The words you are searching are inside this book. To get more targeted content, please make full-text search by clicking here.
Discover the best professional documents and content resources in AnyFlip Document Base.
Search
Published by fireant26, 2022-11-05 01:37:29

Thư Tình Viết Muộn Hoàng Chính

Thư Tình Viết Muộn Hoàng Chính

cụm lục bình dạt quanh mảnh cù lao nhỏ. Như cái phim gì
đó về những người Do Thái và ông chủ hãng người Đức,
thời chiến tranh thế giới thứ hai. Suốt cả phim, ai cũng chỉ
có hai mầu đen trắng. Riêng một cô bé gái có chiếc áo mầu
đỏ ở đoạn cuối phim. Cái chấm đỏ nhỏ nhoi nhưng rực rỡ.
Cô ấy cũng giống em bé gái trong phim, rực rỡ trong cuộc
sống.

“Hát ru nữa đi.” Tôi thì thào. Con bé Amy đã ngủ say,
miệng nhay nhay núm vú giả. Tôi đã bảo nhiều lần là tập
cho nó bỏ núm vú lúc ngủ mà có ai nghe đâu.

Cô ấy nhìn tôi, thì thào, “Amy ngủ rồi, ru chi nữa?”
“Hát ru nghe đỡ buồn.”
“Bộ buồn dữ lắm hả?”
Tôi lặng thinh, nhìn xuống những ô vuông trên nền nhà.
Một sợi tóc vắt ngang hai cạnh góc vuông.
“Hát gì bây giờ?”
Tôi ngước lên, ánh mắt vướng lại ở cổ chiếc áo thun
mầu xanh da trời. Da gì đâu mà trắng như miếng thạch.
“Hát mấy câu ru hồi nãy đó.”
Người con gái xoay lưng lại phía tôi, tay đặt nhẹ lên
cạnh chiếc giường có bánh xe của con bé. “Chim chiền cành
ớt líu lo, sầu ai nơn nỗi ốm o gầy mòn.” Câu ru giọng miền
Nam đặc. Câu ru kéo tôi về bên những cụm lục bình; về
những cù lao chơ vơ trên mặt nước. Cô ấy quay lưng đi, tôi
chỉ còn thấy một dòng tóc chảy mãi, chảy hoài. Xuyên lối

tương lai, ngược đường quá khứ. “Chim guyên ăn trái nhãn
lồng, thia lia goen chậu, dzợ chồng quen hơi.”

Lặng thinh. Tiếng hát ru thì thầm, nhẹ như hơi thở. Ca
dao miền Nam hiền như cỏ dại. Cô ấy làm lòng tôi nao nao.

“Hay quá!”
“Còn câu này nữa nè.”
Tôi nghiêm trang chờ đợi, như tín đồ ngoan đạo, đợi
chờ ân sủng.
Người thiếu phụ hất nhẹ mái tóc, thì thào, “Ai phụ tui
có đất trời chứng giám. Biết câu đó hông?”
Tôi lắc đầu.
“Cái phận tui nghèo tui hổng dám phụ ai bộ hổng biết
thiệt hả?”
“Không biết thật mà.”
“Tưởng giếng sâu tui nối sợi dây dài.”
Cô ấy cúi đầu. Tóc đổ hai vai. Tôi thành pho tượng biết
vui buồn. Tóc chẻ đôi bờ. Tóc rẽ ngôi sau lưng, khoe hờ
khoảng gáy trắng. Đến bao giờ tôi mới đặt được môi mình
lên đó.
“Sao nữa?”
“Ai ngờ đâu giếng cạn, tui tiếc goài sợi dây.”
Tôi đuối người. Ca dao gì đâu mà xót xa đến không
ngờ.
Cô ấy bất chợt quay đầu lại, “Hớt rồi!” mành tóc đùa
hai vai như cánh màn một sân khấu nhỏ. Đôi mắt long lanh.

“Đọc lại hết bốn câu được không?”
“Chi vậy? Buồn thấy mồ à!”
Tôi không dám nhìn vào đôi mắt ấy. Tôi sớn sác trước
đôi môi mím hờ. Đôi môi níu kéo một nụ cười nên đôi môi
lúc nào cũng vướng chút tinh nghịch. Và nước da trắng
ngần.
Rồi bỗng dưng cô ấy nhìn tôi, đọc hết bốn câu trách
móc não lòng. Ai phụ tôi có đất trời chứng giám, cái phận
tôi nghèo, tôi không dám phụ ai, tưởng giếng sâu tôi nối sợi
dây dài, ai ngờ đâu giếng cạn, tôi tiếc hoài sợi dây.
Tôi tiếc hoài sợi dây. Tiếc hoài sợi dây. Em của anh,
bao giờ mình mới là của nhau. Tôi vốn liếng đâu nữa mà
sắm dây để đo xem lòng giếng sâu hay cạn.
Mọi vật thông thường có vẻ mờ ảo đối với anh không.
Người thông dịch vừa hỏi vừa gõ nhẹ cái bút lên tập giấy
chi chít những chữ. Tôi nhìn anh ta. Vầng trán anh ta lờ mờ
vết da nhạt mầu bằng đồng hai mươi lăm xu, trông như một
vết sẹo cũ. Tôi sẽ tiếc hoài sợi dây cho dù lòng giếng sâu
hay cạn. Sẽ tiếc hoài sợi dây.

Bắt đầu là những câu đối đáp đều đặn, nghe vang vang,
nhịp nhàng như thể hai nguời đang cùng nhau song ca một
bài dân ca quan họ. Ví von cho nó mầu sắc vậy thôi chứ
không có gì văn vẻ trong những câu đối đáp của cặp vợ
chồng ấy. Họ ném bùn vào nhau như đám ca sĩ nhạc rap hay
rock gì đo ném những lời thô lỗ, cùn mằn vào khán giả. Một

lát sau, tiếng nguời đàn bà yếu đi. Giọng người đàn ông gầm
lên như con thú nổi điên. Những câu chửi vung vít vọng qua
khung cửa sổ mở rộng. Mùa hè nhà nào cũng mở rộng cửa
nhưng vẫn không làm dịu đi được chút nào cái nóng nung
người. Và nhờ mở rộng cửa mà những tiếng chửi thề nghe
rõ mồn một. Chợt có tiếng loảng xoảng, nghe như tiếng một
chiếc thau nhôm bị ném mạnh vào tường. Hình như đó là cái
khay cô ấy mua về từ tiệm đồ cũ. Rồi tiếng bàn ghế ném
vào nhau rầm rầm. Tiếng hét của thằng bé Timmy. Rồi tiếng
khóc xé màng nhĩ của con bé Amy. Người đàn ông đứng
lên, ngồi xuống, bứt rứt như kẻ tử tù thời Trung Cổ sắp
bước lên giàn hỏa. Ông vểnh tai lắng nghe, chăm chú như
con chó đánh hơi những bất an sắp chụp xuống quanh mình.
Tiếng gào thét quyện vào nhau. Đồ lăng loàn, đồ đàn bà đĩ
thõa. Anh nói ai đĩ. Tao nói mày đó. Đồ khốn nạn. Anh mới
là đồ khốn nạn. Phí công tao bảo lãnh mày qua. Tiếc tiền hả
tiếc tiền thì để tui về lại Việt Nam dzới má tui đi. Mày xài
hết tiền của tao rồi mày kiếm chuyện. Này muốn ly dị phải
không, đừng có hòng. Má ơi, Timmy uýnh con nè má.

Chùm âm thanh lẫn vào nhau. Chùm âm thanh quấn lấy
ông, làm ông quay cuồng chóng mặt. Ông đứng bật dậy,
bước tới bước lui. Gót chân nện xuống nền nhà từng bước
tưởng chừng muốn đạp đổ hết những bước tường vây quanh
ông, để ông có thể chạy thẳng một đường qua bên ấy mà
giải cứu người đàn bà bất hạnh.

Người đàn ông cầm ống nghe điện thoại lên. Những
tiếng động vẫn xoáy vào tai ông. Ông áp ống nghe điện
thoại vào tai. Tiếng o o của đường dây điện thoại rền rĩ như
tiếng con ong say phấn hoa. Bên kia chỉ còn tiếng trẻ con
khóc. Ông hạ cánh tay xuống. Những bắp thịt trên mặt ông
giãn ra. Tiếng đàn ông lại rổn rảng ném vào không gian cái
cộc cằn. Mày là đồ ăn bám. Ông lại mím môi, nâng cái ống
nghe điện thoại lên. Tiếng đồ vật loảng xoảng. Bây giờ nó
quăng tới cái gì nữa đây. Âm thanh ấy chỉ có thể phát ra từ
cái khay nhôm để ly tách uống nước. Nhưng tiếng loảng
xoảng ấy ông đã nghe rồi. Học Anh văn gì mày. Đi thả thì
có. Tiếng con bé Amy gào khản cổ nghe thảm thương cực
độ. Bàn tay ông bóp chặt cái ống nghe điện thoại. Tiếng hét
của cô ấy. Đồ khốn nạn. Thằng đàn ông chửi thề. Đù má
mày. Người đàn bà chửi lại. Anh đù má anh đi. Mọi tiếng
động chợt ngừng. Trong trí tưởng tượng của người đàn ông,
thằng đàn ông đứng sững đó, như xác chết đội mồ sống lại.
Hai con mắt đỏ ngầu phừng phực lửa thiêu cháy người đàn
bà và hai đứa bé. Bỗng dưng âm thanh vỡ ra tung tóe. “Ui
da! Trời ơi!” Tiếng người đàn bà xoắn vào vũng không gian
xám ngoắt của trí tưởng người đàn ông rồi vụt tắt.

Người đàn ông dùi đầu ngón tay lên những con số trên
điện thoại một cách bạo tàn. 9. 1. 1.

Và ông gào vào ống nói cái câu ông đã thực hành
không biết bao lâu, “He kills her!” rồi vội vàng cúp máy.

“I frequently think of the same silly thing over and over
for hours. Tôi thường nghĩ hoài về một điều ngu ngốc nào
đó.”

“Anh đọc lại hộ tôi.”
“Anh thường nghĩ hoài về một điều ngu ngốc nào đó.”
Người thông dịch nháy mắt với tôi sau câu nói.
Tôi cau mày, “Biết thế nào là ngu ngốc bây giờ?”
“Thì cái gì mà bị người ta coi là ngu ngốc đó.”
“Người ta nào?”
“Người đời.”
“Nhiều khi người ta nghĩ mình ngu ngốc nhưng chính
người ta mới ngu ngốc.” Tôi bắt bẻ.
Người đàn ông gãi cằm, không trả lời.
Tôi hỏi hắn, “Anh thấy sao?”
Hắn rùn vai, “Tôi không thấy sao hết.”
“Thế nào mới là ngu ngốc chứ?”
Người đàn ông lặng thinh, nhìn xuống những dòng chữ
li ti.
Tôi nặn óc suy nghĩ. Đời sống này chả biết đâu là phải
đâu là trái. Điều ngu ngốc hôm nay biết đâu lại là điều khôn
khéo ngày mai. Tại sao người ta phải đặt những câu hỏi lắt
léo làm gì vậy.
Tôi sửa lại thế ngồi, nhìn thẳng vào mắt người thông
dịch, “Phải người ta gài bẫy tôi không vậy?”
“Gài bẫy anh làm gì?”

