The words you are searching are inside this book. To get more targeted content, please make full-text search by clicking here.

Đội đập đá trại 6 Nghệ Tĩnh - Tác giả Louis Lê Tuấn

Discover the best professional documents and content resources in AnyFlip Document Base.
Search
Published by lanthicung, 2022-03-09 19:32:02

Đội đập đá trại 6 Nghệ Tĩnh- Louis Lê Tuấn

Đội đập đá trại 6 Nghệ Tĩnh - Tác giả Louis Lê Tuấn

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

“Cuối cùng tôi lên gặp tòa đại sứ của Việt Nam cộng sản
ở New York. Tôi nhớ là ngày 30 tháng 4...tôi được Bộ Ngoại
giao và Quốc hội sắp xếp cho tôi gặp ở trên đó để đòi cho được
họ thả tù nhân chính trị và định cư ở Mỹ. Ba tháng sau cái ngày
cuối cùng đó thì họ chấp thuận ký cái thỏa hiệp, agreement để
cho tù nhân chính trị ra đi là ngày 30/7/1989”

Tướng John W.Vessey, người đã thừa hành ũy nhiệm của
Tổng Thống Reagan qua Hà Nội năm 1987 – 1988 để thương
lượng và ký kết các điều khoản liên quan đến toàn thể những
“Tù Cải Tạo” ra khỏi trại giam và lần lượt định cư ở Hoa Kỳ
theo chương trình H.O. Cuối cùng cả hai, Hoa Kỳ và
CSVN cùng ký bản thoả ước ngày 30 Tháng 7, 1989 tại Hà Nội.

Từ ngữ HO (Humanitarian operations) chỉ là câu nói vắn
tắt. Thất ra Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, họ gọi chương trình này là
Political Prisoners Sub-Committee.

Vào thời gian này, hầu như mỗi ngày, những người tù cải
tạo (sĩ quan chế độ cũ), thường tụ tập tại công viên trước (Dinh
Độc Lập) gần góc đường Alexandre de Rhodes, một địa điểm
cũng gần nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

Mỗi buổi sáng tại khu vực này thường tụ tập khá đông
những thành phần sĩ quan chế độ cũ, những người đã trải qua
nhiều năm tù cải tạo. Tại đây có rất nhiều thông tin lạc quan về
chương trình HO. Có mộ thông tin, tôi cho là hợp lý và hay nhất
đó là, mỗi người nên làm một bộ hồ sơ và gửi thẳng qua Tòa Đại
Sứ Hoa Kỳ tại BangKok Thailand.

Tôi cũng theo ý kiến này, tự làm bộ hồ sơ kèm theo giấy
tờ copy, giấy ra trại, giấy hôn thú, khai sinh con, và giấy chứng
nhận tạm trú, vì thời gian này vợ con tôi không có hộ khẩu
thường trú, mặc dù chúng tôi có hôn thú và con tôi có giấy khai
sinh tại Sài Gòn, nhưng công an vẫn không cho vào hộ khẩu.
Chế độ cộng sản là như thế, muốn có hộ khẩu phải tốn vài cây
vàng, vì tờ hộ khẩu la bảo bối của mỗi gia đình..

Tôi trình bày đầy đủ chi tiết trong lời khai và gửi qua Tòa
Đại Sứ Hoa Kỳ tại Thailand, việc gửi đi thì cứ gửi còn thơ từ có

300

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

đến nơi hay không thì không biết, còn tùy thuộc vào Bưu Điện
của chính quyền cộng sản.

Niềm hy vọng cũng chỉ là một ước mơ thôi, còn nhiều
vấn đề diễn tiến không biết có thành sự thật hay không còn tùy
vào số phận.

Cuối năm 1987, tôi nhận được tin từ Mỹ, cho biết có một
đợt vượt biên, do việt kiều Mỹ kết hợp với người trong nước tổ
chức, sẽ đi bằng đường bộ qua Miên (Campuchia), từ Miên đi
bằng tầu qua đảo Pulau Bidong. Mọi chung chi sẽ tính tiền khi
đến Hoa Kỳ. Tôi nghe tin này cũng rất hấp dẫn, vì trong giai
đoạn này vẫn còn rất nhiều người vượt biên.

Tôi mới lập gia đình và có đứa con đầu lòng, tôi cần một
cuộc sống mới, cần công ăn việc làm, cần một tương lai tươi
sáng hơn để lo cho vơ con. Cuộc sống hiện tại của tôi thì hoàn
toàn bế tắc, tôi suy nghĩ thật nhiều về vấn đề đi hay ở, cuối cùng
tôi chọn giải pháp ra đi vượt biên.

Tôi nhận được tin sáng sớm, phải đến địa điểm tập trung
là một căn nhà trong khu xóm tại Gia Định, tôi đến địa điểm tập
trung, bước vào nhà tôi nhận ra có một nhóm khá đông, đa số là
phụ nữ và trẻ em, ngồi chờ một lúc sau, có người đàn ông
(người Việt gốc Miên), ông ta đến và hướng dẫn chúng tôi đi,
ông ta căn dặn kỹ, không được nói chuyện, chỉ nhìn theo tôi, nếu
tôi đi đâu thì cứ lặng lẽ đi theo.

