phòng khác. Tôi thì gần chết vì cười thầm. Kệ! Tôi sẽ không
đánh đổi niềm vui của bố và của tôi lấy cái quy ước văn minh.
Giá tôi cũng có thể oang oang chỉ thẳng vào Picasso hay Degas:
“Kém, kém lắm, rất kém!”
Ở bảo tàng ra, chúng tôi đi bộ tới bờ hồ Michigan và nằm trên
bãi cỏ cạnh hồ. Bố rất thích hồ Michigan và những thảm cỏ. Bố
nói có thể cứ nằm trên cỏ nhìn trời xanh và ngủ suốt ngày.
- Ở Việt Nam thì lấy đâu ra một chỗ thế này - bố nói - Chúng nó
văn minh là ở chỗ này này, chứ nhà cao tầng thì bình thường, bố
chẳng thích.
Trở về nhà lúc gần sáu giờ trên xe buýt, khi hoàng hôn bắt đầu
xuống trên hồ Michigan, tôi nhìn mặt nước huy hoàng và
những hàng cây xanh lá dọc hồ và lại nghĩ Chicago thật đẹp vào
đầu mùa hè. Tôi yêu quý thành phố này và nó cũng đã cho tôi
rất nhiều. Tôi may mắn đã được sống ở đây nhiều năm, được thụ
hưởng một nền giáo dục tuyệt vời ở đại học Chicago nhưng giờ
là lúc phải đi.
Tạm biệt Chicago. Tạm biệt.
Giờ tôi phải tới California để bắt đầu cuộc sống mới.
California giờ sẽ là nhà.
Nhưng cuộc đời kỳ lạ. Ngay khi bạn tưởng đã biết mình là ai
thì sẽ có chuyện xảy ra khiến bạn phải nghĩ lại. Ngay khi bạn
tưởng đã khám phá ra bí mật cuộc sống thì những cánh cửa mới
và không gian mới sẽ mở ra, đảo lộn tất cả.
California hóa ra còn chưa phải là nhà và tôi chỉ mới đi được
nửa đường bởi vì những chuyện xảy ra sau khi tôi tới California
còn là một thử thách lớn hơn những gì đã xảy ra trong hai năm
qua. Chúng sẽ khiến những gì tôi từng vật lộn trong ly hôn trở
nên vụn vặt. Chúng sẽ mở mắt cho tôi về sự bé mọn của những
phiền não, những suy tư và cả những niềm vui mà tôi đã nuôi
dưỡng trước đó. Chúng phá vỡ thêm một lần nữa tất cả những
thành trì ý niệm tôi còn giữ về tôi, về con người và cuộc sống
trước khi hé cho tôi thấy câu trả lời cuối cùng.
Đón đọc quyển ba
VỀ NHÀ
Một số tài liệu tham khảo
- E. Mavis Hetherington (ed.). 1999. Coping with divorce, single
parenting, and remarriage. Lawrence Erlbaum Associates,
Publishers: Mahwah, New Jersey.
- Judith Wallerstein & Sandra Blakeslee. 1990. Second chances:
men, women, and children a decade after divorce. Ticknor &
Field: New York.
- Judith Wallerstein & Joan Berlin Kelly. 1980. Surviving the
breakup: How children and parents cope with divorce. Basic
Books: New York.
- Judith Wallerstein, Julia Lewis, and Sandra Blakeslee. 2000. The
unexpected legacy of divorce: A 25 year landmark study.
Hyperion: New York.
- Joseph Guttmann. 1993. Divorce in psychologial perspective:
Theory and research. Lawrence Erlbaum Associates, Publishers:
Hillsdale, New Jersey.
- Sheila Keesler. 1975. The American way of divorce. Nelson-
Hall: Chicago.
- Catherine Kohler Reissman. 1990. Divorce talk: Women and
men make sense of personal relationships. Rutger University
Press: New Brunswich.
Ghi chú:
(*) Tỷ lệ ly hôn hiện tại ở Việt Nam dưới 5%, thuộc vào hàng thấp nhất thế giới và
chỉ cao hơn tỷ lệ ly hôn ở những nước theo truyền thống sắp đặt hôn nhân hoặc
những nước theo tôn giáo cấm ly hôn như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Mông Cổ.
(*) Không đời nào, không bao giờ.
(*) Thống kê của Tổng cục điều tra dân số Mỹ năm 2011 cho thấy 5 năm sau khi kết
hôn, 82% các cặp vợ chồng còn chung sống với nhau; 10 năm sau khi kết hôn, con số
này là 65%; 15 năm sau khi kết hôn còn 52%; 25 năm sau, còn 33%; và 35 năm sau, chỉ
có 20% các cặp vợ chồng còn tiếp tục sống với nhau, ở Việt Nam, theo Điều tra Gia
đình 2006 thì số năm chung sống trung bình từ lúc kết hôn tới lúc ly hôn của người
Việt Nam là khoảng 9 năm. Sau ly hôn, đa số con cái ở với mẹ.
(*) Trong cuốn Cuộc đời bí mật của những người vợ. Iris Krasnow phỏng vấn hơn
200 phụ nữ thuộc các lứa tuổi khác nhau, với độ dài hôn nhân khác nhau, và kết luận
rằng ngay cả những người phụ nữ kết hôn đã lâu và có vẻ có một cuộc hôn nhân
hạnh phúc đều tiết lộ rằng họ thường xuyên nghĩ đến chuyện ly hôn.
(*) 76% phụ nữ ly hôn sau tuổi bốn mươi nói rằng họ đã quyết định đúng khi ly hôn
(so với 64% ở nam giới). Khi được hỏi họ sẽ thay đổi gì ở cuộc hôn nhân tiếp theo, 42%
nói rằng họ sẽ kết hôn với người có nhiều điểm chung với mình hơn, 26% nói rằng
họ sẽ phải tìm hiểu bạn đời của mình kỹ hơn và lâu hơn trước khi làm đám cưới.
