- Người Mỹ cũng nhiều người làm thế chứ em, nhưng mọi
chuyện cũng đã thay đổi nhiều. Thế hệ bố mẹ chị chẳng hạn;
nhất là những người như bố mẹ chị, tức là dân Công giáo, ly dị là
chuyện không tưởng; nhưng mẹ chị cũng không phản đối việc
chị không kết hôn mà lại có con(21).
Emma muốn xem hết Harry Potter nhưng đã đến giờ đi ngủ
nên Kat nói:
- Emma, con có hai lựa chọn; con có thể đi tắm rồi đi ngủ và
chúng ta sẽ xem nốt phim vào ngày mai; hoặc là mẹ sẽ mang trả
lại bộ phim cho cửa hàng và chúng ta sẽ không bao giờ được
xem phim này nữa. Hai lựa chọn của con đấy, con nghĩ sao?
Lúc đầu, Emma hấm hích định khóc. Nhưng Kat chỉ nhắc lại:
- Con có hai lựa chọn, con có thể tùy ý chọn cái nào con muốn.
Đến đây thì Emma đầu hàng:
- Con nghĩ là có lẽ chúng ta sẽ xem phim vào tối mai.
Tôi mới vào có hai ngày mà đã nhận ra: ở đây chúng tôi có ba
người phụ nữ ngang vai nhau - Kat, tôi, và Emma. Những động
từ Kat thường xuyên dùng nhất với Emma là “nghĩ”, “chọn”,
“thích”, “quyết định”. Con nghĩ gì? Con chọn cái gì? Con quyết
định thế nào? Con thích cái gì? Con nghĩ kỹ chưa? Con có chắc
không? Trái lại, Emma cũng dùng chúng với Kat và tôi. Cô thích
cái gì? Cô chọn cái nào? Cô quyết định chưa? Cô muốn thế nào?
Cô nghĩ sao?
Trong phòng, khi tắt điện đi, tôi phát hiện ra trần nhà có
những ngôi sao lấp lánh. Hóa ra, Emma đã gắn những ngôi sao
bằng giấy phát sáng lên trần cho tôi.
Ngày mai tôi sẽ mua hoa cho căn phòng này, cho tôi và cho hai
người phụ nữ mới trong cuộc đời tôi - Emma và Kat.
Chương 28
Năm học mới phải một tuần nữa mới bắt đầu nhưng với
những người sẽ đi xin việc năm nay thì mọi thứ đã bắt đầu. Nhà
trường đã thuê một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đến chụp ảnh
chân dung để làm hồ sơ cho tất cả các nghiên cứu sinh sẽ xin
việc. Sáng nay đến lượt tôi chụp ảnh. Họ đã gửi trước hướng dẫn
- tôi cần mặc suit đen và trang điểm.
Xin việc trong các trường đại học ở Mỹ là một quá trình vất vả.
Phải xem vị trí tuyển dụng của từng trường và điều chỉnh hồ sơ
cho phù hợp. Tôi cũng phải xin thư giới thiệu của các giáo sư.
Điều có thể cười được duy nhất trong quá trình này là thỉnh
thoảng, các trường lại viết sai tên tôi trên các thư trao đổi.
“Thưa ông Nguyễn”, “Thưa cô Nguten”, “Thưa cô Nguyuen”,
“Gửi Huog”, “Gửi Hugo”, thậm chí “Thưa cô Swanke” và thường
xuyên nhất là “Huoung”. Tôi đùa với Sam rằng từ giờ Sam phải
gọi tôi là “cô Swanke”.
Luận án đã vào giai đoạn sửa lần cuối và tôi đã chính thức bội
thực với nó. Nhưng tôi cũng không có lựa chọn nào khác là tiếp
tục hoàn chỉnh nó trong lúc cầm cự với nỗi buồn ly dị. Dạo này,
tôi bắt đầu có chiến lược thay đổi địa điểm làm việc của mình
tùy tâm trạng. Mỗi buổi sáng, mở mắt ra, tôi nghe xem hôm nay
tâm trạng của tôi thế nào. Có hôm, nỗi buồn là một khối bình
tĩnh màu xanh; có hôm là một khối lửa đỏ bầm, có hôm nó là
một khối màu tía; có hôm nó lại như con sư tử bị thương lồng
lộn. Có hôm con sư tử uể oải nằm thờ ơ nhìn mọi thứ, lại có hôm
nó buồn rầu nằm liếm cái chân đau và không cả buồn ăn; hôm
thì nó tươi tỉnh cố gắng đi săn mồi với cái chân sưng tấy. Tôi
nhìn nó, và cố chiều nó một chút thay vì nói lý với nó.
Thế nên có ngày tôi đến khoa viết cả ngày vì nhìn thấy Sam,
Anne, Tory, Ji-ah hay một gương mặt quen thuộc nào đó có thể
giúp tôi đánh lạc hướng con sư tử đang lồng lộn. Có ngày, không
muốn nhìn thấy bất cứ ai quen nên tôi tới thư viện Regenstein.
Có ngày, nghĩ đến Regenstein với những giá sách ngồn ngộn
mùi cũ kỹ, tôi thấy quá nặng nề, vậy là tôi đi tới thư viện Crerar.
Có hôm tôi ngồi ở thư viện Harper của trường Khoa học xã hội;
hôm sang thư viện trường Luật; hôm tới thư viện trường Y ;
hôm thì ngồi ở Reynolds Club, hôm trong Hutch Commons. Tôi
cố chiều sự đỏng đảnh của đầu óc mình một chút miễn là nó để
yên cho tôi ngồi xuống viết. Rất chậm. Từng dòng. Như vắt
nước từ đá. Có khi nó giở chứng; buổi sáng nó có vẻ tử tế và tôi
nghĩ hôm nay sẽ ổn, nhưng được một lúc, nó bắt đầu lên cơn
hoạnh họe, ỉ ôi... có hôm thì tôi dỗ được nó yên đi, có hôm tôi kỷ
luật được với nó, nhưng cũng có khi tôi đầu hàng và chấp nhận
ngày hôm đó không được việc gì. Những hôm vô tích sự như
thế, tôi chỉ còn biết vào nhà ăn ngồi nghe các sinh viên năm thứ
nhất tán gẫu vô bổ.
- Cậu ăn cái gì thế?
- Salad hoa quả.
- Có cà chua trong đó.
- Cà chua là một thứ quả, bạn thân mến.
- Tớ không hề nói nó không phải. Tớ chỉ đưa ra một quan sát.
- Ồ, OK.
- Nhưng mà câu hỏi thực sự quan trọng là: Giấy ăn đâu?
- Ở quầy thu ngân.
Một lúc sau:
- OK, tớ sẽ thử phản biện cậu.
- Không, cậu phản biện tớ hoặc là cậu không, cậu không thể thử
phản biện.
- Đừng có ra vẻ Yoda với tớ.
- Tớ không hề. Tớ chỉ đang chỉ ra lỗ hổng lập luận của cậu.
- Cậu biết không, tớ mới nghĩ ra thực sự Jazz gần nhất với âm
nhạc Baroque.
- Ah, tưởng gì. Tớ đã phát biểu điều đó từ lâu.
- Giờ thì chính xác là cậu đang Yoda với tớ.
Tôi phải mượn sự vô tư, trẻ trung và năng lượng của họ để đi
tiếp.
Cuối tháng Mười, luận án chỉ còn cần chỉnh sửa về mặt hình
thức để bảo vệ vào tháng Mười hai.
Những ngày này, buổi tối tôi cũng đến trường làm việc và
thường về nhà lúc gần nửa đêm. Sam cũng ở lại trường làm việc
khuya cùng tôi. Ngoài hai chúng tôi, tối nào cũng có giáo sư
Wol làm việc lặng lẽ trong phòng ông. Đêm qua, khi tôi và Sam
rời tòa nhà, giáo sư Wol vẫn còn đang cắm cúi bên bàn làm
việc.
*
* *
Cùng với luận án, những thứ khác cũng đi vào kết thúc. Từ
mùa hè, Sơn và tôi chỉ thỉnh thoảng nói chuyện. Những cuộc
nói chuyện thường ngắn vì thực sự cũng không có gì nhiều để
nói - cả tôi và anh đều không muốn giở lại quá khứ mà lại cũng
không thể hứa hẹn gì về tương lai và cũng không chắc chắn về
hiện tại. Tối qua, tôi gọi điện cho Sơn để hỏi anh dạo này thế
nào, anh nói bình thường, vẫn thế thôi, không có gì mới. Anh
hỏi tôi thế nào, tôi nói bình thường, vẫn thế thôi, chưa có gì
chắc chắn; tôi đang bắt đầu xin việc. Hai chúng tôi nghe rất xa
xôi khi nói chuyện - cái xa xôi của người phải bảo vệ cảm xúc
của mình và không thể cáng đáng nổi bất cứ cảm giác thái quá
nào, dù là giận dữ, xúc động, tiếc nuối, hay nhớ nhung.
Cuối cùng, tôi hít một hơi:
- Trong mấy tuần tới, em sẽ làm giấy tờ rồi gửi cho anh ký nhé.
Và thế là thế.
Chương 29
Mỗi ngày, một chút ánh sáng lại le lói cuối đường hầm. Cái
màn đêm đen đặc của những tháng trước chậm chạp tan dần,
cùng với nó một cái gì đó như những đốm lửa nhỏ bập bùng
nhen lên. Ở dưới đáy tim tôi, cái khối đông cứng trước đây giờ bắt
đầu tan ra, lặng lẽ chảy thành một dòng nước mặc dù nhỏ nhoi
và yếu ớt nhưng bắt đầu hiện hữu liên tục. Tôi bám chặt vào cái
mạch nước ấy.
Mỗi ngày qua, tôi vin vào từng khoảnh khắc hạnh phúc nhỏ;
bắt đầu từ lúc mở mắt, tôi nằm nghe Chopin, Bach, Paganini - và
để cho mình chìm trong cảm giác tin tưởng rằng cũng như họ, ở
ngoài kia còn có rất nhiều người tốt và vĩ đại - tất cả làm thành
một khối thiện tâm lớn lao, một cái lưới vững chắc dệt từ lòng
tốt và thành ý của tất cả nhân loại - và cái lưới ấy có thể đỡ tôi
hay bất cứ ai chẳng may trượt ngã.
Hôm qua, tôi thuyết trình thử luận án bên khoa Tâm lý.
Thuyết trình xong, Kat, Sam và tôi đi bộ dọc đường Ellis trở lại
trường. Tôi chỉ cho Sam và Kat thấy lá thường xuân phủ kín
tường khoa Nhạc đã chuyển sang màu vàng, đỏ, đồng, và xanh
thẫm báo hiệu mùa thu hết và mùa đông sắp bắt đầu. Lá trên nóc
nhà nhiều nắng đã chuyển vàng và đỏ trong khi dưới chân tường
vẫn còn xanh. Cả một vệt tường dài là một bức tranh ba màu
khổng lồ.
Lá thường xuân phủ kín tường khoa Nhạc
Tôi đang chỉ những cái lá thì nghe Rose và Melissa gọi to từ
phía ngược chiều:
- Này, các cậu vui vẻ quá đấy. Các cậu không biết ở trường này mà
vui vẻ quá là phạm luật à?
Chúng tôi cười.
- Tóc của cậu hôm nay đẹp quá - Melissa bảo tôi - Cậu có làm gì
khác với tóc của cậu không đấy?
- À, tớ gội đầu.
