hôn nhưng đạo đức và văn hóa vẫn thường mặc định phụ nữ có
lỗi nhiều hơn khi hôn nhân tan vỡ. Chính vì mặc định này mà
nhiều phụ nữ chấp nhận mọi thứ để duy trì cuộc sống gia đình
phẳng lặng dù sự phẳng lặng này đồng nghĩa với cái chết lâm
sàng của hôn nhân. Khi không thể một mình chịu đựng thêm
nhưng vẫn chưa thể quyết định, họ thường đi tới các nhà tư vấn
với cùng một mô tả: tôi đang chết dần chết mòn. Có điều, kể cả
khi đối mặt với cái chết của mình, nhiều phụ nữ vẫn không thể
trả lời câu hỏi: làm thế nào để biết chắc chắn mình nên ly hôn?(*).
Ở ngoài kia, có bao nhiêu phụ nữ dù ở lại nhưng thực chất đã đi
khỏi hôn nhân của mình mà người chồng không hề biết, những
đứa con không hề biết? Có bao nhiêu người đã ra đi, chỉ còn là
khách trọ, người làm công, người mua vui, cái bóng trong cuộc
hôn nhân mà gia đình họ không biết; thậm chí có lẽ chính những
người phụ nữ cũng không biết ? Có bao nhiêu phụ nữ thường
trực trong cảm giác quá ấm để ra đi nhưng quá lạnh để ở lại và cứ
chấp nhận tình trạng co ro trong hôn nhân như thế suốt đời?(12)
Chương 7
Hội thảo thường niên của Hội nghiên cứu Công tác xã hội
Hoa Kỳ diễn ra vào tháng Một ở New Orleans và là dịp tuyển việc
chính cho những người muốn trở thành giáo sư của ngành. Tôi
đã xuống New Orleans từ hôm qua và ở chung phòng với Ji-ah
trong khách sạn Sheraton bên khu phố Pháp. Ji-ah người Hàn
Quốc, hơn tôi tám tuổi nhưng học dưới tôi một khóa. Ji-ah mới
đính hôn sau một thời gian dài độc thân.
Phòng chúng tôi trên tầng mười bốn. Từ đây có thể nhìn
xuống toàn bộ khu phố Pháp của New Orleans và những ngôi
nhà mái xám làm tôi nghĩ đến Paris.
Tôi nghĩ đến cái giường tầng hai trong khách sạn sinh viên
nhỏ trên phố Rue des Barres của quận 4 mà hằng đêm tôi nằm
dọc Những người khốn khổ bằng cái đèn nhỏ ở đầu giường và
buổi sáng sớm nghe Paris thức dậy qua những tiếng giày trên
con đường lát đá bên dưới.
Tôi nghĩ đến những lúc đi bộ dọc ngang thành phố, những lần
vượt sông Seine trên những cây cầu khác nhau, nhìn dòng sông
từ các góc khác nhau, mỗi lần như mang một tấm áo mới.
Tôi nhớ mình đã sợ hãi chạy dọc bờ tường ngoài vườn
Tuleries vào một nửa đêm nào đó. Tôi nhớ mình lại thấy đường
khi nhận ra nhà thờ Đức Bà và đã nằm trên cầu Pont des Arts mà
nghe Paris rì rầm chìm vào giấc ngủ.
Tôi nhớ lúc nghe piano ở gần nhà Hugo, nhớ cô gái Paris
không quen và chàng trai Paris xa lạ có khuôn mặt thanh xuân
như một bức tượng Hy Lạp.
Tôi nhớ Paris trong mưa, đầy những người cầm ô đen bước vội
vã.
Nhớ nhất là những lúc ở trong vườn Luxembourg, không làm
gì khác ngoài việc nằm dưới nắng đọc sách.
Tôi nhớ cái hạnh phúc lặng lẽ, đơn giản, và âm ỉ của những
ngày đó - cái hạnh phúc như một bài hát bí mật, quá thiêng
liêng và quý giá nên tôi chỉ ngâm nga trong cổ họng chứ không
dám cất thành tiếng sợ rằng nó sẽ bay đi mất.
Thật khó tưởng tượng tôi-ở-Paris vào tháng Tám năm ngoái
và tôi-hôm-nay cùng là một người.
Thật khó biết ra đi lại khó khăn thế này.
Lúc tám giờ, khách sạn Marriott đã chật người dự hội thảo.
Tôi kiểm tra chương trình chi tiết rồi đi tới khu Triển lãm để
làm cái việc mà tất cả những nghiên cứu sinh đi xin việc được
dặn: đi tiếp xúc với các trường. Ở khu trưng bày của một đại học
thuộc bang Louisiana, một người phụ nữ có tên Mollie tươi cười
với tôi.
- Welcome!
- Xin chào, tôi là nghiên cứu sinh ở đại học Chicago và năm nay
tôi tốt nghiệp. Không biết trường của bà có đang tìm người
không?
- Chúng tôi thì không nhưng tôi biết đại học X đang tìm người.
Để tôi giới thiệu cô.
Mollie kéo tôi tới chỗ ông trưởng khoa Công tác xã hội của đại
học X.
- Cô làm luận án về đề tài gì? - ông trưởng khoa hỏi tôi.
Tôi giải thích ngắn gọn với ông ấy về luận án của tôi. Tôi đang
rà soát lại khái niệm “thanh thiếu niên / vị thành niên” ở Việt
Nam trong mấy thập kỷ qua và cách mà người ta thể hiện khái
niệm này trong các diễn ngôn xã hội. Ở các nước phương Tây,
khái niệm “tuổi thanh thiếu niên” rất rõ ràng; nó là giai đoạn
tâm sinh lý riêng biệt, nằm giữa giai đoạn ấu thơ và người lớn; là
giai đoạn để một cá thể chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn.
Tuy nhiên, ngay cả ở phương Tây, khái niệm này cũng không
phải luôn luôn tồn tại. Các nhà khoa học cho rằng nó chỉ bắt đầu
chính thức có mặt từ đầu thế kỷ 20 và sự xuất hiện của nó gắn
liền với quá trình chuyển hóa từ xã hội nông nghiệp sang xã hội
công nghiệp. Trước thời gian này, một người sẽ hầu như chuyển
thẳng từ giai đoạn trẻ con sang người lớn bằng cách đi làm, lập
gia đình sớm, v.v... Tuy thế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô
thị hóa đưa đến việc thành lập hệ thống trường học mười hai
năm, tức là trường cấp ba lần đầu xuất hiện trong hệ thống giáo
dục; đồng thời, những người trẻ bắt đầu ra thành phố làm việc;
họ kéo dài khoảng thời gian chuyển giao giữa trẻ con và người
lớn... do đó mà xã hội bắt đầu thừa nhận tuổi vị thành niên như
một giai đoạn riêng biệt.
Trong luận án, tôi dùng các tài liệu lịch sử để rà soát khái
niệm này ở Việt Nam và lập luận rằng ở Việt Nam, cũng chỉ bắt
đầu từ thập kỷ 90, xã hội Việt Nam mới có nhóm tuổi “thanh
thiếu niên” như một nhóm xã hội chính thống, có đặc trưng
riêng. Điều này gắn liền với nhiều đặc điểm biến đổi chính trị,
kinh tế, xã hội của Việt Nam - và đều nằm trong ảnh hưởng của
hiện đại hóa, toàn cầu hóa. Ví dụ như việc bắt đầu áp dụng hệ
đào tạo mười hai năm thống nhất ở cả hai miền Bắc-Nam từ
năm 1990, hệ quả của các chính sách kế hoạch hóa gia đình từ
thập kỷ 70 và 80, hệ quả của các cải cách giáo dục, và hệ quả của
toàn cầu hóa. Nhưng cũng vì sự mới mẻ này mà Việt Nam phải
vay mượn chữ “teen” của phương Tây để gọi nhóm đối tượng
mới hình thành trong xã hội này (tuổi teen, dân teen, teen Việt,
v.v...) đại loại là như thế...
- Thú vị quá nhỉ - ông ấy nói - tiếc là chúng tôi lại đang cần
người làm thực hành trực tiếp về sức khỏe tâm thần. Nhưng để
tôi tặng cô một cái bút và cuốn sách giới thiệu về trường nhé.
Hãy nhớ đến chúng tôi trong tương lai.
Tôi đi tiếp sang một đại học ở San Diego. Có hai phụ nữ đang
ngồi đó, cả hai đều da trắng, tóc vàng. Tôi lại lặp lại như một cái
máy:
- Xin chào, tôi ở đại học Chicago, năm nay tôi tốt nghiệp...
Cứ như vậy khoảng một tiếng thì tôi bỏ ra ngoài khách sạn, đi
bộ một quãng xa để tới một quán cà phê vắng người. Những
ngày này, ngưỡng chịu đựng những tiếp xúc xã giao của tôi chỉ
có thể đến thế. Phải giả vờ tươi tỉnh, tràn đầy năng lượng, giả vờ
mình là người thú vị, thậm chí giả vờ rằng tôi quan tâm tới luận
án khi mà chuyện ly dị đã choán hết tâm trí tôi. Tất cả sự tự tin
của tôi - dù cố huy động - không sao có thể chống đỡ sự thất
vọng khổng lồ lúc nào cũng chỉ chực sập xuống đè bẹp tôi.
Sau bữa trưa, tôi trở lại hội thảo dự phiên toàn thể trong hội
trường lớn. Người phát biểu phiên toàn thể và sẽ được trao giải
thưởng “Thành tựu trọn đời” năm nay là một giáo sư của đại
học Denver. Ông ấy trình bày các nghiên cứu đã làm trong hơn
ba mươi năm qua về ảnh hưởng của những hành vi trong giai
đoạn thanh thiếu niên lên hành vi khi là người lớn. Tôi ngồi
nghe và tất cả những gì tôi có thể nghĩ là “I don’t give a damn(*)”
bởi vì tôi chẳng có thể dùng bất cứ điều gì trong tuổi thơ đẹp đẽ
của tôi mà giải thích cho cuộc sống người lớn hiện tại. Cuộc
sống thực phức tạp và phi lý làm sao so với những con số thống
kê và các phép toán xác suất mà ông ấy đang trình bày.
Không biết có bao nhiêu người ngồi đây thực sự quan tâm tới
những gì ông ấy nói; hay với họ, khoa học, tri thức, sự thật cũng
chỉ đơn thuần là một công việc nuôi thân? Bao nhiêu người ngồi
đây đang nghĩ thầm “Giá được về khách sạn ngủ”? Và bao nhiêu
người thầm ước mình sẽ là người đứng báo cáo phiên toàn thể
vào một lúc nào đó trong sự nghiệp của mình? Nếu sau này tôi là
người đứng kia thì tôi có vui không? Vào lúc này, câu trả lời là
không. Lúc này, không có bất cứ cái gì trong tương lai còn có thể
có nghĩa - tôi thực sự cũng không thể hình dung ra cái tương lai
ấy.
Nếu ngày mai tôi chết, tôi chắc chắn ra khỏi đây ngay lập tức.
Nếu một năm nữa tôi chết, tôi cũng sẽ ra khỏi đây.
Nếu năm năm nữa, tôi cũng sẽ ra khỏi đây.
Mười năm nữa, chắc là cũng thế.
Mà điều ấy thì có thể lắm chứ. Tôi hoàn toàn có thể chết trong
mười năm nữa.
Vậy mà giờ tôi vẫn cứ ngồi đây. Tôi vẫn đang dán mình xuống
ghế, làm như chăm chú nghe lắm. Tôi thậm chí không thực sự
có ý định đứng lên. Tôi chỉ đãi bôi bản thân bằng cái ý nghĩ
mình nên đứng lên mà thôi.
Những sợ hãi và rập rình đãi bôi tương tự như cái sợ hãi này
chính là nguồn cơn của mọi thất bại, tuyệt vọng, suy tàn, bất
hạnh.
