The words you are searching are inside this book. To get more targeted content, please make full-text search by clicking here.

Tuyển tập truyện ngắn Hết Đa Thê Rồi Đa Phu của tác giả T.T Thái An

Discover the best professional documents and content resources in AnyFlip Document Base.
Search
Published by lanthicung, 2022-07-27 15:11:39

Hết Đa Thê Rồi Đa Phu- T.T Thái An

Tuyển tập truyện ngắn Hết Đa Thê Rồi Đa Phu của tác giả T.T Thái An

Mục Lục

Mục Lục......................................................................................................... 5
Cảm Nghĩ Khi Đoc̣ Truyện Thaí An ...................................... 7
Ai Lên Xứ Lạng Cùng Anh?......................................................... 9
Bí Ngô Bí Rợ Bí Đỏ ........................................................................... 24
Bơt́ Môṭ Miêṇ g Ăn ........................................................................... 32
Con Lơṇ Ủn Ỉn ................................................................................... 47
Con Rôǹ g, Có Thật Không Vậy? ......................................... 54
Hai Caí Theọ ......................................................................................... 66
Hết Đa Thê, Rồi Đa Phu!.............................................................. 88
Hương Nhục ....................................................................................... 107
Kỹ Nữ Xưa Và Nay ......................................................................... 114
Mùa Cô Hồn ....................................................................................... 123
Nguồn Gốc Bań h Tổ ................................................................... 135
Những Người Việt Luân Lạc.. ............................................... 141
Nỗi Lòng Của Bác ......................................................................... 165
Tiêń g Rú Trong Đêm..................................................................... 176
Tình Khùng........................................................................................... 183
Lời Bạt ........................................................................................................ 203

TT-Thái An | Mục Lục 5

6 | TT-Thái An

Cảm Nghĩ Khi Đọc Truyện Thaí An

Thái An, tên cũng dễ thương như người, hiền hoà và thật
đáng mến.

Đọc truyện THÁI AN tôi có cảm tưởng như đang ngồi
nghe Thái An kể chuyện. THÁI AN có lối viết thật giản dị,
viết mà như nói chuyện thật tự nhiên, linh động, không cầu
kỳ, chau chuốt. Thấy sao, nghe sao thì kể lại, toàn những
chuyện có thật "ly kỳ, hấp dẫn". Chẳng thêm bớt, kể đủ mọi
chi tiết của câu chuyên, rồi ngừng một cách thật tự nhiên.
Không phải tìm cách mở đầu, kết luận câu chuyện sao cho
văn vẻ, cho có hoa lá cành. Cứ thế hết chuyện này sang
chuyện khác. Đủ thứ chuyện đầy "hỉ nộ ái ố" và tôi đã say
sưa theo dõi một cách thật thích thú.

THÁI AN chịu khó đọc sách, tìm hiểu nhiều, nên biết nhiều
sự tích kể cho chúng ta nghe. THÁI AN nói về con RỒNG
khiến tôi ngạc nhiên và khiếp sợ. Tôi cứ tưởng Rồng là loài
vật thiêng liêng đáng kính vì người ta vẫn tạc tượng rồng
trong các kiến trúc của chùa chiền. Rồng tượng trưng cho
vua chúa.Vua mặc áo thêu rồng. Quan trọng nữa có truyền
thuyết chúng ta là "CON RỒNG CHÁU TIÊN" và chúng ta
hãnh diện với điều đó. Vậy mà THÁI AN tìm hiểu và được
biết con RỒNG lại là một hình ảnh trái ngược (có dẫn
chứng đàng hoàng) và kể một chuyện thật: THÁI AN đã
trải qua chuyện kinh khiếp về con RỒNG.

Chuyện 'Con LỢN ủn ỉn'. NGHE đề tài tưởng chỉ kể về
LỢN. Ai dè THÁI AN kể về tất cả nguồn gốc của các đạo
giáo: THIÊN CHÚA, ẤN ĐỘ, DO THÁI, CƠ ĐỐC. Và
cho biết ẤN ĐỘ GIÁO không ăn thịt bò vì họ tin khi chết
bò sẽ chở họ đi đầu thai chuyển kiếp. Thật là điều mới lạ
với tôi vì tôi không biết gì về ẤN ĐỘ GIÁO.

TT-Thái An | Cảm Nghĩ Khi Đọc Truyện Thaí An 7

THÁI AN còn kể về các ngày LỄ TẾT, phong tục của VN.
Nhờ THÁI AN kể tôi mới nhớ được ngày TẾT ĐOAN
NGỌ và tục lệ ăn rượu nếp để giết sâu bọ mà tôi đã quên
mất từ khi sống trên đất Mỹ vì không nghe ai nhắc đến. Cả
sự tích của ngày HALLOWEEN, tôi không biết đó là ngày
lễ của người Công giáo, cầu nguyện cho những người mới
qua đời và tôi không ngờ ngày xưa người Công giáo cũng
tin tưởng chuyện làm bánh để trước nhà cho hồn người chết
về ăn. Lâu dần ngày HALLOWEEN lại biến thành ngày
vui cho trẻ em được hoá trang đi đến các nhà xin kẹo, và
giúp các thương gia bán được số kẹo khổng lồ.

THÁI AN cũng kể về các phép lạ của CHÚA mà THÁI AN
được chứng kiến và đã được trải nghiệm. Tôi nghĩ THÁI
AN là người tốt, rất ngoan đạo nên mới được nhiều đặc ân
của CHÚA vì THÁI AN tin tưởng tuyệt đối vào CHÚA.

Ngoài ra còn có những chuyện thương tâm của cuộc đổi đời
sau 1975 như chuyện "Bớt một miệng ăn". Những bất công,
tàn ác của CS đối xử với những người của VNCH còn kẹt
lại. Cả những chuyện rất đặc biệt sẩy ra xung quanh chúng
ta, cười ra nước mắt như chuyện "Hết đa thê rồi đa phu".
Tội cho những người vợ theo lối cổ xưa phải chịu đựng vì
không đẻ được con nối dõi tông đường.

Với văn phong kể chuyện thật tự nhiên, đơn giản không vẽ
vời cường điệu, THÁI AN đã khiến tôi đọc một cách thích
thú không ngừng nghỉ hết luôn cuốn truyện.

Cám ơn THÁI AN đã cho tôi đọc những truyện rất ĐẶC
SẮC, biết được nhiều điều tôi chưa biết và cho tôi thêm
niềm tin tuyệt đối vào CHÚA nhân từ qua những sự kiện
THÁI AN đã trải qua.

HỒNG THỦY
10/12/2020

8 Cảm Nghĩ Khi Đọc Truyêṇ Thái An | TT-Thái An

Ai Lên Xứ Lạng Cùng Anh?

TT-Thái An

Lần nào về Việt Nam, tôi cũng đi thăm vài tỉnh để biết
thêm về đất nước mình.

Kỳ này tôi sẽ cùng hai vợ chồng người dì và cô em họ đi
Lạng Sơn. Lạng Sơn ở về phía Đông Bắc của Hà Nội, giáp
biên với Trung Quốc.

Tôi không ngờ đường Hà Nội lên tỉnh Lạng Sơn lại gần đến
như thế, chỉ có 150 km. Nhưng từ biên Lạng Sơn lên Ải
Nam Quan thêm 17 km. Tóm lại từ Hà Nội lên giáp biên
giới Tàu chỉ vỏn vẹn 167 km.

Nếu chỉ có xa lộ rộng thênh thang như bên Mỹ, chạy
khoảng trên hai giờ đồng hồ là đến Ải Nam Quan. Nhưng
đoạn đường Hà Nội- Lạng Sơn, chỉ có một đoạn là xa lộ,
còn thì chạy theo quốc lộ, nên hơn ba giờ thì đến nơi. Như
thế đã là tiến bộ lắm rồi đấy. Vì lúc này đường sá đã được
trải nhựa phẳng phiu, không phải đường mòn, đường đất
nên khoảng cách có vẻ thu ngắn lại.

Tôi nghĩ thầm nếu Trung Cộng muốn chiếm Việt Nam thì
chỉ cần hơn ba giờ lái xe tăng tầu bò là vào thẳng Hà Nội.

Tuy chỉ có bốn người đi chung, nhưng dì Loan bao xe bảy
chỗ ngồi (không kể tài xế) vì dì không chịu được đi xe nhỏ,
dễ chóng mặt buồn nôn. Thế là băng ghế sau bỏ trống.

TT-Thái An | Ai Lên Xứ Laṇ g Cùng Anh? 9

Năm giờ sáng thứ Hai, trời còn mờ mờ tối, anh tài xế đã
đến chợ hoa Quảng An rước chúng tôi. Chợ hoa vẫn còn
đèn sáng trưng vì là chợ đầu mối, người ta buôn bán suốt
đêm. Trời giữa tháng Ba dương lịch ở Hà Nội còn mát dịu,
sáng sớm khoảng 20-21 độ C, trưa khoảng 25 độ. Vợ chồng
dì và tôi lên xe, chạy qua Gia Lâm đón cô em họ tên Cúc.

Rồi từ Gia Lâm lên xa lộ đi Bắc Ninh. Còn sớm nên đường
rộng rãi, không bị ứ nghẽn. Những bảng ghi tên địa danh,
phương hướng trên xa lộ đều mầu xanh lá cây, như bên Mỹ
vậy. Có lẽ đó là tiêu chuẩn quốc tế.

Đến Bắc Ninh, anh tài cho xe ghé vào một quán ăn bên
đường để ăn sáng. Quán bán bún chả, phở gà, miến gà.
Cánh phụ nữ ăn bún chả, còn chú Toàn và anh tài ăn phở
gà. Lần nào về Việt Nam, hình như tôi cũng bị đau bụng
một lần nên chẳng dám đụng vào rau sống mặc dù tôi rất
thích ăn rau. Nhưng món ăn Việt Nam đa số ăn kèm với
rau sống, thiếu rau sẽ mất ngon đi nhiều lắm. Nhưng phải
chịu thôi. Vì thế tôi chỉ ăn bún, chả và thịt nướng chấm
nước mắm. Thịt và chả nướng được đựng trong bát nước
mắm. Nước mắm họ pha vừa ăn. Ăn xong, chú Toàn và
anh tài ra bàn uống nước trà. Ở miền Bắc, quán ăn hay
tiệm phở nào cũng có cái bàn nhỏ ở phía trước, để sẵn ấm
trà và một khay đựng tách để khách dùng sau khi ăn, không
tính thêm tiền. Những cái tách này hết khách này đến
khách khác uống rồi lại úp vào khay. Có lẽ đến khi đóng
cửa chủ quán mới dọn đi rửa. Vì thế tôi chẳng dám dùng
tách công cộng nên không uống được trà miễn phí. Đi đâu
tôi cũng chỉ uống nước chai hoặc phải đem theo chai nước.
Sau đó ra xe tiếp tục đi, tôi xin dì Loan và chú Toàn cho xe
đi thẳng đến Ải Nam Quan vì đó là mục đích chuyến đi
Lạng Sơn của tôi. Ngoài ra tôi còn một lý do thầm kín
khác. Vợ chồng dì đồng ý và dặn anh tài trực chỉ Ải Nam
Quan, sau đó sẽ đi cửa khẩu Tân Thanh.

10 Ai Lên Xứ Lạng Cùng Anh? | TT-Thái An

Từ Bắc Ninh tiếp tục lên xe đi Bắc Giang, khí hậu Bắc
Giang hay Bắc Ninh cũng từa tựa như Hà Nội, còn mát mẻ
vào tháng Ba. Xe chạy trên đường nhựa, mỗi chiều có hai
hàng xe chạy. Cũng có khi đường nhỏ còn một hàng xe.
Phong cảnh hai bên đường bắt đầu đổi, núi đồi hiện ra từ
xa, những trái núi nhỏ, núi lớn hay cả dãy núi cao thấp
trùng điệp xanh thẫm xanh nhạt hiện mờ mờ phía xa. Gần
đường xe chạy thì vườn nhãn, vườn vải chạy dọc theo chân
núi. Cả vải và nhãn đang ra hoa đầy cành. Họ bảo khoảng
tháng sáu là mùa nhãn.

Thỉnh thoảng thấy có bảng bên đường ghi: “Trại nuôi lợn
rừng”

Càng gần Lạng Sơn núi đồi càng nhiều, bây giờ thì hai bên
phải, bên trái và đằng trước mặt xe đều là núi. Núi sừng
sững hàng hàng lớp lớp chạy dài, cái này nối cái kia, dãy
trước, dãy sau. Nhiều sắc mầu xanh lá cây từ đậm đến nhạt
chen nhau tạo thành một bức tranh thủy mạc tuyệt vời.
Như thế những dãy núi này còn đất phủ nên cây còn mọc
cao. Những quả núi gần đường xe chạy thì có cái để lộ đá
phía dưới chân. Những phiến đá này có cái màu xám, có
sọc, có rãnh màu đen, hoặc phủ một lớp rêu xanh thẫm.
Dọc theo chân núi có nhiều cây soan đang ra hoa màu trắng
hoặc màu tím hoa cà nhạt phơn phớt.