Ông dẫn chúng tôi đến bến xe lamp Gia Định, đi về khu
vực Quận 10, đến đường Triệu Đà gần chợ Nguyễn Tri Phương,
nơi này thì tôi qúa quen thuộc vì gần nhà tôi. Người dẫn đường
xuống xe bước vào một quán cà phê, ngồi uống café chờ đợi
chuyến xe đi Tây Ninh, rồi từ Tây Ninh đi qua biên giới đến
Phnom Penh - Campuchia.

Chúng tôi bước vào theo, tôi ngồi uống ly café đá mà
lòng tôi ngổn ngang những suy tư, tôi rất nhớ vợ con tôi,. Tôi tự
đặt ra nhiều tình huống xảy ra, nếu tôi bỏ ra đi, rồi bị bắt hay bị
chết trên dọc đường đi, thì vợ con tôi sẽ khổ biết bao. Nếu tôi đi
thoát, được định cư tại Hoa Kỳ, thì liệu hạnh phúc gia đình còn
bền vững không, hay lại đổ vỡ vì hoàn cảnh mỗi người một nơi

301

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

xa xăm nửa vòng trái đất. Tâm trạng tôi lúc này là một sự giằng
xé đau đớn vô cùng. Cuối cùng như có một sức mạnh linh thiên
nào đó, một tình cảm gia đình, đã lấn áp trái tim tôi một cách
mãnh liệt, làm thay đổi ý định vượt biên, tôi quyết định không
đi.

Tôi đã tự ý đứng lên, bước ra khỏi quán café, trước sự
ngạc nhiên của người đàn ông dẫn đường và của những người
đang chuẩn bị đi vượt biên cùng chung một chuyến với tôi.

Bước ra khỏi quán café, tôi lững thững đi bộ trên con
đường quen thuộc để đi về nhà, vừa bước vào nhà. Mẹ tôi và các
em tôi rất ngạc nhiên.

Mẹ tôi hỏi. Sao mới đi lại về.
Tôi trả lời Mẹ tôi, con không đi nữa, chấp nhận ở lại với vợ con.
Hai cô em gái tôi vội lên tiếng, nếu anh không đi thì tụi em đi
thay.

Vài ngày sau đó hai cô em tôi lên đường đi vượt biên
cũng theo đường dây tổ chức dưa người vượt biên từ Sài Gòn
qua Phnom Penh (Campuchia), từ đó đi đường biển qua thắng
đảo Pulau Bidong, Malaysia. Nhìn chung thì cách thức tổ chức
rất chuyên nghiệp, đường đi khá an toàn.

Cùng một chuyến đi, cùng một đường dây tổ chức, chia
thành nhiều chuyến đi trước sau, vậy mà mỗi chuyến cũng có
những tình huống hay số phận khác nhau. Gia đình tôi có hai cô
em chấp nhận ra đi, đó là Vy và Vân.

Khoảng một tuần sau thì Vân, trở về nhà, mọi người xúm
lại hỏi thì Vân cho biết.

Em qua đến Phnom Penh người tổ chức dẫn mười mấy
người nhóm của em, đa số là con gái và trẻ con, gửi vào một
căn biệt thự khá đẹp, nằm ở đó chờ, vợ chồng chủ nhà là người
Miên nhưng nói được tiếng Việt, họ cho biết mọi người phải ở
trong nhà không được ra ngoài, vì sợ bị lộ.

Nhóm của em nằm tại địa điểm này 2 ngày thi bị lộ và
mọi người bị công an Miên bắt, họ nhốt trong một căn nhà,
nhưng không khóa cửa, bên Miên họ dễ lắm không thù hận

302

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

những người vượt biên, thế là cả nhóm của em tự động đi ra
ngoài, rồi đón xe đi về biên giới Tây Ninh, từ đó đi về nhà.

Riêng Vy thì mấy ngày sau nhận được tin đã đến trại tị
nạn Bidong. Sau này Vy kể lại, nhóm của em gồm mười mấy
người, được tổ chức che dấu đưa đến bến cảng Sihanouk, tại đây
họ gom lại nhiều nhóm khác nhau, lên một con tàu gỗ khá lớn,
con tầu với người tài công rất giỏi, chạy trong vòng một ngày là
đến thẳng đảo Bidong. Tại đảo Pulau Bidong Vy đã liên lạc
được các em tại Hoa Kỳ, rồi mấy tháng sau Vy đã được bảo
lãnh, chuyển qua Philippin học thêm tiếng Anh, chờ ngày đoàn
tụ gia đình tại thành phố San Jose, California.

Lịch sử thuyền nhân Việt Nam bắt đầu khép lại từ năm
1996, khi Liên Hiệp Quốc quyết định đóng cửa các trại tị nạn
trong khu vực và khi cuộc sống trong nước bắt đầu dễ thở hơn,
chấm dứt một bi kịch kéo dài suốt hai thập niên trên biển.