“Để bỏ tôi vào nhà thương điên.”
Hàm răng trên của người đàn ông cắn lấy môi dưới.
Hắn ta có những chiếc răng cửa trắng bóng. Dù cặp môi thì
thâm đen như môi kẻ ghiền thuốc lá lâu năm.
“Tôi nghĩ không phải vậy đâu.”
“Sao anh biết? Anh có phải bác sĩ tâm thần không?”
“Không.”
“Hay anh làm cảnh sát chìm?”
“Không phải.” Người đàn ông trả lời vội vã. Hàm răng
trên thôi cắn môi dưới. Những chiếc răng trắng muốt biến đi
khỏi tầm nhìn mệt mỏi của tôi.
“Vậy sao anh biết họ sẽ không bỏ tôi vào nhà thương
điên?”
“Tôi đoán vậy.”
“Đoán. Đoán.” Tôi lắc đầu.
“Anh làm sao vậy?” Người thông dịch nhìn xoáy vào
mắt tôi. Lúc này tôi không biết tôi đang làm sao, hay đang
bị gì nữa. Tôi chỉ thấy nhức đầu. Những bức tường nghiêng
ngả. Cặp bóng đèn nê-ông trên trần nhà xoay chậm rãi như
hai cánh quạt một chiếc máy bay lên thẳng. Tôi sắp cất
cánh. Tôi sắp bay lên, lẫn lộn vào mây trời. Tôi sắp thành
mây, tôi cần những cơn gió. Gió đưa tôi về thành phố ấy,
nơi cô ấy đang một mình tay bế tay bồng.
Sao cứ nghĩ đến cô ấy là lòng tôi ấm lại. Tôi muốn tha
thứ cho cả cuộc đời.

“Anh không trả lời người ta mới chuyển vào nhà
thương điên. Biết chưa!” Người thông dịch gằn giọng.

“Anh đọc lại câu hỏi giùm.”
Người thông dịch đọc lại câu hỏi trong bản tiếng Anh
dầy đặc những chữ. Tôi nghe ra sự nhẫn nhịn trong giọng
nói của anh ta.
“Anh thường nghĩ hoài về một điều ngu ngốc nào đó.”
“Đúng.”
“Rồi. Câu kế tiếp.”
Hắn nhìn vào trang giấy, “Đôi khi chân tôi mất năng
lực tới mức tôi không còn bước đi được.”
Hắn có moi móc gì tôi không đây. Tôi ngước lên, nhìn
xoáy vào mắt hắn. Hắn còn trẻ. Chắc không ngoài bốn
mươi. Đuôi mắt có ít nhiều những nếp nhăn. Những nếp
nhăn từ hai bên thái dương chụm lại, dán vào nhau ở đuôi
mắt. Những nếp nhăn vẽ thành hình nan quạt. Cái nan quạt
chỉ hiện lên đậm nét khi hắn cười. Khi hắn nghiêm trang,
trông hắn trẻ hơn nhiều.
Nhưng dù trẻ hay già, hắn cũng đâu có quyền mỉa mai
tôi. Làm sao hắn biết hai chân tôi đã rụng ra từng khúc rời
khi nhân viên tiệm quần áo phụ nữ gọi tôi lại. Vì vậy mà bọn
họ đã bắt được tôi. Vì vậy mà cả một kế hoạch sụp đổ, cả
một chương trình tan vỡ. Và bây giờ tôi ngồi đây, nghe
người ta mỉa mai, moi móc.
“Có không?”

Tôi gật đầu, buông xuôi.
“Tốt. Câu kế.”
“Thì câu kế.”
“Không có gì lôi cuốn được tôi.”
Không có gì lôi cuốn được tôi. Không có gì lôi cuốn
được tôi. Không có gì lôi cuốn được tôi. Ừ. Không có gì lôi
cuốn được tôi ngoài cô ấy. Tôi đã nghiêng ngả vì cô ấy. Cô
ấy bảo tôi chết, tôi cũng dám chết, miễn là cô ấy vui.
“Có thứ gì lôi cuốn được anh không?” Gã thông dịch
hỏi lại.
“Từ từ đã.” Tôi gắt. Bởi hắn vừa mới cắt đứt khúc
phim đong đưa chiếc áo ngực ren đen phơi chơ vơ trên xà
ngang, chỗ treo cái màn nhựa mỏng ngăn đôi phòng tắm
nhà cô ấy.
“Có không?”
“Có chứ.” Tôi quả quyết.
“Thứ gì?”
“Đủ mọi thứ.”
“Đủ mọi thứ?”
Tôi muốn đấm cho hắn một cái. Nhưng cánh tay tôi
mỏi nhừ. Và cái còng nặng trĩu ở cổ tay kéo lê vai tôi
xuống. Nên tôi lười biếng gật đầu.
Hắn hí hoáy ghi câu trả lời vào trang giấy.
“Câu kế tiếp: tôi không bao giờ cố tình làm ai buồn.”

“Câu này hay đấy.” Tôi gật gù, trong đầu nặng trĩu hình
ảnh cô ấy. Người như vậy làm sao ai nỡ làm buồn cho được,
trừ cái thằng chồng chết tiệt kia.

“Đúng không anh?” người thông dịch như lây cái vui
của tôi.

“Đúng! Quá đúng!”
Hắn lại hí hoáy đánh dấu câu trả lời vào trang giấy.
“Câu tiếp: đa số người ta đều lương thiện.”
Tôi ngọ ngoạy cổ tay. Cái còng tụt xuống, lộ ra một
vết đỏ hằn trên da như lằn roi. Cô ấy mà nhìn thấy những
vết lằn này, thế nào cũng cuống lên đi tìm chai dầu nhị thiên
đường. Người như thế làm sao không thương cho được.
“Đa số người ta thì lương thiện, đúng không?” Người
thông dịch lập lại câu hỏi.
Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn, “Anh có lương thiện
không?”
Người đàn ông chần chừ như phỏng đoán những ý
tưởng chôn sâu dưới cái câu tôi mới nói. Rồi hắn trả lời nhẹ
bâng, “Có chứ.”
“Vậy trả lời có giùm tôi.”
“Nghĩa là khi nói đa số người ta thì lương thiện thì anh
cho là đúng hay sai?”
“Anh trả lời giùm đi.” Tôi lì lợm.
“Đa số người ta thì lương thiện. Đúng không?”
“Đúng.”

Hắn lại hí hoáy đánh dấu câu trả lời.
Bỗng dưng tôi tự hỏi mình có thật hắn ghi câu trả lời
đúng như tôi nói. Bà Nhiêu hàng xóm vẫn hay ví von bút sa
gà chết. Ấy là chuyện quê nhà. Nơi cái xứ sở người và thú
đôi khi ngủ chung một chỗ, dẫu gà phải có chuồng, và
người nên có nhà có cửa. Viết sai đi một chữ, mạng gà cũng
toi theo. Bây giờ tôi ngồi đây. Hai tay chắp lại, trông nhờ
chút ân huệ của lòng từ tâm nơi người đàn ông xa lạ, những
mong hắn ta sẽ viết đúng những gì tôi nói. Tôi không muốn
bị ném vào nhà thương điên chỉ vì sai lầm của người khác.
“Từ trước đến giờ anh có viết đúng theo những gì tôi
nói không?” Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn để nói cho hết
những điều tôi nghĩ.
Hắn sựng người lên như bị ai nắm tóc kéo ngược ra
sau. “Anh hỏi gì kỳ vậy?”
“Chẳng kỳ gì hết. Ai biết được là anh có ghi đúng như
tôi trả lời không đây. Tôi không điên anh làm cho tôi điên
thì sao.”
“Anh nói gì kỳ vậy?”
“Không kỳ gì hết.”
Môi người đàn ông mím lại. Những nếp nhăn vẽ nan
quạt hai đuôi con mắt. Hắn già thêm vài tuổi. “Anh làm vậy
không điên người ta cũng nghĩ là anh điên.”
Tôi nhìn quanh. Người cảnh sát ngồi sau chiếc bàn nhìn
tôi chăm chăm. Nãy giờ tôi không thèm ngó tới hắn. Thành

ra lúc bắt gặp tia nhìn của tôi, hắn nhướng cặp chân mày,
hỏi gì đó. Người thông dịch trả lời bằng tiếng Anh. Tôi lắp
bắp biện hộ cho riêng tôi. Tôi bảo tôi không tin người thông
dịch. Tôi nói bằng tiếng Việt, vội vã bởi tôi biết sẽ không đủ
thời gian cho tôi nói hết những điều mình nghĩ. Tôi phải nói
ra hết. Người cảnh sát đứng dậy. Khẩu súng lục bên hông
phải lúc lắc. Cây ba toong bên hông trái cũng lúc lắc. Hắn
đứng cao tưởng chừng sắp chạm vào trần nhà. Tôi nói.
Người thông dịch nói. Người cảnh sát tròn con mắt đứng
nghe. Những ngón tay khổng lồ của anh ta co vào duỗi ra,
bứt rứt. Sau cùng người thông dịch đứng dậy, xếp xấp giấy
lại, trao cho người cảnh sát.

“Mai mốt có người khác dịch cho anh. Tôi thua rồi!”
Hắn nói trước khi xoay lưng lách ra khỏi căn phòng
nhỏ như chiếc hộp đựng đồ chơi trẻ con.

Tháng này sinh nhật Timmy, thằng con lớn của cô ấy.
Nhớ mới năm ngoái đây thôi, sinh nhật thằng bé Timmy, cô
ấy làm chả giò, mời tôi sang chơi. Cả tiền bệnh lãnh được
trong tháng, tôi để dành mua cho thằng bé món đồ chơi nó
thích. Buồn cười, cả tháng thằng T. phải đắp qua phần tiền
nhà, tiền chợ. Cái thằng được cái hào phóng. Những lúc tôi
thiếu tiền, nó bù đắp cho tôi, không một lời phiền trách. Vì
vậy lúc nào tôi cũng cố coi Jackie như một đứa em dâu. Cái
lần nằm bên Jackie, tôi không thể nào không nhớ đến T.;
đến cái tình anh em kết nghĩa. Dẫu tôi thèm khát đến đuối

người. Tôi còn là đàn ông mà. Lần nào đó đang mài miết
môi mình lên má, lên môi Jackie, tôi vùng dậy, tất tả chạy ra
khỏi phòng. Tôi khóa cửa nhà tắm, đứng rũ như hồn ma bên
đám quần áo phơi nhùng nhằng trên móc áo. Rồi tôi sẽ sàng
đếm những bậc cầu thang xuống phòng khách. Anh điên rồi.
Đang ốm đau mà lại đi tắm. Jackie ấm ức. Cô choàng cái
khăn lông lên người tôi. Cô cuống cuồng lau tóc tai, mặt
mũi tôi. Tôi ngộp thở lắc lư. Tắm nó chạy vào, nó đổi qua
thương hàn là chết.

Bữa tiệc chỉ có món chả giò. Cô ấy bảo, “Mắc tụi nhỏ,
hổng làm được món gì hết ráo.” Tôi cười, “Có chả giò là
quý lắm rồi.”

