The words you are searching are inside this book. To get more targeted content, please make full-text search by clicking here.
Discover the best professional documents and content resources in AnyFlip Document Base.
Search
Published by fireant26, 2022-11-05 01:37:29

Thư Tình Viết Muộn Hoàng Chính

Thư Tình Viết Muộn Hoàng Chính

Sinh ngày 14 tháng 5, năm 1954 tại Hải Phòng. Tốt nghiệp y khoa Sài
Gòn năm 1979. Định cư tại Canada từ năm 1983. Đã cộng tác với
nhiều tạp chí văn học trước cũng như sau 1975. Hiện là thông dịch
viên tòa án liên bang

Thư Tình Viết Muộn
truyện dài

Hoàng Chính

Copyright by Hoàng Chính
Kệ Sách Xuất Bản
Smashwords Edition

Mọi người đứng dậy. Người thư ký vừa nói vừa
nghiêng người đưa tay dẫn lối cho quan tòa đi lên chỗ ngồi
cao nhất trong phòng xử. Ông quan tòa lắc khẽ cái đầu làm
rung mái tóc bạc như cước trước khi thong thả ngồi xuống.
Nữ Hoàng vạn tuế. Người thông dịch vểnh cổ thì thào lập
lại câu nói của cô thư ký tòa. Anh ngồi xuống được rồi.
Người thông dịch lại thì thầm vào tai can phạm. Người đàn
ông ngước nhìn tấm hình Nữ Hoàng treo trên tường phía
sau lưng quan tòa, loay hoay ngồi xuống. Nữ Hoàng vạn
tuế. Anh chàng này dịch cũng hay. Người đàn ông thầm
nghĩ.

Ông nhìn quanh. Vệt hoen trên khung kính vướng tầm
mắt. Mọi người ngồi thoải mái trên những băng ghế dài, chỉ
mình ông thu mình trong cái lồng hẹp có khung kính và có
cánh cửa khép lại phía ngoài. Ông luật sư nghiêng đầu nói gì
đó với người thông dịch. Người cảnh sát đứng dậy mở cánh
cửa khung kính. Người thông dịch luồn vào ngồi cạnh người
đàn ông. Vậy là tôi không còn lẻ loi. Người đàn ông nói nhỏ
với người thông dịch, nụ cười như đóa hoa héo rạn vỡ trên
môi.

Người thông dịch vừa ngồi xuống đã lại loay hoay đứng
dậy. Tôi phải lên tuyên thệ. Người thông dịch nói nhỏ với
can phạm. Tôi có phải lên không. Không. Anh ngồi yên đó
đi.

Họ Vương. Người thông dịch có cái tên giống Tầu quá.
Hèn gì hai đuôi mắt anh ta xếch ngược lên như dấu huyền,
dấu sắc nguyệch ngoạc trong trang giấy viết tay của đứa
học trò. Anh ta xưng tên, họ. Đánh vần cái tên vỏn vẹn hai
chữ. Có bà con gì với Vương Thuý Kiều không đây. Giờ
này có bà hàng xóm, thế nào bà ấy cũng phang cho một câu
trích trong chuyện Kiều.

Anh nói tiếng Anh hay thật. Người đàn ông nghiêng
đầu nói nhỏ cho anh thông dịch nghe nhưng anh ta nghiêm
trang làm công việc. Ngôn ngữ rào rào chảy ra từ cái miệng
lưa thưa những sợi râu cằm. Một ông áo đen đang thao thao
bài diễn văn. Can phạm không hiểu ông ta nói gì nhưng chữ
nghĩa gẫy gọn, âm thanh lên xuống bổng trầm làm ông ngẩn
người ra lắng nghe. Nếu không có người thông dịch, hẳn
ông tưởng mình đi lạc vào xứ sở ảo tưởng nào đó của đám
thầy pháp đầy quyền năng, nặng phép phù.

Xin đừng tìm cách thuyết phục chúng tôi rằng đây chỉ
là một vụ ăn cắp vặt. Những món đồ mà bị can bị bắt quả
tang lấy trong tiệm ra không phải chỉ là một cục kẹo cao su
làm thơm hơi thở, cũng không phải một bóng hai vôn rưỡi
thay vào chỗ bóng đèn bị đứt trên cây Giáng Sinh; cũng
không phải một cái bút chì giúp ghi những nốt lặt vặt trong
cuốn sổ tay. Những món đồ mà bị can bị bắt gặp lấy trộm từ
gian hàng quần áo phụ nữ có một ý nghĩa hoàn toàn khác.
Những món đồ mớ hé cho chúng ta thấy phía sau những

toan tính, phía sau những sắp xếp, những liều lĩnh... là cả
một cõi bí mật, đen tối của tâm lý lệch lạc. Thứ tâm lý của
những kẻ sẵn sàng nhúng tay vào những hành vi tội lỗi mà
xã hội con người - trong cách suy nghĩ đơn giản của nó -
khó có thể hình dung ra được.

Người đàn ông khoác chiếc áo đen, trông như vị giáo sĩ
đạo Thiên Chúa. Hai con mắt sâu ẩn sau cặp mắt kính. Lời
nói như những miếng mảnh sành sắc cạnh.

Nếu những điều tôi trình bày chưa đủ tính thuyết phục,
thì tôi xin phép được trưng ra những tang chứng mà nếu
chúng ta nhìn xuyên qua được những tang chứng ấy, để
xoáy vào cõi u ám của đầu óc con người, chúng ta sẽ thấy ý
nghĩa cũng như mức nguy hại của những kẻ có hành vi nằm
trong bảng phân loại những hành vi lệch lạc có tính cách
phạm pháp hiển nhiên ấy.

Người đàn ông ngưng nói, cúi xuống, mở ra một cái
bao thư lớn mầu vàng.

Mọi người chăm chú nhìn những ngón tay xương, dài
như chiếc đũa từ tốn moi từ trong bao thư ra vật gì đó mầu
hồng lợt.

Trong một động tác quyết liệt, ông ta rút cái vật mầu
hồng ra khỏi bao thư.

Tiếng xầm xì dấy lên. Những con mắt dán vào chiếc áo
ngực phụ nữ đong đưa đầu hai ngón tay người đàn ông.

Thưa quý tòa, như chúng tôi đã trình bày; đây không
phải chỉ là một vụ ăn cắp vặt. Phụ nữ trong lúc thiếu suy xét
có thể lấy mảnh trang phục này để diện với bạn bè. Điều đó
hiểu được. Nhưng người đàn ông này. Ngón tay trỏ bàn tay
còn lại của ông ta chỉ vào can phạm ngồi trong khung kính,
bên cạnh người thông dịch, giữa hai người cảnh sát. Cử
động của ông ta làm chiếc su-chiêng đong đưa như cánh
bướm chờn vờn sắp đậu xuống một cành hoa. Người đàn
ông thong thả đặt tang vật thứ nhất xuống mặt bàn.

Không phải chỉ có thế. Những ngón tay lại chuồi vào
bao thư. Một vật mầu đen lấp ló bên khung giấy. Người đàn
ông này thì không phải vậy. Thưa quý tòa, một hành vi có
toan tính, những tang vật đầy ý nghĩa trong bối cảnh này
khiến chúng ta không thể nào quyết đoán rằng bị can chỉ lấy
vì thích lấy, như đứa trẻ lấy cục kẹo cao su, hay chiếc bóng
đèn hai vôn rưỡi cho thỏa cái tinh nghịch trẻ con.

Những ngón tay kéo ra chiếc áo ngực bằng ren đen.
Miệng người đàn ông không ngừng nói trong khi những
ngón tay vung vẩy chiếc áo ngực ren đen khiến mảnh y
trang đong đưa như con chim mắc lưới, cố vùng vẫy tìm
đường thoát thân.
Những tiếng xầm xì lại dấy lên. Ai đó ho khúc khắc ở
cuối phòng. Không khí phòng xử lắng xuống, đặc keo.
Tưởng vậy đã là xong, nhưng không, thưa quý tòa. Bị
can còn xé bọc lấy thêm hai thứ nữa. Người đàn ông đặt nhẹ

chiếc áo nâng ngực ren đen xuống bàn, thong thả chuồi
những ngón tay vào lòng bao thư. Chỉ có những đầu óc lệch
lạc mới xé bọc đồ lót phụ nữ, thứ trang phục mà các tiệm
không cho người mua thử trước khi mua, và không cho đổi
nếu không vừa ý lúc mua về - rồi lấy món đồ ra, nhét vào
túi áo ngực của mình, rồi ra về như không có chuyện gì xảy
ra.

Những ngón tay moi ra hai chiếc quần lót ren mầu đen.
Những mảnh quần mỏng tanh, nhắm chừng có trải rộng ra
cũng không lớn hơn lòng bàn tay đứa trẻ. Những chiếc quần
lót vung vẩy trong cái không gian trầm mặc của phiên tòa.

Thưa quý tòa. Khi cảnh sát xét trong người bị can, họ
đã tìm được những mảnh báo cắt đầy hình quần áo lót phụ
nữ. Những chiếc quần lót lại đong đưa theo nhịp câu nói.

Không muốn làm mất thì giờ của quý tòa, chúng tôi chỉ
muốn nhấn mạnh mức nguy hại của hành vi phạm pháp này,
bởi đây không đơn giản là chuyện ăn cắp vặt. Chúng ta ai đã
quên được em bé Cecilia mất tích ở Toronto suốt năm tháng
trời. Người ta tìm được xác em bé hai ngày trước sinh nhật
thứ mười. Người đàn ông ngưng nói, như để hình ảnh em bé
gái người Hoa bị bắt cóc và giết chết thấm vào đầu những
người có mặt trong phòng xử, rồi tiếp tục với những lời lẽ
rành mạch mà người thông dịch lập lại quýnh quáng như kẻ
chạy đua. Nếu chỉ ăn cắp vặt thì tại sao trước khi lấy những
chiếc áo ngực này, bị can lại tỉ mỉ tháo hộp đồ lót ra. Tay

mân mê từ cái chóp áo ngực đến đường viền. Rồi úp lòng
bàn tay lên chóp áo ngực. Hẳn nhiên bị can mê man đo đạc
hình bóng nào đó trong trí. Hình bóng của một nạn nhân
tương lai nào đó.

Thưa quý tòa, để vắn tắt chúng tôi xin trình bày đề nghị
của mình rằng đây không phải một vụ ăn cắp vặt và bị can
chỉ có thể được tự do tạm khi nào chúng tôi tin chắc rằng
việc lấy những đồ lót phụ nữ này đơn thuần là một vụ ăn
cắp vặt mà không có bất kỳ ý nghĩa nào khác. Chúng ta có
trách nhiệm với sự an ninh của xã hội. Chúng ta không có
quyền lầm lẫn làm tổn thương đến những công dân tôn
trọng luật pháp trong xã hội.

