[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 201 Vuốt Râu Xướng Trên đời quý nhất có bộ râu Khi buồn ta vuốt để quên sầu Dưới cằm một bụi vừa ngang rốn Trên má hai chòm tiếp với đầu Trông kỹ in tuồng như Đạt Mạ Nhìn qua có vẻ giống Quan Hầu Râu ta nào phải là râu cọp Buồn thì cứ vuốt có sao đâu Hòa Thượng Sư Ông Thượng Q. Hạ Đ. Ngậm Ngùi Cẩn họa U hoài vận nước bạc đầu râu Trăn trở buồn đau chuốc nỗi sầu Kẻ thắng huênh hoang ta cái rốn Người thua nhẫn nhục họ thằng đầu Không màng tranh chấp nơi vương tướng Chẳng thiết bon chen chốn bá hầu Tứ đại thân nầy như cát bụi Hồng trần một mảy biết về đâu ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 202 Ý Đông Xướng Bút pháp bên trời chợt hoá mây Ý tung vân vũ, gió ngàn bay Vàng về lá nắng, mưa như sắt Lạnh phủ cành đêm, nguyệt trở gầy Lối cỏ, hương thiền, lan mấy nẻo Hiên không, bóng núi, lửng ngàn Tây Trần ai thánh thót, tình sương nước Tiếng hạc sa đông, giếng cổ đầy ! T.Sư Minh Đức - Triều Tâm Ảnh Huyền Không Tự - Huế Sơn Tự Cẩn họa Sư già tỉnh tọa giữa am mây Mờ mịt sương mù lãng đãng bay Tâm chẳng mơ màng, hương khói mỏng Ý không xao động, bóng trăng gầy Triền non, gió gọi, nồng hơi Bấc Đỉnh núi, đông về, lạnh mái Tây Cách biệt bao thâu, miền thế tục Phù sinh một thoáng, khéo vơi đầy ! ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 203 Thơ Đường Luật Hồi Văn (Thuận Nghịch Độc) Cửa Sổ Đêm Khuya Khứ Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương Tha thướt liễu in hồ gợn sóng Hững hờ mai thoảng gió đưa hương Xa người nhớ cảnh tình lai láng Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng Qua lại yến ngàn dâu ủ lá Hòa đàn sẵn có dế bên tường Hồi Tường bên dế có sẵn đàn hòa Lá ủ dâu ngàn yến lại qua Bàng bẽ rượu thơ ngâm bạn vắng Láng lai tình cảnh nhớ người xa Hương đưa gió thoảng mai hờ hững Sóng gợn hồ in liễu thướt tha Vương vấn nỗi thêm buồn cảnh lạ Gương lồng cửa rọi nguyệt cười hoa Hàn Mặc Tử - Xướng
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 204 Hoa Hồng Bên Gương Khứ Hoa hồng dáng rũ bóng bên gương Gió lặng trăng mờ lệ tủi vương Tha thiết đón chờ người bạc phận Thẫn thờ trông ngóng kẻ phai hương Xa quê vọng nắng tươi vườn trúc Quạnh ngõ hoài mưa trĩu nhánh bàng Qua buổi đến tìm ai hẹn ước Hòa âm nhạc dế tiếng vang tường Hồi Tường vang tiếng dế nhạc âm hòa Ước hẹn ai tìm đến buổi qua Bàng nhánh trĩu mưa hoài ngõ quạnh Trúc vườn tươi nắng vọng quê xa Hương mong kẻ ngóng trông thờ thẫn Bến đợi người chờ đón thiết tha Vương khổ khóc mờ trăng lặng gió Gương bên bóng rũ dáng hồng hoa ThanhSong ntkp - Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 205 Quê Hương Nỗi Nhớ (Thập Thủ Liên hoàn) Xướng 1. Ai người còn nhớ buổi chia ly Nước mắt nhạt nhòa níu kẻ đi Chén tiễn ngậm ngùi thương má phấn Kẻ đưa đau xót lỡ xuân thì Câu thề non nước lời ghi dạ Món nợ ân tình lệ ướt mi Cách trở quan san từ đấy nhé Khăn hồng thấm lệ lúc phân kỳ 2. Phân kỳ buổi ấy nhạt màn sương Hoa thắm Lâm Viên nở khắp vườn Giấc điệp xứ người trông đất mẹ Lời thơ quán khách vọng quê hương Tung mây hoàng hạc niềm mơ cũ Cỡi gió thiên ưng giấc mộng trường Lòng dẫu xa vời chung lưới nhớ Cành Nam chim Việt chẳng đôi phương 3. Đôi phương vời vợi, chén tiêu sầu Em hỡi, giờ này ở mãi đâu? Mong thấy giang sơn xoay hướng mới Mà đưa tâm sự lấp đêm sâu Ngổn ngang lữ khách tình non nước Lận đận thi nhân kiếp biển dâu Bể nhớ ngày thêm đầy khó cạn Ai về xin tát hộ dòng Ngâu
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 206 4. Dòng Ngâu Chức Nữ gặp tình lang Tháng Bẩy mưa tuôn lệ suối tràn Bến cũ năm năm người vẫn đợi Nơi này tháng tháng nhạn không sang Niềm thương mỗi khắc nhầu thân xác Nỗi nhớ từng đêm nát ngọc vàng Chép lá rừng thơ nào có hết Khối sầu nặng trĩu để ta mang 5. Ta mang tâm sự trải thơ này Dệt áo tương tư gửi bến mây Mấy cuộc phế hưng đau chín khúc Một đời tang hải trắng đôi tay Thương em chưa vẹn, thương nào cạn Nhớ nước không khuây, nhớ vẫn đầy Mỗi buổi chiều về rơi tuyết lệ Quên sầu vạn cổ chén quỳnh say 6. Quỳnh say bớt nỗi kiếp tha hương Tỉnh giấc mơ hoa, cuộc hí trường Đã dính nghiệp tằm giăng sợi kén Thì đem ý bút gửi văn chương Câu thơ thấm đậm hồn sông núi Tình nghĩa in sâu khúc Luật Đường Một phiến đan tâm còn sáng mãi Ngày về dẫu đợi mấy mùa sương 7. Mùa sương hẹn ước khách qui hồi Tháng đợi năm chờ tựa nước sôi Mơ xứ anh đào tươi ánh mắt Nhớ hàng phượng vĩ thắm bờ môi Kề vai dạo gót chim đưa lối Hạ bút đề thơ nguyệt sáng trời Ước mộng chợt về trong giấc điệp Tỉnh ra đâu thấy, bạn tình ơi!
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 207 8. Tình ơi, nỗi nhớ giọt Tương sa Thơ phú người đâu vận chẳng hòa Đất khách anh trông ngày tái ngộ Quê hương em đợi khúc hoan ca Sân đào lai láng đường trăng tuyết Ngõ trúc lao xao bước gió hoa Sống lại những ngày vui chốn cũ Yêu thương tô đậm mãi không nhòa 9. Không nhòa, hương ngát đượm không gian Cho phỉ hôm nao đá thử vàng Đâu thiết đỉnh chung vòng phú quí Nào cần danh lợi chốn cao sang Điền viên vui thú non cùng nước Tùng cúc giao hòa gió với trăng Đàn bướm bay quanh chầu gối mộng Vì ta em soạn lại cây đàn 10. Cây đàn buông tiếng đệm tình mơ Chim hạc bay ngang lượn thẫn thờ Nối sáp tri âm hồng má phấn Thêm hương mặc khách đẹp lời thơ Chùa bên văng vẳng lời kinh sáng Am cổ ngân nga tiếng kệ trưa Vương Hậu lên ngôi tình vĩnh cửu Lầu Loan, Sân Mộng thỏa trông chờ Trần Nhất Huynh (Tướng Quân T.Q.Lịch)
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 208 Quê Hương Nỗi Nhớ (Thập Thủ Liên hoàn) Cẩn họa 1-) Nước mắt đoanh tròng buổi biệt ly Lòng đau kẻ ở xót người đi Tình nồng thắm đượm duyên phai sắc Nghĩa đậm thâm sâu phận lỡ thì Bến Thước mưa dầm châu đẫm giọt Sông Ngân sóng cuộn khói nhòa mi Ngâu tuôn tháng Bảy càng thê thiết Ngưu Chức bao lâu dứt hạn kỳ 2-) Kỳ hạn mong chờ tựa khói sương Ngày Xuân yển hót rộn sân vườn Mai Đào hé nụ hoài tiên tổ Cúc Thọ khoe màu vọng cố hương Đất khách tàn canh sầu vạn cổ Quê cha lụn bấc nhớ miên trường Nhìn mây bảng lảng bờ sông quạnh Chim Việt cành Nam cách trở phương 3-) Phương nọ người ơi hải giác sầu Thiên nhai diệu vợi biết tìm đâu Niềm thương gởi đến bờ mơ cũ Nỗi nhớ trao về bến mộng sâu Thắt thẻo đường quê vàng ruộng lúa Bâng khuâng dốc núi mượt đồi dâu Ngưu Lang vẫn đợi xây cầu Thước Chức Nữ trông ngày hẹn bến Ngâu
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 209 4-) Ngâu trút mưa sầu hỡi ngọc lang Sao chưa thấy bóng lệ tuôn tràn Tròn năm lặng lẽ mong người gặp Trọn tiết bần thần đợi kẻ sang Tuế nguyệt chia lìa cây héo hắt Xuân thu cách biệt lá hanh vàng Cam lai khổ tận nào quan ngại Thuở trẻ vương tình lụy sớm mang 5-) Mang mang ôm mối khổ tâm này Sáng rực chân trời bạc biển mây Mắt vẫn trông chờ đôi cánh nhạn Tim đang mong ngóng một vòng tay Sông dù vợi bớt tình khôn vợi Đá dẫu mòn hao nghĩa khó mòn Tơ tóc xe duyên cầu vững chãi Quỳnh tương đợi nhấp chén nồng say 6-) Say cũng đừng quên chốn cố hương Đêm khuya trăn trở suốt canh trường Nguyệt cầm dìu dặt ngân dăm điệu Bối diệp ân cần thảo mấy chương Mãi tưởng Cha ngâm vần Lục Bát Hoài mơ Mẹ nhắc Luật Thơ Đường Băng thanh ngọc khiết xin gìn giữ Chẳng ngại mưa dầm trải gió sương 7-) Sương tuyết tuôn rơi bất phản hồi Quê nhà thấp thỏm tựa dầu sôi Trăng mong hạnh ngộ tươi màu má Nắng đợi tương phùng thắm nét môi Nhớ buổi thề nguyền vương lối mộng Buồn khi hẹn ước chuyển phương trời Ngày xưa kỷ niệm còn ghi khắc Hay đã phai tàn bạn ngọc ơi !