(*) Tôi cóc quan tâm.
(*) Đời thật là chán chết.
(**) Anh đùa à?
(*) Sau ly hôn, chỉ có 27% các cặp vợ chồng cũ còn là bạn, số còn lại không bao giờ
còn liên hệ với nhau hoặc chỉ bất đắc dĩ liên hệ khi có việc.
(*) Theo một số nghiên cứu tại Mỹ, nguy cơ tự tử ở người ly hôn cao gấp 3 lần người
đang kết hôn. Thậm chí, ở hầu hết các thành phố lớn tại Mỹ, ly hôn là nhân tố có liên
hệ hàng đầu với tự tử, hơn cả các nhân tố về sức khỏe thể chất, tài chính, hay tâm lý
khác. Nghiên cứu ở 13 nước châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới cũng kết luận rằng ly
hôn là nhân tố duy nhất có liên hệ với tự tử ở tất cả 13 nước. Mặc dù cả đàn ông lẫn
phụ nữ đều nghĩ tới tự tử trong và ngay sau khi ly hôn, phụ nữ thường chỉ dừng lại ở
ý nghĩ hoặc thử tự từ không thành (do nghĩ đến con cái) còn đàn ông có tỷ lệ tự tử
thành công cao hơn và cũng cao hơn nhiều so với đàn ông không ly hôn. Các nhà
khoa học cho rằng ly hôn khiến cho phần lớn đời sống xã hội thông thường của đàn
ông (quan hệ bạn bè, gia đình, làng xóm vốn do người vợ thiết lập và duy trì) bị gián
đoạn hoặc biến mất, khiến cho đàn ông dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, cô đơn, và
đưa đến tự tử. Tại Mỹ, hầu hết con cái sau ly hôn sống với mẹ nên người đàn ông vừa
có cảm giác “mất con” lại vừa phải trả một phần lớn thu nhập cho phụ cấp nuôi con;
điều này khiến họ cảm thấy cùng đường.
(*) Em rất dễ thương.
(**) Em là thiên tài.
(*) Anh chắc không?
(**) Chắc chắn.
(*) LGBTQ (lesbian, gay, bisexual, transgender, queer): cụm từ chung ở Mỹ để chỉ
người đồng tính, lưỡng tính, và chuyển giới.
(*) Ethnographie Atlas và Atlas of World Cultures của George Murdock.
(*) Ở thời điểm tôi viết cuốn sách này, 36 trong số 50 bang của Mỹ định nghĩa “hôn
nhân” là quan hệ hôn phối giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Mười bốn
bang còn lại đã sửa đổi định nghĩa hôn nhân để công nhận hôn nhân đồng tính. Trên
thế giới, hiện tại, chỉ có 15 nước (Argentina, Bỉ, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp,
Iceland, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nam Phi, Thụy Điển, Uruguay, New
Zealand) và một số các chính quyền địa phương của một số các quốc gia hợp chủng
(ví dụ một số bang ở Mỹ hoặc ở Mexico) công nhận hôn nhân đồng tính.
(*) Theo Điều tra Gia đình Việt Nam 2006, hơn 90% người được hỏi cho biết họ hài
lòng với hôn nhân của mình. Mức độ hài lòng tỷ lệ thuận với mức sống gia đình,
trình độ học vấn và tỷ lệ nghịch với số năm kết hôn. Đối với những người không hài
lòng với hôn nhân, hai nguyên nhân chính đưa đến không hài lòng là bất đồng trong
ứng xử (45%) và khó khăn kinh tế (43%).
(*) Người phụ nữ hạnh phúc, đơn giản.
(*) Mùa hè đó ở Paris.
(*) Thành phố ma.
(*) Camper là dạng xe ô tô nhưng như một cái nhà di động; bên trong có cả giường,
bếp, nhà vệ sinh.
(*) Compliment: lời khen ngợi, tán dương, sự ngợi ca, ngưỡng mộ.
(*) Thế giới của đàn ông.
(*) Đi nào Snow, cún cưng xinh đẹp của mẹ.
(*) Mở rộng tri thức, làm giàu cuộc sống.
Chú thích:
Tất cả các chú thích trong sách đều từ các nghiên cứu mà tôi đọc sau khi đã ly hôn.
Tôi đưa chúng vào để cung cấp thêm cho bạn đọc thông tin về các vấn đề có liên quan
trong sách.
(1) Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chủ yếu dùng thuyết trao đổi xã hội (social
exchange theory) và thuyết thỏa dụng (utility theory) để giải thích quyết định kết
hôn và ly hôn. Theo lý thuyết này, con người tham gia vào các quan hệ nói chung và
hôn nhân nói riêng dựa trên đánh giá về lợi ích và chi phí cho quan hệ đó - và quy đổi
thành mức độ thỏa mãn với quan hệ. Con người sẽ có xu hướng tham gia vào các
quan hệ mà ở đó chi phí là tối thiểu trong khi lợi ích là tối đa. Trong cân nhắc về mức
độ thỏa mãn với quan hệ, thường thì người ta sẽ tính tới hai tiêu chí: sự thỏa mãn mà
họ cho là mình đáng được hưởng và sự thỏa mãn mà quan hệ này mang lại so với các
quan hệ thay thế. Một người có thể không thỏa mãn với hôn nhân hiện tại nhưng nếu
người đó nghĩ rằng nếu mình ly hôn và lấy người khác, tình hình cũng không khá
hơn thì người đó vẫn sẽ quyết định ở lại trong hôn nhân. Khi họ quyết định ra đi, họ
phải tin rằng mình đáng có một mức độ thỏa mãn cao hơn trong hôn nhân và/hoặc
họ có triển vọng có các quan hệ mới với mức độ thỏa mãn cao hơn. Nhà kinh tế học
Gary Becker (Nobel kinh tế 1992) phát biểu một lý thuyết về sự bất ổn của hôn nhân,
theo đó hôn nhân sẽ tan vỡ nếu như tổng tiện ích có được từ hôn nhân thấp hơn tổng
tiện ích có thể thu được từ ly hôn. Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 cho thấy hơn 90%
người được hỏi hài lòng với hôn nhân của mình. Mức độ hài lòng tỷ lệ thuận với mức
sống gia đình, trình độ học vấn và tỷ lệ nghịch với số năm kết hôn. Đối với những
người không hài lòng với hôn nhân, hai nguyên nhân chính đưa đến không hài lòng
là bất đồng trong ứng xử (45%) và khó khăn kinh tế (43%).
