[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 251 Ngàn Tây nổi áng phong trần Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên Hồng quần nhẹ bước chinh yên Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta Ba thu gánh vác sơn hà Một là báo phục hai là Bá Vương Uy danh động tới Bắc Phương Hán sai Mã Viện lên đường tấn công Hồ Tây đua sức vẫy vùng Nữ nhi địch với anh hùng được sao! Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo Hai Bà thất thế cùng liều với sông! Trước là nghĩa, sau là trung Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn. Hàng năm, vào ngày 6 tháng 2 âm lịch, ngày giỗ hay lễ hội tưởng nhớ Hai Bà được tổ chức là ngày lễ chính thức của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 đến 1975. Ngày này cũng là Ngày Phụ nữ Việt Nam của miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa. Phong Châu Ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (1) Hậu Hán Thư: Bộ sử Tàu viết từ thời Đông Hán.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 252 Ngày tiễn đưa Thầy... Lê Ngọc Châu Thắm thoát gần hết năm, Đức bây giờ đang là Tháng Mười Một, vào Đông và trời đã trở lạnh. Thêm một tuần làm việc lại trôi qua. Hôm nay chủ nhật nên tôi thức dậy trể hơn mọi khi. Sau khi ăn sáng, uống cafe xong, tôi ngồi vào bàn vừa nghe nhạc vừa loay hoay dịch, đánh máy vài tin tức Đức cho tờ Bản Tin Hội. Đang suy nghĩ tìm từ Việt ngữ để diễn tả làm sao để người đọc hiểu ý, bỗng dưng có tiếng điện thoại reng lên. Cầm máy điện thoại trên tay, tôi vẫn nói như thường lệ: - Hallo, Châu nghe đây. - Anh Bình đây, người bạn bên kia đầu máy trả lời. - Chào anh, anh vẫn khỏe, tôi hỏi. - Vâng, anh thường luôn. Ngừng khoảng vài giây, anh tiềp : - Mà Châu có biết gì chưa? - Biết gì vậy anh, chắc là quan trọng lắm phải không? - Tin ... Ông Quan, thầy của Châu vừa mất! Tôi lặng người một tí, lấy bình tỉnh xong tôi nói với anh Bình rằng: - Chưa anh ạ, mới chủ nhật tuần rồi Châu còn điện thoại thăm và nói chuyện cùng Thầy, mà giờ đây thầy đã ra đi rồi! - Mà Thầy em mất khi nào vậy anh, anh có rõ? - Hôm qua, thứ Bảy, ngày 08.11.2003. Tôi vội vàng cám ơn anh Bình đã cho hay và xin lỗi ảnh hẹn lần khác nói chuyện lâu hơn vì tôi phải điện thoại lên Cô ngay, mong anh hoan hỉ sau vài câu chúc ảnh sức khỏe, hẹn gặp ... Vừa gác máy xong là tôi quay phôn lên Hamburg. Cũng hên, Cô ra nghe. Tôi thưa, em Châu ở Munich đây Cô. - Chào Châu, Cô trả lời - Thưa Cô, em vừa nghe tin Thầy mất nên em vội phôn lên để xin chia buồn cùng Cô và toàn gia quyến, cầu chúc hương hồn Thầy sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc. Cô Lan, hiền thê Thầy, hơi ngạc nhiên một tí xong cô hỏi: - Mà sao Châu biết hay vậy? Cô định lo thu xếp vài công việc cho ổn thỏa rồi mai mốt mới phôn cho Châu hay vì thầy vừa mất hôm qua!
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 253 - Dạ thưa cô, xin cô đừng ngạc nhiên vì người quen trên đó vừa phôn cho em hay. Biết cô đang buồn và ít có thì giờ nên sau khi chia buồn xong, tôi hỏi cô khi nào làm lễ an táng Thầy. Cô nói, nếu không có gì thay đổi có lẽ vào ngày ... nhưng Châu để Vũ con cô hỏi lại cho rõ ràng và thứ Ba tuần sau cô sẽ gọi cho Châu hay. Đúng hẹn, Cô phôn xuống thông báo cho tôi biết là ngày 21.11.03 sẽ làm lễ an táng Thầy. Chẳng suy nghĩ lâu, tôi liền thưa với cô, vậy thì cũng còn khá lâu mới tới ngày đó. Để em dàn xếp công việc nếu thấy không có gì trở ngại em sẽ lên dự để tiễn đưa Thầy lần chót. Nghe xong cô vui và cảm động. Cô nói : - Châu phôn lên chia buồn là tốt quá rồi, lên đây xa xôi mà còn phải làm việc nữa, cô nghĩ ... - Dạ thưa cô, không sao đâu cô, tôi trả lời. Mai mốt em sẽ gọi điện thoại lên nói rõ cho cô biết là em có đi được hay không! Giờ em xin dừng và lần nữa, em và gia đình xin chân thành chia buồn cùng Cô nói riêng và toàn gia quyến về sự ra đi đột ngột của Thầy. Hôm sau vào hãng, tôi liên lạc ngay với văn phòng du lịch của hãng nhờ hỏi đặt mua vé đi Hamburg. Sau khi nghe tôi trình bày sự việc, cô nhân viên trẻ vui vẽ nhận lời lo hỏi giúp và sáng hôm sau gọi cho tôi biết là đã giữ chỗ khứ hồi Munich-Hamburg-Munich cho tôi vào ngày thứ năm 20.11.03 và tối thứ sáu, sau tang lễ bay về lại Munich (vì tôi có hẹn lâu rồi nên bắt buộc phải có mặt ở đây). Tôi O.K. Ngay tối hôm đó, tôi phôn cho Cô hay là tôi sẽ lên dự buổi tang lễ Thầy. Cô hỏi và tôi đã nói cô biết chuyến bay Lufthansa số ... sẽ đến phi trường Hamburg vào lúc ... Nghe xong Cô nói, Vũ sẽ ra đón tôi đúng giờ như đã thông báo. Chủ Nhật cuối tuần cô gọi điện thoại cho tôi. Lần này cô hỏi tôi: - Châu có thể giúp cô một việc? - Thưa Cô, việc gì ạ, nếu có thể làm được em sẵn lòng! - Châu có thể đại diện cho môn sinh của Thầy nói vài lời từ biệt trong buổi tang lễ của Thầy? - Tôi trả lời, dạ thưa cô, cũng có thể được nhưng... thú thật em chưa làm chuyện này bao giờ. Vã lại, em nghĩ trên đó chắc cũng có học trò cũ của Thầy, em thì ở xa đến. - Chính vì vậy cô mới nhờ Châu đó! Cô Lan nói. Quí là quí tình thầy trò xa xôi mà vẫn về dự tang lễ. Thấy không thể từ chối được, tôi phải nhận lời... Gác điện thoại xuống tôi liền quay sang Mỹ, trước là báo tin buồn và sau đó hỏi ý hai anh An Dân và Minh Khánh liên quan đến buổi tang lễ của Thầy Quan. Được hai anh hoan hỉ
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 254 bật đèn xanh, nhờ chuyển lời phân ưu cũng như đồng ý cho tôi cái hân hạnh được phép đại diện Anh Chị Em Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn từng theo học Thầy Quan và thay mặt Ban Đai Diện Hội Ái Hữu Quang Trung ngỏ lời phân ưu đến cùng cô Lan và tang quyến .... Thế là tôi lấy Laptop ra soạn bài điếu văn chứ không thì chắc tôi sẽ không hoàn tất kịp vì còn phải đi làm. Cũng may, tính tôi viết rất nhanh, nghĩ sao đánh ngay vào Laptop như vậy nên sau hơn hai giờ đồng hồ tôi xong bài điếu văn. Đọc sơ lại thấy cũng tạm tạm được nên tôi nhẹ người tí và sau đó phôn cho Cô, chúc cô vững lòng đừng buồn nhiều và tin cô hay là tôi vừa đánh máy xong bài điếu văn cho ngày hôm đó. Cô xúc động và đùa với tôi “đúng là nhà văn có khác“. Tôi chỉ biết lí nhí cảm ơn chứ tôi mà văn vẻ gì, đang tập viết và chỉ mới đóng góp cùng anh chị em đồng môn một hai bài tạp ghi, bút ký... gọi là phụ sức nho nhỏ từ trời Âu, xa xôi lạnh lẽo này cho Đặc San trường cũ vốn đã nặng ký được thành hình và cọng tác của nhiều Thầy Cô, anh chị đồng môn có tên tuổi! Thứ Năm 20.11.03, sáng ngủ dậy con trai thứ của tôi lái xe đưa ba nó ra phi trường Munich. Máy bay Lufthansa cất cách đúng giờ và sau hơn 1h bay thì đáp xuống Hamburg. Ra cỗng, gặp ngay Vũ đang đứng chờ sẳn ở bên ngoài. Chúng tôi ngồi ngay tại phi trường nói chuyện trong khi chờ người chị của Vũ cũng đến sau tôi cùng ngày, đi từ Mỹ sang Thụy Sĩ và từ đó dổi chuyến bay sang Hamburg nhưng máy bay bị hủy nên chiều mới tới. Thế là Vũ đưa tôi về nhà. Vừa đặt hành lý xuống xong là tôi trực tiếp chia buồn cùng cô, em, con và dâu của cô đang có mặt tại đây. Sau đó tôi xin được vào phòng khách đốt nén nhang trước bàn thờ đèn hương nghi ngút, bên cạnh di ảnh của Thầy. Tối hôm đó tôi dùng cơm chiều cùng gia đình Cô và thân quyến, trò chuyện thân mật với em trai cô và hai người cháu gái từ Mỹ sang. Khoảng 21h30 cô cẩn thận nhắc Vũ đưa tôi về nhà ngủ sớm để hôm sau còn phải dậy sớm vì có nhiều chuyện phải làm. Sáng thứ Sáu, 21.11.03, sau khi điểm tâm sơ xong, Vũ đưa bà xã Vũ và tôi qua lại nhà cô. Ở đó mọi người đầy đủ cả. Lấy thêm mớ đồ bỏ vào cóp xe xong và tất cả nối đuôi nhau chạy ra nghĩa trang, nơi mà Thầy sẽ an nghỉ. Đúng giờ, quan tài Thầy được mấy người Đức đưa ra và tiếp theo đó là tang lễ, đã được sư Bà Chùa Bảo Quang ở Hamburg chủ tế rất là trọng thể. Vũ đại diện gia đình lên nói sơ về tiểu sử của Thầy, bày tỏ sự thương tiếc về sự ra đi của người Cha cũng như tri ơn bạn bè, thân bằng quyến thuộc đã bỏ thì giờ đến dự tang lễ và tiễn đưa Thầy. Tiếp đến, em trai cô giới thiệu tôi, một cựu môn sinh đến từ Nam Đức xin được có vài lời từ biệt người Thầy tôi đã nhiều năm theo học khi còn ở quê nhà.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 255 Tôi đã đọc bài ai điếu “Vĩnh biệt thầy Quan“ mà tôi biên soạn. Bài này tôi cũng đã gởi sang cho anh An Dân và Minh Khánh sau đó để hai anh cùng thông qua sau khi tôi trở lại Munich. Tôi nói riêng, mừng là đã làm tròn nhiệm vụ cô Lan giao phó, anh chị em bên Mỹ ủy nhiệm và cũng cảm thấy vui vui một chút khi Cô, em trai cô và Vũ nói nhỏ cho tôi biết là bài tôi viết khá cảm động, chuyển đạt ý đến người nghe! Và Cô còn nói với tôi như vậy là Thầy mãn nguyện ra đi đó Châu! Thầy đã có một môn sinh quý tình nghĩa Thầy trò (lời Cô!). Tang lễ tại nhà quàn chấm dứt sau khi Cô lên nói vài lời cám ơn đến những người hiện diện trong buổi tang lễ và sau đó thì tất cả mọi người: Sư Bà, ban hộ niệm, thân nhân bà con người quá cố và bạn bè, thân hữu nối đuôi theo sau quan tài của Thầy đi ra phần mộ không xa lắm từ nhà quàn. Sư Bà chùa Bảo Quang chủ lễ an táng và lễ hạ huyệt tại đây. Cũng may trời cũng buồn, cũng ảm đạm đúng như tục ngữ ta vẫn có câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ “! nhưng không mưa, nên mọi việc qua rất suông sẻ. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ thì lễ an táng Thầy chấm dứt. Tôi theo chân mọi người quăng xuống mộ cành hoa cuối cùng, khấn vái cầu chúc Thầy sớm về cõi niết bàn. Buồn vì biết từ đây vĩnh viễn xa người Thầy đã dành cho mình nhiều thương mến... Sau khi mọi người chia tay, tôi theo gia đình Vũ về lại nhà Cô. Ở đó, tôi có dịp trò chuyện nhiều hơn với hai người em trai của cô từ Pháp sang và từ Nuernberg / Nam Đức lên, hỏi chuyện ở Mỹ với hai người cháu gái của cô đến từ Cali và Houston. Thời gian qua nhanh thật, mới đó trời lại tối. Sau buổi cơm chiều được Cô khoản đải với những món ăn thịnh soạn, ngon lạ thuần túy Việt Nam do cô, dâu và cháu trổ tài mà tôi may mắn có dịp thưởng thức, tôi xin phép từ giã Cô và toàn gia quyến để Vũ đưa tôi ra phi trường Hamburg về lại Munich. Ngồi trên máy bay một mình, tôi dựa lưng vào ghế nghĩ đến buổi tang lễ vừa qua, nghĩ đến những lúc phôn nói chuyện cùng Thầy để cảm thấy một nỗi buồn chợt dâng lên vì từ nay tôi sẽ không còn có dịp nào khác nữa tâm sự, trò chuyện cùng Thầy. Tôi cũng không quên nghiệm lại những lời lẽ mình đã đọc trước hương linh Thầy và hy vọng tôi không sơ sót điều gì... Máy bay đáp xuống phi trường Munich, tôi trở về với thực tại. Con trai tôi ra đón và đưa tôi về nhà, bấy giờ là 21h15. Phôn lên Hamburg, Vũ ra nghe và tôi tin cho Cô biết là tôi đã trở về lại Munich, đến nhà bình an. * © Lê Ngọc Châu (Mùa Đông Munich, 01.02.2004 - Bài có hiệu đính vài lỗi chính tả 14.02.2024).