Anh tài chỉ cho thấy những cây soan, tôi nhớ đến bài hát
“Hoa Soan Bên Thềm Cũ” của nhạc sỹ Tuấn Khanh (tác
giả bài Chiếc Lá Cuối Cùng) mà ngỡ ngàng. Ngày xưa
chưa thấy cây soan, tôi tưởng đâu hoa soan là loại cây làm
hàng rào hoặc trồng gần hàng rào như cây dâm bụt nên nó
mới ở gần bên thềm nhà. Hóa ra nó cao như cây phượng,
nhưng thân và cành nhỏ bé hơn, trông khẳng khiu hơn.
Hoa lại mọc tùng chùm.

TT-Thái An | Ai Lên Xứ Laṇ g Cùng Anh? 11

Sau này về Mỹ, lái xe trên xa lộ 95 vào cuối tháng Tư, đầu
tháng Năm, tôi chợt thấy nhiều cây trồng rải rác phía xuôi
nam trông tựa như cây soan đang ra hoa trên Bắc Giang.
Có lẽ là nó chăng?

Xe vào Lạng Sơn, hai bên đường là những căn nhà gạch
thấp, mái ngói, có nhiều căn phía trước nhà còn treo đối
liễn đỏ chói vì vừa mới qua tết ta, có căn còn dán những lá
bùa màu vàng, viết chữ màu đen ngoằn nghèo. Có nhà treo
bát quái trước cửa. Nhìn vào biết ngay là nhà của người
Việt gốc Hoa hoặc người Nùng.

Xứ Lạng nằm sát biên giới Tàu, dĩ nhiên dân vùng biên
giới của hai nước hay ở lẫn lộn từ thời cổ xưa khi chưa
vạch biên giới rõ ràng. Thế nên ở Lạng Sơn người Tàu còn
khá nhiều. Vì họ có chữ viết, nếu họ duy trì được chữ viết
của họ thì không bị Việt hóa. Còn dân Việt Nam ở trên
vùng đất Trung Hoa, dẫu gần biên giới Việt, đa số ở từ thời
nước ta chưa có chữ Quốc Ngữ như ngày nay thì có lẽ con
cháu họ đã bị Tàu hóa hết cả rồi.

Vào thành phố Lạng Sơn khá tấp nập. Xe gắn máy chạy
đầy. Tôi cố nhìn phố xá, xem người qua lại. Họ ăn mặc
như dân chúng dưới Hà Nội, nghĩa là không thấy áo dài, chỉ
có quần áo bình thường. Cũng có tiệm áo cô dâu, tiệm bán
đồ điện, tiệm uốn tóc, tiệm quần áo, quán ăn, quán nhậu.

Anh Tài cho xe chạy đến Ải Nam Quan mà giờ đây đã bị
Trung Cộng chiếm mất phần biên giới cũ, lấn sâu vào trong
đất Việt cả trăm mét nên chúng ta mất Ải Nam Quan. Xe
vừa đến ngã ba, anh tài vừa chạy vào trong khoảng chục
mét, cô em họ la lên:

- Ơ hay, anh đi đâu thế?

Anh Tài trả lời:

12 Ai Lên Xứ Laṇ g Cùng Anh? | TT-Thái An

- Thì đến Hữu Nghị Quan.

Cô em họ nói như ra lệnh:

- Anh quay xe lại ngay, đi cửa khẩu Tân Thanh để mua
sắm, chứ đến đây làm gì, có gì mà xem.

Anh tài phải nghe theo lệnh nên quay xe lại. Tôi buồn
phiền trong lòng nhưng không muốn cãi lại, sợ làm anh tài
bối rối.

Thế là xe vòng lại đi cửa khẩu Tân Thanh. Chạy khoảng
nửa giờ là đến. Gần đến nơi, thấy đường không bị nghẽn,
cô em họ nói ngay:

- Có lẽ lúc này hàng Trung Quốc bị tẩy chay nên không
thấy xe tải từ Trung Quốc qua chạy đầy đường làm nghẽn
lối như lúc trước.

Dì Loan cũng thêm vào:

- Ừ, lúc này dân chúng tẩy chay hàng Trung Quốc nên
đường vắng xe nhỉ.

Tôi mừng thầm vì dân chúng Việt Nam biết tẩy chay hàng
Tàu. Có lẽ họ sợ đồ dùng và đồ ăn của Trung cộng đều có
hóa chất độc hại. Xe đến cửa khẩu, nhưng không được đậu
xe hay chụp ảnh trước cửa, phải chạy ra xa, phía gần chợ.
Anh tài cho mọi người xuống mặt trước chợ.

Đây là khu chợ biên giới, không có kiến trúc đồ sộ, hoặc
đẹp đẽ, chỉ đóng bằng cây. Bên ngoài có nhiều cửa hàng
san sát nhau. Có lối đi dẫn vào phía trong, có nhiều sạp
chuyên bán hàng từ Trung cộng qua. Từ đồ điện, đồ ăn,
thuốc Bắc, đồ trang trí nhà cửa, quần áo người lớn, trẻ em,
quần áo lót phụ nữ, giầy dép, nồi niêu soong chảo, dao kéo.

Phía ngoài đường, có một ông bầy dưới đất các thứ dao do

TT-Thái An | Ai Lên Xứ Lạng Cùng Anh? 13

lò rèn địa phương làm, có loại dao to bản để chặt xương.
Dì Loan mua ngay một con, giá $80,000 (chưa đến 4 $US)

Có một nhóm phụ nữ sắc tộc đang đứng ngoài đường, gần
trước cửa chợ. Tôi tò mò xem họ nói tiếng gì nên đến gần
nghe. Tôi thấy họ mặc quần đen, áo bà ba kiểu miền Nam,
đầu chít khăn mỏ quạ mầu đen miền Bắc, răng còn nhuộm
đen. Dáng người thấp bé, cao khoảng một mét rưỡi thôi.
Trông họ khoảng trên dưới năm mươi tuổi.

Tôi hỏi thăm:

- Các bà người dân tộc gì thế?

Một bà trả lời:

- Xán Rìu.

Tôi chưa nghe qua sắc tộc này bao giờ nên hỏi lại lần nữa,
vì sợ họ nói không rõ. Bà khác lại trả lời “Xán Rìu”

Tôi lại hỏi:

- Bà mặc áo này là của sắc tộc bà đấy à?

Bà này trả lời ngay:

- Không, đây là áo bà ba của người Nam.

Tôi không ngờ bà cũng biết áo bà ba nữa.

Tôi lại hỏi:

- Thế bà không mặc áo của dân tộc bà nữa à?

Bà chỉ lắc đầu. Có lẽ những người dân tộc lúc này hay ra
buôn bán với người kinh nên họ đang từ từ chịu đồng hóa.

Cô em họ gọi điện thoại ngay cho người quen đến chở cô đi
mua xì dầu hiệu cô thích mà trên này mới có vì nó là hàng
của Trung quốc chở qua. Tôi và dì Loan vào chợ xem
hàng.

14 Ai Lên Xứ Lạng Cùng Anh? | TT-Thái An

Anh tài ghé ngay vào một hàng có bàn hút thuốc lào để
phía trước để hút miễn phí một vố thuốc lào. Ngoài Bắc,
các khách sạn địa phương và các tiệm phở, tiệm nước vẫn
còn để cái điếu cày trước tiệm cho khách hút thuốc lào
miễn phí.

Riêng khách sạn thì để điếu cày ở phòng khách. Trông anh
tài tuổi khoảng ngoài ba mươi, mặt mày thuộc loại đẹp trai,
ngồi cầm cái điếu cày bằng tre thật lớn mà tôi buồn cười
nhưng chẳng dám nói. Nhiều đàn ông miền Bắc đi đâu
thấy thuốc lào là ghé vào ngay. Nhưng chú Toàn không
hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Cũng hiếm đấy.

Một lúc sau Cúc trở lại vì đã mua xong xì dầu, bỏ vào xe
rồi vào chợ kiếm tôi với dì Loan. Nửa giờ sau chúng tôi trở
ra thì không thấy anh tài đâu, phải đứng chờ anh. Tiện thể
tôi chụp vài tấm ảnh đứng trước cổng Tân Thanh. Họ cấm
chụp ảnh ngay trước cổng, nhưng chúng tôi đứng gần chợ,
cách xa cổng, nhưng vẫn lấy được cái cổng phía sau vì nó
cao sừng sững, đứng từ xa cũng trông thấy. Một lúc sau
anh tài trở lại, tay cầm cái máng để gắn iphone trên xe để
anh có thể dùng GPS. Ở Việt Nam, GPS nói bằng tiếng
Việt, giúp cho các anh tài chạy xe đường trường rất nhiều.

Mua sắm xong, tôi nói với vợ chồng dì Loan cho xe trở lại
Ải Nam Quan mà giờ đây Trung cộng xây lên một cái cổng
mới cao lớn hơn, đặt tên Hữu Nghị Quan. Thế là anh tài
đưa chúng tôi trở lại Ải Nam Quan. Đến nơi, anh tài cho
xe đậu ở bãi, chỉ có vợ chồng dì Loan và tôi xuống xe đi bộ
đến cổng Hữu Nghị Quan.

Nơi đây không thấy nhà dân chung quanh, không có chợ
như cửa khẩu Tân Thanh. Chỉ có khách du lịch đến đây để
chụp ảnh hoặc phải vào căn nhà của sở di trú Trung Cộng
xây trên phần đất Việt Nam để xin visa hoặc xuất trình hộ
chiếu trước khi qua biên giới.

TT-Thái An | Ai Lên Xứ Lạng Cùng Anh? 15

Tôi đến gần sát căn nhà của sở di trú Trung Cộng, nhìn qua
phần đất của họ. Xa xa là cái cổng tam quan theo lối cổ,
mầu xám đậm, nằm trên con đường đất cũ. Nó cao hơn
những cái cổng tam quan của đình làng ở miền Bắc.
Nhưng không đồ sộ như cái cổng Hữu Nghị Quan mà
Trung Cộng mới xây. Có lẽ đó là Ải Nam Quan của Việt
Nam lúc trước, đã bị Trung Cộng chiếm từ năm 1999.

Tôi và vợ chồng dì chụp vài tấm ảnh trước cổng mới và lùi
lại sát hơn biên giới mới để chụp cho được cái cổng tam
quan cũ. Sau đó lên xe ra về. Khi xe sắp ra khỏi bãi đậu
xe, tôi cố ý chỉ cho anh tài và Cúc thấy cái cổng cũ đã bị
Trung cộng chiếm đoạt vì đã lấn vào phần đất của Việt
Nam cả trăm thước. Dì Loan phát biểu: “Sao Trung Quốc
tốt thế nhỉ?”

Dì không dám nói thẳng sao Trung Quốc xấu thế nhỉ. Anh
tài và Cúc không phát biểu gì cả. Tôi nhận thấy những
người lớn lên trong chế độ cộng sản đều biết sợ đảng, sợ
công an, sợ tai vách mạch rừng nên họ biết im lặng.

Dì Loan và Cúc trở lại Đồng Đăng để viếng chùa Tam
Thanh. Từ nhỏ tôi hay nghe câu ca dao:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh?
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.”

Thật thích thú khi ta được đến mảnh đất vẫn còn y nguyên
những cái tên cổ. Vẫn còn chợ Đồng Đăng, phố Kỳ Lừa,
chợ Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh, núi Tô Thị.

Trong trí tưởng tượng của tôi ngày chưa đến đây, tôi tưởng
chùa Tam Thanh là một kiến trúc cổ xây dựng công phu

16 Ai Lên Xứ Lạng Cùng Anh? | TT-Thái An

theo như kiểu các chùa chiền bên Tàu, tường bằng gạch,
mái ngói cong cong.

Ai ngờ, nó chỉ là cái hang trong núi khá khoảng khoát,
được người đời trước đem cái bàn thờ Phật vào đây, để trên
đó vài cái tượng, mấy cái bát hương cho khách thập
phương đến cúng. Đứng trước cửa hang là có thể nhìn thấy
bàn thờ phía trong rồi.