Tin vui giữa giờ tuyệt vọng

Chương trình định cư theo diện HO đã thành sự thật,
những dịch vụ làm thủ tục đi diện HO nở rộ. Tại trụ sở công an
thành phố, hàng trăm người đứng xếp hàng mỗi ngày để nộp hồ
sơ xin xuất cảnh. Trong tập hồ sơ này, tờ hộ khẩu thường trú
vẫn là tờ giấy quan trọng nhất, sau đó là tờ giấy ra trại, kèm theo
một số tiền khá lớn (vào thời bấy giờ)

Tôi đã đến nộp đơn đi theo diện HO, nhưng hồ sơ của tôi
không đầy đủ vì lý do, chỉ có mình tôi có tên trong hộ khẩu, còn
vợ và hai con của tôi chỉ có tên trong sổ tạm trú. Nhân viên công
an làm giấy tờ, họ nói anh chỉ được đi một mình rồi sau khi đến
Mỹ anh bảo lãnh cho vơ con sau, tôi không đồng ý và ra về.

Tôi liên lạc với công an Phường để xin ghi tên vợ con
vào hộ khẩu, họ không đồng ý, có người mách nước cho tôi cách
đút lót. Tôi phải trình bày rõ hơn về điểm này, công an miền
“Bắc hay Trung” những thành phần nồng cốt của chế độ từ
ngoài Bắc đem vào, rất là hách dịch, họ rất lên mặt quan quyền
và ăn tiền rất đắt.

303

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

Tôi gặp cô công an phường (người miền Nam), sua khi
trình bày chi tiết cô nhận lời giúp với giá (5 chỉ vàng) tôi đồng
ý. Nhưng khi được giới thiệu lên công an Thành Phố, thì mọi
chuyện cũng không xong, họ vẫn không chấp nhận cho vợ con
tôi vào hộ khẩu. Tôi đành bỏ đi về tìm một giải pháp khác.

Tôi làm một bộ hồ sơ khác, với đầy đủ giấy tờ chứng
minh, lần này xin bổ túc thêm đứa con trai mới sinh, tóm lại gia
đình tôi gồm có 4 người, hiện đang sống trong hoàn cảnh rất khó
khăn, vơ con tôi không được có tên trong tờ hộ khẩu. tôi cầm bộ
hồ sơ này ra bưu điện Sài Gòn và gửi đến tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại
Thailand.

Trong khi bạn bè tôi lần lượt nhận được số thứ tự HO và
họ đã cầm hộ chiếu trong tay. Tôi tiếp tục đi nghe ngóng tin tức,
hỏi thăm rất nhiều người, có người cho tôi biết, ra Hà Nội đến
thẳng dịch vụ công an thành phố Hà Nội là nhanh nhất.

Mùa hè năm 1990. Hai vợ chồng anh chị của bà xã tôi từ
Canada về thăm gia đình, anh chị có ra Hà Nội, thế là chúng tôi
cùng đi Hà Nội. Tôi dẫn vợ con tôi ra thẳng dịch vụ công an Hà
Nội, xin làm thủ tục xuất cảnh theo diện HO. Nhân viên công an
làm việc tại đây họ rất vui vẻ nhận ngay hồ sơ của tôi, tôi hơi sợ
vì vợ con không có tên trong hộ khẩu, nhưng không có gì trở
ngại, người công an làm hồ sơ nói, không cần hộ khẩu, chỉ cần
hôn thú và khai sinh là đủ rồi.

Dịch vụ công an Hà Nội cho tôi một tờ giấy biên nhận, và
hẹn tôi tuần sau đi nhận hộ chiếu. Đúng như giấy hẹn một tuần
sau, chúng tôi đến nhận hộ chiếu với tờ giấy xác nhận trong
danh sách đi HO 20. Tôi mừng quá, cầm trên tay 4 cái hộ chiếu
và giấy xác nhân HO 20.

Tôi bắt đầu yên tâm hơn vì đã có hộ chiếu cho cả gia
đình. Thời gian này những sĩ quan tù cải tạo được đi theo diện
HO, tự nhiên lại có giá, nhiều cô gái dòm ngó muốn kết hôn,
trước đây những người tù cải tạo, đi đến đầu người ta đều muốn
né tránh thì ngày hôm nay lại được chào đón.

Việc gì đến rồi nó cũng đến, một tin vui đến với chương
trình HO đó la sự kiện:

304

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

“Ngày 5 tháng 1 năm 1990 có lẽ là ngày lịch sử đối với hàng
trăm ngàn người trong đại gia đình tù nhân chính trị Việt Nam.
Chuyến bay chở nhóm HO đầu tiên ghé Bangkok làm thủ tục
trung chuyển sang Mỹ đã làm cộng đồng người Việt tại Mỹ theo
dõi từng giây phút”.

Điều này như một xác nhận chương trình HO là có thật
và nó đang được xúc tiến, những tháng tiếp theo là danh sách
HO 2, 3 và 4 nó được tuần tự tiếp diễn ra đi định cư tại Mỹ. Vì
có nhiều người nôn nóng được ra đi sớm hơn, một khi có nhu
cầu đòi hỏi là có dịch vụ để lo lót, thế là công an lại đẻ ra dịch
vụ chạy giấy tờ (Đôn HO) từ danh sách số lớn lên danh sách số
nhỏ hơn, số vàng bỏ ra để chạy chọt nó cũng được nâng theo
giá, tùy thuộc con số càng nhỏ thì càng nhiều vàng. Tôi không
có tiền để chạy chọt nâng số HO. Thôi đành buông theo số phận
muốn ra sao thì ra?