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 256
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 257 GÓP ĐÔI LỜI Viết ít câu mong góp với đời, Gởi thăm bè bạn khắp muôn nơi: Đề cao nhân nghĩa lời tươi đẹp, Cổ động thành trung ý sáng ngời. Bác ái chúng sinh đều hạnh phúc, Công bình nhân loại được yên chơi. Trăm năm một thưở đều tan biến, Thương mến giúp đời được thảnh thơi. Nhật Quang Phi Hồ. (Feb2024) TẾT THA HƯƠNG Vẫn ba mươi tết rước ông bà, Hoa quả rượu trà bánh dọn ra. Thắp nén hương dâng, như tục cổ, Giữ lòng thành kính, nhớ công cha. Ba ngày mỗi bữa đơn sơ cúng, Thân thích riêng đời mãi cách xa. Đủ thứ rượu đầy buồn chẳng uống, Nhớ xuân thời trước chốn quê nhà. Nhật Quang Phi Hồ. (Feb24)
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 258 CHÚC XUÂN Dù chẳng chờ mong Xuân vẫn sang, Vui Xuân đất khách thiếu "mai" vàng. Vườn xưa mả tổ khôn thăm viếng, Chốn mới gia tôn dễ ngỡ ngàng, Vận nước mãi trông trời đất chuyển, Tình người nhờ gởi thiệp thư mang, Đồng hương bốn biển ta thăm chúc: Thể lực thần tâm mãi vững vàng. Nhật Quang Phi Hồ SPRING GREETING Unexpected, the springs keep on coming, Enjoying the Spring on the foreign land, we miss the yellow "Mai" flowers. It is impossible to visit our old gardens and ancestors' tombs And easy to be confused at our new sites and our children's houses. The nation 's destiny, let depend on the course of nature. The human sentiments, let be conveyed by letters and cards. My best wishes are extended to all country fellows on all over the world that their physical and mental health be always good and stable condition. Nhat Quang Phi Ho
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 259 XUÂN THIÊN KỶ Xuân về ta viết dăm câu, Thăm đồng hương Việt năm châu thân tình: Mừng tam thiên kỷ bình minh, Cầu mong thế giới hòa bình hoan ca. Nhân tâm vô kỷ vị tha, Công bình, bác ái, hài hòa thế gian. Đông tây khắp chốn giàu sang, An cư lạc nghiệp, vững vàng dài lâu. Gần xa dứt cảnh thảm sầu, Chẳng cơn binh lửa, thôi màu tóc tang. Quê nhà thoát ách lầm than, Mưa bùn, nắng bụi, dốt gian tung hoành. Biển đồng mãi tận rừng xanh, Gió hòa, mưa thuận, an lành ấm no. Quyền uy cán nhỏ quan to Thương dân, quý đức, chăm lo ngay lành. Bỏ tuồng Ác Bá gian manh, Nói đàng làm nẽo, tan tành non sông. Khôn ngoan vất bỏ Cờ Hồng, Máu xương cơ khổ chất chồng đã cao.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 260 Mác Lê độc ác tào lao, Phi nhân bất nghĩa, loạn trào chóng qua. Ngừng gây nghiệp báo oan gia, Hại dân, nhân quả sâu xa muôn đời. *** Chúc mừng thân hữu muôn nơi, Vui ngàn năm mới thảnh thơi an bình. Thông minh giòng giống phồn vinh, Gia đình thân thiết, nghĩa tình đồng bang. Gần xa chờ buổi huy hoàng, Tình thương khai sáng thiên đàng thế gian. Tưng bừng mở hội liên hoan, Ước mong Lạc Việt rỡ ràng đó đây. Đón xuân quyến hữu sum vầy, Tha phương lòng vẫn tràn đầy nước non. Chúc nhau chân cứng đá mòn, Chung vui hưởng cảnh vàng son đất trời. Nhật Quang Phi Hồ (Jan 2000)
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 261 NẾU… Nếu môi phụ nữ có râu. Đàn ông không biết hôn đâu bây giờ. Nếu đời không có kẻ khờ. Người khôn không biết cậy nhờ ai đây? Nếu diều bay chẳng cần dây. Học sinh chả phải cần thầy,cần cô. Nếu trâu lội ruộng không dơ. Trai gái đâu phải viết thơ tỏ tình. Nếu ai xuống nước không chìm. Ở nhà lạy Phật khỏi tìm thầy tu. Nếu đời không có ngục tù. Thế gian đâu có kẻ mù người câm. Nếu đời lắm kẻ tà dâm. Mặt rổ cũng phải quấn khăn che đầu. Nếu hút không bị bệnh lao.. Thuốc rẻ hay mắc thứ nào cũng ngon. Nếu đàn ông đẻ được con. Phụ nữ đâu phải phấn son rườm rà. Nếu ai cũng có cửa nhà. Thì đâu đến nỗi có ma ngoài đường. Nếu đâu cũng có nhà thương. Thì ai…người sẽ phát lương đạo tì. Nếu heo lạy Phật biết quỳ. Tại sao con Phật (không)quy y cho rồi. Đời nầy ma quỷ khắp nơi. Kẻ gian đột nhập khắp nơi cửa thiền. Cướp tượng Phật,cướp bạc tiền. Trường học,hàng quán đảo điên đêm ngày. Ai gây ra thảm trạng nầy? Cũng vì chử NẾU nạn tai dập dồn. Nếu năm nay…cảnh cũ còn. Sẽ có người Việt(về) SaiGon ẩn thân.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 262 Thà vậy mà có mùa Xuân. Trở về quê cũ tưng bừng như xưa. Hằng ngày từ sáng đến trưa. Vui bên ruộng lúa, gốc dừa,con đê. Nếu cửa biên giới đề huề. Vượt biên trái phép tràn trề người dân. Cửa ngõ xâm nhập dể dàng. Thì còn bảo lảnh họ hàng làm chi? Nếu bán súng không bán đạn chì. Nhiều người không phải mất đi cuộc đời. Nếu không mở rộng đất-trời. Đâu có nả pháo xác người ngổn ngang. Nếu PUTIN chẳng xâm lăng. Dân UKRAINA đã yên thân hưởng nhàn. Giờ đây hai nước điêu tàn. Châu Âu cạn kiệt lại càng lún sâu. Thế giới một phen đau đầu. Tài nguyên thế thảm biết đâu mà ngờ! Trang báo giới hạn cho thơ. Tạm thời dừng lại xin chờ lần sau. Hoàng Phú 2024
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 263
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 264 TẢN MẠN VỀ ĂN Ở SÀI GÒN Sài Gòn có nhiều quán ăn Trung lưu, lao động, cao lầu hạng sang. Tớ xin kể quán khởi đầu Ỏ bên Gia Định, xóm cầu Bang Ky Trung Thành; thức ăn Nam Kỳ Gà xào sả ớt, canh gà lá vang Cá chiên,cá hấp, cua rang Thịt kho, dưa giá, tôm càng kho rim Khách mến chủ quán, Ba Kiên Gần xa đổ đến, mỗi đêm hết bàn. Sài Gòn, đường Tạ Thu Thâu Nhà hàng Thanh Thế từ lâu nơi nầy Thanh Thế nổi tiếng món Suông Một lần thưởng thức, nhớ luôn suốt đời Chuyên Ký; Cơm Tàu bình dân Đường Tôn Thất Đạm số nhà sáu hai (62) Thầy, thợ, lao động, ai ai Cũng đều có đến quán nầy ăn trưa. Cá mặn hầm vĩ, chưng chung thịt bằm Cơm thố và cơm tay cầm Canh nấu thuốc Bắc hầm gà ác đen. Quận Nhì có quán "Tài Nam" Quán nầy đông khách Mỹ vào ăn trưa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 265 Pizza là món Mỹ ưa Gà quay lò điện, đuông dừa chiên bơ. Khách Sài Gòn muốn đi ăn xa Lái xe xa lộ chạy lên Biên hòa Quán nhậu ở cạnh bờ sông Ăn cá lóc hấp với xôi hiên phồng. Sang qua chuyện quán lộ thiên Chủ, khách ngồi xổm ở trên lề đường Hồng Thập Tự, thuộc Quận Ba Cháo lòng, cháo vịt, cơm gà roti Khách hàng: tài xế Taxi, Cyclo , lao động, và phu sửa đường. Mời bạn đọc chơi giải buồn Đồng thời để nhớ cố hương Sài Gòn. Hoa Đô(Lockwood House) Trần Công/ Lão Mã Sơn
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 266 ĐÀN NGỖNG TRỜI ĐÃ BAY QUA Đàn ngỗng trời đã bay qua Mỗi năm tìm về đất ấm Tôi gọi hụt hơi rồi, vẫn biệt tăm Ngỗng có bay về quê cha Dãy đất dài tình nồng, nắng ấm Ôm ấp biển Thái Bình mà luôn biến động Chưa lần nào yên tĩnh, bình an Dân tôi luôn bị áp bức Nô lệ kẻ thù truyền kiếp Bao lần nồi da xáo thịt Cõng rắn cắn gà nhà Bán nước cầu vinh Chịu kiếp tôi đòi thờ giặc Cùng máu mủ, đồng bào cũng bị bắt bớ, giết chóc, tù đày Tiếng kêu thống thiết của người khổ nạn Bao nhiêu năm còn nghẹn ngào, không dứt than van Người lưu vong thương nhớ quê hương Lòng thê thiết, xót xa, tan nát Quê hương mất, người còn gì hơn để mất Nuối tiếc muộn màng Ôi đàn ngỗng trời vẫn cứ bay ngang Chương Hà
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 267 TÌNH HOA Có một cành hoa Mimosa Đã làm khơi động cõi lòng ta Cuối đông chút nắng vàng hanh đó Đã đổ mưa lòng những cánh hoa Ta đã nhủ lòng trong lãng quên Khói sương Đà Lạt tóc vai mềm Khăn ấm vòng quanh tình ấm mộng Mimosa vàng, dĩ vãng dịu êm Chiều đã dâng lên hồn vọng tưởng Trong tình yêu một cánh hoa lòng Vách đá trầm ngâm khe suối đổ Nghe bâng khuâng lời hẹn trong mơ Sóng hồ in bóng tình hoa vỡ Mây nước mênh mang vàng nỗi sầu Anh trở về ngàn thông đứng lặng Tóc ai vờn gió lộng qua mau. Lê Mỹ Hoàn 6/2020 (Một mùa đông 1972 ghé thăm Đà Lạt)
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 268 SÓNG LÒNG CỦA BIỂN Ta hỏi người, ta hỏi biển xa Sóng lòng của biển thật bao la Sao ta thổn thức từng cơn sóng Vỗ mạn bờ ghềnh đá xót xa Ta có vui mỗi ngày biển nhớ Đến thật gần và cũng thật xa Để sóng trôi đi rồi lại cuộn Mối tình ta một nỗi thiết tha Có khi bãi cát vàng hong nắng Rám tim ta những buổi trưa hè Là nỗi nhớ thuyền anh trên biển Giấc mơ trên sóng có quay về Thuyền đi mãi rời xa bến cũ Mang sóng lòng của biển nơi đâu Trên ghềnh đá tình sầu đã vỡ Những hoa xưa của sóng vỗ bờ. Lê Mỹ Hoàn 5/2019
