The words you are searching are inside this book. To get more targeted content, please make full-text search by clicking here.
Discover the best professional documents and content resources in AnyFlip Document Base.
Search
Published by fireant26, 2022-11-05 01:37:29

Thư Tình Viết Muộn Hoàng Chính

Thư Tình Viết Muộn Hoàng Chính

thùng gạo, người ta hun lửa cho chín từ ngoài vỏ chín vào.
Tự cô ấy, cô ấy chưa lần nào chín từ trong chín ra. Bởi vì
con gái như thế, vừa mới lớn lên đã vội lấy chồng, dễ dầu gì
đã biết yêu ai. Tình yêu nảy nở. Tình yêu chín mùi phải
tươm ra từ đáy lòng.

“Sao lại khoan?”
“Không có gì vô vọng hết.”
“Sao vậy?”
“Chú cứ ghi không có gì vô vọng cho tôi.”
“Ô-kê.” Người thông dịch khẽ mím môi. Tôi nghĩ anh
ta bực mình. Nếu tôi là anh ta, tôi cũng bực mình. “Rồi, câu
số hai. Tôi sợ người khác phê phán những việc tôi làm.”
“A, câu này hay đấy.” Tôi reo lên khe khẽ. Cái đầu tôi
gật gù, “Hay đấy, cái này gọi là miệng lưỡi thế gian, phải
không?” Tôi hỏi, trong đầu nghĩ tới bà Nhiêu.
“Dạ phải.”
“Có chỗ gọi là búa rìu dư luận nữa.” Tôi lập lại câu ca
dao tục ngữ vẫn thường trôi tuồn tuột ra khỏi miệng người
đàn bà láng giềng.
“Dạ phải.” Bỗng dưng tôi thấy người thông dịch ngoan
như đứa bé. Người thông dịch lịch sự nhất thế gian. Anh ta
cúi đầu, chăm chú nhìn những con chữ đen ngòm, đầu ngón
tay mân mê ngòi bút. “Vậy thì đúng hay sai?”
“Để nghĩ xem đã.”

Tôi làm gì phải sợ hãi dư luận nhỉ. Ngày hai bữa cơm.
Gạo Bông Hồng nhập cảng từ Thái Lan. Buổi sáng gói mì
bò. Con bò mầu đỏ có cặp sừng nhọn hoắt nhìn tôi chằm
chặm mỗi sáng. Đôi khi tôi đổi qua mì chay. Thứ mì cô ấy
đưa cho tôi thử một gói bữa hôm trước. Thử, thấy ngon. Mì
chay ít dầu mỡ, tôi đã mua nguyên thùng. Gói mì cũng nhập
cảng từ Thái Lan có hàng chữ tiếng Việt Nam ngọng nghịu.
Mì Chai. Nghe ra tiếng leng keng của đám chai lọ gõ vào
nhau. Đống chai lọ của đám dân nhậu những ngày nghỉ cuối
tuần ở những nhà Việt Nam trong ngõ.

“Đúng hay sai, anh?”
“Khoan, để tôi nghĩ cho cạn đã. Vội vàng, nói năng bậy
bạ nó lại cấp cho cái giấy điên thì khổ.”
Tới đâu rồi nhỉ. Ngày ba bữa. Cơm gạo nhà nước cho
tiền. Tôi chẳng nhờ vả ai. Những người Việt Nam trong
thành phố chả ai giúp tôi được một đồng xu. Người Việt
trong thành phố chỉ giỏi rình mò xem ai mới mua xe, ai mới
xây nhà, ai cặp với ai. Chỉ có cô ấy là hay giúp đỡ tôi; chỉ có
cô ấy là lâu lâu đem qua cho tôi gói mì, miếng chả giò giòn
hay tô cháo lỏng, lợn cợn vẩy hành lá xanh và những viên
thịt heo băm nhuyễn.
Chỉ có cô ấy và thằng T. là chốn nương tựa cho tôi cả
bốn mùa nơi xứ lạ. Con cái – tôi cũng có con có cái như
người ta chứ. Con trai, con gái tôi đều có cả, nhưng bây giờ
thì mỗi đứa một nơi.

“Sao anh? Đúng hay sai?” Người thông dịch có vẻ nôn
nóng. Làm gì mà hấp tấp. Cả tương lai của tôi nằm trong
xấp giấy này. Tôi điên hay tỉnh cũng là do những chữ anh
sắp viết ra. Cẩu thả đâu có được.

“Anh có sợ dư luận không?”
“À, ừ, để tôi coi.”
“Chỉ cần trả lời có hay không thôi.”
Thử xem những ai sẽ nói về tôi. Có ai trong cái thành
phố nhỏ bé này để ý đến tôi. Tôi không có xe Lên-cơn, pho-
bai-pho. Tôi không có nhà mới xây hai ba trăm ngàn, ai mà
thèm để ý đến tôi. Mùa đông, tôi trượt chân quăng mình ngã
dài trên mặt đường đóng băng. Thiên hạ nhìn tôi. Những
con mắt xanh, những con mắt nâu, có cả những con mắt đen
nhánh. Tất cả những con mắt nhìn tôi. Xem tôi ngã thế nào.
Xem tôi có còn đứng dậy được không. Tôi đau điếng một
nửa thân người. Cái túi xách có bọc bánh mì văng ra xa.
Những con mắt vẫn nhìn tôi. Như người ta nhìn vào khoảng
trống, soi mói một hình ảnh ẩn hiện mơ hồ. Chợt có, chợt
không. Những con mắt chờ tôi đứng dậy. Vật vã. Ngả
nghiêng như đứa bé tập đi. Gượng mãi, đứa bé cũng đứng
dậy được, chập chững, chuyệnh choạng.
Hôm ấy tôi về, bầm tím dài một bên hông và sần sùi
một bên đầu gối. Chẳng một ai bận tâm.
“Sợ không?”
“Không sợ.”

“Ô-kê. Vậy tôi sẽ ghi là không sợ dư luận. Câu kế tiếp.
Đôi lúc tôi muốn đập bể đồ vật.”

“Đồ vật gì?”
“Thì đồ dùng đó. Chén bát nọ kia.”
“Ngày xưa hay bây giờ?”
“Ờ, để coi. Nó không nói ngày xưa hay bây giờ.”
“Ngày xưa thì có.”
“Anh kể nghe thử.”
“Thì cãi nhau mỏi miệng, tôi quăng chén bát để kết
thúc chiến tranh ấy mà.” Tôi cố cười nhạt sau câu diễu rẻ
tiền. Tiếng cười nhạt nhẽo, khôi hài làm tôi buồn cười.
Thành ra tôi cười thật, tiếng cười phát xuất tự đáy lòng. Tôi
chọc cười chính tôi.
Khóe cười ma mãnh vạch ngang môi người thông dịch.
“Thế chiến tranh có kết thúc không anh?”
“Không.”
“Sao vậy?”
“Tôi quăng bát bà ấy quăng đĩa, quăng tô, quăng luôn
xoong chảo, nồi niêu.”
“À.”
“Tôi đành chịu thua.”
“Thế còn bây giờ?”
Tôi thoáng nghĩ đến cô ấy. Bậy quá! Cô ấy dễ thương
như vậy, tay nào đủ gân cốt mà quăng chén bát những lúc

giận hờn. Nhưng mà biết đến đời kiếp nào cô ấy với mình
mới ghép chung một hộ.

“Hở anh?”
“Có ai để cãi lộn đâu mà quăng với ném.”
Lần đầu tiên tôi gặp cô ấy là lúc cô ấy mới từ Việt Nam
qua. Thân thể gầy gò, khuôn mặt gẫy khúc như thiếu ăn lâu
ngày. Mắt quầng thâm thiếu ngủ. Hai vợ chồng nhà ấy dọn
lại khu phố tôi, ở đâu chừng ba tháng là dọn đi. Chẳng bao
lâu lại kéo nhau về. Đứa con bồng trên tay khóc nhừa nhựa.
Nước mắt nước mũi nhầy nhụa khuôn mặt xanh xao của đứa
bé.
Thằng chồng hăm he tối ngày.
Tôi còn nhớ mình đã dạy cô ta cách gọi điện thoại cho
tắc-xi như thế nào. Ghi số điện thoại trong sổ tay. Lúc cần
chỉ việc nói cái tên khúc đường mình đang đứng. Hay số
nhà. Đâu, đọc lại số nhà coi có được không. Ai mà nghe tôi
nói chuyện với cô ấy, sẽ nghĩ tôi lên mặt người lớn; tôi kênh
kiệu, ra vẻ kẻ đã sống lâu ở xứ người. Nhưng tôi kẻ cả như
vậy chỉ vì tội nghiệp cô ấy. Mới hai mươi tuổi đầu.
Biết số 911 không. Có gì nguy hiểm thì cứ bấm liền.
Tôi liều lĩnh xoa dầu lên má cô ấy. Run cả mười ngón
tay.
Tôi nhấn mạnh rằng cái số 911 cũng dùng cho cả thằng
chồng phải gió ấy nữa, nhưng cô ấy phản đối liền, “Ai mà
gọi cảnh sát bắt chồng mình cho được chớ!”

Tôi sừng sộ, “Phải gọi chứ, nó đánh mình mà!”
“Hổng dám đâu.”
“Cái gì cũng hổng dám làm sao mà sống.”

Lần ấy tôi bấm 911 rồi chỉ nói mỗi một câu he kills her
mà cảnh sát cũng tìm tới tận nơi.

“Hồi đó đi học Anh văn bà tích chờ cũng dạy cách bấm
chín-một-một.”

“Có đi học Anh văn nữa à?”
“Đi chớ sao hông.”
“Lâu không?”
“Mấy bữa à!”
“Sao nghỉ vậy?”
“Có bầu mệt muốn chớt, học hổng nổi.”
Tôi nghĩ đến thằng đàn ông chết bầm. Bao nhiêu thằng
đàn ông lãnh vợ qua bên này, không muốn vợ đua chen với
thiên hạ, sợ vợ sẽ khôn ra mà bỏ mình; những thằng đàn ông
không đủ tự tin cho vợ đua chen với thiên hạ; chỉ việc cho
vợ ôm một bụng. Những thằng đàn ông thiếu cái tự tin nhỏ
nhoi đàn ông mà cũng đòi làm chủ trọn vẹn một người đàn
bà.

Sương mù trắng cánh đồng. Chiếc xe lao vùn vụt.
Thỉnh thoảng một bóng cây lớn quệt ngang khung kính.
Nhanh như một bóng ma. Tôi căng hai mí mắt cố nhìn cảnh
vật bên ngoài nhưng không thấy gì ngoài một khoảng sữa

đặc bưng lấy không gian. Đôi lúc suơng mù bỗng dưng
loãng đi, vạch ra khoảng đồng trống mờ ảo một nếp nhà trơ
trọi.

“Ngoài này vắng nhỉ.” Tôi gợi chuyện với người thanh
niên ngồi bên cạnh.