Sợ hãi - nó là cái hủy diệt tất cả.
“Bất cứ lúc nào cũng có thể đứng dậy mà đi.” - ông già trong
hiệu sách Borders ở Nashua đã nói thế. Nhưng khó quá.
Buổi sáng hôm sau là thứ Bảy và tôi có phỏng vấn chính thức
với một trường đại học ở Massachusetts. Giáo sư Diwan, người
phụ trách tuyển việc của trường, đã hẹn tôi tới phòng khách sạn
để nói chuyện với bà ấy.
Trong phòng, bà ấy mời tôi ngồi, lấy nước cho tôi uống rồi
hào hứng hỏi về luận án và chương trình nghiên cứu của tôi. Tôi
cũng hào hứng trả lời.
- Tại sao cô chọn trường chúng tôi? - bà ấy hỏi câu hỏi rất thủ
tục.
“Bà biết đấy...” - tôi bắt đầu nói và trước khi tôi nhận ra, tôi đã
đang kể với bà ấy về chuyện tôi chuẩn bị ly dị. Và đến đây thì
nước mắt tôi bắt đầu dâng lên ngân ngấn mi mắt.
Thế đấy. Những ngày này, nếu tôi mở miệng với bất cứ ai -
giáo viên, bạn học hay người lạ ngoài đường - chẳng chóng thì
chầy tôi cũng bắt đầu kể chuyện tôi sắp ly dị và xin họ khuyên
tôi có nên ly dị hay không. Bất cứ ai hỏi tôi câu hỏi xã giao “How
are you?” thì tôi dường như cho rằng họ thực sự quan tâm tới
những hố thẳm trong cảm xúc của tôi, biết tường tận cuộc sống
của tôi và có thể nói cho tôi câu trả lời dứt khoát “Có” hoặc
“Không.
Nhưng... alas, lại kể lể khóc lóc với người đang phỏng vấn việc
làm thì thật là... vô đối.
Giáo sư Diwan không còn nhìn vào mắt tôi nữa.
- Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người tìm việc như năm nay - bà
ấy nói - Mọi khi chúng tôi chỉ có chừng hai mươi người nộp đơn
cho một vị trí, năm nay thì mấy trăm đơn, ai cũng xuất sắc cả.
Tin này thì không mới. Nhưng kể cả năm nay có là năm tuyệt
vời nhất để tìm việc thì tôi biết là cơ hội của tôi với họ gần như
bằng không. Sẽ không ai muốn tuyển một người rơm rớm nước
mắt trong lúc phỏng vấn để dạy sinh viên của họ - một người
không có sự chuyên nghiệp tối thiểu và rõ ràng có vấn đề về khả
năng cân bằng tâm lý. Tôi nói thêm vài câu xã giao với bà ấy rồi
xin phép đi.
Trong sảnh, Jason, Ji-ah, Ashley, Megan, Clark đang trao đổi
chuyện phỏng vấn. Các bạn tôi đều phỏng vấn thành công. Họ
hỏi tôi phỏng vấn thế nào - tôi nói “cũng bình thường” rồi
không nói gì thêm. Phải đến tối, ngồi với Ji-ah trong một nhà
hàng nhỏ trên phố Bourbon, tôi mới kể cho Ji-ah nghe chuyện
xảy ra với giáo sư Diwan.
- Em cũng không biết tại sao em làm thế. Mà điều lạ là em chỉ kể
lể với người lạ. Các bạn bè của em ở Việt Nam, em chưa nói với
ai. Ngay bố mẹ em, em cũng chưa nói.
- Có thể em còn chưa sẵn sàng về mặt tinh thần rằng nó sẽ thực
sự xảy ra. Có thể em vẫn còn đang ướm thử thôi. Cứ kiên nhẫn.
Đây là việc của em, không ai ra hạn cho em khi nào phải làm
xong, cũng không ai bắt em phải làm. Sau bữa tối, Ji-ah về lại
khách sạn còn tôi đi dọc phố Bourbon một mình. Phố Bourbon là
phố chính của khu Pháp - trung tâm giải trí của New Orleans.
Trên phố, mọi thứ hỗn loạn, ồn ào. Nhạc từ các club vọng ra chát
chúa. Người ta hôn nhau, sờ soạng, uống, hút thuốc và mù mịt
khói, nhảy, thi nhau ném các chuỗi dây chuyền từ tầng hai
xuống, đuổi nhau trên phố, lại hôn nhau và cãi nhau rồi lại hôn
nhau làm lành và sờ soạng công khai. Những tấm poster lớn
trên các club “Live Jazz, không cần vé vào cửa” và “Huge-ass beer
to go”.
Ở góc quảng trường nhỏ đầu phố, một ban nhạc gồm ba ông
già với một con chó lớn đang chơi nhạc jazz. Một người chơi
banjo, một chơi bass, một chơi trumpet. Họ chơi rất hay. Có một
cặp vợ chồng mới cưới - cả hai chừng năm mươi - nhảy với nhau
khi ban nhạc chơi bài “Let me call you sweetheart”. Họ nhảy rất
chậm và có thể thấy hai người này đã trải qua nhiều đau khổ
trước khi tìm thấy nhau. Họ ôm nhau theo cái cách của những
người đã bị cuộc đời làm cho bầm giập nhiều và thực lòng biết
ơn có một người bạn đời để chia sẻ từ nay.
Giữa phố, một ông già đứng chính giữa đường, một tay cầm
một cây thánh giá gỗ lớn, một tay chìa những tờ rơi nhỏ về Chúa
cho người qua lại. Ông ta thỉnh thoảng hô to “Jesus loves you”
với người qua lại nhưng chẳng ai để ý đến ông. Khi tôi đi qua,
ông ấy hỏi tôi “Cô có phải là một người có đức tin không?”; tôi
nói “Không, tôi không.” “Tôi có thể giới thiệu Chúa với cô
không?” “Ông cứ giới thiệu.” Ông ấy phát cho tôi một cuốn sách
nhỏ về đạo Thiên Chúa; tôi bỏ vào túi; những người khác thì
cầm rồi ném vào thùng rác đầu tiên mà họ thấy.
Trong một club, một ban nhạc rock chơi “Sweet child of
mine” của Guns N’ Roses; họ hỏi đám đông đang nhún nhảy ở đó
“Hôm nay có ai được lĩnh lương thì nói Yeah” và đám đông gào
lên “Yeah”; rồi họ lại hỏi “Đêm nay ai muốn say thì nói Oh yeah”
và đám đông gào to hơn “Oh yeah”. Họ nhảy như những người
điên, cả những giáo sư đang dự hội thảo và những businessman
dự họp ở khách sạn gần đó.
Trong một club dựng giống sân khấu quyền Anh, cô MC da
đen mặc một cái váy cũn cỡn màu đỏ đứng chính giữa sàn; xung
quanh mọi người nhảy, uống, hôn nhau và công khai làm tình
trên sàn. Có hai đôi rất trẻ đứng ngay trước mặt tôi thay phiên
hôn nhau; một cậu úp mặt vào ngực cô gái; rồi sờ soạng và lap-
dance... tất cả đều đã quá say, không chỉ rượu mà chắc cả ma túy,
và sẵn sàng lột quần áo nhau tại chỗ.
Có một đám cưới diễu trên phố. Một xe cảnh sát đi trước bấm
còi và nháy đèn; dàn kèn trumpet và clarinet khổng lồ theo sau;
rồi đến cô dâu chú rể và đám đông trong suit đen và váy áo lùm
xùm.
Khi tôi trở lại chỗ ban nhạc jazz có ba người đàn ông với con
chó lớn thì con chó đã ngủ. Tôi ngồi đó nghe nhạc cho đến lúc họ
thu dọn để về. Cũng đã gần nửa đêm; tôi là người cuối cùng còn
ngồi lại với họ. Người đàn ông chơi trumpet đi tới chỗ tôi.
“Thanks for coming, baby” - ông ta nói. Tôi nói “No, thank you”.
New Orleans - thành phố lễ hội. “The Big Easy” như người ta
gọi. Thế mà giữa tất cả những cuộc vui và sự thác loạn này - tôi
chỉ nhìn thấy hủy diệt và rạn vỡ.
Trong khách sạn, Ji-ah đã ngủ say, khuôn mặt bình thản. Ji-ah
và tôi - hai chúng tôi đang nhìn thấy hai thế giới hoàn toàn khác
nhau; chắc chắn chỉ có một trong hai chúng tôi đúng. Tôi mong
cái đúng thuộc về Ji-ah.
Chương 8
Khi tôi từ New Orleans trở lại Chicago, Tết đang đến ở Việt
Nam. Năm nay, giao thừa rơi vào ngày 25 tháng Một, một ngày
bình thường ở Mỹ. Buổi sáng đầu năm, bố mẹ tôi gọi điện từ Hà
Nội. Mẹ hỏi tôi đang làm gì và chúc tôi năm nay mạnh khỏe,
nhiều niềm vui. Tôi biết mọi người ở nhà đều lo cho tôi nên tôi
càng không nói gì về chuyện ly dị.
- Con vẫn bình thường - tôi nói.
Đến trưa, Sơn và tôi đi xuống nhà chị Lê ở Dixon chơi. Chị Lê là
bác sĩ và là một người bạn của tôi từ Hà Nội; chúng tôi biết nhau
từ hồi cả hai còn làm việc cho các tổ chức phi chính phủ của Mỹ
ở Hà Nội. Sau khi tôi đi du học thì chị Lê cũng đi, rồi lấy chồng
và ở lại bên này.
Vẫn như những ngày ở Hà Nội, chị Lê nấu rất nhiều đồ ăn, cả
nem Hà Nội, giò lụa, và rau thơm. Tôi và Sơn mua bánh chưng ở
Chicago mang xuống. Bốn chúng tôi uống sâm banh với nước
hoa quả lên men.
Suốt bữa ăn, chúng tôi kể rất nhiều chuyện cười về những
ngày còn ở Hà Nội; rồi pha trà và tiếp tục kể hết chuyện cười nọ
đến chuyện cười kia. Chúng tôi đang kể chuyện thì mẹ Tom
sang chơi. Bà chúc tôi thêm một tuổi mới và hỏi tôi muốn sống
đến bao nhiêu tuổi, tôi nói chắc khoảng bảy mươi thôi (nếu cuộc
sống cứ như hiện tại thì đến bảy mươi đã là quá dài); bà nói “Con
ơi, bảy mươi mới là lúc cuộc sống bắt đầu tuyệt vời”. Tôi hỏi
“Tuyệt vời thế nào ạ?”; bà nói trước đây, lúc nào bà cũng phải lo
lắng cho ai đó - hết con lại chồng, lại bố mẹ già; nhưng giờ, tất cả
con cái đã lớn, chồng bà đã mất, bố mẹ mất đã lâu; bà với chị gái
bà đi du lịch nước ngoài quanh năm, ngày nào bà cũng bơi, làm
vườn, đánh bài với bạn...
- Tôi chỉ còn làm cái tôi thích, chứ không làm những cái người
khác thích nữa - bà nói.
Rồi Tom kể có lần chị Lê muốn thử đi bộ từ trong phố về nhà
bằng một lối tắt. Rốt cuộc chị ấy loanh quanh một tiếng rưỡi và
hoàn toàn lạc đường mà trời thì ngày càng tối. Chị ấy khóc và
gọi điện cho Tom. “Honey, em lạc đường rồi”. Khoảng năm phút
sau, Tom đi bộ ra đón chị Lê.
- Khi anh đến đấy, chị ấy đang khóc, trông thật là nhỏ nhoi và tội
nghiệp ở góc đường... mà nó chỉ cách nhà có một con đường. Chị
ấy cứ đấm anh vì anh cứ đứng cười haha. Nhưng mà em biết đấy,
nếu em đã lạc thì dù em có đứng ngay trước cửa nhà, em cũng
chẳng nhận ra.
