe mới cáng đáng được sự thật. Đôi khi sự
thật quá sức chịu đựng của người ta... cho nên người ta phải đi
vòng qua hy vọng.
- Ừ, nhưng đường thẳng luôn là con đường ngắn nhất để đến
đích - ông mỉm cười rồi tặc lưỡi - À nhưng biết vậy không có
nghĩa mình làm được. Hồi đó tôi còn trẻ.
Giờ thì ông có lẽ ngoài bảy mươi, cao lớn, râu tóc bạc phơ,
khuôn mặt hiền từ, mắt linh lợi và thấu hiểu. Thật khó tưởng
tượng ông từng là một thanh niên - có thể là một thanh niên
thông minh, phóng khoáng, hài hước.
- Cuộc đời ngắn thật - tôi nói - Rốt cuộc mỗi người chỉ đo được
cuộc đời mình bằng vài mối quan hệ cơ bản, mà thường là quan
hệ buồn. Những người mình yêu quý luôn là những người làm
mình buồn nhất.
- Ô nào, đừng cho người khác quá nhiều quyền lực thế. Lúc trẻ,
tôi cũng nghĩ như cô đấy, tôi nghĩ người khác là quan trọng và
tôi để họ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của mình, nhất là
những người không thích mình. Đừng. Đừng cho bất cứ ai giải
thích cuộc đời cô. Cô có nhìn thấy cái quảng cáo xổ số mega ball
300 triệu đô la kia không? Hãy nghĩ thế này, tất cả những người
bây giờ đang làm khó cho cô, nếu ngày mai cô trúng xổ số 300
triệu và cho mỗi người một triệu, họ sẽ quay ra thích cô ngay.
Con người không ghê gớm đến thế đâu, mình lúc nào cũng có
thể đứng dậy mà đi được, hãy nhớ điều đó. Lúc nào cô cũng có
thể đứng lên và ra đi.
Lúc nào cũng có thể đứng lên và ra đi. Nghe thật dễ.
Thực ra, tôi đã đứng lên và ra đi rồi. Châu Âu là một cuộc ra đi
thử. Đã có những cuộc ra đi thử khác, có khi chỉ vài tiếng, có khi
vài ngày, có khi chỉ vài khoảnh khắc trong tâm tưởng.
Như sau này tôi biết từ các nghiên cứu xã hội, với đa số phụ
nữ, ly hôn chỉ là cái kết cuối cùng của một quá trình đã bắt đầu
trước đó rất lâu. Nó bắt đầu từ những thất vọng lớn nhỏ khác
nhau giữa hai người mà các nhà khoa học gọi là sự “vỡ mộng”.
Nó là việc một người bắt đầu tháo tấm khăn lãng mạn đã bịt
mắt họ khi trước để bắt đầu “bóc trần” người bạn đời của mình.
Đấy là lúc những nhận xét tiêu cực về người bạn đời của mình
bắt đầu ngấm ngầm xuất hiện trong đầu một người đàn ông
hoặc phụ nữ, ví dụ như “Vợ mình chẳng hề biết nấu ăn”, “Chồng
mình rất bẩn”, “Vợ mình rất luộm thuộm”, “Chồng mình lúc nào
cũng nghe mẹ một cách mù quáng”. Những nhận xét lúc đầu chỉ
thỉnh thoảng đi thoáng qua đầu họ, dần dần mật độ xuất hiện sẽ
dày lên; những khác biệt và những điều tiêu cực về người bạn
đời trở nên dường như không thể chịu nổi. Người ta sẽ thấy
người bạn đời của mình hóa ra là một người cấm cảu, lắm lời,
bẩn thỉu, phàm ăn tục uống, không nhạy cảm, keo kiệt, bủn xỉn,
chanh chua, bất tài, giả dối... những điều mà trước đây họ không
bao giờ ngờ là tồn tại. Đấy là lúc giai đoạn trăng mật trong hôn
nhân chấm dứt. Càng ngày, những thói xấu của người bạn đời
càng dễ làm họ cáu trong khi sự hấp dẫn và tin tưởng sứt mẻ
dần, khiến đời sống tình dục cũng bị ảnh hưởng. Một đời sống
tâm tư riêng bắt đầu xuất hiện giữa hai người, mở đường cho
giai đoạn “xói mòn”. Hai bên không còn ngấm ngầm giữ những
nhận xét tiêu cực bên trong mà bắt đầu phàn nàn thành tiếng.
Xung đột nổ ra. Nếu không được giải quyết, nó làm sứt mẻ sâu
sắc hình ảnh về người bạn đời và về hôn nhân. Sự tôn trọng sẽ
mất đi, giận dữ, coi thường, thậm chí khinh bỉ sẽ tăng lên.
Khi tôn trọng đã mất nghĩa là một người đã từ bỏ những nỗ
lực hàn gắn, điều chỉnh, sửa chữa, thỏa hiệp, thử chấp nhận. Họ
đã từ bỏ hy vọng về một thay đổi cơ bản. Khi hy vọng không còn
thì bước tiếp theo là những ra đi thử... Người ta có thể ra đi thử
bằng thân xác hoặc chỉ bằng tâm tưởng - người còn ở nhà
nhưng thực ra họ đã bước một chân ra khỏi cửa hoặc đã luôn
đứng cửa nhìn ra ngoài(6). Khi người phụ nữ đã ở tình trạng “tựa
cửa nhìn ra”, chỉ một ánh mắt hơi lâu của đồng nghiệp nam, một
câu nói đùa từ một người đàn ông xa lạ, thậm chí một lời nói
bâng quơ trên mạng cũng có thể trở thành cú hích đưa họ bước
chân ra khỏi nhà. Những cơn “say nắng” ở phụ nữ phần nhiều là
những cuộc ra đi thử, những ướm thử và thay thế giả tưởng
trong tâm lý về một bạn đời khác với người bạn đời hiện tại. Đa
phần phụ nữ rồi vẫn sẽ trở về và ở lại trong hôn nhân mà người
chồng có khi không bao giờ biết về những chuyến đi thử đó(7).
Với những người rồi chắc chắn sẽ ra đi thì rất lâu trước khi
chuyện ly hôn được chính thức đặt ra, họ đã đặt một chân lên
hành trình đó. Họ đã nhìn thấy trước hành lý của mình, đã đóng
gói chúng trong tâm tưởng, đã bắt đầu tính toán tới một cuộc
sống riêng; họ bắt đầu chia tách tài chính, tạo lập các “quỹ đen”
và các nguồn tiền riêng như một sự tự bảo hiểm; bắt đầu tạo
khoảng cách tình cảm và không để mình bị tổn thương bởi
những xung đột mà họ thấy không còn hy vọng cải thiện; họ
tìm việc làm nếu chưa bao giờ đi làm; họ đi học nâng cao để tăng
cơ hội sống độc lập về tài chính; họ kết nối với bạn cũ để chuẩn
bị về mặt công việc và quan hệ cho mình; họ bắt đầu tìm hiểu về
chuyện ly dị của người khác; họ nghe về quan hệ của người khác
để thấy rằng quyết định của mình là đúng đắn; họ bắt đầu rút
dần, rút dần... cho tới khi họ thực sự ra đi. Người bạn đời của họ
có thể cảm thấy bị đánh úp khi nghe đề nghị ly hôn - và trong đa
số trường hợp, ly hôn do phụ nữ đề xuất(8).- nhưng ly hôn thường
chỉ là chuyện thủ tục cuối cùng. Người phụ nữ thường đã dành
nhiều năm cố gắng vun đắp, hàn gắn, thử mọi cách trước khi
chọn con đường cuối cùng này.