Anh ta càu nhàu, “Pham thì vắng là phải rồi.”
Tôi lại nhìn suông ra ngoài khung kính mờ. Sương mù
ở đâu mà dầy đặc. Tôi chưa bao giờ thấy sương mù nhiều
đến vậy. Ngỡ như chiếc xe đang bơi dưới đáy sâu một vũng
biển mịt mù.
Tiếng nhạc lao xao trong lòng xe lúc nhúc những đầu
người. Bài hát quen. Cô ca sĩ trẻ tôi thấy hoài trên băng
hình. Cô ca sĩ có đôi mắt trong và ngây thơ như mắt trẻ em
còn ấp bên vú mẹ. Tôi thích đôi mắt ấy nên mỗi lần Jackie
hay cô ấy mở đĩa nhạc có phần trình diễn của cô ca sĩ ấy tôi
đều cố nán lại cho hết bản nhạc dù không muốn ngồi lâu.
Tôi nhìn quanh. Mười mấy người chen chúc nhau. Đàn
ông, đàn bà. Người nào cũng phình ra dưới lớp áo dày vừa
để đi mưa, vừa che cho bớt lạnh.
Những con mắt nhắm hờ. Dường như cả xe chỉ có mình
tôi tỉnh táo. Tôi lại nhìn quanh một vòng. Người ta dựa lên
vai nhau ngủ gà ngủ gật. Tôi khẽ nhích người chạm nhẹ vào
cái người ngồi cạnh tôi. Người ấy khẽ nhích ra xa hơn một
tí. Tôi quay sang người ấy. Cô ấy đấy. Cái mũ len đen đội
trên đầu làm khuôn mặt cô ấy tròn tròn, thanh thoát và

thoáng chút tinh nghịch. Cô ấy nhìn lại tôi. Ánh mắt thật
hiền.

“Mợt hôn?” Cô ấy hỏi.
Tôi cười, “Đã làm gì đâu mà mệt.”
Cô ấy lại cười. “Chút xíu mợt lắm đó.”
“Sao biết.”
“Nghe người ta nói.”
“Thì rán chịu cho quen.”
“Nhắm chừng đứng nổi hôn?”
“Sao không.” Tôi trả lời quả quyết. Cái nhà cô này mới
lạ. Làm như người ta đã cận kề miệng lỗ không bằng. Tôi
thấy mình đi lom khom suốt từ đầu này đến đầu kia cánh
đồng. Những con giun cuống cuồng lẩn trốn khi tiếng chân
tôi khua động mặt đất ẩm. Những con giun chắc luồn lách
nhanh lắm. Tôi tay run mắt mờ chẳng biết có theo kịp chúng
nó không. Giun Việt Nam thì tôi biết. Chậm chạp, uốn éo
một cách lười lĩnh. Chỉ khi nào bị xéo mới quýnh quáng giẫy
giụa tìm đường thoát thân. Giun bên này nghe nói to bằng
ngón tay và thoắt một cái là chui tuột xuống lỗ.
Tôi vặn vẹo, bẻ cái lưng mỏi rời rã. Xương cốt chạm
nhau rôm rốp. Chẳng biết tôi sẽ cầm cự được bao lâu đây.
“Lâu nhỉ.” Tôi lại gợi chuyện với cô ấy cho đỡ buồn.
“Xa lắm đó.” Tiếng nhạc trên xe đã đổi qua một bài hát
khác.

“Đổi nhạc đi bác tài ơi.” Giọng đàn ông ồ ề cất lên như
phát qua chiếc loa rè.

“Ông anh khó tính bỏ mẹ. Nhạc gì cũng chê!”

Con gái tôi vào thăm. Nó đi với một đứa con trai da
trắng. Thằng con trai nhìn tôi bằng con mắt tò mò của một
đứa bé rụt rè trước song sắt chiếc chuồng giam con đười
ươi già trong sở thú. Tia nhìn e dè từ con mắt xanh của nó
dịu dàng như lời hứa của đứa trẻ ngoan là sẽ không ném đá,
chọc ghẹo con thú lầm lì trong cũi sắt.

Con gái chào tôi bằng câu hỏi tiếng Anh khấp khểnh
những âm thanh cao thấp, tôi chỉ nghe được mỗi một chữ
daddy. Tôi nhướng mắt nhìn nó, cố đoán nghĩa câu chào.
Hình ảnh nó phập phều sau khung kính nhem nhuốc.

Tôi ép ống nghe điện thoại sát miệng, cố tìm một câu
nghe cho được mà hỏi nó.

“Con đấy à?”
“Bố ô-kê không bố?”
À, bây giờ thì tôi nghe được rồi. Dẫu câu nói của nó
khò khè lọt qua khúc dây điện thoại ngoằn nghoèo, nghe
như phát ra từ chiếc đĩa nhạc cũ kỹ, trầy trụa.
Tôi mừng rỡ, “Ừ bố ô-kê. Con ô-kê không?”
“Ô-kê, bố.”
Im lặng lại chụp xuống. Tôi muốn hỏi con tôi rằng nó
tới đây bằng cách nào, rằng có phải bên ngoài mấy hôm nay
dường như tuyết rơi nhiều, rằng ở thành phố dưới ấy chắc

trời lạnh lắm, nhưng không hiểu sao tôi không thốt nên lời.
Con gái tôi chồm người ra trước, hai khuỷu tay chống lên
mặt bàn gỗ vàng ệch, hai vai nó nhô lên sát vành tai, những
sợi tóc đen ngả mầu nâu phủ kín hai vai. Chiếc áo khoác
mùa đông rộng thùng thình chụp lên cái thân hình bé bỏng.
Con mắt nó vẫn đen nhánh như ngày xưa; cái thời mà nó
không rời tôi bước nào lúc chúng tôi còn có nhau, trong trại
cấm.

“Sao tóc bố dài thế nhỉ?” Nó chợt hỏi.
Tôi ngượng ngịu đưa một tay lên vuốt những sợi tóc
lòa xòa trước trán qua một bên. Tôi muốn nói cho con tôi
biết là tại tôi không biết phải ở trong này bao lâu nên chưa
vội cắt tóc. Mùa đông tới, đầu trọc lạnh ngủ không được.
Nhưng tôi lặng im nhìn nó và ngu ngơ mỉm cười.
“Bố ô-kê thật hả bố?”
“Ừ, ô-kê thật.”
Nó nghiêng đầu nhìn tôi hết bên này đến bên kia. “Hai
bên má của bố sao vậy?”
Tôi giật mình. Những vết đốt của rệp, bọ chét hay muỗi
tôi không nghĩ ra.
Tôi trả lời quấy quá, “Muỗi đấy.”
“Cánh tay bố nữa. Ngứa không bố?”
“Không ngứa đâu.” Tôi nói dối cho con tôi yên lòng.
Không còn gì để nói, chúng tôi cứ ngồi thế mà nhìn
nhau. Bàn tay thằng con trai bóp nhẹ bờ vai con gái tôi,

những ngón tay con gái tôi mân mê sợi dây điện thoại mầu
đen, còn tôi một tay cầm ống nghe, một tay cứ chực gãi chỗ
ngứa ở cổ.

Con gái tôi nhìn quanh bức tường đá quét vôi vàng lợt.
Tia nhìn của nó quét xuống mặt bàn gỗ, hai cánh mũi nó
phập phồng như cố tìm xem có cái mùi gì đó phảng phất
quanh đây. Ở hai ngăn bên cạnh hình như cũng đang có
người thăm thân nhân. Rồi đôi mắt con gái tôi trở về với tôi.
Môi nó vẽ mơ hồ một nụ cười. Hai con mắt nó xoáy vào tôi
như thể nó có điều gì đó cần phải nói nhưng không nói ra
được thành ra nó ngồi không yên, cái đầu tròn ngọ ngoạy
hoài trên chiếc cổ mảnh mai. Mành tóc rung rung theo mỗi
cử động chai sượng của khớp xương.

Đứa con trai ngồi nép một bên, phía sau lưng con gái
tôi, im lìm như pho tượng.

Tôi nhìn vào khoảng trống giữa hai đứa nó, hỏi vào
ống nói điện thoại, “Bạn con đấy à?” Tôi nghe giọng nói
mình khô khàn như đất ruộng giữa mùa hạn hán.

“Vâng, bạn con.” Nó nhanh nhẩu trả lời rồi khẽ nghiêng
đầu qua phía thằng con trai, nhấn mạnh, “Boyfriend.”

Con mắt đứa con trai mở lớn khi nghe chữ boyfriend.
Con gái tôi quay đầu ra sau, nhoẻn miệng cười. Thằng con
trai cũng mỉm cười. Con mắt xanh của đứa con trai làm tôi
bối rối. Thằng con trai không bối rối như tôi, bởi tôi thấy
sau khung kính vấy bẩn ngăn đôi phòng thăm viếng, môi nó

nở ra nụ cười hiền. Bàn tay nó đặt lên vai con gái tôi.
Những ngón tay bóp nhẹ. Cử chỉ nhẹ nhàng và ân cần. Con
gái tôi lại mỉm cười. Nó có môi cười nửa nụ giống hệt mẹ
nó. Nhưng nụ cười con gái tôi hơn nụ cười của mẹ nó ở chỗ
thấm đẫm tin yêu, chan hòa hạnh phúc.

“Bố nói chuyện với nó không?” Con gái tôi hỏi bất
chợt.

Tôi giật mình, lúng túng. “Bố biết... gì mà nói.”
“Thì say hi.”
Con gái tôi đưa ống nghe cho bạn nó. Thằng con trai
cũng lúng túng như tôi. Con mắt nó nhớn nhác tia nhìn, bàn
tay nó rời bờ vai con gái tôi, tay kia chờn vờn nửa muốn đẩy
ra, nửa muốn đón nhận cái ống nghe điện thoại.
Nhùng nhằng một chút, thằng con trai đành nhận lấy
cái ống nghe điện thoại. Tôi mỉm cười nhìn hai đứa nó.
Mong là chúng nó hạnh phúc. Mong là chúng nó mãi mãi
thương yêu nhau như lúc này.
Con gái tôi ngồi nhích qua một bên, nhường cho bạn nó
ghé sát mặt tấm kính dầy ngăn chia chúng tôi. Nó nói nhỏ gì
đó vào tai đứa con trai. Thằng con trai gật đầu, những sợi
tóc vàng phất phơ trước trán như vầng mây phiêu bạt.
“Chao bó.”
Thấy tôi ngớ ra, con gái tôi vồ lấy ống nghe, cười như
nắc nẻ, “Nó chào bố đấy.”

Tôi cố nghĩ ra một câu tiếng Anh tử tế. Những câu
tiếng Anh tôi học được từ đời sống, toàn những câu không
tử tế. Thằng bé áp ống nghe vào tai, chăm chú nhìn tôi. Hai
con mắt sáng lên, chờ đợi.