“Em cũng đang lạc nhưng sẽ chẳng có ai đi đón em ngoại trừ
chính em phải tự tìm đường về” - tôi nghĩ.
Sau bữa trưa, chúng tôi mừng tuổi lẫn nhau. Quà mừng tuổi
của Tom là mấy tấm vé xổ số. Tôi cào một vé và trúng thêm ba
vé nữa; vậy là chị Lê và tôi đi ra cửa hàng để lấy ba vé mới trúng.
Trên đường đi, tôi định nói với chị Lê chuyện tôi và Sơn có lẽ sẽ
ly dị nhưng rồi lại thôi. Chúng tôi lấy mấy cái vé, mang về cào và
tôi lại trúng một vé nữa. Nhưng tôi quyết định không cào cái vé
mới này mà bỏ nó vào túi.
Lúc này, không biết vẫn quý hơn biết. Hy vọng vẫn quý hơn sự
thật. Tôi còn chưa sẵn sàng để biết tôi sẽ mất tất cả. Tôi vẫn còn
muốn bám vào cái hy vọng rằng có thể tôi đang giữ một gia tài
khổng lồ trong túi, rằng tôi vẫn có thể thắng trong cái trò xổ số
cuộc đời này.
Thực sự, tôi còn chưa sẵn sàng ngửa bài với cuộc đời tôi.
Chương 9
Cái ngày đó đến chẳng có gì báo trước. Chỉ là một ngày thứ Ba
bình thường. Đài báo trời rất lạnh và tuyết sẽ rơi dày nên tôi ở
nhà.
Buổi chiều, Sơn ngồi trên sàn nhà đọc sách, tôi ngồi viết ở bàn
cạnh cửa sổ. Rồi chẳng vì ý nghĩ cụ thể nào, tôi nói:
- Anh ạ, mình phải nộp đơn ly dị thôi.
Sơn ngẩng lên.
- Thế thì nộp thôi.
Và thế là thế.
Chương 10
Sự bình tĩnh dối lừa. Tôi không biết do tôi không đủ sức để
bất cứ tình cảm nào lộ ra hay chúng đã đóng băng cả rồi. Có điều
chắc chắn là bên dưới mặt băng bình tĩnh đó, mọi thứ lục bục sôi
- trăm ngàn thứ tình cảm lồng lộn khiến tôi kiệt sức.
Đêm qua, không ngủ được, tôi nằm nhìn vào bóng tối và nghĩ
đến những ngày tháng trước mặt. Sẽ có nhiều ngày tôi cũng sẽ
nằm trong bóng tối như thế này, sẽ một mình và sẽ khóc... thật
là một viễn cảnh ghê sợ...
Từ cái viễn cảnh đó, giận dữ bắt đầu bùng lên như một ngọn
lửa thiêu đốt tôi.
- Life sucks(*) - tôi nói.
Sơn cười:
- Đấy là tại em cứ nghĩ thế, em cứ sống bình thường thì có làm
sao đâu.
Sống bình thường? Sống bình thường?
Are you kidding me ?(**)
Are you FUCKING kidding me?
Làm sao có thể sống bình thường với Sơn?
Không phải chính anh đã làm cho tôi phải lang thang hết nơi
này đến nơi khác khắp cái nước Mỹ chết tiệt này, không có chỗ
nào ổn định để mà có thể sống bình thường? Để có thể nghĩ đến
việc mua một cái nhà, kiếm một việc làm ổn định, có những
người bạn và hàng xóm vững bền, rồi xây dựng gia đình như
những người bình thường khác?
Không phải chính anh luôn tự do nghỉ việc bất cứ khi nào anh
thích, để cho tôi phải vừa đi học vừa đi làm? Lúc ấy Sơn cũng đã
bảo việc gì phải khổ thế, nhưng tôi không khổ, thì chúng tôi
sống bình thường bằng gì?
Không phải những thất thường của anh đã làm cho tôi lúc nào
cũng như người bước trên trứng mỏng; làm cho tôi suốt ngày
đau đầu, đau lưng, và rúm ró thế này?
Không phải là để cho anh có cuộc sống bình thường của anh
thì tôi và những người quanh anh đã phải không bình thường
với bản thân mình suốt những năm qua?
Sống bình thường?
Sống bình thường?
Are you FUCKING kidding me?
Fuck you! Fuck cái lý thuyết bình thường trên trời của you!
Fuck tất cả những cái bình thường chỉ đủ chứa một mình mình,
chỉ tiện lợi cho đàn ông của những người như you.
Thật là kiểu của kẻ độc tài, bạo chúa, không cho phép ai làm
bất cứ điều gì rồi phàn nàn rằng tại sao mọi người không làm gì
để được hạnh phúc, thoải mái như mình.
Nhưng, alas, tôi chỉ nghĩ như thế mà không nói gì. Như lâu
nay tôi đã gần như từ bỏ hẳn việc dùng lời nói để đấu tranh
trong nhiều mối quan hệ với người Việt Nam. Như xưa nay tôi
thường không nói những câu kết luận “X thì...”, “Y thì...”, “Đàn
ông thì...”. Bởi vì tôi được dạy rằng phụ nữ phải quân tử; càng
phụ nữ càng phải quân tử.
Sáng nay tỉnh dậy, cơn giận vẫn còn nguyên. Lưng tôi đau,
toàn thân đau - giận dữ dường như đã biến thành những cái búa
dần tôi nhừ tử và khói đen của nó thì đã phủ đặc óc tôi. Chị gái
tôi gọi điện hỏi một số thông tin cá nhân để chuyển tiền. Tôi đã
gửi thông tin này nhiều lần mà lần nào cũng phải hỏi lại. Trời ơi,
tôi phát điên lên vì những người xung quanh tôi mất. Tôi hét lên
trong điện thoại là sao chị tôi không lưu thông tin để lần nào
cũng phí thời gian của tôi, sao không gửi tiền bằng Western
Union của Mỹ, đỡ phải làm chứng nhận đủ thứ lằng nhằng với
ngân hàng Việt Nam, sao cứ tiếc mấy đồng mà làm tôi điên hết
cả người.
- Gớm, bình tĩnh nào - chị tôi nói.
Bình tĩnh? Bình tĩnh?
BÌNH TĨNH?
Are you kidding me?
Are you FUCKING kidding me?
Bình tĩnh thế quái nào được?
Tôi chán lắm rồi; tôi chán tất cả thế giới này - toàn là đồ bỏ đi.
Toàn đồ ăn hại, bỏ đi. Tôi cũng là đồ bỏ đi và nên chết quách đi
cho xong. Tất cả thế giới này nên chết quách đi cho xong
chuyện.
Nhưng, alas, một lần nữa, tôi chỉ nghĩ thế mà không nói gì. Bỏ
máy xuống, tôi nửa muốn gào lên thật to, nửa muốn khóc.
Bạn đọc thân mến, bạn có thể nói “Có gì đâu mà phải khổ sở
thế nhỉ? Không thích nữa thì chia tay chứ có gì”. Tôi ước gì nói
và làm cũng dễ như nhau.
Giận dữ - dù chính đáng hay không - thường là giai đoạn tình
cảm chủ đạo đầu tiên mà bất cứ người ly hôn hay đang có đổ vỡ,
rạn nứt tình cảm nào cũng phải trải qua sau khi chia tay trở
thành một thực tế không thể chối cãi(13).
Về cơ bản, vào lúc này, thực tại về ly hôn khiến họ bừng tỉnh
khỏi ảo tưởng có thể níu kéo hoặc đảo ngược tình thế. Sự “bừng
tỉnh” này khiến họ suy xét lại toàn bộ cuộc sống hôn nhân trước
đó. Họ sẽ có cảm giác từ lâu nay, họ đã bị lừa phỉnh vào viễn
cảnh “hạnh phúc đến đầu bạc răng long với người bạn đời của
mình. Họ sẽ thấy toàn bộ thế giới đã thông đồng với nhau trong
âm mưu lừa đảo đó, đẩy họ đên chỗ thê thảm hiện tại, và giờ thì
cả thế giới đang cười hả hê hoặc thản nhiên với tấn trò đời mới,
bỏ mặc họ dưới hố. Trong sự truy xét này, họ thấy mình là kẻ
thua cuộc và sẽ “mất hết”: mất con (vì con sẽ không còn sống với
mình), mất nhà (vì phải chuyển ra khỏi nhà), mất bạn bè chung,
mất họ hàng bố mẹ, mất danh dự, mất thu nhập và tài chính,
phải bắt đầu lại “từ số không”. Cảm giác “mất trắng” một cách
đột ngột càng củng cố niềm tin họ đã bị lừa và càng giận kẻ lừa
đảo. Bất kể ai là người đề nghị ly hôn, ai là người thực sự “có lỗi”,
vào lúc này, cả hai bên đều có cảm giác mình là “nạn nhân”
(victim) của bên kia và do đó cơn giận với kẻ gây họa cho mình
là chính đáng. Từ người bạn đời, cơn giận có thể lan (giận lây)
sang bạn bè, bố mẹ, anh chị em, cô dì chú bác, đồng nghiệp, cấp
trên cấp dưới; thậm chí cả người dưng trên đường. Với một số
người, đối tượng mà họ trút giận nhiều nhất sau người bạn đời
lại là con cái. Họ sẽ nổi cáu với những đứa trẻ vì chúng nhắc họ
nhớ đến hôn nhân, họ đay nghiến chúng, sử dụng chúng như
công cụ để trả đũa người bạn đời mà quên mất rằng chính bọn
trẻ lúc đó cũng có cảm giác giận dữ, bất lực với mình và với bố
mẹ.
Nhưng quan trọng hơn và tệ hơn cái giận “chúng nó”, những
người ly hôn cảm thấy giận chính mình. Họ giận mình đã mù
quáng, ngu ngốc đi vào một cuộc hôn nhân không thể có hạnh
phúc; họ trách mình lẽ ra đã phải thế này, phải thế khác; họ giận
mình bất lực, bất tài, vô dụng, không giữ được một gia đình
hạnh phúc, không bảo vệ được những đứa con, không làm hài
lòng bố mẹ... Với phụ nữ, nhất là phụ nữ Á Đông, việc tự giận
mình xảy ra rất phổ biến vì họ thường ngầm tin rằng “thiên
chức” của phụ nữ là “xây dựng tổ ấm”. Điều tệ nhất là, cũng vì cái
mặc định hiển nhiên này mà họ không hề ý thức được rằng họ
mang khối giận dữ vô hình trong mình và để khối tự giận đó
ngấm ngầm hủy hoại mình. Họ không biết rằng nếu họ đã tích
tụ sự bất bình với người chồng trong một thời gian dài (nhất là
nếu họ từng bị đánh, bị chửi, bị xỉ vả, chỉ trích, hành hạ về tinh
thần) nhưng lại cảm thấy họ không được “quyền” giận, và nhất
là không “biết cách” để bày tỏ cơn giận một cách lành mạnh, thì
những giận dữ bị đè nén này có thể sẽ còn ở lại, ngun ngút như
tro than mà thiêu đốt họ từ bên trong.