- Cậu còn trang điểm nữa này - Rose ghé sát vào mặt tôi - Tớ thấy
có nhũ trên mắt cậu đây này.
- Ừ - tôi nói - Hôm nay tớ thuyết trình bên khoa Tâm lý. Đúng là
lâu lắm rồi tôi mới lại trang điểm.
- Cậu cần phải xõa tóc thế này và trang điểm hằng ngày mới được
- Rose nói - Thế này mới đúng là cậu chứ.
- Ồ nhưng mà chả có tích sự gì với thuyết trình hôm nay cả - Sam
nói - Cái phòng ấy có một cái bục cao, cậu ấy thì đứng khuất sau
bục; bọn tớ ở dưới chẳng nhìn thấy gì, chỉ nghe thấy tiếng cậu ấy
vọng ra từ trong bóng tối vì họ lại còn tắt điện để chiếu cho rõ.
Bọn tớ cứ kêu lên ”Where is she? Where is she?”
Tất cả chúng tôi đều phá lên cười.
Cùng với việc bám vào từng khoảnh khắc hạnh phúc nhỏ
trong ngày, dạo này, tôi cũng đã ngừng kể chuyện ly dị với mọi
người. Tôi nhớ chính xác khoảnh khắc mà tôi dừng lại. Tôi và
Sam đã đi vào khu Việt Nam ăn tối. Ngồi đó, tôi lại kể cho Sam
nghe về hôn nhân của tôi. Thế rồi, trong khi đang nói, một ý
nghĩ đi ngang qua đầu tôi “Tại sao mình kể lể chuyện ly hôn này
nhiều thế nhỉ? Có phải mình đang cố thanh minh, bào chữa cái gì
không? Có phải mình đang tự thuyết phục bản thân rằng quyết
định ly hôn là đúng? Tại sao mình phải đẩy tất cả những thứ này
ra ngoài thành lời?”
Vậy là tôi ngừng lại.
Dạo này, một việc nữa cũng hay xảy ra: giữa đêm và đang ngủ
say, tôi đột nhiên choàng tỉnh. Và ý nghĩ đầu tiên khi tôi tỉnh
giấc là một ý nghĩ liên quan đến Sơn. Thậm chí tôi cũng không
thể gọi nó là ý nghĩ; nó chỉ là một thứ cảm xúc mơ hồ. Cái cảm
xúc ấy không phải giận dữ, oán trách hay hạnh phúc... nó dường
như đến từ một quá khứ rất xa, hoàn toàn không liên hệ gì với
hiện tại, thậm chí không liên hệ với bất cứ điều gì đã xảy ra trong
cuộc sống này, từ lúc tôi và Sơn quen nhau. Trong khoảnh khắc
ngắn ngủi khi tôi vừa tỉnh giữa đêm khuya, óc tôi như được chia
hai phần rõ ràng: phần ý thức và tư duy lý tính bên trên thì xử lý
không gian và thời gian của thực tại và nó biết tất cả những mớ
bòng bong đang xảy ra trong cuộc sống của tôi, bao gồm cả
những lo âu về trường học, việc ly dị, tìm việc làm, những cơn
ốm yếu, và tiền bạc...; nhưng còn phần kia, cái phần ở bên dưới
thì giống như một dòng tâm thức phẳng lặng, độc lập, trong suốt
đã chảy từ trong quá khứ rất sâu, vẫn chảy trong lúc tôi ngủ, và
sẽ tiếp tục trôi chảy...
Bao giờ cũng thế, khi tôi tỉnh dậy giữa đêm, nếu tôi chú ý, tôi sẽ
chớp được cái phần phẳng lặng bên dưới ấy trong một khoảng
khắc; nhưng chỉ trong một khoảnh khắc; ngay sau đó, hai phần
lập tức hòa vào nhau; phần ý thức sẽ ngự trị và cuốn tôi trở lại
mớ bòng bong những lo toan... Nhưng nếu tôi để ý, tôi sẽ nhận
thấy cái phần bên dưới ấy và nó dường như bao chứa trí tuệ vô
tận, tình yêu vô tận, sự vị tha vô tận, sự bình tĩnh và kiên nhẫn
vô tận bởi vì nó biết tất cả mọi thứ - nó dường như chứa tất cả tri
thức nhân loại, toàn bộ vũ trụ, toàn bộ những gì mà tỉ tỉ linh hồn
trong vũ trụ này đã trải qua từ lúc khởi thủy cho đến lúc có tôi.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi có cảm giác rõ ràng trong xương thịt
mình rằng tất cả những người đã đến với tôi trong cuộc sống này
- cả bố mẹ, bạn bè, anh chị em, kẻ thù của tôi, cả Sơn - đều đã từng
có mặt trong cuộc sống của tôi từ rất lâu, sẽ còn có mặt trong
cuộc sống của tôi; và vòng quay này còn tiếp diễn sau khi thân
xác này tan rã.
Tôi không biết nó là cái gì. Tôi chỉ biết trong cái thực tại mà
khoảnh khắc đó gợi ra, tôi không cần phải lo lắng về Sơn, về tôi,
cũng như về Sơn và tôi. Bởi vì không hề có cái gì bắt đầu hay kết
thúc giữa hai chúng tôi; mọi thứ đã luôn ở đó và sẽ còn tiếp tục ở
đó; chúng tôi không ai nợ gì ai, không có đau khổ, không có cả
hạnh phúc, không có thứ tình yêu nam nữ vợ chồng; chỉ có một
thứ phẳng lặng thấu suốt bao chứa tất cả.
Cái phẳng lặng thấu suốt ấy nói với tôi rằng ly dị là một việc
phải làm. Việc phải làm thì phải làm và không có gì cần lo lắng
hay tính toán.
Chương 30
Đầu tháng Mười một, sau rất nhiều trì hoãn, tôi viết thư hỏi
Sơn một số thông tin để điền vào giấy tờ ly dị. Tôi nói không yêu
cầu anh phải chu cấp tài chính cho tôi hay có bất cứ điều khoản
nào - chúng tôi sẽ hoàn toàn độc lập sau khi ly dị.
Sơn gửi lại các thông tin. Anh bảo tôi làm giấy tờ sang tên cái
xe Dodge cho tôi. Khi đọc thư, tôi chảy nước mắt. Tôi nhớ những
chuyến đi xa cùng nhau trên cái xe Dodge đó - chúng tôi đã dọc
ngang nước Mỹ hai lần, đã băng ngang Canada, chưa kể những
chuyến đi một ngày tới các thành phố nhỏ gần nhà trên chiếc xe
đó. Giờ thì chúng tôi thật sự ai đi đường nấy. Một nửa trong tôi
muốn viết thư cho anh đề nghị chúng tôi sẽ thử một lần nữa,
thử thay đổi và sống cùng nhau; nhưng nửa kia lặng lẽ nói “Hết
rồi, đi thôi”.
Từ lúc nhận được thư của Sơn và chắc chắn hơn về cái kết cục
đang đến, một giai đoạn mới được hình thành: tôi vừa càng
bình tĩnh, lại vừa càng bồn chồn. Bên trong, một cái gì đó lúc
nào cũng chực bật khóc nhưng lại cũng không thể khóc. Như thể
trong tôi là một cơn áp thấp nhiệt đới đang gom gió, tích nước
để chuẩn bị biến thành bão. Những ngày này, mỗi khoảnh khắc
đều là một cuộc chiến. Chỗ nào cũng là những bãi mìn cảm giác
mà tôi phải hết sức tránh để không nổ tan xác.
Cả ngày hôm nay, tôi vẩn vơ trong PhD Lounge - không làm
được việc nhưng cũng không muốn về nhà. Một sự buồn bã
chàng màng mà tôi biết rõ nguyên cớ nhưng dứt khoát không
chịu thừa nhận cứ lơ lửng trên đầu, chỉ chực ập xuống làm tôi
ngạt thở. Tôi kệ nó; không cố đuổi nó đi nhưng cũng kiên quyết
không kích động nó. Tôi cứ để nó lơ lửng ở đó.
- Cậu có sao không?
Tôi ngẩng lên khi nghe tiếng Melissa và nhận ra tôi đã ngồi
bệt trên sàn, đầu gục xuống xô pha không biết bao lâu rồi.
- Tớ buồn quá - tôi nói.
- Sao thế?
- Chắc tại thời tiết - tôi nói, dù tôi biết là Melissa hiểu.
- Ừ - Melissa nói - Thời tiết này khó chịu thật. Có những ngày tớ
buồn đến mức có thể tự nhiên khóc ngon lành thế này này... -
Melissa bật ngón tay tách một cái.
- Ừ.
- Cậu có muốn bọn mình làm gì cùng nhau tối nay không? Như
ăn tối hoặc đi xem phim chẳng hạn; giờ thì tớ phải về cho hai
con chó ra ngoài, nhưng nếu cậu muốn thì buổi tối mình có thể
đi chơi.
- Cảm ơn cậu... có lẽ tớ sẽ đi sang bên Rockefeller chapel ngồi một
lúc.
- Tớ sẽ đi bộ với cậu một đoạn...
Chúng tôi đi bộ cùng nhau một đoạn rồi Melissa đi tiếp dọc
đường Ellis còn tôi đi dọc đường Midway sang nhà nguyện
Rockefeller. Nhà nguyện đóng cửa vì họ đang quay một bộ phim
tài liệu bên trong. Mới năm giờ nhưng trời đã nhá nhem tối; tuy
thế không khí ấm áp và có gió nhẹ. Đèn cao áp vàng quanh nhà
nguyện đã được thắp sáng. Chuyến xe buýt cuối cùng thì sáu giờ
mới tới; vậy là tôi ngồi ở cái ghế gỗ dài bên ngoài nhà nguyện,
đối diện với trạm dừng xe buýt trước cửa trường quản trị kinh
doanh. Tôi ngồi đó đọc cuốn That Summer in Paris(*) của Morley
Callaghan và nghĩ đến Paris. Tôi ngồi đến sáu giờ thì lên xe buýt
về nhà. Paris làm cho nỗi buồn nhẹ bớt nhưng chưa hết hẳn; có
điều nó đã thành một người bạn đồng hành dễ chịu mà tôi có
thể đi bên cạnh chứ không phải một tên trộm cứ rình rập để vơ
vét tất cả những gì còn lại của tôi.
Phòng khách và bếp bừa bộn đồ chơi vì Emma có bạn tới từ
chiều. Kat, tôi và lũ trẻ làm bánh rồi nấu bữa tối. Tôi ăn tối cùng
họ.
Suốt tối, tôi cố tình không ở trong phòng mình mà ngồi
phòng khách xem lũ trẻ chơi và thi thoảng phụ chúng lấy cái nọ
cái kia. Tôi để thời gian trôi trôi lướt lướt, như nước lọt qua kẽ
tay, không giữ, không ghi lại chúng trong đầu. Tôi để mặc tiếng
lũ trẻ chí chóe và những việc vặt của buổi tối tràn qua tôi, ào lên
tôi như nước từ vòi hoa sen, hoàn toàn biết rằng đây là lúc thời
gian cần phải bị giết bởi vì tôi không muốn chìm. Tôi trôi nổi
dập dềnh trên biển tiếng cười, tiếng nói, và những chuyển động
của Kat, Emma và lũ trẻ hàng xóm.
Rồi tôi vào giường, quay lại một lát với Paris, và ngày thế là
qua.