“Hello.” Tôi nói.
“Chao bó.” Nó trả lời.
Tôi lấy dần lại chút tự tin, hỏi vội, “How are you?”
“Fine, bó.” Nó đáp lời nhanh chóng.
“What your name?”
“Tom, bó.”
Tôi nói tiếng Anh láo nháo như vậy mà thằng con trai
cũng hiểu ra.
Con gái tôi lại thì thầm vào tai bạn gì đó mà thằng con
trai mỉm cười, môi miệng vặn vẹo với câu, với chữ, “Bó
khoe khon?”
Tôi hiểu.
“Khỏe.”
Rồi chúng tôi nhìn nhau. Không còn gì để nói.
Con gái tôi giành lấy cái ống nghe từ tay thằng con trai.
“Bố thấy nó good không bố?”
“Good.” Tôi cố không đưa tay gãi chỗ ngứa phía sau
cổ.
“Nó marry con được không bố?”
“Nó... gì con?”
“Đám cưới đó bố.”

“À.” Chân tay tôi bủn rủn. Biết nói gì bây giờ.
“Hả bố?”
Tôi nhìn con mắt nơm nớp nỗi niềm chờ đợi của thằng
con trai mà mặt còn non hơn con gái tôi ít ra vài ba tuổi.
“Bố đâu biết!”
“Yes nghe bố.” Con gái tôi háo hức.
Tôi nhìn sâu vào mắt con bé. Nó còn nhỏ quá.
“Nó tên Tom à?”
“Yes.”
“Nó có đi học không?”
“Có chứ bố.”
“Lấy vợ rồi làm sao sống?”
“Con có job mà bố.”
“Hả?”
“Con đi làm mà bố.”
“À.”
“Bố chịu nó không? Nó cũng đẹp trai.”
Nói xong câu ấy, con gái tôi thúc khuỷu tay vào cạnh
sườn thằng con trai. Rồi quay đầu lại nhìn đăm đắm vào con
mắt mầu biển cả. Con gái tôi sắp chìm hay đã chết đuối từ
hồi nào trong vũng biển xanh biếc ấy. Bất chợt con gái tôi
nhoài người lại, hôn lên môi thằng con trai, rồi vội vã quay
lại với tôi. Thằng con trai ngồi ngay đơ như khúc gỗ, chiếc
lưỡi hồng liếm vội môi trên.
Trong này tôi cũng thành pho tượng thạch cao.

“Chịu nghe bố.”
“Để từ từ được không?”
“What’s for, bố?”
“Con nói gì?”
“Chờ làm gì hả bố?”
“Thì để dành tiền bạc...”
“Mình đâu cần nhiều tiền, bố.”
Tội nghiệp con gái tôi. Nó còn nhỏ quá. Phải làm cách
nào kéo dài được càng lâu càng tốt cho nó cái thời con gái.
Tôi đã quá quen mắt với cảnh người đàn bà thốc thếch, con
đống con đàn ở cái tuổi hai mươi. Hãy cứ cho chúng nó làm
bạn với nhau, còn cái chuyện vợ chồng, cuới hỏi, phải đợi
đến khi nào tình cảm chín mùi. Đến khi nào hai đứa trẻ con
trưởng thành, chín chắn.
Tôi tìm cách đổi đề tài, “Nhà nó ở đâu?”
“Nó ở với con mà bố.”
Lồng ngực tôi thắt lại. Chỗ ngứa phía sau cổ lại nhảy
nhót xốn xang trên da. Tôi đưa tay ra sau, cào muốn rách
lớp da nhăn nheo cho đã ngứa.
Tôi nhìn những ngón tay da trắng vuốt ve dòng tóc
chảy xuôi đôi vai gầy gò của con gái tôi; những ngón tay
mảnh mai như tay con gái. Tôi nhìn đôi mắt đen nhánh của
con gái. Sao tới bây giờ tôi mới bắt gặp nét tiều tụy. Sao
đến bây giờ tôi mới nhìn ra cái quầng thâm ở dưới hai con
mắt nó.

Tôi vội vã hỏi, “Con ô-kê không vậy?”
Con gái tôi ngơ ngác, “Sao hở bố?”
“Bố sợ con không ô-kê.”
Con gái tôi quay lại, đưa ống nói cho thằng con trai, thì
thầm gì đó. Thằng con trai cầm lấy ống nói điện thoại, cái
giọng cả quyết rót vào tai tôi, “She’s Okay, bó.”
Bây giờ thì tôi hiểu. Con gái tôi ô-kê. Bây giờ thì tôi
phải yên tâm. Dù tôi không yên tâm chút nào. Con gái tôi ô-
kê. Cứ biết vậy là đủ rồi.
“Ô-kê.” Tôi nói cho xong chuyện.
Chúng tôi ngồi nhìn nhau quên cả thời gian, đến khi
người trực trại giam bước lại phía hai đứa nó chúng tôi mới
bừng tỉnh. Mười lăm phút thăm nuôi đã hết. Gã nhân viên bề
thế như đô vật nói gì đó với hai đứa nó. Thằng con trai
đứng dậy. Con gái tôi cũng đứng dậy theo nhưng tay vẫn
nắm cứng cái ống nghe điện thoại. Trong này, một gã cai tù
cũng đã đứng sau lưng tôi tự lúc nào.
“Bố take care nghe bố.” Con gái tôi hốt hoảng.
“Ừ.”
“Bữa nào con lại vào thăm bố.”
“Ừ.”
“Bố chào thằng Tom cho nó vui đi bố.”
“Chào thế nào bây giờ?”
“Bố nói take care.”
“Ừ.”

Con gái tôi đẩy ống nghe vào tai thằng con trai. Thằng
con trai phải cúi xuống cho vừa tầm sợi dây.

Tôi cố dịu dàng, “Take care.”
Câu trả lời của nó tôi không hiểu nhưng ngôn từ trong
ánh mắt của nó thì tôi hiểu. Ngôn từ của sự biết ơn. Có phải
vậy không. Thì cứ nghĩ là như vậy. Chứ sao không. Nếu
như ở đất nước tôi, muốn có một đứa con gái như con tôi,
những đứa con trai phải long đong vất vả biết chừng nào.
“Merry Christmas, Sir!”
Trước khi gài ống nói lên cái giá điện thoại, thằng bé
còn cố nói câu cuối cùng. Cổ họng tôi cứng lại như có bàn
tay nào đó siết lấy. Tôi lầm lũi bước đi theo sức kéo trên tay
áo của bàn tay người gác tù.
Trước khi bước qua khung cửa hẹp, tôi quay lại nhìn
hai đứa nó. Thằng con trai đang ôm cứng lấy hai vai con gái
tôi mà vỗ về. Qua màn kính mờ đục, nhem nhuốc, tôi thấy
rõ đôi mắt con gái tôi chan hòa nước mắt.

Xong cái hẹn với bác sĩ tâm thần, tôi bước đi loạng
quạng như người say rượu. Trời đất quay cuồng xung
quanh. Tôi chóng mặt. Cho tôi ngồi xuống một chút. Tôi
chóng mặt quá. Chắc lại thiếu máu mất rồi. Lũ bàn ghế
bồng bềnh trôi trên mặt chất lỏng không mầu. Rồi bàn tay
vô hình nào đó nhấc bổng chiếc ghế lên. Nền thảm hũng
sâu. Tôi hụt hẫng giộng mạnh bàn chân, cố bám những ngón
rời vào nền nhà. Bàn chân dậm xuống nền xi măng, đau rần

các khớp xương. Những cái đầu xoay qua. Những con mắt
chấp chóa pháo bông. Bao nhiêu con mắt mở lớn nhìn tôi.

Tôi tránh tia nhìn của tất cả mọi người. Đôi mắt cô ấy
lấp lánh những lời dặn dò. Đôi mắt long lanh trong trí nhớ.
Giờ này cô ấy đang làm gì nhỉ.

Và Jackie có còn đeo dính lấy thằng T. như vẫn thường
đeo sau những lần hòa giải có lễ vật.

Người cảnh sát cho tôi ngồi xuống chiếc ghế trong
phòng chờ đợi. Tôi đưa hai tay lên đỡ lấy đầu mình. Hai
chiếc còng thép chạm vào trán lạnh băng. Cái đầu nặng nề
như mượn từ thân thể ai khác. Tôi lạ lẫm với chính mình.
Bóng tôi thấp thoáng trong khung kính cửa sổ. Tôi thấy tôi
khác tôi ngày hôm trước. Tôi thấy tôi khác tôi cái ngày ngồi
đối diện cô ấy, nhai chậm rãi miếng chả giò, nhấm nháp
ngụm rượu nếp than. Tôi cũng khác tôi cái ngày ngồi lắc
chiếc nôi cho con bé Amy ngủ, để cô ấy loay hoay nhổ lông
mày bằng cái nhíp nhỏ xíu mầu vàng sáng loáng. Ánh sáng
ban ngày cùng với ánh sáng ngọn đèn để bàn một trăm
watts làm hai má cô ấy đỏ hồng. Những ngày ấy tôi hồng
hào cơn vui, no nê hạnh phúc. Những ngày ấy tôi đi đứng
hiên ngang. Tôi nhìn tôi mỗi ngày vài chục lần trong gương,
thấy lưng mình thẳng và cái cười nửa miệng quyến rũ như
một câu hò hẹn.

Bây giờ tôi biến dạng. Co ro, èo uột.

“Về được chưa?” Anh chàng thông dịch khom người
xuống, nhìn vào mắt tôi, lập lại câu hỏi của ông cảnh sát.

Tôi lắc đầu.
“Lên xe nghỉ cũng được mà.” Anh ta lại nói.
“Xe chạy chóng mặt hơn chứ.” Tôi bắt bẻ.
Hắn dịch lại cho người cảnh sát. Người cảnh sát đàn
ông nhìn người cảnh sát đàn bà. Đàn bà gì mà cao như cái
cột đình. Hai người nói gì với nhau rồi người cảnh sát đàn
ông quay lại chúng tôi, xòe năm ngón tay ra dấu.
“Cho anh năm phút.”
Tôi gật đầu trước khi người thông dịch kịp dịch trọn
câu nói. Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại, câu bà Nhiêu
thường nói. Năm phút trong trại tạm giam với ba mươi hai
con thú đực nực nồng mùi thân thể loài thú ăn thịt sống
bằng cả tháng trời ngoài đời sống cho dù đời sống ấy gói
trong căn phòng chờ đợi bưng bít bốn bức tường của trại
tâm thần bệnh viện đa khoa thành phố.
Bỗng dưng tôi nhớ con trai tôi. Bà Nhiêu bảo bà ấy mà
có con gái, bà ấy gả cho nó ngay. Bà Nhiêu nhắc nhở tôi
hoài. Con có cha như nhà có nóc. Tìm cách đón nó về đi
ông ơi. Nó dù sao cũng là con trai. Nhất nam viết hữu thập
nữ viết vô.
Nghe lời bà ấy, tôi đã chạy vạy tìm nó. Bố con ở với
nhau ít lâu, nó dọn đi bảo là tìm chỗ gần trường học. Cái

thằng khỉ, lâu lắm mới tạt về thăm bố một lần rồi vội vàng
biến mất.

Tôi đang lềnh bềnh như cụm rong sắp trôi tuột vào giấc
ngủ ngày thì có tiếng gõ cửa. T. lù lù hiện ra khi tôi chưa
kịp lên tiếng.

