The words you are searching are inside this book. To get more targeted content, please make full-text search by clicking here.
Discover the best professional documents and content resources in AnyFlip Document Base.
Search
Published by fireant26, 2022-08-06 13:11:51

Xuyên Mỹ

Xuyên Mỹ

Chương 17

Ngày đầu tiên một mình.

Tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ dài rồi cứ nằm đó, không nghĩ đến
việc phải trở dậy hay vội vàng làm gì. Trong nhà tắm, lúc đầu tôi
khép cửa lại rồi tôi nhận ra chỉ có một mình. Chả nhẽ tự do chỉ là
thế này? Là không cần khép cửa khi vào nhà tắm? Thế thì có lẽ
cũng chẳng đáng có lắm(16).

Nhưng rồi tôi vẫn khép cửa.

Sau bữa sáng, tôi dọn lại studio. Đầu tiên là dọn lại chỗ ngủ
trên sàn nhà. Rồi tôi dọn lại góc làm việc. Đến bốn giờ chiều,
studio được dọn xong. Sàn gỗ sạch bóng. Nhà tắm sạch. Bếp
sạch; tủ lạnh sạch đồ cũ. Kính cửa sổ cũng sạch và sách xếp gọn
trên sàn. Tôi lau một lượt những đèn tường cũ, thắp thêm vài
bóng điện cho căn phòng sáng hơn. Các đồ thừa bỏ hết trong
closet. Tôi không cố tình cất hết những thứ gợi đến cuộc sống
chung của hai chúng tôi nhưng tôi cũng không giữ nguyên
chúng ở đó.

Tôi nấu bữa tối rồi ăn tối; tôi chuẩn bị cả bữa trưa hôm sau.
Rồi tôi bật ti vi lên xem và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Lần
cuối cùng tôi có thể ngủ thiếp đi vì buồn ngủ một cách tự nhiên
như vậy hình như cách đây đã nhiều năm. Một lúc nào đó, tôi
tỉnh dậy. Ti vi vẫn đang mở, đèn vẫn sáng. Tôi tắt đèn rồi ngủ
tiếp.

Ngày một mình đầu tiên. Không có gì nhiều để nhớ. Không có
sự kiện gì để ghi lại ngoại trừ một điều: tôi không còn bồn chồn,
rón rén như người đang bước trên trứng mỏng.

Chương 18

Đêm qua trời mưa cả đêm và sáng nay vẫn còn mưa. Tiếng

mưa đập vào kính cửa như tiếng tay gõ đều đều, nước mưa chảy
thành những dòng suối nhỏ trên mặt kính sạch. Nhiệt độ xuống
thấp. Một ít gió luồn qua cửa sổ vào phòng mang theo cái lạnh.
Tôi đã bật lò sưởi hết cỡ mà vẫn không đủ ấm.

Đầu buổi chiều, tuyết bắt đầu rơi - trận tuyết rớt cuối cùng
của mùa đông. Những nóc nhà bên kia đường lốm đốm trắng;
rồi mưa lại ròng ròng ngoài cửa sổ. Mưa gột sạch những lá mục
và vỏ cây khô, làm lộ những búp cây xanh non lốm đốm khắp
các đầu cành như những đốm lửa.

Tôi đã viết cả ngày mà không mệt. Đến cuối chiều, tôi đi bộ
sang siêu thị. Trời vẫn lất phất mưa nhưng không quá lạnh. Ở
quầy bán thịt, người đàn ông da đen mỉm cười với tôi:
- Hi young lady, tôi có thể làm gì cho cô?
- Miếng thịt bò đó... tôi có phải mua cả miếng hay là ông có thể
cắt nhỏ?
- Cô muốn mua bao nhiêu? Một cân?
- Thôi, tôi sẽ lấy cả miếng đó luôn.

Ông ấy bỏ miếng thịt bò lên cân.
- Gần hai cân. Có được không?
- Được, cảm ơn ông.
- Thịt bò này ngon, lại đang được giảm giá cô ạ.

Ông ấy cẩn thận gói thịt vào miếng giấy cho tôi.
- Của cô đây. Tôi có thể làm gì thêm cho cô không?
- Hôm nay chỉ vậy thôi, cảm ơn ông.

- Chúc cô buổi tối tốt lành.

- Chúc ông buổi tối tốt lành.

Tôi cầm miếng thịt bò, quay đi. Nhưng khi tôi đang quay
người thì mắt tôi đột nhiên nhận thấy nụ cười trên mặt người
bán thịt. Tôi nhìn ra sau xem có phải ông ấy đang cười với ai sau
tôi. Nhưng không có ai. Ông ấy đang cười với tôi. Một ý nghĩ
choán lấy tôi: hôm nay, trong chợ, mọi người đều mỉm cười với
tôi, giống như người bán thịt này. Có thể vì tôi đã khác? Mọi
ngày tôi chỉ cố nhanh chóng mua sắm cho xong rồi rời khỏi chợ,
tôi chẳng để ý đến ai. Hôm nay thì tôi không vội. Tôi đi loanh
quanh mua khoai tây, cà chua, bánh ngọt và dưa chuột. Không
hẳn là hạnh phúc nhưng tôi thấy bình thản. Nó làm tôi nhớ lại
những ngày ở Hà Nội, trước khi tôi đi Mỹ. Hồi đó lúc nào tôi
cũng thấy hạnh phúc.

Ở góc phố, một người đàn bà và một đứa trẻ túm lấy tay tôi:

- Cô cho tôi mấy đồng mua bánh mì được không? Chúng tôi là
người vô gia cư.

Tôi đưa cho chị ta ba đô la. Lúc tôi về đến nhà, người tôi đẫm
mồ hôi. Tôi bỏ thức ăn vào tủ lạnh rồi ngồi trên sàn nhà thái hết
miếng thịt bò lớn. Chỉ một việc thủ công đơn giản đó thôi - thái
thái những miếng thịt bò - mà tôi thấy vui. Bên ngoài, mưa đã
tạnh nhưng trời nhiều mây. Đang giờ tan tầm nên những
chuyến tàu Metra liên tục chạy qua khiến sàn nhà cứ liên tục
rung lên nhè nhẹ như thể một người đang ngân nga khẽ trong
cổ họng. Gió thổi khẽ bên ngoài. Tôi thấy yên ổn và tôi cứ đều
đặn thái thịt bò.

Từng ngày một thôi.

Chương 19

"Lại một đêm ngủ ngon nữa” - tôi tự nhủ khi mở mắt sáng

nay và lập tức phải thêm “Trộm vía!” vì sợ rằng những giấc ngủ
sẽ biến mất. Không muốn nằm trên giường nghĩ ngợi miên
man, tôi vùng dậy đánh răng rửa mặt để đến trường.

Tuy thế, đến lúc tôi mặc xong quần áo, một cơn mệt mỏi đã
kịp lẻn tới. Những ý nghĩ buồn thảm đã nảy mầm trong lúc tôi
chủ quan và giờ thì tua tủa đâm lên như cỏ sau mưa. “Ôi mệt
quá, lại phải đến trường làm việc. Để làm gì cơ chứ? Mình đã ba
mươi tuổi, ly dị, không tiền bạc, không nhà cửa, không có gì
ngoài một mớ kiến thức giẻ rách. Có ích gì?”. Những thớ thịt
trong lòng bàn tay tôi bở ra, bả vai rã rời, người rũ xuống.
Những ý nghĩ đã quây thành một căn phòng kín, hôi hám,
không ánh mặt trời, nhốt chặt tôi.

Đây không phải lần đầu tiên - sự buồn nản này. Nó đã đến
nhiều lần, đã lừa được tôi nhiều lần.

“Ồ không, tôi không còn sống trong phòng đó nữa đâu”. Tôi
hít một hơi dài và thở ra như thể đang hô hấp nhân tạo cho một
người khác. Với mỗi hơi thở, căn phòng sáng lên một chút
nhưng cửa phòng vẫn chưa mở. “Thôi được rồi, bạn không còn
sống ở đó nữa” - nó tiếp tục lải nhải - “nhưng như thế thì bạn
cũng không cần đến trường, cứ ở nhà làm việc cũng được”. À,
nhưng tôi biết thừa mánh khóe của nó. Nếu tôi ở nhà, dần dần,
nó sẽ lại đẩy tôi trở lại cái phòng giam kia. Vậy là tôi bảo với nó
“Vô ích thôi, darling, chúng mình sẽ đi đến trường và sẽ làm
việc, chắc chắn là thế”. Đến đây thì tôi ra khỏi phòng.

Bên ngoài rất ấm. Tulip và thủy tiên vàng đã nở bung trên sân
nhà hàng xóm. Những bông hoa như những vị cứu tinh. Những
người lạ trên đường cũng trở thành những vị cứu tinh của tôi
mà họ không hề biết.

Trong PhD Lounge chỉ có Sam. Sam học dưới tôi hai khóa.
Chúng tôi đã gặp nhau mấy năm trước nhưng chỉ mới làm quen
trở lại gần đây. Tôi đã luôn tò mò về Sam. Giữa buổi sáng, tôi hỏi
Sam:

- Có phải cậu...

- Gay?

- Ừ - tôi cười - Xin lỗi, tớ không định bất lịch sự đâu.

- Không sao... - Sam cười - Thế này, về lý thuyết thì tớ gay bởi vì
tớ là đàn ông mà lại thích đàn ông... Nhưng mà thực ra thì tớ lại
cũng không như những người gay khác bởi vì họ vẫn coi họ là
đàn ông; còn tớ thì cảm thấy mình là phụ nữ dù tớ sinh ra với cơ
thể đàn ông.

Câu nói của Sam làm tôi giật mình. Cảm thấy là phụ nữ? Tôi
chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Tôi đã luôn hiển nhiên coi mình
là phụ nữ. Thực sự mà nói, cảm giác lớn nhất của tôi chỉ là cảm
giác mình là một người; phụ nữ chỉ là một cái vỏ khoác vào
người đó, lâu nay tôi thường không chú ý đến cái vỏ đó, cũng
như tôi chẳng mấy khi chú ý đến quần áo mặc hằng ngày.

- Cái cảm giác đó là thế nào? - tôi hỏi - cảm giác như phụ nữ ấy.

- Tớ thích làm đẹp, tớ thấy mình nữ tính, cậu biết đấy.

Không, tôi không biết. Tôi chưa bao giờ thích làm đẹp, chưa
bao giờ là cô gái nữ tính cả.

- Thế cậu bắt đầu cảm thấy những điều này từ bao giờ? Lúc nào
thì cậu bắt đầu nhận ra cái cậu cảm thấy và cơ thể cậu vênh
nhau?

- Từ bé. Tớ luôn nghĩ tớ là con gái.

Tôi cố một lần nữa để hình dung Sam như một cô gái. Nhưng
Sam có ria mép, có râu, có yết hầu, có xương hàm và khuôn mặt
của một người đàn ông.
- Thế rốt cuộc cậu coi mình là gì? Đàn ông, đàn bà, gay, hay là gì?
- Tớ không muốn khép mình vào loại nào cả. Tớ là cả hai, cả đàn
ông và đàn bà.

- Cậu ở giữa?

- Thật sự thì toàn là mọi người cứ muốn bắt những người như tớ
phải chọn lấy một cái nhãn, đàn ông, đàn bà, gay, hay lesbian đấy
chứ... Tớ không muốn chọn mà cũng không coi mình là loại nào
cả. Tớ chỉ là tớ thôi.

“Tớ chỉ là tớ thôi”. Cái này thì không chỉ Sam muốn.

- Thế khi cậu phải điền giấy tờ mà người ta hỏi giới tính của cậu
thì cậu đánh dấu vào mục nào? Nam hay nữ hay là cái gì khác?

- Có lúc tớ đánh là nam, lúc là nữ, có lúc thì tớ vẽ thêm một ô nữa
và ghi “Khác” rồi đánh vào đó. Tớ nghĩ là tất cả các loại giấy tờ
cần phải có thêm mục “Khác” hoặc thêm hẳn mục “LGBTQ(*)”.