Khi ông áo đen kia ngồi xuống, ông luật sư (chắc chắn
đấy là ông luật sư) thong thả đứng dậy. Những ngón tay học
trò đưa lên sửa vạt áo choàng. Chiếc nhẫn vàng ở ngón tay
thứ tư ánh lên dưới ánh đèn. Thưa quý tòa. Mỗi sự kiện có ý
nghĩa riêng của nó. Sự kiện chúng ta hôm nay bàn tới là việc
thân chủ tôi vào tiệm, chọn một món đồ, lơ đãng trong việc
trả tiền. Sự kiện đơn giản là thế này: lúc đi qua quầy tính
tiền, ông ta - có thể vì sơ suất - mà quên trả tiền món đồ.
Chỉ có vậy thôi. Để công bằng, chúng ta không thể dán
thêm nhãn hiệu lên những sự kiện đơn giản. Tại sao lại phải
căng trí tưởng tượng của chúng ta ra mà vẽ ra những
chuyện không có thật. Giả dụ - cũng những món đồ ấy -
thân chủ tôi không quên trả tiền lúc ra khỏi tiệm, có ai gán

cho ông ta nhãn hiệu tư tưởng lệch lạc hay tâm lý bất an
không. Nếu quy chụp như vậy thì bẩy mươi lăm phần trăm
đàn ông là lệch lạc tâm lý hết. Và để cho an toàn, đàn ông
không bao giờ nên mua đồ lót cho bạn gái hay cho vợ. Tóm
lại, hành vi của thân chủ tôi đơn giản và có thể lý giải bằng
một nhãn hiệu nếu cần: đó là ăn trộm món đồ dưới năm
ngàn đồng. Chỉ vậy thôi. Và tội ấy không khiến thân chủ tôi
trở thành mối đe dọa cho xã hội. Ông ta cần được trả tự do,
chờ ngày ra tòa chính thức. Chỉ có vậy thôi, thưa quý tòa.

Can phạm gật gù. Ông luật sư nói nghe được quá.
Chuyện nhỏ, có gì đâu mà bàn cãi mất thì giờ. Có bé xé ra
to. Ai hay nói câu ấy nhỉ.

Chờ luật sư ngồi xuống xong, quan tòa ngẫm nghĩ rồi
ung dung phán quyết. Can phạm hồi hộp nghiêng đầu qua
phía người thông dịch đợi câu trả lời. Quan tòa sẽ có quyết
định sau khi nghỉ hai mươi phút giải lao. Người thông dịch
nói nhỏ. Anh dứng dậy đi.

Bóng quan tòa vừa mất hút sau khung cửa, ông luật sư
ghé tai ông thì thào. Người thông dịch cũng chụm đầu vào
lắng nghe để dịch qua tiếng Việt. Nguy hiểm lắm đây. Tội
này có thể phiền phức lắm. Luật sư bảo vậy. Liên hệ đến
tình dục và có thể liên hệ đến trẻ con. Trầm trọng lắm.

Sao lại liên hệ đến trẻ con. Ông hỏi mà lòng bấn lên vì
sợ.

Ông luật sư bảo vì mấy cái áo ngực mấy cái quần lót ấy
vừa cỡ trẻ con.

Rõ là lẩn thẩn. Ông nghĩ. Ai rỗi hơi đi ăn trộm mấy thứ
quần áo lót trẻ con làm gì.

Thêm cái chi tiết đo đạc mân mê mấy thứ ấy trong tiệm
làm cho sự việc thêm trầm trọng. Người thông dịch nói. Tội
lệch lạc tình dục. Trầm trọng lắm.

Tôi run bắn lên. Tôi sợ mình sắp ngã lăn ra trước mặt
mọi người mà nẩy lên bần bật những cơ bắp bệnh hoạn.
Sáng nay tôi đã uống thuốc rồi. Chắc không đến nỗi nào.
Một ý nghĩ luồn lách trong đầu. Thân hình người ấy bé tí,
mặc cỡ nhỏ mới vừa. Nhưng chắc tôi sẽ không nói cho ai
biết điều ấy đâu. Không biết có phải tôi “lệch lạc” như cái
ông mắt kính nói không nhưng lúc ông ta vung vẩy cái su-
chiêng ren đen, tôi cứ nghĩ tới hai vun ngực tròn của một
người con gái.

Ban nãy tôi thấy anh hay gật đầu lúc nghe tôi trình bày,
như vậy là anh hiểu rõ những gì anh thông dịch nói lại phải
không. Tôi gật đầu. Ở nước ông có nhiều thổ ngữ không.
Tôi chưa kịp trả lời, ông luật sư đã hỏi tiếp. Ông có hiểu
điều ông làm là phạm pháp không. Ăn trộm thì hẳn nhiên là
phạm pháp rồi nhưng ăn trộm cũng có năm bẩy đường ăn
trộm. Tôi nghĩ ngợi vẩn vơ. Người thông dịch lại nhắc lại
câu hỏi của luật sư. Tôi nhìn quanh phòng xử. Mọi thứ đều
lạ lẫm. Tôi không thuộc về chốn này.

“Anh trả lời đi chứ.”
Tôi cười. Ông luật sư lắc đầu. Không hiểu sao lúc này
mà tôi còn cười được. Ông luật sư trở về chỗ ngồi. Tôi nhìn
những ly nước bằng nhựa của luật sư và cái ông áo đen đeo
kính. Người nhân viên cũng khoác áo đen đem bình nước đổ
vào chiếc ly thủy tinh của quan tòa.
Tôi chỉ cái ông đeo kính nói nhiều, hỏi người thông
dịch, “Cái ông đó là ai vậy?”
“Công tố viện.”
“Ông buộc tội phải không?”
“Đúng.”
“Ông ấy nói nhiều quá!”
Người thông dịch lặng thinh.
Tôi lại nhìn quanh. Giờ này có thể tự do ngoái cổ lại
đằng sau.
Bỗng dưng người tôi bật lên như bị điện giật. Ai thế
kia. Ngẩng đầu lên giùm tôi coi. Tôi nghểnh cổ ngó lại phía
sau vì trong đám người ngồi dưới kia có một người đàn bà.
Cái dáng người ấy đang cúi đầu loay hoay vật gì đó trước
mặt. Như thể đang gài cái khóa của chiếc túi đeo vai.
Cái đầu ngước lên. À. Không phải người quen. Người
đàn bà này dáng cũng nhỏ, nhưng không mảnh mai bằng
người quen của tôi. Nhưng người ta có biết tôi bị giam cầm
thế này đâu mà lại.

Tôi quay lại với anh chàng thông dịch, “Mấy người
giam chung với tôi hay nói bêu-ao là cái gì vậy?”

Người thông dịch nghiêng đầu, nhăn mặt, khổ sở đoán
xem tôi nói chữ gì. Sau cùng anh ta à lên khoan khoái. “Biết
rồi bail out. Tiếng Anh đó. Nghĩa là lãnh ra, là tại ngoại hầu
tra.”

Ông luật sư rời bàn, bước về phía khung kính. Người
thông dịch lại chăm chỉ công việc.

“Lúc nãy cứ thấy anh ngoái cổ lại phía sau nhiều lần,
luật sư hỏi anh tìm ai vậy.”

Tôi cúi đầu ngập ngừng. “Có tìm ai đâu.” Rồi tôi ngẩng
đầu lên, văn vẻ, “Có ai đâu mà tìm!”

Đúng vậy. Tôi chả có ai để nhớ hết. Tôi chả có ai để
nghĩ tới hết.

À, cũng có một người chứ.
“Ông hãy suy nghĩ kỹ mà nói cho đúng sự thật.” Ông
luật sư nhắc nhở. “Ông không nói thật làm sao tôi biết
đường mà bênh vực.”
Tôi suy nghĩ. Có điều những điều tôi cứ nghĩ quẩn nghĩ
quanh. Không đâu vào đâu hết. Trí nhớ mòn. Như con
đường sần sượng dẫn vào trại tỵ nạn. Chung quanh tua tủa
những cỏ gai.
Mọi người đứng dậy. Giọng người thư ký tòa sang
sảng. Tất cả lục tục đứng dậy.

Quan tòa sẽ quyết định tạm tha hay không. Anh thông
dịch nói nhỏ vào tai tôi. Anh ta gọi là tại ngoại hầu tra. Anh
ta còn phiên âm bốn chữ ấy sang tiếng Tầu nghe cũng hay;
giống như phim bộ Hồng Kông. Tha tạm hay tha thật tôi
cũng không để ý nữa. Nhưng tôi sẽ không kể ra đâu. Tòa
muốn phạt sao thì phạt. Chuyện ấy phải giữ kín. Thiên hạ
lắm điều nhiều chuyện. Chúng nó mà biết chúng nó cười
cho thối đầu, chúng nó chửi cho mục mả ông bà ông vải.

Luật sư tôi đang khiếu nại gì đó. Anh thông dịch vẫn
thao thao đổ câu đổ chữ vào tai tôi nhưng tôi không để ý
nghe nữa. Tòa án luộm thuộm những thủ tục. Cãi qua cãi
lại. Bao nhiêu thứ nhiêu khê. Rõ chán. Vô phúc đáo tụng
đình. Ừ cái bà Nhiêu mà biết chuyện, thế nào cũng chép cái
miệng, gật gù cái đầu rồi phát ngôn như thế.

Một buổi chiều tháng năm. Màu xanh biếc của mùa
xuân phết lên đám lá phong vừa trổ ra trên những cành
khẳng khiu dài suốt một mùa đông. Con đường nhỏ vạch ra
những cụm rác đắp vội hai bên lề và bị tuyết phủ kín từ đầu
mùa đông năm trước.

Người đàn ông bước ra khỏi xe. Một tay ôm cái túi
đựng đồ ăn, một tay đóng cửa xe cái rầm. Hắn quay lưng,
vội vã bước đi. Được vài bước, anh ta đứng sựng lại, lẩm
bẩm chửi thề. Quay mặt lại mở cửa xe, khom người gài
chốt khóa cửa rồi xô cánh cửa cho đóng lại. Anh ta đi vòng
qua phía trước dãy nhà. Vừa đi vừa giậm chân trên mặt

đường như cố giũ cho sạch những bụi đất bám gót giầy.
Đến trước một căn nhà chung cư vuông vắn, hắn đứng lại
bấm chuông cửa. Chờ vài phút, hắn nghiêng đầu nhìn qua
khoảng hở miếng màn che khung cửa. Bộ bàn ghế lờ mờ sau
lớp vải thưa. Căn phòng khách vắng tanh. Người đàn ông
vừa chửi thề vừa xoay mạnh cái nắm cửa. Hắn gõ rầm rầm
vào khung cửa kính. Những tiếng động dội ngược vào tai
hắn. Bên trong, vẫn không một bóng dáng nào chuyển động
trong tầm nhìn của hắn. Người đàn ông hậm hực luồn tay
vào túi quần lấy chùm chìa khóa. Hắn đẩy mạnh cái chìa vào
lỗ khóa. Cánh cửa bật mở. Căn nhà vắng tanh.

“Đi đâu nữa rồi! Mẹ kiếp!” Hắn lẩm bẩm. Rồi hắn lớn
tiếng gọi, “Em ơi. Where are you?”

Căn nhà lạnh lẽo. Không có cả tiếng vang của chính
giọng nói hắn vọng lại. Cái im lặng quen thuộc ngày xưa
bỗng dưng trở về, như hồn ma, làm hắn thấy lạnh ở sống
lưng.

“Lại đi đâu nữa rồi!” Hắn quăng chùm chìa khóa xuống
mặt bàn. Tiếng chìa khóa chạm nhau leng keng, rồi khối im
lặng lại buông xuống, như tấm màn dày.