Chương 31
Cuối tháng Mười một, luận án chính thức hoàn chỉnh. Anne
đã duyệt ngày bảo vệ luận án cho tôi: thứ Sáu, ngày 18-12-2009,
lúc 12:30, tại phòng 129. Đấy là ngày cuối cùng của học kỳ này.
Anne nói buổi bảo vệ chỉ có tính hình thức - tôi sẽ phải tóm tắt
luận án trong mười phút, sau đó hội đồng luận án và hội đồng
phản biện sẽ hỏi tôi một số câu để tôi “bảo vệ”...
- Và sẽ có đồ ăn và sâm banh để chúc mừng em - Anne nói.
- Nếu em bảo vệ thành công... - tôi nói.
- Ồ, chắc chắn rồi. Mọi người sẽ không muốn bỏ phí cơ hội uống
rượu đâu - Anne cười - Đừng lo, mọi việc sẽ ổn thôi.
Tuần đầu tiên của tháng Mười hai, Chicago có tuyết đầu mùa.
Tuyết rơi suốt đêm. Sáng hôm sau, đường Dorchester ngập
trong màu trắng. Tuyết mỏng nhưng đẹp vì vừa xuống; không
khí ẩm và ấm hơn. Nhưng rồi ngay sau đó, bão tuyết bắt đầu.
Nhiệt độ hạ xuống 10 độ F, rồi nhanh chóng xuống tiếp đến một
con số, cả thành phố đóng băng, tê liệt.
Hết tuần thứ hai của tháng Mười hai, Hype Park đã biến
thànhghost town(*) vì sinh viên đã về nhà nghỉ Giáng sinh.
Đường phố trống trơn; lại thêm tuyết lạnh nên thi thoảng mới
có một người dắt chó đi dạo và lũ chó đái những bãi vàng lốm
đốm lên mặt tuyết trắng dày. Trên các chuyến xe buýt trong
trường, chỉ còn tôi và vài ba sinh viên - hầu hết là người nước
ngoài. Mặt trời đã trốn biệt; tôi thực sự không nhớ lần cuối cùng
nhìn thấy mặt trời là bao giờ; sau bốn giờ chiều, bóng tối bắt đầu
xuống nhanh; mỗi khi tôi trở về nhà trên xe buýt, bên ngoài chỉ
có những ánh đèn vàng lẻ loi và gió.
Tôi cũng tạm thời đóng băng mọi việc, nhất là chuyện ly dị.
Tôi không thể nghĩ đến nó vào lúc này. Tất cả sức lực của tôi dồn
vào hai việc: giữ ấm cho bản thân và chuẩn bị cho buổi bảo vệ
luận án.
Bố mới gửi một email qua chị tôi (hồi tôi mới sang Mỹ, bố đều
đặn viết thư tay, gửi cho tôi qua đường bưu điện).
Gửi con gái yêu quý!
Con sắp bảo vệ luận văn tiến sĩ, bố và cả gia đình chờ mong kết
quả tốt đẹp ở nơi con. Bố luôn tin tưởng con sẽ thành công trên
con đường chinh phục đỉnh cao của tri thức. Mỗi năm qua đi,
thấy các con trưởng thành hơn, vững vàng hơn và ổn định hơn,
nhà lại có thêm các cháu là thế hệ mầm non tương lai rất đáng
yêu luôn mang đến cho ông bà cảm nhận về hạnh phúc gia đình;
cuộc sống vật chất không đến nỗi nào, các con đều hiếu thảo nên
bố mẹ thấy vui và toại nguyện khi nghỉ hưu.
Bố dặn: Từ ấu thơ đến giờ, trên con đường học tập con luôn là
người xuất sắc. Con hãy chuẩn bị tốt nhất cho công việc bảo vệ
luận văn con nhé.
Chúc con gái của bố thành công.
Cháu tôi tái bút: “Dì cố lên, cho bọn Mỹ biết tay dì nhé”.
Tôi đọc thư, vừa rơm rớm nước mắt vừa bật cười. Hẳn bố tôi
và cả nhà tưởng tượng “bảo vệ luận án” cũng giống như một
cuộc đấu tố địa chủ hay đấu tranh chống “đế quốc Mỹ”; tôi sẽ
phải đứng trên bục trước các giáo sư mũ cao áo dài, người nào
người nấy hằm hè hạ bệ tôi và tôi phải ra sức “bảo vệ” cái luận
án của mình.
Thực ra, vào lúc này, luận án là cái dễ nhất và vụn vặt nhất mà
tôi phải “bảo vệ” trong cuộc sống. Có những thứ lớn hơn nhiều,
quý hơn nhiều mà tôi biết mình cần phải bảo vệ. Có điều, với
những thứ này, tôi không có hội đồng hướng dẫn nào, cũng
không có hội đồng phản biện, không có người chấm điểm và
trao bằng tốt nghiệp. Sẽ không có ai nói cho tôi biết tôi có bảo vệ
chúng thành công hay không. Có thể tôi phải chờ rất nhiều năm,
thậm chí đến cuối đời mới biết tôi có bảo vệ được chúng hay đã
đánh mất, làm vỡ...
Nhưng cũng không có cách nào khác là tiến lên. Tôi kiên nhẫn
chờ ngày bảo vệ trong lúc cái lạnh cũng vào sâu dần, báo hiệu
một mùa đông vất vả nữa ở Chicago.
Chương 32
Bây giờ là gần mười hai giờ trưa. Nửa tiếng nữa tôi sẽ bảo vệ
luận án. Anne vừa vào PhD Lounge để xem tôi thế nào.
- Em sẵn sàng chưa? - Anne mỉm cười.
- Em sẵn sàng rồi - tôi nói - Em cứ nghĩ là em sẽ bồn chồn lắm
nhưng hóa ra em lại rất bình tĩnh.
Quả thực, lúc này tôi bình tĩnh lạ lùng. Từ sáng, bạn bè tôi lần
lượt ghé vào chúc tôi may mắn trong buổi bảo vệ. Ji-ah và
những ai không vào trường được thì gửi email. Tất cả chúng tôi
đều biết 50% nghiên cứu sinh bỏ dở chương trình tiến sĩ trước
khi tốt nghiệp nên mỗi khi có ai đó hoàn thành được luận án thì
tất cả đều mừng. Cùng vào khóa tiến sĩ với tôi có mười người,
hiện chỉ còn sáu, và tôi là người đầu tiên bảo vệ.
Mười hai rưỡi, tôi vào phòng. Anne và hai giáo sư trong hội
đồng hướng dẫn cùng với hai giáo sư phản biện đã ở đó. Sau
chào hỏi, hội đồng yêu cầu tôi ra khỏi phòng vài phút để họ hội
ý về quy trình buổi làm việc và thống nhất các câu hỏi mà họ sẽ
hỏi tôi. Sau đó, Anne gọi tôi trở lại. Tôi trình bày tóm tắt luận án
trong khoảng mười phút - chủ yếu là các ý cơ bản nhất vì mọi
người đều đã đọc kỹ luận án rồi. Sau đó là phần câu hỏi.
Tôi đang trả lời một câu hỏi của giáo sư Newman thì chuông
cứu hỏa tòa nhà bắt đầu đổ. Rồi bắt đầu đến những tiếng còi è è
hòa vào tiếng chuông và các đèn cứu hỏa bắt đầu quét chói
chang. Cả phòng nhìn nhau, hai tay bịt tai, chờ. Một phút trôi
qua mà chuông và còi vẫn tiếp tục đổ như xuyên thủng màng
nhĩ, Anne nói:
- Tôi đoán là chúng ta phải chạy thôi.
Vậy là chúng tôi vội vã thu dọn túi xách và máy tính chạy ra
ngoài. Không ai kịp mang áo khoác nên chúng tôi chỉ đứng ở
ngoài được chừng năm phút lại phải vào sảnh. Chỉ là báo động
giả nhưng phải đến mười lăm phút sau họ mới đóng được
chuông. Anne đùa:
- Giờ thì em chắc chắn có cái để nhớ về buổi bảo vệ của em rồi
nhé. Cô đã dự bao nhiêu buổi bảo vệ nhưng chưa bao giờ thấy cả
hội đồng phải chạy cứu hỏa thế này.
Chúng tôi trở lại phòng và nối lại những chất vấn dang dở.
Nhưng năm phút sau, tôi đang trả lời một câu hỏi khác thì
chuông cứu hỏa lại ré lên. Lần này chúng tôi không chờ mà lập
tức đứng dậy mang máy tính và áo khoác chạy ra ngoài.
- Có phải em hợp tác với bên cứu hỏa không đấy? - giáo sư
Newman đùa.
Một lúc sau chuông tắt. Chúng tôi quay lại phòng. Hội đồng
hỏi thêm một số câu hỏi. Rồi Anne yêu cầu tôi ra khỏi phòng.
Bên ngoài, một chiếc bàn vừa mới được kê, phủ khăn trải bàn
trang trọng. Trên bàn có rất nhiều ly, mấy chai sâm banh và các
loại pho mát, bánh quy và hoa quả. Penny - người quản lý sinh
viên - đang đứng cạnh bàn cùng với mấy nhân viên ở phòng
Sinh viên. Penny cười:
- Sắp rồi, Việt. Sắp rồi.
Chúng tôi đang nói chuyện phiếm thì cửa phòng 129 mở và
Anne bước ra:
- Tiến sĩ Phan Việt, chúc mừng em. Em đã bảo vệ thành công
luận án tiến sĩ.
Tôi ôm chầm lấy Anne.
- Ôi, cảm ơn cô, em mừng quá.
- Em đã làm việc rất vất vả, chúc mừng em.
- Cảm ơn cô, cảm ơn cô rất nhiều.
Penny cũng ôm tôi:
- Chúc mừng em. Cô thật mừng cho em.
- Cảm ơn cô.
Tôi hỏi Anne:
- Giờ em phải làm gì tiếp?
- Giờ các vị trong hội đồng sẽ ra chúc mừng em; à không, có lẽ
em nên vào phòng để họ chúc mừng em.
Tôi bước vào phòng. Mọi người đứng lên, lần lượt bắt tay chúc
mừng tôi. Newman nói:
- Tôi thật vui được là người đọc phản biện luận án của em, nó
thật thú vị. Thực sự là như đọc một câu chuyện vậy.
Sau đó, chúng tôi bước ra ngoài uống sâm banh và ngày càng
nhiều người tới chức mừng tôi. Ai cũng ôm tôi rất chặt.
- Chúc mừng em.
- Chúc mừng cậu.
- Tớ thật tự hào về cậu.
- Chúc mừng...
- Chúc mừng...
Bây giờ tôi mới cảm nhận được mình đã xong chương trình
tiến sĩ - sau bảy năm đồng thời làm cả tiến sĩ và thạc sĩ, cộng với
hơn ngàn giờ thực tập. Rất nhiều lần giữa chừng, tôi đã nghĩ là
tôi sẽ bỏ cuộc vì mệt mỏi. Nhưng giờ thì xong rồi. Trời ơi, tôi đã
học liên tục gần như không nghỉ từ lúc vào lớp một. Khi đó tôi
mới năm tuổi; giờ tôi đã ba mốt. Hai mươi sáu năm trời. Một
phần ba đời người. Nhưng tôi không tiếc. Bây giờ tôi vẫn có thể
nói tôi thích học và chắc chắn sẽ còn học cả đời. Tôi đã nhìn thấy
trước rằng cho đến khi tôi bảy mươi, tám mươi hay chín mươi
(nếu tôi được sống đến đó), tôi sẽ vẫn còn học.