- Cậu có định có gia đình không? Cậu hình dung gia đình tương
lai của cậu thế nào?

- Ý cậu là kết hôn và có con hả?

- Ừ. Trong đầu cậu thì tình huống lý tưởng là thế nào?

- Lúc này thì tớ luôn hình dung là tớ sẽ sống với mấy người bạn
gái của tớ. Tớ có một cô bạn gái thân, bọn tớ cam kết với nhau là
đến lúc xong tiến sĩ mà không đứa nào có người yêu tử tế thì bọn
tớ sẽ xin việc cùng một nơi và sống cùng nhà.

- Như là bạn cùng phòng hả?

- Ừ, sống cùng nhau, rồi nhận con nuôi về cùng nuôi nếu muốn.
Có gì đâu. Người ta cứ mặc định gia đình là phải một nam một
nữ kết hôn thành vợ chồng và phải có con; nhưng mà đâu phải
thế.

Sam đúng rồi. Tôi nhớ một nghiên cứu nhân chủng học mà
tôi đọc ở lớp học về thanh thiếu niên và gia đình có nói rằng chỉ
có 186 trên tổng số 1231 xã hội trên thế giới theo mô hình một
vợ một chồng, số còn lại theo các mô hình đa thê, quần hôn,
hoặc các mô hình hỗn hợp khác(*). Trong lịch sử loài người, mô
hình gia đình không luôn luôn là mô hình một vợ một chồng.
Thực tế là, trong một thời gian dài, xã hội loài người theo mô
hình đa phu, đa thê, hay quần hôn, trong đó một phụ nữ có thể
có nhiều chồng, một đàn ông có nhiều vợ, hoặc đàn ông đàn bà
có con chung thành một bộ lạc và để bộ lạc nuôi. Hôn nhân cũng
không phải luôn luôn dựa trên nguyên tắc hai người yêu nhau,
tự nguyện kết hôn như quy định trong các luật hôn nhân hiện
đại. Trái lại, nhiều xã hội dùng hôn nhân như phương pháp gắn
kết quyền lực, thiết lập đồng minh giữa các gia đình, bộ lạc, làng
xã, và để tăng cường nhân công lao động. Chính vì thế, hôn
nhân thường theo tiêu chuẩn “môn đăng hộ đối” cả ở phương
Đông lẫn phương Tây.

Mô hình hôn nhân một vợ một chồng mà chúng ta cho là tiến
bộ ngày nay bắt đầu được đặt ra vào khoảng thế kỷ thứ 6 và tới
thế kỷ thứ 9 thì trở thành một mô hình chính thống ở các nước
phương Tây, chủ yếu do áp lực của nhà thờ. Tuy vậy, trong mô
hình một vợ một chồng ban đầu này (mà thực tế là một chồng
và một vợ cả), người chồng vẫn có nhiều đặc quyền trong việc
có quan hệ ngoài giá thú hoặc có tì thiếp trong khi người vợ
không được phép có nhiều đàn ông. Cho đến tận thế kỷ 19, điều
này mới chấm dứt; đồng thời nhà thờ bắt đầu giảm quyền lực

với hôn nhân, thay vào đó, hôn nhân trở thành quan hệ chịu sự
điều chỉnh của Nhà nước (tại Mỹ, đến thế kỷ 19, các cặp kết hôn
bắt đầu phải đăng ký với chính quyền thay vì chỉ làm lễ ở nhà
thờ như trước đây). Ở phương Đông, chuyện đàn ông có một vợ
cả và nhiều thê thiếp cũng kéo dài tới thế kỷ 19. Từ thế kỷ 20 trở
đi, mô hình một vợ - một chồng tuyệt đối mới được củng cố
mạnh mẽ ở đa số các quốc gia. Tuy vậy, hiện tại, ở một số quốc
gia Trung Đông và châu Phi, mô hình đa thê và quần hôn vẫn
tồn tại. Nếu tính tới các bộ tộc, nhóm dân tộc thiểu số, hoặc các
xã hội nhỏ bên trong các quốc gia thì thực tế là số xã hội thực thi
hôn nhân một vợ - một chồng ít hơn số xã hội thực thi các mô
hình khác.

- Mình có thể có bất cứ dạng gia đình nào - Sam nói - Mình có thể
tự có định nghĩa gia đình cho mình. Tớ thì nghĩ có thể gọi bất cứ
tổ hợp nào là gia đình miễn là ở đó có tình yêu.

Sam đúng rồi. Nhưng mà khó. Chúng ta có thể dễ dàng phát
ngôn về bình đẳng, tự do, về cảm thông, thấu hiểu, về tôn trọng
sự khác biệt và sự đa dạng nhưng bao nhiêu người trong chúng
ta thực sự làm được những điều này khi đối diện với những
người khác biệt với mình? Khi chúng ta nhìn thấy một dấu hiệu
phá vỡ các khuôn khổ thông thường - như nhìn thấy hai người
con gái hôn nhau, hai người đàn ông nhận con nuôi, một người
cụt tay hay một người tâm thần - là chúng ta hoang mang và
ngầm phán xét - dù cái hoang mang đó có thể có nguồn gốc đầu
tiên là bản năng tự vệ. Như Sam. Cậu ấy cắt đầu cua, có râu, có
ria mép, thường mặc quần bò có dải treo, áo kẻ ca rô, đội mũ
hồng, có khi thắt nơ bướm, đeo khẩu trang, mang một cái túi
đựng cơm trưa màu xanh lá cây với hàng chữ “Shawn the sheep”
và có giọng nói thanh thanh. Thật khó xếp Sam vào một hộp
gọn gàng nào đó - những cái hộp có nhãn “nam”, “nữ”, “dịu

dàng”, “xinh”, “nữ tính”, “nam tính”, “hướng nội”, “hướng ngoại”,
“sexy”, “mạnh mẽ”, “lý trí”, v.v... bởi vì các tín hiệu nhận dạng,
đặc biệt là các tín hiệu giới tính của Sam chẳng thể cho gọn vào
một cái hộp nào. Sam chỉ là Sam.

Mà chúng ta thì có xu hướng cư xử với người khác dựa trên
những nhãn hiệu. “Nam”, “nữ”, “gay”, “tỷ phú”, “nông dân”, “có
quyền”, “nổi tiếng”, “nghiện”, “đô la”, “Mỹ”, “tiến sĩ”, “giáo sư”,
“Hà Nội”, “Tây”, “Việt kiều”, “bạn của X”, “con trai của Y”, “vợ của
Z”, v.v... Bất kể vì lý do an toàn, vì phải xử lý trong điều kiện
thông tin hữu hạn hay vì lý do gì, không thể phủ nhận rằng
chúng ta cư xử dựa trên các nhãn hiệu bên ngoài.

Những ngày này, những cuộc nói chuyện với Sam khiến tôi tự
hỏi: Rốt cuộc tất cả những ý niệm và quy tắc giới tính mà chúng
ta nghiễm nhiên chấp nhận là “ắt phải như thế” có thực sự “phải
như thế” không? Như tôi đã luôn luôn nghiễm nhiên chấp nhận
mình là phụ nữ (Việt Nam) và tôi cư xử theo cách mà tôi mặc
định là phụ nữ (Việt Nam) cần cư xử. Thực tế là, tôi đã sang Mỹ
sống đến gần mười năm, thế giới trực tiếp của tôi bây giờ là xã
hội Mỹ, vậy mà khi nghĩ đến chuyện ly dị, tôi vẫn cứ dùng các
chuẩn của phụ nữ Việt Nam và đặt mình vào giữa những Huệ,
những Trang, chứ không phải giữa những Mary hay Jennifer mà
suy xét. Trong suy xét ấy, cái “phụ nữ thì phải...” của người Việt
Nam rõ ràng rất khác so với những cái “phụ nữ thì phải...” của
người Mỹ hay Papua New Guinea. Thế thì cái gọi là “phụ nữ”
đích thực là gì ngoài chuyện có các bộ phận sinh dục nữ và đặc
điểm cơ thể phụ nữ? Cái mà ta cảm thấy “phụ nữ” hay “đàn ông”
nằm ở đâu? Ta là phụ nữ trước khi là một cá thể người hay là ta
là cá thể người trước rồi mới khoác cái áo phụ nữ lên, hay hai
thứ này không thể tách rời? Có thể là phụ nữ trung tính, phi văn

hóa, hay chúng ta luôn chỉ có các phiên bản phụ nữ Việt Nam,
phụ nữ Mỹ?

Và như thế, bao nhiêu những quy định về quan hệ gia đình
dựa trên các mặc định giới tính là tự nhiên, bao nhiêu là do xã
hội quy định vì các lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau
trong một thời điểm nhất định của lịch sử con người nhưng
chúng ta vẫn cứ tuân theo vì ngại thay đổi, vì lười, hay vì những
người hưởng lợi từ các quy định đó tiếp tục dùng quyền lực duy
trì các quy định? Các quy định trong gia đình người đàn bà phải
thế này, người đàn ông phải thế kia, người chồng phải thế này,
người vợ phải thế kia - bao nhiêu trong số chúng có nguồn gốc
là việc củng cố quyền lực của nhà thờ, của vua chúa, của giai cấp
quý tộc và tư sản, của chế độ phụ hệ, vân vân? Michel Foucault
(nhà triết học Pháp) đã nghiên cứu lịch sử tình dục của phương
Tây và kết luận rằng các quan điểm trinh tiết của phụ nữ mà xã
hội phương Tây áp dụng trong một thời gian dài có gắn kết chặt
chẽ với mong muốn kiểm soát hành vi tình dục và sự sinh sản
của phụ nữ. Hay bản thân mặc định rằng mô hình duy nhất
chấp nhận được của khái niệm “gia đình” là một nam một nữ kết
hôn với nhau trong sự công nhận của xã hội và sinh ra những
đứa con được xã hội thừa nhận là “trong giá thú” - bao nhiêu
trong đó là một khế ước xã hội dựa trên phân chia quyền lực(*)?
Ta có nên hỏi cả câu hỏi: Vì sao người ta phải kết hôn khi đến
tuổi; nếu không sẽ bị coi là bất bình thường, nhất là với phụ nữ?
Như Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 cho thấy, ba lý do chính
mà người Việt Nam đến tuổi trưởng thành quyết định kết hôn là
“đến tuổi dậy thì thì kết hôn”, “để bản thân có chỗ dựa về vật
chất và tinh thần” và “để gia đình có người chăm sóc giúp đỡ” và
ba tiêu chuẩn được nhiều người dùng nhất trong lựa chọn bạn
đời là “biết cách cư xử, có tư cách đạo đức tốt”, “khỏe mạnh”, và

“biết cách làm ăn” - nhưng liệu những lý do này có đảm bảo gia
đình hạnh phúc?

Nhưng có thể, “hạnh phúc” không phải là mục tiêu chủ yếu và
có ý thức khi người ta kết hôn? Đấy là cái người ta mặc định sẽ
xảy ra khi kết hôn nhưng thực chất không chuẩn bị cho nó
nhiều và cuối cùng phó thác nó cho may rủi, như một dạng hiệu
ứng phụ của một cuộc lắp ghép các điểm tương thích giữa hai
người. Coco Chanel, người sáng lập hãng thời trang Chanel, có
lần nói rằng bà biết rõ bà không thể làm vợ một ai đó - cái vai ấy
không dành cho bà. Bà không phản đối hôn nhân; bà chỉ biết nó
không dành cho bà. Có thể, nhiều phụ nữ cần thừa nhận rằng
mình không thể đóng vai làm vợ, làm mẹ - điều ấy cũng không
sao. Trái lại, có những người đàn ông cũng cần thừa nhận rằng
làm chồng, làm cha không dành cho họ; hoặc, trái lại, họ chỉ
thích làm chồng, làm cha chứ không muốn phải xông pha ngoài
xã hội kiếm tiền, làm lãnh đạo, thăng tiến, nam tính, v.v...

