[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 101 Long thể: thân thể vua Long nhan: mặt vua Long sàng: giường vua Long ngai: ngai vua Long cổn, long bào: áo vua Long châu, long thuyền: thuyền vua... Và hình ảnh tưởng tượng của Rồng cũng đã chi phối cách mô tả ngoại hình các bậc vua chúa của nhà văn: râu rồng, mũi rồng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non v.v... Đó là trong ngôn ngữ và văn chương. Còn trong ngôn ngữ và văn học dân gian, từ Rồng, hình tượng Rồng được dùng mở rộng hơn và không có hệ thống. Nên đề cập về hình tượng Rồng, từ rồng trong ngôn ngữ và văn học dân gian vì thế chỉ có tính chất phiếm luận. Dấu ấn trong tâm thức người Việt Nam cũng được diễn tả qua tục ngữ, thành ngữ, ca dao vì con Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của người Việt. Các vị Vua Việt Nam xăm lên đùi mình hình ảnh rồng để giữ truyền thống của cư dân ven biển. Đến đời Vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới chấm dứt tục xăm rồng trên đùi. Rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên Tử (bệ rồng, mình rồng). Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh thiêng đứng vào hàng bậc nhất trong Tứ Linh Long, Lân, Quy, Phụng. Đặc biệt, hình tượng con Rồng Việt Nam tương phản với hình tượng con rồng độc ác, tượng trưng cho cái xấu của các nước phương Tây. * Vài nét về hình tượng Rồng qua các triều đại phong kiến Việt Nam Hình tượng Rồng từ thời Hùng Vương đã được hình dung là con vật thân dài, có vẩy như cá sấu, được chạm trên các đồ đồng. Qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, con rồng Việt Nam xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Hình ảnh Rồng bay lên (Thăng Long) tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được lấy làm tên cho mảnh đất đế đô. Rồng thời Lý tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nên xuất hiện trong khung cảnh của nước, của mây cuộn. Rồng thời nhà Lý mình dài như rắn, thân trơn nếu là con nhỏ, còn con lớn thì thân có vẩy, lưng có vây. Hình tượng con rồng thời Trần có nhiều biến đổi so với thời Lý. Rồng xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi, đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng. Có vẩy như những nửa hình hoa tròn, nhiều cánh đều đặn, có vẩy chỉ là những nét cong nhẹ nhàng. Rồng thời nhà Lê thay đổi hẳn. Rồng không nhất thiết là một con vật mình dài, uốn lượn đều đặn mà ở nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn,
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 102 thay vào đó là cái mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm tứ linh tượng trưng cho uy quyền của vương triều rồng đứng đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là: Lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), Quy (tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và Phụng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại). Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi. Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ… Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng. Hiện nay hình tượng con Rồng tuy không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng nhưng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật… Trong mọi thời điểm nào, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt. * Rồng trong tâm thức người Việt qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao Theo cách tính dân gian của người xưa, trong một Giáp có 12 năm. Khởi đầu bằng năm con Chuột (Tí) và kết thúc bằng năm con Lợn (Hợi). Qua thống kê ở một tài liệu khoa học gần đây về 12 con vật này cho thấy đây là những con vật có tần số xuất hiện khá cao trên tư liệu thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Trong số này, chỉ có tên gọi các con vật như: Khỉ, Dê, có vị thế thấp hơn, những con vật còn lại đều có tần suất xuất hiện cao. Trong số 12 con vật được dùng vào hệ 12 Con Giáp thì Rồng ở vị trí thứ 5. Rồng là con vật tuy chưa ai nhìn thấy diện mạo thật của nó thế nào nhưng trong lịch sử và nghệ thuật, trong văn học và đời sống của người Việt, Rồng là con vật xuất hiện nhiều hơn cả, xuất hiện một cách vừa thực vừa hư, vừa gần, vừa xa, vừa giản dị lại vừa linh thiêng. Có thể nói Rồng là một con vật huyền thoại. Hình tượng Rồng là một biểu tượng văn hóa, phương Tây thường đối lập với sức mạnh "chính nghĩa" và cuối cùng bị sức mạnh chính nghĩa đánh bại. Con Rồng ở phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng là hình ảnh đẹp, là biểu tượng của sự cao cả, thiêng liêng và sức sống vĩnh hằng. Hình tượng con Rồng rất quen thuộc trong tâm thức người Việt. Người Việt có tục thờ cúng Lạc Long Quân, có tục xăm mình bằng
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 103 hình Rồng. Mỗi khi nói đến “Con Rồng Cháu Tiên”, người Việt Nam ta đều cảm thấy hãnh diện, tự hào. Trong suốt chiều dài tháng năm dựng nước và giữ nước, hình tượng Rồng đã gắn chặt với đất nước Việt Nam, con người Việt Nam từ tên sông, tên núi, tên đất, tên người. Nào là Vịnh Hạ Long – cảnh quan thiên nhiên được xếp hạng di sản văn hóa thế giới; thủ đô nước Việt từ năm 1010 đến nay vẫn được gọi là đất Thăng Long (Rồng bay). Con sông lớn nhất phía Nam đang chuyển tải phù sa, cấp nước cho vựa lúa Nam Bộ được gọi là Sông Chín Rồng (Cửu Long Giang); có hàng trăm địa danh gắn với tên Rồng trên khắp đất nước Việt Nam chúng ta. Trong dân gian, Rồng tượng trưng cho thần linh và điềm lành, Rồng đi mây về gió, có thể đem lại sự tốt tươi cho cây cối, muôn vật: Rồng đen lấy nước thì nắng Rồng trắng lấy nước thì mưa? Người Việt ngày xưa thường cầu khẩn Long Vương ban cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu. Hình tượng con Rồng muôn vàn dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, không chỉ xuất hiện trong các truyền thuyết, thơ ca, trên các sản phẩm mỹ nghệ, điêu khắc mà Rồng còn được thể hiện trong nhiều phong tục tập quán, lễ hội dân gian… Nhiều người chọn đặt tên con trai là: Long (Rồng) với mong muốn con mình sẽ có sự uy vũ, cương nghị của đấng nam nhi. Thời phong kiến, Rồng trở thành biểu tượng của quyền lực thiên tử. Chỉ có Vua mới được mặc áo thêu rồng. Hình tượng rồng mang vẻ cao quý, tôn nghiêm, tượng trưng cho uy quyền: Long nhan, Long trượng, Long thể… Rồng đứng đầu trong Tứ Linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Mặc dù chịu ảnh hưởng của nhà nước phong kiến, Rồng vẫn gần gũi với cuộc sống dân gian. Nhiều khi Rồng được dân gian lấy làm vũ khí đấu tranh chống áp bức cường quyền, để phê phán những thói hư tật xấu nịnh bợ trong xã hội: Vóc rồng thì để hầu vua Vải thô, lụa xấu thì chừa cho dân Truyền thuyết Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đã đi vào ý niệm, tiềm thức đã làm cho người dân Việt tự hào mình là “con Rồng cháu Tiên”. Rồng đi vào trong tâm thức của người Việt từ trò chơi trẻ con: rồng rắn lên mây. Rồng được chạm khắc trên các đình làng, cổng xóm; trong Tranh Tết Đông Hồ, Hàng Trống mỗi dịp Tết đến Xuân về (theo internet, ngưng trích dẫn). Trong ngôn ngữ dân gian, Rồng xuất hiện với tần số lớn trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Trong hôn nhân vì nhiều lẽ, người con gái tài sắc bị gả ép lấy phải người chồng không ra gì, rồng trong câu ca dao sau được so sánh như một sự nghịch lý trớ trêu kể trên: Rồng vàng tắm nước ao tù Người khôn ở với người ngu bực mình
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 104 Tuy nhiên tư duy về Rồng trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt cũng khá phức tạp, không phải lúc nào cũng thống nhất trong các ý kiến về hình tượng đó. Để chỉ người giàu sang đến thăm người nghèo hèn có thành ngữ: “Rồng đến nhà tôm”, còn khi con người thỏa mãn về mong ước cao sang nào đó thì lại nói: “như Rồng gặp mây”. Phê phán những thói ba hoa, dân gian ta cũng mượn Rồng để diễn tả: Trong lưng chẳng có một đồng Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe Từ ngữ trong tiếng Việt, kiểu kết hợp “Rồng – Phượng” cũng như trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao thường được hiểu theo nghĩa tích cực (positiv). Giống như người có kiểu chữ viết phóng khoáng, không gò bó thì ứng với thành ngữ: “rồng bay phượng múa”. Các kết hợp “rồng – mây”, “rồng – phượng”, “rồng – vây” trong tiếng Việt đều được hiểu theo nghĩa tích cực, đẹp đẽ, được vận dụng vào trong những bối cảnh thuận lợi, phát triển. Còn các kết hợp “rồng – giun”, “rồng – liu điu” lại theo chiều hướng tiêu cực (negativ), hoàn toàn tương phản. Ví dụ nói đến tình cảnh chung đụng vợ chồng mà một người chẳng ra gì làm mình bực bội lại có ý liên tưởng: “Rồng ở với giun”. Các kết hợp “Rồng – Phượng” có khi vẫn được dân gian dùng với ý nghĩa phê phán: “chạm rồng trổ phượng” (ngoài nghĩa đen còn có nghĩa phê phán sự tô điểm rườm rà thái quá !!!). Nói cho cùng hình ảnh Rồng được người Việt Nam ta sử dụng khá đa dạng nhằm diễn đạt các quan điểm, nhận thức, tư tưởng phong phú về đời sống: Ăn như rồng cuốn Làm như cà cuống lội sông Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, kính chúc đồng hương mọi chuyện đều hạnh thông như "CÁ GẶP NƯỚC - NHƯ RỒNG GẶP MÂY" (theo internet)! Bây giờ, trước khi viết đoạn kết xin trở lại với Ca Dao và Tục Ngữ về Rồng. Dân gian quan niệm, tản mạn về rồng như sau: Cá gáy hóa rồng Quan niệm này cũng được Ca Dao Việt Nam đề cập đến : Mồng bốn cá đi ăn thề. Mồng tám cá về cá vượt Vũ môn. Vũ môn, tức cửa Vũ gồm có ba tầng. Ở Việt Nam ta cũng có điểm này và đó là nơi mà người