Dì Loan và Cúc vào quỳ trước bàn thờ để bái Phật, cũng có
một vài người đang quỳ gần đấy. Còn thì số đông khách
vào trong thăm viếng cái hang, họ đi ngang qua bàn thờ,
dạo vòng quanh để chụp ảnh. Có nước chảy rí rách từ
trong vách núi ra ngoài, ướt sàn và lối đi. Phía trong có bậc
đá lởm chởm cho người ta leo lên gần cổng trời. Là một
cái lỗ hổng phía trên cao nhìn lên trời. Cũng có những
thạch nhũ nhiễu từ trên cao xuống.

Có lẽ ngày xưa vật liệu xây cất rất tốn kém. Người nào
trông thấy cái hang này tiện quá, gần ngay phố chợ Đồng
Đăng, vào đấy làm chùa, không tốn tiền xây cất. Chỉ cần
xây cái cổng tam quan phía ngoài, là thành chùa.

Trước cửa chùa Tam Thanh có vài cây đa cổ thụ, tàng lọng
che kín một vùng phía ngoài đường. Vào buổi trưa vẫn còn
họp chợ rau bên cạnh những cây cổ thụ này. Các bà, các cô
hàng rau gánh hàng hoặc đẩy xe cây đến đây bán. Họ bán
rau ngót rừng từng bó xanh mướt, giá $5000 một bó (nghe
nói ở bên phía chùa Hương được gọi là rau sắng). Đọt có
nụ lấm tấm của ngót rừng bán riêng, đắt hơn, $20,000 một
lạng. Ngồng cải (cải ngọt) $8000 một bó. Rau bò khai
$8000 một bó. Rau bò khai là đặc sản của Lạng Sơn. Họ
cắt đọt rau dài khoảng hai gang tay rồi bó từng bó nhỏ để
bán. Có lẽ phải mua bốn bó mới xào được một đĩa cho 3
người ăn. Trên này họ vẫn dùng lá rừng để bó rau. Không

TT-Thái An | Ai Lên Xứ Laṇ g Cùng Anh? 17

dùng dây thun như ở Mỹ.

Chợt có hai bà cụ người kinh đi gần đến cổng chùa, cả hai
đều chít khăn nhung đen, áo ngắn, tay dài, quần đen. Quần
áo còn mới, loại hàng vải mới. Cả hai vẫn còn nhuộm răng
đen nhánh. Mặt mày trông đẹp lão, khoảng ngoài bảy mươi
tuổi.

Nếu trước 1954, có lẽ họ sẽ mặc áo dài để đi chùa. Nhưng
sau 1954, áo dài đã bị đảng cộng sản tẩy chay ở miền Bắc,
nên dân chúng không còn thói quen ra đường phải mặc áo
dài nữa. Nhìn hàm răng đen láy của hai bà cụ, tôi biết đây
là hình ảnh cuối cùng của tục nhuộm răng đen còn sót lại.
Tôi thấy thương hai cụ quá. Khi thế hệ của hai cụ qua đi,
hình ảnh này sẽ đi vào viện bảo tàng.

Con đường trước chùa Tam Thanh là chợ Đồng Đăng. Cửa
hàng san sát. Có nhiều bà ngồi rang hạt dẻ với cát trong
nồi gang để bán, giá $50,000 một ký. Có nhiều bà bán mã
thầy (củ năng), khi khách mua xong, các bà gọt vỏ cho
khách rồi cho vào bao nylon sạch để khách cầm đi ăn dọc
đường. Hạt dẻ rang ăn thơm hơn hạt dẻ luộc gói sẵn trong
bao nhập cảng từ Đại Hàn có bán tại các chợ Đại Hàn ở
Mỹ. Măng cũng là đặc sản của Lạng Sơn, ngoài chợ họ
bán măng chua muối sẵn từng lọ lớn, cho thêm nhiều trái ớt
đỏ nằm sát lọ trông đẹp mắt. Giá chỉ có $25,000. Mua về
có thể ăn như dưa chua mà không cần nấu. Nhưng có thể
nấu canh măng chua nếu thích.

Trên đường này đa số là tiệm bán quần áo. Tôi ghé vào
một tiệm bán quần áo, thấy họ bán áo dài tân thời, ngắn đến
đầu gối y như ở Hà Nội hay Sài Gòn. Giá khoảng từ
$150,000 đến $250,000 một cái.

Có người bầy các loại dược thảo dưới đất để bán. Có cò
mồi đứng chung quanh quảng cáo.

18 Ai Lên Xứ Laṇ g Cùng Anh? | TT-Thái An

Dì Loan và Cúc lễ Phật xong đi ra kiếm tôi và chú Toàn.
Chúng tôi đi bộ đến một đền khác, rồi đứng chụp hình
trước cửa. Thấy có một ông lão ăn mặc quần tây, áo sơ mi
thật lịch sự đang ngồi gác ở cổng, chúng tôi cố ý đứng xa ra
để không chụp trúng ông. Ông hiểu ý nói ngay:

- Chụp tôi có sao đâu. Tôi cũng xinh trai lắm mà!

Mọi người cười ồ lên trước câu nói đùa của ông lão. Dì
Loan nói nhỏ:

- Ông này mà lúc trẻ chắc cũng đẹp trai lắm nhỉ?

Tôi ghé qua hàng bán đồ lưu niệm. Mua hai chục đôi đũa
bằng gỗ nghiến. Vì cây nghiến là sản phẩm của Lạng Sơn.
Họ dùng gỗ nghiến làm thớt và đũa. Họ có bán dầu quế và
dầu hoa hồi (tai vị) nữa.

Sau đó Cúc hối mọi người đi ngay sang chùa Nhị Thanh.
Thế là lên xe qua chùa Nhị Thanh.

Chùa này cũng nằm cạnh một hang núi, được gọi là động
Nhị Thanh. Nếu đứng ngoài nhìn vào, phía bên trái là con
suối tên Ngọc Tuyền chảy từ trong hang núi ra, vào cái ao
phía trước tên Nhất Bích. Nước suối trong veo.

Dì Loan và Cúc vào chùa lễ Phật. Tôi và chú Toàn lại đi
dạo phía trước. Thấy có mấy bà người dân tộc đang bán
hàng bên kia đường, tôi đến gần xem.

Họ chít khăn màu đỏ, mặc váy và áo thổ cẩm đen. Họ bầy
hàng dưới đất bán các thứ thuốc gia truyền như thuốc đau
răng, rượu thuốc xoa bóp cho hết đau nhức, và bán cả mật
ong rừng.

Tôi tò mò hỏi:

- Các bà người dân tộc nào thế?

TT-Thái An | Ai Lên Xứ Laṇ g Cùng Anh? 19

Một bà trả lời:

- Người Mán.

Tôi à một tiếng rồi hỏi tiếp:

- Thế người Mán chít khăn mầu đỏ à?

Các bà gật đầu ngay. Tôi lại hỏi:

- Các bà bán thuốc gì thế?
Một bà chỉ vào lọ thuốc có nhiều thứ lá cây đang ngâm
trong nước hay rượu gì đó, và nói:
- Thuốc đau răng. Khi đau răng, lấy thuốc này bôi lên một
lúc là hết đau.

Tôi nghĩ thầm đó là cách cổ truyền của họ vì họ không có
phương tiện đến nha sỹ khám răng để lấy gân máu cái răng
sâu đó hoặc phải nhổ đi. Chứ thuốc nhức răng chỉ cầm đau
trong chốc lát, đâu có khả năng diệt sạch loại vi trùng đang
đục khoét cái tủy răng đang đau đó?

Nhưng dù sao, những người Mán này còn sống y như thời
cổ, vẫn còn giữ nguyên văn hóa của họ.

Xứ Lạng là xứ núi rừng, có nhiều nhóm dân tộc thiểu số ở
đây. Phụ nữ của họ ra phố buôn bán với người Kinh. Phần
đông họ đều thấp bé, nhỏ người so với người Kinh. Không
biết đàn ông của họ còn ăn mặc theo cổ truyền nữa không
hay đã mặc theo người Kinh, quần tây, áo sơ mi? Không
thấy đàn ông dân tộc ngoài đường phố. Có lẽ họ ở nhà giữ
con cho vợ đi bán hàng?

Khi dì Loan và Cúc trở ra, chú Toàn kêu đói bụng rồi, phải
đi ăn thôi. Thế là anh tài cho xe chạy qua phố Kỳ Lừa, qua
chợ Kỳ Lừa, đến nhà hàng Minh Quang. Nhà hàng có sân
trước cửa trang trí hòn non bộ, nuôi cá koi. Bên trong rộng
rãi, bàn ghế bằng gỗ thật, trông khá sạch sẽ và tân thời.

20 Ai Lên Xứ Laṇ g Cùng Anh? | TT-Thái An

Cúc chọn món ăn vì đến nhà hàng này nhiều lần trước rồi.
Gọi bẩy món. Nhà hàng bán cơm Việt Nam, nhưng có món
Khấu nhục, là món ăn phổ thông của người Tàu Quảng
Đông, Quảng Tây thời xưa, hay dọn trong các tiệc cưới,
hỏi, giỗ kỵ hay tết nhất. Thời này nó chỉ còn trong món ăn
gia đình, không lên được tiệc cưới. Xứ Lạng gần biên giới
Tàu, có nhiều người Tàu ở đây lâu đời nên ẩm thực ở đây
chịu ảnh hưởng Tàu là chuyện đương nhiên.

Cúc gọi bẩy món, trong đó có một đĩa rau bò khai xào tỏi.
Không xào với thịt, chỉ có rau thôi mà vị ngọt của rau thật
tuyệt vời, ngọt hơn đọt rau bí đỏ. Cúc gọi một tô canh
măng chua nấu cá. Họ cũng bỏ thìa là vào canh măng
chua. Gà đồi ở đây luộc ăn với lá chanh, da màu vàng
bóng, mùi thịt cũng thơm, ngọt và vừa độ dai như gà ở Hà
Nội.

Ăn xong khoảng hơn ba giờ chiều. chuẩn bị về cho kịp đến
Hà Nội không quá khuya.

Anh tài cho hay giờ này về ngang Bắc Giang thế nào cũng
gặp nhiều hàng bán lợn quay với lá mốc mật bầy bán dọc
đường. Vì đó là đặc sản của Bắc Giang. Cả đoàn hý hửng
dặn ngay anh tài khi nào thấy hàng lợn quay nhớ ghé vào
nhé. Y như rằng, xe vừa chạy qua Lạng Sơn vào Bắc
Giang, đã thấy một hàng lợn quay. Mọi người reo lên nhắc
anh tài. Anh đã chạy quá gần chục mét nên mọi người
xuống xe đi ngược lại. Chị bán lợn quay đang đứng phía
sau cái lò than vội chạy ra chào khách.

Con lợn quay còn nằm trên cái trục quay được bầy trên cái
xe bán hàng. Trong bụng nó nhét đầy lá mốc mật. Tôi trông
thấy lá mốc mật quen quen, giống như lá cà ri. Mà đúng là
chính nó. Tên địa phương ở đây gọi là “Mốc mật”. Vào đến
Sài Gòn, có mấy cửa hàng bán vịt quay lá “Mắc mật”. Họ

TT-Thái An | Ai Lên Xứ Lạng Cùng Anh? 21

đọc trẹo “Mốc” thành “Mắc”. Lá này được ăn chung với
thịt lợn quay nên người bán gói thêm cho khách một gói lá.

Da lợn quay ở đây không phồng xốp như lợn quay của Tàu
mà trơn và bóng láng, mầu đỏ thẫm, rất giòn. Lợn nhỏ,
khoảng 30 kg một con. Họ bảo là lợn cắp nách. Trong
Nam ngày xưa gọi là “heo mọi”. Giá bán tùy theo loại thịt:
ba chỉ: $120,000/kg; thịt đùi: $80,000/kg; thịt vai
$100,000/kg.

Vào tháng Ba, tháng Tư 2018, giá $100 US = $2,275,000
tiền Việt.

Dân Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn đều có giọng nói
từa tựa dân Hà Nội. Phát âm chuẩn dấu hỏi, dấu ngã. Và
không bị nói ngọng “L” thành “N” hoặc ngược lại như dân
một số vùng quê các tỉnh khác. Hình như từ Hà Nội ngược
lên phía Đông Bắc hoặc Tây Bắc, dân chúng đều nói một
giọng như nhau. Chỉ khác là người Hà Nội xưa, trước 1954
nói năng kiểu cách, lịch lãm hơn dân các vùng khác vì đó là
văn hóa của kinh đô, từ thời các vua chúa, quan liêu để lại.
Cúc mua hai ký thịt hai loại khác nhau rồi mời mọi người
ghé nhà ăn tối trước khi về nhà. Cô em họ này rất nhanh
nhẹn. Cô ngồi trên xe mà bấm phone gọi hai bà chị ở gần
nhà sang nhà Cúc chuẩn bị mọi thứ trước. Cô hướng dẫn
bà chị mở tủ lạnh nhà cô lấy thịt và các thứ rau trong tủ ra
để khi cô về sẽ làm lẩu.

