46 Với những người có sa sút trí tuệ, hướng dẫn người cao tuổi nhai và nuốt từng miếng một và xem kỹ đề phòng thức ăn bị giữ lại giữa hai bên vòm miệng. Dành đủ thời gian để người cao tuổi kết thúc việc ăn và uống. Cho phép một người thân ở lại với người cao tuổi trong bữa ăn hoặc khi uống nước để phòng tình huống người cao tuổi bị nghẹn thở hoặc hít phải thức ăn, đồ uống vào đường thở. Khuyến khích thực hiện bài tập thở và ho 2 giờ một lần trong lúc thức và luôn chuẩn bị sẵn máy hút phòng khi người cao tuổi bị hít vào đường thở. Trường hợp không may người cao tuổi bị hít vào đường thở cần nhanh chóng đánh giá các dấu hiệu của tắc nghẽn đường thở hạn như: - Các dấu hiệu và triệu chứng trao đổi không khí kém, tím tái, không thể nói hoặc thở được. - Bất kỳ thay đổi nào về kiểu thở và nhịp thở mỗi 1 - 2 giờ sau khi nghi ngờ bị hít vào đường thở. - Với người bị nghẽn đường thở không hoàn toàn, khuyến khích ho mạnh nhất có thể nhằm làm sạch đường thở. - Với người nghẽn đường thở không hoàn toàn không tỉnh táo hoặc không đáp ứng, hút đường thở bằng ống thông đường kính lớn. Nên theo dõi, chụp X-quang ngực sau đó, thiết lập tình trạng không ăn đường miệng cho đến khi có chẩn đoán và dự kiến việc sử dụng kháng sinh. 2.2.3. Nguy cơ thiếu thể tích dịch cơ thể - Chẩn đoán điều dưỡng: Nguy cơ thiếu dịch trong cơ thể liên quan đến không có khả năng uống vào do bị bệnh hoặc không truyền dịch được hoặc phải dùng một số thuốc có tính thẩm thấu trong quá trình chẩn đoán. - Mục tiêu chăm sóc: Trạng thái tinh thần, các dấu hiệu sinh tồn, tỷ trọng, màu sắc và các đặc tính của nước tiểu của người cao tuổi sẽ vẫn trong giới hạn bình thường. Niêm mạc ẩm và không có dấu hiệu véo da dương tính. - Các can thiệp điều dưỡng:
47 Nhận định và ghi lại số lượng, màu sắc và tần suất của bất kỳ chất lỏng nào thoát ra từ cơ thể người cao tuổi, bao gồm nước tiểu, tiêu chảy, nôn (nôn) hoặc các chất dịch dẫn lưu nếu có. Nhận định và ghi lại độ săn chắc của da, làm nghiệm pháp véo da ở vùng trán, xương đòn, xương ức hoặc thành bụng để kiểm tra tình trạng thiếu dịch. Theo dõi lượng dịch vào cơ thể. Khuyến khích uống 2-3 lít nước mỗi ngày nếu không có chống chỉ định. Chỉ định rõ các mục đích sử dụng dịch vào cơ thể của các ca chăm sóc trong ngày, buổi tối và ban đêm. Đánh giá mức độ tỉnh táo của người cao tuổi bao gồm định hướng, hành vi và khả năng thực hiện theo yêu cầu. Cân người cao tuổi hàng ngày vào cùng một thời điểm trong ngày (thường là trước bữa ăn sáng) và sử dụng cùng một cân và quần áo, trang phục. Đánh giá khả năng tự lấy đồ uống và uống lỏng của người cao tuổi. Để đồ uống ở vị trí dễ dàng trong tầm với của người cao tuổi, sử dụng cốc đựng đồ uống có nắp đậy an toàn để giảm bớt lo lắng về việc bị tràn ra ngoài hoặc rơi, đổ vỡ. Theo dõi lượng dịch vào và ra đặc biệt đối với người cao tuổi nhân được cho ăn qua sonde hoặc có sử dụng chất cản quang. Kiểm tra các dấu hiệu về mất cân bằng dịch vào – ra như có phù ngoại vi, đặc biệt là ở vùng xương cùng; hoặc đầu ra ít hơn đáng kể so với đầu vào (1:2); hoặc giảm lượng nước tiểu (dưới 30 ml/giờ). Nếu người cao tuổi đang được truyền tĩnh mạch, đánh giá tình trạng tuần hoàn và hô hấp để đề phòng quá tải dịch như nghe tim ở vùng mỏm tim và nghe hai phổi trong quá trình theo dõi các dấu hiệu sinh tồn. Ở những người cao tuổi bị mất nước, cảnh giác với tình trạng tăng nồng độ natri, urê và creatinine máu. Đảm bảo người cao tuổi có thể dễ dàng tiểu tiện, đại tiện trong tiếp cận với nhà vệ sinh hoặc sử dụng bô ít nhất mỗi 2 giờ một lần khi thức và mỗi 4 giờ một lần vào ban đêm. Đáp ứng ngay khi có tín hiệu đèn gọi từ giường người cao tuổi. Khuyến khích người cao tuổi uống bất cứ khi nào có thể với đa dạng đồ uống mà bệnh nhân thích, nhưng tránh đồ uống có caffein; có gas; có cồn. 2.2.4. Nguy cơ bị các thương tích - Chẩn đoán điều dưỡng:
48 Nguy cơ bị thương tích liên quan đến giảm chức năng tim, thận, khả năng bảo tồn ở tuổi già. Giảm lượng ô-xy tới não có thể xảy ra cùng với tình trạng bệnh đi kèm và giảm chức năng mô tổ chức. Suy giảm khả năng cảm nhận và cảm giác xảy ra kèm với giảm thị lực, thính lực. - Mục tiêu chăm sóc: Khả năng cảm nhận của người cao tuổi sẽ trở lại bình thường trong vòng 3 ngày chăm sóc và điều trị. Người cao tuổi sẽ không bị thương tích hoặc tổn hại do hậu quả của trạng thái tâm thần. - Các can thiệp điều dưỡng: Theo dõi mức độ ý thức cơ bản và tình trạng thần kinh của người cao tuổi khi nhập viện. Đánh giá trạng thái tâm thần và khả năng tiền lẫn trí của người cao tuổi từ người chăm sóc hoặc những người thân khác. Yêu cầu người cao tuổi hoàn tất một nhiệm vụ ba bước, thí dụ: “Cầm một miếng giấy bằng tay phải, gập đôi miếng giấy lại rồi đặt lên bàn”. Đánh giá tình trạng lẫn trí để xác định có hay không bị sảng hoặc lẫn trí ở người cao tuổi. Nếu có, cần xác định nguyên nhân gây sảng hoặc lẫn trí cấp tính. Kiểm tra trí nhớ ngắn hạn bằng cách chỉ cho người cao tuổi cách sử dụng đèn báo gọi nhân viên y tế, yêu cầu người cao tuổi trình diễn lại và đợi ít nhất 5 phút rồi để người cao tuổi làm lại cách sử dụng đèn gọi. Ghi lại các hành động của người cao tuổi dưới dạng mô tả hành vi, hành vi “nhầm lẫn”. Nhận định tiếng tim ở vùng mỏm tim và thông báo cho bác sĩ nếu có tình trạng đập không đều mới được phát hiện. Nếu người cao tuổi được nối với máy theo dõi tim hoặc đo từ xa, hãy kiểm tra xem có rối loạn nhịp tim và thông báo cho bác sĩ. Theo dõi cơn đau của người cao tuổi nếu có bằng thang 0-10 điểm. Nếu không thể đo mức độ đau, hãy đánh giá qua các biểu hiện không lời thể như cau mày, nhăn mặt, chớp mắt nhanh, nắm chặt tay và bồn chồn. Yêu cầu một số hỗ trợ từ người thân hoặc người chăm sóc để giúp xác định các biểu hiện đau. Xử lý cơn đau theo chỉ định và theo dõi các hành vi đáp ứng của người cao tuổi. Theo dõi cân bằng dịch vào – ra vì mất nước có thể dẫn đến lẫn trí. Đánh giá chức năng thận qua kết quả xét nghiệm creatinine của người cao tuổi. Xem xét các loại thuốc bao gồm cả thuốc được kê đơn và không cần đơn mà người cao tuổi hiện dùng.
49 Nếu người cao tuổi có vấn đề về trí nhớ ngắn hạn, cho đi nhà vệ sinh hoặc ngồi bô mỗi 2 giờ một lần khi thức và mỗi 4 giờ một lần vào ban đêm. Thiết lập một lịch trình đi vệ sinh và cùng với kế hoạch chăm sóc người cao tuổi. Để bô tiểu của người cao tuổi và các vật dụng được sử dụng thường xuyên khác trong tầm với của người cao tuổi. Cho người cao tuổi đeo kính và dùng máy trợ thính, hoặc để chúng gần giường và trong tầm tay, dễ sử dụng cho người cao tuổi. Khuyến khích người thân của người cao tuổi mang theo những vật dụng quen thuộc với người cao tuổi như chăn, ga trải giường và hình chụp gia đình và vật nuôi. Trông chừng người cao tuổi ít nhất 30 phút một lần và mỗi khi đi ngang qua nơi người cao tuổi. Bố trí người cao tuổi càng gần vị trí của điều dưỡng càng tốt nếu có thể. Đảm bảo môi trường an toàn và không gây kích thích. Cố gắng giúp người cao tuổi định hướng lại với môi trường của họ khi cần thiết. Đặt một chiếc đồng hồ với các chữ số lớn và một cuốn lịch in khổ lớn phía đầu giường; nhắc nhở người cao tuổi bằng lời nói về thứ và ngày khi cần. Có thể bố trí âm nhạc nhẹ nhàng nhưng không dùng tivi. Sử dụng ngôn ngữ đơn giản khi nói với người cao tuổi về những gì đang diễn ra. Nếu người cao tuổi hiểu sai về vai trò của điều dưỡng (thí dụ: hiều nhầm điều dưỡng là cảnh sát; người đe dọa người cao tuổi…), hãy rời khỏi phòng và quay lại sau 15 phút. Giới thiệu lại bản thân với người cao tuổi nhân như thể đây là lần đầu gặp mặt và bắt đầu lại cuộc trò chuyện. Nếu người cao tuổi trở nên hung hăng, thù địch hoặc tranh cãi trong khi điều dưỡng đang cố gắng định hướng lại cho họ, cần dừng lại, không hỏi thêm hoặc cố định hướng thêm cho người cao tuổi về môi trường. Nếu người cao tuổi bị suy giảm nhận thức nghiêm trọng hoặc vĩnh viễn, trông chừng người bênh ít nhất 30 phút một lần và định hướng lại mức độ ý thức cơ bản nhưng không đặt câu hỏi với người cao tuổi về hiểu biết của họ về thực tế. Nếu người cao tuổi cố gắng rời khỏi bệnh viện, nên đi bộ với họ và cố gắng đánh lạc hướng, đề nghị người cao tuổi nói về điểm đến bằng câu nói thân thiện, thí dụ: “Đó có vẻ là một nơi thú vị! Ông/bà có thể mô tả nó.", trò chuyện và tiếp tục đi bộ với người
50 cao tuổi ra khỏi cửa và đi ra xung quanh đơn nguyên, sau vài phút cố gắng dẫn người cao tuổi trở lại phòng cùng với cung cấp đồ ăn nhẹ và bố trí ngủ trưa. Nếu người cao tuổi không chịu nằm trên giường, thay thế bằng cho ngồi trên ghế hoặc xe lăn ở khu vực của điều dưỡng. Thương lượng với người cao tuổi, cố gắng để người cao tuổi đồng ý ở lại trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như cho đến lúc có một hoạt động chăm sóc, bữa ăn hoặc người thân đến thăm. Sử dụng cẩn thận các thuốc đang được kê đơn để kiểm soát hành vi. Sử dụng thạn trọng các biện pháp hạn chế đảm bảo tuân thủ quy định của bệnh viện. Đánh giá nhu cầu tiếp theo để co các can thiệp nhất định. 2.2.5. Nguy cơ nhiễm trùng - Chẩn đoán điều dưỡng: Nguy cơ bị nhiễm trùng liên quan đến những thay đổi trong hệ thống miễn dịch do tuổi già, lớp bảo vệ và/hoặc phản ứng viêm bị ức chế xảy ra khi sử dụng lâu dài một số thuốc (steroid, giảm đau, chống viêm), dinh dưỡng kém. - Mục tiêu chăm sóc: Người cao tuổi nhân sẽ không bị nhiễm với các bằng chứng cơ thể nằm trong giới hạn bình thường của người cao tuổi như mức độ tỉnh táo, sự định hướng, thân nhiệt, tần số tim, tần số thở và kiểu thở, nước tiểu, sự toàn vẹn của da và niêm mạc, số lượng và tỷ lệ bạch cầu trong máu… - Các can thiệp điều dưỡng: Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, mức độ tỉnh táo và định hướng. Lưu ý với tần số tim > 100 lần/phút và nhịp thở > 24 nhịp/phút. Nghe các phổi hai bên để phát hiện các âm thanh không bình thường, lưu ý chút ran nổ nghe thấy ở đáy phổi có thể là bình thường. Nhận định tình trạng da của người cao tuổi xem có bị rách, đứt gãy, đỏ hoặc loét không và ghi lại kết quả lúc nhập viện để đánh giá và so sánh với những lần tiếp theo. Đo nhiệt độ ở trực tràng nếu kết quả đo nhiệt độ ở miệng không phù hợp với biểu hiện lâm sàng như sờ da rất ấm mà kết quả đo lại thấp. Nhận định tình trạng nước tiểu của bệnh nhân, ghi lại những thay đổi và cảnh giác với chứng tiểu không tự chủ có thể chỉ báo có nhiễm trùng đường tiết niệu. Trừ trường hợp bắt buộc, hạn chế tối đa việc đặt thông tiểu.