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 105 xưa tưởng là cá trải qua cuộc thi khảo sát về trình độ và năng lực. Nếu vượt qua ba cấp Vũ môn thì sẽ hóa rồng (!) Từ khái niệm cụ thể đó, thành ngữ "cá hóa rồng" thường dùng để chỉ việc thi cử thành đạt của sĩ tử ngày xưa. Dân gian đã từng nuôi ước mơ: Biết bao giờ cá gáy hóa rồng, Đền công ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa Khái niệm này cũng được mở rộng, dùng để ám chỉ cho việc người con gái lấy được người chồng xứng đáng, Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam diễn tả điều này như sau : Phận gái lấy được chồng khôn, Xem bằng cá vượt Vũ môn hóa rồng. Để diễn tả sự chung thủy vợ chồng, Việt Nam ta có câu: Lấy chồng thì phải theo chồng, Chồng đi hang rắn, hang rồng, cũng đi. Người đời nói Rồng nở từ trứng và ở hang nhưng trong dân gian cũng có một quan niệm khác: rồng cũng sinh sản như rắn: Trứng rồng thì nở ra rồng, Hạt thông thì nẩy cây thông rườm rà. Xa hơn nữa, trong ngôn ngữ và văn học dân gian của Việt Nam, Rồng là một yếu tố ví von, so sánh để biểu đạt một số sinh hoạt của con người như ăn, nói, viết, giao tế, thời vận, tình yêu, nhận định về con người và cuộc sống. Ngay cả về chuyện ăn cũng có thành ngữ: "ăn như rồng cuốn". Rồng cuốn tức là rồng hút, chỉ hiện tượng vòi rồng trong tự nhiên, như cách tiên đoán về thời tiết: Rồng đen uống nước thì nắng, Rồng trắng uống nước thì mưa. Về chữ viết, người văn hay chữ tốt thường được ca ngợi như " Rồng bay Phượng múa ". và "nói như rồng" là để khen tặng người có tài nói thao thao bất tuyệt:Tuy nhiên trái lại nếu một người mà Trong lưng chẳng có một đồng, Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe. thì lời nói trở thanh vô giá trị. Nhưng nên coi chừng, bao giờ cũng cần nói đúng thực chất, phù hợp với kiến thức mà mình nếu không dễ trở thành khập khiễng: "nói những lời như rồng như rắn". Thêm yếu tố rắn ở trên làm chuyển đổi tức khắc giá trị nội dung của câu nói:
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 106 Học chẳng biết chữ cua, chữ còng, Nói những lời như rồng, như rắn! Riêng trên phương diện giao tế, dân gian Việt Nam dùng thành ngữ: "rồng đến nhà tôm" để vừa bày tỏ sự khiêm tốn, nhún nhường của gia chủ, vừa gián tiếp ca ngợi người khách quý. Nhưng có khi, đó cũng là cách mai mỉa: Mấy đời rồng đến nhà tôm. Tôi đến nhà chị không môn thì bầu. Âu cũng là một lối giao tế thực dụng. Và quen thuộc nhất là Rồng chỉ thời vận. Thành đạt Hạnh thông như là "rồng gặp mây". Thường chỉ người thành đạt khoa cử: "Như cá gặp nước, như rồng gặp mây" Nhưng nếu mất yếu tố thời vận thì chỉ là "Rồng nằm ở cạn", không còn vùng vẫy, múa may gì được, mà chỉ còn trơ hình hài: Rồng nằm bể cạn giơ râu, Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi. Hay đau khổ hơn là: Rồng vàng tắm nước ao tù, Người khôn ở với đứa ngu bực mình. Dễ thường mấy khi rồng mây được dùng để chỉ lứa đôi, vì những hình tượng khác quyến rũ hơn, như: mận - đào, loan - phượng, yến - oanh, gió - trăng v.v... nhưng điều đó cũng có: Mấy khi Rồng gặp mây đây, Để Rồng than thở với mây vài lời. Nữa mai Rồng ngược mây xuôi, Biết bao giờ lại nối lời Rồng Mây. Xa hơn nữa, "lời rồng mây" cũng là lời hẹn thề, lời nước non hay là lời hứa thủy chung. Một kiểu nói khác bày tỏ sự ước ao cao sang, biểu hiện một tâm lý hưởng thụ : Một ngày dựa mạn thuyền Rồng, Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài. Cách nói trên tất nhiên bị phủ định bằng một suy nghĩ chín chắn hơn và xác thật hơn: Chớ tham ngồi mũi thuyền rồng, Tuy rằng tốt đẹp, nhưng chồng người ta.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 107 Và quả thật, dân gian chúng ta đã xét đoán đúng giá trị, nhìn đúng thực chất con người, không lệ thuộc những thứ trang sức phù hoa trang hoàng sang trọng: Dù ngồi cửa sổ chạm rồng Chăn loan gối phượng, không chồng cũng hư Nhưng sâu sắc và không kém chua chát là lời cảm thán sau đây: Khen ai khéo dựng bình phong, Bên ngoài long phượng, trong lòng gạch vôi! Hoặc nhằm để mỉa mai, phê phán lối sống thiếu trách nhiệm, đánh lừa người và đánh lừa cả chính mình ca dao Việt Nam chúng ta cũng không bỏ qua nên có câu: Học chẳng biết chữ cu chữ cò Nói những chữ như rồng như rắn Tóm lại, tâm thức về Rồng – hình ảnh con vật vừa hư, vừa thực, vừa cao quý thiêng liêng, vừa gần gũi là cách tiếp cận uyển chuyển, phóng khoáng đầy tự tin của người Việt Nam. Rồng đã trở thành biểu tượng văn hóa, một biểu tượng thiêng liêng gắn với tâm thức về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, Rồng lại càng thể hiện độc đáo nhiều ý nghĩa, mang biểu tượng của sự cao cả, thiêng liêng và tồn tại mãi mãi ... Ca dao và tục ngữ truyền khẩu Việt về Rồng thì còn rất nhiều nhưng người viết chỉ có thể trích dẫn một số ít ca dao trên đây, góp nhặt được trên internet. Rất tiếc bài viết có giới hạn nên tôi không thể trích dẫn hết để trình bày cùng quý độc giả, mong thông cảm. Đa tạ. Hy vọng là bài tạp ghi trên cũng đủ gói ghém ý nghĩa sâu sắc của Ca Dao Việt, có thể nói là căn bản của Nền Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam. Kính chúc Quý độc giả một Năm Mới Giáp Thìn 2024, "AN KHANG THỊNH VƯỢNG". * © Lê Ngọc Châu – (Nhân Tết Giáp Thìn 2024, Nam Đức, ngày 18.01.2024) - Tài liệu tham khảo: Phỏng tác theo ca dao và thành ngữ góp nhặt trên internet. - Nguồn u.a.: http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=4640
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 108 LỜI NGỎ Kính thưa: - Chủ tịch Cung Lan, - Quý Ban Chấp Hành Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại - Anh Hai, đại lão Thi sĩ Trần Công Lão Mã Sơn - Quý Văn Thi Hữu kính quý. Tôi, ThanhSong KimPhú xin kính lời thăm sức khỏe và chúc tất cả quý vị thân tâm thường lạc, vạn sự may mắn, gia đình hạnh phúc, con cháu thành đạt hanh thông trong Năm Mới 2024 (Xuân Giáp Thìn). Là người con của Việt Nam, vì thời cuộc phải sống xa Quê Hương, mỗi dịp Xuân về trên đất khách, hẳn chúng ta không ai không xót lòng khi nhớ đến kỷ niệm từ thơ ấu đến trưởng thành nơi Quê Cha Đất Tổ, với lòng hoài niệm Quê Hương, tôi từng chảy nước mắt khi để tâm tư trào dâng thành những bài thơ vui buồn lẫn lộn, đôi khi ngô nghê nhưng là những cảm xúc chân thật nhất của trái tim, không hề cường điệu…mà tôi nghĩ chắc chắn quý Văn Thi hữu cũng có chút đồng cảm với tôi. Xin phép được kính gởi tâm trạng nầy đến quý vị và kính xin nhàn lãm. Xin đa tạ. Kim Phú Nguyễn. * TB: - Trong trang Thơ Xuân, tôi có họa bài của 2 vị tiền bối, và là 2 người Lính VNCH. Một vị là Thầy dạy tôi làm Thơ Đường Luật, một vị là một Tướng Quân ngày xưa từng là một anh hùng tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, cựu Lữ Đoàn Trưởng một Binh chủng trong Quân lực VNCH, Ông là C.Tướng T.Q.Lịch. Trong cuộc đời lưu vong, lòng Ông luôn hướng về Tổ Quốc, Ông gởi tâm trạng mình vào Thơ Đường Luật, và hết lòng nghiên cứu Hát Nói, chỉ vì Ông yêu Quê Hương, yêu tiếng Việt. Tôi rất ngưỡng mộ Ông, dù chưa đủ duyên giao tiếp, nhưng khi được hân hạnh cẩn họa thơ của Ông, tôi thật sự hạnh phúc vì được hoà mình vào tâm trạng của Ông, và tôi thật mừng là đã họa rất nhiều thơ của Tướng Quân. Kính bút.