Dọc đường Bắc Giang cho đến biên Bắc Ninh còn nhiều
hàng bán lợn quay khác.

Về đến nhà Cúc chưa đến bẩy giờ tối. Dì Loan phải đi nằm
một lúc vì đã mệt. Cúc và hai bà chị cùng một cô bạn
chuẩn bị trong bếp.

Có cả chục người ngồi ăn lẩu với nhau thật ấm cúng. Hai
ông chồng của hai bà chị cũng có mặt. Thích nhất là được

22 Ai Lên Xứ Laṇ g Cùng Anh? | TT-Thái An

ăn nhiều thứ rau khác nhau. Cúc đem cả mấy bó rau bò
khai vừa mua ở Lạng Sơn ra ăn lẩu.
Ăn xong, anh tài chở vợ chồng dì Loan và tôi về Quảng
An. Trước khi xuống xe, tôi đưa cho anh tài $200,000 tiền
thưởng, anh không lấy. Dì Loan nhất định bảo tôi cất tiền
đi rồi dì lấy tiền của dì đưa cho anh tài, bảo là tiền bồi
dưỡng. Nói mãi anh mới lấy, có lẽ anh thấy lạ. Riêng tôi,
cái tiếng “bồi dưỡng” nghe cũng lạ lắm.
Tôi đã lên xứ Lạng, không phải vì được anh gọi mời “Ai
lên xứ Lạng cùng anh?”
Anh đã sinh ra và sống ở đây vỏn vẹn mười ba năm rồi di
cư vào Nam, để lại người mẹ già nơi đây. Anh đã chết
trong Nam khi tuổi vừa ba mươi vì đã “Anh dũng hy sinh
đền nợ nước”. Được trao tặng Bảo Quốc Huân Chương
với Nhành Dương Liễu. Được vinh thăng thêm một lon
nữa.
Tôi lên xứ Lạng để tìm lại một chút gì của anh. Những con
đường đất ngày xưa anh đi qua chắc không còn nữa, phố xá
và những con người ngày xưa cũng chẳng còn. Chỉ còn lại
những cái tên cổ có sẵn từ trước khi anh sinh ra.
Tôi lên xứ Lạng để biết nơi chốn đã sản sinh ra anh. Một
người tôi đã quen năm mươi năm về trước.

TT-Thái An
5/24/2018

TT-Thái An | Ai Lên Xứ Lạng Cùng Anh? 23

Bí Ngô Bí Rợ Bí Đỏ

TT-Thái An

Ở Việt Nam trước năm 1975, chỉ có một loại bí đỏ bầy bán
ở chợ, người miền Nam có nơi gọi là bí Rợ, có lẽ bí có
nguồn gốc từ các sắc tộc thiểu số mang đến. Người miền
Bắc còn gọi nó là bí Ngô, có lẽ trông nó có màu vàng sậm
như ngô (bắp). Nhưng ở Việt Nam không có nhiều loại bí
đỏ; lúc trước chỉ có một thứ mà thôi.

Những năm gần đây, có lẽ do Việt kiều cư ngụ ở Mỹ mang
về nhiều loại giống nên đã thấy một vài loại bí đỏ khác trên
thị trường.

Cứ đến tháng 10, ở Mỹ và Canada người ta đã thấy các loại
bí đỏ bầy bán ở chợ, chúng có nhiều hình dạng và màu sắc
khác nhau. Người Mỹ và người Gia Nã Đại dùng bí đỏ để
trang trí trước sân nhà hay trong bếp vào dịp lễ Holloween.
Khi đến lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) thì dùng bí đỏ
(pumpkin) để làm bánh tạc (pumpkin pie).

Người Việt Nam không dùng bí đỏ để làm bánh, mà nấu
canh hoặc nấu chè đậu xanh còn cả vỏ. Nhưng bí đỏ của
Mỹ thì người Việt không thích ăn vì không hợp khẩu vị của
mình.

Bí đỏ loại to tướng như cái nồi của Mỹ không bùi béo như
bí đỏ của Việt Nam. Nhưng bù lại, có những loại bí đỏ

24 Bí Ngô Bí Rợ Bí Đỏ | TT-Thái An

khác của Mỹ rất ngon, như hubbard squash, ngoài chợ Đại
Hàn còn gọi là Kabocha squash (hay Japanese pumbkin) ,
kích thước chỉ bằng bàn tay hoặc lớn hơn một tí. Lúc vỏ
còn xanh, bên trong đã có màu vàng sậm gần như màu
cam, nấu canh ăn rất ngọt, dẻo và béo bùi.

Còn một loại bí đỏ khác, cũng rất ngọt và béo bùi là
butternut squash. Có hình ống dài, trông như trái bầu nhỏ,
nhưng vỏ màu vàng, bên trong có mầu vàng sậm; có ít hạt
phía dưới phần bụng phình ra. Bí này nấu canh ăn rất ngon.

Ngoài ra, ở Mỹ còn nhiều loại bí đỏ làm kiểng, trái bé tí,
hình dạng khác nhau từ dài đến tròn dẹp, vỏ sần sùi như da
cóc, có màu sắc xen lẫn nhau từ xanh lá cây đậm đến nhạt,
vàng đậm đến màu cam trông rất đẹp mắt.

Ngày trước ở Việt Nam, chúng ta chỉ biết một ít rau quả
của mình. Nay ở Mỹ và các nước Âu, Á, chúng ta có cơ
hội biết thêm nhiều chủng loại rau quả khác. Nhất là ở Mỹ,
một nước hiệp chủng, các nhóm di dân đem theo và trồng
trọt những thứ rau quả và ngũ cốc của họ mà mọi người
sống trên nước Mỹ và Canada có cơ hội biết đến và được
thưởng thức nhiều thứ khác nhau.

Ngày xưa lúc còn ở Việt Nam, khi xem phim Giant của
Mỹ, thấy cảnh con gà tây to tướng đã quay vàng bầy giữa
bàn cho một ông chủ xơi (Rock Hudson đóng vai ông chủ),
vì vợ con ông chủ đã về thăm bên vợ ở xa lắm trong ngày
lễ Tạ Ơn. Để ông ở nhà một mình với lão quản gia và bà
bếp. Theo thông lệ, bà bếp vẫn phải nấu buổi cơm tối Tạ
Ơn có con gà tây cho ông chủ. Ông quản gia bầy bàn tiệc
thật long trọng, ngoài con gà tây quay, còn nhiều món phụ
khác như khoai lang tán và đậu ve. Nhưng chỉ có mỗi mình
ông chủ ngồi đó, những cái ghế khác bỏ trống.

Lão quản gia xẻ gà cho vào đĩa của chủ nhân. Chủ nhân

TT-Thái An | Bí Ngô Bí Rợ Bí Đỏ 25

đưa lên ăn miễn cưỡng một lần rồi buông xuống, bảo lão
quản gia dẹp đi, ông không muốn ăn nữa vì nhớ vợ con
quá, hết muốn ăn. Lão quản gia trung thành, thấy chủ buồn
thì thương cảm cũng sụt sùi nước mắt, đứng ở một góc
phòng lấy khăn tay lau nước mắt.

Thế mới biết lễ Tạ Ơn là một ngày đoàn tụ gia đình của
người Mỹ. Vì thế nếu ai không có gia đình đề về đoàn tụ là
một nỗi buồn da diết, thấm thía cảnh “Đêm đông ta mơ giấc
mơ gia đình yêu thương” (Đêm Đông của Nguyễn Văn
Thương).

Lúc đó tôi thấy sao mà ông chủ Mỹ sang quá! Có một
mình ông chủ mà cũng phải làm cả một con gà tây cho ông,
làm sao ăn cho hết? Đã thế, còn bỏ nguyên con gà, không
thèm ăn nữa chứ. Tôi mừng thầm cho bà bếp và lão quản
gia, vì ông chủ bỏ cho họ ấy mà. Lúc đó tôi cũng có thắc
mắc không biết gà tây ăn ra làm sao, chắc là ngon lắm.

Ở Mỹ, trước ngày lễ Tạ Ơn ngoài chợ bán vô số gà tây, sale
rẻ quá chừng. Giàu nghèo gì cũng có thể mua gà tây như
nhau. Người Mỹ và nhiều sắc dân di cư đến đây đều mua
gà tây về làm bữa tiệc trong ngày lễ Tạ Ơn.

Nhiều hãng xưởng của Mỹ phát gà tây cho nhân viên trước
ngày lễ Tạ Ơn, có hãng lớn quá, họ cho nhân viên phiếu gà
tây để ra chợ mua gà tây, đưa phiếu này ra trả thì được
miễn phí.

Như thế thời của phim Giant, ông chủ giàu có chắc chắn
phát gà tây cho gia nhân, tôi tớ và những người làm công
trong nông trại của ông đem về trong dịp lễ Tạ Ơn chứ
không phải chờ ông bỏ con gà tây của ông người quản gia
và bà bếp mới có gà tây mang về nhà.

Sau này ở Mỹ tôi đã biết gà tây ăn ra sao rồi. Nó không
ngon như gà thường, vì thị khô và không ngọt lắm. Nhưng

26 Bí Ngô Bí Rợ Bí Đỏ | TT-Thái An

tôi vẫn làm gà tây mỗi năm vào dịp lễ Tạ Ơn cho các con từ

khi chúng còn bé. Việc đó đã trở thành thông lệ. Mẹ con
quây quần bên nhau trong ngày lễ Tạ Ơn để cảm nhận được
ơn thương xót của Thiên Chúa trên chúng tôi và trên dân
tộc Mỹ là dân đã cưu mang chúng tôi.

Các con tôi ăn không bao nhiêu, nhưng hễ thấy con gà tây
vàng bóng trên bàn là mắt chúng đã sáng lên rồi. Bốn mẹ
con chỉ ăn khoảng ¼ con gà là hết sức hết cỡ rồi. Hôm sau
ráng ăn thêm lần nữa là thôi.

Hỏi thăm các bà Việt Nam khác làm gì với phần gà tây còn
dư. Đa số bảo là làm xôi gà tây hoặc ruốc (chà bông) gà
tây.

Tôi thấy ăn hai ngày gà tây và các món phụ kiểu Mỹ đã khô
khan quá rồi nên nghĩ ra món phở gà tây ăn cho có nước.
Tôi gỡ bớt một phần thịt ra, còn bộ xương và rất nhiều thịt
bỏ vào nồi nấu phở y như phở bò. Khi ăn cho thịt gà tây và
hành ngò lên y hệt như tô phờ bò vậy. Trời lạnh mà ăn tô
phở nóng thì ấm áp biết mấy.

Có một bà vợ của một ông HO tâm sự rằng ngày xưa ở Việt
Nam lúc chồng đi tù cải tạo, bà ở nhà tảo tần nuôi con,
thỉnh thoảng đi tiếp tế nuôi chồng. Nhiều năm kham khổ,
ăn uống thiếu thốn, thịt không có mà ăn, nhìn thấy hình ảnh
con gà tây trên phim ảnh Âu Mỹ thời xưa bà ước ao sao có
lần được ăn một miếng.

Nhưng từ khi sang Mỹ, bà ăn gà tây mỗi năm vì có lễ Tạ
Ơn ở nhà thờ và ở nhà, bà đã thỏa lòng thỏa dạ vì biết đến
con gà tây ăn ra thế nào dù bà chẳng thấy nó ngon gì cả.

Nhưng bà vẫn tạ ơn Chúa cho gia đình bà có cơ hội sang
Mỹ định cư và không còn thèm thuồng ao ước được ăn gà
tây hay một món gì nữa.

TT-Thái An | Bí Ngô Bí Rợ Bí Đỏ 27

Nếu nói theo kinh thánh thì nước Mỹ là nước “đượm sữa và
mật” để chỉ sự trù phú và giàu có của nó. Không phải chỉ
trù phú trên tài nguyên thiên nhiên, nhưng giàu có trên mọi
lãnh vực. Điều đó cả thế giới đều biết. Được sinh ra và lớn
lên trên đất nước này là một ơn phước lớn. Được đến đây
định cư là một cái phước lớn hơn nữa.

Nhiều người từ các quốc gia khác trên thế giới đến đây
định cư vì không còn muốn sinh sống trên đất nước họ vì
nhiều lý do. Nhưng lý do chánh cũng chỉ vì đất nước này
cho họ được hưởng nhiều thứ mà cố quốc của họ không
cung cấp cho họ được.