“Ngủ gì hoài vậy ông anh. Nằm hoài nó bã cả người ra
đấy.”

Tôi nhỏm dậy. T. đứng giữa khung cửa chữ nhật, bên
cạnh Jackie. Khuôn mặt và thân hình người đàn bà bị khung
cửa cắt làm đôi. Tôi vội xoay người, thòng hai chân xuống
nền nhà. T. cầm những ngón tay Jackie, kéo cô vào hẳn
trong phòng.

“Anh cho Jackie tỵ nạn ở đây một tí nhá.”
Tôi ưỡn thẳng lưng, ngước mặt nhìn hai đứa nó, “Gì
thế?”
“Em có cái surprise cho người yêu.”
“Lại surprise nữa à?”
“Chứ sao! Tình yêu mà.”
T. đẩy hẳn Jackie vào phòng tôi. Người đàn bà đưa bàn
tay vuốt tóc, dịu dàng nhìn tôi. Hai con mắt buồn.
T. buông rơi những ngón tay của Jackie rồi đưa ngón
trỏ lên trước mặt, “Em ở đó đi. Cái surprise này sẽ làm em
ngất đi vì sướng.”

Xòe bàn tay ra như những người cảnh sát vẫn chặn
người đi đường, T. hỉ hả, “Cấm ra nghe!” Và nó quay lưng,
bước đi.

Jackie loay hoay nhìn căn phòng, lóng ngóng một tí rồi
ngồi mím xuống cạnh giường. Sức nặng thân thể người đàn
bà làm trũng mặt nệm, đẩy tôi về phía cô. Tôi gồng mình,
rán ngồi cho thẳng. Mùi nước hoa tỏa ra từ những chân tóc
hai mầu vàng, đen. Mùi thịt da quyến rũ quyện lấy những
mảng không khí đậm đặc trong căn phòng đóng kín cửa sổ.

Tôi bối rối nhìn xuống chân, làm như chăm chú tìm một
con cuốn chiếu, thỉnh thoảng vẫn bò uốn éo trên mặt thảm
cũ mầu xám lợt. Những ngón chân Jackie nhập nhòe trong
tầm nhìn. Những sợi gân xanh chạy xuống, chia ba chia bẩy
ở những ngón chân xương xẩu. Jackie khẽ nhúc nhích, thẳng
chân, đẩy mình ngồi hẳn trên mặt nệm. Hai bàn chân đong
đưa. Mặt nệm trũng xuống, xô tôi nghiêng ngả. Tôi ghì
cánh tay chống lại sự níu kéo của niềm khát khao không tên
gọi. Không ai nói với ai một lời nào. Những tiếng động bên
ngoài cũng thưa đi và gió, đôi khi vỗ vào cánh cửa gỗ long
bên ngoài, cũng lạc bước nơi đâu. Tôi nghe được cả tiếng
thở của người đàn bà. Mùi thịt da giống cái nâng thốc tôi
lên như cơn gió cuồng nâng cánh diều giấy mỏng.

Tôi chăm chú ngó những sợi gân xanh chia nhánh trên
lưng bàn chân người đàn bà. Ngón cái của bàn chân phải
dường như dài hơn ngón cái của bàn chân trái. Khám phá

nhỏ nhoi ấy làm tôi thích thú như đứa bé phát hiện điều mới
lạ. Tôi muốn quỳ xuống thảm, đỡ lấy hai bàn chân gầy
guộc, đặt sát bên nhau để so xem có thật hai ngón cái ấy
không giống nhau. Chợt những ngón chân người đàn bà co
lại, duỗi ra như đang kể chuyện cho nhau nghe. Hai ngón
chân cái nồng nhiệt co duỗi. Những co duỗi dồn dập.
Những ngón chân cong cớn trong cơn mê đắm tình dục tôi
đã bắt gặp đâu đó một đôi lần.

“Xong rồi Jackie ơi.” Tiếng gọi của T. đánh thức tôi
dậy. “Mời ông anh ra xem luôn.”

Jackie nắm lấy khuỷu tay tôi, “Đi anh.”
Tôi bước theo cánh tay níu kéo của người đàn bà.
“Trong phòng ngủ tụi mình. Jackie ơi.”
Tôi gỡ nhẹ những móng sắc đang bấu lấy cánh tay
mình. Nhưng những ngón tay ấy không chịu buông tôi ra
cho tới khi chúng tôi dừng lại trước chiếc giường trải khăn
mầu hồng.
“Giời ạ!”
Người đàn bà đứng sựng lại, hai tay buông thõng,
những ngón tay co quắp.
“Surprise!” T. đứng ở cuối phòng, hai tay khoanh lại,
mắt nhìn hả hê như tay anh chị vừa trả được thù.
Không biết bao nhiêu là quần áo lót phụ nữ rải đều trên
mặt nệm. Không biết bao nhiêu là mầu sắc dịu dàng. Hồng
lợt, tím than, xanh nước biển, trắng nõn. Mỏng như tơ nhện.

Bao nhiêu là áo ngực, bao nhiêu là quần lót. Tất cả đầu
không lớn hơn lòng bàn tay.

“Của em hết đó.”
T. dõng dạc.
Jackie bất chợt xoay đầu nhìn tôi và trong một giây
thảng thốt, dòng tóc đen nhuộm vàng, khối thân thể lâng
lâng mùi da thịt ấy đổ choàng lên tôi. Thank you anh. Tôi
luống cuống quẫy đạp như đứa bé tập bơi lần đầu. Hương
của tóc ngây ngây. Cám ơn người ta sao lại ôm tôi. Tôi
muốn hét lên như thế. Tôi sắp ngất đi. Tôi biết tôi sắp ngất
đi. Bởi hai mắt tôi hoa lên. Đồ đạc trong phòng bập bềnh
trôi theo dòng nước. Jackie lũ lụt ngập ngụa đất đai tôi. Tôi
đoán trước cơn động kinh sắp tới. Bác sĩ bảo tránh mọi thứ
xúc động. Bác sĩ dặn tôi mà không dặn những người đàn bà
ở quanh tôi. Căn phòng không có gió sao tóc Jackie rối
tung. Qua lớp mành thưa của tóc, tôi thấy tấm hình hai đứa
nó chụp chung quay tròn trên mặt tủ. Chiếc đèn để bàn bập
bềnh. Và hai con mắt sững sờ của T. vừa tuột ra khỏi khuôn
mặt gẫy khúc, trôi bồng bềnh theo cơn lũ lụt.

Buổi sáng mùa đông. Có điện thoại sớm. Tôi vùi đầu
xuống dưới cái gối bông cũ hoa hoè loè loẹt. Đêm qua thức
khuya nghe gió ma quái của cơn bão tuyết hú qua khe cửa
sổ, giờ này mở mắt không nổi.

Tiếng Hello nhấm nhẳng. Rồi Jackie đầu tóc lòa xòa
lùa vào phòng tôi như cơn gió, “Gọi gì mà sớm thế không
biết!”

Tôi hồi hộp áp ống nghe vào tai, ngại ngần hello mà
không dám hỏi ai đấy như thói quen.

Giọng cô ấy rụt rè ở đầu dây bên kia.
Tôi chợt tỉnh táo không ngờ, “Có chuyện gì vậy?”
Cô ấy ngập ngừng, "Bên đó thức chưa dzậy?"
“Thức lâu rồi.” Tôi nói dối.
“Tuyết quá trời là tuyết!” Cô ấy than thở vu vơ.
“Ừ, tuyết quá trời là tuyết.” Tôi lập lại trọn vẹn câu nói
của cô ấy. Đã từ lâu, tôi muốn ăn phần còn lại của chiếc
bánh cô ấy ăn dở; tôi muốn uống nửa còn lại của ly cà phê
cô ấy uống; tôi muốn nghĩ lại những điều cô ấy đang nghĩ;
tôi muốn nói lại những câu cô ấy đã nói qua.
Giữa hai câu đối thoại là khoảng im lặng mênh mông.
Chợt tiếng trẻ réo gọi nhau. Tôi nhận ra tiếng con bé
Amy. Và tôi có cớ để kéo dài câu chuyện dở dang.
“Tụi nhỏ thức rồi à?”
“Thức hớt rồi.”
“Vậy à.”
“Tụi nó đòi ra sân chơi tuyết mà hỏng ra được.”
Tôi ngơ ngác, “Sao vậy?”
Cô ấy bật ra cái điều muốn nói, “Tuyết bít hết lối ra
rồi.”

Tôi chồm dậy, vạch tấm màn cửa sổ, vểnh cổ ngó ra
ngoài. Đất trời chói chan. Tuyết đắp những dãy đồi viền hai
lề đường. Nắng lấp lánh tỏa ra trăm ngàn vệt kim cương
muôn mầu. Khoảng sân trước nhà chưa có dấu chân người,
thoai thoải những gợn sóng như nền cát trên bãi biển hoang.

“Hello.” Cô ấy nhắc trong điện thoại.
Tôi ngồi hẳn dậy, “Chờ một tí nhé.”
“Vâng ạ!”
Cô ấy giả giọng Bắc nhạo tôi rồi cười vang.
Giọng cười trẻ thơ, có bao giờ tôi quên được.
Vậy là tôi mặc hai ba lớp áo mùa đông, loay hoay leo
cửa sổ ra ngoài vì nhà mình cũng kẹt cứng lối ra, hăng hái
xách xẻng qua nhà cô ấy, hì hục xúc sạch bờ tuyết đắp bên
ngoài khung cửa. Tôi nghe tiếng hai đứa bé réo gọi uncle.
Tiếng cô ấy mắng con la hét ồn ào. Lớp cửa gỗ mở vào phía
trong, còn lớp cửa kính mở ra ngoài bị tuyết đắp be tới hơn
nửa thước. Tôi hì hục xúc quyết quăng ra sân. Tuyết lạnh
thấm qua lỗ thủng chiếc găng tay cũ làm ê những đầu ngón
tay, nhưng đôi mắt cô ấy làm tôi quên lạnh. Tôi hăng hái
giải cứu cô ấy, tôi hăng hái giải cứu một tuổi xuân đang bị
chôn vùi trong mùa màng đời sống.
Khi đồi tuyết đã vơi đi một nửa, tôi chống xẻng nhìn
vào nhà. Ngực rỗng phập phồng. Hơi thở ậm ạch. Mắt mờ.
Tai ù. Chân tay rụng rời. Qua khung cửa mờ hơi nước, hai
đứa bé tranh nhau lấy ngón tay vẽ hình lên mặt kính, và cô

ấy co ro đứng nhìn, đầu nghiêng qua một bên. Hai con mắt
đen nhánh. Con mắt tò mò của đứa bé chờ đoán xem trong
gói quà có gì bí mật.

Buổi sáng mùa đông. Cơn bão tuyết ghê hồn đêm hôm
trước trải ra một cõi bình yên của thiên đàng.