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 109 Mừng Xuân Giáp Thìn Năm Mới ân cần chúc bạn xa Không quên quý hữu tận quê nhà Xuân về quyến thuộc khang ninh bội Tết đến gia đình phước lộc đa Thành thị an cư vui hạnh phúc Thôn trang lạc nghiệp sống yên hòa Chào nhau hớn hở lời thân ái Ly Rượu Mừng hòa tấu khúc ca ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 110 Khai Bút Đầu Năm 2024 Xướng Đầu Xuân kính chúc khắp gần xa Bốn biển năm châu được thái hòa Quyết tử ngưng dần thôi biệt khúc Giao tranh dứt hẳn tấu đồng ca Nhắc ngày hạnh phúc thời son trẻ Kể thuở bình an tuổi ngọc ngà Mâm quả bàn thờ hương khói quyện Màu hồng Bách Hợp thắm tươi hoa ThanhSong ntkp- 12.40 Am CA. Jan/01st/2024 Đầu Năm Khai Bút Xuân nầy vẫn đón Tết tha phương Nhớ xóm làng xưa luống đoạn trường Tuyết lạnh căm căm màu ảm đạm Sương buồn lãng đãng cảnh thê lương Cầu xin khổ tận dân an lạc Khấn nguyện cam lai nước thịnh cường Tứ xứ lên đường quy cố quận Không còn phiêu bạt bỏ quê hương Hoàng Thứ Lang Đầu Năm Khai Bút Cẩn họa Thất quốc đành phiêu bạt bốn phương Làm thân lữ thứ nát can trường Trời xa đón Tết dù bi lụy Xứ lạ chào Xuân dẫu thảm thương Chấp bút cầu mong người hạnh phúc Đề thơ ước nguyện nước hưng cường Tình xưa nghĩa cũ mừng tương ngộ Kể nỗi thăng trầm biệt cố hương ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 111 Lời Chúc Quê Hương Xướng Đầu Xuân cậy gió gởi quê hương Cầu chúc bình yên mọi nẻo đường Rẫy ruộng tươi bông đừng dãi nắng Nương đồng mướt lá khỏi phơi sương Cụ già áo đủ đêm chờ giấc Trẻ nhỏ cơm no sáng đến trường Mâm rước ông bà thêm rượu thịt Gia đình đón Tết thật an khương ThanhSong ntkp Lời Chúc Đầu Năm Xướng Đầu năm kính chúc khắp muôn nhà Quyến thuộc thân bằng vạn dặm xa Tết đến bình an tươi thắm phận Xuân về hạnh phúc rỡ ràng hoa Vợ chồng chuốt nghĩa bền mai trúc Bè bạn trau tâm đẹp trẻ già Con cháu đề huề chung hưởng lộc Xóm làng rộn rã khúc dân ca ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 112 Giấc Mộng Xuân Xưa (Bát vận đồng khuôn) Xuân Giáp Thìn ru giấc mộng lành Mùi ngâu chín thoảng ngát trời thanh Đào Mai lộc nẩy hoa đầy nhánh Thọ Cúc chồi đơm nụ kín cành Thận trọng cha gò câu đối cảnh Nhẹ nhàng mẹ nấu ấm trà chanh Còn em giúp chị canh nồi bánh Chợt tỉnh, sương đêm lạnh buốt mành ThanhSong ntkp-Xướng Vọng Xuân Xưa Xướng Lưng trời cánh nhạn vỗ bay xa Thắt thẻo niềm đau vọng đất nhà Nhớ cội mai vàng xanh mướt búp Thương hàng bưởi lão ngạt ngào hoa Tàn đông ngoại đã gài keo kiệu Giáp Tết dì đang nén khạp cà Mẹ dắt sang chùa Xuân lễ Phật Chim chuyền ríu rít rộn nhành đa ThanhSong ntkp Hoài Xuân Cố Thổ Xướng Nước mắt bao thâu chữa lấp đầy Hoài Xuân cố thổ biển sầu tây Bâng khuâng lớp cũ từ ly bạn Khắc khoải trường xưa cách biệt thầy Nắng Hạ triền sông vàng bến cỏ Sương Thu đỉnh núi bạc tầng mây Trăng khuya thấm thía đời phiêu bạt Bài hát Đêm Đông não nuột nầy ThanhSong ntkp Mộng Ước Đầu Xuân Xướng Xuân đến mà sao đắng cả lời Quê nghèo bão lụt khắp nơi nơi Nông dân ruộng ngập lòng tan nát Ngư phủ xuồng trôi dạ rối bời Xót trẻ chờ cơm chờ rã ruột Thương cha đợi cháo đợi mòn hơi Mong đời được chút ơn mưa mócTết có mâm cơm cúng Đất Trời ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 113 Bốn Mùa Quê Mẹ Xướng Xuân đến bôn ba mọi nẻo đường Tàn Đông quê mẹ mịt mờ sương Bao Thu chờ đợi mơ hưng thịnh Bấy Hạ trông mong ước phú cường Địch họa con Hồng không thể cậy Thiên tai cháu Lạc chẳng hề nương Tham quan mắt nhắm tai ngơ điếc Tổ Quốc sầu bi lắm đoạn trường ThanhSong ntkp Xuân Viễn Xứ (Hồi thủ) Quê người thấm thoát mấy xuân qua Đất khách trầm tư chạnh nhớ nhà Một nỗi hoài hương còn lãng vãng Bao niềm cố quốc khó phôi pha Ngày đi mắt mẹ dòng châu đẫm Buổi tiễn mi con ngấn lệ nhòa Lặng ngắm phương trời xa diệu viễn Quê người thấm thoát mấy xuân qua ThanhSong ntkp Nhớ Tết Ngày Xưa Xướng Xuân về khắc khoải kiếp tha phương Nhớ cảnh đào mai rộ phố phường Ông bước thong dong giày quyện cỏ Bà cười móm mém tóc pha sương Sang Chùa lễ bái cầu an lạc Viếng Tết thăm nom chúc cửu trường Pháo đón Giao Thừa thêm rộn rã Hoa tươi ngũ quả nến trầm hương ThanhSong ntkp Thơ Thẩn Ngày Xuân Xướng Hé nụ mai vàng đã báo Xuân Triền sông sương khói cũng tan dần Phù vân lãng đãng trời xanh thẳm Bào ảnh lung linh bọt trắng ngần Sáng sớm về thăm con cháu quý Chiều hôm đến viếng bạn bè thân Về già mong ước lòng thanh thản Cảm nhận tình thương quả rất cần ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 114 Xuân Nầy Mơ Tết Xưa (Liên hoàn-Nhị thủ-Đảo vận) Lịch Tết còn đây chẳng vội treo Thời gian dẫu đợi cũng trôi vèo Năm cùng ém giúp buồn đau lại Tháng tận chôn giùm khổ não theo Thắm nghĩa không e đời vở kịch Nồng duyên há ngại kiếp tuồng chèo Xuân về dẹp bỏ lòng sân hận Pháo rộn ràng vui hạnh phúc reo -/- Pháo rộn ràng vui hạnh phúc reo Dù trong bão tố vững tay chèo Người nơi bến giác chờ bươn tới Kẻ chốn bờ mê ước trẩy theo Nhật nguyệt thân cùn đâu ngại mỏi Xuân Thu phận mỏng chẳng lo vèo Mơ thời Tết cũ thương vô hạn Lá phướn chùm nêu phước lộc treo ThanhSong ntkp-Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 115 Tứ Thời Hoài Vọng (Tứ tuyệt trường thiên) XUÂN phong thổi nhẹ lướt qua mành Hớn hở chào XUÂN rộn yến oanh Sáng dạo vườn XUÂN Đào đỏ thắm Mai XUÂN vàng rực nụ xanh cành Bến HẠ trời trong đẹp ngẩn ngơ Bằng Lăng tím HẠ lối xưa chờ Hoa cau trải trắng sân vào HẠ Gió HẠ mơ màng dệt tứ thơ Vàng THU lá trúc rụng quanh vườn Nắng nhạt chiều THU lại nhớ thương Ngoại đã vô thường THU quạnh quẽ Trăng THU hờ hững rọi bên đường Sương đầu ĐÔNG giá phủ miên man Bông tuyết ĐÔNG rơi thật khẽ khàng Khắc khoải chiều ĐÔNG sầu viễn xứ Đêm ĐÔNG khúc nhạc ngậm ngùi vang Lữ khách chờ XUÂN dạ hững hờ Đành hanh nắng HẠ kiếp bơ vơ Song đường mộ chí đêm THU quạnh Độc ẩm ĐÔNG tàn xướng họa thơ ThanhSong ntkp-Xướng CA. Jan/5th/2024
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 116 Mấy Vần Thơ Tết Ngũ Thủ (Cẩn họa) Bài 1) Đã mấy mươi năm cách biệt nhà Trông vời cố thổ giọt châu sa Bần thần vẫn nhớ điền trang cũ Đau xót chưa quên phụ mẫu già Tết đến gian thờ hương liễn quả Xuân sang mâm lễ bánh trà hoa Tha phương ấp ủ tình non nước Càng tiếc càng thương khổ lắm mà! Bài 2) Đầu Xuân hứa hẹn đến thăm nhà Bạn đã về quê chẳng báo ta Rượu quế mong chờ nâng chén rượu Trà sen ngóng đợi rót chung trà Đong đưa ngõ trước dăm cành liễu Thấp thoáng hiên ngoài mấy cụm hoa Bằng hữu văn chương giờ biệt dạng Cô miên trở giấc đếm canh gà Bài 3) Biền biệt phương trời giọt lệ sa Bao năm cách trở chốn quê nhà Đầu thu tê tái quyên kêu khản Cuối hạ bồn chồn trẻ khóc oa Nhớ rặng cau già đang trĩu quả Thương vườn bưởi ngọt đã đơm hoa Ngày Xuân Mẹ dắt về thăm Ngoại Tuổi ngọc như còn quấn quít ta Bài 4) Trùng trùng điệp điệp núi đồi xa Đất khách chờ Xuân chợt nhớ nhà Khắc khoải đơm sầu ly biệt quốc Bâng khuâng chuốc lụy cách lìa gia Tha hương tóc bạc tình khôn dứt Viễn xứ thân gầy nghĩa chẳng pha Lặng lẽ thâu đêm vầng nguyệt xế Sân vườn tuyết phủ nhạt nhòe hoa Bài 5) Sương trắng che mờ biển núi xa Tàn đông chạnh tủi nhớ quê nhà Mơ về bóng mẹ nhành mai yếu Tưởng đến hình cha vóc hạc già Ngõ trước đìu hiu đào mấy nụ Vườn sau vắng vẻ thọ vài hoa Song thân đã viếng miền tiên cảnh Đồng quạnh mây vờn khuất mảnh nga ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 117 THƠ THẨN NGÀY XUÂN Ngũ thủ (Xướng) Bài 1 Sân si rồi cũng đống gò khâu Nấm mộ đồi tây cỏ dãi dầu Thơ phú còn dài lưu mãi mãi Đời người ngắn ngủi có bao lâu Đón xuân chén rượu buồn luân lạc Vui tết chung trà xót biển dâu Cuộc sống tha hương nơi tạm trú Nghe dòng kim cổ tiễn đưa mau Bài 2 Cõi thế phù vân chẳng cửu trường Xuân lan thu cúc mặc phong sương Mỹ nhân tuổi lão mờ khuôn nguyệt Hào kiệt thời qua nhạt ánh dương Xa bến thuyền ai khơi nuối tiếc Lạc đàn tiếng hạc gọi đau thương Xưa nay con tạo vô tình lắm Đêm vắng suy tư cảnh hí trường BÀI 3 Thăm nhau ít bữa phải chia tay Về chốn non xanh đón tết này Man mác sự đời bao kẻ biết Mênh mang cuộc thế mấy ai hay? Bạn ngồi mái lá soi kinh Phật Người đợi mưa xuân tưới đạo cây Quê mẹ bao năm cùng ngóng đợi Trăng tròn lại khuyết mái hiên tây Bài 4 Đất mẹ chia ly cách dậm ngàn Quê người gác trọ đón xuân sang Tết về tuổi thọ bao niên kỷ? Năm đến thơ sầu được mấy trang Nửa gánh gươm đàn đi tám hướng Một chèo dâu bể tách đôi đàng Muốn trôi theo nước dòng kim cổ Như ngọn sóng triều vỗ bến giang Bài 5 Bao lần tết đến có vui chi Hoa muộn tình xuân chẳng gặp thì Kiếp sống lưu vong nhiều thấm thía Cuộc đời tạm trú lắm sầu bi Lòng trung đất mẹ lời cay đắng Dạ hiếu quê cha tiếng thị phi Chim Việt, ngựa Hồ gương vẫn đó Ngàn năm chưa tỉnh tấm lòng si Trần Nhất Lang (Tướng Quân T.Q.Lịch)
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 118 Thơ Thẩn Ngày Xuân Ngũ Thủ (Cẩn họa) Bài 1) Nhớ Tết trông hoài áo Mẹ khâu Đường kim loang loáng bóng tim dầu Ân cần vuốt mũi chờ thêm chút Từ tốn xoa đầu đợi ít lâu Cảnh khiến bình an thành bão tố Đời xui bãi biển hoá cồn dâu Ngùi thương mộ Mẹ giờ cô quạnh Giọt tủi con trào lệ ứa mau Bài 2) Người xưa đã ngủ giấc miên trường Em lại đang dầu dãi gió sương Tết đến khuôn vàng phai ảnh nguyệt Xuân sang nét ngọc úa vầng dương Xa bầy yến vẫn hằng lưu luyến Lẻ bạn oanh còn mãi nhớ thương Đất khách thân côi sầu viễn xứ Phòng đơn giá lạnh buốt canh trường Bài 3) Tết đợi mong còn nắm chặt tay Xuân trao tâm sự thiết tha này Niềm thương khỏa lấp người đâu biết Nỗi nhớ dâng trào bậu có hay Mãi sợ thay mùa đông úa lá Hằng e đổi tiết hạ tàn cây Ngờ đâu hạnh phúc như bào ảnh Một thoáng anh đà khuất nẻo tây Bài 4) Nỗi nhớ người thương nhớ ngút ngàn Đầu Xuân viễn xứ đón mùa sang Quần nhung áo lụa lười trau chuốt Má phấn môi hồng biếng điểm trang Bến giác ai về vui rẽ lối Bờ mê kẻ ở tủi chia đàng Xuôí dòng hạc tiễn miền tiên cảnh Có biết em chờ đợi quá giang Bài 5) Thân cùn tóc bạc chẳng cầu chi Không thiết soi gương bởi quá thì Đất khách nào mong điều hỷ lạc Quê người đâu muốn chuyện ai bi Xuân thơ ước vấn khăn hoàng hậu Tết dại tranh choàng áo chánh phi Ngẫm nghĩ bao thâu già mấy chốc Bâng khuâng nhớ lại thuở khờ si ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 119 NỖI NIỀM ĐẤT KHÁCH Xướng Tóc xanh năm tháng ngả màu sương Trải mấy