Ở một thái cực, sự giận dữ này có thể khiến họ trở nên bi quan,
cay nghiệt, chua chát với cuộc sống và với chính mình; ở một
thái cực khác, nó có thể khiến họ mặc cảm về bản thân, tự ti,
luôn do dự, sợ hãi, và về cơ bản là rơi vào tình trạng “bán hớ”,
“bán tháo” bản thân một cách vô thức. Họ sẽ tin rằng mình
không xứng đáng được yêu, không có giá trị; cho nên họ sẽ chấp
nhận những công việc với mức lương thấp hơn khả năng, không
bao giờ đòi hỏi được thăng tiến, luôn cố gắng quá sức để làm hài
lòng người khác, không phản kháng khi người khác cư xử thiếu
tôn trọng mình, chấp nhận hẹn hò và có thể sẽ kết hôn lại trong
tâm thế “vơ bèo vạt tép”. Về mặt thể chất, giận dữ đè nén có thể
đưa đến đau lưng, đau đầu, mất ngủ, huyết áp cao, rối loạn khí
huyết, đột quỵ, và nhiều rối loạn tâm thần khác. Hoặc đơn giản,
giận dữ, như lửa, có thể làm khô kiệt sinh lực của một người,
khiến phụ nữ trở nên héo hon còn nam giới thì lúc nào cũng
“đằng đằng sát khí”.
Từ giận dữ đến hận không xa. Hận lại thường đi kèm với thù(*).
Giận có thể nguôi đi, nhưng hận và thù thì có thể kéo dài và hủy
diệt chính người mang nó. Có lẽ chính vì giận dữ giống một thứ
thuốc độc có thể ngấm sâu và ăn mòn con người từ trong ra mà
đạo Phật của phương Đông liệt giận dữ (sân) vào một trong
“tam độc” của đời người. Với phương Tây, ý thức được sự độc hại
của giận dữ, cũng như ý thức rằng con người phải “học” mới
“biết cách” bày tỏ và giải tỏa giận dữ, họ phát triển các hình thức
“trị liệu giận dữ” (anger management) cho cả người lớn và trẻ
em trải qua ly hôn, từng bị bạo hành, hoặc từng sống trong các
quan hệ mà họ tích tụ nhiều giận dữ không được giải tỏa.
Dù nam hay nữ, ly hôn khi hai mươi hay sáu mươi, là người
chủ động đề nghị ly hôn hay người bị đề nghị ly hôn, có lý do rõ
ràng để ly hôn hay không, giận dữ là một giai đoạn tình cảm mà
người ly hôn nào cũng phải trải qua và phải đương đầu để có thể
đi tiếp. Với cá nhân tôi, một trong những bài học mà ly hôn dạy
tôi chính là nhận ra và bày tỏ sự giận dữ của mình. Nhưng bài
học cuối cùng về sự giận dữ lại xảy ra vài năm sau, khi tôi nói
chuyện với một nhà sư.
- Đôi khi con cảm thấy thật thiệt thòi vì con không biết nổi giận.
Con thực sự không biết nổi giận. Từ bé đã như vậy. Khi con nhìn
thấy những người khác nổi giận hoặc lớn tiếng với người khác,
con không hiểu họ lấy đâu ra cảm giác và dũng khí để làm điều
đó. Vào giây phút nào thì cái giận dữ đó sinh ra và họ có thể
đứng lên, chỉ tay vào mặt người khác hay đập bàn quát tháo,
thậm chí hất cái này, đá cái nọ. Thỉnh thoảng con ước có thể làm
được như thế. Không biết nổi giận cũng thiệt lắm. Vì người ta
không sợ mình, nên nhiều khi không được việc. Nhưng con
không làm sao nổi giận được, con thậm chí không thể giả vờ nổi
giận được.
Nhà sư cười.
- Con nên coi đó là một cái phước con ạ. Không sân hận là một
điều may mắn mà không phải ai cũng có được; nó không phải là
thiếu sót. Một phút giận có thể thiêu rụi cả rừng công đức.
Khoan nói chuyện rừng công đức vì tôi thực sự không biết nổi
giận chứ không phải vì tôi muốn tích công đức. Điều nhà sư nói
với tôi - hãy coi việc mình không biết giận là một cái phước chứ
không phải một thiếu sót - là một sự giải phóng lớn. Nó làm cho
tôi bớt chạnh lòng khi tôi, cao chưa đầy mét sáu, nặng chưa
được năm mươi cân, mặt không xinh, mặc không đẹp, không có
dấu hiệu nào của sự giàu có khác thường, lại không biết quắc
mắt to tiếng, nên thường phải mất thời gian mới có thể khiến
người khác làm những việc mà họ chắc chắn sẽ đôn đáo đi làm
nếu như tôi có một trong các điều trên. Quan trọng hơn, tôi
cũng không còn hoang mang, sợ hãi khi người khác nổi giận.
Giận dữ - cũng như những thứ tình cảm khác - giống như một
bóng ma mà nếu mình đã nhìn ra cái nguồn sáng thì cái bóng
không còn có thể hù dọa mình.
Chương 11
Tôi thực sự không còn biết mình đang làm gì nữa. Tất cả là
một đường hầm tối đen, một vực thẳm không đáy.
Cả ngày hôm nay, tôi ngồi trong một phòng nhỏ của PhD
Lounge, đóng cửa lại, để viết luận án và để không ai thấy tôi.
Giận dữ, buồn nản, cô đơn và trăm ngàn thứ tình cảm lớn nhỏ
lồng lộn bên trong như cơn bão bị nhốt trong chai đòi được thả.
Tôi cứ cắm cúi viết; mỗi chữ như một câu thần chú giữ nút chai
khỏi bung ra.
Đến năm giờ chiều, tôi không chịu đựng thêm được nữa. Tôi
phải nói chuyện với ai, nếu không tôi chắc chắn sẽ lại vào ô tô
khóc như đã xảy ra nhiều lần những ngày qua. Tôi gọi vào điện
thoại của Ji-ah và nói Ji-ah vào một lớp học trống chờ tôi.
- Em trông như shit phải không chị? - tôi nói khi thấy Ji-ah.
- Không, em không như shit - Ji-ah cười - Thế có chuyện gì? Nước
mắt tôi bắt đầu trào ra.
- Em không biết nữa... Mọi thứ đều hỏng cả, Ji-ah. Tất cả.
Everything is so wrong. Em không biết phải làm gì nữa. Ji-ah
ôm tôi.
- Chị biết... chị biết... em cần phải nói chuyện với mọi người,
đừng giữ mãi một mình như thế.
Nhưng em không biết nói với ai. Em có cảm giác như ai cũng
muốn hại em, ai cũng muốn em bất hạnh... Em không còn biết
tin ai nữa...
Ji-ah lục túi lấy giấy lau nước mắt cho tôi.
- Chị biết không, thậm chí còn thế này nữa. Một người bạn của
em sắp lấy chồng; cô ấy rất vui, cô ấy gửi email thông báo ngày
cưới cho mọi người và viết hôn nhân là thế này, hôn nhân là thế
khác; và em nghĩ thầm, rồi, cứ chờ đi, lúc tớ mới lấy chống, tớ
cũng nghĩ thế, nhưng cứ chờ một vài năm đi, bạn sẽ thấy hôn
nhân không như bạn tưởng... nhưng dĩ nhiên là em không nói gì
với cô ấy cả, em chỉ chúc cô ấy hạnh phúc thôi...
- Đừng nói gì cả, những người sắp kết hôn cần tin rằng hôn nhân
là tuyệt vời, nếu không thì họ kết hôn làm gì.
- Em biết, em không nói gì cả. Thực sự là em vẫn tin vào hôn
nhân, em nghĩ lấy một người hợp với mình thì sẽ rất tuyệt; em
thích cuộc sống vợ chồng lắm...
- Em đúng là điên rồ.
- Thật đấy, em thích cuộc sống vợ chồng lắm, nhưng lúc này, khi
em thấy ai đó nói về cuộc sống vợ chồng lãng mạn, em chỉ muốn
gào lên và bảo người đó là họ chẳng biết gì, một ngày nào đó họ
sẽ vỡ mộng... Thật kinh khủng, em không hiểu sao em muốn
làm thế.
- Em chỉ đau khổ quá thôi mà.
- Cuối tháng này em sẽ nộp đơn ly dị. Mà em thì không thể nào
quyết định nổi mình làm thế là đúng hay sai. Em phát điên lên
mất.
- Giờ cậu ấy vẫn ở đây? Bọn em vẫn đang sống chung?
Tôi gật đầu. Ji-ah cầm tay tôi, bóp nhẹ.
- Nghe chị này, bọn em đã quyết định ly dị mà vẫn còn sống với
nhau thì không tốt đâu. Em sẽ không thể suy nghĩ rõ ràng, ly dị
hay không ly dị. Hãy nói chuyện và bảo cậu ấy chuyển ra ngoài,
vì cả hai bọn em. Không ai có thể chịu đựng được tình trạng này,
kể cả superwoman. Tôi đã lờ mờ cảm thấy điều này nhưng
không nhận ra cho tới lúc Ji-ah nói.
- Không ai có thể nói cho em biết quyết định ly dị là đúng hay
sai; em phải ra quyết định đó và em chỉ có thể ra quyết định mà
em cho là tốt nhất vào mỗi thời điểm, ai mà biết được tương lai
thế nào. Nhưng dù thế nào, em phải biết tự chăm sóc em, đừng
làm hại bản thân em đến mức không khắc phục được. Đừng có
tự vác tất cả trên vai. Vứt chúng đi.
Chúng tôi đang nói chuyện thì điện thoại của Ji-ah đổ chuông.
- Em không nói chuyện lâu được - Ji-ah nói trên điện thoại - Em
đang nói chuyện với bạn em. I love you, honey.
- Chị về đi - tôi nói với Ji-ah - về đi không anh ấy chờ.
- Không không, chị không sao. Chị nói thế để anh ấy cúp máy
thôi; trông thế nhưng mà nhạy cảm lắm. Em biết đấy, đôi nào
cũng phải có các kỹ năng để sống với nhau. Người châu Á mình
không giống bọn Mỹ, mình không cứ câu nào cũng nói I love
you honey, I miss you sweetie được, nhưng mà chị thấy rốt cuộc
ai cũng thích nghe thế. Nên phải học, mặc dù lúc đầu cũng
ngượng lắm. Chúng tôi nói chuyện thêm một lúc rồi về. Khi tôi
bước vào nhà, Sơn hỏi tôi thế nào, tôi nói bình thường. Nhưng
rồi nước mắt tôi bắt đầu tuôn ra như suối.
- Thế này khó cho em quá - tôi nói.
- Cái gì khó?
- Cuối tháng này mình nộp đơn ly dị... mà anh vẫn ở đây, em vẫn
ở đây, em không biết nghĩ thế nào cả...
Sơn bảo tôi đừng khóc nữa, có gì đâu mà phải khóc; anh sẽ
chuyển đi.
Nhưng tôi vẫn khóc như mưa. Đấy là lần đầu tiên tôi hiểu rằng
chúng tôi chắc chắn sẽ ly dị. Hình như Sơn cũng lần đầu nhận ra
điều đó.
Thật khó diễn tả cảm giác của tôi khi phải nói điều tôi vừa nói
với Sơn. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình thất bại nặng nề như
thế với tư cách một con người khi có thể đối xử như thế với một
người khác.
Nhưng thực ra, tôi không phải là ngoại lệ. Các nghiên cứu mà
tôi đọc sau này nói rằng trong quá trình ly hôn, một cặp vợ
chồng sẽ nghĩ đi nghĩ lại rất nhiều lần và trong một thời gian
dài, tận đáy lòng, họ không tin rằng mình sẽ thực sự ly hôn.
Nhưng rồi cả hai hoặc một trong hai người sẽ tới một mốc quyết
định gọi là điểm “bước chân đi cấm kỳ trở lại” về mặt tâm lý -
như người chần chừ mãi rồi cũng quyết định nhảy xuống bể.
Thường thì phụ nữ đạt tới điểm này trước vì họ đã có một thời
gian dài suy nghĩ về ly hôn. Quyết định của người phụ nữ sẽ
khiến người chồng cũng đạt tới mốc này. Tùy tính chất của hôn
nhân trước đó mà một cặp vợ chồng có thể đi tới điểm quyết
định này nhanh hay chậm, nhẹ nhàng hay vật vã.
