nhìn, cô ấy giấu vội tờ báo như đứa bé bị bắt quả tang ăn
vụng. Cũng nhờ hai ly cà phê và cái bình lọc ai đó mua tặng.
Cũng nhờ cái trí nhớ trẻ con. Tôi dấu tờ báo mà cô ấy
không nhớ ra. Có quà cho cô ấy rồi. Quà Valentine đàng
hoàng kìa. Món quà mạnh như lá thư tình; dẫu là thư tình
viết muộn.
Đi tới đi lui. Những con mắt nhìn nghi kỵ. Con bé tây
này có nụ cười giống cô ấy. Chiều nay cô ấy cũng sẽ cười
dễ thương như thế.
Tôi liếc ngược liếc xuôi xem người ta có gài máy quay
phim trên trần nhà. Tôi sờ vào mắt thằng người gỗ mặc
quần áo mẫu xem có ống kính máy quay phim không. Tôi
nhìn kỹ những quầy hàng dựng sát tường. Không có gì khả
nghi. Hơn nữa khu bán quần áo phụ nữ chắc người ta không
dám đặt máy quay phim, sợ bị thưa kiện vì nhìn trộm khách
hàng. Thế là tôi yên tâm. Tôi phải ra tay thật nhanh. Thì giờ
đâu có nhiều.
Tôi len vào quầy áo quần phụ nữ. Tôi lựa một cái hộp
quần lót có hình cô gái – cũng nhỏ nhắn như cô ấy – tôi
không nhìn ai hết. Tôi cố tự nhiên như nhân viên của tiệm
đang làm công việc của mình. Tôi luồn hai ngón tay vào khe
hở, móc ra chiếc quần lót bằng ren mầu đen, nhét vội vào
túi áo ngực. Tôi chọn quầy khác, nơi có những chiếc áo
lộng lẫy đủ mầu sắc. Tôi loay hoay đồng hai mươi lăm su
trong lòng bàn tay. Người đàn bà xếp đồ nhìn tôi. Tôi ngó
lơ nơi khác. Tôi thấy ngứa ở lưng. Tôi đưa tay ra sau gãi,
nhưng trước khi vòng tay ra sau, tôi nới lỏng những ngón
tay cho đồng hai mươi lăm su rơi xuống. Đồng xu chạm nền
xi măng kêu leng keng. Đồng su lăn nhanh, khuất vào dưới
quầy áo đắt tiền. Tôi không cần nhìn ai nữa. Tiền của tôi rơi
lăn vào đây, tôi phải len vào đấy để lấy ra. Tiền của tôi mà.
Tôi đã nói với luật sư bao nhiêu lần rồi.
Đó là sự thật. Còn cái chuyện sau đó tôi có đo đạc, có
mân mê rồi có nhét chiếc áo ngực ren đen vào người, bên
dưới chiếc khoác rẻ tiền mua ở tiệm đồ cũ, sát trái tim tôi
hay không là chuyện của riêng tôi.
Ừ, nói bắt quả tang tại sao không bắt tôi ngay lúc đó.
Lúc tôi đã ra ngoài, lòng đang hí hửng cơn vui, lòng đang
đắm đuối trong mắt nhìn tưởng tượng của cô ấy. Cô ấy
đang cười xoáy tít hai núm đồng tiền, híp cả hai con mắt, cái
giọng ngọt như nước mía vàng óng trong ly đá bào buốt
lạnh, hạnh phúc. Cô ấy trách tôi rằng, “Mua tặng làm chi
thứ này, mắc cỡ quá trời hà!”
Cô ấy đang cười với tôi như thế trong trí tưởng thì
người đàn ông ấy – cái gã mà luật sư đã bảo tôi là sẽ phải ra
tòa làm chứng, sẽ đứng lù lù trước tòa, sẽ kể lể dông dài
chuyện tôi lấy đồ thế nào, chuyện tôi dấu cái áo ngực (của
cô ấy) vào ngực áo như thế nào - đứng chặn ngay trước mặt
tôi. Gã níu lấy vai áo tôi. Chiếc áo tôi mặc bỗng rộng thùng
thình. Tay áo tôi nhùng nhằng vì những ngón tay nắm chặt
của gã đàn ông. Hai chân tôi rụng rời. Gã kéo tôi trở lại
tiệm. Một đứa khác đến cạnh gã. Đồng phục mầu đen, tăm
tối, cái cằm có râu rậm rạp. Tôi ghét những cái cầm râu ria
rậm rạp. Những cái cằm râu ria thường dấu diếm một sự đe
dọa vu vơ nào đó.
Hai đứa nó lôi tôi ra tận phía sau.
Rồi cảnh sát đến. Cảnh sát bảo tôi ngồi im đó. Rồi bà
thông dịch đến. Tôi ghét con mẹ thông dịch ấy. Nó đứng ne
né, cách xa tôi cả thước, như sợ tôi sẽ truyền cho con mẹ
cái bệnh sa hay bệnh si-đa (*) gì đó. Những con người như
thế chắc chưa bao giờ biết nhớ, thương ai.
