The words you are searching are inside this book. To get more targeted content, please make full-text search by clicking here.
Discover the best professional documents and content resources in AnyFlip Document Base.
Search
Published by Phong Le The, 2023-09-17 23:19:23

dieu_duong_lao_khoa_4_5_8896

dieu_duong_lao_khoa_4_5_8896

BỘ Y TẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐIỀU DƯỠNG NAM ĐỊNH GIÁO TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG LÃO KHOA DÙNG CHO ĐÀO TẠO ĐIỀU DƯỠNG SAU ĐẠI HỌC NAM ĐỊNH - 2023


Chủ biên TTND.TS.BS. Ngô Huy Hoàng Tham gia biên soạn TTND.TS.BS. Ngô Huy Hoàng TS.ĐD. Nguyễn Thị Minh Chính TTƯT.TS.BS. Trần Văn Long Thư ký biên soạn ThS.ĐD. Đỗ Thị Thu Hiền


LỜI MỞ ĐẦU Với xu thế dân số già ngày càng gia tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày càng cao và mang tính chuyên biệt. Giáo trình “Điều dưỡng lão khoa” được biên soạn để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập học phần cùng tên “Điều dưỡng lão khoa” trong chương trình đào tạo điều dưỡng trình độ thạc sỹ và chuyên khoa cấp I. Trong khuôn khổ phục vụ một tín chỉ lý thuyết (15 tiết) của học phần “Điều dưỡng lão khoa”, giáo trình được cấu trúc thành 2 chương với 6 bài, là tài liệu học tập cơ bản đề cập đến những kiến thức đặc trưng liên quan đến sức khỏe người cao tuổi và chăm sóc người cao tuổi. Trên cơ sở đó, giúp cho học viên điều dưỡng vận dụng vào thực tiễn hoạt động chăm sóc người cao tuổi. Việc biên soạn giáo trình không tránh khỏi những hạn chế, rất mong nhận được sự quan tâm chia sẻ, góp ý của các đồng nghiệp và học viên để tài liệu được hoàn thiện hơn. Trân trọng cảm ơn! T/M NHÓM BIÊN SOẠN Ngô Huy Hoàng


MỤC LỤC Chương 1. NGƯỜI CAO TUỔI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ SỨC KHỎE...............1 Bài 1. KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI CAO TUỔI VÀ SỰ LÃO HÓA ............................1 1. Người cao tuổi và già hóa dân số.............................................................................1 1.1. Người cao tuổi...................................................................................................1 1.2. Già hóa dân số...................................................................................................2 2. Cơ sở lý thuyết về lão hóa .......................................................................................3 2.1. Quá trình lão hóa...............................................................................................3 2.2. Một số lý thuyết về lão hóa ...............................................................................4 Bài 2. NHỮNG THAY ĐỔI CHUNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI.................................10 1. Thay đổi về thể chất ở người cao tuổi và ý nghĩa đối với điều dưỡng ..................10 1.1. Thay đổi về thể chất ở người cao tuổi.............................................................10 1.2. Ý nghĩa đối với điều dưỡng ............................................................................13 2. Thay đổi về tâm lý ở người cao tuổi và ý nghĩa đối với điều dưỡng.....................18 2.1. Thay đổi về tâm lý ở người cao tuổi ...............................................................18 2.2. Ý nghĩa đối với điều dưỡng ............................................................................21 Bài 3. CÁC VẤN ĐỀ SỨC KHỎE CHUNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI ......................23 1. Các vấn đề sức khỏe ở người cao tuổi ...................................................................23 1.1. Theo hệ thống cơ thể.......................................................................................23 1.2. Theo mức độ thường gặp ................................................................................24 1.3. Theo nhóm tuổi cao.........................................................................................27 2. Các vấn đề chung liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.....................27 2.1. Các vấn đề về cơ cấu bệnh tật và kinh tế xã hội .............................................27 2.2. Các vấn đề về chính sách liên quan đến người cao tuổi .................................29 2.3. Một số mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi........................................31 Chương 2. ĐIỀU DƯỠNG VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI..35 Bài 4. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐỐI VỚI ĐIỀU DƯỠNG LÃO KHOA..........................35 1. Những quan tâm chung của điều dưỡng lão khoa .................................................35 1.1. Một số khái niệm liên quan đến lão khoa .......................................................35 1.2. Những lưu ý của điều dưỡng khi chăm sóc người cao tuổi ............................36 2. Xây dựng kế hoạch chăm sóc điều dưỡng cho người cao tuổi..............................39 2.1. Các vấn đề cho chẩn đoán điều dưỡng hiện tại...............................................39 2.2. Các vấn đề cho chẩn đoán điều dưỡng nguy cơ..............................................43 Bài 5. PHÒNG BỆNH VÀ PHỤC HỒI SỨC KHỎE CHO NGƯỜI CAO TUỔI....53


1. Phòng bệnh cho người cao tuổi .............................................................................53 1.1. Kiểm tra sức khỏe định kỳ ..............................................................................53 1.2. Từ bỏ những thói quen có hại .........................................................................54 1.3. Tránh để rơi vào trạng thái căng thẳng ...........................................................54 1.4. Tạo lập và duy trì nề nếp trong sinh hoạt........................................................54 1.5. Thực hiện ăn uống hợp lý ...............................................................................55 2. Phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi ...................................................................57 2.1. Sức khỏe và phục hồi sức khỏe.......................................................................57 2.2. Mục đích và lợi ích của phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi......................58 2.3. Các phương pháp phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi ...............................59 3. Một số trị liệu phục hồi sức khỏe có thể thực hiện tại gia đình.............................61 3.1. Vật lý trị liệu ...................................................................................................61 3.2. Vận động trị liệu..............................................................................................63 3.3. Những lưu ý khi thực hiện trị liệu phục hồi sức khỏe tại nhà.........................63 4. Phục hồi sức khỏe sau mắc một số bệnh ...............................................................64 4.1. Phục hồi sau đột quỵ não ................................................................................65 4.2. Phục hồi sau nhồi máu cơ tim.........................................................................66 4.3. Phục hồi sau mắc bệnh phổi mạn tính.............................................................67 Bài 6. SA SÚT TRÍ TUỆ Ở NGƯỜI CAO TUỔI.....................................................69 1. Khái quát về sa sút trí tuệ.......................................................................................69 1.1. Sa sút trí tuệ và một số trạng thái cần phân biệt .............................................69 1.2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ ở người cao tuổi...............70 1.3. Biểu hiện của sa sút trí tuệ ..............................................................................70 1.4. Điều trị sa sút trí tuệ ........................................................................................72 2. Chăm sóc người cao tuổi sa sút trí tuệ...................................................................72 2.1. Nhận định các biểu hiện của sa sút trí tuệ.......................................................72 2.2. Áp dụng các chiến lược chăm sóc...................................................................73 2.3. Duy trì chăm sóc lâu dài .................................................................................75 2.4. Theo dõi và quản lý.........................................................................................76 2.5. Đánh giá kết quả..............................................................................................76 3. Giới thiệu một số công cụ nhận định sức khỏe người cao tuổi .............................76 3.1. Nhận định chung sức khỏe người cao tuổi (SPICES).....................................77 3.2. Chỉ số phụ thuộc KATZ trong các hoạt động sống hành ngày.......................77 3.3. Nhận định trạng thái tâm thần tối thiểu của người cao tuổi............................79 3.4. Đánh giá tình trạng tâm thần tối thiểu.............................................................79 TÀI LIỆU THAM KHẢO...........................................................................................82


1 Chương 1. NGƯỜI CAO TUỔI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ SỨC KHỎE Chương này đề cập đến những hiểu biết cơ bản liên quan đến người cao tuổi, lý thuyết về lão hóa và lão hóa thành công, những thay đổi về thể chất và tâm lý ở người cao tuổi, và những vấn đề đặt ra đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, là cơ sở để người điều dưỡng vận dụng vào thực tiễn chăm sóc, nghiên cứu và phát triển điều dưỡng lão khoa. Bài 1. KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI CAO TUỔI VÀ SỰ LÃO HÓA MỤC TIÊU Sau khi kết thúc bài học, học viên có khả năng: 1) Nhận biết được khái niệm và xu hướng già hóa dân số trên thế giới và Việt Nam. 2) Giải thích được quá trình lão hóa, lão hóa thành công và ý nghĩa cho điều dưỡng. NỘI DUNG 1. Người cao tuổi và già hóa dân số 1.1. Người cao tuổi Người cao tuổi, dựa trên tiêu chí về tuổi, theo Điều 2 - Luật người cao tuổi Việt Nam (Quốc hội số 39/2009/QH12-2009), cũng như theo Qui ước của Liên hợp quốc (UN New York, 2013) là người từ 60 tuổi trở lên. Dân số người cao tuổi (dân số già) đang ngày càng tăng nhanh cả về số lượng và tỷ lệ. Trên thế giới, theo số liệu đã thống kê và dự báo của Liên hợp quốc, tốc độ gia tăng dân số người cao tuổi ngày càng nhanh (Bảng 1). Tại một số nước phát triển như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc số người có độ tuổi từ 65 trở lên hiện đã chiếm khoảng trên 14% dân số. Tại Nhật Bản, chỉ trong vòng 25 năm tỷ lệ người già Nhật Bản đã tăng lên gấp đôi, từ 7% trong tổng dân số vào năm 1970 tăng lên 14,85% trong tổng dân số năm vào năm 1995. Thời gian cho tỷ lệ người cao tuổi trong dân số cũng khác nhau ở một số nước, thí dụ: 115 năm đối với Pháp, 82 năm đối với Thụy Điển, 46 năm đối với Anh, 42 năm đối với Đức và 69 năm đối với Hoa Kỳ và Canada. Việt Nam, một trong những quốc gia có quy mô dân số lớn, mức độ đông dân đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 13 trên thế giới. Theo số liệu điều tra dân


2 số qua các năm cho thấy tỷ lệ người cao tuổi tăng rất nhanh chiếm 7,2% tổng dân số năm 1989; chiếm 8,2% tổng dân số năm 1990, chiếm 9,45% tổng dân số năm 2009 và theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2010, tỷ lệ người cao tuổi so với tổng dân số ở Việt Nam đạt khoảng 10% vào năm 2017. Bảng 1. Số lượng và tỷ lệ người cao tuổi (60+ ) trên thế giới 1950 – 2050 1950 1975 2000 2025 2050 Tổng dân số (triệu) 2500 3900 6080 8011 9150 Số người cao tuổi (triệu) 214 350 590 1193 2008 Tỷ lệ người cao tuổi (%) 8,6 9,1 9,7 14,9 21,9 Nguồn: United Nations, Population Division of the Department of Economic and Social Affairs, World Population Prospects: The 2008 Revision. 1.2. Già hóa dân số Già hóa dân số là quá trình tăng dần tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số. Trong dân số học, quốc gia có cơ cấu dân số già là quốc gia có tỷ lệ người già (từ 60 tuổi, một số nước tính mốc từ 65 tuổi trở lên) chiếm trên 10% tổng dân số, tỷ lệ trẻ em (từ 0 – 14 tuổi) thấp dưới 30 – 35%. Đây là một đặc điểm lớn về dân số và xã hội của những năm gần đây, được cộng đồng quốc tế rất quan tâm. Dự báo, đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 18,3% dân số, gấp gần hai lần hiện nay. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia siêu già với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng dân số. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế và hệ thống an sinh xã hội còn nhiều điểm chưa theo kịp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tốc độ già hóa dân số nhanh là kết quả của sự phát triển kinh tế nhanh, thu nhập cao hơn, giáo dục tốt hơn, tuổi thọ kéo dài hơn, tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết thấp hơn. Tương tự như gia tăng dân số, già hóa dân số cũng đặt ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế cũng như hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê từ Tổng điều tra dân số Việt Nam năm 2019, trong 10 năm số lượng và tỷ lệ người cao tuổi tại Việt Nam theo các nhóm tuổi, ngoại trừ nhóm tuổi 75-79, về tổng thể số lượng và tỷ lệ người cao tuổi đã tăng lên rõ rệt.


3 Trên thực tế, số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (khoảng 11,86% dân số) vào năm 2022. Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn rất nhiều so với các dự báo trước đây là vào năm 2017. Bảng 2. Mức tăng giảm của dân số cao tuổi theo các nhóm tuổi Tuổi 2009 (người) 2019 (người) Tăng/Giảm (người) Tốc độ tăng/giảm (%) 60 - 64 1.937.948 3.992.034 2.054.086 7,49 65 - 69 1.554.678 2.685.271 1.130.593 5,62 70 - 74 1.412.538 1.640.850 228.312 1,51 75 - 79 1.198.893 1.171.811 -27.082 -0,23 80+ 1.348.690 1.918.719 570.029 3,59 Tổng 7.452.747 11.408.685 3.955.938 4,35 Nguồn: Tổng cục Thống kê (7-2021) - Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019: Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 68,6 tuổi năm 1999 lên 73,2 tuổi năm 2014 và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi vào năm 2030 và 80,4 tuổi vào năm 2050; đến năm 2050, dân số người cao tuổi sẽ tăng lên đến khoảng 27 triệu người, chiếm 1/4 tổng dân số cả nước. Già hóa dân số cùng với tăng nhanh số lượng người cao tuổi đang là một trong những thay đổi quan trọng nhất trong xã hội kèm theo là nhu cầu chăm sóc ngày càng lớn. Trong khi là nhóm dễ bị tổn thương, những thành kiến và phân biệt về tuổi tác còn tồn tại, đặt ra những thách thức cho chăm sóc sức khỏe và bảo vệ người cao tuổi. 2. Cơ sở lý thuyết về lão hóa 2.1. Quá trình lão hóa Quá trình lão hóa (aging process) hay già hóa là quá trình sinh học tự nhiên liên quan đến tuổi tác, diễn ra ở các mức độ: dưới phân tử (submolecule), phân tử (molecule), tế bào (cell), mô (tissue), cơ quan/hệ thống (organ/system), và toàn cơ thể (body). Đặc điểm của quá trình lão hóa là diễn ra không đồng thì và không đồng tốc. Nói cách khác,


4 sự lão hóa của các bộ phận trong cơ thể xảy ra không cùng một lúc (có bộ phận già trước, có bộ phận già sau), và không cùng một tốc độ (có bộ phận già nhanh, có bộ phận già chậm). Già hóa dẫn đến sự suy giảm hiệu lực của các cơ chế tự điều chỉnh, tự tu sửa dẫn đến giảm khả năng thích nghi, bù trừ, từ đó dẫn đến đáp ứng ngày càng khó khăn với cuộc sống. Tuy nhiên, ở người già cũng xuất hiện những cơ chế thích nghi mới nhằm đảm bảo tính ổn định nội môi, tạo một thế cân bằng mới với nhịp độ mới tuy không bền vững và hoàn hảo như lúc còn trẻ nhưng cũng đảm bảo cho cơ thể những hoạt động cần thiết ở mức thấp hơn. Tốc độ già hóa ở mỗi người phụ thuộc vào sự vận động của hai quá trình suy giảm và thích nghi này. 2.2. Một số lý thuyết về lão hóa Quá trình lão hóa chịu tác động của nhiều yếu tố, do đó không có một định nghĩa đơn thuần có thể lý giải đầy đủ cho sự lão hóa. Các lý thuyết về lão hóa (theories of aging) về cơ bản bao gồm: Các thuyết về sinh học (biologic theories) và các thuyết về tâm lý xã hội (psychosocial theories). 2.2.1. Các thuyết sinh học về lão hóa Các thuyết sinh học về lão hóa (biological theories of aging), giải thích cho những thay đổi về thể chất xảy ra ở người cao tuổi. Các nghiên cứu thuộc lĩnh vực này nhằm phát hiện những yếu tố sinh học nào có ảnh hưởng lớn nhất hay lâu dài nhất. Thuộc lĩnh vực sinh học có một số thuyết tiêu biểu, bao gồm: - Thuyết lập trình sẵn (programmed theory): mọi người đều có một “đồng hồ sinh học” và các tế bình thường được phân phối một số lượng thời gian có hạn, nói cách khác tuổi thọ của mỗi người đã được lên chương trình từ trước. - Thuyết miễn dịch (immunity theory): những thay đổi ở hệ thống miễn dịch, cụ thể nhất là ở các tế bào lympho T dẫn đến sự lão hóa, những thay đổi này làm cho cơ thể dễ bị tổn thương dẫn đến mắc bệnh. - Thuyết sai sót (error theory): các sai sót có thể xảy ra trong quá trình sao chép tổng hợp AND, các sai sót này kéo dài và cuối cùng dẫn đến các hệ thống không đạt được chức năng ở mức tối ưu.


