The words you are searching are inside this book. To get more targeted content, please make full-text search by clicking here.
Discover the best professional documents and content resources in AnyFlip Document Base.
Search
Published by fireant26, 2022-08-06 13:11:51

Xuyên Mỹ

Xuyên Mỹ

“Trời ơi, họ không cả biết trường công tác xã hội hàng đầu của
nước Mỹ. Thế này thì họ dạy học thế nào?” - tôi tự nhủ. Tôi biết
đây là một trường nhỏ, nhưng mà...

- Vâng, đấy là trường Công tác xã hội - tôi nói - Tôi biết, cái tên
nghe hơi lạ; hồi đầu tôi cũng nhầm.

Điều này là sự thật. Hồi mới sang Mỹ và chưa biết gì về ngành
công tác xã hội vì nó còn chưa tồn tại ở Việt Nam, tôi cũng đã
hiểu nhầm khi nghe tên trường Quản lý dịch vụ xã hội của đại
học Chicago. Lúc đó, tôi đã chọn vào đây vì tôi muốn học về phát
triển cộng đồng và chính sách xã hội.

- Cô biết đấy, trường chúng tôi rất nhỏ. Chỉ có tổng số vài ngàn
sinh viên. Cô có biết điều này không?

- Có, tôi có tìm hiểu về trường. Tôi biết đây là một trường nhỏ
nhưng cái lợi của trường nhỏ là giáo viên có điều kiện biết rõ các
sinh viên của mình và cộng tác chặt chẽ với các khoa khác trong
trường.

Điều này cũng là sự thật. Tôi không ngại trường nhỏ.

Họ bắt đầu hỏi tôi cụ thể hơn về việc dạy học.

- Cô đã có nhiều kinh nghiệm dạy một lớp học mà sinh viên đa
dạng về xuất thân và chủng tộc chưa?

- Nào, trong một lớp, cô sẽ có cả các sinh viên có ý thức và sinh
viên thiếu ý thức, sinh viên tự giác và sinh viên lười biếng, cô sẽ
làm thế nào để cân bằng?

- Cô nói trong hồ sơ về phương pháp “Grounded theory”, cô có
thể giải thích cho tôi phương pháp này là gì?

- Cô nói cô cũng đã từng dạy xác suất thống kê. Cô định sẽ dạy
môn này thế nào nếu sinh viên ở đây không có nền tảng toán
được tốt lắm?

Tôi đang trả lời các câu hỏi của họ thì Miss Wilson chen vào:

- Chồng cô có chịu chuyển xuống đây sống với cô không nếu
chúng tôi nhận cô?

Chắc Miss Wilson nhìn thấy tôi đeo nhẫn cưới. Nhưng Anne
nói với tôi rằng không trường nào có quyền hỏi tôi bất cứ câu
hỏi nào liên quan tới cuộc sống cá nhân, ví dụ như tôi có gia
đình hay không, có con chưa, có định có con không, khuynh
hướng tôn giáo, chính trị của tôi là gì. Họ có thể bị kiện nếu hỏi
những điều này trong các buổi phỏng vấn chính thức; dĩ nhiên,
nếu chúng tôi đi ăn tối, họ có thể hỏi thăm, hoặc tôi có thể tự nói
ra và họ có thể hỏi thêm. Miss Wilson chắc không biết những
điều này và chỉ muốn góp chuyện cho vui.

Giải thích với họ tình trạng hiện tại của tôi sẽ quá dài dòng.
Nên tôi cười:

- Chồng tôi là một người tốt.

Họ đều cười.

- Tôi thích cô gái này - tiến sĩ Watson nói - Cô ấy rất dứt khoát.
Tôi có thể thấy là cô ấy sẽ không có vấn đề gì trong việc xử lý các
sinh viên cứng đầu của chúng ta. Sau bữa trưa, tôi đi tới văn
phòng của tiến sĩ Watson để phỏng vấn riêng với ông. Đấy là
một văn phòng nhỏ, bừa bộn - giấy tờ và sách xếp đầy trên bàn,
trên sàn, trên kệ, trên cửa sổ. Văn phòng có hai cửa - một ra sảnh
và một sang căn phòng bên cạnh - và gần như là phòng để người
ta đi xuyên sang phòng bên. Trên tường có một bức chân dung
lớn của tổng thống Obama, và một cái giá gỗ đặt những tượng
người da đen. Tiến sĩ Watson bảo tôi ngồi xuống ghế đối diện
còn ông ngả người trên cái ghế bành lớn.

Chúng tôi không hề nói chuyện nghiên cứu hay dạy học. Tiến
sĩ Watson nói ông quan tâm đến việc tôi lớn lên ở Việt Nam vì
như thế tôi sẽ hiểu được nghèo khó là thế nào; tôi sẽ thông cảm
với sinh viên.

- Đa số sinh viên của chúng tôi là người đầu tiên trong dòng họ
được đi học đại học. Tôi cũng thế. Tôi đã dạy ở đây ba mươi năm,
cô biết đấy. Bố mẹ tôi có hai mươi người con. Nhưng tôi là người
duy nhất có bằng đại học, mà có hẳn bằng tiến sĩ.

Chúng tôi đang nói chuyện thì một cậu sinh viên da đen xuất
hiện ở cửa ra phía hành lang và định đi ngang qua giữa hai
chúng tôi để sang phòng bên kia.
- Đứng lại! - tiến sĩ Watson nói.
- Dạ?
- Đi qua cửa kia.
- Dạ, gì ạ?
- Đi qua cửa kia, đi qua đường kia.

Cậu sinh viên đi qua hành lang vào phòng bên kia. Tiến sĩ
Watson gọi với sang:
- Này, vào đây thầy bảo...

Cậu sinh viên thập thò ở cửa.
- Nghe này, khi thầy đang nói chuyện với khách, đừng có đi
ngang trước mặt, như thế là bất lịch sự hiểu không? Đi lối khác.
Đừng có đi cắt ngang qua mặt người khác khi họ đang nói
chuyện, hiểu chưa?
- Ồ, em xin lỗi thầy - cậu kia lúng túng nói. Mặt cậu ta trông như
một đứa trẻ bị bố mắng.
- Kéo quần lên, sao để cạp trễ thế kia.
- Em xin lỗi.

Khi cậu ta đi khỏi, tiến sĩ Watson bảo tôi:
- Ở trường này là thế đấy, chúng tôi phải dạy sinh viên từ những
thứ nhỏ như thế. Rất nhiều em là con nhà nghèo, con nhà nông
dân, chưa bao giờ được dạy các phép tắc giao tiếp xã hội... chúng

giống như là những viên ngọc không được gọt giũa vậy... ta phải
mài giũa, phải gạt hết đất đá đi thì mới có ngọc. Nhiều đứa
nghèo lắm; chúng là hy vọng của cả đại gia đình. Nhưng chúng
nó còn sướng chán; thời của chúng nó bây giờ khác hơn thời của
tôi. Giờ chúng ta có một tổng thống da đen nhưng thời của tôi
thì người da đen còn không được đi xe buýt chung với người da
trắng. Nhiều khi, tôi muốn dạy chúng điều gì, tôi gọi chúng vào
đây, tôi bảo “Nào, nếu như tổng thống Obama ở đây và nhìn thấy
em như thế thì ông ấy sẽ nói gì?” và chúng sẽ bảo “Tiến sĩ
Watson, nếu tổng thống Obama nhìn thấy em, ông ấy sẽ bảo em
kéo quần lên”... cô biết đấy, phải dạy chúng nó từ việc kéo quần
lên, mặc quần tử tế, bỏ áo vào quần, cắt tóc đi, cạo râu đi... chúng
đều tốt cả, ngoan lắm, chúng có tiềm năng, nhưng mà ta phải
uốn, phải dạy, không thì có đứa cứ như người rừng ấy. Ta uốn
chúng; ta gọt giũa chúng, và ta sẽ thấy vàng bạc ở đấy. Thật là
vui khi thấy chúng trở nên lịch thiệp, ra dáng; rồi chúng có thể
quay lại và làm việc với mình như là đồng nghiệp. Tôi có năm
người làm việc với tôi ở đây, đều là học sinh cũ của tôi cả; chúng
tốt nghiệp rồi quay lại làm với tôi... chúng tôi như người một
nhà.

- Vâng, tôi hiểu.

- Tôi biết là cô sẽ hiểu bởi vì xuất thân của cô cũng tương tự,
đúng không?

Tôi nói với ông đúng như thế. Tôi sinh ra ở Bắc Giang vào cái
thời mà Bắc Giang còn là thị xã thủ phủ của tỉnh Hà Bắc (gồm
Bắc Ninh và Bắc Giang bây giờ). Sau khi tốt nghiệp đại học và lấy
nhau, bố mẹ tôi xung phong về đây công tác rồi sinh ra ba chị
em tôi, tôi là con gái thứ hai. Thị xã hồi đó rất nhỏ và nghèo, chỉ
có vài phố chính làm thành trung tâm. Nhà tôi ở trong một phố
ngắn, cách 200m về phía Bắc là đường vào nhà máy phân đạm

Hà Bắc; cách 200m về phía Nam và phía Đông là đồng lúa và
làng; cách 200m về phía Tây là Quốc lộ 1A và đường xe lửa chạy
từ Lạng Sơn đến Sài Gòn.

Suốt tuổi thơ của tôi, tiếng còi tàu và tiếng còi nhà máy phân
đạm gọi công nhân vào ca và tan ca là những âm thanh báo
ngày bắt đầu và ngày hết. Những năm cấp một và cấp hai, tôi và
chị gái tôi đều đặn hằng ngày băng qua đường tàu và Quốc lộ 1A
để đến trường. Mỗi lần đi trùng giờ tàu qua, barie hạ xuống, tôi
và chị tôi đứng chờ tàu cùng với những người nông dân và rất
nhiều công nhân làm việc cho nhà máy phân đạm. Tôi nhớ
những khi tàu qua, những khuôn mặt ngồi bên cửa sổ tàu nhìn
chúng tôi với con mắt xa lạ trở thành một ấn tượng khó quên về
những cuộc sống ở đâu đó khác bên ngoài thị xã này. Đoạn Quốc
lộ 1A mà chúng tôi phải đi qua để đến trường luôn là nơi các
chuyến xe khách Hà Nội-Lạng Sơn đỗ lại, đổ những đoàn người
từ tứ phương tám hướng xuống các quán giải khát và cơm bình
dân. Họ nữa, họ cũng gợi mở về những chân trời khác. Nghe thì
sáo mòn nhưng quả thật, tôi bắt đầu cái ham muốn ra ngoài thế
giới chính từ chỗ này. Đã lâu rồi tôi không quay lại đó vì tôi
muốn giữ nguyên trong đầu tôi tất cả những hình ảnh của thị
xã này. Tôi quý chúng đến mức không dám chạm vào.

- Không sáo mòn đâu - tiến sĩ Watson nói - tôi hiểu điều đó. Tôi
đã từng sang Việt Nam.

- Ông đã quay lại Việt Nam từ hồi đó chưa?

- Chưa. Chắc tôi sẽ không bao giờ quay lại. Tôi quá già rồi.

- Có chứ, nếu ông muốn. Khi tôi còn nhỏ, tôi thực sự không
tưởng tượng là mình có cơ hội đến Mỹ...

- Kể cho tôi nghe chuyện đó đi.

Chuyện thì dài nhưng cũng đơn giản. Gia đình tôi không có
tài sản gì đặc biệt ngoài việc cả bố mẹ đều tốt nghiệp đại học và
gần như là gia đình trí thức duy nhất trong phố. Thế nên, từ
nhỏ, học và đọc là một phần quan trọng trong đời sống của ba
chị em tôi. Tuổi thơ của tôi là một hành trình triền miên từ
cuốn sách này tới cuốn sách khác mà tôi đọc trong thư viện tỉnh
Hà Bắc, nơi mẹ tôi làm việc. Năm lớp Chín, tôi được giải nhì văn
toàn quốc - giải nhì đầu tiên của cả tỉnh Hà Bắc; và thi đỗ diện
học bổng của trường Chuyên Ngữ thuộc đại học Sư phạm Ngoại
ngữ. Bố mẹ tôi vay tiền mua một ngôi nhà cấp bốn ở Hà Nội; mẹ
tôi nghỉ việc, đưa em gái tôi ra Hà Nội sống với tôi; còn bố tôi và
chị gái tôi vẫn ở lại Bắc Giang chờ chị tôi học xong cấp ba ở lớp
chuyên lý của tỉnh. Gia đình tôi bị tách đôi trong mấy năm liền -
tất cả vì chuyện học hành của con cái - cho đến lúc chị tôi ra Hà
Nội học đại học. Tốt nghiệp đại học thì tôi đi Mỹ.