Lúc cảnh sát dẫn tôi ra, hình như có vài đứa Việt Nam
đang quẩn quanh ở chổ tính tiền. Hình như có hai ba khuôn
mặt quen; những khuôn mặt tôi gặp một đôi lần ở tiệm thực
phẩm Việt Nam. Hình như chúng nhìn thấy tôi đi giữa hai
người cảnh sát. Hình như chúng xầm xì. Hình như chúng chỉ
trỏ về phía tôi. Chỉ cần một đứa biết là cả cái nước Việt
Nam ăn nhờ ở đậu này (chữ của cô ấy đấy) đều biết.
(*) SARS: Severe Acute Respiratory Syndrome, hội
chứng hô hấp cấp tính trầm trọng. SIDA: Syndrome
d’Immuno-Déficience Acquise, hội chứng liệt kháng (AIDS:
Acquired Immuno-Deficiency Syndrome.)
Tôi ngồi sững ra đó. Hôm nay tôi sẽ được về nhà. Luật
sư bảo thế. Chắc ăn là tôi sẽ được về nhà. Có bao nhiêu việc
phải làm. Trước tiên, tôi sẽ ghé nhà cô ấy (lạy trời cô ấy vẫn
bình yên). Sẽ phải mua cái gì đó cho hai đứa bé. Thằng bé
Timmy thích nhai kẹo cao su thổi bong bóng. Thứ kẹo mầu
hồng, thơm nồng vị trái cây. Nhai một lúc cho dẻo, cho
mềm, rồi thổi thành bong bóng. Con bé Amy cũng muốn
thổi bong bóng như anh nó, nhưng còn bé, cái miệng chưa
biết uốn cho tròn, cái lưỡi trẻ thơ chưa biết đẩy đưa nên lần
nào thổi ra trái bong bóng cũng vỡ bung, xẹp xuống và dúm
lại như miếng giẻ rách. Còn cô ấy, biết mua cho cô ấy món
gì đây. Chiếc áo nịt ngực mầu đen. Cái quần lót mỏng và
nhỏ như miếng khăn mù soa hình tam giác. Tất cả đã sẵn
sàng, vậy mà tôi xui xẻo, không có được cho cô ấy một
món quà nho nhỏ. Lễ Tình nhân đã qua rồi. Không biết năm
nay thằng râu dê tặng cô ấy món quà gì. Hẳn sẽ lại cái màn
tài tử Hồng Kông cũ rích. Hẳn sẽ lại kính đen như lão thầy
bói mù, áo da đen, tóc chải ngược, nhuộm một chút vàng
hoe trước trán, bàn tay nặng nề những chiếc nhẫn vàng, cổ
áo hở khoe ra lấp lánh sợi dây chuyền vàng óng. Lại sẽ
khệnh khạng bước ra khỏi xe, đi dăm bước, hất vai, xoay
người lại, bấm nút đồ điều khiển từ xa hệ thống báo động
chống ăn trộm xe. Chiếc xe sẽ rít lên một tiếng còi như con
chó đòi theo chân chủ. Rồi lại khệnh khạng ôm bó hoa
trong tay. Và thế nào nó lại chẳng dở tây dở tầu háp-bi-va-
lân-thai với cô ấy. Câu chúc ấy tôi đã học được từ lớp Anh
ngữ những ngày mới qua mà chưa có dịp nào đem ra dùng.
Happy Valentine. Những chữ dễ phát âm. Tưởng tôi sẽ là
người đầu tiên nói cho cô ấy nghe. Cô ấy mới ngoài hai
mươi tuổi.
Luật sư đi lên đi xuống, nói năng điềm đạm vì ông ấy
biết hôm nay là ngày vinh quang của ông ấy, cũng là ngày
tươi sáng của tôi, gã thân chủ phải nhờ nhà nước giúp thanh
toán tiền lệ phí pháp luật; cái thứ lệ phí một trăm năm chục
đồng một giờ ấy, ốm yếu, nghèo hèn như tôi, làm sao mà trả
nổi.
Người thông dịch liên tục đổ vào tai tôi những tiếng rù
rì vô nghĩa. Tôi nghe nhưng chẳng buồn để ý anh ta nói gì.
Tôi mệt mỏi. Tôi chỉ muốn được nằm xuống, ngủ một giấc
dài năm bữa nửa tháng. Rồi thức dậy, bắt đầu lại đời mình.
Có cô ấy đi chung, một phần đời cũng là hạnh phúc.
“Người bảo lãnh sẽ lên trước tòa.”
Câu nói ấy đánh thức tôi dậy.
Ai gan dạ mà lãnh tôi ra như thế nhỉ. Ai có đủ tiền để
lãnh tôi ra khỏi dãy nhà có lũ vách tường đá kênh kiệu, có
lũ cổng sắt vênh vang mở đóng bằng máy vi tính do người
giám thị trại giam ngồi trong cái hộp hình khối chữ nhật
chót vót trên cao nơi tôi đếm hoài mà không có được chính
xác con số bậc thang dẫn lên.