(2) Lúc ấy, tôi còn chưa biết, hóa ra, tôi không hề một mình trong cảm giác này.
Trong một nghiên cứu kéo dài 14 năm, hai giáo sư Sybil Carrere và John Gottman
thuộc đại học Washington đã theo dõi hôn nhân của 638 cặp vợ chồng và kết luận
rằng các cặp vợ chồng đi đến ly hôn thường trải qua năm bậc thang nhận thức. Ở bậc
thang thứ nhất - gọi là “ngập lụt bội thực” ( ooding) - một bên sẽ cảm thấy những
tình cảm tiêu cực từ người bạn đời của mình nhiều đến nỗi họ sẽ làm bất cứ điều gì
để thoát khỏi sự ngập lụt đó. Ở bậc thang thứ hai, họ nhận ra rằng những vấn đề
trong hôn nhân của mình thực sự rất nghiêm trọng và căn bản chứ không phải chỉ là
các xung đột nhỏ mà cặp vợ chồng nào cũng có. Ở bậc thang thứ ba, họ cảm thấy
rằng họ muốn và chỉ có thể giải quyết vấn đề một mình chứ không muốn và không
thể cùng giải quyết. Tới bậc thang thứ tư, hai bên hoặc một bên bắt đầu chủ động tạo
dựng sự chia cắt trong cuộc sống chung, mỗi bên làm việc của mình một mình thay
vì cùng làm. Ở bậc thang thứ năm, sự cô đơn (dù vô thức) trong lúc vẫn đang kết hôn
trở thành cảm giác thường trực. Đấy là lúc những ý nghĩ ra đi bắt đầu thực sự hình
thành; còn trước đó, dù họ có thể nói đến ly hôn vào những lúc to tiếng cãi nhau, họ
biết đó chỉ là sự dọa dẫm bóng gió.
(3) Một trưng cầu dân ý của nhóm Gallup với những người từng ly hôn tại Mỹ cho
thấy 70% trong số họ biết về nguyên nhân đưa đến ly hôn từ thời điểm kết hôn hoặc
một thời gian không lâu sau khi kết hôn; chỉ có 22% phát hiện ra vấn đề dẫn tới quyết
định ly hôn ngay trước khi ra quyết định (bị “đánh úp”). Cũng 70% số người được hỏi
cảm thấy rằng vấn đề của họ quá khó để có thể giải quyết và 82% cảm thấy quyết
định ly hôn là đúng. Tuy thế, hầu hết trải qua giai đoạn băn khoăn trong đó mong
muốn ly hôn thì rõ ràng, thậm chí đã được thông báo cho người bạn đời nhưng họ
không chắc chắn về cách thực hiện và kết cục của ly hôn.
(4) Theo các nhà nghiên cứu và trị liệu hôn nhân, khi các cặp vợ chồng tìm tới nhà
trị liệu/tư vấn để cứu vãn hôn nhân thì người vợ thường mong muốn thay đổi tình
trạng hiện tại còn người chồng thì muốn giữ nguyên hiện trạng cuộc sống; tức là
giữa hai người không có sự thống nhất về mô hình gia đình và do đó có chênh lệch
trong mức độ thỏa mãn với hôn nhân hiện tại. Nếu bất đồng này kéo dài càng lâu và
càng sâu sắc thì khả năng thành công của việc trị liệu càng thấp. Nếu hai bên đã trải
qua giai đoạn tranh cãi mà chuyển sang giai đoạn hoặc coi thường nhau, hoặc “chán
chẳng buồn nói”, hoặc bắt đầu có những quy kết chung về bạn đời thay vì nhìn vào
một vấn đề xung đột cụ thể thì khả năng cứu vãn hôn nhân cũng sẽ giảm. Nếu một
bên đã bắt đầu nghĩ đến việc ly dị thì trị liệu ít đem lại kết quả; thực tế là nhiều người
dùng trị liệu như phép thử để khẳng định chắc chắn về quyết định ly dị của mình.
Ngoài ra, tỷ lệ thành công cũng phụ thuộc vào phương pháp trị liệu có phù hợp
không: trị liệu tập trung vào cảm xúc (emotion- focused couple therapy) có thể hợp
với người này nhưng trị liệu hành vi (behavioral therapy) lại hợp hơn với người khác.
(5) Một nghiên cứu tại Mỹ về ly hôn ở tuổi sau 40 cho thấy bốn nguyên nhân chính
đưa đến ly hôn là: có sự lạm dụng lời nói, thể chất hoặc tình cảm (34%); khác biệt về
lối sống, giá trị (29%); có lừa dối, ngoại tình (27%); và đơn giản là không còn yêu nhau
nữa mà không có vấn đề gì to tát (24%). Cũng theo nghiên cứu này, 83% cho rằng
người bạn đời không làm tròn trách nhiệm của mình trong hôn nhân. Đa số người
được hỏi có xu hướng đổ lỗi cho người bạn đời của mình về việc gia đình tan vỡ.