“Mệt lắm phải hôn?” Cô ấy hỏi khi mảnh tuyết cuối
cùng được gỡ đi và cánh cửa bật mở tỏa ra quanh tôi cái hơi
ấm dịu dàng.

Uống xong ly cà phê đậm, tôi đếm những bước xiêu
vẹo trên đồi tuyết, xách xẻng về nhà. Cửa kính bên ngoài bị
tuyết phủ tới ngang đầu gối. Cánh cửa gỗ phía trong mở
rộng. Jackie đứng dựa một bên cửa. Tóc rối che một phần
khuôn mặt. Chiếc áo ngủ lấp lửng đùi non. Buổi sáng mùa
đông, gã đàn ông tàn tạ là tôi ấy phải giải cứu cho hai người
đàn bà.

Lâu lắm tôi không nhắc lại chuyện quá giang xe thiên
hạ đêm giao thừa. Tôi không nhắc, người ta cũng lờ đi. Trên
đời này, đứa biết lờ đi bao giờ cũng dễ sống hơn.

Cuối cùng, tôi buột miệng, một buổi chiều nắng vàng
vạch những ô vuông gẫy khúc ở phòng khách. Hai đứa bé
đang giành nhau chơi game ở trên lầu. Tôi ngồi trên chiếc
ghế dài. Cô ấy loay hoay phủi bụi bám trên màn ảnh máy
truyền hình.

“Bữa hôm đi chùa có gì vui không?” Tôi thản nhiên
hỏi; làm như tình cờ cái miệng bật ra câu nói.

Cô dừng tay vài giây, quay lại nhìn tôi, rồi lại tiếp tục
với cái khăn lau.

“Dzui gì mà dzui! Hổng có gì cúng chùa ngại muốn
chết!”

Tôi lặng thinh.
“Vái suông đâu có ăn nhằm gì.” Cô ấy tiếp câu thở than
dang dở.
Tôi tự hỏi không biết thần linh có nghĩ như con người
nhỏ nhen. Tôi tự hỏi không biết thần linh có cần quà cáp
như con người.
Và tôi tự hỏi không biết đêm giao thừa cô ấy đã vái van
điều gì. (Nhưng dù có vái van gì thì cái thằng chết tiệt ấy
cũng không đem lại hạnh phúc cho em đâu.)
“Tới giờ này còn thiếu nợ người ta nữa đó.” Cô ấy thở
dài. Cái thở dài giấu giếm nhưng tôi cũng nghe ra.
Tôi choàng tỉnh, đứng ngay dậy. “Thiếu nợ ai?”
Miệng cô ấy bật ra một cái tên đàn ông.
Tôi ngơ ngác, “Ai vậy?”
Giọng cô nhỏ lại như hụt hơi, “Người cho mình quá
giang xe dzìa đó, nhớ hôn?”
Tôi điếng người. Làm sao không nhớ cho được, cái
thằng râu dê ấy!
“Sao lại mượn tiền người ta vậy?”
“Không mượn lấy gì cúng chùa?”

Tôi đứng sững ra đó, như thân cây chờ những nhát rìu
hung bạo.

“Mượn bao nhiêu?”
Cô ấy vẫn lau đi lau lại cái mặt hình chữ nhật của máy
truyền hình, “Hỏi chi dzậy?”
Tôi nghe giọng nói mình đanh lại như miếng bánh đa
cong lên trên vỉ lò than hừng hực nóng, “Mượn bao nhiêu?”
Con mắt cô ấy liếc tôi thật nhanh, “Hai trăm.”
“Một trăm không được sao?” Hỏi xong tôi mới thấy cái
vô nghĩa trong câu mình vừa nói, nhưng cô ấy vẫn riu ríu trả
lời.
“Có thấy người nào cúng một trăm đâu.”
Tôi ngậm câm. Cô ấy vẫn hí hoáy lau đi lau lại mặt kính
máy truyền hình. Tôi đứng thừ người ra đó như tấm bia mộ
không ghi tên người chết. Một lát, tôi hỏi, “Chừng nào mới
trả cho người ta?”
“Tiền đâu trả?”
“Vậy mượn làm gì?”
Cô ấy đứng sững ra đó, chiếc giẻ lau giấm dúi trong
lòng bàn tay. Hai con mắt long lanh. Hai con mắt sắp vắt ra
những giọt ngọc lấp lánh. Giọng cô ấy nhàu nát, “Người ta
hổng có đòi nợ mà.”
“Không đòi rồi mình bỏ qua luôn sao?”

Chiếc giẻ lau rơi xuống thảm. Những ngón tay trắng
muốt duỗi ra. Cô ấy nhìn tôi sững sờ, những giọt nước long
lanh trong khóe mắt, “Người ta làm phước chứ bộ.”

Cổ họng tôi thắt lại. Sai rồi. Tôi lại sai nữa rồi. Nhưng
tôi lặng thinh.

Ngày tháng trôi đi. Năm ấy tết sớm hơn mọi năm. Và
nỗi buồn cũng đến sớm hơn.

Nhưng năm ấy là năm nào vậy nhỉ.

“Đang mưa phải không?” Thằng tưới cỏ có cái tật nói
trống không. Mấy lần rồi, tôi tảng lờ như không nghe thấy.
Thì bên ngoài trời đang mưa. Chỉ có một người nói trống
không mà tôi thích được nghe. Cô ấy ở ngoài đời, không
biết lúc này ra sao.

“Lại ngủ nữa, ông này hay thật!”
“Nhắm mắt để đó chứ ngủ gì đâu.” Tôi lên tiếng.
“Mà cũng phải, nó giam mình thế này không ngủ thì
biết làm mẹ gì cho qua ngày. Đéo mẹ nó, làm mất bao nhiêu
tiền của người ta!”
Tôi mở hé con mắt. Ánh đèn loang trong cái ánh sáng
mờ ảo của một ngày không nắng làm căn phòng teo tóp lại.
“Ở trong này cả ngày nó mụ người đi chứ báu bổ gì.”

“Nhưng tôi lại thích đóng cửa luôn thế này.” Thằng bạn
tù vừa nói vừa trở mình làm rung rinh bốn chân giường.

“Có mà điên!”
“Thật chứ. Một ăn ba không sướng à.”
“Cái gì mà một ăn ba?” Tôi nghểnh cổ lên, hỏi.
“Ông đúng là ma mới. Một ngày lóc-in nó tính bằng ba
ngày tù giam lỏng. Mai kia ra tòa kêu án, nó trừ bớt cho
ông. Ông đúng mà tù con so, chẳng biết mẹ gì cả.”
“Cậu làm như cậu giỏi lắm. Chắc vào đây thường lắm
nhỉ?”
“Bao nhiêu năm kinh nghiệm đấy. Tạm giam một ngày
tương đương với hai ngày có án, còn lóc-in thế này thì cứ
một thành ba. Không biết sao lúc này lại có lóc-in chứ đúng
ra mùa hè, nhân viên chúng nó nghỉ va-kê-sân, thiếu người
chúng nó mới khóa mình lại thế này. Còn đã vào đây thì thà
hai năm trở lên chứ hai năm trừ một ngày thì lỗ vốn. Tù trên
hai năm nó chuyển tới trại tù liên bang, có chế độ, có job,
có tiền xài. Lâu lâu em út vào thăm còn tù tí được. Ông lại
ngủ đấy à? Người gì mà cứ nằm xuống là ngáy ngay được.”

Tôi không ngủ. Tôi chỉ nghĩ đến cái thế giới chật chội
ngoài kia. Chẳng biết hôm nay dưới ấy có mưa không. Và
hôm nay là thứ mấy. Chẳng biết lỡ mưa to nhà cô ấy có dột
để thằng quản lý có cớ mà sửa chỗ này chỗ kia không.

Tôi co quắp trong này. Ngoài kia có bao nhiêu đứa bon
chen quanh cô ấy.

Tôi nhắm mắt nhưng hình ảnh những thằng đàn ông
hăm hở trải ra trước mắt tôi.

Thằng T. không biết giờ này đã trở về để “dừng bước
giang hồ” chưa. Nó cũng thích cô ấy, nhưng cái lối tán gái
đầu đường xó chợ của nó làm tôi lộn ruột. Nó làm bộ đi
gần, chạm vào người ta rồi xin lỗi. Toàn những thứ cọ quẹt
rẻ tiền.

Nó làm như thể có tiền là muốn “mua” ai cũng được.
Đâu phải ai cũng như những con đàn bà nó dắt về vài ba
tuần mỗi khi trúng mánh. (Jackie là cái ngoại lệ dễ thương.
Jackie sống với T. được tới hơn hai tháng trời.) Cái thằng
được cái chịu xài tiền. Nó dám bỏ tiền ra mua cả một bộ
vòng “sơ men” vàng óng có sáu bảy chiếc gì đó cho người
đàn bà nó dẫn về. Mà sao trên đời lại có loại người dễ mua
chuộc đến như thế. Chỉ vài chiếc vòng vàng là xong hết mọi
chuyện. T. là đứa dám bỏ tiền ra mua một chục cái đĩa nhạc
của cô ca sĩ địa phương - mà nó gọi là ca sĩ lô-can để phân
biệt với ca sĩ Việt Nam ở Cali - để chỉ được ôm eo con nhỏ
mà chụp một tấm hình để đời. Xong cái việc làm vớ vẩn (mà
nó khoe là làm từ thiện ấy) T. đem chồng đĩa về phân phát
cho bà con Việt Nam trong khu xóm. Bây giờ ai cũng biết
tên cô ca sĩ hàng nội ấy dù chẳng biết giọng ca cô ta thế
nào.

Nhưng thằng T. không đáng ngại, dẫu tôi có vô số
chuyện để kể về nó.

Tôi nhớ hoài cái lần T. dẫn Jackie qua nhà cô ấy tán
dóc. Đang dở dang câu chuyện thì điện thoại di động của T.
reo vang một khúc nhạc réo rắt. Nó áp máy vào tai xì xào gì
đó rồi đi như biến. Jackie còn lại với (tôi và) cô ấy.

“Cái seo phôn của ảnh nghe hay há.” Cô ấy trầm trồ.
Jackie tròn con mắt, chu vòng đôi môi, “Trời ơi, cái di
động của chị còn xịn hơn của anh ấy nữa. Coi không?”
Cô ấy hăm hở, “Dạ coi.”
Jackie moi trong bóp ra cái điện thoại nhỏ như hộp
quẹt. Cái nắp mở lên, đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy. Hai mắt
cô ấy lấp lánh những tia vui của đứa bé chiêm ngưỡng hộp
kẹo.
“Chị mua ở đâu dzậy? Em chưa bao giờ thấy cái phôn
giống như dzậy.”
“Anh T. tặng chị đó. Anh ấy mua ở Hồng Kông. Hồng
Kông có nhiều thứ mình không bao giờ thấy.”
Cô ấy chạm nhẹ đầu ngón tay trỏ vào những nút bấm,
rụt rè như sợ cái vật kỳ diệu ấy sẽ tan thành mây, thành
khói.
“Anh T. nhà chị tặng chị đủ thứ. Hồi đi du lịch Trung
Quốc, Thái Lan, anh ấy mua tặng chị đủ thứ. Cả một tủ
quần áo lót.”
“Đồ lót?” cô ấy ngạc nhiên.
“Ừ, su-chiêng, quần xì-líp đó mà.”