Hắn bước qua phía gian bếp, mở cửa tủ lạnh. Những
lon bia mầu xanh dựa lưng nhau một hàng. Hắn quơ tay vớt
lấy một lon, nhanh như con chim sớt mồi. Hắn rảo dọc hành
lang ra phía sau. Cửa phòng ngủ mở toang. Không một
bóng người. Căn nhà lạnh tanh.

Hắn lầm lũi bước ra phòng khách, ngồi phịch xuống
chiếc ghế dài. Hắn mở cái khóa lon bia. Tiếng xì của hơi ép
trong lon bia lạnh nghe vui tai và thân thuộc như một lời
thăm hỏi. Hắn đưa lon bia lên miệng, hớp một ngụm.

Rồi hắn cúi xuống tháo dây giầy. Hắn tuột chân ra khỏi
đôi giầy. Dùng chân đá hai chiếc giầy qua một bên. Hắn
ngồi xuống, ngả người ra lưng ghế, gác cả hai chân lên mặt
bàn.

“Mẹ kiếp!” Hắn lẩm bẩm, bàn tay vồ lấy cái đồ bấm ti-
vi, hai mắt dán vào khung chữ nhật cái máy truyền hình.
Hắn bấm cho âm thanh tắt hẳn, chỉ còn lại mớ hình ảnh lao
xao trước mắt. Hắn thường coi truyền hình như thế. Coi
hình cũng đủ. Nghe tiếng cũng chả hiểu gì mấy, lại ồn ào
khó chịu. Hắn bóp cái đồ bấm, đổi đài khác, hung hăng như
bóp cơn giận đuối người. Hắn ngước nhìn chiếc đồng hồ
vuông treo trên tường bên cạnh bàn thờ Phật, nơi có những
cây nhang điện thắp đỏ một đầu.

Gần bốn giờ chiều. Giờ này thì trường nào cũng sắp
đóng cửa cả rồi.

Hắn vừa uống bia vừa lẩm bẩm chửi thề.
Lúc cánh cửa lạch cạch tiếng chìa khóa, hắn ngước nhìn
cái đồng hồ. Bốn giờ ba mươi sáu phút, cô ấy về tới.
“Đi đâu về vậy?” Hắn sừng sộ.
“Đi mướn phim dzìa coi đỡ buồn.”

Người đàn bà trẻ con tươi rói trong mắt nhìn của hắn.
Cái tươi mát của cô đổ thêm dầu vào cơn giận đang sôi
trong lòng hắn. Trời ơi, đàn bà con gái không lo bếp núc ở
đó mà buồn rồi đi kiếm phim về coi. Thế này thì không
xong rồi.

“Bộ hết chuyện làm rồi hả?”
Hắn nhìn hai tay vợ. Một tay cầm cái bóp cũ, tay kia
trống trơn. Có thấy cuốn phim nào đâu. Hôm nay lại sanh
tật nói dóc nữa. Con nhỏ này sanh tật nói dóc chồng từ hồi
nào vậy nhỉ. Hắn nghe lòng mình kêu rêu.
Người đàn bà không đọc được những ý nghĩ cay cú
trong đầu chồng nên vẫn nhởn nhơ, cúi xuống tháo đôi giầy,
đặt vào một bên cửa.
Chiếc áo sơ mi hình như mở hờ cúc áo trên cùng. Vậy
lại càng không được rồi. Lúc cô ấy cúi xuống xếp đôi giầy
vào bên khung cửa, mép áo khoe với hắn một mảnh da
trắng nõn. Lòng hắn chợt nhói lên cái cảm giác không thể
đặt tên, như có ai xoi hai lỗ thủng trong trái tim rồi luồn qua
đó một sợi dây mà kéo qua, kéo lại. Cảm giác khó chịu ấy
xoáy sâu trong lồng ngực hắn như những con vắt luồn lách
trong từng thớ thịt của kẻ lặn lội trong rừng nhiệt đới.
“Ăn mặc gì mà hở hang vậy bà nội!”
Nét trẻ thơ nứt ra trên mặt người đàn bà. Chút ngơ
ngác vướng trong mắt nhìn.
“Hở hang hồi nào đâu?”

Người đàn ông dằn lon bia xuống mặt bàn, đứng bật
dậy, bước nhanh về phía vợ. Bàn tay hắn đưa lên, túm lấy
một bên cổ áo cô ấy, giật mạnh.

“Bộ tính đưa vú cho cả nước coi sao đây!”
Đầu cô ấy lắc lư theo sức kéo của cánh tay người đàn
ông. Hai mắt cô mở lớn, như sắp rụng ra khỏi khuôn mặt.
Mái tóc xõa xuống, đong đưa trước mắt.
“Ngựa quá đi bà nội ơi!”
Nét sững sờ thắp lên trong mắt cô. Tia nhìn sớn sác
như cánh chim gặp cơn gió giật.
“Làm chi kỳ cục dzậy?” Giọng cô thảng thốt. Mười
ngón tay bấu lấy cổ tay chồng.
“Đi đâu về vậy?” Người chồng hằn học. Hai con mắt
bừng tia lửa giận. Cô ấy cố gỡ tay chồng nhưng bàn tay
cứng như sắt của người đàn ông đã gắn chặt vào cổ áo cô.
Một nút áo đứt bật ra, rụng xuống, lăn lóc trên nền nhà.
“Ăn mặc gì mà hở hang thế này!”
Người đàn ông nghiến răng, nhai từng chữ, rồi nhả ra
trước mặt vợ.
Cô ấy bấu mạnh những móng tay vào lưng bàn tay
chồng. Những móng tay chuốt đều ghim sâu vào da thịt
người đàn ông. Hắn nhăn mặt, cố chịu đau vài giây rồi mới
buông cổ áo cô ra.
Cô ấy bật người ra phía sau, lảo đảo muốn ngã.

Người đàn ông hậm hực soi mói nhìn cái mặt tái xanh
của vợ, “Đi đâu về vậy?”

Cô ấy vừa run run đắp hai bên cổ áo lên nhau để che
cái ức trắng nõn, vừa hổn hển, hụt hơi, “Đi... mướn phim
dzìa coi!”

“Nói dóc!” Người đàn ông gằn giọng.
Cô ấy hít thở, lấy lại mảnh hồn phách vừa xiêu lạc.
“Mắc mớ chi phải nói dóc.”
“Đàn bà mà đi lượn ngoài đường như ngựa.”
Khóe môi cô giật giật. Rồi đôi môi mỏng ấy mím lại.
Rồi đôi môi ấy mấp máy. Nhưng không một âm thanh nào
thoát ra. Mắt cô ấy chớp nhanh. Hai giọt thủy tinh lăn dài
hai bên má.
Mặc cho nước mắt rơi, cô ấy lủi thủi bước ra sau bếp.
Người đàn ông trơ lại đó, nhìn theo, ngẫm nghĩ gì đó, rồi lủi
trở về chỗ ngồi ban nãy, hai chân gác lên mặt bàn, ly bia đổ
mồ hôi lạnh trong lòng bàn tay.
Cô ấy nhìn quanh chỗ bàn ăn. Đồ ăn dọn sẵn trên bàn.
Những cái đĩa úp trên mặt tô, mặt chén cho khỏi bụi.
“Ngày nào cũng làm đồ ăn sẵn hết rồi chớ bộ!” Cô lầu
bầu bằng giọng oan ức.
“Nguội tanh nguội ngắt thì ăn uống cái gì!” Tiếng
người đàn ông từ phòng khách vọng lại.
“Thì hâm lại, có sao đâu.”
“Làm đồ ăn sẵn để có giờ đi ngựa hả?”

Cặp môi mỏng teo của người đàn bà mở ra rồi đóng
ngay lại. Câu cãi vã dừng lại ở đầu lưỡi. Chẳng cãi qua cãi
lại làm gì. Cứ để cho chồng muốn nói gì thì nói. Nói hoài rồi
cũng chán. Nhưng chồng cô ấy dường như không biết rằng
cô ấy im lặng là vì muốn yên cửa yên nhà. Đàn ông vậy đó.
Mình càng nhường họ càng làm tới. Mình càng – tiếng Anh
bà giáo dạy ở trường sao nhỉ – nice – đúng rồi, mình càng
nice người đàn ông càng – cái chữ gì nữa bà giáo hay nói
nhỉ – bossy – phải bossy không?

Vậy là không đủ yếu tố để được tạm tha. Chán thật.
Chuyện nhỏ ai ngờ lại nghiêm trọng đến như vậy. Xong
phiên tòa. Người ta đưa tôi về phòng tạm giam sau lưng tòa
án trước khi chuyển đi. Luật sư muốn nói chuyện với anh.
Người thông dịch nhắc. Đừng đi đâu. Tôi buồn cười, đưa
hai tay về phía anh ta. Chân xích tay xiềng thế này thì đi
đâu. Anh ta không cười. Luật sư cần phỏng vấn anh để có
thêm yếu tố biện hộ.

Ông luật sư lại nói chuyện với tôi qua cái khung kính
cửa sổ lam nham vết trầy. Công tố viện nghĩ ông bị bệnh
tâm thần. Tôi hỏi anh thông dịch bệnh tâm thần là gì. Anh ta
giải thích bằng mỗi một chữ crazy. Lịch sự đến thế là cùng.

“Ông muốn gọi điện thoại báo tin cho ai không?”
Tôi nghĩ mình cũng chẳng cần phải báo cho ai biết, hơn
nữa cũng chẳng có ai để báo.
Nhưng tôi ngần ngừ.

“Tay ông sao vậy?”

Tay ông bị sao vậy? Luật sư hỏi, ngón tay chỉ vào vết
thẹo trên lưng bàn tay can phạm. À, bị bỏng. Ông ngập
ngừng. Đến hôm nay ông vẫn còn nghe được tiếng lèo xèo
của mỡ sôi; còn ngửi được mùi khét của da bị cháy; còn mờ
mắt vì khói trắng tỏa ra ngập căn bếp. Và tiếng báo động
lửa cháy phát ra từ cái đồng hồ tròn treo trên trần phòng
khách.

Hôm ấy tôi xào đồ ăn hộ cô ấy. Cô ấy ngồi cho con bú.
Mảnh da thịt mầu trắng nhợt trên khuôn ngực. Má đứa bé bị
lác sữa. Cô ấy ngồi xoay về phía cửa sổ chắc vì ngượng.
Nhưng tôi vẫn thấy một mảnh da thịt trắng no căng.

Cô ấy không biết tôi nhìn trộm. Mãi đến khi cô ấy bất
ngờ quay lại. Bắt gặp đôi mắt đen nhánh, tôi hoảng hốt
xoay người, bàn tay quơ trúng cái chảo mỡ đang sủi tăm.

Tôi rú lên, quặn mình đau đớn. Bàn tay lèo xèo quăng
vẩy loạn xạ.

Cô ấy bỏ vội đứa bé xuống giường. Đứa bé bị giật khỏi
vú mẹ, khóc lên ngằn ngặt. Tôi bật cong người lên như bị
kinh phong. Một tay cô ấy nắm lấy cổ tay tôi, tay kia tắt
bếp. Cầm chắc lấy cổ tay tôi, cô ấy kéo tôi vào nhà tắm. Cô
ấy giúi tôi vào bồn tắm. Dải tóc buông lơi xõa ra, quất nhẹ
lên mặt tôi. Mùi tóc dịu dàng trong một giây nhận chìm cái
xốn xang đau rát trên thịt da. Rồi tất tả chạy ra. Cô ấy trở

vào với chai nước mắm có hình con cá mực mầu nâu nhạt.
Cô ấy đổ nước mắm lên tay tôi. Cảm giác rát bỏng xoáy lên
da thịt. Cô ấy nhìn tôi, tóc xổ đầy hai vai.

Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi thấy người đàn bà nào
đẹp như vậy. Hai con mắt long lanh sóng sánh nỗi lo âu và
lấp lánh cơn sợ hãi thất thần. Bỗng dưng cảm giác rát bỏng
trên lưng bàn tay trở nên dịu dàng. Đau dữ hôn. Cô ấy mấp
máy đôi môi hồng. Có sao hôn. Không sao hết. Tôi nén nỗi
lo âu trong lòng. Nén luôn cơn xúc động trái mùa. Rồi cô
ấy mở vòi nước, cả hai vòi nóng lạnh, đưa bàn tay vào dòng
nước thử xem nước có vừa ấm không rồi cầm lấy cổ tay tôi,
đẩy bàn tay nhầu nhò ấy vào dòng nước chảy.

“Ngày xưa má hay làm như vậy đó.” Cô nói.
Rồi cô lấy cây kem đánh răng, nặn đầy lưng bàn tay tôi
chất kem trắng nõn. Cảm giác mát lạnh bò từ lưng bàn tay
lên cánh tay, lên tới cổ, tới mặt. Cảm giác ấy biến thành cơn
gió nhẹ tôi thường bắt gặp bên hiên nhà giữa những trưa hè
oi bức thời thơ ấu. Như trong cơn nóng nứt bong thịt da,
mồ hôi tươm đầm đìa, bỗng có ai thổi cho mình một làn hơi
thoảng nhẹ. Cái mát dịu dàng, săn đón.
Ngón tay thon của cô ấy thoa đều lưng bàn tay tôi.
Lưng bàn tay tôi trắng bệch như bàn tay gã thợ xây nhúng
vào thùng vôi trắng. Cô ấy loay hoay với bàn tay tôi. Đứa
bé vẫn khóc ngằn ngặt bên ngoài phòng khách. Tôi ngoan
ngoãn đứng yên như con bệnh nhẫn nhịn đón nhận sự chăm

sóc ân cần của người y tá. Đầu cô ấy cúi sát mặt tôi. Cái
đầu tròn xinh xắn. Dòng tóc đen nâu. Mùi gây gây của tóc.
Một miếng da cổ trắng ngả qua mầu xanh, thứ mầu xanh
biêng biếc của bầu trời, của nắng mưa, của những trang giấy
vở học trò, của niềm xa vắng, của nỗi mong chờ. Cái mầu
không thể đặt tên.

“Thôi được rồi!” Tôi nói nhỏ. “Không sao đâu!” Rồi
tôi xuống giọng thì thầm, như sợ cô ấy nghe được. “Ra dỗ
con đi kìa.”

Tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt. Tiếng khóc ngắn, gẫy
khúc và xoáy vào không gian như cái đinh vít sờn gẫy người
thợ mộc cố bắt vào bức tường gạch thô.

Mùi nước mắm nồng nặc xộc vào mũi tôi, xoáy lên tận
óc. Cái mùi nồng ấy dìm tôi ngập ngụa xuống vũng cảm
quan dị dạng. Tôi muốn ngất đi. Tôi lại sắp lên cơn động
kinh mất thôi.

Trên đường về trại giam, không còn người thông dịch
bên cạnh, tôi bỗng thấy lẻ loi lạ lùng. Buổi tối, tôi ngồi với
lũ phạm nhân, coi truyền hình. Người ta đánh nhau ở I-rắc.
Thằng bạn tù Việt Nam dịch láo nháo cho tôi cái chuyện
thằng con nít đeo bom tự sát, sợ quá khóc tức tưởi trước khi
bom nổ. Đéo mẹ. Vậy mà cũng đòi đeo bom tự sát. Tôi gật
gưỡng như người say. Giời ạ. Bao giờ mới đến tám giờ ba
mươi tối để được vào phòng mà nằm xuống cho giãn gân
cốt đây.

Tiếng chuông điện thoại reo vang, cắt đứt ý nghĩ của cô
ấy. Từ lúc qua xứ này, cô ấy sợ nhất cái điện thoại. Bởi
không biết phải nói năng thế nào cho cái người ở đầu dây
đằng kia hiểu được. Cô ấy mở nắp vung nồi cơm, lắng nghe
chồng sủa hello vào cái ống nghe điện thoại. Hơi nóng từ
nồi cơm bốc lên, phủ lấy mặt. Cô đóng nắp vung lại, xoay
người nhìn ra phòng khách. Khuôn mặt người đàn ông biến
dạng trong góc nhìn của cô ấy.

“Thằng nào gọi này!” Người chồng đưa ống nghe điện
thoại về phía cô.

Lồng ngực cô thắt lại. Đàn ông nào lại gọi mình ngay
lúc dầu sôi lửa bỏng này chứ. Cô vừa lấm lét nhìn chồng
vừa áp cái ống nghe điện thoại vào tai. Mùi thuốc lá vương
vất ở miệng ống nói. Cái mùi khói thuốc đã cố làm quen
hoài mà không được.

Giọng đàn ông quen thuộc gọi tên cô ấy. Sao lại có kẻ
thân mật đến vô duyên như thế. Cô tự hỏi và lí nhí hỏi lại ai
đó.

“Bạn trai chứ ai nữa mà làm bộ.” Chồng cô cướp lời.
Trong ống nghe điện thoại, tiếng cười rổn rảng xen vào câu
tự giới thiệu. Ôi trời, vậy mà quên mất tiêu. Thằng chồng
chồm tới đứng sát bên cô ấy. Mùi thuốc lá xộc vào không
gian cô.

“Mới chơi xong, đã nhớ rồi!” Câu nói tạt vào mặt cô,
chát chúa như sô nước đá lạnh buốt thịt da.

Cô ấy nhận ra ông chủ tiệm cho mướn phim tập. Hẳn
đã nghe ra mẫu đối thoại bên này đầu dây, hắn ta ngập
ngừng: Có băng rồi đó. Rồi lặng lẽ bye. Cô ấy không kịp
chào người chủ tiệm phim. Bởi cơn xúc động đang siết cứng
lấy cổ họng. Răng hàm trên cắn chặt môi dưới.

“Lại cho nó chơi đi, nó đang nhớ đấy!”
Hắn ghé sát mặt cô ấy để phun lên má cô chất nọc của
loài rắn độc. Thứ nọc có mùi hôi của hơi thở quấn mùi
thuốc lá và chất miệt thị đắng chát tâm hồn. Cô ấy nghiêng
người qua một bên, nín thở. Hắn càng chồm tới. Cô ấy bước
lùi lại. Phải chồng mình đây không. Phải hơi thở này đã đổ
đầy tóc tai, da thịt mình những ngày tháng chết bầm. Chồng
chúa vợ tôi vậy đó. Miệng cô ấy lẩm bẩm những con số.
Ngón tay cô đặt lên những phím vuông có từng con số điện
thoại. Người đàn ông giằng lấy cái điện thoại, tay kia xô
mạnh vai cô. Định gọi cảnh sát đấy à. Đâu có dễ vậy.
Cô ấy nhìn thẳng vào mặt chồng. Lửa cháy trong mắt
hắn. Dao găm gài giữa hai hàm răng nghiến chặt. Cô ấy hốt
hoảng quơ lấy cái túi xách, tuông chạy. Cánh cửa vướng
chiếc dép, kẹt lại. Nhùng nhằng một chút cô ấy cũng mở
tung được cánh cửa và thoát ra ngoài. Gió lùa vào tóc.
Nắng đọng lại bên hiên nhà. Con chim nào đó hót vu vơ
trên ngọn cây. Tiếng người đàn ông chẹt lại sau cánh cửa.
Đi đâu đấy, mày đi đâu đấy.
Cô ấy tất tả bước về phía trạm ngừng xe buýt.

Ở bên này nhưng tôi biết hết mọi chuyện; cho dù chỉ
thấy mập mờ, chỉ nghe loáng thoáng; cho dù cô ấy kể không
rõ đầu đuôi.

Đêm ở trại giam, tôi thích nhìn trăng qua ô vuông trên
tường, chỗ cao hơn đầu người. Sao trăng lại tình cờ lấp ló.
Nhớ trăng trên mái nhà cô ấy, từ phòng tôi ngó qua. Trăng
tròn. Bao nhiêu mùa trăng tròn. Bao nhiêu con trăng ngủ
vùi trên mái nhà xám. Trăng ở đây không tròn bằng trăng
trên mái nhà cô ấy. Nhớ đường dây điện vắt ngang mái nhà
chạy dài con ngõ, tới tận bên kia đường. Trên sợi dây ấy,
thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp hai con sóc tíu tít theo nhau hát
xiệc.

Đã mấy lần tuyết rơi. Đã mấy lần hoa tulip nở thẫm
mấy luống đất hẹp viền quanh khu nhà. Ban đầu những
nhánh hoa mọc tự nhiên, sau đó vì trẻ con nghịch phá,
người ta viền một hàng rào nhỏ. Những cánh uất kim hương
rung rinh sưởi nắng trong vòng vây của hàng giậu thưa.

Hoa gì vậy nhỉ. Tôi hỏi. Tulip. Jackie trả lời. Tiu-líp à.
Vâng tulip, gớm ông anh đọc tiếng Anh nghe đến buồn
cười. Tiếng Việt có tên không. Có chứ, Uất kim hương. Tên
hay nhỉ. Hay gì mà hay, nghe uất ức thấy bà.

Mùa lạnh da khô nứt nẻ, ngứa ngáy.
Móng tay cũng giòn, dễ gẫy vụn.

Buổi sáng hoang vu, nhớ tiếng hai con chim quen ở nhà
thay phiên hót như người ta đối đáp quan họ. Hai con chim
ríu rít chuyện trò. Nghe đôi chim quen tới mức tôi tin rằng
ngay cả khi giận dỗi – loài chim chắc cũng có khi giận dỗi
như con người – loài chim cũng biết chờ nghe xong câu đối
thoại của bạn tình. Loài chim không giành nhau hót như con
người giành nhau để nói.

“Mấy giờ rồi?” Người đàn ông hỏi.
Không có tiếng trả lời. Người đàn ông ngóc đầu dậy,
chống khuỷu tay, ngóng xuống giường dưới. Thằng bạn tù
có hàm râu lưa thưa dưới cằm nằm gối đầu trên hai cánh
tay. Hai con mắt sâu đang xoáy vào vết nứt nào đó trên
trần. Ông ngẩng đầu lên, nhìn theo hướng nhìn của gã.
Những vết lồi lõm trên trần nhà. Ông lại quay xuống, nhìn
vào mắt thằng bạn chung phòng.
“Mày nghĩ mấy giờ rồi?”
“Who cares!”
Người đàn ông xoay người lại. Ánh mắt chạm vào cái
trần nhà vôi vữa lùi xùi. Thằng bạn tù có lúc cả ngày không
mở miệng. Nhưng dù gì thì cũng đỡ hơn phải giam chung
phòng với đám tây đứa nào đứa ấy kềnh càng như những
con đười ươi. Những cái miệng hôi mùi cóc chết, những
chiếc răng lởm chởm cái ra cái vào như hàng giậu cũ.
Nó nhìn gì trên ấy nhỉ. Ông băn khoăn tự hỏi. Cái ý
nghĩ tò mò ấy cứ loay hoay trong đầu ông. Thằng bạn tù

khó tính. Chả chọc ghẹo nó làm gì. Để mặc xác nó là hay
hơn cả. Nhưng đám ý nghĩ tò mò ấy nhẩy chồm ra ngoài cái
miệng có những chiếc răng thưa, “Mày nhìn cái gì trên ấy
vậy?”