(6) Kessler gọi đây là giai đoạn phân tách tình cảm (detachment) và nó bao gồm
một loạt những “những cái chết tình cảm” (emotional deaths). Biểu hiện bên ngoài
của giai đoạn này rất rõ: hai bên không còn nhìn thẳng vào nhau, giọng căng thẳng
hoặc thờ ơ, vô cảm khi nói chuyện, mặt hầu như không thể hiện cảm xúc, nói
chuyện cầm chừng. Phân tách tình cảm tức là một người không còn đầu tư vào hôn
nhân của mình nữa; ý nghĩ chủ đạo của họ là “Thế nào cũng được, tôi chẳng quan
tâm”. Đến giai đoạn này, hai bên không còn cãi vã, xung đột nữa vì họ không cả quan
tâm nổi tới xung đột. Đỉnh điểm của giai đoạn này là khi hai bên bắt đầu chuyển mối
quan tâm từ các vấn đề trong quá khứ tới tương lai của mình. Hai người bắt đầu mơ
tưởng về một tương lai không có người bạn đời hiện tại ở đó. Họ bắt đầu mơ mộng về
cuộc sống độc thân trở lại. Mặc dù vậy, họ thường vẫn chưa nghĩ tới việc ly hôn. Họ
mới chỉ đang tập dượt cảm giác độc thân và ly hôn trong đầu, trong lúc vẫn có được
sự an toàn của hôn thú hiện tại.
(7) Thực tế là, những nghiên cứu đầu tiên về tình dục và hôn nhân của Alfred
Kinsey vào đầu những năm 1950 ở Mỹ đã kết luận, đến tuổi 40 thì 50% đàn ông và
26% phụ nữ có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân; gần 90% nam giới và 70% nữ giới
có các tưởng tượng tình dục với người không phải là bạn đời của mình. Gần hơn, một
nghiên cứu về tình dục toàn thế giới vào năm 2005 kết luận rằng 44% người lớn có
quan hệ tình dục một đêm ngoài hôn nhân và 22% có quan hệ sâu sắc hơn chuyện
tình dục. Ngay ở Việt Nam, điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 cho thấy hai nguyên
nhân lớn nhất đưa đến ly hôn là mâu thuẫn về lối sống (27,7%) và ngoại tình (25,9%),
vượt xa các khó khăn kinh tế (13%) hay bạo lực gia đình (6,7%).
(8) Tùy thuộc vào văn hóa và thời gian mà khoảng hơn 70% đến 95% các vụ ly hôn
do người vợ đề xuất. Một nghiên cứu về ly hôn ở phụ nữ ngoài 40 cho thấy 37% trong
số họ mất tới 5 năm để đi từ chỗ bắt đầu nghĩ tới chuyện ly hôn cho tới chỗ đề xuất ly
hôn với chồng. Hai nguyên nhân chủ yếu cho sự do dự này là nghĩ tới con cái và lo
lắng về tài chính sau ly hôn. Đối với phụ nữ ly hôn ở tuổi trẻ hơn, khoảng thời gian từ
lúc bắt đầu nghĩ tới ly hôn tới lúc đề xuất thường ngắn hơn. Khi họ đề xuất ly hôn,
thường là người phụ nữ đã được chuẩn bị tinh thần khá lâu; trong khi đó, người
chồng có thể hoàn toàn không biết về những diễn biến nội tâm của vợ nên cảm thấy
bị đánh úp và phản bội. Do sự lệch pha tình cảm này mà quá trình bình phục sau ly
hôn ở phụ nữ và đàn ông thường lệch nhau. Khi phụ nữ đã bắt đầu ở giai đoạn hàn
gắn thì đàn ông có thể vẫn đang ở giai đoạn làm quen với tình trạng ly hôn của mình
và vẫn còn đang cảm thấy bị phản bội. Tuy nhiên, không phải vì là người đề xuất ly
hôn mà phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn. Thực tế là dù là người đề xuất ly hôn hay là
người bị đề xuất ly hôn, phụ nữ đều trải qua sự đau buồn kéo dài khi phải quyết định
chấm dứt hôn nhân.
(9) Bạo hành lời nói là việc làm tổn thương thể chất và tinh thần người khác thông
qua việc sỉ nhục, hạ thấp, chửi bới, trêu chọc, bỡn cợt, chỉ trích, thóa mạ, cáo buộc,
dọa dẫm, hạch sách, quát tháo, hoặc cố tình im lặng, v.v... với mục đích làm tổn hại
tinh thần đối phương. Đây là hình thức bạo hành khó phát hiện hơn bạo hành thể
chất nhưng có tác hại rất lớn tới thể chất và tinh thần (xem thêm sách về bạo hành
lời nói của Patricia Evans).
