The words you are searching are inside this book. To get more targeted content, please make full-text search by clicking here.

Đêm Oakland và Những Truyện Khác Phùng Nguyễn

Discover the best professional documents and content resources in AnyFlip Document Base.
Search
Published by fireant26, 2022-11-02 00:23:49

Đêm Oakland và Những Truyện Khác Phùng Nguyễn

Đêm Oakland và Những Truyện Khác Phùng Nguyễn

Phùng Nguyễn

Đêm Oakland
và Những Truyện Khác

Oakland Night
and Other Stories

Copyrighted by Phùng Nguyễn
2011

Published by Kệ Sách
Smashwords Edition
ISBN 978-1-4524-6981-2

License Notes

This ebook is licensed for your personal
enjoyment only. This ebook may not be re-
sold or given away to other people. If you
would like to share this book with another
person, please purchase an additional copy
for each recipient. If you’re reading this
book and did not purchase it, or it was not
purchased for your use only, then please
return to Smashwords.com and purchase
your own copy. Thank you for respecting
the hard work of this author.

Mục Lục

Văn Sĩ Ngại Ngần
Đêm Oakland. Câu Hỏi
Cháy Lên Những Ngọn Đồi Cỏ Khô
Bắt Hến Ở Hồ Isabella
Chim Gáy Sau Vườn
Cựu Chiến Binh, Nhà Thơ
Quan Hệ
Ngày Đầu Tiên Của Mùa Xuân
Bước Hồi Sinh
Khách Quen
Chuyện Thằng Bạn
Phía Bên Kia Đường
Bóng Phượng
Tỏ Tình Với Bình Minh
Dựng Truyện

Phùng Nguyễn: tác giả - tác phẩm

văn sĩ ngại ngần

Câu hỏi what do you do for a living được cất lên
với giọng thì thầm cố ý bởi vì trong cái thư viện này
(hoặc bất cứ thư viện nào khác) người ta không nên
lớn tiếng, điều này được xem như là một trong những
cung cách ứng xử của người dân ở các xứ sở văn minh
mà người đàn bà trên dưới ba mươi tuổi ngồi ở phía
bên kia chiếc bàn dài với chồng sách khá cao trước
mặt nhất định phải thuộc nằm lòng cho dù người đàn
ông mà câu hỏi được gởi đến không nghĩ rằng bà ta
quan tâm mảy may nào đến nhận xét của ông ta về
điều này mà có lẽ đang quan tâm dến câu trả lời của
ông hoặc đến những ý nghĩ mà ông có trong đầu liên
quan đến chính bà ta, chẳng hạn như cặp mắt xanh
biếc phía dưới hai hàng lông mi màu nâu cong vút,
cặp môi thoa son màu hồng nhạt, hai hàm răng trắng
bóng đều đặn, bộ ngực trẻ trung dưới chiếc áo lụa
mỏng, nhưng ngay cả cái hình ảnh xinh đẹp của bà ta
cũng không làm giảm đi chút nào nỗi băn khoăn đang
dấy lên trong lòng ông, tại sao lại hỏi tôi có làm ăn gì
không, ai mà chẳng phải làm ăn, tôi thì lúc nào chẳng
phải làm ăn từ lúc đặt chân lên xứ này mười mấy năm
trước, mới chưa được hai tuần lễ đã chui vào trong
tiệm pizza hành nghề ... rửa mâm, cái nào cái nấy to
như cái trống đồng, xốt cà chua và những tảng phô
mai vàng khè bám đầy, ngay cả cái máy rửa chén kỹ
nghệ cũng không tẩy nổi, rồi còn phải nhào bột nướng
bánh cho đến khuya, về đến nhà mệt đừ mà vẫn phải

ngồi bệt xuống gỡ cho hết mớ bột dẽo quẹo dính khắn
vào đế đôi giày bố ẩm mốc, vậy mà thấy vui hơn
những lúc vào chính cái thư viện này lục lọi đủ thứ
sách vở có liên quan đến cuộc chiến tranh đã biến
mình thành tàn phế, đã xua đuổi mình ra khỏi đất
nước của mình, chỉ để chán chường nhận ra những
điều viết ra trong đó cũng gian lận, cũng tàn nhẫn,
cũng độc ác không kém gì cuộc chiến tranh vừa qua,
điều này khiến người đàn ông giận dữ, cũng giận dữ
không kém lúc xem bộ phim ngu xuẩn The Iron
Triangle, ở đó anh chàng giải phóng quân hiền lành
một cách ngu xuẩn, tên lính Mỹ trung hậu một cách
ngu xuẩn, cô gái ngây thơ mặc chiếc áo dài trắng đi
lang thang giữa hai lằn đạn một cách ngu xuẩn cuối
cùng ngã xuống bởi những viên đạn của những người
lính Cộng Hòa kiêu căng, tàn bạo một cách ngu xuẩn,
tất cả đều ngu xuẩn và tồi tệ, nhưng cũng chưa đủ làm
người đàn ông cảm thấy bẽ bàng cho đến khi ông
khám phá ra mình là người Việt Nam duy nhất trong
số khán giả hiện diện, điều này khiến cho ông cảm
thấy cô đơn vô cùng, cái cảm giác đơn độc sẽ trở lại
với ông trong những năm tháng sau này khi mọi điều,
mọi việc mà ông đã từng quen thuộc đột ngột rời bỏ
ông, gia đình, bè bạn, những đứa con xinh đẹp bây giờ
không còn chạy ùa ra chào đón ông mỗi buổi chiều
tan sở, bây giờ chỉ có mỗi mình ông đi ra đi vào trong
căn apartment hai phòng bỗng dưng trở nên quá rộng,
chiếc bàn ăn trở nên quá dài, những đêm trở nên quá
sâu, những ngày trở nên quá thừa thãi, và ông đã có
thể trở nên điên loạn nếu không ngồi xuống chiếc bàn
giấy vào một đêm đầu mùa Đông, viết nhăng nhít trên
những tờ giấy học trò về một kỷ niệm nhỏ xảy ra cho
ông đã lâu, rồi một kỷ niệm khác, rồi một điều khác
nữa, những điều chợt đến với ông không theo một thứ

tự thời gian hay không gian nào hết, đôi khi chúng kéo
đến trùng trùng điệp điệp làm ông muốn ngộp thở, đôi
khi chúng trốn chạy vào những ngõ ngách sâu kín
nhất làm ông phải lục lọi muốn hụt hơi để mang
chúng vào giữa những lằn kẽ màu xanh nhạt, dồn ép
chúng lại, kéo giãn chúng ra, chặt tay chặt chân
chúng, gắn sừng lên đầu chúng, nhồi nhét những điều
ông cho là cần thiết vào cái bụng teo tóp hay trương
phình của chúng cho đến khi cả bọn biến thành một
đứa bé láu lỉnh, một người đàn ông ngu đần, một
người đàn bà quyến rũ, một thể khối hổn độn, một bức
tranh nhạt nhòa hay tất cả những điều đó, những điều
không thực nhưng có đủ quyền lực nâng ông ra khỏi
cảnh ngộ của mình dù chỉ trong chốc lát, giúp ông trôi
lờ lững trong những vùng không gian khác nhau vào
những thời điểm khác nhau, cuối cùng biến thành một
niềm tự hào vô cớ và rất đáng tội nghiệp (nếu lúc bấy
giờ ông có thể hiểu được như vậy) về khả năng sáng
tạo của mình đến độ ông tự buộc mình cho ra đời một
cách đều đặn những sản phẩm được dựng nên từ cùng
một bộ khung cũ mèm với những tảng màu rắc rối
một cách không cần thiết và lừa đảo chính mình về
những tác động lớn lao của những sản phẩm đó, điều
mà mãi sau này ông mới thú nhận một cách bối rối với
người bạn trẻ mà ông chỉ mới quen biết qua những
bức điện thư đến từ một nơi rất xa xôi, người đã cho
rằng có khi cũng chẳng cần đến văn chương và lạ lùng
thay trong cùng một lúc cho ông có được nỗi bình yên
về những điều đã viết xuống bởi vì đó là cảm xúc
hoặc đến từ cảm xúc, và chính là lời nói của người
bạn đã kéo ông trở lại với chiếc bàn giấy bụi bặm, ở
đó những trang giấy lại được trải ra và cảm xúc lại có
dịp chảy xuống giữa những hàng kẽ thẳng băng màu
xanh nhạt, nhảy múa, ca hát, than thở, khóc lóc như

những bóng ma trong veo của thời niên thiếu, những
bóng ma xanh xao của tháng năm bệ rạc ở quê nhà,
những bóng ma xám xịt của nửa đời lưu lạc, những
cảm xúc sẽ đến cho những điều đã qua và sắp tới, có
khi chỉ vì một điều xem chừng rất bình thường như
câu hỏi người đàn bà bản xứ vừa mới đặt ra cách đây
vài giây, what do you do for a living, cùng với nụ cười
thật tươi và ánh mắt dịu dàng, câu hỏi làm ông bối rối
không duyên cớ nhưng đồng thời không thể làm ngơ,
cho nên cuối cùng ông trả lời I’m a writer, một cách
ngại ngần

tháng ba 1999

đêm oakland. câu hỏi

gởi Đức

Khi Đức và tôi chui vào chiếc xe cũ mèm của
hắn, đêm sắp tàn. Thiện đứng dưới vòm cửa hình cung
của khu chung cư, vẫy tay từ biệt. Chiều hôm qua,
Thiện đi cùng Đức đến tìm tôi ở khách sạn. Mớ tóc
dài quá vai của chàng trẻ tuổi này làm tôi hơi ớn.
Nhưng cảm giác đó không ở lâu, Thiện lễ độ, hòa nhã,
dễ thân cận. Và hơi mơ mộng, tôi nhận ra điều này sau
đó. Chính là ở căn apartment của Thiện tôi đã nằm dài
trên chiếc xô pha, đầu óc lang thang theo tiếng đàn
giọng hát của người bạn mới quen vào lúc nửa đêm về
sáng. Rồi bỗng dưng tôi chợt nhận ra những ý nghĩ
vụn vặt, rời rạc lởn vởn trong đầu tưởng như không
chút liên hệ gì với nhau thực ra có liên quan đến câu
hỏi của Đức trước đó. Câu hỏi có vẻ như được đưa ra
một cách tùy tiện theo giòng trôi của câu chuyện phía
trên những ly bia sủi bọt và đĩa tiết canh màu đỏ bầm
trong một quán ăn ở thành phố chúng tôi kéo đến tối
hôm qua.

Đức và tôi gặp nhau nhiều lần ở một thành phố
phía Nam, nơi không phải là chốn ngụ cư của cả hai.
Tôi không chắc Đức đã từng ở một thành phố nào đủ
lâu để có thể gọi là thị dân của nơi đó. Hắn sống một
mình, không thực sự có trách nhiệm với ai, đi nhiều,
và đi lúc nào cũng được. Chỉ riêng điều này cũng đủ
làm tôi ganh tị quá đỗi. Đối lại, tôi lớn tuổi hơn Đức,

đủ lớn để giết người và để bị người giết một cách hợp
pháp trước khi Đức có cơ hội tham dự vào cái trò chơi
lớn có tên gọi là chiến tranh. Ngoài ra, chỉ việc tôi
sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo nàn và đầy
dẫy những vết tích của đạn bom cũng đủ làm hắn xốn
xang.

Ở phía trong bức tường cao của căn biệt thự sang
trọng và được tách ra khỏi những nỗi hiểm nghèo
đang xảy ra bên ngoài, người ta có quyền có những
nhu cầu tinh thần vô cùng xa xỉ. Chẳng hạn như
những suy nghĩ phức tạp của mình về chiến tranh mà
Đức đã mô tả trong bài tập làm văn ở năm cuối cùng
của bậc tiểu học. Hoặc người ta thực sự sống với,
hoặc người ta suy tưởng về một điều gì đó.

Bất kể những khác biệt lớn về tuổi thơ và kinh
nghiệm chiến tranh, tôi cho rằng Đức và tôi cùng
thuộc về nhóm những kẻ đứng chông chênh trên hai
mảnh ván trôi ngược chiều nhau, cố giữ thăng bằng để
không rơi vào cái vực đen ngòm của hoang mang bên
dưới. Thực ra, cái mảnh ván cứ kéo giật tôi về quá
khứ có nhiều cơ hội thành công hơn. Có những điều
nằm ở đó sẽ đeo đuổi tôi cho đến hết đời. Trong nhiều
năm, tôi cứ đi giật lùi nhiều hơn là đi tới. Những
người ở lứa tuổi của Đức hoặc trẻ hơn, như những
người bạn của hắn, luôn làm tôi ngạc nhiên về khả
năng diễn tả những gì khác hơn phở, bún bò, và cơm
tấm bằng tiếng Việt. Mãi về sau này khi nỗi ngạc
nhiên qua đi, tôi cho rằng nếp nghĩ của mình có thể đã
xuất phát từ nỗi sợ của người bị giật mất đi chiếc phao
cuối cùng của lòng tự hào. Khi người ta không có
nhiều thứ để bám vào, khả năng sử dụng nhuần
nhuyễn tiếng mẹ đẻ trong một môi trường không
thuận lợi có thể chứng minh được nhiều điều, kể cả
việc biểu hiện một cách kín đáo, và trong cùng một

lúc mong muốn người khác nhận ra, thẩm quyền về và
lòng trung thành với chính cái quá khứ buồn tủi của
mình. Về sau, khi tiếp xúc với nhóm bạn trẻ trung của
Đức, tôi quả thực có chờ đợi ở họ cái khả năng diễn
đạt những điều trừu tượng bằng tiếng Việt không chỉ
trôi chảy mà còn uyên bác nữa. Cho nên tôi không hề
ngạc nhiên khi nghe Thiện và Đức tranh cãi sôi nổi về
những đề tài có dính líu đến một số phát kiến mới lạ
trong cuốn sách vừa được xuất bản của một sử gia rất
được giới trẻ quan tâm. Tất nhiên là bằng tiếng Việt.
Và cũng không ngạc nhiên mảy may khi sau đó Thiện
ôm đàn hát bản nhạc mới soạn của mình bằng tiếng
Anh vào lúc nửa đêm về sáng trong căn apartment
khá gọn gàng của hắn.