Tôi mang theo chai rượu nếp than mua được nhờ dành
dụm tiền bạc, dè sẻn chi tiêu bao nhiêu tháng trời. Tôi mời
cô ấy uống với tôi một ly. Nài nỉ mãi, cô ấy nể tình uống
một ngụm, rồi trả ly rượu lại cho tôi. Tôi ngắm cô ấy nuốt
ngụm rượu cay xuống vất vả như người ta nuốt nỗi nghẹn
ngào. Rồi tôi nhìn đôi mắt đen nhánh viền một làn nước
mỏng, nhìn bắt qua vệt máu hồng bò lan trên đôi má đồng
tiền.

Cô ấy nhìn lại tôi, chớp vội hai mắt, cúi vội cái đầu, làm
tóc thả lòa xòa trước mắt. Tôi dốc ngược ly rượu vào
miệng.

Đó là ly rượu nếp than nồng nàn nhất trong đời tôi may
mắn có được.

Cô ấy gắp chả giò vào bát của tôi. “Tự nhiên giùm
nghe.”

“Ừ, tự nhiên chứ.” Tôi gật gù với vị mặn, vị ngọt, vị
cay, vị chua của miếng chả giò chấm nước mắm quyện
chanh đường.

Cô nói chuyện huyên thuyên suốt bữa ăn.
Tôi chìm đắm trong niềm hạnh phúc dịu dàng. Thứ
hạnh phúc đơn sơ nhưng nhiều khi suốt một đời tìm kiếm vô
vọng.
Hạnh phúc như cánh chuồn chuồn thời thơ ấu. Những
con chuồn chuồn bay chập chờn trên tàng lá xanh, rất gần
tầm tay nhưng hụt hơi đuổi bắt, đến vấp ngã, trầy trụa đầu
gối và hai khuỷu tay. Những cánh chuồn chuồn lúc đầu hai
thứ tóc, đuổi bắt hoài, vấp ngã, trầy trụa cả tâm hồn.
Tôi vừa nhai chả giò chấm nước mắm pha chanh,
đường, vừa nghiêng đầu ngắm cô ấy.
Hai má đỏ hồng. Đôi mắt long lanh.
Tôi uống hết ly này tới ly khác. Đến chừng nghe cái
giọng ngọt ngào như có viền tiếng nhạc của cô ấy vang lên
nhắc khéo, “Hổng được xỉn à nghe. Xỉn, người ta hổng
khiêng dìa nổi đâu đó!” thì đã muộn mất rồi.

Viên cai tù gọi tôi ra phòng thẩm vấn. Một người đàn
bà đợi tôi trong đó. Người đàn bà gật đầu, tôi gật đầu chào
lại. Cặp mắt kính trễ xuống trên sống mũi chị ta sau cái gật

đầu. Những vạt tóc thả ngang vai chao chao. Khuôn mặt dễ
có cảm tình. Phải vậy chứ.

“Tôi là thông dịch viên.” Giọng nói dịu dàng. Dĩ nhiên
là không bằng cô ấy.

À, có thông dịch viên khác rồi. Cái nhà nước này hẳn
cũng khổ tâm vì tôi.

“Chào chị.”
“Hôm nay mình sẽ làm tiếp mấy chục câu hỏi.”
Tôi ngồi xuống ghế. Dễ dãi gật đầu.
“Lần trước tới đâu rồi nhỉ. Để tôi coi lại xem tới câu
nào rồi.” Người đàn bà vừa nói vừa thấm nước bọt vào đầu
ngón tay trỏ và lật những trang giấy. Tôi nhìn những ngón
tay mảnh dẻ. Những ngón tay suông đuột. Những ngón tay
bận bịu với với giấy tờ, bút mực, không một dấu vết của cực
nhọc, gian truân.
“Tới khúc lương thiện.” Tôi nhắc. Đôi mắt sau cặp mắt
kính ngước lên. Được quá, tôi thầm nghĩ. Mắt đẹp. Những
câu hỏi vớ vẩn hẳn sẽ dễ nghe hơn. Những câu thẩm vấn
nghe sẽ bớt gắt gao, những câu gài bẫy sẽ không còn hằn
học. Và tôi hẳn sẽ dễ lọt vào cái bẫy dịu dàng của con mắt
hiền sau cặp mắt kính hình bầu dục trên khuôn mặt gầy gầy,
thon thả; tôi sẽ dễ gật đầu khi bắt gặp cái mím môi nhẫn
nhịn của người thiếu phụ. Nhưng tôi tin người đàn bà này sẽ
không gài bẫy tôi. Người đàn bà này sẽ không cố tình đẩy
tôi vào trại tù năm bảy năm trời.

“Lương thiện... gì anh?”
“Tới câu hỏi mình có lương thiện không ấy mà.”
Những ngón tay lật nhanh từng trang giấy. “Phải rồi.
Đây rồi. Câu kế tiếp. I seem to hear an unknown voice
wherever I go. Tôi dường như nghe được tiếng nói lạ dù tôi
đi bất cứ nơi đâu.”
Đọc và dịch xong, đôi mắt ngước lên nhìn tôi, chờ đợi.
“Tôi không nghe gì hết.” Tôi nhanh nhảu trả lời. Người
đàn bà hài lòng đặt bút lên trang giấy. “Khoan! Chị chờ một
tí nhá.”
Những ngón tay thuôn sựng lại. Bao nhiêu đêm tôi đã
chìm vào giấc ngủ với lời ru ngọt ngào của một người đàn
bà mới lớn. Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo
gập ghềnh khó đi. Cô ấy hay ru con bé Amy như thế. Còn gì
nữa nhỉ. Gì mà anh ham vợ bé bỏ bè con thơ.
Ngay cả lúc này, tôi còn nghe được giọng cười trẻ con
của cô ấy trong vắt như tuổi thơ.
Và tiếng khóc của con bé Amy lẫn tiếng càu nhàu của
thằng anh nó.
“Có chứ. Tôi nghe tiếng nói hoài.” Tôi trả lời cho đôi
mắt sau cặp mắt kính.
“Tiếng người quen hay người lạ?”
“Quen.” Tôi chần chừ một giây. “Thân, người thân.”
Đôi môi mỏng mỉm cười, “Vậy thì không kể. Tiếng nói
lạ mới kể.”

Tôi gật đầu dễ dãi, “Sao cũng được.”
Người đàn bà hí hoáy đánh dấu vào câu trả lời.
Một lát, chị ngẩng đầu lên. Dòng tóc dạt qua hai bên
vai.
“Tôi sẽ không làm điều gì liều lĩnh mà không có mục
đích. Câu kế tiếp đó.”
“Đúng.” Tôi trả lời thật vội. Bởi khi không tiếng chửi
thề của một gã đàn ông vang vọng trong đầu tôi. Tao bảo
lãnh mày qua đây đâu phải để mày đua đòi. Tiếng chửi thề
của thằng chồng cô ấy. Giờ này không biết nó lưu lạc
phương nào.
“Nghĩa là anh sẽ không làm điều gì liều lĩnh mà không
có mục đích.”
“Đúng.”
Đúng, bởi cô ấy là người duy nhất có thể xúi giục tôi
liều mạng.
“Tôi giữ khoảng cách với mọi người.”
Tôi gật đầu.
“Tôi không bị đau nhức gì hết.”
Tôi nghĩ đến những khớp xương mười ngón tay. Tôi
nghĩ đến cái lưng đôi lúc bẻ tôi gẫy gập thân mình.
“Đau chứ. Sáng sớm thức dậy, không nhúc nhích gì
được cô ơi.”
Tôi nhận ra mình vừa đổi cách xưng hô.
Người đàn bà loay hoay ghi câu trả lời.

“Câu kế nghe. There is not much to be interested in
anymore. Chẳng còn gì đáng quan tâm trên đời.”

Tôi ngước nhìn người đàn bà. Nhìn cặp lông mày tỉa kỹ,
mảnh như đường chỉ. Nhìn những sợi tóc loe hoe trước trán.
Có chứ. Cuộc sống còn có những thứ đáng quan tâm. Mai
mốt đây ra ngoài, tôi sẽ bắt trùn, tôi sẽ đi tìm việc làm. Ít
nhất cũng mua được cho cô ấy cái áo đầm mà cô ấy trầm
trồ lúc coi tờ báo quảng cáo quần áo phụ nữ hôm lễ Giáng
sinh.

“Có không anh?”
“Có chứ. Có bao nhiêu thứ quan trọng.” Tôi nói, chắc
như người đang nắm bắt được những ngày vui, những thay
đổi tươi sáng cho đời sống mình.
“Some movies make me quite happy or sad. Nhiều
cuốn phim làm tôi buồn quá hoặc vui quá. Đúng với anh
không?”
Tôi nhìn mảnh tơ nhện mỏng đang lượn lờ ở góc tường
đá, cười một mình. Nhớ lắm cái lần tôi ngồi coi phim ở
phòng khách với hai đứa bé trong lúc cô ấy loay hoay dọn
dẹp dưới bếp, lâu lâu lại chạy lên ngó màn ảnh một tí xem
người ta hẹn hò, đưa đón, hành hạ, hại ngầm... nhau tới
đoạn nào. Cuốn phim tình cảm. Có chia ly, ngăn cách. Rửa
xong mấy cái bát hai đứa nhỏ bày ra xong, cô ấy đứng dựa
sa lông, ngay sau lưng tôi. Ngồi im nghe. Gì vậy. Đừng
nhúc nhích, có sợi tóc bạc. Cái đau nhói một chút nhẹ trên

da đầu. Ngón tay rụt rè không dám chạm vào chân tóc,
không dám xới lên những sợi rễ tre cằn. Rồi lặng thinh. Tôi
lắng nghe tiếng thở từ rất xa vẳng lại. Chợt có tiếng sụt sùi.
Tôi quay lại, bắt gặp những giọt nước loang hai con mắt.
Phim chi buồn thấy mồ. Câu than thở chạy tội. Ừ thì chuyện
phim hôm ấy buồn thật. Người ta buồn làm tôi cũng buồn
lây. Mau nước mắt vậy đó. Thiên hạ bảo rằng những ai có
đôi mắt sũng nước, đời sẽ buồn nhiều hơn vui.

“Ghi sao đây anh?” Người đàn bà lôi tôi về phòng thẩm
vấn của trại giam với tiếng thổi hơi nóng phì phò trên trần
nhà.

Tôi bối rối, “Cô đọc lại giùm câu hỏi, xin lỗi, tôi quên
mất rồi.”

Người đàn bà kiên nhẫn đọc lại câu hỏi. Và tôi trả lời là
có. Là đúng vậy. Phim buồn làm tôi buồn lây. Người ta
buồn, tôi cũng buồn lây.

“No one gets away with insulting me. Sỉ nhục tôi thì tôi
sẽ không bỏ qua.”

“Không đúng đâu cô à.”
“Nghĩa là anh sẽ bỏ qua?”
Đúng vậy. Tôi gật đầu. Tôi không bận tâm chuyện hơn
thua với thiên hạ nhưng đụng chạm đến cô ấy thì đừng hòng
tôi bỏ qua. Tôi nhún vai cười một mình. Người thông dịch
nhìn tôi, ngơ ngác.