5 - Thuyết gốc tự do (free radical theory): các gốc tự do là các sản phẩm phụ của chuyển hóa, khi tích lũy chúng làm tổn thương màng tế bào dẫn đến làm giảm hiệu lực của tế bào, cơ thể tạo ra các chất chống ô-xy hóa (antioxidants) làm sạch các gốc tự do. - Thuyết liên kết ngang (cross-linkage theory): cùng với tuổi tác một số protein trong cơ thể trở thành liên kết ngang, điều này không cho phép các hoạt động chuyển hóa bình thường, các chất cặn tích lũy trong các tế bào và hệ quả cuối cùng là các mô không đạt được chức năng tối ưu. - Thuyết hao mòn (wear and tear theory): con người như cỗ máy, lão hóa là kết quả của việc sử dụng. 2.2.2. Các thuyết tâm lý xã hội về lão hóa Các thuyết tâm lý xã hội về lão hóa (psychosocial theories of aging), giải thích những đáp ứng khác nhau ở người cao tuổi. Các nhà tâm lý học và xã hội học tập trung tìm hiểu những thất bại ở tuổi già và cách thức mà mỗi cá thể điều chỉnh, nghiên cứu các mối quan hệ giữa người cao tuổi với các hoàn cảnh kinh tế xã hội, môi trường, chính trị, thể chất mà ở đó người cao tuổi sinh sống. * Thuộc lĩnh vực tâm lý: - Thuyết thang bậc nhu cầu của Maslow (Maslow’s hierarchy of human needs): Động lực của con người được xem là có thang bậc về nhu cầu cần thiết cho sự lớn lên và phát triển của tất cả mọi người. Các cá thể được xem là những đối tượng tham gia tích cực trong đời sống, đang cố gắng hiện thực hóa bản thân. - Thuyết nhân cách biểu tượng của Jung (Jung’s theory of individualism): sự phát triển được xem là xảy ra trong suốt tuổi trưởng thành, với sự tự hiện thực hóa bản thân là mục tiêu của phát triển nhân cách. Khi một cá nhân về già, cá nhân đó có khả năng thiên về trạng thái đời sống tinh thần hơn. - Thuyết phát triển theo giai đoạn của Erikson (Erikson’ eight stages of life): Mọi người đều trải qua tám giai đoạn tâm lý xã hội trong một cuộc đời, mỗi giai đoạn phát triển theo độ tuổi biểu trưng cho một sự khủng hoảng, mà ở đó mục tiêu là kết hợp của sự trưởng thành về thể chất và các nhu cầu về tinh thần. Ở mỗi giai đoạn, con người đều có cơ hội để giải quyết khủng hoàng. Kiểm soát thành công đặt nền móng cho một cá nhân trong sự phát triển tiếp theo. Các cá thể luôn có một cơ hội để điều chỉnh lại, trong


6 phạm vi bản thân họ, trong một giai đoạn tâm lý xã hội trước đó để trở thành có kết quả thành công hơn. - Thuyết mở rộng của Peck về thuyết Erikson (Peck’s expansion of Erikson’s theory): Bảy nhiệm vụ phát triển theo lứa tuổi được nhận biết xảy ra trong hai giai đoạn cuối theo thuyết của Erikson với ba nhiệm vụ cuối là sự phân biệt cái tôi đối với mối bận tâm về vai trò công việc, tính hơn hẳn về cơ thể đối với mối bận tâm về cơ thể, và tính hơn hẳn về cái tôi đối với mối bận tâm về cái tôi. - Thuyết tối ưu hóa lựa chọn bằng sự bù trừ (Selective optimization with compensation): Năng lực thể chất giảm theo tuổi, một cá nhân khi về già bù trừ một cách thành công cho những thiếu hụt này thông qua việc lựa chọn, sự tối ưu hóa và sự bù trừ. * Thuộc lĩnh vực xã hội: - Thuyết thoát khỏi ràng buộc (disengagement theory): khi về già người ta rút khỏi xã hội do nhận thức rằng không còn có ích đối với xã hội như là một tổng thể và xã hội ủng hộ cho sự rút khỏi này. - Thuyết hoạt động (activity theory): hoạt động là cần thiết cho lão hóa thành công, dựa trên ba sự thừa nhận “it is better to be active than inactive năng động tốt hơn thụ động”, “it is better to be happy than unhappy vui vẻ tốt hơn buồn rầu” và “an older individual is the best judge of his or her own success in achieving the first two assumptions người cao tuổi là người phán quyết tốt nhất về sự thành công của chính họ trong việc đạt được hai sự thừa nhận trên”. - Thuyết nối tiếp (continuity theory): cho rằng phần sau của cuộc đời là tiếp theo phần đầu của cuộc đời, người ta sẽ đáp ứng với tuổi tác theo một cách tương tự như đã đáp ứng với các sự kiện của cuộc sống trước đây, thói quen, sở thích, các tính cách cá nhân đã hình thành thời trẻ sẽ được duy trì ở tuổi già. - Thuyết phân tầng tuổi (age stratification theory): đề cập đến những giá trị về mặt xã hội, giải thích sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nhóm người cao tuổi và xã hội và cách mà chúng không ngừng ảnh hưởng đến nhau theo những cách khác nhau. - Thuyết phù hợp cá nhân và môi trường (person-environment fit theory): mỗi cá nhân có những năng lực cá nhân hỗ trợ cho cá nhân đó trong việc đối phó với môi trường,


7 những năng lực này có thể thay đổi theo tuổi, tác động đến khả năng của người cao tuổi tương tác với môi trường. Các thuyết về tâm lý học: nỗ lực giải thích khi một người qua tuổi trung niên sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời, các vai trò, khả năng, cách suy nghĩ, và niềm tin bước vào giai đoạn chuyển trạng thái. Phạm vi của các thuyết tâm lý về sự lão hóa rộng hơn các thuyết sinh học và xã hội học bởi chịu ảnh hưởng bởi cả sinh học và xã hội học và cũng không thể tách rời khỏi những ảnh hưởng của sinh học và xã hội học. Nghiên cứu các lý thuyết về sinh học, tâm lý và xã hội mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng, chẳng hạn: - Với các thuyết sinh học, đòi hỏi người điều dưỡng phải có hiểu biết rõ ràng về những thay đổi liên quan đến tuổi tác hay là những thay đổi thực sự là bệnh lý. Người điều dưỡng chuyên khoa lão cũng có thể nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi theo nhiều cách khác nhau. - Với các thuyết xã hội học, người điều dưỡng chuyên khoa lão cần tôn trọng những đáp ứng có lợi của người cao tuổi trong tương tác với xã hội, phát hiện những đáp ứng không thích hợp và có những can thiệp phù hợp nhằm bảo vệ người cao tuổi. - Với các thuyết tâm lý, cùng với quan điểm chăm sóc toàn diện (holistic care), khi được lồng ghép và áp dụng vào thực hành điều dưỡng, người điều dưỡng chuyên khoa lão có thể giúp người già xóa đi những mặc cảm bị già nua, tạo thuận lợi cho lão hóa thành công. 2.2.3. Lý thuyết điều dưỡng về lão hóa Như đã đề cập, mặc dù có nhiều lý thuyết kinh điển về lão hóa như sinh học, xã hội và tâm lý, song cũng chưa có một thuyết nào trong số các thuyết này thỏa mãn các chiều hướng của lão hóa một cách tổng thể. Với quan niệm con người là một tổng thể và chăm sóc điều dưỡng là chăm sóc toàn diện (holistic care), từ những nỗ lực để đáp ứng nhu cầu này, các lý thuyết của điều dưỡng về lão hóa cũng được phát triển. * Thuyết về hệ quả chức năng (Functional Consequences Theory)


8 Các hệ quả từ môi trường và tâm sinh lý tác động đến chức năng và vai trò của điều dưỡng là giảm thiểu những rủi ro, giảm thiểu những mất khả năng liên quan đến tuổi tác, nhằm nâng cao an toàn và chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. * Thuyết về tiến trình (Theory of Thriving) Thất bại trong tiến trình hậu quả từ sự không hòa hợp giữa người cao tuổi và môi trường hoặc các mối quan hệ và vai trò của điều dưỡng là nhận diện và điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng đến sự không hòa hợp này. * Thuyết về lão hóa thành công Khái niệm lão hóa thành công (successful aging) đã được đề cập từ những năm 1950, với những hàm ý thay đổi theo thời gian. Từ quan niệm về sự không có bệnh tật ở người cao tuổi cho đến quan niệm về khả năng mắc bệnh và tàn phế do bệnh tật thấp, khả năng sinh lý và nhận thức cao, và một cách khái quát hơn là sự khỏe mạnh cả về thể chất, tâm thần và xã hội ở người cao tuổi. Quan điểm của điều dưỡng về lão hóa thành công là mức độ mà người cao tuổi thích ứng với những thay đổi tích lũy về thể chất và chức năng mà họ trải qua. Với quan niệm lão hóa là một sự điều chỉnh quá trình có tiến triển, có thể thành công hoặc không thành công, tùy thuộc vào khả năng đối phó của một người. Lão hóa thành công chịu ảnh hưởng bởi sự lựa chọn của cá nhân, những người cao tuổi trải qua những thay đổi đặc trưng cho niềm tin và quan điểm của họ theo những cách khác với những người trẻ tuổi. Theo lý thuyết này, lão hóa thành công nghĩa là về mặt thể chất, tâm lý và xã hội được gắn với những cách thức có ý nghĩa, được xác định riêng cho từng cá nhân và cùng với đó là đạt được một sự chấp nhận thoải mái về cuối đời và cái chết sắp xảy ra. Trong khái niệm về lão hóa thành công, sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa ba yếu tố: 1) Tránh được ốm đau và tàn phế về cơ thể, 2) Duy trì được chức năng tối ưu về thể chất và nhận thức, 3) Tiếp tục gắn kết với xã hội và các hoạt động hữu ích luôn được quan tâm mạnh mẽ. Để có được lão hóa thành công, phần cuộc đời tiếp theo khi bước vào tuổi già khỏe mạnh trên cả ba phương diện thể chất, tinh thần và xã hội, cần có sự chuẩn bị tốt từ giai đoạn ở độ tuổi trung niên.


9 TỰ LƯỢNG GIÁ 1. Phân tích xu hướng của già hóa dân số trên thế giới và Việt Nam, cụ thể: - Khái niệm về già hóa dân số, - Các bằng chứng về bùng nổ dân số người cao tuổi và xu hướng già hóa dân số - Rút ra ý nghĩa đối với chăm sóc người cao tuổi. 2. Hệ thống lại các lý thuyết về lão hóa, cụ thể: - Tóm tắt nội hàm các thuyết sinh học, tâm lý và xã hội về lão hóa, - Tóm tắt nội hàm lý thuyết điều dưỡng về lão hóa và ý nghĩa đối với điều dưỡng, - Liên hệ với thực tiễn chăm sóc người cao tuổi mà điều dưỡng đã trải nghiệm.


10 Bài 2. NHỮNG THAY ĐỔI CHUNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI MỤC TIÊU Sau khi kết thúc bài học, học viên có khả năng: 1) Hệ thống được những thay đổi chung về thể chất ở người cao tuổi và ý nghĩa đối với điều dưỡng. 2) Hệ thống được những thay đổi chung về tâm lý ở người cao tuổi và ý nghĩa đối với điều dưỡng. NỘI DUNG 1. Thay đổi về thể chất ở người cao tuổi và ý nghĩa đối với điều dưỡng 1.1. Thay đổi về thể chất ở người cao tuổi Như đã đề cập, già hóa là quá trình sinh học tự nhiên liên quan đến tuổi xảy ra ở các mức độ từ mức dưới phân tử cho đến toàn bộ cơ thể. Nói cách khác, theo thời gian mỗi cơ quan trong cơ thể đều có những thay đổi về mặt cấu trúc từ đó dẫn đến những thay đổi về mặt chức năng. Điều dưỡng có vai trò quan trọng trong việc phát hiện những thay đổi này, trên cơ sở đó tiến hành hướng dẫn, hỗ trợ người già, giúp người già hạn chế và giảm thiểu đến mức tối đa, khắc phục và thích nghi với những thay đổi đó, kéo dài được tuổi thọ khỏe mạnh cho người già. Theo hệ thống các cơ quan trong cơ thể, có thể tóm tắt như sau: * Hệ thần kinh - Về cấu trúc: Khối lượng não giảm dần (giảm khoảng 20% so với lúc còn trẻ). Lưu lượng máu đến não giảm. Tốc độ dẫn truyền thần kinh giảm. - Về chức năng: Giảm khả năng nhạy cảm của các giác quan. Giảm quá trình hưng phấn và ức chế. Giảm tính linh hoạt và chậm phản ứng với các stress. Giảm trí nhớ và độ tập trung, hay quên sự việc mới xảy ra. Dễ mất thăng bằng và rối loạn giấc ngủ. * Hệ tim mạch - Về cấu trúc: Van tim trở nên dày, cứng, vôi hóa. Cơ tim giảm tính đàn hồi. Tuần hoàn nuôi tim giảm. Các động mạch bị xơ hóa, kém đàn hồi. Các tĩnh mạch giảm trương lực. Các mao mạch kém hiệu lực. - Về chức năng: Giảm khả năng dẫn truyền trong tim. Suy tim tiềm tàng. Tăng huyết áp. Suy tĩnh mạch.