Thằng đàn ông lặng thinh. Hai con mắt sâu hoắm một
tia nhìn. Tia mắt gã như cái dùi đang xoáy vào trần nhà.
Thằng này chắc đang âm mưu chuyện vượt ngục. Người đàn
ông tò mò nhìn những vết lồi lõm trên trần nhà. Ông cố săm
soi tìm một vết nứt khả nghi, nhưng trần nhà chỉ lồi lõm như
thể lúc xây trại giam, bọn nhà thầu xây cất đã mướn bọn thợ
không chuyên môn, chứ không có vết nứt hay lỗ hở nào.

“Âm mưu đào tường trốn trại hả?”
“Mẹ ông, trốn thì trốn đi đâu?” Thằng bạn tù gằn
giọng.
Người đàn ông cười khẩy, “Về Việt Nam.”
“Ông còn đang trên bốn-linh-một, chưa tới phi trường
thì cảnh sát nó đã túm rồi, làm mẹ gì thấy được Việt Nam.”
Thằng bạn tù nhắc đến cái xa lộ tốc hành xuyên tỉnh
bang; con đường nối bao nhiêu là thành phố lại với nhau.
Con đường mỗi lần ông phải ra tòa nghe luật sư với công
tố viện cãi cọ lung tung, xe cảnh sát lại chở ông lướt đi trên
ấy. Con đường tốc hành, vận tốc hạn chế là một trăm cây số
một giờ nhưng thằng T. bao giờ cũng làm một trăm tư mà
chưa hề bị cảnh sát biên phạt.
“Đã trốn mà còn để cho nó bắt lại thì trốn làm mẹ gì.”

Ông nói, ngang tàng như một đứa đầu trộm đuôi cướp
đã từng vào tù ra khám.

Thằng tù chung phòng nằm im, hai con mắt sâu vẫn
xoáy vào cái trần nhà lồi lõm. Ông thầm hỏi không biết
thằng này bị bắt vì tội gì.

Chỉ có ba mươi hai đứa mà sao thấy đông như cái chợ.
Cứ hai đứa chung nhau một phòng. Tám giờ ba mươi là cái
giờ người ta quy định. Buổi sáng, mở cửa đuổi ra khỏi
phòng, buổi tối lùa vào phòng, đóng cửa chặt. Ngày nào
cũng thế. Dần đà chẳng còn nhớ thứ bẩy chủ nhật gì nữa
hết. Cuối cùng chỉ còn nhớ giờ mở cửa và giờ đóng cửa,
còn ngày nào mà chẳng giống nhau. Buổi sáng, buổi chiều,
buổi tối của tôi giống nhau. Trí nhớ lan man. Tôi nhớ cả cái
bà sồn sồn cùng xóm. Người đàn bà ngoài bốn mươi vú và
mông mây mẩy ấy có thói quen dạy đời bằng ca dao tục
ngữ. Sân trại trơ trụi dẫn tôi về vùng trí nhớ của những
đường dây điện ngang dọc. Tôi nhớ quá hai con sóc thường
đuổi bắt nhau trên sợi dây giăng ngang đường phía trước
con ngõ vào nhà cô ấy.

Tôi cứ thế. Hay nghĩ ngợi lan man nhưng ý nghĩ cuối
cùng trước khi chìm vào giấc ngủ bao giờ cũng là hình ảnh
con gái tôi.

Lần ấy, tôi cũng ở tù. Con gái tôi đến thăm. Mùa đông
trắng xóa bên ngoài khung cửa. Con gái tôi dẫn theo một
đứa con trai da trắng.

Tôi co quắp trên nền nhà. Cơn nhức nhối bồng bềnh
như tảng băng trôi nổi trong đầu. T. đứng lừng lững trong
khung cửa. Một người đàn bà đứng sát bên hắn. Ông anh
sao thế này. Giọng nói của T. vẫn hệt như ngày nào. T. ngồi
sụp xuống, lắc lắc vai tôi. Lại lên cơn nữa chắc. Tôi loay
hoay chống tay ngồi dậy. Bây giờ thì tôi nhìn rõ người đàn
bà. Một người đàn bà rất trẻ và rất đẹp. Với tôi, tất cả đàn
bà đều trẻ, đều đẹp (dĩ nhiên là không ai bằng cô ấy).

T. ném cái túi xách lên sa lông, tuột đôi giầy ra, dùng
chân đá vào bên cạnh khung cửa.

Tôi đưa tay rờ rẫm mặt mình. Tôi vẫn còn nguyên vẹn.
Tôi nhìn T. Mới về đấy à. Rồi tôi nhìn người đàn bà. Người
đàn bà có cái miệng rộng. Nụ cười xinh xắn. Nụ cười ấy
tươi rói đôi môi có đường viền đỏ thẫm. Mầu hồng của son
môi làm tươi thắm nụ cười hay nụ cười đẹp làm tươi thắm
đôi môi tôi cũng không biết nữa. Người đàn bà chớp mắt
hơi nhiều. Mí mắt xâm đặm đường viền đen. Con mắt lóng
lánh tia nhìn gói ghém muôn vạn điều khó nói.

Lại quên uống thuốc nữa phải không ông anh. T. hỏi.
Tôi gật đầu cho qua chuyện. Ừ, bận quá. Bây giờ thì tôi
nhớ. Tôi nhớ những vòng hào quang tỏa sáng căn phòng,
tôi nhớ những đốm sáng bắn đầy không gian của những đêm
pháo bông mừng ngày Quốc Khánh. Tôi nhớ cái điện thoại
ở rất gần nhưng cũng rất xa tầm tay.

Sự trở về bất ngờ của T. làm tôi sững sờ. Hắn vẫn vậy.
Bặt tông tích ít lâu. Nhiều khi tôi nghĩ hắn chết khô ở xó
xỉnh nào đó hay đang ngồi đếm thời gian trôi bên trong
hàng rào kẽm gai một trại giam nào đó của chính phủ Liên
Bang.

Mỗi lần trở về, hắn thường dúi vào tay tôi một ít tiền,
gọi là góp phần trả tiền thuê nhà.

Hắn cứ vậy. Chuyến này chắc đi hơi lâu, lúc biến đi, T.
hay bảo tôi như thế.

Cái mặt sạm đen sừng sững trước mặt tôi. Tôi nhìn hắn
như người ta nhìn một thây ma vừa đội mồ sống dậy.

T. cầm cổ tay tròn trịa của người đàn bà, kéo lại phía
tôi.

“Ông anh kết nghĩa đây!”
Người đàn bà nhoẻn miệng cười, “Hello anh.”
Tôi gật đầu, lòng xớn xác cơn vui lạ mặt. Tôi chống tay
ngồi dậy, nhìn quanh, bối rối. Đồ đạc trong phòng bồng
bềnh trôi. “Chú mày không báo trước để anh dọn dẹp. Cái
nhà như bãi rác.” Thường tôi gọi T. bằng “mày”. Có người
đàn bà bên cạnh, nó được tôi thêm cho chữ “chú”, nghe
trang trọng hẳn lên.
T. phá ra cười. Rồi nó ngậm miệng lại nhưng vẫn tiếp
tục cười. Tiếng cười khùng khục như dòng nước lũ bị tắc
nghẽn, lúc tuôn qua lòng cống hẹp.
Tôi nhìn vào vạch lông mày tỉa kỹ của người đàn bà.

Người đàn bà quét tôi bằng con mắt ướt rồi xoay đầu
nhìn quanh. Những tờ báo quảng cáo của siêu thị quăng bừa
bãi trên sa lông. Đống áo quần mới đi giặt về, chưa kịp xếp,
nằm ụ lên một góc chiếc ghế dài trong phòng khách.

Rồi cái đầu tóc uốn quăn ấy xoay lại, trải tia nhìn lên
tôi. Khi không tôi nghe ấm áp khắp châu thân, như lúc ôm
gọn vào lòng đống áo quần nóng hổi vừa lấy ra từ máy sấy.

“Có gì đâu anh. Đàn ông mà được như vậy là giỏi lắm
rồi.”

Rồi người đàn bà xoay qua T. “Phải không anh?”
Lúc nàng quay vòng, hình ảnh hụt hẫng của một thân
hình đầy đặn, cong uốn, vun đầy, loang loáng những cánh
hoa vàng trên nền áo lụa, bồng bềnh trước mắt tôi như chiếc
phao, như cánh buồm bập bềnh trong lòng cơn bão biển.
“Ông anh giỏi lắm đó em. Đầu bếp số một.” T. vênh
váo.
“Vậy sao?” giọng người đàn bà reo vui. “Vậy là khỏi sợ
đói rồi.”
Tôi vui lây cái vui của T. và người đàn bà của nó.
Đầu óc lâng lâng, ngây ngất trong mùi nước hoa phảng
phất từ mái tóc uốn quăn, từ manh áo lụa tím điểm những
bông hoa vàng, từ phần thân thể trắng ngần kia. Mùa xuân
nơi ấy. Mùa xuân gió lộng, thổi bay những cánh hoa vàng.
Những cánh hoa mọc trên đồi cao. Những cánh hoa mọc
trong lũng vắng. Thiên nhiên mở rộng. Hai ngọn đồi nhấp

nhô. Mùi nước hoa tỏa ra từ trí tưởng, từ nước da trắng
ngần.

“Quên giới thiệu anh. Đây là Jackie, người yêu của
em.”

Tôi nghe cổ họng mình thắt lại. Không biết vì tuổi tác
hay vì nỗi hoang mang. Tôi nhìn T., muốn bảo nó rằng mày
lucky như vẫn thường nói, nhưng sự hiện diện của người đàn
bà làm tôi bối rối.

Chắc T. hiểu ý tôi.
“Chuyến này dừng bước giang hồ.” T. nói cái câu nó
thường hay nói mỗi khi trở về sau một thời gian bặt tông
tích.
Tôi cười với tia nhìn lấp lánh cơn vui của người đàn bà.
T. hiểu. Hắn đứng ép sát người đàn bà, vòng hai tay
ôm quanh hông nàng. Tôi nhìn hai bàn tay củi khô xoắn lấy
nhau trên bụng người đàn bà, lòng nhói lên chút gì đó như
một oan ức không nguôi.
“Thật đó! Chuyến này nhất định dừng bước giang hồ.”
“Đi kiếm gì ăn đi anh.” T. đề nghị.
“Ở đây có tiệm Việt Nam không anh?” Người đàn bà
ngọt ngào câu hỏi.
Tôi kể tên của vài quán ăn quen.
“Mình đi ăn ở tiệm nào đây anh?” Người đàn bà hỏi.
“Tiệm nào cũng ô-kê hết.” T. trả lời.