Trong thời gian đó tôi vẫn đi làm xây dựng, lúc có việc
lúc không. Thời gian này tôi cũng hay tìm đọc mấy quyển tử vi
bói toán. Tôi nhận ra vận mệnh của một dân tộc, hay nói khác
hơn là một đất nước, vận hạn này nó có thể kéo dài hàng trăm
năm, một khi vận hạn sấu đã đến thì nó ảnh hưởng mạnh mẽ vô
cùng. Kế tiếp là vận hạn của từng lãnh thổ, từng vùng đất, từng
Tỉnh Lỵ hay Quận Hạt, vận hạn này thời gian có thể ngắn hạn
hay kéo dài 10 năm hay 20 năm. Ví dụ câu chuyện:

Có một vị thầy tướng số nổi tiếng đi đến một quận huyện,
sau khi quan sát ông nhận ra có một luồng hắc ám (ám khi đang
bao quanh) rất mạnh sẽ ập đến nơi đây. Nghe tin có vị thầy nổi
tiếng, vị quan Huyện cho mời vào xem quẻ, vị thầy quan sát
dinh thự và nhìn mặt quan, ông thầy phán một câu.

Tôi nói thật với quan, nếu ông không tạm thời tránh xa
vùng đất này, để tìm đến một nơi khác tạm trú, ông sẽ gặp đại
hạn và rất nguy đến tính mạng. Ông quan Huyện bỉu môi nhìn
ông thầy bói rồi nói. Nhà người ăn nói tầm bậy, Huyện đường
của ta nguy ngay tráng lệ, đời sống dân tình xung túc thì làm gì
có hoạn nạn xảy ra, ông quan Huyện không tin và đuổi ông thầy
bói toán đi.

305

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

Quả nhiên mấy ngày sau, trong một đêm tăm tối, một bọn
cướp với lực lượng rất hung hậu chúng đến cướp bóc, và nhắm
thẳng vào gia đình quan Huyện vì biết ông rất giàu có, chúng đã
cướp hết tài sản và giết sạch đốt sạch, không riêng gì nhà quan
huyện mà ngay cả Huyền Đường, cũng như khu vực chợ búa
gần đó, chúng cũng cướp phá và đốt sạch trong một đêm. Người
chết vô số kể, trong đó có gia đình ông quan huyện.

Như vậy chúng ta tự đặt câu hỏi không lẽ tất cả những
người dân trong Huyện này, đã gặp nạn hay chết hết hay sao, tất
cả họ đều có chung một số mệnh hay sao? Không phải như vậy,
như thầy tướng số đã nhìn thấy, nếu lúc đó vị quan Huyện tạm
thời lánh mặt đi nơi khác thì ông ta không chết. Đó là (Vận Khí)
của một địa danh, một vùng đất, một quận huyện, vận hạn này
một khi xảy đến thì nó rất mạnh, vận mệnh nhỏ bé của một con
người, rất khó có thể vượt qua được, may ra thì sống sót trong
sự mất mát to lớn.

Câu chuyện này không khác gì ngày 30 tháng 4 năm
1975 khi cộng quân đánh chiếm Sài Gòn. Vận mệnh của một
thành phố đã đươc an bài, tất cả người dân sống trong thành phố
này đều phải chịu chung một vận hạn, đó chính là tại họa mà
chính quyền cộng sản mang đến.

Cho đến thời điểm năm 1990. Vận hạn của thành phố Sài
Gòn đang giảm dần sức mạnh, nó như một cơn bão cực mạnh
đang giảm dần sức gió tàn phá. Từ suy nghĩ này tôi liên tưởng
đến vận mệnh của vài trăm ngàn người (Sĩ quan, Công chức
VNCH) những người phục vụ trong chính quyền miền Nam VN.
Có rất nhiều người có đức độ, tài cao học rộng, tướng mạo
phương phi rất tốt, không lẽ cuộc đời của họ lại đi đến tận cùng,
không lẽ con cháu của họ phải bị đầy đọa, bần cùng hóa, phải
sống trong một chế độ mang đầy tính chất phân biệt đối xử,
phân biệt giai cấp, phải chịu đựng sống trong nghèo đói ngu dốt
vì lý lịch (3 đời theo Ngụy) hay sao?

Mệnh Trời đã an bài. Số phận những con người phải thay
đổi, phải đưa họ ra khỏi vùng đất chết (vùng đất cộng sản đang
chiếm đóng), một khi đã ra khỏi vùng đất này, thì ngay tức khắc

306

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

số phận của những người này sẽ thay đổi, theo chiều hướng tốt
đẹp hơn.

Đó cũng là một bằng chứng hiển nhiên. Tất cả những gia
đình VN chạy thoát cộng sản, định cư tại nước ngoài, đại đa số
đều thành công tại nước ngoài, con cháu họ đều tốt nghiệp đại
học, và thành công trong mọi phương diện.

Nếu cuộc diện thay đổi, nếu vận hạn của đất nước VN
tươi sáng hơn, chủ nghĩa cộng sản bị lụi tàn và đào thải, thì
chính con cháu những người tù nhân định cư theo chương trình
HO, hay ODP sẽ là những nhân tài của đất nước VN. Họ sẽ trở
về để xây dựng lại Quê hương VN. Khi ấy chính họ mới là lãnh
đạo của đất nước VN Tự Do.