Ở đây họ có tự do dân chủ, có dân quyền, có nhân quyền,
được sống trong một môi sinh an toàn, hít thở khí trời trong
lành, uống những nguồn nước trong lành, ăn những thực
phẩm có kiểm soát an toàn. Đồ ăn thức uống lúc nào cũng
đầy ắp trong tủ lạnh, ăn không hết thì vứt bỏ.

Nếu nghèo quá, không đủ tiền nuôi một đàn con thì xin trợ
cấp của chánh phủ, vẫn ăn uống phủ phê như thường.

Vậy mà có nhiều người đã vô ơn, không nhớ ơn đất nước
đã cưu mang họ, mà nỡ nào đem súng, đem mìn vào đám
đông để giết người hàng loạt.

Mới hơn tuần trước đây, ở New York có một tên khủng bố
đã lái xe truck ủi vào nhiều người vô tội đang đi trên đường
chỉ vì hắn nhân danh thần của hắn mà giết người Mỹ. Mà
có phải một vụ này thôi đâu, đã có biết bao nhiều vụ khủng
bố giết người vô tội rồi.

Họ không muốn sống ở nước họ vì đất nước họ không cung
cấp nổi những nhu cầu tối thiểu cho một con người từ vật
chất cho đến tinh thần như họ mong muốn, họ chạy chọt
xin di cư vào nước Mỹ để hưởng mọi tiện nghi vật chất và
nhân đạo, nhân quyền nhưng vẫn thù ghét nước Mỹ.

28 Bí Ngô Bí Rợ Bí Đỏ | TT-Thái An

Đất nước Hoa Kỳ có lịch sử của những người Cơ Đốc giáo
di dân vào đây từ thời còn hoang vu, phải phấn đấu cày bừa
từng thẻo đất, đốn từng khu rừng; phải đương đầu với thiên
tai, thời tiết khắc nghiệt và nguy hiểm đến tánh mạng vì
phải đánh trận với thổ dân da đỏ. Họ đi đến đâu đều xây
dựng nhà thờ để thờ phượng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa
đã tạo ra muôn loài vạn vật mà họ gọi là God. Họ làm gì
cũng kêu cầu đến sự giúp đỡ của Ngài; Chúa là Đấng đã đi
theo và phò giúp họ từ những buổi đầu mới đến khai phá
đất nước này.

Đức Chúa Trời rất thành tín, luôn giữ lời hứa của Ngài.
Khi Ngài phán rằng “Ta sẽ ban ơn đến ngàn đời cho những
kẻ yêu mến ta” thì chắc chắn có như vậy.

Đất nước Hoa Kỳ đã thay đổi rất nhiều, nhiều người trẻ tuổi
ngày nay xoay lưng khỏi Đức Chúa Trời, họ xác nhận rằng
họ chẳng tin vào thần linh nào hết kể cả God. Vì được luật
pháp cho phép tự do tín ngưỡng nên chúng ta phải tôn trọng
niềm tin của mọi người. Họ đòi chánh phủ sửa luật pháp
theo ý họ dù tổ tiên họ đã đặt nền tảng luật pháp của nước
Mỹ trên lời Kinh Thánh của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức
Chúa Trời còn rũ lòng thương xót mà chậm nóng giận trên
đất nước này.

Mỗi ngày, còn biết bao nhiêu người tin Chúa kêu cầu đến
sự thương sót của Đức Chúa Trời trên đất nước Hoa Kỳ.
Vì đối với niềm tin Cơ Đốc, họ biết khi một dân tộc từng
có Chúa làm chủ, nhưng sau lại đi ngược với ý muốn của
Đức Chúa Trời, thì sẽ khốn khổ cho dân tộc đó. Ngay cả
những vị Tổng Thống Mỹ cũng biết kêu cầu đến sự trợ giúp
của Đức Chúa Trời trên chức vụ của họ. Dĩ nhiên các vị
này cũng phải biết kêu cầu sự thương xót của Đức Chúa
Trời trên đất nước này nữa. Vì nếu Đức Chúa Trời để ý
đến tội lỗi ngày càng gia tăng và luật pháp phải sửa đổi

TT-Thái An | Bí Ngô Bí Rợ Bí Đỏ 29

theo ý dân để hợp thức hóa mọi điều họ làm mà Kinh
Thánh đã răn cấm thì không biết cơn giận của Ngài sẽ đổ
xuống như thế nào? Vì người hại không bằng Trời hại đâu.

Làm dân của một đất nước mà vị tổng thống biết kính sợ
Đức Chúa Trời và kêu cầu đến Ngài mỗi ngày là một cái
phước lớn. Vì nhiều lần trong kinh thánh ghi lại Đức Chúa
Trời ban phước cho dân tộc Do Thái qua người lãnh đạo
của nước đó.

Hãy nhìn lại lịch sử của dân Do Thái từ thời họ mới lập
quốc trên 3500 năm trước, hễ vị vua nào trung tín với Đức
Chúa Trời thì họ được bình yên, thạnh vượng. Hễ vị vua
nào lìa bỏ Đức Chúa Trời đi theo các thần ngoại bang thì
Đức Chúa Trời phó đất nước họ vào tay kẻ thù.

Những người kính sợ Chúa, khi đọc kinh thánh họ biết rõ
điều này “Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai
nghịch với chúng ta” (Rô Ma 8:31)

Câu kinh thánh trên không có nghĩa là dân tộc đi theo Chúa
sẽ không có kẻ thù. Kẻ thù thì lúc nào cũng có. Nhưng
chúng nó sẽ chẳng thắng hơn được dân sự của Đức Chúa
Trời.

Loài người còn tiếp tục gây chiến với nhau cho đến khi trái
đất bị chính loài người hủy diệt.

Nhưng còn sống ngày nào hãy tạ ơn Thiên Chúa ngày đó vì
Ngài đã tạo nên chúng ta và ban cho chúng ta hơi thở. Dân
sự của Đức Chúa Trời cầu nguyện với Ngài cho đất nước
Hoa Kỳ từng ngày để lòng dân trở lại cùng Đức Chúa Trời
như những buổi ban đầu hầu cho Đức Chúa Trời còn tiếp
tục ban phước trên đất nước này.

Cầu nguyện cho nước Mỹ cũng là cách Tạ Ơn nước Mỹ và
Tạ ơn Đức Chúa Trời.

30 Bí Ngô Bí Rợ Bí Đỏ | TT-Thái An

Đất nước này đang phải đối phó với kẻ thù từ bên trong cho
đến bên ngoài. Nhưng nếu Đức Chúa Trời ở cùng chúng
ta, thì còn ai thắng hơn chúng ta?

TT-Thái An
Mùa Tạ Ơn 2017

TT-Thái An | Bí Ngô Bí Rợ Bí Đỏ 31

Bớt Một Miệng Ăn

TT-Thái An

Khoảng tháng tám hay tháng chín năm 1973, Thọ đang học
lớp đệ nhị -lớp 11 bây giờ. Vừa nhập học khoảng hai tháng
thì bộ Quốc Phòng của miền Nam ra thông cáo tất cả thanh
niên 17 tuổi đang học lớp đệ nhị phải trình diện nhập ngũ.
Những thanh niên 17 tuổi đang học lớp đệ nhất, lớp 12, thì
miễn trình diện. Có lẽ vì nhu cầu của chiến trường lúc đó
mà bộ Quốc Phòng phải trưng dụng đến thanh niên 17 tuổi.
Thọ nằm trong diện này nên phải “xếp bút nghiên theo việc
đao cung.”

Thọ đến gặp người yêu để chia tay. Chàng quen với Đào từ
năm đệ tam, mỗi lần Thọ đi đá banh cho đội của lớp mình
Đào đều đi theo cổ vũ và đem theo bình nước đá chanh cho
Thọ. Hai đứa gặp nhau thường xuyên trong tuần, nói
chuyện hoài không biết chán, lại còn thề non hẹn biển nữa.
Đào nghẹn ngào khi hay tin Thọ phải lên đường nhập ngũ.
Đào nhắc nhở mãi rằng Thọ phải năng viết thư cho Đào.
Cả hai đứa cùng bịn rịn không muốn rời xa. Thọ nấn ná
mãi rồi cũng phải ra về để chuẩn bị cho chuyến đi Đà Nẵng
sáng ngày mai.

Những ngày được huấn luyện ở Bà Nà, Đà Nẵng, Thọ
mong ngóng cho đến ngày được thân nhân đến thăm. Khi
được gọi ra gặp người nhà, Thọ mừng rỡ cảm động vì sắp
nhận được thư của người yêu. Nhìn thấy mẹ, Thọ tuy

32 Bớt Một Miệng Ăn | TT-Thái An

mừng nhưng cứ thấp thỏm chờ mẹ đem thư của người yêu
ra trao cho, nhưng chờ lâu chẳng thấy. Thọ rụt rè hỏi mẹ:

- Ủa! Mẹ không có thư của Đào gửi cho con à?

Bà Công áy náy trả lời:

- Mấy hôm trước mẹ có cho nó hay, nhưng nó bảo là bận
làm gì đó, nó hẹn kỳ sau vậy.

Thế là Thọ hơi thất vọng, nhưng vẫn tin tưởng kỳ sau sẽ có
thư của Đào. Chưa kể, Thọ có gửi thư cho Đào, cho số
KBC của Thọ mà chờ mãi không thấy hồi âm. Chàng đem
giấy ra biên thư cho Đào rồi nhờ mẹ cầm về đưa tay cho
Đào. Nhưng Thọ chờ mãi vẫn không thấy thư hồi âm của
Đào.

Sau bốn tháng quân trường, Thọ hoàn tất khóa huấn luyện
về kế toán tài chính, với cấp bậc Binh Nhì.

Về đến nhà, việc đầu tiên Thọ quăng ngay cái ba lô vào
một góc rồi chạy qua nhà của Đào. Chàng nhớ nàng quá,
muốn gặp Đào để nói với nàng bao lời yêu thương, nhung
nhớ và trách nàng sao không biên thư cho Thọ, để chàng
phải chờ mong. Đến trước cổng nhà Đào, nhìn qua khung
cửa sổ, Thọ thấy Đào thấp thoáng sau rèm. Vẫn vóc dáng
mảnh mai, khuôn mặt bầu bĩnh, mái tóc dài không lẫn vào
đâu được. Thọ cảm động bấm chuông. Đào quay lại trông
thấy Thọ thì vội quay đi.

Đứa em trai của Đào ra mở cửa. Thọ hỏi ngay:
- Chào em. Nói với chị Đào có anh Thọ đến thăm.
Nó trả lời ngay:
- Chị Đào không có nhà.
Vừa nói, nó vừa quay lại nhìn vào nhà.
Thọ không tin nó nói đúng, hỏi lại:

TT-Thái An | Bơt́ Một Miêṇ g Ăn 33

- Anh vừa thấy chị Đào trong nhà mà. Sao em nói không có
nhà, bộ nói đùa sao em?

Đứa em trai trả lời thêm lần nữa:

- Chị Đào không có nhà, anh đi về đi.

Thọ không tin nổi, hỏi lại lần nữa:

- Tại sao chị Đào có nhà mà em nói không có?

Đứa em lại trả lời:

- Đã bảo là không có nhà mà anh cứ hỏi hoài.

Thọ đã lờ mờ hiểu được nên hỏi thẳng:

- Có phải chị Đào không muốn gặp anh nữa phải không?

Đứa em chần chừ một lúc, quay đầu nhìn vào nhà như xem
chừng lỡ chị nó trông thấy, rồi quay ra khe khẽ gật đầu.
Nhưng Thọ cố gắng nài nỉ nó:

- Cho dù chị Đào không muốn gặp anh nữa, anh cũng xin
chị Đào cho nói chuyện lần cuối. Em làm ơn vào nói với
chị Đào giùm anh.

Đứa em chần chừ rồi chạy vào nhà. Một lúc sau nó lại
chạy ra, nói với Thọ:

- Chị Đào bảo anh về đi, chị không ra đâu. Anh đừng chờ
nữa vô ích.

Thọ đau điếng, chết lịm một phút rồi cám ơn thằng em.
Chàng quay lưng ra về, chẳng còn thiết nói thêm lời nào.
Về đến nhà, Thọ leo ngay lên cái gác của mấy anh em, lăn
đùng ra khóc. Chàng gào khóc như một đứa bé bị lạc mẹ
giữa chợ.

Khóc một lúc lâu, cơn đau vẫn còn đầy, Thọ đập chân tay
vào tường kêu đùng đùng. Chàng muốn phá nhà cho đã

34 Bớt Một Miệng Ăn | TT-Thái An

cơn đau đớn và uất ức lúc này. Mẹ và các chị chạy lên
khuyên can cũng chẳng được nên lại bỏ xuống. Có ai vào
nhà lúc này nghe thấy tiếng đấm thùm thụp của Thọ vào đồ
đạc, chăn gối, có thắc mắc hỏi thì các chị trả lời là Thọ
đang bị đau răng nên đập phá trên gác.