Hai má cô ấy đỏ lên như trúng nắng. Mắt chớp, môi run
mà giọng nói thì ngại ngùng, “Mấy thứ đó mà... cũng tặng
nữa sao?”

“Yêu dữ lắm mới tặng mấy thứ đó đó!” Jackie chì chiết
cái giọng ở hai chữ đó đó.

Hai má cô ấy hây hây đỏ. Cô ấy mím môi lại, nhìn lướt
qua tôi thật nhanh. Tôi ngồi đó, như cục gỗ cho mối mọt
đến đục đẽo. Cô ấy không để ý đến cái điện thoại di động
xanh xanh đỏ đỏ nữa.

Giọng Jackie nhơn nhớt như ướp chất nhờn trên mình
con lươn, “Có ai tặng em mấy thứ đó chưa?”

Tim tôi nẩy bật lên như quả bóng đang lăn ngon trớn,
bỗng dội ngược lại vì đập vào vách đá.

Khóe cười nào đó thoáng qua trên nét mặt cô ấy.
Không phải nụ cười mà là biểu hiện mơ hồ của nỗi chờ
mong, của niềm mơ ước, của cả nỗi tuyệt vọng. Chẳng biết
tôi đoán vậy có đúng không.

“Có không?” Jackie hỏi gằn.
“Hổng có đâu.” Cô ấy vừa nói vừa lắc đầu.
Jackie không tha, “Vậy cái anh chàng hay ôm hoa hồng
lại nhà đó đó (lại chì chiết hai chữ đó đó) chưa tặng đồ lót
sao?”
Mặt cô ấy lại đỏ nhừ.
“Khai ra đi.” Jackie vừa nói vừa cười ngặt nghẽo.
Cô ấy liếc tôi, “Hổng có đâu.”

“Chị không tin đâu!”
Jackie kết luận. Những ngón tay thuôn đóng nắp cái
điện thoại di động lại, nhét vào trong túi xách. “Tôi không
tin cô đâu, cô ơi.”
“Thiệt mà!” Giọng cô ấy mỏng teo, mà nhuốm chút van
nài.
Jackie quay sang tôi, “Tin được không, ông anh?”
Tôi lặng lẽ mỉm cười.

Mấy hôm sau cô ấy hỏi tôi, “Bộ tặng đồ lót là yêu dữ
lắm phải hôn?”

Tôi không trả lời. Tôi biết cô ấy chả cần câu trả lời. Cô
ấy hỏi cho có hỏi mà thôi, nhưng tôi thì tôi hiểu ra mình sẽ
phải làm gì.

Tôi không thể là kẻ đến sau. Tôi ghét cả thằng T. lẫn
thằng râu dê.

Nhưng rồi tôi lại nhủ lòng rằng chúng nó có tiền, chúng
nó có xe nhưng đã chắc gì chúng nó có được một tấm lòng.

Còn tôi, có ai nói cho tôi biết phải tôi là một kẻ có
lòng.

Sau cơn mưa trái mùa, sân trại giam trơ trụi giẽ xuống.
Nắng tươi rói trên những vách tường đá xám, trải dài xuống
khoảng sân không cây cối. Không bóng râm nào đọng lại
trong sân. Tuyết cuối mùa tan dần, bỏ lại những vũng nước
đọng đầy mây trắng.

Sáng sớm ở trại giam vắng tiếng chim hót.
Tôi nhớ những con chim vẫn hót buổi sáng trong
khoảng sân sau nhà cô ấy. Lũ chim cũng về theo đám mùa
màng trong khoảng sân chữ nhật.
Chớm mùa đông, khi bông tuyết trổ ra từ đầu những
cành phong trụi lá là lúc vắng đi tiếng hót của những con
chim quen ở khoảng sân sau nhà cô ấy. Tôi nghĩ chúng trốn
về một vùng ấm áp nào đó. Tôi biết chúng sẽ trở về. Chỉ sợ
lúc chúng trở về mình chẳng còn ngồi đó mà nghe tiếng đối
đáp líu lo.

Trời đất tối sầm. Tôi bập bềnh trên chiếc thuyền bé như
cái thúng. Tôi giang hai tay giữ thăng bằng. Mắt mở trừng
trừng, nhưng tôi chỉ thấy những vạt mầu đen quay tít mù.
Tôi chúi đầu ngã xuống đất. Mặt đất lạnh băng và tanh tưởi.
Chết rồi, chắc là tôi xỉu mất rồi. Cô ấy hì hạch kéo tôi lết
trên mặt đất ẩm. Cô ấy tát túi bụi hai má tôi. Sao dzậy, trời
ơi, sao dzậy. Tôi mở mắt. Cái mũ len làm khuôn mặt cô ấy
tròn tròn. Cô ấy vừa kéo vừa lay tôi như sợ tôi sẽ chìm vào
cơn hôn mê. Tôi quơ quào hai tay, gượng người đứng dậy.

Vào được tới xe, tôi thở hắt ra như người hấp hối thở
hơi cuối cùng. Tôi đứng hết nổi, phải nằm co trên băng ghế,
trong lòng chiếc xe van hôi mốc đầy rác và nồng đậm mùi
tanh của giun đất. Cái lạnh thấm vào da thịt. Cô ấy cuống
cuồng luồn bàn tay dưới hai ba lớp áo tôi đang mặc, bấu lấy

những miếng da cọc còi mà giật gió. Tôi đau thấu trời xanh
nhưng chẳng còn chút hơi hám nào mà than thở.

Chủ xe nằm cuộn trong hai ba lớp áo mùa đông. Tiếng
ngáy xoáy vào không gian. Cô ấy nhấp nhổm như con ếch
ngồi trên chảo nóng. Hết sờ trán lại áp bàn tay lên má tôi.
Tôi nằm run rẩy, đê mê tận hưởng cái hạnh phúc gầy gò.

Thấy tôi run lập cập, cô ấy bồn chồn hết nhìn về phía
cabin xe lại nhìn tôi.

Cuối cùng cô ấy lay vai ông tài xế, năn nỉ, “Đề máy
giùm bác tài ơi.”

“Gì nữa đây?” Giọng gã đàn ông nhừa nhựa.
Cô ấy xuống giọng năn nỉ. Tôi không nghe rõ cô ấy nói
gì. Lửa đổ chói lòa trên đầu. Hai bên thái dương nhức ngỡ
chừng sắp nổ tung thành trăm ngàn mảnh vụn. Toàn thân tôi
lạnh băng. Tôi muốn chuồi thân thể mình vào bất cứ xó kẹt
nào trong chiếc xe tăm tối và hôi hám này để tìm chút hơi
ấm. Lửa tắt. Bóng tối phủ lấy tôi. Tôi thèm bất cứ nơi nào
có chút hơi ấm. Tôi thèm chút hơi nóng từ cái lỗ heat trên
nóc xe. Những bắp thịt căng cứng vì lạnh. Tôi sắp lên cơn
động kinh nữa rồi.
Cô ấy trở lại chỗ tôi nằm. Tôi thấy bóng cô ấy lờ mờ
như hình ảnh phù phiếm nào đó bước ra từ cõi âm. Hình như
cô ấy cầm lấy bàn tay tôi. Hình như cô ấy áp hai bàn tay
mềm mại của cô ấy lên lưng bàn tay tôi. Ấm áp biết chừng
nào. Dường như cô ấy xoa bàn tay cô ấy trên lưng hai bàn

tay tôi, rồi cô ấy xoa đều hai lòng bàn tay tôi. Cơn run giật
giọng làm bàn tay tôi tuột khỏi bàn tay cô ấy. Cô ấy tháo
chiếc mũ len đội trên đầu, bỏ xuống băng ghế. Những sợi
tóc đổ xuống không gian tôi. Cô ấy đứng dậy, nhoài người
ra phía chỗ ngồi tài xế. Cô ấy nói gì đó. Tiếng người tài xế
càu nhàu. Bỗng dưng tôi nghe tiếng cô ấy sụt sùi. Rồi cô ấy
khóc thành tiếng. Rồi giọng cô ấy tức tưởi, “Lạnh quá,
người ta chớt thì sao!”

Lúc cô ấy trở về chỗ tôi nằm, tôi nghe tiếng máy xe
rầm rì nổ.

Suốt một đêm, cô ấy ở bên tôi. Và, Trời ơi sao tôi lại
mong cứ được ốm đau hoài.

Về nhà, tôi bệnh luôn cả tuần. Không nhớ cô ấy đã qua
thăm bao nhiêu lần. Chỉ nhớ thấp thoáng hình bóng một
người đàn bà. Mềm mại, dịu dàng. Cám ơn Thượng đế đã
sinh ra người đàn bà dịu dàng. Tôi sốt cao, mê man trong
giấc ngủ. Nhưng tôi nhớ rõ nhất lần cô ấy qua thăm ngay
sau hôm tôi ngã bệnh. Cô ấy cạo gió thật rành rẽ. Nhớ bàn
tay xoa dầu. Nhớ ngón tay cô ấy chạm vào mũi cho dầu
nồng lên óc. Tôi hỏi cô bắt trùn có khá không. Cô ấy phụng
phịu. Mợt muốn chớt luôn! Tôi hỏi mấy hôm nay trời mưa
có đi bắt không. Cô ấy lắc đầu. Trời mưa trùn bò ra nhiều
sao không đi bắt. Tôi hỏi mà lòng thầm mong cô ấy đừng
đi. Cô ấy chớp mắt. Cái ông nội lái xe van kỳ cục thấy mồ.

Cô ấy ra về, tôi lại chìm vào giấc ngủ mê muội.

Bao nhiêu lần trong cơn nửa mê nửa tỉnh, mở mắt ra,
tôi cứ lơ mơ thấy suối tóc và đôi má đỏ hồng của một người
đàn bà.

Trong cơn mê sảng, hình ảnh những người đàn bà
chồng lên nhau, rồi tản mát ra, chạy vòng quanh như những
hình cắt xén tỉ mỉ trên những chiếc đèn kéo quân tết trung
thu thời thơ ấu.

Vậy là tôi không làm được cái việc đơn giản là ra ngoài
đồng, lom khom nhặt tiền (như người ta thường nói) nữa.
Cô ấy cũng chẳng bắt được bao nhiêu. Hai lon trùn suốt
một đêm cắm cúi như người nhà quê lam lũ đi gặt ngoài
đồng hoang, trong cái lạnh cắt da thì chả bõ công. Ấy là
chưa nói đem thân cho thằng chủ thầu nó sờ soạng.

Tôi mê đi tỉnh lại không biết bao nhiêu lần. Và cũng
không biết bao nhiêu lần tôi dựa lưng những cơn mộng mị,
nghe tiếng dặn dò ân cần vọng đến từ cõi nào.