Có thể nào có một cuộc sống thực sự nếu không hiểu rõ mình
là ai - bắt đầu từ việc xem xét quan niệm và sự thể hiện giới tính
của mình, vai trò được quy định của mình trong xã hội, các quy
định về quan hệ mà mình đang bước vào - và hiểu tổng thể cái
xã hội mà mình đang sống? Có thể nào có cuộc sống thực sự nếu
người ta không hiểu rõ các khuôn khổ và lựa chọn của mình
trong cuộc sống, bắt đầu từ những lựa chọn căn bản nhất, quan
trọng nhất, liên quan sống còn tới hạnh phúc cuộc đời mình
như mình là ai, mình lập gia đình vì lý do gì, mình có con vì lý
do gì, v.v... - thay vì mặc nhiên chấp nhận chúng như con đường
duy nhất mà xã hội đã vạch ra và cứ thế đi theo? Một người hoàn
toàn có thể vẫn chọn đi theo con đường đó, không sao cả, nhưng
có thể nào có hạnh phúc thực sự nếu đó không phải là lựa chọn
có ý thức?

Rốt cuộc thì tôi biết gì về tôi? Về những điều tôi thực sự
muốn? Về những đường lối suy nghĩ và tình cảm của mình? Tôi
thừa nhận những điều mình muốn và những suy nghĩ thật của
mình bao nhiêu, tôn trọng chúng bao nhiêu, che giấu chúng bao
nhiêu, lảng tránh chúng bao nhiêu, đè nén chúng bao nhiêu; và
có bao nhiêu điều khác về mình mà tôi chỉ lờ mờ cảm nhận
nhưng không hề biết? Tôi cư xử bằng ý thức đầy đủ về mình hay
tôi đã chỉ luôn cố gắng thể hiện những gì mà tôi vô thức cho là
một phụ nữ (Việt nam, tử tế) cần phải có, một người vợ cần phải
làm? Tôi là phụ nữ, hay tôi chỉ diễn cái vai phụ nữ và tôi đã diễn
nó quá tồi - hoặc vì tôi bản chất là diễn viên tồi, hoặc vì vai diễn
không hợp với tôi, hoặc vì cả hai? Các nhà nghiên cứu về giới
tính, phụ nữ, và nữ quyền (điển hình là Simone de Beauvoir hay
Judith Butler) cho rằng “phụ nữ” không phải là một tính trạng
sinh lý bản năng, nó là một sự trình diễn (performance) các biểu
hiện tính nữ vốn được hình thành do xã hội quy định, và trong
một thời gian dài, cái gọi là “xã hội” bản chất là thế giới đàn ông
do đàn ông có quyền lực áp đảo trong xã hội. Quá trình hình
thành này (còn gọi là xã hội hóa tính nữ) bắt đầu ngay từ nhỏ,
bằng việc bắt các bé gái và bé trai mặc đồ nhất định, chơi đồ chơi
nhất định, cư xử theo cách nhất định... Simone de Beauvoir nói
rằng một phụ nữ không sinh ra là phụ nữ, mà họ trở thành phụ
nữ. Tương tự như vậy, những mặc định phổ biến trong xã hội
hiện đại như phụ nữ là “phái yếu”, “thế giới thứ hai”, “nhu”,
“phần âm” v.v... cũng có bắt nguồn từ việc xã hội phụ hệ áp các
quan điểm này lên phụ nữ nhằm mục đích duy trì cán cân quyền
lực trong gia đình và xã hội.

Tôi tự hỏi những người phụ nữ Việt Nam và đàn ông Việt
Nam khác có may mắn và khôn ngoan hơn tôi mà biết rõ về
chính mình và lựa chọn của mình hay họ cũng chỉ đang diễn vai

phụ nữ và đàn ông - mặc dù kịch bản cho vai đó được xây dựng
đã quá lâu, với đạo cụ và phục trang có lẽ đã quá cũ(*)?

Chà, ly hôn! Nếu có gì đó dồi dào trong chuyện này thì đó
chính là những câu hỏi.

Tôi và Sơn vẫn đều đặn gọi điện. Anh đã tới thành phố mới
yên ổn và đã thuê được nhà.

Chương 20

Cuối tháng Tư, mùa xuân thực sự đã đến. Dọc dường Cornell,

cây trổ lộc tràn trề. Một buổi sáng, lá non mới chỉ lún phún đầu
cành nhưng qua một cuối tuần nắng ấm, lá đã xòe thành tán
thưa, mơn mởn trên đầu. Những vệt tuyết và muối trắng loang
lổ quanh các gốc cây suốt mùa đông cũng được gột sạch; cành
mục và vỏ cây khô đã bị các đợt bão tuyết của mùa đông bóc ra,
giờ chỉ còn những nhánh cây khỏe tràn lá. Hàng anh đào trên
phố Ellis tự tin trổ những nụ hoa đầu tiên như sứ giả của mùa
xuân. Trên những vỉa hè trong trường, sinh viên mặc áo hai dây,
quần soóc hoặc váy ngắn nhún nhảy đi lại. Trong công viên dọc
hồ Michigan, trên các ghế băng đặt dọc đường 57 và Midway lại
có người ngồi đọc báo đón nắng. Sinh viên lại vun vút đạp xe
trên những con đường không còn lạo xạo tuyết băng. Cửa sổ thư
viện, phòng học, quán ăn mở tung. Mùi cà phê và bánh ngọt
khắp nơi lẫn trong mùi hoa. Những cây mộc lan trong khu Quad
và cạnh tòa nhà Social Sciences nở tung những bông hoa như
nến hồng, cỏ xanh vui vẻ đội đất vươn lên. Sau mùa đông dài,
thật sung sướng được bỏ khăn mũ để đi đầu trần ngoài đường.

- Mọi chuyện thế nào rồi? - Cynthia hỏi tôi.

Đây là buổi hẹn thứ tư của chúng tôi.

- Anh ấy đi rồi - tôi nói - Tôi chỉ cố gắng từng ngày một, có ngày
tốt, có ngày xấu.

- Chắc chắn rồi, quan hệ nào, dù xấu đến mấy cũng vẫn có
những điều tốt, cái đó ta phải công nhận và công bằng... và đấy
là cách mà chúng ta có thể đi tiếp. Những người đổ lỗi cho bạn

đời và nói toàn điều xấu về quan hệ của mình không bao giờ có
thể thực sự đi tiếp.

- Thỉnh thoảng tôi nhớ anh ấy. Có những ngày tôi nghĩ là chúng
tôi vẫn có thể sống với nhau...

- Như thế là bình thường. Những lúc phân vân như vậy, cô có thể
nghĩ xem nếu cậu ấy không phải chồng cô mà chỉ là bạn trai, thì
cô có chấm dứt quan hệ này từ lâu rồi không? Hãy nghĩ đến và
trả lời những câu hỏi cơ bản về hôn nhân dựa trên những gì cô
biết về bản thân mình. Cái gì là cái mà cô chắc chắn cần có, cô
không thể thỏa hiệp trong hôn nhân? Cái gì là cái cô không thể
chấp nhận nếu như người bạn đời của mình xâm phạm. Ví dụ sự
tôn trọng lẫn nhau, cách giao tiếp với nhau, cách xử lý xung đột,
những hành động và lời nói nào là không chấp nhận được. Cô
phải nghĩ xem với những thứ mà cô không thể chấp nhận và
muốn chồng cô thay đổi thì cậu ấy có thể thay đổi hay không?
Nếu cậu ấy có thể thay đổi thì cậu ấy đã thay đổi trong lúc sống
với cô. Nhưng nếu không thì có thể là cậu ấy sẽ thay đổi vì người
khác, với người khác, hoặc vì bản thân cậu ấy; nhưng cậu ấy đã
không và có lẽ sẽ không thay đổi với cô và vì cô.

Tôi biết điều Cynthia nói là đúng nhưng vẫn đau lòng khi
nghe thế. “Không phải với tôi, không phải vì tôi.

- Còn có những câu hỏi quan trọng khác trong hôn nhân mà cô
buộc phải tự hỏi mình và phải biết câu trả lời. Liệu cậu ấy có là
một người chồng tốt của cô, một người cha tốt cho những đứa
con tương lai của cô không? Cô có thể vẫn yêu cậu ấy, nhưng
như một người bạn, chứ không phải như chồng? Cậu ấy có thể là
một người chồng tốt, nhưng có thể không phải với cô? Có thể
cậu ấy cần một tạng phụ nữ khác và cô cần một tạng đàn ông
khác để có hôn nhân hạnh phúc?

Lại những câu hỏi. Giá có ai cho tôi năm xu mỗi lần có một
câu hỏi thì sau ly hôn, tôi chắc sẽ thành tỷ phú.

Tôi nói với Cynthia điều mà tôi sợ là tôi không biết việc ly dị
này sẽ ảnh hưởng đến tôi thế nào. Tôi không muốn trở thành
một người khốn khổ; tôi không muốn thành người cô đơn, tự ti.
Tôi không biết liệu mình có trở lại được như mình trước đây
không...

- Ồ, cô sẽ trở lại như cũ. Chắc chắn là như thế. Cô đã trải qua
nhiều thứ và cô cần thời gian để hàn gắn. Giống như cô cứ phải
khom người quá lâu, cô cần thời gian để đứng thẳng trở lại
nhưng cô chắc chắn là sẽ làm được bởi vì phần cốt lõi của cô vẫn
ở đó, nó không đổi... Khi cô phải huy động các cơ chế tự vệ để che
chắn mình khỏi tổn thương thì phần cốt lõi của cô phải lùi ra
sau, ở vị trí thứ yếu, nhưng nó vẫn ở đó, nó sẽ quay lại. Có điều là
đừng vội vàng... Hãy dùng thời gian này cho bản thân mình, để
hàn gắn, để tự chữa các vết thương, để hiểu về mình và về hôn
nhân của mình.

- Tôi nên làm điều đó như thế nào?

- Nếu cô thực sự muốn hiểu thêm về chồng cô, cô có thể liên hệ
với những người biết rõ chồng cô, ví dụ như người nhà cậu ấy,
bạn bè, những người biết rõ cậu ấy từ trước. Như thế, cô có thể
bắt đầu cắt nghĩa được mọi việc một cách khách quan và có hệ
thống hơn và nó sẽ giúp cô có thể đi tiếp. Còn nếu cô không
muốn lật lại quá khứ, thì hãy tập trung vào bản thân thôi.
Nhưng nhớ là hãy tử tế và độ lượng với bản thân mình. Đừng
hành hạ nó. Trung thực nhưng đừng hành hạ, xỉ vả nó.

Cynthia nói đúng. Chúng tôi đã lấy nhau mà không hề biết gì
về gia đình, về xuất thân của nhau - và nghĩ nó không cần thiết.
Chúng tôi cũng đã di chuyển quá nhiều để có thể xây dựng
quanh mình những người hàng xóm và bạn bè mà cân bằng với

đời sống chỉ có hai người. Lý thuyết hệ thống gọi trạng thái này
là entropy - nó là trạng thái của một hệ thống khép kín, trong đó
các tín hiệu trao đổi chỉ luẩn quẩn bên trong hệ thống mà không
có sự trao đổi với môi trường bên ngoài, do đó hệ thống đi đến
chỗ tự hủy diệt. Giống như một cái ao tù; nước không có dòng
chảy thoát nên trở thành nước tù đọng, và tôm cá bên trong sẽ
chết. Khi hôn nhân rơi vào trạng thái này - chỉ có người vợ và
người chồng trao đổi với nhau thì những trao đổi này có thể bị
biến dạng, bị nhiễu, bị nhiễm bẩn; môi trường tự bị nhiễm độc,
dẫn đến hủy diệt.

- Đôi lúc tôi thấy mình lo lắng quá nhiều về tương lai. Dường
như tôi không thể ngừng lo lắng.