xuân qua vạn nẻo đường Lận đận quê người thân lữ thứ Bôn ba đất khách kiếp tha phương Đèn khuya nhen mộng mơ tri kỷ Trăng lạnh dòm song nhớ cố hương Cất bước ra đi là mất cả Mong còn ghi mãi chữ yêu thương Trần Nhất Lang (Tướng Quân Trần Q.Lịch) Nỗi Niềm Đất Khách Cẩn họa Mái tóc xanh giờ đã đẫm sương Giày sô áo lính lạc trên đường Tan hàng cách biệt cùng muôn nẻo Thất trận chia lìa khắp tứ phương Đắng dạ miên man hoài đất nước Cay lòng thắt thẻo vọng quê hương Đò xưa bến cũ canh trường mộng Gió hỡi trao giùm nỗi nhớ thương ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 120 Tết Nơi Đất Khách (Thập Thủ Liên Hoàn) Xướng 1. Tha phương năm tháng bước lưu vong Đón tết gọi là có cũng không Mấy cặp bánh chưng âu thế đủ Vài cây giò lụa kể như xong Xuân về càng tủi trông quê mẹ Năm đến thêm buồn nhớ núi sông Độc ẩm xứ người sao thấm thía Giăng giăng thương cảm mối tơ lòng 2. Tơ lòng tóc bạc vẫn còn vương Trải mấy mùa đau cuộc hí trường Ngoảnh lại núi non mờ cát bụi Nhìn về đất Việt bạc phong sương Tình xưa ngày ấy vui mây nước Chốn cũ hôm nay khuất nẻo đường Tháng lụn năm tàn gây nỗi nhớ Giấc mơ canh vắng vọng quê hương 3. Quê hương xuân đến dáng xuân phai Em tựa bên lầu tóc gió bay Còn nhớ năm nào vun chậu cúc Đâu quên ngày ấy ngắm cành mai Ly trà thiếu bạn trà thêm nhạt Chén rượu xa người rượu chẳng say Tết nhất lại càng tăng cách biệt Nói sao cho cạn nỗi u hoài 4. U hoài đeo đẳng chốn quê người Mỗi độ xuân về nước mắt rơi Phố vắng nhìn quanh làn tuyết phủ Nhà xưa ngó lại áng mây trôi Nơi này đứng ngóng thư bên cửa Chốn ấy ngồi trông nhạn cuối trời Cảnh tết miền Nam đâu có nữa Buồn nơi đất trích bạc tình đời 5. Tình đời viễn xứ đã từng qua Mấy kẻ ly nhân chẳng xót xa Một thuở tung hoành cung kiếm gẫy Bao lần dâu bể muối sương pha Đón xuân đất lạ lòng chua chát Nhớ tết quê xưa lệ nhạt nhòa Đêm cúng giao thừa rưng nước mắt Người ơi người có thấu lòng ta 6. Ta nhìn mây hỏi biết em đâu Người ở cuối sông kẻ bến đầu Mấy độ xuân sang lòng vẫn nhớ Bao lần dâu bể dạ còn đau Sương pha năm tháng chim bằng mỏi Tuyết nhuộm ngày đêm giếng lệ sầu Đốt phiến thơ buồn dăm chén rượu Mấy dòng thương nhớ gửi tìm nhau 7. Tìm nhau tin nhạn nhắn bay về Xuân cảm đôi hàng đượm ý quê Lệ rớt phòng loan niềm thổn thức Mưa bay lầu mộng cảnh ê chề Chim hồng từ thuở rời non nước Mưa gió là hồi phủ dậm khê Đứt gánh tang bồng mây khói toả Tâm tư giấy trải bút hoa đề 8. Hoa đề xướng hoạ nhớ nào quên Ai khiến cuối đời gặp túc duyên Mong thấy chân mây làn má phấn Tìm đâu đỉnh núi dáng chim uyên Phiêu lưu đất trích thân hồng hạc Hận tủi quê hương phận đỗ quyên Nàng hỡi bao giờ ta gặp lại Tựa tay em ngủ giấc bình yên
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 121 9. Bình yên giấc mộng một chiều xuân Mơ cảnh Đào Nguyên tiên giáng trần Ta nắm tay thon còn bỡ ngỡ Em lau mắt lệ bỗng bâng khuâng Hương bay nắng sớm trời trong vắt Hoa nở vườn xưa cúc trắng ngần Đất nước qua rồi cơn bão lửa Thời lai Lã Vọng mới buông cần 10. Buông cần ta bước chặng đường sao Về lại hiên thơ ngõ trúc đào Ngắm thú điền viên chim ríu rít Nhìn khung trời nguyệt gió lao xao Hoa xưa ngày trước hương càng đượm Tình cũ bây giờ mộng biết bao Cạn chén tương tri mình đối ẩm Chân mày anh vẽ chịu chưa nào? Trần Nhất Lang (Tướng Quân Trần Q.Lịch) Nơi Đất Khách (Thập Thủ Liên Hoàn) Cẩn họa 1. Nước mất nhà tan tủi bại vong Xuân về Tết đến có như không Trên bàn dĩa bánh đơm vừa đủ Dưới bếp nồi chè nấu cũng xong Ảnh mẹ hương vờn thương đất tổ Hình cha khói quyện nhớ non sông Châm trà rót nước lâm râm nguyện Cuộc sống bình yên bớt nặng lòng 2. Nặng lòng viễn xứ bởi sầu vương Tức tưởi chia ly nuốt hận trường Kẻ chốn quê nhà cam dãi nắng Người nơi đất khách chịu dầm sương Xóm xưa thuở ấy thay thành phố Lối cũ giờ đây đổi lại đường Nhật nguyệt vần xoay sầu chất ngất Canh tàn trăn trở mộng hoài hương 3. Hoài hương giấc mộng chẳng hề phai Mắt dõi lưng trời bóng nhạn bay Chuyển đến người ta tia nắng sớm Trao về kẻ ấy giọt sương mai Chờ khi tái ngộ chung trà ngát Hẹn buổi tương phùng chén rượu say Như cánh chim đơn tìm tổ ấm Cùng nhau tâm sự nhớ thương hoài 4. Thương hoài cái thuở biệt ly người Ngấn lệ đoanh tròng chỉ chực rơi Em đứng đây vờn con nước chảy Anh ngồi đó ngắm lục bình trôi Nắng chiều le lói vàng sân cỏ Sóng bạc lô nhô đỏ ráng trời Bóng tối ùa về trong khoảnh khắc Niềm đau ấp ủ đến muôn đời 5. Muôn đời tuế nguyệt vẫn trôi qua Cố lý ngàn trùng vạn dặm xa Tuổi trẻ sầu thương từng chất chứa Thân già đau khổ đã phôi pha Đường khuya ai nén dòng châu mặn Ngõ vắng anh tuôn giọt lệ nhòa Mỗi dịp xuân về tim khắc khoải Ai người lau nước mắt đời ta
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 122 6. Đời ta nào thấy bến xuân đâu Uống nước Tương Giang cuối hoặc đầu Biển khổ mênh mông làm dạ xót Sông mê bát ngát để lòng đau Đôi lần hạnh ngộ trăm đường nhớ Một kiếp ly tao vạn nẻo sầu Đất khách quê người thêm quạnh quẽ Ân tình sâu nặng gởi trao nhau 7. Trao nhau lời nhắn đợi tin về Thắt thẻo chờ mong kẻ biệt quê Viễn xứ bơ vơ đừng não nuột Tha hương vất vả chớ ê chề Cỏ hoa hớn hở trên triền núi Tùng bách âm thầm dưới lũng khê Một tiếng anh hùng đâu dễ được Buông tay gác kiếm bút thơ đề 8. Thơ đề xướng họa dễ gì quên Vận nước bồng bềnh bởi phước duyên Vẫn đợi đường tơ cương bạch mã Đang chờ phím nhạc cánh hồng uyên Năm tàn mòn mỏi băn khoăn hạc Tháng lụn u hoài khắc khoải quyên Lại ngắm mây vờn quanh bóng nguyệt Đêm dài trăn trở mãi chưa yên 9. Chưa yên giấc điệp đã chào xuân Chạnh nhớ quê xưa giữa bụi trần Ngắm chậu mai vàng sao hạnh phúc Nhìn phong pháo đỏ lại lâng lâng Mức sên mỏi mắt không do dự Bánh gói tê tay chẳng ngại ngần Ngoại nhắc đầu năm đừng cãi vả Chưa nên cầm chỗi bởi đâu cần… 10. Đâu cần...Tết đến tại vì sao Xứ Mỹ đầy mai, thọ, cúc, đào Mâm quả đèn nhang người líu ríu Bánh trà hoa rượu khách xôn xao Đường xưa có kẻ thương vời vợi Nhà quạnh cho mình tủi xiết bao Độc ẩm bên đèn tim lạnh giá Ngày xuân đất khách khổ không nào? ThanhSong ntkp
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 123 Cảnh Xuân (Khứ) Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời Thú vui thơ rượu chén đầy vơi Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi Qua lại khách chờ sông lặng sóng Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười (Hồi) Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược Sóng lặng sông chờ khách lại qua Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa Vơi đầy chén rượu thơ vui thú Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta Hàn Mạc Tử - Bài Xướng. * (Nhiều người cho là của Hàn Mạc Tử. Tuy nhiên vẫn chưa thể xác định đúng là thơ của ông, dù rất hay.) Bóng Xuân (Khứ) Ta ngắm bóng Xuân cảnh rực ngời Hững hờ tim muốn lệ châu vơi Hoa chờ ước phận duyên an lạc Kẻ đợi mong phần số tốt tươi Qua tối lúc mờ sương ngập nẻo Đến đêm khi lạnh gió run người Xa tình mắt ướt nhòa mưa nắng Tha thiết dạ xui khiến gượng cười (Hồi) Cười gượng khiến xui dạ thiết tha Nắng mưa nhòa ướt mắt tình xa Người run gió lạnh khi đêm đến Nẻo ngập sương mờ lúc tối qua Tươi tốt số phần mong đợi kẻ Lạc an duyên phận ước chờ hoa Vơi châu lệ muốn tim hờ hững Ngời rực cảnh Xuân bóng ngắm ta ThanhSong ntkp-Cẩn họa *
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 124 TẾT THA HƯƠNG Cuối năm, chạp, tết lại về đây, Xa cách quê hương trú chốn nầy. Hương hỏa ông bà đành bái biệt, Mã mồ tổ phụ chẳng trùng xây. Cháu con Tết nhất không đoàn tụ, Bè bạn xuân về tợ gió mây. Đất khách riêng mình ai nấy Tết, Tha hương đâu thể được sum vầy. Nhật Quang Phi Hồ (Jan 2024) Cẩn họa Tết Tha Hương (Bát vận đồng khuôn) Mắt dõi trông về cố quốc đây Đầu Xuân khắc khoải nỗi đau nầy Ruộng vườn nước ngập khôn gieo cấy Nhà cửa dông càn khó lợp xây Trẻ đợi mâm nghèo chim đánh bẫy Già mong bếp đỏ khói luồn mây Đồng chua nước mặn gian nan ấy Tết mộng Trời cho thoát khổ vầy ThanhSong ntkp CA. Jan/23/2024
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 125 Trời Mưa Mưa, mưa rơi xuống ngoài khung cửa Lách tách tuôn dòng chảy suốt trưa Gió mạnh thổi lùa mưa lảo đảo Chợt thấy một niềm thương thích mưa ! Lâu lắm không nhìn thấy nước rơi Nước trên cao tưới xuống sân tươi Hàng cây lá thắm sạch màn bụi Tẩy sạch ưu tư mọi cảnh đời . Mưa vẫn rơi và mưa cứ rơi Tiếng chân ai khẽ trong lòng tôi Dưới mưa tầm tã tìm nơi trú Về ngả Giáo Đường êm nghỉ ngơi . Đình Duy Phương ————————————————- Giấc Mộng Đêm Xuân Lao xao cây lá động xôn xao Một đàn tiên nữ chợt đi vào Cho tôi đôi cánh cùng bay bổng Băng qua biển núi, vút lên cao. Trời đêm lắp lánh vạn ngôi sao Tinh tú giăng giăng dãy gấm đào Lên hết chín tầng mây, choá mắt, Thiên đình lộng lẫy quá, ôi chao ! Cây vàng, lá bạc, trái kim cương Hoa tươi muôn sắc đẹp phi thường Nhiều người áo trắng đi qua lại Thong dong thanh thản nhẹ hơi sương Bỗng lòng nung nấu một tình thương Tìm bóng người thân khắp nẻo đường Phiến đá Saphia soi bóng lộng Nhìn xem biết đã biệt trần dương ! Đình Duy Phương .