Từ Bắc Giang đến Hà Nội rồi bây giờ là Mỹ, trong suốt hành
trình ấy, học hành là cái duy nhất gắn kết mọi thứ - không phải
vì bằng cấp mà vì, từ nhỏ, đọc những câu chuyện về Louis
Pasteur hay Marie Curie, tôi đã mong muốn cuộc sống giàu có về
trí tuệ như họ. Đấy là một thứ thôi thúc cá nhân mơ hồ mà
nhiều khi tôi cũng không hiểu nổi; chỉ biết nó lúc nào cũng ở đó,
là câu trả lời và là thứ mách bảo tôi phải làm gì vào những lúc
tôi phải tự hỏi: đường này hay đường kia?

Nó không phải lúc nào cũng dễ, cũng rõ ràng. Suốt những
năm cấp ba rồi đại học, câu hỏi thường trực “Làm thế nào? Làm
thế nào?” dường như không có câu trả lời khi mà mọi thứ xung
quanh giống như một hố đen hút người ta vào sự buông xuôi, xã
giao, bệ rạc. “Làm thế nào?” khi mà tôi không có gì nổi bật,
không xinh đẹp, không có xuất thân danh giá, quyền thế, không
thuộc dạng năng động, xông xáo, giỏi quan hệ để có thể bứt ra

khỏi biển những người trẻ tuổi cũng mong muốn có một cuộc
sống tốt hơn bố mẹ ông bà họ? “Làm thế nào?” khi có người - có
quá nhiều người - nói với tôi “Học nhiều thế làm gì? Con gái học
ít thôi. Lấy chồng đẻ con đi”. Cái lực kéo vô hình ấy lớn lắm.

Cho nên tôi hiểu chứ - tôi hiểu những gì mà các sinh viên ở
trường đại học nhỏ tại Kentucky này trải qua.

- Thế thì cô sẵn sàng để đến đây chứ?

Sự thật là trước khi đến đây, tôi không tưởng tượng được mình
có thể chuyển xuống Kentucky. Tôi chỉ đi với tâm lý thử cho
biết. Nhưng giờ, tôi có thể tưởng tượng mình ở đây, sẽ làm việc
với những sinh viên da đen mà tôi chỉ đứng đến ngực và có thể
chẳng hiểu gì văn hóa của họ - và chính họ sẽ dạy thêm cho tôi
về nghèo đói, văn hóa và quan hệ con người trong đời sống thực.
Tất cả mọi người đều muốn đi các trường lớn, tới thành phố lớn,
nhiều tiền, nhiều quan hệ, nhiều thứ giải trí, v.v... ai sẽ ở lại làm
việc với những học sinh thiệt thòi hơn? Nhưng con người là con
người - ở chỗ nào cũng như nhau.

Chúng tôi đang nói chuyện thì một sinh viên da đen khác đến
thập thò ở cửa cùng với một tờ giấy. Thấy chúng tôi đang nói
chuyện, cậu ta không dám vào. Tiến sĩ Watson ra hiệu cho tôi
chờ rồi hỏi vọng ra:

- Gì thế?

- Em cần thầy ký ở đây ạ - cậu ta lí nhí.

- Thế sao không mang thầy ký từ hôm qua hả? - Tiến sĩ Watson
vừa nói vừa ký, giọng ông có cái vẻ của một người cha quở
mắng đứa con trai - Lẽ ra phải làm từ hôm qua chứ.

Cậu sinh viên lại lí nhí cái gì đó.

- Đấy không phải lý do - tiến sĩ Watson nói - Em biết là như thế.

- Em xin lỗi thầy.

- Lần sau thì nhớ làm việc đúng theo thời hạn, nhớ chưa? Việc
nào việc nấy, đúng lịch.

- Vâng ạ.

Chúng tôi nói chuyện thêm một lúc rồi tiến sĩ Watson nói ông
muốn đưa tôi đi thăm trường và thành phố để tôi có thể mường
tượng sống ở đây thì thế nào.

Trường nhỏ, nằm trên một quả đồi thấp. Vào mùa xuân và
thu chắc trường rất đẹp, nhưng lúc này, cây đã rụng hết lá nên
mọi thứ đều mang một vẻ trơ trụi. Phía dưới đồi là một thung
lũng và xa hơn là những quả đồi cao.

Từ trường, tiến sĩ Watson đưa tôi tới khu phố mà ông sống.
Đấy có lẽ là khu thượng lưu, rất sạch sẽ, mỗi ngôi nhà như một
lâu đài nhỏ. Nhà nào cũng có bãi cỏ rộng ở phía trước và vườn
sau nhà, gần đó là một cái hồ. Tiến sĩ Watson chỉ một căn nhà
gạch đỏ lớn theo lối nhà Victoria.

- Nhà tôi đấy. Tôi tự xây toàn bộ - ông nói - tôi vẽ thiết kế, đào
móng, mua gạch, xẻ gỗ, tự xây hết. Bằng hai bàn tay này này...

Rồi ông lái xe đưa tôi tới downtown của thành phố. Gọi là
downtown nhưng chỉ có mấy khối nhà cổ, giống như tất cả các
thị trấn nhỏ mà tôi từng thấy trên khắp nước Mỹ. Không có hiệu
sách chuỗi như Borders hay Barnes and Noble, nhưng có những
hiệu sách và nhà hàng nho nhỏ. Cứ nhìn bảng giá bữa trưa được
dán bên ngoài các nhà hàng thì thấy đời sống ở đây quá rẻ. Tối
hôm qua, trong quán Applebee ở đối diện khách sạn, tôi cũng đã
bất ngờ. Theo quy định, trường cho tôi 15 đô la để ăn tối và tôi
đã tự nhủ “15 đô la thì ăn được gì?” nhưng rồi tôi gọi salad tôm,
một ly milkshake, cánh gà nướng, và hai lát bánh mì bơ... mà tất
cả chỉ hết có 15 đô la. Miss Wilson bảo tôi rằng giá một thuê căn
hộ hai hoặc ba phòng ngủ ở đây là 600 đô la - số tiền chưa đủ
thuê một studio ở Chicago.

Chúng tôi chạy tiếp qua khu phố của người Mễ, rồi khu của
người da đen và ra ngoại ô thành phố, nơi có những trại ngựa và
những quả đồi trùng điệp.

- Những quả đồi thật đẹp phải không cô? Sang xuân, tất cả sẽ có
màu xanh. Tất cả sẽ có màu xanh vào mùa xuân - tiến sĩ Watson
nói.

Chương 39

Không thể lẫn đi đâu màu trời xanh và nắng California. Từ

Chicago sang đây, bay qua những rặng núi phủ tuyết của vùng
miền Bắc nước Mỹ, màu xanh của California dường như kéo tôi
choàng tỉnh khỏi một giấc mộng xám-trắng.

San Jose đầy những căn nhà nhỏ với mái ngói, hàng hiên và
vòm tròn theo kiến trúc Tây Ban Nha - khác hẳn kiến trúc của bờ
Đông hay Chicago. Nhà nào dường như cũng trồng cam ở vườn
trước hoặc vườn sau - những cây cam Cali được bán khắp các
siêu thị trên toàn nước Mỹ và tôi đã đọc trong sách của
Steinbeck. Cam chín rụng đầy lối đi mà không ai nhặt. Những
quả cam vàng lăn lóc trên cỏ xanh, như vàng ròng vương vãi
trên mặt đất ở một xứ sở thần tiên nào đấy. Một xứ Oz của
Dorothy hay xứ sở kỳ diệu của Alice.

Trên một đoạn phố ngắn quanh khách sạn Fairmont mà tôi ở
có đến bốn nhà hàng Việt Nam, hai nhà hàng Thái, ba nhà hàng
Nhật Bản, cả chục nhà hàng Trung Quốc, Italy, Ấn Độ, Hàn Quốc,
Địa Trung Hải. Thậm chí, trong vòng bán kính 2km quanh đó,
có đến ba chợ Việt Nam - nơi người bán hàng là người Việt (gốc
Nam), đồ ăn kiểu Việt, thực phẩm Việt Nam thượng vàng hạ
cám, từ rau tươi, hoa quả, các loại dưa muối, hành muối, củ
kiệu, đậu phụ tươi, thịt tươi, cá còn bơi trong bể, rồi giò, chả,
bánh chưng, bún, phở, miến, măng, mộc nhĩ, cả trứng vịt lộn
sống, lòng, mề, tiết - như ở Việt Nam và chắc sạch hơn. Đi một
chút nữa ra đường Story, tôi gặp khu little Saigon: chợ thực
phẩm lớn, nhà hàng cơm tấm, lẩu, hàng chục quán phở, cháo vịt
Thanh Đa, chả cá Hà Nội, bánh ngọt; các cửa hàng vàng bạc đá

quý, trang sức, băng đĩa, công ty du lịch, bảo hiểm, sửa chữa ô tô,
làm thuế, tiệm móng tay-chân, cắt tóc gội đầu, v.v... đều của
người Việt, nói tiếng Việt, phục vụ với giá rẻ hơn nhiều so với
dịch vụ của người Mỹ.

Sang đến San Jose, lần đầu tiên trong mười năm ở Mỹ, tôi mới
thực sự không thấy mình là người “thiểu số”. San Jose đông
người Việt thứ hai tại Mỹ và thứ ba trên thế giới; ở đây không có
sắc dân nào vượt trội lên để được coi là “đa số”. Trong những
khuôn mặt đi ngược tôi trên vỉa hè, những khuôn mặt gốc Việt
Nam, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Thái, Ấn Độ,
v.v... nhiều ngang với những khuôn mặt da trắng, da đen, gốc
Mễ, Trung Đông. Không một ai nhìn tôi như cách tôi đã bị nhìn
ở Nashua, New Hampshire hay Omaha, Nebraska. Và người trẻ
rất nhiều - trông họ gọn gàng, đi lại nhanh nhẹn, đa phần có lẽ
làm việc liên quan đến công nghệ. Không ngạc nhiên khi San
Jose nằm trong danh sách 10 thành phố có dân trí cao nhất Mỹ.

San Jose không có nhà chọc trời, đường phố không quá nhiều
xe cộ và dân sống dàn trải vì đất rộng. Cuộc sống có vẻ không
hối hả như Chicago hay New York. Quanh thành phố là các town
nhỏ làm thành thung lũng Silicon - Cupertino, Santa Clara,
Sunnyvale, Mountain View, Milpitas, Palo Alto. San Francisco và
Berkeley chỉ cách đó chừng một giờ; nếu muốn thấy lại không
khí học thuật đậm đặc ở đại học Chicago, tôi có thể chạy sang
campus của Stanford hay Berkeley. Nếu tôi thực tế nữa mà nghĩ
đến tình trạng độc thân mới mẻ của mình thì San Jose càng lý
tưởng. Tạp chí Forbes nhiều năm liền đưa San Jose vào danh
sách 10 thành phố tuyệt vời nhất cho phụ nữ độc thân vì mật độ
nam giới độc thân ở đây rất cao - và đa số họ là trí thức làm việc
trong các tập đoàn công nghệ. Suốt mấy ngày vừa rồi, trong
quán ăn, thư viện, quán cà phê, hay trên đường, tôi không thể

không nhận ra quanh tôi có thật nhiều những người đàn ông
trẻ, độc thân - họ đi ăn trưa với nhau, ngồi làm việc, hoặc bàn
chuyện làm ăn. Trông họ sáng sủa, bảnh bao trong một thứ
đồng phục bất thành văn của thung lũng Silicon: quần bò, áo sơ
mi hoặc áo phông, và sport jacket bên ngoài. Một thứ đồng phục
nữa: Apple. Gần như 100% những người tôi nhìn thấy đều dùng
iPhone, iPod, iPad, Macbook. Họ nói chuyện về Apple, Facebook,
Google, công ty này lên, công ty kia xuống như nói chuyện về
việc đang xảy ra ở nhà hàng xóm, hoặc ngay trong nhà mình.