Đức, khi chiến tranh chấm dứt, đủ lớn để mang
theo với mình tro than của quá khứ cho dù hắn còn
quá trẻ để nâng niu chúng như là thứ tài sản duy nhất
mà người ta có thể sở hữu. Có vẻ như mớ tro than này
thỉnh thoảng lại bị ai đó hoặc điều gì đó khuấy động,
bụi bặm ùn lên làm Đức sặc sụa. Không phải tình cờ
mà hắn đã chọn cho tôi cuốn An Artist of the Floating
World* khi chúng tôi ghé thăm tiệm sách ưa thích của
hắn ở một góc phố nhỏ gần trung tâm thành phố San
Francisco. Sau khi nghiền ngẫm một cách cực nhọc
những điều chứa đựng trong đó với mớ tiếng Anh kém
cỏi của mình, tôi đã cho rằng có ít nhất một vài điều
đang và sẽ còn làm Đức bận tâm trong nhiều năm sắp
tới. Tôi cũng cho rằng những mối bận tâm đó, nếu suy
nghĩ của tôi không phải là vô căn cứ, đã từ lâu không
còn làm phiền tôi nữa. Nếu phải tự mô tả mình và mối
quan hệ với cuộc chiến tranh đã qua, tôi thường nghĩ
đến một gã vừa thua cạn láng ở ván cờ cuối cùng, lúng
túng không biết làm gì. Người thắng cuộc thì nhất
định không chịu xóa bàn làm lại, có ngẩn ngơ đứng đó

càu nhàu cũng chẳng ích gì. Thôi thì bỏ đi, tự an ủi
mình dù sao thì cũng đã đánh xong ván cờ, cho dù
một cách dở tệ. Lâu dần, cái ý nghĩ đánh-xongván-cờ
trở thành một thứ thuốc an thần vô cùng công hiệu
trong nhiều trường hợp. Nhưng không phải tất cả mọi
trường hợp. Khi câu hỏi của Đức hướng về tôi được
đẩy ra, trôi nổi lập lờ phía trên chiếc bàn đầy những
vỏ bia và tàn thuốc lá, tôi tưởng như bắt gặp nỗi thiết
tha trong ánh mắt của hắn. Vậy mà tôi đã lờ đi. Tôi
không thích phải trả lời một câu hỏi như thế. Có khi
đó cũng là câu hỏi của tôi. Mà tôi thì hỏi ai bây giờ?
Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ mình nợ Đức câu trả lời, có lẽ
bởi vì không chỉ cái ánh mắt.

Khi chiếc xe quẹo vào con đường dẫn tới xa lộ,
Đức mồi điếu thuốc đầu tiên của chuyến đi. Hắn sẽ
hút liên tục suốt cuộc hành trình, và thỉnh thoảng sẽ
ho khằng khặc. San Francisco khoảng ba mươi phút
trước mặt, và nếu tôi muốn câu chuyện chấm dứt
trước khi trời sáng, tôi nên bắt đầu từ bây giờ.

Chuyện ông Thiệp tự treo cổ lên xà nhà vào một
buổi chiều mùa Hè thì cả làng đều biết, kể cả một đứa
con nít như tôi. Vì sao ông ấy làm như vậy thì họa
chăng chỉ có một vài người trong số ngưới lớn mới
biết. Nhưng thằng Kình thì chắc là không biết. Nó
không biết rất nhiều thứ, kể cả việc nói một câu cho ra
hồn. Thằng Kình là con một của ông Thiệp, lớn hơn
tôi chừng bảy, tám tuổi. Nếu tôi gọi một người nào
khác trạc tuổi thằng Kình bằng thằng, mẹ tôi sẽ thẳng
cánh quất vào mông tôi vài ba ngọn roi dâu đau điếng
người cho chừa cái tật hỗn láo. Nhưng trong làng từ
nhỏ chí lớn, kể cả mẹ tôi, chỉ gọi thằng Kình là thằng
Kình hoặc nhiều lắm là thằng Kình khùng. Người ta
nói nhà nó có máu điên, chính ông Thiệp cũng chẳng
tỉnh táo gì mấy. Hôm đám ma, tôi cứ nhằm thằng

Kình mà dòm trân trân. Nó mặc áo vải mùng, quấn
khăn trắng, tay bưng bình nhang đi theo quan tài, mặt
ngơ ngơ. Thỉnh thoảng cái môi trên dày mo của nó
uốn éo táp lấy môi dưới lúc nào cũng nhễu nhão thứ
nước miếng nhơn nhớt mà liếm qua liếm lại trông
gớm chết. Con nít nhà quê đứa nào cũng dơ dáy bẩn
thỉu, kể cả thằng lỏi tì mười tuổi là tôi, mà nhìn thằng
Kình vào những lúc đó còn phải nổi da gà thì đủ biết.
Đám ma nhà nghèo ở nhà quê chán ngấy, chẳng có gì
đáng xem. Nếu không có thằng Kình, đám ma ông
Thiệp chắc còn chán hơn nữa.

Thằng Kình không đi học. Có ai khùng mà đi
học đâu! Nó đi làm mướn cho người trong làng. Mẹ
nó cũng đi làm mướn. Bà đi kéo tơ thuê cho nhà cửu
Nhì. Đất làng tôi là đất biền, pha nhiều cát, không
trồng lúa được. Người ta trồng dưa gang, trồng đậu
phộng, trồng đậu xanh đậu đỏ, trồng bắp, trồng thuốc
lá, và trồng dâu lấy lá cho tằm. Đất biền khô queo,
trồng cái gì cũng phải tưới nước. Thằng Kình sức trai,
người ta mướn nó gánh nước tưới mấy khoảnh hoa
màu. Cả chủ lẫn người làm thuê múc nước từ cái
“bàu” nhỏ vào đôi gầu to tướng bằng tre đan trét dầu
“rái” rồi cong lưng gánh về khoảnh đất đang thiếu
nước, chiếc đòn gánh oằn xuống bật lên nhịp nhàng
theo nhịp bước, những giọt nước nhảy sóng sánh trên
miệng gầu trước khi rơi xuống đất. Cứ như vậy từ
sáng đến trưa, rồi từ trưa đến tối.

Chừng hai năm sau ngày ông Thiệp tự vẫn, làng
xóm trở nên chộn rộn. Phe Mặt trận kéo về vào lúc
chạng vạng, chụp nguyên ổ hội đồng xã từ đại diện,
ủy viên tư pháp, cho đến hộ tịch, thư ký xỏ thành một
xâu ở cột cờ. Tối hôm đó, Mặt trận lùa dân cả năm
thôn về trụ sở xã làm mít tinh. Mặt trận điểm mặt từng
tên trong cái xâu người đó, chửi bới một hồi lâu, xong

cuối buổi họp thả hết sau khi bắt họ thề thốt không
làm tay sai cho Mỹ Diệm nữa. Thiệt là hú hồn hú vía
cho mấy ông đó. Ba hôm sau lính quận kéo lên đi rần
rần ngoài đường, chó sủa ỏm tỏi, thỉnh thoảng có tiếng
súng trường “ga răng” kêu cắc cù cắc cù. Rồi lính
quận rút về Vĩnh Điện, Mặt trận lại kéo ra mít tinh. Ai
làm gì thì làm, dân làng mỗi ngày tiếp tục vác cuốc
hoặc quang gánh ra biền làm cỏ, tưới nước.

Thằng Kình bây giờ chỉ làm mướn cho mỗi nhà
chú Tám Thơm. Chú bị bịnh gì không biết, người
xanh như tàu lá, nằm thu lu trên chiếc chõng tre một
tháng hết hai mươi tám ngày. Mỗi sáng sớm thím Tám
vác hai chiếc cuốc đi trước, chị Hạnh gánh đôi gầu
trong đó có miếng mo cau đựng cơm trộn bắp đỏ au
và một nồi rau dền luộc theo sau. Chị Hạnh năm đó
mười tám tuổi, học hết tiểu học ở nhà phụ với mẹ
trồng dâu nuôi tằm. Ngang nhà bà Thiệp, thím Tám
chậm lại, cất tiếng kêu Kình ơi, đi mi xong tiếp tục đi
thẳng. Lần nào cũng vậy, thằng Kình lùi lũi đi ra, trên
vai là cái đòn gánh cột đôi gầu nước cũ mèm cộng
thêm chiếc cuốc to bản, hả miệng ú ớ gì đó với chị
Hạnh, vẻ mặt hớn hở.

Ba tháng sau ngày Mặt trận về hốt hội đồng xã,
dưới quận đưa mấy người ở nơi khác về lo việc hành
chánh. Nghe nói là dân Phú Bông Phú Bài gì đó. Ban
ngày họ làm việc ở trụ sở hội đồng, ngoài cổng có
mấy anh dân vệ đứng gác. Có khi họ kéo nhau đi thăm
dân cho biết sự tình, cũng có mấy anh dân vệ vác súng
đi theo. Ban đêm họ kéo nhau về nhà riêng gần quận
lỵ cho có an ninh. Lâu lâu Mặt trận về mít tinh la rầy
dân làng sao lại để mấy thằng ở đâu đâu tới đây leo
lên đầu lên cổ mình mà ngồi. La rầy xong Mặt trận bỏ
đi mất biệt, có khi cả tháng. Trong khi đó thì ông ủy
viên hộ tịch Hồ Luyện cứ hay lại nhà thím tám Thơm

mà thăm dân. Người ta không biết ổng thăm ai, chú
Tám hay thím Tám. Chừng thêm mấy tháng nữa sau
khi chú Tám lên cơn ho đàm nghe rồn rột ba bữa rồi
ngã ra chết thì người ta không biết ông ủy viên hộ tịch
thăm thím Tám hay thăm chị Hạnh.

Vào một buổi sáng, thím Tám quảy đôi gầu trong
đựng mo cơm lổn nhổn những lát khoai lang khô xắt
mỏng và nồi rau lang luộc đi ngang nhà bà Thiệp,
dừng lại cất tiếng Kình ơi, đi mi rồi lủi thủi đi tiếp.
Thằng Kình từ trong sân nhà lùi lũi bước ra, vai lỉnh
kỉnh những gàu những cuốc, bậm môi lặng thinh.
Không có chị Hạnh cho nó hả họng ú ớ một cách hớn
hở. Chị Hạnh bị bịnh gì đó không ai biết. Có thể thím
Tám Thơm biết. Mà không chừng ông ủy viên hộ tịch
Hồ Luyện cũng biết. Ổng tới lui nhà thím Tám cả sáu
bảy tháng nay mà. Ngày hôm sau thím Tám lại quảy
đôi gầu đi ngang nhà bà Thiệp, lên tiếng Kình ơi, đi
mi rồi quày quả bước đi. Được một quãng, thím dừng
lại. Thằng Kình không có phía sau. Thằng Kình không
có trong sân. Thằng Kình không có trong nhà. Thím
quay tới, quay lui. Thím ngồi bệt xuống hè đường bụi
bặm phủ đầy lá tre khô, khóc thút thít.

Thằng Kình bỏ đi đâu mất tăm. Bịnh chị Hạnh
xem chừng không thuyên giảm, chị nằm rịt trong nhà
chẳng ai thấy mặt. Thím Tám mỗi sáng lủi thủi quảy
gánh quảy cuốc đi ra biền một mình. Mùa Hè tôi
không phải về tỉnh học, hàng ngày lang thang ngoài
biền tìm bắt lũ dế than dế lửa háu đá ẩn dưới mấy
đống cỏ ẩm ướt mang về giấu trong chiếc lon sữa bò ở
góc vườn. Mẹ tôi mà bắt gặp thì chết đòn. Bà cứ lo tôi
vướng mìn bẫy hay lọt hầm chông ở đâu đó. Một hôm
tôi theo thằng bạn đi tuốt qua bãi Thanh Châu phía
bên kia sông kiếm dế lửa, chạng vạng mới về. Trong
bụng cứ lo ngay ngáy sẽ ăn đòn roi dâu đau quắn đít

thì may đâu Mặt trận lại kéo về. Thế nào mẹ tôi cũng
bận đi mít tinh, không rảnh mà cho tôi ăn đòn. Quả
nhiên là như vậy. Tiếng loa kẽm vang vang mời nhân
dân đi dự buổi xử tội tên ác ôn tay sai Mỹ Diệm Hồ
Luyện. Rõ ràng là ổng mắc đi thăm chị Hạnh nên
không chạy theo kịp mấy người kia. Tôi mừng thiếu
điều muốn nhảy dựng lên. Tôi ghét cái ông Hồ Luyện
này. Mẹ tôi cũng ghét ổng. Bà cứ than thở với bà nội
sao ở đời có hạng bất nhơn cứ nhằm đàn bà con gái
côi cút mà hiếp đáp.

