trong chiếc túi bên phải của tấm áo mưa!
Hoàng còn nấn ná ở lại khi người bạn nghiêm
nghị của anh lịch sự chào tôi ra về. Tất nhiên là anh
hiểu tôi đang tò mò muốn biết điều gì đã xảy đến cho
ông khách ít nói.
“Chỉ là viết lách chỉ trích nhì nhằng thôi,” Hoàng
nói, ra điều không có chuyện gì đáng cho tôi quan
tâm.
“Vậy ông ấy có bị kẹt lâu lắm không anh?” Tôi
hỏi Hoàng, mắt tròn xoe rất ngây thơ.
“Cái đó còn tùy, còn phải xem có dính líu đến tổ
chức nào không! Cùng lắm thì bị đuổi về nước thôi.”
“Về nước?” Tôi lại tròn mắt hỏi.
“Tay đó là Việt kiều mà. Chỉ tội em bỗng dưng
mất đi một khách xộp trung thành.” Hoàng bỏ đi, sau
khi cười cười chọc tôi như vậy.
Thực ra thì Hoàng không nói tôi cũng đã biết ông
khách ít nói là công dân của một nước khác. Cuốn sổ
tay trong túi chiếc áo mưa bỏ quên đã tiết lộ cho tôi
điều đó, và nhiều điều khác nữa về ông. Cho dù tôi
không rõ ông đã làm gì để đến nỗi bị bắt bớ, tôi có thể
hiểu lờ mờ cái lý do ông rời bỏ cái vùng đất thừa mứa
tiện nghi để trở về quê hương. “Không còn được yêu
em thôi thì ... yêu nước vậy!” Tôi bắt gặp câu nói
khinh bạc đó ở phần cuối của cuốn sổ mà phần nội
dung giống như một cuốn sổ ghi chép hơn là một cuốn
nhật ký.
Không dễ dàng gì để có được một khái niệm
chính xác về người chủ của cuốn sổ tay mà trong đó
chứa đầy những sự kiện rời rạc, đôi khi gần như đứt
quãng, chen lẫn với những suy tư đôi khi vụn vặt, đôi
khi khó hiểu cộng với những hàng số điện thoại,
những ký hiệu xa lạ, những cái tên ngoại quốc khó
đọc, và những địa danh tôi chưa hề nghe thấy bao giờ.
Tôi say mê đọc đi đọc lại cuốn sổ tay, và bỗng dưng,
như căn phòng tối tăm giữa đêm đen sáng dần lên
cùng với tia nắng đầu tiên của buổi rạng đông len lỏi
qua khung cửa sổ, một phần đời của người khách trầm
lặng trở nên rõ nét hơn. Đúng vậy, chỉ một phần đời
của ông, bởi vì cuốn sổ được dùng đến lần đầu tiên
cách đây năm năm. Tôi cho đó là một trùng hợp thú
vị, bởi vì tôi tốt nghiệp Đai Học Sư Phạm, đi dạy học,
bỏ dạy, và mở ngôi quán này cũng vào chính năm đó.
Chắc chắn là người chủ cuốn sổ tay bỏ nước ra đi đã
lâu, vào một trong những năm vô cùng khó khăn của
đất nước sau cuộc chiến tranh. Và ông đã ra đi cùng
với đứa con trai duy nhất. Cuốn sổ tay được bắt đầu
khi đứa nhỏ được mười lăm tuổi, và như vậy, nó đã
trở thành một thanh niên hai mươi tuổi tràn trề sinh
lực —nếu nó còn sống cho đến hôm nay! Cái chết của
đứa nhỏ chính là sự kiện đầu tiên tôi đọc được trong
cuốn sổ tay, và không chút hoài nghi, tôi cho rằng
cũng chính biến cố bi thảm này làm cho sự ra đời của
cuốn sổ tay trở nên cần thiết cho ông khách trầm lặng.
Ở một xứ mà tai nạn lưu thông hàng năm giết
nhiều người còn hơn cả con số tử vong do các chứng
nan y cộng lại, cái chết của đứa nhỏ mười lăm tuổi lúc
chạy băng ngang qua đường dưới cơn mưa tầm tã
chưa hẵn đã là một thảm kịch quá sức chịu đựng. Trừ
phi lẽ ra nó đã không phải băng qua đường một mình
nếu cha nó không đến trễ nửa tiếng đồng hồ sau khi
trận thi đấu bóng bầu dục ở trường Trung Học của đứa
nhỏ kết thúc. Đêm hôm đó, ông khách bận đi ăn với
cô bạn gái, và ông đã ở lại trong căn phòng ngủ của cô
khá lâu trước khi chia tay! Tôi không trách ông điều
này bởi vì những lời trách móc của tôi cho dù có cay
độc bao nhiêu cũng không thể so sánh được với nỗi ân
hận mà ông đã viết ra. Cùng với cái chết đau thương
của đứa con trai duy nhất là sự suy sụp tưởng như
không thể cứu vãn nổi của một người đàn ông. Trong
những trang kế tiếp của cuốn sổ tay là những thóa mạ
thậm tệ, những bỉ thử tàn nhẫn người đàn ông dành
cho chính mình. Những năm tháng dài tự lực cánh
sinh nơi xứ người, những thành tựu về mặt học vấn và
nghề nghiệp đạt được sau những gian truân của người
phải bắt đầu trở lại từ con số không, niềm tự hào về
đứa con ngoan ngoãn thông minh như là kết quả của
cảnh “gà trống nuôi con,” một mình đóng thêm cả vai
trò của người vợ vắn số bỗng dưng tan biến như bọt
bể! Chỉ còn lại con vật trần truồng thô bỉ là ông, cong
đuôi chạy theo những bóng hồng thấp thoáng ở những
nơi ông tình cờ hiện diện. Và không chỉ thô bỉ mà còn
hèn mạt nữa. Luôn luôn có một lý do chính đáng ở
phần cuối của mỗi quan hệ tình cảm mà trong đó ông
chưa từng một lần dám sống cho đến tận cùng của
cảm giác, chưa từng một lần dám bén mảng vào thế
giới đích thực của tình yêu. Chỉ là cái khoái cảm mà
bản năng chinh phục ban phát cho ông sau mỗi lần trái
tim và cơ thể người đàn bà chảy tan ra như con sứa
biển gặp nắng hè trong vòng tay thành thạo của ông.
Và rồi mối quan hệ sẽ kết thúc vào một lúc nào đó
trong một cách thế gần như không thay đổi. “Em sẽ
không có hạnh phúc với anh đâu! Anh yêu em nhiều
lắm, nhưng rồi còn đứa con mà anh đã nguyện hy sinh
một đời cho tương lai của nó, còn những nhắc nhở về
người vợ quá cố mà anh sẽ thỉnh thoảng làm em vô
cùng khó chịu! Em đã cố gắng hết sức, và anh cũng
vậy, nhưng anh không thể nhìn thấy em chịu thống
khổ vì anh nhiều hơn nữa. Anh không xứng với tình
yêu của em! Em xứng đáng có một hạnh phúc trọn
vẹn, và anh tin chắc em sẽ tìm thấy nó.” Và những
người đàn bà nước mắt chảy như suối ra đi, mang theo
trái tim vỡ nát! Và tôi thì chưa từng thấy ai tự thóa mạ
mình độc địa như vậy!
Phần kế tiếp của cuốn sổ tay trở nên rời rạc, thưa
thớt. Phần lớn là những địa danh, những tên người,
những số điện thoại với những mẩu ghi chép ngắn
ngủi. Tuyệt nhiên không có một nhắc nhở nào về
những liên hệ tình cảm trong những ngày tháng đó.
Ông có vẻ đã đi nhiều nơi trong quãng thời gian này.
Lẫn lộn trong những trang giấy tôi tìm thấy một câu
hỏi lập đi lập lại nhiều lần về điều gì là bi kịch lớn
nhất của con người. Là những tổn thất không thể thay
thế được! Đây là phần mù mờ nhất trong cuốn sổ tay.
Tôi cố hình dung ra ông khách ít nói ở những nơi
chốn mới mẻ cùng với nỗi buồn đã cũ. Vẫn còn đó nỗi
thống khổ, đã như một phần không thể tách rời, đã trở
nên vô cùng thân thuộc cùng ông. Thỉnh thoảng nó sẽ
trở chứng hành hạ ông, như kinh nguyệt đàn bà mà tôi
cứ phải chịu đựng mỗi tháng!
Ở phần cuối của cuốn sổ tay, bắt đầu vào khoảng
hơn một năm về trước, tôi ghi nhận một thay đổi lớn
trong suy tư của ông khách ít nói. Một thay đổi kỳ
diệu, Tình Yêu!
Thực ra thì câu chuyện cũng không có gì đặc
biệt. Hai người nào đó gặp nhau, làm quen nhau, rồi
yêu nhau. Hoặc ít nhất họ nghĩ rằng họ yêu nhau. (Tôi
không có ý định châm biếm ở đây, có lần tôi nghĩ là
tôi và một người khác đã yêu nhau ghê gớm!) Nhưng
trong trường hợp của ông khách ít nói thì tôi tin rằng
ông đã thực sự bắt gặp được tình yêu. Cứ đọc những
giòng chữ nhảy múa hân hoan trên những trang giấy
tiếp theo đó thì biết ngay! Thực khó mà hình dung cái
người đàn ông câm như thóc, mắt dán vào vũng nước
đầy bong bóng nước hôm nào đã có lần yêu thương
cuồng nhiệt như vậy. Tôi cảm thấy có chút ganh tị.
Tôi chưa hề biết có thứ tình yêu như vậy. Nỗi thống
khổ vẫn hằng đeo đẳng ông hàng năm trời mọc cánh
bay xa, cái mặc cảm phạm tội đến sau cái chết của đứa
con cũng nhanh chóng tàn lụi.Ông có một điều để
sống cho, tình yêu mà ông dành cho người yêu của
mình và tình yêu mà nàng dành cho ông. Cũng chính
ở phần này, tôi tìm thấy một trong những bức ảnh
hiếm hoi trong cuốn sổ tay. Đó là ảnh người yêu của
ông, dễ dàng nhận ra nhờ vào lời đề tặng ở mặt sau.
Bức ảnh còn lại có hình của ông chụp chung với đứa
con trai, ghim cùng với một mẩu báo ố vàng có đoạn
tin ngắn về tai nạn đưa dến cái chết của con trai ông.
Cái câu hỏi mà ông vẫn băn khoăn trong thời gian
trước đây nay đã có câu trả lời. Bi kịch lớn nhất của
con người là không có được TìnhYêu! Ít nhất, đó là
điều ông tin tưởng!
Nếu bi kịch xảy đến cho ta một lần, nó có thể
xảy đến cho ta một lần nữa, và nhiều lần nữa. Bi kịch
lại xảy đến cho ông khách ít nói, cái bi kịch “lớn
nhất,” như ông đã nghĩ. Vào một ngày không lấy gì
làm đặc biệt, người yêu của ông bỗng dưng không tin
rằng cái người đang đứng trước mặt mình là người
nàng vẫn còn yêu thương say đắm hôm kia! Nàng
kinh hãi đến độ gần như quẩn trí, bật lên khóc nức nở.
Nàng đau đớn nhận ra mình trở nên vô cùng lãnh đạm,
dửng dưng với những lời lẽ âu yếm người đàn ông
đang thì thầm cùng nàng với mục đích trấn an. Trong
cùng một lúc, nàng nhận biết ông là ai và đồng thời
thấy ông vô cùng xa lạ. Tình yêu nàng dành cho ông
đã chết, không duyên cớ và không phương cứu vãn!
Ông lau nước mắt cho nàng, và hai người chia tay.
Khi cánh cửa đã khép lại sau lưng, ông khách ít nói
thấy mình rơi thực nhanh xuống chiếc hố sâu hun hút
tối đen của tuyệt vọng. Bi kịch lớn nhất của con người
là trở nên không còn cần thiết cho bất cứ ai!
Tôi đã quyết định sẽ tìm gặp ông ấy. Tôi nghĩ
Hoàng có thể giúp tôi điều này, cho dù tôi phải
nhượng bộ anh một vài điều mà anh vẫn mong được
tôi ban phát. Có thể Hoàng sẽ bảo, “Em điên rồi!”
Nhưng tôi biết mình chẳng điên khùng gì hết. Tôi ba
mươi hai tuổi, xinh đẹp, học thức, độc lập, và chưa hề
yêu ai. Tất nhiên tôi không thể yêu ông Bảy, đại tá
phục viên và góa vợ, cho dù tôi vẫn tròn mắt phục lăn
nghe ông lập đi lập lại những điều cũ mèm mà ai cũng
biết và không thèm quan tâm đến nữa. Tôi cũng không
thể yêu Thắng, chú bé sinh viên Đại học với những
ước mơ huy hoàng và nhát như cáy. Và ngay cả
Hoàng, chững chạc, phong độ, và trí thức như vậy
nhưng tôi cũng không thể yêu anh! Bởi vì anh sẽ
không đời nào dám yêu ai nhiều đến độ có đủ can đảm
để chia tay với cô vợ con nhà quyền thế! Cả ba, trên
nhiều phương diện, nhàm chán đến độ nhất cử nhất
động của họ đều có thể tiên đoán được. Vậy thì tôi
yêu ông khách ít nói, chàng tráng sĩ Tiêu Sơn ngược
ngạo, người đã có thể khiến cho các nhà ái quốc chân
chính ở phía bên này hay bên kia của cuộc tranh chấp
(tranh chấp về điều gì thì tôi không dược rõ) nóng mặt
vì câu nói khinh bạc, “Không được yêu em thôi thì
yêu nước vậy!” Tôi muốn được một lần như ông, lao
vào cuộc tình và cháy lên rực rỡ!