Đâp phá được một buổi chiều, Thọ lăn ra nằm dài trên gác,
đến bữa ăn cũng chẳng màng xuống ăn.

Chàng ngẫm nghĩ cũng chỉ vì mang lon Binh Nhì mà Đào
bỏ chàng. Như thế Đào đâu thương yêu gì chàng, nàng chỉ
vì bồng bột mà cặp với chàng học trò Thọ cho vui vậy thôi.
Bây giờ chàng làm Binh Nhì, nàng cảm thấy mất vui.

Nằm vùi trên gác vài ngày. Thọ phải dậy đi nhận nhiệm sở.
Thọ gia nhập binh chủng Không Quân, làm kế toán phát
lương, đóng trong phi trường Tân Sơn Nhất.

Lương Binh Nhì không mua được cái xe gắn máy. Kinh tế
gia đình đang lúc khó khăn. Vì lương công chức của bố
không thấm vào đâu so với vật giá leo thang vùn vụt.

Việc đem hàng ra miền Trung bỏ mối hàng tháng của mẹ
hoàn toàn chấm dứt. Vì từ khi quân đội Mỹ rút lui khỏi
miền Nam đầu năm 1973, sở Mỹ đóng cửa kéo theo bar
quán, tiệm ăn, tiệm quần áo đóng cửa hàng loạt. Vì thế
Thọ chỉ mua được chiếc xe đạp mới để ngày ngày đạp xe đi
làm.

Nhưng sức trai đang lớn như Thọ ăn rất khỏe, Thọ ăn gấp
ba lần người khác nên với một tạ gạo hàng tháng của gia
đình chín miệng ăn không còn đủ cung ứng cho Thọ.

Mỗi buổi cơm mẹ phải nhắc nhở mỗi người chỉ được hai
bát cơm. Hai bát cơm chẳng thấm vào đâu với Thọ nên lúc
nào Thọ cũng đói.

TT-Thái An | Bớt Một Miệng Ăn 35

Thọ nghe vài người hàng xóm nói rằng mẹ Thọ không biết
giữ tiền, có bao nhiêu ăn xài hoang phí hết chẳng lo để
dành để phòng khi không buôn bán được nữa thì còn cầm
cự được lâu dài. Những người khác buôn bán như mẹ Thọ
đã sắm thêm được một căn nhà khác để cho thuê.

Thọ biết họ nói đúng, vì mẹ Thọ có tánh tiêu xài rất “sang”,
nhưng không ai trong nhà dám nói mẹ một câu vì mẹ là
người làm ra tiền nhiều hơn bố. Mẹ có quyền nhiều hơn bố.

Một hôm Thọ bàn với mẹ khi Thọ đi làm về sẽ ghé nhà
người cô họ ăn cơm rồi sẽ về nhà.

Vì nhà cô Hảo khá giả, tánh cô lại rộng rãi với họ hàng.
Thọ có ghé ăn cơm mỗi ngày cô cũng vui lòng thôi. Một
hai ngày đầu ăn tối xong Thọ ra về.

Nhưng dần dà Thọ ngủ lại nhà cô luôn. Vì ở nhà cô có
thằng em họ nhỏ hơn Thọ ba tuổi nói chuyện rất hợp. Ngày
nào ăn tối xong nó cũng lái xe Honda chở Thọ ra Sài Gòn
chạy lòng vòng, rồi rủ Thọ ăn quà và nó trả tiền, hoặc có
hôm cả hai lên sân thượng ngắm trăng sao. Hôm nào gặp
cô hàng xóm cũng đang lên sân thượng ngắm sao thì Thọ
có đối tượng để tán. Thọ cảm thấy yên ổn sống trong nhà
của cô.

Mỗi sáng cô Hảo còn đưa tiền cho Thọ đi ăn sáng. Cô đưa
tiền quà sáng cho Thọ y như cho các con của cô vậy. Mỗi
tháng lãnh lương ra Thọ về nhà đưa hết cho mẹ vì Thọ biết
số lương của mình tuy nhỏ nhoi nhưng cũng giúp thêm
được tiền chợ cho mẹ nuôi cả nhà tám miệng ăn. Nhà Thọ
có bảy anh chị em. Thọ là con trai thứ tư; trên Thọ có một
anh trai và hai chị gái.

Ở nhà cô hơn nửa năm thì chiều ngày 26 tháng Tư, 1975
tan sở về, Thọ báo tin cho mấy người em họ hay gia đình

36 Bơt́ Một Miệng Ăn | TT-Thái An

ông Đại Tá Nguyễn Văn, xếp của Thọ đã di tản bằng phi cơ
vào sáng tờ mờ hôm đó. Thọ biết rằng những sỹ quan cấp
lớn đều đưa gia đình di tản từ mấy hôm nay.

Thọ còn nói đùa: “Hôm nào không còn xếp nào ở văn
phòng nữa thì tớ lên làm xếp”. Mấy đứa em họ cười nắc nẻ
trước câu nói đùa của Thọ. Nói xong Thọ lại xuống giọng
nói tiếp: “Nói đùa thôi. Tớ thấy mấy cái văn phòng bỏ
trống tớ thấy sờ sợ thế nào ấy!”.

Mấy người em họ hỏi lại:

- Vậy sao anh không đi?

Thọ trả lời:

- Ai cho đi mà đi? Máy bay di tản dành cho tướng tá, tệ
lắm cũng phải úy. Đâu có chỗ dư dành cho Hạ Sỹ như tớ.

Mấy đứa em họ hỏi lại:

- Nhưng anh ở trong phi trường, thấy có cơ hội thì nên leo
lên phi cơ mà đi, đừng bỏ về, uổng lắm.

Thọ chần chừ trả lời:

- Nhưng cha mẹ và anh em mình ở đây, mình bỏ đi một
mình sao được?

Mấy người em họ nhao lên:

- Ai đi được thì cứ đi. Đi được người nào hay người đó. Ở
lại chết chùm hết cả đám sao? Nếu anh đi được, bố mẹ anh
cũng mừng cho anh đó. Anh không nhớ lúc tết Mậu Thân,
Việt cộng vào giết người hàng loạt đó sao?

Thọ trả lời:

- Ai không nhớ? Nhưng bỏ đi đâu bây giờ? Tiền không
có, đi đâu không biết phải sống ra sao.

TT-Thái An | Bớt Một Miêṇ g Ăn 37

Tình hình miền Nam đã quá rõ ràng. Mỹ không còn tiếp tế
thêm xăng dầu, đạn dược, súng ống. Quân CS Bắc Việt sắp
thắng và sắp vào đến nơi. Đường phố như trong cơn hấp
hối, mọi người ngơ ngác hối hả kiếm lối thoát.

Chiều 27 tháng Tư, tan sở về đến nhà cô. Vắng tanh, chỉ
còn bà người làm ra mở cửa. Thọ hỏi ngay:

- Cả nhà đâu cả rồi?

Chị Ba trả lời:

- Có xe tới rước cả nhà đi hết rồi. Tôi nấu cơm xong rồi,
cậu ăn chưa tôi dọn cho cậu ăn.

Thọ thẫn thờ ngồi xuống ghế bành, nhìn lại căn phòng
khách, phòng ăn và căn nhà ba tấng rộng thênh thang.
Chàng ăn vội bữa tối rồi lên xe đạp về nhà bố mẹ báo tin.

Ngay tối hôm đó, mấy người chị và em gái của Thọ dọn
qua nhà cô Hảo để ngủ với Thọ. Vì đây là cơ hội giữ lấy
căn nhà này để ở. Nếu không vào ở ngay, lỡ có người lạ
vào chiếm nhà.

Nhưng vợ chồng người anh của Thọ có linh tính không
được ở lâu trong căn nhà này nên đem xe ba gác đến chở
bớt bàn ghế, tủ giường, đồ điện, quần áo, giầy dép và tất cả
đồ dùng trong bếp về nhà. Nếu bị lấy lại căn nhà này, ít ra
cũng còn ít đồ đem bán.

Ngày 30 tháng Tư, sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh
tuyên bố hàng, Thọ hối hả ra về trong khi người ta xô đẩy
nhau để vào bên trong phi trường thật hỗn loạn.

Thọ biết nếu mình muốn ra đi thì vẫn có cơ hội leo lên một
chiếc phi cơ vào giờ chót. Nhưng còn trẻ quá, chỉ mới 19
tuổi, chưa hề biết cuộc sống bên ngoài nước Việt Nam ra
sao. Ra đi biết có còn cơ hội gặp lại cha mẹ và anh chị em

38 Bơt́ Một Miệng Ăn | TT-Thái An

nữa không. Và đi đâu, sống thế nào Thọ mù tịt và phát lo
sợ. Vì thế Thọ đạp vội xe đi ngược chiều dân chúng để về
nhà bố mẹ. Thấy Thọ về, bố mẹ và anh chị em ai cũng
mừng Thọ không bị trúng đạn pháo kích vào phi trường.
Nhưng cả nhà ai cũng tiếc tại sao Thọ đã không lợi dụng cơ
hội để ra đi.

Sau đó mẹ bảo Thọ quay trở lại nhà cô Hảo ở với hy vọng
giữ được căn nhà này. Nhưng chỉ ba ngày sau. Có bốn cái
xe jeep của cán bộ cộng sản đỗ đánh kịt trước cửa nhà. Họ
bấm chuông, em gái Thọ ra mở cửa. Bốn người đeo băng
đỏ, cầm súng xông vào nhà chỉa ngay vào Thọ rồi quát to:

- Cút ra ngay khỏi căn nhà này. Đi ngay không thì tao bắn.

Thọ đang mặc chiếc quần cụt và cởi trần, nói vói họ:

- Cho tôi mặc vội quần áo cái đã.

Bốn tay cầm súng quát thật to:

- Đi ngay! Không, tụi tao bắn.

Thế là Thọ và mấy người em vội bước ra khỏi nhà. Mấy
tay cán bộ này không cho anh em Thọ có cơ hội gom túm
quần áo hay thức ăn đem theo. Nghĩa là chúng tịch thu từ
nhà cho đến thức ăn, quần áo, giầy dép và mọi thứ còn sót
lại trong nhà. Vì chúng đang đói của và thèm khát của cải
của dân chúng miền Nam quá đỗi. Trong nhà cô Hảo còn
đầy thùng gạo một tạ và nhiều thứ lương khô khác. Cũng
may bà chị dâu của Thọ đem hơn phân nửa về nhà bố mẹ
Thọ rồi.

Cũng như bao nhiêu lính tráng miền Nam tan hàng. Thọ và
những quân nhân chế độ miền Nam cũ từ Thượng Sỹ trở
xuống phải ra trình diện và đi học tập một tuần. Trở về nhà
bố mẹ, đời sống cực kỳ khó khăn. Bố làm công chức chế
độ cũ nên bị sa thải, ở nhà. Mẹ không còn buôn bán gì

TT-Thái An | Bớt Một Miệng Ăn 39

được. Số bàn ghế và máy móc, đồ điện lấy được ở nhà cô
Hảo phải đem ra chợ trời bán dần để đổi lấy gạo và mua
chút rau mỗi ngày.

Có người họ hàng từ Bắc vào thăm, mách bảo cho biết nếu
bọn cán bộ đến dụ dỗ đi kinh tế mới thì chớ đi. Vì đi là
chúng xông vào tịch thu nhà. Nếu sống ở kinh tế mới
không được, trở về thì không còn nhà để ở. Chuyện như
thế đã xảy ra ở miền Bắc khi đảng cộng sản vừa vào tiếp
thu miền Bắc. Vì thế bố mẹ cố tử thủ, ở lại căn nhà này.

Mẹ qua tiệm phở bên kia đường xin bưng bàn và rửa chén.
Làm được vài tháng, mệt quá mà lương chẳng có bao
nhiêu, không kiếm nổi tiền mua gạo cho cả nhà. Hơn nữa
tiệm phở cũng bị cán bộ đến ngồi kiểm soát từng ngày, đếm
xem bán được bao nhiêu tô để đóng thuế nên tô phở càng
lúc càng thiếu phẩm chất và khách càng lúc càng vắng. Có
lẽ dân lúc này quá nghèo, ít người có tiền ăn tiệm. Chỉ có
cán bộ và những người của chánh phủ cộng sản mới có tiền
ăn xài mà thôi. Mẹ nghĩ ra một cách sinh nhai khác: bán gỏi
bắp chuối da heo. Mỗi ngày mẹ đi chợ mua bắp chuối và
da heo về cho các con phụ làm. Sáng sớm tinh mơ các chị
đã phải dậy bào bắp chuối và luộc da rồi thái da heo. Sau
đó trộn gỏi, cho vào từng bao nylon nhỏ, bỏ vào thúng. Mẹ
sẽ bê thúng gỏi này lên xe đạp, đạp ra chợ Bến Thành bán
buổi sáng. Đến trưa là đã hết thúng gỏi. Mẹ lại bê thúng
không về ghé chợ mua hàng cho ngày hôm sau. Da và bắp
chuối là hai thứ rẻ tiền nên bán món này giá bình dân, rất
chạy, vì thích hợp với thời buổi ai ai cũng nghèo khó.