Chương 3
Hiếm có mùa thu ở đâu đẹp như mùa thu New Hampshire.
Trời trong vắt, không khí se lạnh, gió nhẹ, nắng nhạt và ấm.
Những quả núi và cánh rừng rực vàng.
Nhưng mùa thu chỉ kéo dài ba tuần. Giữa tháng Mười một, cây
đồng loạt trút lá. Trong đêm, lá trút từng đợt ào ào, cành khô
răng rắc gãy, đất sắt lại, cỏ thu mình. Chỉ sau một đêm, từng vạt
rừng lớn dọc xa lộ US-3 cạnh nhà tôi trở nên trơ trụi. Những cành
cây khẳng khiu lộ ra, khua khoắng trên nền trời nặng mây.
Không còn những tán cây che chắn, tiếng dòng xe trên xa lộ vọng
vào hối hả ngày đêm. Trong không trung, những đàn ngỗng
miệt mài bay về phương Nam, tác lên gọi bạn. Có những đêm,
nhiệt độ xuống thấp và đến sáng, những nóc nhà phủ một lớp
tuyết phấn, báo hiệu mùa đông.
Chúng tôi đã làm xong thủ tục để chuyển đi vào cuối tháng,
ngay sau lễ Tạ ơn. Xe Ford Explorer đã bán. Đồ đạc cũng bắt đầu
được dọn dẹp, đóng gói. Chủ yếu là sách. Vào các thứ Bảy, chúng
tôi mang dần những thùng sách ra bưu điện gửi về nhà một
người bạn. Còn lại sẽ chất lên ô tô lái về Chicago.
Sau khi gửi hết sách, chúng tôi đóng một ngày thì hết đồ đạc
còn lại. Tất cả tài sản của tôi - của chúng tôi - thu lại trong mấy
thùng giấy; thực sự không có gì đáng để lo lắng đến thế. Tôi có
thể vứt bỏ hết và ra đi tay không; tôi chắc Sơn cũng thế - anh
chưa bao giờ cần bất cứ thứ gì. Chỉ có bản thân chúng tôi là còn
chưa sẵn sàng buông tay ra.
Hôm nay là lễ Tạ ơn - ngày lễ gia đình lớn nhất ở Mỹ. Chúng tôi
dọn bếp, lau nhà tắm để chuẩn bị trả nhà. Ngày mai chúng tôi sẽ
chất sẵn đồ lên xe và sáng sớm ngày kia sẽ lên đường. Đài báo
ngày kìa có bão tuyết, nghĩa là lái xe sẽ khó khăn. Để xem sao.
Nếu nguy hiểm thì có thể chúng tôi sẽ dừng lại dọc đường chờ
bão tan. Từ New Hampshire về Chicago hơn 1600km; chúng tôi
sẽ chạy xe mất hai ngày, kể cả không có bão tuyết.
Mùa đông New Hampshire.
Trưa, chúng tôi sang siêu thị Shaws mua bữa trưa, tiện thể
mang cả lọ tiền xu thừa tích cóp lâu nay sang đổi. Cái lọ to, nặng
trịch, mà rốt cuộc chỉ được hai mươi đô. Hôm nay siêu thị không
nấu đồ tươi; chúng tôi mua một ít thịt lợn xông khói và mấy chai
cà phê Starbucks để uống dọc đường.
Buổi chiều chúng tôi đóng nốt các đồ lặt vặt, vứt ra thùng rác
một lượng đồ còn lớn hơn đồ đóng gói, cho nhà hàng xóm sang
lấy tất cả những gì họ có thể lấy, rồi tắm và đi ăn tối. Bên ngoài,
trời lạnh nhưng không khí rất trong; trăng lưỡi liềm chỉ là một
mảnh nhạt trên bầu trời đang sẫm dần. Dọc đường Daniel
Webster chỉ còn quán Chicago UNO vẫn mở, những dòng chữ
bằng đèn neon nhấp nháy vui vẻ. Tất cả những nơi khác -
Applebee, Outback - đều tắt đèn. Trong bãi đậu xe, hai chúng tôi
khoác tay nhau, co ro.
- Hy vọng ngày mai không có tuyết.
Chúng tôi ăn bít tết với tôm hùm nướng và uống margarita. It
was nice. Chúng tôi uống, và ăn, và nói chuyện như hai người tri
kỷ hạnh phúc nhất trên đời. Như thể không có chuyến đi dài nào
trước mặt. Như thể cả hai sẽ ở nguyên đây. Như thể không có gì
để lo lắng trên đời.
Thế đấy. Hai chúng tôi quá tự do, quá độc lập, quá cần tự do và
độc lập của mình nên không muốn làm tổn hại tự do và độc lập
của người kia; cho nên chúng tôi cũng không có kết dính nào
khác ngoài sự tự nguyện.
Đã tự nguyện đến, giờ tự nguyện đi, ở khúc giữa là tự nguyện
từ chối quyền yêu cầu người kia thay đổi và ở lại, bất kể mình
cảm thấy thế nào trong lòng. Tự nguyện bất hạnh còn hơn phải
hy sinh nguyên tắc tự nguyện ấy.
Dũng cảm hay hèn nhát, sáng suốt hay quá ngây thơ, hay tất cả
những thứ đó - tôi sẽ không thể biết cho đến mãi sau này.
*
* *
Sáng thứ Bảy sau lễ Tạ ơn, chúng tôi dậy lúc bảy rưỡi, đi trả cáp
thuê Internet cho Comcast rồi bỏ nốt đồ đạc còn lại lên ô tô. Sơn
xếp nhiều đồ bên xe của anh hơn để xe tôi được nhẹ, sẽ dễ lái,
nhất là nếu có tuyết. Gần trưa, mọi việc xong xuôi. Hai chúng tôi
đi một lượt qua căn hộ để kiểm tra xem có gì còn sót lại. Căn hộ
trống trơn, sạch như chưa từng có người ở. Closet trong phòng
ngủ trống rỗng, tủ bếp trống rỗng, ngăn kéo trong nhà tắm
không một sợi tóc, bồn tắm không vết dầu gội. Tôi kéo lần lượt
các rèm cửa - căn nhà tối dần. Sơn khóa cửa. Chúng tôi trả chìa
khóa cho văn phòng rồi lên đường - Sơn lái xe Subaru, tôi lái xe
Dodge.
Trời nắng đẹp. Đường không đông vì vẫn đang trong lễ Tạ ơn,
mọi người ở nhà với người thân. Chỉ những khu siêu thị là đông
người. Tôi lái xe bám theo Sơn, đều đều tốc độ khoảng 120km/h.
Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến đường biên giới giữa New
Hampshire và Massachusetts. Ở trạm cuối của tiểu bang, chúng
tôi dừng lại đổ xăng vì New Hampshire không đánh thuế; ra khỏi
đây, xăng sẽ đắt hơn, mọi thứ đều sẽ đắt hơn.
- Đi chứ?
- Đi thôi.
Chúng tôi bám theo đường I-90 West chạy ngang
Massachusetts rồi vào địa phận New York. Từ đây trở đi, chỉ một
đường này tới tận Chicago nên tôi không cần bám sát Sơn nữa.