Ở trang cuối cùng của cuốn sổ tay, ông khách
viết, “Sau em, người đàn bà sẽ đến với anh nhất định
phải là một người vô cùng đáng thương!” Tôi ba mươi
hai tuổi, học thức, xinh đẹp, và đáng thương ư? Tôi
không nghĩ như vậy!
tháng mười 1997
chuyện thằng bạn
Tôi quen Long cũng khá lâu. Chúng tôi vẫn hay
ngồi vào chiếc bàn quen thuộc ở một góc kín đáo của
Loan’s, ở đó chúng tôi nhâm nhi ly cà phê hoặc lon
bia, nói chuyện tầm phào.
Thằng bạn tôi có nhiều điều để tôi ganh tị. Chẳng
hạn như sự ái mộ các bà các cô dành cho nó mà tôi bắt
gặp hầu như ở mọi nơi chốn chúng tôi xuất hiện. Ngay
cả cô Yến tóc dài da trắng tiếp viên của Loan’s cũng
không ngoại lệ. Cứ nhìn cái cung cách cô săn sóc hắn
như thể những người còn lại là... bụi bặm thì cho dù
có đui mù một cách... hợp pháp cũng phải nhận ra cô
có cảm tình với nó ghê gớm lăm! Sau này tôi khám
phá ra Long còn có nhiều ưu điểm khác nhờ vào
những lần chuyện trò với vài người bạn (phái nữ, dĩ
nhiên!) của nó. Họ thường nói về Long với giọng điệu
dịu dàng trìu mến mà đàn bà thường chỉ dành cho
người đàn ông yêu dấu nhất của mình. Họ nói về niềm
hạnh phúc tuyệt vời những lần đi bên cạnh Long,
được chăm sóc một cách ân cần như thể trên thế gian
này chỉ có mỗi mình họ là người đàn bà còn sống sót.
Về giọng Bắc kỳ... mất gia phả trầm ấm của Long. Về
cách ăn mặc đỏm dáng kín đáo. Về cách cư xử hào
hoa, rộng rãi mà không làm người chung quanh khó
chịu. Và những đức tính khác nữa, những điều tôi...
không tìm thấy ở mình! Đi cùng một người như thế,
tôi lẽ ra phải tủi thân lắm nếu đã không phải nhiều lần
cầu viện đến cục tự ái to như cái đình của mình!
Nói cho công bằng, thằng bạn tôi không chỉ hào
phóng với đàn bà. Trong những lần họp mặt, may mắn
lắm tôi mới có cơ hội trả tiền cà phê cà pháo. Long
hầu như lúc nào cũng nhanh chân hơn tôi. Điều này
cũng không có gì là lạ. Tôi rời khỏi quân ngũ cách đây
nhiều năm với cấp độ tàn phế sáu mươi phần trăm.
Tôi nghĩ mình không cố tình chậm chạp, và điều này
khiến tôi cảm thấy được an ủi nhiều lắm. Có điều lòng
hào hiệp của Long không dừng lại ở đó. Có lần nó
muốn kéo tôi ra khỏi cảnh cô đơn kinh niên bằng cách
giới thiệu cho tôi một người bạn của nó. Bạn gái, dĩ
nhiên! “Cô này bạn tao, mầy chịu khó gặp một lần
xem sao.” Xem thì xem, tôi nghĩ thầm.
Cô gái tên Nguyệt, và chúng tôi gặp nhau ở một
tiệm ăn khá lịch sự ở phía Bắc thành phố. Phải thú
thực là sau vài phút chuyện trò, tôi có hơi thất vọng.
Tôi đã nghĩ bữa ăn tối sẽ không lấy gì làm thích thú
lắm. Thực ra, mọi việc xảy ra tốt đẹp hơn tôi tưởng.
Chúng tôi nói chuyện một cách vui vẻ sau đó. Câu
chuyện xoay quanh một người thứ ba, thằng bạn tôi.
Tôi nghe nhiều hơn nói, và dần dần tôi hiểu ra vì sao
các cô có cảm tình với Long. Chỉ cần nhìn Nguyệt,
mắt long lanh niềm hạnh phúc và khuôn miệng hân
hoan kể lể không ngừng về anh Long! Ít nhất, tôi nghĩ,
giữa Nguyệt và tôi vẫn có một điều chung: chúng tôi
cùng yêu mến Long. Và tôi cảm thấy buồn cười về cái
ý định hào hiệp của thằng bạn tôi khi nó đòi “gả”
Nguyệt cho tôi. Không biết Long có được cái cảm
giác như tôi đang có là Nguyệt có vẻ như sẵn sàng
làm bất cứ điều gì, kể cả những điều ghê gớm nhất,
chỉ để được có Long, một mình. Vào lúc chia tay, tôi
nhớ mình đã khuyên bảo Nguyệt trong một cung cách
dịu dàng khéo léo nhất mà một người thô lỗ như tôi có
thể diễn tả được bằng lời lẽ. Tôi khuyên Nguyệt đừng
làm bất cứ điều gì. Đàn bà thực là thông minh khi họ
muốn hiểu điều cần hiểu.
Thỉnh thoảng Long kéo tôi về nhà chơi. Ở đây tôi
gặp Vân. Người thiếu phụ ăn mặc xốc xếch và có đôi
mắt dài dại đó là vợ của thằng bạn tôi. Vân bệnh đã
nhiều năm nay. Schizophrenia, đó là cái tên của căn
bệnh quái quỉ đã tàn phá cô và cái hạnh phúc mà cô và
Long đã tưởng sẽ có với nhau đến hết đời. Bắt đầu với
những âm thanh và hình ảnh kỳ dị chỉ có mỗi mình
Vân nghe và nhìn thấy, càng ngày cô càng hành động
nói năng quái gở. Những cố gắng của Long để mang
cô về với đời sống bình thường đều vô hiệu. Cơn bệnh
biến Vân thành người gần như mất trí, và tệ hơn nữa,
một người... nguy hiểm. Đã mấy lần căn nhà của hai
người suýt biến thành tro nếu đám lính chữa lửa
không đến kịp. Đứa con trai nhỏ phải đem gởi ông bà
ngoại, và mỗi ngày trên đường về nhà từ chỗ làm,
Long nhất định phải mừng lắm tìm thấy vợ mình và
những thứ chung quanh cô còn nguyên vẹn. Và cứ
như thế hàng ngày, hàng tháng, hàng năm! Sẽ không
ai ngạc nhiên hay trách móc nếu Long chia tay với
người vợ bệnh hoạn của mình. Nhưng Long đã không
làm như thế. Ngay cả sau này, khi thằng bạn tôi có
thêm căn phòng nhỏ gần sở làm, nơi nó vẫn thỉnh
thoảng tiếp đón những người bạn xinh đẹp, Long vẫn
có mặt nhiều đêm trong tuần bên cạnh vợ. Vào giữa
khuya những đêm như thế, tôi không biết Long đã
nghĩ gì khi xoay mình về phía cô, vòng tay ôm lấy
người bạn trăm năm bất hạnh đang thổn thức trong
những khoảnh khắc tỉnh táo hiếm hoi nhờ vào mớ
thuốc men cô vẫn dùng hằng ngày. Có thể đã có
những giọt nước mắt lặng lẽ và giấu giếm. Tôi không
biết chắc.
Trong thời gian đầu quen biết Long, tôi thường
bắt gặp nó cặp kè với nhiều người đàn bà, phần đông
trẻ và đẹp. Họ không làm tôi bận tâm lắm. Họ đến rồi
đi. Tôi thì vẫn trở lại cùng Long ở cái góc quán quen
thuộc, với cô Yến tóc dài da trắng lúc nào cũng dịu
dàng... với thằng bạn tôi. Một trong những lần gặp
mặt sau đó, Long giới thiệu tôi với Thủy. Cô bạn gái
mới của nó cũng trẻ đẹp như những cô trước đây, và
chắc cũng yêu nó không kém gì họ. Điều làm cô đặc
biệt hơn họ đến từ phía Long. Hình như thằng bạn tôi
cũng thương cô không kém. Tôi không biết tại sao
Long thương cô này mà không thương cô nọ, mà cũng
chẳng muốn nghĩ ngợi lôi thôi. Tôi cho rằng thằng bạn
tôi đi đêm cho lắm thì cũng có ngày gặp ma, vậy thôi.
Tôi gặp lại Thủy nhiều lần sau đó. Hình như Thủy
không có ý định ra đi như những cô khác. Mà hình
như Long cũng muốn giữ cô ở lại. Muốn giữ cô ở lại
chắc cũng không khó lắm. Chỉ cần thằng bạn tôi cho
cô một tia hy vọng, một lời hứa. Vậy mà Long chẳng
chiều cô gì hết, làm như hứa hẹn là một điều khó khăn
ghê lắm. Mà cũng có thể là vậy. Có những điều thực
không dễ dàng chút nào.
Cũng ở cái góc quán quen thuộc của Loan’s,
Long báo cho tôi biết Thủy đã theo gia đình dọn về
Arizona. Cô ra đi không mang theo một tia hy vọng
nào hết. Họ vẫn tiếp tục liên lạc với nhau sau đó, cả
năm trời. Có khi bằng điện thoại. Có khi một trong hai
người lái xe vượt hàng trăm dặm dài đến thăm người
kia. Trong những lần Thủy đến với nó, nhất định căn
phòng nhỏ của thằng bạn tôi phải ấm áp lắm, tôi nghĩ
vậy. Rồi Thủy lại đến với Long thêm một lần nữa, lần
cuối. Thủy về Việt Nam lập gia đình, Long bảo tôi khi
hai đứa ngồi nhâm nhi lon bia ở cái góc quán quen
thuộc. Tôi không biết điều gì đã xảy ra trong căn
phòng nhỏ của Long ở cái đêm cuối cùng trước ngày
Thủy lên đường về nước, nhưng tôi cho rằng thằng
bạn tôi sẽ còn nhớ đến điều đó lâu lắm.
Khoảng thời gian sau đó thằng bạn tôi đâm ra mê
xem banh cà na. Mê quá cỡ. Tôi đoán là nó buồn. Có
người buồn thì đi... hành lạc cho đỡ buồn. Có người đi
tu, có người tự tử. Mê banh cà na thì cũng là điều tốt
thôi. Ít nhất, khó mà nghĩ đến điều gì khác khi trận
đấu chỉ còn hai phút phù du và “phe ta” bị gác trước
bốn điểm!
Phải một thời gian khá lâu sau đó tôi mới nghe
Long tâm sự về Thủy. Dạo này Vân đã khá lên nhiều.
Những tiến bộ mới của ngành Y đã mang đến cho
những người như Vân một nguồn hy vọng mới. Một
loại dược phẩm mới đã giúp Vân gần như trở lại bình
thường. Hôm tôi theo Long về nhà, Vân đã không còn
là người đàn bà xốc xếch với đôi mắt dài dại năm nào.
Một chút phấn hồng trên má, có lẽ để che dấu làn da
hơi xanh vì những tháng năm bệnh hoạn, và đôi mắt
long lanh gởi đến chồng niềm tin yêu như thể cô chưa
bao giờ mất nó. Tốt quá, tôi nghĩ. Thủy đã có chồng,
và Long quay về với vợ. Tôi cảm thấy yên tâm.
Nhưng Long hình như không được yên tâm cho lắm.
Có điều gì đó làm thằng bạn tôi bứt rứt.
Thủy mang thai sau khi trở về từ chuyến đi dài
hai tuần ở Việt Nam. Đó là một đám cưới khá gấp
gáp. Đôi tân giai nhân chỉ thực sự làm vợ chồng có
một đêm, một tuần sau lần chia tay cuối cùng giữa
Thủy và Long ở căn phòng nhỏ của nó. Tôi hiểu ra
điều băn khoăn của thằng bạn tôi. Chính là ở cái góc
quán quen thuộc của Loan’s tôi đã hỏi liệu nó sẽ có
bao giờ hỏi Thủy về điều đang làm nó bận lòng hay
không. “Tao không biết,” nó nhăn nhó trả lời. Khi tôi
hỏi tiếp liệu nó có nghĩ rằng câu trả lời của Thủy sẽ
nằm trong dự đoán của nó hay không, Long ngần ngừ
một chút rồi trả lời có. Chúng tôi nhìn nhau, và tôi
nhận ra không cần thiết để hỏi thêm câu nào nữa. Lúc
chia tay ở bãi đậu xe, vẫn còn thấp thoáng trong mắt
Long một nỗi băn khoăn. Và tôi cho rằng điều này sẽ
còn ở lại với thằng bạn tôi thực lâu.
Thỉnh thoảng tôi cũng viết lách chút đỉnh. Trong
khi làm công việc này, thỉnh thoảng tôi cũng gặp phải
những trăn trở mà một người viết có khi phải đối diện
trong giai đoạn “thai nghén” của một tác phẩm, cho
dù tôi không cho rằng những điều mình đã viết ra thực
sự xứng đáng để được gọi với cái tên mỹ miều như
vậy. Đó là những khi tôi cố gắng mô tả sự việc lớn
hơn hoặc nhỏ hơn kích thước thực sự của chúng. Hay
những khi tôi hung hăng đào bới chiều sâu của cái gọi
là “cõi nhân tâm.” Sao không cứ gọi ngay là “lòng
người” cho tiện?
Tôi không phải trăn trở gì hết khi viết ra câu
chuyện ở trên. Nó không phải là “tác phẩm” của tôi.
Nó thuộc về thằng bạn tôi và những người liên hệ đến
đời sống của nó. Tôi chỉ kể lại những điều nghe thấy
và không cần phải cố gắng gì hết. Tôi cho đó là một
đặc ân! Và kỳ diệu hơn nữa, câu chuyện sẽ không
dừng lại ở dấu chấm cuối cùng. Nó sẽ tiếp tục với
Nguyệt, người có thể làm bất cứ điều gì để chiếm hữu
thằng bạn tôi và đã không làm gì hết. Nó sẽ tiếp tục
với Thủy và đứa con còn nhỏ xíu, mong ngày vào
quốc tịch để hội đủ điều kiện bảo lãnh người chồng
còn ở lại trên quê hương. Với Vân, người thiếu phụ
đang chiến đấu với căn bệnh quái ác để có thể gởi mãi
ánh mắt tin yêu đến chồng. Và với Long, người thỉnh
thoảng sẽ băn khoăn về câu trả lời có thể đoán trước
được từ người yêu cũ cho một câu hỏi không nên hỏi.