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 210 8-) Ơi! hỡi tình quân khiến lụy sa Sông Tương đôi ngã ước giao hòa Thuyền chưa đậu bến sang bờ mộng Đàn chẳng so dây tấu khúc ca Nếu vẫn nâng niu vin nhánh trúc Thì luôn trân trọng giữ cành hoa Cho tình sống lại thời chan chứa Để mắt bừng vui chẳng nhạt nhòa 9-) Nhòa nhạt đành sao kẻ thế gian Đừng quên lối phủ lá thu vàng Đường xưa phố quạnh chờ ai đến Nẻo vắng sương mờ đón kẻ sang Thư thả nghiêng mình soi bóng nước Bình yên ngóng gió đợi vầng trăng Rượu bầu thơ túi lòng thanh thản Nắn lại dây tơ khảy phím đàn 10-) Đàn trả châu về hợp phố mơ Tình chung vẹn vẽ đáng tôn thờ Đò xưa ngóng đợi người trau tứ Bến cũ mong chờ kẻ chuốt thơ Tiếng mõ chùa quê vang buổi sớm Hồi chuông đình Tổ vọng ban trưa Hạc vàng lại đến lầu Hoàng Hạc Mộng ước tương tư thỏa dạ chờ ThanhSong ntkp CA.Jan/24/2024
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 211 Nối Mùa Say (Tung Hoành Trục Khoán+ 1 Giao cổ đối) Xướng THUYỀN cập bờ đưa khách mỗi ngày AI người kết cỏ nối mùa say ? ĐẬU cung lộ vắng, sương mờ mịt BẾN rạt rào,neo giấc mộng gầy SÔNG hững hờ trôi cùng góc bể TRĂNG vàng võ dọi cuối chân mây ĐÓ còn giữ vẹn câu nguyền ước CÓ CHỞ TRĂNG VỀ KỊP TỐI NAY ?! Thích Thiện Thông Nối Mùa Say (Tung Hoành Trục Khoán+ 1 Giao cổ đối) THUYỀN lướt trùng dương há tính ngày? AI từng bay nhảy chẳng mê say? ĐẬU vùng biển lặng, sao thăm thẳm BẾN rộn ràng, vui chốn cảng gầy SÔNG nối trời xa mừng đợi sóng TRĂNG soi đất lạ đón chào mây ĐÓ hằng ấp ủ niềm mong ước CÓ CHỞ TRĂNG VỀ KỊP TỐI NAY?! ThanhSong ntkp - Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 212 Trở Về Biển Mộng Xướng Đã tưởng ra đi thẳng một lèo! Ai ngờ, số mệnh rượt nà theo. Mối hờn vong quốc còn chưa trả, Cái nợ văn chương vẫn phải đeo. Ừ nhỉ! Dòng đời chưa tận tuyệt, Hóa nên, thân thế chẳng bay vèo! Thôi đành trở lại, đi cho nốt, Biển mộng, thuyền mơ một mái chèo! Trần Quốc Bảo Phu Phụ Đề Huề Cẩn họa Biển động buồm giong cố lái lèo Xưa giờ phu xướng phụ tùy theo Ơn cha nghĩa mẹ lòng luôn giữ Nợ nước tình nhà dạ vẫn đeo Nếu nghiệp ba sinh không trả nốt Thì duyên một kiếp ắt rơi vèo Gia đình muốn vượt qua giông bão Chồng vợ chung vai gắng sức chèo ThanhSong ntkp *Tiền bối Trần Quốc Bảo-cựu Chủ tịch Văn Bút VNHNVĐBHK
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 213 Thuyền Đêm (Ngũ Độ Thanh) Sóng bủa chèo lơi lặng lẽ thuyền Đàn ai nức nở giữa màn đêm Chiều buông dạ khúc sầu cô lữ Lá đổ lòng quê chạnh nỗi niềm Lạnh lẽo trăng tàn say tỉnh giấc Mơ màng khói quyện não nề duyên Hồi chuông vẳng lại buồn vương khách Mộng dỗ canh dài khắc khoải quyên MaiLộc - Xướng Thuyền Đêm (Ngũ Độ Thanh) Nước đổ về xuôi vỗ mạn thuyền Cung đàn não nuột vút trời đêm Trăng cài gác lạnh sầu trăm nỗi Bão thốc rèm thưa khổ vạn niềm Bấc lụn dầu hao chàng bỏ nghĩa Thề tan hẹn lỡ thiếp gìn duyên Chuông chùa chậm rãi nghe buồn thảm Đoạn cả can trường tiếng đỗ quyên ThanhSong ntkp - Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 214 Quán Trọ Mùa Đông (Ngũ Độ Thanh) Xướng Ngồi bên cạnh cửa ngắm ngoài hiên Lại ngỡ như mình viếng cảnh tiên Hẽm tuyết hoa vờn xinh mảng ngọc Rừng thông nhánh rủ đẹp mành duyên Niềm vui huyễn mộng đừng lưu luyến Nỗi khổ phù sinh chớ muộn phiền Cảnh sắc tâm tình khôn lỗi nhịp Giao hòa hạnh phúc sẽ triền miên ThanhSong ntkp Nỗi Lòng Sương Phụ (Thể Khoán Thủ) "Ngàn dâu xanh ngát một màu Tình chàng ý thiếp ai sầu hơn ai " NGÀN câu thệ nguyện đến hồi DÂU bể đã khiến xa rồi tình thơ XANH xao lòng, bởi mộng mơ... NGÁT trời dông bão, dứt tơ duyên diều MỘT mình thơ thẩn đường chiều MÀU phai nhạt, hết hương yêu khi nào ? -/- TÌNH em chất ngất giọt thương đầy CHÀNG ruổi rong về cuối nẻo mây Ý đượm duyên nồng thương bấc lụn THIẾP ôm tình thắm tủi canh dài AI vương tử biệt không tàn héo SẦU nhuốm sinh ly chẳng úa phai HƠN nửa đời yêu đành lỗi ước AI chưa vẹn nghĩa để hao gầy ThanhSong ntkp - Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 215 Ngượng Ngùng (Xuyên Liên Vận) Bên thềm lất phất đọng mưa sương Đường vắng trời khuya nhớ bạn buồn Tuôn giọt châu dài tâm vọng tưởng Mượn dòng lệ đẫm dạ tơ vương Vườn xưa ủ dột nhành hoa phượng Hướng cũ tiêu điều ánh nguyệt suông Muốn nói đôi câu lòng vẫn ngượng Phương trời cách biệt hỏi còn thương ? ThanhSong ntkp - Họa Tình Sầu (Xuyên Liên Vận) Óng ánh bình minh đọng giọt sương Đường xưa có kẻ đứng ven tường Thương người chẳng đặng buồn trăm hướng Tưởng bóng không thành khổ tứ phương Vướng cảnh sầu bi hoài cánh phượng Vương câu luyến ái vọng hoa hường Lương duyên lỡ dở vì mưa chướng Thượng đế sao bày cảnh nhiễu nhương ThanhSong ntkp - Xướng
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 216 Tình Lỡ (Thể Song Thanh) Đèn tàn nguyệt lặn mấy canh thâu Lóng ngóng mong tin đến phát sầu Dạ nguyện gìn lòng xin quyết khấn Tâm mong giữ nghĩa muốn hòng cầu Nồng nàn ước đắp duyên sông bãi Thắm thiết thề bồi nợ ruộng dâu Nghiệp dập mòn đời anh sống mái Cho em sắc thắm chẳng ngời màu ThanhSong ntkp - Họa Nỗi Niềm Xa Xứ (Tứ đối - Bát vận đồng khuôn) Thu về lá rụng rải sân bời Đông đến băng đùn ngập giếng thơi Đất nước mong chờ thương hẳn tới Quê nhà ngóng đợi nhớ khôn vơi Đầu Xuân chán nản lòng chưa khởi Cuối Hạ sầu bi dạ chẳng ngời Nỗi khổ làng xưa không thể vợi Niềm vui chốn cũ khó mà khơi ThanhSong ntkp - Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 217 Hỡi Cổ Nhân (Ngũ Độ Thanh) Vĩnh biệt nhau rồi đó cổ nhân Làm sao gặp gỡ chỉ thêm lần Kinh hoàng áo não càng yêu bạn Khiếp đảm nao lòng đã lụy thân Mấy thuở chia lìa đâu nỡ dạ Muôn đời cách trở cũng đành tâm Ngàn thu nữa chẳng bao giờ có Được phút tương phùng hỡi cổ nhân ThanhSong ntkp - Họa Phù Du (Ngũ Độ Thanh) Buồn chi nếu vật đổi sao dời Thế sự thăng trầm dẫu chẳng vơi Vớ vẩn người hay tìm bỡn cợt Bình an bậu hãy cố xa rời Đừng đeo bổng lộc phù vân ấy Chối bỏ quan trường huyễn mộng thôi Dứt nghiệp bi sầu không khổ não Hầu mong trở lại kiếp con người ThanhSong ntkp - Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 218 Kệ Bóng (Ngũ Độ Thanh) Hạnh phúc vừa qua tuổi ngũ tuần Tình xa bến mộng nửa chừng xuân Bên bờ giác tiễn người vơi phận Cạnh bãi đời giam kẻ vướng trần Khẩn thiết mong Trời xin giũ nghiệp Thành tâm ước Phật giải trầm luân Con còn nặng quả miền dương thế Rủ bóng tà huy đã lịm dần ThanhSong ntkp - Họa Nhớ Thu Chốn Xưa (Ngũ Độ Thanh) Lại nghĩ mùa Thu khoảng lúc này Tuyền Lâm đất Lạch dễ gì phai Ta về vía bạt chùn chân nhảy Bậu ở tâm bình rũ cánh bay Biển mộng duyên thề vương vấn mãi Bờ mơ nghĩa hẹn nhớ mong hoài Đâu ngờ nghiệp dĩ càng tê tái Rệu rã thân mòn trắng cả tay ThanhSong ntkp - Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 219 Buồn Vui Sắc Đời (Thể Tam Điệp Thức) TRẮNG bạc trời mây, bạc trắng trời