(10) Các nhà khoa học từng nói tới một hội chứng tâm lý có tên Hội chứng
stockhom (Stockholm syndrome) về sự gắn bó cộng sinh giữa người bị đánh đập, bạo
hành, ngược đãi, dọa nạt với kẻ đánh đập, ngược đãi, dọa nạt mình. Hội chứng này bắt
nguồn từ việc nhóm nhân viên nhà băng bị bắt giữ làm con tin bởi những kẻ cướp
nhà băng lại quay ra bảo vệ, thanh minh cho chúng. Cuốn Cẩm nang phân loại bệnh
quốc tế (viết tắt là ICD) do Tổ chức Y tế Thế giới bảo trợ và được dùng làm nguồn tra
cứu phổ biến của giới y khoa thế giới có liệt kê một hội chứng gọi là “Hội chứng
người bị bạo hành” (Battered person syndrome). Hội chứng này được định nghĩa là
một tình trạng thể chất và tâm lý của một người đã trải qua các lạm dụng thể chất,
tình cảm, hoặc tình dục, theo đó người bị lạm dụng có thể có các niềm tin sau: nghĩ
rằng chồng mình bạo hành là do lỗi ở mình; rằng mình không được phép, và không
thể đổ lỗi cho chồng; nghĩ rằng chồng mình nắm được mọi bí mật, có toàn bộ khống
chế với cuộc sống của mình. Hội chứng này là kết quả của mối quan hệ bạo hành
trong đó sự bạo hành thường xảy ra theo một chu kỳ có ba giai đoạn: đầu tiên, căng
thẳng tăng dần giữa hai người; sau đó, căng thẳng bùng nổ thành cãi vã hoặc đánh
đập, trong đó người bạo hành sẽ mắng chửi, sỉ nhục hoặc đánh đập người kia đồng
thời đổ lỗi cho người kia về việc gây ra sự tình. Sau đó, kẻ bạo hành thường ăn năn;
nhưng không tìm cách giải quyết vấn đề... do đó chu kỳ lại tái diễn. Sau nhiều lần
như vậy, nạn nhân bạo hành thường rơi vào trầm cảm và thụ động, họ thường đổ lỗi
cho mình nên khó ra đi. Cảm giác chung của họ là “bất lực” - đây là trạng thái “bất lực
có điều kiện” (learned helplessness) - một trạng thái tâm lý đã được nghiên cứu phổ
biến trong các quan hệ có bạo hành.
(11) Các nhà khoa học gọi hiện tượng tâm lý này là “mặc cảm của người đặt vấn đề”
(initiator’s guilt). Trong ly hôn, người đặt vấn đề ly hôn thường có cảm giác tội lỗi vì
là người đề nghị ly hôn, do đó họ cảm giác mang lại bất hạnh cho người bạn đời của
mình, cho những đứa con và cho đại gia đình.
(12) Như đã trình bày, các nhà khoa học chủ yếu dùng thuyết trao đổi xã hội để giải
thích hôn nhân và ly hôn. Ngoài lý thuyết trao đổi xã hội, còn một số lý thuyết như
lý thuyết lệch pha nhận thức (theory of cognitive dissonance) hoặc lý thuyết quy
trách nhiệm (attribution theory). Lý thuyết lệch pha nhận thức cho rằng con người
có nhu cầu duy trì một nhận thức thống nhất và xuyên suốt về bản thân và thế giới.
Trong trường hợp hôn nhân và ly hôn, khi những hình dung trước kết hôn của người
vợ về người chồng của mình cũng như về hôn nhân mâu thuẫn với thực tại sau khi
kết hôn, người vợ sẽ liên tục phải đối mặt với những mâu thuẫn nội tại. Nếu không
thể tự lý giải, dung hòa, hay chấp nhận những “lệch pha nhận thức” này thì người vợ
sẽ muốn ly hôn. Xin xem thêm cuốn Lý thuyết và nghiên cứu về tâm lý ly hôn
(Divorce in psychological perspective: Theory and research) của Joseph Guttmann.
(13) Theo các nhà tâm lý, người ly hôn thường trải qua các chu kỳ tình cảm với một
số tình cảm chủ đạo. Một trong các lý thuyết cơ bản về chu kỳ tình cảm trong ly hôn
là lý thuyết của Elizabeth Kubler-Ross, vốn được xây dựng dựa trên quan sát chu kỳ
tình cảm của những người sắp chết vì bệnh hiểm nghèo hoặc có người thân sắp chết
vì bệnh hiểm nghèo. Ross và các nhà tâm lý phát triển lý thuyết của Ross nhận thấy
rằng những người này thường có một số giai đoạn tâm lý chính: (1) phủ nhận sự việc
(phủ nhận việc mình bị bệnh, sắp chết, sắp ly dị); (2) giận dữ (tại sao việc này xảy ra
với mình? Sao Chúa bất công thế, sao anh ta/cô ta lại làm thế?); (3) buồn đau, hoang
mang (sao đời mình lại khổ thế, làm thế nào bây giờ?); (4) thương lượng, thử hòa giải,
hàn gắn (nếu mình thay đổi thì...; nếu Chúa cho con sống thêm 5 năm nữa, con hứa
sẽ không bao giờ....); (5) chấp nhận (thôi được, mình sẽ chết, cũng không sao, mình sẽ
sống những ngày còn lại thật tốt; thôi được, mình sẽ ly dị...).
(14) Các nghiên cứu đã chỉ ra, đối với phụ nữ trải qua ly hôn khi đã lớn tuổi, những
trăn trở cảm xúc lớn nhất là băn khoăn không biết cuộc sống tiếp theo của mình sẽ
ra sao (40%); tiếp đến là cảm giác cô đơn, cảm giác bị lừa dối, bỏ rơi (25%), cảm giác
mình thất bại (23%), cảm thấy mình không đáng yêu và không có ai yêu mình (22%),
và cảm giác lỗi nhịp với cuộc sống (20%). Họ cũng có cảm giác sợ hãi với rất nhiều
thứ: sợ sẽ cô đơn suốt đời (45%), sợ sẽ tiếp tục thất bại (31%), sợ sẽ không đảm bảo
được tài chính (28%), sợ sẽ không bao giờ kết hôn lại (24%), sợ sẽ trở nên trầm cảm,
buồn rầu, giận dữ triền miên (20%), sợ không được gặp con thường xuyên như trước
(14%). Tuy thế, 76% phụ nữ vẫn tin rằng mình đã quyết định đúng khi ly hôn. Theo
họ, 5 lợi ích lớn nhất của ly hôn là: có tự do và tự chủ để làm những việc mình muốn
(41%), có tư cách độc lập, biết rõ mình là ai (36%), có thể làm những việc cho cá nhân
mình, làm cuộc sống cá nhân phong phú hơn (35%), không cần phải giải trình, thanh
minh với một người khác (31%), và tình hình tài chính cá nhân tốt hơn (22%). Giữa
hai giới, phụ nữ thường đánh giá cao tự do và tư cách độc lập của mình sau ly hôn
hơn nam giới. Khi được yêu cầu chấm điểm trên thang điểm 10 về chất lượng cuộc
sống hiện tại sau ly hôn, 56% chấm 8 đến 10 điểm, 24% cho 6-7 điểm, 13% cho 4-5
điểm và chỉ có 7% chấm cuộc sống của mình 1-3 điểm.