Không có cả một lý do, tôi lại cứ tin rằng tất cả
bọn họ sẽ tìm thấy hạnh phúc ở phần đời trước mặt.
Cứ cho đó là một lời chúc lành cũng chẳng sao. Riêng
tôi, sẽ không có điều gì ngăn cản mình thỉnh thoảng
cùng Long ngồi nhâm nhi ly cà phê hay chai bia ở cái
góc quán quen thuộc. Được như vậy không phải là
một niềm vui hay sao?
tháng bảy 1998
phía bên kia đường
... đợi khuya tan bắt sống một chiêm bao
Quan Dương
Lúc tôi bước ra khỏi nhà, đồng hồ chỉ đúng bảy
giờ sáng. Tôi đang tập cho mình cái thói quen cần
thiết này. Mỗi ngày vào lúc bảy giờ sáng tôi sẽ ra khỏi
nhà, thả bước chậm chạp trên lộ trình định sẵn. Cuộc
đi dạo sẽ kéo dài từ bốn mươi lăm phút cho đến một
tiếng đồng hồ. Cứ như vậy mỗi ngày cho đến khi tôi
bình phục hẳn và trở lại làm việc (nếu tôi sẽ bình
phục). Sau đó giờ giấc và lộ trình của cuộc dạo chơi
buổi sáng có lẽ cần phải điều chỉnh lại một chút để tôi
có thể có mặt tại sở làm đúng giờ. Nhưng đó là
chuyện về sau này, về những gì chưa tới, và trong
hoàn cảnh hiện tại, tôi không nên lo lắng lắm về
những điều chưa tới.
Khu vực tôi chọn để đi một vòng khá vắng vẻ.
Lề đường tráng xi măng rợp bóng mát từ những tàng
lá phong xanh ngắt. Ở cái ngã tư phía trước, lưu thông
sẽ trở nên rộn rịp hơn, và lề đường không còn viền lấy
những khu vườn tiếp nối nhau của khu dân cư mà là
một khu thương mại sang trọng có nhà hàng ăn với
món thịt bò mềm rụm tôi vẫn ưa thích. Tôi sẽ quẹo
phải ở đây, băng qua một ngã tư khác, đi thêm một
quãng ngắn rồi quẹo vào con đường trải đá dẫn vào
một công viên nhỏ xíu nằm sau lưng cái thư viện cũng
chẳng lấy gì làm đồ sộ cho lắm. Tiếp tục đi thẳng
chừng nửa dặm, tôi sẽ lại quẹo mặt ở góc đường số
chín, và như vậy, tôi sẽ có một lộ trình hoàn hảo cho
những buổi đi bộ vào buổi sáng của mình. Tất nhiên
một lộ trình hoàn hảo không đủ bảo đảm cho những
cuộc đi bộ hoàn hảo. Có thêm một người bạn đồng
hành thì có thể. Nhưng người mà tôi thực sự muốn
làm bạn đồng hành thì lại không có ở đây. Nàng đã bỏ
đi và sẽ không bao giờ quay trở lại đây hay bất cứ nơi
chốn nào khác có mặt tôi.
Tôi bắt đầu buổi tập một cách từ tốn. Không có
gì phải gấp gáp. Tôi có sáu mươi phút và ước chừng
hai dặm dài để tiêu pha. Tôi thích thú nhận ra những
điều mà tôi đã không nhìn thấy trước đây khi lái xe
qua đoạn đường khá quen thuộc này. Chẳng hạn như
như những hoa văn đều tăm tắp như vảy cá trên lớp vỏ
ngoài nứt nẻ của những cây không biết tên trồng dọc
khu công viên, những ngôi nhà rất giống nhau ở lối
xây cất nhưng khác nhau vô cùng ở những chi tiết
khác đã cùng với khối cấu trúc này làm nên cái gọi là
“nhà,” cái sân cỏ, khung cửa nhà chứa xe, những bụi
cây cỏ hoa lá trồng ở sân trước... Và đôi khi cả người
và vật đằng sau những cánh cửa khép kín. Ở phía sau
một khung cửa sổ che bằng tấm màn mỏng của ngôi
nhà có luống hoa hồng cắt tỉa cẩn thận là một bà lão
ngồi bất động trên chiếc ghế bọc nệm khổng lồ, tia
mắt gắn chặt vào một điểm nào đó phía bên kia
đường. Người đàn bà già nua vẫn ngồi đó, tia mắt
hướng về một nơi chốn nào đó mỗi buổi sáng tiếp theo
lúc tôi đi ngang qua ngôi nhà có luống hoa hồng cắt
tỉa cẩn thận.
Khi tôi còn cách ngã tư gần khu thương mại một
quãng ngắn, cô gái xuất hiện ở phía bên kia đường.
Quần đùi thể thao màu xanh đậm, áo thun trắng, đôi
giày vải cũng màu trắng. Mái tóc đen dài cột túm lên
thành hai chiếc đuôi ngựa nhỏ nhảy tung tăng theo
nhịp chân của cô. Cô tiếp tục chạy trên lề đường phía
bên kia, dưới bóng những cây phong có những chiếc
lá hình lục giác, càng lúc càng xa dần về hướng mà tôi
đã đi qua, hai chùm tóc nghịch ngợm tung tăng, tung
tăng. Tôi quay lại với lộ trình đã định của mình, rẽ tay
phải ở ngã tư và một lúc sau đó thấy mình đang ở trên
con đường nhỏ trải đá dẫn vào khu công viên vắng vẻ.
Tôi muốn dừng lại ở đây, đến ngồi trên chiếc băng đá
gần đó. Tôi cảm thấy hơi chóng mặt. Những chiếc
đuôi ngựa cứ nhảy nhót trong đầu tôi tự nãy giờ!
Nhưng tôi không nên ngừng lại, ngườita đã khuyên tôi
như vậy. Đừng làm gián đoạn buổi tập một cách
không cần thiết, cô y tá phụ trách chương trình phục
hồi sức khỏe nhắn nhủ, ráng đi cho xong một vòng
mỗi ngày nhé. Thì đi tiếp vậy!
Tôi rời khu công viên, hướng về phía thư viện,
chần chờ trước khung cửa đóng kín của tòa nhà màu
trắng cũ kỹ này một chút rồi đi thẳng. Những cánh
hoa màu tím sẫm từ những cây phượng Mỹ nằm rải
rác trên lối đi. Tôi cố tránh dẫm lên chúng. Một cố
gắng vô ích. Dù sao thì hoa cũng đã tàn rồi. Tôi lầm
lũi đi tiếp, bỏ lại phía sau khu phố yên tĩnh có những
cây phượng Mỹ điểm hoa tím. Khoảng một phần tư
dặm nữa là tôi sẽ hoàn tất mỹ mãn buổi tập của mình.
Tôi quẹo phải ở đường số chín như đã dự định. Cô gái
khi nãy lại xuất hiện, chạy lúp xúp phía bên kia
đường, hai cái đuôi ngựa tung tăng hướng về phía tôi
từ cái ngã tư đèn xanh đèn đỏ đàng kia. Tự dưng tôi
lại cảm thấy chóng mặt. Hè phố bỗng chông chênh
như có lượn sóng ngầm luồn lách phía dưới. Tôi đưa
tay cố bíu vào một thân cây vệ đường nhưng bị hụt.
Tôi ngã dúi xuống vỉa hè vắng tanh, lác đác những
cánh hoa tím, một bên mặt nghe ran rát. Tôi cố ngẩng
đầu lên, đưa tay phủi những hạt cát dính trên mặt, và
nhìn thấy cô gái với hai chiếc đuôi ngựa tung tăng
đang hấp tấp băng qua đường. “Ông có sao không?”
Khi tôi bước ra đường, cô gái đã ở đó tự bao giờ,
khuôn mặt nghịch ngợm và hai cái đuôi tóc vung vẫy
chào hỏi. Bắt đầu hôm nay cô sẽ là bạn đồng hành của
tôi trong những cuộc đi bộ mỗi buổi sáng. Ngày hôm
kia, sau khi bướng bỉnh một cách vô lý phản đối đề
nghị gọi xe cứu thương của cô, tôi, trong một nỗ lực
chứng tỏ sự biết điều của mình, đã đồng ý để cô hộ
tống về đến nhà, cách nơi tôi đang ngồi bệt dưới đất
một cách thảm hại khoảng năm phút đi bộ. Và sau đó
cô tuyên bố sẽ trở thành huấn luyện viên thể dục của
tôi ngay khi tôi đủ sức thực hiện cuộc đi bộ mỗi sáng
trở lại. “Ông phải nghỉ ngơi, ít nhất cho hết ngày
mai,” cô ra lệnh. “Tôi đoán cô không có điều gì hay
ho để làm ngoài việc đi quấy nhiễu một gã bệnh hoạn
như tôi,” tôi phản đối một cách yếu ớt. Cô nhìn tôi
cười, không bỏ ra một chút cố gắng nào để che giấu
nét chế diễu trong nụ cười của mình.
Như mọi người có thể đoán được, những chuyến
đi bộ mỗi buổi sáng dần dần trở nên cần thiết không
những cho thể chất mà còn cho cả tinh thần của tôi
nữa. Đã trở thành quen thuộc hình ảnh hai cái bím tóc
tung tăng chung quanh tôi trên đoạn đường dài không
đầy hai dặm tôi đi qua mỗi buổi sáng. Thỉnh thoảng cô
chạy vượt lên trên, bỏ tôi phía sau một quãng xa, chạy
vòng lại, giảm tốc độ để đi song song với tôi, miệng
liến thoắng đủ thứ chuyện. Có khi cô chạy thụt lùi
dưới sự hướng dẫn của tôi, bên phải một tí, bên trái
một tí, coi chừng cái ổ gà, v.v... Một tuần lễ sau đó,
tôi bảo cô gái là từ nay cô sẽ phải chịu trách nhiệm
hoàn toàn về sự an nguy của tôi, cả tinh thần lẫn thể
chất. Chính là lỗi của cô mà một người đàn ông độc
lập và từng trải như tôi bây giờ phải dựa dẫm vào một
cô bé để có được niềm vui mỗi ngày. Cô gái lại nhìn
tôi không nói gì, nhưng nụ cười của cô thì nói rất
nhiều. Đại khái là anh tán dở ẹt, hơn nữa trái tim anh
đã hỏng bét, ngoài ra còn cái gì hỏng nữa cũng không
chừng! Dù sao thì hôm sau và những hôm sau nữa cô
cũng chịu bỏ thêm thì giờ đi chơi với tôi, xem phim,
uống cà phê, nghe nhạc, những trò giải trí không trực
tiếp có hại cho sức khỏe. Khi tôi đòi hôn cô, hai cái
bím tóc lúc lắc một hồi rồi thôi, đuôi tóc rũ xuống
thiểu não giống như một lũ bại quân, nhưng cặp môi
cô thì mềm và ngọt vô tả. Tuy vậy, cô phản ứng khá
quyết liệt khi tôi đòi đi xa hơn, tức là ân ái với cô.
“Trời đất, bộ anh muốn chết hả?” Cô kêu lên. Tôi
trầm tĩnh bảo cô là tôi đã hỏi bác sĩ điều này trước khi
xuất viện, không có gì cấm kỵ hết. “Không phải điều
đó. Bộ anh không sợ em làm gẫy hết mấy cái xương
sườn của anh sao?” Tôi suy nghĩ một chút rồi trả lời,
vẫn với vẻ điềm tĩnh, “Bác sĩ nối mấy cái xương sườn
lại với nhau bằng dây kim loại chắc lắm mà. Anh có
xem hình chụp quang tuyến!” Tất nhiên là cô gái
không còn nói gì được nữa.
Tôi đã có những giây phút hạnh phúc như thế
bên cạnh cô gái có hai cái đuôi tóc. Tôi không biết là
bao nhiêu ngày. Chỉ biết là một hôm cô bỗng biến
mất. Mất tăm. Không một lời giải thích. Thực ra thì cô
không thể giải thích. Tôi và chỉ một mình tôi mới có
thể giải thích. Cô chưa hề biến mất bởi vì cô chưa
từng hiện hữu. Cô chỉ nằm trong óc tưởng tượng của
tôi khi tôi đi dọc theo quãng đường đã định sẵn cho
chuyến đi bộ mỗi buổi sáng. Có thể hình ảnh của cô
bắt đầu hình thành khi tôi tình cờ nhìn thấy bóng dáng
một cô gái nào đó ở phía bên kia đường. Mà cũng
không cần thiết phải như vậy. Không cần phải có một
ai hết. Tôi chỉ cần hình dung ra một hình ảnh nào đó
càng tương phản với nàng càng tốt và vẽ vời đủ
chuyện về cái hình ảnh đó để khỏi phải nghĩ về nàng
là đủ. Đủ? Tôi không chắc, nhưng tôi không biết làm
gì hơn. Từ buổi chia tay, tôi gặp nhiều khó khăn trong
việc giữ nàng yên ổn trong một ngăn kéo trân trọng
nào đó của ký ức. Nàng bất chấp sự trân trọng của tôi,
nàng không chịu ở yên trong bất cứ ngăn kéo nào,
nàng cứ chồm ra vào những lúc bất ngờ nhất, luôn
luôn kinh ngạc vì sự đần độn của tôi như thể nàng đã
chán ngấy phải lập đi lập lại với tôi rằng mọi sự phải
như vậy như vậy thì mới hợp đạo lý (nghĩa là nàng
phải bỏ tôi mà đi), tại sao anh còn hậm hực như vậy
(nghĩa là tại sao tôi không hớn hở như nàng), tại sao
anh còn lẩn quẩn ở đây chi vậy (nghĩa là tại sao tôi
không chịu tin là nàng đã không còn yêu tôi nữa) . Tất
nhiên tôi sẽ nổi giận, vùng vằng nhốt nàng vào một
trong những chiếc ngăn kéo luộm thuộm của mình, tự
hứa sẽ làm quen với một người nào đó đẹp hơn nàng
mười lần, dễ thương hơn nàng mười lần, và cũng hơn
nàng mười lần về tất cả những điều còn lại, cho dù
ngay trong lúc đó tôi cũng có nghĩ rằng một đối tượng
như vậy thực không dễ tìm dù chỉ để làm quen. Và cô
gái với hai cái đuôi tóc tung tăng mà tôi vẫn mang
theo trong những chuyến đi bộ buổi sáng là một trong
những cố gắng của tôi để giữ nàng ngủ yên trong cái
hộp kín tôi dành cho nàng. Vậy mà vẫn có những đêm
không vì một duyên cớ nào hết tôi thức giấc, nằm yên
lặng trong bóng tối, rình rập. Đợi khuya tàn bắt sống
một chiêm bao... Câu thơ gai góc, sắc cạnh nằm vắt
ngang giữa một bên là điều đã thuộc về quá khứ và
phía bên kia, cái cố gắng tuyệt vọng để chối bỏ thực
trạng đó. Và sớm hay muộn, tôi biết mình sẽ phải
bước qua chiếc cầu gai góc kia ít nhất một lần.