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 126 CHÚC TẾT QUÝ BẠN THƠ Xuân về thư thả viết thơ xuân Thấy trẻ hơn dù ngoại bát tuần! Ta chúc thế gian tươi đẹp mãi Ta cầu nhân loại hết gian truân Ta xin các nước mau ngừng chiến Ta nguyện chính quyền tiết giảm quân! Ta thật muốn Tao Nhân Mạc Khách Giáp Thìn này sáng tác chào Xuân!! Camthành Jan 23rd, 2024 ThaNhân (Trước thềm năm mới Giáp Thìn, 2024) CHÚC TẾT GIÁP THÌN Giáp Thìn chúc Tết gởi muôn nơi, Mong ước an vui đẹp cõi trời. Cộng Sản sớm tan, toàn thoát ách, Cộng Hòa tái lập, khắp vui đời. Hiền tài nhân ái lên quyền bính, Láo bịp lưu manh thảy biến rời. Quê cũ thanh bình, dân trở gót, Thân thương chung sống khổ nghèo vơi. Nhật Quang Phi Hồ (Jan 2024)
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 127 KHÁCH TRỌ KHÔNG MỜI 1. “Có một loài sâu nhỏ, Cuộn nỗi đau bốn mùa. Úp mặt vào phiến lá. Lặng lẽ chờ đông qua.” “Ai đó nhỉ, mà sao biết rõ tâm can của mình đến thế ?” Ánh chiều xuống thật nhanh, không đợi cho nàng kịp về. Gót chân gầy hối hả có cảm giác như ai đó đang đuổi sau lưng hay đang chạy đua với vài tia nắng hoàng hôn yếu ớt run run trên tàn lá cao còn xót lại nhuộm vàng vài cụm mây trời đang rủ nhau chạy trốn màn đêm sẵn sàng úp chụp xuống vạn vật mà không hề đoái hoài đến sự vội vã của bầy chim đang hối hả tìm nhau về lót tổ đêm nay. Nếu đời nàng được định nghĩa là những nụ cười nối nụ cười để tạo nên cầu vồng rực rỡ sẵn sàng cho bàn chân bươc lên như các thi sĩ thường thiêu dệt, thì bước chân của nàng sao phải tất tưởi như đêm nay ? Còn nếu đời được định nghĩa là những lằn roi quất ngang dọc để lại các vết hằn trên con dốc đời thì đời nàng chỉ là những trang sử viết bằng nước mắt, bằng tiếng thở dài qua những đêm dài nối tiếp nhau. Nhớ lại, những trang sử đầu đời mới lớn. Những trang sử đẹp quá mà nàng yêu quý tin tưởng viết ra bởi chính bàn tay của Thượng Đế là tác giả. Thượng đế thì không phải như các nhà văn khi viết nên những trang sử đời đã an bài cho nhân vật chính cái hậu kết như ý họ muốn, một tuồng như thể “ Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Còn Thượng Đế thường sẽ rộng rãi dành cho nàng một cơ hội khác để được tự do viết đoạn kết theo ý của mình. Nhưng trang sử chỉ vừa khô mực thì nàng đã đến tuổi học đòi, tập tò đánh vần chữ yêu. Nghĩ vậy, nhưng đêm nay, trên đường về đi giữa hè phố đông người mà sao nghe lòng mình bơ vơ. Đã bao lần lòng dặn lòng hãy quét lá thu đi để nhường lối cho con đường trước mặt và sống cho giây phút hiện tại. Nhưng tâm tư nhiều đêm vẫn phản bội nàng, gánh nỗi sầu về gõ cửa trong những giấc mơ. Nửa đêm choàng dậy nghe lòng rã rượi, thì ra ta đã khóc trong mơ…! “Ta phải đi, phải đi thật xa” Ai cũng như nàng thầm nghĩ “Kẻ say rượu thường không nhớ mình là ai, bước thấp, bước cao mong về tới cái giường, đổ xuống, mặc cho đời ngoài ngõ se sua, hôm sau, bắt đầu một ngày mới, cứ thế… Nhưng, người muốn rũ áo, từ bổ lối mòn củ sau những ê chề rẽ qua một khúc đời khác cũng bắt đầu bằng một ngày mới. Không dễ chút nào. Giũ cho sạch những đa đoan bám víu vào linh hồn chằng chịt bấy lâu như tay một loài bạch tuộc thì chỉ cậy nhờ môn thuốc thời gian, vì thời gian mang tính bào mòn. Nếu có bài toán cộng, trừ, nhân, chia nào, hoặc một phép mầu nào để giúp cho người ta quên đi( cả cái cứng đầu, ương ngạnh của tâm tư), như bầy lá bị mau chóng bị quét đi sau trận cuồng phong. Có chăng là phải tìm về với trang sử đầu đời mà người ta đã một lần đem xếp xó để đuổi theo
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 128 cái dại khờ chẳng mấy chốc nó biến thành trái đắng làm tê tái đầu môi, cuống họng. Làm xót xa một đoạn đời. 2.Con tầu như hiểu thấu tâm trạng của cô khách lạ. Nó lầm lũi xé màn đêm bương bả, leo đồi, lội suối, băng rừng và ngoan ngoãn đổ cô xuống ga nhỏ, trong một buổi sáng đầu đông. Nó chào cô bằng hồi còi lanh lảnh, rồi tiếp tục cuộc hành trình, không quên ngó lại phía sau thấy người khách lạ vẫn còn đứng đó mà đôi mắt đẫm buồn. Trước mắt cô, khung cảnh ngoại ô coi xơ xác như một kỷ niệm cũ năm nào đã tàn phai không được chủ nhân đánh bóng lại. Nó nhìn cô với đôi mắt soi mói không muốn làm quen, đón người khách lạ với cơn gió đông khiến cô rùng mình. Cô khách lần đầu tiên được nếm hương vị đầu đông của đất cao nguyên. Chỉ còn ánh mặt trời là người bạn duy nhất luôn theo cô đi mọi nơi, mọi chốn và trung thành chia cho cô phần nắng ấm rất tình người mỗi ngày mà cô luôn cần đến, cảm ơn người bạn tốt, không thay dạ đổi lòng như lòng người. Căn phòng ngoại ô, hôm nay nơi cô gọi là nhà cũng đồng dạng với hàng xóm lụp xụp, mái tôn vách ván đang han rỉ với số tuổi có lẽ còn cao hơn cô nhiều. Xung quanh chẳng đất đai, vài mảnh ván bắc qua rãnh nước đen thui bốc mùi hôi hám. Con đường lộ trước mặt lồi lõm ổ gà như những vết thương còn sót lại sau lúc đổi đời, mỗi lần xe ngang qua tung bụi cát mịt mù, nhưng dân lao động ở đây còn bận lo cơm áo, có ai màng đến việc này, coi như chuyện bình thường vì “ Con Sãi ở chùa lại quét lá đa”. Căn nhà làm cho cô nhận ra thấy đời mình thua thiệt và có lẽ đã từ lâu hoang vắng nên đầy mùi ẩm mốc. Cửa sổ cũng như cửa ra vào đều đã long đinh, mầu sơn loang lổ trông đến thảm hại, vài cái bóng đèn treo lẳng lơ sáng như đom đóm làm tổ cho lũ nhện dăng tơ, là nhân chứng cho sự đời hoang phế, nhưng xem ra vẫn còn tươm tất hơn nhà hàng xóm hai bên. Từ sáng sớm đến xế chiều sự sinh hoạt của xóm lao động này lúc nào cũng như nồi nước sôi. Tiếng hàng quà rao ơi ới. Tiếng máy xe lao đi trong đường hẹp khói phun ra mù mịt như cháy nhà. Con nít sau giờ tan trường cãi cọ nhau như mổ bò hoặc chạy đuổi nhau trên sân với trái banh dường như không hề biết mệt. Có những chiều cuối tháng chạp, mặt trời mùa đông cũng biết lạnh nên làm biếng đi ngủ sớm. Cô đi sớm về khuya, với bươc chân long đong vì cuộc sống mới nơi xứ lạ, dẫy cột đèn vẫn kiên nhẫn đợi cô dãi ánh sáng vàng vọt soi lối cho cô tìm vê. Chúng là lũ bạn thứ hai sau mặt trời, nhưng chúng lem luốc vì bụi đường, nhìn chúng nhọc mệt hơn cô. Hằng đêm cắn răng chịu lạnh lùng dưới những cơn mưa xứ núi gục đầu kiên nhẫn chờ bình minh. Có lúc, muốn về để nương nhờ cha mẹ vì nơi đó có hơi ấm của tuổi thơ xưa còn sót lại. Có hai mái đầu bạc lặng lẽ ngày đêm se sẽ đi ra di vào, nhưng sao có điều gì vương vướng, lấn cấn nơi trái tim tạo ra hàng rào cản vì sự hiếu thảo cô còn nợ trên vai chưa đền trả, sao lại tạo thêm sự lo lắng, băn khoăn cho mẹ cha. Thái độ “ cứng đầu” của cô chỉ cần Trời biết và Ngài sẽ đền trả cho cô một cơ hội khác vì sau mỗi đêm đen đều có một bình minh kế tiếp đi theo. Lúc đó, cô lại cám ơn cái đêm đen ấy đã mang lại cái bình minh rực rỡ vào sáng hôm sau của cuộc đời, như ai đó đã viết “ Sau khi cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra”