Tôi bắt đầu chạy theo tốc độ của mình, có khi trước, có khi sau
anh. Càng chạy càng nhanh mà tôi thậm chí không biết. Xe nặng
nên bám sát mặt đường chứ không bồng bềnh. Càng chạy, đầu tôi
càng dãn ra, chỉ còn lại bản năng nhấn ga, nhả ga, đạp phanh,
đánh lái, chuyển làn, lùi xa, đến gần. Tôi cứ lấy từng mốc một mà
tiến tới: đỉnh dốc trước mặt, cây cầu phía xa, cối xay gió giữa
đồng, khúc cua tay áo, trại ngựa có hàng rào trắng, đồng ngô bên
bìa rừng thông... Tôi vượt từng chiếc xe trên đường: Toyota,
Buick, Ford, Honda, Dodge, Jeep, Mercedes, Wolkswagen, xe nhà,
xe tải chở ô tô, xe Walmart, xe chở ngựa... I-90 là đường chính
xuyên từ bờ Đông sang bờ Tây nên có thể gặp biển số xe từ hầu
hết các tiểu bang.
- New Hampshire: Sống tự do hoặc chết.
- Massachusetts: Tinh thần nước Mỹ.
- New York: Tiểu bang đế vương.
- Delaware: Tiểu bang đầu tiên.
- Alabama: Chúa phù hộ nước Mỹ.
- Connecticut: Nơi lập hiến.
- Vermont: Những ngọn núi xanh.
- Illinois: Bang của Lincoln.
- Alaska: Phòng tuyến cuối cùng.
- Oklahoma: Thổ dân Mỹ.
- Wisconsin: Vựa sữa nước Mỹ.
- Ohio: Nơi khai sinh ngành hàng không.
- Virginia: Tiểu bang của tình nhân.
Thậm chí cả Hawaii.
- Hawaii: Tiểu bang Aloha.
Xe chạy xuyên qua Albany, thủ phủ của New York; rồi các thị
trấn nhỏ với những cái tên xa lạ - Colonie, Schenectady,
Amsterdam, Little Falls, Illion. Thỉnh thoảng, giữa những thị
trấn có kiến trúc giống nhau của Mỹ lại nổi lên một thị trấn Ý, Hà
Lan, Tây Ban Nha, hay phố Nga do những người di cư đầu tiên từ
các quốc gia này lập nên. Dọc đường, có nơi vẫn là mùa thu, lá cây
rực vàng trong nắng. Có nơi mùa đông đã tới, cây rụng hết lá; nền
rừng hai bên đường là thảm lá khô dày và giòn khiến những thân
bạch dương nổi lên như một đoàn thương binh quấn băng trắng.
Xen giữa những khu rừng trơ trụi là những vạt thông vẫn còn
xanh và sẽ xanh suốt mùa đông. Mạn Bắc New York thì đã trắng
tuyết; những hồ nước tráng một lớp băng mỏng, mặt nước hoàn
toàn tĩnh lặng, loáng sáng như mặt gương.
Vào đến New York, chúng tôi áng chừng sẽ ngừng lái ở Utica. Ở
trạm dừng bên đường, Sơn nhặt một cuốn quảng cáo khách sạn
và nhà nghỉ dọc đường. Đã lái xe dọc ngang nước Mỹ nhiều lần,
chúng tôi biết Best Western hoặc Days Inn là nhà nghỉ có giường
ngủ tốt cộng bữa sáng tốt. Vào tới Utica, Sơn lái vào làn trong
cùng để chuẩn bị ra khỏi cao tốc. Chúng tôi đi liền nhau, vừa đi
vừa quan sát các biển hai bên xa lộ xem exit nào có nhiều nhà
trọ, quán ăn, và siêu thị nhất. Đi đường dài thế này, tốt nhất là ở
exit nào không quá vắng vẻ nhưng cũng không quá trung tâm.
- Exit tới thì ra nhé - Sơn gọi cho tôi.
- OK
Chúng tôi giảm tốc độ, bật xi nhan từ xa và chạy đều đều vào
exit. Từ đây, cứ theo biển báo hai bên và các dòng đèn quảng cáo
nhấp nháy mà chọn khách sạn dọc con đường chính từ exit.
Chúng tôi bỏ qua một loạt motel chủ yếu cho dân lái xe tải rồi
vào khách sạn Days Inn gần một siêu thị. Check-in chỉ mất năm
phút. Chúng tôi đỗ xe ở gần cửa phòng, rồi chỉ lấy ba lô có máy
tính và đồ dùng thiết yếu mang vào.
Cũng đã gần chín giờ tối. Chúng tôi tắm, gọi pizza Domino vào
phòng; ăn rồi đi ngủ lúc mười một giờ.
Ngày đầu tiên trên đường như vậy là suôn sẻ. Hôm nay chúng
tôi đã chạy chừng 500km.
- Thế nào? Em có mệt không? - Sơn hỏi tôi.
- Không - tôi nói - kể ra lái xe cũng thích đấy chứ.
Dĩ nhiên - Sơn cười lớn - Ai bảo em là lái xe không thích? Chỉ có
bọn em chã ru rú ở nhà bú tí mẹ mới không thích lái xe. Bao giờ
em có thể lái xe hai chân bắn súng hai tay như anh thì em còn
thích nữa.
Tôi cười. Sơn là thế. Anh không bao giờ diễn đạt điều gì theo
cách thông thường. Luôn luôn phải là anh - một hảo hán - chống
lại “chúng nó” và cuộc đời quá chật. Nếu không thể thấy sự hài
hước ở đấy thì tôi chỉ có khóc.
*
* *
Ngày thứ hai trên đường.
Năm giờ chúng tôi tỉnh dậy. Trời đã hửng sáng; nền trời có
màu xám nhạt, nhiều mây. Ở đây, cây đã trút hết lá. Bên ngoài
hầu như không xe, không người. Sơn ra ngoài kiểm tra hai chiếc
xe. Thực ra, các nhà trọ ở đây đều rất an toàn; có điều, chúng tôi
chở nhiều đồ và có thể nhìn thấy đồ đạc từ bên ngoài nên vẫn cần
đề phòng một kẻ nghiện nào đó có thể cùng quẫn mà muốn ăn
cắp. Nhưng cả hai xe đều không sao.
Chúng tôi ăn sáng nhanh trong nhà trọ, lấy theo hai cốc cà phê
rồi trả chìa khóa phòng và lên đường lúc tám giờ. Đêm qua trời
lạnh nên kính xe phủ một lớp băng mỏng. Tôi khởi động xe rồi
phải chờ mười phút cho máy nóng, băng tan mới bắt đầu chạy.
Ra khỏi nhà trọ mười phút là vào exit trở lại đường I-90W. Chúng
tôi tiếp tục hành trình.