(15) Cố gắng cứu vãn là một giai đoạn mà hầu hết những người ly dị phải trải qua.
Nó bắt nguồn từ tình nghĩa, từ thói quen chung sống, và cả sự sợ hãi - một tình cảm
chủ đạo và tất yếu khác của ly dị. Về nhiều khía cạnh, người ly dị cũng có sự sợ hãi
giống nỗi sợ chết của người già hoặc người mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư,
HIV/AIDS. Tất cả họ thường trải qua năm giai đoạn cảm xúc cơ bản - mặc dù thứ tự
các cảm xúc ở mỗi người có thể khác nhau. Đầu tiên họ sẽ không chấp nhận rằng
việc đó sẽ xảy ra (không tin mình sẽ ly dị, không tin mình ung thư, không tin mình sẽ
chết); sau đó, họ bắt đầu giận dữ (giận người bạn đời gây ra đau khổ cho mình, giận
Chúa giáng họa cho mình; giận bản thân); tiếp đến, họ sẽ bắt đầu mặc cả, thỏa thuận,
thương lượng với bạn đời hoặc với số phận (tôi sẽ thay đổi nếu tôi khỏi bệnh, nếu tôi
có thể sống thêm 2 năm nữa, nếu chúng ta hàn gắn). Khi những thương lượng tỏ ra
vô ích, họ sẽ chuyển sang giai đoạn đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, hoang mang và
nhiều cảm xúc khác (có người cự tuyệt uống thuốc, xạ trị, có người trầm cảm, tự
tử...). Cuối cùng, họ sẽ đi đến chỗ chấp nhận sự thật rằng mình sẽ ly dị, sẽ chết... Chỉ
khi bắt đầu chấp nhận, họ mới bắt đầu quá trình hàn gắn và bình phục. Trong ly hôn,
đường đi đến chấp nhận, hàn gắn, và bình phục có thể mất nhiều năm, với nhiều ngã
rẽ. Có người thậm chí không bao giờ đi đến đó. Họ vĩnh viễn ở lại trong trạng thái
giận dữ, hoặc sợ hãi, hoặc tuyệt vọng. Những người này sẽ chật vật trong cuộc sống
sau hôn nhân; họ có thể trở thành những người bi quan, yếm thế, hoài nghi, dễ nổi
giận, thậm chí có thể bị trầm cảm kinh niên. Kể cả nếu họ lập gia đình lại, những vết
thương cũ chưa giải quyết sẽ ảnh hường tới cuộc hôn nhân mới và họ có khả năng sẽ
không hạnh phúc. Để đi đến chấp nhận, hàn gắn, và bình phục thì một việc cơ bản là
tìm hiểu một cách khách quan, thấu đáo và độ lượng về mình, về người bạn đời, và về
cuộc hôn nhân đã qua. Đấy là một bài tập không phải ai cũng có kiên nhẫn hay can
đảm để hoàn thành, dù nó là bài tập tối quan trọng.
(16) Ly thân thường là giai đoạn tâm lý khó khăn nhất đối với người ly hôn. Đây là
lúc sự thật hiển hiện với người phụ nữ hoặc đàn ông: mình thực sự một mình. Họ sẽ
phải đối mặt với sự cô đơn, lo lắng, buồn rầu, mất hướng, và tất cả các cảm giác khác
trong sự một mình. Đây là lúc bên trong sẽ kêu gào “Mình đã sai lầm. Làm sao mình
có thể ly dị được, ồ, không, mình không thể. Nhưng không, mình đã quyết định rồi;
mình phải sống tiếp. Nhưng mà...”. Cảm giác cô đơn lúc này thường rất khó chịu
đựng, đi kèm với nó là cảm giác bị tổn thương sâu sắc, tan vỡ. Nếu bạn là người đề
xuất ly hôn, bạn sẽ có thêm cảm giác tội lỗi vì mình là người khởi xướng và khiến
người kia đau khổ.
(17) Theo luật của Mỹ, trợ cấp ly hôn (alimony) có thể có các dạng như: trợ cấp tạm
thời trong lúc hai bên đang ly thân, chờ đến ngày ra tòa ly dị; trợ cấp của bên có thu
nhập cao cho bên có thu nhập thấp hơn trong lúc bên kia tìm việc làm và có thể trở
nên độc lập về tài chính; trợ cấp vĩnh viễn cho bên có thu nhập nhất cho đến lúc một
trong hai bên qua đời. Mức trợ cấp và độ dài trợ cấp ly hôn tại Mỹ do từng bang quy
định, tùy vào thể chế chính trị - kinh tế - văn hóa ở đó. Ví dụ như các bang bảo thủ ở
miền Nam (Texas, Mississippi, Tenessee), quy định chỉ có trợ cấp ly hôn nếu như hôn
nhân đó kéo dài ít nhất 10 năm và việc trợ cấp chỉ kéo dài 3 năm, trừ trường hợp đặc
biệt. Số tiền trợ cấp cũng không được quá 2500 đô la mỗi tháng hoặc quá 40% thu
nhập trước thuế của người trả trợ cấp. Ở Utah, thời gian trợ cấp ly hôn không được
dài hơn thời gian kết hôn. Ở California, Nevada, New York hay các bang khác, quyết
định về số tiền và thời gian do tòa án cân nhắc các yếu tố mà phán quyết (độ dài hôn
nhân, tuổi, thu nhập hai bên, khả năng tài chính hai bên, sức khỏe, ai mắc lỗi).