Tôi vẫn tiếp tục đi bộ mỗi buổi sáng trên cái lộ
trình quen thuộc. Không có cô gái nào làm bạn đồng
hành. Tôi sau cùng đã quyết định sẽ không chạy trốn
nữa. Tôi sẽ không vay mượn hình ảnh của bất cứ ai để
tránh không phải nghĩ về nàng. Tôi nên nghĩ về nàng
lúc nào tôi muốn, hoặc đúng hơn, khi nàng bỗng dưng
chồm dậy từ một trong những chiếc ngăn kéo luộm
thuộm mà tôi đã dành cho nàng. Hình như nàng ở
trong tất cả những ngăn kéo mà tôi có! Tôi nghĩ ra
điều này lúc đang băng qua khu công viên nhỏ xíu.
Sợi dây cột giầy của chiếc bên phải bị sút ra
và chiếc kia đạp lên nó làm tôi loạng choạng suýt té.
Tôi ngừng lại giữa lối đi nhỏ ngoằn ngoèo tráng xi
măng, cúi xuống cột lại chiếc giây giày. Có tiếng chân
lúp xúp từ phía sau và tiếng kêu thảng thốt. Một vật gì
đó tông vào mông tôi từ phía sau, mạnh đến độ làm tôi
bắn tung vào bãi cỏ bên cạnh, lăn một vòng và nẳm
sóng soài ở đó. Ngực tôi đau thắt, có một ai đó đang
đè lên nó. Tôi mở mắt và nhìn thấy hai cái đuôi tóc
rung rung, cặp mắt ngơ ngác, và khuôn mặt vừa bẽn
lẽn vừa lo lắng của cô gái đã đâm sầm vào tôi. Rõ
ràng buổi sáng mát mẻ một ngày cuối mùa Hè rất
thích hợp cho một cuộc chạy bộ. Rõ ràng một tiếng
chim hay một cánh hoa tím trên cây phượng Mỹ hay
một hình ảnh nào khác đã làm cô trở nên lơ đãng. Rõ
ràng cô đã không nhìn thấy tôi đang dừng lại bất thần
giữa lối đi nhỏ trong công viên để chổng mông lên cột
giây giày.
Tôi nhắm mắt lại, lo sợ. Tôi nghe tiếng cô thở
dồn dập, tôi cảm thấy hai tay cô lắc vai tôi từngchặp,
tôi nghe giọng cô run run, “Ông ơi, ông có sao không?
Ông ơi, tôi gọi xe cứu thương nhé?!” Mắt vẫn nhắm
thực chặt, tôi trả lời khó nhọc, “Tôi không sao đâu.
Không cần phải gọi xe cứu thương gì hết. Chỉ cần cô
sẽ không biến đi như lần trước!”
tháng mười một 1999
bóng phượng
Người anh đẫm mồ hôi. Lưng anh rát bỏng, ngứa
ngáy. Những con kiến hôi đen đủi to sầm vẫn tiếp tục
bò lên bò xuống trên người anh, chui cả vào dưới lớp
quần áo khô dộp nhưng không làm anh cảm thấy nhột
nhạt khó chịu nhiều như hồi đêm. Anh đã chôn mình ở
đây từ nửa đêm. Và bây giờ là quá trưa rồi. Anh nhổm
mình lên vừa đủ cho tầm mắt vượt lên trên cái mô đất
anh đang ẩn núp, nhìn về phía Nam của con đường
đất, nơi tầm quan sát của anh bị cắt đứt bởi rặng cây
xanh ở chỗ con đường sẽ cong mình chui vào làm
thành một khúc quanh dẫn về phía bờ sông. Từ lúc
mặt trời lên anh đã chờ đợi một đám bụi đường dấy
lên từ đó. Con đường vẫn im lìm, vắng tanh! Anh
nhắm mắt lại, ngúc ngắc cần cổ cho đỡ mỏi. Bỗng có
tiếng reo nhỏ của người bạn cùng tổ vang lên từ bụi
cây nhỏ phía sau lưng, “Tụi nó kìa!” Anh lại chồm
dậy, và từ phía trên hàng cây xanh che khuất khúc
quanh của con đường, anh nhìn thấy lờ mờ tỏa lên một
làn bụi màu vàng đất.
Anh chỉ có mỗi một quả mìn. Anh không thể
đánh hụt. Đêm qua những người trong đội du kích và
mấy cô dân công trẻ măng đã ra đây hì hục đào bới,
và theo lời đề nghị của anh, chôn trái mìn ở một độ
sâu lý tưởng theo như lời hướng dẫn trong khóa học
cấp tốc anh được tham dự mười ngày trước đó. Bây
giờ anh phải quyết định thật nhanh. Đoàn xe có bốn
chiếc, phải đánh cách nào để phân tán lực lượng của
địch. Chiếc “cam nhông” đi đầu chỉ còn cách anh
khoảng hơn một trăm thước. Anh sẽ để nó đi qua.
Chiếc xe thứ hai và hai chiếc sau đó mới là mục tiêu
của tiểu đội anh. Như vậy khi bọn lính trên chiếc xe
đầu quay lại, toán phục kích của anh đã có đủ thì giờ
làm tê liệt sức kháng cự của những tên bị chận lại phía
sau. Chiếc đầu tiên an toàn bò qua khoảnh đất chôn
mìn. Với tốc độ như thế, nó sẽ đến đầu làng khi chiếc
xe thứ nhì lọt vào vòng phục kích. Hai bàn tay anh
bám chặt chiếc cần khởi động quả địa lôi mạnh đến
nỗi những đầu ngón tay trắng bệch ra. Anh cảm thấy
sống lưng mình lạnh ngắt. Đã đến lúc anh bắt đầu trận
đánh đầu đời của mình. Anh chồm hẳn người lên, hai
tay ôm chiếc cần khởi động đè xuống với tất cả sức
lực của mình, miệng la lớn, “Xung phong!” Anh
không nghe được tiếng nổ ngay lúc đó, nhưng chiếc
“cam nhông” dường như bay lên khỏi mặt đường lầm
bụi cùng với bựng lửa từ dưới lườn xe bùng lên. Khói,
lửa, và bụi cát! Anh phóng người về phía trước trong
bầu không khí bị chấn động của tiếng mìn nổ và tiếng
súng trường, tiếng lựu đạn, tiếng la hét của đồng đội
hướng về nhóm lính lê dương trên hai chiếc xe đàng
sau. Nắng Hè chợt như dịu xuống bởi vì người anh
nóng hừng hực. Anh chạy về phía tiếng súng địch
đang bắn trả nhưng mắt không rời chiếc “cam nhông”
đổ nghiêng cạnh ruộng mía cháy rừng rực. Đó là chiến
tích đầu đời của anh. Bỗng dưng như bị ai đó nắm áo
giật ngược trở lại, thân trên anh rướn lên, gẫy gập lại,
rồi đổ xuống. Những viên đạn từ phía trước đã đập
vào người anh ở phần bụng. Có tiếng ai đó la lên,
“Lựu đạn, lựu đạn đâu? Khóa miệng khẩu trung liên
lại ngay lập tức!” Anh thiếp đi dưới bầu trời mùa Hè
rất trong xanh, tia mắt vướng trên chùm hoa đỏ của
cây gạo đầu làng.
Anh nằm mê man và chỉ tỉnh lại ba ngày sau tại
bệnh viện dã chiến Phú Gia. Anh không có cơ hội
tham dự buổi tiệc mừng thắng lợi ngay hôm trận đánh
nổ ra, nhưng những ngày ở nơi đây thực không khác
gì một buổi liên hoan kéo dài. Người ta kéo đến đông
nghẹt bên giường bệnh chỉ để được nhìn tận mặt con
người tài tuấn, mưu lược đã đem lại vinh quang cho cả
huyện. Đám thanh nữ tranh nhau xung phong săn sóc
anh cho đến khi anh bình phục hẳn. Ngay cả Liên Khu
cũng gởi cả một phái đoàn xuống tận nơi để phát giấy
ban khen cho người kháng chiến quân trẻ tuổi can
trường. Hôm đó hồn anh bay bổng tận trời, không
quan tâm đến việc anh chàng trợ lý chính trị của Liên
Khu đang kiên nhẫn bắt chuyện với Vân, cô gái xinh
đẹp nhất và dễ thương nhất trong đám thanh nữ vẫn
quây quần bên anh.
Năm đó anh hai mươi hai tuổi!
Bốn tháng sau đó, người thanh niên rời bệnh
viện. Vì chưa hoàn toàn hồi phục, anh được điều về
vùng trung du để làm công tác văn hóa. Cô Vân cùng
đi với anh. Trong hơn sáu tháng trời, hai người đi
khắp vùng Quế Sơn Đại Lộc, không rời nhau một
bước. Cho đến một hôm cơn bệnh sốt rét quái ác cộng
với những suy nhược do vết thương cũ gây ra quật anh
ngã gục. Người ta giao anh cho một gia đình địa
phương săn sóc và điều Vân về Liên Khu. Ở trên đang
cần thêm cán bộ văn hóa gần nơi bộ tư lệnh Liên Khu
chọn làm căn cứ địa. Cô Vân rời xa anh từ đó. Nếu cô
và anh còn gặp lại nhau sau này như lời đồn đãi,
những lần gặp gỡ đó phải vô cùng hiếm hoi và xảy ra
trong những tình huống vô cùng đặc biệt.
Khi cơn bệnh đi qua, người anh gầy rạc đi như
xác ve. Anh quay về làng dưỡng bệnh. Vào mỗi buổi
chiều, anh ngồi trên chiếc giường tre nhìn ra
khungcửa nhỏ. Ở đó anh có thể nhìn thấy tàng lá xanh
của cây gạo đầu làng nơi anh đã ngã xuống trong màu
hoa đỏ vào một ngày chói chang nắng Hạ.
Anh không nghe tin tức gì về cô Vân trong một
thời gian dài. Đến khi có được tin tức về cô, anh
không mở miệng cả tuần lễ. Sau đó anh không còn
phản đối ước muốn có người nối dõi tông đường của
người mẹ. Bà mang về cho anh từ làng bên một cô gái
rất trẻ, rất ngoan hiền. Cô được dạy dỗ để vâng lời.
Lúc nhỏ cô vâng lời mọi người trong nhà. Lớn lên cô
vâng lời cha mẹ đi lấy chồng. Cô cũng vâng lời tất cả
mọi người ở nhà chồng. Nhất là chồng cô, người chiến
sĩ tài ba dũng lược ngày nào. Khi anh bảo cô anh sẽ xa
nhà một thời gian, cô lặng lẽ cúi nhìn chiếc bụng tròn
trĩnh của mình không nói điều gì. Bốn tháng sau đứa
con đầu lòng của cô chào đời trong căn hầm tránh
bom của một ngôi làng dưới chân ngọn núi đất bên kia
sông Cái. Cô và gia đình nhà chồng đã phải rời làng
mình đi tản cư không lâu sau ngày anh ra đi. Cô
không biết anh đi dâu, làm gì. Có người bảo cô anh đã
tham gia kháng chiến trở lại, hiện đang ngược xuôi
dọc theo các chiến tuyến thực hiện sứ mạng bí mật
nào đó do trên giao phó. Có người bảo gặp anh ở
những sòng bài quán rượu trong vùng chiếm đóng tiêu
tiền như rác. Cô nghe vậy thì hay vậy, không một lời
bình phẩm. Đứa con lớn dần trong vòng tay mẹ, và chỉ
được gặp cha mình lần đầu tiên khi cuộc kháng chiến
đến hồi kết thúc.
Ít hôm sau ngày cuộc đình chiến được ký kết
giữa các phe lâm trận, anh trở về, đứng trên chiếc nền
đất nứt nẻ mọc đầy cỏ dại nhìn quanh quất rồi quay lại
nhìn vợ đang dắt tay con, nước mắt vòng quanh. Phải
cất lại căn nhà rồi hãy tính sau, anh bảo. Trong những
ngày tháng sau đó, hai vợ chồng biến cái nền đất
hoang tàn thành căn nhà tranh ba gian hai chái, có
thêm nhà bếp phía sau. Chung quanh nhà là những bụi
chuối thanh tiêu, chuối “hờn” xanh mát mắt. Có cả
một chuồng heo ở góc vườn, cạnh bụi tre gai um tùm.
Ban ngày họ làm quần quật ngoài đồng, chăm bón
những bãi dâu, những nương thuốc lá. Đứa bé lớn lên
giữa những nong tằm cái kén, giữa tiếng rè rè nhàm
chán của chiếc trục ươm tơ, mùi hăng nồng của xâu
thuốc lá treo ngoài sân vào ban đêm để ướp sương.
Về sau này khi đã trưởng thành, đứa bé biết ra nếu mẹ
của mình có lần nào nếm được mùi hạnh phúc lứa đôi
thì những lần đó phải ở vào khoảng thời gian hai năm
ngắn ngủi sau ngày đình chiến. Những biến cố sau đó
không mang lại cho cô và đứa con một chút hạnh phúc
nào hết.