Thế là ba đứa kéo nhau đi ăn tiệm. Nhưng trước khi
bước ra cửa, tôi không quên chạy lên phòng ngủ, thay vội
bộ quần áo, rồi lướt vào nhà tắm, vớt nước lên mái đầu rậm
rì những tóc. Tôi nhìn mình chăm chú trong tấm gương soi.
Mấy sợi lông mũi chĩa ra như châm chọc. Tôi loay hoay
nhổ, nhưng tiếng T. đã réo vang ở tầng dưới. Hai đứa nó
chắc đói bụng lắm rồi .

T. lái chiếc xe Nhật Bản. Trước khi mở cửa xe cho tôi
chui vào, hắn nháy mắt với tôi, “Đừng hỏi gì nghe ông anh.”

Tôi trả lời ô-kê và lầm lũi chui vào băng sau. Mùi da
bọc nệm ghế xoáy vào lỗ mũi nồng nồng. Jackie ngồi phía
trước, nghiêng đầu dựa vào vai hắn. Những ngón tay người
đàn bà táy máy những nút bấm giàn đèn xanh đỏ trước mặt.

Chuyện mưa nắng thời sự nổ vang trên đường đi. Tụi
Mỹ đánh I-rắc ghê quá anh nhỉ. Thằng T. hăng hái đổi sang
đề tài chiến tranh. Tôi không để ý gì mấy đến chuyện chiến
tranh. Tôi đã hưởng đủ mùi vị chiến tranh ở Việt Nam ngày
trước, dù lúc ấy tôi mới chỉ là thằng bé con chưa ráo máu
đầu. Thành ra tôi cứ ậm ừ với chuyện ôm bom tự sát,
chuyện thánh chiến nọ kia.

Xe ngừng. Tôi bước vội ra ngoài, lừng khừng đứng
chờ.

T. chạy qua mở cửa cho Jackie. Hắn học cái kiểu cọ
văn minh này từ lúc nào thế không biết. Lúc người đàn bà
xoay người, đưa chân ra ngoài, tôi bắt gặp một khoảng thịt

da trắng ngần. Tới bây giờ tôi mới nhận ra chiếc váy ngắn
trên đầu gối mầu da bò Jackie mặc.

Tô phở nguội mau trước mặt tôi. Tôi đã cố lắng nghe
tiếng nhạc vọng ra từ những chiếc loa treo ở một góc trần
nhà. Người ca sĩ đang nỉ non về một tình yêu dang dở.
Nhưng lời ca tình tứ không át được cái giọng ba người đàn
bà ngồi ngay ở chiếc bàn trước mặt tôi.

Con mụ có giọng nói nặng nề (tôi không kể tên vùng
đất ấy ra kẻo người ta lại bảo là tôi kỳ thị) như thể đang vừa
nói vừa trệu trạo nhai miếng cháy cơm nguội. Con mụ kể
chuyện người quen nào đó du lịch Việt Nam, ăn quà vặt,
ngộ độc, ói mật xanh mật vàng.

“Ăn yếu vậy anh!” Jackie nói. Tôi bối rối cười trừ .
Bỏ dở tô phở, tôi gọi một phần bánh hỏi thịt nướng,
đem về nhà. T. gật gù. Phải rồi, để tối khỏi mất công nấu
cơm. Tôi lặng thinh.
Buổi tối, lúc T. lái xe đưa Jackie đi quán cà phê Việt
Nam, hát ka-ra-ô-kê, tôi cầm bọc bánh hỏi thịt nướng, qua
gõ cửa nhà cô ấy.
Cô ấy ngơ ngác nhìn bọc đồ ăn trên tay tôi. Thằng bé
Timmy mắt nhắm mắt mở, dụi mặt vào lưng áo mẹ.
“Ngủ chưa?” Tôi hỏi nhỏ.
“Ngủ chi sớm dzậy!” Cô nói với một nụ cười. Bao giờ
câu nói của cô ấy cũng đi chung với nụ cười.

Cô ấy đỡ bọc đồ ăn trên tay tôi. Những đầu ngón tay
chạm vào da lưng bàn tay tôi, mềm mại. Cái mềm mại dịu
dàng bò lan trên lớp da sần sùi lớp vẩy thời gian. (Ơi thời
gian, gã phù thủy biến tôi thành con khủng long già cỗi!) cái
mềm mại ấy chạy vòng quanh trên da, như con ốc sên bò
quẩn trên phiến đá mỏng hòn non bộ.

“Mua chi hoài dzậy?”
Miệng trách móc nhưng mắt cười biết ơn. Tôi lặng
thinh ngắm bờ vai tròn, hồn bập bềnh theo dòng tóc chảy
xuôi.
Thằng bé đưa tay sờ vào bọc đồ ăn, hai mắt tròn nhìn
tôi, “Mommy, Timmy đói bụng.”
Tiếng vọng cổ vọng ra từ phòng khách. Bài ca quá trời
là quen thuộc. Chiều nay én liệng trời cao, mây đào gieo
khắp nẻo quê hương mù xa diệu viễn, mẹ ơi xuân năm nay
chắc con sẽ không dzìa. Tôi cố nán lại, nghe cho xong câu
vọng cổ.
“Cám ơn nghe.” Cô nói.
Tôi trả lời không có chi rồi quay lưng trở về, lòng hân
hoan một câu hát quen.
“Khoan!” Giọng thảng thốt của cô kéo sựng bước chân
tôi lại.
“Mặt sao bầm vậy?”
Tôi lấp lửng, “Không sao đâu.”
“Té nữa phải hôn?”

“Đâu có...”
“Lại quên uống thuốc nữa phải hôn?” Cô ấy nhìn tôi
bằng ánh mắt trách móc.
“Đưa thuốc đây, mỗi ngày nhắc giùm cho!”

Đó là chút an ủi hiếm hoi mà chứng bệnh tàn khốc ấy
đem lại cho tôi.

T. và Jackie về lúc quá nửa đêm. Hai đứa nó bỏ quên
chìa khóa cửa trong phòng ngủ. Báo hại tôi phải ra mở cửa
cho hai đứa. Jackie nhìn tôi, cái nhìn dài thườn thượt.

Chắc hai đứa nó uống nhiều bia lắm bởi lúc đứng nép
qua một bên cho hai đứa lách vào, tôi đã nghe bao tử mình
quặn lên vì hơi thở nồng nặc của chúng nó. Rồi cả đêm tôi
bị dựng đầu dậy bởi tiếng mở cửa phòng ngủ với tiếng đóng
cửa và giật nước nhà cầu.

Chúng nó làm cái giống gì mà lục đục suốt đêm.
Đêm ấy và những đêm sau nữa, tôi thường giật mình
thức dậy lúc một, hai giờ sáng và trằn trọc mãi tới khi mặt
trời mọc.

Trời mưa suốt quãng đường một trăm cây số từ trại
giam tới tòa án. Mưa nơi này không giống mưa ngày xưa.
Mưa quê nhà, áo tơi lá, áo mưa bằng miếng vải nhựa có cái
lỗ để chui đầu. Mưa dán áo vào da thịt người chị đứa bạn
học chung lớp. Ơi, chị Thu của những ngày mưa thơ ấu.

Nhớ mưa bên này. Tôi đứng chờ xe buýt. Trời mưa. Những
người qua đường vội vã. Bọn trai gái dán sát vào nhau, hôn
nhau sướt mướt. Tôi nghĩ tới cô ấy. Nhớ đôi môi cô ấy
mỏng teo. Hôn vào đôi môi mỏng ấy thì cảm giác nó ra làm
sao nhỉ. Xe cộ. Những chiếc xe chạy qua vùn vụt trong
mưa. Nhiều khi nước đọng vũng trên mặt đường văng ướt
cả tóc tai, mặt mũi. Tôi quăng theo một tiếng chửi thề rồi
vuốt tóc bằng cả năm ngón tay. Năm ngón tay thành chiếc
lược rẻ tiền.

Bão tuyết, Công tố viện không lại được. Người thông
dịch loan bản tin hào hứng. Vậy là hôm nay không được
tung hô Nữ Hoàng vạn tuế. Chán quá. Anh thông dịch than
thở. Tôi cười. Chán gì mà chán, không có tòa anh vẫn được
trả lương như thường mà. Lúc ngồi chờ, ông luật sư lân la
thuyết phục tôi. Cứ khai thật ra, dễ cho tôi làm việc. Anh
hiểu không.

Tôi khai thật làm sao được. Thiên hạ mà biết chúng
cười cho thối đầu.

Buổi sáng ẩm ướt. Nhớ ly cà phê của cơ quan Đa Văn
Hóa tôi vẫn thường lượn qua mỗi sáng. Sữa nước trong cái
hộp giấy vuông. Trước khi cắp cặp ra về, ông luật sư lại
thuyết phục tôi kể thành thật mọi chuyện. Tôi gật đầu. Tôi
nhớ gói đường nhỏ tôi thường xé một góc rồi nghiêng cho
chảy vào lòng ly cà phê. À, bác sĩ bảo tôi phải bớt ăn
đường. Nhớ bà già trong khu Little Sài Gòn (xóm Việt Nam

ở thành phố này có tên Little Sài Gòn. Cái xóm nhiều
chuyện phải biết), đi đâu cũng mang theo bộ kim chích thử
đường và trong cái bóp sần sùi da cá sấu - gã đàn ông nào
đó tặng, bảo là lấy từ cá sấu Nam Mỹ- luôn luôn có một cục
đường thốt nốt mua từ tiệm thực phẩm Á Châu. Bác sĩ dặn
theo dõi mấy triệu chứng ăn nhiều uống nhiều đi đái nhiều.
Tôi đã nhận là tôi có lấy nhưng chỉ nhận mình lấy mà không
kể lý do, không cho biết lấy để làm gì. Luật sư cứ vặn vẹo
tôi hoài cái câu ấy. Lấy cho ai thì cũng là lấy. Rõ thật cái
ông luật sư ấm ớ này!

Nhớ lúc ngồi lắc cái nôi ru con cô ấy ngủ và mê mải
ngắm cô ấy ngồi nhổ lông mày. Lúc ấy ti-vi đang chiếu
phim hoạt họa, con mèo đuổi con chuột.

Một tay cô ấy cầm miếng gương soi nhỏ, một tay dùng
cái nhíp vàng óng, tỉ mỉ nhổ những sợi lông mày không mọc
thẳng hàng với cái đường cung bán nguyệt. Nhớ lúc ấy tôi
đã nói gì với cô ấy nhỉ. À, nhớ rồi. Lúc ấy tôi đã đọc cho cô
ấy nghe “con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi
đâu vắng nhà, chú chuột đi chợ đường xa, mua mắm mua
muối giỗ cha con mèo.”

Cô ấy cười, “Đọc cái gì nghe mắc cười muốn chớt!”
Giọng nói gì mà nghe ngọt lịm cả ruột gan.

Lại một ngày vô công rỗi nghề. Xích xiềng lỉnh kỉnh.
Hai vòng thép của chiếc còng ôm chặt hai cổ tay. Những

chiếc vòng tròng vào cổ tay, những chiếc nhẫn tròng vào
ngón tay. Tất cả là biểu hiện của một cuộc đời không có tự
do. Tôi thèm những ngón tay khóa quanh cổ tay mình.
Những ngón tay mềm mại của một người đàn bà. Chiếc
vòng sắt làm tôi nhớ chiếc vòng cẩm thạch cô thấy thường
trầm trồ mơ ước. Có lần cô ấy bảo tôi vòng cẩm thạch biết
đổi mầu theo tâm tính người đeo nó. Người vui, vòng đổi
mầu xanh biếc, người buồn, vòng sậm mầu như mầu nước
biển trong cơn giông tố.