“I like to speak to strangers. Tôi thích nói chuyện với
người lạ.”

“Để làm gì chứ?”
“Nghĩa là không?”
“Đúng vậy.”
“My future is cheery. Tương lai tôi sáng sủa.”
“Thì lúc này lúc kia.” Tôi chỉ nghĩ tới tương lai những
lúc cô ấy vui. Khi cô ấy buồn, tôi chỉ nghĩ tới hiện tại, mong
làm cô ấy hết buồn.
“Nghĩa là sao.”
“Thì cứ cho là không đúng đi.”
“Thì đúng.” Người đàn bà ghi câu trả lời lên trang giấy.
Tôi nhìn những ngón tay xương. Tôi nhìn vệt lông mày cạo
sửa mảnh như sợi chỉ.
“Nghỉ được chưa cô?”

Rồi thằng bé cũng ngủ say. Trời mưa tầm tã. Hôm qua
dự báo thời tiết bảo rằng sẽ có bão. Mưa rầm rộ trên mái
tôn. Sấm sét ầm ì. Thỉnh thoảng, những tia chớp nhoang
nhoáng xé rách màn đêm. Giờ này không biết cô ấy ra sao
rồi. Tôi nhìn cái đồng hồ điện. Mặt số chớp tắt liên hồi.
Chắc có lúc nào đó điện bị cúp mà tôi không hay. Nhờ mưa
mà không khí mát dịu. Giờ này chắc cũng hai ba giờ sáng.
Mong cho cô ấy sinh con gái như cô ấy vẫn thường mơ ước.
Có con gái mình mua đồ cho nó, mình diện cho nó thấy
cưng lắm há. Tôi nghe rõ ràng từng câu từng chữ cô ấy nói.

Tôi thấy cả cái đồng tiền trũng xuống một bên má lúc cô ấy
nói mài nói miết chữ “cưưưưng”. Tôi thấy hình ảnh cô ấy
mờ ảo trên trần nhà. Tôi nhắm mắt lại. Hình ảnh cô ấy càng
rõ hơn trong trí tưởng.

“Anh.” Tiếng thì thào váng vất trong mưa.
Tôi mở choàng hai mắt.
Bóng Jackie lấp ló bên khung cửa. Trong đêm tối, thân
thể người đàn bà nhỏ bé đến tội nghiệp.
“Mưa to quá!”
Jackie vừa thì thầm vừa lầm lủi đi về phía tôi. Tôi quay
đầu nhìn Timmy. Thằng bé say ngủ co người như con sâu,
lưng quay về phía tôi. Hồi tối nó đòi nằm phía trong vì sợ
ma. Tôi phải nằm ngoài. Bây giờ nó ngủ say; bây giờ tôi
nằm ngoài, chẳng còn ai che chắn giùm tôi.
Jackie lặng lẽ ngồi lên cạnh giường. Sức nặng cái thân
thể thơm tho ấy đè trũng mặt nệm, xô tôi xuống đáy sâu.
“Chưa ngủ à?” Tôi vừa run giọng thì thào vừa loay
hoay ngồi dậy.
“Em sợ!”
Lờ mờ trong bóng tối là đôi vai gầy. Là chiếc lưng
thon. Là hai trái ngực vun đầy. Tất cả ở trong tầm tay với.
Thằng T. có phúc có phần. Tôi nghĩ. Trời đất bao giờ cũng
bất công. Hương thân thể người đàn bà cào cấu giác quan
tôi. Giờ này T. ở đâu. Và bao giờ thì nó lại về, mang theo
một người đàn bà. Bao giờ nó lại tíu tít. Đây là ông anh kết

nghĩa, còn đây là bạn gái em. Chuyến này em nhất định
dừng bước giang hồ.

Một ánh chớp lóe lên, viền sáng khuôn mặt xoay
nghiêng của người đàn bà. Tiếng sấm khuấy động không
gian. “Ôi Giời ơi!” Jackie lùa tay ra sau, bấu lấy vai tôi. Sét
đánh đâu đó thật gần. Mưa sầm sập. Ánh chớp tắt đi, đêm
tối đổ đầy căn phòng. Ánh đèn mờ ảo từ chiếc đồng hồ điện
nhấp nháy. Jackie nghiêng người nhìn tôi. Đường viền của
mũi của môi vạch rõ trên nền đen của bức tranh huyền ảo.
Tim tôi cuống lên những nhịp rối. Bỗng dưng tôi thấy
Jackie đẹp não nùng. Có phải trong bóng tối mọi người đàn
bà đều đẹp. Bỗng dưng tôi nhớ bà Nhiêu. Bà Nhiêu bảo tối
lửa tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà gianh.

“Mưa ơi là mưa!” Câu thở than vô nghĩa. Những ngón
tay người đàn bà vẫn bấu lấy vai tôi.

“Khuya lắm rồi đó.” Tôi nhắc.
“Cho em ở đây nhá.”
“Có sao không?”
“Có sao là sao hở anh?”
Jackie ở lại với tôi đêm ấy. Đêm ấy trời mưa to. Gió
thét, mưa gào. Bão tố ở bên ngoài. Và giông gió ở trong
lòng.
Hương tóc ngào ngạt nhưng sao tôi cứ nhớ tới cô ấy.
Tôi cứ thấy cái bụng cong vòng, cứ thấy khuôn mặt méo
mó vì cơn đau chuyển bụng. Giờ này chắc cô ấy đã sinh

xong rồi. Lần đầu chậm. Con so như cái thằng Timmy này
mới đày ải khổ đau. Lần thứ nhì con rạ đâu có vất vả là bao.

Gần sáng, cái lạnh tẩm vào không gian. Ba đứa tôi chia
nhau cái chăn cũ. Những móng chân Jackie cào xước cả cổ
chân tôi. Tôi ấm cúng trong vòng tay vướng vít của người
đàn bà. Tôi ngất ngây mê mê tỉnh tỉnh bên cái mịn màng lụa
gấm.

Tôi cứ nhủ lòng đừng nghĩ đến cô ấy nữa; ít ra là trong
đêm nay. Nhưng sao cô ấy cứ cười hoài và cái núm đồng
tiền cứ trũng xuống trong trí nhớ.

Mong là cô ấy sinh con gái như cô ấy hằng mơ ước.
Rồi bỗng dưng tôi ngọt ngào với Jackie. Tôi dông dài
như lão già mất trí kể chuyện thời xưa. Tôi thì thầm với nụ
cười cô ấy trong rừng tóc Jackie thơm tho, dịu dàng. Rằng
tôi già rồi. Tôi hai tay trắng. Tôi chẳng có thứ gì. Tôi không
được như thằng T.. Tôi moi óc tìm chữ để ví von rằng tôi
tàn lụi như cái bấc đèn cạn dầu. Tôi lại còn mắc chứng động
kinh. Tôi tật nguyền.
Jackie áp mặt lên ngực tôi, sụt sùi. Một lát, cô ngẩng
đầu dậy, nhoẻn miệng cười. Trong cái nhá nhem của đêm về
sáng, khuôn mặt người đàn bà nhòe nhoẹt nước mắt. Những
sợi tóc dính bết hai bên má, “Anh mới thực sự là đàn ông.
Anh biết không?”
Tôi lú lẫn, không hiểu được những điều Jackie muốn
nói.

Jackie lẩm bẩm một mình, “Có hai loại đàn ông. Một
loại chỉ biết góp nhặt mọi thứ về cho mình. Loại kia còn biết
cho đi, biết chia sẻ.” Nhận xét của Jackie làm tôi bàng
hoàng. Có phải người đàn bà ngày thường vẫn bám lấy T.
đây không.

Rồi trời mưa nhỏ lại. Jackie gối đầu trên cánh tay tôi.
Hai chúng tôi lắng nghe tiếng mưa lộp độp cuối ống máng ở
đầu nhà.

“Đố anh biết đêm mưa ở đây thiếu tiếng gì?”
Tôi ngẩn ngơ suy nghĩ.
Chờ mãi không thấy tôi trả lời, Jackie thì thầm, “Tiếng
ếch nhái, ễnh ương, anh nhớ không?”
À tôi nhớ ra rồi. Những con ễnh ương hay phình bụng
bên bờ nước. Những con ễnh ương đêm mưa lũ à uôm gọi
nhau vang động cả thôn xóm quê xưa.
Mười ngón tay của Jackie theo nhau vạch những đạo
bùa mê hoặc trên thân thể tôi gầy gò. Người tôi bừng nóng.
Toàn thân tôi lên đồng. Tôi ngây ngất chìm xuống vực sâu.
Bỗng tôi nhớ ra; tôi nhớ bác sĩ bảo tôi phải xa lánh
những nguồn cơn xúc động.

Ông luật sư cứ thuyết phục tôi kể thành thật mọi
chuyện. Tôi nhận là mình có lấy mà không kể lý do, không
cho biết lấy để làm gì thì ông ta lại không chịu. Luật pháp gì
mà rắc rối, phiền phức đến không ngờ. Tôi kể chuyện dông
dài, ông ta cũng kiên nhẫn ngồi nghe. Chỉ khổ anh chàng

thông dịch họ Vương. Lúc hết chuyện để kể, tôi ngồi nhớ
hai đứa bé. Nhớ thói quen của từng đứa. Có lần tôi mua cho
chúng nó hộp sữa sô-cô-la mầu nâu. Thằng bé uống viền
một đường bọt quanh mép. Uống xong, nuốt ực một cái rồi
“hà” thật hả hê. Cử chỉ dễ thương ấy làm tôi nhớ đến bố nó
trong bàn nhậu. Không biết cô ấy có ý nghĩ giống tôi không.
Jackie hay hỏi hai đứa bé bố đâu (mỗi lúc thấy tôi chăm sóc
chúng nó). Mỗi lần như vậy, thằng bé lại toét miệng cười.
Bố đi làm. Chắc cô ấy dạy con như thế. Dẫu cô ấy biết
thằng đàn ông ấy bỏ đi bặt tăm, nghe nói cặp bồ đâu đó ở
Windsor, gần sòng bài. Ảnh quen con nhỏ đó ở ca-si-nô.
Con nhỏ đó thua bài, ảnh cho nó mượn tiền chơi tiếp. Mấy
lần đầu nó còn trả. Riết rồi thua quá, khỏi trả luôn. Cuối
cùng nó dụ ảnh về ở chung luôn. Ở Windsor, gần sòng bài,
khỏi mất công lái xe đi xa, khỏi tốn xăng. Dù thằng đàn ông
đối xử tàn tệ vậy mà cô ấy vẫn một tiếng “ảnh” hai tiếng
“ảnh.” Thằng đàn ông pác-ty, nhảy đầm, ka-ra-ô-kê và ca-
si-nô liên tục trong khi cô ấy ở nhà ôm con mà hát những
câu ru tôi nghe mà nát cả ruột gan. Có lần tôi phải coi con
cho cô ấy đi họp ở văn phòng trợ cấp xã hội. Không lâu
đâu, bà xã hội nói là chỉ có tối đa một giờ hà. Tôi thầm nghĩ
đi bao lâu cũng chả sao, miễn là đừng đi đâu. Mà tại sao tôi
lại không muốn cô ấy đi đâu khác hơn là cái văn phòng trợ
cấp xã hội nhỉ. Người ta còn trẻ, còn bạn bè. Những cô bạn
cùng trang lứa. Mới từng ấy tuổi đầu đã tay bế tay bồng