Vận may của gia đình tôi

Năm 1991 Mẹ tôi và các em tôi được đi định cư sang Mỹ
qua diện (Đoàn tụ gia đình) em gái tôi ở Mỹ đứng ra bảo lãnh.
Khi ấy tôi và vợ con tôi tiếp tục ở lại trông nhà, tiếp tục sống với
những ngày tháng chờ đợi đi định cư theo chương trình HO.

Con gái lớn của tôi bắt đầu theo học lớp mẫu giáo, phải
đến trường lớp, phải học những câu nói ca tụng Bác và Đảng,
phải tập hát những bài hát như “Đêm qua em mơ gặp bác hồ.
Râu bác dài tóc bác bạc phơ”. Tôi có cảm tưởng như con tôi
đang gặp ma quái, “nanh nó dài mắt nó đỏ hoe.”

Thật khủng khiếp qua, những tâm hồn ngây thơ trong
trắng của các cháu bé đang bị nhồi nhét những chủ thuyết cộng
sản vô thần.

Bà Olga Dror giáo sư đại học Texas A&M đã có nhận
định như sau:

“Nền giáo dục của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, dựa trên
hai yếu tố Yêu và Hận”
Yêu ở đây có nghĩa là phải yêu bác hồ. tức là yêu chủ nghĩa
cộng sản, bởi vì toàn thể dân chúng đều không hiểu chủ nghĩa
cộng sản là gì? Đảng cộng sản phải dựng nên một hình ảnh thực

307

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

tế (dễ nhận dạng) đó chính là hình ảnh bác hồ, để yêu và tôn thờ.
Còn ghét là ghét “đế quốc Mỹ và ngụy quân ngụy quyền”

“Nền giáo dục miền Bắc dựa trên hai điều: yêu và
hận’. Bà Olga đưa ra ví dụ về một bức tranh cổ động ở miền

Bắc mà trong đó vẽ một đứa bé còn nhỏ với chiều cao khiêm tốn
nhưng lại ước mơ rằng em sẽ chóng cao lớn ‘để đi bộ đội đánh
đuổi giặc Mỹ’. Trong khi đó, ở miền Nam, bà Olga kể lại giai
thoại rằng khi thầy cô giáo hỏi các em có muốn lớn lên gia nhập

quân đội hay không thì các em nói rằng các em muốn, đến
khi mình 18 tuổi đất nước sẽ không còn chiến tranh nữa”

Nền giáo dục miền Nam trước 1975 có mục tiêu lâu
dài là xây dựng thế hệ công dân, lấy nhân nghĩa làm đầu, để
xây dựng đất nước trong thịnh vượng và tự do. Trong khi
miền Bắc (cộng sản) tập trung vào mục tiêu là đào tạo lớp
trẻ trở thành các chiến binh tiếp tục đi chiến đấu, phục vụ
lợi ích của đảng cộng sản.

Trong thời gian này tôi và một vài người bạn cùng
chung cảnh ngộ thường gặp nhau, rồi buồn chán rủ nhau
nhậu nhẹt cho quên đời, trong những lúc như vậy tâm hồn
tôi lại thường phiêu du theo những vần thơ, tôi viết rất
nhiều những bài thơ, ví dụ bài thơ (Cơn Say) mà tôi đã viết.

Ta choáng váng hồn nghiêng theo đáy cốc
Lòng xôn xao nghe tiếng vọng trong đời
Ta gõ nhịp vào thành chai ca hát
Ngả nghiêng cười một thoáng chốc vui chơi.

Đừng nghĩ rằng cuộc đời sao lận đận
Bạn bè ta đi mãi vẫn chưa về
Lịch sử, ngơi rất nhiều theo biến động
Mà sao hồn, vẫn tìm lại cơn mê.
Rót thêm nữa mừng cho đời hoan lạc

308

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

Mừng tóc ta, nhuộm trắng tuổi thần tiên
Tiếng kêu thân phận, ầm vang thiên cổ
Cát loạn ngàn trùng xóa dấu hoa niên.
Thêm chén nữa cho ta say túy lúy
Nghe đất gào, rạo rực dưới bước đi
Ai đang đứng, trông trời mây nước đó
Trăm năm buồn râu tóc đã bạc phơ.
Ta uống cạn hồn ta trong đáy chén
Cho vội vàng thêm hương sắc cuối mùa
Em độc thoại lời kinh là huyền diệu.
Thanh thản lòng mình, giây phút vui đùa.