51 Dự liệu trước cho việc cấy máu, phân tích nước tiểu và cấy nước tiểu, công thức bạch cầu, chụp X-quang ngực. Nếu có bằng chứng của nhiễm trùng, dự liệu trước việc truyền dịch tĩnh mạch, sử dụng kháng sinh, hạ sốt và thở ô-xy. 2.2.6. Nguy cơ mất sự toàn vẹn của da - Chẩn đoán điều dưỡng: Nguy cơ mất sự toàn vẹn da liên quan đến giảm mô mỡ dưới da và suy giảm mạng lưới mao mạch ngoại vi. - Mục tiêu chăm sóc: Da của người cao tuổi sẽ được duy trì sự toàn vẹn, không bị nề đỏ hoặc bầm tím. - Các can thiệp điều dưỡng: Nhận định tình trạng da của người cao tuổi khi nhập viện và thường xuyên sau đó. Xem xét các vùng da bên trên các chỗ gồ lên của xương để phát hiện dấu hiệu nề đỏ. Quan sát da xem có vùng da nào bị mẩn đỏ, thay đổi kết cấu hoặc bất kỳ vết nứt nào trên bề mặt da. Lên lịch thay đổi tư thế cho người cao tuổi mỗi 2 giờ một lần, khi thay đổi tư thế dùng cách lăn hoặc sử dụng tấm nâng, tránh động tác kéo gây cọ sát với bề mặt giường. Sử dụng nệm nước, đệm hơi, nệm kết hợp nước-hơi, nệm thay đổi áp lực xen kẽ hoặc các loại nệm nhạy cảm với áp suất khác cho những người già không thể ra khỏi giường hoặc phải nằm trên giường. Kê các miếng đệm hoặc gối ở những chỗ xương gồ lên khi người cao tuổi ngồi trên xe lăn hoặc phải ngồi trong thời gian dài. Có thể dùng kem dưỡng da cho những vùng da bị khô. Hỗ trợ người cao tuổi ra khỏi giường càng thường xuyên càng tốt. Sử dụng các thiết bị nâng để hỗ trợ trong quá trình di chuyển người cao tuổi. Trường hợp người cao tuổi không thể ra khỏi giường, hỗ trợ bằng cách thay đổi tư thế 2 giờ một lần. Lên lịch lăn trở người cao tuổi tại giường bệnh, nếu người cao tuổi có các ống thông chú ý không để phần ống trực tiếp dưới đầu hoặc tay chân của người cao tuổi, nên đặt một miếng đệm hoặc gối giữa phần cơ thể người cao tuổi và ống. Sử dụng nước ấm (32,2° - 40,5°C) và xà phòng béo, không mùi. Làm sạch mặt, nách và bộ phận sinh dục của người cao tuổi hàng ngày.
52 Ghi lại tỷ lệ phần trăm lượng thức ăn được của các bữa ăn. Cho phép người thân cung cấp thức ăn mà người cao tuổi ưa nhân. Gợi ý sử dụng đồ ăn nhẹ có dinh dưỡng khi có chỉ định Hợp tác với một chuyên gia dinh dưỡng khi cần để nhận tư vấn về dinh dưỡng. Hạn chế sử dụng miếng bảo vệ bằng nhựa bên dưới người cao tuổi. Khi phải sử dụng, đặt một lớp vải giữa người cao tuổi và miếng bảo vệ để hút ẩm. Đối với người cao tuổi tiểu không tự chủ, giám sát miếng đệm ít nhất 2 giờ một lần đảm bảo miếng đệm luôn khô. Tránh sử dụng tã (bỉm) người lớn trừ khi người cao tuổi đang đi làm xét nghiệm chẩn đoán hoặc ngồi trên ghế. TỰ LƯỢNG GIÁ 1. Hệ thống lại những quan tâm chung của điều dưỡng khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, cụ thể: - Xác định trọng tâm của điều dưỡng lão khoa, - Những lưu ý của điều dưỡng khi chăm sóc người cao tuổi. 2. Xây dựng các kế hoạch chăm sóc điều dưỡng cho người cao tuổi, cụ thể: - Tóm tắt các vấn đề sức khỏe hiện tại và tiềm ẩn ở người cao tuổi có thể phát triển thành các kế hoạch chăm sóc. - Lựa chọn một vấn đề sức khỏe thường gặp (nguy cơ hoặc hiện tại) ở một nhóm người cao tuổi qua thực tiễn công tác của anh/chị, đề xuất một kế hoạch chăm sóc hoàn chỉnh gồm Nhận định – Chẩn đoán điều dưỡng – Mục tiêu và kết quả mong đợi – Can thiệp của điều dưỡng – Đánh giá kết quả với những chỉ tiêu cụ thể.
53 Bài 5. PHÒNG BỆNH VÀ PHỤC HỒI SỨC KHỎE CHO NGƯỜI CAO TUỔI MỤC TIÊU Sau khi kết thúc bài học, học viên có khả năng: 1) Hệ thống được các biện pháp phòng bệnh và phục hồi sức khỏe chung cho người cao tuổi. 2) Hệ thống được các trị liệu phục hồi sức khỏe có thể áp dụng tại gia đình cho người cao tuổi và những lưu ý khi áp dụng. 3) Tóm tắt được những nội dung cơ bản trong phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi sau đột quỵ não, nhồi máu cơ tim và bệnh phổi mạn tính. NỘI DUNG 1. Phòng bệnh cho người cao tuổi Như đã đề cập, tuổi cao là một trong những yếu tố nguy cơ làm cho bệnh dễ phát sinh và tiến triển nặng. Hơn nữa, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh cùng lúc, đặt sức khỏe của người cao tuổi trong tình trạng bất lợi, gây khó khăn cho điều trị và chăm sóc. Nói cách khác, đối với người cao tuổi phòng bệnh và phục hồi sức khỏe giữ vai trò vô cùng quan trọng và là mối quan tâm đặc biệt cho điều dưỡng lão khoa. Việc phòng bệnh cho người cao tuổi có thể có những điểm khác nhau phụ thuộc vào mỗi cá nhân người cao tuổi. Các biện pháp phòng bệnh chung đã được được khuyến là: 1.1. Kiểm tra sức khỏe định kỳ Xây dựng kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi cho dù đã hay chưa mắc bệnh. Trừ những trường hợp có bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe cần theo dõi và khám theo hẹn, nên có kế hoạch kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi 6 tháng một lần. Nhiều người cao tuổi vì nhiều lý do khách quan hoặc chủ quan như chưa gặp vấn đề sức khỏe nào trầm trọng trước đây, tình trạng sức khỏe hiện tại có vẻ ổn định, hoặc các lý do khác như điều kiện sinh hoạt, kinh tế, văn hóa xã hội v.v... dễ có tâm lý chủ quan. Cần làm cho người cao tuổi tránh tư tưởng tự cho mình là người khỏe mạnh, hoặc coi thường bệnh tật bởi nhiều bệnh tiềm ẩn trong cơ thể có thể có vẻ ngoài khỏe mạnh như tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu. Thuyết phục người cao tuổi những lợi ích và sự cần thiết định kỳ kiểm tra sức khỏe toàn diện như: ngoài việc giúp phát hiện sớm và kiểm soát tốt các bệnh lý đặc biệt là các bệnh mạn tính, thông qua khám sức khỏe định kỳ người cao tuổi còn nhận được những
54 tư vấn về dinh dưỡng, hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ còn giúp người cao tuổi quan tâm và tăng trách nhiệm của bản thân đối với sức khỏe của mình, tạo sự an tâm cho chính người cao tuổi và cho gia đình người cao tuổi. 1.2. Từ bỏ những thói quen có hại Tăng cường nhận thức cho những người cao tuổi có thói quen hút tuốc và sử dụng nhiều rượu, bia về tác hại của chúng đối với sức khỏe, đặc biệt là với người cao tuổi. Nhấn mạnh và cung cấp những bằng chứng về những tác dụng xấu đến sức khỏe của thuốc lá, thuốc lào và rượu, bia như làm tim đập nhanh, làm tăng mức tiêu thụ ô-xy của cơ tim, huyết áp tăng, co nhỏ mạch máu, giảm sức đề kháng của cơ thể, giảm khả năng làm sạch đường thở, giảm sự thèm ăn và làm chậm sự tiêu hóa thức ăn v.v... Làm cho người cao tuổi, người nhà hoặc người trực tiếp chăm sóc người cao tuổi nhận thức được những thói quen bất lợi này là những nhân tố nguy hiểm làm cho sức khỏe thêm suy yếu, hoặc nếu có bệnh sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng thêm, dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn. 1.3. Tránh để rơi vào trạng thái căng thẳng Trạng thái tinh thần có liên quan mật thiết với bệnh tật. Cần làm cho người cao tuổi cũng như những người sống cùng người cao tuổi nhận thức rõ tác hại khi tinh thần quá căng thẳng. Một số tác hại của trạng thái căng thẳng tinh thần thường xuyên đã được chứng minh, bao gồm: tăng huyết áp, tăng cholesterol và tăng gánh nặng làm việc cho tim, rối loạn nhịp tim. Y học cổ truyền còn quan niệm bảy loại tình cảm, tinh thần (Thất tình) có liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật là: Vui vẻ (Hỷ); Tức giận (Nộ); Buồn bã, u sầu (Ưu); Lo lắng, tư lự (Tư); Đau thương (Bi); Sợ hãi (Khủng); Sửng sốt (Kinh). Những trạng thái tinh thần như quá hưng phấn; quá lo lắng/buồn phiền; quá sợ hãi/giận dữ đều có thể làm tổn thương ngũ tạng và kinh mạch từ đó dẫn đến bệnh tật. Thường xuyên sử dụng bộ não thông qua các hoạt động trí não phù hợp sẽ cải thiện được sức khỏe tinh thần, hạn chế các bệnh trầm cảm, sa sút trí tuệ. 1.4. Tạo lập và duy trì nề nếp trong sinh hoạt Tư vấn cho người cao tuổi nhận thức được giá trị của việc sinh hoạt có nề nếp khi tuổi già.