- Rất bình thường. Phụ nữ đi qua ly dị thường cảm thấy mình
già, mình vô dụng, không có ai yêu mình. Nhưng tôi cam đoan
với cô là cô sẽ gặp nhiều người đàn ông trong tương lai và rồi cô
sẽ yêu trở lại. Cô cần một ai đó hiểu những gì cô làm và tự hào về
điều đó, và anh ta cũng phải tự tin vào giá trị của mình, vào
công việc mình đang làm, anh ấy cũng có công việc riêng của
mình... như thế anh ta có thể hỗ trợ cô và cô hỗ trợ anh ấy mà
không ai cảm thấy tự ti với người kia. Anh ta có thể là giáo sư
đại học, là giáo viên, có thể là thợ mộc, kỹ sư hay nhà báo, không
quan trọng... Anh ta không cần phải có bằng tiến sĩ nhưng anh
ta phải yêu cái mà anh ta làm, anh ta phải có sự say mê riêng, có
khả năng riêng và tự tin về cuộc sống của mình, về giá trị của
mình, phải thực sự chấp nhận mình, như thế thì anh ta mới có
thể để cho cô là chính mình, sẽ tự hào về cô và công việc của cô
chứ không muốn đè bẹp cô hay kiểm soát, khống chế cô.

Tôi có cảm giác Cynthia đang nói từ kinh nghiệm chính cuộc
đời bà nữa chứ không chỉ dựa vào chuyên môn đơn thuần.

- Nếu mẹ anh ta là một người có cá tính mạnh mẽ và độc lập thì
càng tốt. Bà ấy không cần phải là người có sự nghiệp, bà ấy có
thể ở nhà nội trợ nhưng bà ấy cần có sự tự tôn, biết giá trị của
mình và không cho ai lạm dụng nó. Nếu như anh ấy yêu mẹ và
gần mẹ, và nếu cha mẹ anh ta có quan hệ tốt thì đấy là những
nền tảng tốt để anh ta là một người chồng tốt vì anh ta sẽ có sự
tự tôn và không sợ quan hệ với một phụ nữ tự trọng, mạnh mẽ.

Rồi cô sẽ gặp anh ấy và cô sẽ biết đấy là người hợp với cô.
Nhưng tôi cũng sẽ nói với cô điều này nữa: đàn ông có thể nói
dối. Họ có thể nói dối, có thể giả vờ là người khác để có thể có cô.
Nhưng giờ, cô đã có kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân này, lần tới,
hãy cẩn thận hơn và hãy rõ ràng về những gì cô chắc chắn
không chấp nhận. Cô đã học được nhiều từ cuộc hôn nhân này
và cô sẽ biết rõ mình muốn kết hôn với người như thế nào. Đôi
khi, người đó sẽ đến trong một cái vỏ rất bất ngờ, không giống
những gì cô tưởng tượng. Ví dụ như anh ta có thể rất ít nói, kín
đáo, và ban đầu cô sẽ chẳng để ý mấy đến anh ta, nhưng khi tìm
hiểu kỹ hơn, cô sẽ thấy anh ấy thực ra là một người rất tự tin và
yêu công việc của mình; cô chắc có thể thấy điều đó bằng cách
nhìn những người trong trường này... một số giáo sư rất hạnh
phúc, tự tin, họ đi làm hằng ngày vì họ say mê cái họ làm; và
một số khác thì, chậc, là những kẻ cao ngạo đầy hoài nghi... Cô
chỉ cần phải gặp người có sự tự tôn và ủng hộ những gì cô làm.

Nếu cô muốn có con thì cô càng cần suy nghĩ kỹ về người
chồng. Anh ta có thể là người cha tương lai tốt cho các con của
cô không? Cô có tin tưởng giao các con cô cho anh ta không? Cô
có tin tưởng để anh ta nuôi dạy con mình? Anh ta có phải là một
hình mẫu tốt không? Cô có muốn con trai cô lớn lên sẽ trở thành
một người như anh ta, con gái cô lớn lên lấy một người như anh
ta không?

Chắc chắn là cô sẽ buồn. Theo một cách nào đó thì cô đang trải
qua một quá trình giống như để tang. Cô có thể không muốn
sống với người chồng hiện tại nữa nhưng cô vẫn phải để tang
cái tương lai mà cô đã từng mường tượng là sẽ xây dựng với anh
ấy nhưng giờ thì nó đã tan vỡ. Cô phải giã từ cái tương lai đó, và
cô cần thời gian để hàn gắn.

Nước mắt tôi bắt đầu chảy.

Nếu cô quyết định ly dị thì cô nên nói chuyện với bên Lilac
Trees. Họ hỗ trợ phụ nữ ly dị và họ có thể gợi ý một luật sư cho
cô; giá cả cũng rất hợp lý. Trong lúc cô làm giấy tờ ly dị, cô sẽ trải
qua rất nhiều cảm xúc khác nhau. Ly hôn là một hành trình. Vào
ngày cô ký giấy ly dị, cô sẽ có một cảm giác khác. Tôi đã làm việc
với rất nhiều người, và họ đều nói, ngày mà họ ký giấy ly dị, cảm
giác của họ rất khác. Hãy cho mình thời gian để chuẩn bị tinh
thần cho điều đó.

- Bà có biết có bao nhiêu phụ nữ ly dị có thể hạnh phúc trở lại
không? Tôi nghe nói là không nhiều người tìm được hạnh phúc.

Cynthia nói nếu nhìn vào thống kê tại Mỹ thì đúng là như vậy.
Tại Mỹ, trong vòng năm năm sau khi ly hôn, đa số người Mỹ sẽ
kết hôn lại; nam nhiều hơn và sớm hơn nữ; tuy nhiên tỷ lệ ly hôn
lần hai, thậm chí lần ba, rất cao: khoảng 67% các hôn nhân lần
hai đi đến ly hôn và 73% hôn nhân lần ba đi đến ly hôn. Các nhà
khoa học cho rằng tỷ lệ ly hôn cao ở hôn nhân lần hai và ba là do
nhiều người nóng vội lao vào tái hôn sau khi ly hôn lần đầu;
hoặc vì họ đã trải qua một lần ly hôn nên cũng dễ dàng ly hôn
lần sau. Một số cho rằng nguyên nhân cơ bản nhất là do hầu hết
người ly hôn lần đầu có con nên hôn nhân lần hai, lần ba sẽ là
hôn nhân có quan hệ “con anh, con tôi” thay vì hai người sinh
thêm con chung. Các xung đột liên quan đến con riêng và việc

không có con chung để tạo gắn kết giữa hai người khiến việc ly
hôn dễ xảy ra.

- Nhưng cô cần nhớ rằng mỗi người có một câu chuyện khác
nhau, một hoàn cảnh khác nhau, không chuyện ly hôn nào
giống chuyện ly hôn nào - Cynthia nói - Rất nhiều phụ nữ có học
ly dị bởi vì họ lấy chồng lúc trẻ, và hôn nhân không hạnh phúc
vì họ thì trưởng thành lên nhưng đàn ông nhìn chung phải đến
tuổi ba mươi mới bắt đầu trưởng thành... đấy là lúc họ bắt đầu tự
ý thức về mình, họ biết cái họ cần; trước đó họ không hiểu rõ
mình lắm. Hầu hết mọi người ở trung tâm tư vấn này đã từng ly
dị và tất cả chúng tôi đều có bằng tiến sĩ, lấy chồng sớm và rồi
phải chấm dứt cuộc hôn nhân đó, rồi đều kết hôn lại và hạnh
phúc. Cho nên, nếu cô kiên nhẫn tìm hiểu về mình, biết rõ mình
cần lấy người như thế nào thì cô sẽ có cơ hội được hạnh phúc.
Theo kinh nghiệm của tôi, đến cuộc hôn nhân thứ hai, cô sẽ hài
lòng và hạnh phúc.

Một lần nữa, Cynthia đang nói chuyện với tôi như một người
mẹ thấy con gái mình hoang mang. Tôi có cảm giác Cynthia
thương tôi; có thể vì bà nhìn thấy mình trong câu chuyện của
tôi. Bà ấy muốn tôi hạnh phúc và có cuộc sống tốt đẹp nhất có
thể.

Một người lạ thực lòng muốn tôi hạnh phúc và chỉ cho tôi
cách hiểu mình rõ hơn để có thể hạnh phúc. Vào lúc này, điều đó
quý giá làm sao.

Bà ấy cũng đã nói điều tôi từng nghe nhiều nhưng giờ mới
thấm thía: không thể có một quan hệ bền chặt với bất cứ ai nếu
ta không hiểu rõ về mình, để ta không chỉ tự tin mà phải có sự tự
tôn với bản thân. Phải biết rõ quyền của mình và không chấp
nhận để chúng bị xâm phạm. Cũng không thể yêu một ai đó
đúng cách nếu như ta không hiểu về người đó và hiểu về quan

hệ con người. Yêu phải đi kèm với hiểu. Yêu mà không hiểu thì
sẽ bất hạnh cho cả hai.

Chương 21

Đầu tháng Năm, tôi gọi điện cho văn phòng luật Lilac Trees

mà Cynthia giới thiệu. Nói chuyện với tôi là một luật sư nữ. Cô
ấy không bỏ lỡ một phút.
- Nào, nói cho tôi biết, chồng của cô có biết về việc ly dị không?

Hẳn là có nhiều người ngấm ngầm liên hệ với luật sư trước
khi nói với người bạn đời của mình về ý định ly dị.
- Có, chúng tôi đồng ý ly dị.
- Hai người có con không?
- Không.
- Có đất đai chung không?
- Không.
- Có nhà chung không?
- Không.
- Có các khoản đầu tư chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu nào
chung không?
- Không.
- Cô có thừa kế gì trước khi lấy chồng không?
- Không.
- Cô có các tài sản riêng nào trước khi lấy chồng hoặc dự tính có
tài sản lớn nào sẽ phát sinh sau khi ly hôn do những hoạt động
trong lúc kết hôn?
- Không.
- Cô có cái gì đáng giá ngoài những thứ tôi vừa nói trên không?
- Không.

- Vậy về cơ bản là không có tài sản gì đáng giá?
“Sao mình vẫn còn đứng đây mà chưa lao qua cửa sổ nhỉ?” - tôi

nghĩ.
- Cô lấy chồng ngày nào?
- Ngày...
- Hai người đã ly thân chưa?
- Rồi.
- Từ bao giờ?
- Từ...
- Cô đang sống ở đâu?
- Chicago.
- Cô đang làm gì?
- Tôi là nghiên cứu sinh.
- Vậy là không làm việc? Cô học gì và bao giờ học xong?
- Tôi đang lấy bằng tiến sĩ về công các xã hội. Tôi dự kiến tốt
nghiệp vào tháng Tám.
- Cô dự định thế nào sau khi tốt nghiệp? Cô tìm việc chưa?
- Tôi là sinh viên nước ngoài nên cũng chưa rõ; có thể tôi sẽ tìm
việc ở đây, có thể tôi sẽ rời Mỹ.
- Chồng cô làm gì?
- Anh ấy là kỹ sư.
- Thu nhập anh ta bao nhiêu?
- Ý chị là lương?
- Đúng rồi.
- Trung bình thì khoảng.... ngàn mỗi năm.
- Hiện nay anh ấy có đóng tiền học phí cho cô không?
- Không.