Sau hết, người bác họ từ Bắc vào thăm, thấy hoàn cảnh gia
đình đông con, đang chật vật mới có hai bữa ăn bằng khoai,
bằng sắn mỗi ngày. Bác đề nghị Thọ đăng ký đi Thanh
Niên Xung Phong. Theo đám này tuy không có lương,
nhưng với hy vọng mỗi ngày họ phát cho ba bữa cơm, Thọ

40 Bơt́ Một Miệng Ăn | TT-Thái An

sẽ được no thân và để trong nhà bớt một miệng ăn, bớt cực
nhọc cho mẹ. Thời bấy giờ, nhiều gia đình ở Sài Gòn cùng
đường kinh tế, đói khổ, bị nhà nước cộng sản dụ dỗ đưa đi
kinh tế mới, khai khẩn đất hoang, sẽ có thu hoạch, dư ăn,
dư xài.

Vì thế nhà nước phát động phong trào Thanh Niên Xung
Phong, đưa những thanh niên đang thất nghiệp như Thọ lên
các vùng kinh tế mới đào mương, đào giếng, làm nhà tranh
trên các vùng kinh tế mới để dân chúng lên đây có chỗ ở.
Thế là một lần nữa Thọ phải ra khỏi nhà để bớt một miệng
ăn. Thọ và mấy thanh niên trong xóm cùng hoàn cảnh như
gia đình Thọ rủ nhau đi Thanh Niên Xung Phong với hy
vọng mỗi ngày có được ba bữa cơm.

Cả bọn được đưa lên khu Kinh tế mới để làm nhà, đào
giếng, đào mương cho những gia đình bị đưa lên đây khai
khẩn. Tưởng đi vào Thanh Niên Xung Phong thì sẽ có ăn.
Ngờ đâu, Thọ và đám thanh niên này vẫn phải chịu đói
hằng ngày. Vì lãnh đạo không có lương thực cố định hằng
ngày để cung cấp cho thanh niên trong đoàn. Họ bất chợt
kiếm đâu ra vài thúng khoai mì, vài thúng bắp đá, loại bắp
cứng như đá, cắn đau răng mà vẫn phải cố nhai cố nuốt,
hay vài thúng bo bo thì chở đến cho thanh niên thế thôi.

Vì thế, làm thì nhiều mà ăn không bao nhiêu nên có hôm
Thọ đang đào giếng thì té lăn ra bất tỉnh. Mấy người dân
gần đó chạy đến xem, lay Thọ tỉnh dậy hỏi có sao không.
Thọ bảo với họ rằng “Tôi không bệnh gì hết, vì đói quá nên
xỉu đó thôi”. Nghe thế, họ chạy về múc ra cho Thọ một tô
cháo lỏng bỏng có chút ruột heo. Thọ cám ơn họ và nhận
lấy húp ngay cho qua cơn đói. Có thằng chịu đói không nổi
đã bỏ về, báo cáo cho gia đình Thọ hay việc Thọ té xỉu vì
quá đói.

TT-Thái An | Bơt́ Một Miệng Ăn 41

Hôm sau người anh của Thọ lên thăm cầm theo vài củ
khoai mì luộc đưa cho Thọ. Anh hỏi Thọ “Mày đói lắm
hả?” Thọ không muốn mẹ buồn lo cho mình. Nhưng thằng
Thông trốn về đã kể hết rồi. Ngay như anh Thìn chỉ có vài
củ khoai mì lên tiếp tế cho Thọ thì đủ hiểu cả nhà phải nhịn
vài củ khoai hôm nay để nhường phần cho Thọ. Ở nhà
cũng đói mà đi làm cho đoàn Thanh Niên Xung Phong
cũng đói. Có hôm đói quá, Thọ và mấy thanh niên khác lén
vào ruộng khoai mì của dân nhổ trộm.

Thọ và các bạn túm cả cây khoai mì nhổ lên. Cây nào kéo

lên có dính củ phía dưới thì bọn Thọ túm lấy củ bứt ra, phủi
ngay cát đất, bóc vỏ cho vào mồm nhai ngấu nghiến cho
qua cơn đói. Củ nào còn sót lại dưới đất thì chịu thua,
không có cuốc xẻng nên không nạy lên được. Trong đoàn
có thằng Báu bỏ về vì quá đói không còn sức để lao động.
Về độ hai tháng, ở nhà cũng đói quá, nó lại phải trở lại
đoàn. Đoàn lúc nào cũng chấp nhận cho trở lại, nhưng lại
tính điểm đầu quân bắt đầu từ thời điểm thứ nhì, thời gian
phục vụ trước đó coi như bỏ. Làm cho đoàn thêm được ba
tháng, thằng Báu lại bỏ về nhà vì chịu cực và chịu đói hết
nổi. Sau khi về nhà được vài tháng nó đã tự tử chết. Có lẽ
nó cũng quá đói tại nhà, nó không muốn làm gánh nặng cho
cha mẹ nữa, mà trở lại đoàn Thanh Niên không còn là một
chọn lựa đáp ứng cho sự sống còn của nó nữa.

Đám dân thành phố bị đưa đi kinh tế mới ồ ạt. Chừng hơn
nửa năm sau lại ùn ùn kéo về, vì quá đói và quá bệnh hoạn
ở vùng kinh tế mới. Họ về ngồi lê ngồi lết trên các vỉa hè
vì đã mất nhà.

Đến cuối năm 1978, giới lãnh đạo đưa đoàn Thanh Niên
Xung Phong đi học quân sự 3 tháng ở Củ Chi rồi đưa sang
Kampuchia để làm công việc phục vụ chiến đấu ở tuyến
sau, chẳng khác gì công việc lao công chiến trường của

42 Bơt́ Một Miêṇ g Ăn | TT-Thái An

miền Nam trước 1975.

Trước khi đưa đoàn Thanh Niên qua Kampuchia, họ đưa
đám thanh niên này ghé qua thành phố Sài Gòn vào một
buổi sáng. Có vài thanh niên bỏ về nhà trước đó một hôm
vì không muốn qua Kampuchia, Thọ nhắn họ báo tin cho
mẹ hay để mẹ có thể đến gặp Thọ trước khi Thọ ra đi.

Hay tin, sáng sớm hôm đó mẹ đến đường Nguyễn Tri
Phương để gặp Thọ. Mẹ khóc quá là khóc, mẹ nói với Thọ
mẹ chẳng muốn Thọ đi vì mẹ lo quá. Mẹ chỉ muốn Thọ ở
nhà, có gì ăn nấy, đói thì cả nhà cùng đói. Thọ an ủi mẹ:

“Mẹ đừng lo cho con, sống chết có số cả. Con không sao
đâu, mẹ về đi. Mẹ còn phải dưỡng sức để buôn bán nuôi cả
nhà.” Thế là mẹ cứ khóc ấm ức cho đến khi xe chuyển
bánh, mẹ đứng nhìn theo Thọ khóc ngất, cứ y như lần cuối
cùng nhìn thấy con.

Thanh Niên Xung Phong đi gánh đạn cho lính. Quân chính
quy đi trước đánh nhau với Khờ Me Đỏ, đám Thanh Niên
Xung Phong đi phía sau để nếu bị đánh bọc hậu thì có súng
bắn lại.

Sau khi tan trận thì mỗi thanh niên phải đào hố chôn hai
xác địch, còn lính chính quy thì đào hố chôn lính của mình.
Nếu không chôn, xác sẽ xình thối hết cả khu rừng.

Ở Kampuchia, đi đâu cũng thấy nhà bỏ hoang, dân bỏ chạy
trốn Khờ Me Đỏ hay lính Việt Cộng cũng có.

Thọ và đoàn thanh niên vào những nhà bỏ trống kiếm đồ
ăn. Gạo thì không có, nhưng nhà nào cũng có hũ mắm bò
hóc và thùng đường thốt nốt. Đói quá nên có gì ăn nấy.
Thọ không chịu nổi cái mùi nặng nề của mắm bò hóc,
nhưng đói quá cũng phải nín thở mà nuốt xuống. Hôm nào
bắt được con gà đậu trên mấy căn nhà sàn thì hôm đó có gà

TT-Thái An | Bớt Một Miêṇ g Ăn 43

nướng hay gà luộc. Cả bọn xúm nhau vào ăn, mỗi thằng
được vài miếng chẳng thấm vào đâu nhưng cũng đỡ thèm.

Có đêm ngồi gác trong rừng, Thọ đang nói chuyện thì thầm
với thằng ngồi trước mặt, bỗng dưng nó gục ngay xuống
trước mặt Thọ rồi lăn ra.

Thọ lay nó mà nó chẳng trả lời. Thì ra nó vừa bị bắn sẻ vào
đầu chết tươi. Thọ rùng mình nghĩ sao không phải là mình
mà là nó?

Năm 1979 đoàn Thanh Niên của Thọ được trở về Việt
Nam. Thọ về nhà thì không còn hộ khẩu, nên phải lên
Thanh Niên Xung Phong trình diện để xin chuyển hộ khẩu
về phường để có thể mua 10 ký thực phẩm mỗi tháng
trong đó tính luôn cả gạo. Họ bảo Thọ lên Phạm Văn Hai
sẽ có tiêu chuẩn giải quyết chế độ cho anh.

Thọ lên Phạm Văn Hai, ở đó họ cho ăn ngày hai bữa. Ba
tuần sau, họ cho Thọ chuyển về trường Bổ Túc Công Nông
học 7 năm, sẽ ra kỹ sư nông nghiệp. Nhưng lên đây, họ
loại Thọ ra vì là lính của chế độ cũ.

Thọ lại trở về Thanh Niên Xung Phong bá cáo. Một tuần
sau họ đưa Thọ đến trường Công Nhân Kỹ Thuật Máy May
Sinco. Chỗ này cũng không nhận Thọ vì lý lich xấu, lính
của chế độ cũ.

Thọ về Thanh Niên Xung Phong một lần nữa. Lần này họ
gửi Thọ qua Bưu Điện thành phố. Chỗ này nhận Thọ vào
làm công nhân bưu điện. Năm năm đầu họ trả lương rất
bèo, việc làm lại nặng nhọc, khuân vác từng thùng hàng
mỗi ngày.

Sau đó Thọ được giao cho việc nhẹ hơn, lương được vào
chính ngạch nên tạm ổn định

Thọ lập gia đình rất muộn, gần bốn mươi mới cưới vợ. Vì

44 Bớt Một Miệng Ăn | TT-Thái An

trước đó Thọ không nuôi nổi thân mình, làm sao dám nghĩ
đến việc lo cho một gia đình. Lấy vợ nhưng không dám
sinh nhiều con, chỉ dám có một đứa con mà thôi. Vì đời
sống quá bấp bênh, Thọ không muốn con cái phải khổ sở
như Thọ.

Thọ làm ở Bưu diện đến năm 2010. Dù đủ số năm phục vụ
để về hưu - vì họ tính số năm phục vụ từ ngày bắt đầu đi
Thanh Niên Xung Phong – nhưng Thọ chưa muốn về hưu
vì lương hưu chẳng đủ để nuôi đứa con sắp lên đại học. Vì
thế Thọ muốn làm thêm vài năm nữa, chờ con học xong sẽ
xin về hưu.

Nhưng tên thủ trưởng “mời” Thọ lên văn phòng của hắn để
nói chuyện riêng. Hắn nhắc nhở Thọ đủ thâm niên để về
hưu rồi, trong khi những người trẻ mới ra trường cần việc
làm mà Thọ cứ ngồi ì ra đấy làm cản trở tương lai của họ.
Hơn nữa tuổi của Thọ cũng đã lớn, không còn linh hoạt như
người trẻ, vì thế, cơ quan sẽ bố trí cho Thọ một công việc
khác thích hợp với sức khỏe của Thọ nhưng tiền lương sẽ
thấp hơn với công việc mới.

Thọ tính ra tiền lương chỉ hơn tiền về hưu của mình chút
đỉnh mà phải làm nặng hơn nên dứt khoát trả lời: “Thôi thủ
trưởng làm giấy tờ cho tôi về hưu, khỏi cần dài dòng nữa”.