55 Tạo lập và duy trì các thói quen sinh hoạt phù hợp với tuổi tác có tác dụng tốt cho sức khỏe và dự phòng mắc bệnh, bao gồm: Làm việc, nghỉ ngơi và đi ngủ đúng giờ, kết hợp làm việc với nghỉ ngơi thư giãn một cách hợp lý. Ăn uống đúng giờ kết hợp với vận động hợp phù hợp với lứa tuổi, vệ sinh răng miệng, cơ thể và bộ phận sinh dục đúng cách. Tạo lập thói quen uống đủ nước, chủ động đi tiểu tiện, đại tiện vào những giờ nhất định trong ngày, luyện tập các cơ vùng đáy chậu để kiểm soát việc bài tiết một cách chủ động. Vận động thể lực phù hợp với tuổi tác đóng vai trò vô cùng quan trọng trong dự phòng nhiều bệnh lý ở người cao tuổi. Trong các biện pháp tập luyện, đi bộ là một trong những biện pháp đơn giản và an toàn nhất. Cần làm cho người cao tuổi nhận thức rõ giá trị của việc đi bộ đều đặn mỗi ngày. Đi bộ làm cho cơ bắp co giãn, làm cho tim co bóp tốt hơn, lưu thông máu trong động mạch vành tốt hơn, đi bộ còn giảm nguy cơ loãng xương và nhiều lợi ích khác. 1.5. Thực hiện ăn uống hợp lý Tư vấn-giáo dục sức khỏe giúp người cao tuổi nhận thức được ăn uống giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể. Khi ăn uống không đủ chất dinh dưỡng sẽ dẫn tới cơ thể mệt mỏi, bắp thịt teo, tinh thần sa sút, giảm khả năng miễn dịch và sức chịu đựng. Tuy nhiên ăn, uống thái quá hoặc thành phần dinh dưỡng không phù hợp khi tuổi cao lại là một trong những tác nhân gây nên bệnh tật. Tư vấn cho người cao tuổi về sự cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng của việc ăn uống hợp lý khi trong việc phòng mắc bệnh. Những nội dung cần tư vấn cho người cao tuổi đảm bảo ăn uống hợp lý bao gồm: - Hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều mỡ động vật, thịt béo, phủ tạng động vật, bơ, trứng vì thường xuyên ăn những thức ăn này có thể gây tăng cholesterol máu từ đó gây ra vữa xơ động mạch. Khi cần chế biến, nên sử dụng dầu thực vật như dầu làm từ hạt cải, đậu nành, ngô, hạt hướng dương. - Việc ăn nhiều đồ ngọt như kẹo ngọt, bánh ngọt cũng không có lợi vì khi quá nhiều đường trong cơ thể sẽ chuyển hóa thành mỡ và dễ gây tăng đường máu.
56 - Không nên ăn quá mặn vì ăn quá mặn dễ gây tích nước trong tổ chức cơ thể làm tăng gánh nặng cho tim, ăn một ngày không quá 3 đến 5 gam muối có tác dụng dự phòng tăng huyết áp. - Bổ sung trong chế độ ăn các thực phẩm có nhiều vitamin và yếu tố vi lượng tự nhiên từ rau xanh, trái cây để làm tăng sức đề kháng đồng thời thúc đẩy nhu động ruột và tăng sự đào thải cholesterol. - Nên chia khẩu phần ăn làm nhiều bữa nhỏ, thay đổi cách chế biến, bài trí món ăn hấp dẫn, ăn chậm, nhai kỹ. Khi có điều kiện, thảo luận với người cao tuổi, người nhà hoặc người chăm sóc người co tuổi xây dựng chế độ ăn cho người cao tuổi, trong đó cần lưu ý một số điểm sau: Về nhu cầu dinh dưỡng: Nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm 20%, người trên 70 tuổi giảm 30% so với người 25 tuổi. Theo khuyến nghị cho người Việt Nam, cần duy trì nhu cầu năng lượng cho người cao tuổi là 1700-1900 calo/người/ngày. Về tỷ lệ các nhóm chất, năng lượng từ ngũ cốc chiếm 68%, chất béo chiếm 18% và chất đạm cung cấp 14% tổng nhu cầu năng lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Việc điều chỉnh chế độ ăn cho người cao tuổi cần đảm bảo hợp lý, duy trì chỉ số BMI ở mức khỏe mạnh là 18,5 - 22,9. Về khẩu phần ăn: Đảm bảo đủ nhu cầu và cân đối các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất, nước và chất xơ; Chế biến thức ăn dễ tiêu hóa, nên có món canh trong bữa ăn; Chia thành nhiều bữa trong ngày hơn so với lúc còn trẻ và không nên bỏ bữa ăn nào trong ngày; Theo dõi, đánh giá việc thực hiện và khả năng tiêu hóa, hấp thu các bữa ăn; Theo dõi cân nặng, vòng eo, tỷ lệ mỡ cơ thể. Về lựa chọn các chất cho khẩu phần ăn + Tinh bột: Ăn ở mức độ vừa phải, mỗi bữa người cao tuổi nên ăn 1 - 2 bát con cơm, ăn thêm khoai, sắn củ để cung cấp chất xơ ngăn ngừa táo bón. + Chất đạm: Nhu cầu protein của người cao tuổi trung bình ở khoảng 60 - 70g/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30% lượng protein nạp vào cơ thể, nên giảm ăn thịt đỏ, tăng nhóm thực phẩm giàu canxi (cá, tôm, cua) và protein thực vật (đỗ, vừng,
57 lạc, đậu phụ,...). Đồng thời, cần hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol như óc, da, nội tạng động vật, nên ăn cá, sữa chua, trứng gà; vịt nên giới hạn 3 quả/tuần. + Chất béo: Nên ăn cả mỡ động vật và dầu thực vật. Tỷ lệ chất béo từ thực vật nạp vào cơ thể nên chiếm 35% tổng lượng chất béo. Dầu thực vật không có cholesterol và ít axit béo bão hòa hơn mỡ động vật nên sẽ tốt cho những người già bị tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác; + Muối: Hạn chế lượng muối ăn, nước mắm mặn, thực phẩm có hàm lượng muối cao như dưa, cà muối, thức ăn chế biến sẵn. Lượng muối ăn nên ở mức dưới 150g/người/tháng, vì ăn nhiều muối sẽ làm tình trạng tăng huyết áp thêm trầm trọng. + Chất xơ: Nhu cầu chất xơ của người cao tuổi là tiêu thụ 25g/ngày. Chất xơ hòa tan có tác dụng làm giảm cholesterol và đường máu, tốt cho người cao tuổi bị đái tháo đường, tăng huyết áp. Ngoài ra, chất xơ còn kích thích nhu động ruột, tránh táo bón, phòng xơ vữa động mạch. Nên ăn các loại rau xanh và trái cây giàu vitamin và khoáng chất. Nếu có thể, mỗi ngày nên ăn khoảng 300g rau xanh và 100g hoa quả; + Nước: Người lớn tuổi thường thay đổi cảm giác khát, uống ít nước vì sợ bị đi tiểu về đêm nhiều gây mất ngủ. Tuy nhiện, nước có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ tiêu hóa, đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Do vậy, người cao tuổi vẫn cần đảm bảo đủ nước, nếu có thể uống được, nên uống đủ 1,5 - 2 lít nước/ngày, chủ động uống nước ngay cả khi chưa thấy khát, chỉ không nên uống hoặc ăn thức ăn gây lợi tiểu vào lúc muộn trong ngày để tránh mót tiểu ban đêm. + Vitamin và khoáng chất: Nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin nhóm B, C, D... và các khoáng chất quan trọng như canxi, sắt, kẽm... để tăng cường sức đề kháng từ rau xanh, trái cây chứa nhiều những vitamin và khoáng chất này. 2. Phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi 2.1. Sức khỏe và phục hồi sức khỏe Sức khỏe (health) được nhìn nhận ra sao phụ thuộc vào cách mà sức khỏe được định nghĩa. Năm 2006, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa sức khỏe là “trạng thái khỏe mạnh hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội và không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật và ốm yếu”. Sự khỏe mạnh (wellness) mang ý nghĩa rộng, đề cập đến trạng thái thể chất, tinh thần, tình cảm, tâm linh và sinh lý của một cá nhân và mối quan hệ của cá nhân đó với
58 môi trường xung quanh. Sự khỏe mạnh được xem là tình trạng sức khỏe về thể chất và tinh thần tốt, đặc biệt là khi được duy trì bằng chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý, liên quan đến sự chủ động và sự tham gia vào các hoạt động tự chăm sóc nhằm hướng tới một trạng thái khỏe mạnh về thể chất, tâm lý và tinh thần. Như vậy, sự khỏe mạnh là một quá trình có ý thức, tự định hướng và phát triển để đạt được tiềm năng đầy đủ của một người, bao gồm sức khỏe tâm thần, thể chất, cảm xúc, xã hội và tinh thần, là quá trình sống một cuộc sống viên mãn mặc dù có bệnh tật. Phục hồi sức khỏe là một hành trình cá nhân về sức khỏe, khả năng phục hồi và chuyển đổi. Phục hồi sức khỏe liên quan đến việc phát triển hy vọng, ý thức về bản thân, các mối quan hệ hỗ trợ, sự trao quyền, hòa nhập xã hội, kỹ năng và ý nghĩa của đối phó với tình trạng sức khỏe và bệnh tật. Phục hồi sức khỏe bao gồm những giải pháp hướng đến lối sống lành mạnh và phù hợp với tình trạng sức khỏe hay bệnh tật, giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh để duy trì sự độc lập ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả sau khi ốm đau, bệnh tật, chấn thương hay phẫu thuật. 2.2. Mục đích và lợi ích của phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi Mục đích phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi là áp dụng các biện pháp tổng hợp, tận dụng mọi khả năng nhằm làm mất đi hoặc giảm nhẹ các rối loạn chức năng như: đi lại khó khăn, bại liệt nửa người, tai điếc, trí lực suy giảm, sa sút trí tuệ… làm cho người già có thể tự lo liệu hoặc cơ bản tự lo liệu được việc sinh hoạt của mình, cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân, đạt tới hiệu quả hồi phục sức khỏe và điều trị bệnh có kết quả. Phục hồi sức khỏe dự phòng là áp dụng các biện pháp hồi phục sức khỏe cho người cao tuổi trong giai đoạn mắc bệnh để rút ngắn thời gian mang bệnh, đề phòng hoặc giảm nhẹ các rối loạn về chức năng có thể xảy ra, làm cho người già khi khỏi bệnh hoặc bệnh thuyên giảm vẫn có thể giữ nguyên năng lực hoạt động bình thường. Phục hồi sức khỏe nhằm đối phó với những rối loạn về chức năng do bệnh tật hoặc bị thương gây ra, thông qua điều trị nhằm hồi phục sức khỏe để phát huy đầy đủ chức năng còn lại của cơ quan hệ thống bị bệnh hoặc tổn thương, làm cho người già trong phạm vi có thể, cố gắng bảo lưu đến mức cao nhất năng lực tự lo liệu sinh hoạt, giảm tình trạng nằm liệt giường và xuất hiện sự sa sút trí tuệ của tuổi già, từ đó giảm áp lực của người bệnh già đối với gia đình và xã hội.