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 129 Sự chọn lựa bỏ đi thật xa hôm nay không làm cho cô buồn phiền. Đây không phải chuyện “ Xẩy nhà ra thất nghiệp”. Không so đo với cuộc sống, nơi, mới ngày hôm trước, đầy đủ và sa hoa, phù phiếm, nhưng trong suốt thời gian dài đăng đẳng cô tự hỏi “ Tình yêu có thật không và nó mầu gì ? Tình yêu có giống như nhà nông ôm về những bó lúa thơm tho làm nên hạnh phúc không. Những gì ta làm ra dưới sức ép của bàn tay phù thủy người mà ta gọi là chồng, dạy ta cách đóng kịch lấy nhan sắc của vợ làm vốn liếng, một thứ vốn trời cho đã làm ta mang đầy mặc càm, và xấu hổ dù ta không có tội. Câu trả lời của ai đó là có, thì câu trả lời của ta sẽ là không”. Nhưng thôi được, nỗi sầu hôm nay như con sóng ác xô cô vào bờ chắc chắn là không tránh khỏi. Cô sẽ đủ nghị lực để vượt qua, đêm đêm gục đầu vào gối ngủ như con sâu úp mặt vào phiến lá lặng lẽ chờ đông qua. Mùa đông đầu tiên nơi xứ núi, y hệt cái lạnh ngày xưa lúc xa nhà, cái lạnh đến rét mướt miết vào da thịt đến run người, cô chưa tưng trải, lại thêm cái lạnh giá trong tâm hồn liệu có tấm chăn nào đủ làm ấm lại cõi lòng đêm nay nơi xứ lạ quê người không. Nhưng cô cố xua đuổi cảm nghĩ tiêu cực đó đi ví xung quanh cô đêm nay vẫn còn nhiều kiếp người lang thang không cửa không nhà, nhiếu con thuyền không tìm ra bến đỗ cho đời mình. Ngay cả đêm nay dẫu tâm tư có quay lưng lại phản bội cô như trước thì cũng chỉ coi nó như một khách trọ không mời. Té ra, trang sử do Thượng Đế viêt về đời nàng là có thật, chỉ là những trang sử đời thường. Không có trăng sao,hoa thơm, cỏ lạ. Rất đời thường. Nàng thấy những tháng ngày mệt lả sau giờ làm việc lại là hồng ân của Thượng Đế ban cho, vì mỗi chặng đời đi qua, đánh dấu bắng cột mốc là sự trưởng thành lẫn khổ đau. Sự trưởng thành lớn lên theo chiều dài trong khi đau khổ theo chiều sâu. Nàng ân cần lượm lại những trang sử ngày xưa bỏ quên trong ký ức. Âu yếm giữ lại làm hành trang để sau này viết tiếp đoạn kết của đời mình có những nụ cười tiếp nối nụ cười, nhưng cũng không thiếu những vết hằn ngang dọc còn in sâu. Dấu tích của những ngày tháng nổi trôi. Niềm tin vào tương lai sẽ là động lực làm cho vì sao định mệnh sẽ đổi ngôi. Bà Hai bên cạnh, nghe tiếng gió lạnh lùa vào nhà ngang dọc, vội chạy ra đóng cửa, thấy cô đang băng qua đường co ro trong giá lạnh, bèn chép miệng: - Tội nghiệp cho kiếp hồng nhan, thân cò lặn lội, đi sớm, về khuya một mình. Ngân Hà (Viết cho mùa xuân 24)
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 130 CHÚC TẾT GIÁP THÌN Quý Mão vừa qua lại đón Rồng Xuân mừng vạn sự sẽ hanh thông Ước mơ lạc nghiệp chân thành ước Mong mỏi thanh bình khẩn thiết mong Xứ lạ canh tàn thương đất nước Quê người khắc lụn nhớ non sông Quang Trung, Kỷ Dậu Mồng Năm Tết Hoàng Đế nhung bào rực cõi Đông ThanhSong ntkp-Họa
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 131
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 132 BẠN BÈ QUANH TA Bạn bè trang lứa đếm đầu tay Xuân đến khắp miền có những ai Tìm dịp gần nhau vui hiếm có Mừng vui ngày một,kéo ngày hai Chất xám cao niên cũng cạn dần Lắm người sức khỏe yếu lần lần Nghiệm xem giải trí môn nào hợp Cờ tướng,đô-mi-nô,thú nghệ nhân Tinh thần yếu,sức khỏe lùi theo Thể lực tinh chuyên,nhưng chớ leo... Có sức tới đâu làm tới đó Bạn bè,chồng vợ giúp chống chèo. Rảnh ra rảo bước đến thăm nhà Chờ mãi hèn lâu mới thấy ra Bốn cẳng,ba chân khua lộp cộp Xe lăn,gậy chống bạn mừng ta. Ngẫm nhìn bao kẻ kém may hơn Phải sống vui tươi,đùa nghịch giỡn Đừng để giận hờn luôn lởn vởn Thân tâm thanh thản,trí không lờn Mong rằng năm mới mọi người vui Làm việc thảnh thơi,tránh ngậm ngùi Dĩ vãng thăng trầm luôn xả bỏ MẸO qua THÌN đến phải cười tươi TrangNgocKimLang (Xuân Giáp Thìn)
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 133 Chúc Xuân Một chậu hoa Đào trước gió Xuân Mang Xuân rực rỡ biết bao phần Tầm Xuân hé nụ bên khung cửa Dạ Lý chào Xuân cạnh kẽ gân Tuyết trắng mừng Xuân đùa kẻ sĩ Xuân hồng đón Tết cợt thi nhân Ngày Xuân mấy chữ xin trao đến Gửi chút hương Xuân đối với vần Y Thi === Giáp Thìn Khủng Long Tai bò mắt thỏ móng chim ưng Vảy cá liền vây dọc sống lưng Bụng ếch thân thon nhìn khiếp sợ Sừng hươu miệng rộng thét vang lừng Chân to tựa hổ trông anh dũng Lưỡi bự như lân thấy đỏ bừng Cổ rắn bờm dài răng cửa nhọn Đuôi luôn chuyển hóa mãi không ngừng Y Thi 012424 ====
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 134 Xuân Giáp Thìn Năm mèo chậm chạp đã đi qua Trước ngõ rồng con ghé tới nhà Rộn rã đì đùng bên tiếng pháo Giòn tan nhộn nhịp với lời ca Trên bàn sắp đặt nhiều hoa quả Dưới bếp bày ra đủ thịt thà Mở cửa chào xuân mừng phú quý An nhiên tự tại thế kia mà. Y Thi 012624 === Xuân Thủ nhất thanh Xuân tới trần gian thật tuyệt vời Xuân này ấm áp khắp muôn nơi Xuân tìm hạnh phúc trao nhân loại Xuân chọn bình an gửi mọi người Xuân tỏa hương thơm chừng chẳng cạn Xuân tràn mật ngọt mãi không vơi Xuân mang khát vọng luôn nồng cháy Xuân nhuộm tình yêu đến hết đời Y Thi --
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 135 Ngày Xuân Hoa Lá (Ngũ độ thanh, thủ nhất tự) Tết lại về bên những cỏ cây Trong nhà rực rỡ Cúc vàng lay Trầm Hương gỗ đỏ cành chưa rụng Thạch Thảo hoa mềm cánh đã bay Trộm nhớ Anh Ðào sao tỏ rõ Thầm thương Cẩm Chướng ngại phơi bày Tình sâu nghĩa nặng luôn bền bỉ Thắt chặt nhau vào mãi chẳng thay Y Thi Lộc VÕ PHÚ Tôi biết Lộc khi tôi dạy tiếng Việt ở trường Việt Ngữ Huệ Quang. Lộc cao và hơi ốm với mái tóc dài chẻ hai, che khuất mắt, phủ tới miệng. Ở trong lớp, Lộc hay thả cho mái tóc phủ kín mặt. Lộc không muốn cho người khác nhìn thấy mặt mình. Lộc là cậu thanh niên cao và lớn tuổi nhất ở lớp tiếng Việt, do tôi dạy. Ngày đầu tiên vào lớp, tôi viết tên mình lên bảng và tự giới thiệu. Sau đó, tôi gọi tên từng em để các em giới thiệu về mình. Ngoài tên, tuổi, trường các em đang theo học, tôi cũng nhắc các em cho chúng tôi biết vì sao các em lại đến với lớp Việt Ngữ này. Khi tới phiên Lộc, Lộc giới thiệu về mình, rất ngắn gọn: - Lộc. 15 tuổi. Lớp 10 trường Glen Allen. Lộc không thích đi học tiếng Việt, nhưng mẹ bắt học để nói chuyện với bà ngoại còn ở Việt Nam. Cũng như Lộc, hầu hết những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở bên Mỹ này đều không muốn đi học tiếng Việt. Tôi hiểu và thông cảm với các em nên tôi cố gắng trò chuyện với các em. Ðôi khi tôi nói cả chuyện với các em bằng cả hai ngôn ngữ để cho các em hiểu rõ hơn. Tôi
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 136 dạy không theo sách vở mà theo yêu cầu của các em muốn học về đề tài các em muốn tìm hiểu. Ở trường Việt Ngữ tôi dạy, được chia ra thành sáu lớp từ lớp mẫu giáo đến lớn năm. Tôi dạy lớp bốn, một lớp mà các em đã biết đọc và viết. Trong lớp tôi có chín em đang học, các em từ 11 đến 12 tuổi. Chỉ có Lộc là 15 tuổi. Lý do Lộc lớn tuổi hơn các bạn trong lớp là vì Lộc đã ở lại lớp này ba năm. Năm đó là năm đầu tiên tôi dạy tiếng Việt ở trường này. Trước khi nhận lớp, tôi được các thầy cô giáo những năm trước cho tôi biết sơ về Lộc. Lộc không được lên lớp như các bạn là vì Lộc không chịu làm bài hay nộp bài. Mỗi ngày đến lớp, Lộc đều gục đầu xuống bàn ngủ hay hí hoáy vẽ vời chứ không để ý gì đến bài vở. Lộc chán ghét lớp Việt Ngữ. Khi được thầy cô giáo của những năm trước cho tôi biết về Lộc, tôi chú ý đến Lộc nhiều hơn. Quả thật như các thầy cô giáo nói, những buổi học đầu, tôi thấy Lộc cầm viết bên tay trái và hí hoáy vẽ. Tôi đi đến gần bên Lộc và hỏi: - Lộc cầm viết bằng tay trái hả? - Khi viết thì Lộc dùng tay phải, còn những việc khác thì dùng tay trái. Lộc thuận tay trái hơn tay phải. - Thú vậy đấy.... Thầy đọc ở đâu đó nói rằng những người thuận tay trái rất thông minh và có khiếu về hội họa. Mà Lộc đang vẽ gì vậy? - Dạ, không có gì. Lộc chán, nên vẽ lung tung thôi. - Ồ... Khi vẽ, vậy Lộc có nghe thầy giảng trên lớp không? - Dạ có, Lộc vẽ bằng tay mà. Tai Lộc có nghe. Tôi cười thầm và nghĩ đúng là con nít sinh ra ở Mỹ, nên trả lời rất thật và hồn nhiên. Có sao nói vậy người ơi. Tôi nói với Lộc: - Thầy cám ơn Lộc đã cố gắng đi đến trường học tiếng Việt. - Nhưng, Lộc không thích. Lộc bị mẹ kêu đi học. Lộc khá thông minh. Ở trường trung học, Lộc là học sinh giỏi, đạt được toàn điểm A trong các môn. Ngoài tiếng Anh và tiếng Việt, Lộc còn biết tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Có một hôm sau khi tan trường, trong lúc chờ phụ huynh tới đón về, lớp tôi chỉ còn lại một mình Lộc. Lộc khoe với tôi: - Thầy biết không. Lộc biết tiếng Spanish và tiếng French. Lộc học ba năm Spanish và giờ đang học French. Nhưng Lộc không thích học tiếng Việt. Tôi cười, khen cậu giỏi và thông minh. Tôi hỏi em: - Tại sao Lộc không thích học tiếng Việt? - Tại vì tiếng Việt khó. Tiếng Việt có nhiều dấu khó hơn tiếng Spanish hay French.