Dù thế nào, điểm quyết định này sẽ mở đường cho giai đoạn
tiếp theo trong ly hôn: quá trình ly thân, tức là tách rời thực sự
về mặt nơi ở; hoặc nếu vì lý do kinh tế mà họ vẫn phải chung
nhà thì đây là lúc hai bên sẽ hoàn toàn chấm dứt tất cả các biểu
hiện chăm sóc, đối đãi như vợ chồng.
Đối với một số cặp, quyết định ly thân là thời điểm mà những
lạnh nhạt, thậm chí thù hận, đay nghiến, trả đũa sẽ bắt đầu nếu
một bên cảm thấy mình bị phản bội hoặc đánh úp bởi sự kiên
quyết ra đi của bên kia. Họ có thể cố tình trì hoãn việc ly thân.
Họ có thể bắt đầu nói xấu bạn đời với con cái để lôi kéo con cái
về phía mình; họ có thể chia rẽ bố mẹ, đồng nghiệp, bạn bè
chung của hai người; gây cản trở, thậm chí có thể phong tỏa tài
chính và các quan hệ xã hội nếu bạn đời có biểu hiện tạo dựng
cuộc sống độc lập. Một số nhà nghiên cứu gọi những điều này là
“nọc độc ly hôn” (divorce poison) mà các cặp vợ chồng phun vào
nhau trong lúc chia tách. Mặc dù hầu hết các cuộc ly hôn do phụ
nữ chủ động đề nghị, người chồng thường là người rời khỏi nhà.
Việc ly thân, do đó, phụ thuộc vào động thái ra đi của người
chồng nhiều hơn là người vợ.
Bốn năm sau, trong một chuyến đi tới Kamakura của Nhật -
tôi gặp một ngôi chùa rất đẹp có tên chính thức là Tokeiji nhưng
còn được gọi là chùa Ly Dị. Ngôi chùa được thành lập vào thế kỷ
thứ 8 bởi một phụ nữ quý tộc có tên là Kakusan-ni. Sau khi
chồng chết, theo tục lệ thời đó, bà trở thành ni cô và lập ra ngôi
chùa này nhằm tưởng nhớ người chồng quá cố, đồng thời làm
nơi trú ngụ cho những phụ nữ bị chồng bạo hành. Dần dần,
chùa Tokeiji trở thành nơi mà các phụ nữ muốn ly hôn nhưng
không được cho phép có thể đến đó sống ba năm như một ni cô;
sau thời gian ba năm, họ sẽ được coi như đã chính thức ly hôn.
Các hồ sơ lưu lại từ thời đó cho thấy, trong thời kỳ Tokugawa
(kéo dài khoảng hơn hai trăm năm, từ đầu thế kỷ 17 đến giữa
thế kỷ 19), khoảng hai ngàn phụ nữ đã đến chùa để được ly hôn
theo cách duy nhất chấp nhận được dưới chế độ phong kiến.
Đối với phụ nữ, ra đi khỏi gia đình rõ ràng đã luôn khó khăn vì
nó thường bị đánh đồng với nổi loạn và/hoặc với thất đức/thất
tiết/vô hạnh. Khi phụ nữ chọn đóng lại cánh cửa hôn nhân thì
cánh cửa duy nhất mà xã hội khả dĩ có thể tha thứ cho họ là tu
hành - tức đời sống một mình, khổ hạnh, đoạn hẳn luyến ái và
thế tục.
Chương 12
Từ đó đến giữa tháng Ba, tâm trạng của tôi cứ lên lên xuống
xuống như những con sóng mà tôi không làm sao có thể kiểm
soát. Ý nghĩ như con ngựa già quen đường. Chỉ có bằng đấy ý
nghĩ và cũng chẳng phải ý nghĩ hay ho gì, vậy mà nó cứ quen
đường cũ quay về, nhai đi nhai lại, ngày này qua ngày khác, giờ
này qua giờ khác, từ sáng sớm tới khuya.
Quyết định ly dị có đúng không?
Nhỡ tôi không bao giờ tìm được ai khác, tôi sẽ chết già thì sao?
Quyết định ly dị có đúng không?
Cuộc đời tôi rồi sẽ thế nào? Sơn rồi sẽ thế nào? Chúng tôi rồi sẽ
thế nào? Sẽ còn là bạn không hay sẽ trở nên thù hận nhau? Còn
bố mẹ, họ hàng, bạn bè của hai chúng tôi?
Quyết định có đúng không?
Có thể làm gì được nữa không?
Hay là...
Có lẽ tôi chỉ đang sướng quá hóa rồ, tự chuốc họa vào thân. Lại
bệnh của người học nhiều, hão huyền, sống trên mây.
Nhưng mà...
Thôi không nghĩ nữa...
Nhưng mà quyết định ly dị có đúng không(14).
Tôi cầu cứu bất cứ ai có thể cho tôi lời khuyên nhưng những
lời khuyên cũng không mấy hiệu quả; chúng chỉ như những
đốm sáng nhỏ nhanh chóng bị nuốt mất dạng vào trong cái hố
đen khổng lồ của những câu hỏi cứ xoay tròn không ngừng
nghỉ. Tôi tiếp tục đi tới đi lui như con kiến bò quanh miệng
chén, không sao có đủ can đảm để quyết định có ly dị hay không
khi mà, có hay không, cả hai con đường dường như đều quá khó.
- Em không thể, đơn giản là không thể - tôi nói với Ji-ah
- Nếu cả hai lựa chọn đều khó, thì hãy chọn cái khó nào có nghĩa
lâu dài hơn cho em.
Nhưng làm thế nào để biết quyết định nào có nghĩa hơn. Giá
có ai chỉ cho tôi, nếu tôi ly hôn, cuộc sống của tôi sẽ kết cục thế
nào; và nếu tôi không ly hôn, cuộc sống của tôi sẽ ra sao.
Trong lúc này, mùa đông tiếp tục truy bức Chicago bằng
những đợt bão tuyết liên tiếp, cùng với nó là cơn bão khủng
hoảng tràn ngập khắp nơi. Tháng Tám năm ngoái, khi tôi đi
châu Âu, chỉ số thị trường chứng khoán S&P 500 ở mức 1300;
đến cuối tháng Chín, khi tôi ở châu Âu về, thị trường xuống
1000; và bây giờ thì xuống đến 700. Có nghĩa là phần lớn người
lao động Mỹ - vốn thường dùng thị trường chứng khoán như
một kênh giữ tiền chính - đã mất một nửa tài sản. Thất nghiệp
trên toàn nước Mỹ đã lên đến 8,1% và dự báo sẽ tăng lên hai con
số. Mất việc ở Mỹ đồng nghĩa với không thể góp tiền nhà, tiền xe
ô tô, tiền học cho con, tiền bảo hiểm y tế, v.v... - ngân hàng sẽ xiết
nhà, xiết xe... Nghĩa là cùng đường xảy ra tức thì. Ở Alabama,
trong cơn tuyệt vọng, một người thất nghiệp đã mang súng bắn
chết mẹ, ông bà, cô chú mình; rồi tìm bắn chết vợ và con gái phó
cảnh sát trưởng thị trấn trước khi tự kết liễu đời mình.
Vụ Mandoft cũng vừa vỡ lở khiến nước Mỹ thêm rúng động.
Người đàn ông này đã lừa đảo và xây nên một đế chế Ponzi 65 tỷ
đô la. Mandoft bị kết án 150 năm tù nhưng hàng ngàn người sẽ
mất tiền vì vụ lừa này; rất nhiều trong số họ là những người già
đã đem tiền tiết kiệm đổ vào các quỹ đầu tư ma của ông ta với hy
vọng có đủ tiền sống khi nghỉ hưu. Nhưng bây giờ, tiền mất, họ
sẽ phải hoãn kế hoạch nghỉ hưu lại. Tuyệt vọng, cùng đường,
phá sản dường như là giai điệu chính vào lúc này.
Trong bản đại tổng phổ mang tên Phá Sản của nước Mỹ và
toàn thế giới, tình hình của chúng tôi cũng đi vào kết thúc. Một
ngày gần cuối tháng Ba, Sơn từ kho gửi đồ trở về nhà với vẻ
buồn bã. Anh ngồi ở bàn, hai tay che mặt. Một lúc sau, Sơn nói
anh đã dọn sạch đồ trong nhà kho.
- Toàn đồ linh tinh nên anh vứt hết.
Sơn cũng đã mang xe Dodge đi đại tu.
- Nếu không có gì thay đổi, ba tuần nữa anh sẽ đi.
Tôi không nói gì. Không thể nói gì. Nếu tôi mở miệng, tôi sẽ
khóc và tôi sẽ xin anh ở lại... và tất cả sẽ lại bắt đầu...
Tôi chiên chuối với bơ và rượu rum rồi lấy kem trong tủ lạnh
ra. Hai chúng tôi ngồi ở bàn, hai thìa, cùng nhau ăn một bát
chuối chiên với rượu và kem, vừa nóng vừa lạnh. Không ai nói
gì.
Chương 13
Những ngày này, sợ hãi đã trở thành cảm giác chủ đạo trong
cuộc sống của tôi. Tỉnh dậy vào buổi sáng trở thành một gánh
nặng. Những ý nghĩ như những con bạch tuộc ngàn vòi; chỉ cần
tôi mở mắt là chúng bủa vây, siết chặt, khiến đầu óc tôi lúc nào
cũng xoắn cứng những búi ý nghĩ. Những cơn đau đầu đến ngày
càng thường xuyên nhưng tôi không dám uống thuốc mà cũng
không dám ngủ. Giấc ngủ chỉ là trùng điệp những giờ vật vã,
quăng quật trên một mặt biển ầm ào những câu hỏi về tương
lai, hồi tưởng về quá khứ. Suốt thời gian này, tôi không một lần
có ý nghĩ tự tử nhưng có thể hiểu cảm giác của những người đã
tự tử. Họ hẳn không chịu nổi sự tồn tại của chính mình bởi vì
tồn tại - tức việc biết nhìn, biết nghe, biết thấy, biết nghĩ, biết
cảm - trở thành nguồn gây đau khổ lớn nhất mà họ không có
cách nào giải quyết ngoài việc tự kết thúc chính mình(*).
Lối thoát duy nhất của tôi là tập trung vào luận án. Tuy thế
không phải lúc nào lối thoát này cũng mở. Sáng nay cơn đau nửa
đầu làm tôi không sao viết được.
Tôi đang nằm trên xô pha trong PhD Lounge tiếp tục nghiền
ngẫm về tình trạng khổ sở của mình thì nghe tiếng ai đó.
- Em thế nào?
Hóa ra là Arif, nghiên cứu sinh người Bangladesh, học dưới tôi
một khóa nhưng hơn tôi nhiều tuổi. Arif đã có vợ và một con
gái.
- Em đang sống trong sợ hãi - tôi nói với Arif vì không câu nào
khác có thể mô tả tình trạng của tôi.
Tôi kể cho Arif nghe chuyện ly dị của tôi và cái cảm giác, lần
đầu tiên trong đời, cả tương lai xa và tương lai gần đều là một
khu rừng tối khiến chân tôi ríu cứng lại vì sợ.
- Anh biết cảm giác đấy - Arif nói - Bố anh ở Bangladesh bị ốm cả
năm nay; chắc sẽ không qua khỏi. Tuần nào anh cũng gọi điện
về nhà hỏi thăm và một tháng nay, anh rất sợ những cuộc điện
thoại đấy. Anh cứ nghĩ “Chúa ơi, lại đến lúc gọi điện rồi”... bởi vì
anh không biết là anh sẽ phải nghe thấy tin xấu gì và sẽ cảm giác
ra sao khi nghe tin. Lúc nào anh cũng trong tình trạng chờ tin
xấu và nỗi sợ đấy vắt kiệt anh.