11 * Hệ hô hấp - Về cấu trúc: Lồng ngực thay đổi về hình dạng và hạn chế cử động. Tế bào biểu mô trụ phế quản trở nên dày, tế bào biểu mô tiết dịch trở nên loạn dưỡng làm cho chất nhày bị cô đặc và giảm về số lượng. Hoạt động của các nhung mao ở đường hô hấp bị suy giảm. - Về chức năng: Dung tích phổi giảm. Khả năng hấp thu ô-xy vào máu động mạch giảm, dẫn đến thiếu ô-xy tổ chức, tế bào. Khả năng làm sạch đường thở kém, dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp. * Hệ tiêu hóa - Về cấu trúc: Ống tiêu hóa có sự thu hẹp và teo nhỏ lại. Các hệ tiết dịch giảm hoạt động, túi mật và ống dẫn mật giảm tính đàn hồi, rối loạn điều tiết mật. - Về chức năng: Khô miệng, nuốt nghẹn, đầy bụng, chướng bụng và ợ hơi. Khó tiêu hóa, giảm hấp thu, đặc biệt là giảm hấp thu sắt, calci, vitamin B12, các chất béo. Dễ bị viêm miệng, thiếu máu, loãng xương, phù thiểu dưỡng, sỏi mật, táo bón, sa trực tràng. * Hệ tiết niệu - Về cấu trúc: Khối lượng thận giảm, số nephron hoạt động giảm, cấu trúc các động mạch nhỏ và động mạch trung bình của thận giảm. Dung tích bàng quang, trương lực cơ bàng quang và niệu đạo giảm. Phì đại tuyến tiền liệt ở nam, giảm trương lực cơ đáy chậu ở nữ. - Về chức năng: Mức lọc cầu thận giảm, chức năng cô đặc nước tiểu giảm, hay đái đêm, dễ bị tiểu tiện cấp bách ở nữ, đái rắt và đái không tự chủ ở nam. Dễ bị ứ đọng nước tiểu làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu. * Cơ-Xương-Khớp - Về cấu trúc: Cơ: giảm độ lớn, giảm sức mạnh, giảm tính mềm dẻo. Xương: giảm khối lượng, giảm tỷ trọng, thưa xương, tiêu xương. Khớp: thoái hóa sụn khớp, giảm dịch khớp. - Về chức năng: Đau cơ và giảm sức chịu đựng với các hoạt động. Giảm chiều cao, gù lưng, cong xương, dễ bị gẫy xương. Đau khớp và hạn chế động tác của khớp. * Các giác quan


12 - Về cấu trúc: Cơ quan thị giác: thoái hóa các cấu trúc, đục thủy tinh thể, khả năng co giãn đồng tử chậm, khả năng phân biệt màu sắc giảm. Cơ quan thính giác: thoái hóa các cấu trúc của tai. Cơ quan vị giác: giảm vị giác, đặc biệt là với các vị ngọt và mặn. Cơ quan khứu giác: giảm khả năng ngửi. - Về chức năng: Giảm thị lực đặc biệt là giảm khả năng nhìn gần (viễn thị), không chịu được ánh sáng chói, khó thích ứng với sự thay đổi ánh sáng. Giảm khả năng nghe, không nghe được âm thanh có tần số cao. Giảm sự thèm ăn, thích ăn đồ ngọt, thích ăn mặn. Sự giảm khả năng của các giác quan làm cho người già cảm giác cô quạnh. * Hệ thống da - Về cấu trúc: Da mỏng đi, giảm tính đàn hồi, mạch máu nuôi da giảm, kém bền vững, giảm xúc giác đặc biệt là cảm nhận với nhiệt độ. Tuyến bã và tuyến mồ hôi giảm tiết. Tóc khô và bạc màu. - Về mặt chức năng: Da khô, dễ bị kích thích ngứa, dễ bị tổn thương, giảm khả năng bảo vệ cơ thể và khả năng điều hòa nhiệt. Tóc thưa và gãy, rụng. * Hệ nội tiết - Về cấu trúc: Tuyến nội tiết bị thoái triển, sớm nhất là tuyến ức rồi đến các tuyến sinh dục, giáp trạng, tuyến yên và tuyến thượng thận. - Về chức năng: Giảm khả năng thích ứng của cơ thể với các sang chấn. Giảm hoạt động tình dục, cảm giác khô hạn, giảm chất lượng cuộc sống. * Dinh dưỡng và chuyển hóa Nhu cầu năng lượng ở người già giảm khoảng 30% so với người trẻ do giảm khối cơ bắp và ít hoạt động nặng nhọc. Khả năng tiêu hóa hấp thu các dưỡng chất cũng giảm theo: Tiêu hóa, hấp thu chất đạm kém, giảm khả năng tổng hợp albumin của gan nên người cao tuổi thường bị thiếu chất đạm. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thịt thì quá trình phân hủy thịt sẽ xảy ra ở đại tràng, lên men, tạo ra các chất độc gây hại cho cơ thể. Nguy cơ thiếu dịch trong cơ thể do giảm nhạy cảm với cảm giác khát nước. Người cao tuổi thường ít ra nắng hơn nên giảm khả năng tổng hợp vitamin D3 so với người trẻ.


13 Tuyến tụy giảm sản xuất insulin và có thể đề kháng insulin nên người cao tuổi có nguy cơ cao bị đái tháo đường. Hoạt động của men lipase, men phân hủy chất béo nên người cao tuổi có nguy cơ cao bị tăng mỡ máu. 1.2. Ý nghĩa đối với điều dưỡng Như đối với các đối tượng chăm sóc khác, yêu cầu về nhận định sức khỏe toàn diện và chi tiết phải luôn được chú trọng. Để tránh bỏ sót các vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi cao, điều dưỡng có thể thiết kế các biểu mẫu ghi nhận và đánh giá theo hệ thống cơ thể. Trên cơ sở kết quả thu được từ nhận định, xác định cụ thể các vấn đề về chức năng liên quan đến những thay đổi thể chất và các kế hoạch chăm sóc cụ thể đối với từng người cao tuổi. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các biện pháp chung nhằm hỗ trợ người cao tuổi dựa trên những thiếu hụt chức năng phát hiện được ở mỗi cơ quan hệ thống cơ thể, cụ thể: * Đối với những thay đổi về thần kinh: Tư vấn, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi nhận thức được nguy cơ bị thương tích hoặc tai nạn và tầm quan trọng của các biện pháp thích ứng với thay đổi ở hệ thần kinh. Hướng dẫn và hỗ trợ người cao tuổi thực hiện một số biện pháp chung: - Khi thay đổi tư thế từ nằm, ngồi, đứng dậy hoặc di chuyển phải thận trọng và thực hiện từ từ, có thể sử dụng một số phương tiện hỗ trợ như tay vịn, gậy chống khi đi lại để tránh ngã. - Giành đủ thời gian để thích ứng trước những kích thích. Giành thời gian thích hợp để thư giãn và luyện tập trí nhớ. - Tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ, khi cần có thể sử dụng một số chất an thần nhẹ. - Có thể luyện tập (nếu không có chống chỉ định) hoạt động cải thiện khả năng giữ thăng bằng như đứng bằng một chân khoảng 3 lần mỗi tuần. * Đối với những thay đổi về tim mạch: - Tư vấn, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi nhận thức được những nguy cơ tim mạch và tầm quan trọng của lối sống với sức khỏe tim mạch.


14 Hướng dẫn và hỗ trợ người cao tuổi thực hiện một số biện pháp chung: - Tập thể dục thường xuyên và phù hợp với bản thân, lưu ý người cao tuổi rằng nếu không có các vấn đề phải chống chỉ định thì đi bộ là hình thức hoạt động thể lực phù hợp nhất đối với hầu hết người cao tuổi và mức độ thực hiện trung bình được khuyến cáo là ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. - Kiểm soát cân nặng, không để sụt cân, thiếu dinh dưỡng hoặc kiềm chế trọng lượng không để thừa cân hoặc béo phì. - Thực hiện chế độ ăn hạn chế muối, hạn chế mỡ và phủ tạng động vật, không hút thuốc và tránh dùng các chất kích thích. - Tránh các hoạt động quá sức, hạn chế tối đa các sang chấn về tinh thần hoặc rơi vào tình trạng căng thẳng tinh thần. - Thường xuyên đi khám sàng lọc tim mạch, kiểm tra huyết áp tại cơ sở y tế hoặc hướng dẫn người cao tuổi tự theo dõi huyết áp tại nhà. * Đối với những thay đổi về hô hấp: Tư vấn, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi nhận thức được những nguy cơ về bệnh lý hô hấp và tầm quan trọng của các biện pháp phòng mắc bệnh hô hấp. Hướng dẫn và hỗ trợ người cao tuổi thực hiện một số biện pháp chung: - Thực hiện các bài tập thở sâu và ho có hiệu quả, uống đủ nước mỗi ngày. - Luôn giữ ấm cơ thể về mùa lạnh, tiêm phòng cúm (nếu có thể), tránh tiếp xúc với người đang bị nhiễm trùng. - Không hút hoặc bỏ hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Tránh các khu vực không khí bị ô nhiễm, tránh nơi có khói bụi. * Đối với những thay đổi về tiêu hóa: Tư vấn, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi nhận thức được những nguy cơ về bệnh tiêu hóa và tầm quan trọng của các biện pháp phòng mắc bệnh tiêu hóa. Hướng dẫn và hỗ trợ người cao tuổi thực hiện một số biện pháp chung: - Lựa chọn và chế biến thức ăn đảm bảo dễ tiêu hóa, ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn ít mỡ, tăng thêm rau, quả, uống đủ nước. - Hướng dẫn người cao tuổi thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách. Lưu ý giành thì giờ ngồi nghỉ thoải mái sau khi ăn.


15 - Thuyết phục người cao tuổi đi đại tiện đúng giờ hàng ngày để hình thành thói quen, không tự ý sử dụng các thuốc gây giảm tiết dịch; các thuốc kích thích tiêu hóa khi không có chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. * Đối với những thay đổi về tiết niệu: Tư vấn, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi nhận thức được những nguy cơ về bệnh đường tiết niệu và tầm quan trọng của các biện pháp phòng bệnh. Hướng dẫn và hỗ trợ người cao tuổi thực hiện một số biện pháp chung: - Chủ động và hình thành thói quen đi tiểu theo giờ một cách đều đặn, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của cá nhân. - Thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày và ngay sau mỗi lần tiểu tiện, đại tiện. Lưu ý người cao tuổi nữ không lau rửa bộ phận sinh dục theo hướng từ sau ra trước để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn từ hậu môn sang đường tiểu. - Thực hiện bài tập tăng trương lực cơ vùng đáy chậu (các cơ vòng ở hậu môn và cổ bàng quang) nhiều lần trong ngày: Thực hiện động tác căng, rồi thư giãn các cơ hậu môn và trực tràng giống như lúc phải nín đại tiện. Căng rồi thư giãn các cơ bàng quang và niệu đạo giống như lúc phải nhịn tiểu tiện. Hai bài tập này được làm xen kẽ nhau, mỗi bài nhắc lại khoảng 10 lượt cho một lần. Mỗi ngày thực hiện từ 4 đến 6 lần. - Với những người bị chứng “tiểu tiện cấp bách” hoặc khó tự chủ nên mặc quần áo rộng rãi, dễ cởi. Có thể chuẩn bị sẵn một số đồ dùng để tiểu tiện gần nơi sinh hoạt. * Đối với những thay đổi ở cơ xương khớp: Tư vấn, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi nhận thức được những thay đổi về vận động và tầm quan trọng của các biện pháp duy trì chức năng vận động. Hướng dẫn và hỗ trợ người cao tuổi thực hiện một số biện pháp chung: - Hướng dẫn người cao tuổi lựa chọn ăn các thực phẩm giàu calci như đậu, đỗ, sữa và các sản phẩm từ sữa, tránh những thức ăn chứa nhiều phospho như thức ăn và đồ uống công nghiệp chế biến sẵn. - Với những người có nguy cơ cao bị loãng xương nên bổ sung thêm chế phẩm chứa calci, vitamin D và fluoride. - Luyện tập các bài tập kéo giãn các cơ bám trên các xương dài nhằm làm tăng cơ lực và làm chậm quá trình tiêu xương. Thực hiện ít nhất 2 ngày một tuần cho các hoạt động tăng cường cơ bắp.


16 - Động viên người cao tuổi thực hiện các hoạt động thể dục một cách thích hợp, đều đặn kết hợp với thư giãn, thí dụ: đi bộ 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần; hoặc 75 phút mỗi tuần cho hoạt động cường độ mạnh hơn như đi bộ đường dài, đi bộ nhanh hoặc chạy bộ. * Đối với những thay đổi về giác quan: Tư vấn, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi nhận thức được những thay đổi và ảnh hưởng về giác quan và tầm quan trọng của các biện pháp thích ứng với những thay đổi về giác quan. Hướng dẫn và hỗ trợ người cao tuổi thực hiện một số biện pháp chung: - Đảm bảo đủ ánh sáng trong sinh hoạt hàng ngày cho người cao tuổi. Tại nơi ở và sinh hoạt của người cao tuổi, tránh bố trí những ánh sáng chói hoặc ánh sáng sặc sỡ. - Khuyên người cao tuổi khi đi từ chỗ sáng ra chỗ tối phải từ từ và giành đủ thời gian để thích ứng, hạn chế điều khiển phương tiện cơ giới và không nên lái vào ban đêm. - Khi cần đọc, nên chọn loại sách báo có cỡ chữ to, có thể sử dụng kính thuốc để hỗ trợ khi cần. - Tránh những nơi có nhiều tiếng ồn, khi cần nói chuyện với người già nên ngồi đối diện nói chậm rãi, phát âm rõ ràng với âm độ thấp kết hợp với ngôn ngữ cử chỉ phù hợp, có thể dùng thiết bị trợ thính để hỗ trợ. - Hạn chế ăn các thức ăn có quá nhiều muối (món ăn kho mặn, dưa muối, cà muối…) và dặn người nhà hoặc người nấu ăn kiểm soát lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày cho người cao tuổi. Với những người có thói quen ăn kèm gia vị, nên dùng các loại gia vị không gây hại khi ăn để tăng cảm giác ngon miệng. - Tạo cảnh quan vui vẻ, đầm ấm trong sinh hoạt hàng ngày và trong các bữa ăn cho người cao tuổi. * Đối với những thay đổi về da: Tư vấn, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi nhận thức được tầm quan trọng của da đối với điều hòa thân nhiệt và bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân vi sinh vật gây bệnh cùng với những biện pháp đảm bảo sự toàn vẹn của da để bảo vệ cơ thể. Hướng dẫn và hỗ trợ người cao tuổi thực hiện một số biện pháp chung: - Tránh để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gắt, khi cần thiết phải ra ngoài trời nắng nên mặc áo dài tay, quần dài ống, mang mũ, nón rộng vành.