Tôi chắc đến 80% là sẽ nhận lời sang đây làm việc mặc dù tôi
còn hai cuộc phỏng vấn trước mắt và chưa biết kết quả từ
Wisconsin hay Kentucky. Công việc sẽ thú vị, thời tiết tốt, thành
phố đẹp, dân trí cao và đa sắc tộc, cuộc sống tiện lợi. Mức lương
họ trả hợp lý và tôi được về Việt Nam mỗi năm hai lần theo các
chương trình hợp tác giữa trường với Việt Nam. Ông hiệu
trưởng mới của trường Nghệ thuật và khoa học ứng dụng và bà
giám đốc trường Công tác xã hội rất hào hứng với việc tôi có thể
về làm việc với họ. Hai người đưa tôi đi ăn tối, gặp gỡ các giáo sư
trong các khoa và phòng ban, rồi hôm sau, đích thân ông hiệu
trưởng lái xe đưa tôi ra sân bay. Ông ấy dặn tôi đừng quyết định
nhận lời làm cho bất cứ ai trước khi xem thư mời chính thức của
họ. Sự nhiệt tình của họ làm tôi cảm động. Hình như họ nhìn
thấy ở tôi nhiều tiềm năng hơn tôi nhìn thấy ở chính mình.

Hôm qua, trên máy bay trở lại Chicago từ San Jose, tôi nhìn
những quả đồi xanh bao quanh San Jose làm thành thung lũng
Silicon, và cái ý nghĩ sẽ rời khỏi Chicago để tới sống một mình
và bắt đầu lại từ đầu ở thành phố xa lạ này làm tôi chảy nước
mắt. “Mình có thể chuyển đến thành phố xa lạ này và sống một
mình được không?” Sẽ dứt mình khỏi thầy cô và bạn bè ở
Chicago - nơi duy nhất lúc này cho tôi cảm giác an toàn; sẽ đơn

thương độc mã chuyển đến San Jose; sẽ thuê một căn hộ nhỏ; rồi
hằng ngày sẽ đi làm tám tiếng và trở về một căn nhà trống rỗng?
Tôi có thể nhìn thấy căn hộ trống ấy trong đầu và cái hình ảnh
ấy làm tôi sợ.

Sẽ bắt đầu lại từ đâu?

Nhưng một phần khác trong tôi cũng lại lạnh lùng và bình
tĩnh nói “Ồ, nhưng mà Việt, bạn sẽ rời Chicago và bạn sẽ tới San
Jose một mình và bạn sẽ bắt đầu lại từ đầu... và đó là điều sẽ xảy
ra, và chúng ta không có gì để bàn cãi về điều đó”.

Cái tiếng nói bình tĩnh đó - lương tâm hay lí trí - đôi khi tôi
không chịu nổi sự cứng rắn của nó. Tôi biết nó đúng; tôi chỉ ước
mình thỉnh thoảng được tạm nghỉ một chút khỏi cái đúng.

Chương 40

Sơn đã gửi lại các giấy tờ ly dị cùng với chữ ký. Hôm nay tôi

vào downtown để nộp giấy tờ cho luật sư.

- Sam, tớ sợ lắm. Tầm này tuần sau, tớ lại là người độc thân.

- Hôn nhân thật là kỳ lạ - Sam trầm ngâm - Thực ra bây giờ, cậu
với chồng cậu coi như đã ly dị rồi vì anh ấy đi đã một năm, hai
người chẳng mấy khi liên lạc, nhưng chỉ vì cậu nghĩ là cậu vẫn
có chồng nên cậu cư xử như người có chồng. Đến tuần sau, cuộc
sống của cậu vẫn thế, chẳng có gì thay đổi, cậu với chồng cậu
vẫn sống xa nhau, như hai người lạ, nhưng đột nhiên cậu trở
thành người độc thân và cậu sẽ cư xử khác. Thật là kỳ cục; hôn
nhân rốt cuộc chỉ là một trạng thái đầu óc mà thôi.

Có thể Sam đúng. Có thể tất cả chỉ là trạng thái đầu óc nhưng
những tờ khai với tòa mà tôi đang cầm trong tay - với đầy đủ chi
tiết về ngày kết hôn, ngày ly thân, tài sản chung, riêng từng
món, v.v... - thì vẫn thật. Và cảm giác trong tim thì vẫn thật.

Văn phòng luật sư ở tầng tám một tòa nhà chọc trời trong
phố. Tôi đưa giấy tờ cho họ rồi đi. Nhưng tôi không về nhà mà
tới hiệu sách Borders ở góc phố Washington với State rồi ngồi
đọc suốt buổi chiều - đủ loại sách. Nỗi buồn giống như một cái
bong bóng lớn trùm lấy tôi nhưng tôi cứ ngồi trong đó đọc sách.

Đến cuối chiều, tôi đi vào Nordstrom Rack, H&M và Forever
21, không phải để mua sắm mà chỉ để giết thời gian. Các cửa
hàng đầy những tấm gương lớn; mỗi lần đi qua gương, tôi lại
kinh hoàng khi thấy mình trong đó. “Nhìn xem, một người đàn
bà xấu xí thảm hại đáng thương”. Ý nghĩ đó làm cho tôi không

đủ can đảm thử bất cứ bộ quần áo nào lên người. Vậy là tôi đi về
nhà.

Càng gần đến ngày ra tòa, tôi càng bình tĩnh - cái bình tĩnh
của một vận động viên nhảy cầu đang đứng ở đầu ván trượt, nín
thở, đã biết rằng mình chỉ còn chờ nghe tiếng còi là lao mình
xuống bể và chỉ còn tập trung nghe tiếng còi. Ngày hôm trước,
khi điền giấy tờ làm việc với một trường đại học, đến mục “tình
trạng hôn nhân”, tôi nhìn các lựa chọn - độc thân, ly hôn, góa,
kết hôn - và tự hỏi tôi nên chọn mục nào. Độc thân? Ly hôn? Kết
hôn? Một tuần nữa, sau khi tôi ra tòa, nếu tôi gặp phải những
chỗ thế này, tôi sẽ chọn “độc thân” hay “ly dị”? Người ly dị mà
chưa tái hôn thì bản chất là độc thân; nhưng xã hội vẫn muốn
phân biệt người độc thân nhưng đã từng kết hôn với người độc
thân chưa từng kết hôn - như thể ly dị là một dạng tiền án tiền
sự mà xã hội cần được cảnh báo.

Những ngày này, những buổi tối ở nhà với Kat và Emma trở
thành những buổi tự khảo dài.

- Kat, chị nghĩ vấn đề của em là gì?

- Em á? Em chẳng có vấn đề gì cả.

- Chị nói thật cho em biết đi, vấn đề của em là gì?

- À... nếu em cứ nhất định, thì có thể em có một vấn đề nhỏ.

- Nói cho em biết đi.

- Nhưng nó không phải là vấn đề. Có điều chị nghĩ em có thể tự
làm mình tổn thương vì em tự ti quá.

Thật không thể tin.

- Cái gì? Tự ti á? Thế mà lúc nào em cũng nghĩ em là đứa kiêu
căng tự phụ nhất trên đời.

- Ồ không, không hề, ngược lại là khác. Ý chị là, em dễ bị tổn
thương trước những gì người khác nói về em quá, bởi vì em cả

tin, em nghĩ họ chân thành nên em tin những điều xấu họ nói về
em là thật; nhưng mà không phải thế. Có rất nhiều người xấu
bụng, họ nói xấu vì họ ghen tị hoặc họ muốn làm em đau; còn
em thì lại nghĩ “chắc là họ đúng”.

- Cho em một ví dụ đi.

- Như khi Sandra với Brian ở đây chơi; và em uốn những sợi dây
thép dẻo của Emma thành những bông hoa và những con bướm.
Tin chị đi; chị cho mọi người xem những thứ em làm, ai cũng
kinh ngạc là em có thể làm như thế. Chị thề là chị không bao giờ
có thể làm thế; và đa số mọi người không thể làm thế; nhưng em
thì làm dễ dàng và khi chị nói em giỏi quá, em thật là sáng tạo,
thì em nói không, em không hề có tài, ai cũng có thể làm được,
rồi Sandra nói ồ Kat, chị cũng có thể làm được mà; và chị thấy là
em tin Sandra rằng chị cũng có thể làm được, rằng tài năng của
em chẳng có gì đặc biệt cả. Nhưng mà chị nói thật, dù có một
triệu năm nữa chị cũng không thể làm được như thế; không bao
giờ; em có tài, em có nhiều khả năng, không phải ai cũng có điều
đó và em phải tin vào bản thân em.

- Hừm, nhưng nó dễ thật mà. Em thực sự nghĩ là ai cũng có thể
làm được.

- Một ví dụ khác vậy. Ví dụ như Brian nói với em “Ồ, nhưng mà
cô ấy chỉ cao có 5 feet”; với chị thì đấy là một câu rất bất lịch sự;
Brian hay nói những câu bất lịch sự và thô thiển như thế, rồi anh
ấy lại băn khoăn tại sao anh ấy không kiếm được việc, chị rất
giận vì anh ấy nói những câu như thế với em; nhưng em thì
nghe và em thậm chí không hề nghĩ rằng anh ta không được
quyền nói thế với em; em không hề nghĩ rằng anh ta xấu khi nói
thế với em mà em chỉ nghĩ ồ đúng rồi, em thấp... trong khi đó thì
chị lại nghĩ em có dáng người nhỏ bé rất dễ thương.

- Nhưng em 5 feet thật mà. Anh ấy nói đúng còn gì. Đấy là sự
thật.

- Đấy dấy, đấy chính là điều chị nói. Vấn đề không phải là chuyện
em 5 feet; vấn đề là anh ta nói thế với một động cơ xấu; vấn đề là
anh ta không được quyền nói những câu kiểu như thế về em;
còn em thì lại nghĩ đến nó từ khía cạnh logic; và em nghĩ là nó
thật, và em tin những điều xấu mà người ta nói về em... thế rồi
em nghĩ là em tầm thường, không có gì đặc biệt trong khi tất cả
những người biết rõ em đều nghĩ điều ngược lại. Đấy chính là
điều chị muốn nói khi chị dùng từ “tự ti”. Em dễ bị tổn thương vì
những ác ý và tiêu cực mà người khác nói với em; và chị nghĩ có
thể nó là hệ quả của những quan hệ trước đây của em. Có thể
những người mà em tin tưởng và yêu thương trong quá khứ đã
ác khẩu, đã lừa dối hoặc đã nói những điều rất tệ với em về em;
còn em thì tin họ và nghĩ rằng họ không nói dối; em nghĩ họ nói
thật vì họ là người thân hay bạn em chứ em không nghĩ rằng họ
là những con người và rất nhiều người sẵn sàng nói dối để
thắng, để được trên cơ trong cán cân quyền lực với người khác,
để khống chế em, sở hữu em, vì ghen với em, vì họ bất an và họ
ghét chính bản thân họ; còn em thì tin họ và em tin rằng em
không ra gì. Chị nói có đúng không? Có khi họ chế giễu, chỉ trích
em, họ trịch thượng và xúc phạm, rồi họ lại cười và bảo em rằng
họ đùa, còn em thì tin thật và em đau. Đàn ông nhiều khi ác lắm.
Họ nói, rồi họ cười và bảo là họ đùa, họ bảo họ không nghĩ mình
sẽ đau bởi vì họ chỉ đùa thôi, nhưng mình thì đau.

Quả thật, tôi thường cho những người mà tôi yêu quý quá
nhiều quyền với tôi mà không nhận ra rằng cho họ quyền như
thế là cũng là cho họ cơ hội và thói quen lạm dụng quyền lực họ
có với mình. Trên thế giới này, rất ít người có đủ trí tuệ và lòng

tốt để không lạm dụng quyền lực mà họ có với người khác khi
họ có cơ hội.

Với phụ nữ, tự tin mà không đi kèm tự tôn thì vẫn là thảm
họa. Trí tuệ mà không đi kèm dũng cảm thì vẫn bất hạnh mà
thôi.