- Em không hiểu Arif ạ. Em cảm thấy không thể ở lại nhưng em
lại cũng không thể quyết định được...
- Hiểu? Từ này quan trọng đấy - Arif nói - Nếu em muốn hiểu thì
anh nghĩ em nên thử nói chuyện với một chuyên gia tâm lý.
Như thế, em có thể quyết định tốt hơn và khép lại mọi chuyện dễ
dàng hơn.
Arif cho tôi số điện thoại của văn phòng tư vấn tâm lý trong
trường để đặt hẹn với họ.
- Cái lớn nhất mà em không thể hiểu là hình như anh ấy không
hiểu rằng những gì anh ấy nói hay làm có thể khiến người khác
đau.
Arif tặc lưỡi.
- Cái đấy thì có thể là chuyện của cá nhân chồng em mà cũng có
thể là chuyện của đàn ông châu Á nói chung.
- Ý anh là sao?
- Ý anh là, anh cũng là người châu Á nên anh có thể hiểu một
chút. Nói chung, đàn ông châu Á được dạy rằng phụ nữ là những
thứ nhỏ xinh, lúc nào cũng vui tươi, không nghĩ gì sâu sắc, cũng
không cảm nhận gì sâu sắc. Những cái dạy dỗ kiểu thế ăn sâu
vào đầu óc đàn ông. Nhiều người đàn ông vì thế không thể nào
tưởng tượng nổi việc vợ mình lại đau khổ, hoặc việc những
người phụ nữ quanh mình đau khổ, nhất là đau khổ vì mình. Họ
không thể nào ý thức được việc đó hoặc không chấp nhận được
việc phụ nữ có khả năng đau khổ và thực tế là đau khổ rất nhiều.
- Hình như chính em cũng vô thức tin những thứ giáo điều kiểu
thế.
- Phụ nữ Á Đông đa phần là thế. Anh nhìn thấy nhiều ở
Bangladesh vì họ lại còn theo đạo Hồi nữa. Họ không dám nói
cái đau khổ của họ với chồng họ; trong vốn giao tiếp của họ
không tồn tại những câu như “Em đau khổ, những gì anh nói
khiến em đau khổ”; họ cứ thế chịu đựng và thường đổ lỗi cho
mình rất nhiều khi hôn nhân không hạnh phúc chứ không nhìn
nó như là một thứ mà người chồng cũng có trách nhiệm ngang
bằng. Ngay từ đầu, họ đã mặc định họ chỉ được làm cái này,
không được làm cái kia, đàn ông được quyền làm cái này, cái
kia...
Nói chuyện với Arif xong, tôi dành cả buổi chiều đọc các kiến
thức tâm lý, nhất là những ảnh hưởng của văn hóa lên tâm lý và
hành vi. Tôi đọc lại các lý thuyết tâm lý cơ bản mà tôi từng học
nhưng chưa bao giờ thực sự để ý và áp chúng vào bản thân -
phân tâm học của Freud, tâm lý xã hội của Erikson, lý thuyết
hành vi của Albert Bandura, các lý thuyết văn hóa, lý thuyết
giao tiếp, rồi các hội chứng rối loạn tâm lý theo chuẩn DSM-IV.
Tôi bắt đầu nghĩ đến những lối mòn tâm lý và hành vi mà tôi
rõ ràng cứ lặp đi lặp lại từ bé.
Một là...
Hai là...
Ba là...
Rồi tôi bắt đầu nghĩ lại tất cả cuộc đời tôi - từ lúc tôi lớn lên,
khi tôi bắt đầu xa nhà, tất cả những mối tình tôi đã trải qua và
những vết thương mà chúng có thể để lại. Tôi nghĩ xem tôi có
thể sai ở đâu, cần phải khắc phục điều gì. Có lẽ mọi việc đã tốt
hơn nếu tôi biết cách nói chuyện, biết phản kháng và bảo vệ
mình những lúc chúng tôi xung đột thay vì im lặng. Có thể
nguyên nhân của nó là vì tôi đã không bao giờ được học cách
giải quyết xung đột trong gia đình.
Bố mẹ tôi sống với nhau hạnh phúc; thậm chí thường được coi
là gia đình mẫu mực ở những nơi chúng tôi từng sống. Mẹ tôi là
một người nhạy cảm và, như nhiều phụ nữ Việt Nam sinh ra
giữa thế kỷ 20, luôn tự nguyện nhận lỗi và các đè nén cảm giác
về phần mình để giữ hòa khí gia đình. Mẹ tôi né tránh những
dấu hiệu đầu tiên của một cuộc xung đột trong gia đình - ví dụ
chị em tôi cãi nhau; và dàn hòa ngay lập tức. Thậm chí cả đến lúc
chị em tôi đã lớn lên và tranh luận với nhau vào bữa tối như
những người trưởng thành - mẹ tôi vẫn không chịu được. Như
thể bất cứ dấu hiện rạn nứt nào cũng làm cho mẹ cảm thấy
không an toàn. Phải về sau này, sau khi đã lấy chồng, tôi mới
hiểu cảm giác của mẹ cũng như của những người phụ nữ Việt
Nam khác. Đằng sau nó là một nỗi sợ ăn sâu - và có thể là từ việc
họ đã chứng kiến quá nhiều kết cục bi thảm của những người
phụ nữ dám “vùng lên” trong gia đình; khi họ ngấm ngầm nhận
ra rằng họ đơn độc trong cảm giác của mình, không tin rằng
những cảm giác của họ là “chính đáng” trong một xã hội mà
nam giới đã có quyền lực nghiễm nhiên quá lâu. Phụ nữ Việt
Nam - dù đa phần rồi trở thành mẹ, thành chị, thành em gái,
thành bà và có vai trò rất lớn trong nuôi dạy con cái - lại chứa
trong mình quá nhiều ngờ vực, đè nén và những cảm giác tuyệt
vọng không tên mà họ thường không chia sẻ với người khác.
Nhưng có lẽ vì thế mà những đứa trẻ cũng giấu những ý nghĩ
thật của chúng và, ngay cả khi trở thành vợ thành chồng của
người khác, có thể chưa bao giờ học được cách trình bày ý mình
rõ ràng, bảo vệ ý mình một cách quyết liệt, học cách nổi giận và
đối đầu với sự nổi giận của người khác một cách vững vàng,
không sợ sệt mà cũng không quay mặt đi.
Tôi tự hỏi có phải vì những điều trên mà tôi không biết cách
xử lý các xung đột trong cuộc sống với Sơn và trong cuộc sống
nói chung? Tôi cũng tự hỏi, có phải Sơn, cũng như nhiều người
đàn ông Việt Nam khác mà tôi biết, không được dạy cách bày tỏ
ý kiến nào khác ngoài việc dùng đến sự giận dữ, chỉ trích khi
mọi chuyện không theo ý mình bởi vì văn hóa Việt Nam có một
khung quá hẹp, gần như khắc khổ đến mức tự lạm dụng, cho sự
bày tỏ nam tính? Tôi muốn rà soát lại tất cả, xem tôi có thể đã
làm gì sai và còn có thể làm gì để sửa chữa.
Buổi tối, tôi nói với Sơn rằng tôi muốn thử đến nói chuyện với
một chuyên gia tâm lý; nếu Sơn muốn, anh có thể đi cùng tôi.
Sơn nói tôi cứ đi trước; có thể anh sẽ đi cùng(15).
Chương 14
Đầu tháng Tư, trời lạnh trở lại - cơn lạnh rớt của mùa đông.
Nhiệt độ xuống âm 15 độ cộng với mưa. Buổi chiều tôi đội mưa
tới văn phòng bác sĩ tâm lý trong trường.
“Bác sĩ tâm lý” hóa ra là một cô gái da trắng trạc tuổi tôi - có lẽ
mới tốt nghiệp chương trình tiến sĩ tâm lý. Cô ấy có đôi mắt màu
hạt dẻ, tóc cũng màu hạt dẻ hơi xoăn được vấn gọn gàng ra phía
sau gáy, khuôn mặt không trang điểm. Giọng cô ấy nhẹ nhàng,
hơi mệt mỏi.
- Cái gì đưa chị đến đây hôm nay? - cô ấy hỏi.
Câu này tôi cũng đã được học trong các lớp lâm sàng của
chương trình tiến sĩ. Nó giống như hiệu lệnh xuất phát để các
thân chủ bắt đầu trình bày vấn đề. Vậy là tôi bắt đầu. Nhưng tôi
không biết phải nói thế nào khi đây là lần đầu tiên tôi nói
chuyện với một nhà tâm lý. Và vì có cái gì đó trong mắt cô ấy...
À thì hôm nay tôi đến đây bởi vì tôi có vài vấn đề mà tôi muốn
nói chuyện với một ai đó... tức là một chuyên gia. Như là tôi cảm
thấy rất giận dữ ở bên trong... Tức là, chị thấy đấy, tôi đang
chuẩn bị ly dị... và tôi muốn hiểu thêm một chút về nó. Tôi cũng
không biết nữa, tôi không biết chắc là tôi có muốn ly dị không,
bởi vì là tôi thấy không thể sống cùng chồng tôi nữa, nhưng mà
tôi lại cũng không tưởng tượng được là không sống cùng anh
ấy... tôi không hiểu tôi muốn ly dị là vì tôi quá mệt với cái bằng
tiến sĩ này hay là cái gì khác... tóm lại là, chị thấy đấy, tôi muốn
nói chuyện với một chuyên gia để hiểu hơn... Đấy là lý do tôi đến
đây...
Cô ấy vẫn nhìn thẳng vào tôi một cách trống rỗng - như thể
những lời của tôi chỉ đi xuyên qua cô ấy. Có vẻ cô ấy mới bắt đầu
sự nghiệp tư vấn tâm lý và vẫn chưa cáng đáng nổi cả một ngày
dài lắng nghe chuyện buồn của khách hàng. Cuối, cùng cô ấy
chớp chớp mắt, nói:
- Tức là chị vẫn hy vọng có thể hòa giải và cứu vãn hôn nhân
bằng cách đến gặp bác sĩ trị liệu?
- À, tức là...
Tôi cố gắng giải thích trong lúc cô ấy tiếp tục nhìn xuyên qua
tôi. Thực sự, tôi cũng không biết phải nói thế nào về mớ bòng
bong trong đầu tôi. Khi tôi ngừng lại, cô ấy nói đã năm giờ rồi,
văn phòng phải đóng cửa. Vậy là chúng tôi kết thúc. Cô ấy hỏi
tôi có muốn đặt hẹn trở lại vào tuần tới không; tôi nói tôi sẽ suy
nghĩ rồi đặt hẹn qua mạng.
Trước khi đến đây, tôi đã chắc chắn mình sẽ khóc như mưa
trong văn phòng này; nhưng tôi đến, chờ, và không hề có một
giọt nước mắt. Tôi thậm chí còn cười được trong lúc kể chuyện.
Không hiểu tôi đã cạn cảm xúc hay là tôi chỉ không thể khóc
trước mặt cô bác sĩ tâm lý có đôi mắt mệt mỏi này.
Tôi biết tôi đã không nói thật với cô ấy. Ngồi đối diện cô ấy, tôi
có cảm giác như mình phải có một câu chuyện logic và có nghĩa,
phải có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi “Vì sao?”. Nhưng tôi
không có câu trả lời vào lúc này. Càng cố nói thì lại càng không
phải sự thật. càng cố tạo ra một câu chuyện có nghĩa, có đầu có
cuối rõ ràng, tôi càng có cảm giác như mình đang thanh minh.
Thanh minh với ai? Cô ấy không biết tôi và cô ấy có nghĩa vụ
giữ kín tất cả những gì tôi nói với cô ấy? Vậy thì tôi chỉ đang
thanh minh với mình về quyết định của mình?