VÀNG tươi mai Tết, Tết vàng tươi Ươm HỒNG phận thắm, hồng ươm phận Tẩm TÍM đời thâm, tím tẩm đời ĐỎ nhú mầm hoa, hoa đỏ nhú XANH rơi cành lá, lá cành rơi NGÀ thân ngọc vóc, thân ngà ngọc XÁM nhạt môi mình, nhạt xám môi ThanhSong ntkp - Họa Tết Nầy (Ngũ Độ Thanh) Chẳng mộng mà Xuân vẫn cứ về Mai vàng ửng nụ lá còn hoe Vầng dương trắng bạc tô màu nhũ Ruộng lúa nâu vàng vẽ cảnh quê Dọc bến chòi tranh nằm giữa trảng Ngang bờ đụn cỏ nép gần khê Nhìn đôi liễn đỏ vương màng nhện Cảnh Tết nhà em cũng bộn bề ThanhSong ntkp - Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 220 Tuồng Đời (Ngũ Độ Thanh) Mỗi thế cờ đi một kiểu chơi Sầu bi nộ ái cũng con người Ô vàng bự chảng đành cam vứt Rổ bạc to đùng cũng ném thôi Gặp buổi vô thường xui mãi khóc Rời cơn huyễn mộng hẳn luôn cười Hào quang rũ bỏ vua cùng lính Một mảng sình trương giữa đất trời ThanhSong ntkp - Họa Ước Nguyền (Song Điệp Lưỡng Đầu Xà) Trôi mãi dòng sầu cứ mãi trôi Thời suy số mạng gặp suy thời Nợ duyên gãy đổ ơi duyên nợ Trời đất chao nghiêng hỡi đất trời Vậy phải căn phần nên phải vậy Thôi đành định phận cũng đành thôi Ước nguyền kiếp khác xin nguyền ước Đời lại bình yên nối lại đời ThanhSong ntkp-Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 221 Thanh Song Kim Phú (Thể Chiết Tự) Giữa tiết THANH Minh cổng đóng hờ Nhìn ra SONG cửa ngắm hoa mơ Người xa Kín tiếng lời to nhỏ Khách lạ Im hơi bóng tỏ mờ Gió lạnh Mang mang trời tĩnh mịch Mưa mù Phất phất cảnh tiêu sơ Em ngồi Họa vận thơ Đường luật Vẫn nhớ Un lò chẳng dám ngơ ThanhSong ntkp-Họa 1 Thanh Song Kim Phú (Thể Chiết Tự) Đêm Thu THANH vắng dạ ơ hờ Nép giữa SONG mành ý mộng mơ Chị nguyệt Khoan thai soi bóng tỏ Nàng thơ Im lặng ngắm sương mờ Băn khoăn Mong ngóng người quen cũ Thảng thốt Phân kỳ kẻ gặp sơ Bỗng thấy Hoang mang hồi hộp quá Lòng nghe U ẩn đến lơ ngơ ThanhSong ntkp-Họa 2
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 222 Chiều Trên Sân Ga Đời (Bát vận đồng khuôn) Sống chết là quy luật đất trời Sanh già bệnh tử khổ ghê nơi Ga trần chớ ở ta bà gợi Bến giác nên về cực lạc khơi Phú quý công danh đường diệu vợi Vinh hoa lợi lộc nẻo xa vời Vương hầu khanh tướng phù vân hỡi Nếu ngộ đừng ham luyến tiếc đời ThanhSong ntk-Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 223 Chuyện Đời (Xa Luân Ngũ Bộ) 1) Đời vui toại ý được là BAO Số phận an bài phải vậy SAO Mới chớm đầu Thu mây ảm đạm Vừa qua cuối Hạ nắng hanh HAO Đường trần vinh nhục không do dự Cuộc thế thăng trầm chẳng núng NAO Thương hải tang điền con tạo dệt Tri tân ôn cố lệ tuôn TRÀO 2) Nhắc đến dòng châu sắp chực TRÀO Đường trăng tản bộ dọc bờ BAO Đêm về lặng lẽ nằm ôm gối Tối đến âm thầm đứng ngắm SAO Nến thắp tù mù do bấc lụn Đèn chong leo lét bởi dầu HAO Ngôn từ chữ nghĩa đà khô cạn Muốn họa đôi vần dạ bỗng NAO 3) Quê Cha ở tận bến Vàm NAO Nhớ quá bờ mi lệ ứa TRÀO Người Bắc dồn vàng trong ruột tượng Dân Nam nhét bạc giữa hầu BAO Hai miền chữ nghĩa không đồng vậy Một nước ngôn từ chẳng giống SAO Thế sự tào lao ôi lắm chuyện Cười ta có lúc cũng bào HAO
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 224 4) Chẳng mộng đua đòi bởi tốn HAO Thua bè kém bạn thấy nôn NAO Làm thơ lủng củng lòng nghe nghẹn Viết đối lan man lệ chực TRÀO Trẻ lúc chung đôi mừng chẳng trọn Già còn bóng chiếc khổ dường BAO Đêm nằm thao thức mà trăn trở Tự hỏi nhưng nào biết tại SAO 5) Thà rằng bầu bạn với trăng SAO Trí ít mỏi mòn tâm ít HAO Ngủ chẳng lo mơ lòng chẳng núng Ăn không bị xót dạ không NAO Châu buồn thế sự châu còn chảy Lệ tủi nhân sinh lệ vẫn TRÀO Nắn nót bài buồn nghe tủi phận Thơ cùn mực cạn hết chiêm BAO ThanhSong ntkp-Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 225 Chuyện Xóm Làng (Lưỡng Đầu Xà Nghịch Thiệt) MÀN TUNG gió thốc chiếc MÙNG TAN CAN THỨ chi mà bậu CỨ THAN TÚ NẠM hoa tàn khen TÁM NỤ HANG MAI cá lội thấy HAI MANG BÁN LA hết khạp đường BA LÁN SÀNG VỌC đầy bao đậu SỌC VÀNG RÁY CHẢNG be bờ càng RÁNG CHẢY BANG NGƯNG chống lũ miệt BƯNG NGANG ThanhSong ntkp-Họa Hè Qua Trường Cũ (Song Điệp Lưỡng Đầu Xà) Thương nhớ ơi tình lại nhớ thương Trường tan anh đợi trống tan trường Cỏ tươi nắng hạ non tươi cỏ Đường úa chiều thu héo úa đường Áo trắng tinh khôi còn trắng áo Hương nồng trinh bạch giữ nồng hương Bão giông đã hết rồi giông bão Vương vấn cho lòng mãi vấn vương ThanhSong ntkp-Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 226 Duyên Phận Lỡ Làng Thể Dĩ Lục Vi Thủ Hạ Cú Em chờ người đến buốt sương đêm Sương gió tung bay mái tóc huyền Tóc xỏa bờ vai thân bóng chiếc Bóng mờ vóc liễu nỗi niềm riêng Niềm mơ hạnh phúc nhiều cay đắng Cay xé tâm tư lắm muộn phiền Muộn cuộc tình sầu duyên lỡ dở Lỡ làng mộng ước khổ triền miên ThanhSong ntkp - Họa Cha CHA vừa dãi nắng lại dầm mưa CHA nghiệp cầm quân súng thế bừa CHA giữ chu toàn tình tấm cám CHA gìn trọn vẹn nghĩa rau dưa CHA dày công dạy đền khôn đủ CHA nặng ơn nuôi đáp chẳng vừa CHA bước vô thường khi trọng bệnh CHA vừa dãi nắng lại dầm mưa Thanh Song ntkp - Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 227 Cha CHA tựa trăng vàng rực nẻo con CHA như đuốc tuệ sáng lòng son CHA từng dạy dỗ vừa đau đáu CHA vẫn chăm nom luống mỏi mòn CHA trải tâm lành vươn chóp núi CHA mang ý thiện phủ triền non CHA thường nhắc nhở điều trung tín CHA tựa trăng vàng rực nẻo con Thanh Song ntkp - Họa Mong… Xướng MONG già đở rét gió đầu đông MONG trẻ không bươn nắng cháy đồng MONG ách đỏ tàn xiềng xích rụi MONG mầm xanh trổ áo cơm trông MONG làng xóm ổn người vui dạ MONG mả mồ yên kẻ hởi lòng MONG bản dư đồ đừng rách nát MONG gìn Tổ Quốc dẫu tay không ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 228 Em Đọc Văn Thơ ĐỌC truyện văn chương cũng khá dày ĐỌC nên mỏi mắt lật mòn tay ĐỌC điều hiếu thảo tiền nhân dạy ĐỌC lẽ trung trinh cổ đức bày ĐỌC biết ngày xưa rành sử Việt ĐỌC tìm hiện tại rõ phương Tây ĐỌC thơ học hỏi càng trân quý ĐỌC để trau tria tiếng Mẹ này ThanhSong ntkp - Họa Ước ƯỚC ngày trở lại viếng thăm quê ƯỚC ngắm bằng lăng tím dịp hè ƯỚC bưởi hoa nồng ong vướng lụy ƯỚC hồng nụ ngát bướm thêm mê ƯỚC nghe Mẹ dỗ dành thương quá ƯỚC được Bà khuyên nhủ thích ghê ƯỚC thắp hương hoa mồ phụ mẫu ƯỚC nên khắc khoải lỗi câu thề ThanhSong ntkp - Họa CA. May/19/2021