Tôi nhìn cô bằng hai con mắt ngờ vực.
Cô bặm môi, cố giải thích cho tôi tin, “Thiệt đó!”
“Hổng dám đâu!” Tôi ghẹo cô bằng cái câu cô thường
nói. Cô vươn bàn tay toan cấu lấy cánh tay tôi, nhưng bàn
tay cô dừng lại nửa chừng như bị sợi dây vô hình buộc vào
khuỷu tay kéo lại. Và khi không hai má cô đỏ hồng.

Tòa án. Mọi người đi vào bằng cửa chính. Đám khán
giả nhiễu sự, tò mò. Diễn viên bước ra từ hậu trường. Hai
nhân vật quan trọng. Quan tòa từ cánh cửa bên trái. Tội
nhân từ cánh cửa bên phải. Hai nhân vật quan trọng nhất
của những phiên tòa. Không có mình quan tòa sẽ xử ai đây.
Người đàn ông nghỉ và ưỡn ngực hít một hơi dài, nhùng
nhằng bước qua khung cửa. Tất cả chỉ là những diễn viên
phụ. Ông Công tố viện, ông luật sư. Bọn nhân viên trong
tiệm quần áo phụ nữ. Người cảnh sát làm phận sự bắt kẻ
tình nghi. Tất cả đều đóng vai phụ. Tất cả ăn theo tài diễn

xuất của hai vai chính: quan tòa và tội nhân. Mình đóng vai
chính. Nghĩ cũng hay. Phòng xử lác đác những khán giả chờ
xem vở kịch đầy gay cấn. Vở kịch có đủ yếu tố buồn, vui
của cuộc đời. Lại còn thấp thoáng bóng dáng của dục tình.
Những món đồ lấy trộm; phải chi đó là miếng kẹo cao su
hoặc cái bóng điện để thay vào chỗ bóng bị cháy trên cây
Giáng sinh như ông Công tố viện nói thì đơn giản biết
chừng nào.

Người cảnh sát mở móc cánh cửa chiếc hộp có khung
cửa kính. Người đàn ông lách vào. Cánh cửa cọt kẹt lúc di
động. Những móc xích chạm nhau lạch cạch lúc người đàn
ông bước qua cái ngạch gỗ chắn ngang dưới chân. Người
đàn ông ngồi xuống, dựa vào lưng ghế rồi quay đầu nhìn
xuống đám khán giả. Năm nay thiên hạ hùa nhau mặc vải
xanh lá cây. Phòng xử có lúc trông như vườn cây mùa xuân
rực rỡ lá non.

Lẫn lộn giữa những lọn tóc vàng, có vài mái tóc đen.
Rải rác giữa những sống mũi cao, lác đác vài chiếc mũi tẹt
quen mắt. Nhưng chẳng có ai quen.

“Có người nhà dưới đó không?” Tiếng người thông
dịch làm người đàn ông giật mình. Anh ta ngồi bên ngoài cái
hộp tù nhân lúc nào không hay. Người đàn ông lại nhìn lướt
một vòng rồi lắc đầu.

Quan tòa vẫn chưa ra phòng xử. Người đàn ông ngước
nhìn trần nhà đầy bóng đèn nê-ông. Người đàn ông tỉ mỉ

đếm. Tính từ chỗ ngồi của quan tòa đến cửa ra vào là tám
hàng bóng đèn. Mỗi hàng ba ổ, mỗi ổ lại có bốn bóng đèn.

“Ở đây nhiều bóng đèn quá nhỉ.” Người đàn ông
nghiêng đầu, nói qua khe hở khung kính.

Người thông dịch ngơ ngẩn một lát rồi gật đầu.
“Đố anh biết tổng cộng có bao nhiêu bóng đèn.”
Người thông dịch nhướng mắt nhìn ông tội nhân. Ông
tội nhân hăm hở chờ câu trả lời.
Người thông dịch nhìn quanh một vòng rồi ngước lên
trần nhà.
“Bên mình mà có bằng này bóng đèn thì xài bao giờ
cho hết nhỉ.”
Người thông dịch lặng lẽ gật đầu.

Cứ lúc đêm về trong trại giam là ông lục lọi những
ngăn chật chội của trí nhớ, để tìm lại cuốn phim buổi viếng
thăm ngắn ngủi của con gái ông năm nào. Đó là thuốc an
thần, thứ linh dược đem lại cho ông cảm giác tinh khôi của
người nhấm nháp cái xót xa, tê tái nhưng ngọt ngào của một
chân tình. Ông nhắm mắt hình dung từng cái nheo mắt, từng
cái nhún vai của đứa con gái duy nhất. Tới mức ông luôn
thấy bình yên và chìm dần vào giấc ngủ. Tưởng chừng ngày
nào con gái ông cũng lại thăm bố.

Con gái ông bây giờ lưu lạc phương nào.

Hai đứa nó đi biệt cả ngày. Không có việc gì làm, tôi đi
ngủ từ chập tối. Lúc chúng nó nhùng nhằng kéo nhau về tới,
tôi đã ngủ được một giấc dài. Còn thức không ông anh. T.
gọi . Tôi nín thở nằm yên. Hai đứa nó tắm rửa, dội nước ào
ào. Tôi nằm ngửa trên giường, mắt dán vào mảng trần nhà
xám tối. Lòng bỗng dưng nhớ những con thạch sùng chạy
lăng quăng bắt muỗi bên nhà. Ông anh hôm nay ngủ sớm.
Chắc lại ốm đau gì rồi. Tiếng hai đứa nói chuyện lẫn vào
tiếng loạt soạt của vải vóc. Tiếng kéo màn cửa.

Hai đứa nó hình như đang nói dở dang câu chuyện về
tôi bởi trong cái tĩnh lặng của đêm, tôi nghe loáng thoáng
giọng nói của T. Ông anh nhặt được cái ví ai đánh rơi trên
băng ghế bên lề đường, trước cửa tiệm tạp hóa. Tôi nghiêng
đầu, vểnh tai nghe ngóng. Ông anh đem vào đưa cho thằng
chủ quán, để lỡ người chủ có trở lại tìm thì giả lại hộ người
ta. Đúng rồi. Nó đang kể chuyện tôi. Cả tuần sau ông ấy
mất ăn mất ngủ rồi cứ lảng vảng quanh cái ghế ấy xem có ai
tìm của rơi không.

Tôi bắt đầu nóng mặt. Giời ạ. Thằng T. chỉ nghe tôi kể
lại mà bây giờ nó thêm mắm thêm muối, cứ như thể nó có
mặt tại hiện trường không bằng. Giọng nói nó rải vào không
gian thanh vắng, đều đều như tiếng bà vãi tụng kinh. Kìa, nó
còn dám kể cho Jackie nghe rằng tới bây giờ nó còn nhớ cái
mặt heo nái của thằng chủ quán với hai con mắt hau háu;

với những ngón tay chuối mắn mân mê lớp da bóp mềm
mại. Bàn tay lốm đốm những vết đồi mồi.

Đến khi Jackie cất tiếng, tôi dằn cơn giận, nín thở, cố
lắng nghe từng chữ.

“Sao anh ấy hiền thế nhỉ.”
“Hiền gì mà hiền!” T. hạ thấp giọng. “Ngu thấy mẹ thì
có!”
“Nói bé nào. Coi chừng anh ấy nghe thấy đấy.”
“Ông ấy ngủ như chết. Nghe gì được. Ô kìa, sao em
ngủ còn mặc quần áo luộm thuộm thế này!”
Tôi chưa ngủ. Tôi chỉ giả vờ ngủ. Nhưng tôi lịch sự,
tập ngáy cho đúng kiểu ngủ say để hai đứa nó tự nhiên mà
cót két.
Tôi giả ngủ hay tôi giả ngu.
“Nhà gì mà phòng ngủ nào cũng không có cửa.” Jackie
than.
Tiếng cười của T. lục khục trong cổ họng, “Nhờ vậy
mà giá mới rẻ mạt. Em nghĩ coi thời buổi này kiếm đâu ra
hai phòng ngủ với giá sáu trăm một tháng. Đi ngủ mà ăn
mặc thế này thì chết rồi.”
“Kể cho xong chuyện đi đã nào.”
Thằng T. lại tiếp tục câu chuyện một cách hào hứng.
“Chưa hết, có lần ông ấy lượm được cái bọc, gói đầy
tiền. Năm mươi mấy ngàn trong đó chứ đâu phải ít. Thằng
Ấn Độ đem tiền đi đao chiếc xe. Dân tóc đen nhà mình thì

chỉ thích giữ tiền mặt. Chả biết loay hoay sao đó mà rớt mẹ
nó vào đống tuyết. May mà xe xúc tuyết chưa chạy qua
đoạn đường ấy. Ông anh nhà mình nhặt được, tò mò mở ra
xem, thấy toàn giấy một trăm, đếm ra năm mươi hai ngàn
đồng. Ông ấy hoảng quá đem nộp ngay cho cảnh sát. Cảnh
sát tìm ra cái anh Ấn Độ nhà quê kia, anh Ấn Độ mừng quá,
rút ra hai ngàn lẻ tặng ông anh nhà mình chơi. Ông anh đang
ăn trợ cấp, ngoan ngoãn lên báo con mẹ oeo-phe là mới có
số tiền. Luật oeo-phe nó bảo đang ăn tiền trợ cấp thì có bất
cứ món tiền gì cũng phải báo cho nó biết, trúng số cũng
phải báo. Ông anh báo xong, nó liền cắt ngay mấy tháng trợ
cấp vì hai ngàn đồng đủ xài mấy tháng ấy rồi. Nghĩ có dại
không.”

Trong đêm vắng tiếng cười sằng sặc của thằng T. nghe
như tiếng lợn bị chọc tiết.

Chợt T. ngưng cười, “Sao em không cười? Chuyện tếu
vậy mà không cười...”

Tiếng thì thào của Jackie nghe quá là xa xăm. Mãi đến
khi cô cao giọng, hoảng hốt, “Đừng anh, đừng anh...” thì tôi
mới nghe được.

Rồi cái giọng đàn bà ngọt ngào ấy đuối xuống và tắt đi
như ánh đèn lẻ loi ai đó ném vào đêm tối mênh mông.

Chuyện ngu ngốc của tôi nó như thế đấy.
Nhưng đó là chuyện lâu rồi. Bây giờ chẳng biết tôi có
còn ngu ngốc như vậy không. Cái chuyện ấy nghĩ cũng buồn

cười. Tôi còn nhớ, một buổi chiều kia, lúc lang thang quặt
quẹo trên đường phố trơn trượt và lầy lội do tuyết tan để lộ
ra những rác rưởi tù đọng từ mùa thu năm trước. Trong cơn
đói cồn cào, tôi bỗng thấy một cái gói mầu đen...

Quá nửa đêm tôi thức giấc rón rén ra cửa sổ nhìn qua
nhà cô ấy. Trăng vắt trên sợi dây điện giăng ngang con ngõ
dẫn vào nhà cô ấy. Hai con sóc giờ này hẳn đang cuộn vào
nhau ngủ vùi.