Trời nhiều mây nhưng đường khô ráo. Vẫn sớm nên xa lộ I-90
West hầu như không có xe, chỉ lác đác xe đường dài hoặc xe của
dân thị trấn đi làm ca đêm giờ mới về. Hai chúng tôi chạy tốc độ
khoảng 130km/giờ, thỉnh thoảng chậm lại nếu thấy bóng xe
cảnh sát. Vào những thị trấn hay thành phố, tôi cũng chậm lại và
cẩn thận ở những đoạn giao lộ để khỏi sai làn đường mà sang xa
lộ khác. Đường thoáng và khô nên xe chạy đều. Cứ chạy khoảng
gần hai tiếng chúng tôi lại dừng lại nghỉ khoảng mười lăm đến
ba mươi phút ở một trạm nghỉ bên đường
Xe qua Syracuse, Bu alo, rồi rời bang New York vào đến địa
phận Pennsylvania, chạy thoáng qua mạn Bắc của Pennsylvania,
vào đến Ohio. Trên đường, xe bắt đầu đông hơn, theo nhau chạy
thành dòng. Đến gần Erie của Pennsylvania, trời bắt đầu mưa và
tuyết nhẹ. Lúc đầu tuyết không bám mặt đường mà tan ngay
nhưng rồi tuyết rơi ngày càng nhiều, bắt đầu đọng lại trên đường
cùng với mưa. Đường trơn. Nhiệt độ xuống nhanh. Tuyết lẫn dần
với mưa thành một lớp bùn băng. Có thể cảm thấy bánh xe lướt
trên mặt bùn lỏng. Đồng hồ xe chỉ tốc độ 90km/h. Những xe bên
cạnh vẫn chạy nhanh và tóe bùn lên kính xe tôi. Tôi để cần gạt
tuyết chạy hết tốc độ; hai tay nắm chặt vô lăng, giữ một khoảng
cách xa với xe phía trước. Chỉ cần hơi mất lái hoặc phanh gấp là
xe có thể trượt và xảy ra tai nạn.
Quả nhiên, ở đoạn đường tiếp theo, xe trên đường dừng hết lại
vì có tai nạn. Một phụ nữ phanh gấp nên trượt khỏi đường, quay
180 độ, đầu xe hướng ngược lại. Cả đường dừng lại chờ người phụ
nữ quay xe. May không ai việc gì. Nhưng tôi cũng phải phanh lại
theo các xe khác và đấy là lúc tôi phát hiện phanh xe không ăn.
Tôi đạp phanh, xe không hề giảm tốc độ, chỉ có những tiếng khục
khục. Tôi nhả phanh, đạp lại, vẫn thế. Tôi quan sát dòng xe rồi
đánh lái sang làn đường vắng nhất, lại đạp phanh lần nữa. Vẫn
không ăn thua. Tôi bỏ hẳn chân khỏi chân ga cho xe tự động
chậm lại. Xe đi chậm dần. Tôi chờ cho tốc độ còn khoảng 60km/h
thì giữ chân ga đều đặn và giữ khoảng cách xa với các xe khác. Có
thể phanh xe bị hỏng; nếu thế, tôi sẽ phải tìm một exit vắng rồi
lái xe vào và chọn một chỗ dốc hoặc bụi rậm hay cánh đồng mà
đâm vào.
- Anh ơi, xe của em bị làm sao ấy - tôi gọi cho Sơn - phanh không
ăn.
- Thế thì vào exit tiếp theo nhé. Em đạp phanh chậm rồi nhả, rồi
đạp tiếp, đừng phanh gấp quá.
Tôi đạp chậm và nhẹ theo lời Sơn, phanh có vẻ ăn nhưng dường
như vẫn tự lún quá nhanh và trượt đi. Vào exit, tôi đạp nhẹ, nhả,
đạp tiếp, phanh có vẻ bình thường. Trong trạm xăng, tôi kể lại
cho Sơn chuyện phanh không ăn và kêu lục khục trên đường; Sơn
kiểm tra rồi nói phanh không sao, chỉ vì phanh ướt nên sẽ không
ăn nếu tôi phanh gấp. Từ giờ tôi hãy đạp nhẹ và chậm, rồi nhả ra
xong mới đạp tiếp; và tôi cũng phải giữ khoảng cách xa hơn với
các xe khác để có thể phanh chậm. Lái xe trong trời mưa tuyết
thế này bao giờ cũng nguy hiểm, nhất là nếu đường đổ dốc.
Nếu xuống dốc, em về số mà đi, đừng phanh nhiều và liên tục.
- OK.
- Chạy vào làn giữa thường có nhiều xe đi thành vệt trên tuyết
rồi, sẽ đỡ trơn hơn. Mưa thế này, làn ngoài có thể đọng nước có
băng đen, rất nguy hiểm. Nhưng nếu thấy trơn quá thì em cứ
chạy chậm ở làn trong cũng được.
Chúng tôi ăn vội mấy miếng bánh mì kẹp rồi mua cà phê mang
vào xe và lại lên đường. Thực ra tôi không sợ tuyết cũng không
sợ mưa; chỉ sợ xe hỏng phanh giữa đường. Nhưng xe chạy bình
thường. Tôi nhấn ga, lấy lại tốc độ.
Vào sâu Ohio, đồi núi biến mất, những rừng thông xanh cũng
biến mất, chỉ còn những đồng tuyết nối nhau. Trời mù xám
nhưng không mưa mặc dù tuyết vẫn rơi. Có một đoạn tuyết đột
nhiên thưa hẳn, chỉ còn là những hạt khô lất phất trên đường.
Trời dưới 0 độ nên tuyết đậu xuống không tan thành nước mà
theo gió quẩn lên thành những vòi rồng nhỏ, cuốn theo bánh
những chiếc xe chạy qua như thể đang múa trên đường. Trên
một đoạn đường vắng, rất nhiều những vòi rồng tuyết nhỏ lang
thang dạt trên đường rồi biến mất vào cánh đồng. Tuyết trên các
cánh đồng hai bên đường đã phủ một lớp váng băng mỏng, lấp
lánh ánh sáng xanh nhẹ. Thỉnh thoảng, trên một đồng tuyết
rộng, mây lại giãn ra một khoảng nhỏ, qua đó, ánh nắng chiếu
những vệt chéo lên mặt tuyết. Tôi có cảm giác mình đang trôi
giữa một xứ tuyết thần tiên. So beautiful.
Đồng tuyết nối tiếp đồng tuyết. Trắng nối trắng. Ở một đoạn
nào đó giữa các đồng tuyết trải dài, tôi nhìn thấy tượng người
đàn ông da đỏ khổng lồ bên đường.
- Hello again! - tôi nói to.
Tôi đã đi ngang bức tượng này ít nhất ba lần trong những
chuyến băng ngang nước Mỹ - có điều những lần trước thường là
Sơn lái, tôi chỉ thỉnh thoảng lái thay một hay hai tiếng (và
thường bực mình với sự chỉ đạo của anh). Lần này tôi lái một
mình. Quả thực là tôi thích lái xe hơn tôi tưởng. Tôi có thể cứ thế
này lái đến chân trời.
Chúng tôi đi mãi, đi mãi. Những thành phố và thị trấn tiếp tục
trôi qua. Những cánh rừng, dòng sông, cả xác hươu và chồn bị xe
chẹt chết trên đường theo nhau lùi lại. Trong gương chiếu hậu,
đường I-90 West chỉ là một vệt xám cắt thẳng vào chân trời.
Đến Toledo của Ohio, chúng tôi lại dừng lại nghỉ đêm trong
nhà trọ Days Inn. Lại gọi pizza Domino với cánh gà nướng ăn tối.
Hôm nay chúng tôi đã chạy 800km. Tôi đói nhưng không hề mệt.