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 137 - Thầy thấy tiếng Việt em rất khá. Lộc nghe, hiểu và trả lời thầy bằng tiếng Việt. Lộc chỉ cần chú tâm thêm chút nữa là em sẽ yêu thích tiếng Việt thôi. - Lộc ghét đến trường vào thứ Bảy. - Ồ vậy là Lộc không thích đến trường Việt Ngữ vào cuối tuần đúng không nè? - Dạ đúng rồi. Lộc không thích, nhưng mẹ cứ bắt đi học tiếng Việt vào cuối tuần. - Lộc có thử nói chuyện với mẹ chưa? - Lộc có nói. Nhưng mẹ không chịu nghe. Mẹ không khi nào chịu nghe Lộc. Mẹ busy ở ngoài tiệm nails. Mẹ không có giờ cho Lộc. - Vậy những ngày cuối tuần nếu không đi học thì Lộc làm gì? - Lộc ở nhà cousin chơi games. - Thầy biết Lộc rất giỏi và thông minh. Nếu như Lộc không thích đi học tiếng Việt cuối tuần thì em cần phải cố gắng chăm chú lắng nghe và học thật giỏi tiếng Việt để mẹ khỏi bắt Lộc tới trường nữa. Lộc đưa mắt nhìn tôi, rồi ngạc nhiên hỏi lại: - How come? (Sao có thể như vậy được thầy?) Tôi không trả lời vội, mà hỏi lại Lộc: - Em có biết trường Việt Ngữ mình đang theo học có bao nhiêu lớp không? - Dạ có sáu lớp. - Ðúng rồi. Trường mình học có sáu lớp từ lớp mẫu giáo đến lớp năm. Hiện giờ Lộc đang học lớp bốn, nghĩa là sau khi học xong lớp này, còn một lớp nữa là Lộc có thể nghỉ rồi. Lúc đó mẹ của Lộc không còn lý do gì để bắt Lộc đi học vào ngày thứ Bảy nữa có đúng không nè? - Dạ đúng rồi. - Nếu Lộc chăm chỉ lắng nghe và làm bài đầy đủ thì em chỉ cần học xong năm nay và năm tới là sẽ ra trường rồi. - Ờ héng. Sao Lộc không nghĩ ra. Lộc chỉ nghĩ khi đủ 18 tuổi rồi thì Lộc đi đại học, mẹ sẽ không bắt đi học tiếng Việt nữa. - Thầy biết em rất thông minh. Chỉ cần em siêng làm bài và chăm chú lắng nghe thì em có thể làm bất cứ việc gì em muốn. Lớp tiếng Việt này cũng đâu làm khó em được đúng không nè? Em hãy cho mẹ em thấy rằng, em làm được. Và thầy cũng tin rằng em sẽ là học sinh giỏi nhất ở lớp tiếng Việt năm nay. Thầy tin ở em. Em có tin ở mình không? - Lộc tin. Chúng tôi đang nói chuyện với nhau thì xe của mẹ Lộc đến đón về. Lộc vội vã chào tôi và các thầy cô rồi ra về. Sau buổi nói chuyện hôm đó, tôi thấy Lộc chăm chỉ học bài và làm bài tập về nhà hơn.
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 138 Hết học kỳ một, chúng tôi trở lại trường sau Tết Tây. Thời gian này, tôi không dạy các em học theo sách vở, mà tôi tập cho các em hát cũng như chơi trò chơi tìm tên các loài hoa, tên các con vật, bằng tiếng Việt. Rồi chúng tôi chuẩn bị cho chương trình văn nghệ cho hội chợ Tết Nguyên Ðán ở chùa Huệ Quang. Tiết mục dành cho lớp chúng tôi là sớ Táo Quân. Trong phần sớ Táo Quân, Lộc đọc rất trôi chảy và đúng theo nhịp mà tôi chỉ dạy. Ngày hội chợ Tết Nguyên Ðán của trường Việt Ngữ cũng kết thúc, tôi mừng tuổi cho các em. Và, tôi đã thiên vị Lộc, mừng cho em nhiều nhất với lý do là Lộc cố gắng và trình diễn rất hay trong tiết mục ông Táo. Khi nhận phong bao mừng tuổi, Lộc dang tay ôm và cám ơn tôi đã dạy Lộc học tiếng Việt. Hai năm trôi qua nhanh. Thoáng chốc đã vào mùa hè. Trong buổi lễ bế giảng của trường, Lộc đứng lên đọc bài phát biểu của mình. Lộc cám ơn gia đình, thầy cô đã dạy Lộc tiếng Việt. Lộc nhắc đến những lần ngủ gục trong lớp, những buổi trưa dài lê thê đến chán chường của lớp học học tiếng Việt vào cuối tuần như là một cực hình. Nhưng giờ đây Lộc cảm thấy biết ơn gia đình và thầy cô đã dạy bảo Lộc để Lộc biết đọc và biết viết tiếng Việt, biết thêm một ngôn ngữ, mà là ngôn ngữ của mẹ, nơi mẹ Lộc được sinh ra. Trong bài phát biểu, Lộc có nhắc đến tôi. Sau khi nghe bài phát biểu cảm nghĩ của Lộc, tôi xúc động và thấy cay cay ở khóe mắt. Bài phát biểu của Lộc vừa dứt, những tràng pháo tay giòn giã từ phụ huynh và thầy cô. Nhiều phụ huynh và thầy cô còn rơm rớm nước mắt. Buổi lễ bế giảng kết thúc, tôi không còn gặp lại Lộc nữa. Thỉnh thoảng Lộc có gửi email cho tôi và cho tôi biết Lộc đang học ở trường đại học Virginia, cách nhà hơn một giờ đồng hồ. Rồi đại dịch Covid 19 bất ngờ ập tới, mọi chuyện đều đình trệ. Trường Việt Ngữ nơi tôi dạy cũng đóng cửa hai năm qua. Tôi nhớ các em ở trường Việt Ngữ. Có những hôm, tôi gọi hỏi thăm cô hiệu trưởng để biết khi nào trường mới mở cửa để dạy tiếng Việt trở lại. Sau vài lần hỏi thăm, chúng tôi có một buổi gặp mặt tại trường sau dịp lễ Giáng Sinh. Trong lúc trò chuyện về trường, về lớp, rồi lan man qua chuyện dịch bệnh, chích ngừa... Cô hiệu trưởng chợt hỏi: - Mấy thầy cô còn nhớ Lộc không? Nghe cô hiệu trưởng nhắc đến Lộc, tôi vội hỏi: - Có phải Lộc ôm ốm cao cao, tóc dài mấy năm trước học ở lớp em? - Ðúng rồi. Lộc vừa mới mất. - Trời, tại sao vậy? Covid? - Không. Lộc tự tử! - Úi Trời! Ghê vậy. Mà chuyện gì vậy chị?
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 139 - Nghe nói Lộc buồn chuyện gia đình, áp lực việc học, việc làm... Lộc bị trầm cảm và tuyệt vọng một thời gian. Thầy Thanh nói: - Ở lứa tuổi lửng lơ các em suy nghĩ chưa thấu đáo dễ làm chuyện dại dột... Tôi thêm vào: - Ðôi khi mình cũng vậy, chứ nói gì các em... Cô Oanh, tiếp: - Ôi, tội nghiệp quá. Rồi sao nữa chị? - Mẹ của Lộc muốn em làm theo ý của mình là học ngành điện toán hay khoa học, nhưng Lộc lại giấu mẹ theo học về hội họa. Sau khi mẹ em biết được, bà buồn, thất vọng và có thể chì chiết gì đó nên Lộc đã mua súng để tự bắn mình. - Chuyện xảy ra khi nào vậy chị? - Cách đây vài tuần. Sau lễ Thanksgiving. - Trời! Tôi nghe tin Lộc tự tử mà chân tay tôi bủn rủn rã rời. Tôi lặng người nghĩ đến Lộc. Tôi suy nghĩ tới những nỗi đau của Lộc và gia đình khi em tự kết thúc mạng sống của chính mình. Chắc có lẽ trước khi tự sát em cảm thấy bất lực không thể tìm ra lối thoát ra khỏi nỗi đau khổ vô tận? Chắc có lẽ Lộc âm thầm chịu đựng rồi lên kế hoạch tự sát mà không cho ai biết? Phải chi Lộc chia sẻ những nỗi buồn, đau khổ của mình với bạn bè, người thân. Phải chi gia đình quan tâm em nhiều hơn một chút có lẽ em đã không rời khỏi thế gian này. Phải chi nước Mỹ kiểm soát được nạn buôn bán súng? Phải chi và phải chi ... Nhưng tất cả đều muộn... Hôm nay, những ngày cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị bước sang năm mới, tôi hy vọng rằng ở cõi nào đó, Lộc không còn đau khổ không tuyệt vọng, cô lập buồn bã. Tôi hy vọng rằng Lộc được vui tươi, mỉm cười và hạnh phúc. Và tôi cũng cầu mong gia đình em kiên cường, cố gắng động viên nhau vượt qua nỗi đau mất mát này. Y Thi Võ Phú
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 140
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 141 ĐÀN NGỖNG TRỜI ĐÃ BAY QUA Đàn ngỗng trời đã bay qua Mỗi năm tìm về đất ấm Tôi gọi hụt hơi rồi, vẫn biệt tâm Ngỗng có bay về quê cha Dải đất dài tình nồng, nắng ấm Ôm ấp biển Thái Bình mà luôn biến động Chưa lần nào yên tỉnh, bình an Dân tôi luôn bị áp bức Nô lệ kẻ thù truyền kiếp Bao lần nồi da xáo thịt Cõng rắn cắn gà nhà Bán nước cầu vinh Chịu kiếp tôi đòi thờ giặc Cùng máu mủ, đồng bào cũng bị bắt bớ, giết chóc, tù đày Tiếng kêu thống thiết của người khổ nạn Bao nhiêu năm còn nghẹn ngào, không dứt than van Người lưu vong Thương nhớ quê hương Lòng thê thiết, xót xa, tan nát Quê hương mất, người còn gì hơn để mất Nuối tiếc muộn màng Ôi đàn ngỗng trời vẫn cứ bay ngang Chương Hà
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 142 LỜI RU MÙA XUÂN Để thương tặng con gái tui Ngọc Trân Trọn kiếp lưu vong sống thẳng ngay, Bỏ quê Cha thổn thức u hoài. Ngoài kia phủ: tuyết, trời, mây, nắng, Nội thất khoe: đào , trúc , cúc, mai. Điệu nhạc mừng Xuân lòng đắm đuối, Vần thơ chúc Tết trí mê say. Con ơi, giữ lại tâm hồn Việt, Đậm nét trinh nguyên đừng phá khai Nguyễn Hoàng Linh ( 2 Luá NJ)