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 229 Mượt Mà Xuân Nàng Xuân diễm tuyệt đến đây rồi Mây trắng trời xanh lơ lửng trôi Bãi cỏ sau vườn mươn mướt lá Hoa đào hớn hở nhú thêm chồi Cùng ngồi cạnh cửa ngắm ngoài hiên Ánh mắt thay lời gởi đến em Thưởng thức hương cà phê buổi sáng Xuân phong bỡn cợt tóc mây mềm Năm nầy tám mốt cũng già đây Nhắc chuyện xa xôi chợt nhớ ngày Đính ước…thơ như tờ Chiếu Chỉ Còn trêu…"Cưới vợ phải liền tay…" Chắng có trăng sao, chẳng lá cành Vào đề chớp nhoáng…"Nếu ưng anh Thì cho biết sớm, còn lo liệu Sắp bão dông, cần book vé nhanh…" Một tuần chuyện vãn chỉ trên phone Chống gậy, anh bay tháng kế liền Con cháu đôi bên ngăn chẳng được Anh cười lém lỉnh…: "Lính Mà Em…" Cali nắng ấm đã mười năm "Cẩm Chướng" đôi khi rực đỏ lòng Bão táp phong ba cồn sóng cả Tình già, rồi cũng…mượt mà xuân… ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 230 RA MẮT ĐẶC SAN 17.02.2024 Văn nhân thi hữu họp mừng xuân, Nam nữ cùng vui tiệc cuối tuần. Ra mắt đặc san chung tác giả, Đổi trao ấn phẩm giúp nhân quần. Dân quyền quê cũ luôn tranh đấu, Công nghĩa chốn nầy cố chỉnh tuân. Sáng tác thêm nhiều nên gắng sức, Chúc nhau mạnh khỏe mãi vui xuân. Nhật Quang Phi Hồ (17Feb2024)
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 231 CHYỂN LỬA Anh hùng tử chiến đảo Hoàng Sa( 75 tử sỉ) Lịch sử ghi danh bảo vệ nhà Ngọn đuốc sáng soi...người tiếp nối Tiên phong hùng dũng Ngụy văn Thà. Thơ văn đàn sáo của ngày xưa Thức tỉnh lòng người cũng chẳng vừa Việt Khang hiện hữu dùng lời nhạc Tăng chí quật cường đuốc chuyển đưa Hồn thiêng sông núi ở trong lòng Chiến sĩ cùng dân vẫn ước mong Thế giới anh minh đồng cứu giúp "Châu về hiệp phố" ắt phải xong!. (Viết kỷ niệm ngày Hoàng Sa 42 năm) Cảm tác trợ giúp Thiên tai Tình yêu nhân loại muôn lòng rộng mở Thoát từ trái tim chẳng đợi chẳng chờ Nhà tan cửa nát ta chớ thờ ơ... Kẻ của người công và nhiều thứ nữa... Hằng triệu gia đình không nhà không cửa Nét mặt đau thương bên xác người thân Các hội Từ thiện tiếp sức đỡ đần Thế mới gọi là"tình yêu không biên giới" Tai trời ách nước đến không mời ... Sướng khổ không lường chuyện của đời San sẻ tình thương và vật chất Ai người "thay nước mắt thành cười" Trang Ngọc Kim Lang
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 232 VÒNG TAY ẤM MÙA ĐÔNG Mưa rơi rớt Đông về trong buốt giá Nhìn xa xa thấp thoáng bóng hình ai Em thao thức nhớ lời anh đã nói Mùa đông đến sẽ là mùa vui mãi Anh đã nói mùa đông nay sẽ ấm Ngày tháng mình xa cách không còn nữa Cuộc chiến tàn đời sẽ đẹp em ơi Hoà bình đến mang tinh yêu đôi lứa Em hãy nhớ đợi anh về em nhé Chờ anh về ta sẽ được sánh đôi Trong tay nhau anh ôm vòng lưng ấm Ôi vui quá anh sẽ về chung sống Em yêu hỡi bước chân anh đã mỏi Tim về em bên bếp lửa ấm lòng Tình chinh nhân đã trọn với núi sông Giờ cuộc sống là bài ca tình ái Tình yêu mình sẽ là ngọn lửa ấm Làm quên đi ngày gian khổ từ đây Trong tay anh, bên nhau ngày đông giá Ta ven toàn giấc mộng được sánh đôi Ta hôn nhau trong giấc mơ hư ảo Cuộc đời mình sẽ được mãi bên nhau Nói với nhau trong âu yếm ngàn lời Bên nhau mãi vòng tay anh sưởi ấm. Lê Nguyễn Nga 12 / 2023
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 233 ĐÊM GIAO THỪA Xuân về với niềm Nhớ quê xưa Buồn dâng trong lúc đón giao thừa Chỉ vui với bánh chưng dưa hấu Cùng nhạc mừng xuân khe khẽ đưa Trời lạnh nên lòng cũng lạnh thêm Lắng nghe gió thổi ở bên thềm Hồn nhiên tan vỡ trong hiu hắt Tĩnh mịch đi về theo bóng đêm Hồng Vân CHÀO XUÂN GIÁP THÌN Tết trở lại rồi vui quá vui Cầu trời số phận hết điều xui Hân hoan chào đón mùa xuân mới Nguyện cầu mọi chuyện sẽ êm xuôi Năm nay là năm của thần rồng Tổ tiên Lạc Việt nước Nam ta Cầu cho nhà nhà được no ấm Công dân làm rạng rỡ giống nòi Hãy quên chuyện cũ của năm qua Hãy vui chào đón mừng năm mới Không còn vương vấn bao phiền muộn Cho hồn thanh thản một đầu xuân Hồng Vân
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 234 Lễ Thượng Kỳ đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tại Vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn Bài tường thuật: Đào Hiếu Thảo Hình: Kathy Nguyễn & Nguyễn Quang Dũng Theo truyền thống hàng năm từ khi Người Việt Quốc Gia đến định cư tại Quê Hương thứ hai này gần 49 năm nay, lễ thượng kỳ đầu Xuân Giáp Thìn được tổ chức trọng thể vào lúc 12 giờ trưa thứ bảy 10 tháng hai năm 2024 là ngày mồng một Tết Nguyên Đán tại kỳ đài trong Trung Tâm Thương Mại Eden thuộc thành phố Falls Church, Virgina.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 235 Nơi đây, một Lễ Đài uy nghi với Bàn Hương Án đã được trang trọng dựng lên, rất đông quan khách, đồng hương, trẻ em trong những bộ lễ phục cổ truyền lịch lãm, các cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong quân phục các quân, binh chủng, tề tựu đông đủ. Nhờ thời tiết thuận lợi, trời không mưa như dự báo thời tiết trước đó, dịch bệnh được kiểm soát hữu hiệu, số người hiện diện đạt đến mức kỷ lục so với những năm gần đây.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 236 Chương trình bắt đầu với phần giới thiệu quý vị quan khách Việt-Mỹ, đại diện các Hội Đoàn Quốc Gia. Tiếp theo là lễ chào quốc kỳ Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và Phút Mặc Niệm do Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa phối hợp với Tổ Chức Cộng Đồng Vùng Hoa Thịnh Đốn, Maryland & Virginia phụ trách. Các ông Phạm Dương Hiển, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Vùng Washington DC, Maryland và Virginia, Bùi Mạnh Hùng, Đồng Chủ Tịch Cộng Đồng/ Đặc Trách Maryland, Lý Thanh Phi, Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Vùng Hoa Thịnh Đốn và Cao Nguyên, Hội Trưởng Hội Người Việt
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 237 Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn cùng Niệm Hương cung thỉnh Chư Vị Tổ Tiên chứng giám cho lòng thành của người con dân nước Việt luôn hướng vọng đến các Ngài, xin phò hộ độ trì cho một Việt Nam an vui, thịnh vượng và dân Việt sớm được đoàn tụ trong tự do, dân chủ, nhân quyền thật sự. Liên tục chương trình là chúc Tết và phát biểu của ông Phạm Dương Hiển, Chủ Tịch Cộng Đồng. Ông nói một năm qua với thành phần nhân sự được trẻ trung hóa, phong cách làm việc ngắn gọn, đúng quy tắc, nên hoạt động của Cộng Đồng nhìn chung đã đạt được thành quả khả quan. Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ, tinh thần ôn hòa, chúng ta chọn cách đấu trí hơn là đấu khẩu hầu tạo dựng những lợi ích chung cho tập thể. Chúng ta chưa hẳn đã hài lòng với hiện tại mà vẫn luôn tìm kiếm sự trợ giúp từ chính quyền cấp quận, tiểu bang hay liên bang. Ngày 5 tháng 11 năm nay chúng ta sẽ đi bầu Tổng Thống Hoa Kỳ, các nghị sĩ, dân biểu lưỡng viện Quốc Hội, bà con nên đi bầu thật đông để có được tiếng nói mạnh mẽ đối với chính giới Hoa Kỳ. Thay mặt Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa, ông Chủ Tịch Lý Thanh Phi chúc mừng năm mới đến quý Đồng Hương và Chiến Hữu. Ông nói nhìn Lá Cờ Vàng Chính Nghĩa vẫn vươn cao tung bay trước gió, Đồng Hương có mặt tại buổi lễ thấy ấm lòng, ngày hôm nay, mồng một Tết Nguyên Đán, Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa cũng được dương cao khắp thế giới ở bất cứ nơi nào có Người Việt Tự Do sinh sống. Theo vận nước nổi trôi, thời cuộc biến đổi, quê hương chúng ta bị nhuộm đỏ đã gần 50 năm nay, nhưng Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa vẫn hiện diện trong hầu hết các buổi lễ của Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại. Ông nhấn mạnh Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn luôn tâm niệm “Lá Cờ Tổ Quốc Thiêng Liêng- SỐNG BẢO VỆ / CHẾT MANG THEO” báu vật này. Kế đó là lời chúc Tết đến Người Việt Quốc Gia khắp nơi cũng như trong Vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn một mùa Xuân an lành, năm mới thịnh vượng, hạnh phúc, phát đạt, dồi dào sức khỏe của ông Cao Nguyên, Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn. Thống Đốc Virginia Glen Youngkin không thể tham dự buổi lễ, ông cử cô Anh Tú Đỗ, thuộc Ủy Ban Tư Vấn về Phụ Nữ đọc Tuyên Cáo mang nội dung chính như sau: “Tết Nguyên Đán là ngày lễ có ý nghĩa quan trọng được hàng tỷ người trên khắp thế giới tổ chức hội họp, ăn mừng. Virginia là nơi sinh sống của ít nhất 750 ngàn cá nhân người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương. Đây là lễ hội đầu năm
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 238 âm lịch, thời gian mà gia đình quây quần, bằng hữu họp mặt để tỏ lòng tôn vinh các vị Thần Linh và cúng bái Tổ Tiên. Với tư cách là Thống Đốc, tôi công nhận ngày đầu năm âm lịch hàng năm là Ngày Tết Nguyên Đán trong toàn Tiểu Bang Virginia.” Ban Tổ Chức ghi nhận sự hiện diện của các quan khách Mỹ : Nghị Sĩ Mark Warner, Dân Biểu Gerry Connolly, ông Jordan, Đại Diện Bộ Trưởng Tư Pháp Virgina, Jason Miyares, bà Letty Hardi, Thị Trưởng Falls Church, bà Erin Flynn, Ủy Viên Hội Đồng Thành Phố Falls Church, bà Stacey Kincaid, Sheriff Fairfax, ông Kevin Davis, Cảnh Sát Trưởng Fairfax, ông Shahram, Sở Cảnh Sát Falls Church, ông Metin Matt Cay, Sheriff Falls Church… và ứng cử viên Thượng Nghị Viện Liên Bang, cựu Hải Quân Đại Tá người Mỹ gốc Việt Hùng Cao. Sau phát biểu của các Nghị Sĩ, Dân Biểu Hoa Kỳ, các Giới Chức chính quyền địa phương thuộc Quận Fairfax & Falls Church là lời chúc Tết của cháu Lê Quốc Vũ Marvin, Đại Diện các thiếu nhi. Kế đó, Ban Tổ Chức tặng quà Tết cho các em, tiếp theo là múa lân, múa rồng dồn dập, mang đến mầu sắc tưng bừng, rộn rã của mùa Xuân Mới. Vài ngày trước Tết, các doanh nhân trong Trung Tâm Thương Mại Eden lo ngại khi hay tin vì lý do an ninh, năm nay sẽ không hy vọng được phép đốt pháo mừng Xuân. Tuy nhiên, nhớ lại truyền thống hàng năm và cũng để tạo không khí vui Xuân, đón Tết, vào giờ chót, người Việt mình không ai bảo ai đã đốt những tràng
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 239 pháo đại liên tục, pháo nổ vang rền tứ phía trong khu Eden, kéo dài cả giờ đồng hồ. Điều hợp diễn tiến buổi sinh hoạt có ông Matthew Trương, Phó Chủ Tịch Cộng Đồng/Đặc Trách Ngoại Vụ , cô Nguyễn Đỗ Như, Thành Viên Cộng Đồng Việt Nam, ông Tim Lê, Trưởng Ban Tổ Chức và Mũ Đỏ Trần Hồng Minh, Sĩ Quan
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 240 Nghi Lễ. Lễ Đài và Bàn Thờ do Kiến Trúc Sư Bùi Dương Liêm thực hiện. Toán Quốc-Quân-Kỳ do các cựu quân nhân Hải-Lục-Không Quân đảm trách. Dịp này, Ban Tổ Chức chân thành cám ơn sự giúp đỡ phương tiện và tài chánh của các công thương, kỹ nghệ gia cho việc thực hiện thành công Lễ Thượng Kỳ đầu năm mới. Buổi lễ được trực tiếp truyền hình qua Facebook, YouTube và phổ biến rộng rãi bởi các cơ quan truyền thông báo chí: Truyền Hình Việt Nam Hoa Thịnh Đốn, VIETV, VOA, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, tuần báo Thương Mãi Miền Đông VA, Hoa Thịnh Đốn Việt Báo và Diễn Đàn STOP EXPANSIONISM .ORG Lễ Thượng Kỳ đầu Xuân Giáp Thìn hoàn tất vào lúc 1 giờ 30 phút, khu vực thương xá Eden lại nhộn nhịp, tấp nập, bà con, cô bác vui Xuân, đón Tết, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất với hy vọng năm “RỒNG” sẽ mang lại nhiều điều may mắn, an khang, thịnh vượng, tài lộc dồi dào hơn năm “MÈO” vừa qua. Th2
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 241 Mùa Xuân Trên Đỉnh Langbian Một trong những tập tục của Thiếu đoàn Lê Lợi là vào sáng mồng hai tết nguyên đán hằng năm, các đội trưởng tập trung tại nhà của Đội- trưởng-nhất để cùng nhau đến chúc tết các Trưởng trong Thiếu đoàn. Sau đó cùng kéo nhau đi chúc tết từng đoàn sinh cho đến tối. Sang ngày mồng ba tết là trại đoàn được tổ chức để mở đầu cho một năm hoạt động của Thiếu đoàn. Tết Canh Tý năm 1960, chúng tôi được các Trưởng cho biết trại năm nay sẽ chinh phục đỉnh núi Langbian mà người dân Đà Lạt thường gọi là Núi Bà, cao 2169 mét. Núi nằm về phía Bắc thành phố khoảng 30 cây số. Chung quanh núi là rải rác các buôn làng của đồng bào sắc tộc người K’ho – nơi mà chúng tôi mong có cơ hội đặt chân đến sau rất nhiều lần đã từng cắm trại mạo hiểm đến những địa danh như Cam Ly Thượng (không phải thác Cam Ly, thắng cảnh du lịch), Suối Tía, Suối Tiên, Núi Voi, Lapbé Nord, Lapbé Sud, Suối Vàng, Suối Bạc, Thác Gougar, thác Pongour, thác Prenn… Vào thời điểm đó, chung quanh thành phố Đà Lạt vẫn còn khung cảnh thiên nhiên một trăm phần trăm với đồi núi, thác ghềnh và những khu rừng già bí hiểm gây sự tò mò và đánh thức óc mạo hiểm của các Thiếu sinh như chúng tôi. Buổi sáng đứng từ trung tâm thành phố nhìn về hướng Bắc, thấy sương mù bao phủ đỉnh núi, chỉ thấy được hai đỉnh núi xanh biếc vào những ngày trời nắng ráo. Vào mùa khô, từ tháng mười cho đến tháng tư, dân Đà Lạt thường thấy cảnh cháy rừng trên Núi Bà kéo dài có khi hơn cả tháng. Rừng cháy tạo ra những vòng lửa sáng rực cả một vùng trời, đứng ở bất cứ vị trí nào trong thành phố cũng thấy được cảnh cháy núi này. Những đám cháy như thế sẽ bị dập tắt khi có những trận mưa lớn nhiều ngày chứ sức người thì không tài nào trị nổi mặc dù có các toán bảo vệ rừng do những người dân sắc tộc thuộc Ty Lâm sản thành phố đảm trách. Bọn thiếu sinh chúng tôi ở Đà Lạt thường nghe những câu chuyện có tính cách huyền thoại liên quan đến núi Langbian nhưng không mấy ai trong chúng tôi quan tâm ngoài việc ao ước có một ngày được leo lên tận đỉnh núi để nhìn về thành phố. Thời tiết vào những ngày tết nguyên đán rất lạnh. Từ 6 giờ sáng, các đội đã có mặt đông đủ tại nhà tôi vì lúc đó tôi là Đội - trưởng - nhất và nhà tôi nằm trên đường dẫn đến Núi Bà. Các Trưởng Nguyễn Văn Võ, Lê Thuần, Nguyễn Minh Hoàng cũng có mặt đúng giờ. Tất cả đều đi bằng xe đạp, ba lô trên vai và lều gậy dây, trại cụ đầy đủ. Sau hơn một tiếng đồng hồ phi ngựa sắt, chúng tôi đã có mặt dưới chân núi Langbian