Tôi chen lấn một hồi thì lên tới gần sát dãy ghế
dành cho mấy ông trong Mặt trận ngồi. Một anh du
kích mang súng đi tới đi lui hò hét nạt nộ lũ trẻ đang
xô đẩy nhau giành giật chỗ ngồi mà coi bộ chẳng ăn
thua gì. Một hồi thì phiên xử khai mạc. Lũ con nít
chúng tôi cũng theo người lớn đứng dậy chào cờ xanh
đỏ có thêm cái hình ông chủ tịch Mặt trận ở chính
giữa. Vụ chào cờ này chúng tôi quen rồi. Màu xanh
màu đỏ màu vàng, màu nào trông cũng vui mắt. Còn
hình mấy ông lớn, so với đám dân làng người nào
người nấy đen thủi đen thui, ông nào cũng như ông
nấy, đẹp đẽ, oai nghiêm chẳng khác gì vua chúa ngày
xưa. Một ông trong Mặt trận lên nói cái gì lâu quá làm
tôi buồn ngủ, chúi mặt vào tấm lưng khét nắng của
thằng phía trước mà lim dim. Tôi chỉ tỉnh táo trở lại
khi tên của ông Hồ Luyện được nhắc tới. Cái ông nói
nhiều đó là công tố viên tòa án nhân dân. Ông đang kể
tội Hồ Luyện. Thôi thì đủ thứ chuyện, chuyện nào
cũng có thể đưa ông Hồ Luyện về chín suối. Cuối
cùng ông công tố viên cho rằng lấy ba cái mạng của
tên ác ôn Hồ Luyện cũng chưa đủ đền bù món nợ máu
mà hắn đã gây ra với nhân dân. Mà sao kỳ quá, cái tên
ác ôn Hồ Luyện ở đâu không thấy. Thường thì tội
nhân bị trói ké ngồi ở một góc, mặt mày xụi lơ chờ

nghe tuyên án. Mấy thằng nhóc dòm nhau xì xào sao
không thấy Hồ Luyện. Người lớn cũngxì xào sao
không thấy Hồ Luyện. Ông chánh án, cũng người Mặt
trận, đứng lên tuyên bố lý do tại sao Hồ Luyện lại
vắng mặt trong phiên tòa hôm nay. Thì ra là tên ác ôn
tay sai Mỹ Diệm bán nước Hồ Luyện hèn nhát không
dám đối diện nhân dân, tìm cách chạy trốn bị Mặt trận
bắn chết tươi hồi chập tối. Ông chánh án nói anh chiến
sĩ đã trừng phạt Hồ Luyện là con em của nhân dân địa
phương. Ông quay lại kêu lớn mời đồng chí Kình ra
trình diện nhân dân. Đồng chí Kình? Tôi ngờ ngợ.
Đúng là thằng Kình chớ còn ai vô đây. Thằng Kình
mặc bộ bà ba đen giống mấy ông Mặt trận, choàng
miếng vải dầu màu nâu, đội chiếc nón cối bằng tre đan
bọc vải dầu cùng màu, vai mang khẩu súng trường
Đông Dương dài thườn thượt có cái lưỡi lê cạnh khế
gấp lại. Nó đi thẳng đờ như người lên xác đồng, mắt
nhìn thẳng về phía trước, dừng lại ở chỗ bậc tam cấp
của trụ sở xã. Ánh đèn “măng xông” sáng rực rọi vào
cái môi trên dày mo đang bám chặt lấy môi dưới như
thể miệng nó đang giữ một con chàng hiu nghịch
ngợm cứ đòi nhảy ra. Bỗng nhiên thằng Kình đưa nắm
tay trái lên, miệng hô lớn đả đảo bọn ác ôn tay sai Mỹ
Diệm bán nước. Trời đất ơi, thằng Kình không những
đi Mặt trận làm đồng chí mà còn biết hô khẩu hiệu
nữa. Chắc mấy người lớn cũng bị bất ngờ như tôi nên
chẳng ai hô theo, ngoại trừ mấy ông trong Mặt trận.
Thằng Kình lại hô, hoan hô Mặt trận Dân tộc Giải
phóng Miền Nam. Lần này lũ con nít chúng tôi hưởng
ứng nồng nhiệt. Mấy khi được nghe thằng Kình hô
khẩu hiệu! Thằng Kình tiếp tục hô thêm mấy câu hoan
hô đả đảo nữa rồi đứng ì ra đó. Ông công tố viên tòa
án nhân dân đứng lên đưa thằng Kình vào phía trong.
Ở ngoài sân, lũ con nít chúng tôi ồn ào như cái chợ,

đứa nào cũng giành có quen biết với thằng Kình. Tôi
thì phục lăn Mặt trận, khùng như thằng Kình mà theo
mấy ổng có mấy tháng là đã biết hô khẩu hiệu.

Đêm về, tôi ngủ một giấc đã đời, tới trưa trờ trưa
trật mới dậy. Mới thò chiếc đầu ướt mem từ ngoài sàn
nước vào cửa nhà bếp, đã thấy mẹ tôi mặt hầm hầm,
một tay cầm roi dâu, tay kia chiếc lon sữa bò. Nhất
định là tại mấy con dế quái quỉ cứ gáy rân lên làm cho
bà tức mình. Tôi quay lưng phóng ra sau hè, cắm đầu
chạy, tai văng vẳng tiếng kêu réo từ phía sau. Lách
mình qua khoảng trống của chiếc hàng rào keo, tôi lọt
vào khu vườn của thím Tám Thơm. Tôi thở khì, vậy là
tạm thời thoát nạn. Đi men theo hông nhà thím Tám,
tôi tính đi về nhà cậu tôi ở làng Định An kế bên lánh
nạn, chiều tối hãy tính. Có tiếng người xì xầm phía
sau chiếc vách bằng phên tre vọng ra làm tôi hoảng
hồn. Giờ này thím Tám đang ở ngoài biền, ông Hồ
Luyện thì đã chết nhăn răng, không lẽ chị Hạnh nói
chuyện với ma? Tôi nhìn qua lỗ thủng của tấm vách
phên, và thấy cái lưng to bè của thằng Kình. Thằng
Kình trần truồng, lưng và mông loang lổ những ghẻ là
ghẻ, đang nhấp nhổm trên mình chị Hạnh, miệng nói
như đọc kinh. Chị Hạnh nằm ngửa, hai mắt nhắm riết,
cái bụng lum lúp phồng lên tròn vo rồi xẹp xuống mỗi
khi tấm thân ô dề của thằng Kình đè lên. Thì ra họ
đang làm chuyện vợ chồng, thấy gớm chết! Nhất là
thằng Kình, cái miệng vêu ra, nhớt dãi ứa xuống lòng
thòng, chiếc môi trên dày mo không ngớt uốn éo.
Tiếng thằng Kình lẫn trong tiếng thở hổn hển làm tôi
phải chú ý lắm mới nghe rõ. Nó cứ lập đi lập lại mấy
câu hô hoán chẳng ăn nhập gì với chuyện nó đang
làm, còn chị Hạnh thì mắt nhắm riết không nói không
rằng. Tôi phát chán, phần thì cái bao tử trống rỗng cứ
sôi lên ồn ột, rón rén lẩn ra phía cổng, ù té chạy một

mạch đến nhà ông cậu.
Chị Sáu con cậu tôi đưa tôi về nhà vào lúc tối

mịt. Phe Mặt trận đang lục tục rút đi. Thằng Kình
cũng ở trong số đó, mặt mày ngơ ngáo, vẻ oai phong
đêm hôm trước biến đâu mất. Ngày mai làng tôi sẽ lại
đổi chủ. Lần này có lính dưới tỉnh lên. Có cả bà vợ
của ông Hồ Luyện, đi theo để nhận xác chồng. Lúc đi
ngang nhà thím Tám, bà nhào đại vào trong sân, lăn
lộn dưới đất, la khóc, chửi rủa con đĩ chó giết chồng
tau. Thím Tám và chị Hạnh ở phía sau mấy tấm phên
mỏng mảnh, im thin thít. Lũ con nít chúng tôi xúm lại
coi như coi hát xiệc. Những người lính lần này ở lại
trong làng và vùng phụ cận cả tháng, riết rồi tôi quen
mặt gần hết. Mùa Hè trôi qua tương đối êm ả, khi nào
mấy người lính còn ở đây thì đại bác dưới quận chỉ
câu vào vùng núi phía bên kia sông Cái mà thôi. Buổi
chiều tôi hay đi ra chỗ vọng gác của mấy anh lính
nghe họ nói chuyện trên trời dưới đất. Tôi cũng không
chịu thua, kể họ nghe những chuyện động trời trong
làng. Như chuyện ông Thiệp lấy dây dừa cột vào cổ
treo mình lên đòn dông chết ngắc. Như chuyện thằng
con ổng khùng hết chỗ nói, theo Mặt trận hết khùng.
Họ nghe xong cười lăn, hỏi tôi sao không theo Mặt
trận luôn thể. Tôi giận, nói bộ mấy anh nói tui khùng
hả.

Những ngày cuối mùa Hè buồn thiu. Những con
dế than dế kim dế lửa biến đi đâu mất. Ngay cả những
con cá lia thia với cái đuôi sặc sỡ cũng chui vào mấy
bờ mương mất tăm. Vài ngày nữa tôi sẽ về lại tỉnh lỵ,
ăn cơm nhà trọ cùng với đám bạn học phá như quỷ.
Buổi tối có trăng non. Tôi lén mẹ chạy ra vọng gác bìa
làng ngồi ỉu xìu bên anh lính gác, lúc này cũng ỉu xìu
không kém gì tôi. Chắc anh đang nhớ nhà. Có tiếng
gió xào xạc trên những hàng tre từ ngoài cầu ván đưa

vào. Tôi dựa người vào chiếc vách làm bằng nẹp tre
nhám nhúa thiu thiu ngủ. Rồi ngủ luôn. Nửa đêm, có
tiếng quát tháo làm tôi giật mình thức giấc. Rồi tiếng
súng trường nổ đinh tai. Anh lính gác vừa bắn trúng
một vật gì đó phía bên ngoài hàng rào ấp chiến lược.
Trong làng, tiếng mõ tre lốc cốc, tiếng thùng thiếc
lèng xèng, tiếng chó sủa ông ổng nổi lên, mới đầu còn
rời rạc, dần dần râm ran như có bầy châu chấu cào cào
bay ngang. Theo lịnh của quận, dân làng phải khua
chuông gõ mõ mỗi khi có động dạng. Tôi theo anh
lính gác len qua cái hàng rào làm bằng những ống tre
vạt nhọn, chạy đến chỗ cái đống thù lù đang lăn lộn
dưới đất. Dưới ánh trăng non lợt lạt, tôi nhận ra thằng
Kình. Máu loang ướt đẫm khoảng giữa ngực và bụng
nó, sóng sánh dưới ánh trăng. Tôi la lên Kình ơi rồi
nhào xuống bên nó. Chiếc môi trên dày mo của thằng
Kình uốn éo không ngừng, nhớt dãi lẩn với máu làm
cái miệng méo mó của nó bóng nhẫy. Mắt đờ đẩn
hướng lên mảnh trăng lưỡi liềm ngang đầu, thằng
Kình cứ lảm nhảm những lời nói chẳng ăn nhập gì với
tình huống của mình. Đây là lần thứ ba tôi nghe nó
gióng lên những câu này. Lần trước đây khi nó trần
truồng phơi chiếc mông ghẻ lở làm chuyện vợ chồng
với chị Hạnh, và lần đầu tiên trong buổi mít tinh xử
tội ông Hồ Luyện. Khi thằng Kình dẫy lên hai cái rồi
nằm im, tôi ngẩng đầu lên hỏi anh lính, tui đã nói
thằng Kình nó khùng mà anh bắn nó chi rứa. Anh lính
làm thinh bỏ đi, khẩu súng trên vai cứng đờ như khúc
củi khô. Đêm đó, có tiếng khóc tỉ tê dai dẳng trong
nhà bà Thiệp và tiếng khóc oe oe trong nhà thím Tám
Thơm. Chị Hạnh sinh con so. Con trai, cái mũi to bè
giống ông Hồ Luyện như đúc.

Vào năm mười hai tuổi, người ta thường quá bận
rộn để gán cho những điều họ chứng kiến một hay

nhiều ý nghĩa nào đó. Câu chuyện thằng Kình trôi tuột
vào ký ức sau hai tuần lễ đầu tiên của niên học mới ở
trường tỉnh lỵ. Vào năm hai mươi tuổi, người ta tiếp
tục quá bận rộn để ưu tư về điều đã trở thành một bộ
phận của quá khứ nhiều năm trước đó. Nhất là khi mỗi
ngày qua người ta phải đối diện với những điêu linh
còn lớn hơn cả những điều họ đã từng kinh qua. Mãi
về sau này, khi cuộc chiến tranh đã kết thúc khá lâu và
những thương tích do nó gây ra đã trở nên có thể chịu
đựng được, tôi mới đôi khi nhớ đến thằng Kình. Nhất
là khi nghe gióng lên ở đâu đó, bên này hay bên kia
bán cầu, những tiếng hô hào tương tự những câu tôi
đã nghe từ miệng nó ở ba khung cảnh khác nhau. Khi
Đức hỏi tôi điều gì khiến người ta chọn đứng phía bên
này hay bên kia chiến tuyến, tôi lại nghĩ đến thằng
Kình. Tôi nghĩ mình nên chia sẻ với Đức câu chuyện
chắp vá và đầy dẫy những nghi vấn này, biết đâu hắn
sẽ tìm thấy câu trả lời mà chính tôi cũng muốn biết.