Từ New Hampshire của Đông Bắc nước Mỹ sang Ohio miền
Trung Tây, cảnh vật thay đổi rõ rệt. Bờ Đông nhiều đồi núi;
không khí nhẹ nhàng hơn; vùng miền trung chỉ là những cánh
đồng trải dài đơn điệu, không khí nặng nề. Cái mệt vô hình của
nó bắt đầu thấm vào tôi khiến cho quyết định trở lại Chicago bắt
đầu có vẻ là một sai lầm. Chicago sẽ rất lạnh và còn nặng nề hơn
nữa; liệu tôi có chịu nổi không?
Nhà trọ Days Inn này gần xa lộ. Từ cửa sổ, tôi nhìn thấy những
dòng xe vun vút trên đường với ánh đèn loang loáng. Họ đi đâu?
Tất cả mọi người trên thế giới này đang chạy đi đâu, chạy khỏi
cái gì?
Lạ lùng. Tôi và Sơn, chúng tôi chỉ như hai hạt bụi phiêu dạt
trong gió; nay chỗ này, mai chỗ khác. Giá tôi có thể nhìn vào
tương lai và biết chúng tôi còn đi chung đường bao lâu, cái gì chờ
chúng tôi trên đường. Tôi không ngại lái xe cùng anh như thế
này trên đường. Sơn là bạn đồng hành tuyệt vời khi hai chúng tôi
cứ hai xe chạy như thế này. Lúc xe dừng mới là lúc đáng ngại.
Không phải trên đường mà chính trong những căn nhà, sự bất
định mới khiến người ta ngạt thở.
*
* *
Ngày thứ ba trên đường và là ngày cuối cùng. Còn 400km nữa
là tới Chicago.
Sáng nay chúng tôi lại lên đường lúc tám giờ. Trời lạnh buốt,
tuyết lất phất bay. Nhưng một giờ sau, tuyết bắt đầu xuống thực
sự. Từng chùm tuyết tơi tả đập vào kính xe. Mặt đường trơn
trượt; mỗi lần đổi làn, bánh xe lại trượt khẽ khi phải chạy
nghiêng. Tôi chạy nép vào làn đường trong cùng bên trái; ở làn
ngoài, những chiếc xe vụt qua táp đầy tuyết lên xe tôi. Tôi bám
chặt vô lăng, biết rằng chỉ cần khẽ trượt là xe có thể lao vào dải bê
tông phân cách hoặc, tệ hơn, vào xe khác. Mắt tôi căng ra nhìn
đường. Gió ngày càng mạnh. Nhìn chung là tệ.
Chúng tôi cứ đi như thế trên I-90W dọc biên giới Indiana và
Michigan, hướng về Chicago. Thỉnh thoảng, tuyết ngớt đi chút ít
nhưng gió không hề giảm. Từ sau South Bend của Indiana, gió từ
hồ Michigan càng rõ rệt. Mỗi lần dừng lại đổ xăng hoặc nghỉ, chỉ
ra khỏi xe là tôi phải cúi mặt tránh gió táp. Tôi đã quên mất mùa
đông Chicago tệ thế nào.
Khi đồng hồ chỉ mười hai giờ trưa, chúng tôi vào tới phía Nam
Chicago. Thành phố trắng tuyết nhưng trên đường đa số là người
da đen; họ co ro trong những chiếc áo khoác rộng và mũ trùm
đầu, chỉ để hở đôi mắt trắng đau đáu nhìn ra. Những nóc nhà và
miệng cống trên mặt đường nghi ngút hơi từ các đường nước
nóng và lò sưởi. Trong công viên và trên vệ đường dọc hồ
Michigan, tuyết đã xuống hai ngày qua, giờ làm thành một lớp
khoảng 30cm. Những con đường trong khu Hyde Park thậm chí
chưa được cào tuyết; chiếc Dodge cứ trượt dài, phanh lại kêu lục
khục, không bám đường. Tôi thực sự đã quên mất mùa đông
Chicago tệ đến thế nào. Tệ thật. Tôi hầu như tiếc nuối ngay lập
tức là chúng tôi đã quyết định về lại Chicago. Ở đây quá lạnh.
Stephanie - một người quen cũ - mở cửa phòng khách đón
chúng tôi. Ba ngày lái xe và cái lạnh bắt đầu ngấm sâu làm tôi
mệt. Mới có mấy giờ mà Chicago đã hút cạn năng lượng của tôi,
đẩy tôi trở lại tâm trạng buồn bã. Buổi tối đầu tiên ở Chicago,
chúng tôi ra ngoài ăn. Đường phố vắng ngắt, tuyết lấp lánh dưới
ánh đèn vàng. Tôi co ro vì cái lạnh chỉ có ở Chicago.
- Em mặc thế có đủ ấm không? - Sơn hỏi.
- Cũng đủ ấm nhưng mà cũng hơi lạnh - tôi nói mà không nghĩ.
Haha... đủ ấm là đủ ấm mà lạnh là lạnh, sao lại cũng đủ ấm
nhưng mà cũng hơi lạnh?
Nhưng tình trạng của tôi chính xác là thế đấy. Cũng đủ ấm
nhưng mà cũng hơi lạnh. Tôi đủ ấm để sợ cái ý nghĩ phải ra đi
khỏi cuộc hôn nhân này nhưng cũng quá lạnh để có thể tiếp tục ở
lại.
Chicago
Chương 4
Đầu tháng Mười hai, Chicago xuống âm 10 độ. Cái lạnh
ngấm xương xuyên tủy. Ngày nào cũng có tuyết, lớp này chưa
kịp tan, lớp kia đã xuống. Thành phố trắng như bị rắc vôi bột
trong một cơn dịch hạch. Xe cào tuyết vãi muối trắng đường,
dồn tuyết thành những ngọn núi nhỏ ở các ngã tư.
Chúng tôi về đã một tuần mà vẫn chưa tìm được nhà thuê vì
không phải mùa sinh viên tốt nghiệp hay khai giảng. Hôm qua,
chúng tôi đến xem một căn nhà gọi là Universal Community.
Đấy là một căn nhà cổ, có nhiều phòng cho thuê. Có năm người
đang sống ở đó; trông tất cả đều mệt mỏi, tăm tối; họ đã vào quá
sâu trong thế giới của chữ nhưng tắc trong đó và bị chữ rút hết
sức sống. Quần áo họ nhàu nhĩ, da sạm và đầy trứng cá, mặt
không còn thần thái, và dường như mất hết ý niệm về thực tại.
Một trong số họ - nửa Nhật, nửa Mỹ - hầu như quên mất khả
năng nói chuyện; và khi anh ta cất tiếng thì tiếng anh ta không
lớn hơn tiếng thì thầm. Một người khác dường như đã bị chữ
nghĩa đánh tan tác sự tự tin nên không thể nhìn thẳng người đối
diện trong lúc nói chuyện. Có một cô gái liên tục cố gắng tỏ ra
hài hước nhưng làm tất cả mọi người ái ngại. Họ có vẻ đều tốt
nhưng có một vẻ chết chóc, kiệt quệ nào đó bao quanh.
Ở nhà này, họ thay nhau nấu ăn. Buổi tối đó, họ nấu xúp khoai
tây với cà chua và cần tây. Chúng tôi mang đến một cái bánh
tiramisu lớn. Từ lúc vào nhà, chúng tôi đã biết sẽ không ở đây
nhưng chúng tôi vẫn ở lại ăn tối với họ. Khi ra về, Sơn hỏi:
- Thế nào?