59 Phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà sau khi ra viện ngoài giải quyết tình trạng thiếu giường bệnh hiện nay, còn có một số lợi ích quan trọng như: - Thói quen sinh hoạt thông thường trong thời kì phục hồi sức khỏe ở gia đình gần giống như thói quen sinh hoạt trước khi bị bệnh của người già, tình cảm giữa người trong gia đình với người già cũng tương đối hòa hợp, chăm sóc được chu đáo, người già an tâm điều trị, giảm bớt cảm giác lo sợ của người già đối với bệnh viện, đối với bệnh tật, giảm bớt gánh nặng tư tưởng của người già, và thường có ảnh hưởng tương đối tốt cho việc phục hồi sức khỏe của người bệnh già. - Nhiều bệnh ở người cao tuổi là mạn tính, chẳng hạn những di chứng sau tai biến mạch não không thể nào khỏi trong một thời gian ngắn, người già không thể nằm viện lâu ngày. Vì vậy, đối với nhiều người bệnh cao tuổi, cần được hồi phục sức khỏe tại nhà. - Phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà còn giúp tránh được sự truyền nhiễm giao thoa của buồng bệnh ở bệnh viện. Ngoài ra, buồng bệnh của bệnh viện thường chật hẹp không đủ không gian và không có lợi cho việc tập luyện và hồi phục sức khỏe. - Chăm sóc về ăn uống là một phần quan trọng của hồi phục sức khỏe. Đối với người già, ăn uống ở gia đình hợp khẩu vị và tạo cảm giác thoải mái hơn ở bệnh viện. Truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam là kính trọng người già, điều đó tạo ra một môi trường cũng như điều kiện tốt cho việc điều trị, hồi phục sức khỏe cho người cao tuổi tại gia đình. 2.3. Các phương pháp phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi 2.3.1. Phục hồi sức khỏe theo tự nhiên Con người sinh ra vốn đã tự biết cách bảo vệ cơ thể trước những tác động từ môi trường sống, biết sử dụng các thứ sẵn có trong tự nhiên để tự chữa lành vết thương hoặc khi ốm đau. Trải qua quá trình phát triển, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các phương pháp giúp phục hồi sức khỏe tự nhiên đã lần lượt ra đời như phương pháp thực dưỡng, thiền, yoga… những phương pháp này đã dần chứng minh được hiệu quả nhất định với nhiều loại bệnh. Phục hồi sức khỏe theo tự nhiên bao gồm một số phương pháp: - Thanh lọc cơ thể: duy trì thói quen uống một cốc nước ấm (có thể pha chút chanh) vào lúc thức dậy giúp tăng cường khả năng hoạt động của hệ tiêu hóa, loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
60 - Hít thở đúng cách: nhắm mắt, thả lỏng cơ thể, hai tay đặt trên bụng rồi hít thật sâu và thở ra nhẹ nhàng, lặp lại trong vài phút sẽ giúp cho cơ thể bớt căng thẳng, mệt mỏi. - Thư giãn trước khi ngủ: dành khoảng 5 phút để ngồi thiền trước khi đi ngủ, hít thở đều đặn như trên, giúp dễ đi vào giấc ngủ. - Ăn uống đúng cách: thay vì sử dụng các loại thực phẩm có nhiều chất béo, nhiều đường hoặc đồ ăn nhanh…, nên chọn chế độ ăn với nhiều trái cây, rau xanh và uống đủ nước mỗi ngày. Đồng thời hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá để tránh gây kích thích có hại cho cơ thể. - Tập thể dục thường xuyên: duy trì tập thể dục mỗi ngày, tùy điều kiện và thể trạng để lựa chọn bài tập phù hợp như chạy bộ 15 phút hoặc tập yoga 30 phút. 2.3.2. Phục hồi sức khỏe theo trị liệu Phương pháp điều trị hồi phục sức khỏe cho người cao tuổi sau khi ra viện về cơ bản giống như điều trị ở bệnh viện. Căn cứ vào tình hình trạng bệnh và điều kiện cụ thể ở gia đình mà định ra những việc thực sự dễ làm, bao gồm một số phương pháp: - Vật lý trị liệu: Phương pháp thường dùng có chườm lạnh, chườm nóng, dùng từ tính tác dụng vào huyệt, thủy liệu pháp… - Thể dục chữa bệnh: Thể dục chữa bệnh, tập luyện với dụng cụ đơn giản như thể thao, khí công, thái cực quyền, đi bộ, đánh cầu, lắc vòng, tập tạ tay… Bài tập thông thường có thể chia làm hai phần: + Phần thứ nhất tập luyện các động tác sinh hoạt hàng ngày như tập mặc quần áo, ăn uống, đi lại. + Phần thứ hai là luyện tập công việc nội trợ như trồng hoa, nuôi cá, đan lát, rửa rau, nấu cơm… Thông qua việc tập các bài tập trên người già có thể thích ứng với nhu cầu sinh hoạt cá nhân, sinh hoạt gia đình, sinh hoạt xã hội. - Uốn nắn ngôn ngữ: Đối với những người mất tiếng, nói lắp, nghe nói khó khăn phải huấn luyện, tận dụng khả năng hồi phục chức năng nghe nói. - Hồi phục sự lành mạnh về tâm lý: Trắc định tâm lý, hỏi ý kiến và sử dụng trị liệu tâm lý. - Sử dụng thiết bị: Có một số bệnh ở người già có thể dựa vào một số công cụ trợ giúp hồi phục sức khỏe để bù đắp những khiếm khuyết của chức năng hoặc năng lực
61 sinh hoạt và cảm quan như máy trợ thính, máy chỉnh hình, gậy chống, xe lăn. Những thiết bị hồi phục sức khỏe này có thể mua ở thị trường, có thể được tự tạo. - Chăm sóc ăn uống: Căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người già để định bữa ăn hàng ngày và thực đơn dinh dưỡng hợp lý. - Vui chơi giải trí: Căn cứ vào sở thích khác nhau của từng người mà sắp xếp các hoạt động vui chơi giải trí phù hợp nhằm giúp hồi phục sức khỏe cho người già như xem biểu diễn văn nghệ, truyền hình, nghe nhạc, chơi cờ, chơi bài, câu cá, trồng hoa, nuôi chim… - Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thông qua việc định kỳ đến phòng khám theo dõi hoặc thầy thuốc tại giường bệnh gia đình, dùng thuốc và chăm sóc, xử lý lâm sàng cần thiết đối với người già, giảm nhẹ triệu chứng, đề phòng bội nhiễm và thúc đẩy hồi phục chức năng. 3. Một số trị liệu phục hồi sức khỏe có thể thực hiện tại gia đình 3.1. Vật lý trị liệu Vật lý liệu pháp thường có tác dụng mà thuốc men không thể có, là phương pháp thường dùng hồi phục sức khỏe người già ở gia đình. Một số phương pháp vật lý trị liệu có thể áp dụng tại gia đình, bao gồm: - Chườm nóng: Có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, nhiệt độ chườm nóng không nên quá cao để tránh bị bỏng. Một số triệu chứng như đau bụng cấp không rõ nguyên nhân, đầu và mặt bị viêm cấp, sai khớp kèm chảy máu cấp, xuất huyết trong cơ quan nội tạng không thích nghi với chườm nóng. Chườm nóng có nhiều loại như: + Chườm nóng bằng túi nước nóng: Nhiệt độ nước là 50-600C chứa từ 1/2 đến 1/3 túi, sau khi kiểm tra không rò nước, dùng vải bọc lại đặt vào chỗ đau của người già, mỗi lần 20-30 phút, mỗi ngày 3-4 lần. + Phương pháp chườm nóng ướt: Trước tiên bôi dầu (vaseline, dầu ăn) vào phần da định chườm, che một lớp vải mỏng trên đó, khăn mặt gấp nhỏ, ngâm trong nước nóng rồi vắt khô và chườm vào chỗ đau, phía trên phủ thêm một khăn mặt khô để giữ nhiệt độ, nguyên tắc là khi chườm nóng ướt là người bệnh có thể chịu được không cảm thấy bỏng, khoảng 3-5 phút lại thay khăn khác, tiếp tục chườm trong khoảng 20-30 phút.
62 - Thủy liệu pháp: Có tác dụng thư giãn cơ bắp, tăng cường tuần hoàn máu, tăng tỷ lệ trao đổi chất, bao gồm một số phương pháp như: + Ngâm nước muối: Tiến hành trong chậu tắm, nước tắm có nồng độ muối từ 1% đến 1,5%, nhiệt độ nước 38-400C, mỗi lần 15 phút, hai lần một ngày, có hiệu quả với các loại viêm khớp, viêm thần kinh ngoại biên. + Tắm sô-đa: Pha 50 đến 100 gam soda vào nước tắm, nhiệt độ 370 C đến 380C dùng thích hợp với bệnh da người già. + Tắm chân tay: Ngâm tay hoặc chân trong thùng nước từ 5 - 10 phút với nhiệt độ khoảng 400C có thể chữa hen phế quản, co giật mạch máu não, chứng mất ngủ, viêm mũi… + Tắm ngồi: Nhiệt độ nước 380C đến 400C, pha vào nước 0,0125% thuốc tím, mỗi lần ngồi ngâm 20 đến 30 phút, thường dùng cho người mắc bệnh trĩ, mắc bệnh tuyến tiền liệt. - Liệu pháp xoa bóp: Theo Y học cổ truyền, dùng thủ pháp véo, nắn, xoa, ấn với lực phù hợp trên sống lưng người già từ trên xuống dưới do người trong gia đình thực hiện để chữa bệnh có tác dụng điều chỉnh khí huyết và phủ tạng, thông kinh lạc, chủ trị các chứng rối loạn chức năng ruột, dạ dày, thần kinh suy nhược, mất ngủ, thể chất yếu. Phương pháp giản tiện dễ làm, xoa bóp tốt nhất vào trước lúc đi ngủ, khi xoa bóp phải chú ý giữ ấm môi trường không được để người già bị nhiễm lạnh. Mùa đông tốt nhất làm trên thiết bị sưởi ấm. Cường độ thủ pháp của người trong gia đình phải vừa phải và theo trình tự (nhẹnặng-nhẹ-kết thúc), thủ pháp nặng, nhẹ căn cứ vào sức chịu đựng của người bệnh, thông thường mỗi ngày một lần, mỗi lần 10 phút, bảy lần một liệu trình. - Liệu pháp giác: Là một loại vật lý trị liệu sử dụng các loại lọ hoặc cốc có miệng rộng sau khi tạo ra trong lòng lọ áp suất thấp, sẽ tạo lực hút lên biểu bì da để chữa bệnh, liệu pháp này theo quan niệm của Y học cổ truyền có công hiệu thông kinh hoạt lạc, chủ trị đau lưng, trẹo khớp, bầm tím, đau thần kinh. Không dùng liệu pháp giác trong các trường hợp phù thũng, bệnh tim, bệnh ngoài da đặc biệt người già gầy yếu. Phương pháp: dùng kẹp để kẹp chặt miếng bông tẩm cồn đốt cháy cho vào miệng lọ hoặc cốc, xoay 2 vòng rồi lập tức rút ra, nhanh chóng úp miệng lọ vào vị trí cần chữa trị, da sẽ bị hút ngay hoặc dùng lọ có đường kính 2 – 3cm ở giữa đặt một nhúm bông
63 tấm cồn, sau đó đốt úp ngay vào vị trí cần chữa. Sau khi ngọn lửa tắt, lọ sẽ hút da ngay còn nút bông thì nằm ở trong lọ, đợi khi rút lọ sẽ lấy ra. Vị trí đặt giác phải ở những chỗ cơ bắp đầy đặn, ít lông. Khi lấy giác ra, cầm nghiêng lọ giác về một phía dùng một ngón tay để giữ chỗ da bị nén lại, không khí sẽ theo đó vào trong lọ, giác sẽ tự tuột ra. Giác mỗi lần 10 - 20 phút, mỗi ngày một lần, người có thể lực yếu có thể 2 ngày một lần, 5 - 7 lần là một liệu trình. 3.2. Vận động trị liệu Vận động để hồi phục sức khỏe là cách luyện tập của người già khi bệnh mới khỏi nhằm hồi phục sức khỏe, từng bước thích ứng và quen dần đối với chức năng cơ thể đã mất hoàn toàn hoặc chưa mất hoàn toàn. Vận động khôi phục sức khỏe có lợi cho khớp, xương và cơ. Nội dung và phạm vi của vận động rất rộng, bao gồm huấn luyện tổng hợp hoạt động cơ bản, huấn luyện hoạt động sinh hoạt, huấn luyện bài tập chữa bệnh, thể dục trị liệu, huấn luyện việc lao động, nội trợ, huấn luyện các bài tập thở, huấn luyện các bài tập thư giãn, huấn luyện việc sử dụng gậy chống hoặc sử dụng xe lăn… Nội dung hoạt động khôi phục sức khỏe không những phải căn cứ vào tình trạng cụ thể của mỗi người mà trọng điểm tập trung vào việc huấn luyện khả năng sinh hoạt độc lập như sinh hoạt thường ngày, nằm ngồi, đi đứng và khả năng ngôn ngữ… Muốn người già có được một số khả năng trên thì không phải chỉ huấn luyện qua một thời gian ngắn mà phải duy trì trạng thái đó lâu dài, đòi hỏi phải huấn luyện lặp đi lặp lại, uốn nắn nhiều lần mới có khả năng thực hiện được. Vì vậy, bất kể người già nằm liệt giường hay người già có thể dậy được, ngoại trừ có bệnh khớp phải cố định, đều phải cố gắng làm cho các cơ bắp, khớp xương của cơ thể được hoạt động đến mức cao nhất. 3.3. Những lưu ý khi thực hiện trị liệu phục hồi sức khỏe tại nhà Khi tiến hành hồi phục sức khỏe ở nhà, người già và người trong gia đình phải chú ý những vấn đề sau: - Hoạt động hồi phục sức khỏe của người già phải chịu sự hướng dẫn của thầy thuốc, tuân thủ liệu trình và kế hoạch huấn luyện. Căn cứ vào bệnh mà người bệnh già mắc và những rối loạn về tình trạng bệnh, phải tính toán kỹ càng, sau đó sắp xếp các