Tôi không phải là người biết kể chuyện một cách
trơn tru, và câu chuyện tự nó cũng không trôi chảy.
Hơn nữa, những điều chứa đựng trong đó may lắm
cũng chỉ nói lên được một phần vô cùng nhỏ của cái
toàn thể, như vệt sơn mờ đục chìm khuất trong lớp sắc
màu làm nên bức tranh bể dâu của một thời đã quay
lưng nhưng còn chưa khuất mắt. Có lần tôi tưởng
mình có thể tìm được một đầu mối nào đó trong
chuyện thằng Kình khi được nghe về điều có liên quan
đến cái chết của cha nó. Nhiều năm trước khi đút đầu
vào chiếc thòng lọng kết bằng sợi dây xơ dừa sần sùi,
ông Thiệp đã đưa ít nhất hai người khác vào chỗ chết.
Người chú họ của ông và đứa con trai đầu bị lôi ra
khỏi nơi ẩn nấp bởi phe Việt Minh, đưa về tập trung ở
Châu Mưu phía bên kia sông Cái và bắn bỏ cùng với
những đồng chí của họ thuộc đảng Quốc Dân. Đó là

cái giá trả cho sự an toàn của bản thân ông Thiệp.
Khám phá này có thể giúp tôi đoán già đoán non về
cái chết do lựa chọn của ông ấy, nhưng rõ ràng không
giúp ích gì trong việc giải thích mối quan hệ kỳ lạ của
thằng Kình với chị Hạnh và với những câu khẩu hiệu
nó đã gióng lên. Tuy vậy, tôi có nhiều lý do để tin
rằng thằng Kình đã không hề biết đến ý nghĩa thực sự
của những câu hoan hô đả đảo phát ra từ cái miệng
méo mó, bóng nhẫy những nhớt dãi của mình.

Trong xe ngập ngụa khói thuốc. Đức vẫn tiếp tục
giữ im lặng. Tôi không biết Đức đang nghĩ gì, nhưng
tôi biết chắc hắn đã lắng nghe hết câu chuyện. Tự
dưng tôi cảm thấy bứt rứt. Tôi đã, trong một chừng
mực nào đó, cố gắng trả lời câu hỏi của Đức bằng
cách nói về một điều mà chính mình cũng không chắc
nắm bắt được ý nghĩa thực sự của nó, và trong cùng
một lúc mong hắn sẽ hiểu tường tận. Tôi biết mình
không thực sự yên tâm, chính vào lúc này. Khôngphải
tình cờ mà Đức đã đề nghị cuốn An Artist of the Float-
ing World* khi tôi cùng hắn ghé vào một tiệm sách
mà hắn có vẻ rất quen thuộc. Cái chi tiết mà tôi nghĩ
là đã không đóng góp gì cho câu chuyện tôi vừa kể
đang làm hắn bận tâm cũng không chừng. Cái chết do
lựa chọn của ông Thiệp mười ba năm sau cuộc thanh
toán đẫm máu ở Châu Mưu có khắc nghiệt quá so với
nỗi bình yên họa sĩ Masuji Ono* cuối cùng tìm thấy
trong nụ cười rạng rỡ của những người trẻ tuổi đang
tíu tít ở tiền đường tòa cao ốc mới xây bên trên khối
hoang tàn đổ nát của xóm yên hoa năm nào — cái
“Thế Giới Phù Du” ở đó Ono và những người bạn của
ông đã quyết định sẽ mang hết tâm huyết và khả năng
nghệ thuật của mình để xiển dương giấc mơ Đại Đông
Á — hay không? Và trên hết, điều gì đã khiến Đức và
những người bạn của hắn không chịu quay lưng lại

với cái quá khứ buồn thảm mà bọn người lớn chúng
tôi cứ giữ rịt lấy như một bộ phận bất khả phân của
phần đời còn lại. Tại sao tôi chưa từng đặt ra cho
chính mình những câu hỏi này khi bắt gặp những
người tuổi trẻ dắt tay nhau đi vào quán ăn trong khu
phố Việt Nam đông đúc ở xứ người, ở đó họ sẽ gọi
phở hay bún bò và trao đổi với nhau những câu nói
mà cấu trúc có khi bao gồm những từ ngữ không chỉ
thuộc về tiếng mẹ đẻ? Vì họ đã xem những cuốn phim
về chiến tranh Việt Nam do những đạo diễn ngoại
quốc tăm tiếng thực hiện với những diễn viên nói
tiếng Tàu và được dàn dựng ở Mã Lai hayMiến Điện?
Vì họ đã đọc những trang sử của những sử gia cũng
tăm tiếng không kém và được viết ra ở mười ngàn
dặm phía sau những trận địa ở đó tôi và bạn bè đã để
lại những xương cùng máu? Phải chăng chính nỗi sợ
hãi phải đối diện với cách nhìn của những người trẻ
tuổi về mình qua cái lăng kính làm nên bởi những
điều nói trên làm tôi tránh né họ? Tôi nghĩ đến nỗi trơ
trọi của Đức và những người bạn của hắn trong cuộc
hành trình tìm kiếm một ý nghĩa cho cái giá quá đắt
đỏ không chỉ riêng tôi và những người bạn của tôi mà
cả Đức và những người bạn của hắn phải trả cho
những điều đã xảy ra nhiều năm về trước. Có khi tôi
nợ hắn không chỉ một câu trả lời cho cái vấn nạn đã
lởn vởn phía trên những ly bia sủi bọt và đĩa tiết canh
màu đỏ bầm trong ngôi quán ở cái thành phố chúng
tôi kéo đến tối hôm qua.

Đức nghiêng đầu mồi lửa cho điếu thuốc cuối
cùng của cuộc hành trình. Tôi hạ một phần kính xe.
Những sợi khói thuốc bay ngang qua mặt tôi và tan
biến vào khối không khí lạnh và ẩm bên ngoài.

Xe đang tiến lên cầu Bay Bridge. Đêm và
Oakland đã ở phía sau, bây giờ.

tháng hai 2000

* An Artist of the Floating World. Kazuo Ishiguro.
Vintage International , New York USA – 1986.

cháy lên những ngọn đồi cỏ khô

Em..

Ngày hôm qua anh ghé Hương Xưa, một mình...
Lúc đó vào buổi chiều, quán khá vắng. Người
khách đứng tuổi mà anh lễ độ xin phép ngồi chung
chắc phải ngạc nhiên lắm vì chiếc bàn bên cạnh vẫn
chưa có ai chiếm ngụ. Tất nhiên là ông ta không biết
rằng lần đầu tiên đưa em đến Hương Xưa, chúng ta đã
chọn ngồi ở chính chiếc bàn này. Hôm đó cũng
khoảng giờ này, những tia nắng mùa Hè làm lấp lánh
chiếc muỗng kim loại đang khuấy động nhè nhẹ ly
nước trái cây màu sữa trước mặt em. Em ngồi yên
lặng nghe anh kể lại một câu truyện anh đọc được
trong một tạp chí văn chương về cái anh chàng ngờ
nghệch “trúng số độc đắc đã lâu mà không chịu lãnh!”
Lúc chúng ta rời đi, em khen cô gái trong truyện đã
nói một câu thực là dí dỏm. Dí dỏm cỡ em là cùng,
anh đã nghĩ như vậy!
Người khách ngồi chung bàn vừa bỏ đi. Anh
nhìn theo dáng đi chậm rãi pha lẫn chút cam chịu của
ông ta và tự hỏi không biết ông ta sẽ đi về đâu, có điều
gì đang chờ đợi ông ở cái nơi ông sẽ đến. Chắc là phải
có chứ, chỉ có điều không biết là vui hay buồn mà
thôi! Riêng anh thì anh biết rõ điều gì đang chờ đợi
mình trên đường về: cái khoảng trống mênh mông của
trời đất cộng thêm cái khoảng trống mênh mông trong
lòng!
Sáng nay trên đường đi xuống đây, anh gặp lại
những ngọn đồi, cỏ xanh mướt. Anh vẫn tiếc mãi em
đã không đến được với anh vào mùa Xuân, những

ngọn đồi cỏ non sẽ vàng rực lên ở những nơi hoa
poppy nở rộ. Anh sẽ rẽ vào con đường nhỏ cạnh xa lộ
và ngừng xe cạnh chân đồi để ghi lại hình ảnh của em
với đồi xanh và hoa vàng làm hậu cảnh. Anh sẽ cẩn
thận để không làm hỏng chúng như lần trước, khi
chúng ta ghé lại chỗ mấy cái wind farms nằm dọc con
đường quanh co giữa vùng sa mạc bỏng cháy dẫn về
nơi anh ở. Rồi chúng ta sẽ cùng ngồi xuống trên đám
cỏ non, và anh sẽ kể cho em nghe một chuyện tình
anh chưa hề kể cho ai bao giờ.

Vào lúc chuyện bắt đầu, anh còn trẻ lắm. Lúc đó
anh đang nằm điều trị ở quân y viện Cộng Hòa. Người
ta đang cố gắng chữa cái chân gẫy nát của anh bằng
cách hành hạ nó đủ điều, và anh đau đớn đến nỗi cứ
van xin họ cắt nó liệng đi cho rồi. Cũng may mà họ
không thèm nghe lời anh! Anh nằm chịu trận trên
chiếc giường sắt, chân mang khúc bột cứng đờ, tay
cắm đầy những mũi kim to tướng nối liền với những
ống nhựa lòng thòng, bất lực và tuyệt vọng chờ đợi
những con đau khủng khiếp sẽ đến với mình ngày hai
lần, sáng và chiều, khi những người y tá đến rửa và
thay băng cho vết thương. Ngoài việc nằm dài ra đó
để nguyền rủa những cơn đau nhức, anh chỉ có mỗi
một việc để giết thì giờ, đánh cờ tướng. Anh có những
đối thủ rất đáng gờm, từ hình dạng cho đến tên tuổi.
Một tên có tước hiệu ĐộcNhãn Hắc Thần, đen trùi trũi
và chỉ có một mắt. Điều làm anh ngại nhất ở hắn
không phải là ngón pháo đầu dồn dập khi hắn ra quân
mà chính là vì hắn cứ thỉnh thoảng móc con mắt trái
bằng đá ra lau chùi ngắm nghía như của gia bảo, cái
hốc mắt sâu hoắm đỏ bầm nhìn anh chế diễu trông
gớm chết. Còn nhiều biệt hiệu quái đản khác nữa cho
những người bạn cờ kỳ dị của anh, những thằng lính
trẻ sứt tay gãy gọng tụ họp ở đây sau khi bị đốn gục

trên một chiến trường lửa đạn nào đó, anh không làm
sao nhớ hết! Nhưng đáng gờm nhất vẫn là Độc Cô
Cầu Bại, một ông Thượng Sĩ đứng tuổi không có
chân! Ông ngồi bình thản trên chiếc xe lăn cạnh
giường bệnh của anh, chiếc mền nhà binh màu cứt
ngựa phủ kín hai khúc đùi cụt, khoan thai tấn công
anh bằng những nước cờ thâm trầm hiểm ác. Anh thua
tối tăm mặt mũi, cho đến một lần hiếm hoi sau đó anh
mới có cơ hội để thắng ông. Vậy mà anh đã để cơ hội
đó trôi qua một cách đáng tiếc khi nhìn thấy những
giọt mồ hôi ứa ra từ chân tóc, những ngón tay sần sùi
bứt rứt không yên trên chiếc mền nhà binh, và cặp mắt
có những tia máu đỏ li ti trên tròng mắt vàng ệch chỉ
còn phát ra những tia nhìn bồn chồn tội nghiệp. Anh
nhấc quân cờ, đi một nước... hớ hênh. Độc Cô Cầu
Bại lại thắng anh ván đó, và anh không bao giờ có
được một cơ hội nào khác. Em thấy không, những
năm tháng chiến chinh ngắn ngủi sau lưng vẫn chưa
đủ để biến anh thành... người lớn.

Khi đã đủ sức nâng đỡ cơ thể mình bằng cặp
nạng, anh thường xin phép về thăm nhà vào mỗi cuối
tuần. Chẳng đi đâu được, anh lại tìm người đánh cờ
tướng giải khuây. Lần này đối thủ của anh là Thái,
một thằng nhóc mười bốn tuổi con của bà hàng xóm.
Mẹ của Thái là một người đàn bà rất điệu hạnh. Bà
thường qua nhà anh đánh tứ sắc với mấy người đàn bà
cùng xóm, có Thái đi theo mang cho bà chiếc gối ôm
bằng nhung thực êm “để tựa cho khỏi chai cái khuỷu
tay!” Anh chán ngán kéo Thái ra ngoài sân bày bàn
cờ. Ở đây lịch sử tái diễn, chỉ có điều người toát mồ
hôi là anh chứ không phải thằng nhóc! Tất nhiên là
Thái không có ý định nhường anh, nó còn quá trẻ để
biết “khiêm tốn” là gì! Chính là cô bé hàng xóm đã
giúp anh khỏi bị mất mặt với thằng nhóc. Phượng, tay

ôm một bịch bút chì màu, ríu rít chạy đến nơi anh
đang ngồi rầu rĩ chờ Thái phá nát cặp “sĩ” của mình.
Măc kệ lời phản đối của anh, Phượng tặng anh một
trái tim đỏ lòm có mũi tên nhọn hoắc xuyên qua chính
giữa. Trái tim nằm ngay ở phần dễ nhìn thấy nhất của
khúc bột thạch cao màu trắng bao bọc chiếc chân gẫy
của anh. Chú nhóc Thái thì cứ đờ ra từ lúc cô bé hàng
xóm xuất hiện, chẳng màng gì đến cờ pháo nữa. Thế
cờ đảo ngược chỉ sau vài nước đi, và anh thắng Thái
mấy ván liên tiếp sau đó.