chẳng phải đã là một điều thua thiệt đó sao. Lúc về cô ấy
bảo bên xã hội cho tách hồ sơ ra để ảnh khỏi lấy hết tiền đi
ca-si-nô. Sau lần ấy, thằng đàn ông không còn rút tiền trong
băng được nữa. Nó trở về làm lớn chuyện. Lần ấy, tôi ở căn
gác bên này bồn chồn như con thú bị vòng xích xiềng quanh
cổ. Tôi không nói tên, không cho địa chỉ mà chỉ mấy phút
sau, cảnh sát đã gõ cửa căn nhà có tiếng trẻ con khóc rần
vang như tiếng khóc ở phòng y tế phường bên nhà những
hôm có chích ngừa. Hồi mới có con bé Amy, một lần đang
bế nó trên tay, tôi bị nó ọc sữa loang đầy ngực áo. Đặt con
bé lên nôi, tôi vào nhà tắm để rửa ráy. Đóng kín cánh cửa,
tôi bần thần quên cả cái lý do tại sao mình vào nhà tắm.
Như đứa bé tò mò, nghịch ngợm, tôi cầm chiếc áo ngực cô
ấy phơi ở cái móc treo đầu vòi nước lên. Chiếc áo bị sờn sợi
dây đeo. Tôi tò mò nâng cái áo ngực lên ngang tầm mắt.
Tôi nhìn quanh quất bốn bức tường và khung cửa đóng kín.
Không có con mắt nào soi mói nhìn tôi. Không có ống kính
đen ngòm của chiếc máy quay phim bí mật nào. Chỉ có
người đàn ông trong tấm gương soi tóc phủ xuống trán, mắt
nhìn xăm xoi. Chỉ có tôi thấy tôi đang cầm chiếc áo nịt ngực
trên tay. Tôi yên tâm ấp hai cái hình nón vun cong lên mặt,
hít hà. Không có mùi da thịt, chỉ có mùi sà bông giặt đồ.
Hình như cùng loại sà bông tôi xài ở nhà. Mùi sà bông sao
cũng làm tôi chóng mặt. Sợi vải trên mép sờn của chiếc áo
ngực rà nhẹ lên má rờn rợn cảm giác. Cái rạo rực ngủ yên

chợt khuấy lên như con sóng lạ từ vũng biển tối ám, đổ lên
bãi cạn với những doi đất rải rác xác cá chết. Trái tim tăng
nhịp như giàn trống trong lễ tế thần cuối một mùa nắng hạn.
Tôi ép chiếc áo ngực sát mặt mình. Mũi môi chạm cả vào
cái khung nhựa tổng hợp mềm mại. Hít hà mê mải. Hơi thở
vất vả luồn qua khoảng hẹp của hai lỗ mũi bị ép chặt. Tiếng
thở phì phò như tiếng thổi bên bếp lửa tàn. Tôi hít vào chậm
rãi. Tôi thở ra vội vàng. Như thể sự chênh lệch thời gian của
mỗi lần hít vào thở ra sẽ đem lại cho tôi nhiều hơn cái hơi
hướm nhiệm mầu của đời sống. Tiếng thở ì ạch đổ ngược
vào tai. Tôi mơ hồ cảm giác chóng mặt. Tấm gương chữ
nhật ngả nghiêng, mờ ảo. Mùi sà bông giặt đồ quen thuộc.
Những ngón tay siết chặt sợi dây đeo. Sợi dây mắc trên một
bên vai có lớp da mịn màng. Sợi dây bung ra trong trí
tưởng. Hai chóp nón bung ra. Thịt da ấm áp. Tôi cắn răng
ghìm xuống những tiếng rên mê muội. Mảnh thịt da trắng
hồng trải dài như cánh đồng tuyết mùa đông xứ người. Tôi
vùi mình vào cơn mê muội. Và tôi nghe mơ hồ tiếng người
con gái thì thầm những ngôn từ lạ mặt.

Ông luật sư buông thân mình xuống ghế một cách lười
biếng. “Nghĩ kỹ đi.” Ông ta vừa nói vừa gãi cằm. Những sợi
râu như đám râu ngô phơi già con nắng.

Người thông dịch ngồi ở chiếc ghế bên cạnh tôi. Người
cảnh sát đứng sát khung cửa đóng kín muốn như bít luôn cái
lối thoát cuối cùng và duy nhất của tôi tới mức không khí

cũng không lọt vào được. Người thông dịch chăm chú bắt
từng câu nói của ông luật sư, dịch lại cho tôi nghe.

“Hãy nói thật với tôi. Tôi không muốn lúc biện hộ
trước tòa, lại bị những cú bất ngờ.”

“Cú bất ngờ gì?” Tôi hỏi người thông dịch.
Luật sư và thông dịch viên nói chuyện với nhau. Tôi
ngồi ngây ra đó. Họ phải đi cùng với nhau thành cặp, còn
tôi đã có người cảnh sát.
“Bất ngờ là bây giờ anh nói thế này, lúc ra tòa anh đổi
ý, nói thế kia. Luật sư không biết đường nào mà biện hộ.”
Tôi gật gù. Thì ra vậy.
“Bây giờ nói thật cho tôi biết. Anh lấy mấy thứ ấy để
làm gì?”
Tôi cúi nhìn nền nhà. Cái mầu đỏ thẫm gãi lên tròng
con mắt làm xốn xang như người đau mắt hột. Chân bàn gỗ
nâu có những vết trầy, chắc gây ra lúc được người ta di
chuyển từ nơi này qua nơi khác. Trong góc nhìn rã rời, tôi
thấy cả hai mũi giầy của người cảnh sát. Mầu da đen bóng.
Có một vết lấm ở mũi giầy bên trái. Vết lấm nhỏ như dấu
ngón tay ai đó chạm phải. Cúi đầu thêm chút nữa, tôi thấy
đường viền khung cửa chữ nhật.
“Anh lấy cho anh hay cho ai?”
Người thông dịch lập lại câu nói của ông lụât sư.
Tôi trả lời, mắt vẫn dán vào những vết trầy ở chân bàn,
“Tôi thấy có gì khác nhau đâu!”

“Khác chứ,” Ông luật sư như chỉ chờ có thế, vội tuôn
ra một chuỗi âm thanh hùng hồn.

Người thông dịch cũng xôn xao hùa theo. “Lấy cho ai
thì nhẹ tội hơn là lấy cho mình. Tôi có thể biện luận rằng
anh thương ai đó nghèo túng mà lấy đồ về cho, còn lấy cho
anh thì khác.”

Tôi ngẩng đầu lên, nhìn qua người thông dịch, “Khác
cái gì?”

“Anh là đàn ông hay đàn bà?”
Tôi ngỡ ngàng nhìn người đàn ông. Hắn ta có dịch bậy
không đây. Bộ hắn muốn chọc quê tôi hay sao vậy. Hắn
không thấy tôi là đàn ông sờ sờ ra đây sao. Đàn ông với tất
cả những ham muốn khát khao của con vật giống đực;
những con vật mải mê chinh phục, những con vật chỉ biết
chiếm đoạt hung hăng mà không biết giữ gìn, che chở.
“Trả lời đi chứ. Anh là nam hay nữ?”
“Nam, đàn ông, man.” Tôi gằn giọng, chêm cả tiếng
Anh vào cho ông luật sư nghe.
Ông luật sư ngồi thẳng người trên ghế, hai bàn tay đặt
lên nhau trên mặt bàn, hoan hỉ, “Đấy nhé. Đàn ông đâu có
cần áo nịt ngực và quần lót phụ nữ.” Bra, pantyhose. Hai
chữ tôi nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần rồi.
“Thì sao?” Tôi ngang ngạnh.
Nụ cười nở ra làm sáng hẳn khuôn mặt rậm râu, sâu
mắt của ông luật sư.

“Đàn ông xài mấy thứ đó là có vấn đề, là lệch lạc tâm
lý.”

Tôi ngẩn người suy nghĩ. Cái chân bàn trầy trụa lại
khập khiễng bước đi trong mắt nhìn. Sao mà phức tạp đến
như vậy nhỉ.

Ông luật sư vẫn ung dung. Người thông dịch thì hỉ hả,
“Lấy cho người khác có thể coi như làm việc thiện. Lấy cho
mình là lệch lạc tâm lý. Là pervert, là antisocial behaviour,
là chống lại xã hội; phải vào bệnh viện tâm thần lâu lắm.”

Bệnh viện tâm thần à. Lố nhố những bóng người hiện
ra trong óc tôi. Áo quần rách rưới, thân thể hôi mốc. Chân
dép, chân giầy. Nói năng lảm nhảm như loài bò nhai hoài
mớ cỏ khô. Không điên mà ở chung với đám ấy hẳn khám
phá vô số điều hay. Có thời giờ, tôi cũng muốn vào hẳn
trong dưỡng trí viện sống ít lâu xem đời sống trong ấy nó ra
làm sao. Nhưng đấy là chuyện xa vời, bây giờ không thể để
người ta nhốt mình vào trong ấy. Tôi có ít ra cũng một
người để sống với; để lo cho, và để chia sẻ đời mình.

“Anh hiểu rõ chưa?”
Tôi lặng lẽ gật đầu.
“Nhớ là lấy cho người khác có thể cãi vòng vo được,
còn lấy cho mình thì khó giải thích lắm đó.”
Tôi lại gật đầu.
“Nghĩ kỹ đi.”

Mùa màng chi kỳ lạ. Đến tháng này mà vẫn còn bão
tuyết. Những con mắt nhìn trời. Những con mắt nhìn nhau.
Những cái lắc đầu đồng tình. Những cái nhún vai chán nản.
Phòng xử quen thuộc. Tôi đã đến nơi này nhiều lần như con
chiên đến giáo đường nghe những lời kinh dông dài của đời
sống. Buổi sáng, ngồi ngáp dài, nhớ ly cà phê từ thiện của
cơ quan Đa Văn Hóa tôi vẫn thường ghé qua mỗi sáng,
uống vội. Cơ quan giúp những người mới đến định cư ở xứ
sở này. Chút ân huệ ấm cúng. Ly cà phê không tính tiền.
Bình sữa lỏng mười phần trăm. Gói đường nhỏ. Công thức
cho buổi sáng. Những ngày tháng lông bông nơi xứ sở lạ
lẫm, tôi thường ghé nơi ấy, uống nhờ một ly cà phê. Một
gói đường nhỏ thôi. Bác sĩ bảo tôi lớn tuổi rồi, phải bớt ăn
đường lại. Những buổi sáng trống trải như buổi sáng hôm
nay.

“Ông có bao giờ coi phim con heo không?”
Sau câu dịch sỗ sàng của người thông dịch, hai người
đàn ông nhìn tôi chăm chú. Tôi biết người cảnh sát đứng sau
lưng tôi cũng nghiêng đầu nhìn. Không nhìn sao được. Bởi
cái câu làm mặt tôi nóng bừng như bất thần lên cơn sốt.
“Con heo?” Tôi lúng túng với cả câu hỏi lẫn câu trả lời.
“Phim bậy bạ đó.” Người thông dịch giải thích.
Tôi thả tia nhìn qua vai người luật sư, tìm kiếm vu vơ
một câu trả lời thỏa đáng trên đường viền quanh những
vuông gạch mầu kem trên tường.