Chương 41

Đầu tháng Tư, Chicago lại nhìn thấy mặt trời sau mùa đông

dài. Tôi đã chính thức nhận lời mời làm việc ở California. Ở
trường, các thủ tục tốt nghiệp cũng đã hoàn thành. Tôi sẽ tốt
nghiệp vào tháng Sáu. Giấy tờ ly hôn cũng đã được nộp cho tòa
án. Tôi chờ ngày ra tòa.

Trong bữa sáng nay, một chuyện buồn cười xảy ra. Số là, đêm
qua, Kat về nhà lúc nửa đêm sau khi đi chơi buổi tối với Jack và
mẹ Jack. Kat cứ tưởng chỉ đi gặp mẹ Jack một lúc; nhưng rốt cuộc
họ ăn tối, rồi ra rạp và xem ba bộ phim tới tận hai giờ sáng.

- Nhưng chuyện kỳ lạ nhất là - Kat nói - lúc chị ở trong rạp, chị
thấy Jack nắm tay mẹ anh ấy trong lúc xem phim. Anh ấy đối xử
với mẹ như thể bà ấy là nữ hoàng; chị chưa bao giờ thấy điều này
ở Jack cả. So sweet!

Mike - bố Emma - cũng ở đó. Mike nhún vai, nói đúng một từ.

- Tởm!

- Tôi thì thấy như thế rất dễ thương - Kat nói - Jack lúc nào cũng
tỏ ra rất mạnh mẽ, đàn ông, tôi chẳng bao giờ có thể tưởng
tượng anh ấy cầm tay mẹ trong lúc xem phim.

- Tởm! - Mike nhắc lại.

Tôi ngồi đó nghe và vừa buồn cười vừa thương Mike. Mike
không ưa Jack nhưng anh luôn bình tĩnh và đúng mực trong cư
xử với Jack. Khi họ gặp nhau ở nhà Kat, hai người đàn ông vẫn
chào nhau lịch sự, hỏi thăm nhau và có khi còn đi chơi cùng Kat
và Emma. Họ đối xử với nhau xa lạ nhưng lịch sự - Mike không
bao giờ nhận xét hay khuyên giải Kat trong quan hệ của chị ấy
với Jack, trừ phi nó ảnh hưởng trực tiếp đến Emma; trái lại, Kat

cũng không bao giờ có ý kiến về đời sống riêng của Mike. Họ có
chung Emma và họ biết vai trò của mình, ranh giới của mình
trong quan hệ chung đó.

Cách mà người Mỹ rạch ròi với nhau về chuyện tình cảm thật
đáng phục. Họ không biến tình cảm thành một mớ bòng bong
làm mờ mắt lý trí và hủy diệt mọi thứ, trước hết là hủy diệt
chính mình. Họ không có khái niệm kẻ thù vĩnh viễn, không có
khái niệm tự ái đến mức không thể cộng tác với nhau. Họ không
nặng lòng đến độ không thể tìm thấy lối thoát cho một mối
quan hệ - nếu không là vợ chồng thì là bạn, đồng nghiệp, hoặc
một thứ hình dạng khác tự mình định ra, không sao cả.

Sau bữa sáng, Kat, Emma, Snow, và tôi tới nhà Ben, anh trai
của Kat. Gernee là một khu ngoại ô gọn gàng, sạch sẽ; nhà nào
cũng có bãi cỏ rộng, vườn trước và vườn sau để trẻ con và chó có
thể chạy. Ở đây có thể thấy trời xanh và những hàng cây dọc các
con đường, những sân chơi bóng chày lớn và lối đi rộng cho
người chạy bộ buổi sớm cũng như cho trẻ con tập xe đạp. Vào
sáng Chủ nhật như hôm nay, lũ trẻ đổ đầy ra đường đạp xe đạp;
đàn ông thì cắt cỏ, mang ô tô ra rửa hoặc sửa chữa; phụ nữ thì
chăm sóc vườn, tỉa hoa, trồng hoa cho mùa hè sắp đến. Họ làm
việc ở sân trước và nói chuyện vọng sang nhau, vừa chuyện trò
vừa trông lũ trẻ đạp xe và chơi trên các lối đi.

Gia đình Kat rất sùng đạo. Họ là dân Orthodox Catholic cho
nên sáng Chủ nhật, Ben và vợ đưa cả bốn đứa con đi nhà thờ. Khi
chúng tôi tới, họ vừa từ nhà thờ về. Bọn trẻ con vẫn còn mặc
quần áo nghiêm chỉnh - dù đứa lớn nhất mới có bảy tuổi.
Monica, cô bé lớn nhất, mặc một cái váy vàng với áo len và tất
bên trong, thắt nơ; bé Paul hai tuổi mặc sơ mi trắng bên trong,
áo len cổ chữ V, rồi đến com lê và quần âu như một người lớn.
Mary thì mới mấy tuần tuổi và cũng được quấn rất chỉnh tề để đi

nhà thờ. Vợ Ben là người Tây Ban Nha và cũng là dân Catholic
mộ đạo cho nên họ không dùng bất cứ phương tiện tránh thai
nào. Cứ đà này họ có thể có 5-6 con; Ben sẽ đi làm để nuôi con
còn Vic ở nhà chăm sóc lũ trẻ.

Ben là luật sư nhưng anh cũng thích cơ khí nên nhận thêm cả
công việc sửa chữa ô tô vào cuối tuần. Nhà họ nằm gần cuối một
con đường, có năm phòng ngủ, sân trước và một sân sau lớn với
hàng hiên để bọn trẻ có chỗ chơi. Phía trước nhà còn có garage
lớn để Ben có chỗ sửa xe. Trong garage, anh có đủ thứ đồ nghề và
dụng cụ để làm mộc; thỉnh thoảng Ben cũng đóng bàn ghế cho
gia đình.

Ben chỉ hơn Kat bốn tuổi nhưng trông còn trẻ hơn Kat và đẹp
trai - nhìn Ben tôi có thể tưởng tượng Shawn trước khi tai nạn.
Anh rất thông minh và thông hiểu các vấn đề chính trị, triết
học, thời sự. Ben là mẫu người đàn ông Mỹ cổ điển và thực ra là
mẫu người bình dân đã sáng lập ra nước Mỹ: họ kính Chúa, làm
việc chăm chỉ, trung thực để nuôi gia đình, tận tụy với cộng
đồng. Mẫu người như người cha trong phim Ngôi nhà nhỏ trên
thảo nguyên. Đây chính là hạt nhân cho tầng lớp trung lưu nước
Mỹ, cho sự vận hành trơn tru của nước Mỹ.

Con Snow được thả trong sân sau nhà Ben thì vui như phát
cuồng, vừa chạy vun vút quanh sân vừa sủa vang khiến lũ quạ
dáo dác bay lên. Emma cũng lập tức bỏ quên mẹ để chúi vào các
trò chơi với Monica và Eline trong lúc Kat và tôi đi bộ quanh khu
nhà. Khi trở lại, chúng tôi ăn nhẹ rồi ra rạp xem phim. Tất cả
bọn trẻ, cả bé Paul hai tuổi cũng đi (thằng bé có một giọng nói
hết sức dễ thương và nói tiếng Tây Ban Nha chứ không nói tiếng
Anh mặc dù hiểu cả hai thứ tiếng). Chúng tôi xem phim hoạt
hình How To Train Your Dragon và bọn trẻ cười khanh khách

trong rạp mỗi khi có một tình tiết hài. Thật cảm động khi thấy
bọn trẻ dễ vui đến thế với những thứ quanh chúng.

Khi trời bắt đầu tối, tôi, Kat, Emma, và Snow mới ra về. Trên
đường về, chúng tôi ghé vào cửa hàng fastfood Culver’s mua bữa
tối. Tôi mua thịt gà quay với một cốc kem dâu tây; Emma ăn hot
dog còn Kat ăn bánh mì kẹp. Toàn là đồ béo nhưng chẳng ai
thèm để ý; chúng tôi chỉ muốn vui. Chúng tôi vừa đi vừa ăn và
hát Pu the magic Dragon... Trên trời, trăng mùa xuân rất lớn,
tròn và sáng, như một quả bóng trên nền trời mờ xanh.

Đây mới là nước Mỹ, là cốt lõi của cách sống Mỹ. Nó đơn giản
và chân phương đến mức gần như ngây thơ, cái ngây thơ đến từ
chỗ hầu hết người ta đều chỉ muốn làm việc chăm chỉ và trách
nhiệm để nuôi gia đình, và cuối tuần đi nhà thờ để tạ ơn Chúa đã
cho họ cuộc sống đó. Vẻ đẹp Mỹ là thế: những con người sống tự
do trên một mảnh đất mà họ có quyền và có thể xây dựng một
cuộc sống và tiền đồ cho mình thông qua lao động chăm chỉ,
trung thực theo đúng lương tâm. Cái mà người ta gọi là sự thực
dụng Mỹ - và hiểu nó là việc người Mỹ chỉ nghĩ đến hiệu quả vì
mục đích lợi nhuận - thực ra không chính xác. Cái mà người Mỹ
muốn là tối ưu hóa đời sống, là sáng tạo, là nhìn thấy các ý
tưởng được triển

khai thành hiện thực; và trong quá trình triển khai đó, họ tin
rằng mỗi người đều làm việc trên tinh thần trách nhiệm tự
thân, nên không cần có các cơ chế kiểm soát, phê duyệt phức tạp.
Sự thực dụng nhất của người Mỹ chính là ở cách họ sử dụng
niềm tin. Tin nhau, tôn trọng nhau thì rút ngắn thời gian và
công sức bỏ vào sự đề phòng, kiểm tra, kiểm soát. Tin nhau, tôn
trọng nhau nên công việc trôi chảy. Làm việc có lương tâm thì
tiết kiệm thời gian và công sức nghĩ cách nói dối, che chắn. Đấy
mới là sự thực dụng thực sự của người Mỹ. Lòng tốt, sự tử tế,

tinh thần trách nhiệm của họ mang tính ứng dụng cao và tự
nhiên.

Hồi mới đến Mỹ, tôi nhận ra cái vẻ đẹp Mỹ này. Nhưng suốt
những năm qua, có lẽ vì những khó khăn trong cuộc sống riêng
mà tôi chủ yếu chỉ thấy khốn khó trên toàn nước Mỹ. Tôi đã
quên vì sao tôi đến Mỹ. Tôi đã quên mất cái đẹp của việc lựa chọn
sống một cuộc sống bình thường mà hàng triệu người Mỹ đã
nghiễm nhiên lựa chọn - không phải vì họ không có khả năng
bon chen mà vì họ hiểu cái giá của nó và vì nước Mỹ cho người
ta đủ không gian để có một cuộc sống bình thường tử tế cho đại
đa số - một cuộc sống trung lưu. Một công việc chân chính với
mức lương đủ nuôi gia đình mà không cần phải lừa lọc, đánh
quả; một cái nhà; một cái xe; một cái sân và vườn nhỏ trong một
khu phố sạch sẽ; mỗi năm đi du lịch một lần cùng gia đình; dành
dụm tiền bạc để có thể gửi con đi học; và con mình sau này sẽ có
một cuộc sống mà chúng muốn, có thể là bác sĩ, nông dân, ca sĩ
hay cầu thủ bóng rổ hoặc tổng thống Mỹ, miễn chúng thực sự
muốn điều đó... Giấc mơ Mỹ thực sự có hình dạng như vậy.

Chương 42

Ba ngày nữa là sinh nhật tôi và tôi thì ra tòa để ly dị. Buổi

sáng, tôi dậy sớm, đánh răng rửa mặt, mặc suit đen. Hôm nay
trời lạnh, nhiều gió và có mưa. Tôi đi xe buýt số 6 vào
downtown, xuống xe ở Daley Center để đi tới tòa án trên phố
West Washington.

Ở ngoài cổng vào tòa nhà, họ bắt tất cả mọi người phải đi qua
kiểm tra an ninh. Trong thang máy chủ yếu là luật sư - tất cả đều
mặc suit đen mang ca táp đen giống hệt nhau. Tất cả đứng cúi
đầu chờ thang máy đi lên tầng như một đoàn đưa đám.