Nhưng vĩnh viễn sẽ không bao giờ phải học vì điểm, vì bằng
nữa...
Hurahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!
So awesome!
So fucking awesome!
Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!
Tôi hỏi Anne tôi sẽ phải sửa những gì trong luận án và Anne
nói tôi không phải sửa gì cả.
- Và điều này chưa từng xảy ra ở trường, theo như cô biết. Hội
đồng không yêu cầu em phải sửa gì, trừ vài chỗ nho nhỏ về ngôn
ngữ mà họ đã đánh dấu trong các bản phản biện, cô sẽ chuyển
lại cho em; nhưng về nội dung thì em không phải sửa gì.
- Wow, em mừng quá. Không phải sửa thì còn gì bằng.
- Có lẽ là mọi người quên mất không nói với em. Mọi người cứ
tập trung vào những chỗ em có thể điều chỉnh khi viết luận án
thành sách mà quên không nói với em là ai cũng hết sức ấn
tượng với luận án này. Thầy Wol còn hỏi cô “Chúng ta có thể
cho cô ấy một danh hiệu gì đó kiểu như luận án xuất sắc hay
không?” nhưng cô bảo không, trường mình không có hệ thống
phân biệt luận án xuất sắc hay không, chỉ có bảo vệ thành công
và không thành công thôi; nhưng thực sự, đây là một công trình
công phu hơn những luận án mà cô từng hướng dẫn.
- Thật thế ạ? Em thì chỉ mừng là em không phải sửa gì cả. Em
hết cả sức rồi.
Tôi thực sự là đã kiệt sức vào lúc đó; chỉ nghĩ đến việc phải tiếp
tục sửa và viết cũng đủ làm tôi đau đầu.
Buổi tôi, tôi gọi điện về nhà để báo kết quả. Mẹ rất mừng. Mẹ
bảo mẹ mơ thấy tôi bảo vệ luận án thành công và tôi đứng trên
bục vẫy tay với mẹ.
Chương 33
Luận án đã bảo vệ xong. Năm 2009 đang kết thúc. Luật sư
cũng đã gửi cho tôi giấy tờ cuối cùng để ký trước khi ra tòa
nhưng tôi không sao ký nổi.
- Tôi không sao quyết định được - tôi nói với Cynthia khi xin gặp
bà ấy - Tôi rất sợ phải ra quyết định. Tôi cảm thấy tôi không đủ
sức làm điều đó; tôi không thể nào cáng đáng nổi trách nhiệm
của việc ra quyết định này.
Cynthia nói:
- Cô đang nghĩ như thể nếu cô chọn ly dị thì thế là hết; rằng đấy
là câu trả lời cuối cùng và vĩnh viễn không có cách gì để quay lại.
Nhưng mà, Việt, không có gì trên đời là vĩnh viễn, là không thể
đảo ngược; đến chết cũng còn chưa chắc là hết kia mà. Cô có thể
ly dị, rồi sau đó lại quay lại với cậu ấy nếu hai người muốn; ly dị
không phải là dấu chấm hết, nó có thể chỉ là một chương trong
mối quan hệ; nhưng có thể là chương cần thiết mà cô phải trải
qua.
Nhưng nghe vậy cũng không làm mọi việc dễ dàng hơn.
Dường như tất cả những lời khuyên và những lý lẽ từ lý trí con
người, kể cả là người thông thái nhất vào lúc này đều không làm
cho tôi bớt sợ phải quyết định. Cuộc đời tôi có thể rẽ hai hướng
hoàn toàn khác nhau tùy thuộc quyết định này và tôi không
chắc mình đủ sức cáng đáng việc lựa chọn. Tôi cần ai đó cao hơn
tôi hay Cynthia chỉ cho tôi biết nên quyết định thế nào.
Đêm qua tôi có một giấc mơ kỳ lạ về Sơn.
Trong giấc mơ, tôi đi theo bố đến một nơi giống như Venice,
với những ngôi nhà nổi trên mặt nước. Có một nhóm đàn ông
ăn mặc rất trang trọng (như thể là nguyên thủ quốc gia hay lái
buôn Ả Rập) chào đón chúng tôi - họ là bạn của bố tôi nhưng
đồng thời cũng biết tôi vì tôi đã theo bố gặp họ nhiều lần. Trong
lúc bố nói chuyện công việc với những người đàn ông thì tôi tha
thẩn một mình bên ngoài. Cả thành phố thực sự là một chốn
thần tiên nổi trên mặt nước. Tôi cứ đi quanh, nhìn ngắm mọi
thứ.
Thế rồi tôi nhìn thấy những kỳ quan của thế giới trôi nổi trên
mặt nước và lướt qua trước mặt tôi... nào nhà thờ Đức Bà Paris,
rồi thánh đường Sacre Coeur, rồi Rome, tất cả những kỳ quan vĩ
đại nhất của thế giới cứ trôi qua ngay trước mắt tôi như thể
chúng đang trượt băng trên nước. Tôi cứ đứng đó xem.
Cuối cùng thì bố cũng xong việc. Bố và tôi ra khỏi thành phố
đó tới một nơi giống như một thung lũng rất xanh, bao quanh là
những quả đồi thấp. Tôi ngẩng đầu nhìn lên trời thì thấy một
đám mây khổng lồ kết thành hình ô van có phát ra những tia
sáng màu xanh da trời và hồng nhạt. Tôi tự nhủ “Ồ, người ngoài
trái đất, thế giới đến ngày tận thế rồi, bọn họ sẽ hủy diệt chúng
ta”.
Lúc đó, tất cả những người đang ở trong thung lũng đều nhận
ra vật thể lạ trên trời; vậy là họ chạy trốn vào trong các căn nhà.
Tôi thì có linh cảm ngược lại và tôi bảo bố “Bố ơi, mình nhất
định phải ở ngoài trời, chỗ nào trống để các tòa nhà không sập
xuống mình. Mình nhất định phải ở ngoài trời”. Chỗ mà chúng
tôi đang đứng lúc đó chỉ có một bờ tường dài chạy dọc một
khoảng đất trống và một cái hang. Vậy là chúng tôi chạy lại gần
cái hang nhưng không vào hang. Chẳng mấy chốc, từ trên trời
bắt đầu mưa xuống những bông hoa nhỏ xíu màu trắng sữa
trông như hoa bưởi. Hoa cứ thế mưa xuống từ trên trời và khi
nó chạm vào ai thì sẽ lặn vào trong da người đó. Một bông hoa
cũng rơi xuống và lặn vào trong đùi tôi; lập tức ở chỗ đó mọc lên
một khối u to bằng nửa nắm đấm. Tôi nghĩ phải cắt bỏ cái khối
u này nếu không tôi sẽ chết; vậy là tôi cứ lấy tay miết vào xung
quanh khối u. Cuối cùng, da tôi rách ra nhưng không hề chảy
máu; nó chỉ bục ra một lỗ và tôi có thể lôi cái khối u ra; nhưng
khi tôi lôi nó ra thì nó không phải là một khối u mà chỉ là một
búi giấy vụn trông như những hóa đơn cũ. Tôi cứ thế lôi hết
chúng ra và tôi lập tức khỏi bệnh.
Nhưng sau đó, từ trên trời, mưa phùn bắt đầu rơi và những
cơn gió lạ màu xanh nhạt thổi khắp mặt đất đưa mưa bay khắp
nơi, dính vào tất cả mọi người. Khi mưa dính vào ai, chúng lập
tức ngấm qua da và sẽ tiêu hủy người đó từ trong ra ngoài. Cách
duy nhất có thể khiến một người khỏi bệnh là anh ta phải có
một tâm hồn cao cả, hoàn toàn không tội lỗi. Anh ta phải làm gì
đó để tẩy sạch mọi tội lỗi và chuyển hóa bản thân trở nên hoàn
toàn trong sạch, cao thượng thì mới thoát chết.
Trong mơ, tôi nghĩ trời ơi, làm thế nào để mình khỏi bệnh đây.
Câu trả lời đến ngay lập tức và tự nhiên: tôi sẽ nói với Sơn rằng
tôi muốn cố gắng một lần nữa và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để
hạnh phúc, chúng tôi sẽ yêu thương và tôn trọng nhau. Vậy là
tôi chạy ra ngoài trời với ý định đi tìm Sơn để bảo với anh như
vậy...
Đến đó thì tôi tỉnh giấc.
Chương 34
Hôm nay là Giáng sinh. Trường không bóng người. Thành
phố vắng lặng. Tôi thì vẫn tới trường làm việc đến chiều tối mới
đi bộ về nhà. Trên đường về, tôi dừng lại ở nhà nguyện
Rockefeller để xem họ làm lễ tối.
Cả ngày hôm nay trời mưa và tuyết lất phất. Mặt đường đóng
băng, rất trơn. Vỉa hè đường 59 cũng phủ băng. Trời lúc này đã
tối. Mưa làm cho ánh đèn cao áp không xuống tới mặt đất trong
khi trên đường cũng không có xe qua lại. Tôi phải dò dẫm từng
bước, hai tay dang ra để không trượt chân ngã xuống mặt băng
cứng. Trong nhà nguyện Rockefeller, những người dự lễ tối đều
mặc rất đẹp - đàn ông mặc com lê đen, phụ nữ mặc váy hoặc vét;
có lẽ chỉ có mình tôi là vẫn mặc quần áo xoàng xĩnh của sinh
viên và mang ba lô. Ở ngoài cửa, họ phát cho mỗi người một cây
nến để thắp vào cuối buổi lễ. Nhà nguyện đêm nay được trang trí
rất đẹp - những chậu hoa trạng nguyên đỏ rực được sắp thành
một đường viền của sảnh chính, những chân nến lớn lung linh
dọc các trụ tường cao; các chùm đèn lớn trên trần nhà cũng được
thắp sáng; và phía trước nhà nguyện, họ có cả một khu dựng
cảnh Chúa Giáng sinh ở Bethlehem.
Dàn hợp ca hát rất nhiều bài thánh ca; rồi đọc một trích đoạn
Kinh Thánh. Thỉnh thoảng tôi lõm bõm đọc theo. Tôi không tin
Chúa nhưng vào lúc này, tôi sẽ cầu nguyện bất cứ ai có thể giúp
tôi ra quyết định. Tôi vừa đọc vừa chảy nước mắt. Tôi nghĩ đến
cái gánh nặng khổng lồ mà tôi đang giữ trong tim. Tôi nghĩ đến
tất cả những lúc vui vẻ trong cuộc sống của tôi với Sơn và
những lúc không vui. Tôi nghĩ đến những điều tôi đã nói và
những điều không thể nói. Tôi nghĩ đến những ngày tháng
trước mắt. Dù tôi có quyết định thế nào thì cuộc sống sẽ không
bao giờ như cũ nữa. Tôi sẽ ổn thôi, chắc chắn sẽ ổn thôi; nhưng
cái cảm giác ở tận đáy tim mà vào lúc này tôi đang cảm thấy có
lẽ sẽ không bao giờ rời bỏ tôi; nó có thể sẽ theo tôi cả đời. Nó là
cái nhận thức ăn vào máu thịt rằng mình có thể làm tổn thương
người khác bất chấp thiện ý tốt nhất của mình; và người khác có
thể làm tổn thương mình; tệ hơn thế, mình có thể ác, có thể sai,
có thể hèn, có thể bần tiện, có thể mù quáng, có thể hoàn toàn vô
nghĩa, phi lý... thực tế là mình gần như chắc chắn sẽ ác, sẽ sai, sẽ
hèn, sẽ bần tiện, sẽ mù quáng, sẽ hoàn toàn vô nghĩa và phi lý...
sẽ luôn luôn chỉ như người trong giấc ngủ mơ, thảng thốt quờ
quạng bám víu vào những ảo ảnh.