Lúc tính tiền, thằng chủ Việt Nam nháy mắt. Em thì bắt
ít cũng không sao. Nó nháy mắt với cô ấy ở đầu câu rồi nó
lại nháy mắt với cô ấy ở cuối câu. Cô ấy luống cuống nhìn
quanh như cố tìm một chỗ để ẩn trốn. Thằng chủ lại ề à như
người say, “Mà không bắt được cũng ô-kê luôn.”

Lúc lên xe trở về, thằng chủ mở cửa sau chiếc xe van
dài như xe buýt công cộng của thành phố. Cửa sau không
có bậc ngang như xe đò cho khách bước lên, nên đám công
nhân đi bắt giun áo quần dày cộm, thùng thình, xù xì như

cây cải bắp trèo lên xe một cách khó khăn. Chắc vì vậy mà
thằng chủ tốt bụng đỡ từng người đàn bà lên xe. Tôi nhìn nó
chăm chú. Tay trái nó đỡ khuỷu tay người đàn bà, tay phải
nó đẩy nhẹ vào lưng lúc người đàn bà khệ nệ bước lên xe.
Những đàn bà trẻ và xồn xồn được nó đỡ kỹ lưỡng hơn
bằng bàn tay úp lên mông. Tôi thấy rõ những ngón tay day
day cái phần mềm mại ấy. Những người đàn ông không
được nó đỡ hộ dù nhiều người khệ nệ với ba lô sau lưng, túi
xách trên vai; nhún mình hai ba lần không lọt vào nổi trong
lòng xe. Nó chỉ giúp đỡ những người đàn bà. Tới phiên cô
ấy, bàn tay thằng đàn ông hạ thấp xuống, phía dưới thắt
lưng; thấp hơn nữa; nơi không còn điểm nào để bấu víu.
Những ngón tay xoắn lại trên cặp mông đầy vun, dưới lớp
vải quần jean mầu xanh nước biển. Cô ấy bật người ra phía
trước, trong cái nhá nhem của đất trời, tôi thấy miệng cô ấy
mở ra rồi ngậm lại vội vã. Đầu cô ấy xoay qua người đàn
ông. Tay cô ấy luống cuống. Con mắt dáo dác tia nhìn sợ
hãi. Rồi cô ấy chìm xuống, trộn lẫn vào cái láo nháo, lao
xao trong lòng xe.

Tới phiên tôi leo lên xe, trước khi bám vào thanh sắt để
cố sức đu mình, leo lên, tôi ngứa miệng, “Ông chủ này hay
nhỉ, chỉ đỡ phụ nữ còn đàn ông thì mặc xác.”

Cái mặt tròn quay chồm tới sát mặt tôi, nồng nặc mùi
thuốc lá trộn lẫn mùi hơi thở xú uế. Giọng thằng đàn ông

quấy quả, “Đàn ông chán bỏ mẹ! Nhường cả cho ông đấy,
ông anh ạ.”

Bao nhiêu thằng đàn ông đã từng mon men quanh cô
ấy. Tôi đã tra cứu kỹ lưỡng hồ sơ thằng chủ thầu bắt trùn và
thằng quản lý khu nhà chính phủ.

Ai nữa nhỉ. À, tới thằng tây ở đầu khu. Thằng tây di
dân này thì không đáng lo bởi nó chỉ được cái lẻo mép my
baby thế này, my baby thế kia, và xì xồ thứ tiếng Anh rung
cả miệng môi, rung cả khung kính cửa sổ mỗi lần câu nói
có chữ R.

Tôi điểm danh những ai rồi nhỉ. Thằng T. này, thằng
chủ thầu bắt giun này, thằng quản lý khu nhà này. Thằng
nào nữa nhỉ. Chắc còn nhiều nữa. Hồi mới qua, lúc chưa có
bầu, cô ấy đi học Anh văn, thế nào mà chẳng quen những
thằng đàn ông di dân đói tình.

À, con trai tôi cái lần ghé thăm bố, tình cờ gặp cô ấy,
lúc cô ấy qua đón con, cũng đã nhìn cô ấy chăm chăm. Tôi
thấy trái táo ở cổ họng thằng bé nhấp nhô lúc nó nuốt nước
bọt. Cô ấy dễ thương như vậy, đàn ông nào thấy mà không
phải nuốt nước bọt thèm thuồng.

Đến phút thứ ba mươi thì tôi không chịu nổi nữa. Cõi
lòng hừng hực lửa âm ti địa ngục, tôi hung hăng gõ cửa nhà
cô ấy. Trong nhà người ta mà nó vẫn đeo kính đen. Như thể
nó là mật vụ. Hay nó là cảnh sát chìm nhỉ. Dạo này đám chỉ

điểm mọc lên như nấm. Trâu buộc ghét trâu ăn. Bà Nhiêu
đã chả nửa đùa nửa thật, nói với tôi như thế đấy sao.

Lúc tôi bước qua khung cửa, nó đang thao thao chuyện
dàn máy ka-ra-ô-kê có cái mai-cơ-phôn giá cả chục ngàn,
giúp giọng ca mình hay hơn ca sĩ. Đúng là đồ nói láo. Nếu
máy móc làm cho nó hát hay hơn ca sĩ thì ca sĩ còn đi hát
làm gì nữa. Tôi tự động kéo ghế ngồi. Phong tục chúng tôi
nơi này là thế. Cứ tự động đẩy cửa vào. Cứ tự nhiên kéo
ghế ngồi (tự nhiên như người Long Xuyên, cô ấy vẫn đùa
như thế).

Cô ấy cười thay cho câu chào hỏi quen thuộc. Rồi cô
ấy lúng túng thấy rõ, như đứa học trò ngày xưa phải đọc
cho ông thầy những bài mình không thuộc.

Có tôi ở đó thằng râu dê đâm ra ít nói. Nó ngồi thừ ra,
hai tay táy máy cái điện thoại di động có màn hình chớp
nháy xanh xanh, đỏ đỏ. Một lát, như gã chỉ huy gom được ít
nhiều tàn binh sau trận đột kích, nó vênh váo, “Hiện đại
há?”

Cô ấy ngồi đối diện nó trên chiếc ghế dài. Tôi nhìn cô
ấy, chờ cô ấy gật đầu, nhưng cô ấy chỉ cười.

“Thế kỷ hai mươi mốt rồi. Phải enjoy cuộc sống, lúc già
như ông anh đây có tiếc thì cũng muộn rồi.”

Nó nhìn tôi rồi nháy mắt với cô ấy và rú lên cười như
con chó dại lên cơn.

Mặt tôi bừng nóng. Chân tay rụng rời. Hơi thở đứt
quãng. Một vụ sát nhân sắp xảy ra. Hay ít nhất cũng là một
cuộc đánh nhau chí mạng. Tôi già yếu, tật nguyền nhưng
nếu tôi ra tay bất ngờ, nó sẽ gẫy ít nhất một cái răng trước
khi nó kịp đánh gục tôi.

Giữa cơn dầu sôi lửa bỏng ấy, cánh cửa bật mở. Jackie
hiện ra giữa cái khung hình chữ nhật hẹp.

“Chào cả nhà.”
Và Jackie nhìn tôi, tươi cười, “Về ăn cơm anh ơi.”
Thằng râu dê nhanh nhẩu, “Chào bà chị. Có gì ngon
cho tụi em ăn ké với.”
Jackie nhìn cô ấy rồi nhìn qua thằng râu dê, đon đả,
“Chú ơi, chị nấu nướng đâu có bằng cái cô be bé xinh xinh
kia kìa.”
Hai má cô ấy đỏ hồng, hai bàn tay xoắn lấy nhau vầy vò
cơn bối rối. Thế là cơn giận của tôi nhão ra như cháo loãng
trong nồi.
Jackie bỏ dép ở ngạch cửa, chân trần xăm xăm đi về
phía tôi.
Tôi đứng bật dậy, bởi tôi không muốn người đàn bà
nắm tay áo tôi lôi đi như người ta giải giao tên tù vượt ngục.
“Ăn cơm sớm thế?” Tôi nói cho có.
Giọng Jackie dịu dàng, “Có cá rô phi đấy anh. Em biết
anh thích cá rô phi.”

Tôi đã kể về con trai tôi chưa nhỉ. Tôi cũng có con trai.
Nó lớn lắm rồi. Ngoài hai mươi rồi còn gì nữa. Nó trốn mẹ
nó, lại thăm tôi vài lần. Có lần nó bắt gặp tôi với cô ấy. Nó
nhìn cô ấy đăm đăm. Rồi nó ghẹo cô ấy. Tôi nhìn nó, lặng
thinh, nhưng lòng thầm bảo nó rằng đừng hỗn với dì nghe
con.

Tôi học được cái từ Anh văn mới ngày hôm ấy. Cái từ
nghe hoài rồi cũng thấy dễ thương. Để nhớ lại xem sao.
Cutie. Mấy hôm sau, lúc tôi hỏi - như một gã di dân ham
học - con trai tôi đã viết cho tôi chữ ấy. Ừ mà chữ cutie thì
hợp với cô ấy quá rồi.

Tôi nhìn những chén bát đầy thức ăn trên mặt bàn, lòng
chao xuống như cánh diều hụt gió.

“Em thích thức ăn nóng.” Jackie chỉ vào miếng cá rán
còn quyện sợi khói mỏng. “Phải bốc khói như thế này ăn
mới ngon.”

Tôi không biết nói gì.
Jackie nhìn tôi, “Thiếu món canh. Để hôm nào em lên
phố Tầu, mua rau đay về nấu canh cho anh ăn. Anh còn nhớ
canh rau đay không đấy?”
Tôi gật đầu, đứng ngần ngừ bên cạnh bàn. Nước bọt ứa
ra những kẽ răng. Cái bụng cồn cào nhắc nhở.
“Cuối tuần này có long weekend, để em tìm đứa nào
quá giang xe lên phố Tàu Toronto...”
“Thôi khỏi, Jackie ơi. Mất công lắm.”

“Có gì mà mất công. Nấu cả nhà ăn chứ có phải mình
anh ăn đâu mà ngại chứ.”

Jackie hay nói cả nhà mà mỗi lần ai nhắc tới cả nhà đầu
óc tôi đều vẽ ra hình ảnh mẹ con cô ấy.

“Ngồi xuống đi anh.”
Jackie dùng đũa gỡ miếng lườn cá, chấm vào đĩa nước
mắm, gắp bỏ vào bát tôi. Tôi nhìn những tép chanh vàng lợn
cợn, những miếng ớt đỏ dập dềnh, không biết phải làm gì.
Tôi kéo ghế ngồi xuống, đối diện với Jackie.
Tôi không muốn làm kẻ vô ơn, nhưng sao trước những
miếng ngon, tôi luôn nghĩ tới cô ấy cho dù Jackie đang dịu
dàng, ân cần như người vợ Việt Nam tam tòng tứ đức rơi
rớt ở xứ người.
“Ăn đi anh, làm gì mà thừ người ra vậy?” Jackie nhắc.
Tôi giật mình, lúng túng ngước lên. Người đàn bà ngồi
ngoan trước mặt tôi. Đôi cánh tay thon khoanh tròn trên
mặt bàn đóng khung chữ nhật đầy ứ hai trái ngực.
“Đang nhớ ai đấy phải không?” Jackie chặn đầu.
Tôi lúng túng, “Đâu có...”
Jackie chợt buồn thiu, “Nhìn mắt anh là em biết rồi.”
Như tên trộm bị bắt quả tang giữa ban ngày ban mặt,
tôi buột miệng, “Tôi đâu được như chú T.”
Jackie trừng mắt nhìn tôi, “Sao anh cứ phải bênh anh T.
vậy?” Rồi cô xuống giọng giận hờn. “Tại ông ấy là em kết
nghĩa của anh chứ gì.”