Trong hành lang của tầng 20, khoảng gần ba mươi người
đang đứng ngồi rải rác ngoài cửa phòng xử án 2002. Họ đi thành
từng đôi - dễ dàng nhận thấy mỗi đôi là một phụ nữ đi với một
luật sư. Phụ nữ khoảng từ hai lăm đến bốn lăm tuổi - trông họ
căng thẳng, lo lắng; luật sư thì gần như mang một vẻ kiêu ngạo
và hợm hĩnh - như thể không phải họ làm thuê cho những phụ
nữ này mà trái lại họ là ông chủ và Chúa Trời. Tôi có lẽ là người
duy nhất ở đó một mình vì luật sư của tôi còn chưa đến (tôi cũng
chưa gặp anh ta bao giờ, chỉ mới giao dịch vài lần qua email).
Tôi cũng là người châu Á duy nhất ở đây; tất cả các phụ nữ còn
lại đều là người da trắng hoặc gốc Mễ. Từ chỗ đang đứng, tôi
nghe được cuộc nói chuyện giữa một luật sư Do Thái với khách
hàng của ông ta - một phụ nữ da trắng ngoài bốn mươi tuổi.

Cô cứ nói anh ta đã đánh cô nhiều lần và cô đã cố gắng liên lạc
với anh ta nhưng anh ta không bao giờ trả lời vì thế cô cần có
quyền nuôi con.

Những người từng yêu nhau, xây dựng gia đình, giờ trở thành
đối thủ trong ván cờ ly dị mà hai bên cố ăn nhau từng nước để
giành được tiền bạc và quyền sở hữu những đứa con. Người luật
sư - da trắng và đứng tuổi - tiếp tục hướng dẫn thân chủ bằng
một giọng rin rít. Ánh mắt ông ta xoáy vào người phụ nữ như
một huấn luyện viên đấm bốc đang vừa thì thầm những cú móc,
cú thọc vào tai vừa rót ồng ộc những lời cổ vũ cuối cùng vào cổ
họng võ sĩ đã tả tơi bầm giập của mình.

Tòa nhà này không có tường mà chỉ có những rầm sắt lớn và
kính. Từ chỗ đang đứng, tôi có thể nhìn thấy hồ Michigan lúc
này có màu xanh nhạt và mù sương dưới màn mưa nhẹ. Nhìn
sang ngang, những tòa nhà chọc trời trong downtown trông
như những cái hộp nghiêng dần, chuẩn bị đổ. Ở phía đối diện
bên kia đường là một tòa nhà văn phòng và một khu căn hộ cao
cấp với rất nhiều tường kính. Có thể nhìn rõ những bàn làm việc
và những dáng người cúi bên bàn; những phòng ngủ, phòng
khách và bóng người đi lại trong đó. Tất cả trông như những
con kiến hay con mối chạy trong một cái tổ lớn. Dưới lòng
đường, xe và người đi bộ trên vỉa hè như những món đồ chơi di
động.

Từ chỗ này, tôi cũng có thể nhìn thấy tòa nhà thị chính thành
phố ngay bên kia đường - ở đó, cách đây bảy năm, tôi và Sơn đã
vào đăng ký kết hôn; chỉ có hai chúng tôi, không bạn bè, không
người thân. Hôm đó là một ngày chớm đông nhưng lạnh và hai
chúng tôi đã rất hạnh phúc - hạnh phúc đến nỗi cảm thấy như
hai đứa trẻ bí mật tìm ra đảo giấu vàng, chỉ cần hai người biết
với nhau là đủ, không cần có thêm ai để chúc mừng. Hôm đó
Sơn mặc com lê đen và tôi mặc áo choàng dài màu đen; không
hoa, không confetti, không gì cả. Chỉ có hạnh phúc và sự tin
tưởng tuyệt đối rằng chúng tôi sẽ sống với nhau suốt đời.

Chín giờ sáng, cửa phòng xử án mở. Những người đang đứng
chờ ở hành lang ùa vào phòng. Các luật sư rõ ràng rất quen
thuộc với thủ tục ở đây nên họ gần như túm lấy khách hàng của
mình mà lôi vào phòng; một số thì bỏ mặc khách hàng để chen
vào xếp hàng trước một bà thư ký ngồi giữa phòng. Phòng xử án
được xử theo nguyên tắc ai đăng ký trước xử trước. Tôi cũng vào
phòng chờ luật sư của mình tới.

Đó là một căn phòng vuông, trần cao, diện tích chừng 80m2.
Ghế thẩm phán ở chính giữa. Trên bức tường phía Bắc có dòng
chữ “In God we trust” bằng thép không gỉ; ở bức tường phía
Nam là một cái đồng hồ lớn. Căn phòng được ngăn ra hai phần
và có một cảnh sát mang súng đứng trong phòng giữ trật tự.
Khách hàng và thân nhân của họ ngồi phía dưới; phía trên là hai
cái bàn - một số luật sư đã ngồi xuống cắm cúi điền giấy tờ. Họ
không để lỡ một phút nào. Tôi đếm thấy sáu luật sư nam và hai
luật sư nữ; tất cả trông đều có vẻ là người Do Thái. Thực tế là khi
một luật sư có vẻ bất bình với bà thư ký, anh ta quay xuống một
luật sư khác và hai người bắt đầu nói chuyện với nhau bằng
tiếng Hebrew. Có một cô luật sư trẻ, rất đẹp, mặc một cái váy văn
phòng màu vàng, đại diện cho khách hàng là một người đàn ông
gốc Mễ. Cô ấy cố gắng nhưng vẫn không có được vẻ tự tin như
của các luật sư nam (như thể đây là lãnh thổ của nam giới và cô
ấy chỉ là con thú đi lạc). Đây là một thế giới mà James Brown gọi
là “a man’s, man’s, man’s world(*)”. Cái nam quyền đậm đặc trong
phòng, tưởng có thể lấy dao mà sắt thành miếng.

Khoảng chín giờ bốn mươi, luật sư của tôi xuất hiện - một
người đàn ông da trắng chừng bốn mươi tuổi, mặc com lê đen và
mang ca táp đen giống tất cả các luật sư khác. Anh ta lập tức
nhận ra tôi vì tôi là người châu Á duy nhất trong phòng.

- Mọi việc sẽ rất đơn giản - anh ta nói nhanh - tất cả những gì cô
phải làm là nói Yes với tất cả các câu trả lời của tôi. Chỉ có thế
thôi; giờ thì mình cứ chờ, khi họ gọi mình lên thì mình lên, sẽ
mất khoảng năm đến mười phút là xong... Chúng ta hình như là
số năm hoặc sáu, chờ một chút là tới, mọi việc sẽ rất đơn giản.

Anh ta nói với tôi rằng anh ta còn một vụ nữa ở phòng khác;
anh ta sẽ sang đó trong lúc chúng tôi chờ đến lượt; khoảng hai
mươi phút thì anh ta sẽ quay lại. Anh ta nói xong, không đợi tôi
trả lời đã bước đi, vừa đi vừa bấm điện thoại.

Vụ được xử đầu tiên là vụ của người phụ nữ và luật sư lúc nãy.
Thẩm phán là một người phụ nữ da trắng gần năm mươi tuổi
trông có vẻ dễ tính. Người phụ nữ và luật sư Do Thái đi tới đứng
trước mặt thẩm phán. Bà thư ký giơ cánh tay phải lên và nói với
người phụ nữ:

- Giơ tay phải lên.

Chị ta giơ tay phải lên.

- Cô có thề trước Chúa sẽ nói sự thật, toàn bộ sự thật, và không gì
ngoài sự thật và xin Chúa phù hộ cô?

- Vâng.

Chị ta chưa dứt lời thì luật sư đã bắt đầu.

- Thưa thẩm phán, hôm nay tôi đến đây cùng với thân chủ của
tôi (quay sang người phụ nữ). Tên cô là..., đúng không?

- Đúng.

- Cô hiện đang sống tại địa chỉ... đúng không?

- Đúng.

- Cô đã thường trú tại hạt Cook hơn chín mươi ngày tính tới
hôm nay, đúng không?

- Đúng.

- Và hiện tại cô đang kết hôn với..., ngày kết hôn là..., đúng
không?
- Đúng.
- Có ba đứa trẻ được sinh ra từ cuộc hôn nhân này; X sinh ngày...;
Y sinh ngày...; Z sinh ngày..., đúng không?
- Đúng.
- Cô có nhận con nuôi nào không?
- Không.
- Cô có đang mang thai không?
- Không.

Thêm vài câu hỏi nữa về chuyện chồng đánh đập và không
trông nom nhà cửa, cung cấp tài chính để nuôi con.
- Cô tin là cô không làm gì khiến anh ta cư xử như vậy với cô?
- Vâng.
- Cô tin là vì quyền lợi tốt nhất của những đứa trẻ, cô và chồng
cô nên ly dị và cô nên được toàn quyền nuôi cả ba đứa trẻ?
- Vâng.

Thêm vài câu hỏi về tài sản; rồi luật sư nói:
- Tôi không có câu hỏi gì thêm, thưa thẩm phán.

Bà thẩm phán tuyên bố cho ly dị và trao quyền nuôi con cho
người phụ nữ. Khuôn mặt bà ấy bất động trong lúc tuyên bố,
như thể bà ấy chỉ đang đọc một mệnh lệnh thủ tục mà bà ấy đã
quen đọc hàng trăm lần, ngày này qua ngày khác.

Thêm bốn vụ ly dị nữa, tất cả đều liên quan tới trẻ con nhưng
đều không quá mười phút. Trong lúc này, luật sư của tôi vẫn
chưa trở lại. Rồi tôi nghe tên tôi được gọi to trong phòng.

Tôi đứng lên tiến tới chỗ bà thẩm phán. Bà ấy nhìn tôi dò hỏi
khi thấy tôi chỉ có một mình. Tôi nói:

- Tôi có luật sư nhưng ông ấy đã ra ngoài - tôi chỉ ra cửa; đúng
lúc này thì cửa bật mở và luật sư của tôi lao vào - Ồ, ông ấy đây
rồi.

Luật sư của tôi rảo bước tới trước thẩm phán. Anh ta cất tiếng
trước khi kịp đứng lại:
- Thưa thẩm phán, hôm nay tôi đến đây cùng với thân chủ của
tôi...

Thư ký yêu cầu tôi giơ tay lên và khi tôi giơ tay trái, bà ấy phải
bảo tôi sửa lại.
- Cô có thề trước Chúa là sẽ nói thật, toàn bộ sự thật và chỉ sự
thật mà thôi?
- Vâng - tôi nói và nghĩ thầm “nhưng mà tôi có theo đạo Thiên
Chúa đâu”.

Luật sư của tôi bảo tôi tuyên bố tên mình rồi bắt đầu:
- Cô đã cư trú tại bang Illinois hơn chín mươi ngày, đúng không?
- Đúng.
- Cô kết hôn với... vào ngày..., đúng không?
- Đúng.
- Hôn nhân được đăng ký ở hạt Cook, đúng không?
- Đúng.
- Có đứa trẻ nào được sinh ra từ cuộc hôn nhân này không?
- Không.
- Có đứa trẻ nào được nhận nuôi trong cuộc hôn nhân này
không?
- Không.
- Cô đã cố gắng hết sức để hòa giải và duy trì hôn nhân này?
- Vâng.

- Cô có tin rằng những khác biệt giữa cô và chồng cô là không
thể dung hòa và các nỗ lực hòa giải trong tương lai sẽ không có
kết quả?
- Vâng.
- Cô và chồng cô đồng ý miễn trừ hai năm ly thân?
- Vâng.
- Xin cô nhìn vào tờ giấy này. Đây là chữ ký của cô, đúng không?
- Đúng.
- Cô có nhận ra chữ ký này là chữ ký của chồng cô?
- Vâng.
- Cô và chồng cô đã thỏa thuận về tất cả các vấn đề liên quan tới
phân chia tài sản?
- Vâng.
- Giờ tôi giở tới trang bảy của văn bản này; đây có phải chữ ký
của cô không?
- Vâng.
- Cô có nhận ra đây là chữ ký của chồng cô?
- Vâng.
- Theo như thỏa thuận mà cô và chồng cô ký ở đây thì cô miễn
trừ trách nhiệm chu cấp sau ly hôn cho chồng cô. Cô có hiểu việc
miễn trừ này nghĩa là cô sẽ không được tới tòa án này hoặc bất
cứ tòa án nào trong tương lai để đòi được chu cấp tài chính?
- Tôi hiểu.
- Đồng thời, theo thỏa thuận này, mỗi người sẽ tự chịu trách
nhiệm với các khoản nợ của mình?
- Tôi hiểu.
- Các tài sản cá nhân đã được phân chia giữa hai người?
- Vâng.