- No way - tôi nói - No fucking way(*)
Không phải tôi coi thường họ. Tôi cũng không chê nghèo hay
khổ; tôi chưa bao giờ sợ khó khăn; nhưng phải là sự khó khăn có
nghĩa, không thể do cẩu thả với cuộc sống và với chính mình.
Cái này thì Sơn cũng giống tôi, thậm chí còn cực đoan hơn. Sơn
không chịu được sự tầm phào. Có lẽ đấy là vấn đề của chúng tôi -
cả hai đều thái quá theo cách riêng, đều tự hành hạ mình theo
những cách riêng, và biết thế nhưng cũng không thể đừng được.
Khi chúng tôi về, trời có sương mù . Hyde Park mịt mùng đến
nỗi những bức tường của trường đại học trông giống một lâu
đài cổ tích bị phù phép. Campus không bóng người, chỉ có
sương, những nóc nhà đầy tượng đầu thú và những cành cây cổ
thụ khẳng khiu. Trên đường chúng tôi đi, thi thoảng tuyết trên
cành cây lại rớt khẽ và một con quạ đen đâu đó tác lên lẻ loi. Ở
phía nhà thờ Rockefeller, một vài người mặc áo choàng đen
bước chầm chậm.
Mùa đông này sẽ khó khăn đây.
Mùa đông này sẽ khó khăn đây
Phần 2
Đại lộ Cornell
Chương 5
Cuối cùng chúng tôi cũng thuê được nhà - một cái studio
trên đường Cornell. Studio nhỏ, chỉ có một phòng chính, một
nhà tắm, một cái bếp nhỏ, và hai closet. Bên ngoài cửa sổ là
đường tàu Metra nối phía Bắc với phía Nam thành phố. Băng
qua đường tàu là đường 55 và khu siêu thị Treasure Island.
Hôm nay là ngày mùa đông điển hình của Chicago - nhiệt độ
âm 25 độ C và gió quần đảo, giày vò thành phố. Studio này có
một cái lò sưởi gang đã cũ, kiểu lò sưởi từ giữa thế kỷ 20; mỗi lần
bật lên lại kêu lọc xọc và xì hơi nóng. Nhưng cái lò sưởi không
phải điều tệ nhất của studio này. Cả đêm, tàu Metra chạy ngay
bên ngoài cửa sổ, cứ đều đặn tiếng một đánh thức chúng tôi dậy.
Xen với tàu Metra là những đoàn tàu hàng đường dài - đến mười
phút cho mỗi chuyến tàu. Mỗi lần tàu qua, sàn nhà rung chuyển.
Gió thì hú những hồi dài không dứt. Tôi kéo chăn kín đầu nhưng
cái lạnh vẫn thấm từ dưới sàn nhà gỗ qua những lớp chăn lót.
Gần sáng, gió gầm gào như con thú cùng đường muốn phá cửa
vào trong nhà. Tiếng gió đánh thức cả tôi và Sơn. Mới có một
đêm mà tôi đã có tên cho cái studio này. Nó sẽ được gọi là “Đồi
gió hú”.
Sáng nay, trời lạnh đến nỗi cửa xe Dodge phía bên vô lăng
đông cứng, không sao mở được. Tôi chật vật một lúc thì mở
được cửa phía bên kia. Lạnh đến nỗi hơi thở vừa thoát ra là đông
lại thành băng ngay dưới mũi và mắt cũng có một lớp băng
mỏng phủ bên ngoài con ngươi, mỗi lần chớp mắt đều thấy đau.
Chỗ nào cũng chỉ thấy lạnh và khó khăn. Suy thoái thì ngày
càng ngấm sâu vào lòng nước Mỹ - và mùa Giáng sinh đến làm
người ta càng thấm thía sự tê tái. Bản tin WGN sáng và tối tràn
ngập thống kể về sự thất thu của toàn bộ ngành sản xuất và bán
lẻ Mỹ vì năm nay người Mỹ không có tiền mà mua quà Giáng
sinh. Chưa kể, thất nghiệp đã lên đến gần 12% ở Chicago; các
công ty nhỏ phá sản hàng loạt; số người mất nhà tăng lên và
hàng người vô gia cư chờ các bữa ăn miễn phí tại các nhà tạm
lánh dài bất thường. Năm thứ ba liên tiếp, Chicago được tạp chí
Forbes xếp vào danh sách 10 thành phố khó sống nhất Mỹ - vì
lạnh, vì thất nghiệp, vì thuế cao...
Niềm vui lớn nhất là tôi đã trở lại trường và hôm nay đã gặp
Anne, giáo sư hướng dẫn của tôi. Tôi kể với Anne tình hình của
tôi; tôi nói tôi muốn tìm việc năm nay và sẽ tốt nghiệp năm tới.
Anne có vẻ lo lắng vì luận án của tôi còn dang dở nhiều nhưng
bà nói sẽ ủng hộ tôi. Bà nói tôi cứ thử - coi như tập dượt lấy kinh
nghiệm cũng tốt.
Suốt cả ngày, tôi ngồi viết trong PhD Lounge dưới tầng hầm
và không rời khỏi đó tới tận năm giờ chiều. Khi tôi đi lên, tuyết
đang rơi. Tuyết hẳn đã rơi cả ngày mà tôi không biết. Lúc này,
tuyết đã phủ dày mặt đường, mù mịt đất trời.
- Ra ngoài đi, đừng sợ, ra đi - Tony, người quét dọn tòa nhà nói
khi thấy tôi cứ đứng mãi trong sảnh nhìn ra ngoài.
- Anh nhìn xem.
- Ra đi, sợ thì cũng phải làm chứ.
- Nhưng anh nhìn xem.
- Em có muốn ở mãi trong này rồi chết đói không?
Tôi lội tuyết ra ô tô. Chiếc xe đã bị tuyết phủ trắng. Tôi vào
trong, khởi động, bật cần gạt lên, và thử chân ga. Bánh xe không
ăn đường. Chật vật lắm tôi mới về đến nhà. Trên đường, chỉ một
đoạn ngắn mà tôi nhìn thấy hai tai nạn - những chiếc xe mất lái,
phanh không ăn nên xe cứ từ từ trôi vào nhau. Bánh xe nghiến
tuyết lạo xạo trên mặt đường.
Trong nhà có một lò sưởi mới. Sơn hẳn đã đi mua lúc chiều vì
thấy trời tuyết ngày càng nhiều. Anh có vẻ rất vui vì trong nhà
bớt lạnh và đêm nay tôi có thể ngủ ngon.
Cổng vào đại học Chicago
Sơn vui nên tôi cũng vui. Đấy cũng là một điều khó nữa. Tôi
hay quý những thứ vui nho nhỏ như thế này mà bỏ qua những
thứ không vui lớn. Tôi luôn nhìn thấy cái tốt - qua nhiều cái tốt
từ những thứ nho nhỏ ở một người - và có lẽ lại còn quá ngây
thơ và ngạo mạn mà tin rằng tôi, chính là tôi, có thể làm cho
những thứ tốt nhỏ trở thành điều tốt lớn, thường trực. Nhưng
rồi cũng chính tôi không làm sao có thể ngoảnh đi làm ngơ với
những thứ nho nhỏ làm tôi đau lòng.
Giá mà tôi có thể ngừng là tôi. Than ôi, giá mà tôi có thể
ngừng là tôi.