17 - Khi phải làm các công việc có tiếp xúc với nhiệt độ cao, phải có các phương tiện bảo vệ hoặc cách nhiệt, không để da tiếp xúc trực tiếp phòng bị bỏng da do nhiệt. - Mặc quần áo rộng rãi, nơi ở thoáng mát để tránh nóng về mùa hè, không nên ra ngoài vào buổi trưa nắng. Giữ ấm về mùa đông bằng cách mặc đủ ấm, tránh gió lùa, tránh ra lạnh đột ngột. - Vệ sinh cơ thể từng bộ phận một cách thích hợp như lau rửa nhẹ nhàng vùng khung chậu nhất là sau mỗi lần đại tiện; tiểu tiện. Chỉ nên tắm toàn thân 1 đến 2 lần mỗi tuần, khi tắm phải đảm bảo nước đủ ấm về mùa đông không quá nóng hoặc quá lạnh, thời gian một lần tắm không nên kéo dài. Có thể xoa kem hoặc dầu thơm để bảo vệ da sau khi tắm lúc da còn ẩm. * Đối với những thay đổi về nội tiết: Tư vấn, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi nhận thức được những ảnh hưởng liên quan đến suy giảm chức năng nội tiết và những biện pháp khắc phục. Hướng dẫn và hỗ trợ người cao tuổi thực hiện một số biện pháp chung: - Áp dụng một số biện pháp để tránh hoặc hạn chế tối đa các sang chấn cho người già. Khi cần có thể hướng dẫn người già sử dụng một số biện pháp hỗ trợ để giảm đau và chấn thương trong sinh hoạt tình dục như dùng dầu nhờn tan trong nước. - Thực hiện khám sàng lọc một số bệnh nội tiết, định kỳ kiểm tra đường huyết tại cơ sở y tế hoặc hướng dẫn những người có nguy cơ cao tự theo dõi đường huyết tại nhà. * Đối với những thay đổi về dinh dưỡng và chuyển hóa Tư vấn, giáo dục sức khỏe để người cao tuổi nhận thức được những thay đổi về dinh dưỡng liên quan đến tuổi tác và các biện pháp dự phòng. Hướng dẫn và hỗ trợ người cao tuổi thực hiện một số biện pháp chung: - Thường xuyên đánh giá tình trạng dinh dưỡng, theo dõi cân nặng và chỉ số khối cơ thể, tránh để thiếu hoặc thừa cân. - Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về dinh dưỡng hoặc rối loạn chuyển hóa. - Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của người cao tuổi và hướng dẫn cho người cao tuổi hoặc người nấu ăn cho người cao tuổi, chú ý đặc điểm cá nhân và điều kiện sống của mỗi người cao tuổi.


18 2. Thay đổi về tâm lý ở người cao tuổi và ý nghĩa đối với điều dưỡng Khi tuổi cao cùng với sự suy yếu của cơ thể, năng lực thích nghi với hoàn cảnh xung quanh cũng giảm đi, khả năng duy trì sự thăng bằng về tâm lý ở người giả cũng giảm đi. Có nhiều thay đổi trong quan niệm về người cao tuổi, sức khỏe người cao tuổi có những sự đổi mới… là những yếu tố tác động mạnh đến suy nghĩ và hành vi của người cao tuổi. Các yếu tố tâm lý xã hội được chứng minh có liên quan mật thiết đến tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở người cao tuổi. 2.1. Thay đổi về tâm lý ở người cao tuổi 2.2.1. Một số thay đổi tâm lý ở người cao tuổi Những thay đổi về sinh học do tuổi cao cùng với sự thay đổi về môi trường và xã hội khi về già thường làm xuất hiện ở người cao tuổi những thay đổi về tâm lý như: * Cảm thấy bị già nua Năng lực cảm nhận thấp hơn so với lúc còn trẻ làm cho người cao tuổi có cảm giác mình bị già nua, những thay đổi như thị giác và thính giác suy giảm, phản ứng chậm chạp, trí lực và khả năng nhớ kém cũng làm cho người cao tuổi thấy mình bị già nua. Hệ quả của những vấn đề này có thể dẫn đến những phản ứng tâm lý không có lợi như phiền muộn; hoài nghi; mặc cảm; hoặc thậm chí còn cảm thấy bị đe dọa bởi cái chết đặc biệt khi có thêm bệnh tật từ đó dẫn đến trạng thái lo lắng, sợ sệt. * Cảm thấy bị vô dụng Sự thay đổi về địa vị xã hội và môi trường xung quanh làm cho tinh thần của người cao tuổi ở trong trạng thái hẫng hụt, dễ bị kích động. Do không còn trong môi trường làm việc hoặc cương vị công tác như trước đây làm cho người cao tuổi lúc đầu rất khó thích nghi, dẫn đến cảm giác cô đơn, buồn chán, cảm thấy mình như bị vô dụng dẫn đến mặc cảm, tự ti. Những thay đổi về điều kiện kinh tế, thu nhập cá nhân, bạn cùng lứa tuổi qua đời hoặc trong gia đình có mâu thuẫn cũng dễ làm cho người cao tuổi có phản ứng tâm lý không bình thường. Nếu trạng thái tâm lý bất thường này kéo dài quá mức sẽ làm tổn hại đến sức khỏe về thể chất và tinh thần. * Trở nên cố chấp Lòng tự trọng vốn có của mỗi người khi về già sẽ tăng lên do quan niệm mình là người cao tuổi, thuộc thế hệ đi trước, từng trải, có nhiều kinh nghiệm, tri thức uyên bác


19 nên phải được tôn trọng. Mặt khác, tuy đã ra khỏi môi trường công tác hoặc làm việc trước đây nhưng vẫn dùng kinh nghiệm và quan điểm cũ để quan sát, phân tích đã không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của bản thân nên thường cảm thấy không được coi trọng, lòng tự trọng bị tổn thương. Những thay đổi này có thể dẫn đến những phản ứng tâm lý cố chấp, ngang ngược hoặc trầm cảm tiêu cực. 2.2.2. Một số hình thái hoạt động tâm lý ở người cao tuổi Những thay đổi về mặt tâm lý khi tuổi cao không giống nhau về mức độ, về sự chấp nhận và cả về phản ứng giữa các nhóm người cao tuổi và giữa mỗi người cao tuổi thuộc một nhóm nào đó. Quan trọng hơn là những hình thái hoạt động tâm lý được biểu hiện dưới các hoạt động khi cao tuổi, điều này mang lại nhiều giá trị cho điều dưỡng trong chăm sóc người cao tuổi. Các hình thái hoạt động tâm lý cơ bản ở người cao tuổi có thể được tóm lược như sau: * Vui vẻ tích cực Những người cao tuổi này thường có tính cách rộng rãi, vui vẻ, cởi mở, yêu cuộc sống, tích cực duy trì các hoạt động vốn có từ trước, làm những việc phù hợp với sức lực và trí lực của bản thân. * Hứng thú say mê Những người cao tuổi này khi nghỉ hưu có tâm lý ưng thuận với việc “thay đổi vai trò” nên thường xử lý các vấn đề trong cuộc sống một cách bình tĩnh và hợp lý. Trong sinh hoạt thường ngày những người cao tuổi này vẫn thấy hứng khởi từ đó xử lý tốt các mối quan hệ. * Kiên trì làm việc Là những người khi còn trẻ thường có hoài bão ý chí lớn nhưng không mấy thành công. Khi về già những người này thường không cam chịu, thường kiên quyết tự mình thông qua những hành động hoặc công việc vất vả để chứng minh rằng mình vẫn là người còn có năng lực. * Thoát tục Những người này là những người trước đây ưa sống nội tâm nay khi về già giảm hẳn các hoạt động xuống tới mức thấp nhất. Những người này thường ngại giao lưu,


20 không có yêu cầu cao trong cuộc sống, và có thể bình tĩnh ứng phó với các vấn đề trong cuộc sống mà không muốn nhờ hoặc phụ thuộc vào người khác. * Quá bận tâm đến sức khỏe Những người cao tuổi này đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của bản thân, thường chỉ lo mình tuổi cao sức yếu, tai nạn bệnh tật nhiều. Một số người khi có ốm đau thì thổi phồng quá mức bệnh của mình lên. Một số khác cơ bản không có bệnh nhưng vẫn cố cho rằng mình có bệnh hoặc tìm cách nặn ra bệnh. Những người này thường tự làm cho cuộc sống của họ khi về già trở nên khó khăn hơn. * Mưu cầu giúp đỡ Là những người trước đây quen ỷ lại hoặc thường yêu cầu và nhận sự giúp đỡ của người khác. Khi về già không còn nhận được sự giúp đỡ như trước hoặc không thỏa mãn được yêu cầu cá nhân, thì cho là người khác coi khinh mình, không muốn giúp mình, từ đó xuất hiện tâm trạng ủ rũ, buồn chán. * Thờ ơ lạnh nhạt Những người này thường cho rằng cuộc sống quá khốn khó, bản thân họ lại bất lực trước hiện trạng này. Những người này thường tự dày vò bản thân, hồi tưởng lại những năm tháng đẹp nhất trong quá khứ lấy đó làm niềm vui, làm cho người khác có ấn tượng là họ thờ ơ lạnh nhạt với cuộc sống hiện tại nhưng thực chất là họ đang bế tắc. * Tự trách bản thân Những người này sau khi kiểm điểm lại cuộc đời mình nhận thấy quá nhiều mục tiêu chưa đạt được và coi đó là sự thất bại do năng lực bản thân thấp kém. Vì vậy họ thường tự trách mình, thậm chí luôn mặc cảm là mình có lỗi, dẫn đến tự ti, ân hận, lâu dần rơi vào tình trạng ủ rũ, nản lòng thoái chí. * Cô độc, kỳ dị Những người vốn hay hoài nghi, tự cho rằng mình đã hy sinh cho hoàn cảnh, còn người khác không hơn gì mình. Những người này thường cảm thấy cuộc sống vô vị, thường đổ lỗi những thất bại của bản thân là do người khác. Quan hệ giữa họ với những người xung quanh trở nên xấu đi, làm cho họ ngày càng trở nên cô độc và kỳ dị.


21 2.2. Ý nghĩa đối với điều dưỡng Điều dưỡng cần quan niệm đúng và đầy đủ về người cao tuổi, tiếp cận chăm sóc người cao tuổi một cách đầy đủ, khoa học và toàn diện. - Mặc dù thừa nhận rằng khi con người già đi, nhìn chung các hoạt động tâm, sinh lý đều ở trạng thái thấp. Các chức năng cảm giác, tri giác, tư duy ngôn ngữ, khả năng tập trung, chú ý, ghi nhớ, năng lực lý giải, phân tích, tổng hợp, phán đoán, tình cảm, ý chí và hành vi có chiều hướng giảm đi. Những thay đổi theo chiều hướng giảm đi này thường để lại ấn tượng ông/bà già “lẩm cẩm”. - Tuy nhiên, người già không hẳn là “lẩm cẩm” bởi lẽ sự thay đổi tâm lý của người già mặc dù có xu hướng tăng lên theo tuổi với các chức năng tâm lý có xu thế hạ thấp nhưng không phải xảy ra đồng thời với tất cả người già. Thực tế có những người già với hình thể “lụ khụ”, lưng còng nhưng tinh thần khá minh mẫn, nét mặt luôn phấn chấn, thậm chí có tư duy khá nhạy bén và trí nhớ khá rõ ràng. - Những đặc tính tâm lý cơ bản được biểu hiện qua thái độ và hành vi của con người đối với bản thân, người và sự vật, và với toàn bộ môi trường sống xung quanh. Mặc dù tính cách của một người là một đặc trưng tâm lý khá ổn định, tuy nhiên nhiều yếu tố có thể dẫn đến thay đổi tính cách, đặc biệt khi tuổi cao. Thay cho sự hăm hở, ý chí vươn lên khi còn trẻ là sự trầm lắng, chậm chạp; cùng với những thay đổi về điều kiện sinh hoạt; bị ốm đau; trải qua những sự kiện bất ngờ, những hoàn cảnh đặc biệt. làm cho tính cách của người cao tuổi có những thay đổi. - Thay đổi tâm lý và bệnh tật đã được chứng minh là có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Những trạng thái tâm lý buồn chán kéo dài có thể ảnh hường đến chức năng sinh lý của các hệ thống trong cơ thể. Khi những ảnh hưởng này kéo dài quá lâu làm gia tăng những rối loạn chức năng sinh lý dễ dẫn đến những biến đổi bệnh lý ở người cao tuổi. - Những trạng thái tâm lý tinh thần căng thẳng ngoài việc ảnh hưởng đến chức năng của não còn ảnh hưởng đến các chức năng của hệ nội tiết, tim mạch, miễn dịch và trao đổi chất. - Bản thân bệnh tật cũng làm giảm sự lành mạnh về tâm lý ở người cao tuổi. Vữa xơ động mạch, tăng huyết áp làm giảm trí nhớ. Những người phải nằm trên giường


22 không tự chăm sóc được bản thân do bệnh tật dễ sinh ra tâm lý bị cô độc, phiền muộn và phản ứng tiêu cực. - Các điều kiện ưu việt khi được phát huy, các dạng thức hoạt động tích cực khi được khuyến khích, hỗ trợ thì người cao tuổi có thể thay đổi từ trầm mặc, ít nói của lối sống nội tâm trở nên linh hoạt, vui vẻ của lối sống giao lưu rộng rãi. Ngược lại, các yếu tố tiêu cực cần được phát hiện và loại bỏ, không nên chấp nhận và bằng lòng rằng sự lẩm cẩm là kết quả tất yếu của tuổi cao. - Duy trì được sự minh mẫn bằng áp dụng một số biện pháp tích cực để hạn chế sự già nua. Việc điều tiết các hoạt động một cách hợp về chế độ ăn ngủ, làm việc, học tập, thể dục, tránh các kích động, sử dụng bộ não một cách khoa học góp phần tích cực không những trong phòng chống bệnh tật, duy trì sức khỏe về thể chất mà còn rất có ích đối với sức khỏe về tinh thần. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người cao tuổi thường xuyên lao động trí óc thì năng lực tư duy vẫn nhạy bén, ngược lại ở những người ít động não thì nhanh chóng bị lão hóa. Lao động trí óc thường xuyên làm cho các mạch máu não ở trạng thái giãn ra, làm chậm quá trình xơ cứng mạch não, có lợi cho việc nuôi dưỡng tế bào não. Vì vậy chăm sử dụng bộ não là một trong những biện pháp phòng tránh sự già nua về tinh thần. Tóm lại, duy trì sự thăng bằng và lành mạnh về tâm lý ở người cao tuổi sẽ giúp họ có khả năng thích nghi tốt hơn với hoàn cảnh mới, loại bỏ được các yếu tố có hại cho cơ thể, kéo dài thời gian sống vui tươi, khỏe mạnh và có ích. TỰ LƯỢNG GIÁ 1. Hệ thống lại những thay đổi chung về thể chất ở người cao tuổi, cụ thể: - Tóm tắt những thay đổi về thể chất ở người cao tuổi, - Rút ra ý nghĩa đối với điều dưỡng khi chăm sóc người cao tuổi. 2. Hệ thống lại những thay đổi chung về tâm lý ở người cao tuổi, cụ thể: - Tóm tắt những thay đổi về tâm lý ở người cao tuổi, - Rút ra ý nghĩa đối với điều dưỡng khi chăm sóc người cao tuổi.