- Mỗi người sẽ có kế hoạch hưu trí riêng?

- Vâng.

- Thưa thẩm phán, tôi không có câu hỏi nào thêm.

Bà thẩm phán người gốc Mexico nhấc búa lên, tuyên bố tôi
chính thức ly dị từ ngày hôm nay rồi đập búa xuống. Luật sư của
tôi đóng tập hồ sơ lại và ngoắc ngón tay ra hiệu cho tôi theo ông
ta ra khỏi phòng xử. Từ phía sau, một người phụ nữ da trắng
ngoài năm mươi và luật sư của bà ta đã tiến tới bục.

- Chúc mừng cô, cô đã chính thức ly dị - luật sư của tôi chìa tay -
Cô giữ lấy bản này, tôi sẽ gửi một bản cho chồng cũ của cô.

“Chồng cũ”. Anh ta nói rất đơn giản, không hề nhầm lẫn. Tôi
thì đã hình dung ra những lúc tôi sẽ nói “Chồng tôi, à quên
chồng cũ của tôi...”.

- Thế là xong?

- Thế là xong, đúng thế - anh ta nhìn tôi, mỉm cười - Tôi biết. Tất
cả các thân chủ đều bảo tôi, chỉ có thế thôi sao, chúng tôi vật vã
bao nhiêu năm, rồi tranh cãi, đánh lộn suốt hai năm làm thủ tục
ly dị mà ra tòa chỉ có năm, mười phút như thế sao? Nhưng mà
đúng thế đấy. Xong rồi, cô đã xong. Cô đã ly dị.

- Cảm ơn anh.

- Chúc cô may mắn. Giờ xin tạm biệt.

Trước khi tôi kịp nói gì, anh ta đã bước đi. Lúc đó là hơn mười
giờ sáng. Tôi chính thức trở lại độc thân.

Không thể nói tôi có cảm giác gì đặc biệt. Cảm giác rõ nhất chỉ
là một sự lặng lẽ.

Sự thật là thế này. Sự thật là tôi mừng rằng tôi và Sơn đã lấy
nhau, đã có những tháng ngày như tôi đã có với anh, và bây giờ
tôi cũng mừng rằng mình đã ra đi. Tất cả đều tốt. Bất kể chuyện
gì đã xảy ra, tôi không có gì khác ngoài sự biết ơn rằng chúng đã

xảy ra với tôi. Trong tất cả những đau khổ, hoang mang và sợ
hãi của những năm tháng qua và của việc ly dị, một cái gì đó
cũng đã mạnh lên, thật lên. Tôi biết chúng là cái sẽ ở lại lâu dài
và tôi có thể dựa vào chúng cho những thứ tương tự hay lớn hơn
việc ly dị trong tương lai.

Tôi và Sơn - chúng tôi đã gặp nhau, đã có những lúc hạnh
phúc và những lúc không hạnh phúc và giờ thì chia tay. Tôi
không có bất cứ oán hận, trách móc nào về những gì đã qua. Tôi
mong anh hạnh phúc.

Lúc ấy, tôi đã nghĩ rằng tôi và Sơn chắc sẽ không bao giờ gặp
lại nhau. Tôi biết tính anh - và cả tính tôi. Chúng tôi đều thuộc
dạng đã quyết định làm gì thì không ngoái đầu lại. Có điều cuộc
sống có cách riêng của nó để phá vỡ tất cả những nguyên tắc và
dự định của chúng ta. Chúng tôi đã gặp lại. Từ lần cuối tôi gặp
anh ở Chicago trước khi ly hôn cho đến khi chúng tôi gặp lại sau
ly hôn, có thể đã có rất nhiều đau buồn, giận dữ và những thứ
khác. Nhưng khi gặp lại, tất cả những thứ đó đều biến mất, chỉ
còn lại tình bạn.

Tuy thế, vài năm sau, khi lần đầu nhìn thấy ảnh Sơn với một
người con gái, tôi đã khóc. “Đây là người mình đã từng biết rất
rõ, đã từng thật yêu quý và cũng đã từng yêu quý mình; vậy mà
giờ như người xa lạ và tất cả những thứ từng xảy ra giữa chúng
ta dường như không hề tồn tại; tất cả những thứ về chúng ta có
lẽ đã bị tẩy sạch sẽ, như thể chúng không hề có ý nghĩa gì” - tôi
đã cảm thấy thế.

Nhưng không lâu sau, khi lại nhìn thấy ảnh của Sơn mà ở đó
trông anh thật hạnh phúc, tôi lại mỉm cười. “Mình cũng từng
biết cảm giác này”. Đây là hai người; họ yêu nhau và họ hạnh
phúc. Nếu không vì những thứ trong quá khứ, họ hẳn có thể là
bạn tôi và tôi không có gì ngoài chúc họ luôn luôn hạnh phúc.

Giờ, tôi có thể nhìn bất cứ ảnh nào của Sơn với bất cứ ai, nghe
bất cứ tin gì về anh và tôi sẽ không có bất cứ ý nghĩ nào khác
ngoài chúc anh hạnh phúc.

Chương 43

Cuối tháng Tư, mùa xuân đã thực sự trở lại Chicago. Sinh

viên túa ra khắp các con đường trong Hyde Park, váy hoa, quần
soóc, áo hai dây và xăng đan. Khuôn mặt họ ửng hồng, hây hây
nắng. Hoa tràn trên mặt đất. Trong công viên dọc hồ Michigan,
những người dắt chó đi dạo và chạy bộ nhiều lên; lũ chó đùa trên
bãi cỏ và sủa vang, tiếng của chúng âm âm trong gió, hòa với
tiếng chao chác của những con mòng biển. Không khí bắt đầu có
một vẻ rạo rực mới, hứa hẹn những ngày hè đẹp trời với các lễ
hội.

Tôi đã gọi điện cho công ty chuyển đồ và chuyển ô tô. Trường
mới ở California sẽ trả tiền vận chuyển, tôi chỉ phải đóng đồ lại,
họ sẽ đến chất lên xe rồi chuyển đi. Tất cả tiền vận chuyển gần
3000 đô.

Lúc này, tôi chỉ còn 200 đô la trong tài khoản. Tất cả mọi thứ
đang được đánh rỗng, kết thúc, vét cạn trong cuộc sống của tôi.
Chicago sẽ là điểm kết thúc một chặng đường - và tôi sẽ bỏ lại tất
cả ở Chicago.

Từ một tuần nay, mỗi buổi sáng tỉnh dậy, một niềm vui nho
nhỏ bắt đầu nhen lên. Nó nhỏ thôi, và thường sẽ bị dập tắt trước
buổi trưa bởi những lo lắng quán tính về một tương lai bất định;
nhưng ít nhất, vào những giờ khắc buổi sớm, tôi có được niềm
vui ấy và nó thật. Nó là thế này:

Chừng sáu giờ, tôi sẽ tỉnh giấc vì Kat sẽ dậy, đi lại lục sục trong
nhà. Snow cũng sẽ tỉnh, rít lên khe khẽ đòi được ra ngoài. Kat sẽ
mở cửa dắt Snow ra ngoài đi tiểu. Đôi khi trong lúc Kat và Snow
chưa trở lại, Emma sẽ tỉnh, ra khỏi giường lọ mọ đi vào phòng

khách, vừa đi vừa gọi “Mama? Mama?” bằng cái giọng khe khẽ
của một đứa bé vừa ngủ dậy, vẫn còn chưa tỉnh hẳn nhưng tâm
hồn hoàn toàn sạch sẽ, không bóng dáng nỗi sợ hãi hay lo lắng
nào. Emma sẽ đi quanh nhà, gọi mẹ thêm vài lần, mỗi lần một to
hơn và lo lắng hơn.

- Mama?

Tôi lắng nghe tiếng gọi ấy... và thường thì Kat với Snow sẽ trở
về kịp... nhưng cũng có khi không; và sau vài lần gọi, giọng
Emma bắt đầu nghe có nước mắt thì tôi sẽ gọi to từ trong phòng
tôi:

- Emma?

- Mama? - giọng con bé mừng rỡ vì nhầm tôi là Kat.

- Không, cô đây. Cô nghĩ là Mama dắt Snow ra ngoài rồi.

- Ồ - con bé nói, vừa thất vọng vừa nhẹ người vì Mama không có
đây nhưng ít nhất cũng biết Mama ở đâu và còn có “cô Việt”.

- Cháu có muốn vào phòng cô chờ mẹ không?

- Cháu không sao đâu. Mẹ có về nhanh không?

- Mẹ sẽ về ngay thôi.

Rồi vài phút sau, Kat với Snow sẽ trở lại. Tôi có thể nghe tiếng
họ từ trong thang máy cuối hành lang. Cái miếng kim loại nhỏ ở
cổ Snow thường kêu lanh canh và Snow nhảy chồm chồm dọc
hành lang trải thảm, tiếng chân lộp độp như vó ngựa; và Kat sẽ
vừa đi vừa nói “Come on Snow, come on, good girl, oh, you big
pretty girl, I love you(*)”

Rồi họ sẽ mở cửa và Snow sẽ lao vào nhà trong lúc Emma lao
ra:

- Mama?
- Yes, my love? Con vừa dậy à?

- Yes.

- Con không thấy mẹ có sợ không?

- Có.

- Ồ, tội nghiệp hạt đậu bé bỏng của mẹ. Mẹ chỉ đưa Snow ra
ngoài thôi mà.

Kat gọi Emma bằng rất nhiều tên khác nhau: Emma- Blemma,
hạt đậu của mẹ, bánh quy của mẹ, gấu bông của mẹ, tình yêu
của mẹ, trái tim của mẹ, mật ong của mẹ, cục cưng của mẹ,
sweetheart, sweetie, darling... Emma cũng bịa ra rất nhiều từ để
gọi Kat, ví dụ như “Mamaly”... con bé thích bịa ra các từ mới để
gọi Kat.

Vào các buổi sáng, tôi nằm trong phòng mơ màng nghe hai
mẹ con nói chuyện trong lúc chuẩn bị bữa sáng để Emma đi học.
Họ có hai tiếng đồng hồ, nhưng bằng cách nào đấy, họ luôn
thiếu thời gian và sáng nào, cả hai cũng cuống cuồng vào phút
cuối.
- Emma, honey, con đánh răng chưa? Làm ơn đánh răng đi con,
chúng ta sẽ muộn mất.

- Emma, nhanh lên con, con phải đánh răng vào ngay phút này,
chúng ta trễ rồi.

- Emma, đừng để mẹ phải đếm đến ba... rồi, cảm ơn con.

- Con mặc quần áo vào đi. Hôm nay con sẽ tự chọn quần áo con
muốn mặc chứ?

- Emma, chúng ta thật sự trễ rồi đấy; cô giáo của con sẽ giận mẹ;
con không muốn cô giáo giận mẹ, đúng không?

- Emma, để Snow yên, không đùa nữa, chúng ta trễ lắm rồi đấy,
lẽ ra con phải ở trường giờ này rồi.

- Giày của con đâu rồi? Ồ, Snow, nhả ra, nhả ra ngay.

- Đây, áo khoác đây; con muốn mẹ kéo khóa cho con hay con tự
kéo... nào đi thôi, chúng ta trễ lắm rồi đấy...

Rồi cả hai sẽ ào ra cửa, khóa trái và chạy dọc hành lang - cặp
sách, cặp lồng đập bồm bộp. Căn nhà trở lại yên ắng; tôi sẽ mở
nhạc và ngủ lơ mơ thêm chừng ba mươi phút trong tiếng nhạc
rồi trở dậy, rửa mặt, bỏ bữa trưa vào trong túi, rồi bắt xe buýt
172 bên ngoài nhà để tới trường.