- Không?
Cô ấy chắc mặc định tôi cũng phải vay tiền đi học như đại đa

số sinh viên Mỹ và học phí ở đại học Chicago thì không hề rẻ.
- Tôi không phải đóng học phí - tôi nói.
- Anh ta có trả tiền nhà cho cô không?
- Không.
- Không?
- Không.
- Tại sao lại không? Cô có quyền đòi anh ta trả tiền nhà. Đây là
trách nhiệm pháp lý của anh ta khi hai người kết hôn.
- Vâng, nhưng tôi không muốn anh ấy phải làm thế.
- Cô không muốn?
- Không, tôi không muốn; tôi không muốn anh ấy trả tiền nhà
và các chi phí của tôi.
- Tại sao lại không?
- Bởi vì chúng tôi đã ly thân. Anh ấy không sống với tôi.
- Nhưng anh ta đang có thu nhập cao còn cô thì không hề có thu
nhập. Cô trả tiền nhà thế nào?
- Tôi dùng tiền tiết kiệm của tôi và tiền gia đình tôi ở Việt Nam
gửi sang.
- Ái chà, thế không tốt. Tại sao cô không để chồng cô trả cho cô?
- Bởi vì chúng tôi sẽ ly dị. Vả lại, anh ấy cũng chỉ mới đi làm lại.
Tôi không muốn tiền của anh ấy.
- Nhưng cô có quyền lợi hợp pháp với tiền mà anh ta kiếm được;
hai người vẫn đang kết hôn; anh ta có trách nhiệm pháp lý là
phải hỗ trợ tài chính cho cô, ít nhất cho đến lúc cô học xong và
có thể tự kiếm tiền.

Cô ấy rõ ràng không hiểu khái niệm “ly thân” và “ly dị” như
tôi hiểu.

- Tôi biết... tôi biết... Có thể đây là chuyện văn hóa người Việt
Nam nhưng tôi không muốn tiền của anh ấy khi mà chúng tôi
sắp ly dị.

- Tôi không hiểu điều này... cô sẽ phải giải thích với tòa án bởi vì
tôi chắc chắn là thẩm phán cũng sẽ hỏi tại sao cô lại chủ động từ
chối quyền lĩnh tiền trợ cấp hôn nhân của cô. Cô cần biết là khi
cô ký vào hợp đồng hôn nhân, hai người đã đồng ý trước pháp
luật là sẽ hỗ trợ nhau về tài chính. Nếu cô từ chối quyền này, cô
sẽ chẳng có gì cả. Cô ấy nói như đang kết tội tôi. Thực ra cô ấy
chỉ đang muốn bảo vệ tôi theo đúng luật mà thôi. Luật ly hôn và
trợ cấp sau ly hôn của Mỹ cho đến nay vẫn thường nghiêng về
hướng bảo vệ quyền lợi tài chính cho phụ nữ vì luật được xây
dựng từ thế kỷ 19 vào lúc mà xã hội mặc định chỉ có đàn ông đi
làm kiếm tiến (và được trả lương để nuôi gia đình chứ không
phải lương cá nhân) còn phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái và nhà
cửa. Chính vì thế, xã hội cũng mặc định rằng sau ly dị, phụ nữ
khó có thể tự kiếm tiền nuôi bản thân hay con cái và cần được
trợ cấp đầy đủ. Mặt khác, trong thời kỳ này, tòa án chỉ chấp nhận
cho ly hôn nếu một bên mắc một trong bốn lỗi cơ bản - ngoại
tình, tàn ác với bạn đời, bỏ rơi, bị đi tù, không đủ khả năng thể
chất để duy trì hôn nhân - và thường người mắc lỗi là đàn ông,
cho nên để bảo vệ phụ nữ, luật quy định người đàn ông có nghĩa
vụ chu cấp cho vợ cũ. Phải đến những năm 1970, một số bang
của Mỹ mới đưa vào luật ly hôn “không có lỗi” (no-fault
divorce), theo đó hai bên có thể ly hôn mà không bên nào có lỗi
với bên nào; việc phân chia tài chính cũng như chu cấp sau ly
hôn được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận và bình đẳng nam nữ.

- Tôi không cần gì cả. Chúng tôi vẫn là bạn và tôi không muốn
tiền của anh ấy hoặc bất cứ cái gì của anh ấy. Đây không phải là
một cuộc ly hôn có tranh chấp tài sản, chúng tôi vẫn tử tế với
nhau, chúng tôi chỉ đồng ý là không phải vợ chồng của nhau
nữa.

- Nếu hai người tử tế với nhau thì anh ấy lại càng nên hỗ trợ cô
bởi vì rõ ràng cô không có nguồn thu nhập nào. Alas, tiền. Lúc
nào cũng sẽ là chuyện tiền.

- Không, tôi không muốn. Anh ấy có đề nghị nhưng tôi không
muốn.

- Trong trường hợp xấu nhất thì tôi sẽ mất bao nhiêu tiền?

- Tôi nghĩ là sẽ không quá 2000 đô. Vụ của cô rất đơn giản. Nếu
chồng cô đồng ý với mọi thứ và ký tất cả các giấy tờ mà không
phản đối gì thì mọi việc rất đơn giản. Chỉ 1500 đô. Tôi sẽ gửi cho
cô một bản thỏa thuận. Nếu cô đồng ý để tôi làm luật sư đại diện
thì cô ký cái thỏa thuận đó và gửi cho tôi 250 đô đặt cọc rồi
chúng ta tính tiếp.

Ở Mỹ đã chín năm, tôi vẫn không hoàn toàn quen được văn
hóa Mỹ về tiền bạc. Cô luật sư đã nói cô ấy không hiểu và tôi
đoán nhiều người Mỹ cũng sẽ không hiểu rằng với người Việt
Nam, ngoài tình còn có khái niệm “nghĩa” chứ không chỉ có
“tình” và “lý”. Nếu tôi cũng làm theo luật của Mỹ, tôi có thể yêu
cầu Sơn trả tiền hỗ trợ tôi cho đến lúc tôi kiếm được việc làm và
tự sống được kể cả sau khi chúng tôi ly dị .(17)

Nhưng tôi không muốn thế khi mà tôi có thể tự kiếm tiền
nuôi mình và sẽ kiếm tiền nuôi mình. Tôi không muốn bất cứ ai
có quyền với cuộc sống của tôi hoặc có thể gây sức ép, gia ơn cho
tôi về tài chính. Nhưng phải thừa nhận rằng sự phụ thuộc tài
chính vào người chồng là một trong những lý do lớn nhất khiến
phụ nữ không thể quyết định ly dị, nhất là khi họ đã có con. Vì

hầu hết con cái sống với mẹ sau ly hôn nhưng phụ nữ lại thường
không phải là người mang lại phần lớn thu nhập cho gia đình và
75% các ông bố không đóng góp tài chính nuôi con thường
xuyên nên sau ly hôn, phụ nữ thường gặp khó khăn về tài chính,
nhất là trong năm đầu tiên. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, sau ly
hôn, khoảng 1/5 phụ nữ rơi vào nghèo đói do giảm thu nhập và
1/3 trong số họ mất nhà do không đủ tiền trang trải chi phí nhà
cũ. Hiện tại, phụ nữ nuôi con một mình là nhóm lớn nhất trong
tổng số những người sống dưới ngưỡng nghèo tại Mỹ và nhiều
quốc gia phát triển.

Buổi tối, Sơn gọi điện hỏi thăm tôi. Tôi định hỏi anh một số
thông tin để điền vào giấy tờ ly dị mà cô luật sư mới gửi nhưng
khi nghe giọng anh, tôi không làm sao có thể hỏi được. Tôi có
cảm giác độc ác nếu làm thế. Tôi chỉ hỏi cuộc sống của anh thế
nào.

- Cũng OK - Sơn nói.

Chương 22

Tôi bắt đầu hiểu tại sao Hemingway nói đừng tin những

người có câu chuyện đời quá trơn tru và có nghĩa. Cũng đừng tin
những người chưa bao giờ đau khổ, thất bại. Cuộc sống quá
nhiều ngã rẽ và những bất ngờ; con người thì quá nhiều vô tri và
ám ảnh. Nhưng có lẽ rốt cuộc tất cả những vấn đề của loài người
chỉ là vì không được yêu thương một cách tử tế. Những người
kiêu căng tự phụ, lúc nào cũng gồng mình tự vệ; những người
yếu đuối, nhút nhát, lúc nào cũng co lại; những người hoảng sợ,
lo lắng triền miên; những người mải mê tìm sự giải trí và nguồn
vui từ người khác; những người âm thầm thất vọng, phó mặc
cuộc sống chảy trôi - tất cả đều đã không thể tìm được sự yêu
thương tử tế ở nơi nào đó.

Kiên nhẫn nào, Việt. Kiên nhẫn. Hãy ngồi yên. Ngồi thật yên.
Ngày nào, tôi cũng tự bảo mình như thế. Ngày nào, tôi cũng cố
dẹp những ý nghĩ đen tối và buồn nản vẫn theo thói quen trỗi lên
từ lúc tôi tỉnh dậy cho đến lúc đi ngủ. Tôi tập trung vào luận án
để vượt qua từng giờ. Tôi dựa vào bạn bè ở trường những lúc cảm
thấy mình rơi tự do. Ji-ah gọi điện cho tôi thường xuyên, có khi
chỉ để hỏi vài câu.
- Em đang làm gì?
- Em đang viết.
- Tốt. Chị chỉ gọi điện chỉ để hỏi hai việc. Em có ăn uống đầy đủ
không và có viết không. Em đang viết, thế là tốt. Viết tiếp đi. Thế
có ăn uống đầy đủ không?
- Em vẫn ăn.
- Tốt. Vẫn ăn là tốt rồi.

Sam giúp tôi rất nhiều vào lúc này - như một người bạn gái.
Đôi khi, thấy tôi gục xuống bàn hoặc chống cằm nghĩ ngợi, Sam
chìa cho tôi xem ảnh các bệnh nhân HIV mà cậu ấy làm việc cùng
để kéo tôi khỏi những suy nghĩ ủ ê. Có lúc Sam cho tôi xem ảnh
những người chuyển giới.

- Cậu nghĩ sao? Thực ra cô này vốn là một người đàn ông... cô ấy
đã phẫu thuật chuyển giới.

- Tớ luôn băn khoăn là các đôi đồng tính nữ sẽ quan hệ tình dục
thế nào nhỉ?

- À, muốn trả lời câu ấy thì trước hết cậu phải định nghĩa thế nào
là quan hệ tình dục đã. Cậu có mặc định quan hệ tình dục phải là
quan hệ giữa một người đàn ông với một người đàn bà, tức là
phải có một cái dương vật và một cái âm hộ không?

- Tớ cũng chẳng biết, tớ chỉ tò mò, về mặt kỹ thuật thì họ giao
hợp thế nào khi có hai cái âm hộ?

- Quan hệ tình dục đâu có nghĩa là chỉ có giao hợp, bởi vì việc đưa
dương vật vào âm hộ chỉ là một trong một triệu thứ mà người ta
có thể làm trong lúc quan hệ tình dục, đúng không? Mà kể cả đối
với việc giao hợp như thế, không phải phụ nữ nào cũng có khoái
cảm chứ đừng nói là có cực khoái; trong khi thực ra có thể làm
nhiều thứ khác không cần đưa dương vật vào mà phụ nữ vẫn có
cực khoái. Cho nên các đôi đồng tính có nhiều thứ để làm lắm.

Sam tặc lưỡi nói tiếp:

- Tớ nghĩ là các đôi đồng tính hiểu về cơ thể mình rõ hơn đa số
phụ nữ khác; họ rất linh hoạt và sáng tạo với cơ thể của mình; họ
hiểu quan hệ tình dục nghĩa là việc tạo khoái cảm, âu yếm chứ
không chỉ là đưa cái gì đó vào âm hộ. Cho nên họ có các đồ chơi,
và họ dùng tất cả các bộ phận cơ thể trên người để tạo cảm hứng
chứ không chỉ có ngực, môi, như đa số phụ nữ... Sex là chuyện âu

yếm, thương yêu nhau bằng cơ thể chứ đâu phải là hùng hục bổ
củi...

Tôi bật cười vì từ “bổ củi”. Sam nói:

- Tớ nghĩ là thế hệ mình và các thế hệ sau mình ý thức rõ hơn về
cơ thể, về sự nhạy cảm và các khoái cảm xác thịt... họ có quan
niệm trung tính hơn và tôn trọng cơ thể hơn các thế hệ trước. Họ
bớt cảm thấy tội lỗi khi có dục cảm và không ngần ngại tìm kiếm
dục cảm.