Mấy năm sau, ở một khu chợ trời của Bombay, tôi nhìn một
người đàn ông mặc áo dài trắng đã ngả màu cháo lòng ngồi tỉ
mẩn xâu những tràng hoa cúc trong lúc người vợ mặc sari sặc sỡ
ngồi cạnh cũng tỉ mẩn xâu tỏi thành chuỗi để bán cho các đền
thờ, tôi bỗng nhiên hiểu ra một điều. Tôi và Sơn - hai chúng tôi
có lẽ chưa bao giờ thực sự là một đội, đã không biết cách để là
một đội. Hai chúng tôi giống những cặp bị loại từ mấy tập đầu
trong chương trình truyền hình Cuộc đua kỳ thú mà khi bạn
xem, bạn sẽ thấy họ có đủ sức khỏe, độ dẻo dai và kiến thức cần
thiết cho cuộc đua nhưng không hiểu sao họ không ngừng cãi
vã và không thể nào thống nhất để cùng về đích. “Hai người này
điên à?” - bạn vừa xem vừa quát vào màn hình. Alas, chính tôi
cũng phải lắc đầu khi nhớ lại một số việc của quá khứ. Nhưng
tôi lúc đó không phải là tôi bây giờ; Sơn lúc đó cũng không phải
là Sơn bây giờ; cả hai chúng tôi đều không phải là khán giả
truyền hình xem cuộc đua của người khác. Là người trong cuộc
bao giờ cũng khó hơn, mọi thứ trở nên quan trọng hơn và cá
nhân hơn nhiều. Vả lại, ngay cả khi bạn cố gắng hết sức, với tất
cả thiện chí và tình yêu, không phải với ai, bạn cũng có thể làm
thành một đội cùng về đích trong cuộc sống thực.
Chương 6
Giáng sinh. Cả thành phố đóng cửa. Hai chúng tôi ở nhà. Tối
trước Giáng sinh chúng tôi vào phố Hàn Quốc trên mạn Bắc ăn
tối. Chúng tôi ăn thịt bò barbeque ở một nhà hàng nằm bên góc
đường Western và Forster. Thịt bò nướng rất ngon, họ có tới 22
món kim chi khác nhau để ăn kèm - bày thành 22 cái đĩa nhỏ,
chật bàn ăn. Trên đường về, chúng tôi lái xe ngang qua
downtown để nhìn thành phố. Đại lộ Michigan sáng đèn; những
thân cây cổ thụ được quấn kín đèn màu; các toà nhà và các cửa
hàng cũng rực rỡ sắc đỏ, xanh, trắng của Giáng sinh; tiếng hát
Bing Crosby khắp nơi, lẫn trong tiếng chuông của những người
mặc quần áo Noel đứng quyên tiền từ thiện dọc đại lộ. Phía ngoài
Daley Plaza, một cây thông lớn đã được dựng lên; nhiều bố mẹ
đưa con tới chụp ảnh. Trên đường State, Washington, xe chạy
thành dòng, đèn xe làm thành những suối ánh sáng ấm áp. Trời
lạnh nhưng mọi người vẫn cố đi sắm sửa một chút vào phút
chót. Thành phố có một vẻ rạo rực khác thường.
Rồi năm mới đến. Ngày đầu năm mới, chúng tôi vào phố Tàu
ăn tối. Ngày hôm nay, chỉ có phố Tàu còn mở cửa. Chúng tôi gọi
thịt gà luộc với muối chanh, cua lột chiên bơ và sò - một bữa ăn
tương đối thịnh soạn trong tình trạng hiện tại. Khi về đến nhà,
thức ăn và gió lạnh làm tôi chỉ muốn lên giường ngủ ngay. Trên
ti vi lúc đó đang chiếu một buổi hòa nhạc ở trung tâm Lincoln tại
New York. Tôi nằm nghe rồi ngủ thiếp đi mà không biết. Khi tôi
mở mắt, năm mới đã sang. Qua cửa sổ, không khí rất trong, trời
đầy những vầng mây xám mỏng. Đường phố hoàn toàn vắng
lặng; giống hệt ngày mồng một Tết ở Hà Nội. Sơn cũng đã tỉnh
dậy. “Chúc mừng năm mới” - chúng tôi nói với nhau.
Ngày hôm nay, gió dường như cũng biết điều mà ngừng thổi để
không phá hỏng không khí tĩnh mịch của ngày đầu năm. Phía
bên kia đường, cả khu Hyde Park Shopping Plaza không bóng
người. Các cửa hàng đóng kín; những ngôi nhà đứng trầm mặc,
các nóc nhà phủ một lớp tuyết mỏng, khói bay lên chờn vờn từ
các ống khói. Đến gần trưa, trời bắt đầu nắng lên. Ánh nắng
xuyên qua những tầng mây xám, làm tuyết trên các nóc nhà ánh
lên lóng lánh. Hai chúng tôi khoác tay nhau đi bộ ra hồ Michigan,
dạo dọc bờ hồ rồi trở về nhà.
Dạo này, Sơn thường miệt mài tập khí công. Bây giờ, Sơn cũng
đang bỏ áo, đứng đều đặn hít vào thở ra. Anh rất tập trung - sự
tập trung mà tôi hiểu vì nó chỉ có khi người ta thực sự say mê
một điều gì đó, biết nó trong máu thịt của mình, là một với
mình. Say mê, không giải đãi, không đối đãi. Say mê chứ không
chỉ là thích - hai điều đó khác nhau rất nhiều và điều thứ nhất
hiếm hơn người ta tưởng rất nhiều. Tôi nhìn Sơn và lại cảm thấy
có thể sống với anh bởi vì chúng tôi chia sẻ với nhau những thứ
như thế này.
Chính ở Chicago này, vài năm về trước, đôi khi tôi từ trường
trở về nhà, khóc, và nói với Sơn “Em chỉ đang lãng phí thời gian
của em. Ở đây không có gì cho em học cả” và biết Sơn hiểu tôi nói
gì. Đấy là những năm đầu ở đại học Chicago, tôi đã rất thất vọng
với chương trình học và muốn bỏ dở; nhưng rồi tôi đã kiên nhẫn
thêm được một chút, đổi hai người hướng dẫn, và gặp Anne. Lúc
ấy tôi biết - và cả bây giờ tôi cũng biết - Sơn là một trong số ít
người sẽ không khuyên tôi cố gắng chỉ để lấy cái bằng tiến sĩ.
Nhưng cũng chính ở Chicago này vài năm trước, Sơn đã dạy tôi
tập lái xe và mỗi lần học, chúng tôi đều cãi nhau và tôi khóc. Sơn
không đủ kiên nhẫn để dạy tôi; tôi chỉ cần vào cua không hoàn
hảo là anh nổi cáu. Ngồi sau vô lăng, thêm Sơn bên cạnh liên tục
nhắc nhở, tôi không sao có thể bình tĩnh. Cả hai lần đi thi lấy
bằng, Sơn đều đưa tôi đi và tôi sợ làm anh thất vọng đến nỗi,
trong bài thi thực hành, với một giám thị ngồi cạnh, chân tôi cứ
run lên bần bật, đầu gối đập lộp cộp vào bệ xe. “Cô làm sao thế?” -
người giám thị ái ngại hỏi tôi và tôi không biết trả lời anh ta thế
nào. Kết quả là tôi đã trượt thi lái xe - cả hai lần; và đó là lần đầu
tiên trong đời tôi trượt một cuộc thi. Lần thứ hai, khi biết tôi
trượt, Sơn nổi giận đến nỗi trên đường về, anh rồ ga, lạng lách,
suýt đâm vào xe khác. Tôi giận Sơn lắm. Nhưng hơn cả giận là cái
gì đó giống như tuyệt vọng. Chuyện không phải chỉ là bằng lái
xe. Cuối cùng, tôi chờ Sơn đi công tác, gọi một người ở công ty
dạy lái xe tới đưa tôi đi thi và đỗ dễ dàng.