Jackie rủ hát ka-ra-ô-kê. Thằng T. sắm về dàn máy xịn.
Nó là dân mua đồ trả tiền mặt. Bao nhiêu cũng tiền mặt. Cỡ
nào cũng cash. Tụi tây cứ trố mắt ra mà nhìn nó, rồi quay
lại chia nhau những cái nhìn đầy ngụ ý.

“Để em chọn bài cho anh hát.”
“Có thuộc bài nào đâu mà hát.”
“Anh song ca với em bài Nối lại tình xưa nhá.”
Mới đầu tôi ngần ngại, ngồi bẹp xuống sàn nhà để khỏi
phải ngồi gần Jackie, nhưng cô cũng ngồi xuống theo. Riết
rồi hai đứa tôi hò hát quên cả thời gian.
Cho đến khi hàng xóm gõ cửa.
“Thôi đi ngủ anh ơi.”
“Cô ngủ trước đi.”
“Sao anh gọi em là cô hoài vậy?”

Những trò vui độc hại bao giờ cũng bắt đầu bằng sự rụt
rè. Thử một chút thôi. Rồi thêm chút nữa. Thêm hoài. Cho
tới khi không thể ngừng. Tôi biết điều đó rõ lắm mà.

Jackie giúi cái mi-crô vào tay tôi, “Hát thêm một bài đi
anh.”

“Khàn tiếng rồi, hát không được đâu.”
“Cứ hát đại đi, khàn tiếng em pha nước chanh cho anh
uống.”
Ly nước chanh nào của Jackie cũng ngọt rát cổ họng và
bao giờ ở đáy ly cũng trắng muốt một lớp đường như phù sa
sau con nước lớn.

Thằng trồng cỏ – bây giờ ông biết nó bị bắt vì trồng cỏ
thuê – gợi chuyện.

“Ông có bao giờ nghĩ cái phòng xử trong tòa án là một
sân khấu kịch không?”

Ông ngơ ngác, “Không. Sao?”
“Như sân khấu Paris By Night ấy.”
“Ừ thì như sân khấu,” ông gật gù. “Nhưng ai là người
diễn chứ?”
“Còn ai vào đây nữa.”
Người đàn ông ngẩn người ra suy nghĩ.
“Có gì đâu mà nghĩ ngợi. Quan tòa, luật sư, công tố
công tiếc, tôi với ông, là diễn viên hết ráo.”
“Ừ, cũng giống sân khấu thật. Chỉ thiếu khán giả.” Ông
lẩm bẩm.

“Thiếu sao được mà thiếu.”
“Đào đâu ra khán giả?”
“Cái bọn ngồi chầu rìa chờ xem ông tòa kết án chứ ai.”
Người đàn ông lại gật gù. Đúng thật. Cái bọn chầu rìa
chờ nghe bản án.
“Trong đám diễn viên ấy ông biết ai chính ai phụ
không?”
“Phải quan tòa là diễn viên chính không?”
“Tôi nghĩ quan tòa với tội phạm chúng mình là diễn
viên chính. Bọn luật sư, Công tố viện, thư ký thư kiếc là phụ
hết. Cái bọn ngồi dưới là đám khán giả nhiễu sự. Chỉ có
thiếu vỗ tay cổ võ, chạy lên tặng hoa tặng bông cho diễn
viên nữa là đủ bộ sân khấu kịch trường.”
Người đàn ông gật gù, “Nghĩ cũng hay.”
“Hay quá đi chứ. Ông nghĩ trong đám diễn tuồng ấy ai
là người quan trọng nhất.”
“Phải quan tòa không?”
“Quan tòa làm sao quan trọng bằng tội phạm. Không
có quan tòa mình có chết chóc gì đâu trong khi không có
tội phạm là quan tòa bị lai-óp ngay thôi. Thành ra ông
không thấy từ quan tòa đến luật sư và công tố viện đều gọi
mình bằng ngài đấy sao?”
“Ngài bao giờ đâu mà ngài?”
“Sir không là ngài thì là gì bây giờ. Cái nhà ông ỡm ờ!”

Người đàn ông cố nhớ lại những lần ra tòa lê thê xem
mình đã được ông tòa gọi bằng ngài lần nào chưa.

Có thể có nhưng ông không nhớ ra đấy chăng.

Cô ấy đau bụng mà không cho ai biết. Đến khi thằng
Timmy chạy qua bấm chuông gọi tôi, cơn đau đã dữ dội lắm
rồi. Trong lúc chờ xe cứu thương, cô ấy cong người ôm
bụng làm lòng tôi xốn xang. Tôi nghĩ đến thằng đàn ông đã
làm khổ cô ấy. Giờ này nó ở đâu.

Lúc cô ấy nguôi cơn đau, tôi lau mồ hôi trên trán, trên
má, trên cổ cô ấy. Những sợi gân xanh lờ mờ dưới làn da
mỏng chiếc cổ thanh tú làm tôi rờn rợn cả thịt da.

Tôi hỏi uống cà phê không, cô ấy rùn vai, hổng dám
đâu!

Lúc ấy đang là mùa hạ. Trời ẩm và nóng.
Cái quạt điện lại bị hỏng, tôi ngồi quạt cho cô ấy bằng
chiếc quạt nan mua được trong một lần hiếm hoi, quá giang
xe thằng T. đi lên phố Tầu.
Lúc đau bụng, cô ấy quằn quại, lê lết trên nền nhà. Tôi
xót xa nhìn sợi gân máu trên trán, trên cổ cô nổi lên, muốn
bật ra khỏi làn da mặt mỏng như tờ giấy. Lòng tôi đau nhói,
miệng tôi khô đắng. Tôi lấy cho cô ly nước. Trong một
giây, môi cô nứt ra khóe cười, khóe cười thê thảm của cánh
hoa cố luồn lách qua bụi gai dầy, để vẫy tay với ánh mặt
trời. Rồi cô nhấp một ngụm nước, rồi cô lại cong người ôm
cái bụng lồi cả ra ngoài chiếc áo thun bó chặt.

Tôi che miệng ngáp muốn sái quai hàm.
Rồi cô ấy nắm ghì lấy tay tôi. Cô ấy kêu mẹ, cô ấy kêu
trời, rồi cô ấy gọi anh ơi. Tôi bàng hoàng. Cô ấy gọi tôi hay
cô ấy gọi ai. Tôi mong cô ấy gọi lại thêm một lần. Anh ơi.
Có khó khăn gì lắm đâu. Nhưng từ lúc ấy cho đến khi xe
cứu thương lại đón đi, cô ấy không gọi tôi thêm một lần
nào.
Trong khi chờ xe cứu thương, bọc nước vỡ. Nước chảy
loang nền nhà lót nhựa tổng hợp. Tôi hoảng hốt nhìn dòng
nước chảy loang lổ trên nền nhà. Tôi cố tìm xem có máu
trong vũng nước ấy không.
Lúc xe cứu thương tới, bà Nhiêu bới tung những hộc tủ
đựng áo quần của mẹ con cô ấy, moi ra bộ quần áo ngủ của
cô ấy, nhét vào cái túi xách. Tôi muốn dìu cô ấy ra xe cứu
thương nhưng vướng thằng bé Timmy nên đành đứng lại ở
cửa. Hai nhân viên xe cứu thương đỡ hai bên cô ấy. Người
đàn bà tóc vàng tíu tít Are you okay. Cái giọng trong vắt
như tiếng hót của những con chim trên nhánh cây trước nhà.
Người ta nâng bổng cô ấy lên xe, đóng cửa lại. Thằng bé
Timmy nhùng nhằng kéo tôi về phía xe cứu thương nơi
khuất sau cánh cửa mẹ nó co người như con sâu bị lũ kiến
lửa bâu cắn. Mommy, mommy. Thằng bé léo nhéo gọi.
“Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một
mình.” Bà Nhiêu lẩm bẩm đọc ca dao tục ngữ trước khi thu

mình gọn lỏn trong lòng chiếc ghế nệm to xù. Cánh cửa xe
cứu thương đóng lại. Tôi tần ngần nhìn theo.

Cô ấy đi rồi, căn phòng bỗng hoang vu.
Tôi lấy tấm khăn xếp bên bồn tắm lau vũng nước ối
loang lổ.
Vũng nước đã có những chỗ khô quánh lại, vằn vện
trên nền nhà.

Jackie gọi về ngủ. Tôi lừng khừng hỏi thằng Timmy có
cần mang đồ chơi gì theo không. Thằng bé chạy lên phòng
một lát. Tôi nhìn Jackie. Đầu óc trống trải. Bát cãi hoang
tuổi thơ. Tôi lại như đứa bé ngần ngại trước những vạt sóng
cuộc đời.

“Nó đi đâu vậy anh?” Jackie hỏi.
Tôi lúng túng, “Nó đòi đi lấy đồ chơi gì đấy mà.”
“Gớm, cái thằng nhiều chuyện!”
Jackie mắng yêu. Sao người đàn bà nào cũng dễ yêu khi
dịu dàng, nhỏ nhẹ.
Timmy chạy xuống, ôm trong tay một bọc ny lông nổi
cộm những đồ đạc gì đấy.
“Cái gì mà nhiều thế?” Jackie hăng hái.
“Game.”
“Game à?” Tôi xen vào. “Có máy đâu mà chơi game.”
Mặt thằng bé xịu xuống.
Jackie vỗ vai nó, dịu dàng như người mẹ, “Thôi ngoan
này, đi ngủ sớm, mai bác cho đi shopping.”

Thằng bé bỏ bọc đồ xuống nền nhà, nét mặt buồn thấy
rõ.

Jackie dắt tay nó, “Thôi đi nào. Ngủ sớm, mai thức sớm
đi shopping.”

“Hay là lấy mấy cuốn sách...”
Nghe tôi nói, thằng bé giật tay ra khỏi bàn tay của
Jackie.
Jackie ngước nhìn tôi, “Lấy sách làm gì?”
“Đọc trước khi ngủ. Bedtime stories ấy mà.”
“Anh đọc cho nó à?”
Tôi có biết gì đâu mà đọc. Nhưng tôi thấy đầy rẫy
trong phim ảnh xứ này, bố mẹ thường đọc truyện cho con
cái trước khi đi ngủ. Mấy chữ bedtime stories tôi còn nhớ
được từ hồi đi học lớp Anh ngữ cho di dân.
Tôi lờ câu hỏi nặng nề của Jackie, dắt Timmy lên lầu.
Căn phòng của cô ấy xinh xắn như chiếc hộp nhỏ. Cái
chăn len mầu đỏ tươi trải trên mặt nệm một góc xốc xếch
như có ai mới từ dưới lớp len ấy lồm cồm chui ra và quên
vuốt lại cho thẳng. Mặt nệm chỗ ấy nhàu nhò. Tấm gương
soi phía sau bàn trang điểm phản chiếu tấm hình treo trên
tường. Cô ấy cười trong khung chữ nhật. Nụ cười quá đỗi
trẻ thơ. Căn phòng vắng lặng và trống trải. Mùi hương lạ
lẫm phảng phất trong không gian. Mùi tóc rối vỗ về, mùi
thịt da gây gây, mùi nước hoa dịu dàng. Tất cả trộn vào
nhau quyện tôi vào vùng mơ hồ trí tưởng.


Click to View FlipBook Version