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 242 gồm 28 đoàn sinh và ba Trưởng. Chúng tôi vào làng thượng Mang Linh để gửi xe đạp ở phía dưới nhà sàn của một gia đình người K’ho và không quên biếu gia đình này một bịch muối và năm ổ bánh mì do Trưởng Nguyễn Minh Hoàng đem theo. Chúng tôi được chia ra làm hai toán. Toán thứ nhất gồm đội Sóc và đội Báo. Toán thứ hai có đội Voi và đội Hổ. Nguyễn Đức Quang đội trưởng đội Voi, Trần Hữu Tân đội trưởng đội Hổ, đội Sóc do Lê Công Mừng và đội Báo là Cao Duy Tuấn. Tôi được các Trưởng chỉ định cùng đi với toán thứ hai. Toán Voi – Hổ đi sau toán Sóc – Báo 15 phút và trực chỉ lên đỉnh Langbian. Rời làng lúc 9 giờ sáng với bản đồ và la bàn để chấm tọa độ đỉnh núi. Lấy khởi điểm từ làng Mang Linh thì chúng tôi sẽ phải leo lên núi bằng hướng đông bắc mười lăm độ. Ra khỏi làng độ nửa cây số, chúng tôi gặp gặp một cánh rừng thưa đầy những hoa anh đào trắng đang nở rộ. Người Đà Lạt gọi hoa này là hoa anh đào xá lị, hoa đẹp và có màu trắng. Ai đến Đa Lạt vào thời trước bảy lăm sẽ thấy cây đào xá lị được trồng dọc hai bên đường Nguyễn Tri Phương, từ cây xăng Kim Cúc chạy xuống đến Câu lạc bộ thể thao (cercle sportif) đối diện nhà Thủy Tạ và còn chạy thẳng lên đến giáp đường Trần Hưng Đạo, bên dưới khách sạn Palace. Mặc dù rất thích nhưng chúng tôi không một ai dám chặt nhánh hay bẻ hoa. Đây là rừng hoa thiên nhiên ít ai biết đến trừ những người dân K’ho ở gần đó nhưng chúng tôi không thấy dấu vết gì chứng tỏ họ đụng đến rừng hoa anh đào này. Chúng tôi băng qua một con suối nước trong vắt, bề ngang khoảng chừng 20 thước, chảy len qua những tảng đá nâu đen tạo thành tiếng kêu róc rách. Sương mai vẫn chưa tan. Mặt trời vẫn chưa thấy ở hướng đông. Đội trưởng Nguyễn Đức Quang đi đầu chốc chốc dừng lại để nhìn vào la bàn. Tôi là người đi sau cùng của toán. Vừa ra khỏi khu rừng thưa thì chúng tôi thấy Trưởng Nguyễn Minh Hoàng đang đứng chờ chúng tôi trên một tảng đá lớn. Chúng tôi nhận được bản tin bằng Semaphore do Trưởng Hoàng gửi với nội dung: “Trình diện thiếu trưởng và thiếu phó ở đỉnh núi mười hai giờ ba mươi với ba giò phong lan”. Đi hết khoảng dốc núi thoai thoải, chúng tôi bắt đầu vất vả để trèo lên những đoạn có dốc đứng với cây cối chằng chịt và to cao. Chúng tôi dùng gậy gạt những lùm bụi um tùm để mở lối đi. Cứ độ mười lăm phút chúng tôi dừng lại để chờ nhau và định hướng rồi leo tiếp. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp vài lối mòn do những người K’ho tạo thành để đi nhưng những lối này không cùng hướng đông bắc với chúng tôi. Càng leo lên chúng tôi càng cảm thấy khí lạnh vây bủa, nhìn lên chỉ thấy những ngọn cây xanh che khuất cả bầu trời bên trên. Những bụi cây và lá rừng hình như chẳng bao giờ được sưởi ánh nắng mặt trời. Mùi ẩm ướt xông lên từ những lớp lá mục rữa. Những chiếc ba lô trên vai chúng tôi hình như mỗi lúc một gia tăng trọng lượng khi chúng tôi phải cố vượt qua những tảng đá phía trước để tiến lên. Chúng tôi kéo nhau băng qua những tảng đá hoặc phải đi vòng nếu gặp những tảng đá quá lớn bám đầy rêu phong. Chúng tôi phải hết sức cẩn thận khi leo lên những tảng đá để tránh trường hợp đá lăn xuống gây tai nạn nguy hiểm. Vô số dây leo chằng chịt trước mặt to bằng cánh tay nhưng chúng tôi không có cơ hội bám vào để đu như tarzan, điều mà chúng tôi đã làm nhiều lần khi cắm trại ở thác Prenn hay thác Pongour. Chúng tôi quan sát những thân cây
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 243 cổ thụ để tìm kiếm phong lan nhưng vẫn chưa thấy. Khoảng hơn mười giờ chúng tôi ngồi túm tụ lại trên một tảng đá lớn để lấy bánh kẹo và mứt ra ăn. Khi cả toán ngồi lại thì thấy thiếu Nguyễn Hữu Tuệ, đội phó đội Hổ. Tôi lấy còi ra thổi một tiếng dài, sau đó liền nghe có tiếng còi đáp lại. Tôi liền thổi hai tiếng còi liên tục nữa và cũng được đáp lại hai tiếng và chỉ trong chưa đầy năm phút chúng tôi thấy Tuệ ôm một mớ phong lan trước ngực và miệng cười toe toét. Thì ra anh chàng thấy phong lan trên cây nên âm thầm một mình dừng lại để leo lên “thu hoạch” trọn ổ. Chúng tôi đếm được bảy giò phong lan. Thế là toán chúng tôi đã có thừa “chiến lợi phẩm” của trời để trình diện cho thiếu trưởng và thiếu phó. Có một điều hơi lạ khi đi trong rừng rậm và leo núi, không một ai trong chúng tôi nghĩ đến sự nguy hiểm như gặp thú dữ. Chúng tôi cũng không thấy rắn rết gì cả. Chỉ thỉnh thoảng mới nghe tiếng đập cánh của những con chim khi chúng nghe tiếng động từ phía chúng tôi. Còn một điều nữa, đó là loài vắt mà chúng tôi được biết hễ cứ sau một trận mưa là chúng ở đâu dưới những đám lá rả mục hay lùm bụi chui ra cả bầy và bám vào chân, vào tay gỡ không ra. May là chúng tôi đi vào mùa khô. Nghe nói khi bị vắt bám vào thì dùng vôi bôi vào chúng mới chịu nhả ra hay khi chúng hút máu bụng no tròn mới chịu buông. Mười hai giờ chúng tôi dừng lại nghỉ năm phút. Chúng tôi còn 30 phút nữa để có mặt ở đỉnh núi. Hai chân để bước và leo, còn hai tay dùng để bám vào các rể cây hay vin vào những mõm đá hoặc bấu vào ngay mặt đất để trườn mình lên. Chúng tôi bảo nhau tăng tốc độ. Lúc này đội trưởng Tân đi giữa và tất cả sát nhau tiến lên, vượt qua những cây ngả nằm chắn ngang lối đi. Vài phút sau chúng tôi phát hiện sự hiện diện của toán thứ nhất do Lê Công Mừng và Cao Duy Tuấn hướng dẫn. Tôi dùng còi liên lạc và được đáp lại. Sau đó hai toán nhập lại để cùng bò lên đỉnh núi sau cuộc hội ý giữa tôi và bốn đội trưởng. Trên ba lô của Mừng và Tuấn lủng lẳng nhiều cành phong lan tuyệt đẹp. Càng lúc chúng tôi càng thấy rõ phía trên những ngọn cây là những mảng trời xanh, không còn những cây cổ thụ và đã thấy những lối mòn ngang dọc. Chúng tôi biết sắp lên tới đỉnh. Đúng như dự đoán, chúng tôi đặt chân lên đỉnh Langbian lúc 12 giờ 45 phút. Trễ mất 15 phút. Chúng tôi vừa vui vừa ngạc nhiên khi thấy các Trưởng Nguyễn Văn Võ, Lê Thuần và Nguyễn Minh Hoàng đang đứng giữa đỉnh núi cười đón chúng tôi. Đỉnh núi là một khoảnh đất tròn bằng phẳng, đường kính độ mười thước. Như đã giao ước, hai toán cùng sắp hàng ngang và trình diện một lúc. Các Trưởng bắt tay trái từng thiếu sinh và ngỏ lời khen ngợi tất cả chúng tôi mặc dầu lên trễ 15 phút. Phong lan được giao cho các Trưởng trước khi được lệnh nghỉ ngơi để chuẩn bị bữa ăn trưa bằng thức ăn có sẵn là bánh tét, bánh chưng, bánh mì và mứt kẹo… Ăn uống xong chúng tôi đứng tụ lại với nhau để nhìn xuống núi về hướng nam để thấy thành phố Đà Lạt mờ mờ ảo ảo dưới những đám mây. Chúng tôi có cảm giác như đang bồng bềnh trên mây. Thật vậy! Chung quanh đỉnh núi toàn là mây màu trắng chồng chất lên nhau bồng bềnh lơ lửng. Những bản làng dưới chân núi cũng bị mây che khuất. Chung quanh chúng tôi toàn là mây với mây. Lúc đó tuy chưa nhận thức được sự thiêng liêng của tạo hóa như thế nào nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 244 sự hùng vĩ của thiên nhiên, của đất trời chung quanh chúng tôi. Con người đứng giữa đỉnh núi và lơ lửng giữa trời và mây, nghĩ lại thấy