Gia đình tôi đi định cư

Sự kiên nhẫn chờ đợi luôn mang lại một phần thưởng cho
người chân chính. Vận đen của một giai đoạn cuộc đời sẽ tan
biến đi, để mang lại một vận hội mới tươi sáng hơn, đó chính là
sự ra đi,

Đầu năm 1993 tôi nhận được giấy mời đi phỏng vấn, gia
đình tôi được mời lên sở Ngoại Vụ thành phố để gặp phái đoàn
Mỹ. Vợ chồng tôi và hai con, chúng tôi đến sớm vì sợ kẹt xe bị
trễ hẹn là nguy, chúng tôi ngồi chờ ngoài phòng đợi, gặp nhiều
gia đình cùng đến phỏng vấn, qua nhiều câu chuyện, cũng có
nhiều chuyện vui buồn. Nhất là những người làm hồ sơ giả mạo
đi diện con lai, có nhiều người sau khi gặp phái đoàn, bước ra
mặt buồn rầu, vừa đi vừa lắc đầu nói lẩm bẩm: phái đoàn nói
(No Lai)

Có nhiều trường hợp đi HO giấy tờ khai báo chưa thành
thật, giấy hôn thú khai sinh con không đúng cũng bị loại. Tôi
lắng nghe mọi câu chuyện vui buồn đang xảy ra mà lòng tôi
cũng hơi lo vì cho đến giờ phút này, vơ con tôi vẫn không có tên
trong hộ khẩu, chi có tên trong sổ tạm trú.

Rồi thì cũng đến lượt gia đình tôi được mời vào. Bước
vào phòng phỏng vấn, việc đầu tiên là tôi cúi đầu chào, trước

309

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

mặt tôi là một nhân viên ngọai giao Hoa Ky, một người Mỹ
trắng to lớn, bên cạnh là cô gái Việt làm thông dịch viên. Qua
lời thông dịch, họ mời chúng tôi ngồi xuống, riêng hai con tôi vì
chúng còn qúa bé, hai cháu không chịu ngồi yên, hay nghịch
ngợm, vợ tôi phải trông chừng.

Người Mỹ nhân viên di trú, nhìn tôi mỉm cười, vì chính
ông cũng nhận ra hai đứa con của tôi một gái một trai, hai cháu
trông rất xinh và hồn nhiên như thiên thần.

Tôi nhìn thoáng qua xấp hồ sơ để trên bàn làm việc, và
nhận ra trước mặt ông là bộ hồ sơ mà tôi đã gửi qua Tòa Đái Sứ
Mỹ tại Bangkok, như vậy những gì tôi khai báo trong hồ sơ này,
phái đoàn Mỹ đều biết.

Ông xem qua hồ sơ và hỏi tôi vài câu liên quan đến chế
độ cũ, và cuộc sống hiện tại, qua lời phiên dịch từ thông dịch
viên người Việt. Tôi trả lời đúng với sự thật, mà những gì tôi đã
trình bày trong hồ sơ đã gửi đi, phái đoàn Mỹ không hề hỏi tôi
về tờ hộ khẩu.

Sau cùng qua ánh mắt và cử chỉ biểu lộ một sự thân thiện,
ông gấp hồ sơ lại, tôi có linh cảm là hồ sơ của tôi đã được phái
đoàn chấp thuận. Cô thông dịch viên cho biết phái đoàn đã đồng
ý cho gia đình anh chị đi định cư tại Hoa Kỳ. Tôi mừng qúa vội
cám ơn bằng câu tiếng Mỹ

Thank you very much
Bước ra khỏi phòng, tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt
qua giai đoạn khó nhất và được phái đoàn Mỹ chấp thuận.
Bắt đầu từ hôm đó, một niềm vui như đang tràn ngập tâm
hồn tôi, tôi cảm thấy yên tâm hơn, vì không còn bao lâu nữa gia
đình tôi sẽ được định cư tại Hoa Kỳ.
Những ngày tháng tiếp theo là sự chờ đợi. Theo yêu cầu
của sở di trú Hoa Kỳ, tất cả những gia đình đi định cư đều phải
đi khám sức khỏe, sợ nhất là bệnh phổi, những ai sau khi chụp
hình phổi, bị nám hay bị mờ đều phải uống thuốc điều trị, có khi
cả gia đình bị hoãn chuyến bay vì thời gian uống thuốc kéo dài.
Cũng may sau khi khám sức khỏe, cả gia đình tôi sức
khỏe bình thường không gì trở ngại. Vào thời gian này có nhiều

310

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

dịch vụ mở ra để lo mọi thủ tục giấy tờ cho những người đi xuất
cảnh, có cả xe đưa đón ra phi trường. Tôi đã nhờ dịch vụ, để họ
giúp làm mọi thủ tục giấy tờ xuất cảnh.

Gia đình chúng tôi nhận được giấy báo ngày ra đi định cư
là ngày 9 tháng 11 năm 1993. Những ngày tháng cuối năm
không khí nhộn nhịp của ngày lễ Giáng Sinh, của những ngày
chuẩn bị đón Tết năm Giáp Tuất 1994 sắp đến. Làm cho tâm
hồn những người sắp đi định cư, thêm một cảm giác vui buồn
lẫn lộn. Nhưng du sao việc ra đi vẫn là một quyết định đúng
nhất.

Buổi sáng sớm ngày 9 tháng 11 năm 1993, một ngày khó
quên trong đời tôi. Buổi sáng hôm ấy không gian bàng bạc một
lớp mây trời, như còn vương vấn một làn sương mù phảng phất
trên ngọn cây, một làn gió nhẹ thổi về làm những tán lá trên
cành cây đong đưa như vẫy chào tạm biệt, chạy dài theo con
đường 3 tháng 2 (đường Trần quốc Toản cũ) là hai hàng cây cổ
thụ, xòe nhánh cây, làm rợp mát con đường.