“Có không?”
Bỗng dưng tôi quay đầu nhìn người cảnh sát. Người
cảnh sát nhìn ông luật sư. Hai người nói với nhau gì đó rồi
người cảnh sát gật đầu, mở hé cánh cửa, lách ra ngoài.
“Bây giờ anh có thể thoải mái trả lời.” Ông luật sư nheo
mắt với tôi.
Tôi lí nhí cám ơn bằng thứ tiếng Anh vụng về.
“Có coi phim con heo không?”
Tôi nhớ cuốn băng hình thằng T. cho mượn. Những
người lính thuỷ da trắng và bọn đàn bà Châu Á. Cuốn phim
chắc đã được sang đi sang lại hàng trăm lần bởi những
đường cong nếp gấp của da thịt không còn sắc nét, nhưng
vẫn gợi lên cái thèm muốn đuối người.
Tôi có nên kể cho người ngoài nghe về cuốn phim bí
mật ấy không đây.
“Chắc có chứ nhỉ?”
Ai đó đẩy nhẹ đầu tôi xuống thành cái gật đầu tự thú.
Ông luật sư thở phào.
Người thông dịch không dấu được nét hân hoan trong
ánh mắt.
“Tôi hỏi vì biết thế nào công tố viện cũng hỏi trước
tòa.”
Tôi gật đầu. Lần này thì chính tôi chọn cái động tác
đơn giản ấy.

“Câu này quan trọng. Anh có bao giờ bắt bạn gái hay
vợ anh làm mấy trò giống trong phim không?”

“No.” Tôi bật vội câu trả lời bằng tiếng Anh.
Khi không hình ảnh cô ấy ùa về trí nhớ. Thơm ngát
những ngăn tình. Đi đứng hồn nhiên như trẻ thơ; nói cười
tíu tít như chim mới tập xoải đôi cánh non đo đếm bầu trời.
Môi hồng lúc nào cũng hơi dẩu ra một tí, như dấu một câu
chào. Và mắt long lanh ngàn lời không thể nói. Tôi chỉ có,
chỉ còn cô ấy. Và cô ấy mỏng mảnh như ước mơ, ai dám
làm hoen ố.
“Không bao giờ.” Tôi cam kết với hình ảnh cô ấy đổ
đầy trí nhớ.
“Tốt. Bây giờ trở lại câu hỏi ban nãy.”
“Câu hỏi nào?” Tôi ngơ ngác. Người ta luôn luôn đẩy
tôi từ bỡ ngỡ này tới lo âu khác.
“Câu ban đầu. Anh lấy đồ trong tiệm cho mình hay cho
ai?”
Tôi cúi đầu suy nghĩ. Ý tưởng xoắn lấy nhau trong óc.
Đâu có thể làm hại người ta như vậy được. Cô ấy không có
tội tình gì. Khai ra, người ta nghĩ cô ấy là bạn gái và ai cấm
người ta nghĩ tôi đã từng làm chuyện phim ảnh tồi tệ với
người con gái mỏng manh như tơ trời.
“Cho ai?”
Tôi muốn trả lời một lần cuối cùng là cho tôi, nhưng
sao tôi bỗng ngại ngần.

Hệ thống sưởi nhà cô ấy hoạt động không đúng mức.
Lúc nóng, lúc lạnh. Những ngày chớm đông, tuyết đổ về từ
phương bắc. Gió lạnh cắt da. Mẹ con cô ấy co ro chung một
giường. Bỏ trống một phòng chẳng phải vì thằng bé Timmy
không chịu ngủ riêng mà vì lạnh, mẹ con cô phải cuộn vào
nhau để giữ hơi ấm.

Mới đầu mùa mà ba mẹ con lúc nào cũng phải mặc áo
len trong nhà.

Nghe cô ấy than thở hoài, tôi bảo để tôi đi nói với quản
lý giùm. Chủ nhà cho sửa hệ thống sưởi xong, nhà lại nóng
quá. Không có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, cả ba mẹ con
đành chịu môi miệng khô nứt. Tôi hiểu cái khổ đó lắm, cho
dù tôi sinh ra ở xứ sở quanh năm nóng bức. Mùa đông ở
đây, buổi sáng thức dậy, mắt mở không ra vì rử mắt dầy
cộm hai mí. Miệng khô, môi dộp, dòn như miếng bánh đa
khô.

Buổi tối hôm trước lễ Giáng sinh (năm nào tôi không
nhớ rõ, nhưng tôi biết chắc là hôm trước lễ Giáng sinh), tôi
gõ cửa nhà cô ấy.

Cô ấy ra mở cửa, con mắt ngỡ ngàng. Hơi nóng ùa ra
theo ba mẹ con cô ấy. Cô ấy suýt soa ui da, hai cánh tay
vòng trước ngực. Hai đứa bé nhùng nhằng sau lưng mẹ. Cả
ba mẹ con đều đỏ au đôi má.

“Hello.” Cô ấy đây; tiếng chào trên môi và câu hỏi
trong mắt nhìn.

Tôi hello đáp lời. Hai đứa bé nhìn chăm chú cái bọc ny
lông tôi cầm trên tay.

“Ui da, ngoài này lạnh dữ ha!”
Tôi gật gù.
Cô ấy mở rộng cánh cửa, đứng lách qua một bên,
không nói.
Tôi lặng lẽ lách người vào. Mùi xào thức ăn đọng trong
không khí. Tôi tháo giầy xếp bên khung cửa, rồi cởi áo
choàng mùa đông vắt lên lưng chiếc ghế dài phòng khách.
Bây giờ tới phiên cô ấy nhìn cái bọc ny lông trên tay
tôi.
“Cái chi dzậy?”
Tôi không trả lời vào câu hỏi, “Nhà gì mà nóng quá
trời.”
“Tại cái đồ sưởi hổng chỉnh được gì hớt!” Cô ấy nói
vội, như thể đó là lỗi của mẹ con cô.
Tôi hăng hái nhìn vào đôi mắt đen nhánh, “Có cách
rồi.”
“Lâu lâu phải mở cửa sổ đó.”
Tôi nhìn xuống cái cổ áo xẻ sâu vào khoảng trũng dưới
xương ức. Cái cổ trắng ngần như cổ loài ngỗng trời. Vậy mà
có một thằng đàn ông đã một lần vừa bóp chặt hai bàn tay
quanh chiếc cổ thuôn ấy vừa vung vãi những lời miệt thị.
“Coi chừng ăn trộm.”

“Nhà hổng có gì cho ăn trộm hớt.” Cô nói, lim dim đôi
mắt. Cái nhìn nghiêng nghiêng như mảnh gió liếc qua khung
cửa hẹp.

Tôi lặng người chiêm ngắm. Mỗi lần ngắm nghía cái
nhìn của cô ấy, tôi đều khám phá ra một điều gì đó mới mẻ.
Ý nghĩa đôi khi bật lên như ngọn đèn soi sáng căn phòng
tăm tối, đôi khi như ngọn nến nằm đâu đó trong căn phòng
lạ, tôi phải mò mẫm, tìm kiếm hụt hơi mới mong thắp sáng.
Sự tìm kiếm gian nan nhưng đầy hứng thú. Bởi khi thắp lên
được ngọn nến lẻ loi, căn phòng trái tim tôi bao giờ cũng
ấm cúng, dịu dàng.

Ý nghĩa cái nhìn của cô ấy buổi tối hôm ấy như ngọn
nến dấu trong căn phòng tăm tối. Tôi phải lần mò vất vả mà
không chắc đã tìm ra đúng ngọn nến huyền nhiệm.

“Nhà có mấy miệng lò sưởi?” Tôi hỏi.
Cô ngó quanh quất phòng khách, hất mái tóc ngước lên
cầu thang, rồi quay lại.
“Cả thảy bốn cái. Phòng khách, nhà bếp, hai phòng
ngủ.”
Miệng lò sưởi phòng khách và nhà bếp thì tôi biết.
Tôi mở bọc ny-lông lấy ra cuộn băng keo kỹ nghệ.
“Mình dán bớt miệng lò sưởi lại cho khỏi nóng.”
Cuốn băng keo không phải là thứ trẻ con mong đợi nên
hai đứa bé bỏ mặc tôi và mẹ chúng lại đó, chạy lại trước
máy truyền hình, giành nhau bấm đài.

Tôi hì hục gỡ băng keo dán giăng ngang từ đầu này đến
đầu kia miệng ống sưởi. Tiếng tháo băng keo xoàn xoạt. Cô
ấy đứng xớ rớ phía sau. Dán xong hai miệng lò sưởi nhà bếp
và phòng khách, tôi hể hả, “Thấy đỡ nóng phải không?”

Cô ngoan ngoãn gật đầu, “Dzậy mà hổng nghĩ ra.” Rồi
cô cười với tôi, thật hồn nhiên.

Trong một giây, chúng tôi không có gì để nói.
Tôi nhìn những bậc cầu thang dẫn lên hai phòng ngủ.
Cô ấy nhìn tôi; cái nhìn của đứa trẻ đi lạc.
“Còn hai chỗ nữa phải không?” Tôi nghe giọng mình
lạc đi ở cuối câu.
“Dạ.” Tiếng dạ của cô nghe xa lơ lắc.
“Dán cho xong luôn.” Tôi mạnh dạn đề nghị.
“Khoan!”
Tôi nhìn cô, những đầu ngón chân bấu chặt xuống nền
nhà như thể sợ mình sẽ thành chiếc bong bóng, bay bổng lên
trần.
Cô mở to đôi mắt. “Trển tùm lum lắm đó.”
“Không sao.”
Tôi dợm bước về phía cầu thang, nhưng cô lại khoan
thêm lần nữa.
“Chỉ dán miệng lò sưởi thôi nghe.” Cô căn dặn.
Tim tôi lồng lên trong lồng ngực. Tôi nghe giọng nói
mình khao khao.
“Thì dán miệng lò sưởi thôi.”

Cô nắm bàn tay lại, đưa một ngón trỏ dư dứ trước mặt
tôi, “Hổng được nhìn gì hớt nghe. Trển tùm lum lắm đó.”

“Thì ô-kê mà!”
Hôm ấy, tôi như kẻ gian đào tường khoét ngạch nhà
người ta mà chẳng biết phải ăn trộm thứ gì. Bởi mùi nước
hoa dịu dàng trong căn phòng của người thiếu phụ làm đầu
óc tôi bồng bềnh như chiếc lá xuôi dòng nước lũ.
Và tôi giữ lời hứa. Tôi không nhìn gì hết. Tôi không
nghĩ gì hết. Tôi chỉ chăm chú một công việc dán bớt miệng
lò sưởi để mẹ con cô ấy không bị hơi nóng hong khô cổ
họng, phỏng dộp thịt da.
Nhưng tôi nhớ mãi chiếc gối lẻ loi, nằm xô lệch ở đầu
giường. Chiếc áo gối mầu hồng lợt. Mầu áo của những
người con gái lúc mới về nhà chồng.