(18) Đối với những người ly hôn sau tuổi 40, 28% được bác sĩ chẩn đoán là có trầm
cảm, trong đó phụ nữ có tỷ lệ trầm cảm cao hơn nam giới (31% so với 18%). Người có
thu nhập thấp, ít hoạt động thể dục thể thao có xu hướng trầm cảm nhiều hơn nhóm
có thu nhập cao hay hoạt động thường xuyên. Trầm cảm không được điều trị và
không có các hoạt động hỗ trợ có thể trở nên trầm trọng, đưa đến tự tự.
(19) Với những người ly hôn sau tuổi 40, 87% đàn ông và 79% phụ nữ có hẹn hò với
người khác giới; thậm chí 32% đàn ông và 20% phụ nữ bắt đầu hẹn hò trong lúc vẫn
đang làm thủ tục ly hôn. Lý do lớn nhất cho việc hẹn hò là họ muốn chứng tỏ với bản
thân mình và/hoặc với người bạn đời cũ của mình rằng họ vẫn tiếp tục sống bình
thường; tiếp đến là để tự nâng tinh thần của mình; để có bạn tâm sự; thỏa mãn nhu
cầu tình dục. Trong số những người có hẹn hò sau ly hôn, 54% nam giới và 39% phụ
nữ sẽ tái hôn. Đối với những người không tái hôn, 65% nói rằng lý do lớn nhất là
không muốn có một cuộc hôn nhân tồi tệ nữa.
(20) Các nhà khoa học cho rằng, giống như với người lớn trải qua ly hôn, trẻ con
cũng trải qua một số giai đoạn tâm lý cơ bản, nhất là với trẻ đã ý thức được ý nghĩa
của ly hôn. Thông thường, ban đầu chúng cũng phủ nhận việc bố mẹ ly hôn; sau đó,
chúng bắt đầu giận dữ, với cả bố lẫn mẹ hoặc với người mà chúng cho là có lỗi, và cả
với bản thân vì tin rằng có thể chúng là nguyên nhân gây ra ly hôn. Giai đoạn ba là
giai đoạn thương lượng trong đó chúng sẽ thương lượng với bố mẹ về việc thử không
ly hôn, chúng có thể hứa sẽ thay đổi, sẽ ngoan hơn, v.v... vì tin rằng có thể thay đổi
này sẽ xoay chuyển được việc ly hôn. Ở giai đoạn bốn, khi nhận ra mình không hề có
khả năng khống chế chuyện ly hôn, trẻ sẽ rơi vào đau khổ, buồn bã. Trong sự đau
khổ này, có một phần lớn là cảm giác mất mát đối với người bố hoặc mẹ mà trẻ không
thể thường xuyên gặp gỡ. Cuối cùng chúng sẽ chấp nhận sự thật rằng bố mẹ ly hôn.
Chỉ sau khi đi đến sự chấp nhận, trẻ mới bắt đầu hàn gắn quan hệ với cha mẹ và bản
thân.
(21) Từ khoảng năm 1900 đến 1965, tỷ lệ ly hôn ở Mỹ dưới 10 người ly hôn trên
1000 dân; đến năm 1981, tỷ lệ này là 23 người; và hiện tại, một nửa số người kết hôn
lần đầu sẽ đi đến ly hôn. Vì thế, vào những năm 1960, chỉ có 9% trẻ em Mỹ sống trong
gia đình chỉ có bố hoặc mẹ; đến cuối thập kỷ 80, con số này là 30%. Trong số này, 90%
trẻ sống chỉ với mẹ (female-headed households) mặc dù đại đa số các gia đình trước
ly hôn là gia đình có người cha làm chủ gia đình, ở thời điểm hiện tại, hầu hết trẻ em
Mỹ biết tới ly hôn trong gia đình của mình - nếu không trực tiếp là bố mẹ mình thì là
một người thân cận như cô, dì, chú, bác, ông bà, hay anh chị của mình. Ly hôn vì thế
không còn là một vấn đề quá xa lạ với trẻ em.
(22) Khó khăn kinh tế là đặc điểm lớn nhất của các gia đình mẹ đơn thân. Hiện tại, ở
Mỹ và nhiều nước, các bà mẹ đơn thân là nhóm lớn nhất trong số các hộ gia đình
nghèo. Đứng về quan hệ giữa con cái và người mẹ đơn thân, ngay sau ly hôn, cả mẹ
và con thường phải trải qua một thời kỳ điều chỉnh “cơ cấu quyền lực” trong gia đình
vì người mẹ bây giờ phải thay cả người bố trong việc ra quyết định, xử phạt, và thiết
lập các phép tắc trong nhà. Tùy vào độ tuổi và mức độ trưởng thành về mặt tâm lý
của con cái mà quan hệ giữa người mẹ và bọn trẻ có thể dễ dàng hoặc khó khăn. Với
trẻ chưa đến tuổi đi học, một trong những vấn đề lớn là chúng thường chưa ý thức
được ảnh hưởng của mình lên tâm lý người mẹ nên có thể đòi hòi sự quan tâm lớn từ
mẹ, khiến người mẹ cảm thấy kiệt sức nhưng lại không dám giận dữ với con do
thương con. Đối với trẻ đã lớn hơn (trong độ tuổi đi học), trẻ có thể hiểu được gánh
nặng của mẹ mình nên ít đòi hỏi hơn; nhưng người mẹ lại thường có xu hướng cố
gắng để con mình có được cuộc sống như trong gia đình có cả bố lẫn mẹ nên người
mẹ đi đến chỗ cũng tự làm việc quá sức. Về cơ bản, các bà mẹ đơn thân đều có cảm
giác “có lỗi” với con khi không thể cho con có một gia đình có đủ bố mẹ, cho nên họ
thường cố gắng hết sức để bù đắp, thỏa mãn các nhu cầu của con cái - một xu hướng
có thể có hại cho cả mẹ lẫn con. Đối với các bà mẹ đơn thân có con trai, họ thường có
thêm nỗi lo về việc con mình không có hình mẫu đàn ông trong sự phát triển tâm lý.