64 hạng mục huấn luyện, khối lượng vận động và thời gian. Kế hoạch cũng phải luôn điều chỉnh và không ngừng được hoàn thiện. - Khi tiến hành hoạt động hồi phục sức khỏe phải ghi chép đầy đủ. Khi huấn luyện, người trong gia đình phải chú ý đặc biệt đến sự thay đổi triệu chứng bệnh và thể trạng của người già. Sau tập luyện, người già có cảm giác đau đớn và khó chịu lâu hơn ba tiếng đồng hồ hoặc lần sau hoạt động phát hiện phạm vi và cường độ hoạt động suy giảm, chứng tỏ khối lượng hoạt động quá nhiều cần phải giảm bớt. - Khi hoạt động hồi phục sức khỏe, thực hiện động tác phải mềm mại, trong huấn luyện không được gây tổn thương, gây đau đớn cho người già, càng không được làm cho bệnh nặng thêm. - Thể lực của người già nói chung tương đối kém, khi huấn luyện dễ bị mệt mỏi, trong huấn luyện phải chú ý nghỉ ngơi nhiều lần. Căn cứ tình trạng cải thiện thể lực và lực cơ bắp sau huấn luyện khôi phục sức khỏe, từng bước tăng thêm khối lượng vận động, phải tuần tự từng bước, không được nóng vội. Người già nói chung sau khi xoa bóp, châm cứu, vật lý trị liệu, nên tiến hành khôi phục sức khỏe sớm để có hiệu quả tốt. - Khi hoạt động hồi phục sức khỏe cần chú ý tần số đập của tim và huyết áp, nếu không có điều kiện đo huyết áp phải thử trắc định tần số đập của tim, tần số đập của tim không được vượt quá 110 lần/phút, huyết áp tâm trương không vượt quá 12,5 kPa (90mmHg). - Người bệnh tuổi già khi hoạt động hồi phục sức khỏe, tư thế nên ở vị trí mất ít sức nhất, thoải mái nhất. - Hiệu quả rèn luyện nhiều lần, thời gian ngắn thường tốt hơn luyện tập thời gian dài trong cùng một ngày. Khi luyện tập, bản thân người già cần chú ý tôn trọng động tác tập luyện không được tự ý phát triển mà phải thực hiện đúng theo kế hoạch liệu trình đã được quy định. 4. Phục hồi sức khỏe sau mắc một số bệnh Với một số bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, bệnh hô hấp mạn tính, sau giai đoạn cấp, việc phục hồi sức khỏe đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc phục hồi không những giúp người già cải thiện các chức năng mà còn giúp hạn chế các biến chứng cũng như ngăn ngừa tái phát.
65 4.1. Phục hồi sau đột quỵ não Đột quỵ hay Tai biến mạch não có thể để lại di chứng gây trở ngại đến các loại chức năng như tê liệt, không nhận biết được, nuốt khó, sa sút trí tuệ… Hồi phục sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng với việc hạ thấp tỷ lệ tàn phế và tỷ lệ tử vong. - Ở giai đoạn cấp tính, kiểm tra thường xuyên vị trí của các khớp, tứ chi, thường xuyên phải thay đổi tư thế và giúp đỡ để các chi hoạt động. Ngày thứ hai của bệnh khi tình trạng bệnh ổn định phải làm vận động thụ động các khớp cho người bệnh, mỗi động táccủa khớp vận động 5 – 6 cái một lần, mỗi ngày thực hiện 3 - 4 lần. Cứ mỗi 2 giờ lại trở mình cho người bệnh một lần, đề phòng hoại tử. Làm nhiều động tác: xoa day, vỗ, nắn ở tứ chi người bệnh. - Sau tai biến mạch não ba tuần, người bệnh có thể bắt đầu luyện tập chức năng. Bắt đầu có thể do người trong gia đình xoa bóp và vận động thụ động từ nhẹ đến nặng, từ yếu đến mạnh, tuần tự từ các khớp vai, khuỷu tay, cổ tay, ngón tay, khớp háng, đầu gối, cổ chân, ngón chân… từ duỗi thẳng hoàn toàn đến co lại ở mức tối đa, mỗi động tác khớp vận động 20-30 lần. - Sau một thời gian, khi các chi ở cạnh chỗ đau có thể hoạt động được một chút: bắt đầu tập vận động chủ động hoặc luyện tập kết hợp giữa chủ động và thụ động. Thông thường hồi phục hoạt động của chân thường nhanh hơn tay, nhưng luyện tập của chân lại thúc đẩy hoạt động của tay. Khi luyện tập nên xét đến tình trạng cụ thể của từng người để đặt ra khối lượng vận động và thời gian thích hợp. Người già thể lực yếu, tinh thần dễ biến động càng nên tránh luyện tập quá căng gây ra mệt mỏi quá sức dễ phát sinh sự cố. Phục hồi khả năng tự lo liệu sinh hoạt của người già: phải huấn luyện các động tác sinh hoạt thường ngày như uống nước, ăn cơm, mặc quần áo, đại tiểu tiện... mà loại hoạt động chủ yếu này là do sự vận động tay của người bệnh. Khi huấn luyện, có thể tăng thêm sự hoạt động của tay khỏe, dùng tay khỏe giúp đỡ cho tay yếu hoạt động thụ động và phải kiên trì luyện tập và được củng cố. - Người tai biến mạch não sau khi luyện tập chức năng từ nằm giường đến tập ngồi dậy, tiếp tục làm công tác chuẩn bị cho việc tập luyện đi bộ. Điều này có thể tiến hành từ tập đứng lên dìu đi từng bước, đi bằng hai nạng. Trọng điểm của tập luyện đi bộ là đảm bảo tư thế chính xác, không đòi hỏi tập đi nhanh.
66 - Người bệnh tai biến mạch não có thể xuất hiện triệu chứng mất tiếng nói ở các mức độ khác nhau. Một số người bệnh khi bắt đầu nói không rõ, người khác nghe không hiểu, vì vậy dễ nảy sinh tâm lý sợ hãi, xấu hổ, như vậy dễ bỏ lỡ huấn luyện. Lúc này phải luôn cổ vũ người bệnh, chịu khó uốn nắn những phát âm sai. Khi huấn luyện cần nắm vững khẩu hình khi phát âm, sau đó luyện tập từng tiếng một, khi người bệnh chủ động luyện nghe nhiều, nhìn nhiều, đọc nhiều, viết nhiều, nói chung phần lớn có thể phục hồi nói bình thường. 4.2. Phục hồi sau nhồi máu cơ tim Mục tiêu hồi phục sức khỏe cho người bị nhồi máu cơ tim là thông qua hoạt động và rèn luyện sớm để đạt được sự hồi phục về thể lực và khả năng tự lo liệu sinh hoạt. Sau khi người bệnh xuất viện, ngoài việc dùng thuốc đúng và theo dõi chuyên khoa đúng thời hạn, việc luyện tập hồi phục sức khỏe ở gia đình được khuyên chủ yếu là liệu pháp đi bộ vì đơn giản và dễ thực hiện, theo trình tự tăng dần cụ thể như sau: - Tuần thứ nhất và thứ hai sau khi ra viện: Mỗi ngày đi chậm một lần trong 5 phút, cự ly là 400 mét. - Tuần thứ ba và thứ tư sau khi ra viện: Mỗi ngày đi chậm trong 10 phút, cự ly là 800 mét. - Tuần thứ năm và thứ sáu sau khi ra viện: Mỗi ngày đi chậm một lần trong 10 phút, cự ly là 1.200 mét. - Tuần thứ bảy sau khi ra viện: Mỗi ngày đi chậm một lần trong 20 phút, cự ly là 1.600mét. - Tuần thứ tám và thứ chín sau khi ra viện: Mỗi ngày đi chậm một lần trong 20 phút, cự ly là 2.150 mét. - Tuần thứ mười sau khi ra viện: Mỗi ngày đi chậm một lần trong 30 phút, cự ly là 3.200 mét. Phương án cự ly và thời gian đi chậm có thể căn cứ vào tình hình cụ thể của từng người để điều chỉnh. Đối với người già, thể lực yếu vẫn lấy lượng vận động ở mức độ thấp làm chuẩn như cự ly đi bộ mỗi ngày có thể chia làm mấy đoạn để tiến hành. Hướng dẫn sinh hoạt của người già bị nhồi máu cơ tim, nên tuân theo nguyên tắc “đi nhiều, ăn ít, ngủ nhiều”, ngủ tối thiểu phải 7-8 tiếng, nếu có tình trạng không ngủ được thì ít nhất phải nằm giường nghỉ ngơi 10-12 tiếng. Bữa ăn hàng ngày phải khống
67 chế, nguyên tắc là ăn uống giảm calo, ít muối, ít mỡ, giàu đạm, giàu vitamin, dễ tiêu hóa, hấp thu. Lối sống ít vận động, nằm ngồi nghỉ ngơi quá nhiều dễ dẫn đến béo phì. Phải cai hút thuốc, hàm lượng cafein trong đồ uống phải ít. Sau 3 tháng xuất viện cho phép uống một ít rượu nhỏ. Khi tắm nên dùng nước ấm, nhiệt độ nước vào khoảng 400C và thời gian tắm nên ngắn. 4.3. Phục hồi sau mắc bệnh phổi mạn tính Ở thời kỳ thuyên giảm của người viêm phế quản mạn, tâm phế mạn việc điều trị hồi phục sức khỏe cho người bệnh cao tuổi ở gia đình có thể cải thiện chức năng phổi, tăng cường thể chất, nâng cao sức chịu đựng của người bệnh trong hoạt động hàng ngày. Các biện pháp hồi phục sức khỏe ở gia đình thường là: - Tập thở bụng (thở bằng cơ hoành): Bài tập thở bụng có tác dụng tăng cường phạm vi hoạt động của cơ hoành, tăng thêm dung tích sống của phổi là phương pháp hồi phục sức khỏe có hiệu quả, tiết kiệm sức nhất cho người bệnh viêm phế quản mạn. Hoạt động của cơ hoành cứ mỗi lần tăng thêm 1 cm thì dung tích sống của phổi có thể tăng thêm 250-350 ml. Người cao tuổi có thể ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, hoặc ngồi thoải mái, hai tay đặt trên bụng. Khi thở ra, bụng lõm xuống đồng thời dùng tay ép nhẹ lên phần bụng làm cho khí trong phổi được đẩy hết ra. Khi hít vào, phần bụng trên từ từ phồng lên, áp lực 2 tay cũng giảm đi nhưng hơi chống lại với lực gồ lên ở phần bụng trên. - Tập thở chụm môi: có hiệu quả phòng trừ bít tắc quá sớm các nhánh khí quản, cách làm như sau: hướng dẫn người cao tuổi chúm môi lại như thổi sáo, từ từ thở ra qua vị trí hai môi thu hẹp đến khi cảm thấy hết khí, có thể thở ra cố thêm 1 - 2 hơi nữa trước khi hít vào (nếu đủ sức) để tăng đào thải khí cặn, khi hít khí vào để không khí đi qua mũi (không hít vào bằng miệng) giúp cho không khí đi qua khoang mũi được lọc, làm ẩm và ấm lên để giảm bớt những kích thích có hại cho khí quản. - Tăng cường rèn luyện thể lực: Các hoạt động như tập thể dục theo đài phát thanh, tập khí công, thể thao chữa bệnh, đi bộ chữa bệnh đều có thể nâng cao khả năng hít ô-xy vào cho người cao tuổi. Cách tập: lúc đầu đi chậm, sau 1-2 tuần thay bằng chạy chậm, 1 - 2 tuần tiếp theo lại đi chậm, không ngừng tăng thêm thời gian luyện tập, cuối cùng mỗi lần chạy chậm khoảng 20-30 phút.