Lại chờ, lại đợi. Đời tôi nếu không chờ đợi chắc tôi
không còn biết phải làm gì.

“Mình thắng rồi.” Ông luật sư hí hửng nói. “Có tường trình
của bác sĩ tâm thần.”

“Tôi không điên phải không ạ?”
“Không.”
Ông luật sư nheo mắt.
Tim tôi nhói lên trong lồng ngực. Cơn vui làm tôi nói
không nên lời. “Vậy là... vậy là tôi được về phải không ạ?”

“Yep.”
Tôi sắp gặp lại cô ấy rồi. Tôi định hỏi như vậy sẽ có hồ
sơ phạm pháp không, nhưng lại thôi. Được về là quý rồi, hồ
sơ hay không cũng chẳng có gì quan trọng. Tôi chỉ cần gặp
cô ấy. Thằng cu Timmy không biết có còn ho sù sụ không.
Hai đứa con cô ấy, mùa đông năm nay èo uột như những
con gà rù.
Nhưng luật sư không để tôi thong thả với cơn vui. Thế
gian này không ai cho phép tôi thong thả với cơn vui.
“Mấy tháng sau mới chính thức ra tòa.”
Tôi ngơ ngác nhìn cả người thông dịch lẫn ông luật sư.
“Thế... không được về luôn à.”
“Không. Ông được tạm tha. Hiểu không? Bail. Ông
được bail ra.”
Người thông dịch kết luận.
“Nhưng bữa nay chưa được. Phải chờ phiên tòa kế tiếp.
Hôm nay bão tuyết, high-way đóng, công tố viện không lại
được.” Người thông dịch nói một hơi. Khuôn mặt hắn
không bộc lộ một chút gì bản tính con người. Hắn lạnh lùng
như đá, như băng tuyết đắp đầy những lề đường thành phố.
Lâu lắm hắn không còn nói chuyện tiếu lâm.
“Nhưng ông vẫn phải khai lấy cho ai.”
“Có phải khai tên người đó không, rồi người ta có bị
tòa làm khó dễ gì không?” Tôi hỏi vội.
“Không! Chỉ cần nói lấy cho người khác là ô-kê.”

“Vậy thì tôi lấy cho người khác.”
“Ai?”
Tôi sựng lại, nhưng tôi cũng nhanh trí. Tôi đâu có dại
gì khai tên cô ấy ra, tôi đâu có dại gì làm hại người ta như
thế.
“Tôi lấy cho một bà trong xóm, cùng khu nhà nhà
nước.”
Khi tôi nói ra lời nhận tội gian ngoa ấy, hình ảnh bà
Nhiêu hàng xóm hiện ra rõ mồn một nói cười chí chóe, đi
đứng rầm rộ trên màn hình ký ức.

Lại còng tay, xích chân. Lại nhích từng bước ra bãi đậu
xe. Lại một mình co ro trên băng ghế sau xe cảnh sát.
Khung mắt cáo vây quanh như cái lồng gà. Cái lồng chỉ có
thể mở cửa từ bên ngoài. Xe chạy vun vút. Khung cảnh lướt
thướt vạch dài trong mắt nhìn. Nhìn chán, tôi nhắm mắt lại.
Hình ảnh những người thân lũ lượt kéo nhau đi trong trí
tưởng. Ở đâu cũng thấy những vệt buồn. Đã lâu, tôi không
còn chạy trốn nỗi buồn. Nỗi buồn và tôi thành hai đứa bé,
chán cái trò bịt mắt bắt dê, đành ngồi nhìn nhau, cười nói
ngu ngơ. Tôi nhớ người đàn bà còn ở quê nhà. Nghe nói bà
ấy đã vượt biên và tới Úc rồi. Tôi chẳng tin. Tiền bạc đâu
mà đi tới tận cái nước Úc xa xôi ấy. Có đứa bảo tại tôi có
bạn gái ở trại tỵ nạn nên bà ấy giận tôi. Tôi cũng chả tin.
Ngày xưa, thỉnh thoảng còn gửi được cho bà ấy một trăm
bạc. Tôi nhớ hai đứa con. Con gái lớn bỏ đi sống với bạn bè.

Con trai chung với người đàn bà tị nạn thì bặt tông tích.
Không có Jackie, không có cô ấy, không còn ai quẩn quanh
để nhắc tôi uống thuốc. Những viên thuốc dài mầu trắng.
Những viên thuốc tròn mầu vàng. Những viên thuốc con
nhộng đầu đen, đầu đỏ.

Có lẽ lần gặp tới, tôi sẽ phải kể cho luật sư rõ ràng tại
sao tôi lấy trộm đồ lót phụ nữ cho bà Nhiêu; cái bà “Tối
ngày ví von ca dao tục ngữ.” Tự nhiên tôi nói một mình như
thế.

Người cảnh sát quay lại, hỏi qua song sắt khung mắt
cáo câu gì đó. Ông ta làm tôi giật mình. Tôi đoán ông ta
thắc mắc cái câu tôi vừa lẩm bẩm một mình bằng tiếng Việt.

Người cảnh sát nhìn tôi, chờ câu trả lời.
Tôi lắc đầu. No. Nothing.

Thằng T. càng đi lâu, tôi càng khốn khổ.
“Anh có chắc anh... yếu không?” Một lần nọ, Jackie tra
khảo tôi.
“Chắc mà!”
“Em không tin.”
Tôi cố nhớ lại cái đêm hôm ấy.
“Jackie không nhớ bữa hôm bão à?”
Người đàn bà nhoẻn miệng cười, “Anh nói dối em nữa
nhá.”
“Thật chứ dối cái gì.”

Jackie vênh váo, “Anh coi em như con bé Amy chắc!
Chính tay em check đấy ông anh ạ.”

Mặt tôi nóng bừng. Tôi lúng túng ngồi thụt sâu vào
lòng chiếc ghế. Tôi mơ ước được trôi tuột vào cái hố vô
hình nào đó sau lưng ghế; lọt sâu xuống nền nhà.

“Cứng như sắt mà cứ chối...”
Tôi điếng người. Tôi thù ghét thằng T. Tôi thù ghét cả
tôi. Tại sao nó đem Jackie về rồi bỏ người ta vất vưởng.
Còn tôi, sao tôi lại đóng hoài cái vai quân tử Tầu vô tích sự
giữa đời sống đảo điên giật giọng.
Jackie chợt ngưng cười, “Em biết tại sao anh không...
làm gì rồi.”
“Tại sao?” Tôi mừng rỡ.
“Em không bằng người ta của anh.”
“Chẳng phải đâu. Tôi thề...”
“Vậy chứ tại sao? Anh có sợ có con với em không?”
Tôi nghĩ đến đứa bé có đôi mắt đa tình của Jackie. Đời
nó sau này hẳn sẽ lại long đong.
“Con của Jackie chắc sẽ đẹp gái lắm.” Tôi lấp liếm.
“Vậy thì tại sao; em chỉ muốn biết tại sao thôi... Em thề
em sẽ không giận hờn gì hết. Nói em nghe đi. Em thắc mắc
lắm kìa. Đàn ông nào lúc ấy cũng cuống lên mà hùng hục.
Nói em nghe đi. Tại sao?”

“Anh là bạn chú T., Jackie à.” Tôi điềm đạm trả lời, cố
pha chất lạnh lùng vào giọng nói, hy vọng sẽ dập tắt đi cái
mồi lửa đang hăm he làm cơn hỏa hoạn.

“Bạn của anh T. thì đã sao.” Jackie thản nhiên, “Em có
là gì của anh ấy đâu.”

Tôi ngỡ ngàng. Sống với nhau già nhân ngãi, non vợ
chồng (như bà Nhiêu thường nói) mà bảo không là gì của
nhau cho được.

Xong câu nói, Jackie cười thật tươi. Rồi bỗng dưng cô
chồm người tới, xoa nhẹ bàn tay lên bụng tôi, thật sâu, tận
phía dưới thắt lưng quần, “Em tha cho anh lần này đấy!”

Tôi thót bụng lại, bủn rủn hết tay chân.
Jackie đứng bật dậy, “Em tha cho anh lần này. Lần sau
mà còn vậy thì biết tay em.”
Jackie tha cho tôi nhưng biết thằng T. có tha cho tôi
không. Rồi biết tôi có tha cho tôi không.
Và cô ấy nữa; dễ gì cô ấy chịu tha thứ cho tôi.

Mai mốt tôi về chắc sẽ phải điếc tai mà nghe bà Nhiêu
dạy dỗ rằng giấy rách phải giữ lấy lề. Rằng cái việc tôi làm
đúng là khôn ba năm dại một giờ. Rằng hẳn bây giờ tôi đã
hiểu thế nào là nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.

Đã dấu tờ báo, xếp gọn lại, nắm chắc trong lòng bàn
tay không cho ông thấy nhưng lúc ấm nước sôi, réo vang
sau bếp, cô quăng vội mảnh giấy lại, tuông chạy ra sau.

Người đàn ông vồ lấy tờ báo, luống cuống như đứa ăn trộm
mới ra nghề. Ông ngồi thẳng người lại, dựa vào lưng ghế,
thở phào khoan khoái và lắng nghe tiếng ly muỗm chạm
nhau lanh canh sau bếp. Ông muốn chạy ra sau phụ cô một
tay nhưng niềm vui giữ chân ông lại, dán người ông vào
lưng ghế. Hơn nữa ông sợ cô nhớ ra mảnh giấy quảng cáo.
Cũng may cô có tật hay quên. Rồi bóng cô lại hiện ra. Cô
bưng cái khay nhôm có hai cái ly và một phin lọc cà phê ra.
Cô cẩn thận đặt cái khay xuống bàn. Một sợi khói mỏng
luồn ra từ khe hở nắp đậy bình lọc cà phê.

“Mua ở đâu cái phin đẹp thế?” Ông hí hửng với câu
hỏi, cố đánh lạc hướng những điều cô có thể đang nghĩ
trong đầu.

“Người ta cho đó.” Câu nói làm lòng ông cau lại như
nếp nhăn trên tờ giấy mới.

Cô đứng phía bên kia chiếc bàn hình chữ nhật, đối diện
ông, khom người đặt cái khay lên mặt bàn. Chiếc áo sơ mi
mầu xanh da trời ánh lên khuôn mặt cô cái mỏng mềm của
một mùa xuân dịu dàng mới chớm. Tia nhìn gian lận của
người đàn ông bò theo cái cổ áo bẻ không đều, vẽ xuống
một vòm cong mờ ảo chiếc áo ngực mầu trắng dường như
lấm tấm hình những lá hoa mầu xanh của biển. Chẳng biết
đó có phải chiếc áo ngực ông đã thấy hôm nào trong phòng
tắm nhà cô không. Ông hít một hơi dài để tự trấn an và
chăm chú nhìn những giọt cà phê đen bắt đầu rụng xuống

trong lòng chiếc ly thủy tinh. Những giọt cà phê bám vào
nhau, dan díu trên mặt lớp sữa đặc trắng ngà.

“Có một phin thì ai uống ai không đây?” Ông hỏi cho
có chuyện.