23 Bài 3. CÁC VẤN ĐỀ SỨC KHỎE CHUNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI MỤC TIÊU Sau khi kết thúc bài học, học viên có khả năng: 1) Mô tả và phân tích được những vấn đề sức khỏe chung ở người cao tuổi. 2) Xác định được những quan tâm chung cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. NỘI DUNG 1. Các vấn đề sức khỏe ở người cao tuổi Khi tuổi cao, cơ thể có những biến đổi về cấu trúc theo chiều hướng thoái triển, chức năng sinh lý, sức đề kháng của cơ thể có xu hướng bị suy giảm, khả năng thích ứng kém là những yếu tố làm cho người cao tuổi dễ mắc bệnh hơn. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng lúc, trung bình mỗi người cao tuổi Việt Nam có thể mắc trên 03 bệnh lý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, Sa sút trí tuệ, đột quỵ v.v... Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, có những người cao tuổi nhập viện với 5 - 6 bệnh [Sức khỏe và đời sống: 12-11-2022 2:55 PM | Tin nóng y tế]. Các vấn đề sức khỏe thường gặp ở người cao tuổi có thể được xem xét theo một số cách dưới đây. 1.1. Theo hệ thống cơ thể Tim mạch: Tăng huyết áp và huyết áp thấp. Vữa xơ động mạch (vữa xơ động mạch vành, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não). Bệnh van tim (hẹp van động mạch chủ, phì đại dưới van động mạch chủ, vôi hóa vòng van hai lá, hở van hai lá). Rối loạn nhịp tim và rối loạn dẫn truyền thần kinh tim.Suy tim ở người cao tuổi. Hô hấp: Bệnh đường hô hấp trên (cảm cúm, viêm mũi họng). Bệnh phế quản phổi (viêm tiểu phế quản, viêm phế quản phổi, bệnh phổi kẽ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư biểu mô phế quản). Tiêu hóa: Bệnh của thực quản (trào ngược thực quản, rối loạn vận động thực quản, ung thư thực quản, thoát vị ruột qua cơ hoành). Bệnh của dạ dày tá tràng (loét hoặc viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tính, ung thư dạ dày, xuất huyết tiêu hóa cao). Bệnh của ruột non (kém hấp thu, tăng sinh vi khuẩn, ỉa chảy mỡ). Bệnh của đại tràng (rối loạn đại tiện, viêm đại tràng, trĩ, ung thư đại tràng). Bệnh của tụy (viêm tụy cấp hoặc mạn). Bệnh của gan (viêm gan không đặc hiệu, xơ gan, ung thư gan). Bệnh của đường mật (rối loạn vận động đường mật, sỏi túi mật, ung thư đường mật).


24 Tiết niệu: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Viêm mao mạch cầu thận. Xơ tiểu động mạch thận. Suy thận cấp và mạn. Cơ-xương-khớp: Nhẽo cơ, giảm trương lực cơ, yếu cơ. Thưa xương, loãng xương, nhuyễn xương. Hư khớp, giả viêm đa khớp gốc chi. Nội tiết và chuyển hóa: Suy tuyến yên trước. Rối loạn giáp trạng (suy giáp, bướu độc giáp, ung thư tuyến giáp). Rối loạn thượng thận (suy hoặc cường tuyến thượng thận). Sinh dục (bệnh buồng trứng mãn kinh ở nữ, phì đại tiền liệt tuyến ở nam, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt). Rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường týp 2, béo phì). Huyết học và miễn dịch: Thiếu máu do dinh dưỡng. Bệnh máu ác tính (tăng sinh tế bào Lympho, suy tủy xương, bệnh Hodgkin). Suy giảm miễn dịch, đặc biệt là suy giảm tế bào T theo tuổi tác là nguyên nhân lớn nhất gây nên tình trạng dễ nhiễm trùng ở người cao tuổi. Tâm thần-Thần kinh: Rối loạn tuần hoàn não. Thiếu máu cục bộ não. Xuất huyết não. Bệnh Parkinson. Bệnh ở tiểu não. Bệnh ở tủy sống. Bệnh ở thần kinh ngoại biên. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần: rối loạn giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, trầm cảm. Một số cơ quan khác: Mắt (đục thủy tinh thể, glocom, thoái hoá võng mạc). TaiMũi-Họng (giảm thính lực, viễn thị, rối loạn thăng bằng do tiền đình ốc tai, ung thư amidan, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản). Răng miệng (sâu răng, viêm quanh cuống răng, viêm miệng áp-tơ). Hệ thống da (kích thích ngứa, dầy sừng, u mạch, xuất huyết dưới da). 1.2. Theo mức độ thường gặp Đột quỵ: Đột quỵ (stroke) hay tai biến mạch não (cerebrovascular accident) thường gặp ở người cao tuổi (khoảng 21,9%) do sự suy yếu của hệ thống mạch máu, máu đến nuôi não giảm sút nên dễ bị nhồi máu não, thiếu máu não. Mặt khác, thành mạch suy yếu, dễ vỡ cùng với hậu quả của bệnh tăng huyết áp (nếu mắc trước đó) dẫn đến hậu quả dễ xảy ra xuất huyết mạch máu não. Để phòng đột quỵ cho người cao tuổi, cần hỗ trợ người cao tuổi có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ, hạn chế ăn mỡ; nên tập thể dục nhẹ vào buổi sáng, tập dưỡng sinh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và kiểm soát sớm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch v.v…


25 Viêm phổi: Viêm phổi cũng thường gặp ở người cao tuổi (khoảng 7,8%), do cơ quan hô hấp ở người cao tuổi có sự suy giảm đáng kể về hoạt động cũng như hệ thống miễn dịch, nhu mô phổi kém đàn hồi, cơ hô hấp yếu, kháng thể bề mặt phổi giảm cùng với sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể nên người cao tuổi rất dễ bị viêm phổi, đặc biệt vào các mùa dịch, lúc thay đổi thời tiết hoặc thời tiết lạnh khô. Tác nhân gây bệnh là virus (thông thường là virus cúm), tụ cầu, phế cầu, liên cầu, lao… Viêm phổi ở người cao tuổi điều trị tốn kém và dai dẳng hơn người trẻ, bệnh cũng dễ tái phát làm thẻ trạng suy yếu, giảm tuổi thọ. Để phòng tránh viêm phổi nên khuyên người cao tuổi hạn chế đến những nơi đông người, nơi có người đang bị nhiễm trùng, chủ động giữ ấm cơ thể, tránh ra gió, tránh hít thở không khí lạnh khô vào thời điểm thời tiết thay đổi, trời trở lạnh. Tăng huyết áp: Tăng huyết áp ở người cao tuổi gặp khoảng 7,7 % do ở người cao tuổi thành mạch bị xơ vữa nhiều, dẫn đến hẹp lòng mạch gây tăng áp lực. Ngoài ra có thể do trong các giai đoạn tuổi trưởng thành, trung niên có chế độ ăn chế độ ăn uống nhiều mỡ, nhiều muối. Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, sớm phát hiện và kiểm soát tốt tăng huyết áp cũng như các yếu tố nguy cơ khác gây tăng huyết áp. Đái tháo đường: Người cao tuổi thường bị đái tháo đường tuýp 2 với tỷ lệ khoảng 5,3%. Có nhiều nguyên nhân và cơ chế giải thích bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi như chức năng gan suy yếu theo tuổi; suy giảm quá trình sử dụng và chuyển hóa đường trong cơ thể; các cơ quan giảm nhạy cảm với Insulin; hoạt động của Insulin không hiệu quả; tụy bị lão hóa nên giảm tiết Insulin,… Biện pháp dự phòng cơ bản vẫn là định kỳ chủ động kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi, sớm phát hiện và kiểm soát tốt mức đường máu cùng với thwcjhieenj chế độ ăn uống, tập thể dục hợp lý.. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) chiếm tỷ lệ 4,1% ở người cao tuổi, thường xảy ra ở những người hút thuốc nhiều năm, hoặc bị những bệnh về hô hấp tái đi tái lại nhiều lần. Bỏ hút thuốc, tránh nơi không khí bị ô nhiễm khói bụi, duy trì lối sống lành mạnh, điều trị tốt các viêm nhiễm đường hô hấp là biện pháp dự phòng căn bản COPD cho người cao tuổi. Suy tim: Tỷ lệ suy tim ở người cao tuổi là 2,4%. Ở người cao tuổi có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy tim như: bệnh cơ tim, bệnh van tim, thấp tim lúc trẻ, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành… Theo nhiều nghiên cứu, thời gian sống của người cao tuổi từ khi bị suy tim trung bình từ 4,3 năm đến 7,1 năm. Cần khám tầm soát và


26 kiểm soát tốt những bệnh lý dẫn đến suy tim là biện pháp dự phòng suy tim cho người cao tuổi. Parkinson: Là bệnh đặc trưng ở người cao tuổi, thường gặp ở những người từ 65 tuổi trở lên, chiếm khoảng 2,1%. Bệnh do thoái hóa một số tổ chức ở não gây ra những biểu hiện như run tay, vận động chậm chạp, kém linh hoạt, cứng đờ; có thể kèm theo suy giảm nhận thức, suy giảm trí nhớ, múa giật, trầm cảm… khoa học chưa thật sự tìm được nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ của bệnh. Bệnh diễn tiến từ từ, ngày một nặng dần với tình trạng khó giao tiếp, giảm nặng vận động thậm chí không cử động được phải nằm một chỗ. Do đó, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng giúp làm chậm quá trình tiến triển, kéo dài thời gian hoạt động bình thường cho người cao tuổi. Hội chứng tiền đình: Người cao tuổi dễ bị hội chứng tiền đình với tỷ lệ khoảng 2,0% do thiếu máu đến nuôi cơ quan tiền đình - ốc tai, giảm tưới máu não, có thể do hậu quả của các bệnh lý về tai như viêm tai giữa, chấn thương tai, viêm tai xương chũm… có từ trước. Người cao tuổi khi mắc hội chứng tiền đình thường có biểu hiện chóng mặt, hoa mắt, ù tai, mất thăng bằng… nguy cơ cao bị tai nạn ngã dẫn đến các hậu quả nặng nề như chấn thương, gãy xương sọ, bỏng nhiệt, v.v… Ngoài ra, nếu không được điều trị có thể chịu các biến chứng như tổng thương thần kinh, tổn thương các cấu trúc tai trong làm giảm khả năng nghe. Loãng xương: Loãng xương là một bệnh lý của hệ thống cơ xương khớp, đặc trưng bởi sự giảm khối lượng và chất lượng xương, tăng nguy cơ gãy xương. Ở người cao tuổi tỷ lệ bị loãng xương là 1,9% do tăng quá trình hủy xương và giảm quá trình tạo xương với việc các tế bào sinh xương bị lão hóa, sự hấp thu canxi ở ruột bị hạn chế và sự suy giảm các hormon sinh dục. Để phòng ngừa loãng xương, hạn chế hậu quả gãy xương, trong chế độ ăn uống của người cao tuổi cần bổ sung canxi từ các nguồn thực phẩm giàu canxi như sữa, sò huyết, cua, ốc… hoặc chế phẩm bổ sung canxi . Viêm phế quản cấp: Ở người cao tuổi viêm phế quản cấp chiếm khoảng 1,7% do hệ thống miễn dịch bị suy yếu, cơ quan hô hấp giảm hoạt động kháng khuẩn. Virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người cao tuổi trong tình trạng giảm sức đề kháng, giảm hoạt động kháng thể bề mặt của đường hô hấp nên dễ phát triển và gây bệnh. Điều trị triệt để bệnh là cách tốt nhất để không dẫn đến viêm phế quản mạn tính cũng như bệnh phổi mạn tính sau này.