Ở văn phòng ra, tôi lái xe về gần nhà nhưng không muốn vào.
Tôi đậu xe ở góc đường 55 với Lakeshore rồi ngồi trong xe nhìn
ra bên ngoài. Trời nắng nhạt. Hoàng hôn sắp xuống trên hồ
Michigan. Nước mắt tôi lại dâng lên, ngân ngấn mi mắt.
Một cái gì giống như sự cám dỗ đã hình hành trong lúc tôi cố
gắng trả lời câu hỏi “Vì sao?” ở văn phòng tư vấn. Nó là cám dỗ
bao biện, giải thoát bản thân khỏi những câu hỏi quá khó, vượt
quá sức chịu đựng. Nó cũng là cám dỗ đổ lỗi cho người khác để
cắt nghĩa những vùng xám dày đặc và làm nhẹ bớt gánh nặng
mà tôi đang cảm thấy trong tim. Tôi nhìn thấy bóng dáng của
chúng vẫy gọi, lẩn quất; chỉ cần tôi đi theo chúng thì cuộc sống
có lẽ sẽ dễ thở hơn một chút vào lúc này nhưng về lâu về dài sẽ
khó hơn nhiều.
Tôi ngồi trong ô tô rất lâu rồi mới về nhà. Khi bước vào cửa,
tôi nghe Sơn đang nói chuyện trên điện thoại.
- Được, các anh chỉ cần thông báo ngày chính thức.
Sau khi bỏ máy, Sơn nói với tôi:
- Có một bọn vừa tuyển anh. Tuần sau anh sẽ đi.
This is too much! Tôi nằm xuống, quay mặt vào tường, nước
mắt bắt đầu chảy. Tôi khóc nhưng không ra tiếng rồi thiếp đi.
Khi tôi tỉnh dậy, đầu tôi đau như sắp vỡ. Tôi nhờ Sơn bôi dầu vào
thái dương nhưng anh làm dầu rớt vào mắt tôi bỏng rát. Tôi đi
vào nhà tắm rửa mắt; nước mắt lại tuôn ra như suối.
Such shit! Such shit!
*
* *
Tôi không nhớ lắm về những ngày ngay sau đó - tôi đoán
chúng chỉ là một chuỗi giống nhau của những ngày đầy hoang
mang và rối như bòng bong. Một tuần sau cuộc gặp đầu tiên với
cô bác sĩ tâm lý trẻ, tôi đặt hẹn với văn phòng tư vấn tâm lý khác
của trường.
Trời hôm nay cũng mưa nhưng không quá lạnh. Trong phòng
chờ, bóng điện tỏa một màu vàng ấm và lò sưởi tí tách cháy. Đã
có năm sinh viên đang chờ, hai nữ và ba nam. Một cô gái trông
có vẻ là người Trung Quốc ngồi nép vào góc phòng, cúi đầu đọc
tạp chí. Những người khác cũng vậy. Khi tôi bước vào, không ai
ngẩng lên. Tôi bỏ ô xuống cạnh lò sưởi rồi cũng nhặt một tờ The
New Yorker lên đọc.
Người làm việc với tôi sáng nay là Cynthia - một bác sĩ trị liệu
Mỹ gốc Á. Bà có vóc người to cao, khoảng ngoài năm mươi. Bà
dẫn tôi vào phòng, khép cửa lại rồi bảo tôi ngồi đâu tùy thích.
Văn phòng của bà nhỏ nhưng ấm cúng và cũng được sơn màu
ấm với vài cái cây. Một giá sách lớn chạy bao quanh tường, bàn
làm việc và hai ghế bành lớn có đệm. Tôi ngồi xuống một ghế,
Cynthia ngồi xuống ghế kia.
- Tôi đã đọc hồ sơ của cô - bà nói chậm rãi - Cô nói cô muốn đến
vì việc gia đình. Hãy kể cho tôi nghe chuyện gì đang xảy ra?
- Tôi đang làm thủ tục ly dị. Nhưng tôi muốn hiểu rõ quyết định
của mình và về một số việc trong hôn nhân của tôi.
- Chồng cô có biết lý do vì sao cô muốn ly dị không?
- Tôi không chắc lắm. Tôi nghĩ là anh ấy biết nhưng tôi không
chắc lắm. Nhiều khi tôi không thể nào làm cho anh ấy hiểu tôi
cả.
Nước mắt tôi bắt đầu trào ra. Cynthia chỉ lặng yên nhìn tôi. Bà
chờ tôi lấy khăn giấy lau nước mắt.
Bao lâu nay, tôi luôn trách mình, tôi nghĩ tôi là người tồi tệ vì
đã không chịu bằng lòng thỏa mãn với hôn nhân. Tôi nghĩ tại
tôi đòi hỏi quá, tôi phức tạp, tôi cứ quan trọng hóa mọi sự. Bao
nhiêu người phụ nữ ở ngoài kia còn gặp những chuyện phức tạp
hơn mà họ có bao giờ nghĩ đến ly dị, nhưng quả thực tôi không
thể sống tiếp như thế này. Tôi cảm thấy mình đã gồng lên quá
lâu để không bị tổn thương. Nhưng tôi cũng không thể cứ thế
này ra đi. Bề ngoài thì chúng tôi rất bình tĩnh, như chẳng có
chuyện gì xảy ra và tôi biết tôi có thể cứ bình tĩnh thế này,
nhưng nếu tôi không hiểu thì chắc là sau này tôi sẽ còn bị dằn
vặt.
Cynthia nói cảm giác có lỗi và hoang mang này rất phổ biến ở
phụ nữ trong quá trình ly hôn, nhất là nếu họ là người đề nghị ly
hôn. Bà nói rằng về mặt tâm lý, trong quá trình ly hôn, có một
bên được gọi là bên chủ động và một bên bị động. Bên chủ động
thường là người đề nghị ly hôn, đưa đơn; bên bị động là bên bị đề
nghị ly hôn. Nhìn chung, bên chủ động thường có cảm giác mắc
lỗi, sợ hãi, và khó ra quyết định; còn bên bị động thì cảm thấy
giận dữ, tổn thương. Điều này là vì, với bên bị động, cho đến tận
lúc ra tòa, họ vẫn còn có thể bám vào niềm tin rằng mọi chuyện
sẽ thay đổi vào phút cuối, nên họ có thể chậm hơn trong việc ý
thức về sự chấm dứt thực sự của hôn nhân, do đó họ kinh
nghiệm giai đoạn giận dữ, đau khổ, chấp nhận, phục hồi chậm
hơn và có thể cũng lâu hơn. Bên chủ động có thể được coi là có
tâm lý chuẩn bị dài hơn nhưng cũng chính vì họ chủ động và coi
như để ngỏ khả năng từ bỏ quyết định ly hôn vào bất cứ lúc nào
khi đối mặt với những khó khăn tâm lý thực tế từ lúc đặt vấn đề
cho tới lúc ra tòa nên về cơ bản, họ cũng khó khăn như bên bị
động.
- Cô đã bao giờ nói những cảm giác của cô với chồng không?
Tôi giải thích với Cynthia rằng ngày xưa tôi còn cố gắng
nhưng lâu dần, tôi đã từ bỏ hy vọng có thể giải thích cho Sơn
hiểu cảm giác của tôi. Tôi không biết vì tôi không biết nói hay vì
anh không thể nghe. Cynthia hỏi tôi về gia đình tôi; rồi lại hỏi về
gia đình Sơn. Tôi nói với Cynthia rằng tôi không biết nhiều về
gia đình Sơn. Chúng tôi gặp nhau bên này, lấy nhau bên này; cả
hai đều không có nhu cầu tìm hiểu về quá khứ và xuất thân của
nhau. Cynthia nói:
- Tôi phải hỏi cô những điều này để hiểu kỹ. Tôi rất thường
xuyên gặp những người đến tư vấn vì không thể giao tiếp với
chồng, với vợ hay người yêu của họ; chồng hay vợ họ thường nổi
giận rất thất thường và có thể coi họ như kẻ thù lúc nổi giận.
Điều này xảy ra cả ở nam lẫn nữ, mặc dù nam nhiều hơn nữ. Nó
có thể chỉ là chuyện người ta không được dạy kỹ năng bày tỏ bản
thân nên không biết cách bày tỏ nào khác ngoài nổi giận. Nhưng
cũng có khi thì đấy là biểu hiện của những sang chấn tâm lý sâu
xa hơn. Thường thì những người có tâm lý chống lại thế giới và
lập tức coi người trái ý họ là kẻ thù là những người mà từ nhỏ đã
chịu áp lực lớn từ những người thân, nhất là bố mẹ. Hoặc khi
một người đàn ông lớn lên trong một gia đình mà cha là một
người cũng ác khẩu và đã hay chỉ trích, phê phán anh ta từ bé,
thì anh ta có nhiều khả năng cũng lặp lại điều đó. Nó là cơ chế tự
vệ, mà lâu dần có thể trở thành những ẩn ức.
Rồi Cynthia hỏi:
- Chuyện ly hôn này, chồng cô có muốn hòa giải không? Cô có
muốn hòa giải không?
Tôi không nói tiếp được vì nước mắt lại tuôn ra. Và vì đây là
câu hỏi mà tôi cũng không biết phải trả lời thế nào.
- Tôi không biết nữa. Tôi cảm thấy quá mệt rồi. Tôi vừa muốn
hòa giải lại vừa sợ phải tiếp tục ba mươi năm nữa như thế này.
Tôi kể cho Cynthia về cuộc sống những năm qua. Chúng tôi đã
di chuyển bờ Đông, bờ Tây nước Mỹ hai lần trong lúc tôi vẫn
phải hoàn thành chương trình tiến sĩ. Tôi không chắc tôi đủ sức
để tiếp tục.
- Khi nào cô tốt nghiệp?
- Tháng Tám này.
Cynthia ngồi thẳng người lên, nhìn thẳng vào tôi.
- That’s extraordinary. Extraordinary! - bà nhấn mạnh và chờ để
tôi cảm nhận được điều đó - Có lẽ cô không thấy hết được điều đó
tuyệt vời thế nào đâu nhưng thực sự là như vậy. Nếu cô có thể
làm xong chương trình tiến sĩ ở đây trong bảy năm, trong lúc
phải chuyển nhà và đối mặt với một cuộc hôn nhân như vậy thì
quả là extraordinary.
- Cảm ơn bà...
- Không không - Cynthia nói chậm rãi, nhìn thẳng vào tôi - Hãy
nghe tôi nói này. Tôi biết rất nhiều người ở trường này, họ có
tiền, họ có hôn nhân hạnh phúc, họ chẳng có vấn đề gì cả, và họ
vẫn không thể nào làm xong chương trình tiến sĩ, có người
mười năm chưa xong, thậm chí mười lăm năm, đại học Chicago
mà, cô biết đấy... Để tôi nói với cô điều này: nếu cô có thể hoàn
thành chương trình tiến sĩ ở đây trong bảy năm, giữa tất cả
những di chuyển và căng thẳng đó, thì không có gì cô không thể
làm trên đời. Cô phải tin vào điều đó. Không có gì mà cô không
thể làm trên đời.
Bà ấy nhìn tôi bằng cái nhìn vừa trìu mến vừa đau lòng của
một người mẹ thấy đứa con gái hoàn toàn mất hướng.
- Đấy cũng là một lý do khiến tôi quyết định phải ly dị. Bởi vì tôi
cảm thấy tôi đã đánh mất mình trong những năm qua. Tôi tích
tụ bao nhiêu là buồn rầu và giận dữ. Trước đây, tôi là người lạc
quan vui vẻ nhưng lâu nay, tôi cứ rút dần vào trong, tôi không
muốn nói chuyện với ai, giờ tôi chỉ giữ tất cả trong đầu; và tôi
bắt đầu hay đau đầu. Tôi cứ sợ tất cả những gì tôi nói ra sẽ chỉ
cho người khác thêm vũ khí để làm tôi đau; họ sẽ dùng những
điều tôi nói để làm tổn thương tôi.