Bắt đầu là một người khách có vẻ nghiêm trọng
ghé thăm nhà. Đứa bé lén lút quan sát ông khách và
cha nó qua khe hở của chiếc phên tre ngăn gian nhà
khách và buồng ngủ. Nó không thấy ai trong bọn họ
cười trong suốt câu chuyện. Ngày hôm sau, đứa bé
thức giấc nhìn thấy mẹ nó ngồi ở cạnh giường nhìn
nó. “Cha đi về quận làm việc, cả tháng mới về nhà.”
Mẹ nó nói, giọng chìm xuống. Không lâu sau đó có
tin một cán bộ cao cấp của phía bên kia bị hạ sát trong
một lần phục kích của lính quận. Đó chính là người
trợ lý chính trị của Liên Khu ngày xưa. Người ta bảo
anh ta không đi tập kết vì được giao trách nhiệm ở lại
để móc nối và xây dựng cơ sở. Vì một tình cờ may
mắn nào đó, người vợ đã trốn thoát kịp thời. Vợ anh ta
chính là cô Vân xinh đẹp và dễ thương ở bệnh viện
Phú Gia năm nào.
Cha của đứa bé trở thành một nhân vật quan
trọng trong vùng. Thỉnh thoảng anh về thăm nhà,
mang cho đứa bé những món đồ chơi sặc sỡ. Đứa bé
không biết mẹ nó được cha mình cho những gì. Chỉ
thấy người mẹ ngày càng héo hon. Bây giờ chỉ có một
mình cô gánh vác chuyện trong nhà ngoài ngõ. Những
luống cây thuốc lá rồi sẽ héo quắt đi, những bãi dâu sẽ
xác xơ, và mỗi buổi tối cô sẽ ôm con nhìn bóng mình
chập chờn trên vách.
Vào buổi sáng một ngày tháng chạp, những
người hiến binh đội chiếc mũ đỏ chói cỡi xe máy dầu
đến tìm hai mẹ con. Họ hỏi cô về người chồng, cô ngơ
ngác bảo không biết. Ông ấy ở dưới quận với các ông
mà, cô hỏi lại. Lúc họ bỏ đi, cô biết ra là họ đã không
đến một mình. Có nhiều người đến trước, chặn các
ngả ra vào của ngôi làng cô ở. Cũng may mà anh đã
thoát đi từ đêm qua. Anh lẻn về lúc chập tối và bảo
rằng anh phải ra đi lập tức. Anh không giải thích lý
do, chỉ hứa sẽ liên lạc với gia đình khi đã có nơi trú ẩn
an toàn. Anh giữ lời hứa. Ba ngày sau, người vợ nhận
được tin anh đã đi thực xa. Đó là lần cuối cô được tin
của chồng mình. Đứa bé sẽ không bao giờ gặp lại cha
nó.
Đứa bé không bao giờ biết được một cách chắc
chắn điều gì đã khiến người cha bỏ mẹ con nó ra đi
một cách vội vã. Những lời đồn đãi lan truyền trong
vùng có vẻ liên kết biến cố đó với việc cô Vân bị bắt,
bị tra tấn, và sau đó vượt ngục. Người ta nói rằng
những người có trách nhiệm khai thác tù nhân ở quận
đã treo cô lên xà nhà bằng những sợi dây điện. Một
đầu của những sợi dây nhỏ và bền chắc này được cột
chặt vào hai núm vú của cô, và người ta để cô lơ lửng
như vậy trong nhiều phút đồng hồ. Vào buổi sáng
sớm ngày thứ ba của cuộc thẩm vấn, người ta tìm thấy
cửa phòng giam của cô mở toang và người lính gác
nằm gục chết trong vũng máu. Người ta đi tìm cha của
đứa bé để thông báo với anh về việc người nữ tù nhân
nguy hiểm đã vượt ngục nhưng không tìm thấy anh ở
đâu hết. Ngày hôm sau những người hiến binh đội
chiếc nón đỏ tươi cỡi xe máy dầu đến tìm mẹ đứa bé
để hỏi về cha nó. Điều này thì đứa bé chứng kiến tận
mắt.
Đứa bé có dịp nhìn thấy cô Vân một lần mấy
năm sau đó. Hai ống quần vén lên quá gối để lộ đôi
ống chân đen đủi dính đầy bùn non, cô bước vội vã
trên quãng đường lầy lội sau một cơn lụt lớn chưa
từng thấy ở miền Trung. Tóc cô bới cao, gọn ghẽ.
Miệng cô vắt vẻo một điếu thuốc lá quấn tay to tướng.
Khẩu súng ngắn treo lủng lẳng trước ngực bằng sợi
dây dù màu xanh cứt ngựa choàng qua vai. Trông cô
không có chút liên hệ nào với cô Vân rất xinh đẹp và
rất dễ thương ở bệnh viện Phú Gia năm xưa. Những
tính cách phù phiếm đó hẳn đã rơi rụng dọc con
đường gian truân mà cô chọn bước lên trong những
tháng năm đã qua và có vẻ như sẽ còn dài trước mặt.
Cô vừa đi vừa trao đổi một điều gì đó với ngưới đàn
ông đi cạnh, có lẽ là một đồng chí thân tín. Đứa bé lúc
đó đang đứng tựa vào người của mẹ mình phía sau cái
hàng rào thưa. Nó cảm thấy những ngón tay của mẹ
bấu chặt trên vai mình đau điếng lúc cô Vân và người
đàn ông băng ngang qua nơi hai người đang đứng. Nó
không bao giờ có dịp gặp lại cô Vân lần thứ hai.
Không lâu sau đó, làng quê của đứa bé trở thành
vùng oanh kích tự do. Thật là khó khăn để sống sót ở
một nơi như vậy, ngay cả cho cây cỏ. Người mẹ qua
đời không phải vì bom rơi đạn lạc mà vì bệnh thương
hàn. Mọi sự đã quá trễ khi người ta đưa được cô về
đến nhà thương quận. Đứa bé côi cút tá túc nhà một
người bà con ở quận lỵ một thời gian, và sau đó trôi
dạt về phía Nam.
Đứa bé sinh ra trong chiến tranh, nhìn ngắm
chiến tranh suốt một thời thơ ấu, và tham dự vào cuộc
chơi đầy bất trắc này khi đến tuổi trưởng thành. Sau
này, khi hồi tưởng lại chuỗi sự kiện đã xảy ra trong
đời mình, đứa bé ngày xưa nhận ra quả nó đã có một
đời sống rất bình thường, thực không đáng gì khi so
sánh với những điều cha nó đã kinh qua. Không có
ngọn lửa đêm liên hoan rừng rực niềm vui, không có
chùm hoa gạo đỏ trước cơn mê thiếp. Không có những
lỗ đen hun hút trong đời sống, ở đó không ai biết chắc
cha nó đã ở đâu và làm gì. Không có những yêu
thương, những hất hủi, những phản trắc rất riêng tư và
trong cùng một lúc, vô cùng khắn khít với cái rất
chung của một quá khứ không dễ quên. Đứa bé thèm
muốn đến quay quắt một lần được gặp lại người cha
và hỏi ông về những nơi chốn ông dã đi qua, những
điều ông đã làm, những chết chóc và sống còn ông đã
can dự vào.
Có vẻ như ước muốn của nó sẽ không bao giờ
thực hiện được. Có lắm khi tro tàn sẽ bị gió cuốn đi.
Và cùng với chúng là cánh phượng hoàng sẽ ngàn
năm bằn bặt. Còn lại là những mảng hồi ức không
trọn vẹn, những hình tượng sứt mẻ, cùng với những
điều bất toàn khác đã làm nên một di sản kỳ dị mà đứa
bé được thừa hưởng. Và sẽ không quên.
tháng ba 2000
tỏ tình với bình minh
Có khi nào bạn bắt đầu một điều gì đó với một
quyết tâm dường như không thể lay chuyển để rồi
dừng lại với nỗi hoang mang? Tôi đang ở vào một tình
huống như vậy. Tôi bỏ ra nhiều ngày đêm viết xuống
những suy nghĩ của mình về một người đàn bà và dự
định sẽ gởi cho nàng khi bức thư hoàn tất. Bây giờ tôi
không biết chắc đó có phải là điều nên làm hay không
nữa! Tôi không biết tại sao. Không chừng bạn có thể
giải thích cho tôi tại sao. Bạn, phải, chính bạn. Bởi vì
tôi sẽ kể cho bạn nghe về những điều tôi dự dịnh sẽ
chia sẻ với nàng.
Có lần tôi đọc được một cuốn tiểu thuyết có nhan
đề Yêu một người viết văn. Nếu bạn hỏi tôi về nội
dung cuốn truyện, tôi sẽ lúng túng ghê lắm bởi vì tôi
chẳng còn nhớ gì về cuốn sách này ngoại trừ cái tựa.
Dù vậy, tôi không hề nghi ngờ những điều đã được
viết ra. Cái lý do thực đơn giản: Tác giả là một người
đàn bà, cái tựa cho phép tôi nghĩ rằng bà yêu một
người đàn ông làm công chuyện viết lách, và trong
trường hợp đó, những điều viết ra được kinh nghiệm
bản thân của tác giả hậu thuẫn. Tôi chả dại gì đi cãi vả
với một người có nhiều kinh nghiệm như thế. Hơn thế
nữa, tôi còn lấy làm tiếc vì cái trí nhớ kém cỏi của
mình có khi đã làm vuột mất cơ hội áp dụng những
kinh nghiệm của tác giả trong việc gìn giữ mối quan
hệ tôi đã có với nàng. Tại sao à? Tại vì nàng cũng là
người viết văn chứ còn sao nữa!
Tôi làm quen với nàng trước. Tôi đọc thấy trong
một truyện ngắn của nàng một nơi chốn, một thời
điểm của quá khứ, ở đó tôi đã có nhiều niềm vui hơn
bất cứ giai đoạn nào sau đó trong đời sống của mình.
Tôi gởi một điện thư đến tòa soạn của tờ tạp chí nơi
truyện nàng được chọn đăng, yêu cầu chuyển lời cám
ơn của tôi đến tác giả. Sau đó ít hôm, tôi nhận được
hồi đáp của chính nàng, cũng qua phương tiện điện
thư. Đó là một bức thư cám ơn chứa đầy những cụm
từ sang trọng và nghiêm túc chẳng kém gì bản Tuyên
Ngôn Nhân Quyền! Tôi thấy mình giống như anh
chàng bán dạo dầu thơm giả mạo đến rao hàng trước
cửa nhà người đàn bà lịch sự, sang trọng, và sực nức
mùi nước hoa đắt tiền. Cám ơn, nhưng tôi không hề có
ý định sử dụng hàng của ông, bây giờ hay sau này!
Tôi vẫn thường cho rằng những người viết văn làm
thơ là những người có khát vọng muốn chia sẻ với
nhân gian không chỉ những điều họ trải ra trên giấy
mà cả những điều không thể giải bày. Tôi cho rằng họ
là những người cô đơn, rất cô đơn. Nếu không, tại sao
viết? Bạn cười gì đó? Nhất định là bạn đang cười
những nhận định ngốc ngếch của tôi về giới viết lách
phải không? Dù sao thì cách ứng xử của người đàn bà
này đi ngược lại với những điều tôi tin tưởng và trong
một khoảnh khắc đã làm tôi thất vọng một cách sâu
xa. Ngay lúc đó tôi đã quyết định sẽ không cho mình
cơ hội nhận một điện thư với sự nghiêm túc không cần
thiết như vậy thêm một lần nữa. Tôi sẽ quên đi rất
nhanh bức thư, người đàn bà viết văn, và ngay cả cái
truyện ngắn dễ thương của nàng.
Vậy mà không quên được dễ dàng bạn ạ, bức
điện thư đó. Không phải vì tình cờ mà một người có
khả năng vận dụng ngôn ngữ như nàng đã chọn một
phong cách như thế để ứng phó với người muốn tiếp
cận mình. Có khi chữ nghĩa được dùng để lột trần
những sự kiện. Có lúc chúng là bức màn che giấu
những tâm tình. Tôi đâm ra hoài nghi sự chính xác
của những phê phán tôi đã vội vàng dành cho tác giả
bức điện thư. Làm sao biết được phía đàng sau chiếc
bình phong dựng bằng những lời lẽ trang trọng và
lạnh lùng kia không phải là niềm nghi ngại lớn lao
không chỉ cho riêng ai mà cho cả đời sống, là kinh
nghiệm khó quên của con chim đã một hay nhiều lần
mang thương tích, là sự bất lực có ý thức nằm bên
dưới bộ lông nhím tua tủa giương lên dọa nạt. Tôi lại
viết thư cho nàng, tự bào chữa là để kiểm chứng lại
cảm giác của mình. Tôi khá lúng túng vì thực ra chẳng
có điều gì ra hồn để nói với nàng hết. Tôi lấy cớ là thư
của nàng chẳng để lộ một vết tích nào để tôi có thể
dựa vào đó mà xưng hô cho phải phép. “Người ta vẫn
gọi tôi bằng cô. Ông cũng có thể gọi tôi như vậy,”
nàng trả lời. Tất nhiên rồi, thưa cô, tôi nghĩ thầm.
Tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết của những lần
trao đổi sau đó. Điều này không cần thiết. Chúng tôi
sau cùng rồi cũng thiết lập được một mối quan hệ mà
căn cứ vào những sắp đặt của nàng, sẽ không hề được
phép đi xa hơn giới hạn của tình bằng hữu. Tôi có thể
nói ngay với bạn đó là một quan hệ không dễ dàng.