68 - Tập thải đờm: Tập thải đờm có thể giảm bớt tắc nghẽn đường hô hấp, cách làm: hít vào sâu và dài bằng bụng, khi thở ra dùng tay vỗ nhẹ vào phía sau ngực giúp đờm dễ long và khạc ra được. Những người đờm đặc biệt nhiều, có thể áp dụng phương pháp dẫn lưu tư thế để thải đờm, có thể làm cho lượng đờm thải ra tăng gấp đôi. Khi tập cần cúi thấp đầu kể cả khi nằm nghiêng, ngửa, sấp. Thời gian dẫn lưu mỗi lần 5-10 phút, mỗi ngày 2-4 lần, thực hiện xa bữa ăn ít nhất 1 giờ. Người trong gia đình cũng có thể phối hợp tiến hành vỗ phần ngực giúp tăng khả năng thải đờm cho người cao tuổi. - Tự xoa day: Xoa day các huyệt có liên quan ở mặt, ngực, bàn chân có thể cải thiện được chứng tức ngực, thở dốc đồng thời có thể đề phòng cảm cúm. TỰ LƯỢNG GIÁ 1. Hệ thống lại các biện pháp phòng bệnh và phục hồi sức khỏe chung cho người cao tuổi, cụ thể: - Tóm tắt 5 biện pháp phòng bệnh chung cho người cao tuổi, - Vai trò của điều dưỡng trong phòng bệnh cho người cao tuổi, - Tự đánh giá thực trạng công tác điều dưỡng và đề xuất giải pháp liên quan đến phòng bệnh cho người cao tuổi. 2. Hệ thống lại các trị liệu phục hồi sức khỏe có thể áp dụng tại gia đình, cụ thể: - Tóm tắt các biện pháp trị liệu vật lý và vận động có thể áp dụng cho người cao tuôi tại gia đình, - Xác định những điểm cần lưu ý khi hướng dẫn các biện pháp trị liệu tại gia đình cho người cao tuổi, người nhà hoặc người chăm sóc người cao tuổi. 3. Tóm tắt những nội dung cơ bản trong phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi sau mắc một số bệnh, cụ thể: - Phục hồi cho người đột quỵ não, - Phục hồi cho người nhồi máu cơ tim, - Phục hồi cho người mắc bệnh phổi mạn tính.
69 Bài 6. SA SÚT TRÍ TUỆ Ở NGƯỜI CAO TUỔI MỤC TIÊU Sau khi kết thúc bài học, học viên có khả năng: 1) Trình bày được những đặc điểm cơ bản về nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và biểu hiện của sa sút trí ở người cao tuổi. 2) Tóm tắt được những nội dung cơ bản liên quan đến chăm sóc người cao tuổi sa sút trí tuệ. NỘI DUNG 1. Khái quát về sa sút trí tuệ Cùng với sự tăng nhanh dân số già là sự tăng tỷ lệ phát hiện các trường hợp người già bị sa sút trí tuệ. Tỷ lệ người cao tuổi có sa sút trí tuệ tăng nhanh theo tuổi: từ 65 tuổi trở đi khoảng 5%-10%, từ 80 tuổi chiếm khoảng 20% và từ 85 tuổi chiếm khoảng 47%. Tỷ lệ phát hiện chung sa sút trí tuệ trên toàn thế giới khoảng 24,3 triệu người với 6 triệu ca mắc mới mỗi năm. Phát hiện sớm sa sút trí tuệ trong giai đoạn suy giảm nhận thức từ đó có những chiến lược quản lý và chăm sóc phù hợp là hết sức có ý nghĩa. Người điều dưỡng lão khoa có vai trò trung tâm trong việc nhận định và quản lý các trường hợp người già sa sút trí tuệ tiến triển. 1.1. Sa sút trí tuệ và một số trạng thái cần phân biệt Sa sút trí tuệ (dementia): là một hội chứng lâm sàng về suy giảm mức trí tuệ so với mức trí tuệ đã đạt được trước đó, thường đi kèm với những thay đổi về chức năng và hành vi ảnh hưởng đến sinh hoạt sống thường ngày, hoạt động xã hội, nghề nghiệp của người có sa sút trí tuệ. Quên lành tính do tuổi (normal forgetfulness): là tình trạng giảm trí nhớ do tuổi cao, kết quả của tiến trình hoạt động thần kinh chậm dần khi lớn tuổi. Khởi đầu của tình trạng quên lành tính là khó nhớ thông tin mới và chậm nhớ lại thông tin cũ do suy giảm khả năng tập trung và chú ý. Tuy nhiên, khi cho người cao tuổi thời gian và có biện pháp thích hợp thì sinh hoạt hàng ngày của người quên lành tính vẫn được duy trì bình thường. Thay đổi cảm xúc do tuổi (emotional changes): một số người cao tuổi có vấn đề về cảm xúc có thể bị nhìn nhận sai lầm là bị sa sút trí tuệ. Cảm giác buồn, cô đơn, lo lắng, hoặc chán nản thường gặp ở những người khi về hưu hoặc khi người bạn đời hoặc người
70 bạn thân bị mất. Trong quá trình thích nghi với các tình trạng này, một số người có cảm giác bị lú lẫn hoặc bị quên. Các vấn đề cảm xúc này có thể giải quyết khi có sự hỗ trợ của gia đình, người thân và bạn bè, tư vấn điều trị của bác sĩ chuyên khoa tâm lý. 1.2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ ở người cao tuổi Có 2 nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ ở người cao tuổi là: do mắc bệnh Alzheimer hoặc do nguyên nhân mạch máu. Tùy theo khu vực địa lý mà tỷ lệ các nguyên nhân khác nhau. Ở khu vực Âu, Mỹ: 60 - 70% người sa sút trí tuệ thuộc loại Alzheimer, 15 - 20% thuộc loại nguyên nhân mạch máu còn gọi là sa sút trí tuệ do nhiều ổ nhồi máu não. Ở khu vực Châu Á: 60 - 70% sa sút trí tuệ là do nguyên nhân mạch máu, số còn lại là Alzheimer hoặc phối hợp cả 2 và một số nguyên nhân khác. Các yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ, ngoài yếu tố tuổi tác, tùy thuộc vào nguyên nhân gây gây bệnh. - Đối với Alzheimer: ngoài yếu tố di truyền (gia đình có cha mẹ bị bệnh Alzheimer), các yếu tố như giới tính như nữ, học vấn thấp, tăng cao Appolioprotein E4 bất thường trên nhiễm sắc thể 19, các chấn thương ở đầu, chế độ ăn uống không hợp lý, tăng huyết áp và đái tháo đường cũng đóng góp vào hình thành bệnh. - Đối với sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu: xảy ra sau tổn thương não do bệnh lý mạch máu não gây ra, thường gặp ở người bị tai biến mạch não, bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả. - Các bệnh lý thoái hóa não: Parkinson, ngộ độc kim loại, bệnh nhiễm trùng (giang mai, HIV)… gây ra sa sút trí tuệ ở giai đoạn gần cuối của bệnh. - Một số bệnh lý khác: như sốt cao, cơ thể bị mất nước, thiếu vitamin và suy dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc, bệnh tuyến giáp, nghiện rượu hoặc chấn thương đầu nhẹ. Sa sút trí tuệ do nhóm này thường diễn tiến nhanh và mau trở về trạng thái bình thường khi loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh. 1.3. Biểu hiện của sa sút trí tuệ 1.3.1. Giai đoạn sớm (mức độ nhẹ) Thường gặp nhất là giảm trí nhớ gần, thí dụ: quên điều vừa nói và lặp đi lặp lại câu nói đó nhiều lần trong vài phút, thường xuyên quên nơi để những vật dụng cá nhân, tình trạng quên kéo dài dẫn đến tâm lý hoang tưởng là bị mất trộm.
71 Gặp khó khăn khi tìm từ ngữ để diễn đạt điều mình muốn nói hoặc muốn giải thích, thường phải nói vòng vo, thí dụ: như không nhớ từ “cà vạt” nên phải mô tả nó là một vật quấn quanh cổ áo. Ngoài ra, có thể quên hay khó khăn trong việc sử dụng hoặc làm những công việc hằng ngày như lái xe, giữ tiền, nấu ăn... Những biểu hiện khác của sa sút trí tuệ giai đoạn sớm: thay đổi cá tính, rối loạn cảm xúc và giảm khả năng phán đoán, có những hành động khác với tính cách trước kia, chẳng hạn đột nhiên tặng cho người khác nhiều tiền vốn trước đây rất keo kiệt, thay đổi tính khí như trầm cảm, hoang tưởng, cáu gắt, kích động... Tuy nhiên hoạt động xã hội ở giai đoạn này chưa bị ảnh hưởng. Sự ổn định trí tuệ kém, trong những tình huống khó khăn hay bức xúc biểu hiện suy giảm trí tuệ có thể bộc lộ rõ rệt hơn, chẳng hạn như khi phải đi một quãng đường xa để thăm con cháu thì họ có thể đi lạc hay mất định hướng, đi vòng vo. 1.3.2. Giai đoạn giữa (mức độ trung bình) Có các biểu hiện của giảm khả năng thực hiện các sinh hoạt thường ngày rõ rệt (tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân), không thể nhớ được thông tin mới, mất định hướng về không gian và thời gian, có thể quên những sự vật xung quanh mình như quên nhà vệ sinh, quên phòng ngủ ở đâu..., dễ bị ngã hoặc bị tai nạn do nhầm lẫn và giảm phán đoán. Những rối loạn hành vi có từ giai đoạn sớm vẫn kéo dài đến giai đoạn trung bình và nặng. Hoang tưởng và ảo giác xuất hiện ở khoảng 25% người bệnh, thí dụ: mất khả năng nhận ra chính bản thân mình nhìn trong gương lại nghi ngờ là có người lạ vào nhà. Sự lệch lạc này có thể ngày càng nặng và kéo dài, có những biểu hiện rối loạn hành vi và trở nên kích động. 1.3.3. Giai đoạn muộn (mức độ nặng) Có các biểu hiện của không thể thực hiện những sinh hoạt hàng ngày (ăn uống, vệ sinh cá nhân, đi lại) và lệ thuộc hoàn toàn vào người thân. Trí nhớ ngắn hạn và dài hạn bị mất hoàn toàn, không nhận biết được kể cả những người rất thân của mình, mất đi những khả năng vận động phản xạ khác như nuốt nên dễ bị rối loạn dinh dưỡng và sặc thức ăn.