- Đấy là vì cô đã mất niềm tin. Khi người ta không thể tin tưởng
người thân nhất với mình, người ta dễ mất niềm tin vào người
khác. Cô chỉ tự vệ thôi. Đấy là cơ chế tâm lý bình thường. Những
cơn đau đầu của cô, chúng tôi gọi là tension headache. Tinh
thần ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất trực tiếp. Khi người ta
sống liên tục trong căng thẳng và sợ hãi hoặc bồn chồn, thì
người ta có thể bị đau lưng, đau đầu, chán ăn, ngủ không ngon...
Cô có đau lưng, mất ngủ không?
- Có, tôi thường đau lưng lắm.
- Cô có uống thuốc gì khi đau đầu không?
- Không, tôi chỉ đi ngủ thôi.
- Có đỡ không?
- Cũng tùy lúc. Bây giờ, giấc ngủ của tôi rất tệ. Nhiều khi phải rất
lâu tôi mới có thể ngủ được bởi vì, bà biết đấy, tôi cứ nghĩ mãi,
nghĩ mãi... rồi tôi ngủ thiếp đi vì mệt. Khi tôi vừa mới tỉnh, đầu
óc tôi sạch sẽ được một chút, và lúc đó thì tôi thấy hạnh phúc và
bình tĩnh, nhưng rồi chỉ được một chút, những lo lắng cũ lại trở
lại...
- Cô lo lắng về chuyện gì?
- Tất cả mọi thứ - tôi vừa khóc vừa bật cười.
- Ừ, mọi thứ. Là những thứ gì?
Tôi nói tôi lo lắng về chuyện hôn nhân. Tôi nghĩ tôi sẽ không
bao giờ gặp được ai yêu tôi; tôi nghĩ là tôi không bình thường và
sẽ không có ai yêu tôi. Rồi tôi lo lắng về chương trình tiến sĩ này,
về những thay đổi sẽ đến, tôi không biết tương lai sẽ thế nào, tôi
không biết sẽ phải trở lại cuộc sống độc thân như thế nào, tôi
không hình dung được cuộc sống không có Sơn, rồi tôi lo lắng
không biết chuyện ly dị này sẽ ảnh hưởng tới tôi ra sao, tôi
không biết có thể sống một mình hay không, tôi đã quá quen với
việc là một người có chồng...
- Hãy kiên nhẫn - Cynthia nói - Khi những bước ngoặt như thế
này xảy ra, thì bao giờ cũng cần một thời gian lo lắng. Cố gắng
kiên nhẫn và bám chặt một chút. Bám chặt vào, chỉ một chút
nữa thôi... mọi việc sắp qua rồi, tôi hứa với cô đấy. Sắp qua rồi.
Sắp qua hết rồi. Tôi hứa với cô đấy.
Chương 15
Ngày mai Sơn đi và tối nay chúng tôi vào khu Việt Nam ăn
tối chia tay.
Trên đường đi vào Vietnam town, tôi nghe Sơn nói và nghĩ
đây có thể là lần cuối cùng tôi nghe anh nói như thế này.
- Tại sao anh không bao giờ khen người khác?
- Anh khen đầy người.
- Ví dụ một người đi.
- Thằng X.
- Một người khác nữa đi.
- Đầy
- Anh thử nói một điều gì đó tốt về em xem nào?
- You’re very cute(*).
- Nói một cái khác xem nào.
- You’re a genius(**).
- Haha, không đúng. Nói một điều gì đó tốt về em mà anh thực
sự tin đi xem nào.
- You’re cute.
Chúng tôi gọi rất nhiều thức ăn khiến người phục vụ ngạc
nhiên. Cả hai đều ăn rất ngon miệng rồi về nhà lúc gần bảy giờ.
Trời vẫn còn nắng, không khí rất trong. Trên các công viên dọc
hồ Michigan, trẻ con và thanh niên đổ ra chơi ném bóng và
trượt patin. Những ngôi nhà và khu trung tâm thành phố đứng
rạng rỡ trong nắng chiều.
Ở góc đường Lawrence bắt vào Lakeshore, tôi nhìn lên và thấy
những cái cây đang ra lộc. Vẫn còn chưa rõ nét nhưng những lộc
non nhỏ xíu đã trổ lấm tấm xanh.
- Anh có tin vào luân hồi không?
- Sao lại không?
- Như em với anh, mình lấy nhau là do duyên nợ à?
- Ừ.
- Em cũng nghĩ thế. Có thể là em phải lấy anh để học một số thứ,
trả một số nợ. Em học được rất nhiều thứ ở anh.
- Anh thì hình như chẳng học được gì ở em cả.
Tôi quả thật đã học được rất nhiều từ cuộc sống chung với
Sơn. Hình như đạo Phật nói những người quanh ta, nhất là
những người gây khó khăn cho ta chính là các Bồ Tát của ta vì
họ làm cho ta hiểu mình và học cách làm chủ mình; nếu vậy thì
Sơn chính là Bồ Tát sống của tôi.
- Thế hết duyên thì chia tay à?
- Có sao đâu. Thiên hạ gặp nhau rồi chia tay, đến rồi đi, chuyện
thường thôi, phải không?
- Anh sống với em có vui không?
- Vui chứ sao không?
- You sure(*)?
- Am sure(**).
- Thật đấy, anh sống với em có vui không?
- Vui cực.
Chương 16
Sơn vừa đi.
Đêm qua, khi chúng tôi đi ngủ. Sơn hỏi tôi có gì thắc mắc
không?
- Không.
- Có cần nói chuyện gì không?
- Vào lúc này?
- Không - tôi nói.
- Thế thì ngủ đi nhé.
Tôi ngủ rất sâu. Khi tôi tỉnh dậy đã là chín rưỡi sáng. Sơn cũng
đã tỉnh. Anh mở máy tính đọc một lúc rồi nói:
- Thôi, dọn đồ đạc thôi.
Anh lấy những đồ từ trên cái giá cao nhất trong closet xuống.
Có một cuốn album ảnh cũ của Sơn, từ hồi anh còn ở Đức, trước
khi chúng tôi gặp nhau. Đấy là một cuốn album cũ, bìa đã ngả
vàng, những bức ảnh trong đó cũng cũ và Sơn lúc đó còn trẻ, gầy,
còn thích mang máy ảnh đi chụp khắp nơi. Tôi nhìn cuốn ảnh
và nghĩ chúng không còn thuộc về tôi nữa. Tôi không còn có
quyền xem chúng, thậm chí không có quyền nghĩ chúng thuộc
về tôi. Giờ, những gì của Sơn sẽ thuộc về Sơn, chúng không bao
giờ còn thuộc về chúng tôi, về tôi nữa. Một ngày nào đó, sẽ có
một người phụ nữ khác xem chúng, và nghĩ quá khứ của Sơn
thuộc về cô ấy, nhưng trong cái quá khứ ấy, cô ấy hẳn sẽ xóa sạch
những phần có tôi, có thể sẽ nghĩ về tôi rất khác những gì tôi
biết về mình. Cô ấy sẽ xây dựng những kỷ niệm mới với Sơn và
nó có thể hoàn toàn khác những gì tôi biết về Sơn, về cuộc sống
với anh.
Sơn và tôi - chúng tôi sẽ không còn là vợ chồng; chúng tôi sẽ
trở thành hai người xa lạ; mọi thứ sẽ chia đôi của anh của tôi. Và
như thế cảm giác chia ly thực sự đã bắt đầu.
Sơn bỏ đồ vào trong các túi. Tôi đeo ba lô và xách một cái túi
nhẹ; Sơn mang những túi nặng xuống xe. Chúng tôi đi dọc hành
lang - Sơn đi trước, tôi theo sau. Chúng tôi xuống đến tầng một.
Sơn bỏ một cái túi xuống để giữ cửa mở và bảo tôi đứng đó chờ
trong lúc anh quay lại phòng lấy nốt đồ.
Hôm nay là một ngày nắng đẹp; trời lặng gió nhưng vẫn lạnh.
Sơn sắp đồ vào trong xe. Tôi không nói gì, chỉ lặng yên xem anh
sắp đồ. Rồi Sơn quay lại phòng một lần nữa; khoảng hai mươi
phút sau anh xuống cùng với mấy cái túi nhỏ đựng những thứ
lặt vặt cuối cùng.
- Thế là xong - Sơn nói.
Chúng tôi quay lại phòng. Căn phòng đã vơi đi rất nhiều. Chỉ
còn túi đựng laptop và máy ảnh của Sơn trên sàn. Tôi kiểm tra
closet và nhà tắm. Tôi đưa cho Sơn lọ dầu và hộp đồ trong phòng
tắm mà anh thích dùng hằng ngày.
- Anh mang hai cái này đi này.
Tôi hâm lại những thức ăn còn thừa từ bữa tối hôm qua. Sơn
lại hỏi trong lúc chúng tôi ăn.
- Thế nào, Việt béo có thắc mắc gì không?
Có chứ, rất nhiều; nhưng đã quá muộn rồi.
- Không - tôi nói.
- OK. Đến mùa hè nếu thích thì xuống chỗ anh chơi.
- Honey, nếu anh muốn quay lại sống với em, anh sẽ nói với em
chứ?
Sơn gật đầu.
Bữa trưa kết thúc. Tôi lấy kem ra ăn. Tôi chỉ ăn vài miếng còn
đưa lại cả bát cho Sơn. “Món cuối cùng mà chúng ta ăn với nhau
như vợ chồng là kem” - cái ý nghĩ này đột nhiên trỗi lên trong óc
tôi rành rọt như thể tôi đã tự tách mình ra khỏi cuộc hôn nhân
này mà nhìn lại. Sơn ăn hết chỗ kem rồi nói:
- Thôi, đi thôi.
Sơn cầm ba lô và máy ảnh lên; tôi bỏ hai đôi giày vào túi bóng
cho Sơn. Chúng tôi đi ra cửa.
- Em có chìa khóa nhà chưa?
- Rồi.
Tôi khóa cửa. Chúng tôi đi dọc hành lang. Tôi đi trước Sơn
một bước và nước mắt bắt đầu dâng lên. “Đây rồi. Nó đây. Chúng
ta kết thúc như thế này” - một ý nghĩ lại trỗi dậy. Ở thang máy,
Sơn nói:
- May mà nó sửa kịp thang máy lúc mình vác cái túi to nhất,
không thì bỏ bố.
Nước mắt tôi lặn đi. Đây là Sơn. Tôi không muốn anh nhìn
thấy tôi khóc. Chúng tôi đi xuống cầu thang rồi qua cửa; nước
mắt lại dâng lên nhưng tôi không để trào ra và cũng không để
Sơn nhìn thấy. Sơn bỏ ba lô và máy ảnh vào ghế trước rồi bước
đến gần tôi:
- Thôi thế anh đi nhé.
- OK - Tôi không nhìn Sơn. Tôi cứ nhìn xuống đất vì nếu tôi
ngẩng lên thì tôi sẽ khóc và Sơn sẽ nhìn thấy tôi khóc.
- Cần gì thì lại gọi điện.
- OK.
Sơn vòng tay ôm tôi và vỗ nhẹ vào cánh tay tôi:
- Thôi vào nhà đi.
Đứng đó cũng chẳng có ích gì. Tôi gật đầu rồi đi vào trong
nhà. Tôi đứng trong cửa kính nhìn ra. Sơn vào xe, chỉnh lại
gương. Xe lùi lại rồi chầm chậm hòa vào đường Cornell, ở góc
đường 55, xe rẽ phải rồi biến mất.
Nước mắt tôi bắt đầu trào ra không sao ngăn được.
Phần 3
Một mình