Có lẽ chưa bao giờ cái tôi của tôi bị tổn thương đến mức ấy. Nó
hiểu rằng nó phải đầu hàng mọi ham muốn kiểm soát vì thực tế
là nó không có khả năng kiểm soát cái gì cả; nó không thể biết sự
thật về thế giới để mà có thể quyết định thế nào là tối ưu, thế nào
là đúng. Chừng nào nó còn tồn tại thì nó sẽ không thể toại
nguyện, nhưng nó cũng không thể không tồn tại. Và như thế,
được sinh ra, được tồn tại, trở thành một gánh nặng tự thân mà
ta không có cách nào khác là đương đầu với nó.
Cái ở dưới đáy tim này... chuyện giữa nó và tôi từ nay về sau
không có liên quan đến ly dị hay Sơn. Dù chỉ lờ mờ, tôi biết nó
lớn hơn nhiều. Lớn hơn rất nhiều.
Tôi rời nhà nguyện Rockerfeller giữa chừng buổi lễ - lúc mọi
người bắt đầu thắp nến để truyền cho nhau. Bên ngoài, đường
phố không bóng người, không tiếng động. Những nóc nhà của
trường đại học im lìm trên nền trời đêm. Mặt băng trên đường
có màu sáng xanh lạnh lẽo. Chuyến xe buýt về nhà chỉ có tôi là
hành khách duy nhất. Tôi nhìn đường phố vắng lướt bên ngoài
cửa kính và nước mắt lại trào ra. Nước mắt cứ thế trào ra, không
sao ngăn được bởi tôi đã biết mình sẽ quyết định thế nào.
Chương 35
Sáng Giáng sinh, Emma vùng dậy rất sớm, ào ra phòng
khách xem ông già Noel mang gì đến trong đêm. Kat và Mike
cũng dậy sớm. Tôi nghe họ đánh bột nướng bánh quy trong bếp
rồi trao đổi quà với nhau. Tôi muốn họ được hưởng không khí
gia đình riêng nên nằm đọc sách đến tận chín rưỡi mới ra khỏi
phòng.
- Merry Christmas!
- Merry Christmas to you!
- Cô Việt ơi, cháu nghĩ là Santa có quà cho cô đấy.
- Thật à? Cô cũng có quà?
- Vâng, Santa có quà cho cô; cả cháu và mẹ cháu cũng có quà cho
cô.
Quà của “Santa” (tức Mike) là một cái quần tất dày còn quà của
Kat và Emma là một tượng Phật Di Lặc nhỏ xíu màu đỏ toét
miệng cười.
- Ồ, tôi thích những món quà này quá - tôi nói - Cảm ơn Santa và
mọi người.
- Chắc Santa sợ cô Việt bị lạnh khi về nhà buổi tối; hẳn là Santa
nhận ra dạo này cô thường về nhà rất muộn, phải không Emma?
- Đúng rồi mẹ.
- Ồ, cảm ơn Santa, cảm ơn Emma. Đây là Giáng sinh tuyệt vời
nhất của em. Xin lỗi em chẳng mua quà gì cho ai cả; em vẫn
không quen nghĩ Giáng sinh là ngày lễ của mình.
- Ồ không sao; chúng mình đều rất vui là cô Việt đến ở cùng
chúng mình, đúng không Emma?
- Đúng rồi mẹ, chúng mình rất vui.
Chúng tôi cùng ăn sáng. Tôi và Mike làm rất nhiều bánh
pancake, ăn với bơ và mật. Kat và Emma thì làm thêm trứng ốp
la và thịt lợn xông khói.
- Đây là Giáng sinh tuyệt vời nhất của em từ lúc đến Mỹ - tôi nói -
Giáng sinh nào em cũng phải tính xem đi đâu, làm gì, vì Giáng
sinh thường chỉ nhắc em nhớ rằng mình là khách ở nước Mỹ
nhưng năm nay, em cảm thấy như đang ở nhà.
Ăn sáng xong, chúng tôi nướng thêm bánh quy và bánh
cupcake để Kat mang về nhà mẹ. Hôm nay cả đại gia đình của
Kat sẽ tập trung ở nhà mẹ và họ sẽ có một bữa tiệc lớn. Kat rủ tôi
đi cùng nhưng tôi từ chối. Tôi và Emma thi nhau phun kem
xanh đỏ lên bánh cupcake. Emma cười như nắc nẻ mỗi lần
chúng tôi phun trượt ra ngoài.
Rồi họ đi và tôi ở nhà một mình, tiếp tục làm việc.
Buổi chiều, tuyết lại rơi. Những bông tuyết dạt trong gió, cuộn
thành những cái xoáy nhỏ. Qua cửa sổ, đường Dorchester không
người; những chiếc ô tô đậu im lìm trong tuyết và màu xám của
cây cối trơ trụi trên nền tuyết trắng thật quen thuộc. Đây là
Chicago. Suốt mùa đông sẽ chỉ có màu xám và trắng thế này.
Nhưng đây là nhà tôi và tôi thấy yên ổn.
Chiều, tôi đi ngủ một chút và khi tỉnh dậy, tôi viết thư cho Sơn
để hỏi anh có muốn nói chuyện một lần nữa về việc ly dị của
chúng tôi. Lạ lùng là viết xong email và gửi đi, tôi có ý nghĩ rất
đơn giản và rõ ràng rằng hai chúng tôi chắc chắn sẽ chia tay. Sơn
sẽ lấy một người khác, sẽ sống hạnh phúc với cô ấy; và điều đó
cũng không sao, tôi sẽ mừng cho anh. Tôi cũng sẽ đi tiếp cuộc
sống của mình. Duyên nợ của chúng tôi thực sự đã hết.
Phần 5
California, Here I Come!
Chương 36
Năm mới đã sang được hai tuần nhưng Chicago không có gì
mới. Khắp nơi vẫn là màu trắng xóa nhòa mọi thứ. Đài báo tuyết
sẽ rơi suốt tuần và sẽ rất dày. Mọi người đều được khuyến cáo ở
nhà, tránh ra đường, giữ ấm cẩn thận nếu buộc phải ra đường, và
lái xe thật thận trọng. Tuy thế, Kat, Emma, Shawn và tôi vẫn
quyết định đi Michigan để mang cái camper(*) của Shawn về.
Shawn đã bỏ ra 5000 đô la để mua cái xe nhà này và người chủ
yêu cầu Shawn phải tự đến lái nó về.
Khắp nơi vẫn là màu trắng xóa nhòa mọi thứ
Đêm qua, tôi đã nói với Shawn là anh nên in chỉ dẫn đường đi,
đề phòng GPS không làm việc ở những thị trấn nhỏ của Michigan
nhưng Shawn quá hào hứng nên quên mất. Khi chúng tôi rời
nhà, quả nhiên GPS không làm việc và chúng tôi đi nhầm đường.
Vậy là Shawn phải gọi cho người bán camper nhiều lần để hỏi
đường; lần nào anh cũng xin lỗi và nói chuyện bằng một giọng
khẩn khoản. Tội nghiệp. Vì cái chân khập khiễng, Shawn luôn
cảm thấy mình là gánh nặng với người khác nên dường như
không cưỡng được xu hướng muốn làm người khác hài lòng. Cái
chân khập khiễng này là kết quả của một tai nạn xe máy từ gần
hai mươi năm trước, lúc Shawn đang là sinh viên danh giá ở một
trường y hàng đầu nước Mỹ tại California. Lúc ấy, anh là ngôi sao
thể thao và còn là người mẫu trong trường. Nhưng rồi Shawn đã
bị tai nạn, bị chấn thương sọ não, gãy chân; anh nghỉ học và cuộc
đời anh rẽ sang hướng khác.
Trên đường, chúng tôi rẽ vào thị trấn B và vào một cửa hàng
tạp hóa có tên Benjamin Franklin. Shawn và Kat mua một đống
đồ lặt vặt - găng tay, nến, kẹo; chủ yếu vì Shawn cảm thấy có lỗi
nếu vào xem mà không mua. Tôi bắt đầu thấy phải bảo vệ
Shawn. Rõ ràng là người ta dễ nhận ra mặc cảm có lỗi thường
trực ở Shawn nên không ngần ngại lợi dụng anh.
Ở cửa hàng ra, chúng tôi vào một hàng ăn có tên Eric’s café.
Cửa hàng đầy những người nông dân ăn trưa và họ cứ nhìn
chúng tôi chằm chằm vì biết bốn chúng tôi - một người đàn ông
khập khiễng, một phụ nữ da trắng, một đứa bé, và một phụ nữ
châu Á - không phải dân địa phương. Đây là một thị trấn nhỏ
điển hình của miền Trung Tây nước Mỹ - tất cả người trong thị
trấn đều biết nhau và mặc dù cách Chicago không xa nhưng dân
ở đây dường như không hề quan tâm đến thế giới bên ngoài.
Cuộc sống hằng ngày của họ xoay quanh đồng ruộng, cuối tuần
đi nhà thờ tạ ơn Chúa, nhiều người cả đời không rời thị trấn. Họ
biết thế giới bên ngoài chủ yếu qua ti vi và những chuyện truyền
miệng.
Rời khỏi B chúng tôi đi trên những con đường chỉ có một làn,
xuyên qua những cánh đồng táo và ngô lúc này chỉ còn những
thân cây trơ trụi giữa tuyết trắng. Thi thoảng giữa cánh đồng
trải dài lại có một căn nhà nhỏ đứng lẻ loi cạnh một nhà kho
chứa ngô cao chót vót.
Sau ba tiếng lặn lội, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đến
nhà người bán xe. Ông ta là một nhà truyền giáo sắp sửa đi
Philippines truyền đạo nên muốn bán cả hai cái camper. Cái
camper Toyota mà Sam muốn mua nằm ngập trong tuyết. Trong
lúc Shawn nói chuyện kỹ thuật với ông ta thì tôi, Kat và Emma
lấy ván ra trượt tuyết dọc con đường dốc đứng chạy vào nhà.
Emma ngồi ở đầu ván, tôi ngồi sau, hai tay ôm và chân quặp chặt
Emma; Kat đẩy; chúng tôi lao băng băng từ trên đỉnh dốc xuống
rồi đâm vào những đống tuyết và ngã lăn ra. Chúng tôi vừa lao
vừa hét ầm ĩ và khi ngã ra thì cười không cả đứng được lên. Rồi
tôi đẩy cho Kat và Emma trượt. Rồi cả ba thử chen chúc nhau
cùng ngồi trên ván trượt lao xuống và bay thẳng vào giữa đống
tuyết. Ôi giời ơi. Thật là một trò vui. Cả ba chúng tôi cười ngạt
thở và cứ trượt mãi, trượt mãi cho đến lúc má ai cũng hồng rực,
mồ hôi đầm đìa.
Bốn giờ chiều, chúng tôi trở lại Chicago. Buổi tối, trong lúc Kat
làm việc trên máy tính trong phòng khách và Emma đã đi ngủ,
tôi và Shawn nói chuyện ngoài nhà bếp.
- Anh đang học trường y thì bị tai nạn à?