Trong nhiều ngày tháng sau đó, anh tiếp tục đánh
cờ tướng giết thì giờ và lặng lẽ quan sát mối tình trẻ
thơ của Thái. Chú nhóc là một người thông minh tuấn
tú, quá thông minh, quá tuấn tú nữa là đằng khác! Có
lần anh nghe bà Tiến, mẹ Thái, than thở “ai cũng nói
nó anh hoa phát tiết như vậy sợ lớn lên sẽ khổ!” Anh
không tin mấy vào những lời lẽ có tính cách ... bói
toán như vậy, có điều anh biết chú nhóc đang ... khổ
vì tình. Cô bé hàng xóm hình như chẳng biết gì về mối
tình lặng lẽ của chú nhóc, cứ nhất định đeo theo anh
đòi vẽ nhăng vẽ cuội. Anh đoán chú nhóc đang mong
mình bị tai nạn què tay gẫy chân để được bó bột như
anh! Khi vết thương của anh trở nên khá hơn, anh ít
lưu tâm đến mối tình con nít này nữa. Anh có những
vướng bận riêng của mình, những cô gái xinh đẹp mặc
áo dài trắng thướt tha thích được làm ... em một chiều
dạo phố mùa Xuân, bên người yêu tật nguyền chai
đá ... (1).

Cái thời điểm lãng đãng đó cũng chẳng kéo dài
được lâu. Miền Nam lọt vào tay Bắc quân một cách dễ
dàng, và sau đó, mọi sự đều trở nên vô cùng khó khăn
cho kẻ thua trận. Gia đình Thái ra đi rất sớm, và
không lâu sau đó, cô bé Phượng và đứa em trai dắt
nhau vượt biên trên một trong những chuyến tàu “bán

chính thức” sớm sủa nhất. Anh đã không gặp lại cả hai
cho đến rất lâu sau này.

Trong lần đi công tác ở tiểu bang N. anh có dịp
gặp lại Thái. Anh đến vào buổi chiều. Bà Tiến đón
anh với nụ cười buồn. Một chút nữa đây cái hình ảnh
mà anh đã có về Thái sẽ rời bỏ anh, và thay vào đó là
một Thái bệ rạc, tiêu điều! Chắc hẳn bà đã có ý nghĩ
như vậy. Rồi bà Tiến cũng đưa anh vào phòng của đứa
con trai, cất giọng dịu dàng với người thanh niên, “Có
anh Phước đến thăm con đó.” Anh nhận ra Thái ngay,
cho dù đã hơn mười năm trôi qua. Đó là một thanh
niên tuấn tú, hơi gầy, và buồn bã. Cặp mắt Thái không
còn tinh anh như ngày xưa. Chúng xa vắng, gần như
trống rỗng. Khi Thái đưa mắt nhìn anh, anh có ngay
cái cảm giác thị tuyến của Thái không dừng lại ở bất
cứ nơi nào trên người anh. Nó xuyên qua cái không
gian của anh, và dừng lại ở một nơi chốn nào đó mà
anh không thể hay biết. Thái không nói tiếng nào. Anh
bước đến gần và nhìn thấy trên chiếc bàn giấy nhỏ
một tấm hình bán thân của Phượng. Chắc là hình do
Thái chụp, lúc Phượng còn ở chung nhà.

Trước đó mẹ Thái có nói qua cho anh biết về tình
trạng của Thái. Khi biết tin Phượng vượt biên, Thái
hối thúc cha mẹ bảo lãnh hai chị em cô. Phượng tá túc
ở nhà bà Tiến gần ba năm, và khi ra đi, cô mang theo
cả hồn phách của Thái. Người mẹ bất lực và tuyệt
vọng nhìn đứa con trai ngày càng chìm sâu hơn vào
cái thế giới âm u của riêng mình. “Không làm sao cứu
được nó cậu ơi. Bao nhiêu là thầy, bao nhiêu là thuốc!
Chi mà ác quá rứa không biết!” Bà khóc tấm tức sau
câu nói. Cái giọng Huế thành nội của bà đã mất đi vẻ
kiêu kỳ ngày nào. Anh thực sự xúc động! Trong câu
chuyện, bà Tiến có vẻ trách cứ Phượng đã không ở lại
cùng Thái. “Thằng Thái mà không bị như rứa thì khối

chi đứa thương!” Có thể như vậy thực. Chính anh
cũng đã nghĩ Phượng và Thái sẽ làm một cặp thực đẹp
đôi. Chẳng có gì sai nếu Phượng ở lại và chấp nhận
mối tình của người bạn cùng xóm. Nhưng rõ ràng là
Phượng đã không yêu Thái. Điều này cũng chẳng có
gì là sai. Tình yêu là một bày tỏ của cảm xúc, mọi thứ
còn lại đều không đáng kể.

Thái vẫn giữ im lặng trong suốt cuộc gặp gỡ, cho
đến khi anh nói lời chia tay. Vào lúc anh sắp sửa quay
mình bước ra, Thái chợt lên tiếng, cùng lúc anh nhận
ra trong đôi mắt hắn một chút lấp lánh của nắng chiều
rọi vào từ khung cửa sổ để ngỏ. “Em phá được nước
‘pháo đầu mã đội’ của anh rồi đó!” Đúng vậy, chú
nhóc Thái đã làm được điều đó nhiều lần. Anh cảm
thấy vui vui; hóa ra Thái vẫn còn nhớ những chuyện
như vậy. Lúc đó, anh chỉ có thể nghĩ được có bấy
nhiêu. Anh thực là hời hợt!

Anh gặp lại Phượng khoảng một năm sau đó,
cùng với chồng của cô. Không còn là bé Phượng lí lắc
của ngày xưa. Trước mặt anh là một thiếu phụ hiền
lành, xinh đẹp, có vẻ an phận và phục tòng chồng.
Anh đã tưởng mình có rất nhiều điều để hỏi cô, những
điều liên quan đến Thái và mối tình đơn phương của
hắn. Rồi anh nhận ra mọi câu hỏi đều không cần thiết.
Mối tình của Thái không liên quan gì đến cô. Cô chưa
hề tham dự vào đó, và thực là bất công bắt cô phải
giải thích về những điều cô không chịu trách nhiệm.

Anh chưa hề găp lại Phượng và Thái kể từ đó.
Câu chuyện làm anh bận tâm một thời gian, nhưng lâu
dần rồi cũng nguôi đi, cho đến mãi gần đây. Chính là
vào cái lúc anh một mình trên lối ra của phi cảng sau
lần tiễn đưa cuối cùng mà anh còn có được cho em,
anh chợt nhớ đến câu chuyện của họ. Anh không biết
Thái đã nghĩ gì ở lần chia tay cuối cùng với Phượng.

Anh nghĩ đến câu nói của Thái trong lần gặp gỡ ngắn
ngủi với anh. Anh đoán đó là điều duy nhất mà Thái
thực sự muốn nhớ về mối liên hệ ngày xưa giữa hắn
với anh, môt điều chỉ có thể làm Thái vui khi họa
hoằn nghĩ đến. Thái muốn nhớ điều gì về Phượng?
Anh không biết, nhưng chắc chắn là nhiều lắm. Và có
thể Thái chỉ chọn để nhớ những điều thực êm đềm,
thực thơ mộng, thực đẹp về cô. Có thể Thái sẽ thêm
vào đó những ước mơ dang dở của mình. Và biến
chúng thành những vật liệu cần thiết cho cái thế giới
của riêng hắn. Và Thái rút lui vào cái thế giới hạnh
phúc đó, mãi mãi. Không có điều gì, không có ai có
thể chạm đến cái thế giới của Thái, kể cả Phượng!
Phượng sẽ không già thêm một giờ một khắc nào nữa.
Sẽ mãi mãi là một cô nhỏ nghịch ngợm hoặc một
thiếu nữ yêu kiều, hoặc tất cả những điều đó. Và anh
tin rằng Thái đã có hạnh phúc trong suốt bao nhiêu
năm tháng qua, nếu hạnh phúc là được sống với
những điều mình mơ ước.

Điều đáng buồn là anh không còn có khả năng
kiến tạo một thế giới tương tự như của Thái. Đã quá
trễ để thực hiện được một kỳ công như vậy. Chẳng
phải em đã có lần than phiền anh đã hoang phí hết cả
một đời, chẳng còn gì để dành cho em hay sao? Chẳng
phải chúng ta chia tay cũng vì điều nay hay sao? Cho
nên em đã chọn trở về với cái thế giới em đã từng
quen thuộc, ở đó mọi việc đều có vẻ bình thường đến
độ ai cũng có thể tiên đoán được tương lai. Rồi em sẽ
có những niềm vui chừng mực, những nỗi buồn chừng
mực, bởi vì không thể nào khác hơn được. Họa hoằn,
em sẽ chợt nhớ lại những điều mà chúng ta đã cùng
nhau trải qua — những nỗi đau hay niềm hạnh phúc
phi thường. Những điều đã một lần biến em trở nên
phi thường. Bởi vì không có điều gì tầm thường trong

cuộc tình mà em và anh đã đi qua. Bây giờ thì em chỉ
còn có thể hồi tưởng lại những cảm xúc phi thường
đó, như viên tướng già hồi hưu tiếc nhớ mùi thuốc
súng trong lúc săm soi chiếc chiến công bội tinh treo
trên vách. Rồi em sẽ quay lại với những điều bình
thường mà em đã chọn lựa. Anh mong em vui với
những điều như vậy.

Thỉnh thoảng anh lại đi qua con đường đèo có
hoa poppy nở vào mùa Xuân. Những bông hoa màu
vàng mọc chi chít bên nhau như tấm thảm rực rỡ trên
nền cỏ xanh sẽ làm anh nhớ đến em thực nhiều. Về
những điều mình đã làm với nhau hoặc cho nhau lần
đầu, cái nắm tay, nụ hôn, tiếng cười, và những giọt
nước mắt. Rồi mùa Xuân sẽ đi qua, những thảm hoa
màu vàng sẽ biến mất, và những cọng cỏ sẽ héo quắt
đi dưới nắng Hè. Nhưng anh vẫn tiếp tục nhớ đến em,
khuôn mặt dịu dàng và nụ cười cong cong tít mắt. Khi
mùa Thu đến, anh lại thỉnh thoảng băng qua những
ngọn đồi phủ đầy những cọng cỏ úa vàng, xơ xác, và
lại nghĩ đến em. Nghĩ về những điều bỗng dưng trở
nên mơ hồ, cái nắm tay, nụ hôn, khóe môi cong...

Rồi anh chợt hiểu ra mình phải làm gì! Anh sẽ
dừng xe ở chân đồi, không phải để kể cho em nghe
một câu chuyện tình anh chưa từng kể cho ai nghe
trước đó. Anh chỉ muốn bật lên một que diêm và cẩn
thận không để nó tắt đi. Anh sẽ dùng mồi lửa nhỏ nhoi
này để đốt cháy một cọng cỏ khô run rẩy trong cơn
gió núi hắt hiu của mùa Thu, và nhìn ngọn lửa lan
dần. Và ngọn đồi cỏ khô sẽ cháy lên. Và những ngọn
đồi cỏ khô sẽ cháy lên, trong gió núi hắt hiu của mùa
Thu. Và cũng cháy lên rực rỡ trong gió núi hắt hiu
mùa Thu là cuộc tình ta, lần cuối cùng! Bởi vì một
điều phi thường như thế không nên chết đi một cách
tầm thường.

tháng mười một 1998

(1). Kỷ Vật Cho Em – nhạc Phạm Duy

bắt hến ở hồ isabella

Chừng hai tuần sau khi gia đình chúng tôi đến
Hoa Kỳ và nhập cư ở thành phố này, Chung đến thăm.
Trước anh một tuần thì có ông mục sư Tuế. Ông này
mang cho một số thịt đông lạnh gói trong lớp giấy bọc
màu vàng xỉn. Mẹ tôi đem bỏ hết vào tủ lạnh, và phải
đến hơn một tuần sau chúng tôi mới khám phá ra mớ
thực phẩm cao cấp này đã hết hạn cả năm về trước.
Mẹ tôi mang vất thùng rác một cách tiếc nuối, nhất
định bà còn chưa quên những rổ cá ươn thối cả khu
phố giành giật nhau ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh
đầu con hẽm nhà chúng tôi ở Sài Gòn. “Mô Phật,
đừng có nói hành người ta tội nghiệp. Người ta có
lòng đem cho mình mà các con.” Tất nhiên là tôi
không nói gì. Mấy chuyện đó đã có vợ tôi và mấy cô
em gái lo liệu.

Chung đến không mang theo gói thịt cá đông
lạnh nào hết. Nhưng anh có một thùng đồ nghề để
trong chiếc pickup1 màu xám của mình. Chung đi một
vòng căn apartment hai phòng đầy nghẹt người và
trống hoang tất cả những thứ khác, săm soi từng lỗ
cắm điện, mấy vòi nước trong nhà tắm, cái bếp ga, và
cái tủ lạnh mới toanh cô em gái sang Mỹ đã lâu mua
cho gia đình. Cả nhà xúm lại quan sát từng cử chỉ của
Chung và luôn luôn có một ai đó sẵn sàng trả lời một
cách mau mắn những câu hỏi của anh. Lần viếng thăm
đầu tiên của Chung đủ làm cho mẹ tôi mê anh tít thò
lò. “Ôi cái thằng sao mà tử tế!” Vợ tôi nhìn cô em

chồng độc thân cười cười, “Người ta có vợ hai con rồi
đó mẹ à.” Cô em phát cáu, “Cái đồ thằng cha đen thui
đen thủi ai mà thèm!” Mẹ tôi chấm dứt cuộc thảo luận
bằng một câu tục ngữ rất chi là bóng bẫy, “Đúng là bồ
hóng chê lọ nghẹ!”