27 1.3. Theo nhóm tuổi cao Tùy theo kết quả thống kê hoặc nghiên cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh kết quả có thể khác nhau. Thực tế cho thấy ở người cao tuổi ngoài các bệnh phổ biến, ở người cao tuổi còn gặp một số vấn đề sức khỏe liên quan đến sau 60 tuổi với các tỷ lệ khác nhau như giãn tĩnh mạch, sa sút trí tuệ, rối loạn lipid máu và béo phì. Bảng 3. Bệnh thường gặp theo nhóm tuổi già Bệnh Tuổi 60 – 74 ≥ 75 Số NCT khám Số mắc % Số NCT khám Số mắc % ▪ Tăng huyết áp 930 391 42,0 370 202 54,5 ▪ Suy tim 900 51 5,7 366 35 9,6 ▪ Búi giãn tĩnh mạch 897 149 16,0 366 54 14,8 ▪ Trầm cảm và sa sút trí tuệ 1463 31 4,7 352 19 12,1 ▪ Parkinson 924 12 1,3 354 3 0,8 ▪ Đái tháo đường 896 51 5,7 420 15 3,5 ▪ Rối loạn lipid máu 869 432 48,2 356 132 37,1 ▪ Béo phì 919 210 22,9 358 32 8,9 Nguồn: International Scientific Symposium on Lifelong Wellbeing in the World. The Care of Elderly People in Vietnam, http://dx.doi.org/10.15405/epsbs.2016.02.63 Khi người cao tuổi có các vấn đề về sức khỏe hoặc bệnh lý, đòi hỏi phải được chẩn đoán xác định bệnh. Người điều dưỡng cần nhận biết được những đặc điểm khi người cao tuổi mắc bệnh bởi có những khác biệt nhất định khi bệnh xuất hiện ở người cao tuổi so với ở người còn trẻ. 2. Các vấn đề chung liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi 2.1. Các vấn đề về cơ cấu bệnh tật và kinh tế xã hội Theo quy luật chung, tuổi càng cao, sức khỏe càng giảm và dù không mong muốn người cao tuổi vẫn đối mặt với tình trạng sức khỏe giảm sút và ốm đau trong vòng “SinhLão-Bệnh-Tử”. Khi tuổi cao, quá trình đồng hóa giảm đi, quá trình dị hóa tăng lên, quá trình lão hóa diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, dẫn đến giảm sút hiệu lực các chức


28 năng của cơ thể đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh những bệnh tật đặc trưng của tuổi già. Cơ cấu bệnh tật chung và của người cao tuổi nước ta hiện nay đang chuyển dần từ các bệnh nhiễm trùng sang các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, đột quỵ, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa… Kết quả khảo sát của Viện chiến lược và Chính sách Y tế khảo sát tại 7 tỉnh, thành về mô hình bệnh tật và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho thấy, khoảng 70% số người cao tuổi được khảo sát có bệnh hoặc triệu chứng của bệnh mạn tính và cũng 70% người cao tuổi mắc từ hai bệnh trở lên. Số liệu từ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy mô hình bệnh tật chính của người cao tuổi người cao tuổi là bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ tăng huyết áp ở người cao tuổi tăng từ 20% năm 2003 lên 45,6% năm 2011 và 52,6% năm 2019. Các bệnh phổ biến tiếp theo ở người cao tuổi là bệnh khớp (37,6%) và bệnh tim mạch (20,3%), ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng phổ biến và tăng mạnh. Tỷ lệ mắc đái tháo đường cũng tăng gần ba lần ở phụ nữ cao tuổi (5% năm 2011 và 14,3% năm 2019) và 1,25 lần ở người cao tuổi nam (6,8% năm 2011 và 8,5% năm 2019). Các bệnh có tỷ lệ cao nhất gồm đái tháo đường (96,7%), tăng huyết áp (93,4%), rối loạn tiền đình (90,7%), thoái hóa khớp (85,5%) và viêm khớp (83,1%). Như vậy, cùng với tuổi cao, cơ cấu chi tiêu của người cao tuổi cũng thay đổi, chi phí cho khám bệnh, chữa bệnh có xu hướng tăng lên với những loại bệnh đòi hỏi chi phí y tế cao, là một thách thức lớn đối với xã hội và gia đình. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng tăng, chi phí cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhiều hơn gấp 7 đến 8 lần so với con số này cho trẻ em. Chi phí này hoặc là gia đình phải tự chi hoặc là hệ thống Bảo hiểm Y tế (BHYT) chi trả đối với những người có tham gia Bảo hiểm Xã hội (BHXH) hoặc người được thụ hưởng BHYT, BHXH. Đây cũng là vấn đề của hệ thống An sinh Xã hội (ASXH). Một mặt, nhà nước và xã hội phải tăng các chi phí cho hệ thống y tế (gia tăng số giường bệnh, bệnh viện lão khoa, nhà dưỡng lão, chi phí khám, chữa bệnh…). Mặt khác, phải mở rộng, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với những nguồn lực nhất định. Thực tế cho thấy, do điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta còn thấp, người cao tuổi ở Việt Nam có sức khỏe kém hơn so với những người cùng độ tuổi ở các nước phát triển.


29 Nói cách khác, tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước, sống lâu nhưng không sống khỏe. Theo một số kết quả thống kê, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam khoảng 73 tuổi thì đã mất khoảng 12 năm ốm đau. Về cơ bản, nước ta vẫn là nước nông nghiệp với khoảng 70% số dân và cũng khoảng 70% số lao động đang sinh sống và lao động ở nông thôn, trong đó khoảng 50% làm các nghề nông nghiệp. Tuy nhiên, số lao động tham gia hệ thống BHXH chỉ chiếm khoảng 10% - 20% tổng lực lượng lao động và chủ yếu ở khu vực thành thị. Như vậy, đa số người lao động ở nông thôn khi trở thành người cao tuổi sẽ không được hưởng lương hưu từ hệ thống BHXH. Để tiếp tục cuộc sống, những người cao tuổi này buộc phải tự lao động kiếm sống hoặc nhờ sự hỗ trợ của con cháu hoặc của cộng đồng. 2.2. Các vấn đề về chính sách liên quan đến người cao tuổi Theo chính sách chăm sóc người cao tuổi của Đảng và Nhà nước ta, người cao tuổi cần được chăm sóc và do vậy cần phải huy động những nguồn lực khác ngoài những nguồn lực của hệ thống ASXH để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe cho người cao tuổi ở nông thôn. Đây là một trong những khó khăn khi các nguồn lực còn hạn chế và đối với người cao tuổi ở nông thôn, việc làm, thu nhập và chăm sóc sức khỏe luôn là những vấn đề trước mắt và lâu dài khi xu hướng dân số đang già hóa. Xã hội càng phát triển hiện đại, các kiểu gia đình nhiều thế hệ ngày càng giảm đi, quy mô gia đình ngày càng nhỏ đi, con cháu hoặc không muốn sống chung với ông bà/bố mẹ hoặc vì điều kiện làm việc, không thể sống cùng hoặc sống gần ông bà/bố mẹ. Người cao tuổi khi đó rất dễ rơi vào tình trạng sống cô đơn hoặc sống chỉ có hai vợ chồng già. Trong khi hiện nay ở nước ta các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng như các dịch vụ khác đối với người cao tuổi còn khá khiêm tốn, đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như cho chính sách ASXH. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh kéo dài với rất nhiều thế hệ người Việt Nam phải sống và chiến đấu ở những vùng ác liệt, nhiều nơi bị nhiễm chất độc da cam… những cán bộ chiến sỹ sau các cuộc chiến còn sống đã thuộc nhóm người rất cao tuổi. Ngoài những vấn đề sức khỏe của người già nói chung, nhiều trong số họ phải gánh chịu vấn đề sức khỏe và bệnh tật hậu quả của chiến tranh. Không ít những cựu binh cao tuổi này khi về quê sinh sống không có lương hưu, đòi hỏi có những chính sách ASXH đặc thù.


30 Thu nhập của người lao động Việt Nam nhìn chung còn thấp, nhiều trường hợp chỉ đủ trang trải thậm chí không đủ cho những chi tiêu trước mắt, không có và không thể có thu nhập cho tích tũy trong tương lai. Đây là nguy cơ tiềm tàng khi người lao động về già không làm việc được nữa, họ sẽ không có khoản tích lũy để chi dùng cho cuộc sống tiếp theo. Nói cách khác, theo một số nhà phân tích, người lao động Việt Nam “già khi chưa giàu”. Và “già khi chưa giàu” sẽ là áp lực cho con cháu, cộng đồng và xã hội. Theo tính toán của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030 dân số Việt Nam già trước khi giàu làm chi phí y tế cho người cao tuổi sẽ tăng cao gấp 7 đến 10 lần lên người trẻ tuổi, và người cao tuổi sẽ sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc, và xu hướng tử vong trong các cơ sở y tế tăng lên cũng làm gia tăng chi phí y tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2021, các bệnh mạn tính và bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân chính gây tàn tật ở người cao tuổi, nguy cơ bị tàn tật cũng tăng và tỷ lệ này tăng theo độ tuổi, tỷ lệ gặp khó khăn trong hoạt động hàng ngày (đi lại, nghe, nhìn, trí nhớ, v.v.) tăng theo độ tuổi cao, người cao tuổi nữ và người cao tuổi dân tộc thiểu số có tỷ lệ khó khăn cao hơn người cao tuổi nam và người cao tuổi dân tộc Kinh. Thực tế này đặt ra những thách thức đối với ASXH trên phương diện chi phí cũng như đảm bảo sự bình đẳng trong chăm sóc người cao tuổi. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta ngày càng được quan tâm từ chính sách cho đến thực tiễn. Thông tư Số 35/2011/TT-BYT ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Bộ Y tế Việt Nam xác định mạng lưới chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người cao tuổi (NCT), bao gồm: Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các khoa lão tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, các nhà dưỡng lão của nhà nước và tư nhân, tổ chức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Tiếp theo Quyết định Số 1579/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 tại Quyết định Số 403/QĐ-BYT ngày 20 tháng 01 năm 2021, với nhiều nội dung quan trọng, bao gồm: - Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; - Xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi;


31 - Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; - Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách liên quan đến CSSK người cao tuổi ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhận thức về già hóa dân số và CSSK người cao tuổi còn chưa đầy đủ, giải pháp về tài chính để đối phó với già hóa dân số, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế và hệ thống an sinh xã hội chưa theo kịp với nhu cầu CSSK khỏe người cao tuổi; những mô hình CSSK người cao tuổi tại cộng đồng chưa được triển khai nhiều, khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc của người cao tuổi còn hạn chế. Mặt khác, nhu cầu đào tạo nhân lực cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi rất lớn nhưng năng lực của các cơ sở đào tạo cho lĩnh vực này hiện còn hạn chế. 2.3. Một số mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi * Định hướng mô hình chăm sóc người cao tuổi trên thế giới Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) các quốc gia cần phải xây dựng hệ thống y tế có đủ khả năng để ngăn chặn và kiểm soát các bệnh không lây, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc các bệnh mạn tính và suy giảm chức năng đang ngày càng gia tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trọng tâm của giảm thiểu và ngăn chặn sự hình thành và phát triển các bệnh mạn tính là phải thay đổi hành vi, lối sống không có lợi cho sức khỏe như: ít hoạt động thể lực, dinh dưỡng không hợp lý, sử dụng rượu bia quá mức và hút thuốc lá. * Hướng dẫn của WHO về nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi Đối với các quốc gia phát triển, nhận thức của người cao tuổi về chăm sóc sức khoẻ cao và các dữ liệu về sức khỏe của người dân được quản lý tốt. Đối với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thì nhận thức của người cao tuổi chăm sóc sức khoẻ còn hạn chế, thiếu số liệu có sẵn về sức khỏe người cao tuổi vì vậy việc xây dựng chiến lược hành động cho người cao tuổi gặp rất nhiều khó khăn. Theo hướng dẫn của WHO cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, việc tiếp cận nhằm nâng cao sức khỏe người cao tuổi phụ thuộc nhiều yếu tố và cần sự kết hợp của các nguồn lực.


32 Hình 1. Sơ đồ tiếp cận nâng cao sức khỏe người cao tuổi Nguồn: The WHO Guidelines on Integrated Care for Older People (ICOPE), 2017.


33 * Các loại hình chăm sóc người cao tuổi Sức khỏe của người dân, đặc biệt là của người cao tuổi ngày càng được các quốc gia quan tâm. Chính vì thế, các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ra đời nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân, với các loại hình chăm sóc người cao tuổi phổ biến hiện nay là các cơ sở chăm sóc tập trung và các nhà chăm sóc cá nhân. * Một số mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam Tại Việt Nam, theo thống kê đến tháng 12/2020, cả nước có 32/63 tỉnh thành có cơ sở chuyên biệt dành cho người cao tuổi, khoảng 80 cơ sở dưỡng lão ngoài công lập, tập trung nhiều tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là các cơ sở chăm sóc tập trung với các tên gọi như viện dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão, nhà dưỡng lão… các cơ sở này ở nước ta thường theo 3 mô hình cơ bản: Mô hình chăm sóc người cao tuổi do nhà nước bảo trợ, các cơ sở này nhằm phục vụ, hỗ trợ cho những người cao tuổi từng có đóng góp nhất định cho nước nhà, những người cao tuổi nằm trong chính sách ưu tiên của nhà nước. Các viện dưỡng lão thuộc nhóm này tuy chưa nhiều nhưng khá khang trang. Mô hình chăm sóc người cao tuổi thuộc quyền sở hữu của cá nhân, do tư nhân đầu tư kinh phí. Các viện dưỡng lão thuộc mô hình này thường đầy đủ, khang trang, tiện nghi với các nhóm dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi đa dạng, phong phú. Mô hình chăm sóc người cao tuổi do các tổ chức tôn giáo, tổ chức an sinh xã hội… xây dựng. Các viện dưỡng lão thuộc mô hình này thường không quá quy mô, bởi nguồn kinh phí thấp; chủ yếu chăm lo, nuôi dưỡng những người cao tuổi bất hạnh, có hoàn cảnh khó khăn. Các viện dưỡng lão ở Việt Nam sở hữu những ưu điểm nổi bật, giúp người cao tuổi có những trải nghiệm tốt đẹp hơn khi lựa chọn sinh sống tại đây. Dịch vụ y tế tại các viện dưỡng lão rất tiến bộ, có thể chăm sóc và cải thiện tốt nhất tình trạng sức khỏe các cụ. Bên cạnh đó, khi sống tại các viện dưỡng lão, người cao tuổi sẽ được xây dựng một lịch trình sinh hoạt khoa học, từ ăn uống, ngủ nghỉ đến rèn luyện thể chất, tham gia các hoạt động giải trí, vui chơi. Đặc biệt, khi đến sống tại viện dưỡng lão, người cao tuổi sẽ dễ dàng hơn trong việc tương tác với người xung quanh, nhanh chóng tìm được bạn bè, không còn cảm giác cô đơn, buồn bã.


34 Mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau), được tổ chức theo hình thức tự quản, tự giúp đỡ lẫn nhau thông qua nhiều hoạt động, vừa chăm sóc vừa phát huy vai trò của chính bản thân người cao tuổi. Sau hỗ trợ tài chính ban đầu, câu lạc bộ tự tạo ra thu nhập thường xuyên để hỗ trợ các hoạt động của câu lạc bộ; huy động nguồn lực tại cộng đồng. Hình 2. Sơ đồ minh họa hoạt động câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau TỰ LƯỢNG GIÁ 1. Hệ thống lại các vấn đề sức khỏe và bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, cụ thể: - Tóm tắt các vấn đề sức khỏe, bệnh lý theo nhóm tuổi già, - Rút ra ý nghĩa thực tiễn về vai trò của điều dưỡng. 2. Tóm lược cơ cấu bệnh tật, chính sách về chăm sóc người cao tuổi Việt Nam, cụ thể: - Tóm tắt xu hướng sức khỏe và bệnh tật ở người cao tuổi Việt Nam, - Hệ thống các văn bản liên quan đến chính sách chăm sóc người cao tuổi, - Nhận định sơ bộ thực trạng chăm sóc người cao tuổi trên thế giới và Việt Nam, - Chỉ ra một số thách thức liên quan đến đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi. - Đề xuất giải phải khả thi để đáp ứng hơn nữa yêu cầu chăm sóc người cao tuổi.