*

*         *

Tháng Năm, tôi về Hà Nội để nghỉ ngơi và đón bố mẹ sang dự
lễ tốt nghiệp.

Ba tuần ở Hà Nội qua nhanh, cộng với một chuyến đi Hồng
Kông ngắn ngủi. Tôi không xếp lịch để mình bận rộn với các
cuộc gặp bạn bè; cũng không tranh thủ giải quyết công việc ở
Việt Nam. Tôi chỉ trôi nổi theo những thứ thường nhật trong
ngày với gia đình: sáng dậy ăn sáng rồi chơi ở nhà với cháu tôi;
trưa lại ăn trưa, rồi ngủ trưa; tối thì ra ngoài uống nước với gia
đình hoặc bạn bè khi cái nóng đã hết.

Mọi người trong nhà đều đồng ý rằng tôi là người ăn mặc kỳ
cục nhất Hà Nội bởi vì tôi vẫn mặc những cái áo và quần cũ từ
cách đây mười năm; tôi vẫn không quan tâm tới việc mình
trông thế nào; tôi vẫn chỉ muốn chạy chiếc Honda 82 cũ mà tôi
chạy từ lúc học đại học. Giờ tôi đã trở lại độc thân nên mọi người
càng sốt sắng giục tôi ăn mặc đẹp, trang điểm, và chịu khó ra
ngoài giao lưu để còn nhanh chóng tìm một người mới. Tôi mặc
kệ những thúc giục.

Về đến Hà Nội, cảm giác đầu tiên luôn là sự xuống giá tức thời
của bản thân và sự tan tành của danh tính. Ở đây, dường như
việc quan trọng nhất là có tiền - hoặc trông như người có tiền.

Tất cả mọi thứ thuộc về tôi đều sống trong trạng thái bản năng
hơn - ăn, ngủ, chống chọi cái nóng, tránh cho mình không bị
ốm, không bị tai nạn trên đường, đi vệ sinh ở đâu, đối xử thế nào
với những người sẵn sàng đánh chửi mình. Mọi thứ đều trần
trụi, nhơn nhơn, đập thẳng vào mặt.

Cảm giác lại ngồi trên xe máy len lỏi trong dòng người kín
bưng như ninja - một dòng người vô danh, không khuôn mặt,
cưỡi những chiếc xe máy tay ga nặng nề - là cảm giác hòa vào
một điệu nhảy mà mình không biết chắc quy luật và không có
lựa chọn nào khác là trôi theo dòng. Một cái gì đó lại dâng lên và
xâm chiếm tôi - vừa là một thứ năng lượng sống mới, vừa là một
cái gì rất dễ tan chảy dưới nắng nóng.

Trở lại lần này, cuộc sống ở Hà Nội trở nên rõ nét hơn. Một
buổi sáng, tôi ngồi chờ một người bạn trong một quán phở và
bàn bên cạnh là một cặp nam nữ... không rõ là người yêu, vợ
chồng hay anh em. Người đàn ông còn trẻ - chắc mới ngoài ba
mươi - đang cau có, sa sả mắng cô gái. Cô gái - khoảng hai lăm
tuổi - chỉ ngồi yên lặng nghe, không nói gì. Người đàn ông lúc
trước đã bảo nhà hàng làm phở không có hành. Khi họ mang
phở ra, vẫn có hai ba vụn hành, anh ta bắt họ làm bát khác, và
cái bực này làm anh ta càng to tiếng:

- Sao em ngu thế, em cũng học cùng lớp như người khác, cũng
thầy đấy, cũng ngồi trong lớp, mà sao không bằng chúng nó...
Hảaa? Sao em ngu thế?

Anh ta đẹp trai, ăn mặc chỉnh tề kiểu dân công chức - sơ mi,
quần âu - nhưng đang bực nên mặt mũi tối sầm lại. Tôi đã từng
gặp những người đàn ông thế này. Anh ta có lẽ là sếp nhỏ ở đâu
đó, trưởng phòng chẳng hạn, chắc cũng là một người thông
minh, có năng lực trong công việc và chắc đầy tham vọng thăng
tiến. Kiểu người có thể nịnh trên, nạt dưới. Thật khó tưởng

tượng có lúc anh ta đã là một đứa trẻ - một đứa trẻ ngây thơ. Còn
bây giờ, anh ta mặc định mình là một người đàn ông; và tự cho
mình quyền được mắng mỏ, dạy dỗ những người phụ nữ trong
đời anh ta - không chỉ cô gái kia mà có lẽ cả mẹ, cả bà, cả nhân
viên. Nhưng chính người này có lẽ sẽ không bao giờ dám trái lời
sếp nữ của anh ta; sẽ không bao giờ đủ can đảm từ chối tiền,
danh, hay quyền lực. Còn cô gái kia; cô ấy sẽ không đứng lên nói
vào mặt anh ta:

- You go FUCK yourself!

rồi bỏ đi. Cô ấy chỉ ngồi đó nghe và tỉ mẩn so đũa, lau thìa cho
người đàn ông. Cô chắc đang cố thu mình nhỏ lại, cố làm người
đàn ông hài lòng. Một nỗ lực tương đối vô ích. Nếu bạn không
đứng lên yêu cầu được tôn trọng, nhìn chung người ta sẽ không
cho không bạn sự tôn trọng bao giờ.

Nhiều buổi tối, tôi theo em gái và chị gái tôi đi ăn hải sản ở các
quán ăn quanh hồ Trúc Bạch. Điều làm tôi xúc động nhất là
những người bán dạo quanh các quán hải sản - chỉ vài thứ lặt
vặt, đáng giá mấy ngàn. Họ kiếm sống như thế. Trông họ mệt
mỏi và khó nhọc. Họ chỉ kiếm vài chục ngàn, vài trăm ngàn mỗi
ngày, chúng tôi và những người đang ngả ngốn bên những cái
bàn nhựa ngồn ngộn vỏ tôm, mai cua, ghẹ, cá thì đều đang tiêu
cả triệu cho một bữa ăn. Thật điên rồ. Có một bà già lưng còng
đến bàn chúng tôi cố gắng bán kẹo cao su.

- Cái này bao nhiêu tiền hả bà? - em gái tôi hỏi.

- Bảy ngàn.

- Sao bà bán đắt thế, cái này có năm ngàn thôi - em tôi nói -
Nhưng mà cháu không mua đâu, cháu không cần kẹo cao su.

Trông bà ấy thật tội nghiệp; tôi đưa năm ngàn cho bà ấy
nhưng bà ấy nhất định không lấy; bà ấy muốn bán kẹo. Trên

đường đến đây, tôi thấy một ông già ngoài bảy mươi tuổi thất
thểu gánh tào phớ trên đường Quán Thánh. Tưởng tượng xem:
ngoài bảy mươi mà vẫn phải cả ngày gánh nặng như thế đi dưới
nắng mưa, cố gắng kiếm sống. Lúc sau, tôi lại thấy một người
phụ nữ trông có vẻ là nông dân cố gắng bán một ít quẩy và bỏng
gạo, bỏng ngô. Chẳng biết cả cái gánh hàng của cô ấy đáng bao
nhiêu tiền; cô ấy gần như van xin khách hàng.

- Cái này bao nhiêu tiền hả chị?

- Tám ngàn.

- Khiếp, chị này bán gì mà bán đắt thế, sáu ngàn thôi.

- Tám ngàn mà, chị nói thật là chị chỉ được đúng một ngàn của
em, mua cho chị đi, mua cho chị cái gì đi.

Có những buổi sáng thong thả, bạn tôi đến đón tôi đi ăn phở,
rồi chúng tôi ngồi uống cà phê trên vỉa hè trong khu phố cổ và
nhìn những dòng người chạy ngược xuôi như đang trôi trong
một giấc mơ không ngừng.

Đây là Hà Nội. Cái đẹp và sự khổ sở của nó lần đầu tiên làm tôi
xúc động tận một chốn không tên trong lòng. Tôi biết là sớm
muộn gì, tôi cũng sẽ quay lại Hà Nội.

Chương 44

Đầu tháng Sáu, tôi trở lại Mỹ và bố mẹ tôi cũng đi cùng để dự

lễ tốt nghiệp.

Sáng nay, tôi dậy từ sớm vì vẫn còn bị lệch giờ. Ngồi viết ở cái
bàn trên tầng hai, tôi có thể nhìn qua cửa sổ xuống đường và có
thể nhìn thấy những con sóc đuổi nhau trên những cây phong
đang dày lá trở lại. Cứ mười lăm phút, tôi lại thấy bố đi bộ ngang
qua cửa sổ dưới vỉa hè. Đều đặn từ hôm sang đây, ngày nào bố
cũng dậy sớm đi bộ vòng quanh các khu nhà và vẫn không
ngừng trầm trồ về không khí sạch sẽ và sự ngăn nắp của Hyde
Park.

Tôi đang học nhìn lại nước Mỹ và yêu lại nước Mỹ qua con mắt
của bố mẹ - những người mới đến. Bố thích thú với mọi thứ -
như chuyện hóa đơn tính tiền của siêu thị có đủ thông tin chi
tiết từ tên và địa chỉ cửa hàng, đến tên người thanh toán và số
quầy thanh toán, giá, cân nặng, v.v... Có khi bố ngồi cả giờ xem
mấy con sóc đuổi nhau và đàn chim sẻ chí chóe tắm trong vũng
nước trước nhà. Bố nhổ cỏ trong vườn, tỉa hoa, ngắm nghía kiến
trúc các tòa nhà rồi thử vẽ lại và tính toán xem họ xây dựng,
thiết kế thế nào. Bố thích thú cả việc đóng đồ cho tôi chuyển đi
California. Bố vừa làm vừa đọc thơ khe khẽ.

Có hôm, bố tìm thấy bộ đồ tốt nghiệp thạc sĩ của tôi trong tủ
quần áo; thế là bố mặc và cười như một cậu bé. Bố bảo muốn
chuyển sang Mỹ sống bởi vì mấy ngày vừa rồi, bố dậy sớm mà
không bị nhức đầu; đêm bố có thể ngủ và thấy khỏe. Buổi sáng,
bố thường hát và không nhận ra mình hát rất to. Bố ngân nga
trong nhà; tôi nghe vừa buồn cười lại vừa cảm động. Buổi tối, bố

hay kể chuyện trong các bữa tối, y như lúc tôi còn bé và bố còn
làm giám đốc một công ty thương mại lớn ở Hà Bắc. Bố hay kể
chuyện sống với ông bà lúc bé, rồi chuyện đi bộ đội, chuyện
Nam Lào, rồi chuyện Đặng Tiểu Bình và cách mạng văn hóa
Trung Quốc - bố nhắc rành rọt từng cái tên Hoa Quốc Phong,
Diệp Kiếm Anh, Giang Thanh, người này, người khác, họ đã làm
gì, nói gì. Tôi luôn kinh ngạc về trí nhớ và cái uy lực tự nhiên
của bố hồi đó. Khi bố cất tiếng, tất cả những người xung quanh
đều phải lắng nghe. Cái im lặng lập tức của những người xung
quanh khi bố cất tiếng là một trong những ấn tượng mạnh nhất
mà tôi còn nhớ về tuổi thơ của mình.

Hôm qua chúng tôi tới uống trà ở nhà Anne. Bà đã chuẩn bị
sẵn trứng muối, sandwich dưa chuột, cá hồi xông khói, và một
ít dâu tây. Chúng tôi ngồi trong phòng khách nói chuyện... tôi cứ
cười và thỉnh thoảng phải giải thích cho Anne hiểu văn hóa Việt
Nam. Mẹ tôi tương đối trang trọng khi nói chuyện với Anne như
thể tôi vẫn là đứa bé lớp ba mà mẹ dẫn đến nhà cô chủ nhiệm
vào ngày Nhà giáo Việt Nam. Bố ít nói hơn nhưng lúc đầu bố
cũng có một bài cảm ơn trịnh trọng. Hôm sau Anne bảo tôi “Bố
mẹ em thật là những người dễ mến”. Bố mẹ tôi cũng rất ấn tượng
với Anne. Bố cứ nói đi nói lại “Bà ấy hiền quá, có nụ cười rất
nhân hậu”.