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 269 MÙA XUÂN TRÊN TÓC MẸ Con đã thấy mùa xuân trên tóc mẹ Đã bạc màu năm tháng thoảng trôi qua Từng sợi nhớ thoáng nghe hồn xưa cũ Vẫn lênh đênh một thời đó rất xa Con đã thấy tà áo vờn trong gió Phải hương thơm ngày ấy vẫn còn đây Trong gió tàn đông một chút xuân gầy Vẫn nuối tiếc một thời trong mắt mẹ Con đã thấy đôi hài xưa bước nhẹ Nắm tay con mẹ ôm cả mùa xuân Trong nắng sớm mai vàng đang nở rộ Và pháo hương hoa ngát một trời mơ Con vẫn thấy ý thơ tràn trên tóc Mái tóc dài trong mùa hạ xôn xao Rồi trong thơ bỗng thấy nghẹn ngào Tóc đã bới tuyết sương đầy mộng ảo Rồi chinh chiến ngập tràn trong khói lửa Trong tay mẹ đã lạc mất mùa xuân Lạc trong con bao năm tháng qua dần Con đếm mãi mùa xuân trên tóc mẹ Lê Mỹ Hoàn 2/2019
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 270 XUÂN ĐỢI MONG Đây sắp sửa mùa Xuân về khắp lối Cành cây khô tuyết lạnh suốt đông qua Gió sương lay chợt tỉnh choàng hơi ấm Anh nghe lòng lặng lẽ khúc hoan ca Đây sắp sửa mùa xuân về khắp lối Bước chân xưa em thức vội niềm tin Có nước mắt ru với niềm ưu ái Trên nụ môi em chưa hết hồng phai Tóc em xỏa trên đồi xưa bạt gió Còn bâng khuâng qua dâu bể mây ngàn Tay em hơi thở ôm vòng xuân mới Trong anh về tình tự những miên man Đây sắp sửa mùa xuân về chốn cũ Hồn men say mở cửa đón giao thừa Có nhưng âm hao vui mùa hạnh ngộ Trầm hương em mang đến tự nơi xa Đây sắp sửa mùa xuân về đôi mắt Đọng mãi hương khuya của tuổi xuân thì Những con đường xưa miệt mài hơi thở Sàigon ơi ta sống mãi niềm mơ Xuân ấy trăng rơi bên thềm khuya cũ Bản tình ca lưu luyến tự thuở nào Còn trăm năm hoàng mai vàng trước ngõ Cúc nở ngàn hương thắp vạn ánh sao Anh còn ở giữa đời say giấc mộng Mùa xuân xưa lệ ướt vẫn tràn mi Tay em bên cạnh lụa chùng khăn áo Chợt pháo khai xuân ngập nẻo phố vào. Lê Mỹ Hoàn 1/2022
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 271 KHÚC NHẠC JAZZ Jazz dập dồn yêu thương từng nốt chiều da diết Trên hàng cây nhấp nhô những những ngọn nắng cuối cùng Jazz lời em cuộn từng giọt hơi thở một chiều lang thang Bước đi chậm vòng tay lưng mái tóc Jazz như còn nhớ mãi nhịp sống bềnh bồng hôm nay Em và ta, trong mắt vời xa thẳm Jazz buồn cơn sóng một quãng đời cuồng điên Sao nói lên được vết hằn thời gian tha thiết Jazz chập chờn căn phòng ấm, nhỏ hơi sương ngoài cửa sổ lặng yên Giấc ngủ say trưa nồng thơm nhẹ Tiếng kèn còn lắng đọng, phố mênh mang trống vắng vỉa hè Jazz thả hồn về muôn lối Theo điệu buồn mãi mãi vẫn lênh đênh Tiếng bước chân nhịp rền xa vắng Cuối lòng đường hun hút đêm sâu Nơi đó tình ai vừa thức giấc Đợi nao nao ngày mới muôn màu. Lê Mỹ Hoàn 6/2023 (cảm tác lắng nghe một khúc nhạc Jazz)
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 272 (cây mai nhà tôi đang nở) MAI VÀNG Vui xuân đất khách vẫn mai vàng, Tỵ nạn quê người cảm thấy sang. Du lịch năm châu làn sóng net, Di hành vạn chốn đẹp tham quan. Kiệm cung đất khách vui san sẻ, Tình nghĩa quê hương cố vẹn toàn. Thoáng chốc trăm năm rồi cũng hết, Mong ngày vui sống đẹp trần gian. Nhật Quang Phi Hồ. (Feb 24) HP.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 273 Đôi Mắt Người ta thường nói “ Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn “ hay “ Hồn lỡ sa vào đôi mắt em” …mà nếu đôi mắt đó che bằng một cặp kính dày thì làm sao mà “ thấy” được cái tâm hồn đầy thơ mộng và lãng mạn để…sa vào đôi mắt đây? …nên tôi nhất định không đeo kính cận khi đi học hay đi chơi để mong có cơ hội chớp được anh chàng nào đó lỡ dại sa vào đôi mắt mơ huyền của tôi Tôi bắt đầu nhận ra mình bị cận thị khi học trung học vì không thấy rõ được chữ thầy cô viết trên bảng, ngay cả khi ngồi trên ghế bàn đầu trong lớp. Nhà nghèo, không có tiền đi bác sĩ để lấy toa và mua kính nên tôi thường mượn sách của bạn xem lại những thiếu sót. Và cứ như thế tôi học xong trung học, đỗ Tú tài và vào học đại học. Cho tới bây giờ, tôi cũng không nhớ là mình có kính cận từ khi nào? Chỉ nhớ có một lần khi tôi đi dạy toán tại một trường trung học tư, vì một lý do nào đó mà trường đóng cửa và viết thông báo trên bảng để ngay sau cổng trường. Tôi đang đứng trước cổng trường, cố gắng nhíu mắt tập trung để đọc thông cáo trên bảng qua khoảng trống trên cánh cổng thì thấy có một cậu học trò đến gần bên tôi và cũng đang nhìn vào bảng. Tôi nhìn lại và nhận ra cậu bé là học trò lớp toán của mình. - Em đọc thông cáo trên bảng cho cô nghe. Cậu học trò nhìn tôi, thoáng chút ngạc nhiên nhưng nghe lời cô giáo và đọc bản thông cáo một cách rõ ràng - Cám ơn em. Cậu bé cúi đầu chào tôi rồi đi qua đường, tôi cảm thấy buồn cười khi nhớ lại đôi mắt mở lớn nhìn lại tôi, tự nhiên tôi nghĩ ngay đến chuyện cần phải mua kính cận, và có thể tôi có cặp kính cận sau sự việc xảy ra ngày hôm đó. Khi tôi ra trường và trở thành công chức thì lúc nào cũng có cặp kính cận để…trong ví xách tay, chỉ sử dụng trong lúc làm việc vì cần phải đọc nhiều. Còn khi đi làm hay đi bát phố thì vẫn ung dung với đôi mắt tự nhiên như thiên hạ vậy. Mỗi khi thấy ai đi gần thoáng như đang cười hay đưa tay chào thì tôi lập tức nở một nụ cười tươi chào lại ngay cho chắc ăn, dù thật tình chưa nhận được người đó là ai, lý do vì tôi đã từng bị tiếng oan là kiêu căng…mình chào mà mặt “cô nàng” cứ tỉnh bơ như không quen biết.!!! Tội không? Thế rồi thì cũng có một chàng lạng quạng sa vào đôi mắt của tôi… đến lúc ngộ ra thì đã rơi quá sâu vào đôi mắt “mơ huyền ấy mất rồi !!! Anh yêu tôi tha thiết và bằng lòng với tất cả những gì tôi có. Mỗi khi đưa đón hẹn hò thì chàng luôn dặn cẩn thận là đứng chờ đúng chỗ để chàng đến đón, vì ngoài đôi mắt mơ huyền, tôi còn là
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 274 một “ thiên tài lạc lối “ (biệt danh mà chàng tặng cho tôi) vì chỉ trong vài khu đường phố quen thuộc mà tôi vẫn bị lạc, không nhớ ra đường nào là đúng…có khi đi loanh quanh mãi mới tìm ra điểm hẹn…”Chàng hay than thở: ” Anh không hiểu sao đọc gì em cũng nhớ được ngay mà chỉ có vài góc phố quen thuộc em đi hoài không tới ?” Thấy mặt tôi ỉu xìu chàng lại thương nên dỗ dành “ Anh chạy xe lòng vòng tìm em mãi, đi qua chỗ hẹn cả chục lần mới thấy người đẹp của anh, thiên tài lạc lối ơi, lên xe đi, mình đi ăn kem cho đỡ khát nhé “. Cuộc tình của chúng tôi vẫn tiếp tục và tình càng nồng thì độ cận cũng tăng theo. Đã nhiều lúc tôi phải đeo kính khi đi đường hoặc khi vào thương xá mua đồ vì thị lực quá kém. Rồi đến khi mất nước… lo buồn sợ hãi cho tương lai cũng ảnh hưởng đến đôi mắt của tôi. Mỗi lần phải đi xuống tỉnh miền Tây để dự định vượt biên, tôi không dám đeo kính vì sợ bị nghi ngờ là .. .người trí thức tìm đường trốn. Cũng may là hầu như lần đi nào cũng có chàng đi cùng, tôi thường lấy dáng quen của anh làm chuẩn và biết là có người luôn để tâm đến mình nên .. cứ như là nhắm mắt đưa chân. Nhờ trời, sau chín năm theo đuổi việc vượt biên, chúng tôi đã đến xứ Mỹ an toàn và bắt đầu cuộc sống mới. Để dễ dàng cho việc đi học và đi làm, anh đã có bằng lái và mua được một chiếc xe cũ cho tiện việc di chuyển và dậy tôi …lái xe!!! Công việc mới đầu thì có vẻ dễ vì tôi chỉ lo ôm tay lái và đi theo sự chỉ dẫn của anh, nhưng đến khi tập tự nhìn kính xe để sang lane thì tròng kính cận quá dày lẫn với giọng kính làm khó tôi, cùng lúc với mùa đông đến và chuẩn bị đón con đầu lòng nên chúng tôi đồng ý tạm ngưng. Thấm thoát thế mà đã ba năm từ ngày chúng tôi định cư ở Mỹ, chúng tôi đã có một cháu gái đầu lòng và cả hai đều đi làm cho hai công ty nhỏ, tiếp tục thi tuyển vào Bưu Điện để mong có công việc làm ổn định và lương cao hơn. Khi được gọi đi làm, anh chọn nghề sửa máy sort thư và làm đêm. Còn tôi thì không có nhiều lựa chọn vì lúc bấy giờ, chỉ có việc làm ở window là không cần có bằng lái xe, tôi trở thành window clerk và làm ban ngày. Chúng tôi mua nhà chỉ cách sở làm của tôi hơn 5 phút đi bằng xe và khoảng 30 phút đi bộ. Mỗi sáng, tôi đưa con ra đón xe đi học, ngay sau đó thì anh đi làm về và đưa tôi đến sở rồi về nhà ngủ, chiều đón con rồi đón tôi về nhà lo nấu ăn cho gia đình và đến 10 giờ tối anh mới phải đi làm. Mọi việc tạm ổn định nên anh không nghĩ đến việc tiếp tục dậy tôi lái xe và mua xe cho tôi tự lái đi làm nữa. Việc bán tem, nhận và phát bưu phẩm cũng không đến nỗi quá khó ngoài việc phải đứng và nhìn nhiều vào computer. Đứng thì quá dễ vì tôi còn trẻ nhưng tận dụng mắt nhiều làm độ cận của mắt tôi tăng nhanh. Sau một thời gian dài, tròng kính cận của tôi dày khoảng một centimeter, quá nặng dù đã được ép cho mỏng và mài chung quanh cho thấy đỡ dày, tôi phải tập đeo contact len. Điều làm tôi buồn là bác sĩ mắt cho biết độ cao nhất của contact len là - 10 độ, mà độ cận của tôi lúc đó là