Ông luật sư đứng dậy, ngoái cổ nhìn ra phía sau. Tôi
cũng muốn nhìn theo ông ấy, xem ai sẽ là người cưu mang
tôi trong những tháng ngày sắp tới, nhưng bỗng dưng tôi sợ.
Tôi sợ đời mình sẽ gắn mãi vào người đàn bà áo mỏng,
ngực đầy có cái tên tiếng Anh dễ gọi ấy. Trong góc nhìn
của tôi, ông luật sư đưa tay ra dấu gọi ai đó bước lên. Thời
gian ngừng lại. Ông thẩm phán biến thành tượng đá. Người
thư ký tòa. Ông mõ tòa. Tất cả khô lại như lũ tượng thạch
cao trong viện bảo tàng. Rồi một bóng người áo trắng rụt rè
hiện ra từ phía sau lưng tôi. Bóng người lách qua phía bên
phải cái lồng kính hình khối chữ nhật giam giữ tôi. Cái bóng
áo trắng nhỏ bé nhòe nhoẹt ở một góc nhìn của tôi.
Giời ạ! Cô ấy. Sao lại là cô ấy chứ!
Cuộc đời từ phút giây nào đã là chuyện cổ tích. Và cô
ấy, từ đời thuở nào đã là nàng tiên; (fairy lady gì gì đó ở
truyện thần tiên trong cuốn sách thằng bé Timmy mượn về.
Tôi còn nhớ những lần đi tìm tự điển, tra cho ra những chữ
thằng bé hỏi mà cô ấy không tìm ra nghĩa tiếng Việt) nàng
tiên rụt rè nhưng rạng rỡ trong mắt tôi.
Ông Công tố viện đưa tay chỉ đường cho cái bóng trắng
nhòe nhoẹt ấy. Lồng ngực tôi thắt lại. Hình ảnh quá ư là
quen thuộc. Cô ấy đấy. Phải cô ấy không. Còn ai vào đây
nữa. Tóc thả ngang lưng. Chiếc áo lạnh mùa thu mầu trắng
như tuyết tháng chạp. Vầng trán cao. Môi hé mở như dấu
sẵn một nụ cười. Cô ấy làm gì ở đây thế này. Rồi hai đứa bé
cô ấy gửi cho ai coi. Có phải cô ấy nhờ thằng râu dê coi con
không vậy. Bao lâu nay thằng râu dê đã đi đi về về nhà cô
ấy. Còn tôi thì quanh quẩn nơi này.
Cô thề trên Kinh Thánh hay chỉ minh thệ thôi. Anh
thông dịch lập lại câu hỏi. Cô ấy chọn cuốn Kinh thánh. Cô
ấy đặt bàn tay trắng muốt lên cuốn sách gáy vàng. Cô có
thề những điều sẽ trình bày trước tòa là sự thật, chỉ có sự
thật và không gì ngoài sự thật không. Cô ấy gật đầu. Cô
phải nói cho máy thâu băng của tòa thâu vào. Dạ, tui thề.
Cô nói tên, họ cho tòa nghe đi. Cái họ, cái tên quen rót vào
tai tôi. Đôi môi hồng lúc nào cũng dấu hờ một khóe cười.
“Có ai ép buộc cô ra tòa bảo lãnh can phạm không?”
Cô ấy lắc đầu.
“Cô phải trả lời có hay không.”
“Xin lỗi, dạ hổng ai bắt buộc hớt.”
“Nhà cô có tàng trữ bia, rượu hay các loại ma túy
không?”
“Dạ, tui đàng goàng tử tế.”
“Cô có vấn đề gì về thuốc, rượu hay chất ghiền gì
không?”
“Dạ?” Cô ấy mở lớn đôi con mắt, ngơ ngác nhìn người
thông dịch.
“Cô có ghiền rượu, bia, ma túy gì không?”
“Dạ hổng có. Tui đàng goàng tử tế.”
“Cô có biết ông ta bị truy tố vì tội gì không?”
Cô ấy gật đầu.
“Cô phải trả lời có hay không.”
“Dạ có.”
“Ông ấy bị tội gì?”
Tôi khô cứng trên ghế ngồi. Trong phút giây, tôi muốn
đổi chỗ cho một tên tử tù nào đó trong cái hàng dài những
tên tù chờ hành quyết trong bất cứ một trại tù nào trên thế
gian. Tôi thèm chiếc ghế tôi đang ngồi biến thành ghế điện.
Tôi thèm được nghe tiếng lèo xèo của thịt da nơi những
miếng kim loại nối thân thể mình đến dòng điện cao thế.
Thèm được ngửi mùi thịt da mình cháy khét. Thèm được
gồng mình căng cứng trong cơn động kinh cuối đời. Tôi
thèm được chết để không còn thấy hai con mắt thất thần của
người con gái khi không lại đưa vai gánh vác đời tôi.