chẳng khác nào chuyện trong cổ tích. Vào lúc hai giờ chiều chúng tôi đươc lệnh rời đỉnh núi. Các Trưởng đi trước và đoàn sinh theo sau. Chúng tôi phải dùng gậy để việc đi xuống dốc được dễ dàng, nếu không sẽ bị trượt do không kiềm giữ được tốc độ xuống dốc. Nửa giờ sau các Trưởng dừng lại trên một khoảng đất tương đối bằng phẳng có dấu tích do người Thượng để lại. Chúng tôi thấy ba chiếc lều cá nhân của các Trưởng đã dựng tự bao giờ. Sinh hoạt buổi chiều là những trò chơi nhỏ và ca hát. Đặc biệt có trò chơi nút dây và cứu thương như cấp cứu khi bị rắn hay bò cạp cắn trong rừng. Chúng tôi được lệnh không được đi xa khỏi đất trại hai trăm mét ngoại trừ đi về hướng một khe nước trong chảy xuống từ một vách núi cách đất trại khoảng ba trăm mét. Những cụm khói bay lên khi chúng tôi nhóm lửa nấu nướng cho bữa cơm chiều với các món ăn cố hữu trong các kỳ trại là các món canh bắp cải nấu với tôm khô, su su xào thịt heo và trứng vịt chiên. Có chuyện vui xảy ra khi đầu bếp của đội Báo làm món trứng chiên. Chàng ta làm món trứng xong thì thấy trên mặt còn ướt nên treo cái chảo trên một nhánh cây gần đấy, khi bày biện các món đã nấu xong để chuẩn bị “đứng trước cơm canh giờ này…” thì chàng ta đi lấy chảo trứng. Đến gốc cây, chàng chỉ thấy cái chảo còn trên nhánh cây, còn trứng thì đã bị một bầy kiến đỏ bu ngập trên mặt đất. Hôm đó đội Báo chỉ có hai món. Màn đêm buông xuống. Ánh sáng từ những chiếc đèn bão lập lòe trong màn sương đêm lạnh lẽo. Rồi cuộc vui bên lửa với những bài ca, vỡ kịch, điệu múa, trò chơi của các đội luân phiên trình diễn. Những tiếng a…a…a sau mỗi màn trình diễn vang vọng vào núi rừng thâm u. Những ánh mắt rạng rỡ, những nụ cười hồn nhiên, trong sáng của chúng tôi và những lời dặn dò của các Trưởng tưởng chừng như đang thị hiện đâu đây khi ngồi viết những dòng chữ này. Sau bữa ăn khuya bằng món chè đậu ngay bên vòng lửa, chúng tôi hát bài “chúc ngủ” và lặng lẽ trở về lều. Các đội trưởng chia phiên gác cho các em. Lúc mười giờ, tôi và các đội trưởng đội phó đi theo các Trưởng để họp trên đỉnh núi. Phiên họp chỉ kéo dài trong ba mươi phút để kiểm điểm sinh hoạt một ngày qua và chuẩn bị cho chương trình ngày mai. Chúng tôi lạnh dúm cả người, co ro trong những chiếc áo ấm với bao tay và khăn quấn cổ nhưng hai hàm răng vẫn cứ đánh bò cạp, da mặt se thắt lại, miệng thở ra đầy khói và bụng thì thót lại vì cái lạnh đã đi vào thấu tới tim gan. Nếu đứng xa quá một thước thì chẳng ai thấy ai… Khi trở lại đất trại, các Trưởng và tôi đi một vòng để kiểm soát việc canh gác của các em đang cầm gậy đứng co ro dưới gốc cây bên chiếc đèn bão để quan sát tứ phía… Tôi vào lều nằm nghe sương rơi. Lá cây khua xào xạc bên ngoài hòa cùng với tiếng gió rít từng cơn, tiếng côn trùng rả rích trong các lùm cây hòa thành một tấu khúc rừng khuya kỳ diệu. Hơi đất lạnh và mùi lá cây ẩm mục không cản được giấc ngủ của tôi sau một ngày làm việc cật lực.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 245 Tiếng tù và từ lều các Trưởng đánh thức bình minh. Chúng tôi bước ra khỏi lều trong màn sương dày đặc. Sau bài thể dục vận động do Trưởng Lê Thuần hướng dẫn, chúng tôi vẫn còn thấy cái lạnh bám sát quanh mình. Sau khi ăn sáng xong chúng tôi được lệnh nhổ lều để xuống núi theo con đường bậc cấp cách đất trại không xa. Mỗi bậc cấp đều có đặt một khúc gỗ dài khoảng một thước. Các Trưởng cho chúng tôi biết đây là con đường từ chân núi lên đến đỉnh Langbian có 1200 bậc cấp do Ty Công chánh Đàlạt thực hiện nhân chuyến viếng thăm Đà Lạt và lên đỉnh núi Langbian của Tổng thống Ngô Đình Diệm vào mùa hè 1957. Theo con đường bậc cấp này, chúng tôi xuống núi dễ dàng và nhanh. Chúng tôi về đến gần làng Mang Linh vào lúc 10 giờ rưởi sáng. Mười một giờ bốn đội có một cuộc thi. Đó là thi nấu cơm, không nấu thức ăn. Nấu cơm nhanh và ngon và tiêu chuẩn của cuộc thi. Các Trưởng phát cho mỗi đội hai ký gạo và một hộp diêm trong đó chỉ có một que diêm. Các đội chia nhau mỗi người một việc để “công cuộc” nấu cơm được tiến hành ngay. Hoạt cảnh nấu cơm thật là vui. Các em chạy đi nhặt củi khô đem về nhóm lửa. Trời gió và không khí ẩm ướt có thể làm cho việc nhóm bếp bị trở ngại. Các đội dùng các tấm tent để che quanh các bếp dã chiến. Khi các em bê nồi gạo xuống suối để vo và lấy nước thì các bếp lửa đã bùng cháy. May mà trời không có mưa, nếu không, vừa gió vừa mưa thì một que diêm cũng khó mà có được bếp lửa. Các em vừa dùng những nhánh củi khô vừa cho thêm vào mớ lá khô còn ẩm nên các bếp bốc khói lên mù mịt. Nhiều em đứng quanh bếp sụt sịt với nước mắt nước mũi. Gần cả tiếng đồng hồ sau bốn nồi cơm được mang đến trình diện các Trưởng. Kết quả là cả bốn đội đều có nồi cơm cháy khét vì các em đun quá nhiều lá sau khi cơm vừa mới cạn. Cả bốn đội đồng điểm thi đua hạng chót. Các Trưởng yêu cầu cả đoàn ăn cơm chung thì các em nhìn nhau ngơ ngác cười vì không có thức ăn. Tuy nhiên, khi các em và Trưởng đã đứng chung quanh bốn nồi cơm khét thì Trưởng Nguyễn Minh Hoàng lấy từ ba lô của Trưởng ra hai chai xì dầu hiệu “Con Mèo.” Mọi người đều ngạc nhiên và cười ầm lên. Chưa bao giờ chúng tôi ăn một bữa cơm ngon và vui vẻ đến thế. Và như thông lệ, dưới các đáy nồi không còn một mảng cơm cháy khét nào. Hai chai xì dầu cũng vơi đi rất nhiều. Đến hai giờ chiều chúng tôi họp đoàn gần ở mé làng Mang Linh. Các Trưởng nhận xét về kỳ trại với những lời khen và không quên khuyên nhủ đoàn sinh học hành cho giỏi, giúp đỡ cha mẹ và làm việc thiện mỗi ngày. Bài hát chia tay vang cả một góc trời trước khi vào căn nhà sàn để lấy xe đạp rồi theo đường cũ trở về thành phố vào chiều mồng bốn tết. Hai tuần sau kỳ trại chúng tôi họp đoàn đầu năm, các Trưởng cho biết là kỳ trại tết vừa qua không giống như những lần cắm trại khác như chúng tôi đã được dặn là không làm thủ công trại như cổng chào, bàn ghế, bếp núc…Về ẩm thực thì được yêu cầu mang theo thức ăn sẵn có như bánh tét, bánh chưng, kẹo, bánh mứt…và gạo mà thôi. Trong buổi họp đầu năm này cũng có mặt Trưởng Lê Xuân Đằng là Đạo trưởng với những lời chúc tết và khen ngợi chúng tôi vì Thiếu đoàn Lê Lợi là đơn vị Hướng Đạo đầu tiên chinh phục đỉnh Langbian.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 246 Thiếu sinh là lứa tuổi hạnh phúc nhất trong sinh hoạt Hướng Đạo mà tôi đã trải qua. Sau này khi được một số Trưởng và anh chị em Tráng sinh hỏi tôi là kỳ trại nào là kỳ trại tôi có nhiều kỳ niệm nhất. Tôi đã không ngần ngại đề cập đến kỳ trại tết năm Canh Tý cũng là một trong những kỳ trại tôi không bao giờ quên. Kể về kỳ trại này cũng để nhớ đến các Trưởng kính mến của tôi là Trưởng Nguyễn Văn Võ và Trưởng Lê Thuần. Trưởng Nguyễn Minh Hoàng cũng đã về họp mặt với Cụ tổ Bi-Pi mùa xuân năm 2023 tại Đà Lạt. Trương Lê Xuân Đằng cũng đã lìa rừng năm 2013 tại San Jose. Về các Thiếu sinh Lê Lợi: Nguyễn Đức Quang đội Voi, sau là nhạc sĩ Du ca, đã lìa rừng ngày 27 tháng 3 – 2011 tại California. Trần Hữu Tân và Lê Công Mừng hiện ở California. Cao Duy Tuấn ở Việt Nam. Sau bảy lăm không còn biết nhiều bạn lưu lạc nơi đâu! Phong Châu