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 275 khoảng -16 độ, nên dù có dùng contact len, tôi vẫn phải đeo thêm kính để nhìn được rõ. Tôi đồng ý vì không thể nào chỉ đeo contact len rồi dí mắt sát gần màn ảnh của computer.!!! Cũng tưởng như thế là tạm yên vì tôi đã trải qua một thời gian khá vất vả với việc thay contact len, nhưng chỉ mấy năm sau thì độ nhìn càng yếu dần. Bác sĩ nói không còn độ kính mắt để tôi nhìn rõ được nữa, vì mắt bị cườm và thực sự thị lực của mắt gần tương đương với người mù. Tuy nhiên trong cái rủi có may, độ dày của cườm mắt đủ để tôi có thể giải phẫu để thay thủy tinh thể của mắt ( cataracts), nhưng… lại nhưng… vì độ cận quá cao, có thể có vài kết quả không tốt. Tôi còn quá trẻ để trở thành một bà mù và về hưu sớm, tôi cần đôi mắt để chăm sóc gia đình tôi. Tội nghiệp các con tôi, đi đâu tụi nó cũng phải để ý đến tôi… mommy, đi đường này …Ngày tụi nó còn nhỏ, mỗi khi ra đường tôi luôn nắm tay chúng cho chắc ăn và hầu như các con tôi không bị té ngã khi còn bé. Anh và hai con khuyên tôi nên đi giải phẫu mắt, tôi nghe lời vì thực sự không có sự lựa chọn nào khác. Tôi có một người cháu rể là bác sĩ mắt nên đến hỏi những thắc mắc về việc giải phẫu mắt và nhờ giới thiệu bác sĩ tin cậy để yên tâm trong công việc quan trọng này. Thật là may, bạn thân của cháu là bác sĩ giải phẫu mắt cườm nổi tiếng và cháu đích thân đưa tôi đến gặp người bạn này để nhờ chăm sóc cho tôi. Theo lời đề nghị của bác sĩ, tôi chọn cặp tròng giả để thay thủy tinh thể của tôi có nhiều chức năng… có thể nhìn gần và nhìn xa, mặc dù loại tròng kính đặc biệt này bảo hiểm y tế không trả tiền và tôi phải tự mua bằng tiền của tôi, họ chỉ trả cho loại tròng kính căn bản thôi. Vì cả hai mắt tôi đều bị cườm nên bác sĩ cho hẹn để giải phẫu cho cả hai mắt và hai lần mổ cách nhau khoảng một tháng. Sau khi làm đủ mọi thủ tục để chuẩn bị giải phẫu lần đầu cho con mắt phải của tôi, anh và Annie, con gái út đưa tôi đến nhà thương. Khi mới được gây mê, tôi vẫn hơi tỉnh nên còn nghe bác sĩ và y tá nói chuyện lao xao rồi thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, cảm thấy mình đang nằm trong phòng và lờ mờ thấy anh ngồi bên cạnh bằng một con mắt mơ huyền còn lại. Thấy tôi tỉnh lại, anh nắm tay tôi và cho biết bác sĩ bảo cuộc giải phẫu đã thành công tốt đẹp, còn đang ở trong phòng phục hồi, chờ y tá khám lần chót rồi về nhà và ngày hôm sau đến phòng mạch của bác sĩ để mở băng che mắt. Tôi nhẹ gật đầu và nắm tay anh như để cám ơn rồi nhắm mắt lại vì cảm thấy ảnh hưởng của thuốc mê còn vương vất trong tôi. Trưa ngày hôm sau, Annie đưa tôi đến phòng mạch của bác sĩ. Sau khi khám cẩn thận, bác sĩ nói mọi việc đều tốt rồi mở băng che con mắt phải mới được thay thủy tinh thể. Miếng băng vừa được mở ra là tôi đã thấy rõ ràng cái góc vuông bàn giấy của bác sĩ, tôi reo lên đầy vui mừng -Tôi nhìn thấy rồi, thưa bác sĩ, tôi đã nhìn thấy rõ cái góc bàn giấy của bác sĩ.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 276 Người bác sĩ cười hiền hòa, trên mặt thoáng chút vui như muốn chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của tôi. Sau khi nhỏ thuốc vào mắt và khám lại cẩn thận. Ông nói với giọng thật vui -Tôi đã khám lại cẩn thận, cuộc giải phẫu thay thủy tinh thể mắt của bà đã thành công mỹ mãn, tôi chỉ sợ có thể có vấn đề sau võng mô vì mắt của bà bị cận nặng quá, nhưng thật may vì không có vấn đề gì cả. Bà chỉ cần nghỉ làm việc một ngày, nhỏ thuốc vào mắt đúng giờ, cần nhất là phải tránh bụi và đeo kính mát thường xuyên cho đến một tháng sau thì lấy hẹn khám mắt lại. Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải như một khối xanh lay động như trước nữa. Annie nhìn tôi, ánh mắt long lanh với nụ cười vui -Mommy nhìn rõ được sự vật con mừng lắm. Ba nói sẽ đưa mommy và tụi con đi ăn mừng ờ nhà hàng mommy à. Tôi nhìn con gái và bây giờ mới thấy rõ hàng mi dài cong và đôi mắt trong suốt của con bé, lòng dậy lên mối cảm hoài…Ông trời đã cho mẹ lại ánh sáng, mẹ hứa sẽ chăm sóc cho ba và các con chu đáo. Ngày đầu tôi nghỉ ở nhà, mấy cha con không cho tôi nấu ăn và dọn dẹp vì sợ hơi nóng của thức ăn khi nấu và bụi vào mắt …” cho nó chắc ăn”, anh nheo mắt nhìn và cười trêu tôi vì nhớ tôi hay dùng những từ đó khi anh hỏi sao mà cẩn thận quá vậy…tôi như chìm trong hạnh phúc của ánh sáng và sự yêu thương của gia đình. Đến khi mắt bên trái của tôi được giải phẫu thì mọi sự dễ dàng hơn, sau đó tôi có thể đọc sách và nhìn xa không cần kính nữa. Tuy nhiên bác sĩ cũng cho biết là độ nhìn của tôi không đạt được 100 phần trăm như người có độ nhìn tốt và muốn được như thế, tôi phải đeo kính với độ nhẹ. Tôi không muốn đeo kính nữa, tôi đã đeo kính gần hết cuộc đời của tôi rồi, và độ nhìn của tôi bây giờ đã quá đủ. Đây là món quà quý báu nhất mà Thượng Đế đã ban cho tôi, tôi luôn luôn biết ơn mỗi khi mở mắt nhìn thấy sự sống quanh tôi và vẻ đẹp của thiên nhiên. Ý Nhi
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 277 TẾT TRÊN GÁC TRỌ Tết đến buồn lòng người viễn xứ Xuân về xót dạ kẻ xa nhà. Thế mà, Vừa hết Tết Tây, tới Tết ta Nhớ thuở xưa kia ở quê nhà Hăm lăm tháng Chạp, ngày tảo mộ Tiễn Táo Quân vào tối hăm ba Bánh chưng xanh, thịt kho, dưa giá Chiều ba mươi cúng rước Ông Bà. Nay sống lưu vong nơi đất khách Mừng Xuân trong cảnh kẻ không nhà Đầu Năm đón Tết trên gác trọ Mua cơm hàng quán cúng Ông Bà Lặng nhìn hương khói lòng thương nhớ Thân nhân quá cố, nhớ Mẹ Cha Con cháu đi làm không được nghỉ Sở Mỹ không cho nghỉ Tết ta Tối đêm mồng một, đầu Năm mới Điện thoại, điện thư chúc thọ Cha. Giữa đêm trừ tịch không tiếng pháo Nâng cốc mừng Xuân, Ta với Ta. Hoa Đô, Tết Tân Sửu 2021 Lão Mã Sơn
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 278 Ngày Mùng Một Tết Ngọn gió xuân lành lạnh mát hồn tôi Sáng mùng một Tết, sớm mai xuân hồng Ngoài trời hoa lá cành mai rung động Khói hương xuân nhè nhẹ tận cõi lòng. Cánh bướm truyền năng lượng vào bông hoa Cuộc tình mê say vừa chợt giao hòa Môi em đỏ gợi thèm hương tình ái E thẹn nép vào sương trắng nhạt nhòa. Ngày hôm nay, hồn nôn nao khó tả Bởi vì xuân đang tấp nập đi về Có một niềm vui len lén mời gọi Tết vào tận nhà tràn ngập đam mê. Quê thật xa suy tư đầy nỗi nhớ Khói lam chiều bàng bạc khóm mây trôi Ngày Tết đến cõi lòng nghe rất nhẹ Để mùa xuân vào tận đáy hồn tôi. Tế Luân Ngày mùng một Tết 2024
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 279 1/ Lễ Chào Cờ Đầu Năm Xuân hồng đến dự buổi đầu năm Lễ Thượng Kỳ trong ngọn gió đằm Hợp tiếng yêu bài niềm uất hận Ca lời ái quốc nỗi hờn căm Cầu hồn tử sĩ đà thân lặn Tưởng niệm anh linh đã mộ nằm Tỵ nạn bao người cùng quý báu Cờ vàng bảo vệ giữ gìn chăm Minh Thúy Thành Nội Tháng 2/12/2024
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 280 ………………………………………………………….. 2/ Mồng Ba Tết Mồng ba dự lễ chào cờ Trước Toà Thị Chính đúng giờ trang nghiêm Quốc ca đồng hát mạnh thêm Trời trong nắng đẹp gió êm thầm thì Nguyện cầu tử sĩ anh linh Những người nằm xuống hy sinh chẳng màng Bà con chúc Tết hỏi han Đầu xuân văn nghệ rộn ràng hát ca Ba ngày Tết đã qua nha Vui buồn đón nhận tuổi già yên thân Minh Thúy Thành Nội Tháng 2/12/2024 ……………………………………………………………
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 281 Khóc Con Sáng Tết Calvin Trịnh bước rời Đau lòng mẹ buốt lệ tràn rơi Đầu xanh giã biệt xa trần thế Tuổi trẻ ra đi bỏ cuộc đời Đã hết con yêu chào viếng chuyện Không còn hiếu tử đến thăm chơi Dìm cơn khổ não cầu chư Phật Độ cháu bình yên thuận cõi trời Minh Thúy Thành Nội Mồng Hai Tết Giáp Thìn ……………………………………………………………
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 282 Mồng Hai Tết Giáp Thìn Viếng Chùa Thiên Trúc sáng mồng hai Thắp nén hương thơm cúng Phật đài Nắng chiếu tươi màu sân bóng cỏ Hoa bừng thắm sắc ngõ Đào Mai Thầy ban thư pháp lời rồng đẹp Phước độ dòng thơ ý ngọc tài Hưởng cảnh đầu Xuân tìm lạc đạo Bao điều chúc tụng khéo tương lai Minh Thúy Thành Nội Tháng 2/11/2024 …………………………………………………………..
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 283 Hái Lộc Đầu Năm ( Song Thất Lục Bát ) Ngày Xuân vạn vật bừng muôn ánh Nắng ấm theo từng khách thập phương Đầu năm hái lộc choàng sương Chuông Chùa điểm nhẹ lòng dường nở hoa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 284 Mùa đông lạnh lẽo qua rồi hỡi Đón Tết Giáp Thìn tới nguyện xin Hạnh thông mọi sự niềm tin Pháp môn tu học giữ gìn nâng niu Vườn bông Bướm lượn dìu muôn lối Vạt Cúc trắng vàng nối quấn quanh Đâm chồi lá biếc tươi xanh Mai, Đào vươn nở trên cành đẹp tươi Phật Di Lặc nụ cười hoan hỷ Phương pháp ngài tu vỹ đại thời Theo chân luyện tập với đời Xuân về ảnh hưởng tâm ngời niềm vui Bao nhiêu thiếu nữ lui rồi tới Chớp ảnh quanh Chùa vợi sắc hương Trẻ con chạy nhảy người thương Sân Chùa pháo đỏ vấn vương một thời Minh Thúy Thành Nội Xuân Giáp Thìn 2024
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 285 Đón Tết Giáp Thìn Nhộn nhịp mùa Xuân Tết Giáp Thìn Vui cười hớn hở đặt niềm tin Tô bồi đất tổ theo truyền thống Điểm nét quê hương lệ giữ gìn Cỗ đón ông bà thầm khấn nguyện Mâm chào bố mẹ lặng cầu xin Hanh thông tốt đẹp vào năm mới Nhộn nhịp mùa Xuân Tết Giáp Thìn Minh Thúy Thành Nội Xuân 2024
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 286 Khai Bút Đầu Năm Giáp Thìn Xuân Mơ Sửa soạn giao thừa cúng đã xong Đầu năm khỏa bút tỏ đôi dòng Bên thềm gió thổi lùa vai tóc Trước ngõ hoa bay thấm cõi lòng Lộc biếc xa nhà khao khát đợi Xuân hồng viễn xứ thiết tha mong Mơ không khí Tết ngày đoàn tụ Phố cũ đường xưa ngắm một vòng Minh Thúy Thành Nội Mồng một Tết Âm lịch
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 287 Cây Anh Đào Tật Nguyền Ngày mới qua Mỹ theo diện tỵ nạn, tuy phải lo liệu cho cuộc sống mới nơi xứ người khá vất vả ở thời gian đầu, ông Phan có ý định là khi nào có điều kiện ông sẽ trồng một số bông hoa mà dạo còn ở Việt Nam ông rất ưa thích. Ngay khi còn ở trong chung cư với đa số là người gốc Trung Nam Mỹ và Phi Châu, ông cũng đã trích một số tiền nhỏ chỉ để mua chục chậu hoa Pensée về đặt trước thềm xi măng trước nhà để đi ra đi vô ngắm. Ông nhớ thời còn nhỏ, trước nhà ông có một vạt đất diện tích cỡ hai mươi thước vuông, ông có trồng chừng vài chục cụm hoa Pensée, khoảng đất còn lại thì mẹ ông trồng hoa vạn thọ, thược dược, glaiieul, cẩm chướng... Bà thường nói với ông: “con trồng bông chi mà nhỏ xíu rứa, mạ trồng mấy thứ ni để có bông cúng Phật ngày rằm và ba mươi…”. Nhiều lần bà chứng kiến thấy thằng con trai cầm chiếc kéo nhỏ để cắt mấy cánh Pensée mong manh đem ép vô các tập vở. Đó là vào những năm đầu ông theo học bậc trung học và bắt chước bạn bè ép hoa Pensée. Về sau Đà Lạt có phong trào ép hoa Pensée lộng vào những khung bằng giấy được trang trí mỹ thuật để bán cho du khách và những ai yêu chuộng hoa Đà Lạt. Loại hoa thứ hai mà ông thích là hoa anh đào nhưng dạo đó rất hiếm thấy loại này, chúng chỉ được trồng vài nơi như vòng quanh hồ Xuân Hương và dọc hai bên đường từ Bờ Hồ chạy lên dốc khu Hòa Bình. Mỗi năm gần đến lễ Giáng sinh ông mới thấy hoa anh đào nở, đôi khi kéo dài cho đến giáp tết âm lịch. Ông định khi nào có một ngôi nhà riêng ông sẽ trồng hai loại hoa nói trên để ngắm cho đỡ nhớ Đà Lạt. Rồi một năm sau ông và các con gom góp được một số tiền đủ để down mua một căn nhà cũ có sẵn bồn đất trước sân và phía sau là cả một khoảng sân cỏ rộng vài trăm mét vuông. Trước sân ông trồng nguyên một vạt hoa Pensée và phía sau ông trồng một cây anh đào. Cây anh đào lúc mua về cao chừng một thước, ba năm sau chúng đã vươn lên hơn ba thước và bắt đầu trổ hoa vào khoảng cuối tháng hai dương lịch. Ông rất vui, cứ mỗi buổi sáng, trước giờ đi làm ông ra sân sau, đứng ngắm những cánh hoa màu hồng vừa nở, mỗi ngày hoa nở thêm nhiều cho đến lúc ông chỉ còn thấy toàn hoa với hoa chứ không còn thấy những cành và lá đâu nữa. Có vài lần ông mời mấy người bạn cùng quê đến nhà uống trà và ngắm hoa đào, chụp hình. Ai cũng thích và khen “giống anh đào Đà Lạt”. Ông rất vui…
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 288 Ở căn nhà trên được năm năm thì con ông lại đổi nhà, mua riêng cho vợ chồng ông một căn nhà mới vì các con đã ra ở riêng sau khi lập gia đình. Việc đầu tiên khi dọn đến nhà mới là ông nghĩ ngay đến việc trồng hai loại hoa mà ông thích. Hoa Pensée thì ông trồng vào khoảng tháng mười mỗi năm, qua đến tháng ba tháng tư Pensée tàn thì ông trồng loại khác, có nhiều loại hoa trồng vào những tháng hè mà ông không cách nào nhớ hết tên từng loại hoa. Mùa hè qua đi ông lại mua Pensée về trồng và cứ thế, trước nhà sau nhà ông mùa nào cũng có hoa…Riêng anh đào lần này ông trồng đến bốn cây ở sân sau dọc theo hàng rào và một cây ở sân trước. Gần hai mươi năm vợ chồng ông đã trải qua bao mùa mưa nắng giông bão lụt lội cùng với căn nhà nhỏ này với đám cây cối rau quả bông hoa. Có những mùa hè nóng cháy, cây cối bông hoa chết khô không vực dậy được. Có những mùa đông giá lạnh làm cho chúng không còn sức để cầm cự cho đến sang xuân. Trong số bốn cây anh đào, có một cây đã “tạ thế” – ông dùng hai chữ “tạ thế” để chỉ những cây cối bông hoa chết vì lạnh giá hay nóng bức. Ông cho rằng dù là cỏ cây hay bông hoa, chúng cũng có đời sống của chúng lâu dài hoặc ngắn ngủi tùy theo loại cây loại hoa. Hơn nữa, chúng đã mang lại cho thế gian, cho loài người biết bao điều hạnh phúc, vui tươi. Những bông hoa chỉ biết làm cho người ta vui tươi và yêu đời hơn so với con người. Hoa tàn ư? Năm sau mùa tới chúng lại xuất hiện với vẻ tươi mát xinh đẹp hơn. Hoa rơi lá rụng ư? Chúng sẽ làm phân xanh vun bón thêm cho bông hoa mùa sau…và cứ thế…chúng chưa bao giờ làm cho con người phải buồn lòng, lo âu…chả bù với con người…từ thuở tạo thiên lập địa đã làm khổ nhau, hại nhau chưa biết bao giờ mới chấm dứt! Đó là thiên mệnh của những loài hoa. Trường tồn và bất diệt! Mỗi lần nhớ nơi xưa chốn cũ ở quê nhà, buổi sáng sớm hay lúc chiều tà, ông bước ra sân sau tay cầm một tách trà nóng, hớp từng ngụm nhỏ và đưa mắt rảo quanh đám hoa đang nở, lũ Pensée nằm cận kề mặt đất hay những cành anh đào đầy hoa rực rỡ vươn lên khỏi đám lá xanh còn sót lại trên cành. Ông thích nhất là cây anh đào trồng mé bên phải sau nhà, góc hàng rào. Ông nhớ, trước đại họa cô vít 19, năm nào đến mùa anh đào nở ông cũng mời một số bạn bè đồng hương đến nhà ông họp mặt để hàn huyên, ngắm hoa, chụp hình kỷ niệm. Nhưng sau đó ông không dám mời bạn bè như trước nữa nhưng mấy cây anh đào vẫn nở hoa mỗi năm thường vào cuối tháng hai cho đến tháng ba, cùng với thời gian hoa anh đào nở ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ông ao ước một lần được đến Hoa Thịnh Đốn để được ngắm rừng hoa anh đào bên bờ sông Potomac nhưng vì nhiều lý do, ông chưa thực hiện được ý nguyện.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 289 Thế rồi có một mùa đông, một cơn bão lớn đánh qua thành phố nơi ông ở. Mưa gió ào ào xô tới giật lui khiến ông rất lo ngại cho số phận của mấy cây anh đào sau nhà. Vợ chồng ông theo lời khuyên trên đài truyền hình đều ở trong nhà chứ không đi ra ngoài. Những cửa ra vào và cả chục cửa sổ đã được ông “phong kín” bằng cách dùng ván đóng chận phía bên ngoài. Sau hai ngày bầu trời xám xịt đổ mưa làm ngập lụt rồi vào cái đêm đã được dự báo trước, cơn bão lớn “hurricane” đã chính thức tràn tới như con thú dữ hoành hành trên nhiều khu vực rộng lớn trong thành phố. Cả hai vợ chồng ông thức cả đêm dán mắt vào truyền hình để theo dõi tin tức về cơn bão di chuyển từ hướng vịnh Mexico và tràn vào đất liền. Hình ảnh gió mưa quật ngả cây cối, nhà của, làm hư hại phương tiện giao thông, tàu bè, xe cộ…khiến ông nhớ lại các trận bão lớn có tên gọi của những mỹ nhân Katrina và Rita liên tục đánh vào thành phố tháng tám và tháng chín năm 2005, lúc đó gia đình ông còn ở ngôi nhà cũ đã di tản lên tận thành phố Dallas để tránh bão. Trận bão lớn vào tháng 8 – 2017 có tên Harvey với sức tàn phá kinh hoàng hầu như mọi nơi trong thành phố. Dân chúng được báo động và hướng dẫn các phương thức để tránh tai họa do bão gây ra như những trận bão mang tên Katrina, Rita và Ike trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Sức người đã phải đầu hàng trước sức mạnh của thiên nhiên. Vợ chồng ông Phan chốt các cửa ngồi trong nhà nghe từng cơn gió rít bên ngoài các khung cửa, trên mái nhà, trên những ngọn cây thông, cây sồi…Mãi cho đến rạng sáng ông nhìn lên tivi thấy Harvey đã di chuyển khỏi địa phận thành phố và để lại cảnh hoang tàn xơ xác… dưới hai nhánh lớn nhất của cây anh đào như một giàn đỡ để cho toàn thân cây không nằm bẹp dí xuống mặt đất. Ông chỉ làm làm được chừng ấy thôi rồi đứng thở dốc nhìn cây anh đào thương tật không tài nào cứu nỗi. Ông trở vào nhà báo tin cho vợ biết là cây anh đào đã bị bão Harvey đánh ngả. Cả hai vợ chồng lại bước ra sân sau đứng ngắm cây anh đào đang ngả mình như muốn ôm chấm lấy mặt đất… Ông Phan tay cầm tách trà nóng mở cửa bước ra sân sau. Ông đưa mắt nhìn từ trái sang phải và mắt ông dừng lại ở cây anh đào trồng ở mép rào bên phải. Ông chớp mắt đến mầy lần để nhìn cho rõ những gì đang hiện ra trước mắt. Ông nhìn lại mấy cây anh đào khác, chúng vẫn còn đứng vững tuy lá và cành đã bị bão đánh văng xuống đất, chỉ còn các thân cây trơ trụi. Ông lại nhìn cây anh đào ở góc phải, chớp mắt nhìn thật kỹ nhiều lần thì hỡi ôi! Cây anh đào mà ông yêu thích bấy lâu đã bị quật ngả nằm gần sát với mặt đất. Ông vội bước đến gần gốc đào, thấy một số rể đã bung lên khỏi mặt đất. Trong khoảnh khắc bàng hoàng ông chưa biết phải xử trí ra làm sao với cả thân cây to lớn sần sùi đang nằm trước mặt ông. Ông thấy độ nghiêng của cây với mặt đất chỉ chừng mười lăm độ, có lẽ rể chính của cây mọc sâu dưới lòng đất nên tất cả rể cây chưa bị bứng lên hết. Ông bước sát đến phía thân cây ngả và nhớm đưa cả hai tay và dùng toàn lực để thử nâng thân cây lại vị trí cũ nhưng thân cây không hề thấy chuyển động. Ông biết ông hoàn toàn bất lực với thân cây gần như trơ trụi, đám lá xanh bị đánh tả tơi nằm vung vải trên khoảnh đất rộng. Không chần chờ, ông vội chạy sang góc sân bên trái nhặt hai cây nạng đang chống đỡ giàn mướp cũng đã bị quật ngả đem đến đặt ngay phía