72 Tình trạng dinh dưỡng kém và ít vận động, nằm liệt giường dẫn đến loét. Tăng tần suất các tai biến, chẳng hạn như biến chứng của việc mất nước, kém dinh dưỡng, viêm phổi hít, loét da. Sự lệ thuộc hoàn toàn vào người khác đòi hỏi phải được chăm sóc tại nhà dưỡng lão, nếu tiếp tục ở nhà, phải có người chăm sóc và được trang bị những thiết bị hỗ trợ cần thiết. 1.4. Điều trị sa sút trí tuệ Một số nguyên nhân như thiếu vitamin, suy dinh dưỡng, bệnh tuyến giáp…, nếu được phát hiện kịp thời và điều trị tốt có thể giúp người bệnh trở về trạng thái bình thường. Alzheimer và sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị sớm bằng các thuốc ức chế men acetylcholinesterase: donepezil (Aricept), rivastigmin (Exelon), galantamin (Reminyl)…, các thuốc chống ô-xy hóa như vitamin E, ginko biloba… có thể làm chậm diễn tiến của bệnh. Điều trị mất ngủ và điều chỉnh các rối loạn hành vi cũng giúp giảm bớt gánh nặng về mặt thể chất và tinh thần cho người chăm sóc người bệnh. 2. Chăm sóc người cao tuổi sa sút trí tuệ 2.1. Nhận định các biểu hiện của sa sút trí tuệ Tuy không có các khuyến cáo chính thức về sàng lọc sa sút trí tuệ không có triệu chứng ở người cao tuổi, nhưng cảnh giác trước những biểu hiện suy giảm nhận thức và chức năng ở người cao tuổi nhằm phát hiện sớm những biểu hiện của sa sút trí tuệ và giống sa sút trí tuệ là hết sức cần thiết. Các lĩnh vực nhận định bao gồm: nhận thức (cognitive), chức năng (functional), hành vi (behavioral), thể chất (physical), người cung cấp chăm sóc (caregiver), và môi trường (envionment). Các bác sỹ tâm lý và chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ giúp sử dụng các tiêu chí và bộ công cụ đánh giá phù hợp đối với mỗi trường hợp (tự nghiên cứu một số công cụ đánh giá). Người điều dưỡng có thể chủ động nhận định và phát hiện các biểu hiện của sa sút trí tuệ ở người cao tuổi dựa theo những vấn đề cơ bản sau:
73 - Mất trí nhớ gần: Hay quên và không nhớ lại được, hỏi lặp đi lặp lại một câu hỏi mặc dù vừa mới được trả lời rồi, có thể quên ngay điều vừa mới nghe hoặc điều vừa mới dự định làm. - Khó khăn trong thực hiện các công việc quen thuộc: Không nhớ ăn uống thế nào cho đúng cách hoặc không thể tự ăn uống được, mức độ nặng hơn là không thể tự làm vệ sinh cá nhân cần sự giúp đỡ của gia đình. - Khó khăn về sử dụng ngôn ngữ: Quên những từ đơn giản hoặc dùng từ không đúng, làm cho người khác khó hiểu được ý người bệnh muốn nói, hoặc có rối loạn phát âm: nói lắp, nói khó… - Rối loạn định hướng: Bị lạc ở một nơi từng rất quen thuộc hoặc không nhớ được làm sao để đến được nơi đó hoặc làm sao quay trở về nhà. - Giảm khả năng xét đoán: Chọn quần áo hoàn toàn không phù hợp với thời tiết hoặc với hoàn cảnh. - Giảm khả năng tư duy: Không nhận ra được các con số hoặc không thực hiện được các phép tính đơn giản, khả năng điều hành và sắp xếp công việc cũng bị giảm sút. - Quên vị trí đồ vật: Để đồ vật vào chỗ hoàn toàn không thích hợp và trước đây không thường xuyên để. - Thay đổi cảm xúc: Thay đổi khí sắc một cách nhanh chóng, từ bình tĩnh sang khóc lóc âu sầu, sang giận dữ trong vòng vài phút. - Thay đổi cá tính: Trở nên dễ kích động, hay nghi ngờ hoặc tỏ ra sợ sệt. - Mất tính chủ động: Trở nên thụ động, mất đi sự say mê công việc, không quan tâm đến các thú vui của mình. 2.2. Áp dụng các chiến lược chăm sóc Theo dõi hiệu quả và những tác dụng phụ tiềm tàng của các thuốc được sử dụng để cải thiện chức năng nhận thức hoặc làm chậm sự suy giảm nhận thức. Cung cấp những kỹ thuật củng cố nhận thức và hoạt động xã hội phù hợp. Tránh sử dụng các biện pháp cưỡng chế dược lý và thân thể. Đảm bảo sự đầy đủ về nghỉ ngơi, giấc ngủ, dịch, dinh dưỡng, kiểm soát đau và các biện pháp tạo sự thoải mái. Tối đa hóa các chức năng: duy trì sự vận động và khuyến khích sự tự chủ càng lâu càng tốt, cung cấp sự hỗ trợ theo thứ bậc khi cần, cung cấp lịch vệ sinh để giảm sự mất
74 kiềm chế tiểu tiện, khuyến khích hình thành thói quen tập thể dục giúp tiêu thụ năng lượng và cải thiện sự mệt nhọc lúc đi ngủ, thiết lập thói quen và các trình tự đi ngủ. Xử lý các vấn đề về hành vi: phát hiện các yếu tố thúc đẩy từ môi trường, các tình trạng bệnh lý, các xung đột giữa người bệnh và người chăm sóc, có thê gây nên các bất thường về hành vi, xác định các triệu chứng đích (thí dụ: lo âu, gây hấn, lơ đễnh), các vấn đề do thuốc (hướng thần) và không do thuốc, cung cấp sự trấn an và giới thiệu người bệnh tới chuyên gia sức khỏe tâm thần. Đảm bảo trị liệu và môi trường an toàn: cung cấp một môi trường ít sự kích thích nhất, tránh sự kích thích quá mức có thể gây lo lắng và tăng sự lẫn lộn, ức chế, thoái trí. Sử dụng các dấu hiệu nhận biết người bệnh (thẻ tên), hệ thống cảnh báo y tế, vòng, khóa, giám sát. Loại bỏ mọi hiểm họa từ môi trường và điều chỉnh môi trường đảm bảo an toàn. Cung cấp các tín hiệu về môi trường hoặc các phương tiện trợ giúp cảm biến (nếu có thể) tạo thuận lợi cho sự nhận thức và đảm bảo nhất quán cho người chăm sóc và các lĩnh vực chăm sóc. Khuyến khích và hỗ trợ lập kế hoạch chăm sóc tiên tiến: giải thích lộ trình của sa sút trí tuệ tiến triển, các lựa chọn điều trị và các chỉ dẫn tiên tiến. Cung cấp chăm sóc giai đoạn cuối đời phù hợp trong giai đoạn cuối của sa sút trí tuệ: cung cấp những biện pháp làm làm thoải mái bao gồm kiểm soát đau đầy đủ, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng trị liệu tấn công (thí dụ: cho ăn qua ống thông, sử dụng kháng sinh). Cung cấp giáo dục cho những người trực tiếp chăm sóc và trợ giúp: tôn trọng các hệ thống/các động lực mang tính gia đình và tránh đưa ra phán xét, khích lệ đối thoại mở, nhấn mạnh những điểm mạnh còn lại của người bệnh, cung cấp sự tiếp cận với các nhân viên y tế có kinh nghiệm và dạy cho người chăm sóc những kỹ năng chăm sóc. Lồng ghép các nguồn lực từ cộng đồng trong kế hoạch chăm sóc để đáp ứng các nhu cầu về thông tin cho người bệnh và người chăm sóc, nhận diện và tạo thuận lợi cho các hệ thống hỗ trợ chính thức (thí dụ: hiệp hội Alzheimer) và không chính thức (thí dụ: nhà chùa, nhà thờ, hội phụ nữ, hội hưu, hàng xóm, gia đình và bạn bè).
75 2.3. Duy trì chăm sóc lâu dài Chiến lược tốt nhất để duy trì sự chăm sóc liên tục và lâu dài cho người sa sút trí tuệ là dựa vào gia đình và cộng đồng thông qua hướng dẫn cho người trực tiếp chăm sóc, người trợ giúp, người nhà của người già có sa sút trí tuệ. 2.3.1. Một số nội dung cần hướng dẫn: Duy trì và tập luyện trí nhớ cho người bệnh là điều rất quan trọng trong giai đoạn đầu của bệnh. Thực hiện các biện pháp giúp tập luyện trí nhớ cho người bệnh sa sút trí tuệ, bao gồm: - Lập sổ ghi chép những điều cần nhớ: lịch hẹn khám bệnh, tên con cháu và bạn bè, việc cần hoàn tất trong ngày. - Để danh sách các số điện thoại cần gọi gần điện thoại, kể cả các số cấp cứu. - Sắp xếp công việc như nhau cho mỗi ngày, mỗi tuần. - Có bảng ghi những điều cần nhớ để trong nhà. - Dán nhãn lên tủ để liệt kê tên các đồ vật bên trong. - Treo ảnh gia đình, bạn bè và có thể dán tên để giúp người bệnh nhớ được. - Giữ thuốc, chìa khóa, tiền bạc ở nơi an toàn. - Treo lịch và yêu cầu người bệnh gạch bỏ ngày đã qua. - Nhờ con cháu hoặc bạn thân gọi điện thoại báo trước khi đến thăm để người bệnh chờ đón. Luôn sát cánh với người bệnh trong quá trình điều trị giúp họ giữ những ký ức còn lại, khuyến khích khả năng ghi nhớ và hỗ trợ các hoạt động sống hàng ngày. 2.3.2. Những chú ý trong quá trình chăm sóc Luôn quan sát người bệnh, chú ý lắng nghe và theo dõi những cử chỉ không lời của người bệnh, giúp hiểu được người bệnh đang muốn gì. Hòa nhập vào thế giới của người bệnh, nói với người bệnh những chuyện trong quá khứ, phải kiên nhẫn và nhẹ nhàng, tránh làm người bệnh sợ hãi. Luôn lắng nghe người bệnh, ngay cả khi họ mất thời gian rất lâu để nói một câu, điều này giúp làm gợi lại trí nhớ cho người bệnh. Thường xuyên giới thiệu bản thân và mối quan hệ của mình với người bệnh, tạo cho người bệnh cảm giác được yêu thương và chăm sóc.