Chung và tôi làm thân với nhau rất nhanh. Ở tuần
thứ ba của quãng đời tị nạn, tôi tìm được một việc làm
khiêm tốn ở một tiệm ăn do người bản xứ làm chủ.
Tôi sẽ tiếp tục có những công việc khiêm tốn như thế
trong những năm về sau. Vào những ngày nghỉ,
Chung gọi điện thoại mời tôi đến chơi, thường là vào
buổi tối. Ở đó chúng tôi ngồi ở chiếc bàn ăn trong căn
bếp uống bia và nói chuyện người chuyện mình. Vợ
anh chẳng khi nào tham dự vào những buổi nói
chuyện như vậy. Chị không biết tiếng Việt. Chị trả lời
chồng với cái giọng mềm và hơi kéo dài của người
miền Nam Hoa Kỳ. Đó là một người đàn bà Mỹ tầm
thước, chị cao hơn Chung nửa cái đầu, và ít lời.
Khuôn mặt tròn lốm đốm tàn nhang mang vẻ bình yên
một cách buồn bã, hoặc buồn bã một cách bình yên,
như thể hai điều này cần thiết phải đi chung với nhau.
Về sau tôi biết được rằng Chung đã làm việc cực nhọc
mấy năm ròng để chị có cơ hội hoàn tất chươngtrình y
tá ở ngôi trường Đại Học nằm ở phía Tây của thành
phố chúng tôi đang cư ngụ. Chung tiếp tục làm việc
cực nhọc như thế sau khi người vợ Mỹ ra trường và
tìm được việc làm. Chung làm thợ tiện, và xem ra anh
hài lòng với công việc của mình. Cho đến bây giờ tôi
vẫn chưa hề biết gì về đoạn mở đầu của cuộc hôn
nhân giữa cô gái người Mỹ và anh cựu binh thiết giáp
Việt Nam. Chung chưa bao giờ kể và tôi chưa bao giờ
hỏi.

Thành phố tôi ở nằm lọt thỏm trong một thung
lũng bằng phẳng kéo dài hàng trăm dặm. Từ thành

phố, đi về hướng nào cũng gặp phải những cánh đồng
ngút mắt, và xa hơn nữa là trùng trùng lớp lớp những
núi và núi. Thỉnh thoảng Chung đưa tôi đến những
cánh đồng vừa mới thu hoạch xong. Ở đó chúng tôi đi
lom khom dọc những luống đất thẳng băng tìm mót
tỏi, hoặc hành củ, hoặc khoai tây còn sót lại. Những
chiếc bao nhựa lấy từ siêu thị Safeway hay Von’s sẽ
nhanh chóng đầy lên với mớ nông phẩm và được buộc
lại kỹ càng trước khi vất vào thùng chiếc pickup màu
xám. Chúng tôi cười nói vui vẻ trên đường về, mặc kệ
tay chân mặt mũi lấm lem bụi đất. Vào những dịp này,
Chung thường nhắc lại những lần đi mót khoai mót
đậu ngày còn nhỏ. Những mầm khoai lang màu đỏ tím
không lớn hơn ngón tay út được phủi sơ đất cát và bỏ
vào miệng nhai rau ráu. “Ngọt lịm, ông ơi!” Trong
một số năm tháng sau đó, chúng tôi vẫn thường đi
chung với nhau trong những chuyến “gặt hái” như
vậy, có khi chỉ có hai người, có khi với một số bạn bè
người Việt trong cùng thành phố. Vợ con của Chung
không bao giờ hiện diện trong những chuyến đi như
vậy. “Chúng nó bảo sao không ra siêu thị mua, vừa rẻ,
vừa đỡ mất thì giờ.” Chung thường bảo vậy mỗi khi
có ai đề cập đến việc này.

Một hôm Chung gọi điện thoại, giọng hào hứng.
“Ông qua đây, tôi có cái này hay lắm.” Khi tôi đến
nơi, chỉ có mỗi một mình Chung đang loay hoay ở nhà
bếp. Chắc là vợ con anh đã đi chơi hay mua sắm gì đó
rồi. Chung đang nướng mấy cái bánh tráng trên bếp
điện. “Cái hay lắm” thơm nức mùi hành mùi sả đang
bốc hơi nghi ngút trong chiếc đĩa sứ lớn đặt trên bàn
ăn. Thì ra là nghêu xào. “Nghêu ở đâu mà nhỏ xíu
vậy?” Tôi hỏi. “Không phải nghêu, hến đó.” Chung
trả lời, giọng chắc nịch. Tôi không biết là quanh đây
có hến. Những con hến nhỏ bằng móng tay cái, vỏ

màu xanh rêu mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn mua về nấu
canh mồng tơi. Đã lâu lắm rồi tôi không còn được ăn
canh hến nấu với mồng tơi. Không có mồng tơi, và
nhất là không có hến ở quanh đây. Tôi cúi nhìn mấy
cái vỏ hến đen xỉn cỡ ngón tay cái của mình và đâm ra
nghi ngờ. Đây là những con baby clam!2 “Anh tìm
chúng ở đâu vậy?” “Ở một cái hồ trên núi. Hôm nào
mình đi nhé.” Chung trả lời, vẫn với cái giọng chắc
nịch.

Bỏ lại phía sau lưng những cánh đồng trồng cây
ăn trái, xa lộ 178 sẽ ôm sát thượng nguồn sông Kern,
the killer river,3 như người bản xứ vẫn gọi. Bắt đầu từ
nơi đây, xa lộ 178 biến thành một đường đèo hiểm trở.
Con đường hẹp lại, hai lối đi ngược chiều nhau chạy
vòng vèo giữa một bên là vách núi dựng dứng và phía
bên kia là bờ vực chênh vênh nhìn xuống giòng nước
sôi sục của sông Kern ba trăm bộ phía dưới. Dọc hai
bên đường, chừng vài dặm lại có một khoảng trống
nhỏ đục sâu vào vách núi hoặc nằm chơi vơi bên gành
đá để xe hỏng máy hoặc chạy chậm ghé vào nhường
chỗ cho những xe phía sau. Những nơi này được gọi
là turnout. Ở mãi trên đỉnh đèo, nơi con đường chấm
dứt, là một chiếc hồ thực lớn. Hồ Isabella nguyên là
một cái lũng thiên nhiên nằm giữa những hòn núi cao,
nước từ những cơn mưa và từ những khối tuyết tan
vào mùa Xuân đổ xuống đây trước khi hòa nhập vào
thượng nguồn sông Kern và biến nó thành một giòng
thác khổng lồ. Mặt phía Nam được chặn lại bởi một
con đê bằng bê tông cốt sắt cao sừng sững như một
dãy đồi bị phạt ngang. Ngoại trừ cửa đập, hai bên bờ
dốc thoai thoải của con đê được phủ đầy bởi những
tảng đá lớn từ đó mọc lên những bụi cây nhỏ cằn cỗi.
Hồ rộng mênh mông, một con đường trải đá chạy
vòng vèo ôm lấy bờ hồ. Vào cuối tuần, thiên hạ từ

những thành phố xa gần kéo đến cắm trại, câu cá,
trượt nước làm khu hồ náo nhiệt hẳn lên. Chính là ở
hồ Isabella này Chung và tôi đã đến nhiều lần để bắt
hến.

Nơi chúng tôi dừng lại khá vắng vẻ. Mang theo
một chiếc cào sắt nhỏ và một bao cát, chúng tôi lội ra
chỗ nước ngang thắt lưng, cào xới sục sạo dưới lớp
bùn đen lẫn cát của đáy hồ tìm bắt những con nghêu
nhỏ. Lũ nghêu sinh sôi nẩy nở khá nhiều nên công
việc không mấy khó khăn. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau,
bốn bao cát mang theo đã đầy cứng những con nghêu
nhỏ đen thui thủi. Chung vất chúng vào thùng xe, và
chúng tôi ra về hân hoan. Xe xuống đèo, bờ vực phía
tôi ngồi thỉnh thoảng biến mất trong tầm mắt ở những
khúc quanh hiểm nghèo làm tôi thót ruột. Thực sâu
phía dưới, dòng sông Kern quằn quại gào thét giữa hai
bờ vực dốc đứng. Chung hoàn toàn không để ý đến vẻ
bứt rứt của tôi. Thỉnh thoảng anh rời mắt khỏi con
đường vòng vèo trước mặt, nhìn vào kính chiếu hậu.
Tôi đoán Chung đang bận tâm đến những con baby
clam mà anh nhất định gọi là “hến” trong những cái
bao cát trong thùng chiếc pickup.

Chung thường kể đi kể lại không mệt mỏi những
lần đi bắt hến ở sông Cái. Con sông đào bên tả ngạn
cướp đi dòng thủy lưu, sông Cái ngày mỗi cạn dần, có
nơi lòng sông trơ ra toàn cát. Những con hến nhỏ bằng
móng tay có lớp vỏ màu xanh rêu sống ở những quãng
vắng, nơi nước chỉ đến thắt lưng. Chung sinh ra ở
miền Trung. Con nhà nghèo. Cha mất sớm, mẹ vất vả
một đời. Những mầm rễ khoai lang màu đỏ tím bám
đầy đất cát, những gié lúa hiếm hoi rơi rớt trên cánh
đồng mới gặt, những con hến nhỏ màu xanh rêu ở
quãng sông cạn theo đuổi Chung suốt những tháng
năm tuổi nhỏ. “Có khi bắt được cả chem chép. Tôi

luôn luôn cạy vỏ chúng ra để tìm ngọc trai!” Tôi phá
lên cười, làm gì có ngọc trai trong chem chép, hoặc
ngay cả trong những con sò huyết đắt tiền. “Hồi đó
mình còn nhỏ, ngu lắm. Cứ nghĩ đến truyện Trọng
Thủy Mỵ Châu.”

Cái đất nước nghèo xác của chúng tôi có nhiều
huyền thoại. Gần như ai cũng biết chuyện Trọng Thủy
được cha, vua nước Triệu, gởi đến triều đình vua Thục
để ăn cắp chiếc nỏ thần đã nhiều lần chặn đứng những
đợt tấn công của ông ta trước đây. Ông hoàng Trọng
Thủy thành hôn cùng công chúa Mỵ Châu và cả hai
nhất định đã có hạnh phúc với nhau, ít nhất cho đến
khi Trọng Thủy đánh tráo được chiếc nỏ thần và kiếm
cớ về nước. “Nếu có chuyện gì xảy ra và em phải rời
bỏ kinh thành, hãy để lại dấu tích cho anh tìm em.”
Ôm chiếc gối nhồi lông chim vào lòng, Mỵ Châu trả
lời, “Anh đi theo con đường lông ngỗng thì sẽ tìm
thấy em.” Cuộc tấn công sau đó của quân nhà Triệu
xảy đến bất ngờ như cơn lốc. Vứt chiếc nỏ vô dụng,
vua Thục kéo con gái lên lưng ngựa phóng ra khỏi
kinh thành Cổ Loa đang bốc cháy ngùn ngụt. Trong
lúc hối hả, công chúa Mỵ Châu chỉ mang theo được có
mỗi chiếc gối nhồi lông ngỗng trên đó mỗi đêm nàng
vẫn tựa đầu và nghĩ về những ngày tháng hạnh phúc
với chồng. Những chiếc lông ngỗng trắng mềm mại từ
chiếc gối được tung ra dọc con đường đào vong. Vua
Thục dừng ngựa ở chiếc hồ đổ vào biển. Hồ lớn quá,
không thể vượt qua, và tiếng vó ngựa của lính nhà
Triệu vọng đến từ phía sau. Nhà vua quay đầu lại
chính vào lúc chiếc lông chim cuối cùng từ tay công
chúa Mỵ Châu rơi xuống đất. Con đường lông ngỗng
đã hoàn tất nhiệm vụ đưa đường cho kẻ thù tìm đến.
Vua Thục tuốt gươm ra. Mỵ Châu ngã xuống cạnh bờ
nước, máu từ cơ thể nàng chảy vào chiếc hồ lớn.

Những con trai trong hồ sẽ ấp ủ những giọt máu của
Mỵ Châu trong lớp ngọc trắng óng ánh tiết ra từ cơ
thể của chúng. Đó là chuyện về sau, rất lâu sau khi
Trọng Thủy tìm đến nơi. Mọi sự đã quá trễ. Người ta
nói rằng ngọc trai ở chiếc hồ lớn sẽ lóng lánh hơn, đẹp
đẽ hơn nếu được chùi rửa bởi nước lấy từ cái giếng ở
thành Cổ Loa nơi Trọng Thủy đã nhảy xuống trầm
mình. Có khi quyết định của ông hoàng-điệp-viên đến
từ niềm ân hận không thể chịu đựng nổi hoặc từ nỗi
nhớ thương người vợ quá cố hoặc từ cả hai. Những
viên ngọc trai được mang qua bên Tàu, ở đó những
ông hoàng bà chúa sẽ gắn chúng lên bộ xiêm y lộng
lẫy của mình trước khi đến tham dự buổi dạ tiệc của
triều đình. Không có viên ngọc trai nào dành cho đứa
bé bắt hến ở con sông chảy qua ngôi làng nhỏ thuộc
miền Trung nước Việt.