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 290 Và từ đó, hầu như mỗi ngày ông đều ra sân sau, lúc vào buổi sáng, lúc buổi ban chiều để nhìn vào cây anh đào thương tật nằm bất động ở góc sân sau. Ông hy vọng nếu một số rể còn bám dưới lòng đất thì cây anh đào sẽ có thể phục hồi mầm sống để tiếp tục cho lá cho hoa. Ông có cho một số bạn bè biết về tình trạng của cây anh đào nhà ông và đa số khuyên ông chặt bỏ để trồng lại cây khác. Ông cũng gật đầu nghe các lời khuyên ấy nhưng trong đầu ông đã quyết định là sẽ không bao giờ chặt bỏ cây anh đào ông đã trồng hơn mười năm trước. Mùa đông năm ấy chậm rãi đi qua và mùa xuân sau lại đến, đám cây sau vườn hưởng được chút nắng đã đâm chồi nẩy lộc như cây táo tàu, cây hồng ăn trái cùng với mấy bồn hoa hồng… Riêng cây anh đào thì mùa xuân năm đó vẫn im lìm nằm bất động trên mặt đất, không thấy một dấu hiệu nào của sự phục sinh. Ông Phan buồn lắm. Mãi cho đến gần hết mùa xuân ông mới vui mừng báo tin cho bà vợ biết là trên thân cây sần sùi già cỗi đã thấy các nụ mầm nhú ra và chỉ vài ngày sau chúng biến thành những cành nhỏ bám vào thân cây già cỗi rồi trên những nhánh cành ấy đã dần dần hiện ra những chiếc lá màu xanh, càng ngày càng nhiều cho đến một ngày chúng che rợp cả một góc sân sau nhà ông. Đó là mùa xuân sau vườn nhà ông không thấy bóng dáng hoa anh đào cho mãi đến hai năm sau ông mới thấy hoa đào nở. Chờ cho hoa nở rộ ông mới báo cho một số bạn thân biết để cùng nhau kéo đến uống trà thưởng hoa. Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào… Phong Châu Tháng 3 – 2024
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 291 Mỹ Lệ “Mỹ Lệ là giọt nước mắt của người Mỹ bỏ rơi. Nỗi đau của trẻ con lai Mỹ, bị một bọn cộng sản Xã đội Phước Bình. Chúng bắt Mỹ Lệ là đứa con gái 4 tuổi lai Mỹ, Chúng trói đứa bé vào bụi tre, để đứa bé 4 tuổi khóc than suốt một đêm cho kiến cắn gần chết. Gần sáng hôm sau mới được dân làng cứu sống. Hãy đọc hết câu chuyện thương tâm này, để thấy được nỗi đau của những đứa trẻ con lai Mỹ” Truyện ngắn Louis Tuấn Lê Isable Mỹ Lệ là một phụ nữ Mỹ gốc Việt, đã ngoài 50 tuổi, sau hơn 40 năm định cư tại Quận Cam California (Orange County) Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên bà trở về thăm lại Sài Gòn. Đứng trên balcony của một khách sạn sang trọng tại Sài Gòn, nhìn bầu trời đang chuyển mưa, những tảng mây đen cuồn cuộn kết thành khối trên bầu trời từ phía xa, nếu đám mây đen này bay về hướng khách sạn chắc chắn sẽ có một trận mưa rất lớn. Đã lâu lắm rồi Isabel không nhìn thấy hiện tượng này, tại Quân Cam miền Nam California thời tiết cũng rất ít mưa, mà nếu có mưa thì cũng không có thời gian để nhìn ngắm mưa, lúc nào cũng bận rộn công việc. Chỉ có bây giờ đứng tại balcony trên tầng cao của khách sạn Sai Gòn, mới có dịp nhìn ngắm trời chuyển mưa, hình ảnh những đám mây đen đang hội tụ lại từ từ trôi về hướng khách sạn, nhìn
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 292 như một tấm bạt màu đen hắc ín, căng ra trên bầu trời đang chờ phủ xuống bao trùm khách sạn, ngay trong luồng không khí Isabel cảm nhận được như có luồng gió mát mang theo hơi nước. Những ngoại cảnh này đang chi phối tâm hồn Isabel, trong nội tâm có một nỗi buồn dương như cũng đang hội tụ một màu xám u buồn mà chí có Isabel mới hiểu, còn người ngoài cuộc không thể hiểu được nỗi buồn này đến từ đâu, đang chua sót cay đắng về chuyện gì. Chính điểm này có thể giải thích tại sao mãi đến hơn 40 năm xa quê hương, hôm nay Isabel mới trở về thăm lại Sài Gòn xưa. Ngay giây phút này bỗng đâu từ cái TV trong phòng ngủ của khách sạn, đang phát hình một buổi nhạc thính phòng, mà tiếng dương cầm thật êm dịu lại đang vang lên tiếng nhạc của một ca khúc xưa “Come back to Sorrento” một buổi chiều muộn với cơn mưa đang vần vũ lại nghe ca khúc “Trở về mái nhà xưa” nghe mà đau thắt trong tim. Isabel tự hỏi trở về quê hương nơi tuổi thơ đầy đau thương và nước mắt, hay trở về nơi đâu đây? Nơi đâu mới chính là quê hương? nơi sinh ra mà thời gian sinh sống chỉ vỏn vẹn khoảng 12 năm, hay nơi quê hương thứ hai tại Hoa Kỳ cuộc sống đã kéo dài hơn 40 năm, thời gian nào nhiều hơn. Thời gian có thể làm thay đổi tất cả, đó chính là chân lý. Thời gian là ngọn lửa mang đến sự sống. Nếu tự nhiên là chu kỳ vô tận của sự hình thành, phát triển, và rồi tan biến, thì cuộc sống trở thành một dòng chảy thời gian không ngừng, không lặp lại. Thời gian kết nối chặt chẽ với tuổi tác, mỗi người đều sẽ trải qua sự già yếu, làm cho những thói quen trở thành một khoảnh khắc quý giá. Mỹ Lệ lần đầu tiên trở về thăm Sài Gòn sau hơn 40 năm kể từ ngày rời bỏ quê hương, trong tâm trí của Mỹ Lệ thành phố Sài Gòn đã trở nên xa lạ, không còn nhớ gì cả, ngoại trừ nơi sinh ra và lớn lên của đứa con gái lai Mỹ, đó là làng Thương Phế Binh Xã Phước Bình Thủ Đức, trong căn nhà mái tôn mà Ông Bà Ngoại được cấp phát từ những năm trước 1975, vì ông Ngọai của Mỹ Lệ là một Thương Phế Binh VNCH, ông ngọai bị cụt mất một chân, phải ngồi xe lăn, bà Ngoại thì già yếu vẫn phải bươn trải nuôi sống gia đình, mỗi buổi sáng Ngọai vẫn bưng cái thúng thật to ngồi bán xôi ở đầu xóm. Chỉ duy nhất hình ảnh của Ngoại vẫn hằn sâu trong tâm trí của Mỹ Lệ. Đối với người Mẹ ruột sinh ra mình, thì Mỵ Lệ vẫn còn nhớ và thương bà thật nhiều, một người Mẹ đơn thân có một đứa con gái lai Mỹ mà không hề mong muốn, nó đến như hậu quả của một cuộc tình một đêm, hay một hoàn cảnh éo le mà người phụ nữ nhỏ bé không thể vượt qua, đã mang thai với một người lính Mỹ trong một doanh trại đóng quân tại Thủ Đức, mà thời gian này có rất nhiều cô gái xin vào đây làm việc, gọi chung là (làm sở Mỹ). Cô bé Mỹ Lệ được sinh ra năm 1972, trong nghịch cảnh éo le đầy đau thương của chiến tranh, sự xuất hiện của đứa bé ngoài mong đợi của gia đình, tuy nhiên nó vẫn đến trông nó ngây thơ trong sáng và xinh đẹp như một Thiên Thần, làm sao có thể từ bỏ nó được.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 293 Cho đến đầu năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết chấm dứt chiến tranh, quan đội Mỹ rút quân về nước, trong số những chiến binh này có người cha của Mỹ Lệ. Kể từ đó mất liên lạc với người chồng là một quân nhân Mỹ. Thật tội nghiệp cho người mẹ đơn thân phải chấp nhận nuôi đứa co gái lai Mỹ với bao nhiêu mặc cảm, với bao nhiêu lời ra tiếng vào của những kẻ ác ý sấu mồm, luôn đay nghiến người mẹ đơn thân, họ cho rằng đàn bà lấy Mỹ là sự sỉ nhục làm băng hoại gia phong, hay đay nghiến hơn nữa họ cho rằng đi làm gái nên mới nhận hậu quả. Từ đó cô bé Mỹ Lệ đã trở thành nạn nhân của một truyền thống kỳ thị chủng tộc. Mỹ Lệ trông như một thiên thần vì nét đẹp của đứa con gái lai giữa hai dòng máu Mỹ Việt. Sự nổi bật của màu da trắng, mái tóc vàng nâu, đôi mắt ngây tròn. Đó chính là điểm khác biệt mang một sắc thái khác hẳn với những đứa bé cùng trang lứa. Vóc dáng của Mỹ Lệ vẫn đem lại một mắc cảm tự ti cho người mẹ vì những cặp mắt xoi mói và những lời dị nghị của hàng xóm. Chỉ duy nhất bà ngoại của Mỹ Lệ là nguồn thông cảm và chỗ dựa tình thần cho đứa cháu ngoại bất hạnh của mình. Chính cái tên Mỹ Lệ là do bà ngọai đặt tên cho cháu. Bà thường nói với mọi người về lý do bà đặt tên cháu ngoại là Mỹ Lệ, bởi vì cháu gái rất xinh đẹp, Mỹ Lệ chính là biểu tượng cho cái đẹp, tuy nhiên nó còn mang một hàm ý khác mà bà ngoại đã ngụ ý che dấu trong cái tên này. Bà giải thích Mỹ là người Mỹ, Lệ là giọt nước mắt. Đó chính là giọt nước mắt của người Mỹ đã để lại trên quê hương Việt Nam. Bà thường giải thích như vậy, mỗi khi có người thắc mắc về cái tên Mỹ Lệ. Thời thế biến chuyển có ai ngờ vào tháng Tư năm 1975, cộng sản đã hoàn toàn chiếm Miền Nam Việt Nam Ai có ngờ được một nền văn hóa man rợ, vô thần tàn bạo nhất đến giải phóng một nền văn hóa văn minh, tự do và nhân bản. Nhà văn Dương Thu Hương phải thốt lên câu nói khi vào miền nam: “Tôi khóc ngày 30 tháng Tư 1975 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ,” Cộng sản VN luôn tự hào đã đánh đuổi hai đế quốc (Pháp - Mỹ) nhưng trên thực tế họ đã đánh đuổi hai nền Văn Minh vĩ đại nhất thế giới ra khỏi một đất nước nghèo đói và lạc hậu. Hai nền văn minh vĩ đại này chính là Pháp và Hoa Kỳ. Liệu câu nói này có cường điệu hay không? Cho đến tận ngày nay năm 2024 chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn tìm kiếm một nền khoa học kỹ thuật và văn minh tiến bộ từ các nước Phương Tây. Họ bắt tay với Mỹ một đế quốc kẻ thù trong chiến tranh. Con cháu của họ đua nhau du học Mỹ và định cư tại các nước tư bản dãy chết. Trở lại với nhân vật chính đó là Mỹ Lệ.