“Ông ấy bị tội gì, cô biết không?”
“Dạ, lấy đồ... chi đó.” Cô ấy trả lời úp mở nhưng người
thông dịch lấp liếm thành “Ăn trộm.” Cái chữ shoplifting ấy
tôi còn lạ gì.
Lồng ngực tôi bung ra như chiếc bong bóng đang bị
bóp chặt bỗng được buông ra.
“Lấy thứ gì cô biết không?” Ngực tôi thắt lại. Tôi phải
cắn đầu lưỡi mình để khỏi bật ra tiếng hét rung chuyển bốn
bức tường tòa án. Công tố viện cứu cô ấy, “Lấy đồ lót phụ
nữ, cô biết không?”
Tôi không dám nhìn cô ấy nên chẳng biết mặt cô ấy đỏ
hay vàng, xanh hay xám thế nào.
Mắt tôi dán xuống mặt thảm mầu xám; thứ mầu xám
của xác người chết đã lâu.
“Tóm lại, nếu ông ấy vi phạm lệnh tòa, cô biết phải làm
gì không?”
“Dạ biết.”
“Cô phải làm gì?”
Cô ấy ngần ngừ. Đôi môi run run tưởng chừng sắp bật
tung ra những tiếng khóc nức nở trước tòa.
Tôi gào lên trong đầu 911. Con số ấy sao mà phải dạy
đi dạy lại hoài. Cứ gọi cảnh sát; như phải gọi cảnh sát khi bị
chồng tát tai, khi chồng cúng hết tiền cho ca-si-nô, rồi đi
nhậu về, nắm tóc vợ, kéo vào phòng. Trời ơi, tôi thù ghét
thằng đàn ông ấy quá đi thôi.
“Cô hãy trả lời câu hỏi của Công tố viện.” Người thông
dịch lớn giọng dịch câu nói của quan tòa.
Cô ấy hồn vía chắc không còn. Tôi nhìn cô ấy đăm
đắm. Cặp còng sắt nặng trĩu hai cổ tay. Tôi thấy cô ấy đang
chia sẻ với tôi những nhục hình. Đầu hai chân mày cô ấy
nhíu lại. Hai môi cô ấy mím vào nhau. Cô ấy sắp khóc. Chỉ
mình tôi biết cô ấy sắp khóc. Chắc chắn là như vậy.
“Phone police!” Kẻ nào đó bóp miệng tôi cho bật ra cái
lời thảng thốt.
Tất cả những mắt nhìn đổ về tôi. Cả hai con mắt loang
loáng nước của cô ấy từ trên quầy nhân chứng. Trước sự an
nguy của cô ấy, tôi không còn biết sợ ai.
Nhưng cô ấy đã nhanh chóng lập lại lời tôi, “Phôn bô
lít.”
Người thông dịch lập lại câu tiếng Anh cô vừa nói và
mọi chuyện lại êm đẹp.
Và có phải đó là phép lạ không khi quan tòa không
cảnh cáo tôi một lời.
Từ lúc ấy tôi ngồi như tượng gỗ, mặc người thông dịch
tha hồ đổ vào tai tôi những câu kệ lê thê.
Cô không đi làm lấy đâu ra tiền? Tiền để dành từ lúc
sang Canada đến giờ. Cô làm gì. Tai ù nhưng tôi vẫn còn
nghe được loáng thoáng những lời cô ấy nói. Làm pham, hái
sâm, hái táo, bắt trùn, làm hãng bánh. Tôi nhớ cái lần cùng
cô ấy đi bắt trùn. Bao nhiêu câu hỏi. Ông Công tố viện này
không có trái tim. Tôi nắm chặt hai bàn tay nhìn cô ấy xớn
xác như con chim gặp bão. Nói không ra hơi và nước mắt
chạy quanh. Cô có biết là cô có thể mất tiền nếu người đàn
ông kia không tuân theo lệnh tòa. Bàn tay nắm chặt, riêng
ngón trỏ duỗi ra, chỉ thẳng vào mặt tôi. Tôi nhìn qua cô ấy,
thấy cô ấy gật đầu. Tôi thấy thật rõ những giọt nước mắt
rụng xuống theo cái gật đầu. Những sợi tóc buông rèm
trước trán. Cô phải trả lời có hay không. Dạ có.
Nếu ông ấy không tôn trọng giờ giới nghiêm, nếu ông
ấy sử dụng vũ khí, nếu ông ấy không behave himself (người
thông dịch để nguyên cái chữ tiếng Anh ấy vì dịch không
kịp), tóm lại nếu ông ấy vi phạm những điều cấm đoán của
tòa thì cô có biết phải làm gì không?
Tôi nhìn cô ấy đăm đăm. Cô ấy đưa tay gạt nước mắt.
Rồi vén những sợi tóc qua một bên. Nét mặt sáng lên như
khoảng trời quang sau cơn giông gió.
“Tôi sẽ báo cảnh sát.”