- Ừ, hồi đó anh còn trẻ và ngu ngốc, em biết đấy, anh nghĩ anh ở
trên đỉnh thế giới và chẳng gì có thể đánh gục anh.
- Hình như ai cũng có lúc trẻ và nghĩ rằng đời không thể đánh bại
mình.
- Anh không học hết đại học sau khi tai nạn xảy ra. Giờ nghĩ lại,
anh tiếc lắm. Anh thường nghĩ, ước gì...
- Đừng nghĩ như vậy. Em thì cũng chẳng có tư cách để đưa bất cứ
lời khuyên nào về cuộc sống nhưng từ những gì em biết thì em
thấy là cuộc đời nó cứ thế xảy ra thôi, mình không thể nào kiểm
soát nổi theo ý mình, cho nên những cái “ước gì”, “giá mà”, “nếu
mà mình đã” ấy mà... chúng là những câu hỏi tu từ thú vị nhưng
chẳng có ích gì cho cuộc sống cả.
- Chúa phù hộ em. “Những câu giá như chúng chẳng có ích gì cho
cuộc sống”. Em đúng rồi, anh thích điều em vừa nói.
- Anh biết đấy, mọi người hay nói chuyện “cơ hội bị bỏ lỡ”, họ bảo
ồ nếu như mình đã quyết định thế kia thay vì thế này thì mình
đã... Hồi xưa em cũng hay nghĩ như thế, nhưng gần đây em nhận
ra, làm gì có cơ hội nào bị bỏ lỡ, chúng chẳng có ở đó để cho ta bỏ
lỡ bởi vì khi anh như là anh vào thời điểm anh ra quyết định, thì
anh chỉ có thể ra được cái quyết định mà anh đã ra, anh không
thể nào ra được cái quyết định mà anh cho là anh bỏ lỡ; cho nên
những quyết định đó đâu có dành cho anh, đâu có bị anh bỏ lỡ...
Mỗi lúc, anh chỉ có thể ra một quyết định tốt nhất. Có điều là
cuộc sống thì luôn có cách để biến những điều tốt thành điều xấu
và ngược lại và ta chẳng thể nào lo lắng về điều đó vì có ích gì
đâu.
- Ồ, Chúa phù hộ em.
Trong lúc nói chuyện, tôi nhận ra Shawn thật đẹp trai. Anh có
đôi mắt rất sáng, mũi cao, đường xương hàm đẹp; hẳn là Shawn
rất đẹp trai lúc trẻ. Giờ, mặc dù đã ngoài bốn mươi và chịu những
biến dạng của tai nạn, trông anh ấy còn rất đẹp.
- Dù sao, anh vẫn ước là anh đã cố gắng học hết đại học. Có thể là
không phải Y khoa nhưng một cái bằng khác.
- Anh vẫn có thể làm thế vào lúc này mà.
- Em có biết anh bao nhiêu tuổi không? Anh bốn mươi hai rồi.
- Ồ, anh còn trẻ lắm, tin em đi.
- Không, anh già rồi.
- Không không, trông anh chỉ như mới ngoài ba mươi một chút.
- Nào, giờ thì em là một kẻ nói dối - Shawn cười.
- Anh trẻ thật mà.
- Nói dối... nhưng cảm ơn em, Chúa phù hộ em...
- Thật đấy, anh đi học tiếp đi. Anh còn rất trẻ.
- Nói dối.
Shawn cười.
- Anh có thể hỏi em một điều được không?
- Chắc chắn rồi.
- Thôi. Em sẽ nghĩ xấu về anh mất.
- Anh cứ hỏi đi; anh muốn hỏi gì?
- Thôi, bỏ qua đi.
- Thôi nào Shawn. Anh muốn hỏi gì em?
- Anh hôn em có được không?
Điều này thì tôi không ngờ. Tôi cứ đinh ninh Shawn sẽ hỏi
chuyện ly dị của tôi. Vậy đấy, khi bạn đang ly hôn, bạn cứ tưởng
rằng cả thế giới đang kháo nhau chuyện bạn ly dị và ai cũng chỉ
muốn hỏi bạn về điều đó.
- Em xin lỗi, em không thể.
- Anh xin lỗi; anh thật là đồ tồi; xin lỗi em, giờ thì anh xấu hổ
quá.
- Không sao đâu Shawn. Em hiểu, có gì đâu mà phải xấu hổ; it’s
sweet; nhưng em là người có gia đình.
- Ồ, em có chồng à?
- Vâng, hiện tại em vẫn là người có chồng.
- Ôi Chúa, anh thật là đồ tồi tệ, anh xin lỗi. Thôi, em cứ coi như đó
là một compliment(*).
- It’s a compliment, cảm ơn anh. Thực ra thì em đang ly dị.
- Anh xin lỗi. Nhưng mà nếu như em ly dị thì sao em lại không
thể...?
- Tại vì em thuộc tạng cổ lỗ sĩ.
- Thôi được, coi như đó là compliment đi. Em đừng giận nhé.
Tôi phì cười.
- Không, em không giận đâu. It’s sweet.
- Giờ thì anh đi ngủ đây. Thế anh có thể hôn tay em không?
- Shawn, anh đi ngủ đi.
Lúc này thì Kat gọi với ra từ phòng khách.
- Shawn, anh đang làm gì đấy?
- Anh có làm gì đâu - Shawn nói.
- Shawn hãy cư xử ra dáng người lớn nào!
- Anh ấy không làm gì đâu - tôi nói vọng vào.
Đến chỗ này thì Shawn cầm lấy một tay tôi. Tôi nói:
- Hãy bắt tay vậy.
- Shawn! - Kat lại gọi với ra - Anh làm gì đấy?
- Đâu, có làm gì đâu - Shawn nói.
Chúng tôi bắt tay rồi Shawn đi vào phòng ngủ. Từ trong bếp,
tôi nghe tiếng Kat nói gì đó với Shawn và Shawn cự lại rồi lên
giường. Mấy phút sau, Kat vào bếp tìm tôi. Tôi đang rửa bát.
- Ôi, chị rất xin lỗi - Kat thì thầm - từ hồi bị tai nạn, suy nghĩ của
anh ấy... Anh ấy không hiểu người khác nghĩ thế nào về những
chuyện này; anh ấy làm những chuyện điên rồ thế đấy.
- Không có gì đâu, Kat - tôi nói rồi cúi gập người xuống vì không
nhịn được cười - Em hiểu mà, em rất hiểu cảm giác của anh ấy.
- Thế thì tốt - Kat cũng cố nhịn cười - Thực sự chị chưa bao giờ
thấy anh ấy làm chuyện này, thật là điên rồ.
- Chị đừng lo, em hiểu mà... em thấy rất dễ thương.
- Thật là điên rồ, thật là điên rồ - Kat vừa lắc đầu đi vào phòng
ngủ.
Cả Kat và Shawn đều không biết rằng tôi mới cần phải cảm ơn
họ.
Chương 37
Đầu tháng Hai, chuyện việc làm bắt đầu vào mùa nước rút.
Tôi đi San Francisco phỏng vấn vòng một với một số trường đại
học tại Hội thảo nghiên cứu Công tác xã hội. Ở San Francisco về,
bốn trường mời tôi đến campus phỏng vấn - ba ở miền Trung
nước Mỹ, một ở bờ Đông. Cùng lúc, một đại học ở Hồng Kông đã
chính thức gửi thư mời tôi về làm việc và cho tôi hai tuần để trả
lời. Một đại học khác ở California cũng đã có lời mời miệng và
đang chuẩn bị thư mời chính thức. Tôi không biết phải tính thế
nào với Hồng Kông. Một mặt, về Hồng Kông và ra khỏi Mỹ
dường như là một việc tốt - tôi sẽ dễ quên những gì xảy ra trong
vài năm qua và sẽ được ở gần Việt Nam. Nhưng mặt khác...
- Có cái gì đó làm em không muốn đi Hồng Kông - tôi nói với
Anne - Em không biết có phải là vì em sợ một thay đổi lớn mà
em có thể không đảo ngược lại được.
- Cô không nghe thấy sợ hãi trong những gì em nói. Em có nhiều
lựa chọn và vấn đề của em lúc này không phải là có nhảy xuống
bể hay không mà là nhảy vào bể nào trước. Dù chọn cái nào thì
cũng sẽ có một chút bất an đi kèm nhưng cô nghĩ là em có thể
làm được.
Mấy hôm nay, ở nhà đang rối tinh lên vì Snow bị ngộ độc bả
chuột. Kat phải đưa con chó đi viện cấp cứu và bệnh viện nói sẽ
phải mất gần 2000 đô la để thay máu, nếu không Snow sẽ chết.
Gần 2000 đô la thì quá sức của Kat; có điều Emma cứ khóc lóc
xin mẹ cứu con chó. Tôi đang ở trường thì Kat gọi điện - giọng
chị vỡ ra trong điện thoại.
- Chị không biết làm thế nào cả. Chị không có tiền. Đến tiền nhà
chị còn phải tính từng tháng một. Nhưng nếu chị không cứu
được Snow thì Emma sẽ không bao giờ tha thứ cho chị.
Khi tôi về nhà, Kat đang trên điện thoại cầu cứu mọi người
xem có thể lấy tiền đâu trả hóa đơn bác sỹ .(22) Kat vừa nói chuyện
vừa phải dùng tiếng lóng để ám chỉ Snow và Emma - chị không
muốn Emma biết chị không có tiền và có thể phải để Snow chết.
- Làm thế nào bây giờ? - Kat nói - Chúng ta không thể để điều-
không-thể-xảy-ra đó xảy ra. Nếu không thì cái-người-mà-
chúng-ta-đều-biết-là-ai-đấy sẽ rất đau khổ.
Chúng tôi đang thì thụp bàn bạc toàn bằng tiếng lóng thì
Emma kêu lên:
- Mẹ không thể để Snow chết được. Mẹ sẽ làm tan nát trái tim
con.
Hai chúng tôi trợn mắt nhìn nhau, chết lặng. Kat níu tay tôi,
thì thầm:
- Tan nát trái tim con? Tan nát trái tim con? Nó học ở đâu ra
không biết?
Rồi quay ra Emma:
- Dĩ nhiên rồi, tình yêu của mẹ. Làm sao chúng ta có thể để Snow
chết được. Như thế thì mẹ cũng tan nát trái tim. Tôi đưa trước
cho Kat 3 tháng tiền nhà để trả bệnh viện. Sau đó, Kat bảo tôi
ngồi xem phim hoạt hình Scooby-Doo với Emma trong lúc chị
chuẩn bị giấy tờ cho bệnh viện.
Tập phim Scooby-Doo mà chúng tôi đang xem kể chuyện
Scooby Doo đi điều tra những lời đồn thổi về một ngôi làng có
ma. Tôi vừa nấu bữa tối vừa chạy ra chạy vào giữa bếp và phòng
khách để ngồi xem cùng Emma cho Emma đỡ sợ.
Tôi đang ngồi ghé vào mép xô pha, tay vẫn cầm đũa, lơ đãng
nhìn màn hình thì Emma đột nhiên hét lên rồi choàng hai tay
qua cổ tôi, giấu mặt vào ngực tôi. Tôi bị bất ngờ, cũng hét lên,
vừa ôm chặt lấy Emma vừa nhìn lên màn hình. Thì ra, Scooby
Doo vừa bị một con ma từ trong bụi rậm nhảy xổ ra bắt.