35 Chương 2. ĐIỀU DƯỠNG VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI Chương này đề cập đến những vấn đề mà người điều dưỡng cần quan tâm, lưu ý khi tiếp cận với các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, phục hồi sức khỏe và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, là cơ sở để người điều dưỡng xây dựng các kế hoạch chăm sóc, nâng cao sức khỏe phù hợp với người cao tuổi. Bài 4. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐỐI VỚI ĐIỀU DƯỠNG LÃO KHOA MỤC TIÊU Sau khi kết thúc bài học, học viên có khả năng: 1) Hệ thống được những mối quan tâm chung của điều dưỡng liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. 2) Phát triển được các kế hoạch chăm sóc để giải quyết các vấn đề sức khỏe hiện tại và tiềm ẩn ở người cao tuổi. NỘI DUNG 1. Những quan tâm chung của điều dưỡng lão khoa 1.1. Một số khái niệm liên quan đến lão khoa Cùng với sự tăng nhanh dân số già, mối quan tâm chung của tất cả các nước trên thế giới, Lão khoa (Gerontology) và Chuyên khoa lão (Geriatrics) cũng phát triển. Lão khoa, ngành khoa học liên quan đến các khía cạnh về thể chất, tâm thần và xã hội và những hàm ý về người cao tuổi, phát triển theo nhiều lĩnh vực khác nhau. Lão khoa cơ bản: bản chất là sinh học, còn gọi là lão khoa thực nghiệm, có nhiệm vụ nghiên cứu nguồn gốc, đặc điểm và qui luật của sự hóa già. Lão khoa xã hội: bản chất là xã hội học, có nhiệm vụ nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa xã hội và người già, trách nhiệm của xã hội với người già và vai trò của người già trong xã hội. Lão khoa lâm sàng: bản chất là y học, có nhiệm vụ nghiên cứu những biểu hiện của tuổi già, bệnh tật ở người già và những biện pháp nhằm hạn chế tác hại của sự lão hóa, góp phần nâng cao tuổi thọ khỏe mạnh cho người già. Chuyên khoa lão (geriatrics): chuyên khoa thuộc ngành y, trọng tâm của các khoa lão trong bệnh viện là điều trị các bệnh lý cho người cao tuổi.


36 Điều dưỡng lão khoa (gerontological nursing): chuyên khoa thuộc ngành điều dưỡng, gắn liền với người cao tuổi mà ở đó người điều dưỡng chuyên khoa lão làm việc chủ yếu với người cao tuổi, gia đình người cao tuổi và cộng đồng nơi người cao tuổi sinh sống, cung cấp các chăm sóc điều dưỡng nhằm hỗ trợ tuổi già khỏe mạnh, tối đa hóa các chức năng và chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. 1.2. Những lưu ý của điều dưỡng khi chăm sóc người cao tuổi 1.2.1. Đặc điểm chung khi mắc bệnh ở người cao tuổi Người cao tuổi khi mắc bệnh thường có triệu chứng bệnh không điển hình, không rõ rệt. Khi tiếp xúc và hỏi bệnh có khi người cao tuổi không thể nói rõ ràng được những bất thường hoặc khó chịu của họ, hoặc thể hiện một cách thiếu căn cứ. Do người cao tuổi thường cùng lúc mắc nhiều bệnh, khó qui về một bệnh để giải thích và thường gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Khi người cao tuổi mắc bệnh, đặc biệt là bệnh cấp tính, dễ phát sinh những rối loạn ý thức và tinh thần, có khi bệnh có thể biểu hiện dưới tình trạng đột nhiên giảm sự tỉnh táo hoặc hôn mê làm cho việc khai thác và chẩn đoán bệnh càng khó khăn. Khi người cao tuổi mắc bệnh, dễ xảy ra tình trạng mất cân bằng dịch và điện giải. Khi có sốt, nôn, không ăn uống được càng dễ dẫn đến tình trạng mất thăng bằng dịch và điện giải. Khi người cao tuổi mắc một bệnh nhiễm trùng, thường dễ bị bội nhiễm dẫn đến các bệnh nhiễm trùng cấp tính khác. Khi khỏi bệnh, khả năng phục hồi sức khỏe của người cao tuổi thường chậm và thường để lại di chứng đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng. 1.2.2. Những lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị bệnh cho người cao tuổi Những thay đổi về sinh lý học theo tuổi tác dẫn đến những thay đổi liên quan đến sử dụng thuốc như hấp thu, chuyển hóa, thải trừ và hiệu quả lâm sàng. Những thay đổi về hình thái và cấu trúc cơ thể cũng ảnh hưởng nhiều đến dược động học của thuốc khi sử dụng cho người cao tuổi, thí dụ tăng tích mỡ và giảm lượng nước trong cơ thể ảnh hưởng đến việc sử dụng những thuốc hòa tan trong mỡ và nước, đến sự thay đổi về phân bố và nồng độ của thuốc. Khi phải dùng thuốc điều trị bệnh cho người cao tuổi, cần chú ý khả năng dễ xảy ra các phản ứng bất lợi và dễ bị ngộ độc ảnh hưởng thêm tới sức khỏe và khả năng bình


37 phục của người cao tuổi. Điều dưỡng cần chú trọng việc theo dõi đáp ứng của người cao tuổi với thuốc, hướng dẫn người cao tuổi và/hoặc người nhà, người trực tiếp chăm sóc người cao tuổi theo dõi phát hiện những đáp ứng không mong muốn với thuốc. Điều dưỡng cần đánh giá kiến thức và hành vi liên quan đến tuân thủ sử dụng thuốc của người cao tuổi với những thuốc mà họ đang phải sử dụng như: thời gian uống thuốc, cách mà người cao tuổi dùng để nhớ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được kê đơn, tác dụng phụ của thuốc, các phương thuốc tự chế v.v... để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. 1.2.3. Những lưu ý trong nhận định của điều dưỡng cho chăm sóc người cao tuổi Cùng với việc sử dụng các kỹ thuật nhận định như với người trưởng thành, đối với người cao tuổi, để có thể thu được dữ liệu về sức khỏe và bệnh tật một cách đầy đủ và chính xác cần có một số quan tâm, cụ thể: * Khi phỏng vấn (hỏi bệnh) người cao tuổi Những ảnh hưởng của tuổi tác có thể có thể ảnh hưởng đến khả năng có được thông tin và mức độ chính xác của thông tin, thí dụ: khả năng nhớ, khả năng tập trung, khả năng nghe (giảm thính lực). Do sự khác biệt về tuổi tác giữa người điều dưỡng và người cao tuổi, việc thiết lập được mối quan hệ phù hợp khi giao tiếp với người cao tuổi đóng vai trò quan trọng. Cần đảm bảo những sự tôn trọng cần thiết và tạo niềm tin tưởng vào người điều dưỡng từ phía người cao tuổi. Người cao tuổi thường mất nhiều thời gian hơn để xử lý và trả lời các câu hỏi, đặc biệt ở những người giảm sức nghe nhìn, giảm trí nhớ và độ tập trung, đòi hỏi người điều dưỡng phải kiên nhẫn và sử dụng những câu hỏi phù hợp để khai thác thông tin. Luôn chú ý các thông tin về cảm giác đau, rối loạn về nuốt, khó khăn trong giao tiếp, thái độ chống đối, rối loạn giấc ngủ, thói quen hút thuốc, uống rượu v.v... Các vấn đề lớn về sức khỏe trong tiền sử như đột quỵ, ho, sa sút trí tuệ, gẫy xương v.v..., các bệnh đã mắc, thuốc đang sử dụng gồm cả thuốc từ đơn của bác sỹ hoặc tự mua, hoặc tự chế v.v... cũng cần được khai thác và ghi nhận một cách phù hợp. * Khi khám thực thể cho người cao tuổi Cần có sự hiểu biết đầy đủ để phân biệt được những thay đổi hiện có ở người cao tuổi là do tuổi tác hay là những biểu hiện của bệnh lý thực sự. Luôn thận trọng và áp


38 dụng nhiều biện pháp thăm khám khách quan để tránh hiện tượng hoặc là kết luận vội vã hoặc chủ quan bỏ sót. Luôn đảm bảo môi trường thăm khám yên tĩnh và đủ ấm khi trời lạnh, tránh những những thăm khám không cần thiết hoặc thăm khám quá lâu để hạn chế sự mất nhiệt của cơ thể vào thời tiết lạnh. Việc phát hiện đúng các biểu hiện bệnh ở người cao tuổi không dễ vì những thay đổi liên quan đến tuổi già làm cho các dấu hiệu không rõ ràng. Luôn chú ý nhận định các chức năng cho các hoạt động sống hàng ngày như ngủ, mặc quần áo, tắm v.v..., khả năng phối hợp của cơ, thần kinh, các cơ quan khác và khả năng nhận thức. Áp dụng những công cụ nhận định phù hợp để có kết quả khách quan. Chú ý phát hiện các vấn đề thực thể cơ bản ở người cao tuổi như: nguy cơ bị tổn thương (chóng mặt, mệt, ngã, bỏng...), đau cấp tính (đau đầu, đau xương, đau khớp...), không dung nạp được các hoạt động do thiếu ô-xy tổ chức, do cơ thể quá yếu, nguy cơ bị nhiễm trùng liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, suy yếu hệ miễn dịch v.v... * Tính đa dạng ở người cao tuổi Khi chăm sóc người cao tuổi, điều dưỡng cũng cần chú ý đến sự đa dạng mà người cao tuổi đang sở hữu. Ngoài những vấn đề như chủng tộc/sắc tộc, những khía cạnh về giới tính, điều kiện kinh tế xã hội, trạng thái giao thoa với nhau cần được chú ý bởi những yếu tố này tạo ra những trải nghiệm lão hóa khác nhau ở người cao tuổi. Ngoài ra, lão hóa ảnh hưởng đến tất cả mọi người, và thực tế cho thấy những người trẻ có xu hướng giữ khoảng cách với những người lớn tuổi hơn, nói về người cao tuổi như là một nhóm tách biệt, chẳng hạn: “ông/bà già” hoặc “các cụ già”. Trải nghiệm lão hóa không giống nhau cho tất cả mọi người và trên thực tế, một số nhóm người già đi đáng kể so với những người khác và/hoặc sống lâu hơn đáng kể so với những người khác. Ngoài ra, có nhiều đặc điểm mà mọi người có thể khác nhau, ví dụ như giới tính, độ tuổi, địa điểm cộng đồng, v.v… Khi một nhóm người chia sẻ cùng một sự khác biệt chẳng hạn: đều là phụ nữ, hoặc đều cùng độ tuổi, có trải nghiệm vấn đề sức khỏe tương tự…, sự khác biệt này tạo ra một nhóm xã hội. Nhận diện và đánh giá được tầm quan trọng của sự đa dạng giữa các nhóm và tính không đồng nhất trong mỗi nhóm là cần thiết, giúp cho các kế hoạch chăm sóc và quản lý sức khỏe người cao tuổi được thực hiện một cách phù hợp và hiệu quả hơn.


39 2. Xây dựng kế hoạch chăm sóc điều dưỡng cho người cao tuổi Tính cá thể hóa trong chăm sóc của điều dưỡng đối với người bệnh nói chung và đặc biệt đối với người cao tuổi đã được khẳng định. Nói cách khác, không thể sử dụng một kế hoạch chăm sóc được tiêu chuẩn hóa để áp dụng cho mọi người cao tuổi. Đối với người cao tuổi có bệnh, cùng với việc áp dụng các kiến thức và kỹ năng chăm sóc người có bệnh như đã đề cập ở các chuyên khoa chăm sóc người bệnh trưởng thành, những mối quan tâm và những đặc trưng liên quan đến tuổi cao sẽ được điều dưỡng vận dụng một cách phù hợp vào xây dựng kế hoạch và thực hiện chăm sóc cho người cao tuổi. Dưới đây là một số vấn đề sức khỏe phổ biến ở người cao tuổi được đề xuất để điều dưỡng phát triển các kế hoạch chăm sóc người cao tuổi. 2.1. Các vấn đề cho chẩn đoán điều dưỡng hiện tại Các vấn đề cho chẩn đoán điều dưỡng hiện tại (Actual Nursing Diagnosis) và các biện pháp chăm sóc của điều dưỡng có thể bao gồm: 2.1.1. Rối loạn giấc ngủ - Chẩn đoán điều dưỡng: Giấc ngủ bị xáo trộn liên quan đến không quen với môi trường xung quanh, nề nếp sinh hoạt ở bệnh viện. Các bằng chứng cho chẩn đoán điều dưỡng này có thể là: nói thành lời những phàn nàn về khó đi vào giấc ngủ, suy giảm khả năng chức năng, không thoải mái hoặc không hài lòng với giấc ngủ. - Mục tiêu chăm sóc: Trong vòng 24 giờ sau can thiệp, người cao tuổi sẽ báo cáo đạt được sự nghỉ ngơi đầy đủ và duy trì được trạng thái tinh thần nguyên vẹn. - Các can thiệp điều dưỡng: Đánh giá và ghi chép lại kiểu ngủ của người cao tuổi, thu thập thông tin về giấc ngủ từ những người thân hoặc người chăm sóc quan trọng của người cao tuổi. Tập hợp những thắc mắc về mức độ hoạt động và giấc ngủ trưa, theo dõi mức độ hoạt động của người cao tuổi. Xác định thói quen trong đêm điển hình và cố gắng theo thói quen đó của người cao tuổi.