Có thể mọi việc sẽ tốt đẹp nếu chúng tôi kiên nhẫn đi qua đoạn
khó khăn này. Cả hai chúng tôi đều không phải người xấu, không
lười biếng và không bất tài; cả hai chúng tôi đều có những điên
rồ riêng - tôi biết thế. Những khó khăn chúng tôi có không phải
do đồng bóng, chúng có thực... nhưng có thể vẫn dung hòa được
nếu chúng tôi cố gắng đi qua đoạn này. Có thể, chúng tôi chỉ
đang rơi vào cái quy luật mà người Mỹ gọi là “cơn ngứa năm thứ
bảy” của hôn nhân. Người ta nói, năm thứ ba sau kết hôn thường
là năm cao trào của ly hôn khi hai người yêu nhau thực sự về
chung sống dưới một mái nhà với những thường nhật của cuộc
sống vợ chồng, thời kỳ trăng mật qua, và thực tại về người bạn
đời cũng như về hôn nhân khiến họ vỡ mộng trầm trọng. Nếu
vượt qua năm thứ ba, thì năm thứ bảy sau khi kết hôn là một
đỉnh cao khác của đồ thị ly hôn. Tới lúc này, các cặp vợ chồng
hoặc đã cố chịu đựng nhau để nuôi được đứa con nhỏ qua khỏi
thời thơ ấu hoặc chưa có con và cảm thấy không còn muốn
chung sống với nhau hết đời. Bảy năm là khoảng thời gian đủ dài
để hai bên thử thỏa hiệp, hàn gắn, nhân nhượng, thay đổi, điều
chỉnh, chấp nhận, thương lượng, v.v... cho đến khi họ thấy mọi nỗ
lực đều không đủ để giữ lại hôn nhân của mình. Nếu vượt qua
được năm thứ bảy thì một đỉnh cao khác của ly hôn là thời điểm
những đứa con đến tuổi vào đại học và rời nhà. Khi đó, còn lại “tổ
ấm trống rỗng”, cả hai không còn những đứa con làm lý do níu
kéo và đủ kinh nghiệm đối phó với xã hội nên dù già, họ cũng
quyết định chia tay(*).
Có thể chúng tôi chỉ đang rơi vào cơn ngứa bảy năm này? Hoặc
có thể chúng tôi chỉ đang khó khăn như bao nhiêu người Mỹ
cũng khó khăn vì suy thoái kinh tế? Hoặc có thể là vì gánh nặng
chương trình tiến sĩ vào giai đoạn cuối? Hay là sông có khúc,
người có lúc và chúng tôi chỉ đang ở một khúc quanh? Hôn nhân
nào mà không có lúc ngấp nghé chia tay.
- Cuộc đời thật bất công - tôi nói.
Sơn phá lên cười.
- Ai bảo em là cuộc đời công bằng?
Không ai bảo tôi. Mà tôi cứ hy vọng thế thôi. Hy vọng những gì
đang xảy ra và đã xảy ra với chúng tôi có một ý nghĩa nào đó về
lâu dài bởi vì lúc này tôi thực sự không biết phải nghĩ thế nào.
Chúng tôi không hề nói tới chuyện ly hôn từ lúc quay lại Chicago
và chúng tôi vẫn sống với nhau bình thường - thậm chí bình tĩnh
đến lạ lùng, một sự bình tĩnh gần giống như hạnh phúc. Như
những năm tháng đầu tiên, chúng tôi đã sống thật bình tĩnh và
hạnh phúc.
Thế thì cái cứ lặng lẽ gọi tôi ra đi là cái gì? Nó tìm kiếm điều gì?
Sao nó ở trong tôi mà tôi không thể điều khiển? Biết bao nhiêu
người vợ chờ chồng trong chiến tranh, vợ của những người làm
nghệ thuật, vợ các nhà khoa học - họ gặp khó khăn lớn hơn nhiều
mà họ vẫn vượt qua. Tôi lấy tư cách gì mà cho phép mình ly hôn
chứ? Vậy thì cái cứ gọi tôi ra đi vào lúc này là cái gì? Sao tôi
không thể dập tắt nó?
Thật thế ư, thật sự là tôi sẽ chia tay Sơn khi mà vào lúc này,
nhìn anh như thế, tôi không thể hình dung có bất cứ xung đột
nào mà chúng tôi lại không thể cùng nhau vượt qua.
Tôi không biết rằng việc nghĩ đi nghĩ lại, mất hướng, và đổ lỗi
cho bản thân là tâm lý bình thường với hầu hết phụ nữ trải qua
ly hôn - và càng bình thường với phụ nữ Việt Nam(*). Ngay cả
những người phụ nữ có chồng vũ phu, nát rượu, hành hạ họ cả
về thể chất lẫn tinh thần cũng sẽ rất khó bước chân ra khỏi hôn
nhân - họ thường bỏ đi, rồi quay lại, rồi bỏ đi, rồi tiếp tục quay lại
nhiều lần cho tới khi không thể chịu đựng thêm hoặc một kết
thúc tồi tệ khác xảy ra(9). Ngoài chuyện nghĩ đến con cái, tài
chính, sợ bị trả thù, sợ mất mặt với xã hội, thì còn có một tình
trạng tương đối phổ biến, nhất là ở các cặp vợ chồng có học vấn:
việc bạo hành xảy ra rất bí mật mà chỉ có người phụ nữ biết, do
đó họ sợ rằng không ai có thể tin câu chuyện của mình (mà
chính cô ấy có thể đã chủ động che giấu cho chồng trong nhiều
năm). Thêm vào đó, nhiều phụ nữ lấy chồng bạo hành lại có bố
cũng từng bạo hành với mẹ, do đó, họ lớn lên với niềm tin rằng
bạo hành là chuyện bình thường của mọi hôn nhân.(10)
Trong trường hợp không có các lý do rõ ràng như chồng bạo
hành, nát rượu, ngoại tình, v.v... phụ nữ thường cho rằng mình
sai, vô đạo dức, và ích kỷ khi muốn ra đi khỏi một gia đình
dường như hoàn toàn “bình thường”. Khi quyết định ra đi, họ
thường mang “mặc cảm người đề xuất ly hôn” trong một thời
gian dài(11). Họ vật vã rất lâu với câu hỏi ai là người có lỗi và
thường quy vào một trong sáu đối tượng: bản thân, người bạn
đời, các quan hệ xã hội (mẹ chồng, em dâu), các yếu tố hoàn cảnh,
sự may rủi, hoặc số phận. Trường hợp không thể quy trách
nhiệm cho bạn đời hoặc cho hoàn cảnh, số phận, là trường hợp
người ly hôn sẽ dằn vặt nhiều nhất. Luật pháp có thể ủng hộ ly