Tôi tiếp tục đi bắt hến và lượm nông sản cùng
với Chung một thời gian. Đến một lúc nào đó, đời
sống bỗng trở nên bận rộn. Có nhiều điều bức thiết
hơn những con baby clam ở chiếc hồ nhân tạo trên
núi. Công ăn việc làm, những nhu cầu và những vấn
đề mới trong đời sống hôn nhân đòi hỏi nhiều thì giờ
và công sức để giải quyết. Khi tôi từ chối lời rủ rê đi
lượm tỏi của Chung, anh không giấu được vẻ thất
vọng. “Không có ai khác đi cùng anh sao?” Tôi hỏi.
“Mấy người đó bảo sao không ra siêu thị mua, vừa rẻ,
vừa đỡ tốn thì giờ hơn.” Những lần đi cùng Chung bắt
hến ở hồ Isabella ngày càng thưa ra, và sau đó tôi
ngưng hẳn. Những bất đồng ý kiến giữa vợ chồng
chúng tôi xem ra không còn có thể hóa giải được nữa.
Chúng tôi sau cùng quyết định sẽ tự mình thử giải
quyết vấn đề theo cách riêng của mỗi người. Và chúng
tôi chia tay, mang theo với mình nguyên vẹn những
nan đề chưa có lời giải cộng thêm nỗi phiền muộn đến

từ sự thất bại của chính mình. Về sau Chung thỉnh
thoảng ghé thăm căn apartment nhỏ xíu của tôi, mang
theo những nhánh tỏi còn bám đầy đất cát hoặc những
con hến có lớp vỏ đen xỉn mà anh tìm bắt được trong
những chuyến đi lẻ loi. Có vẻ như vợ con anh và
những người bạn Việt Nam trong vùng chỉ thích dùng
tỏi mua ở siêu thị. Ngay cả đĩa hến xào hành sả thơm
phức và những cái bánh tráng dòn rụm sẽ trở nên nhạt
nhẽo khi phải ngồi ăn một mình.

Chính là nhờ vào bản tin buổi tối phát vào lúc
mười một giờ đêm của một đài truyền hình địa
phương mà tôi biết được cái tai nạn trên đèo 178.
Chiếc pickup màu xám rơi xuống bờ vực lởm chởm đá
và chìm nghỉm trong giòng nước xoáy của sông Kern,
mang theo những bao cát chứa đầy những con nghêu
nhỏ màu xám đen. “Mọi sự đã quá trễ khi người tài xế
của chiếc xe tải hạng nặng nhìn thấy người đàn ông
đang lúi húi phía sau chiếc xe của mình. Nạn nhân và
chiếc pickup màu xám được gởi qua bờ vực, rơi xuống
dòng sông Kern ba trăm bộ phía dưới, và tức khắc bị
dòng nước hung hãn cuốn đi hàng dặm về phía hạ lưu.
Tất cả những gì còn lại là một vệt dài những con
nghêu nhỏ vỡ nát nhầy nhụa dưới bánh xe của chiếc
xe tải hạng nặng.” Ống kính máy thu hình bây giờ
chuyển xuống mặt đường nhựa, và tôi có thể thấy
chiếc vỏ nát nhừ của những con nghêu nhỏ. Không có
một lời nào về những chiếc bao cát đã rơi xuống lòng
sông cùng lúc với chiếc pickup màu xám và người đàn
ông xấu số. “Người ta sẽ không bao giờ biết được điều
gì đã khiến người đàn ông dừng xe một cách bất cẩn ở
đàng sau khúc quanh nguy hiểm bên cạnh bờ vực cheo
leo ở thượng nguồn con sông Kern hung hãn.” Người
phóng viên của đài truyền hình đã chấm dứt buổi
tường thuật như vậy. Tôi có chỗ không đồng ý với

nhận định này của ông ta. Tôi cho rằng mình có thể
hiểu được phần nào những gì đã xảy ra. Tấm chắn
phía sau chiếc pickup màu xám đã bung ra vì một lý
do nào đó và những con nghêu nhỏ từ một trong
những chiếc bao cát đã tuôn xuống dọc con đèo 178
quanh co lồi lõm. Tôi có thể hình dung ngay tức khắc
Chung đang hấp tấp dừng xe bên cạnh bờ vực dốc
đứng và lui cui đóng lại tấm chắn. Có khi anh còn mò
mẫm trong cái chập choạng của hoàng hôn để thu
lượm những con nghêu nhỏ rơi vãi trong lòng xe và có
lẽ ngay cả trên mặt đường. Người phóng viên bản xứ
sẽ không bao giờ hiểu được vì sao người ta có thể trở
nên bất cẩn cùng cực chỉ vì những con nghêu nhỏ vô
giá trị như thế. Dù sao thì ông ta cũng đã nhắc đến
“con đường xác hến,” a trail of smashed baby clams.

Quê hương tôi không có huyền thoại nào về hến.
Những viên ngọc trai màu trắng bóng ngời đến từ
những hạt máu của nàng Mỵ Châu vẫn được các ông
hoàng bà chúa mang lên người trong những dạ tiệc
sang trọng không có chút liên quan nào đến loài hến
hèn mọn, ở quê hương tôi hay trên đất Mỹ. Những con
hến đen đủi trong mấy chiếc bao cát hoặc sẽ va vào
vách đá lởm chởm của sông Kern và vỡ nát hoặc sẽ
rơi tỏm vào giòng nước hung hãn và nhanh chóng bị
cuốn về mạn dưới. Một hành trình gian khổ cho
những con hến tội nghiệp. Một số sẽ kẹt lại dưới lớp
đá ngầm, một số khác sẽ bị bắn tung khỏi mặt nước,
nằm phơi mình trên đá sỏi làm mồi cho lũ chim và
những con rái cá háu ăn. Những con nghêu nhỏ may
mắn còn lại sẽ trôi mãi về miệt hạ lưu, ở đó dòng
nước chậm lại và đổ vào một chiếc hồ khác ở vùng
ngoại vi của thành phố.

Chung quanh hồ là những cây thông, cây bồ đề,
cây khuynh diệp tỏa bóng mát lên dãy bàn ghế bằng

hợp kim nhôm sơn màu xám nhạt. Vào những ngày
cuối tuần, người ta kéo đến và bày thức ăn lên những
chiếc bàn dài, tụm lại ăn uống nói cười vui vẻ, mắt
thỉnh thoảng nhìn xuống hồ trông chừng đám trẻ nhỏ
đang bơi lội, đùa giỡn ở thềm nước cạn. Tôi cũng sẽ
đến đó, ngồi một mình ở chiếc ghế đá cạnh bờ hồ,
nhấm nháp miếng khoai tây chiên mỏng dính, mắt
không rời những đứa con gái nhỏ xinh đẹp trong bộ
đồ tắm sặc sỡ đang rượt đuổi những con ngỗng ngờ
nghệch trên bờ cát. Rượt đuổi chán, chúng sẽ chạy ùa
xuống hồ, đắm mình trong làn nước mát. Thỉnh
thoảng chúng chúi xuống sâu trong nước, mò mẫm
tìm kiếm. Có khi là một viên sỏi chẳng ra hình dạng gì
hết, có khi chỉ là một cọng rong xanh thẩm. Cuối cùng
rồi chúng cũng tìm được vật tôi muốn chúng tìm thấy.
Cả bọn sẽ chạy ùa lên bao vây lấy tôi, miệng liến
thoắng giành nhau nói. “Ba có biết tụi con đã tìm thấy
cái gì không?” Tất nhiên là tôi biết chứ, daddy knows
best!4 “Một con cá vàng,” tôi trả lời. Cả bọn phá ra
cười, “Không có cá vàng trong hồ này, cá vàng chỉ ở
trong những cái chậu bằng kiếng ở nhà hàng Tàu mà
thôi, ba không biết hay sao?” Một đứa trong bọn sẽ
nhắc nhở tôi như vậy. Và đứa kia sẽ xòe bàn tay nhỏ
xíu của nó ra một cách thận trọng. “A baby clam!”
Chúng đồng loạt hét lên. Tôi sẽ cầm lấy con nghêu
nhỏ trong tay ngắm nghía một lúc rồi cải chính.
“Không phải, đây là con hến.” Những cặp môi nhỏ
hồng hào sẽ mở ra, cong lên, uốn éo, và từ đó phát ra
những tiếng “hến” tròn trịa, trong vắt như tiếng sáo.
Rồi chúng lại phá lên cười.

Kéo chúng vào lòng, tôi sẽ xoay mình về hướng
Đông Nam, nơi có rặng núi cao màu xanh nằm phơi
mình dưới nắng chiều. Và xuống giọng thật thấp như
thể đang nói về một điều gì vô cùng bí mật, tôi sẽ kể

chúng nghe cuộc hành trình của con hến nhỏ trong
lòng bàn tay mình, bắt đầu không phải từ đỉnh núi cao
ngất trên kia, nơi có chiếc hồ nhân tạo mang tên
Isabella, không phải từ cái bờ vực dốc đứng nhìn
xuống dòng sông Kern hung bạo ở ba trăm bộ phía
dưới, mà từ một ngôi làng nhỏ bên kia bờ Thái Bình
Dương, nơi dòng sông chảy qua sẽ cạn dần theo ngày
tháng.

tháng tư 2000

1. Một loại xe vận tải nhẹ có thùng trống phía sau để
chứa hàng, rất thông dụng ở Hoa Kỳ
2. Một loại nghêu nhỏ, tìm thấy ở vùng nước mặn lẫn
nước ngọt, tương tự hến ở Việt Nam
3. Sông Kern chảy qua lãnh thổ Kern County, ở thung
lũng San Joaquin, miền Trung tiểu bang California, Hoa Kỳ.
Còn được biết đến như là “giòng sông giết người” vì đã có
nhiều người chết đuối ở đây.
4. Cha thì cái gì cũng biết!

chim gáy sau vườn

Vào lúc chạng vạng tối, cô nghe tiếng con chim
gáy cấtlên sau vườn. Cô không lạ gì tiếng chim gáy. Ở
làng cô, lũ chim làm tổ trên những cành mít cao
nghệu, trong bụi tre gai um tùm, hay trên những tàng
cây dúi rậm rạp. Cô có thể phân biệt được tiếng gáy là
của một chàng cu ngói hay một chàng cu đất. Cu ngói
với mớ lông ức màu gạch non, trông đẹp nhưng tiếng
gáy thì kém phần quyến rũ so với đám cu đất mập
mạp với bộ lông xám xịt. Thường thì lũ chim gáy lên
tiếng vào buổi sáng hoặc buổi trưa, cô hiếm khi nghe
chúng cất tiếng cúc cu vào giờ này. Hình như cũng
chính con cu đất này đã lên tiếng vào đêm qua, lúc cô
nằm trên chiếc chõng tre dỗ giấc ngủ.

Cô dụi bớt mớ củi khô đang cháy bừng bừng
trong chiếc bếp lò. Những bọt nước sôi trào ra từ
chiếc nồi cơm bằng đồng dính dầy muội than đen
nhẻm, rơi vào lửa kêu xèo xèo. Một chút nữa nồi cơm
gạo lức độn những hạt bắp xay nhỏ màu cam sẽ chín
tới, và bữa ăn thanh đạm sẽ được dọn ra dưới ánh đèn
dầu. Và cô sẽ ngồi ăn một mình, suy nghĩ vẩn vơ về
những việc xảy ra trong ngày, về đám học trò lớp Nhì
của cô, và có thể về ngày giỗ mẹ vào tháng tới.

Cô dọn cơm ra vừa xong thì tiếng chim gáy lại
cất lên từ bụi tre gai góc vườn. Tiếng chim vang lên
trong buổi tối êm ả của làng quê như réo gọi làm cô
thấy nao lòng. Tiếng chim gáy chợt im bặt, rồi có
tiếng lạo xạo trên những chiếc lá tre khô ngoài sau

vườn. Rồi tiếng chim gáy lại nổi lên, trầm buồn, dai
dẵng. Bỗng dưng, một điều gì đó rất mơ hồ dậy lên
trong lòng, cô cố nhớ ra mà không được. Một điều gì
đã lâu lắm rồi, như một mơ ước đã phai tàn... Tiếng
lạo xạo của đám lá tre khô lại vang lên. Một con heo
nhà ai đi lạc chui vào vườn nhà cô phá phách? Hay
tiếng chân người? Đúng là tiếng chân người rồi! Cô
có thể nghe thấy tiếng chân nhẹ nhàng rón rén trên
những chiếc lá khô, băng qua cái giàn nước có chiếc
chum sành cô mới đổ đầy nước hôm qua, và hướng về
phía cánh cửa nhà bếp làm bằng nẹp tre đan trét phân
bò. Cô cảm thấy lo sợ. Thường thì bà con trong làng
có việc đến tìm cô sẽ kêu ơi ới ngay từ ngoài cổng để
cô yên tâm. Nhà của cô ở cuối làng, nằm lọt thỏm
trong một khu vườn rộng bao bọc bởi hàng rào keo
dầy bịt, và góc sau vườn tiếp giáp với khu vườn còn
lớn hơn nữa của ông Cửu Nhường là bụi tre gai um
tùm, phần gốc tua tủa rễ tre và hang hốc.