Tôi không chắc tôi thuộc “thế hệ mình” như cách Sam gọi vì
nghĩ cho kỹ, tôi chẳng biết gì về cơ thể mình. Với tôi chúng như
không khí luôn ở đó, đến nỗi không còn ý thức được nó ở đó và
cần thiết thế nào. Và tôi chắc chắn cũng đã không làm gì để “tôn
trọng cơ thể” mình như lời Sam. Trái lại, từ nhiều năm nay, tôi đã
hành hạ nó đủ đường. Nghĩ mà xem, tôi không thể dục thường
xuyên, không ăn uống điều độ, tôi để cho những ý nghĩ đen tối
hành hạ xác thịt mình.

Chiều nay, ra khỏi trường, tôi không về thẳng nhà mà đi bộ
loanh quanh mặc dù trời mưa. Tôi đi dọc phố 55 ra đến bờ hồ.
Nhưng ngoài hồ không có ai và mưa bắt đầu nặng hạt nên tôi
quay lại. Mưa xuống dày hơn; áo khoác của tôi ướt đẫm, nhưng
tôi thấy ổn khi đi trong mưa nên tôi cứ tiếp tục đi. Tôi vừa bước
vừa chú ý từng bước chân và cố không để các ý nghĩ trỗi dậy; tôi
giữ người thẳng và tập trung vào các cử động của cơ thể; chỗ nào
cảm thấy thoải mái, chỗ nào mỏi

Tôi cứ thế đi về đến nhà.

Sau bữa tối, tôi nằm trên sàn mà không bật điện lên. Mặt trời
bắt đầu lặn và ánh nắng đầu hè hắt từng vệt mảnh qua cửa sổ, đổ
bóng những cành cây bên ngoài. Những bóng cây đung đưa khẽ
trên tường. Tôi cứ nằm trong ánh hoàng hôn vàng nhạt đó để
cảm thấy cơ thể mình trên sàn gỗ cứng. Lần đầu tiên, tôi nhận

thấy tay tôi không nghiễm nhiên ở đó mà chúng ở đó, mỏi mệt.
Những thớ thịt ở bắp chân tôi cũng không nghiễm nhiên ở đó,
mà chúng ở đó, mệt mỏi chạm vào sàn gỗ lạnh. Cả những sợi tóc
đang đổ xuống, bụng phập phồng, và bả vai đang bị ép - chúng
đều ở đó, mỏi mệt. Bên lồng ngực trái, cái khối thịt nhỏ đang đều
đặn, kiên nhẫn co bóp đẩy máu đi nuôi cơ thể - nó ở đó, hiền lành,
nhưng mệt mỏi, cam chịu. Cơ thể tôi hẳn đã mệt mỏi từ rất lâu
mà tôi không hề nghe tiếng kêu của nó. Tôi đã ngu ngốc cho rằng
cả cơ thể và trái tim tôi có sức chịu đựng vô biên nên đã chất lên
chúng những gánh nặng khổng lồ, khiến chúng phải đông cứng
lại để tự vệ.

Nước mắt tôi bắt đầu chảy. Nhưng không phải nước mắt buồn
mà là cái gì đó gần với sự biết ơn. Biết ơn ai, cái gì thì tôi không
rõ. Tôi chỉ có một niềm biết ơn chung chung là dù khó khăn, dù
có thể ngu ngốc hay mù quáng, bằng cách nào đó, tôi đã đi ra
khỏi hôn nhân mà không gây nhiều phiền hà cho ai ngoài tôi,
không có những lời lăng mạ, chửi bới, không có ai biến thành kẻ
thù của ai, không có chia rẽ trong gia đình và bạn bè, không kéo
thêm ai phải chịu đựng những gì tôi đã chịu đựng. Và tôi biết ơn
vì vào những lúc hoàng hôn như thế này, tôi có thể nhận thấy
một cái gì đó chầm chậm trỗi dậy, tuy chậm thôi và còn yếu
nhưng nó đang trỗi dậy.

“Thức dậy đi, mở mắt ra đi” - tôi nói với trái tim tôi và mong
nó sẽ tha thứ.

Trước khi đi ngủ, tôi ngồi trên sàn nhà, rồi cúi gập người cho
trán chạm xuống sàn nhà. Tôi sẽ bắt đầu lại từ thời điểm này
trong đời tôi. Tôi sẽ bắt đầu lại một cách sạch sẽ, không nợ nần ai,
không mang theo gánh nặng nào của ngày hôm qua. Tôi xin
được tha thứ về bất cứ ý nghĩ, lời nói, việc làm không hay nào mà
tôi đã làm với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu, dù tôi có

lý do chính đáng lúc đó để làm thế hay không, dù họ có biết hay
không. Tôi cũng tha thứ cho tất cả những gì người khác đã làm
với tôi, bất kể họ là ai, vào bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý do gì, dù tôi
có biết hay không. Tôi cầu chúc bình an cho tất cả mọi người trên
thế giới.

Tôi sẽ bắt đầu lại cuộc đời tôi từ chỗ này.

Chương 23

Ah nhưng ly hôn không phải con đường thẳng một chiều từ

chỗ khởi đầu tới chỗ kết thúc. Nó có nhiều ngã rẽ, có khi bạn đi,
rồi bạn vòng lại, bạn trở về chỗ cũ, rồi bạn lại lên đường, và bạn
lạc, và bạn mò mẫm, bạn tiến được một bước, bạn lùi ba bước...
và logic không có mấy tác dụng.

Buổi sáng sau khi tôi tự nhủ rằng tôi sẽ bắt đầu lại cuộc đời,
tôi rơi vào một nỗi buồn sâu đến nỗi nó hoàn toàn hạ gục tôi cả
thể xác và tinh thần. Đến mức, tôi tỉnh dậy mà không sao ra
khỏi giường. Những tiếng thì thầm “Rồi sao? Ích gì đâu?” quét
sạch tất cả thanh thản và bình an mà tôi cảm thấy trong đêm
trước. Tuyệt vọng như một cái vòi rồng khổng lồ cuốn tôi lên và
quăng quật tôi trong hỗn độn cảm xúc. Tôi nằm bẹp trên giường
và khóc như mưa.

Sự đánh úp bất ngờ này làm tôi hoảng sợ. Chuyện gì đang xảy
ra? Những cơn lũ nước mắt và sự tuyệt vọng không đáy này -
làm sao chúng có thể hiện ra như thể từ trong không khí? Lẽ
nào, trong người tôi có những cái giếng và núi lửa bí mật mà tôi
không hề biết - thậm chí có lẽ đã nuôi nấng và tích tụ sức mạnh
cho chúng - để đến giờ chúng có thể trào lên bất cứ lúc nào,
ngoài sức khống chế của tôi.

Quá hoang mang, tôi gọi điện cho Cynthia để đặt hẹn với bà.

- Tôi không hiểu tại sao nhưng đột nhiên tôi cứ có những cơn
hoảng sợ, và rồi tôi khóc như mưa...

- Chuyện bình thường ấy mà - Cynthia nói - Đừng lo; mọi người
đều trải qua; cô không làm sao cả. Chỉ nên bắt đầu lo lắng nếu nó
ảnh hưởng đến công việc và các hoạt động thường ngày của cô.

Nếu như cô phải nghỉ làm cả tuần thì mới cần phải can thiệp.
Còn bây giờ, cô vẫn đang trong thời kỳ “thương khóc”, thời kỳ
“để tang” cho hôn nhân của mình. Cô ly dị cậu ấy không có
nghĩa là cô không yêu cậu ấy hoặc là không có gì tốt đẹp trong
hôn nhân cũ cho nên cô vẫn thương khóc nó như người ta khóc
một người thân ra đi vậy. Cần có thời gian mới hàn gắn được.

“Nhưng cần bao nhiêu thời gian?” - tôi nghĩ - “Tôi không thể
chịu đựng thêm nữa những cơn lũ nước mắt này”.

Hóa ra, tôi cũng như hầu hết những người ly dị khác đều mắc
một lỗi là ngay sau giai đoạn ly thân, họ thường kỳ vọng rằng
khi người bạn đời đã đi, mình có thể bình phục nhanh chóng.
Họ thường không đủ kiên nhẫn với bản thân; cứ nghĩ có thể đặt
một cái hạn cụ thể cho sự bình phục tâm lý của mình - y như họ
cho mình một tuần để bình phục khỏi một cơn cảm cúm hay
một tháng để khỏi cái chân bó bột. Nhưng tình cảm có cơ chế
khác với thể chất. Việc bình phục sau khi ly thân cũng như sau
ly dị khác nhau ở mỗi người - nó có thể chỉ mất vài tháng ở
người này nhưng vài năm ở người khác. Đấy là một quá trình
phức tạp mà có nhà nghiên cứu đã gọi là quá trình “bắt ma” bởi
vì người ly hôn phải kiên quyết chiến đấu với sự xâm lấn của
những ý nghĩ có tính tự hành hạ bản thân và sự trầm cảm luôn
như bóng ma lảng vảng quanh họ.

“Trầm cảm” - gọi một cách đơn giản là trạng thái buồn đau có
hệ thống - xảy ra với hầu hết những người trải qua ly dị, cả phụ
nữ lẫn nam giới. Trên thực tế, nó xảy ra cả với người chia tay
người yêu, có bệnh, có người nhà có bệnh, có người nhà mất,
công việc không thuận lợi, cuộc sống khó khăn, không hòa hợp
với xung quanh, cuộc sống lặp lại nhàm chán, các bà mẹ vừa
sinh con (hội chứng “post-partum depression” hay “baby
blues”), thậm chí một số người trở nên trầm cảm theo mùa (ví

dụ cứ mùa thu hoặc mùa đông là họ trầm cảm), và một số người
thì do các đặc điểm sinh lý, di truyền học. Biểu hiện thông
thường của trầm cảm là chán ăn, mất ngủ, mất hứng thú với các
hoạt động trong cuộc sống, mất hứng thú tình dục, thường có
các ý nghĩ bi quan, yếm thế... nói nôm na là “chán đời”. Trầm
cảm là điều bình thường nhưng tùy cách người ta đối xử với nó
mà trầm cảm có thể sẽ chỉ là xảy ra trong một thời gian ngắn rồi
hết hoặc có thể trở thành một thứ hành hạ người ta lâu dài, đưa
đến mất khả năng hoạt động bình thường trong cuộc sống, phải
dùng thuốc, trị liệu thường xuyên(18).

Với người trải qua ly hôn, trầm cảm / buồn đau thường gắn
liền với cảm giác mất mát, sự hãi và sự “rối loạn danh tính”. Đa
số những người kết hôn, nhất là phụ nữ, đã sống lâu và ổn định
với danh tính “là mẹ của X”, “là vợ/chồng của Y”, “là phụ nữ/đàn
ông có gia đình”. Ly hôn khiến cho tất cả những danh tính này bị
phá vỡ một cách đột ngột, khiến họ chới với. Nếu họ lại kết hôn
trẻ, có con sớm và quá chú tâm vào cuộc sống gia đình mà
không chú ý lắm đến phát triển nghề nghiệp riêng để có được
danh tính nghề nghiệp vững chắc (tôi là bác sĩ, tôi là một giáo
viên giỏi), thì việc mất danh tính “vợ/mẹ/phụ nữ có gia đình/bà
nội trợ” khiến cho sự mất mát trở nên quá choáng ngợp. Bình
phục, vì thế, là một hành trình đòi hỏi kiên nhẫn.