Nàng không phải là loại người thích phơi bày ruột gan
mình cho bất cứ ai. Nếu có lần nào đó nàng vui miệng
nói về chính mình nhiều hơn “khẩu phần” ấn định,
nàng sẽ cố gắng lấy lại bằng cách sau đó rút mình vào
lớp vỏ cứng trơn tuột, trắng bóng, lạnh lùng như chiếc
bình sứ và ở mãi trong đó. Mới đầu điều này có tạo
hứng thú cho tôi, như thể tôi có bổn phận phải lôi
nàng ra khỏi cái hào lũy kiên cố đó. Nhưng nếu bạn
cứ phải làm như vậy thường xuyên và làm một mình,
sẽ có lúc bạn không còn cảm thấy hăng hái nữa. Có
lần tôi buồn rầu bảo nàng có lẽ phải cần đến một con
chim gõ kiến với chiếc mỏ nhọn và cứng như sắt để
làm thủng lớp vỏ phòng thủ của nàng. Nàng bảo là
nàng không thích tôi có những ý nghĩ điên khùng như
vậy. Hơn nữa, việc tôi đề cập đến chim gõ kiến làm
nàng không yên tâm. Có một con chim gõ kiến đã
xuất hiện vài hôm trước ở khu vườn sau của nhà nàng,
gõ lộc cộc vào gốc cây sồi một cách chăm chỉ. Tôi bảo
nàng tôi sẽ quên đi cái ý nghĩ điên khùng đó, nếu điều
này làm nàng vui. Sau này tôi biết ra mình đã không
quên, còn nàng thì vẫn nhớ rất kỹ những điều khiến
nàng không hài lòng về tôi.
Dù sao thì tôi cũng biết được về nàng nhiều hơn
chỉ cái bút hiệu. Nàng thích nói về cái mà nàng gọi là
“thế giới tinh thần.” Đó là vùng đất tị hộ, cái thánh địa
an toàn mà trong đó nàng sẽ bơi lượn thoải mái cùng
đám bè bạn của mình. Tôi quả có chút hoài nghi về sự
hiện hữu của một thế giới như vậy, hoặc ngay cả khi
tôi chấp nhận nó có thực, tính thực dụng của nó. Tôi
cho rằng điều nàng đang nói đến thực ra chỉ là một
dạng giản lược và thu nhỏ lại của đời sống, trong đó
mọi điều mọi việc đều có vẻ quen thuộc và đáng tin
cậy. Quen thuộc và đáng tin cậy là những điều làm
nàng yên tâm. Cái thế giới của nàng bao gồm những
người quen biết để nàng không phải tự vệ một cách
quá khẩn trương hoặc những người có chung sở thích
để nàng yên tâm mình sẽ được tiếp nhận. Nếu là như
vậy, tôi nghĩ ai cũng có thể sở hữu ít nhất một thế giới
như thế. Bạn có thế giới của bạn, tôi có của tôi.
Những thế giới tưởng tượng của cá nhân chồng chéo
lên nhau và mỗi người bận bịu túi bụi cai quản, sắp
xếp cái của mình, thêm vào và bớt đi những quan hệ
mới cũ, và trong cái quá trình tíu tít đó, cảm giác yên
tâm và tự hào sẽ nảy sinh từ cái ảo tưởng về quyền
năng của mình. Nàng ừ ào một cách kiên nhẫn khi tôi
lảm nhảm những điều kể trên và ngay sau đó bảo rằng
sẽ vui lòng nhận tôi vào nhóm khách quen trong chính
cái thế giới mà tôi đang ra sức bác bỏ đó. Tôi không tỏ
ra thích thú lắm với đề nghị này. Tôi không quen sinh
hoạt trong một khung cảnh giới hạn bởi những đức
tính. Thái độ lừng khừng của tôi khiến nàng không
vui. Nàng bảo tôi luôn luôn làm nàng cảm thấy bất an.
Nàng không có thói quen bộc lộ cảm xúc một
cách ồn ào. Nàng biết cách kềm giữ chúng nằm sâu
dưới lớp da của mình. Trong một lần vô cùng hiếm
hoi, nàng giận tôi. Nàng pha cho mình một ly trà
nóng, uống chậm rãi chờ cơn giận lắng xuống và bỏ đi
ngủ. Hoặc là nàng để cơn giận lắng xuống bằng cách
đi ngủ ngay sau khi uống trà, tôi không biết chắc. Tôi
không có mặt ở đó. Bạn hãy tưởng tượng đi. Uống trà
và đi ngủ! Tuy nhiên cũng có khi nàng làm tôi vui,
phải nói cho công bằng. Đó là những lúc nàng tạm bỏ
xuống cung tên dáo mác, kể cho tôi nghe về một điều
buồn cười ở sở làm, về một ý nghĩ nàng sẽ mang vào
câu truyện đang viết dở dang, về một kỷ niệm nhỏ
nhặt nào đó ở quê nhà hoặc ở xứ người, về ngay cả
những điều chẳng liên quan gì đến nàng hay đến tôi.
Thỉnh thoảng tôi sẽ chen vào câu chuyện của nàng,
nói một điều gì đó làm nàng vui cười hoặc làm nàng
tức tối. Trong cả hai trường hợp, tôi đều thấy được
niềm vui trong vắt và ấm áp toát ra từ nàng, làm mềm
đi cái vỏ ngoài cứng nhắc mà nàng vẫn dùng để che
chắn quanh mình khi phải đối phó với đời sống. Tôi
yêu những giây phút đó. Chính là ở một trong những
lần như vậy tôi đã nghĩ đến một cảnh giới khác trong
đó có rất nhiều bãi cỏ xanh để tôi có thể nằm xoài ra
bất cứ lúc nào để nghe nàng nói về một điều gì đó. Cái
thế giới đó sẽ rộng thênh thang để có thể chứa hai
người và vô cùng chật hẹp để không có người thứ ba
chen vào. Và tôi đã dại dột nói ra điều đó với nàng.
Phản ứng nàng dành cho cái ý nghĩ hoang đường
và cải lương một cách vô tội của tôi quả có phần hung
hãn. Hóa ra tôi đã phạm phải điều cấm kỵ! Nàng nhảy
dựng lên như thể có con chuột nhắt đang chui vào
trong người mình, dáo mác gươm đao dựng lên tua
tủa. Nàng buộc tội tôi đã cố tình bước qua cái giới hạn
mà trong đó quan hệ giữa chúng tôi được thiết lập, và
nàng cấm tôi không được đề cập đến những điều
tương tự nếu còn muốn tiếp tục làm bạn với nàng. Rõ
ràng là nàng không có vẻ đùa cợt gì hết. Phản ứng mà
tôi có thể có ngay lúc đó là kêu trời. Trời đất, đó chỉ
mới là một ý nghĩ thôi mà! Hay là tại tôi không biết
cách nói. Hoặc giả đó là cách các nhà văn nhà thơ ứng
xử khi tiếp cận với những biểu lộ tình cảm lăng nhăng
cũng không chừng. Tôi không biết, tôi chỉ cảm thấy
hoang mang. Và buồn phiền. Tôi nghĩ đến cái cảm
giác đã có khi nhận được bức điện thư đầu tiên của
nàng. Về anh chàng bán hàng giả và người đàn bà
thơm ngát mùi nước hoa đắt tiền. Tôi thường nghĩ về
mình như là một người đa cảm, đa cảm đến độ rất dễ
dàng trở nên đa tình. Anh có thể yêu một người đàn bà
chỉ vì người đó tỏ ra tử tế với anh, một cô bạn đã có
nhận xét về tôi như vậy. Thì đã sao, tôi cãi lại. Không
lẽ chỉ nên yêu người không tử tế với mình? Dù sao thì
tôi thừa nhận cô bạn mình có phần đúng. Tôi yêu
chính mình cũng dễ dàng như yêu người khác. Tôi
cảm thấy bị xúc phạm bởi cái phản ứng “quá tay” của
nàng. Tôi gởi nàng một điện thư với nội dung khá lộn
xộn, trong đó tôi liệt kê một lô những “tội lỗi” của
nàng. Tôi than phiền là trong khi nhăm nhăm đòi hỏi
ở tôi một tình bạn chân thành và đáng tin cậy, nàng đã
không hề động một móng tay vào việc xây dựng và
phát triển mối quan hệ đó. Tôi cáo buộc nàng đã
thường xuyên biến những lần nói chuyện của chúng
tôi thành một cuộc đấu trí, trong đó nàng rình mò xét
nét từng câu từng chữ của tôi để xem chúng có ẩn
chứa bất cứ âm mưu nào không. Tôi bắt nàng chịu
trách nhiệm về cái cảm giác vẫn thường kéo đến với
tôi mỗi khi nàng lui về cố thủ phía sau lớp vỏ cứng
trắng toát, trơn tuột như men sứ. Cảm giác của kẻ
đang kéo theo với mình một toa tàu nặng nề và trống
hoang, tôi bảo nàng. Sau hết, tôi bày tỏ ước muốn có
lúc được nhìn thấy trái tim trần trụi của nàng để biết
chắc nó cũng được làm thành từ máu thịt. Bức thư
được gởi đi ngay sau đó bởi vì tôi không muốn cho
mình cái cơ hội để suy nghĩ lại. Tất nhiên là tôi chẳng
mong đợi gì ở nàng, ngay cả một lời trách móc. Cùng
lắm thì nàng sẽ pha thêm một bình trà nóng, tôi nghĩ!
Nhiều ngày tháng trôi qua từ khi bức thư được
gởi đi. Chúng tôi đã không còn liên lạc với nhau nữa,
nhưng điều đó không ngăn cản được tôi tiếp tục nhìn
ngắm nàng. Tất nhiên là từ xa, qua những tác phẩm
đăng rải rác trên các tạp chí văn chương mà tôi ưa
thích. Tôi đọc nàng thực kỹ, lục lọi trong từng con
chữ một dấu vết, một ký hiệu nào đó. Tôi chỉ hoài
công. Không có dấu hiệu nào chứng tỏ nàng đã thay
đổi. Vẫn cái phong cách quen thuộc, ở đó nàng khéo
léo giữ mình ở một khoảng cách vừa phải, không xa
quá để bỏ sót bất cứ chi tiết quan trọng nào, nhưng
cũng không gần quá để người đọc có thể nhìn ra bóng
dáng mình trong tác phẩm. Đã có nhiều ý kiến thuận
lợi đối với một số truyện ngắn của nàng, trong đó khả
năng quan sát bén nhạy và văn phong trầm tĩnh, chững
chạc của nàng được đánh giá cao. Tôi, trái lại, muốn
thấy nàng đến gần với tác phẩm của mình hơn. Tôi
muốn nàng không chỉ tường thuật mà sống với sự
kiện. Tôi nghĩ mình sẽ hoài công. Những con sâu luôn
cảm thấy an toàn hơn trong chiếc kén của mình.
Bạn muốn biết điều gì khiến tôi ngồi xuống viết
thư cho nàng sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng?
Sau khi đã kết luận rằng mình chỉ hoài công? Vì một
giấc mơ. Đúng vậy, một giấc mơ. Giấc mơ bắt đầu
một cách ồn ào. Một cái mỏ chim vàng khè đang
giáng xuống liên tục trên một khối bằng sứ trơn nhẵn
và trắng toát. Đó là cái mỏ của một con chim gõ kiến
khổng lồ với đôi cánh màu xanh da trời và chòm lông
ức trắng tinh. Không cần phải nhìn vào gương soi tôi
cũng có thể hình dung ra cặp mắt tròn to màu xanh lá
cây vô cùng tinh quái của mình bên dưới chùm lông
đầu màu hung đỏ dựng đứng nghịch ngợm. Tình thế
có vẻ khôi hài. Tôi, Mr. Woody Woodpecker*, đang
mổ lấy mổ để lên mình một con ốc bằng sứ trắng toát,
và phần trên của con ốc sứ đó là khuôn mặt thất thần
của nàng! Tôi nhớ ra có lần muốn làm chim gõ kiến
mổ thủng lồng ngực nàng để nhìn tận mắt trái tim lạnh
tanh trong đó. Tôi có thể nhìn thấy ánh mắt van lơn
của nàng. Nhưng tôi là Woody Woodpecker, con chim
gõ kiến sặc sỡ chỉ biết mổ và mổ. Những vụn sứ trắng
toát bắn tung chung quanh tôi, và sau cùng lớp vỏ
cứng bằng sứ trắng vỡ ra từng mảnh. Phía dưới đống
đổ nát đó là trái tim của nàng, đẫm máu, trơ trọi, sợ
hãi, đập loạn xạ như sắp vỡ tung. Nó không quen bị
bóc trần ra như thế. Tôi thấy nước mắt nàng ứa ra.
Nhất định tôi đã làm nàng đang đau đớn nhiều lắm.
Với tất cả thận trọng và dịu dàng có thể có được, tôi
đưa tay ôm trái tim nhỏ vỗ về. Phải, với đôi tay của
tôi. Cặp cánh màu xanh da trời đã biến đi đâu mất, và
cùng với chúng là chiếc mỏ nhọn màu vàng tươi, đôi
mắt màu xanh lá cây, và bộ tóc hung đỏ. Mr. Woody
Woodpecker đã làm xong nhiệm vụ của mình. Tôi cúi
xuống rất gần, gần đến độ tôi có thể nhìn thấy những
vết cắt chưa thành sẹo, những lằn roi còn tươm máu
trên khối cơ bắp đỏ hồng đang phập phồng trong nỗi
kinh hoàng. Chủ nhân của trái tim này nhất định đã có
lần nằm vùi một chỗ và mong sẽ không bao giờ còn
trở dậy nữa. Tôi biết rất rõ cảm giác đó. Tôi cúi xuống
thấp hơn nữa trên ngực nàng, phà hơi thở ấm áp của
mình lên trái tim đang đập rất nhanh, rất dồn dập, rất
kinh hoàng dưới kia. Tôi ngước lên và bắt gặp đôi mắt
rất to rất tròn đang nhìn tôi, nhìn thực sâu trong mắt
tôi. Tôi nhìn nàng khuyến khích; tôi muốn nàng đọc
thấy trong mắt mình điều tôi muốn nói với nàng đã
lâu. Nét kinh hoàng trên khuôn mặt nàng dần biến đi,
thay vào đó là nỗi bình yên vừa tìm thấy. Và phía bên
dưới làn da ngực mịn màng, nhịp đập của tim đã điều
hòa trở lại, êm ả, nhịp nhàng như sóng vỗ bờ xa. Tôi
ngủ thiếp đi trong chính cơn mơ của mình.