40 Cố gắng sắp xếp thực hiện các hoạt động cùng nhau như lấy dấu hiệu sinh tồn, cho uống thuốc và đi vệ sinh. Không để người cao tuổi uống các đồ uống có chứa caffein, coca-cola, nước trà sau 6 giờ chiều. Đảm bảo cung cấp một môi trường bình thản, yên tĩnh và không bị gián đoạn trong giờ ngủ. Sử dụng thuốc giảm đau nếu có theo chỉ định, cung cấp đệm xoa lưng, nói chuyện thoải mái trước lúc đi ngủ. 2.1.2. Táo bón - Chẩn đoán điều dưỡng: Táo bón liên quan đến những thay đổi về chế độ ăn uống, hoạt động thể lực giảm và các yếu tố tâm lý xã hội. Các bằng chứng cho chẩn đoán điều dưỡng này có thể là: Thay đổi thói quen đại tiện, không thể đi đại tiện, thay đổi sự chú ý, phải rặn khi đại tiện. - Mục tiêu chăm sóc: Người cao tuổi sẽ báo cáo thói quen đại tiện của họ đã trở lại bình thường trong vòng 3 đến 4 ngày sau. Phân của người cao tuổi sẽ mềm và người cao tuổi sẽ không phải rặn khi đi đại tiện. - Các can thiệp điều dưỡng: Khi nhập viện, đánh giá và ghi lại kiểu đại tiện của người cao tuổi về tần suất, thời gian trong ngày, các thói quen liên quan và các cách để không bị táo bón trước đây của người cao tuổi. Thảo luận với những người thân quan trọng của người cao tuổi hoặc người chăm sóc nếu người cao tuổi nhân không thể cung cấp được những thông tin này. Định lượng lượng thức ăn thô theo mức độ nặng của táo bón. Đánh giá tình trạng thiếu dịch với các dấu hiệu mất nước. Duy trì chế độ ăn uống, chất lỏng, hoạt động và tiếp tục các thói quen lúc chưa bị táo bón. Nếu không người cao tuổi không đại tiện được trong vòng 3 ngày, bắt đầu dùng thuốc nhuận tràng nhẹ để cố gắng khôi phục lại kiểu đại tiện bình thường. Thông báo cho người cao tuổi rằng những thay đổi xảy ra trong quá trình nhập viện có thể làm tăng nguy cơ táo bón. Hướng dẫn người cao tuổi sử dụng các biện pháp không


41 dùng thuốc đã được chứng minh có hiệu quả để thực hiện tại nhà khi giám sát hoặc dự phòng được nếu cần. Giáo dục sức khỏe cho người cao tuổi về mối liên hệ giữa lượng nước uống vào và chứng táo bón. Khuyến khích uống nhiều nước (2500 ml/ngày) trừ khi có chống chỉ định. Đánh giá và ghi lại nhu động ruột về số lượng, ngày, thời gian, tính nhất quán. Hướng dẫn người cao tuổi dùng kèm thức ăn thô trong mỗi bữa ăn khi có thể. Đối với những người cao tuổi mà khả năng dung nạp thấp với thức ăn thô, khuyến khích sử dụng các thức ăn nguyên cám thông qua ngũ cốc, bánh mì, bánh nướng xốp. Giáo dục người cao tuổi về mối liên hệ giữa mức độ hoạt động và táo bón. Hỗ trợ hoạt động tối ưu cho người cao tuổi. Xây dựng và tổ chức các chương trình hoạt động để thúc đẩy sự tham gia; bao hàm các thiết bị khi cần để thúc đẩy tính độc lập. Khuyến khích người cao tuổi sử dụng phản xạ dạ dày-ruột của chính mình để thúc đẩy quá trình làm rỗng đại tràng nếu nhu động ruột thông thường xảy ra vào sáng sớm. trường hợp nhu động ruột của người cao tuổi xảy ra vào buổi tối thì đi đại tiện ngay trước thời điểm này. Thử sử dụng các biện pháp mà trước đây có hiệu quả. Thực hiện phương châm áp dụng mức độ thấp nhất của can thiệp phi tự nhiên và dần dần mới đến một can thiệp mạnh hơn. Khi phải sử dụng biện pháp dùng thuốc, nên sử dụng trước các biện pháp đường uống và lành tính. Thứ bậc sử dụng thuốc nhuận tràng được khuyến nghị theo thứ tự từ nhẹ đến mạnh: Phụ gia tạo khối phân (methylcellulose, psyllium) > Nhuận tràng nhẹ (nước ép táo hoặc mận khô, sữa magnesia) > Chất làm mềm phân (docusate canxi, docusate natri) > Thuốc nhuận tràng mạnh (senna, glycerin, bisacodyl…) > Thụt tháo (nước máy, nước muối natri photphat/biphotphat). 2.1.3. Giảm trao đổi khí - Chẩn đoán điều dưỡng: Giảm trao đổi khí liên quan đến giảm khả năng bão hòa ô-xy do giảm chức năng nhu mô phổi. Các bằng chứng cho chẩn đoán điều dưỡng này có thể là: Biểu hiện khó thở, bồn chồn, kích thích; trầm trọng hơn có thể có biểu hiện thờ ơ với ngoại cảnh, tim đập nhanh, giảm trí lực và bất thường khí máu.


42 - Mục tiêu chăm sóc: Kiểu thở và trạng thái tinh thần của người cao tuổi sẽ bình thường. Kết quả đo khí máu động mạch của người cao tuổi sẽ nằm trong giới hạn bình thường theo độ tuổi. - Các can thiệp điều dưỡng: Theo dõi và ghi lại khi nhập viện và thường xuyên: tần số thở, biên độ và kiểu thở; âm thanh hơi thở, ho, đờm và trạng thái tinh thần. Nghe hai phổi xem có các âm thanh bất thường. Đo khí máu không xâm lấn (SpO2%) hoặc xem xét các giá trị khí máu (PaO2%). Đánh giá những thay đổi nhỏ trong hành vi hoặc trạng thái tinh thần của người cao tuổi, ví dụ: lo lắng, mất phương hướng, bồn chồn và bất ổn. Khuyến khích thực hiện các bài tập thở và ho hoặc tập thở bằng khi kế nếu có thể. Khuyến khích uống đủ nước (2,5 lít mỗi ngày nếu không có chống chỉ định do suy tim hoặc thận). Hạ sốt, giảm đau nếu có, giảm bớt các hoạt động gây tăng nhịp tim và giảm lo lắng. Hướng dẫn sử dụng các thiết bị hỗ trợ thở ô-xy qua ống thông mũi hoặc mặt nạ. 2.1.4. Hạ thân nhiệt - Chẩn đoán điều dưỡng: Hạ thân nhiệt liên quan đến những thay đổi do tuổi cao trong điều hòa thân nhiệt và phơi nhiễm với môi trường. Các bằng chứng cho chẩn đoán điều dưỡng này có thể là: đo nhiệt độ cơ thể dưới mức bình thường, rùng mình, da lạnh, nhợt nhạt, tim đập nhanh. - Mục tiêu chăm sóc: Thân nhiệt và trạng thái tinh thần của người cao tuổi sẽ duy trì trong giới hạn bình thường hoặc sẽ nhanh chóng trở lại giới hạn bình thường sau các can thiệp 1 giờ. - Các can thiệp điều dưỡng: Theo dõi sát thân nhiệt người cao tuổi. Lưu ý: không đo nhiệt độ ở nách đối với người cao tuổi, trường hợp không đo được thân nhiệt bằng đường miệng, có thể đo nhiệt độ ở thái dương hoặc ở tai nhưng phải đảm bảo đo đúng cách để cho kết quả chính xác. Đánh giá trạng thái tinh thần của người cao tuổi và ghi lại kết quả ở mỗi thời điểm. Cảnh giác với việc sử dụng các thuốc an dịu thần kinh, thuốc giãn cơ và thuốc ngủ (bao gồm cả thuốc gây mê).


43 Cung cấp tấm đắp cho người cao tuổi khi đang làm xét nghiệm hoặc chụp X-quang, làm ấm chậm nếu người cao tuổi có hạ thân nhiệt nhẹ. Làm ấm bên trong cơ thể người cao tuổi bằng cách cho uống hoặc truyền tĩnh mạch dung dịch ấm nếu thân nhiệt của người cao tuổi giảm dưới 35°C. Cảnh giác với việc làm ấm lại quá nhanh. Khi nhiệt độ của người cao tuổi không tăng lên được khi sử dụng các biện pháp trên, cần kiểm tra công thức bạch cầu, mức đường huyết và xét nghiệm hormone tuyến giáp nhằm phát hiện nhiễm trùng huyết, hạ đường huyết và suy giáp nếu có để có biện pháp xử trí tương ứng. 2.2. Các vấn đề cho chẩn đoán điều dưỡng nguy cơ Các vấn đề cho chẩn đoán điều dưỡng nguy cơ (Risk Nursing Diagnosis) và các biện pháp chăm sóc của điều dưỡng có thể bao gồm: 2.2.1. Nguy cơ ngã - Chẩn đoán điều dưỡng: Nguy cơ bị ngã liên quan đến tình trạng giảm sút vận động thể lực, mất sức mạnh cơ bắp, giảm cảm nhận của các giác quan, có thêm bệnh lý (loãng xương, sa sút trí tuệ...); Có sử dụng một số thuốc (hạ huyết áp, lợi tiểu, an thần, gây ngủ, chống loạn thần, chống trầm cảm, chống viêm không steroid), mất phương hướng khi di chuyển, chứng chóng mặt; Sử dụng không đúng cách các thiết bị hỗ trợ (gậy chống, khung tập đi, xe lăn, nạng), nhầm lẫn về các nguy cơ từ môi trường xung quanh. - Mục tiêu chăm sóc: Người cao tuổi sẽ không bị ngã. Người cao tuổi được và người chăm sóc người cao tuổi sẽ thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, ngăn ngừa xảy ra ngã. - Các can thiệp điều dưỡng: Nhận diện các yếu tố làm tăng mức độ rủi ro bị ngã. Đánh giá các yếu tố môi trường liên quan đến tăng nguy cơ ngã. Đảm bảo một vòng nhận dạng đeo cổ tay để nhắc nhở thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngã cho người cao tuổi có nguy cơ ngã cao. Bố trí các thiết bị hỗ trợ và các vật dụng thường dùng trong tầm với dễ dàng của người cao tuổi.


44 Xem xét tính an toàn các quy trình liên quan đến việc vận chuyển người cao tuổi cao tuổi của bệnh viện. Khuyên người cao tuổi mang giày hoặc dép có đế chống trượt khi đi lại. Chú ý kê giường của người cao tuổi cao tuổi ở vị trí thấp nhất có thể, sử dụng tay vịn bên trên giường khi cần thiết và trả lời các tín hiệu gọi trợ giúp càng sớm càng tốt. Tránh sắp xếp lại đồ đạc mà người cao tuổi đã quen thuộc trong phòng và định hướng môi trường xung quanh cho người cao tuổi. Đảm bảo phòng bệnh đủ ánh sáng và cân nhắc việc sử dụng loại đèn ngủ được bật sáng vào ban đêm. Khuyến khích gia đình và những người quan trọng khác luôn ở bên người cao tuổi. Thường xuyên kiểm tra thị lực cho người cao tuổi, giải thích tầm quan trọng của việc đeo kính và đảm bảo luôn đeo kính phù hợp và máy trợ thính khi cần. Hướng dẫn người cao tuổi cách di chuyển tại nhà, bao gồm sử dụng các biện pháp an toàn như sàn chống trượt, tay vịn trong phòng tắm, trong nhà vệ sinh. Khuyến khích người cao tuổi tham gia vào một chương trình tập thể dục thường xuyên và rèn luyện dáng đi. Phối hợp với các thành viên của nhóm chăm sóc khác để đánh giá và xem xét các loại thuốc có thể góp phần gây ra nguy cơ ngã mà người cao tuổi đang dùng. Xác định thời điểm tác dụng đỉnh của thuốc có thể làm thay đổi mức độ tỉnh táo của người cao tuổi để áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn. Đánh giá nhu cầu cần áp dụng trị liệu vận động để hỗ trợ người cao tuổi để hỗ trợ người cao tuổi các kỹ thuật về duy trì dáng đi và và cung cấp cho bệnh nhân các thiết bị hỗ trợ việc đi lại và di chuyển. 2.2.2. Nguy cơ viêm phổi hít Viêm phổi hít là tình trạng hít phải một lượng lớn dị vật từ miệng, hầu họng hoặc dạ dày vào phổi hai bên. Các dị vật có thể là thức ăn, nước bọt, hóa chất, acid dịch vị, chất nôn... khi vào phổi sẽ gây phản ứng viêm và tạo tiền đề cho vi khuẩn xâm nhập. - Chẩn đoán điều dưỡng: Nguy cơ viêm phổi hít liên quan đến phản xạ ho giảm, xuất hiện nôn hoặc cơ vòng thực quản hoạt động không hiệu quả. - Mục tiêu chăm sóc:


45 Người cao tuổi sẽ không bị nghẹn; sặc khi nuốt. Đường thở của người cao tuổi sẽ thông thoáng, âm phổi hai bên rõ ràng khi nghe cả trước và sau bữa ăn. - Các can thiệp điều dưỡng: Đánh giá phản xạ nuốt (Swallowing Reflex) của người cao tuổi qua kỹ thuật sờ nắn thanh quản để cảm nhận sự chuyển động bằng cách đặt ngón trỏ và ngón giữa ở hai phía chỗ nổi lên của thanh quản (sụn giáp) và hướng dẫn người cao tuổi nuốt (Laryngeal Palpation). Nhận định phản xạ ọe (Gag Reflex) là phản xạ bình thường để đẩy dị vật ra, tránh nghẹn, sặc bằng cách dùng một cái đè lưỡi chạm nhẹ vào một bên rồi bên kia của vòm khẩu cái. Ghi lại các kết quả. Theo dõi lượng thức ăn vào cơ thể. Ghi lại mức độ tiêu thụ thức ăn của người cao tuổi (số lượng và độ đặc), cách mà người cao tuổi điều chỉnh thức ăn trong miệng hoặc nhai trước khi nuốt và khoảng thời gian trước khi người cao tuổi nuốt miếng thức ăn. Theo dõi quá trình người cao tuổi nuốt xem có bị nghẹn hoặc ho sặc trước, trong hoặc sau khi nuốt không. Kiểm tra xem có âm thanh ướt hoặc tiếng ọc ọc trong giọng nói sau khi người cao tuổi nuốt hay không. Nhận định những bất thường về âm thanh hơi thở (ran nổ, ran ngáy, tiếng khò khè), khó thở, tím tái, tăng thân nhiệt và giảm mức độ tỉnh táo). Để ý xem thức ăn có bị đọng lại ở hai bên vòm miệng, có bị chảy nước bọt hoặc có cản quang barit; hoặc không có khả năng mím môi khi sử dụng ống hút. Tiên lượng phản xạ nuốt qua kiểm tra nuốt có đèn soi video hoặc có thuốc cản quang bari để đánh giá các phản xạ nuốt và phản xạ ọe của người cao tuổi. Dựa trên kết quả kiểm tra này để chỉ định thức ăn đặc lỏng. Đối với người bị giảm phản xạ nuốt, ngả đầu người cao tuổi về phía trước 45° trong khi nuốt, giúp đóng đường thở để ngăn ngừa hít thức ăn vào đường thở trong khi nuốt. Lưu ý: đối với trường hợp bị liệt nửa người thì nghiêng đầu về bên lành. Khuyến khích người cao tuổi dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ trước mỗi bữa ăn. Để người cao tuổi ở tư thế ngồi thẳng với cằm hơi cúi xuống trong khi ăn hoặc uống và đặt các tấm gối ở bên cạnh để duy trì tư thế thẳng đứng. Trường hợp người cao tuổi có mang răng giả, đảm bảo rằng răng giả của người cao tuổi phải vừa khít và giữ nguyên vị trí.


Click to View FlipBook Version