Chiếc xe bus của dịch vụ đưa đón đã đậu nơi đầu ngõ.
Gia đình chúng tôi bước ra khỏi nhà, vợ tôi bế cậu con trai và
tay dắt con gái đi theo, tôi kéo hai cái vali hàng lý bước đi trên
con hẻm nhỏ. Cả xóm và họ hàng đến tiễn đưa. Có những giọt
nước mắt xụi sùi đưa tiễn, có những cái ôm tạm biệt, có những
tiếng cười và lời chúc ra đi bình an.

Mọi người lên xe bus, tất cả ghế ngồi đều hết chỗ, lối
xóm đi theo rất đông vì họ biết xe bus chở đi và sẽ trở về, do đó
mọi người đi theo cho vui.

Xe bus chạy vào phi trường, một cảnh náo nhiệt ồn ào,
tiễn đưa rất đông. Chúng tôi bước xuống xe, lại một lần nữa,
những cái ôm tạm biệt, những giọt nước mắt tiễn đưa, những nụ
cười chúc bình an. Mọi người đứng gần nhau chụp hình lưu
niệm.

Những người đi định cư đều đeo một tấm thẻ HO trước
ngưc, chúng tôi bước vào trong, đến bàn kiểm tra giấy tờ của sở
di chú. Chúng tôi bước qua vào trong khu cách ly, mọi người

311

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

quay lại vậy tay chào lần cuối, rồi đi vào khu hành lang lên may
bay.

Một cái bàn làm việc và hai cô gái nhân viên Hải Quan
ngồi một góc. Tôi vừa bước đến thì nghe tiếng nói thật to, nghe
chát chúa với giọng (Trung lai Bắc 75)

Chứng minh nhân dân đâu (thẻ căn cước) bỏ vào đây. Tôi
giật mình lấy cái chứng minh nhân dân bỏ vào thùng. Cô cán bộ
Hải Quan, lườm tôi và nói: Đã bỏ nước ra đi còn mang chứng
minh làm gỉ? Thôi được rồi đi đi.

Tôi mừng quá đi theo hành lang lên máy bay, ngồi trên
máy bay mà vẫn chưa thật sự yên tâm vì máy bay thuộc hãng
hàng không Việt Nam Airlines, có nghĩa là họ vẫn có thể bắt
mình quay lại VN. Tôi và những người HO đi chung chuyến
bay, nhìn nhau như một sự đồng cảm về một ý nghĩ chung, sau
vài giờ bay, phi cơ đã hạ cánh an toàn xuống phi trường Đài
Loan.

Tại đây xe bus đã chở chúng tôi vào phi trường, đi qua
Hải Quan của Đài Loan, chúng tôi vào đại sảnh ngồi chờ khoảng
gần 4 tiếng sau, chuyển tiếp chuyến bay từ Đài Loan đến Hoa
Kỳ.

Ngồi trên máy bay Boeing 747 của hãng hàng không
United Airlines, lúc đó chùng tôi mới thật sự yên tâm. Chuyến
bay từ Đài Loan bay thẳng qua San-francisco Hoa Kỳ.

Bước ra khỏi phi trường San-francisco, một luồng không
khí lạnh của tháng 11, làm chúng tôi hơi bị lạnh vì sự thay đổi từ
vùng nắng ấm đến mùa đông của vùng vịnh.

Tôi nhận ra Mẹ tôi và các em tôi đã đi đón gia đình tôi,
mọi người mừng rỡ gặp lại nhau.

Gia đình chúng tôi đã đến và định cư tại Thành Phố San
Jose, miền bắc California vào đúng dịp lễ Thanksgiving, một dịp
lễ tạ ơn. Tôi xin tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn đất nước Hoa Kỳ và tạ
ơn tất cả mọi người đã cưu mang và giúp đỡ gia đình chúng tôi
định cư trên vùng đất tự do.

Xin tạ ơn những sắc màu cuộc sống
Cho nhân quần hiện hữu ở quanh đây

312

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

Để mọi người hưởng phúc thiện hôm nay
Ơn Thượng Đế, ban bình an nhân loại.

Xin cảm tạ Đất Trời nơi ta sống
Nước Mỹ chân tình rộng lượng bao dung
Lòng nhân ái, cưu mang người tị nạn
Yêu tự do, sức sống đã nở hoa.

Tôi chợt nhớ đến một câu nói trong một quyển sách nào
đó mà tôi đã đọc. Thượng Đế đã nói với chúng ta rằng:
“Nếu các con không làm gì cả, thì ta cũng không làm gì cả”

Điều này có thể nhận biết, nếu chúng ta gieo hạt, chúng
ta sẽ được gặt hái. Vậy thì trước hết chúng ta phải làm việc và
hãy thay đổi con người mình, nếu không thay đổi, chúng ta cũng
chỉ là những gì đã nhận được mà thôi.

Đời sống như một dòng sông vẫn êm đềm trôi đi, đôi lúc
có những cơn bão thổi lướt qua, tạo thành những trận cuồng
phong sóng gió, nhưng rồi sẽ qua đi trả lại sự yêm đềm, bình
yên.