Tôi chờ ông Công tố viện hỏi cô có biết cách gọi cảnh
sát không. Tôi muốn biết cô ấy còn nhớ bài học tôi dạy hôm
nào, khi thằng chồng đánh cô ấy sưng cả mặt mày. Nhưng
ông ta không hỏi gì thêm. Cô ấy nhìn xuống tôi, thật mềm,
thật dịu dàng. Giây phút ấy tôi chỉ còn mỗi một ý nghĩ trong
đầu. Lạy trời đừng cho cô ấy mượn tiền của thằng râu dê
mà hào phóng lãnh tôi ra.
Buổi sáng, lúc ngồi trên xe cảnh sát chạy từ trại giam
về đây, tôi đã xôn xao ngắm những lề đường lộ ra sau mùa
tuyết. Tuyết tan, trơ những mảnh rác vụn xám xịt bên lề
đường. Bờ cỏ chỗ xanh chỗ xám. Nhưng chẳng bao lâu nữa
cỏ sẽ xanh. Cỏ sẽ xanh đúng lúc tôi trở về.
Vậy là tôi về khi mùa xuân vừa đến.
Cô ấy nhắc uống thuốc động kinh. Tôi bảo đã uống
thuốc cảm nhiều rồi, sợ phản ứng. Cô ấy không chịu. Cô ấy
lại hộc tủ nghiêng đầu tìm. Những ngón tay chạm nhẹ vào
từng lọ thuốc. Rồi cô ấy cầm một lọ lên (đúng lọ thuốc có
những chữ “thuốc động kinh” tôi đã viết bằng mực đỏ), mở
nắp, đổ một viên ra lòng bàn tay. Cô ấy đặt viên thuốc lên
môi tôi. Tôi mím môi lại, ú ớ trong cổ họng rằng tôi đã
uống nhiều thuốc lắm rồi. Cô ấy phì cười, bỏ lọ thuốc
xuống giường, một tay dán viên thuốc lên môi tôi, một tay
bóp hai cánh mũi tôi lại. Tôi ngộp thở. Tôi nhắm hờ hai mắt.
Hình ảnh cô ấy nhập nhòe. Má hồng, môi đỏ. Tóc thả vai
thon. Tóc đổ xuống cả trán tôi nhột nhạt. Mũi tôi bị cô ấy
bịt lại sao tôi vẫn cảm nhận được mùi hương nhẹ nhàng
thoang thoảng không gian. Cái mùi nồng nồng của thịt da
sau một đêm ủ kín trong chăn. Mùi của áo may chật ôm
cứng thân thể nuột nà. Mùi vải mềm thấm mồ hôi dịu dàng.
Tôi ngây ngất cơn say của một người trúng nắng. Hai cánh
tay tôi dán cứng trên mặt nệm. Hai ngón tay cô ấy chợt nới
ra, cho tôi hít thở cái không khí huyền diệu. Há miệng ra,
ngoan nè, em bé dễ cưng. Cô ấy dỗ dành. Nửa thân mình
chồm lên, đổ xuống tôi chiếc bóng mịn màng. Đếm một đến
mười phải há miệng ra đó. Hổng uống thuốc là người ta
nghỉ chơi luôn cho coi. Cô ấy đe dọa. Những ngón tay bóp
mũi tôi lại. Vải áo quanh co, uốn lượn. Khoảng hở nhập
nhòe. Da thịt nở hoa. Một, hai, ba. Tôi cuống cuồng há
miệng. Cô ấy đặt viên thuốc lên đầu lưỡi tôi, âu yếm mỉm
cười. Tôi nuốt vội viên thuốc xuống cổ họng. Cô ấy trợn
mắt. Hổng uống nước sao. Tôi lắc đầu. Những ngón tay cô
ấy buông lỗ mũi tôi ra. Ánh mắt dịu dàng như ánh mắt mẹ
tôi ngày nào. Cái bóng dịu dàng rời tôi, và bất chợt đổ
xuống mịt mù. Đôi môi mềm đậu xuống trán tôi, nhẹ nhàng
như chiếc lá cuối ngày đậu xuống một bậc thềm xi măng
hừng hực nóng.
Bây giờ tòa gọi người bảo lãnh thứ nhì. Từng chữ rụng
vào tai tôi như những trái cây chín ủng.
Con trai tôi lầm lũi bước lên bục gỗ. Người bảo lãnh
thứ nhì đấy. Sao lại là nó. Con trai tôi làm gì có tiền mà lãnh
tôi ra. Đã được luật sư báo trước mà tôi vẫn không khỏi
ngỡ ngàng.
Thằng bé lớn lên ở bên này nên nó lững thững bước lên
bục nhân chứng không chút rụt rè.
Như có phép lạ. Bỗng dưng tôi hiểu được câu hỏi của
Công tố viện. Ông ta hỏi con trai tôi là gì của cô ấy. Con
trai tôi dõng dạc trả lời. Bạn gái. Nó nói rõ ràng như thế.