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 294 Năm 1973 khi ấy Mỹ Lệ chỉ là đứa bé mới 2 tuổi có hiểu gì đâu về cuộc chiến tranh tàn khốc vừa mới kết thúc, và cũng chẳng hề biết sau này những sự đổi đời đầy thù hận sẽ đổ lên đầu những đứa con lai. Mỹ Lệ tâm sự. Sau này khi tôi bắt đầu có nhận thức mỗi khi có người lạ đến nhà, mẹ tôi đều bắt tôi chạy trốn ra ngoài hay lên giường trùm mền nằm như đang bị bệnh, vì mẹ tôi sợ họ nhìn thấy tôi, đám người này giống như loài ma quỷ luôn sợ hãi nhìn thấy bóng một thiên thần nhỏ bé chính là tôi, do đó họ càng thù hận tôi. Tôi cũng không hiểu gì về những người lính Mỹ và những người lính Việt Nam Cộng Hòa trông như thế nào. Tôi chỉ biết những chú Công An và những chú Bộ Đội thường xuyên đến dòm ngó vào nhà tôi, họ xầm xì nhà của Đế Quốc Mỹ Tôi là một đứa trẻ con giống như những đứa trẻ khác trong xóm, tuy có hơi khác biệt vì màu da, vì màu da của tôi rất trắng hồng, mái tóc vàng nâu, đôi mắt to tròn ngây thơ, đó cũng chính là những nét để cho mọi người nhận diện tôi là đứa con lai Mỹ, đứa con của đế quốc Mỹ bỏ lại. Một đứa trẻ con như tôi thì có tội tình gì nhưng vào thời điểm đó tôi chính là cái gai trong mắt của họ. Vài năm sau ngày gọi là Giải Phóng Miền Nam, đất nước thống nhất. Toàn thể người dân miền nam Việt Nam mới biết rõ bộ mặt thật của cộng sản. Mọi người đều sống dưới mức nghèo đói, có nhiều gia đình phải chạy gạo từng bữa, họ được cấp tem phiếu rồi chen nhau xếp hàng cả ngày để mua được ký gạo độn hạt bo bo, hay một ít nhu yếu phẩm, Khi ấy Mẹ tôi cũng xin được công việc bốc vác trong nhà máy xi măng Thủ Đức công việc rất vất vả nhưng dù sao vẫn còn kiếm được ít tiền mua gạo, cũng tại nơi này Mẹ tôi đã gặp được mối tình với người chồng thứ hai, người đàn ông này cũng là công nhân bốc vác xi măng trong nhà máy. Bắt đầu từ đó tôi phải sống chung với người cha ghẻ, mà Mẹ tôi bắt tôi gọi là Dượng Ba. Dượng ba thường xuyên uống rượu, mội khi say xỉn ông thường chửi bới Mẹ tôi - Đồ con đĩ lấy Mỹ. Đôi khi ông còn hành hung rất dã man, vì ông cho rằng mẹ tôi lấy Mỹ. Thật tội nghiệp cho những người phụ nữ Việt Nam, với quan niệm “chồng chúa vợ tôi” luôn trở thành một nạn nhân của tệ nạn bạo lực gia đình, nhưng không dám lên tiếng phản kháng. Mỗi lần Dượng Ba ngồi nhậu, khi hết rượu ông thường quát tháo - Con Mỹ Lệ đâu rồi, cầm xì rượu chạy ra quán Bà Hai mua cho tạo xị rượu đế, mày mà về chậm là chết với tao nghe con.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 295 Dương Ba cũng thường chửi tôi là đồ con lai, đôi khi ông tát vào mặt tôi. Khi ấy tôi chỉ biết khóc. Nhiều lần ông bắt tôi đi mua rượu mà không đưa tiền - Tôi có hỏi. Thưa Dương Ba quên đưa tiền cho con. - Ông quát lớn, mẹ mày tiền cái gì, mày không biết nói với Bà Hai bán thiếu cho tạo được sao. Những lần như thế này tôi rất sợ, vì đã nhiều lần ông bắt tôi mua thiếu mà không trả tiền, trong sổ nợ của ông còn nợ nhiều lắm. Tôi vừa khóc thút thít vừa cầm xị rượu chạy ra quán Bà Hai. - Bà Hai ơi! Tôi nói ấp úng vùa nói vừa khóc. - Bà hai làm ơn bán thiếu một xị rượu đế cho Dượng Ba con - Bà Hai quát vào mặt tôi, mày chạy về nói với thằng Dượng Ba của mày phải đưa tiền, nó còn nợ tao nhiều lắm chưa trả. Mỗi lần như vậy tôi chỉ biết khóc, ngồi xuống đất năng nỉ Bà Hai bán thiếu cho con, vì không có rượu con mà về nhà là bị Dượng Ba đánh đập con đau lắm. Mỗi lần tôi khóc lóc van xin, dường như Bà Hai đều siêu lòng cuối cùng cũng bán cho tôi, tôi mừng lắm vì như vậy tôi lại thóat được một trận đòn. Ngoài những cơn tức giận chửi bới và đòn roi chút lên đầu tôi, của Dượng Ba, mỗi khi xay sỉn, ông còn lôi mẹ tôi ra chửi bới đánh đập vì cho rằng mẹ tôi ngủ với Mỹ đẻ ra tôi. Đó là tuổi thơ bất hạnh mà tôi đã từng trải qua. Trong những bất hạnh này vẫn không thấm vào đâu với câu chuyện mà tôi muốn kể ra đây khi tôi bị một bày sói hung giữ chúng muốn ăn sống nuốt tươi tôi. Đây cũng chính là con dao thật sắc bén đã cắt đứt thành từng mảnh vụn trong trái tim của tôi về hình ảnh quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, mà nó đã trở thành nơi man rợ đầy hận thù của những con người lòng người dạ thú. Trong cuộc đời của tôi không bao giờ tôi quên được cái ngày đen tối nhất đã làm tôi sút nữa thì bỏ mạng vì lòng hận thù của những tên đeo băng đỏ trong cái tổ chức gọi là Ủy Ban quân sự xã Phước Bình Huyện Thủ Đức. Câu chuyện xảy ra khi ấy tôi được 4 tuổi, vào một chiều chạng vạng tối, Dương Ba bắt tôi chạy ra quán Bà Hai mua rượu, tôi là một đứa trẻ con ngây thơ vừa đi vừa nhảy nhót vui cười, thì bỗng dưng tôi bị chặn lại vì một mũi súng AK47 chĩa vào người tôi, tôi sợ quá vội nhìn lên thì nhận ra có 4 chú Bộ Đội, trong đó có một chú mang súng ngắn rất uy quyền, những chú bộ đội này nồng nặc mùi rượu, hình như mới đi nhậu về. Tôi nghe tiếng quát.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 296 - Con nhỏ lai Mỹ mày đứng lại cho tao, với giọng nói và cử chỉ đầy lòng hận thù của kẻ chiến thắng, hắn quát to lên: - Mày có biết Đế Quốc Mỹ nhà mày đã bị chúng tao đánh đuổi về nước không, sao giờ này mày còn ở lại đây. - Một tên Bộ Đội nói với cấp trên, thưa Anh Tám anh xem tụi em chút hận thù lên con của bọn Đế Quốc Mỹ. - Anh Tám có lẽ là cấp chỉ huy Xã đội trưởng, rất tự hào vừa cưới vừa nói - Được lắm để xem các đồng chí giải quyết bọn Đế Quốc Mỹ này như thế nào - Nghe câu nói này của cấp chỉ huy, ba tay Bộ Đội kia vội đưa khẩu súng AK47 lên đạn như muốn bắn tan nát lồng ngực trong trắng ngây thơ của tôi. Bọn chúng xúm lại bắt trói tôi vào một bụi tre bên vệ đường, mặc cho tiếng khóc lóc van xin của tôi, chúng cười hả hê vì hành động anh hùng, như vừa mới tiêu diệt được tên giắc Mỹ, chúng có vẻ rất tự hào như một người lính rất anh dũng, thể hiện lòng trung thành với đảng cộng sản, lòng trung thành với anh Tám thủ trưởng. Bọn chúng trói tôi vào bụi tre mặc cho tôi khóc lóc van xin. Bọn chúng nghêng ngang vừa cười thật to rồi bỏ đi với dáng vẻ thỏa mãn của những tên nắm quyền sinh sát trong tay. Mỹ Lệ bị trói một mình trong bóng đêm cô bé cố gắng la lên để cầu cíu, nhưng không một ai nghe tiếng, Mỹ Lệ nằm trong bụi tre, trong bóng đêm đầy sợ hãi. Mỹ Lệ cảm thấy đau đớn khi lũ kiến bu đến cắn khắp người cô bé, Mỹ Lệ đau đớn tột cùng rồi gần như mê man bất tỉnh, cũng may bụi tre này nắm sát bên lối đi, người dân nơi đây họ có thói quen dậy thật sớm đi làm từ lúc 4 giờ sáng, nên họ đã phát hiện con bé lai Mỹ Lệ đang bị trói nằm trong bụi tre. Họ đã cứu sống và đưa Mỹ Lệ đi bệnh viện cấp cứu, may sao Mỹ Lệ vẫn còn sống sót. Đây chính là một dấu ấn khó phai mờ, nó đã hằn sâu trong tâm hồn trong sáng của Mỹ Lệ, cô bé sẽ không bao giờ quên được giây phút đó, đây cũng chính là con dao sắc bén nhất cắt đứt tình quê hương, mà không bao giờ Mỹ Lệ muốn nhắc đến. Nạn kiêu binh đã trở thành quốc nạn, nhất là sau khi nghe tên Đỗ Mười Phó Thủ Tướng tuyên bố trước sân tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn ngày 20/02/1976 vào lúc 10 giờ 15 phút sáng. “Giải phóng miền Nam chúng ta có quyền tịch thu tài sản trưng dụng nhà cửa, hãng xưởng, ruộng đất chúng nó (ám chỉ người dân miền Nam), xe chúng nó ta đi, vợ chúng ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ, còn chúng nó thì ta đày đi kinh tế mới và nơi rừng sâu nước độc, chúng nó sẽ chết lần mòn” Cho đến ngày hôm nay 2024, sau 49 năm cộng sản hoàn tất việc chiếm đoạt Miền Nam, Mùa Xuân đại thắng 1975, đầm đìa máu và nước mắt vẫn tươi rói khi khơi lại vết thương chưa kịp liền
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 297 da, đang đậm màu trên thân xác Mẹ Việt Nam. Sự nghiệp hôm nay của đảng cộng sản vẫn tiếp diễn bởi “lực lượng kiêu binh “siêu” lãnh tụ” Cũng nên nói về tên Tám thủ trưởng ban Quân Sự Xã (Xã Đội Trưởng) Thật ra cả cái xã Phước Bình mọi người đều gọi nó với cái tên cúng cơm là Thằng Tám chăn vịt. Thắng tám trước kia chỉ là một người đi chăn vịt thuê cho một người chủ một vựa nuôi vịt. Ít người biết về hoàn cảnh gia đình cha mẹ của thằng Tám, chỉ biết mẹ nó cũng là người phụ nữ đáng thương bị chồng bỏ sau khi mang bầu, người mẹ đơn thân một mình bương trải nuôi đứa con, sau này vì bệnh hoạn người phụ nữ này đã chết, bỏ lại thằng Tám bơ vơ, cũng may có ông chủ vựa nuôi Vịt, đã nhận thằng Tám làm con nuôi rồi cho nó đi chăn vịt. Địa thế xã Phước Bình nằm sát mé sông Sài Gòn nơi đây là cánh đồng (đầm lầy) bưng nước ngập, nơi đây rất thuận lợi chăn nuôi vịt thả rông ngoài trời, từ đó thằng Tám có cái tên cúng cơm Tám Chăn Vịt. Suốt ngày thằng Tám lặn lội nơi mé sông với hàng ngàn con vịt, được cái nó cũng thông minh nên thỉnh thoảng được các tu sĩ dòng phanxicô, một nhà dòng công giáo, cũng nằm trong xã Phước Bình, các tu sĩ tu nơi đây tu rất khổ hạnh, phải tự đi trồng lúa, chăn nuôi heo, nuôi bò, dê, từ đó các vị tu sĩ thường xuyên gặp thằng Tám, từ đó quen biết, đôi khi chỉ bảo cho Tám học chữ. Ngoài ra thằng Tám thường đi sâu vào trong vùng đầm lầy, nơi có khu rừng rậm, tại nơi đây Tám thường gặp các du kích (Việt Cộng) nhờ thật thà và lanh lẹn, nhiều lần thông qua thằng Tám, du kích nhắn tin và gửi gắm mua thuốc men, hay lương thực, những công tác giao cho thằng Tám, nó đều làm tròn nhiệm vụ. lâu ngày thằng Tám được kết nạp làm Giao Liên, nằm vùng cho du kích hoạt động tại Xã Phước Bình. Chính điểm này đã tạo cơ hội cho thằng Tám đổi đời một bước lên cấp chỉ huy. Ai có ngờ được ngày 30 tháng 4 năm 1975 cộng sản đã chiếm giữ miền Nam Việt Nam, gọi là ngày chiến thắng Thống Nhất Đất Nước. Khi ấy tại xã Phước Bình Ủy Ban Quân Quản mới chiếm đóng, thiếu cán bộ nhất là thiếu người địa phương, thế là Thắng Tám được giao nhiệm vụ là Xã Đội Trưởng vì nó rất thông thạo địa hình nơi đây và hơn nữa nó còn biết hết những gia đình sống nơi đây thành phần thuộc loại gì, có ác ôn hay không? Thắng tám đã trở thành tên chỉ điểm rất đắc lực cho nên được trọng dụng. Bỗng dưng từ một tên chăn vịt trở thành chỉ huy nắm trong tay quyền sinh sát của một xã, thì làm sao không hống hách kiêu bình. Hơn nữa Thằng tám luôn được bọn đeo băng đỏ (bọn cách mạng giờ thứ 30), tâng bốc lên tận mây xanh, khen anh Tám là anh hùng cách mạng nhân dân đánh đuổi đế quốc Mỹ, cũng từ đó Thằng Tám càng ngày càng trở nên hóng hách vì nắm quyền sinh sát trong tay.