Tiếng chân dừng lại phía sau cánh cửa mỏng
mảnh, rồi có tiếng gõ nhẹ vào cái nẹp tre và tiếng ai
đó gọi tên cô. “Xuyến ơi!” “Ai đó?” Cô hỏi vọng ra,
cố giữ giọng mình bình thản. “Xuyến ơi, anh Thuận
đây mà. Mở cửa cho anh vào đi.” Anh Thuận? Cô
bước đi gần như chạy đến phía cánh cửa, hai tay lúng
túng tháo thanh tre gài, và cánh cửa cuối cùng mở ra
một cách vất vả. Ngọn đèn dầu từ phía nhà bếp hắt ra
một ánh sáng ảm đạm, yếu ớt lên thân hình người đàn
ông cao ốm đang đứng trước mặt cô. Và cho dù anh
có già đi, có hốc hác và tiều tụy vô cùng, cô vẫn nhận
ra anh Thuận của cô! “Mới đó mà đã mười năm rồi
Xuyến nhỉ!” anh Thuận lên tiếng.

Đúng vậy, đã mười năm trôi qua kể từ lúc anh
Tấn và cô tiễn anh Thuận đi tập kết. Hôm đó cô nhất
định đòi di theo mặc kệ anh Tấn cằn nhằn, chỗ đàn

ông con trai bàn chuyện mà đi theo làm gì cho vướng!
Cô còn nhớ khu tập trung của mấy anh là một khu
vườn mít mênh mông bên kia sông. Mấy anh hoặc
đang đu đưa trên mấy chiếc võng giăng ngang dọc
trong khu vườn, hoặc đang tụm năm tụm ba trò
chuyện. Vào lúc sập tối, họ sẽ bước xuống chiếc ghe
bầu to lớn đang chờ dưới bến sông và sẽ được đưa đến
một nơi gọi là Sa Huỳnh. Từ đó, họ sẽ xuống tàu thủy
ra Bắc. Cô đi theo hai anh của mình, cố giữ một
khoảng cách vừa đủ để không làm gián đoạn câu
chuyện của họ. Cả hai đang nói chuyện hăng lắm, cô
nghe loáng thoáng những từ nghe đã quen tai nhưng
không hiểu rõ cho lắm. Tổng tuyển cử, hòa bình, thực
dân, đế quốc, chủ nghĩa, phản bội, trung thành, vân
vân ... Khi những người khác lục tục xuống thuyền, cô
đến gần anh Thuận để nói mấy lời chia tay. Cô bé
mười lăm tuổi chẳng nói năng gì được. Cô đứng chết
trân nhìn ông anh nuôi thương mến. Anh Thuận đến
trước mặt cô đưa tay vuốt mái tóc “bôm bê” của cô và
nói nhỏ, “Hai năm nữa gặp lại nghe cô bé!” Cô thấy
anh Thuận cười dịu dàng với cô rồi quay đi. Cô nhớ
mình đã ứa nước mắt, nhưng không khóc thành tiếng.
Hai năm thì cũng đâu có lâu la gì, lúc đó cô đã nghĩ
như vậy.

Tối hôm nay cô không ngồi ăn một mình như
mọi hôm. Có thêm một đôi đũa, một cái chén trên bàn.
Và trước mặt cô là anh Thuận, người mà cô đã rơi
nước mắt tiễn đưa ở một bến sông mười năm về trước.
Anh Thuận với cây đàn ghi ta loang lổ nước sơn trong
những đêm trăng kháng chiến. Anh Thuận với tiếng
cười khoái trá chiếu bí anh Tấn trong những ván cờ
gay go. Anh Thuận và con cu đất mới ra ràng cho bé
Xuyến, “ráng nuôi cho nó lớn nó gáy cho mà nghe!”
Bây giờ thì cô đã nhớ ra, anh Thuận có lần giả giọng

chim gáy thật giống khi cô than phiền con chim anh
cho cô nuôi hoài mà chẳng chịu gáy giếc gì hết! Cô
còn nhớ rõ cái cảm giác sung sướng khi được anh
Thuận dịu dàng sai bảo, Xuyến xuống bếp lấy cho anh
tô nước chè, Xuyến lấy cho anh cái hộp diêm, Xuyến
đi ngủ đi, khuya rồi đó...

Hai người vừa ăn cơm vừa kể nhau nghe về
những biển dâu của mười năm qua. Cô ứa nước mắt
nhắc lại cái chết của mẹ cô vì bệnh thương hàn vài
tháng sau cái Tết thứ ba kể từ lúc anh Thuận ra đi. Cô
nói qua về những năm tháng ở trọ nhà người cô họ
dưới tỉnh để học Trung Học. “Em học xong xin về
làng dạy học. Nhà có hai anh em mà anh Tấn thì đi
làm xa, không ai chăm sóc mồ mả ông bà cha mẹ.
Anh Tấn kêu em về dưới quận ở với anh ấy, em không
chịu, ảnh la một hồi rồi cũng thôi đó.” “Tấn bây giờ ra
sao?” Anh Thuận hỏi, vẻ đăm chiêu. “Em nghĩ anh
biết hết rồi mà! Hồi anh còn ở đây, hai người đã
không đồng ý với nhau về nguyên nhân cái chết của
ba em. Lúc anh đi rồi, những người trong nhóm của
ba em liên lạc với anh Tấn thường xuyên.” Cô ngưng
lại một chút rồi hỏi, “Mà sao anh lại chọn về đây?
Anh biết là anh Tấn chịu trách nhiệm an ninh cho
vùng này mà!” “Ở trên đưa về, biết làm thế nào
được?” Anh Thuận trả lời thật khẽ, vẻ mặt bối rối.

Anh Thuận chính là người đã báo tin buồn cho
gia đình về cái chết của cha cô. Người liên lạc viên trẻ
tuổi từ mặt trận Quế Sơn ghé vào nhà cô một buổi tối
đầu mùa Xuân, mang cái tin tang tóc, và đã ở lại với
gia đình cô từ đó. Anh Tấn gia nhập Việt Minh ngay
sau đó, và cùng với anh Thuận, tham dự những trận
công đồn và phục kích táo bạo trong những năm về
sau của cuộc kháng chiến. Hai người thân thiết như
hai anh em ruột, đi đâu cũng có nhau, và được dân

trong vùng tặng cho danh hiệu “cặp gà nòi Điện
Hồng” nhờ vào mưu trí và đảm lược của họ. Vào
những đêm trăng không phải đi trận mạc, tiếng đàn
ghi ta của anh Thuận và giọng hát ngọt ngào của anh
Tấn biến khoảng sân cỏ trước nhà cô thành hội liên
hoan. Những con gà mái tơ trong làng và từ những
thôn xóm lân cận kéo đến với hy vọng lôi kéo được sự
chú ý của cặp gà nòi. Nhưng cô luôn luôn tìm cách
chen vào giữa anh Thuận và một cô gái nào đó, một
cô gái quê hay một tiểu thư khuê các theo gia đình tản
cư về vùng quê tránh bom Đồng Minh. Và anh Thuận
không tỏ vẻ khó chịu chút nào khi bị cô phá đám.
Thực ra, anh cưng chiều cô còn hơn anh Tấn, ông anh
ruột của cô.

Vào năm cuối của cuộc kháng chiến, anh Tấn
nhận được một vài tin tức về những điều mờ ám
chung quanh cái chết của cha cô do những người bạn
thân thiết của ông cho biết. Anh nửa tin nửa ngờ,
nhưng chỉ riêng nỗi hoài nghi cũng đủ làm anh băn
khoăn vô cùng. Khi hiệp định Geneva được ký kết,
anh đã quyết định ở lại viện cớ phải chăm sóc mẹ già
và cô em gái. Anh Thuận buồn lắm nhưng cũng không
lay chuyển được anh Tấn. Anh Thuận thì không có gì
phải băn khoăn, anh chứng kiến cha mẹ mình bị giặc
Pháp tàn sát trong một trận càn ở vùng cao, và anh gia
nhập Kháng Chiến rất sớm sau biến cố bi thảm đó.

Vào một buổi chiều mười năm trước, hai con gà
nòi đã chia tay nhau ở một bến sông, và mặc dù họ đã
hẹn gặp lại nhau hai năm sau đó, cả hai có lẽ đã không
nhìn thấy một viễn ảnh tươi đẹp cho ngày tái ngộ. Sau
cái chết của mẹ, anh Tấn tham gia chính quyền địa
phương, và không bao lâu, anh trở thành một nhân vật
trọng yếu, phụ trách an ninh cho quận nhà. Và bây giờ
anh Thuận trở về hoạt động trong cùng một địa bàn,

cái viễn tượng hai người mà cô thương yêu trở thành
hai kẻ đối đầu khiến cô rầu rĩ vô cùng.

Anh Thuận trở lại ba hôm sau đó, vào giữa
khuya. Cánh cửa bếp lần này được mở ra nhẹ nhàng,
và ngọn đèn dầu được vặn thấp xuống để tránh sự chú
ý của hàng xóm. Nồi cơm độn bắp vẫn còn giữ hơi ấm
—cô đã vùi nó trong mớ than hồng còn lại sau lần nấu
cơm chiều. Cô ngồi đối diện anh Thuận, yên lặng
ngắm anh ăn uống ngon lành, cố giữ không hỏi anh đã
đi đâu, làm gì trong mấy ngày hôm nay. Có nhiều điều
cô không nên biết và anh không thể nói. Lúc cô bới
cho anh chén cơm thứ ba, anh Thuận đột nhiên lên
cơn sốt rét. Bàn tay anh run rẩy đánh rơi chén cơm lên
bàn ăn tung tóe, mồ hôi rịn ra trên trán, và cả thân
người anh run lên bần bật. Anh nghiến răng chịu
đựng, khoát tay ra hiệu cho cô là anh không sao.
Nhưng anh không chịu đựng được lâu, thân hình ốm
yếu ngã lăn ra trên nền đất, co quắp, hai hàm răng va
vào nhau lách cách! Phải khó khăn lắm cô mới dìu
được anh vào buồng trong của cô và đặt anh lên chiếc
giường tre trải chiếu hoa hình chữ Thọ. Cô lấy chiếc
mền nhà binh màu cứt ngựa anh Tấn cho đắp lên
người anh Thuận. Anh tiếp tục run rẩy, thở dốc dưới
lớp chăn. Những ngày tháng gian khổ dọc con đường
mòn thăm thẳm trên dãy Trường Sơn và những lần ăn
bờ ngủ bụi sau đó đã quật ngã anh không thương tiếc.
Cô ngần ngừ một chút rồi tốc mền chui vào, nằm đè
trên người anh ôm chặt, mong hơi ấm từ cơ thể mình
sẽ làm anh bớt run. Vào lúc gần sáng, cô thiu thiu ngủ
trên người anh, lúc bấy giờ đã thôi run rẩy, và nhận ra
hai cánh tay anh đã làm thành một vòng ôm rất chặt
chung quanh cơ thể mình. Cô dụi đầu thực sâu vào cổ
anh, hôn lên lớp da nhớp nháp mồ hôi, và lòng cảm
thấy rạo rực vô cùng.

Anh Thuận ở trong căn buồng ngủ của cô ba
hôm. Cô cố gắng giữ sinh hoạt của mình diễn ra một
cách bình thường để mọi người trong làng không biết
nhà cô đang có khách! Anh Thuận hình như đã quen
với cách sống lẩn lút nên rất ít khi gây nên tiếng động.
Vào giữa khuya đêm thứ ba, anh hôn cô từ biệt rồi lẻn
ra sàn nước tắm táp, cô nằm trên chiếc giường tre cố
lắng nghe cũng chỉ bắt được những âm thanh sẽ sàng
của chiếc gáo dừa khuấy động mặt nước im trong
chiếc lu sành. Anh không trở vào với cô đêm hôm đó,
nhưng cô biết anh sẽ trở lại, và anh sẽ qua đêm trên
chiếc giường tre cô đang nằm. Cô sẽ rất vui lòng có
anh bên cạnh, dù chỉ rất họa hoằn và lén lút. Cô đã
chờ đợi suốt mười năm qua chỉ để được ngã vào lòng
anh trong những dịp như vậy, hối hả và tuyệt vọng.
Lần nào cũng có thể sẽ là lần cuối cùng!

Ba hôm trước ngày giỗ mẹ, Xuyến đi chợ quận
mua nhang đèn vàng mã và những món cần thiết. Cô
cũng ghé thăm anh Tấn, như mọi khi. Khi Thuận trở
về vào lúc giữa khuya, anh bắt gặp cô đang ngồi khóc
thút thít dưới ánh đèn dầu tù mù trong căn buồng ngủ
nhỏ xíu. Thuận lờ mờ đoán ra chuyện gì, và anh biết
mình đoán đúng khi Xuyến bảo anh phải rời khỏi nơi
đây trước ngày giỗ mẹ cô. “Tấn biết anh về đây rồi
phải không?” Anh hỏi. Xuyến lặng lẽ gật đầu thay câu
trả lời. Cô cúi xuống lục lọi trong chiếc giỏ ny lông
lấy ra một gói thuốc lá đưa cho anh. “Của anh Tấn gởi
anh đó. Ba hôm nữa anh ấy sẽ về giỗ mẹ. Anh ấy nói
hai người gặp nhau sẽ có nhiều bất tiện.” Thuận cúi
nhìn hàng chữ “Ruby Queen” viền kim nhũ lóng lánh
trên màu hồng nhạt của bao thuốc lá, thở dài. Anh bỏ
đi rạng sáng hôm sau. Hai người chia tay ở góc vướn,
nơi có bụi tre già đầy hang hốc mà anh đã có lần chui
vào đó giả tiếng chim gáy. Anh áp má cô vào mặt


Click to View FlipBook Version