Chữ girlfriend không cần dịch tôi cũng hiểu. Tới câu sau thì
tôi không hiểu nhưng người thông dịch đã dịch cho tôi nghe
rằng chúng nó sống chung không hôn thú.
Bây giờ thì tôi không muốn biết Công tố viện nói gì
nữa.
Nhưng tôi tự hỏi chúng nó sống chung như thế từ bao
giờ mà tôi không biết. Hay là chúng nó nói vậy thôi, để dễ
dàng chuyện lãnh tôi ra.
Nhưng có biết thêm gì nữa thì cũng vậy thôi.
Ông tòa có vẻ hài lòng. Bởi tôi thấy ông gật gù trên
bục cao. Cặp mắt kính trễ xuống sống mũi làm tăng thêm vẻ
nhân từ hiếm thấy. Những câu hỏi người ta đã đặt ra cho cô
ấy bây giờ lập lại cho con trai tôi. Nó trả lời gẫy gọn và đầy
tự tin. Tôi dám nói con trai tôi đầy tự tin vì nó vừa mới hỏi
ngược lại ông Công tố viện rằng tại sao ông ấy phải hỏi
chuyện nó sống chung với bạn gái nó bao lâu.
Người ta thay phiên nhau nói. Tôi ngồi như khúc gỗ.
Ông tòa trên cao kia cũng thành cây cổ thụ. Rồi bỗng dưng
ông ta nhìn tôi nói gì đó. Luật sư ra dấu cho tôi đứng dậy.
Tôi giật mình vội vã làm theo. Quan tòa nhìn tôi đăm đăm.
Ông dặn dò tôi đủ điều. Phải đàng hoàng tử tế. Không được
nhậu nhẹt, bia rượu, thuốc cấm. Không được sử dụng vũ
khí, cung nỏ, đạn dược. Ông tòa còn cẩn thận hỏi tôi có vũ
khí gì không làm tôi suýt bật cười. Rồi ông ta cho tôi giờ
giới nghiêm từ tám giờ tối đến sáu giờ sáng. Con trai tôi và
cô ấy sẽ canh chừng tôi. Tôi phải nghe lời cô ấy. Không
nghe, cô ấy sẽ gọi cảnh sát và tôi sẽ bị vào tù lại cho tới
ngày xử. Tôi cười thầm một mình. Đời sống sao mà khôi
hài. Chính tôi là người dạy cô ấy gọi cảnh sát chứ ai.
Đầu óc tôi xào xáo. Hai mắt tôi mỏi rời. Tôi chẳng còn
muốn nhìn ai. Bây giờ tôi sẽ phải giải thích cho thiên hạ
rằng tôi lấy trộm đồ cho ai đây.
Ông tòa bảo You may go now bằng cái giọng sần sùi.
Ông tòa đứng dậy. Mọi người đứng dậy theo. Ông tòa
bước xuống bậc thang, tiến về phía cửa hông tòa án. Tôi
như người lạc trong vũng sương mù. Tất cả trắng một mầu
băng giá. Chưa kịp cuốn gói ra đi, mùa đông đã vội vã trở
về.
Hình ảnh căn phòng nhỏ bé hiện ra trong trí. Cả căn hộ
mẹ con cô ấy cũng kéo về như lũ hình bên khung chiếc đèn
cù. Mấy tháng trời xa nơi chốn thân thuộc. Bao nhiêu đêm
nằm nghe tiếng vọng của thinh không; thứ thinh không trĩu
nặng những đa đoan của cõi sống. Thứ thinh không rạn vỡ
bởi tiếng ngủ mớ của bạn tù, tiếng chửi thề của kẻ bị đánh
thức. Thứ tiếng động vô tâm tính ấy bây giờ đã là điều quen
thuộc. Và tôi đã cố quên đêm rộn ràng tiếng động năm xưa
ở quê nhà. Đêm giun dế, côn trùng. Đêm lũ mèo ghen
tương. Đêm bầy chó gọi nhau, báo tin đánh mùi kẻ lạ mặt.
Đêm thơ ấu nặng trĩu tiếng ve sầu tháng hạ. Đêm của tôi giờ
chỉ còn tiếng ngáy của đám bạn tù. Đêm đi ỉa đi đái không
được giật nước sợ làm náo động trại giam.
Bao nhiêu ngày tháng tôi mong được trở về.
Người thông dịch lập lại bằng tiếng Việt câu nói của
luật sư, “Anh chờ ký giấy rồi ra về thong thả.” Tôi gật gù.
À, thì ra free to go dịch là ra về thong thả.
Người cảnh sát khom xuống tháo cái sợi dây xích ở hai
cổ chân tôi.
“Khoan.” Tôi nghe tiếng tôi vang động cả phòng xử
đúng lúc cái bóng áo choàng đen của ông tòa biến đi sau
cánh cửa. Mọi người ngơ ngác nhìn tôi.
Tôi níu áo người thông dịch, lắc mạnh như cố đánh
thức anh ta.
“Tôi lấy cho tôi chứ không phải cho ai.”