Không ai có thể ra hạn cho bản thân: vào ngày này tôi sẽ bình
phục. Thực tế là, ngày hôm nay, một người ly hôn có thể có cảm
giác tràn đầy năng lượng, mạnh mẽ và khôn ngoan hơn trước
khi kết hôn, nhưng chỉ ngày hôm sau, trầm cảm có thể trở lại
khiến họ mềm như bún. Họ cũng có thể trải qua rất nhiều
những trạng thái bình phục giả (mà các nhà nghiên cứu gọi là
những sự hồi xuân giả, những “tuổi trẻ thứ hai”) trước khi đi tới
sự bình phục thật sự. Nhiều người vì vội vàng mà mắc sai lầm

như lao vào các mối tình ngắn ngủi nhưng không thành công;
thậm chí vội vàng cưới người khác mà không suy xét để lại tiếp
tục đi đến đổ vỡ và lún sâu hơn vào tuyệt vọng .(19)

Chương 24

Cứ thế, mỗi ngày là một sự bắt đầu lại - hôm dễ, hôm khó.

Mỗi ngày là một trận chiến mà tôi lúc thắng lúc thua. Tôi không
còn đi gặp Cynthia nữa vì số giờ tư vấn miễn phí mà trường
giành cho mỗi sinh viên đã hết. Giờ, bạn bè ở trường trở thành
bác sĩ trị liệu cho tôi. May sao, tất cả bạn tôi trong ngành công
tác xã hội đều có kiến thức về trị liệu. Có hôm, tôi nói với Sam
tôi bị đau đầu vì hình như tôi đã nén quá nhiều trong đầu, Sam
nói rằng Sam sẽ dạy tôi phương pháp “ghế nóng” trong trị liệu
Gestalt.

- Nó khá đơn giản; những nhà trị liệu sẽ làm thế này; họ sẽ lấy
một cái ghế trống, đặt nó trước mặt thân chủ rồi nói “Nào, bây
giờ người mà cô có các ấm ức muốn giải tỏa hoặc có các câu hỏi,
chất vấn đang ngồi trên ghế này, cô có thể hỏi bất cứ câu hỏi nào
hoặc nói với anh ta bất cứ điều gì cô muốn nói mà trước đây
không nói được”. Nếu thân chủ thấy khó tưởng tượng thì nhà trị
liệu có thể bắt đầu chậm hơn. Họ sẽ bảo “Nào, cửa vừa mở và
người mà cô muốn nói chuyện vừa bước vào. Cô có nhìn thấy
anh ta không?” Họ chờ cho đến khi thân chủ cảm thấy người
kia, rồi sẽ bảo người kia ngồi ở trên ghế và bắt đầu nói chuyện.
Sau đó, thân chủ có thể đổi ghế với người kia và trở thành người
kia. Cô ấy sẽ ngồi ở ghế nóng và tưởng tượng mình ở vị trí của
người kia, còn mình thì ở cái ghế trống. Cô ấy sẽ phải nói chuyện
như thể người kia đang nói chuyện với mình. Họ cứ làm như
vậy... Cũng hiệu quả lắm.

Nhưng đôi khi, cái có ích nhất không phải kiến thức trị liệu
mà chỉ là có một người bạn để chia sẻ. Quả thật, càng nói

chuyện, tôi càng nhận ra ai cũng có những chuyện buồn và uẩn
khúc riêng mà bình thường họ có thể không nói cho người
ngoài biết. Sam có những gánh nặng riêng - Sam luôn phải
chiến đấu với những định kiến của xã hội để được là Sam. Ji-ah
đang hạnh phúc với chồng nhưng lo lắng về việc sinh con. Hay
Tory đang chiến đấu với bệnh ung thư vú.

- Ai cũng phải trải qua một biến cố lớn trong đời - Tory nói với
tôi - Em vừa mới trải qua biến cố của em và chị đang trải qua cái
của chị. Hồi chị mới bắt đầu chiến đấu với bệnh ung thư này, chị
biết là cuối cùng chị sẽ ổn, nhưng mà từng ngày một để đi đến
cái chỗ cuối cùng ấy thì chị không chắc là mình sẽ ổn. Cho nên
chị chỉ tính từng ngày một thôi, và chị dựa vào Chúa. Chị nghĩ
vấn đề là chúng ta thường nghĩ đến Chúa chậm quá, thế nên
chúng ta muốn nhảy vào can thiệp để cho mọi chuyện nhanh
lên nhưng rồi lại khiến mọi sự hỏng bét. Chúng ta lại còn cứ
khăng khăng mình biết cách. Mình cứ khăng khăng với Chúa
con muốn có việc ở California, nhưng Chúa biết cái gì tốt cho
chúng ta, và Chúa có sứ mệnh cho chúng ta, thế nên chúng ta
chỉ cần biết mình thực sự muốn gì và nói điều đó với Chúa rồi để
Chúa đưa chúng ta tới đó. Ví dụ như, chị biết là chị muốn có việc
ở một nơi nào đó ấm áp nhưng chị không nói với Chúa con
muốn đi California, chị chỉ nói con muốn đến một nơi ấm áp và
nó có thể là Arizona. Chị nghĩ Chúa và mình là đồng sáng tạo
trong cuộc sống của mình. Chị cũng phải làm phần của chị nữa,
tức là phải biết chị muốn gì. Chị biết chị muốn gì thì rồi Chúa sẽ
đưa chị tới. Em biết em muốn gì rồi Chúa sẽ đưa em tới.

- Em muốn đi California! - tôi nói.

Tory nhìn tôi và hai chúng tôi phá lên cười, không sao đừng
được. Chúng tôi cười chảy cả nước mắt.

- Ôi Việt, đời thật là hài, em nhỉ.

- Hài đến phát khóc. Tory, sao mà cuộc đời lại khó khăn với
mình thế hả chị? Chúng ta đâu có phải người xấu?

- Vì chúng mình là dạng idealist em ạ, mình không phải người
thực tế. Người idealist như mình có một mô hình cuộc sống lý
tưởng cho mình, rồi theo đuổi nó, và không chịu thay đổi theo
hoàn cảnh. Còn những người khác, họ đa phần thay đổi mình
theo hoàn cảnh nên họ sống dễ hơn.

- Chị có biết em sợ nhất điều gì không? Em bắt đầu tin là có lẽ đời
không cho ai tất cả thật, mỗi người chỉ được có một thứ thôi,
hoặc cái này, hoặc cái kia. Một số người lấy chồng, đẻ con, sống
hạnh phúc nhưng không có sự nghiệp riêng, và một số có sự
nghiệp riêng nhưng không có cuộc sống riêng hạnh phúc. Em sợ
đấy là sự thật, phải chọn một trong hai... mà em muốn cả hai.
Em muốn dùng trí óc để có một nghề nghiệp độc lập và em cũng
muốn hạnh phúc nữa.

- Em có thể mà. Em có thể có tất cả những thứ đó. Đừng thỏa
hiệp với cái ý nghĩ là em chỉ có thể có cái này hoặc cái kia. Em có
thể có tất cả; em chỉ cần phải biết chắc đấy là điều em thực sự
muốn và em phải trung thực về điều đó. Em cứ kiên nhẫn làm
các công việc chuẩn bị cho nó, rồi nó sẽ đến.

- Nhưng mà khó quá, Tory... Em ước gì em có thể là một simple
happy woman(*).

- Chị không tin là có simple happy woman đâu... rất nhiều người
trông có vẻ là simple happy woman nhưng không phải. Ai cũng
phải vật lộn với một cái gì đó. Mà nói thực, em không thể nào
làm simple happy woman đâu, em sẽ không thích cuộc sống ấy
đâu, chị cam đoan với em đấy.

Chắc là Tory đúng nhưng cái biết bằng lý trí đó không làm cho
mọi việc dễ dàng hơn. Tôi vẫn đang học để hiểu mình là ai, mình

muốn gì, cần gì; để hiểu Sơn và chúng tôi. Thỉnh thoảng, tôi
cũng vỡ lẽ được một chút.

Như hôm qua, Chủ nhật, trong lúc ngồi trong xe đợi Sam cùng
đến trường, tôi đột nhiên hiểu ra một chuyện. Bình thường, tôi
rất sốt ruột khi phải chờ ai. Nhưng sáng hôm qua, tôi chỉ ngồi
đó để thời gian trôi qua mà không cả nghĩ đến việc mình đang
chờ đợi. Rồi tôi đột nhiên nghĩ đến Sơn.

Khi chúng tôi sống với nhau, Sơn hay bảo anh “chẳng cảm
thấy gì cả”; anh lúc nào cũng thế. Ngay cả lúc anh bỏ việc hay
mất việc, Sơn cũng chẳng sợ, chẳng vội, vì “chuyện đâu sẽ có
đó”; còn tôi thì cuống lên và không thể nào hiểu được tại sao Sơn
lại có thể “không cảm thấy gì”.

- Thế thì anh khác gì một tảng đá?

- Không, đá đâu. Anh vẫn biết tất cả mọi thứ. Anh vẫn cảm thấy
tất cả mọi thứ, anh chỉ để cho các cảm giác đến và đi thôi, anh
chẳng quan tâm.

- Thế thì anh có cảm thấy tình yêu không? Anh có thấy hạnh
phúc hay là đau khổ không?

- Có chứ sao không.

- Xong rồi sao?

- Chả sao cả.

- Thế thì có khác gì đá. Nếu đấy là giác ngộ thì em chẳng muốn
giác ngộ. Em muốn phải cảm thấy mọi thứ; cảm thấy mọi thứ
một cách thật sâu sắc.

Có thể là tôi đã sai. Có thể Sơn không phải tảng đá; anh vẫn
cảm thấy mọi thứ, như tôi đang cảm thấy mọi thứ trong lúc
ngồi chờ Sam, nhưng chỉ thế thôi, chẳng sao cả. Tôi không
mong kéo dài cảm giác mình đang có, mà cũng không sợ chúng
mất đi.

Có thể là tôi chẳng hiểu gì về Sơn cả. Có thể cái tỷ lệ ly hôn 50%
và đang tiếp tục tăng ở Mỹ có một phần nguyên nhân là chúng
ta không hiểu gì về người bạn đời của mình, về mình, về hôn
nhân của mình.

Tôi không gọi điện cho Sơn cũng đã lâu. Và cùng với sự tách
biệt này, cuộc sống của chúng tôi bắt đầu tách ra như thể chúng
tôi chưa từng là vợ chồng, như thể chúng tôi là hai hành tinh
chuyển động trên hai quỹ đạo khác nhau; chỉ gặp nhau một thời
điểm nhất định rồi lại tách ra, chuyển động tiếp trên quỹ đạo
riêng của mình.

Lạ lùng làm sao.

Chương 25

Giữa tháng Sáu, năm học chính thức kết thúc và campus trở

lại yên tĩnh. Các tòa nhà hầu như không còn bóng người. Ngày
nào tôi cũng tới PhD Lounge và ở đó làm việc đến khuya.

Luật sư đã gửi giấy tờ ly dị cho tôi. Cái phong bì lớn màu vàng
chứa giấy tờ ly dị nằm trên bàn đã lâu; ngày nào tôi cũng nhìn
thấy nó, biết mình phải mở ra, đọc, rồi ký và gửi cho Sơn nhưng
tôi không sao làm được. Cũng không có cảm giác gì cụ thể -
nhưng tôi cứ để nó nằm đó, ngày nào cũng nhìn nhưng không
động đến, không cả tới gần. Tôi giữ một khoảng cách với nó.

Cái phong bì nằm đó nhắc tôi một điều: Sơn đã đi nhưng anh
vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi. Có thể ảnh hưởng ấy
là vĩnh viễn. Tôi đã không là tôi như hôm nay nếu tôi không lấy
Sơn; và sẽ không có cách nào để tôi có thể trở lại là tôi trước đó.
Anh vĩnh viễn là một phần trong ký ức của tôi, vĩnh viễn có mặt
trong cuộc sống của tôi; cũng như tất cả những người tôi đã gặp
đều làm thành ký ức của tôi. Vì những gì đã xảy ra trong cuộc
sống của chúng tôi, sẽ có những việc tôi không bao giờ làm, sẽ
có những niềm tin và ý nghĩ mà tôi mang theo, những vết sẹo
không bao giờ có thể hoàn toàn lành lặn, những nỗi sợ ăn sâu
đến mức phải mất nhiều thời gian tôi mới có thể vượt qua
chúng hoặc không bao giờ. Nhưng cũng sẽ có những niềm tin
mới, những sức mạnh mới, sự kiên trì, bền bỉ, dũng cảm và độ
lượng mới, cả rất nhiều hiểu biết mới - những thứ quý giá vô
cùng vì chúng đã qua thử thách và được trả giá để thuộc về tôi.
Không hề có cái “tôi như ngày xưa” để cho tôi trở về. Vĩnh viễn

không có chuyện tôi trở lại là mình khi trước. Tôi phải chấp
nhận điều đó.