Tôi lặng thinh. Jackie thong thả kể lể, “Anh hơn anh T.
xa. T là của mọi người. T. là của chung, anh thì không. Anh
nấu ăn giỏi, anh thương trẻ con. Em thấy anh săn sóc thằng
bé Timmy với con Amy mà thèm có hai đứa bé ấy là con.”

Không có gì để nói nên tôi ậm ừ, “Cô cứ nói thế.”
“Thật đấy, em nói thật đấy. Tìm khắp thế gian này,
được mấy người đàn ông như anh.”
Tôi thích cá rán nhưng con cá hôm nay sao mà lắm
xương vụn đến thế.

Nhiều lần tôi làm việc mà không suy nghĩ.
Làm việc gì mà không suy nghĩ. Tôi đã làm được
những gì mà không suy nghĩ. Tính kỹ nghe anh, coi chừng
tù mọt gông đó. Ai đã nói với tôi như vậy nhỉ. Lâu quá rồi,
tôi không còn nhớ. Lời can ngăn của một người đàn bà.
Nhất định phải là từ một người đàn bà. Những đôi môi khô
vì đời sống, những đôi môi khô vì tình đời. Cả những đôi
môi ướt, ướt đẫm với tình yêu. Những lời tình tự thật hay
giả. Những lời tình tự thường nặng phần trình diễn. Chỉ có
những lời can ngăn là có thể tin tưởng được. Tôi nghĩ thế
chẳng biết có đúng không. Có gì đâu mà tù mọt gông. Sao
không, dính vào mấy thứ đó bây giờ ở tù chứ không có
quản chế tại gia vớ vẩn như ngày xưa đâu. Câu nói ấy làm
tôi suy nghĩ.

“Câu này đúng hay sai vậy anh?” người thông dịch có
vẻ nôn nóng. Mới tới câu hỏi thứ chín mà anh ta đã nhấp
nhổm.

“Có bao nhiêu câu vậy anh?” Tôi hỏi.
Người thông dịch lật lướt qua những trang của xấp
giấy.
“Hai trăm bốn chục câu.”
“Hai trăm bốn chục câu?” Tôi ngơ ngác.
Cái gật đầu của người đàn ông cứng như cái gật đầu
của thằng người gỗ.
“Anh đọc lại câu hỏi giùm.”
Cặp lông mày cau lại trên vừng trán rộng, người đàn
ông nhăn nhó nhìn lướt trang giấy, rồi đọc bằng cái giọng
ậm ừ, Nhiều lần tôi làm việc thiếu suy nghĩ.
Tôi cúi đầu nhìn xuống nền nhà. Những ô vuông mầu
nâu chen chúc nhau. Những ô vuông xếp hàng chờ lãnh
lương thực khoảng sân rộng trước sân trại tỵ nạn. Những ô
vuông có chân viền quanh như những chân rết. Những chân
rết viền quanh ô vuông chạy không theo trật tự nào. Những
ô vuông trên nền nhà chen chúc. Những ô vuông lau nhau
chạy vòng quanh.
“Đúng không anh?”
Tôi giật mình, bật cái đầu dậy như đầu con bổ củi.
“Đúng cái gì?”

Tia nhìn người đàn ông vằn vện những bực dọc vướng
thêm chút lo âu.

“Anh chỉ cần trả lời đúng hay sai.”
“Chả đúng mà cũng chẳng sai.” Tôi lên giọng ngang
ngạnh. Ai làm gì được tôi. Ngay đến cái ông tòa áo đen có
vắt cái khăn đỏ tươi từ vai bên phải xuống hông bên trái
cũng chẳng làm gì được tôi. Xứ sở có luật pháp hẳn hoi.
Người ta bảo tôi như thế. Ai đã bảo tôi như thế nhỉ. Lại
cũng một người đàn bà. Một đôi môi khô hạn, khô vì đời
sống. Đôi khi những đôi môi khô nứt vì không được hâm
nóng bởi tình yêu. Xứ sở có luật pháp đàng goàng. Tôi cười
với cái người nói câu nói đó trong trí tưởng. Và tôi thầm
sửa, đàng hoàng chứ không phải đàng goàng. Người ta nói
vậy đó, mắc mớ chi sửa người ta goài. Hai núm đồng tiền
xoáy vào nụ cười. Hai núm đồng tiền xoáy vào lòng tôi.
“Nghĩa là sao?”
Chả sao cả. Ai đã nói với tôi câu đó nữa nhỉ. Cũng
những người đàn bà. Cũng những đôi môi khô vì đời sống.
Hổng sao hớt.
“Sao cũng được.” Tôi lì.
“Vậy tôi ghi là có nghe.” Người đàn ông dịu giọng.
“Ô kê.” Tôi vẫn dịu dàng.
Người thông dịch loay hoay viết xuống tờ giấy.
Làm việc thiếu suy nghĩ. Trong đời ai chẳng có lúc làm
những việc thiếu suy nghĩ. Việc gì cũng suy nghĩ thì còn làm

ăn gì được. Mà ở cái xứ sở này, không làm gì ra hồn, suốt
đời sẽ không bao giờ ngoi lên được. Muốn phất thì phải liều
ông à. Không liều là không xong. T. đã nói với tôi như thế.
Trong bàn nhậu nó bỏ đi của tôi một chữ anh. Suy nghĩ làm
gì cho nhức đầu, cứ lì một tí là xong rồi.

“Câu kế tiếp nghe.”
Tôi chờ người thông dịch đọc câu kế tiếp.
Anh ta đọc, không thèm nhìn qua tôi, “Tôi thích giao
thiệp với người khác.”
“Sai.” Tôi trả lời cụt ngủn.

Cô ấy bế con qua thăm. Thằng bé Timmy lúc ấy mới
chập chững tập đi. Tôi còn nhớ hôm ấy là thứ tư bởi chiếc
yếm thằng bé đeo ở cổ có in lòe loẹt hình con gấu trắng và
chữ Wednesday (cái chữ khốn khổ này làm khó tôi hoài. Gì
mà viết thế này đọc thế khác.) Tôi đã từng viết đúng một
ngàn lần chữ ấy trong lớp học Anh ngữ cho di dân, hồi mới
tới xứ sở này.

Tôi nằm tùm hụp trong chăn. Mùi dầu gió chắc tỏa
ngập căn phòng chật hẹp.

“Mẹ con mày đi đâu thế này?” Tiếng Jackie vọng lên từ
phòng khách. Tim tôi nhói lên cái cảm giác lạ lùng.

Tôi biết ngay là cô ấy bởi trong xóm này chỉ mình cô ấy
có con nhỏ.

“Đi thăm người bịnh nè.” Giọng nói trong veo như
tiếng chim hót vang lên lẫn trong tiếng nhạc ỉ ôi từ dàn máy

hát của thằng T. ở phòng bên cạnh. Jackie có thói quen để
máy cát sét hát một mình hoài như thế. Băng nhạc tự động
đổi chiều; cứ hết mặt này lại đổi qua mặt kia.

“Thằng bé này biết đi chưa mà cứ bám lấy mẹ thế này.
Đã ăn uống gì chưa. Thằng cu con? Chừng nào mới đi học?
Bố mày có về thăm không vậy?”

Jackie hỏi chuyện tíu tít. Chắc cô ấy không biết đàng
nào mà trả lời mà càng không trả lời càng bị hỏi tới tấp
chẳng biết cô ấy có biết vậy không. Tôi trở mình, kéo vội
cái chăn mỏng lên tận cổ.

“Nói đi Timmy, nói con đi thăm bịnh...”
Tiếng cô ấy.
Không nghe thằng bé nói gì. Tôi hình dung thằng bé
con toét miệng cười, khoe hai chiếc răng cửa bị sún.
“Bệnh nhân ở trên lầu. Mẹ con mày không sợ lây hay
sao mà đòi thăm. Đã chích ngừa phờ-lu chưa đấy?”
“Nói bác nghe đi con, nói hổng sợ lây...”
Chắc cô ấy vừa trả lời vừa lầm lũi bế con bước lên cầu
thang bởi tôi nghe tiếng nói cô ấy lớn dần. Lòng tôi xôn xao
như hồi nhỏ đi xem văn nghệ, lúc sân khấu kịch sắp mở
màn. Và niềm vui nở ra, khi bóng cô ấy chan hòa khung
cửa.
“Ui da, sao mà tối thui vầy nè!”

Đã quen với bóng tối nên tôi nhìn rõ hai mẹ con cô ấy.
Tôi thấy con mắt cô ấy mở lớn như cố xoáy vào khoảng tối
tăm phủ chụp lên chiếc giường cũ kỳ bùi nhùi chăn gối.

“Hello.” Cô ấy thì thào câu chào quen thuộc.
“Hi.” Tôi nén nỗi hân hoan trong lòng, chào lại cô ấy
bằng cái chữ tiếng Anh có âm thanh ngắn nhất. Thằng bé
nhận ra tôi, gỡ vội tay mẹ nó ra, chạy nhanh lại chỗ tôi nằm.
“Tối hù à!” Lời than van của cô nghe xa xăm như từ
quê nhà nắng ấm vọng qua tới xứ sở lạnh lẽo này. Thằng bé
vỗ vỗ hai tay lên mặt nệm như thể đòi ai đó bế nó lên. Tôi
đưa ngón tay trỏ ra cho nó nắm lấy. Cô ấy đi vòng lại đầu
giường, luồn lách giữa chồng báo cũ, về phía cửa sổ. Cô ấy
xoải tay, vạch hai tấm màn cửa qua hai bên. Ánh sáng lùa
vào, chói chan. Tôi nhắm vội hai mắt. Trong khoảnh khắc
nhỏ nhoi, bóng cô ấy - viền bởi vầng hào quang - chói lòa.
Cô ấy trở lại đầu giường, nhìn tôi.
Tất cả những ái ngại trên thế gian gom lại trong đôi mắt
ấy.
Và cái giọng nói xốn xang lòng tôi, “Trời ơi, bịnh dữ
dzậy đó hả!”

Ordinary things never appear ‘foggy’ or far away to
me. Mọi vật thông thường không bao giờ có vẻ mờ ảo như
sương mù đối với tôi.”

Nhiều khi tôi ngỡ tôi sống một mình giữa những hình
bóng trôi dạt bồng bềnh. Người ta trôi quanh tôi như những


Click to View FlipBook Version