Gia đình chúng tôi đi dần đến ổn định, mỗi ngày một tốt
đẹp hơn. Các con tôi đều tốt nghiệp đại học, ổn định việc làm.
Vợ chồng tôi đã già đi theo năm tháng, đã đến tuổi (retired) nghỉ
hưu, vui hưởng tuổi già.

Hết.
Louis Tuấn Lê

313

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

Hồi Ký Đội Đập Đá

1- Lời tựa 1
2- Đội đập đá trại 6 Nghệ Tĩnh 2 – 128
3- Người tù và cái lon Guigo 129 – 152
4- Định luật vũ trụ và con người 153 – 187
5- Trận chiến lấn đất 1972 188 – 211
6- Huynh đệ chi binh 212 – 219
7- Những nẻo đường du xuân năm 2014 220 – 237
8- Trốn chạy 238 – 313
9- Tiểu Sử Tác giả 315 - 316

314

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

Tiểu Sử Tác Giả

Lê Tuấn. Sinh 1948 tại Hà Nội.
Tên theo quốc tịch Hoa Kỳ: Louis Tuan Le. Bút hiệu thường mang
tên Tế Luân – Lang Thang – Lãng Tử - Lòng Thiền – Lữ Thứ
Năm 1954 Theo gia đình di cư vào Miền Nam - Sài Gòn
Năm 1961 Theo học Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tầu
Năm 1967 Ra trường. Bắt đầu từ đó gắn liền với đời lính chiến.
Chúc vụ cuối cùng Đại Đội Trưởng Địa Phương Quân, dồn trú tại
Tiểu Khu Hậu Nghĩa
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản
1975-1983. Trong 8 năm tù đầy đã trải qua nhiều trại tù, đi từ miền
Nam ra miền Bắc.
Hoàng Liên Sơn – Yên Bái
Trại tù số 6 Thanh Chương Nghệ Tĩnh
Trại tù số 3 Tân Kỳ Nghệ Tĩnh

315

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

1983 được tha về nhà với tình trạng quản thúc tại chỗ.
Tháng 11 năm 1993 Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO 20.
Sinh sống tại Thung Lũng Hoa Vàng San Jose.
Hiện tại đã (Retire) nghỉ hưu
Thành viên Văn Thơ Lạc Việt, phụ trách ban Truyền Thông
Sinh Hoạt “Văn Thơ Lạc Việt”
Đã thực hiện nhiều Video clips Mạn Đàm về những tác phẩm văn học
kinh điển của Việt Nam như: Truyện Kiều - Chinh Phụ Ngâm - Cung
Oán Ngâm Khúc - Lục Vân Tiên - Hồ Xuân Hương. Tỳ Bà Hành.
Thực hiện nhiều Video phóng sự, phỏng vấn.
Đã phổ biến trên hệ thống TV Dân Sinh, Viet Today, VNA - TV và
trên hệ thống YouTube - Facebook .
Thực hiện nhiều Audiobook như:
Tình Yêu Trong Thi Ca
Mùa Thu Hoài Niệm.
Thực hiện nhiều video Du Lịch Âu Châu và Đông Âu,
phổ biến trên YouTube - Facebook
Từng là Chủ Bút Đặc San Nhân Trí Dũng
Viết nhiều thơ đăng trên Đặc San và Tuyển Tập VTLV

Tác phẩm đã ấn hành tại Hoa Kỳ:
Tình Yêu Của Tôi (Thơ)
Sen già nở muộn (tùy bút và thơ)
Đội đập đá. (Hồi ký tù cải tạo và truyện ngắn, tùy bút)
Lang Thang Cõi Người
Triết Học Và Thiền Bên Dòng Văn Thơ
Trân Trọng
Louis Tuấn Lê

316

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

317

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

Printed and published
United States of America 2020
Copyright by Louis Tuấn Lê

All rights reserved
LCCN 2020916918

318

Đội Đập Đá Louis Tuấn Lê

Đội Đập Đá Trại 6
Book Layout

Book Cover Design
By Louis Tuấn Lê

319

ài thơ thêm vào cuối quyển sách, như một trang phụ, để
nói lên tâm trạng của những nạn nhân của lịch sử, đã bị lưu
đầy ngay trên quê hương mình. (Thất lạc cõi người)

Thất lạc cõi người

Buồn từng cơn đến rồi im
Nhói đau từng đợt, lại ghìm vết thương
Lắng nghe mộ khúc vô thường
Cõi người thất lạc, đoạn trường nào hay.
Áng mây cố cựu xa bay
Đường xa qua ải, phủ đầy tuyết rơi
Lòng buồn mang nặng nguồn khơi
Cơn đau thân phận, một thời đảo điên.

Tiếng kinh vang động khắp miền
Lòng ta tan nát cội phiền chơi vơi
Tám năm thất lạc cõi người
Thắng thua một trận, đổi dời đắng cay.
Dòng sông vô lượng vơi đầy
Dòng đời vọng động, thân này chia hai
Hoàng hôn dấu đỏ chân mây
Ta buồn muốn kéo thêm dài đêm mơ.

Lê Tuấn
“Thất lạc cõi người, sau năm 1975 trải qua tám năm tù tập trung

cải tạo tại các trại tù miền bắc xã hội chủ nghĩa”


Click to View FlipBook Version