Chà, tình yêu của trẻ con! Bất kể tôi hay Kat có đổ vỡ, sai lầm,
nghèo túng, thất bại, sợ hãi, hoang mang, thậm chí ngấp nghé
điên loạn trong thế giới người lớn thì với Emma, chúng tôi vẫn
cứ là những người lớn mạnh mẽ, thông thái, dũng cảm, có câu
trả lời cho mọi việc, có thể cứu sống Snow và có thể bảo vệ
Emma khỏi bất cứ lũ ma quỷ hắc ám nào trên vô tuyến hay
trong đời. Tóc Emma thoang thoảng mùi sữa dừa. Vậy là tôi cứ
ngồi yên cho con bé bám vào cổ mặc dù tôi đang trong tư thế
không thoải mái tí nào.
Cảm giác này chắc là lý do tại sao những phụ nữ đã có con hầu
như không thể dứt khoát ly dị khi nghĩ đến những đứa trẻ(23). Bọn
trẻ phải được bảo vệ, phải được miễn trừ khỏi những rối ren của
cuộc sống người lớn.
Nhưng người lớn thì không có quyền miễn trừ. Khó thì cũng
phải sống tiếp. Cho nên trong lúc ở nhà tiếp tục rối tinh vì Snow
và bão tuyết tiếp tục hoành hành Chicago, tôi đi cắt tóc, giặt khô
mấy bộ vét cả năm không dùng đến, chuẩn bị tài liệu, và sửa ô tô
để đi Wisconsin cho cuộc phỏng vấn việc làm đầu tiên. Xe Dodge
đã đóng băng trong bãi đậu xe suốt mùa đông nên tôi phải gọi
AAA đến thay ắc quy mới nổ máy được. Tuần tới, tôi sẽ lái xe tới
trường đầu tiên.
Chương 38
Buổi tối đầu tiên tới Wisconsin, tôi đi ăn bữa tối chào mừng
với một nhóm giáo sư rồi thức đến khuya chuẩn bị cho hai ngày
phỏng vấn. Đây là trường đại học lớn nên quy trình phỏng vấn
rất gắt gao. Ngày thứ nhất, cả buổi sáng là các cuộc gặp liên tiếp
với các giáo sư trong khoa, mỗi cuộc ba mươi phút. Thuyết
trình một tiếng vào buổi trưa - gồm ba mươi phút thuyết trình
luận án, mười phút về chương trình nghiên cứu trong những
năm tới, năm phút về việc dạy học, sau đó là thời gian để họ chất
vấn. Cả chiều ngày thứ nhất liên miên các cuộc họp; tối lại đi ăn
với một nhóm giáo sư khác. Sáng ngày thứ hai, tôi ăn sáng với
một nhóm giáo sư; rồi đến trường tiếp tục gặp các giáo sư còn
lại, cuối cùng là phỏng vấn kết thúc với Hiệu trưởng trường
Khoa học xã hội.
Tôi biết mình có thể cáng đáng được các cuộc gặp và thuyết
trình. Những thứ thuộc về chuyên môn thì tôi sẽ xoay xở được.
Cái tôi lo nhất là có thể những nỗi buồn của chuyện ly dị đã hằn
lên mặt tôi, ngấm vào cách nói chuyện, điệu bộ, dáng vẻ của tôi
một cách vô thức mà tôi không biết. Tôi không muốn mình lại
buột miệng nói điều gì đó không nên và nhất là không thể rơm
rớm nước mắt như với giáo sư Diwan năm ngoái. Tôi cũng
không muốn họ đánh đồng bất cứ sự buồn bã vô thức nếu có nào
của tôi với sự nhút nhát, thiếu chính kiến - những điều chắc
chắn sẽ bất lợi cho bất cứ ai đi xin việc, nhưng càng bất lợi cho
một người gốc châu Á bởi vì nó hợp với tín điều chung (dù
không chính xác) về người gốc Á tại Mỹ.
Trước khi tôi đi, Anne hỏi tôi có lo lắng gì không. Tôi không
muốn nhắc đến chuyện ly dị nên nói với Anne rằng tôi lo lắng
phần thuyết trình.
- Đừng lo - Anne nói - Họ chỉ muốn xem khả năng thuyết trình
trước đám đông của em vì nó sẽ liên quan đến khả năng đứng
lớp của em. Họ cũng muốn xem em có dễ mến hay không, họ có
thể tưởng tượng em ở phòng làm việc bên cạnh và đến trưa họ
có thể sang gõ cửa phòng rủ em đi ăn trưa hay không. Như cô
thấy thì em không phải lo cả hai chuyện. Be yourself. Cứ là chính
em thôi. “Cứ là chính em thôi”. Tất cả các giáo sư trong trường,
Sam, Melissa, Kat, và Tory đều bảo tôi như vậy trước khi tôi lên
đường. Be yourself mọi sự rồi sẽ tốt đẹp. Nhưng lúc này tôi sợ
nhất việc phải là chính mình. Nếu họ thực sự nhìn thấu quang
cảnh trong đầu tôi, chắc họ sẽ không bảo tôi cứ là chính mình.
Thật là một đống đổ nát tan hoang.
Nhưng hóa ra buổi thuyết trình diễn ra rất trôi chảy. Các cuộc
gặp với giáo sư trong khoa cũng suôn sẻ, kể cả cuộc gặp Hiệu
trưởng mặc dù tất cả mọi người đều cảnh báo tôi về cuộc gặp
này. Các giáo sư trẻ đã ăn tối với tôi thì nói “Không thể đoán
trước Rob sẽ hỏi gì; có thể ông ấy sẽ hỏi rất tỉ mỉ về luận án, mà
có khi ông ấy chẳng hỏi gì”. Trưởng khoa Dennis thậm chí khá
lo lắng; ông ấy cứ dặn đi dặn lại trên đường dẫn tôi tới văn
phòng Hiệu trưởng, “Rob có khi sẽ hỏi những câu rất kỳ cục, cô
đừng lo lắng, ông ấy hỏi gì thì cứ trả lời”. Nhưng rốt cuộc, cuộc
nói chuyện trong văn phòng Hiệu trưởng rất vui.
Hiệu trưởng Rob là một người cao lớn, mang dáng dấp người
Đức; đôi mắt sắc sảo luôn nhìn thẳng người đối diện như không
để cho họ bất cứ cơ hội vòng vo, đãi bôi nào. Ông mời tôi và
trưởng khoa Dennis ngồi xuống ghế và lập tức nói mà không hề
chờ trưởng khoa Dennis có vài lời giới thiệu xã giao như thông
lệ.
- Thế nào, cô đến Mỹ từ bao giờ? Tiếng Anh của cô rất tốt. Để
xem nào (lật lật tập hồ sơ của tôi mà chắc Dennis đã gửi trước),
cô có bằng cử nhân về kinh tế ngoại thương ở Việt nam? Xong
làm thế nào mà cô đi Mỹ được? Vì cô giỏi à?
Tôi thích ông ấy ngay lập tức.
- Tôi đoán là vì tôi muốn đi Mỹ.
- Ờ nhưng mà Omaha, Nebraska! Làm thế nào mà cô lại đến đó
nhỉ? Tôi chẳng thể tưởng tượng làm sao người ta lại muốn đến
Nebraska, trừ phi người ta sinh ra ở đó.
- Lúc tôi ở Việt Nam, tôi không có nhiều thông tin về các trường
bên này, tôi chẳng biết trường nào tốt nên khi tôi được nhận vào
một số trường...
- Omaha cho cô nhiều học bổng hơn chứ gì?
- Cũng không hẳn. Vào ngày mà tôi nhận được giấy mời nhập
học, tôi tình cờ đi xem phim Giải cứu binh nhì Ryan và...
- Phim đó hay, ông xem chưa, Dennis?
- Tôi không biết.
- Một phim chiến tranh, rất hay, ông nên xem... rồi, cô đi xem
phim, rồi sao?
- Cảnh đầu tiên trong phim đó, ông có nhớ không... bãi biển
Omaha, ngày quân đồng minh đổ bộ. Tôi nghĩ, đấy là điềm tôi
phải đi Omaha.
- À, vậy là cô đi theo một cái điềm... tốt lắm. Nào, hãy nói cho tôi
về luận án của cô. Nghe hay nhỉ. Cô làm gì? Cô kết luận gì?
Chúa ơi, từ hôm qua đến giờ, tôi phải tóm tắt luận án cho tôi
đến 30 lần; mỗi cuộc gặp lại tóm tắt, trình bày, giải thích...
- Hơi khó tóm tắt cho ông bằng vài điểm nhưng về cơ bản thì tôi
nghiên cứu việc thanh thiếu niên Việt Nam đã biến đổi từ chỗ là
động lực chính của các phong trào thay đổi xã hội sang chỗ là
động lực của việc hình thành xã hội tiêu dùng... đại loại thế.
- Thú vị nhỉ? Là ý tưởng của cô à?
- Về cơ bản là thế.
- Từ kinh nghiệm cá nhân của cô ấy nữa - Dennis xen vào - Cô ấy
có kể trong buổi thuyết trình hôm qua; rất thú vị.
- Thế hả? Như thế nào?
- Đại loại là tôi quan sát chính gia đình tôi và gia đình bạn bè tôi.
Bố mẹ tôi và thế hệ bố mẹ tôi trong một thời gian dài đã phấn
đấu, hy sinh cho chủ nghĩa xã hội; thế hệ tôi là thế hệ chuyển đổi
nên vẫn còn nhiều vương vấn với nó; nhưng đến thế hệ em gái
tôi thì khác lắm rồi. Cho nên tôi mới đặt câu hỏi: trong một bối
cảnh xã hội mà mô hình cuộc sống, mục đích cuộc sống thay đổi
nhanh thế giữa các thế hệ thì cái gì được coi là “bình thường”
với mỗi thế hệ thanh thiếu niên ở Việt Nam?
- Cô biết không, tôi cũng từng theo chủ nghĩa cộng sản.
- Từng theo? Ông từ bỏ nó rồi sao?
- Chậc, tôi học đại học ở Berkeley vào những năm 60... cô biết
đấy, Berkeley những năm 60, phản chiến, hippies, make love not
war, v.v... bọn tôi tham gia nhiều phong trào, tôi tò mò về chủ
nghĩa cộng sản, tôi đọc Marx... nhưng rồi tôi thay đổi... cô biết
đấy, ai cũng phải lớn lên và già đi.
- À, nghe rất giống câu chuyện của nhiều triệu người Việt Nam.
Hình như có người đã nói “Nếu anh không là cộng sản vào tuổi
hai mươi, anh không có tim; nếu anh không là tư bản vào tuổi
ba mươi, anh không có óc”.
- Haha đúng đấy nhỉ... Thế ở Việt Nam người ta giờ cũng quay
sang chủ nghĩa tư bản à?
- Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường từ năm 86. Tức là
“kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
- Nó là cái gì?
- Nhiều người cũng hỏi như ông đấy.
- Haha!
- Rồi, thế năm nay thị trường việc làm thế nào?
- Nói chung là khó khăn, ông biết đấy, suy thoái kinh tế.
- Tôi cũng nghe nói thế; có vẻ như chỉ có mỗi dân học kinh tế là
được lợi trong thị trường việc làm này. Thế đây là phỏng vấn duy
nhất của cô à?
- Không, tôi còn mấy cuộc nữa; thực ra là tôi đã có hai lời mời
làm việc rồi.
- À, thế tức là với người khác thì khó chứ với cô thì không chứ
gì?