Cô ngồi xuống chiếc ghế đối diện ông, môi cười dịu
dàng. “Thì pha hai ly, một ly đặm một ly lợt.”

Ông lại ngả người, dựa lưng vào thành ghế mềm mại.
Tờ báo quảng cáo xếp vội cồm cộm trong ngực áo. Ông
nhìn cái phin cà phê đã ngưng nhỏ giọt. Cô nhìn theo ông và
vội vã cầm cái bình lọc lên, đặt lên ly sữa của cô rồi chạy
vội ra sau. “Để nấu thêm nước sôi.”

Cô bước đi vùn vụt, để lại trong không gian ông một
vạt gió nhẹ và một thoáng hương dịu dàng. Có tờ báo
quảng cáo trong túi áo ngực ông thấy yên lòng. Cũng may
mà cô ấy dễ quên.

“Mấy đứa nhỏ đâu hết rồi?” Ông hỏi vọng ra sau.
“Chưa đứa nào thức nổi đó!” Tiếng cô vọng lên từ sau
bếp.
Một lát có tiếng reo của nước sôi. Rồi cô cầm ấm nước
lên, đứng đối diện ông, hơi cúi xuống, đổ nước vào cái bình
lọc cà phê đặt trên ly sữa của cô. Lúc ngước mắt lên, bắt
gặp tia nhìn đăm đăm của ông, cô lúng túng, “Tối thứ bảy
nào cũng thức khuya...”
“Coi phim hoạt họa hả?”

Má cô bỗng dưng đỏ nhừ, “Hoạt họa đâu mà có ban
đêm. Hôm qua vô phòng tụi nó, chèn ơi thấy tụi nó coi cái
đài quỷ dịch gì đâu quá trời bậy bạ.”

“Gì mà bậy bạ?” Ông tò mò.
Cô nhìn vu vơ lên vách tường, nơi ông biết chắc, không
có gì khác hơn cuốn lịch treo tường có hình người mẫu Việt
Nam mặc áo dài cổ cao trông cứng như tượng gỗ.
“Phim người lớn không hà! Ti-vi gì thấy sợ luôn.”
Ông tan vào chất mầu đỏ thắm trên má cô. Rồi ông
cũng bối rối theo cô. Ông nhìn những vạt nắng trong lọt qua
cửa sổ, nhẩy múa trên nền nhà, đầu óc như cánh diều bập
bềnh trên gió.
Con vật gì đó bò lổm ngổm trên mảnh giấy ông vùi
trong túi áo. Cơn ngứa ngáy bò lan trên lồng ngực. Trong
mắt nhìn của cô, ông hồi hộp cố đoán xem cô có nhớ ra
không. Còn rõ lắm, những mắt nhìn mê mải; những khát
khao, mơ ước. Tờ báo quảng cáo ông tịch thu được của
người con gái bây giờ nằm yên trong túi áo trái, rất gần chỗ
trái tim.
Cái tiệm có tên tiếng Pháp, hình như có lần ông đã đi
qua.

Quyết định lớn lao trong đời tôi. Quan trọng không
thua gì chuyện xuống ghe vượt biên. Thắng hay thua làm
thay đổi cuộc đời. Lần dứt khoát vượt biên, lòng tôi thư
thái; lần quyết định này, lòng tôi xáo trộn không nguôi.

Nhưng tôi không thể chờ được nữa. Con mẹ nhân viên sở xã
hội đã trừ của tôi mất ba bốn tháng tiền trợ cấp. Mà chờ ba
bốn tháng nữa thì lễ Tình Nhân đã qua mất rồi.

Ngày lễ Tình Nhân. Ai đã nghĩ ra vô số ngày lễ ở xứ
này. Ngày lễ Cha, ngày lễ Mẹ, ngày lễ Tình nhân. Ai cũng
có cha, có mẹ nhưng có được bao nhiêu người có tình nhân.
Bao nhiêu năm ở xứ sở lạnh lẽo này, tôi chẳng để ý gì đến
ngày lễ Tình nhân. Valentine Day. Tên gọi cũng hay hay.
Âm thanh du dương của chữ Valentine. Vang vang những
hẹn hò. Valentine: âm thanh lấp lánh như mắt nhìn của
người con gái ngồi chờ tình nhân kể cho nghe một tin vui.

Sắp lễ Va-lân-thai rồi đó. Giọng nói cô ấy vang vang
trong cái đầu chật chội những ý nghĩ, chen chúc những điều
toan tính nói ra. Âm hưởng dịu dàng như vang vọng tiếng
reo của cô bé học trò một ngày mùa hạ. Khi những ngày
nghỉ hè rắc hoa rực rỡ con đường trước mặt.

Valentine Day. Ngày lễ Tình Nhân. Tôi có ai để tặng
quà không nhỉ.

Tiếc là lần vào nhà tắm tình cờ thấy cái áo ngực phơi
trên cây đà ngang treo màn nhà tắm, tôi đã quên không coi
xem cỡ số mấy.

Thân hình cô ấy nhỏ nhắn, cỡ áo quần cô ấy nhỏ như
cỡ trẻ con bên này nhưng ngực cô ấy căng đầy, làm sao biết
áo ngực cô ấy số mấy bây giờ. Và chẳng biết cỡ áo quần
mặc ngoài có giống cỡ quần áo lót không nữa.

Luật sư bảo đã thảo luận kỹ với Công tố viện rồi. Chắc
quan tòa sẽ cho phép ông được lãnh ra.

Tôi hỏi ai lãnh ra vậy. Luật sư cười. Con trai ông. Ơ,
con trai tôi. Lâu lắm tôi không gặp nó. Nó tới thăm tôi vài
lần. Rồi bặt tin. Nhưng nó vừa đi làm vừa đi học, lấy đâu ra
mấy ngàn đồng mà lãnh tôi ra. Cậu ấy cùng ký chung với cô
bạn gái. Ông luật sư nheo mắt.

Ơ cái thằng có bạn gái mà dấu bố. Mà bạn gái nó là
Tây hay Việt nhỉ. Tôi mong bạn gái nó là người Việt. Dân
Tây, bố con làm sao nói chuyện với nhau. Tôi có đòi hỏi
quá lắm không. Tôi mỉm cười một mình. Chưa có con dâu
mà đã toan làm ông bố chồng khó tính. Thôi thì hãy cứ
mong bạn gái nó là người đàng hoàng. Đời nó sống đã đủ
quá những vất vưởng, hoang đàng.

A, thì ra con người tôi là như vậy đó. Vậy mà trước giờ
tôi đâu có biết. Mà sao cái thằng người mà ông luật sư mô
tả thấy có vẻ tội nghiệp quá vậy. Hắn làm tôi mũi lòng. Hắn
làm hai lỗ mũi tôi cay nồng như lúc hít phải cái mùi của tỏi
ớt bằm chung. Còn ai vào đây nữa. Hắn làm tôi sụt sùi. Tôi
đấy. Thì ra tôi đã khổ đến như thế mà tôi không hay.

Ông tòa nhìn ông luật sư chăm chú và đôi lúc kín đáo
liếc qua tôi như đo lường những phần trăm sự thật trong bài
diễn văn thê thiết của ông luật sư.

Và dường như ông tòa cũng cảm động.

Nghe người ta kể về mình với những gian nan đã gánh
vác, nước mắt tôi giàn giụa lòng mắt khô, rồi trào ra, lăn dài
trên hai má hóp.

Ông tòa cảm động vì những giọt nước mắt ấy. Hãy hình
dung một người đàn ông lớn tuổi, gia đình tan nát, vợ con
lưu lạc, lại tật nguyền dù mức tật nguyền ấy không đến mức
làm tê liệt hết mọi sinh hoạt trong đời sống. Ông luật sư
thao thao với bài diễn văn. Bài chuyển ngữ của người thông
dịch tung tóe như mưa rào. Tôi đã khổ như thế đấy. Vậy mà
tôi đâu có biết.

Thời gian trôi qua. Liên lạc với vợ cũ ở trại, bị từ chối.
Thất vọng vì nghe tin vợ cũ đi Úc với người đàn ông khác.
Ông luật sư này nói tầm bậy rồi. Tôi chỉ nói thiên hạ đồn
rằng hình như bà ấy đã vượt biên và được định cư ở Úc.
Nhưng đó là tin trong bàn nhậu. Tin rỉ tai, chuyền miệng
chín mươi chín phần trăm là tin thất thiệt. Vậy mà ông luật
sư biến bản tin ấy thành một biến cố não lòng. Nước mắt ứa
ra tự lúc nào. Tôi khóc. Tôi khóc mất rồi.

Động kinh nhưng không đủ tiêu chuẩn tàn phế, mà xin
việc thì không đâu nhận. Không thuê nổi chỗ ở riêng. Phải
chia phòng với vợ chồng người bạn. Nói vợ chồng cho gọn
chứ thực ra thằng T. có bao giờ sống được với người đàn bà
nào quá sáu tháng. Thân chủ tôi là người có ý chí. Dẫu cuộc
sống cơ cực, dẫu hoàn cảnh éo le đến như vậy, ông ta vẫn
nhiệt tâm tham gia khóa học counselling. Và cuối cùng đã

bỏ hẳn tật uống rượu. Đúng là miệng nhà quan có gang có
thép (bà Nhiêu láng giềng nói chứ chẳng phải tôi), dạo ấy
tôi phải đi học cái môn kiềm chế cơn nóng giận. Bà cao-sơ-
lơ bảo rằng bỏ rượu thì ít nóng giận hơn.

Tới phiên ông Công tố viện. Ông ta cứ hăm he đưa ra
hai cái bao thư mầu vàng. Tôi không còn nhớ bao nào có áo
ngực, bao nào có quần lót. Những món quà như lời tỏ tình
muộn màng. Công tố viện cứ nhùng nhằng với cái lập luận
rằng tôi có thể là kẻ xâm phạm tiết hạnh, kẻ lệch lạc tâm lý,
kẻ hiếp dâm phụ nữ. Bằng chứng là tôi đã úp bàn tay thật
mê muội lên cái chóp áo ngực; tôi đã đo đạc sợi dây đeo.

“Đáng lẽ phải tặng cạc Va-lân-thai cho người ta đó.”
Cô ấy bảo. “Hồi học trong lớp E.S.L. (cô ấy đọc i-ét-eo
nghe buồn cười, nhưng tôi không dám cười), mấy ông nội
Salvador tặng tùm lum. Có đứa tặng bông người ta nữa
kìa.”

Cô ấy chì chiết hai chữ người ta làm lòng tôi xoắn lại.
Tôi nghĩ tôi không thể thua kém mấy ông nội Salvador.

Tôi không được phép thua bất kỳ ông nội nào.

Tờ báo quảng cáo quần áo lót phụ nữ. Tôi nghiên cứu
kỹ lắm rồi. Nghĩ cũng buồn cười. Cái hôm tôi bắt gặp cô ấy
nhìn mải miết những hình quảng cáo. Chiếc áo ngực, chiếc
quần lót. Toàn bằng ren như tơ nhện. Mầu đen, mầu nâu,
mầu hồng, mầu trắng; cả mầu đỏ cũng có nữa. Thấy tôi


Click to View FlipBook Version