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 298 Ngày nào nó cũng được mời đi ăn uống nhậu nhẹt linh đình, những tiệc tùng đám cưới hay lễ giỗ trong xã đều phải có mặt thằng Tám tham dự, nó càng trở nên nhân vật quan trọng nhất xã. Từ mặc cảm tự ty biến thành mặc cảm tự tôn, nó càng trở nên hóng hách vô lối không kiềm chế được. Trở lại với Mỹ Lệ Hôm nay Mỹ Lệ trở về thăm Sài Gòn là vì Bà Ngoại, người thân yêu duy nhất của Mỹ Lệ mới qua đời vì tuổi cao đã gần 100 tuổi, bà Ngọai đối với Mỹ Lệ rất tốt vì thế trong thời gian trưởng thành đi làm có tiền, Mỹ Lệ thường xuyên liên lạc gửi tiền về giúp đỡ bà ngoại, nhờ vậy mà cuộc sống của ngoại bớt vất vả. Đây là lần đầu tiên Mỹ Lệ trở về Việt Nam, cũng là để tổ chức Tang lễ cho bà Ngoại, một đám tang nổi đình đám nhất xã, tất cả chi phí do một tay Mỹ Lệ bỏ tiền ra chu tất. Mọi người quen biết trước kia đều xì xầm to nhỏ về con bé con lai Mỹ Lệ, trông bây giờ khác xa hồi xưa Hoàn cảnh gia đình của Mỹ Lệ rất buồn. Mẹ của Mỹ Lệ thì đã mất từ lâu vì bệnh hoạn và nghèo đói, căn bệnh ung thư phổi, có lẽ do lao lực qúa độ vì thời gian làm việc khuân vác tại nhà máy xi măng, bụi xi măng đã đóng vôi trong phổi, nó đã cướp đi sinh mạng của bà. Bà đã mất trong giai đoạn Mỹ Lệ đang sinh sống tại Hoa Kỳ, nhưng đang còn tuổi đi học, không biết cách nào để liên lạc với Mẹ ở Việt Nam, mà cũng không có đồng nào gửi về giúp đỡ Mẹ. Không lâu sau đó người chồng của bà, mà Mỹ Lệ phải gọi là Dượng Ba, ông ta cũng chết vì căn bệnh ung thư gan do uống quá nhiều rượu. Cũng may hai người sống với nhau mà không có con, nếu không lại thêm tội cho những đứa trẻ sau này. Vài nét về đứa con lai Mỹ Lệ, tuổi thơ phải sống trong nghèo đói, bị kỳ thị chửi bới thậm chí bị đánh đập vì người chồng sau của Mẹ, mà Mỹ Lệ gọi là Dượng Ba. Cũng may thời thế có nhiều biến chuyển. Năm 1987 đạo luật (Amerasian Homecoming Act) đã được quốc hội Mỹ thông qua. Đạo luật này đã mở ra một cơ hội rất lớn để những đứa con lai Mỹ được định cư tại quê cha. Thông qua chương trình này đã có khoảng 25.000 ngàn đứa trẻ lai Mỹ được định cư tại Hoa Kỳ. Chương trình nhân đạo của chính phủ MỸ, đã tạo cơ hội rất dễ dàng cho tất cả con lai Mỹ và gia đình được đi định cư tại Hoa Kỳ. Chính điểm dễ dãi này đã tạo ra nhiều kẽ hở cho bọn buôn người, hay những kẽ có tiền đi lùng mua con lai Mỹ, Lai Mỹ Trắng giá cao hơn lai Mỹ Đen. Sau khi mua được đứa con lai, họ sẽ cho làm lại giấy khai sinh mang theo họ mẹ để chứng nhận đứa bé lai này là con của họ. Nhờ thế cả gia đình bao gồm hai vợ chồng và những người con riêng (không phải là con lai) đều được đi định cư tại Hoa Kỳ.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 299 Mỹ Lệ cũng nằm trong hoàn cảnh này, khi ấy Mỹ Lệ mới 12 tuổi, bị Mẹ và Dượng Ba đem bán cho một gia đình khác lấy 4 cây vàng. Từ đó Mỹ Lệ trở thành con nuôi trong một gia đình hoàn toàn xa lạ. Mỹ Lệ bị họ nhốt trong nhà không cho ra ngoài đường vị sợ hàng xóm dị nghị, và hơn nữa họ sợ Mỹ Lệ bỏ trốn về nhà. Mỹ Lệ bị giam trong nhà nhiều tháng trời cho đến khi hoàn tất thủ tục xuất cảnh và định cư tại Hoa Kỳ. Đến Hoa Kỳ Mỹ Lệ hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình (mua con lai) vì khi ấy Mỹ Lệ mới 12 tuổi, cái tuổi còn dại khờ không biết gì, ngôn ngữ thì không biết, Mỹ Lệ vẫn được cho đến trường học. Với khả năng trời cho, không bao lâu sau Mỹ Lệ đã dần làm quen với môi trường sống, tiếng Mỹ càng ngày càng khá hơn, nghe được nói được. Không lâu sau Mỹ Lệ cũng tốt nghiệp hết bậc Trung Học, cô giáo và nhà trường cũng ngạc nhiên vì khả năng hội nhập của Mỹ Lệ rất nhanh. Năm 18 tuổi Mỹ Lệ đã chính thức bước vào đại học, sau bốn năm Mỹ Lệ tốt nghiệp văn bằng Cử Nhân Kế Toán (Bachelor of Accounting) Từ đó Mỹ Lệ đã xin được việc là trong một hãng điện tử, và cũng kể từ đó Mỹ Lệ đã tìm cách liên lạc với Bà Ngoại tại Việt Nam và bắt đầu gửi tiền về giúp gia đình. Sau thời gian là việc Mỹ Lệ đã quen biết nhiều bạn bè, nhất là những người Việt Nam làm nghề Tóc và móng tay (hair nail) họ kiếm rất nhiều tiền, hơn hẳn số tiền lương mà Mỹ Lệ làm cho hãng điện tử. Với vốn tiếng Mỹ rất lưu loát Mỹ Lệ đã xin đi học lấy bằng Hair & Nail (Nail and hair dressing license) từ đó Isabel Mỹ Lệ đã chuyển nghề và không lâu sau Mỹ Lệ đã làm chủ tiệm Nail, cho đến hiện tại Isabel Mỹ Lệ đã làm chủ một hệ thống bao gồm 4 tiệm Hair & Nail tại Miền Nam California. Mỹ Lệ cũng lập gia đình với một người chồng Mỹ, cô đã có một đứa con gái, tuy nhiên cuộc hôn nhân này không bền lâu dẫn đến ly dị chia tay, Mỹ Lệ trở thành người mẹ độc thân (single mother) tự mình nuôi dạy con gái, hiện tại con gái Mỹ Lệ đã trưởng thành, là người thừa hưởng sự nghiệp đang thay Mẹ làm chủ 4 tiệm Hair & Nail tại miền Nam California. Mỹ Lệ ngày nay có vóc dáng của một mệnh phụ phu nhân, một vẻ ngoài rất chững chạc và lịch lãm của một người từng trải, vì cuộc đời đã dạy cho Mỹ Lệ tính cương trường không dễ bị khuất phục trước mọi nghịch cảnh. Bây giờ Mỹ Lệ không dễ bị bắt nạt như con bé ngây thơ thuở nào. Thoạt nhìn Mỹ Lệ có một nét đẹp hơi giống với cô ca sĩ Phi Nhung, nhưng trong ánh mắt đầy nghị lực của Mỹ Lệ như đang nói lên một ý chí kiên cường bất khuất và rất thông minh của một phụ nữ có học thức. Mỹ Lệ có vóc dáng của một mệnh phụ phu nhân, một bà chủ giàu có mà những người đàn ông phải nể phục.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 300 Isabel Mỹ Lệ đã trải qua những quãng đời với những cảm xúc qua từng giai đoạn. Nhật là quãng thời gian tuổi thơ phải sống trong nghèo đói phải chịu đựng những nghịch cảnh của đố kỵ và lòng hận thù mà đảng cộng sản đang tiếp diễn qua nạn kiêu binh siêu lãnh tụ. Thắng Tám chăn vịt chính là nhân vật chính đại diện cho tầng lớp này, sự ngu dốt cộng với lòng trung thành đã trở nên kẻ phá hoại. Mỹ Lệ có cần phải lưu luyến thương nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn” gọi là quê hương hay không? Không bao giờ mà ngược lại chính nơi đây là nơi đáng sợ, là động lực phải quyết tâm vượt qua mọi nghịch cảnh. Không cần thiết phải thù hận nó nhưng hãy ghê tởm nó. Dù sao nó cũng là khoảng thời gian muốn quên đi nhưng không thể quên vì nỗi đau còn ẩn sâu trong tâm hồn. Nếu muốn nói lời cám ơn thì trên tất cả. Mỹ Lệ phải cám ơn nước Mỹ, cám ơn mảnh đất quê Cha, đã mở rộng vòng tay ôm ấp, nuôi dạy Mỹ Lệ trong những năm tháng đầu tiên sống trên quê hương Tự Do, cũng chính vùng đất này đã tạo cho Mỹ Lệ những cơ hội thật tuyệt vời để trưởng thành. Từ khi định cư tại Hoa Kỳ, Isabel đã cố gắng đi tìm người Cha của mình nhưng vẫn không gặp được, bởi vì những lá thư hay hình ảnh thật quý hiếm về người Cha (tư liệu chứng minh quan hệ cha con), đã bị Mẹ của Mỹ Lệ đốt hết, vì sợ cộng sản, sợ công an nhìn thấy, thậm chí tên cha Mỹ Lệ cũng không biết vì không bao giờ nghe Mẹ và bà Ngoại nhắc đến. Mỹ Lệ chỉ biết ba mình là một người Mỹ, một người lính bộ binh đóng quân tại Thủ Đức, Mỹ Lệ vẫn nghĩ rằng chắc ông rất thương mẹ, khi biết mẹ mang bầu đứa con đầu tiên. Rồi đau đớn thay thời thế thay đổi ông phải theo đơn vị rút quân về nước, từ đó mất liên lạc. Chỉ biết từ lúc nhỏ cho tới khi khôn lớn, Mỹ Lệ rất thèm gọi lên hai tiếng “Ba Ơi” Không biết sao, mỗi lần ai nhắc tới ba, những giọt nước mắt cứ lăn tròn trên má. Louis Tuấn Lê Ghi Chú: Đây là câu chuyện thương tâm. Tôi viết dựa trên một câu chuyện có thật đã xảy ra tại Thủ Đức Xã Phước Bình trong khu làng Thương Phế Binh VNCH. Cuối năm 1983 khi tôi vừa ra khỏi nhà tù (trại tù tập trung cả tạo từ Nghệ Tĩnh về nhà). Tôi đạp xe đạp từ Quận 10 Sài Gòn lên Thủ Đức và Xã Phước Bình thăm người Cô. Nhà của cô tôi có một khu vườn trồng cây ăn trái rộng một mẫu. Trước kia khu đất vườn nhà Cô tôi đang sinh sống, thuộc về người Cậu của tôi, ông là một cựu Trung Tá VNCH làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Ông đã cho xây cất hai căn nhà trong vườn để cho hai người em vợ của ông sinh sống.