Nó thực ra không phải một điều quá tệ.

Tôi cũng đã quyết định sẽ chuyển vào nhà Kat, một nghiên
cứu sinh trong chương trình tiến sĩ. Kat là mẹ đơn thân, sống với
một cô con gái bốn tuổi có tên Emma và một con chó nhỏ có tên
Snow. Bố của Emma và Kat không cưới nhau; họ từng hẹn hò
một thời gian, rồi có Emma và họ chia tay trước khi Emma ra
đời. Tuy thế, cả hai cùng nuôi Emma. Mỗi tuần, Emma đến ở căn
hộ của bố một tối và bố Emma cũng chịu trách nhiệm đưa
Emma đi chơi, đi học một số ngày trong tuần. Trong căn hộ của
Kat và Emma, tôi sẽ có một phòng nhỏ và thế là đủ vào lúc này.
Những ngày tháng tới sẽ vất vả khi tôi chính thức làm thủ tục ly
dị. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra; tôi chỉ biết tôi không nên ở
một mình.

Cứ như thế, mùa hè chậm chạp trôi qua.

Phần 4

Đại lộ Hyde Park

Chương 26

Tháng Chín, mùa thu bắt đầu và tôi dọn tới sống với mẹ con

Kat. Buổi sáng nay, hai người đàn ông của công ty chuyển nhà
đến giúp tôi chuyển đồ. Cả hai người đều da đen và còn trẻ - một
đã thạo việc, một đang học việc. Anh chàng học việc mới làm
nên còn hay tò mò về khách hàng. Anh ta hỏi tôi trong lúc đóng
gói đồ.

- Cô là nhà văn à?

- Sao anh nghĩ thế?

- Tôi đoán thôi - anh ta chỉ vào những thùng sách mà tôi đã viết
chữ “Văn học” bên ngoài.

- Vâng, tôi viết văn - tôi cười.

Anh ta có vẻ hâm mộ lắm. Rất nhiều người da đen ở Chicago
lớn lên trong nghèo khó, không có cơ hội học hành đến nơi đến
chốn; với họ, chuyện đi học và trở thành trí thức là cái gì đó rất
xa vời.

Chuyển nhà mất hơn 200 đô; tôi đưa thêm 30 đô tiền tip. Họ
ngạc nhiên - vì tôi chỉ là sinh viên và nhìn vào đồ đạc thì rõ ràng
tôi nghèo. Đúng rồi. Ngoài sách, một ít quần áo, một cái ti vi,
một bộ dàn nghe nhạc, dăm ba cái nồi và mấy cái bát, tôi không
có tài sản gì khác. Nhưng tôi không cảm thấy nghèo.

Hôm qua, bố mẹ Kat và Shawn (anh trai Kat) đoán tôi sẽ có
nhiều đồ đạc lắm nên họ đã đến giúp Kat dọn sạch căn phòng sẽ
dành cho tôi. Họ cũng dọn một số ngăn tủ trong nhà tắm và bếp
để tôi có chỗ chứa đồ. Nhưng rồi tôi đến và chẳng hề có đồ đạc gì
cả - không giường, không đệm, không bàn ghế, không tủ, thậm
chí đến giá sách cũng không có.

- Em sẽ để sách của em ở đâu? - Shawn hỏi tôi - nhiều sách quá.

- Em sẽ chất thành hàng trên sàn nhà.

- Thế quần áo?

- Em sẽ treo trong closet.

- Thế em ngủ ở đâu - Shawn hỏi tôi.

- Em sẽ ngủ dưới đất. Em trải chăn dưới sàn nhà rồi ngủ.

- Chúa phù hộ em, em không sợ đau lưng à? Em có chắc không?
Trong phòng này vốn có một cái xô pha giường; bọn anh mang
bỏ xuống hầm vì cứ nghĩ là em sẽ có nhiều đồ lắm. Em có cần cái
xô pha đấy không, anh có thể khiêng lên cho em.

- Em không cần giường nhưng nếu có để ngồi thì cũng tốt.
Nhưng mà thôi.

Tôi nói thế bởi vì Shawn khập khiễng một chân. Nhưng anh
ấy cứ khăng khăng “không sao đâu, không sao đâu” và hăm hở
đi vác xô pha lên cho tôi.

Emma, con gái của Kat mới bốn tuổi. Con bé rất dễ thương.
Emma có một mái tóc ngắn màu vàng, cắt ốp theo kiểu thời Jazz
Age; mặc một cái váy hồng và thích xoay tròn để cho cái váy
bồng lên.

- Cô nhìn xem, cô nhìn xem - con bé cười khanh khách.

Hôm nay Emma vẽ tặng tôi một “bức tranh” để chào mừng tôi
tới. Bức tranh gồm cả nghìn vòng tròn rối tinh rối mù.

- Trường phái Pollock đây - tôi không nhịn được cười - Cảm ơn
cháu.

Lâu rồi tôi mới lại cười thế này. Emma vẫn chưa gọi được cái
tên Việt Nam của tôi nên gọi tôi là “our roomie” - “người ở cùng
nhà với chúng ta”.

- Mẹ ơi - Emma hỏi Kat - người ở cùng nhà với chúng ta sẽ ở đây
bao lâu?

- Ồ, cô ấy sẽ ở đây cả năm. Có tuyệt không con?

- Thế năm nào cô ấy sẽ ở với mình?

- Năm nay con ạ, cả năm nay.

Tôi xếp đồ vào nhà Kat rồi quay lại studio để dọn dẹp lần cuối
cho sạch sẽ. Dọn xong là sáu giờ chiều. Mặt trời đang lặn. Không
còn đồ đạc che khuất một phần cửa sổ nên tôi có thể nhìn thấy
bầu trời màu hồng nhạt. Tôi kéo rèm lên cao hết cỡ để nhìn thấy
thật nhiều trời rồi ngồi đó ăn tối và nghĩ tôi hoàn toàn có thể
sống như thế này - không đồ đạc, không tiện nghi, chỉ có tôi và
cái máy tính là đủ, thậm chí nếu không có máy tính cũng không
sao. Tất cả những thứ mà tôi đã chuyển sang nhà Kat, tôi có thể
vứt hết đi. Những gì tôi cần có thể bỏ vào một cái va li; chỉ thế là
đủ.

Thực sự mà nói, người ta cần rất ít thứ trong đời.

Chương 27

Phòng ở mới này nhìn xuống đường Dorchester. Qua cửa sổ,

tôi có thể nhìn thấy những cây cổ thụ bên ngoài những căn nhà
brownstone nhiều hoa. Tôi đã dọn sách ra, chất thành dãy dọc
tường nhà. Dàn nghe nhạc cũng đã được bỏ ra; từ nay, mỗi sáng,
tôi có thể nghe nhạc trước khi trở dậy đến trường.

Emma có vẻ rất vui vì có thêm người sống trong nhà. Và rất tò
mò về cái người mới mà con bé vẫn kiên quyết chỉ gọi là “người
ở cùng phòng với chúng ta”. Chiều nay, trong lúc tôi dọn đồ
trong phòng thì Emma lượn đi lượn lại bên ngoài hành lang
nhưng không dám vào. Sau cùng, không cưỡng được tò mò, con
bé gõ vào cánh cửa để hé.
- Cháu có muốn vào xem không?
- Có ạ.

Tôi bỏ mấy thùng chắn gần cửa cho Emma bước vào.
- Cô có cái này cho cháu này.
- Ôi, cô có cái gì cho cháu ạ?
- Cookies. Do you like cookies?
- Cookies? Oh, I loooooove cookies.

Tôi đưa cho Emma hộp bánh mà tôi mua trong khu Việt Nam
làm quà cho con bé. Emma nói “thank you” rồi chạy biến vào
bếp, miệng hét thất thanh:
- Mommy, mommy, người ở cùng nhà với chúng ta cho con
cookies này.

Tôi không nhịn được cười. Kat cũng buồn cười nhưng vẫn
phải giả vờ nghiêm khắc. Kat gọi với từ bếp vào:

- Emma có làm phiền em không đấy? Nó lấy cookies của em hả?
- Không đâu, em mua cho Emma đấy.
- Thế hả? Emma, con nói cảm ơn cô chưa?
- Con nói rồi.
- Đi vào nói lại với cô đi.

Emma lại trở lại phòng:
- Thank you for the cookies.
- You’re welcome - tôi nói.

Buổi tối, chúng tôi đang ăn tối cùng nhau ở bàn thì Emma hỏi
tôi:
- Cô ơi, chồng cô đâu?

Kat phát hoảng.
- Ồ, Emma, cô ấy chưa có chồng. Không phải ai cũng có chồng
con ạ. Có người vẫn còn độc thân.

Rồi quay sang tôi:
- Xin lỗi em. Dạo này con bé đang giai đoạn mê mẩn công chúa
với hoàng tử. Nó thích đọc truyện cổ tích và nghĩ mọi cô gái đều
là công chúa và có một hoàng tử là chồng. Nó hỏi tất cả mọi
người chồng cô đâu.

Rồi quay sang Emma.
- Honey, người ở cùng nhà với chúng ta vẫn độc thân, cô còn
chưa có chồng.
- Thực ra thì em có - tôi nói với Kat rồi với Emma - Chồng cô
không sống ở đây; chồng cô sống ở bang khác.
- Ồ, thế là em có chồng à, chị không hề biết.
- Vâng, nhưng bọn em đang làm thủ tục ly dị.
- Ồ, chị xin lỗi.
- Bang khác là ở đâu ạ? - Emma hỏi.

- Emma! - Kat nói - đừng hỏi người khác những chuyện riêng tư
con nhé. Đừng hỏi các câu hỏi quá cá nhân. Nếu họ tự kể cho con
thì không sao, nhưng nếu họ không nói thì mình không nên tò
mò, tọc mạch.

Rồi quay sang tôi:

- Chị xin lỗi; đôi khi nó hỏi những câu làm chị xấu hổ không
chịu được.

- Không sao đâu.

- Sao chồng cô lại không ở đây với cô? - Emma vẫn khăng khăng.

- Honey, chồng cô ấy sống ở nơi khác.

- Giống như bố với mẹ hả?

- Ừ, đại để thế nhưng cũng không hẳn vậy; rất phức tạp con ạ...
tức là...

Nhưng Emma đã chạy biến ra phòng khách xem phim hoạt
hình. Tôi hỏi Kat:

- Chị có giải thích cho Emma về tình trạng của chị với Mike
không? Con bé có hiểu không?

- Đại để nó cũng hiểu là chị với Mike không lấy nhau và không
sống với nhau, rằng Mike sống ở một chỗ riêng còn chị ở một
chỗ riêng. Nhưng chị nghĩ con bé còn chưa hiểu khái niệm hôn
nhân, ly hôn, sống chung; nó biết đại khái thôi và thấy ổn với
việc bố mẹ không sống chung(20).

- Chị có nói chuyện với con bé về những điều này không?

- Nếu nó hỏi thì chị giải thích nhưng về cơ bản là nó biết và nó
thấy thoải mái vì nó vẫn có thời gian với Mike.

- Chỗ này thì có vẻ người Mỹ khác người Việt Nam. Hầu hết
người Việt nam không ly dị kể cả rất đau khổ vì họ muốn con cái
có cả cha mẹ; họ giấu bọn trẻ con họ khổ sở thế nào, nhiều khi
họ nói dối bọn trẻ.


Click to View FlipBook Version