Buổi sáng, tôi thức dậy và tiếc đến ngẩn ngơ.
Những giấc mơ như thế không đến nhiều lần. Tôi nghĩ
về giấc mơ suốt ngày, và bỗng nhận ra đó là một giấc
mơ rất thô bạo. Tại sao ư? Tại vì nó không dành cho
tôi một khoảng trống cỏn con nào để suy đoán, và do
đó, để nghi ngờ cái ý nghĩa của nó. Giấc mơ là một
khẳng định chắc nịch của điều tôi đã biết và giữ cho
riêng mình bấy lâu nay. Hơn thế nữa, giấc mơ là một
nhạo báng về cái ý nghĩ “giữ cho riêng mình”của tôi.
Đằng sau cái vẻ táo tợn, bất cần cùa chú mày là lá gan
không lớn hơn hạt đậu. Điều gì đã khiến chú mày im
lặng bấy lâu nay? Chú mày biết nàng ở đâu, và cái
khoảng cách giữa hai người không xa hơn những nút
bấm có đánh số của chiếc điện thoại trên chiếc bàn
đêm của chú mày! Tôi là người nhạy cảm nên không
thể nào chịu dựng được những lời lẽ như thế ném vào
mặt mình bởi bất cứ một ai, ngay cả khi “một ai” đó
chỉ là một giấc chiêm bao. Tôi quyết định ngồi xuống,
viết cho nàng một lá thư.
Vậy mà khi đã viết xong, tôi ngần ngừ mãi
không chịu gởi đi. Có lẽ vì tôi chưa từng thực hiện
một điều gì khởi đi từ chiêm bao. Có lẽ vì có những
điều chỉ có thể xảy ra trong chiêm bao. Có lẽ vì có
những điều chỉ nên xảy ra trong chiêm bao. Tôi thực
hoang mang, không biết phải làm gì. Bạn có thể giúp
tôi được không? Tại sao bạn chỉ mỉm cười? Bạn thực
tệ quá, tôi đã tốn bao nhiêu thì giờ kể lể. Dù sao thì
cũng cám ơn bạn đã lắng nghe...
Này bạn, tôi đây. Đừng có vội bỏ đi như thế, tôi
sẽ không giữ bạn lâu đâu. Tôi làm sao? Có vẻ hớn hở
ư? Tệ thực, tôi ít khi giấu nổi cảm xúc của mình.
Nàng gọi tôi đêm qua. Thực đó. Giữa đêm khuya. Và
bạn có tin được điều này hay không, nàng khóc rấm
rức! Sau cùng thì những tách trà nóng đã không còn
hiệu lực. Và cả cái “thế giới tinh thần” quen thuộc và
đáng tin cậy của nàng! Nàng vừa trải qua một cơn ác
mộng, nàng bảo tôi như vậy. Có một con chim gõ kiến
với bộ tóc đỏ kỳ dị và cặp tròng mắt xanh lè cứ nâng
chiếc mỏ dài nhọn hoắc mổ túi bụi vào ngực của nàng.
Bạn có thể tưởng tượng nàng đã sợ hãi như thế nào.
Khi cơ thể nàng vỡ ra từng mảnh để lộ trái tim đỏ
hồng, trần trụi, đầy thương tích, và phập phồng loạn
xạ như sắp vỡ tung, nỗi hoảng sợ cùng cực kéo nàng
ra khỏi cơn ác mộng. Nàng tỉnh giấc trong đêm đen,
trái tim đập điên cuồng trong lồng ngực, cô đơn và
yếu đuối hơn bao giờ hết. Vậy mà có lần anh nghi ngờ
tim em không phải làm thành từ máu thịt, nàng tức
tưởi. Bây giờ thì anh biết rồi, tôi trả lời. Anh còn biết
là con chim quái ác sẽ không còn trở lại khi giấc mơ
tiếp tục. Sẽ là một giấc mơ rất dịu dàng. Lần đầu tiên
nàng không chút hoài nghi điều tôi nói. Nàng kêu lên
những tiếng nhỏ vô nghĩa và nhanh chóng chìm trở lại
vào giấc ngủ. Tôi gác điện thoại một cách khẽ khàng,
xoay người nằm yên trong bóng tối như thể một cử
động đột ngột có thể xua đuổi cái cảm giác ấm áp
đang bao bọc lấy mình.
Đêm rất sâu, nhưng không hoàn toàn yên ắng. Có
tiếng róc rách, rì rầm của dòng suối nhỏ tự trời chảy
xuống phía sau nhà. Không có một dòng suối nào như
thế quanh đây. Tôi chợt nghĩ ra, đó là tiếng của những
mầm cỏ non đang chỗi dậy từ lòng đất giá lạnh của
một đêm cuối mùa Đông. Những mầm cỏ non ẻo lả sẽ
xuyên qua lớp đất khô khốc đầy sương giá trước khi
đêm tàn, và không điều gì có thể cản trở được chúng.
Ngày mai, vào lúc sáng sớm, tôi sẽ bước ra
vuông sân nhỏ sau nhà để ngắm những mầm cỏ đẫm
sương đêm đang vươn lên tỏ tình với bình minh của
một mùa Xuân lúc bấy giờ hãy còn rất mới.
tháng mười hai 1999
* Woody Woodpecker, mộttrong những nhân vật “hoạt họa”
nổi tiếng của Walter Lantz
dựng truyện
“Nhà xoay lưng về đâu thì có quan hệ gì
không?”
“Chắc là không. Tôi nghĩ rằng những người chủ
trương muốn loạt truyện khởi đi từ một điểm chung.
Trong trường hợp này, ba chữ ‘Nhà xoay lưng’ là
điểm xuất phát.”
“Điều kiện gì mà kỳ cục!”
Người đàn bà nhướng một bên chân mày cùng
lúc với câu nói. Lúc này hai người đang ngồi ở chiếc
bàn nhỏ trong một quán cà phê của phi cảng Fort
Worth. Còn khoảng một tiếng đồng hồ nữa trước khi
chúng tôi phải đáp chuyến bay kế tiếp đến Fort
Lauderdale. Chuyến bay trước đó, cất cánh từ Orange
County, khá trống trải và do đó tôi đã không gặp trở
ngại nào khi xin phép người đàn bà cho mình được
ngồi vào chiếc ghế trống cùng dãy cạnh cửa sổ. Rời
mắt khỏi khung kính bầu dục xuyên qua đó tôi có thể
nhìn thấy mặt biển xanh lấp lánh nắng, tôi quay lại hỏi
người đàn bà có phải nơi đến là Dallas hay không.
“Tôi về Fort Lauderdale,” người đàn bà trả lời.
Tôi bảo người đàn bà là tôi cũng đến đó. Sau lời tiết lộ
này, câu chuyện có vẻ như trở nên dễ dàng hơn. Khi
chiếc máy bay rời phi đạo để quẹo vào con đường dẫn
vào trạm vãng lai của phi trường Fort Worth, tôi quay
qua hỏi người đàn bà, “Tôi có thể mời cô một ly nước
được không?”
Người đàn bà càng lúc càng biểu lộ nỗi thích thú
của mình về những điều có liên quan đến cái truyện
ngắn tôi sắp viết ra. Trước đó tôi cho cô ta biết tôi là
nhà văn. Chuyến đi này của tôi là một kết hợp giữa
công việc và “nghiệp dĩ.” Văn chương là nỗi đam mê
không rời của tôi, tôi bảo người đàn bà, hy vọng cách
sử dụng từ ngữ của mình sẽ gây một ấn tượng ở cô ta.
Tôi không chỉ muốn tuân theo những qui định do
nhóm đưa ra. Truyện mà tôi đang dàn dựng sẽ chạm
đến những rung động vi tế nhất của tình cảm, và tôi
muốn được sống thực với những tình cảm đó trước
khi bắt tay vào truyện, tôi tiếp tục với giọng điệu của
một nhà thơ tài hoa đang rao giảng trước đám cử tọa
phàm tục về những điều nhân gian không thể hiểu!
“Truyện sẽ gồm có ba nhân vật chính, và chỉ ba
mà thôi. Hai người khách thuê nhà và người chủ nhà.”
“Còn điều kiện gì nữa không?” Người đàn bà
chồm người tới, đôi khuỷu tay chống lên trên chiếc
bàn tròn, ngước mắt lên nhìn.
“Còn chứ. Hai người mướn nhà không được gặp
nhau trong suốt thời gian cả hai cùng mướn căn nhà.
Điều này thực là đáng tiếc!” Tôi trả lời, thị tuyến rơi
chậm chạp từ khuôn mặt xuống phần trũng ngực của
người đàn bà. Lần này thì cả hai hàng chân mày cắt tỉa
cẩn thận cùng nhướng lên.
“Tại sao lại đáng tiếc?”
“Bởi vì tôi nghĩ rằng mẫu người của cô vô cùng
thích hợp trong vai người thuê nhà thứ hai của truyện.
Chúng ta cùng thay phiên mướn chung một căn nhà,
nhưng không được phép gặp nhau trong bất cứ tình
huống nào. Cô thử tưởng tượng xem, hai người này sẽ
không bao giờ gặp nhau, chỉ biết về nhau qua những
dấu vết để lại trong căn nhà hoặc qua trung gian của
người chủ. Liệu có thể một điều gì đó sẽ xảy ra giữa
hai con người này hay không? Tìm cách mở cái ‘gút’
này không phải là một điều thú vị hay sao? Đáng tiếc
là cô không còn hội đủ điều kiện. Chúng ta đã ở cạnh
nhau trong chuyến bay vừa rồi và sẽ còn gặp nhau
trong chuyến đi sắp tới.”
“Thì có sao đâu? Ông có thể không nhắc đến chi
tiết này trong truyện mà!”
“Tất nhiên là tôi có thể làm như vậy. Nhưng tôi
muốn được sống trong không khí của truyện. Mọi
gượng ép đều có thể làm hỏng đi công trình nghệ
thuật này.”
Người đàn bà có vẻ thất vọng. Rõ ràng là cái ý
nghĩ trở thành nhân vật chính trong truyện của tôi đã
làm cô ta thích thú. Gõ gõ mấy ngón tay lên chiếc bàn
hình tròn, tôi nhăn trán suy nghĩ rồi lên tiếng:
“Cô có thể đóng vai chủ nhà. Nhân vật này rất
quan trọng. Truyện chỉ có thể thành công khi người
chủ nhà thể hiện được cái vị trí ‘bản lề’ của mình,
nghĩa là trở thành cái gạch nối không thể thiếu cho hai
người kia. Trong ba nhân vật, chỉ có người chủ nhà có
thể gặp gỡ hai người khách trọ bất cứ lúc nào.”
“Vậy cũng được. “ Người đàn bà có vẻ yên tâm.
“Phần còn lại là căn nhà để mướn, và nhân vật
thứ ba. Chuyện này coi bộ không dễ đâu! Cô có thể
giúp tôi tìm một căn nhà nào đó được không?”
Chuyện coi vậy mà lại không đến nỗi khó khăn
cho lắm. Người đàn bà sẽ cho tôi mướn căn nhà nơi
cô ta đang cư ngụ. Nhân vật thứ ba là một người đàn
ông; ông ấy hiện đang thuê một căn phòng ở đó. Nhân
vật này chỉ có mặt trong căn nhà vào những ngày
trong tuần, từ thứ Hai cho đến thứ Năm. Ông ấy rất
bận vào những ngày cuối tuần, người đàn bà cho biết.
Điều này xem ra thuận tiện cho tôi. Tôi có thể ở khách
sạn vào những ngày làm việc, và chỉ về lại căn phòng
của mình vào những ngày cuối tuần, bắt đầu từ chiều
thứ Sáu và sẽ ra đi vào tối Chủ Nhật hoặc ngay cả
sáng thứ Hai nếu cần.
“Tôi sẽ phải trả cho cô bao nhiêu cho hai tuần
lễ?” Tôi hỏi, dự tính truyện sẽ hoàn tất trong thời gian
này. Người đàn bà ngần ngừ một chút rồi nói ra một
con số lớn gấp đôi giá thị trường. Tôi đoán cô ta chỉ
nói bừa, hiếm khi có ai cho mướn nhà theo kiểu này.
Tôi bảo là giá cả như vậy rất phải chăng, không cần
phải bàn cãi gì nữa. Ngày hôm qua tôi đã rút ra một số
tiền mặt khá lớn để dùng cho chuyến đi này.
Vào lúc người đàn bà đang hào hứng nói về
những dự định của mình để sửa soạn căn phòng cho
người khách mới, tôi xin lỗi cắt lời cô ta và bảo rằng
còn một điều kiện vô cùng quan trọng mà tôi thấy cần
thiết phải nêu ra trước khi cái “giao kèo làm ăn” này
có thể được ký kết.
“Cái gì nữa?” Người đàn bà hỏi một cách lo
lắng. Rõ ràng là cái khả năng trở thành một nhân vật
tiểu thuyết và trong cùng một lúc có được món tiền
trời ơi đất hỡi là một điều không dễ bỏ qua!
“Bọn chúng tôi đồng ý là phải có quan hệ tình
cảm giữa chủ nhà và người khách.” Tôi ngập ngừng
một chút rồi tiếp với giọng ái ngại, “Lúc nãy tôi có nói
tôi chỉ muốn cô đóng vai trò người mướn nhà kia, tôi
thực không muốn xúc phạm đến cô.”
“Đám nhà văn mấy người chỉ giỏi việc bày trò
quái quỉ!” Người đàn bà nhăn mặt.
“Hay là thôi vậy, tôi nghĩ mình có thể tự tìm
được một nơi khác.” Tôi nhìn sâu vào đôi mắt cô ta,
vẻ thành khẩn. Tôi không biết chắc mình có hy vọng
gì không.
“Nhưng chỉ thuần tình cảm thôi đấy nhé!” Người
đàn bà ngước lên, vẻ dứt khoát.
“Nhất định là như vậy, chỉ thuần là tình cảm ...
trong sáng.” Tôi trả lời, mừng rỡ.
Chúng tôi không có dịp ngồi cạnh nhau trên
chuyến bay về Fort Lauderdale, và điều này xem ra đã
giúp cho người đàn bà bớt đi cái cảm giác không được
tự nhiên trong khi trò chuyện với tôi. Bất kể cô ta đã
nghĩ gì về cái vai trò phải đóng trong những ngày sắp
tới, người đàn bà đã cười thực tươi với tôi khi chúng
tôi chia tay nhau ở phi cảng. Còn cách nào thích hợp
hơn để chia tay một nhà văn và đồng thời là người
tình tương lai của mình?
Nhà xoay lưng lại một khu đất trống rào chắn
cẩn thận. Có vẻ như người ta sẽ xây một khu chung cư
mới ở đó. Căn nhà mà tôi sắp dọn vào gồm ba phòng,
trên lầu. Căn phòng dành cho tôi ở cuối hành lang,
phía bên trái, cùng dãy với căn phòng của người đàn
ông, và ở giữa là phòng vệ sinh. Căn phòng lớn nhất
thuộc về người đàn bà chủ nhà, chiếm gần hết chiều
dài của phía đối diện. Như vậy, để vào phòng mình tôi
phải đi ngang qua cửa của hai căn phòng kia. Đồ đạc
trong phòng không có gì nhiều, và hình như mới được
sắp xếp hay mang vào sáng nay. Một vài dấu vết trên
bức vách bên phải cho tôi biết một bức tranh hay một
khung hình đã được tháo gỡ trước đó không lâu.
Chiếc giường nhỏ và chăn nệm còn mới tinh, nhưng
chiếc bàn giấy nhỏ cạnh cửa sổ thì lại quá cũ. Xem ra
người đàn bà không muốn tiêu phí số tiền cho mướn
nhà một cách bừa bãi. Một ông khách trọ vừa là nhà
văn vừa rộng rãi trong chuyện tiền bạc không phải là
điều mà người ta sẽ gặp thường xuyên!
Buổi chiều tôi đón taxi ra biển, lang thang trên
những khu phố đông nghẹt những hàng quán, người
ngợm. Tôi ghé vào một vài cửa hàng, săm soi những
món đồ nho nhỏ, nghĩ bụng sẽ chọn mua một món gì
đó cho Ngọc, bà chị dâu của tôi. Tôi bước ra khỏi
những nơi đó tay không. Tôi sẽ trở lại đây ít nhất một
lần trước khi về lại cái thành phố nằm ở bờ biển phía
Tây. Vào lúc chập choạng tối, tôi đến ngồi ở chiếc bàn
nhỏ làm bằng những cọng mây uốn cong của một tiệm
ăn ở góc đường Las Olas. Chiếc ghế tôi ngồi cũng làm
bằng mây, nhưng phần tựa lưng là những sợi nylon
xanh lục lẫn trắng bện vào nhau. Tôi gọi một chai bia,
uống thong thả.
Mặt biển đã sạm màu khi những ngọn đèn đường
được thắp sáng. Từ chỗ ngồi, tôi có thể nhìn thấy
những chùm sáng lập lòe phát ra từ những chiếc tàu
lớn đang bỏ neo ngoài kia. Người ta đang sát phạt
nhau trên những chiếc tàu đó. Luật của thành phố Fort
Lauderdale nghiêm cấm cờ bạc, nhưng cánh tay của
luật pháp không dài hơn ba dặm tính từ bờ biển. Xa
hơn nữa là hải phận quốc tế. Ở đó người ta có thể làm
được nhiều việc, kể cả việc mở sòng bài.
Ông khách trọ chung nhà với tôi đang ở trên một
trong những con-tàu-sòng-bài đó, người đàn bà đã tiết
lộ với tôi ngày hôm nay. Tôi dọn vào căn nhà của cô
ta vào buổi trưa. Người đàn bà đưa ra nhận xét là tôi
chẳng có đồ đạc gì hết. Tôi vỗ vỗ vào chiếc túi xách
tay và bảo là mình có đủ những thứ cần dùng cho
những ngày cuối tuần ở đây.
“Thế thì những ngày kia ông ở đâu?”
“Ở một khách sạn dưới phố.”
“Ông không mướn xe để đi lại hay sao?”
“Không cần. Tôi thích đi taxi hơn.” Tôi trả lời.
Tôi không có ý định cho người đàn bà biết nhiều
về mình. Tôi cảm thấy hài lòng vì những câu trả lời
vừa rồi không giúp cô ta biết thêm chút nào về tôi
ngoài cái tên và cái “nghiệp dĩ” nhà văn mà tôi đã tiết
lộ trước đây. Ngay sau đó, tôi chuyển hướng cuộc đối
thoại về người khách trọ vắng mặt. Ông ấy cũng là
một nhân vật quan trọng của truyện, và tôi cần một số
chi tiết về ông để có thể xây dựng thành công nhân vật
này, tôi bảo người đàn bà.
“Ông ấy làm việc trên một chiếc tàu vào những
ngày cuối tuần...” người đàn bà bắt đầu một cách ngập
ngừng.
“Ông ấy là thủy thủ?”
“Không, ông ấy làm việc cho sòng bài ở đó.”
“Ông ấy có bà con bạn bè gì ở đây không?”
“Tôi không biết. Ông ấy đến từ một tiểu bang
khác. Tôi chỉ biết như thế.”
Tôi đưa mắt nhìn người đàn bà một cách lặng lẽ.
Tôi chờ cô ta tiếp tục. Hơi nghiêng mặt đi dể tránh
ánh mắt của tôi, người đàn bà lên tiếng:
“Tôi gặp ông ấy trong sòng bài, lúc đó ông chỉ là
khách thôi. Ông ấy thua sạch, trông rất tội nghiệp.”
Tôi biết rất rõ cái cảm giác này, thua sạch! Tôi
không nhớ đã có ai tội nghiệp cho mình.
“Rồi cô mang ông ấy về cho tạm trú chứ gì?”
“Ông ấy thua lớn lắm. Ở sòng bài người ta cũng
muốn giúp ông ấy, cho làm việc vào những ngày cuối
tuần. Những ngày khác, ông ấy cần một chỗ để ở.”
Câu chuyện lắng xuống một chút. Người đàn bà
đột nhiên im lặng, vẻ bứt rứt. Tất nhiên là cô ta không
cảm thấy dễ chịu. Không khí của cuộc đối thoại khô
và lạnh như của một buổi thẩm vấn. Biết làm thế nào
được, tôi không phải đến đây để chơi đùa!
“Giữa cô và ông ấy vẫn ... tốt đẹp cả chứ? Tôi
muốn nói quan hệ giữa hai người.” Tôi hỏi, vẻ khiêu
khích. Tôi cần làm cho cô ta nổi giận. Nói cho đúng
hơn, tôi cần một cái cớ. Và ngay tức khắc, tôi nghĩ
mình đã thành công khi người đàn bà quay lại nhìn
thẳng vào tôi, chân mày bên trái nhướng lên cao cùng
lúc với giọng nói của cô ta:
“Quan hệ? Ý ông muốn nói gì? Không lẽ tôi phải
có quan hệ tình cảm với tất cả các người mướn nhà
hay sao?”
“Thực ra điều này không cần thiết. Một quan hệ
thôi cũng đủ. Tôi chỉ hỏi vậy thôi mà!” Tôi trả lời với
vẻ không nhượng bộ.
Người đàn bà xem ra hậm hực. Nhà văn các
người chỉ giỏi vẽ rắn thêm chân, cô ta nhận xét. Đây
là lần thứ hai người đàn bà đưa ta một nhận định như
vậy về những người viết lách. Tôi nghĩ đến mấy tên
đã bày vẽ ra cái vụ “truyện ngắn có điều kiện” và cảm
thấy có chỗ đồng ý với cô ta. Ý nghĩ này khiến tôi
buồn cười. Tất nhiên người đàn bà không biết là tôi
đang cảm thấy buồn cười. Cô ta đang giận tôi.
Uống cạn chai bia thứ hai, tôi đưa mắt nhìn
những đốm sáng lung linh ngoài khơi một lần nữa rồi
đứng dậy bỏ đi vào một tiệm bách hóa gần đó. Tôi cho
rằng mình có thể và nên kết thúc câu chuyện một cách
chóng vánh. Tôi về đến căn nhà trọ vào lúc mười một
giờ đêm. Tôi vào phòng mình, sửa soạn thật nhanh rồi
đến gõ cửa phòng người đàn bà. Vệt sáng phía dưới
cánh cửa và tiếng nhạc vọng ra từ đó cho tôi biết cô ta
còn thức. Ánh mắt người đàn bà rời khỏi đóa hồng
màu đỏ trong tay tôi và đậu lại ở một nơi nào đó trên
bức vách sau lưng tôi. Xem ra cô ta vẫn còn giận.
“Thay cho lời xin lỗi. Lẽ ra tôi không nên sỗ
sàng như thế.” Tôi giải thích.
Người đàn bà cười nhỏ, chỉ vào chiếc túi giấy ở
đó thò ra cổ chai rượu vang, hỏi:
“Thế còn cái kia để làm gì?”
“Để bắt đầu một kỷ niệm dịu dàng và khó quên,”
tôi trả lời, nghiêng mình bước qua khung cửa vừa
được người đàn bà mở rộng.
Tôi đưa mắt quan sát căn phòng thực nhanh,
không phải để ghi nhớ. Có một chiếc bàn tròn nhỏ và
hai chiếc ghế nệm đặt ở góc phòng, cạnh cửa sổ. Chai
rượu vang và hai chiếc ly nhỏ được lấy ra đặt lên bàn,
và cái túi giấy được gấp lại cẩn thận trước khi người
đàn bà có thể nhìn thấy món dụng cụ điện tử xinh xắn
nằm bên trong. Khi chúng tôi cùng ngồi xuống ở chiếc
bàn, người đàn bà hỏi tôi đã làm gì suốt buổi chiều
hôm nay.
“Đi lang thang ở bờ biển,” tôi trả lời.
“Có phải nhà văn các anh thường đi tìm cảm
hứng ở những nơi như vậy?”
Người đàn bà hỏi tiếp. Tôi bảo cô ta là đôi khi
cũng có như vậy thực, nhưng nguồn cảm hứng của
truyện tôi đang khai triển chính là ở nơi đây, trong căn
phòng ấm áp này, vào giây phút này. Câu chuyện
ngưng lại một chút rồi tiếp tục, lần này người đàn bà
hỏi về những công trình nghệ thuật của tôi. “Tôi dự
định cho in một tập truyện ngắn vào cuối năm, và sau
đó sẽ lao đầu vào một dự án mới. Tôi hy vọng mình sẽ
hoàn tất một cuốn tiểu thuyết trong vòng hai năm sắp
tới.” Tôi lại cảm thấy buồn cười, truyện ngắn, truyện
dài, và còn gì nữa? Một tập thơ, nên chăng?
Khi ly rượu vang thứ ba của mỗi người sắp cạn,
tôi bảo người đàn bà là có thể tôi sẽ không trở lại vào
cuối tuần tới.
“Tại sao vậy?” Người đàn bà hỏi.
“Tôi cảm thấy mình đã có tạm đủ dữ kiện để
viết. Hơn nữa, cái ý nghĩ cô phải miễn cưỡng đóng vai
tình nhân của tôi trong vòng hai tuần lễ làm tôi cảm
thấy bất an. Tôi nghĩ rằng mình đã đòi hỏi nhiều quá ở
một người đáng mến như cô...”
“Nhưng giữa chúng ta đã có gì đâu? Ông đã
bảo...” Người đàn bà ngập ngừng.
“Đúng vậy. Cái mắt xích cuối cùng để liên kết
các tình tiết lại với nhau vẫn chưa có. Nếu như cô có
thể cho tôi một cảm xúc đẹp đẽ nào đó...” Tôi dừng
lại, không giấu được vẻ lúng túng.
“Như là gì?” Người đàn bà hỏi, một bên chân
mày nhướng lên, nghịch ngợm.
“Một chiếc hôn, chẳng hạn.”
Chiếc hôn mềm và có vị chua của rượu nho.
Chiếc hôn thứ hai ấm áp và bớt chua. Chiếc hôn thứ
ba đầy ắp mùi da thịt nồng nàn tỏa ra từ cơ thể người
đàn bà. Tôi ngưng đếm những chiếc hôn sau đó.
Những tiếng kêu nhỏ thoát ra từ miệng cô ta giữa
những hơi thở gấp gáp khi chúng tôi quấn vào nhau
trên vuông thảm mềm cạnh chiếc bàn nhỏ. Người đàn
bà bám chặt vào tôi như một con trăn gió, cơ thể căng
lên như cánh cung rồi chùng xuống từng hồi. Những
tiếng kêu vô nghĩa từ miệng cô ta phát ra càng lúc
càng tăng dần cường độ, cho đến khi cả căn phòng
như bị chao nghiêng đi bởi ngọn sóng nhục cảm. Tôi
lịm đi sau đó, đầu óc chông chênh như thể đang ở trên
một con tàu giữa cơn bão lớn. Tự dưng tôi nghĩ đến
những con-tàu-sòng-bài và ông khách trọ vắng mặt.
Khi người đàn bà trở dậy và bước vào phòng
tắm, tôi thu dọn quần áo và chiếc túi giấy đi về phòng
mình. Tôi trằn trọc một lúc rồi ngủ thiếp đi, và chỉ
thức giấc khi có tiếng gõ cửa. Khi tôi lên tiếng trả lời,
người đàn bà bảo tôi là cô ta sẽ chờ tôi ở phòng khách.
“Tôi có việc cần nói với ông,” cô ta giải thích, giọng
lạnh lẽo. Tôi bước xuống phòng khách, ngồi đối diện
nhìn người đàn bà ăn mặc trang nhã và đang giận dữ.
Chỉ mới đêm hôm qua cô ta còn quấn chặt lấy tôi như
con bạch tuộc quấn mồi!
“Ông đã không giữ lời hứa! Bây giờ làm sao tôi
dám nhìn mặt ông ấy.”
“Ông ấy?”