Người thông dịch trợn mắt, “Anh không muốn được tự
do à?” Rồi quay qua nói gì đó với ông luật sư. Ông luật sư
nhìn tôi đăm đăm.
Bây giờ thì tôi hiểu tôi đang làm gì. Bây giờ thì tôi hiểu
tôi lấy cho tôi. Bây giờ thì tự do hay không tự do cũng thế
thôi. Bây giờ thì tôi biết chắc tôi phải nhận rằng tôi lấy cho
tôi. Tôi không muốn cô ấy nghi ngờ tôi lấy cho ai. Tôi
không muốn cô ấy nghi tôi lấy cho Jackie, lại càng không
muốn cô ấy nghĩ tôi lấy cho bà Nhiêu, cái bà xuề xòa lúc
nào cũng phun ra đầy những ví von, những ca dao tục ngữ.
Nhưng mà lấy cho ai cũng vậy thôi.
“Anh muốn gì?” Người thông dịch chuyển cái hằn học
của ông luật sư sang cho tôi. Người cảnh sát đang loay hoay
mở khóa sợi dây xích tròng ở hai cổ chân tôi cũng sựng lại,
ngơ ngác ngước lên, nhìn vào mắt tôi. Những người cảnh
sát lúc nào cũng nhìn vào mắt người đối diện.
“Anh muốn gì. Anh nói anh không lấy cho ai à?”
Luật sư ghé sát vào mặt tôi, gằn từng tiếng.
Tôi hiểu hết những gì luật sư nói, khỏi cần ai dịch lại
cho tôi. Nhưng người thông dịch vẫn siêng năng làm nhiệm
vụ. Ông có điên không. Hắn dịch như thế. Are you crazy.
Người cảnh sát gỡ sợi dây xích ra khỏi hai cổ chân tôi,
cuộn lại, đứng lên. Giờ này canh chừng tôi, đi kèm sát bên
tôi không còn là chuyện cần thiết nữa. Những mắt xích
chạm nhau lạch cạch. Tôi ngỡ ngàng nhìn quanh. Công tố
viện loay hoay xếp đống hồ sơ. Ông mõ tòa đi gom lại
những cái ly nhựa. Mọi người ùa lên phía tôi. Tôi chớp mắt
hoang mang. Không có gì để nói.
Tôi loạng choạng bước ra khỏi cái khung hình khối chữ
nhật.
Không còn còng nhưng sao hai chân vẫn nặng nề và
bước đi tôi nhùng nhằng vướng víu. Có cái gì đó buộc chân
tôi lại; có cái gì đó ngăn cản tôi trở về chốn xưa.
Con trai tôi đi sánh đôi với người ta. Nó bế con bé Amy
trên tay, nhuần nhuyễn, thuần thục như gã đàn ông đã nhiều
lần làm bố. Nó đi bên cạnh người đàn bà trẻ con. Cô ấy hơi
ngả đầu, để mái tóc chạm hờ lên bờ vai vuông vức đầy sinh
lực của nó. Nụ cười thấp thoáng quanh hai núm đồng tiền.
Một tay níu áo nó ở chỗ cánh tay, tay kia cô dắt thằng bé
con. Cái thằng Timmy vẫn vòi vĩnh tôi mua những cục kẹo
cao su cho nó thổi bong bóng.
You are free to go.
Tôi sẽ cố nhớ câu nói ấy cho đến hết đời. Tôi được
phép đi. Nhưng biết đi đâu bây giờ.
Nữ Hoàng vạn tuế. Đầu óc tôi lùng bùng. Tôi ngỡ
ngàng nhìn quanh. Hai con mắt mỏi rời. Bóng tối dập dềnh
quanh tôi như ai đó nghịch ngợm vặn công tác đèn, làm mờ
đi cảnh sắc của phòng xử tòa án. Free to go. Ra về thong
thả. Nhưng về đâu bây giờ.
Tôi nhìn quanh. Vùng ánh sáng đọng lại quanh cô ấy.
Trong giây lát, tôi thấy cả những sợi tóc của cô cũng lấp
lánh như kim tuyến. Những sợi tóc chảy xuôi hai bờ vai
thon.
Mọi người hân hoan. Ai cũng cố cười với tôi một cái.
Tôi lúng túng cười theo, bàn tay này xoa nhẹ lên lưng bàn
tay kia. Da nơi ấy trơn bóng, nhờn như thoa một lớp dầu
mỏng. Vết sẹo bỏng chảo mỡ nhà cô ấy.
Tôi chẳng còn gì ngoài vết bỏng đã thành sẹo trên lưng
bàn tay. Chứng tích một cơn điên dịu dàng. Tôi lao đao như
người thiếu máu sắp chìm sâu vào mê muội; cơn mụ mẫm
cuối đời.