Thế là tên thủ trưởng chỉ chờ có thế, hắn đưa ngay giấy tờ
cho Thọ ký. Thọ biết ngay hắn đã bán công việc của Thọ
cho một người nào đó giá vài chục ngàn đô la. Hắn có nhà
to, xe hơi mới. Chỉ nhìn vào biết ngay là tiền của bá tánh
đóng vào cho hắn mua xe, sắm nhà. Vì tiến lương tháng
của hắn để dành suốt đời cũng không mua nổi nửa căn nhà
ở trong thành phố Sài Gòn này.

Thọ tự an ủi mình có lẽ số mình là phải nhường phần ăn
cho kẻ khác. Lúc ở nhà cha mẹ, mình là đứa con luôn

TT-Thái An | Bớt Một Miêṇ g Ăn 45

nhường phần ăn cho anh em. Nhưng lúc đó mình nhường
hết lòng, vui lòng mà nhường vì thương cha mẹ và anh em
quá.
Lúc vào việc làm, mình phải nhường phần ăn cho thằng thủ
trưởng. Thằng này thì mình thương không nổi, vì nó đâu
có thiếu ăn. Nó giầu quá chừng mà mình vẫn phải nhường
phần ăn cho nó. Nó lái xe hơi bóng loáng, đeo đồng hồ
hàng hiệu, ở nhà 5 tầng có thang máy lên xuống. Ra
đường, ngồi sau tay lái, mặt nó cứ vác lên ra vẻ ta đây “đại
gia” nhưng chẳng ai thấy nó sang trọng hay quý phái cả.
Cái quê mùa và dốt nát, thiếu văn hóa luôn hiện trên nét
mặt và phong cách của nó.
Lắm lúc nghĩ lại, Thọ tự trách mình sao không đi di tản
ngày 30 tháng Tư năm 1975 trong lúc có cơ hội. Nếu Thọ
khôn ngoan lúc đó, đi theo đoàn người di tản thì cuộc đời
Thọ đã khác lắm nhỉ!

TT-Thái An
2/28/19

46 Bớt Một Miệng Ăn | TT-Thái An

Con Lơṇ Ủn Ỉn

TT-Thái An

Trong những món ăn hằng ngày của người Việt Nam từ
Bắc chí Nam, thịt lợn hay còn gọi là thịt heo đóng vai trò
chính, vì nó được dùng nhiều hơn các loại thịt khác.

Những món thịt kho được nấu bằng thịt lợn chẳng cần gọi
cả tên loại thịt, người ta gọi thịt kho là đủ.

Thí dụ: Thịt kho Tàu, thịt kho trứng, thịt kho tiêu, thịt kho
dừa, thịt kho nước dừa, thịt kho mắm tép, thịt kho đậu phụ
(đậu hũ), thịt rim v.v. Chỉ cần nghe đến tên gọi, người ta
biết ngay là thịt lợn, thịt heo kho đấy mà.

Chưa kể các món thịt luộc chấm mắm tôm (lối Bắc) hay
chấm mắm ruốc (lối Nam và Trung) ăn với dưa leo, chuối
xanh và khế chua, hành trần và vài thứ rau thơm. Chỉ cần
nghe thịt luộc, người ta biết ngay là thịt lợn luộc.

Cưới hỏi thì phải có lợn quay, dù món này là của người Tàu
đem theo vào Việt Nam từ lâu đời.

Những món có dồn nhân như mướp đắng (khổ qua), cà
chua, đậu phụ, bắp cải v v. Nghe là biết ngay nhân thịt lợn
trộn với vài thứ gia vị và tiêu hành.

Thịt để làm nhân chả giò (nem rán, chả ram), nhân bánh
cuốn, bánh bao, bánh xèo, bánh chưng, bánh tét, bánh bọt
lọc, bánh quai vạc v v. Đều làm bằng thịt lợn.

TT-Thái An | Con Lợn Ủn Ỉn 47

Cầu kỳ hơn, các loại giò sống, giò lụa, chả quề, chả chiên,
chả cốm, giò thủ, thịt đông, ruốc thịt (thịt chà bông) đều
làm từ thịt lợn.

Vì thế, có thể nói thịt lợn là một phần văn hóa ẩm thực của
người Việt Nam. Nếu loại bỏ thịt lợn ra, món ăn của Việt
Nam sẽ nghèo nàn đi nhiều.

Nhưng không phải ở Á Châu nước nào cũng ăn thịt lợn là
chính. Nam Dương và Mã Lai là hai nước theo đạo Hồi,
hoàn toàn không có thịt lợn trong món ăn của họ.

Đa số người Ấn Độ theo Ấn Độ giáo hay gọi tắt là Ấn giáo.

Ấn giáo xuất hiện tại Ấn độ khoảng 1200- 1700 năm trước
công nguyên. Nước Ấn độ rộng bao la, vì thế tùy theo
vùng, miền mà các hệ phái Ấn giáo có nguồn gốc, thời
điểm, và xuất xứ khác nhau. Mỗi hệ phái đưa ra giáo lý
khác nhau, niềm tin vào các thần khác nhau. Tổng cộng có
cả triệu thần. Phương pháp tu luyện hoặc hành lễ cúng tế
khác nhau. Dù nhiều hệ phái khác nhau, Ấn giáo vẫn là
cái nôi của thuyết Luân Hồi và cõi Niết Bàn. Nhưng dù
theo hệ phái nào, họ cũng không ăn thịt bò, và tuyệt đối
không ăn thịt lợn.

Có lần tôi hỏi một người Ấn độ tại sao họ không ăn thịt bò,
có phải vì thờ bò mà không ăn thịt nó chăng? Bà Ấn Độ trả
lời rằng họ không thờ bò, nhưng vì con bò có công chở linh
hồn họ đi đầu thai chuyển kiếp nên họ không ăn thịt nó.

Có lẽ họ sợ ăn thịt nó thì nó không chở linh hồn họ đi đầu
thai nữa thì họ mắc kẹt trong địa ngục đời đời chăng?

Phật giáo xuất hiện trước công nguyên khoảng 500 năm, do
tiếp thu thuyết Luân Hồi và cõi Niết Bàn của Ấn giáo nên
tin rằng súc vật có linh hồn của một con người do kiếp

48 Con Lợn Ủn Ỉn | TT-Thái An

trước tu không thành hay ăn ở thất đức nên kiếp này làm
súc vật. Vì thế, ăn thịt nào cũng phạm tội sát sinh.

Tuy nhiên, người nào không ăn chay trường được thì ăn
mỗi tháng 4 ngày là đã cảm thấy tốt lắm rồi.

Ở miền Nam trước 1975 có đạo Ông Tám. Ông Tám dạy
các đệ tử ngồi thiền, tu luyện sao cho hồn có thể xuất ra đi
dạo đó đây, gặp được thế giới vô hình mà mắt thường
không thấy được.

Đạo Ông Tám không ăn chay, lý do ông Tám đưa ra là vì
mỗi lần giết một con heo, con gà, con vịt, con cá, con cua
v.v. để ăn thịt là giúp cho chúng nó chóng sớm được đi đầu
thai. Vì thế Ông Tám và đệ tử của ông vẫn ăn thịt mỗi
ngày.

Dân Do Thái theo Do Thái giáo. Tổ phụ của người Do
Thái là ông Áp-ram. Sau được Đức Chúa Trời đổi tên
thành Áp-ra-ham.

Áp-ra-ham xuất hiện khoảng 2000 năm trước công nguyên.
Là một người sinh sống ở Cha-ran (ngày nay tên Cha-ran
không còn, nhưng các nhà nghiêm cứu Kinh Thánh phỏng
chừng thuộc về vùng đất giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ ngày
nay).

Theo Kinh Thánh Cựu Ước, ông Áp-ra-ham được Đức
Chúa Trời kêu gọi dắt vợ và các người làm công, những nô
lệ của ông ra đi khỏi quê hương mình. Ngài phán với ông
rằng: “Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con nhà cha
ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho.”

Áp-ra-ham vâng lời Đức Chúa Trời, ông bỏ xứ ra đi dù
chưa biết sẽ đi đâu. Đi đến đâu ông lập bàn thờ để thờ
phượng Đức Chúa Trời ở đó, cứ thế truyền cho con cháu.

TT-Thái An | Con Lơṇ Ủn Ỉn 49

Như thế, Do Thái giáo đã xuất hiện khoảng 2000 năm trước
Công Nguyên.

Đến đời cháu nội của ông là Gia-cốp (Jacob). Gia-cốp
được Đức Chúa trời đổi tên là Y-sơ-ra-ên (Israel). Ngày
nay nước Do Thái dùng tên ông tổ Israel để đặt tên quốc
gia mình. Vì ông tổ này đã sinh ra 12 con trai, vào Ai Cập
sinh sống.

Sau 400 năm, họ đã trở thành một dân lớn trong nước Ai
Cập. Rồi từ đám dân này mà về sau trở thành một quốc
gia.

Gia-cốp có 12 người con trai. Con trai thứ 11 là Giô-sép
(Joseph) bị các anh cùng cha khác mẹ bán làm nô lệ vào Ai
cập từ nhiều năm trước mà Gia-cốp tưởng con trai Giô-sép
đã chết.

Khi có cơn đói kém xẩy ra trong vùng Gia-cốp đang cư
ngụ, ông sai mấy người con trai lớn vào Ai Cập mua lúa
mì.

Lúc đó Giô-sép đang được vua Ai cập trọng dụng, phong
chức quan đại thần, cai quản cả nước Ai cập. Giô-sép nhận
ra các anh, ông tha thứ cho các anh và xin các anh dẫn cha
và em trai cùng mẹ với mình đến Ai cập ở.

Thế là Gia-cốp (Y-sơ-ra-ên) cùng 11 con trai vào Ai cập
sinh sống. Cộng với Giô-sép là 12 con trai của Y-sơ-ra-ên.
Mà sau này gọi là 12 chi phái Y-sơ-ra-ên.

Trải qua 400 năm trên đất Ai cập, dân số của họ lên đến cả
triệu người. Vị vua hiện tại của Ai cập chẳng còn ưu đãi
dòng dõi của Y-sơ-ra-ên nữa. Họ bị bắt làm việc cực nhọc
như nô lệ.

Vì thế Đức Chúa Trời kêu gọi Môi-se làm lãnh tụ dân Y-
sơ-ra-ên dẫn họ ra khỏi Ai cập.

50 Con Lợn Ủn Ỉn | TT-Thái An

Nhưng họ phải đi lang thang trong sa mạc hết 40 năm vì
phạm nhiều tội với Đức Chúa Trời.

Cũng trong lúc này, Đức Chúa Trời sai Môi-se lên núi Si-
nai để khắc Mười Điều Răn trên hai bảng đá đem về dạy
cho dân chúng. Kinh thánh tiếng Việt dịch là Mười Điều
Răn, đáng lẽ dịch là Mười Mệnh Lệnh mới sát nghĩa (The
Ten Commandments). Vì “Điều Răn” chỉ là lời khuyên,
còn “Mệnh Lệnh” thì bắt buộc con người phải phục tòng.
Năm điều đầu tiên nói về bổn phận của con người với Đức
Chúa Trời (Ông Trời), năm điều sau nói về bổn phận của
con người đối với nhau.

Môi-se được xem là trước giả của 5 sách đầu tiên của Kinh
Cựu Ước: Sáng-thế-ký, Xuất-ê-díp-tô Ký (Mười Điều Răn
được viết trong sách này), Dân-số-ký, Lê-vi-ký và Phục-
truyền-luật-lệ-ký.

Trong sách Phục Truyền có ghi chép tỉ mỉ về những vật
được ăn và những vật không được ăn. Phục truyền 14:8
Con heo cũng vậy; vì nó có móng rẽ ra, nhưng không nhơi:
phải cầm nó là không sạch cho các ngươi. Chớ ăn thịt của
các con vật đó, và chớ đụng đến xác chết chúng nó.

Vì thế dân Do Thái hay người theo đạo Do Thái không ăn
thịt lợn.

Đạo Hồi giáo chỉ mới xuất hiên vào thế kỷ thứ 7 sau công
nguyên. Nhưng họ lại nhận là con cháu của Áp-ra-ham,
dòng dõi của người nữ nô lệ đã sanh cho Áp-ra-ham một
con trai. Vì thế họ viết ra cuốn kinh của họ, cũng theo luật
từ xưa, không ăn thịt heo.

Thế còn Cơ Đốc giáo thì sao?

Cơ Đốc giáo chỉ bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, khi Chúa Jesus

TT-Thái An | Con Lợn Ủn Ỉn 51


Click to View FlipBook Version