- Không, ai cũng khó khăn cả; với tôi càng khó; nói chung sinh
viên nước ngoài là khó rồi. Năm nay càng khó.
- Thế các lời mời kia của cô thế nào? Kể tôi nghe đi - ông ấy cười
to - Dào, không cần giấu tôi đâu.
- Tôi có một lời mời từ California và một từ Hồng Kông.
- California hả? Berkeley à? Hay là UCLA? À nhưng mà UCLA có
trường Công tác xã hội không Dennis nhỉ?
- Họ có trường phúc lợi xã hội.
- Chúng ta có thể cạnh tranh với bất cứ trường nào về tiền lương,
Dennis ạ. Thế còn lời mời kia của cô ở Hà Nội à? Thế thì coi như
cô chỉ có một lời mời làm việc.
- Không, Hồng Kông.
- Hồng Kông à, thú vị đây. Hồng Kông thì có thể là ta có cạnh
tranh đấy Dennis ạ; vì Hồng Kông thường trả lương cao lắm, để
hút dân Mỹ sang mà.
- Đúng thế - tôi nói - nếu chỉ tính tiền lương thì Hồng Kông trả
nhiều hơn Mỹ và thuế thu nhập thấp hơn, họ lại còn có chế độ hỗ
trợ tiền nhà cho giáo sư.
- Tôi đang định nói thế.
- Nhưng Hồng Kông là Hồng Kông - tôi cười.
- Tôi cũng lại đang định nói thế. Tốt lắm, rất cảm ơn đã cho tôi
biết.
Trong lúc này, Dennis mở sổ hí hoáy ghi chép - chắc là ghi xem
tôi có lời mời làm việc ở đâu. Rồi có tiếng gõ cửa.
- À, tôi phải tiếp cuộc này rồi - ông hiệu trưởng nói - Một nhà
kinh tế mà chúng ta có thể sẽ tuyển. Cả tuần này tôi chỉ có một
việc là gặp các ứng cử viên xin việc.
Bên ngoài, Dennis mỉm cười rạng rỡ:
- Rất tốt... rất tốt... Ông ấy hỏi cô về các trường kia để cân nhắc
một số chi tiết khi mời ai đó làm việc... chuyện tiền lương ấy
mà... Chỉ là chuyện hậu cần thôi, không phải ông ấy tọc mạch
đâu.
- Tôi biết. Tôi thích ông ấy.
- Tốt lắm... mọi việc rất tốt - Dennis cứ nhắc đi nhắc lại và mỉm
cười. Từ hôm qua đến giờ tôi mới thấy ông cười. Dennis vẫn còn
cười khi chúng tôi trở lại văn phòng để nói chuyện lần cuối.
Dennis có vẻ quý tôi. Hôm qua, khi giới thiệu tôi trước buổi
thuyết trình, ông khá căng thẳng.
Dennis là tạng những giáo sư ít nói, hiền lành, chỉ thích làm
khoa học và bất đắc dĩ phải làm công việc quản lý. Nhưng giờ,
trông ông thoải mái, gần như là hạnh phúc Tôi cũng vui lây.
Buồn cười; đôi khi bạn đi phỏng vấn xin việc và thay vì lo lắng
cho bản thân, bạn lại đi lo lắng hộ những người phỏng vấn bạn;
bạn mong họ vui, bởi vì họ cũng căng thẳng - nếu bạn là một
ứng cử viên tệ, cả khoa và những người ở cấp cao hơn sẽ nghĩ là
họ đã vô trách nhiệm trong việc chọn ứng cử viên và phí tiền
mua vé máy bay, đặt khách sạn, mời ứng viên tới trường.
Ba giờ chiều, bà thư ký khoa đưa tôi trở lại khách sạn để đóng
gói đồ rồi rời Wisconsin. Đường về dường như ngắn hơn. Khi tôi
vào đến địa phận Chicago, trời đã tối. Thành phố bắt đầu lên
đèn. Tôi không về nhà ngay mà lái xe vào khu Việt Nam ăn tối
một mình. Khi tôi về đến nhà đã là tám giờ; Kat và Emma đã đi
ngủ. Căn nhà chìm trong bóng tối. Tôi đánh răng, lau qua người
rồi chui vào chăn.
Trong bóng tối, những ý nghĩ trở nên thật hơn. Chỉ còn lại tôi,
không cần cố gắng, không cần chứng minh, không cần giả vờ
làm ai khác. Tôi thở ra một hơi dài, rồi tắt đèn.
Tuần sau sẽ đi Kentucky.
Chương 39
Chuyến bay từ Chicago đi Kentucky chỉ chừng một tiếng;
gần như vừa cất cánh xong là hạ cánh ngay. Lái xe ra đón tôi ở
sân bay là một phụ nữ da đen có tên Tonia Wilson - có lẽ là thư
ký của khoa. Ra khỏi sân bay là những quả đồi và rừng thông
xanh - thật là một thay đổi đáng mừng so với màu trắng và xám
của Chicago. Nhiệt độ khá ấm, trời nắng. Tonia nói sáng nay trời
mưa nhưng giờ thì đang nắng.
- Cô đã xuống Kentucky bao giờ chưa?
- Tôi chưa. Nhưng nếu cứ như những gì tôi đang thấy thì tôi
nghĩ là tôi sẽ thích Kentucky. Cảnh vật ở đây đẹp quá.
- Ồ, cô sẽ thích trường cho mà xem, chúng tôi ở trên một quả đồi
rất đẹp.
Tonia là một người vui chuyện. Chị ấy thao thao kể cho tôi về
lịch sử của Kentucky, về giải đua ngựa nổi tiếng Kentucky Derby,
và...
- ... cái cậu mà hôm trước tôi đón xuống phỏng vấn ấy, cậu ấy
bảo cậu ấy chưa bao giờ thấy nhiều trại ngựa đến thế trong đời
cậu ấy. Cô biết đấy, chúng tôi nổi tiếng về ngựa và cỏ mà. Mà này,
tôi vẫn không tin được là bay từ Chicago xuống đây rẻ thế này.
Chúng tôi còn một ứng viên nữa, cô ấy sẽ bay từ Michigan
xuống, nhưng vé của cô ấy những 1000 đô la; thật là quá sức
tưởng tượng. Cô ấy bảo...
Tôi ngạc nhiên vì Tonia nói với tôi những điều này. Thường
thì các trường không bao giờ tiết lộ về những ứng viên cho một
vị trí tuyển dụng nhưng có vẻ Tonia không biết điều này mà
cũng không biết làm thế nào để dừng nói.
- Chủ nhật này tôi phải đón một người nữa. Rồi hai tuần nữa lại
thêm một người. Tiến sĩ Watson muốn làm xong hết việc tuyển
giáo sư này vào đầu tháng Tư, không thì ông ấy sẽ không làm
nữa. Ông ấy bảo nhiều việc quá; thật đấy, tiến sĩ Watson phải đến
1 triệu việc trong tay. Nhưng trường vẫn muốn tiến sĩ Watson
chịu trách nhiệm việc tuyển người bởi vì khi ông ấy làm thì bao
giờ ông ấy cũng làm đến nơi đến chốn. Tiến sĩ Watson biết nhìn
người. Ông ấy hay lắm. Cô sẽ thích ông ấy cho mà xem; tất cả
chúng tôi đều yêu quý ông ấy đến chết; người khác sẽ bảo “Làm
sao mà thích được tiến sĩ Watson?” nhưng tôi thì bảo nếu cô biết
ông ấy, cô sẽ thích cho mà xem. Người ta không thích người nào
đấy là vì người ta không hiểu rõ thôi, cô hiểu ý tôi không? Bọn
tôi có năm người làm việc cho tiến sĩ Watson và tất cả chúng tôi
đều là học sinh cũ của ông ấy và chúng tôi yêu ông ấy đến chết, ở
đây, tất cả là vì sinh viên. Có lúc, có sinh viên gọi điện cho tiến sĩ
Watson và khóc “Tiến sĩ Watson, xe em bị hỏng giữa đường...”
thế là tiến sĩ Watson sẽ nói “Nào, giờ cậu muốn tôi đến đón cậu
hay thế nào ?” Cậu sinh viên thì vẫn cứ khóc lóc giải thích xe cậu
ấy bị hỏng thế này, thế này, cái chế hòa khí thế này, cái ắc quy thế
này... toàn những thứ kỹ thuật, và tiến sĩ Watson sẽ nói “Nào, giờ
cậu muốn tôi đến đón hay là thế nào?”
- Tiến sĩ Watson có vẻ là một người tuyệt vời - tôi nói - Chắc
chắn là tôi sẽ thích ông ấy.
- Ồ, cô sẽ thích ông ấy. Ông ấy cá tính lắm. Ông ấy có thể mắng cô
và sửa gáy cô nhưng là vì ông ấy muốn tốt cho cô thôi; ông ấy
biết thế nào là lẽ phải.
Phải đến buổi sáng hôm sau, tôi mới được gặp tiến sĩ Watson -
người phụ trách tuyển giáo sư. Tôi và Miss Wilson đang ngồi ở
sảnh trên tầng bốn của tòa nhà khoa học xã hội thì cửa một căn
phòng gần đó mở toang và một người đàn ông da đen ngoài sáu
mươi từ trong phòng đó tiến về phía tôi:
- Hello. Tôi là Mike Watson, rất vui được gặp cô. Mời cô vào.
Tôi suýt phì cười vì hàm răng của ông ấy; nhưng ông ấy có
ánh mắt trìu mến và bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay rất ấm.
- Chào tiến sĩ Watson, rất vui được gặp ông - tôi nói.
Trong phòng, tiến sĩ Watson chỉ cho tôi một cái ghế ở đầu
chiếc bàn lớn, ông ấy ngồi ở đầu bàn bên kia. Ba người còn lại
trong phòng là một phụ nữ da đen to lớn, một người đàn ông da
trắng đã già với khuôn mặt cau có, và một người đàn ông da
trắng trẻ. Miss Wilson cũng vào ngồi ở một cái ghế gần cửa.
Tiến sĩ Walston nói:
- Được rồi, ta bắt đầu nhé. Cảm ơn cô rất nhiều vì đã quan tâm
tới trường chúng tôi. Giờ ta sẽ giới thiệu một lượt rồi bắt đầu.
Tiến sĩ Watson hóa ra xuất thân bên ngành Tâm lý học và làm
về tâm lý trẻ em; ông già cau có tên Bob dạy bên khoa Hành
chính công và người đàn ông da trắng bên khoa Luật, còn người
phụ nữ ở khoa Xã hội học. Không một ai trong số họ làm về công
tác xã hội trong khi họ đang phỏng vấn tuyển giáo sư ngành
Công tác xã hội. Thật là một hội đồng kỳ lạ.
- Giờ, xin cô nói một chút về bản thân mình.
Tôi không nhớ lắm mình nói những gì; hình như tôi đã nói
rằng tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, và tôi sắp nhận bằng tiến
sĩ ở đại học Chicago; tôi cũng có bằng thạc sĩ về công tác xã hội ở
Chicago. Đến đây thì tiến sĩ Watson hỏi:
- Ồ, vậy là cô sẽ lấy bằng tiến sĩ về công tác xã hội hả? Trong hồ
sơ, cô nói là cô sẽ lấy bằng tiến sĩ từ trường Quản lý dịch vụ xã
hội của đại học Chicago. Đây có phải là trường Công tác xã hội
không?