Ông luật sư dùng đầu ngón tay trỏ khều vai tôi. Anh
chỉ bị truy tố vì ăn trộm món đồ dưới năm ngàn đồng. Ông
ta nhai từng chữ của câu nói. Người thông dịch nhả ra từng
chữ, siêng năng như con tằm nhả tơ. Chỉ đơn giản là tội ăn
trộm, không liên hệ gì đến chuyện lệch lạc tình dục hay bạo
dâm gì hết. Anh sẽ còn phải ra tòa nhiều lần. Hôm nay tòa
cho anh tự do tạm vì anh chỉ mắc tội ăn trộm, anh không
phải là đối tượng nguy hiểm cho cộng đồng, cho những
người đàn bà cô lẻ, cho những cô gái yếu đuối.
Lúc bước ra tới cửa phòng xử, người thông dịch nháy
mắt đùa, nghĩa là anh chỉ cần tránh xa mấy shopping, nhưng
vẫn tán gái được như thường. Rồi mặt hắn nghiêm trang trở
lại, “Anh sẽ phải ra tòa đúng ngày hai mươi bảy tháng mười
một, nghĩa là còn khoảng tám tháng nữa.”
“Nhớ điện thoại cho tôi.” Luật sư dặn lần cuối. Chuyện
tiền bạc. Tôi biết.
Tôi gật đầu cám ơn rồi quay lại với những người thân
thuộc.
Có ai hỏi, tôi sẽ bảo là tôi lấy trộm cho tôi. Mấy hôm
nay tôi đã tính khai là lấy cho cô ấy. Nhưng bây giờ còn
khai làm gì nữa. Thôi thì tôi lấy cho tôi đấy. Cứ bảo là tôi
lệch lạc. Tiếng Anh là gì nhỉ. Pervert. Người thông dịch đã
viết chữ ấy lên giấy cho tôi. Mảnh giấy nhỏ tôi giữ kỹ trong
túi áo ngực. Tôi pervert đấy. Rồi sao.
Thằng Timmy ngỡ ngàng nhìn hết người này qua người
kia, rồi đôi mắt đen nhánh ấy dán vào tôi, và thằng bé tôi
cưng chiều hơn con mình ấy gỡ tay mẹ, chạy lại, nắm lấy tay
tôi. Những ngón tay trẻ thơ chạm vào cổ tay tôi, nơi chiếc
còng sắt để lại một vết lõm tê bại cảm giác. Tôi không biết
nói gì. Bởi tôi đã có quá nhiều điều để nói ra. Bây giờ thì
muộn rồi. Tôi nhìn những sợi tóc đen ngả mầu vàng nâu của
cô ấy mượt mà thả xuôi một bên vai. Tôi xoay qua nhìn làn
da trắng ngần nơi chiếc cổ áo Jackie mở hé. Rồi vội vàng
quay đi. Tôi không dám nhìn vào mắt ai ngoài bốn con mắt
trẻ thơ của hai đứa con cô ấy.
“Đi kiếm gì ăn đã.” Con trai tôi xốc con bé Amy trên
vai, giọng nói reo vui, “Có ai đói bụng không vậy?”
Những con mắt nhìn nhau. Không ai nói gì. Không khí
đóng băng như thể mùa đông bất chợt đổ về. Chợt, thằng bé
Timmy níu ngón tay tôi, “Uncle! I’m hungry.”
“Timmy à!” Giọng cô ấy nhẹ nhàng.
“Let’s go!” Con trai tôi quyết định, rồi kề vai cô ấy
bước đi. Cô ấy ngần ngừ đôi chút rồi dùng dằng bước theo.
Còn lại Jackie và tôi với thằng bé Timmy. Jackie, nước mắt
rưng rưng, run run sửa cái cổ áo bẻ ngược của tôi – mùi thịt
da phảng phất – tôi không dám nhìn vào mắt người đàn bà.
Giọng Jackie sụt sùi bên tai tôi, “Em đâu có thiếu thốn gì
những thứ ấy mà anh phải lo lắng cho rước họa vào thân.”
Đầu óc trống trải, tôi nhìn hình ảnh con trai tôi và cô ấy
dán vào nhau trên khung kính cửa vào tòa Thượng Thẩm.
Thằng bé thế mà cao hơn cô ấy đến gần một cái đầu.
Tôi rụt rè gỡ những ngón tay Jackie đang níu lấy tay áo
mình. Tôi chẳng biết nói gì. Mãi mới nghĩ ra, tôi cố thì
thầm đủ để cho một mình Jackie nghe, “Lỡ rồi, Jackie ơi!
Lỡ rồi!”
(7:00 giờ tối hôm lễ Tạ Ơn 10 tháng 10, 2005)
hoàng chính
http://hoangchinh.net
[email protected]
đã xuất bản
nửa đêm nghe mẹ thở dài (thơ)
mùa thu cuối cùng (tập truyện)
lời tỏ tình đã cũ (tập truyện)
tình khúc (truyện dài)
mấy sông cũng lội... (truyện dài)
viết cho mẹ ở quê nhà (tập truyện)
tình ở đài bắc (tập truyện)
một đoạn trong thánh kinh (tập truyện)
thư tình viết muộn (truyện dài)
đêm, từng mảnh (tập truyện)