76 Thay vì cố tranh luận, hãy trấn an và làm cho người bệnh quên đi bằng cách tạm thời thay đổi đề tài. Thường xuyên khuyến khích người bệnh làm các việc đơn giản như mặc áo, đánh răng… và đừng quên khen ngợi khi họ thành công. Tôn trọng người bệnh như trước đây, tránh tỏ ra bực bội hay tỏ vẻ bề trên với người bệnh vì điều này dễ gây ra những phản ứng tiêu cực của người bệnh. 2.4. Theo dõi và quản lý Các cuộc hẹn duy trì chăm sóc cần lên lịch đều đặn, tần suất hẹn tùy thuộc nhu cầu cung cấp chăm sóc, trạng thái tâm thần, thể lực và tình cảm của người bệnh. Xác định rõ hiệu lực duy trì của các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc đối với kế hoạch chăm sóc và điều chỉnh cho phù hợp khi cần. Nhận biết và xử lý mọi tình trạng bệnh lý tiềm tàng đóng góp vào sa sút trí tuệ. Các nguồn lực từ cộng đồng cho giáo dục và hỗ trợ được tiếp cận và khai thác bởi người bệnh và người cung cấp chăm sóc. 2.5. Đánh giá kết quả - Các kết quả ở người bệnh: người bệnh còn duy trì được sự độc lập và chức năng trong môi trường được lựa chọn càng lâu càng tốt, các tình trạng bệnh mà người bệnh có thể đã mắc được kiểm soát tốt. Các triệu chứng đau có thể xảy ra vào giai đoạn cuối đời được giảm thiểu hoặc được kiểm soát đầy đủ. - Các kết quả trên người cung cấp chăm sóc (công việc và tính chuyên nghiệp): người chăm sóc minh họa được các kỹ năng cung cấp chăm sóc hiệu quả, sự hài lòng bằng lời của người bệnh về người cung cấp chăm sóc, báo cáo gánh nặng tối thiểu của người cung cấp chăm sóc như quen với, có tiếp cận với, và sử dụng các nguồn sẵn có. - Các kết quả mang tính cơ quan tổ chức: cơ quan tổ chức đó phản ánh được một sự an toàn và tạo môi trường thuận lợi để chuyển sự chăm sóc tới người sa sút trí tuệ tiến triển, kế hoạch cải thiện chất lượng giải quyết các vấn đề có nguy cơ cao ở các khu vực cơ thể do nằm. 3. Giới thiệu một số công cụ nhận định sức khỏe người cao tuổi Nguồn: Lược dịch từ The Hartford Institute for Geriatric Nursing, New York University College of Nursing, Best Practices in Nursing Care to Older Adults, Issue Number 1 revised 2012, Number 2 revised 2012 and Number 3 revised 2013.
77 3.1. Nhận định chung sức khỏe người cao tuổi (SPICES) SPICES: An Overall Assessment Tool for Older Adults Ý nghĩa Phát hiện mang tính sàng lọc ban đầu những vấn đề sức khỏe thường xảy ra nhất đối với người cao tuổi. Sau khi sàng lọc ban đầu, những nhận định điều dưỡng đầy đủ hơn sẽ được tiến hành. S = Sleep Disorders: các rối loạn về giấc ngủ P = Problems with Eating or Feeding: các vấn đề về ăn uống I = Incontinence: mất kiềm chế bài tiết C = Confusion: lẫn lộn E = Evidence of Falls: bằng chứng về ngã S = Skin Breakdown: mất sự toàn vẹn da Bảng nhận định Đánh dấu (x) vào ô tương ứng Họ và tên người bệnh:…………………………………. Ngày: …../……/……… SPICES BẰNG CHỨNG Có Không Rối loạn giấc ngủ Vấn đề về ăn uống Mất kiềm chế Lẫn lộn Ngã Tổn thương da 3.2. Chỉ số phụ thuộc KATZ trong các hoạt động sống hành ngày Katz Index of Independence in Activities of Daily Living (ADL) Ý nghĩa Đánh giá trạng thái chức năng trong những hoạt động sống cơ bản hàng ngày của người cao tuổi.
78 Bảng nhận định HOẠT ĐỘNG (ghi điểm 1 hoặc 0) ĐỘC LẬP (1 điểm) Không cần sự giám sát; chỉ dẫn hoặc hỗ trợ cá nhân PHỤ THUỘC (0 điểm) Cần giám sát, chỉ dẫn, hỗ trợ hoặc chăm sóc toàn diện TẮM Điểm:… Hoàn toàn tự tắm được, hoặc chỉ cần hỗ trợ đơn phần lưng; vùng sinh dục; chi bị tàn tật Cần giúp đỡ tắm rửa hơn một bộ phận cơ thể, mở hoặc khóa vòi nước tắm. Hoàn toàn cần giúp để tắm MẶC QUẦN ÁO Điểm:… Lấy được quần áo từ buồng; tủ và mặc được hoàn chỉnh, có thể cần giúp buộc dây dày Cần giúp để tự mặc quần áo hoặc hoàn toàn cần giúp đỡ mặc quần áo ĐI VỆ SINH Điểm:… Vào được nhà vệ sinh, hoàn thiện việc vệ sinh, chỉnh lại quần áo và làm sạch bộ phận sinh dục mà không cần hỗ trợ Cần giúp để di chuyển đến nhà vệ sinh, rửa hoặc dụng cụ đựng phân, nước tiểu hoặc ghế tiểu, đại tiện DI CHUYỂN Điểm:… Lên giường và ra khỏi giường hoặc ghế không cần hỗ trợ, có thể chấp nhận trợ giúp di chuyển bằng máy Cần giúp để di chuyển từ giường đến ghế hoặc hoàn toàn cần giúp di chuyển KIỀM CHẾ Điểm: … Hoàn toàn tự kiểm soát được tiểu tiện và đại tiện Mất kiềm chế một phần hoặc toàn bộ tiểu tiện hoặc đại tiện ĂN UỐNG Điểm:… Lấy được thức ăn từ bát, đĩa đưa được vào miệng không cần giúp đỡ. Việc chuẩn bị bữa ăn có thể do người khác làm Cần giúp để ăn uống một phần hoặc toàn bộ hoặc cần nuôi dưỡng ngoài đường tiêu hóa TỔNG ĐIỂM ĐẠT: ____ Đánh giá: 6 = người bệnh rất độc lập, 0 = người bệnh rất phụ thuộc
79 3.3. Nhận định trạng thái tâm thần tối thiểu của người cao tuổi Mental Status Assessment of Older Adults: Mini-Cog Ý nghĩa Phát hiện mang tính sàng lọc tối thiểu nhằm phân biệt người bị sa sút trí tuệ với người không bị sa sút trí tuệ. Tiến hành Hướng dẫn người bệnh nghe một cách cẩn thận ghi nhớ 3 từ không có liên quan với nhau, rồi yêu cầu người bệnh nhắc lại 3 từ này. Có thể nhắc lại 3 từ này cho người bệnh tối đa 3 lần. Hướng dẫn người bệnh vẽ mặt một chiếc đồng hồ trên một trang giấy để trống hoặc trên một trang giấy đã có sẵn một vòng tròn mặt đồng hồ. Sau đó người bệnh điền các con số lên mặt đồng hồ, yêu cầu người bệnh vẽ các kim đồng hồ để chỉ một giờ cụ thể. Thời gian 11:10 chứng tỏ tính nhạy cảm tăng. Yêu cầu người bệnh nhắc lại 3 từ đã nói ở trên. Cho điểm (tính số điểm trên tổng số 5 điểm) Cho 1 điểm cho mỗi từ nhớ lại được sau hoạt động số 2 (hoạt động làm sao lãng). Điểm nhớ lại từ 0 – 3. Cho 2 điểm nếu hoạt động số 2 bình thường, cho 0 điểm nếu bất thường. (Chú ý: hoạt động số 2 được coi là bình thường nếu tất cả các con số được được điền vào vị trí đúng trên mặt đồng hồ, và các kim đồng hồ thực sự thể hiện thời gian yêu cầu, chiều dài của kim đồng hồ không được tính điểm) Lý giải kết quả 0 – 2 điểm: sàng lọc dương tính với sa sút trí tuệ. 3 – 5 điểm: sàng lọc âm tính với sa sút trí tuệ. 3.4. Đánh giá tình trạng tâm thần tối thiểu Nguồn: The Cochrane Collaboration, 2015. Published by John Wiley & Sons, Ltd. Ý nghĩa Mang tính sàng lọc tối thiểu, người có điểm càng thấp càng liên quan mật thiết với tình trạng lẫn trí (lú lẫn).
80 Phiếu đánh giá tình trạng tâm thần tối thiểu (The mini mental state examination) Họ và tên người bệnh:…………………………………. Ngày: …../……/……… Định hướng Yêu cầu cho biết năm, tháng, thứ, ngày, mùa hiện tại __ / 5 Yêu cầu cho biết tên nước, tỉnh, thành phố, bệnh viện, khoa __ / 5 Xác định tên đồ vật Người khám nêu tên 3 đồ vật (thí dụ: quả táo, cái bút, cái bàn…) Yêu cầu nhắc lại (đúng tên 1 vật được 1 điểm). __ / 3 Tập trung Thực hiện 5 lần trừ đi 7 từ 100, rồi nhắc lại các kết quả (93, 86, 79, 72, 65) Nếu mắc các lỗi trong phép trừ, yêu cầu đánh vần ngược từ: D L R O W Cho điểm phần nhiệm vụ được thể hiện tốt nhất. __ / 5 Nhớ lại Yêu cầu gọi tên của 3 đồ vật đã biết lúc đầu. __ / 3 Ngôn ngữ Yêu cầu gọi tên một cái bút chì và một cái đồng hồ đeo tay. __ / 2 Yêu cầu lặp lại cụm từ: ‘Không nếu, và hoặc nhưng’. __ / 1 Yêu cầu một nhiệm vụ 3 bước, cho 1 điểm mỗi bước (thí dụ: ‘Cầm miếng giấy này trong tay phải của ông/bà, gập đôi nó lại và đặt nó lên bàn.’) __ / 3 Yêu cầu đọc và tuân theo một lệnh được viết trên một miếng giấy: ‘Hãy nhắm 2 mắt của ông/bà lại.’ __ / 1 Yêu cầu viết một câu. Cho điểm nếu câu có một chủ ngữ và một động từ __ / 1 Sao chép Yêu cầu sao chép lại 2 hình ngũ giác có sự giao nhau. Cho điểm nếu 2 hình có phần chồng lên nhau và mỗi hình có 5 cạnh. __ / 1 Tổng điểm: __ / 30 Lý giải kết quả ≥ 24 điểm: bình thường / 19 – 23 điểm: nhẹ / 10 – 18 điểm: vừa / ≤ 9 điểm: nặng.
81 TỰ LƯỢNG GIÁ 1. Khái quát lại những đặc điểm cơ bản của sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, cụ thể: - Xác định sự khác biệt của sa sút trí tuệ với quên lành tính và trạng thái thay đổi cảm xúc ở người cao tuổi, - Tóm tắt những điểm chính của sa sút trí tuệ về nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và biểu hiện để nhận diện. 2. Xác định các nội dung cơ bản liên quan đến chăm sóc người cao tuổi sa sút trí tuệ, cụ thể: - Tóm tắt 5 nội dung liên quan đến chăm sóc người cao tuổi sa sút trí tuệ, - Đề xuất một khảo sát có áp dụng công cụ nhận định sức khỏe được giới thiệu trong bài hoặc một công cụ tin cậy khác liên quan đến người cao tuổi.
82 TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Y tế (2011). Hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Thông tư Số: 35/2011/TT-BYT, ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Bộ Y tế. Bộ Y tế (2021). Kế hoạch hành động thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. Quyết định Số: 403/QĐ-BYT, ngày 20 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Chandra M.Mehrotra and Lisa S.Wagner (2019). Aging and Diversity: An Active Learning Experience, third edition. New York: Routledge-Taylor Francis Group. Charlotte, E (2014). Gerontological Nursing, 8th edition. Lippincott Williams & Wilkins; printed in China. Madison, H.E (2000). Theories of Aging in Lueckenotte, A.G (2000). Gerontologic Nursing, 2nd edition. St. Louis: Mosby. Nguyễn Đức Công (2012). Bệnh học người cao tuổi, Tập 1 (Đào tạo sau đại học). Tp. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Y học. Theris, A.T and Kathleen, F.J (2010). Ebersole and Hess’ Gerontological Nursing - Healthy Aging, 3rd edition. Mosby Elservier; printed in Canada. Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh - Bộ môn lão khoa (2012). Bệnh học người cao tuổi. Tp Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Y học. UNFPA (2011). Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách. Ageing report_VIE_27.07.pdf - UNFPA Viet Nam.