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 143 VỊNH MAI TỨ QUÝ A Giành chẳng rõ được bao... mươi, Vợ rủa Trời sanh cái giống lười. Suốt tháng chờ trăng xem nguyệt thẹn, Thâu đêm đợi sáng ngắm hoa cười. Ngoài sân tuyết trắng bay tơi tả, Nội thất mai vàng nở thắm tươi. Khổ quá hiền thê than trách phận, Kiếp này vớ phải gã ...đười ươi. Nguyễn Hoàng Linh ( 2 Luá NJ) HOA XUÂN DÂNG VỢ HIỀN Quỳnh huơng tiết lạnh trổ màu ngà Bát ngát mùi thơm khẽ thoảng xa Cúi xuống van nàng đừng oán hận Ngước lên ước vợ hãy buông tha Từ nay tuyên hứa thôi bung cửa Sắp tới xin thề quyết giữ nhà Tóc trắng thưa dần theo tuổi hạc Cuộc tình mãi đẹp tựa ngàn hoa Nguyễn Hoàng Linh ( Nông gia 2 Luá NJ) CHỜ XUÂN NƠI XỨ LẠNH Chờ Xuân với giá lạnh mùa Đông Lánh cõi đời ô trọc đục trong Thoáng ngắm sương sa che phủ gốc Liếc nhìn nụ hé nở khoe bông Chồi non tỏa rộng cùng vươn dậy Lá biếc vờn quanh tránh diệt vong Ước vọng mai này nơi đất Việt Sắc vàng lại thắm ấm muôn lòng Nông gia hai lúa NJ MAI TRÚC LƯU VONG Bỏ nước lưu vong tận chốn nào Ngục tù từng bị đánh cho ao Lìa quê bạn thiết vùi xương trắng Vượt biển em yêu đổ máu đào Khóm trúc chồng già kềm thật thấp Cành mai vợ trẻ uốn thêm cao Hạ về rảnh rỗi cùng nhau ngắm Tấm tắc khen hoa đẹp dễ tào Nông gia hai lúa NJ Hai lúa trong lần vượt biển cuối cùng đã chính tay thủy tang một người bạn thân. Còn thím hai lúa có một người em gái xinh nhất nhà bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp tới chết rồi sau đó quăng xác xuống biển
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 144 CHỚ !!! Nương vận thơ Trưởng bối Cao Mỵ Nhân Chớ hỏi tuổi goa! Em! Nhiều năm trường biệt xứ Theo cuộc sống đắm chìm Đời lặng trôi vậy đó Ta chẳng nhớ bao tuổi Nay đã được mấy mươi Cứ lờ đi không nói Làm băn khoăn bao người Tâm hồn ta mãi trẻ Lòng tràn ngập ý thơ Gặp nhau xin miễn lễ Kẻo bay mất tuổi ...mơ Tấu khúc nhạc Xuân Tình Mừng đời vừa thêm tuổi Như chim hót an bình Đón chào một năm mới Nông gia 2 lúa miệt vườn NJ USA NỖI NIỀM ÔNG ĐỒ GIÀ Nương vận thơ đồng nghiệp HV Bạc Liêu Cất bước đi với muôn vàn lý lẽ Bao năm dài sống vất vả phong sương Vẫn mơ ước ngày dựng lại mái trường Cho miêu duệ học trò vui đèn sách Ôi quê huơng một đại dương ngăn cách Công việc làm thì lúc có lúc không Tiếng Ăng Lê chỉ trình độ ăn đong Ngày tháng cũ đã dần thành hoài niệm Có những buổi nắng chiều vừa tắt lịm Ngắm hoàng hôn vui huởng cảnh thiên nhiên Chỉ ước mong tâm hồn được lặng yên Giữ lai mãi nét dân quê chân chất Cố góp nhặt những gì chưa bị mất Dù cho đời lạc bước vạn ngàn phương Kỷ niệm cũ ai mà chẳng luyến thương Nguyện giữ kỹ trong lòng luôn nhớ mãi Thầy Đồ 2 Lúa tiểu bang miệt vườn NJ USA
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 145 ĐÓA MAI TRĂM TUỔI Thuở trước xuân về mộng thắm tươi Màu xanh cỏ ngát, áng mây trời Lòng vừa nở nhẹ bao mơ ước Hương đợi ươm nồng những mắt môi Chỉ một ngày nao anh muộn đến Để ngàn năm ấy lệ thầm rơi Mai vàng trổ cánh hoa trăm tuổi Là đóa tình thơ gửi tặng người. Lê Mỹ Hoàn 2020 THIẾU NỮ Xuân về thiếu nữ thắm đôi môi Má rám hồng quân mỉm miệng cười Mái tóc buông lơi làn gió mới Bờ vai gợi nhẹ nét hương tươi Trúc mai thỏ thẻ lời ưu ái Đào lý xôn xao vẻ đón mời Thi tứ hồn ai pha sắc mộng Tơ lòng nhen nhúm tuổi hai mươi. Lê Mỹ Hoàn 1/2023 Dáng Xuân Nắng đã hồng tươi vẽ dáng xuân Giọt cam giọt tím rớt rơi gần Đất trời muôn sắc chừng vô tận Sông núi ngàn xanh tựa thấm nhuần Thiếu nữ dịu dàng duyên mộng thắm Chàng trai nho nhã vẻ hòa ân Cúc đang nở rộ vàng sân trước Cùng cánh hoàng mai rực vạn lần. Lê Mỹ Hoàn 2024 THU ĐÃ THAY MÀU Thu đã thay màu quyện gió đông Hòa theo tiếng vọng lướt bên song Sương rơi lãng đãng mờ nhân thế Tuyết rụng âm thầm dạt bến không Mơ thấy nhạn về tung cánh trắng Mong sao hoa nở đổi xuân nồng Tay đưa phím lạc hồn đâu tá Chiếc lá xoay chiều ngọn bấc phong. Lê Mỹ Hoàn 2021 TRANG MỘNG CŨ Bà ru cháu ngủ đoạn thơ Kiều Tiếng nói ngàn năm thuở dấu yêu Nhớ mãi nằm lòng, thương giọng hát Quên sao trong dạ, lắng tơ diều Một trang mộng cũ đầy thư cổ Nửa kiếp tình xưa ngập dáng chiều Non nước muôn thu còn sống trọn Hồn ai thi tứ mảnh trăng liêu. Lê Mỹ Hoàn (thơ họa) 7/12/2022 SÔNG TRẮNG Rừng núi hôm nay đổ dáng mù Trên đồi sương sớm một chùa tu Áo ai khép kín đời xuân sắc Lòng kẻ nguyện trong phận kiếp tù Quên cuộc sống phồn hoa nắng hạ Nhớ đêm rằm ánh nguyệt hồn thu Tìm trong muôn thuở dòng sông trắng Chảy miệt mài tâm nhẹ tĩnh tu. Lê Mỹ Hoàn (thơ họa) 2/16/2023
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 146 THĂM TRƯỜNG CŨ Bao lâu ta trở lại thăm trường Năm tháng còn đây nỗi nhớ thương Lớp học mênh mang hồn chữ cũ Giảng đường vắng lặng điệu văn buồn Tóc dài nghiêng bóng hành lang ngỏ Phượng vĩ rủ cành mái ngói vuông Ánh mắt ai nhìn ngây ngất tỏ Bao lâu ta trở lại thăm trường. Lê Mỹ Hoàn (thơ họa) 7/19/2022 CHỢ SỚM VEN SÔNG Lối về đan mộng ngập hồn thơ Văng vẳng bên sông tiếng gọi đò Sương sớm chợ khuya vừa nhóm họp Mây hồng buổi sáng mới tô mờ Thuyền ai đầy ắp vươn đầu sóng Khúc gỗ xuôi dòng dệt óng tơ Mặt nước mênh mông tình vẫn gợi Như trăng vời vợi thuở xưa giờ. Lê Mỹ Hoàn (thơ họa) 6/4/2022
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 147 THIỆP MỪNG XUÂN Năm tàn, thân gởi thiệp mừng xuân. Ngày tháng qua nhanh chóng cạn tuần.* Tự, mộ tiên linh đành cách biệt. Văn, phong mỹ tục cố hành tuân.** Tha phương chia xẻ buồn vong quốc, Giai tiết chung vui nghĩa hợp quần, Mến chúc gần xa đều hạnh phúc, Cầu mong đất tổ mãn trầm luân. Nhật Quang Phi Hồ *Tuần là 7 ngày , cũng có nghĩa là 10 năm. ** Tự mộ là nhà thơ và mồ mã. *** Văn hóa và phong tục vẫn cố giữ tốt đẹp cố giữ tuân theo. NEW YEAR GREETING CARD At year end, a new greeting card is cordially sent, The time flies by, one more period has expired. We had regrettably to bid farewell to our ancestors' shines and tombs. We try hard to observe our beautiful cultures and customs. On the foreign land, we share our lost-country melancholy, In the beautiful season, we enjoy our spirit of reunion. We wish all people, near and far, be happy. We pray for our fatherland be out of miseries. Nhật Quang Phi Hồ
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 148 CHƠI HOA NGÀY XUÂN Xuân về khắp chốn lại chơi hoa, Hoa nở xuân tươi thắm mọi nhà, Chi phí ngàn Đô không ngại tốn. Trong nhà ngoài ngõ đẹp trăm hoa. Hãy nên hào phóng chơi hoa lạ: Dịch vụ gần nhà chuyển cấy hoa. Thương phế khổ đau buồn hiu hắt, Chút quà nhận được, miệng bừng hoa. Kiết keo tích thủ chẳng hoa xa, Giúp nở hoa quê tạo phúc nhà. Ân đức hưởng nhiều, nên lại quả, Chơi riêng tiền lớn rủi ro ra. Binh tàn thương phế khổ quê nhà, Vất vả cơ hàn khổ chẳng qua, Đói lạnh triền miên, xuân lại đến, Nhận quà viễn xứ miệng bừng hoa. Nhật Quang Phi Hồ. (Feb 24)
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 149 Thần Táo Nghẹn Lời Xướng Tháng Chạp hai ba, Táo đáo Trời Tình hình Thế Giới báo nơi nơi. Thương vong động đất nghe kinh hãi Tổn thất giao tranh thấy rụng rời. Pháo dập Ukraine còn tới tấp Bom vùi Hamas vẫn tơi bời. Ngọc Hoàng đoái giúp, can giùm chúng Thần tấu tới đây đã nghẹn lời ! KQ.D.A - Xuân Giáp Thìn
[Date] VBVNHN TAM CÁ NGUYỆT SAN 150 Thần Táo Ngại Lời (Bát vận đồng khuôn) Họa (1) Cá chép giùm đưa đến cổng Trời Sớ trình Ngọc Đế khổ muôn nơi Giàu sang giáp Tết người trông đợi Nghèo khó đầu Xuân kẻ mộng rời Cuộc chiến mơ ngừng sao diệu vợi Giao tranh ước dứt lại bời bời Thiên tai địch họa lui rồi tới Táo chẳng tâu thêm, ngại thốt lời ! ThanhSong ntkp CA.Jan/31/2024 Thần Táo Việt Nam Họa (2) Hăm Ba cưỡi chép Táo lên Trời Khẩn báo Hoàng Thiên việc mọi nơi Lạc Việt sơn hà đang xẻo nát Rồng Tiên biển đảo sắp chia rời Xuân kề đất khách người đau khổ Tết cận quê Cha kẻ rối bời Sớ thỉnh Thiên Lôi dùng sấm sét Diệt sâu mọt nước, tấu ngưng lời. ThanhSong ntkp CA. Jan 31/2024