Khi trẻ đến tuổi vị thành niên, các bà mẹ đơn thân tại Mỹ thường gặp khó khăn nhiều
hơn các ông bố đơn thân trong việc kiểm soát và dạy dỗ trẻ về các hành vi có thể đưa
đến hậu quả xấu như uống rượu, ma túy, quan hệ tình dục sớm, v.v... Ở một khía
cạnh khác, các nhà nghiên cứu nhận thấy các bà mẹ đơn thân cũng có thể có xu
hướng coi những đứa con là toàn bộ cuộc sống của mình, cho nên họ bảo hộ con
mình thái quá, vì thế mà trẻ có thể chậm phát triển các kỹ năng sống tự lập, độc lập.
Nếu một bà mẹ đơn thân chỉ sống với một con trai, người mẹ có thể có xu hướng
trông chờ con mình là người đàn ông trong gia đình (thay vai trò người chồng) và
đứa trẻ có thể cảm thấy gánh nặng trách nhiệm này là quá sức. Nếu một bà mẹ đơn
thân chỉ sống với con gái, đôi khi bà mẹ có thể cảm thấy lo lắng thái quá cho con gái
hoặc có khi ngầm ghen với tuổi trẻ của con gái. Các ông bố đơn thân cũng có các cảm
xúc tâm lý tương tự, nhưng ở hướng ngược lại. Về cơ bản, quan hệ tâm lý giữa con cái
và cha mẹ trong các gia đình chỉ có một bố hoặc mẹ thường khác hơn gia đình có cả
bố lẫn mẹ nhưng các nhà nghiên cứu tổng kết rằng khác không có nghĩa là có chất
lượng tồi hơn hoặc có ảnh hưởng tiêu cực tới con cái.
(23) Đối với những cặp vợ chồng đã có con, quyết định ly hôn thường khó khăn vì
một số lý do: sợ rằng con cái sẽ thiếu hụt tình cảm và có các vắn đề về tâm lý, đưa đến
một cuộc sống bất hạnh; sợ rằng không có đủ khả năng tài chính để nuôi con, sợ rằng
sẽ không được gặp con mình... Đứng về mặt thống kê số lớn, các nghiên cứu tại Mỹ
cho thấy, so với trẻ em trong các gia đình không ly hôn, trẻ em có bố mẹ ly hôn dễ bỏ
học giữa chừng hơn, có học vấn thấp hơn, có thu nhập thấp hơn, ít tài sản hơn, chất
lượng hôn nhân khi trưởng thành thấp hơn, dễ ly hôn hơn, ít gần gũi cha mẹ hơn
(nhất là với bố), ít giúp đỡ cha, và về cơ bản là có cảm giác thỏa mãn với cuộc sống
thấp hơn so với trẻ trong gia đình có cả hai bố mẹ. Tuy nhiên, chênh lệch này khá
khiêm tốn và không đồng đều. Các nhà khoa học (ví dụ như nghiên cứu của Nye,
1957) cũng kết luận rằng trẻ sống trong gia đình có một bố mẹ vẫn có các kết quả tốt
hơn trẻ sống trong gia đình có hai bố mẹ nhưng bố mẹ không hạnh phúc; và nhiều
trẻ trong gia đình chỉ có một bố hoặc mẹ sớm học được các kỹ năng tự lập, sớm
trưởng thành, có trách nhiệm. Mặt khác, các nhà khoa học cũng cho rằng bản thân
các nguyên nhân đưa tới ly hôn của bố mẹ cũng là các nguyên nhân đưa tới các vấn
đề cho đời sống của trẻ sau ly hôn; ví dụ, bố mẹ ly hôn vì khó khăn tài chính thì khó
khăn này ảnh hưởng tới khả năng gửi trẻ tới trường tốt chứ không phải vì việc ly hôn
dẫn tới trẻ thất học. Trong các mô hình tính toán, khi các thiếu hụt tài chính sau ly
hôn của một bà mẹ được bù đắp bằng trợ cấp của chồng cũ hoặc của xã hội thì lập tức
các thông số về học hành, thu nhập, chất lượng cuộc sống của trẻ em trong các gia
đình ly hôn được cải thiện rõ rệt. Đối với vấn đề tình cảm, các nghiên cứu tại Mỹ cho
thấy trẻ em, nhất là trẻ em lớn tuổi, thường cảm nhận được các xung đột của bố mẹ
trước khi ly hôn nên chúng không hẳn quá sốc khi bố mẹ ly dị. Các thống kê tại Mỹ
cũng cho thấy mặc dù thường lo lắng về quyền thăm con, chỉ có khoảng 20%-40%
các ông bố thăm con đều đặn, và thường chỉ trong khoảng 2 năm ngay sau ly hôn;
sau đó, tần số thăm con của họ giảm hẳn; thậm chí một nửa các ông bố chỉ thăm con
khoảng 1 lần mỗi năm. Ảnh hưởng của điều này lên tâm lý của trẻ hiện vẫn còn
nhiều tranh cãi.