Trở lại sau ba tuần, tôi ngạc nhiên thấy Chicago xanh thế và
nhận ra mùa hè đã bắt đầu trong lúc tôi ở Hà Nội. Một màu xanh
mạnh mẽ dâng lên khắp nơi; hoa hầu hết đã tàn nhưng vẫn còn
lác đác đây đó. Những cây phong và sồi đang lúc trổ lá; những
cái lá còn chưa đủ cứng và xanh mướt cứ xoay xoay trong gió
sớm. Trời còn chưa nóng; nhưng không khí đã khô, trong vắt,
mang sự rạo rực của mùa hè. Cả bố mẹ đều hạnh phúc và tôi
cũng thế.

Chương 45

Tối ngày 11 tháng Sáu là lễ tốt nghiệp của trường Công tác xã

hội và ngày hôm sau sẽ là lễ tốt nghiệp toàn trường. Lễ bắt đầu
lúc sáu giờ tối trong nhà nguyện Rockefeller nhưng tôi đưa bố
mẹ tới từ năm giờ để lấy chỗ. Mẹ tôi mặc áo dài đỏ, bố mặc com
lê, các bạn tôi cũng bảnh bao đến dự - Sam, Kat, Emma, Melissa.
Anh Vũ, một người bạn từ Việt Nam, cũng ghé vào dự lễ tốt
nghiệp của tôi trên đường đi công tác. Bố cứ cười toe toét như
không thể dừng được; có lẽ bố vui mừng với việc tôi tốt nghiệp
tiến sĩ hơn cả tôi.

Trong nhà nguyện Rockefeller, các hàng ghế phía dưới đã kín
người ngồi, chỉ còn chừa lại các hàng ghế trống phía trên cho
sinh viên tốt nghiệp. Đèn nến rực rỡ; những hàng phướn màu
nâu đỏ rủ từ trên cao xuống, mang các dòng chữ và hình ảnh
những học giả lỗi lạc trong lịch sử của trường Công tác xã hội. Ở
các hàng ghế phía dưới, ông bà bố mẹ anh chị em của các sinh
viên đều mặc chỉnh tề để chứng kiến sự kiện trọng đại trong đời
con cái mình. Tôi đưa bố mẹ vào ngồi ở gần giữa nhà nguyện;
tôi biết các bạn bè của tôi cũng ngồi ở đâu đó nhưng tôi không
nhìn thấy họ. Tìm chỗ cho bố mẹ xong, tôi đi sang Ida Noyes tập
trung cùng tất cả các sinh viên tốt nghiệp năm nay. Hơn 300
thạc sĩ tốt nghiệp nhưng chỉ có hai tiến sĩ - tôi và Ellen. Hai
chúng tôi xếp ở cuối cùng.

Thạc sĩ mặc áo thụng đen còn tôi và Ellen mặc áo thụng màu
nâu đỏ đặc trưng của đại học Chicago. Chúng tôi cũng phải đội
những cái mũ nỉ xanh trông như mũ nồi.

Chờ gần một tiếng thì có lệnh chúng tôi bắt đầu diễu hành
hàng hai từ Ida Noyes sang nhà nguyện Rockefeller dọc theo vỉa
hè dọc đường 59. Trong những bộ áo thụng đen, đoàn diễu hành
trông như một bầy chim cánh cụt. Đi đầu là các sinh viên cầm
hai bức phướn của đại học Chicago và trường Công tác xã hội
với hình chim phượng hoàng và dòng chữ Latin “Crescat
scientia; vita excolatur”(*); rồi đến các giáo sư trong trường, đi
đầu là hiệu trưởng trường Công tác xã hội rồi đến các sinh viên.
Bên ngoài, trời vẫn còn sáng nhưng nắng đã tắt. Ở khoảng sân cỏ
giữa đường Midway, một đám sinh viên đang chơi bóng; họ
dừng lại vẫy và vỗ tay với đoàn diễu hành. Những chiếc ô tô trên
đường cũng dừng lại bấm còi chúc mừng và chúng tôi vẫy tay
đáp lại. Giờ thì tim tôi bắt đầu đập rộn trong ngực. Damn! This is
real! Ngày hôm nay tôi sẽ lấy bằng tiến sĩ. Tôi đã quên mất rằng
tôi cần vui và tự hào về chuyện này.

Càng đến gần, tim tôi càng đập mạnh; nhất là khi bắt đầu
nghe tiếng đại thụ cầm vọng ra từ trong nhà nguyện. Tất cả các
cửa vào nhà nguyện Rockefeller đều mở lớn và bên trong, những
người có mặt đã đứng hết lên, hướng vào lối đi chính giữa để
chào đón chúng tôi. Những tiếng vỗ tay không dứt. Máy ảnh và
máy quay phim chớp lia lịa. Ngang qua chỗ bố mẹ tôi và anh Vũ,
tôi nhìn sang; cả ba cũng đang vỗ tay và vẫy tôi. Bố cười hớn hở.
Các giáo sư diễu hành tiếp lên các hàng ghế phía trên; còn sinh
viên chúng tôi lần lượt đi vào chỗ ngồi đã được đánh số sẵn của
mình. Người nào chỗ nấy và được xếp trước theo thứ tự họ tên,
để lát nữa, từng người sẽ lần lượt được xướng tên để lên bục
nhận bằng.

Những người nhận bằng thạc sĩ lên trước. Họ đi thành hàng,
vòng qua hành lang phía sau để tiến vào giữa lễ đài. Các giáo sư

trong trường đã thay nhau đứng ở giữa lễ đài để đeo dải áo công
nhận bằng thạc sĩ cho sinh viên.

Sau cùng cũng đến lượt hai tiến sĩ là tôi và Ellen. Cả nhà
nguyện vỗ tay khi chúng tôi tiến vào. Theo thứ tự bảng chữ cái,
tôi đi trước Ellen. Chúng tôi đứng chờ ở phía trên đầu lễ đài.
Người sẽ đeo dải áo màu nâu đỏ cho tôi là Anne. Bà đứng ở giữa
sân khấu, trìu mến nhìn tôi.

- Viet Phan - tôi nghe tiếng giáo sư Testra dẫn chương trình đọc.

Tôi bắt đầu tiến ra giữa sân khấu. Hóa ra là tôi xúc động hơn
tôi tưởng. Nhất là vì cả ngàn cặp mắt đều đang đổ vào tôi và tôi
đang đi giày cao gót. Nhưng tôi vẫn đi được tới nơi và đứng lại
trước Anne.

- Chúc mừng em - Anne cười rạng rỡ và choàng dải áo màu nâu
đỏ qua đầu tôi.

Bà sửa lại dải áo của tôi cho ngay ngắn và ôm tôi rất chặt. Đột
nhiên, tôi nghe có tiếng kêu đồng thanh:
- Viet, we love you.

Tất cả mọi người trong nhà nguyện nhìn lên và tôi cũng nhìn
lên. Sam, Melissa, Erna, Kat và nhiều bạn bè trong chương trình
tiến sĩ của tôi đang vẫy tôi từ tầng hai của nhà nguyện. Tôi cũng
vẫy lại các bạn.

Vậy là xong. Tôi chính thức tốt nghiệp.

Sau buổi lễ, bố mẹ về nhà trước còn tôi và anh Vũ đi ra quán
Medici ăn tối với các bạn của tôi. Chúng tôi gọi bia và nâng cốc:

- Chúc mừng tiến sĩ Phan Việt!
Damn right!

Gần hai tháng sau, khi tôi trở lại Hà Nội để dạy một lớp dự bị
cao học tại đại học Quốc gia, những giáo sư và sinh viên công
tác xã hội mới nói cho tôi biết rằng tôi là người đầu tiên và đang

là người duy nhất có bằng tiến sĩ về công tác xã hội ở Việt Nam.
Ngay cả hiện tại, Việt Nam cũng chỉ có vài ba người có bằng này.



Bên bố mẹ trong buổi lễ tốt nghiệp

Chương 46

Bây giờ, lễ tốt nghiệp đã xong; tôi bắt đầu chia tay bạn bè và

chuẩn bị chuyển đi San Jose. Cuối tuần này, công ty chuyển nhà
sẽ tới lấy ô tô của tôi đi trước để có thể giao lại ngay khi tôi tới
San Jose. Đồ đạc thì họ đã lấy rồi. Buồn cười nhất là việc đóng đồ.
Bố cẩn thận lấy băng dính quấn rất kỹ từng thùng, phân ra
thành “Sách khoa học”, “Sách văn học”, “Tài liệu”, “Đồ nhà bếp”,
“Đồ nhà tắm”, “Quần áo”, “Giày dép”... và sau đó là các thùng có
tên “Linh tinh”. Bố cẩn thận đánh số từng thùng rồi ghi tên ở tất
cả các mặt: “Sách khoa học 1”, “Sách khoa học 2”, “Sách văn học
1”, “Sách văn học 2”... đến “Linh tinh 1”, “Linh tinh 2”. Bố xếp các
thùng gọn ghẽ như một công trình và mãn nguyện ngắm
chúng.
- Gớm, trông thế mà cũng đến bảy thùng linh tinh đấy bà ạ - bố
nói với mẹ - Linh tinh 1 đến Linh tinh 7 chứ ít đâu.

Tôi không thể nào không bật cười.
Hôm qua, các cuộc chia tay và việc thu dọn đã tạm ổn, tôi đưa
bố mẹ vào trong phố chơi. Chúng tôi lái xe vào gần Shedd
Aquarium để bố mẹ chụp ảnh toàn cảnh Chicago từ bên này hồ.
Trời nhiều mây nên mặt hồ có màu xám nhạt; gió thổi mạnh.
Sau đó chúng tôi vào trong phố. Đang lái xe tìm chỗ đậu trên
đường Dearborn thì một thanh niên đứng trên vỉa hè vẫy tôi:
- Bạn tìm chỗ đậu miễn phí phải không?
- Vâng.
- Lại đây, tôi chuẩn bị đi rồi.
Anh ta lái xe đi, còn tôi đậu vào chỗ đó. Bố cứ tấm tắc “Người
Mỹ hay nhỉ!”.

Chúng tôi đi trong phố một lúc thì vào Millenium Park rồi
xuyên qua đó sang bảo tàng nghệ thuật Chicago. Đang có triển
lãm tranh trường phái ấn tượng. Bố không đọc được tiếng Anh
nên không biết đang có triển lãm; bố nói oang oang khi thấy
mấy bức tranh của Monet:

- Không biết cái lão này là lão nào mà người ta treo rất nhiều
tranh của lão ấy. Nhưng mà tranh xấu. Không đẹp.

Bố không thích tranh ấn tượng; bố thích tranh kiểu Phục
hưng, Lãng mạn, hoặc Tả thực - tức là các nét vẽ phải chi tiết,
mịn màng. Bố chê cả Van Gogh.

- Thô lắm. Xấu! - bố chỉ vào bức vẽ có tên “Phòng ngủ”.

- Vụng! - bố lại chỉ vào bức Madam Roulin của Van Gogh

- Trông không tinh.

Rồi bố chỉ một cái tủ đựng ấm chén từ thế kỷ 16:

- Cái này thường thôi; vẽ mẫu rồi bảo bọn thợ ở Việt Nam thì nó
làm được đúng y như thế này, thậm chí còn đẹp hơn; mấy cái này
chỉ được cái là lâu rồi.

- Nhìn cái chỗ khảm trai này xem - bố nói - không đẹp bằng ông
mình làm.

Khi còn sống, ông tôi là thợ mộc ở Bắc Ninh, chuyên đóng các
loại sập gụ, tủ chè. Hình ảnh của tôi về ông luôn là cái dáng ông
còng còng ngồi bên cửa nhà, lách cách đục những tấm mành tủ
chè hay sập gụ.

Rồi bố lại chỉ một bức tranh gần kín tường:

- Tranh này xấu, hoành tráng thế này nhưng mà không tinh xảo.
Kém. Kém lắm.

Những người trong phòng lén nhìn bố - không biết cái ông già
châu Á này là ai mà oang oanh bình luận trong khi người khác
chỉ dám đi lại rón rén và thì thầm. Họ liếc nhìn bố rồi bỏ sang


Click to View FlipBook Version