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 247 CHO TUI HỎI Cho tui hỏi rứa chừ Xuân nơi Huế Phan Bội Châu có tấp nấp rộn ràng Trần Hưng Đạo lớp người đi dạo Tết Chợ Đông Ba hoa quả chất xinh hàng Cho tui hỏi mấy O trên đường phố Có khoe màu áo đẹp vẻ thướt tha Trường Tiền đón chào O trong nắng gió Hay vướng đầy mái tóc hạt mưa sa Cho tui hỏi rứa chừ Mai đã nở Trước sân nhà báo hiệu bóng Xuân sang O hàng xóm còn ngồi bên khung cửa Dệt mảnh đời theo những mũi len đan Cho tui hỏi rứa còn đun bánh tét Bếp than hồng rim mức ngọt ấm êm Và pháo nổ dòn tan chờ đón Tết Lòng hân hoan thấm gió lạnh qua thềm Cho tui hỏi rứa chừ sông Hương chảy Có còn ai ngồi giặt áo bên bờ Vang tiếng hát đẩy đưa hò mái nhị Nhìn con đò trôi dạt mắt thầm ngơ Cho tui hỏi mùa đông còn ngập lụt Mưa dẳng dai hay nắng điểm hanh vàng Rồi đêm vắng nghe chuông Chùa vọng lại Giấu nỗi buồn lặng ngắm ánh trăng tan Cho tui hỏi chuyện răng tê về Huế Thương lắm tề …nhớ mãi bóng quê hương Xuân đã tới bên ni sầu lắng đọng Xin trả lời kẻ bỏ Huế tha phương Minh Thúy Thành Nội
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 248 Tháng 2/2024 nhạc sĩ Diệu Hương Minh Thúy Thành Nội Đọc bài thơ “ Cho Tui Hỏi”
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 249 Nhớ Ngày Lễ Hai Bà Trưng Những năm tôi còn học ở bậc tiểu học và trung học, những ngày lễ thường được nghỉ học từ một đến hai ba ngày, có khi được nghỉ cả tuần hoặc hơn. Tính theo âm lịch thì đầu năm là tết Nguyên Đán được nghỉ hai tuần (trước và sau tết). Ngày 6 tháng 2 lễ Hai Bà Trưng. Ngày 10 tháng ba lễ giỗ tổ Hùng Vương. Lễ giỗ Đức Trần Hưng Đạo ngày 20 tháng 8. Giỗ Lê Lợi và Lê Lai vào các ngày 21 và 22 tháng 8. Trong dân gian có câu “hăm mốt Lê Lai hăm hai Lê Lợi” là vậy. Ngoài ra tôi không nhớ có ngày lễ nào theo âm lịch nữa hay không. Còn theo dương lịch thì có đợt nghỉ dài ngày, từ trước lễ Giáng Sinh kéo dài đến sau tết Tây, cộng lại cũng hơn hai tuần lễ. Đến lễ Phục Sinh vào tháng tư nghỉ hai tuần thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Ngày lễ Quốc khánh 26 tháng 10 trước năm 1964 và Quốc khánh 1 tháng 11 từ năm 1964 đến 1974. Còn một số ngày lễ nữa nhưng tôi không nhớ hết. Về các ngày lễ theo âm lịch, trừ những ngày tết được nghỉ nhiều ngày, tôi nhớ lễ Hai Bà Trưng và lễ giỗ Tổ được nghỉ học một ngày. Vào tháng 8 như đã nói ở trên, có các ngày 20-21-22 là lễ Trần Hưng Đạo và Lê Lai - Lê Lợi nhưng đám học trò chúng tôi được nghỉ học ngày 20 thôi. Không hiểu vì lý do gì mà không được nghỉ lễ Lê Lai-Lê Lợi. Nếu được nghỉ hai ngày này thì đám học trò sẽ có ba ngày nghỉ liền nhau. Lễ Hai Bà Trưng là ngày lễ được tổ chức rất lớn trên khắp cả nước “Miền Nam Việt Nam”. Ngày này cũng là ngày “Phụ Nữ Việt Nam” nên vào lúc bấy giờ lễ được tổ chức rất lớn tại thủ đô Sài Gòn có bà Ngô Đình Nhu đến chủ tọa đọc diễn văn vào thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa. Tham dự có các hội phụ nữ như Nữ Quân Nhân, Nữ Y Tá, hội Phụ Nữ Liên Đới, học sinh các trường nữ trung học tại thủ đô như Gia Long, Trưng Vương…với cuộc diễu hành trông rất ngoạn mục. Đặc biệt là có hai thớt voi trên lưng là Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị trông rất uy nghi, theo sau là đám lính hầu và các chiến sĩ mặc binh phục, cầm gươm dáo thời chống nhà Đông Hán.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 250 Tại các địa phương (tỉnh, thị xã) cũng đều cử hành trọng thể lễ Hai Bà Trưng và dĩ nhiên chúng tôi được nghỉ học ngày hôm đó. Đám “con gái” phải mặc áo dài trắng và sáng sớm đã có mặt tại sân vận động để dự lễ Hai Bà. Có hai nữ sinh thuộc loại “hoa khôi, hoa hậu, á hậu…” được chọn đóng vai Hai Bà ngồi trên lưng voi dưới hai chiếc lộng màu vàng rực rỡ. Còn bọn con trai thì tha hồ ngủ trễ ngày hôm đó. Qua đến thời kỳ “Đệ Nhị Cộng Hòa” lễ Hai Bà vẫn tiếp tục được cử hành như một truyền thống của người Miền Nam Việt Nam, đôi lần có bà Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn trong “Ngày Phụ Nữ” này. Sau cái ngày Miền Nam “được giải phóng”, chính quyền mới cũng giải phóng luôn các ngày lễ kỷ niệm các vị anh hùng dân tộc, trong đó có ngày lễ Hai Bà Trưng. Họ không còn nhắc nhở gì đến các bậc tổ tiên, tiền bối đã có công dựng nước và giữ nước suốt gần năm ngàn năm để đưa nước Việt Nam đến các thời độc lập tự chủ. Đã không nhớ đến tổ tiên thì chớ, họ còn cố tình sửa lại lịch sử dân tộc đã bao phen đánh thắng đám giặc phương Bắc. Trên một trang web nói về Hai Bà Trưng, bọn sử nô đã trích từ sách “Hậu Hán Thư” của Tàu nói về Hai Bà có đoạn như sau: “Măm Quý Mão (43) Hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán ở Cẩm Khê, thất thế, đều tử trận. Theo Hậu Hán Thư (1), sách của Trung quốc, hai bà đã bị quân Mã Viện bắt được và chặt đầu đem về Lạc Dương…”. Bài học lịch sử mà thế hệ chúng tôi tại Miền Nam đã học ghi rằng: “Hai Bà Trưng là tên của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai vị nữ anh hùng dân tộc của dân tộc Việt Nam. Trong sử sách, Hai Bà được biết đến như là những thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia đóng đô tại Mê Linh. Thời kỳ của hai Bà xen giữa thời kỳ Bắc thuộc lần 1 và Bắc thuộc lần 2 trong lịch sử Việt Nam. Năm Kiến Vũ thứ 16, thời Hán Quang Vũ Đế, hai người phụ nữ Giao Chỉ là chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh. Trưng Trắc có chồng là Thi Sách ở huyện Chu Diên bị giặc Đông Hán giết. Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định là kẻ cai trị tàn bạo. Trưng Trắc phẫn nộ, bèn chiêu binh mãi mã đứng lên chống quân Đông Hán. Những tộc trưởng ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố hưởng ứng và Bà đã chiếm được 65 thành trì và xưng là Nữ Vương. Năm thứ 18, Quang Vũ Đế sai Phục Ba tướng quân Mã Viện, Trung lang tướng Lưu Long và Lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí dẫn quân Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô hơn vạn người sang đánh nước ta. Vào mùa hè năm 43, Mã Viện cầm quân đánh phá Giao Chỉ, sau nhiều trận giao tranh khốc liệt, quân Hai Bà thua. Hai Bà nhảy xuống dòng sông Hát để tự tử. Sách Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của nhà sử học lê Ngô Cát triều Nguyễn có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng: Bà Trưng quê ở Châu Phong Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên Chị em nặng một lời nguyền Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân