Nhà văn Bùi Bích Hà [1.1938-7.2021]: Từ Tràng-An báo, Huế, Việt
Nam đến Phương trời khác, Little Saigon, Hoa Kỳ (kỳ 1)
Posted By Nguyễn Tà Cúc On 10/01/2022
Khi còn thơ
nàng ngỡ
cuộc nhân sinh tựa thiên đàng
nào ngờ
Hạnh phúc vút khỏi tầm với
đêm đêm mơ
thiên đàng
Cắn viên đạn
đoạn tràng
Đời trôi, nặng nề dần
Như cánh bướm căng trên vành xe lăn
Mỗi giọt lệ tựa thác ngàn
Trong đêm giông
nàng khép mắt
bay
xa lên đàng
mơ thiên đàng
Nằm dài nép mình
dưới trời bão tố
nàng tỉnh ngộ
“Ô
mặt trời đã định phận
nên sẽ phải hiện thân”
Hẳn sẽ có thiên đàng
Thiên đàng/Paradise*
Ban nhạc Coldplay, 2011, Anh quốc
Ngày 12 tháng 8.2020, tôi gửi nhà văn Bùi Bích Hà một đường link từ
Thư viện Việt Nam dẫn tới Tràng An báo, kèm 2 bài thuộc mục phụ nữ
“Tiếng Oanh”. Đó là món quà “mượn hoa cúng Phật” dẫn tới lá thư e-
mail sau hơn một phần tư thế kỷ quen biết nhau.
Nhà văn Bùi Bích Hà, chân dung Thái Bá **
1-Những nàng “Bích Hà” của Huế
1.1 Trương thị Bích Hà, Tràng-An báo, Huế
Nhà cự phú Bùi Huy Tín (1875-cuối năm 1962) là thân phụ của Bùi
Bích Hà. Trong phần nghiên cứu về Phan Khôi, nhà nghiên cứu Lại
Nguyên Ân nhắc tới chủ nhiệm Bùi Huy Tín và Phan Khôi chủ
bút Tràng-An báo:
-“[…] Chủ nhiệm báo Tràng An báo là Bùi Huy Tín (1875- ?), một điền
chủ (có nhiều đồn điền ở Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh),
một doanh gia (là chủ một số khu mỏ, chủ thầu một số đoạn đường sắt ở
Việt Nam, chủ một số nhà in, tòa báo), một nhà hoạt động xã hội (ủy
viên Phòng thương mại Hà Nội, Hội đồng thành phố Hà Nội, Hội đồng
tư vấn Bắc Kỳ, Đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương, Viện Dân biểu
Bắc Kỳ, Viện Dân biểu Trung Kỳ, …) […] Bùi Huy Tín là người đầu tư
kinh doanh, là ông chủ, nên đương nhiên ông giữ chức chủ nhiệm; vai
trò chủ bút, tức là người tổ chức bài vở, tạo ra tiếng nói của tờ báo trước
xã hội, ông Tín chọn Phan Khôi […] Phan Khôi làm chủ bút Tràng An
báo liên tục từ số 1 (1/3/1935) đến số 94 (31/1/1936). […] Tràng An
báo thời Phan Khôi làm chủ bút cũng từng góp vai trò là một trong
những diễn đàn văn học và tư tưởng đương thời…” [Lại Nguyên An,
TIỂU DẪN VỀ SƯU TẬP CÁC TÁC PHẨM CỦA PHAN KHÔI
ĐĂNG BÁO TRONG NĂM 1935
http://lainguyenan.free.fr/pk1935/TieuDan1935.html]
Bài báo đối đáp giữa Trương thị Bích Hà (Số 17, ngày 26.4.1935) và
Thanh Hoa xuất hiện trong “Tiếng Oanh”, mục góp ý giữa độc giả
và/hay người phụ trách về những vấn đề phụ nữ. Tôi chọn bài của
Trương Thị Bích Hà, cựu nữ sinh trường Đồng Khánh, vì, thứ nhất, một
sự trùng tên hãn hữu với Bùi Bích Hà; thứ hai, nhiều vấn đề mà đồng
môn Trương Thị Bích Hà trình bày không những tồn tại tới ngày nay mà
còn đặc biệt ứng với phần nào hoàn cảnh xã hội, gia cảnh và thái độ của
Bùi Bích Hà–cũng là một sự hãn hữu nữa–qua tác phẩm, hoạt động
truyền thanh, và sự tham dự bền bỉ trong cộng đồng tỵ nạn Hoa Kỳ từ
1986 tới 2021. Đáng kinh ngạc hơn, ngay từ 1935, nghĩa là gần một thế
kỷ trước, Trương Thị Bích Hà đã bầy tỏ một quan niệm về nhân quyền
dù có chỗ quá khích khi không xét đến hoàn cảnh của phụ nữ thôn quê
hay nghèo túng và hệ thống luật pháp thành văn cũng như bất thành văn
bất lợi và nguy hiểm cho họ. Thứ luật lệ này được khai sinh và áp dụng
nhắm phục vụ quyền lợi của giai cấp quan-sang và đàn ông. Đó là một
cú đấm đôi/double whammy vì đàn ông chiếm tuyệt đại đa số trong
giới quan-sang lúc ấy.
Tuy nhiên, phần nào sự chỉ trích của Trương Thị Bích Hà vẫn đúng tới
ngày nào phụ nữ còn tự nhận “hồng nhan bạc mệnh” kiểu Thúy Kiều để
“ve kêu dế khóc” với lối “văn chương liệt nhược” hầu bào chữa cho
những sai lầm của mình; ngày nào còn đặt số phận vào tay người đàn
ông; và, có lẽ đáng buồn nhất, ngày nào còn đầy khinh xuất khi bàn về
nữ tác gia khác. Một đoạn sau đây của cựu nữ sinh trường Đồng Khánh
Trương Thị Bích Hà-Tràng An báo sẽ chứng minh vài điều nhận xét
thượng dẫn:
-” […] Em ở đây xa xuôi, từ khi ra khỏi trường Đồng Khánh […] Em kể
mấy chị em con nhà quan-sang như thế, xin chị chớ vội tưởng lầm em có
cái óc “quan sang”; em kể đây, chỉ vì những nhà quan sang là những nơi
giữ gìn cẩn thận […] Nay chính chị em sanh trưởng trong những lề lối
xưa ấy đã được tự do ra giữa xã hội mà làm lụng như ai, thế thì lấy cớ gì
mà than phiền phong tục tập quán nữa? Phong tục tập quán đã vì thời thế
mà thay đổi, nên hay hư bây giờ chỉ tại chị em ta. Nếu ta muốn ngang
hàng cùng bạn mày râu, ta chẳng cần đem hư văn mà kêu gào than khóc
chi cho thêm phiền. Ta phải có tinh thần tự lập, phải lấy công việc làm
mà nâng cao phẩm giá của ta lên. Cái quyền bình đẳng kia, ta không cần
đòi hỏi, tự nhiên nó cũng đến. Cái thuyết nam-tôn nữ ti, ta không cần
phản đối nó cũng sẽ tự tiêu diệt. Trái lại, trong khi kêu gọi không được
ngang hàng cùng các bạn nam nhi, chính trong chị em ta, còn có hạng
người, chịu ăn cơm nguội nằm nhà ngoài. Chẳng những một vài chị em
vô học thức thích cái cuộc đời đáng khinh ấy, cả đến một ít chị em đã
hưởng cái giáo dục tân thời, trí thức có, học vấn rộng, cũng cam tâm
“làm tớ không công”. Một mai gặp cảnh ngộ không như ý, mở miệng ra
là hồng nhan bạc mệnh, tình đời bạc đen, ve kêu, dế khóc, nuốt sầu,
ngậm thảm…gây nên một lối văn chương liệt nhược, di hại cho chị em
ta sau này không phải là ít […] Ôi thế thì ta tự khinh ta, ta tự làm hèn cái
phẩm giá của ta, nào phải phong tục tập quán bắt buộc ta phải thế! Dẫu
ta có than trách kêu gào mấy, sự bình đẳng nào có đến ta làm gì! Cái
quyền bình đẳng của chị em ta, ta phải tự làm lấy mà thôi, nghĩa là ta
phải làm thế nào đặng nâng cao phẩm giá của ta. Muốn đạt mục đích ấy,
ta phải có tinh thần tự lập, phải có một nghề để nuôi sống lấy ta, và nhất
là phải đánh đổ chế độ “đa thê”, một cái chế độ làm cho ta không cần
nhân cách nữa.” (Trương-thị BÍCH HÀ, “Đôi lời cùng chị Thanh-hoa” –
Mục “Tiếng Oanh”, Tràng An báo, Số 17, Ngày 26. 4. 1935,
http://baochi.nlv.gov.vn/baochi/cgi-
bin/baochi?a=d&d=WJMY19350426.2.22&e=——-vi-20–1–img-
txIN——]
Sau này, Bùi Bích Hà sẽ biểu tỏ thái độ trước những vấn đề muôn thuở
ấy. Ngày 13, tháng 8, bà cho biết đã nghiệm rằng tên “Bích Hà” của
chính bà đã có xuất xứ từ bài báo thượng dẫn:
-“TCúc ơi,
Phải nói là rất bất ngờ được nhìn lại một chút công việc ngày xưa bố chị
đã làm. Tờ báo Tràng An ra đời trước cả anh Đ(.) chị mấy tháng (cùng
năm 1935) Một cô Bích Hà thời xa xưa đó đã viết một bài về nhân phẩm
của người phụ nữ thể hiện ở tính tự lập, có lẽ impressed bố chị khiến
ông cụ giữ trong trí nhớ cái tên của cô và khi có thêm chị, cụ đặt ngay
cho con gái cái tên này […] Chị không biết lý do cho mãi đến bây giờ!”
[Bùi Bích Hà, Thư gửi Nguyễn Tà Cúc, ngày 13.8.2020]
Viết-và-nghĩ về bà khi viết bài này trước là gửi lời ly biệt tới giòng sông
xanh đã về tới biển, sau nữa tôi muốn ghi lại tiến trình của một nhà văn
phụ nữ đã tạo được chỗ đứng đặc biệt qua hoạt động cả về văn chương
lẫn truyền thanh. Tiến trình đó, mặt khác, cũng có thể sử dụng như một
trong những thí dụ về kinh nghiệm di dân vì lý do chính trị mà phương
thức sáng tác đồng nghĩa với lý do tồn tại trong khi vẫn tiếp tục quan
tâm tới cố quốc.
1.2 Bùi Bích Hà, Phương trời khác, Little Saigon, Hoa Kỳ
Tháng 8.2020, tôi gửi bức thư 1 trang cảm ơn Bùi Bích Hà. Khoảng cuối
những năm 1990, tuy chưa quen biết nhiều, bà đề nghị một cuộc nói
chuyện giữa 2 chị em trong một chương trình phát thanh nhắm cho tôi
cơ hội trình bày về nhiều vấn đề, chẳng hạn như hoàn cảnh một người
mẹ đơn thân hoặc hoạt động hướng về Văn học Miền Nam, nhất là về
trách nhiệm trưởng ban Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ-Bị Cầm Tù, Trung Tâm
Văn bút Việt Nam Hải Ngoại (thay thế tạm thời người tiền nhiệm, Trung
Tá Không quân Trần Tam Tiệp, một trong 3 người sáng lập). Khoảng
2006, bà muốn mời tôi trình bày về cơ hội đã đưa tôi tới tạp chí Khởi
Hành-Bộ Mới, Hoa Kỳ. Trước 1975, Khởi Hành vốn là tạp chí thuộc
Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Cả hai đều do nhà thơ
Viên Linh đảm trách với Đại Tá Anh Việt Trần Văn Trọng trước 1975
và cùng tôi sau 1975. Điều bà chú ý đương nhiên không phải là bản thân
tôi mà hoàn cảnh đã đưa một phụ nữ tới chỗ giữ Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ-
Bị Cầm tù thay thế một Trung tá Không quân và rồi lại giữ trách nhiệm
Thư Ký Tòa soạn cho một tạp chí từ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 2008, bà tình nguyện làm nhân chứng, nếu cần, nhắm giúp phản
bác nguyên đơn khi tạp chí Khởi Hành và tôi bị kiện vì 2 bài điểm sách.
Sau khi được thông tin tòa án bãi bỏ vụ án nhờ công sức thúc đẩy bằng
tài năng, lòng hào hiệp và án phí tốn kém của luật sư (và bà) Hoàng Duy
Hùng, bà gọi tôi góp vui trong một ngày mùa đông tuyết trắng xóa.
Nước rơi nén lại như đá, phủ lóng lánh trên những cành cây khô khốc,
nơi tôi đang theo học nốt chương trình bỏ dở sau gần 30 năm.
Lá thư đó mở đầu như sau:
-“Cerritos, ngày cuối tháng 8, 2020
Chị Bùi Bích Hà thân mến,
Chị là người áp chót trong một danh sách mà, từ năm 1996, Tà Cúc đã
giữ trong nhà, đựng trong hành lý, mang qua nhiều nơi và giữ gìn qua
nhiều thời gian […] Chắc chị ngạc nhiên vì chị và Tà cúc có 2 nhóm
bạn hoàn toàn khác cộng thêm 2 môi trường sinh hoạt hoàn toàn khác
[…] Chính vì chị “khác” với Tà Cúc mà sự giúp đỡ của chị càng vô giá
[…] Tà Cúc chỉ còn phải viết 1 lá thư cảm ơn cho người chót của danh
sách là xong. Một phần đời nữa đã thực sự đi qua. Tà Cúc sẽ đi tiếp trên
con đường đã định…” [Nguyễn Tà Cúc, Thư gửi Bùi Bích Hà, 8. 2020]
Bà trả lời ngay, kèm thêm bài viết về nhà văn Túy Hồng vừa gửi tới
Diễn đàn Da Màu đặng tôi đọc luôn:
-“[…] Nói thì xem ra khách sáo. Em cảm ơn chị nhưng chị cũng phải
cảm ơn em là một người không làm gì sai để chị cũng do vậy mà làm
được việc tử tế. Sống trên đời, chị luôn tâm niệm là phải có duyên lành
dẫn dắt thì mình mới làm được việc thiện, là cái phước cho mình […]
Chị mừng thấy em tai qua nạn khỏi nhiều phen, nuôi dạy con cái nên
người […]Sau cùng, lúc cuối ngày, đời người sẽ chẳng còn gì ngoài trái
tim biết yêu thương để sống chân thật. Nhân tiện, chị gửi em đọc bài viết
cho Túy Hồng, vừa mới xong hôm qua. Chị đã gửi cho Da Màu.” [Bùi
Bích Hà, Thư gửi Nguyễn Tà Cúc, Ngày 31. 8. 2020]
Sau đó, bà cười khanh khách nghe tôi bình phẩm về bốn chữ “tai qua
nạn khỏi”:
-“Sao em ghê gớm thế? Lập cả một danh sách cảm ơn nữa à?! Có danh
sách phục hận cần thanh toán hết chưa? Nhưng đừng thù dai, chỉ khổ
thân thôi. Đúng là em nhiều ‘tai qua’ thật. Nhớ hôm chị với Yến Tuyết
tiễn em sang Pennsylvania học lại không? Chị lo cho em quá. Người thì
mỏng như một chiếc lá, một ổ bệnh biết cười. Dám sang Pennsylvania tứ
cố vô thân.!“
-“Writing well is the best revenge/Viết sao cho hay cho đẹp là cách phục
hận tốt nhất. Trở lại Pennsylvania đối diện Chiến tranh Việt Nam nên
Tà Cúc cần ngó lại cái tứ cố vô thân ngày nào của một người Miền Nam
thoát nạn.”
Bùi Bích Hà chớm xuất hiện trong thế giới văn chương Miền Nam ngay
từ những năm 1950, nhưng bị gạt bên lề một thời gian rất dài vì chính
“phong tục tập quán” mà Trương Thị Bích Hà đã đề cập đến. Từ thân
mẫu, một nạn nhân mãn đời, qua tới bà, một nạn nhân bán kiếp, bà phấn
đấu không ngừng. Tuy không cầu mong hư danh, bà tham dự cộng đồng
văn chương và cộng đồng Việt tỵ nạn để tiếp tục cuộc phấn đấu ấy, lần
này không chỉ cho riêng mình.
Bà đã tự thân tạo được một chỗ đứng, khởi đi từ những cuối năm 80 dẫn
sang nhiều đầu năm 90 sôi động phong trào “hòa hợp hòa giải”, nhà văn
Miền Bắc cùng “văn nghệ phản kháng”. Mới sang định cư tại Hoa Kỳ
lúc đó cũng chỉ chừng mới hơn 2 năm, sau 11 năm dở sống dở chết, bà
lập tức chứng kiến nỗ lực của một nhóm nhà văn tự nhận “độc giả” của
Nguyên Ngọc, Trần Độ, Dương Thu Hương, Thu Bồn, Đặng Nhật Minh,
Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân vv.
đặng giới thiệu “Cao trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam 1986-
1989″, một phong trào gợi ý từ Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Hoàng
Văn Chí, 1959. Riêng với Bùi Bích Hà, đó là kinh nghiệm thảng thốt
đầu tiên của một di dân tỵ nạn chính trị nhập vào một cộng đồng tự do
đúng nghĩa, của một người hốt nhiên ngộ ra máu đã cùng chẩy, thịt đã
cùng bị nghiến nhưng mỗi bộ xương nhoài đứng dậy được, không từ
điểm khởi hành chung tất nhiên sẽ không hẳn tiến cùng một lối. Mỗi tác
gia, hoặc nhóm của họ, trong cộng đồng tỵ nạn sẽ có toàn quyền hành
động theo ý họ. Chúng ta sẽ chứng kiến bà sáng tác, hoạt động ra sao
hay với ai và cho ai sau kinh nghiệm này.
2-Xuân có sang mà hoa không tươi [Vũ Hoàng Chương]
Nhập cư Hoa Kỳ vào tháng giêng, 1986, bà chọn cách viết và hoạt động
không chỉ nhắm tới giới quan-sang, nghĩa là các tạp chí văn học.
Ngoài Thế Kỷ 21 thuộc công ty Người Việt, bà còn thừa cơ hội xuất hiện
trên tạp chí Văn (nhà văn Mai Thảo rồi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng)
và Văn Học (nhóm Nguyễn Mộng Giác). Tuy vậy, kiểm lại Văn
Học và Thế Kỷ 21, sự có mặt của bà phải kể là hiếm so với sự xuất hiện
thường trực của vài người bạn cùng nhóm hay nhiều cây bút nữ khác. Sự
có mặt ấy càng đặc biệt hơn ở chỗ, tuy vẫn được biết đến cho đến khi
qua đời như một bà “phụ trách mục Tâm Sự lòng thòng” [Bùi Bích Hà,
“Thay lời mở”, Bạn gái nhỏ to, trang 7, Nhà Xuất bản Người Việt, 1991,
Hoa Kỳ], bà lại là một trong những nhà văn (nữ) hiếm hoi phản bác
Dương Thu Hương một cách công khai.
Đó là vì những Bùi Bích Hà đánh giá Dương Thu Hương, Trần Mạnh
Hảo hoặc phản bác hay bênh vực nhà phê bình Thụy Khuê trên Thế Kỷ
21, trên Văn Học không phải một-Bùi Bích Hà dò dẫm. Khởi hành từ
năm 1986, bước cô đơn quyết định cuộc lữ thứ nhiều thử thách đã bắt
đầu tại một chỗ khác, hoàn toàn khác. Đó là tại Ban Chấp Hành Trung
Tâm Văn bút Nam California vào năm 1988 về dự thảo của một thứ
tuyển tập kiểu Trăm hoa đua nở trên đất Bắc (Hoàng Văn Chí, 1959, Sài
Gòn).
Tuy sự trùng hợp có thể là ngẫu nhiên, nhưng tôi có bằng chứng cùng
nhân chứng để suy luận rằng xuất xứ một phần việc thực hiện Trăm hoa
vẫn nở trên quê hương đã chính thức bắt đầu từ một buổi họp của Trung
Tâm Văn Bút Nam California, vốn là một chi nhánh của Trung Tâm Văn
bút Việt Nam Lưu vong/Hải ngoại. Đúng 2 năm trước, vào tháng 8.
1988, một vài thành viên thuộc Ban Chấp Hành đã dự định sử dụng nhân
sự, tài lực và ảnh hưởng của nó trên cộng đồng vào việc xuất bản. Sau
phiên họp khẩn cấp triệu tập lần thứ hai, chỉ 3 ngày sau với đông đủ
thành viên hơn, ngày 29 tháng 8. 1988, một trong những thành viên của
Ban Chấp Hành khai tử dự định này chính là Ủy viên Tu thư & Xuất bản
Bùi Bích Hà.
Đúng thế, nhà văn Bùi Bích Hà.
2.1 Phong trào Phản Kháng trong thời Đổi Mới
Nhiều người trong chúng ta hẳn còn nhớ hay nhớ loáng thoáng về giai
đoạn 1985-1992 khi tin đồn hay các bài viết bầy tỏ sự bất mãn và chỉ
trích nhà cầm quyền, từ chính một số nhà văn xuất thân trong & ngoài
Hội Nhà Văn Miền Bắc và đảng viên cao cấp Cộng sản, lan sang hải
ngoại. Tháng 8. 1990, Nhà Xuất bản Lê Trần và nhóm chủ trương cho
xuất bản Trăm hoa vẫn nở trên quê hương–Cao trào văn nghệ phản
kháng tại Việt Nam 1986-1989 (từ nay sẽ dùng Trăm hoa vẫn nở trên
quê hương để chỉ cuốn này).
Bìa sau Trăm hoa vẫn nở trên quê hương – Cao trào văn nghệ phản
kháng tại Việt Nam (1986-1989)
Nhà Xuất bản Lê Trần, Tháng 8.1990, California, Hoa Kỳ
Theo tôi, những người chủ trương Trăm hoa vẫn nở trên quê hương đã
không lường trước được mấy điều. Thứ nhất, nhà cầm quyền Cộng sản,
sau 1975, đã không thể đàn áp như đàn áp nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm
vì dân chúng Miền Bắc–có cơ hội thông thương với dân Miền Nam và
ngoại quốc–đã nhìn thấy sự thực về cuộc chiến ở một khía cạnh trước
đây họ chưa được tiếp xúc. Chính sách hà khắc riêng với dân Miền Nam
cũng là hồi chuông cảnh tỉnh lương tâm của họ. Cộng thêm tình trạng
bất công trong xã hội toàn quốc không thể được tiếp tục ngụy biện bằng
khẩu hiệu “Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào”, sự phản kháng của giới trí
thức, dù được ưu đãi là đương nhiên. Và cũng đương nhiên không thể so
sánh với Nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm thời những năm 1950.
Ngoài ra, dân chúng Miền Nam đã chống lại công khai bằng nhiều
phương cách và hình thức. Tuy không coi thường nỗ lực của những nhà
văn “phản kháng” và hảo tâm của các tác gia hải ngoại muốn hỗ trợ,
nhưng tôi có cảm tưởng, sự không đầu hàng của người dân Miền Nam
và thái độ đoàn kết–không đồng lõa với công an văn nghệ hay đấu tố lẫn
nhau–của tác giả và trí thức Miền Nam cũng có thể được coi là chất xúc
tác, hay cơ hội, hay mảnh đất, hay gương soi cho vài “hoa phản
kháng“ — xuất thân từ Miền Nam nhưng thân Cộng hoặc đã và đang
hoạt động cho chính phủ Cộng Sản–có cơ hội tỏa hương chuộc lỗi. Dù
giải nghĩa thế nào, nhìn vào tiểu sử của một số tác gia phản kháng đã can
dự trực tiếp vào việc tiến chiếm Việt Nam Cộng Hòa bằng vũ khí hay
hoạt động thân Cộng, tôi không thể nào không liên tưởng đến trách
nhiệm của họ với số phận toàn dân Miền Nam sau 1975.
Thứ hai, cuốn Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, không may mắn thay,
dự định, phát hành và phổ biến đúng ngay vào chặng thân nhân của
những người Việt di tản trước, như trường hợp Bùi Bích Hà; hay cựu tù
nhân chính trị, đa số thuộc quân lực Việt Nam Cộng hòa, bắt đầu di tản
sang Hoa Kỳ theo chương trình H.O. (1990). Trong thời gian bị cầm tù ít
nhất là 3 năm để hội đủ điều kiện nhập cư và suốt nhiều năm sau đó, họ–
cũng như Bùi Bích Hà– đã bị cướp tài sản qua mấy lần đổi tiền, hoặc bị
đuổi vào vùng kinh tế mới, hoặc con cái bị kỳ thị khi thi tuyển vào đại
học, hoặc tan đàn xẻ nghé, hoặc tác phẩm bị tịch thu, hoặc người thân
mất tích trên đường vượt biển như trường hợp đại úy Dzư Văn Tâm/ bút
hiệu Thanh Tâm Tuyền/bút hiệu Trần Kha, hoặc bị cấm sáng tác, hoặc bị
tất cả những điều thượng dẫn.
Bài Đôi điều không ổn [Cao Xuân Huy, Thế Kỷ 21, tháng 9.1991] có thể
xem như một thí dụ cho trường hợp phản bác Dương Thu Hương–và
phát biểu của Thụy Khuê trong “Tựa” liên quan đến Tiểu thuyết vô đề–
của một trong những người thuộc nhóm trên (1) .
Nhà văn Cao Xuân Huy, lúc đó giữ nhiệm vụ Tổng Thư ký cho tạp
chí Văn Học. Sau này, ông sẽ trả lời đạo diễn Trần Văn Thủy đầy đủ hơn
về tiểu sử “yêu tự do và chống mọi hình thức độc tài ” nên tình nguyện
“đi lính” “thứ thiệt”, trở thành sĩ quan Thủy Quân Lục chiến, bị tù năm
1975, được thả cuối năm 1979 vì “hết khả năng lao động”, rồi vượt biển
sang Hoa Kỳ cuối năm 1983 [Trần Văn Thủy phỏng vấn Cao Xuân
Huy, Nếu đi hết biển…, trang 58, 64, Thời Văn xuất bản, 2004, Hoa
Kỳ]. Bởi thế, những nhận xét chuyên môn và chính xác của ông–một
người lính “thứ thiệt” “thuộc loại cừ và ở một binh chủng thiện chiến
nhất nhì của quân lực VNCH” [sđd, trang 64]– rất tai hại cho Tiểu thuyết
vô đề khi so với kiến thức hạn hẹp của một người lính Miền Bắc kiểu
Dương Thu Hương khi bà viết về những người lính này.
Dù sao chăng nữa, công bằng mà nói, tại thời điểm ấy, hồi ký của cựu
quân nhân VNCH bị giam sau 1975, hồi ký của các sĩ quan Hoa Kỳ
chưa được xuất bản, sự can dự vào chiến tranh Việt Nam của Trung
Quốc và Nga Xô vẫn chưa được công bố đầy đủ nên ảo giác và sai lầm
của Dương Thu Hương cũng là điều dễ hiểu, nhất là từ một người nằm
trong hầm sâu của sự thiếu thông tin suốt một thời gian dài.
Dĩ nhiên, Tiểu thuyết vô đề xuất hiện tại hải ngoại vào nửa năm sau 1991
và Trăm hoa vẫn nở trên quê hương xuất bản vào nửa năm sau 1990 nên
chân dung Dương Thu Hương trong vài mươi trang của cuốn sách này
chưa toàn vẹn. Chân dung ấy sẽ được toàn vẹn với bài “Tự bạch về Tiểu
thuyết vô đề”.
Ngoài phần mạt sát Thụy Khuê-người làm ơn mắc oán, Dương Thu
Hương còn “bỏ công kể tội các lãnh tụ “Cộng hòa” ở Miền Nam đến
“tổng cộng hơn một phần tám cả bài”, [Vương Hữu Bột, “Sự thật, khoan
dung và tha thứ”, Thế Kỷ 21, Số 36, trang 8, tháng 4.1992]. Trên hết
thẩy, một trong mấy lý do quyết định sự thắng trận của Miền Bắc do
Dương Thu Hương quả quyết cần xét lại:
-“[…] Những người lính Miền Bắc được hưởng một mức đãi ngộ không
bằng một phần ba mức đãi ngộ của người lính Miền Nam. Những sĩ
quan Miền Bắc không bao giờ dám mơ tưởng tới những câu lạc bộ dành
cho sĩ quan quân đội Cộng Hòa. Có lẽ chính tính lý tưởng đã huy động
đến cùng tinh thần khắc kỷ và đã trở thành một yếu tố tạo nên chiến
thắng…” [Dương Thu Hương, “Tự bạch về Tiểu thuyết vô đề”, Thế Kỷ
21, sđd, trang 15]
Có đúng “chính tính lý tưởng đã huy động đến cùng tinh thần khắc kỷ và
đã trở thành một yếu tố tạo nên chiến thắng” không? Họ tự nguyện
“khắc kỷ” hay điều kiện kinh tế lúc đó tại Miền Bắc không cho phép?
Bởi thế, tôi bắt buộc phải góp ý về phần biết chắc, nghĩa là về Miền
Nam, rằng: Những câu lạc bộ dành cho sĩ quan VNCH đương nhiên phải
có trong một quốc gia tương đối hùng mạnh về kinh tế nên chẳng dính
dáng gì đến “tinh thần khắc kỷ” cả. Trái lại là đằng khác. Các công tử
chiến binh VNCH có đủ điều kiện để hưởng thụ một cách bình thường
trong một thế giới tương đối văn minh mà vẫn đủ “lý tưởng” và đủ
“khắc kỷ” khi ra chiến trận hàng tháng khiến đối phương xiểng liểng
trên chiến trận mới càng đáng phục chứ?
Do đó, bài viết của người lính VNCH tình nguyện (đồng nghĩa với “lý
tưởng” và “khắc kỷ”) Cao Xuân Huy càng không giúp gì cho Trăm hoa
vẫn nở trên quê hương sau khi độc giả đã được nhìn thấy toàn vẹn chân
dung Dương Thu Hương, một trong bảy mươi chín tác giả trong nước ấy
[sđd, trang 175-198].
2.2 Trăm hoa Miền Nam vẫn còn bị dầy đạp trên quê hương
Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, khổ lớn, 800 trang, liệt kê danh sách
“hai mươi bảy tác giả ngoài nước” “đọc và viết về bảy mươi chín tác giả
trong nước” trên bìa sau. Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong,
Nguyễn Đức Lập, Trương Vũ vv. hoặc là hội viên Trung Tâm Văn Bút
Nam California hoặc thuộc nhóm điều hành &thân hữu Văn Học có mặt
trong hai mươi bảy tác giả ngoài nước này.
Song song với sự không quan tâm của hầu hết tác giả kỳ cựu Miền Nam,
phản ứng của đại đa số độc giả càng không được như nhóm chủ trương
mong đợi, tuy đã sửa soạn rất kỹ lưỡng để quảng bá. Trái lại là đằng
khác, điển hình là toan tính sử dụng Trung Tâm Văn bút Nam California
của vài người trong Ban Chấp Hành, nhưng đồng thời, tham dự vào việc
soạn thảo Trăm hoa vẫn nở trên quê hương như nhà văn Chủ tịch Nhật
Tiến–một trong những người khởi xướng theo như tôi biết–và Đỗ Thái
Nhiên. Trên nguyên tắc, dự tính Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, do
chống lại sự đàn áp quyền tự do tư tưởng và phát biểu, không có gì trái
ngược với tôn chỉ của PEN International, hoặc đến nỗi/thậm chí bị coi là
đáng trách. Nhưng trường hợp Việt Nam lại hoàn toàn khác.
Ngược lại với giới nhà văn và trí thức Miền Nam, 79 tác giả “phản
kháng” vẫn được phát biểu, sáng tác và in ấn. Hơn thế nữa, một số trong
danh sách này còn là những người có trách nhiệm trực tiếp vào cuộc
chiến chống Việt Nam Cộng Hòa hay gián tiếp như thái độ của họ về
những tội ác chiến tranh mà cho đến nay (2021) vẫn chưa thể làm sáng
tỏ. Trong khi đó, tác gia Miền Nam như Thanh Tâm Tuyền phải qua
nhiều cửa ải. Ông đưa lén thơ khỏi trại tù, gửi lén thơ ra ngoại quốc với
bút danh Trần Kha. Không chỉ Thanh Tâm Tuyền, thơ Tô Thùy Yên đã
theo chân anh em nhập cư trước ông ra ngoại quốc với một bút danh
khác. Suốt bãi sông Hằng xuất hiện tại Hoa Kỳ vào tháng chạp, 1989,
với bút danh Đinh Thạch Trung. Suốt bãi sông Hằng được sáng tác vào
năm 1982 và sẽ được sửa chữa nhiều trước khi chính thức ra mắt bạn
đọc hải ngoại sau khi tác giả rời Việt Nam. Nhiều lần nói chuyện với tôi,
Tô Thùy Yên bầy tỏ sự băn khoăn về các bài thơ tản lạc vẫn không thu
thập được hết. Bởi thế, phổ biến và cổ động cho các người có quyền
phản kháng xuất thân từ chế độ Cộng sản hay cảm tình viên của chế độ
này vẫn là một điều gì rất khó chấp nhận cho những người đã hoặc
không thể phát biểu dưới chế độ Cộng sản, thậm chí bị đầy đọa vì những
điều họ có thể sẽ phát biểu.
Bởi thế, khi vài người chủ xướng, tuy có thành tâm, nhưng không thuyết
phục được các thành viên khác khiến vuột mất chỗ đứng thuận lợi của
Ban Chấp hành Trung Tâm Nam California, họ đã mất tính cách đại diện
chính thức cho Văn Học Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa và cơ hội hầu
sử dụng nguồn nhân lực tài lực do cơ sở này cung cấp hay kêu gọi được.
Quan trọng hơn, họ cũng mất theo danh nghĩa quy tụ được một tập thể
nhà văn di tản lớn nhất với nhiều khuynh hướng khác biệt tại Nam
California, nếu không nói là cả Hoa Kỳ. Lúc đó, ngoài Minh Đức Hoài
Trinh, Nhật Tiến, Viên Linh, Lê Đình Điểu, Bùi Bích Hà, danh sách hội
viên còn có nhà văn Nguyễn Hoàng Nam (gia nhập ngày 3.6. 1988), nhà
văn Nguyễn Ý Thuần (ngày 10.6.1988), nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thủy
(ngày 23.6.1988), nhà văn/ký giả Hoàng Mai Đạt (ngày 12.7.1988), nhà
văn Nguyễn Mộng Giác (ngày 17.6.1988), nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên
(ngày 23.6.1988), nhà thơ Đỗ Kh. (ngày 10.9.1988), nhà văn Phạm Quốc
Bảo (ngày 30.?. 1988), nhà nghiên cứu Vô Ngã Phạm Khắc Hàm (1988),
nhà văn Hoàng Khởi Phong (1988), nhà văn Nguyễn Tường Quý (1988),
nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc (1988), dịch giả Trịnh Y Thư (1988), ký giả
Đỗ Ngọc Yến (1988), Vũ Quang Ninh (1988) vv.
Do đó, số thành viên (trong Ban Chấp Hành) khởi xướng Trăm hoa vẫn
nở trên quê hương không được đồng ý qua Ban Chấp Hành của họ, dù
với bất cứ lý do nào, là một thất bại không nhỏ. Tôi vẫn tự đặt câu
hỏi, Nếu ngày ấy, Ban Chấp Hành chấp thuận thì cái gì xẩy ra? Câu trả
lời không bao giờ có; nhưng thứ nhất, dựa trên kinh nghiệm Trưởng Ủy
ban Nhà Văn Bị Cầm tù (do nhà thơ sáng lập Nguyên Sa và nhà thơ Chủ
Tịch Viên Linh giao phó cho tôi,) và thứ hai, trên thực tế, tác giả xuất
thân từ văn học và báo chí Miền Nam vẫn còn bị đàn áp, tôi có thể suy
luận rằng cuộc tranh đấu cho tác phẩm thuộc Văn Học Miền Nam, cho
tác giả và trí thức Miền Nam–số trăm hoa đang bị dầy đạp–và cho nhân
quyền của dân Miền Nam sẽ chững lại. Cuộc tranh đấu có thể được coi
là sinh tử dành cho Miền Nam lúc ấy phải nhường chỗ cho cuộc vận
động Trăm hoa vẫn nở cho một số nhân sự xuất thân, từng phục vụ từ hệ
thống Cộng sản hay có cảm tình với cuộc chiến chống lại Việt Nam
Cộng Hòa. Hậu quả đó sẽ bắt đầu một cuộc phân rẽ ngay lập tức trong
Trung Tâm Nam California và các trung tâm khác khiến thiệt hại đến
cuộc tranh đấu cho Miền Nam lúc bấy giờ.
Dấu tích sự xuất xứ của Trăm hoa vẫn nở trên quê hương và sự “phản
kháng” phong trào này của Bùi Bích Hà được kiểm chứng khi so sánh
chi tiết trong biên bản viết tay của 2 phiên họp thuộc Trung Tâm Văn
Bút Việt Nam Hải ngoại Nam Cali., 8. 1988 với “Lời Nói Đầu của Nhà
Xuất Bản” trong Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, 8. 1990.
Nội dung biên bản (viết tay) của phiên họp Trung Tâm Văn Bút Nam
California (một chi nhánh của Trung Tâm Văn bút Việt Nam Lưu
vong/Hải ngoại) vào thứ sáu, ngày 26.8.1988, được ghi lại như sau:
– “Biên bản họp Văn Bút Ngày Thứ Sáu 8/26/88
Có mặt: Nhật Tiến-Lê Đình Điểu-Bùi Vĩnh Phúc-Nguyễn Mạnh Trinh
-V/đề thực hiện một cuốn sách do V Bút với chủ đề tương tự như sách
Trăm Hoa Đua Nở ngày xưa. Tiến hành: thành lập một nhóm để thực
hiện – ngay từ bây giờ.
-Tổ chức Đại Hội Văn Bút Nam Cali ngày 10 tháng 9 năm 1988.”
Biên bản thứ hai, một bản báo cáo về một cuộc họp được triệu tập khẩn
cấp chỉ ngay 3 ngày sau, nghĩa là vào thứ hai, ngày 29 tháng 8 năm
1988. Cuộc họp này có mặt 7 người: Chủ tịch Nhật Tiến, Tổng Thư ký
Lê Đình Điểu, Phó Chủ tịch Viên Linh, Ủy viên Tu thư Bùi Bích Hà và
Chủ tịch Ủy ban Tu Thư và Xuất bản Bùi Vĩnh Phúc, Chủ tịch Ủy ban
Định chế Đỗ Thái Nhiên và Chủ tịch Ủy ban Phát triển Vũ Thùy Hạnh.
Biên bản thứ hai –phủ quyết quyết định thành lập tức khắc một nhóm để
thực hiện một cuốn sách, sau này sẽ có tên Trăm hoa vẫn nở trên quê
hương, của cuộc họp ba ngày trước– có nguyên văn như sau:
“Biên bản họp BCH Văn Bút ngày thứ hai 8-29-88
Có mặt: Nhật Tiến- Lê Đình Điểu- Viên Linh- Bùi Vĩnh Phúc – Đỗ Thái
Nhiên – Thùy Hạnh – Bùi Bích Hà
I/Kiểm điểm công tác chuẩn bị Đại hội
II/ Thông qua dự thảo bản báo cáo của TT Ký về các công tác đã thực
hiện trong nhiệm kỳ Lâm thời
III/ Phân công những công tác cần chuẩn bị-
IV/ Linh tinh :
Không lập task force-Phải xerox các bài để mọi người đọc trước rồi mới
quyết định lập task force- Tuy nhiên đã trễ vì không đủ thời gian -“
Biên bản (viết tay) 2 cuộc họp của Trung Tâm Văn bút Ban California
liên quan đến cuốn Trăm hoa vẫn nở trên quê hương …
Hãy so sánh một đoạn trong biên bản thứ nhất “V/đề thực hiện một cuốn
sách do V Bút với chủ đề tương tự như sách Trăm Hoa Đua Nở ngày
xưa. Tiến hành: thành lập một nhóm để thực hiện – ngay từ bây giờ ”
với một đoạn trong “Lời Nói Đầu của Nhà Xuất Bản”, Trăm hoa vẫn nở
trên quê hương, tháng 8.2990. Hai đoạn này giống nhau gần như nguyên
văn:
-“[…] Đặt tựa đề “Trăm Hoa Vẫn Nở” cho Tuyển Tập này, chúng tôi có
ý làm một việc tương tự công trình sưu tập văn liệu mà cụ Hoàng văn
Chí đã làm vào thập niên 50 với cuốn: “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất
Bắc”…” [sđd, trang 7]
Sau này, nhà văn Nhật Tiến sẽ viết lời giới thiệu nhà văn Nguyên Ngọc
trong Trăm hoa vẫn nở trên quê hương kèm phần tài liệu tổng cộng 28
trang, có lẽ dài nhất cho một tác giả, chỉ kém phần Lưu Quang Vũ.
Như đã nói trên, phiên họp thứ hai do nhà thơ Phó Chủ tịch Viên Linh
triệu tập bác bỏ quyết định trước. Khỏi phải nói, ai cũng có thể tưởng
tượng được phiên họp này gay go như thế nào. Chỉ cần 4 người đồng ý
là Ban Chấp Hành phải tuân theo. Cuối cùng, Bùi Bích Hà là một trong
những người không chấp thuận sau một cuộc bàn luận kỹ càng hơn.
Ngoài 2 biên bản này, chúng ta còn có thể nhận ra sự trùng hợp của vài
nhân sự và thời gian soạn thảo cũng như xuất bản Trăm hoa vẫn nở trên
quê hương khi so sánh với nhân sự và thời gian của 2 biên bản trên.
Theo nhà văn Nhật Tiến:
-“[…] Người ở xa thì sưu tập tài liệu từ trong nước, nhận phân công viết
bài, người ở ngay Orange County (khoảng 20 vị) thì tụ họp hàng tuần
để bàn thảo nội dung cuốn sách, góp ý cân nhắc để chọn lựa các tài liệu
đã có, lập danh sách phân công viết bài. Tuy nhiên nhũng vị đóng góp
công sức tích cực nhất thì có thể kể tên như : Trần Vịnh, Ðỗ Hữu Tài,
Thân Trọng Mẫn, Nguyễn Quốc Trung, Lê Bửu Tấn, Nguyễn Bá Tùng,
Trương Ðình Luân, Hoàng Sử Mai, Nhật Tiến, Nguyễn Mộng Giác,
Hoàng Khởi Phong, Đỗ Thái Nhiên…[…] Theo tôi, có lẽ đây là một lần
duy nhất tính cho đến nay, đã có một nhóm cầm bút thuộc nhiều khuynh
hướng khác nhau đã ngồi lại được với nhau trong suốt ròng rã gần 2 năm
trời với một sinh hoạt sôi nổi, nhiệt tình và đầy thiện chí để làm đến nơi
đến chốn một công trình kể từ lúc khởi sự cho đến khi hoàn tất để có thể
phát hành vào khoảng tháng 8-1990…” [Nhật Tiến, Trăm hoa vẫn nở
trên quê hương, https://nhavannhattien.wordpress.com/tram-hoa-van-no-
tren-que-huong/]
Hai nhân vật hiện diện trong cả biên bản thứ hai lẫn lời trình bày của nhà
văn Nhật Tiến là chính ông và Đỗ Thái Nhiên. Ngôn ngữ trong cả hai
văn bản thượng dẫn cũng có tương đồng nếu so sánh “thành lập một
nhóm…” [Biên bản thứ nhất] với “đã có một nhóm …”[Nhật Tiến, sđd].
Thời gian sửa soạn cũng trùng hợp, suy ra từ ngày bắt đầu tháng 8. 1988
(biên bản thứ nhất) tới ngày kết thúc “ròng rã gần 2 năm trời với một
sinh hoạt […] để làm đến nơi đến chốn một công trình kể từ lúc khởi sự
cho đến khi hoàn tất để có thể phát hành vào khoảng tháng 8-1990…”
[Nhật Tiến, sđd]
Tôi đã phỏng vấn cả ba (nhà văn Bùi Bích Hà, nhà văn Nhật Tiến và nhà
thơ Viên Linh) về vấn đề này. Bằng chứng là không những tôi đã công
bố 2 biên bản viết tay trong một bài trước đây khi họ còn sinh tiền mà
còn giữ cuốn Trăm hoa vẫn nở trên quê hương do chính nhà văn Nhật
Tiến tặng lại–sau này khi tôi quen và phỏng vấn ông–để làm tài liệu khi
ông được biết trước đây, tôi không có cuốn này trong tay mà phải mượn
của một người bạn:
Trăm hoa vẫn nở trên quê hương–Cao trào văn nghệ phản kháng tại
Việt Nam 1986-1989
Nói một cách khác, Bùi Bích Hà– một nhà văn lẻ loi trong văn giới, lận
đận trong cuộc mưu sinh lúc đó–đã công khai không đồng ý với một số
thành viên nổi tiếng, lại ổn định đời sống hơn vì nhập cư Hoa kỳ trước.
Trên thực tế, sự thất bại trước Ban Chấp Hành TT VB Nam California
chỉ là một trong nhiều yếu tố quyết định. Độc giả mới có quyết định tối
hậu. Họ, điển hình qua trường hợp một phụ nữ như Bùi Bích Hà và một
cựu quân nhân như Cao Xuân Huy, đã là thành phần phản đối kịch liệt
và hiệu quả, chứ không phải giới tác gia di tản.
Tôi muốn trình bày rất chi tiết về 2 buổi họp Văn Bút thượng dẫn với
trường hợp xuất bản cuốn Trăm hoa vẫn nở trên quê hương nhắm nhấn
mạnh dấu hiệu đầu tiên của một đời viết và một đời tham dự sinh hoạt
cộng đồng của Bùi Bích Hà–cho tới nay, tôi chưa thấy ai nhắc đến qua
các bài viết về bà–một cách độc lập, không những về phương cách mà
còn phản ảnh một thái độ chính trị chống Cộng từ khi gia nhập làng văn
cho đến cuối đời. Nhờ đó, tôi sẽ có thể tường thuật một cách khái quát
về vị trí tiếp tục không thay đổi này bằng cách kiểm chứng qua tiểu sử
nhắm đối chiếu với hoạt động trong báo chí và truyền thanh, hai lãnh
vực mà bà chọn lựa, trong nhiều năm cho đến khi qua đời.
3- Dăm trang sách cũ, một hồn tang thương [Thanh Nam]
Nếu có trường hợp tiểu sử của một tác giả nào được phóng chiếu đến
từng chi tiết trong tác phẩm và hoạt động thì đó là tiểu sử Bùi Bích Hà.
Chào đời năm 1938, bà thuộc một thế hệ độc giả của Tự Lực Văn Đoàn
và các nhà văn tiền chiến trước khi sang tới tác giả Miền Nam. Thế hệ
đó hoặc đứng bên lề, hoặc tham dự quyết liệt vào biến động chính trị và
xã hội tùy theo hoàn cảnh cá nhân.
Bùi Huy Tín, thân phụ bà, là một nhà cự phú hoạt động không chỉ trong
thương trường mà còn cả báo chí và xã hội. Ngược lại, “Cô” nông dân
“S.” ( bà thân mẫu)– kém Bùi Huy Tín khoảng trên dưới 30 tuổi– được
bà thứ thất cùng quê Bắc Ninh, đưa về làm một thứ máy đẻ kiêm người
làm không công với toàn vẹn sự tàn nhẫn. Không bao giờ bà được coi là
vợ lẽ, thậm chí nàng hầu. Vị trí hèn mọn ấy đã không cho phép bà có
mặt cả trong ngày cưới của các con. Bùi Bích Hà kể với tôi rằng bà rất
ngại xem lại hình ảnh ngày cưới vì chúng “cứa vào nỗi u uất” đằng đẵng
mỗi khi nhớ đến mẹ. Đám mây u ám ấy báo trước cơn giông bão phá
hủy một hạnh phúc không có thực sau này.
Theo lời kể của Bùi Bích Hà, tản mác qua tự sự cũng như truyện ngắn,
bà thân mẫu sinh 5 nhưng chỉ nuôi được 3 người con. Khai sinh của
người con gái cả, khoảng 1928, mang tên mẹ là bà chính thất. Người con
trai thứ hai, 1935, mang tên mẹ là bà thứ thất. Chỉ có Bùi Bích Hà, đẻ rơi
ngay tại trước cửa nhà thương tại Huế, mới mang tên mẹ. Cho đến 14
tuổi, Bùi Bích Hà và người anh 17 tuổi gọi mẹ ruột bằng “chị” và hai bà
kia bằng “mẹ”. Thói tục thông thường lúc đó tại vài địa phương Miền
Bắc (theo như tôi biết) hầu như buộc người vợ không sinh con trai phải
tìm người đẻ thay, hoặc “biết thân” mà im lặng khi chồng có thứ thất
hay nhiều thứ thất, thậm chí bất cứ ai. Các con từ dòng rẽ này phải coi
những người vợ chính thức là “Mẹ”. Bởi thế, thảm kịch lộ dần bộ mặt ác
nghiệt trong gia đình Bùi Huy Tín. Người con trai, anh ruột Bùi Bích
Hà, không hề ngờ được sự thật kinh hoàng đó. Cho tới một ngày.
Nấp sau những đôi ngà voi trưng bầy tại đại sảnh, ẩn trong những mâm
vàng bát bạc có khắc chữ “Tín”, 30-40 thầy thợ, gia nhân phục dịch, là
những giòng nước mắt hầu như hàng ngày của bà thân mẫu (“Cô S.”) ở
căn bếp ám khói, là một đứa bé tự cảm được rất sớm sự bất công và cô
đơn qua những giòng nước mắt ấy. Khác với người anh, bà trưởng thành
trong cơ cực. Thời thiếu nữ, bà đã biết dậy kèm các em láng giềng rồi
nhận đan len hay thêu thùa kiếm tiền mua sắm thêm cho mình và mua
vàng cho mẹ.
Định mệnh khốn khó ấy đã không dừng lại tuy bà tự xoay sở nộp đơn rồi
thi đậu vào trường Nữ trung học Đồng Khánh. Tiếp đó, bà tốt nghiệp
Đại học Sư Phạm Huế với học bổng suốt 3 năm. Bà tự buộc tránh vương
vấn vì đã nhìn thấy tình cảnh của mẹ. Cơn gió nào lên có một chiều/Ai
ngờ thổi tạt mối tình kiêu (Phạm Hầu, Vọng Hải đài)
Dậy học được chừng một hai năm, bà bị kết vào mối hôn nhân xếp đặt
chớp nhoáng với một người xa lạ, bắt đầu từ cuộc xem mắt và đám hỏi
hầu như xẩy ra cùng lúc. Một lần nữa, tục lệ đã cho người đàn ông
quyền quyết định hoàn toàn cuộc đời người vợ tương lai. Trong trường
hợp này, mọi sự tuần tự xẩy ra dẫn đến hậu quả đương nhiên khi thủ
phạm cũng không hẳn là người chồng. Ông đã vô tình tước đoạt nhân
quyền và phẩm giá của người vợ vì được xã hội, nói chung, cho phép,
thậm chí khuyến khích. Nhìn dưới một khía cạnh thực tế, ông cũng là
nạn nhân của một xã hội còn sót lại thứ suy nghĩ “chồng chúa vợ tôi”,
chữ của nhà văn Trùng Dương trong bài viết tưởng niệm Bùi Bích Hà
(2), khi cuộc ly dị do chính ông đòi hỏi quay ngược lại cướp mất gia
đình cùng tình thương của một người vợ xứng đáng.
Tháng giêng năm 1986, sau khi mất người con gái 15 tuổi trong một
cuộc vượt biển bất thành vào tháng 4.1979, bà và các con cùng bà thân
mẫu được người anh đón sang Hoa Kỳ đoàn tụ. Bà lập lại cuộc đời từ
hai bàn tay trắng còn nắm chặt một quá khứ phẫn nộ. Phẫn nộ cho bà
mẫu thân. Cho duyên số chính mình. Cho con gái. Cho sự bại trận của
Việt Nam Cộng Hòa. Cộng thêm nỗi phẫn nộ tại miền đất tạm dung khi
chứng kiến loại chữ nghĩa huê dạng rời xa hiện tại của một Miền Nam
thất thủ. Tôi trích phần tiểu sử hơi dài vào phần 3 này hầu, vào phần 4,
có thể phân tích và hy vọng chứng minh được lý do khiến một nhà văn
phụ nữ tự lập thân, không đặt chủ đích làm báo với giới quan-sang,
nhưng dấn vào hai lãnh vực khó khăn: báo thường nhật và lãnh vực
truyền thanh.
Sau đây là vài đoạn tự sự về hai ông bà thân sinh, về gia đình và về hoạt
động của bà sau khi tỵ nạn tại Hoa Kỳ.
3.1. Chém cha cái kiếp lấy chồng chung [Hồ Xuân Hương]
Bùi Bích Hà viết rành mạch nhiều lần về số phận tủi nhục của bà thân
sinh. Hơn ai hết, bà biết rõ anh em bà chính là lý do của số mệnh ấy.
-“[…] Thế nhưng có lẽ số phận chọn mẹ tôi gánh vác sự bất công tủi cực
này nên không ai sanh nở gì cả cho tới một ngày, bà hai của bố tôi nhân
chuyến về Bắc Ninh thăm họ hàng […] tìm gặp, thương lượng với ông
bà ngoại của tôi rồi đem mẹ tôi ‘về dinh'[…] Suốt ba tháng trời ròng rã,
mẹ tôi vừa bỡ ngỡ chuyện thai nghén lần đầu, vừa phải làm lụng công
việc nằm trong phận sự không khác gì tôi tớ trong nhà, vừa phải trả lời
sự chất vấn cay nghiệt của bà hai […] Câu trả lời của mẹ tôi cũng lập đi
lập lại trước sau không sai một chữ là: ‘Thưa bà, con không biết ai ngoài
ông cụ.’ Mẹ tôi trở dạ sinh chị Túy Sơn đúng ngày tháng bố tôi ghi trong
sổ nhật ký […] Sau lần đầu nhiều nghi nan và tủi cực ấy, mẹ tôi liên tiếp
bỏ một anh, sẩy một lần trước khi sinh và nuôi được anh thứ tư. Là đứa
con trai nối giõi tông đường hiếm muộn, lọt lòng mẹ, anh tôi lập tức
được bà hai của bố tôi bế tắp lên nhà trên, khai sinh là con của bố tôi và
bà…” [Bùi Bích Hà, Anh em như tay chân”, Đèn khuya-Tập 1, Người
Việt Books xuất bản, trang 13-15]
Bùi Bích Hà, Đèn khuya-Tập 1, Người Việt Books xuất bản, 2018
-“[…] Mẹ tôi kể lại, bà mang thai tôi trong tình trạng sức khỏe sa sút vì
mẹ bị sốt rét do không biết săn sóc mình qua thời gian dài lăn lóc trông
coi các khu đồn điền của bố tôi trong vùng lam sơn chướng khí Bắc
phần […] Ra khỏi công việc đồn điền nắng mưa cực nhọc cùng với khí
hậu khắc nghiệt, mẹ tôi vất vả cách khác trong ngôi nhà rộng, mặt tiền
mang số 72 đường Gia Hội, mặt sau chạy tới sát bờ một nhánh sông
Hương từ Đông Ba đổ về Vỹ Dạ. Tôi lớn lên trong bụng mẹ từ sáng tới
khuya lam lũ giữa căn bếp tối tăm, ám khói và cái giếng nước, phục vụ
nấu nướng, giặt giũ cho trên dưới 40 nhân khẩu theo hai ba chế độ ăn
uống gồm cả chủ nhân và công nhân, thợ thuyền làm việc dưới quyền
của bố và mẹ già tôi. Vài tháng cuối thai kỳ của mẹ, mẹ già tôi lâm
bệnh, nghỉ dưỡng tại bệnh viện trung ương thành phố Huế. Được coi là
người làm thân tín, mẹ tôi phải theo săn sóc bà trong thời gian này. Mẹ
kể lại, mẹ vẫn tính từng ngày không lầm lẫn, nhưng đủ 9 tháng 10 ngày
rồi mà mẹ không trở dạ. Một tối mùa Đông, đã quá sang ngày hôm sau,
mẹ già tôi cần chậu nước nóng để ngâm chân. Mẹ tôi khệ nệ bưng chậu
nước đến cửa phòng thì cuống lên vì một cơn đau tức chợt tới ở bụng
dưới. Đặt vội chậu nước xuống đất, mẹ túm lấy hai ống quần thì tôi đã
tuột khỏi lòng mẹ ngay bên hòn đá chặn cho cửa không bị gió sập trong
mùa Đông. Vì vậy, sau này, giấy khai sinh thân thế tôi ghi là: Née à
l’hopital de Huế. Thực tế, tôi không ra đời ở khu sản khoa và mẹ tôi
không ở trên giường sản phụ như mọi bà mẹ khác…..” [Bùi Bích Hà,
“Đi qua đời nhau”, Nhật báo Người Việt, 2019, https://www.nguoi-
viet.com/binh-luan/di-qua-doi-nhau-bui-bich-ha/amp/]
Một người đàn bà bụng mang dạ chửa đến ngày mà còn phải săn
sóc (đúng hơn, hầu hạ), bà-vợ-của-người-chồng mình! Thật khó tưởng
tượng nhà cự phú Bùi Huy Tín lại có thể dung túng sự phi lý ấy; nhưng
cũng tương tự người chồng sau này của con gái, ông chỉ là một thương
gia thuộc giai cấp cực thượng lưu, không phải một nhà cải cách xã hội:
-“[…] Từ khi lọt lòng, tôi hẩm hút trong tay người đàn bà sinh ra tôi mà
tôi chỉ được gọi là chị, loanh quanh với “người chị” từ tinh mơ đến quá
nửa đêm…” [Bùi Bích Hà, “Sách có linh hồn không?” [Bùi Bích Hà,
“Sách có linh hồn không”, Đèn Khuya-Tập 2, trang 237, Nhà Xuất bản
Người Việt Books, 2018]
-“[…] Mẹ tôi đảm đương công việc chợ búa, bếp núc cho hai chế độ ăn
uống riêng biệt, nôm na gọi là “nhà trên, nhà dưới.” Nhà trên gồm bố tôi
những khi ông không đi công cán xa, mẹ già thứ hai và anh ruột tôi được
bà khai sinh nhận vơ là con. Nhà dưới gồm mẹ con tôi, các anh chị họ
được bố tôi nuôi ăn học và tất cả thầy thông, thầy ký, thợ thuyền, gia
nhân còn lại…” [Bùi Bích Hà, “Nước mắm”, Ngày 20. 3. 2019,
https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-little-saigon/nuoc-mam/]
-“[…] Bây giờ nhớ lại, tôi không hình dung ra món nào mẹ tôi đặc biệt
thích vì hình như mẹ tôi quanh năm suốt tháng chỉ ăn thức ăn thừa của
cả nhà…” [Bùi Bích Hà, “Nghịch lý” , ngày 28. 11.2018,
https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-little-saigon/nghich-ly/]
-“[…] Từ khi khôn lớn, con chưa bao giờ thấy cha ngồi bên mâm cơm
có mẹ hay hỏi han mẹ một câu gì…” [Bùi Bích Hà, “Mẹ ơi!”, Ngày 24.
4. 2019, https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-little-saigon/me-oi/]
-“[…] Suốt mùa hè, bố tôi thuê bao một chiếc thuyền để chiều chiều cả
gia đình đi tránh nóng trên sông Hương […] Mỗi chiều lúc mặt trời sắp
khuất, chiếc thuyền cập bến phía sau nhà. Mẹ tôi khuân thức ăn xuống
thuyền để cả nhà ăn tối khi thuyền sẽ neo ở một khúc sông nào đó. […]
Mẹ tôi thì còn phải lội vào cồn mua mấy trái bắp tươi để luộc hoặc nấu
chè…” [Bùi Bích Hà, Huế yêu dấu, Tuần báo Saigon Times, Hoa Kỳ,
http://saigontimesusa.com/bai/vanchuong/1434a.shtml]
-[…] Bố tôi cai quản một sự nghiệp đồ sộ nên ông không mấy khi có
nhà mà nếu thỉnh thoảng ông ở nhà một buổi thì thời giờ ấy dành cho
anh tôi, thừa kế duy nhất của ông […] đêm nào mùa trăng thì trăng xế
bóng ngọn cau mẹ tôi mới được lên giường ngủ một giấc ngắn, áo còn
nguyên mùi khói bếp, rồi lại vội vàng thức dậy lúc trăng vẫn còn mờ
nhạt ở chân trời…”[Bùi Bích Hà, “Mẹ Thiên Nhiên”, Đèn Khuya-Tập 1,
trang 467-468]
Thương tâm thay, người đàn bà ấy vẫn có lòng yêu thầm người đàn ông
dửng dưng từng có tổng cộng 5 đứa con với mình. Và ghen lồng khi
chạm mặt người đàn bà khác, xinh đẹp hơn, được tiếp đãi thương yêu
hơn mình. Và sầu hận quay quắt khi, một lần nữa sau rất nhiều lần, nhận
ra mình chỉ là con sâu cái kiến:
-“[…] Năm tôi chừng 10 tuổi, một buổi chiều nắng vừa tắt, tôi đang
chạy chơi trong vườn, quần áo, mặt mũi lem luốc bụi đất và mồ hôi thì
nghe tiếng mẹ gọi ầm ỹ từ căn bếp ám khói. Giọng bà hổn hển: ‘Con lên
gác, bảo bà khách về đi vì sắp đến giờ cơm của thầy rồi!’ […] tôi hơi
sợ, bèn nhanh trí đổi lời mẹ dặn: ‘Thưa thầy, dọn cơm được chưa ạ?’ Bố
tôi từ tốn trả lời, dịu dàng khác hẳn mọi khi: ‘Thầy có khách, con bảo cô
S. làm thêm vài món, xong thì bưng lên.’ Tôi trở xuống, vào bếp, đã
thấy đôi mắt mẹ nhìn tôi, chờ đợi. Tôi lập lại lời bố, chưa hết câu thì giật
bắn mình thấy mẹ tôi phang mạnh vào tường thanh củi đang cháy dở
trên tay bà […]Bà khách của bố trông sang trọng và đẹp hơn mẹ tôi vạn
lần. […] Sau này khi khôn lớn, nhớ lại chuyện cũ, tôi mới hình dung
được là mẹ tôi… ghen. Trí nhớ tôi ghi đậm hình ảnh bà đôi mắt thất
thần, lam lũ trong chiếc áo cánh vải trắng ám mùi hành tỏi, quay quắt đi
tìm tôi trong khu vườn rộng với nỗi lo âu, thổn thức buồn tủi trong trái
tim không khác gì trái tim của bất cứ phụ nữ sang/hèn nào trên mặt đất
này…” [Bùi Bích Hà, “Không còn Khổ đau”, Đèn Khuya-Tập 1, Trang
404-405, Nhà Xuất bản Người Việt Books, 2018]
Sau này, nhớ tới mẹ, hình ảnh còn hiển hiện với bà vẫn là một trong
những hình ảnh khi ghen hờn đó:
-“Hay hình ảnh thật về mẹ tôi là người đàn bà một mình trong nhà kho
chứa củi, khăn áo xổ tung, vừa chửi bới vừa hồng hộc điên cuồng ném
những thanh củi khô vào tường, máu tươm đỏ trên đầu những ngón tay
và mắt lệ chứa chan?…” [Bùi Bích Hà, “Đi qua đời nhau”, sđd]
Chồng không, con cũng không. Ngày cưới con gái, bà lo lắng cho các
mâm cỗ tuy sẽ không được phép thưởng thức; nhưng ai oán hơn, không
được phép ra mặt :
-“[…] Còn mẹ tôi nữa! Ngày cưới tôi sao mẹ vẫn cặm cụi trong gian bếp
ám khói, cũng không có mặt bên tôi để tiễn đưa và chúc con hạnh
phúc…”[Bùi Bích Hà, “Khóc một thành phố”, Ngày 6.6.2018,
https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-little-saigon/khoc-mot-thanh-pho/]
Điều bất công lớn nhất do phong tục tập quán thời đó gây ra trong
trường hợp này là thân mẫu bà không hề có quyền tư hữu, ngay trên đời
sống chính mình, chứ chưa kể tới những đứa con. Đòi hỏi quyền tư hữu
ấy, bà sẽ bị trừng phạt bằng pháp luật vì, ngay từ đầu, người con trai đã
không mang tên bà:
-“[…] Đám cưới mẹ bên giường bệnh ông Ngoại và chuyến bay đưa mẹ
vào cuộc đời riêng với hình ảnh bà ngoại giấu mình trong dãy nhà kho
tối tăm, tay xoắn vạt áo khóc thầm […] mẹ có cảm tưởng bà không có
một phút giây nào rời đôi mắt khỏi những bước chân lầm than của bà
trên con đường bổn phận. Khi bắt đầu lớn khôn, mẹ có lần hỏi bà “Sao
mẹ không bỏ đi?” Bà ngoại vò tóc mẹ, cười: “Đem con về quê thì con
phải mò cua bắt ốc, cực lắm. Đem cả anh con đi thì thầy sẽ bỏ tù mẹ,
không được gần các con nữa”…” [Bùi Bích Hà, “Thư viết cho con gái
lúc dọn nhà”, Văn Học, Số 122, Trang 116, 118, Tháng 6. 1996]
Bởi thế, thảm kịch không-tư-hữu kết thúc với kết quả tuy bất ngờ nhưng
có thể đoán được khi sự thật bị khám phá: Người anh trai bỏ học, bỏ nhà
đi lính nghĩa là bỏ luôn quá khứ rỗng vàng son dấn vào một đời khác tại
một nơi chốn hoàn toàn xa lạ. Người cha tưởng được con trai kề cận,
ngờ đâu trắng tay khi người con cố ý chọn một cuộc sống trôi nổi nhiều
phần nguy hiểm đến tính mạng.
3.2 Anh em như tay chân [Bùi Bích Hà]
Mọi người trong thảm kịch này đều là nạn nhân. Bùi Bích Hà và mẹ dắt
díu nhau trên con đường học vấn và lập thân của bà:
-” […] Hai anh em tôi sinh ra cùng một mẹ cha nhưng chúng tôi chỉ biết
điều này khi anh tôi 17 tuổi và tôi 14. Hoàn cảnh éo le ấy là do bố tôi
hiếm muộn, ngoài 50 vẫn chưa có mụn con nào. Hai mẹ già tôi là vợ cả,
vợ hai của bố tôi […] Dưới mắt anh, tôi là con của cô S, người hàng
ngày nấu cơm, dọn cơm cho anh ăn, giặt quần áo, bỏ màn buổi tối cho
anh đi ngủ, vắt màn và làm giường buổi sáng khi anh thức dậy, v.v […]
cho tới một hôm, anh tôi không bằng lòng với những món ăn “cô S” dọn
ra mâm và bưng lên bàn cho anh ăn trưa nên anh vung tay hất cả mâm
cơm đổ xuống đất rồi chạy lên lầu mách bố tôi […] Có lẽ việc này là
giọt nước cuối cùng làm tràn cái ly đã quá đầy nên ông quản gia lâu
năm, rất mực trung thành của gia đình tôi không nhịn nữa, […] nên ông
tiết lộ bí mật với anh tôi: “Này cậu, ‘cô S’ là mẹ đẻ của cậu đấy, không
phải bà L. đâu!” Tôi thấy anh tôi đứng ngây ra một lúc, không nói gì rồi
lẳng lặng vào phòng riêng đóng cửa lại. Ít lâu sau, anh bỏ học và anh nói
với bố tôi anh muốn tình nguyện vào trường Bộ Binh Thủ Đức…” [Bùi
Bích Hà, “Anh em như tay chân”, Đèn Khuya-Tập 1, trang 13-15, Người
Việt Books xuất bản, 2018]
Một lần nữa, tôi rất cảm ơn Bùi Bích Hà vì, khác tôi, bà đã có can đảm
và tự tin khiến vượt qua mọi ngần ngại hầu trình bày và phân tích về
những kinh nghiệm oan trái của chính mình chỉ vì muốn cổ động và
thuyết phục độc giả và thính giả phụ nữ tiến bộ từ bản thân tới xã hội.
Khi còn sinh tiền, biết tôi là người cực kỳ riêng tư–tối kỵ những kẻ nhân
danh văn chương nghệ thuật để tự tô điểm, than thở hoặc loại tabloid/lá
cải nhân danh nữ quyền để nhăng cuội về đời riêng cũng như đời văn
người khác dù chưa hề giáp mặt–bà đã thổ lộ: “Em ạ, nếu chị nói rõ đến
thế thì người đọc mới tin, mới hiểu rằng những đối đáp với họ cũng là từ
trái tim, kinh nghiệm sống của chị. Chị cũng như họ thôi, có lúc đã ngã
quỵ, rồi phải bò rồi mới dậy mới đi mới chạy được.” Những lời tự thuật
này cũng giải nghĩa sự thành công của bà trong các buổi tâm tình hay
hội thoại với độc giả phụ nữ. Phấn đấu lớn nhất của bà là quyết tâm tìm
đường thoát bằng học vấn, từ khi chỉ 12 tuổi:
-“[…] -“[…] Nhất bưởi, nhì phu, tam thu, tứ tín.” Bố tôi là người giàu
có thứ tư trong cả nước[…] Khi tôi cần cặp sách để đi học, Thuý biết
nhiều khi đi học mình không có cặp sách thì tôi cứ lấy hai cái áo dài vắt
lên trên bụng để làm thành một nếp gấp, để mình cho tập vở vào thì
được, nhưng mà bút với thước thì hai bên trống không có gì kín hết, thì
lại rơi ra. Nên mẹ tôi thấy mới nói với bố tôi là, thầy cho em Bích mua
cặp sách đi học không thôi thì bút viết rơi lả tả ở trên đường. Tôi nghe
bố tôi nói với mẹ tôi rằng là cô bảo với nó muốn cặp sách đẹp thì học
cho giỏi đi để có tiền mua, đừng có xin...” [Đặng Thúy Võ phỏng vấn
Bùi Bích Hà , Vietnamese American Oral History Project– UC Irvine-
Đoàn Giang ghi lại, Ngày 23.12.2012.
http://ucispace.lib.uci.edu/bitstream/handle/10575/3273/vaohp0082_f01
_viet.pdf?sequence=4]
-“[…] Lý do tôi thi vào đệ thất trường Đồng Khánh Huế sau khi học hết
bậc tiểu học ở Jeanne d’Arc là vì lúc bấy giờ bố tôi đã già, gia cảnh bắt
đầu sa sút, tôi lại có một ông anh đang học nội trú tại Thiên Hựu Học
Đường, phí tổn hàng tháng phải trả cho anh bằng với năm lần sự sống
của một gia đình nghèo. Tôi là con gái, không được bố kỳ vọng mấy, vì
vậy, tháng tháng phải lên xin ông tiền học, đối với tôi là cả một cực
hình. Thường thường, tôi đứng lấp ló đến mỏi rục cả hai chân ở chỗ
quanh cầu thang mà vẫn chưa tập trung đủ can đảm để dàn mặt bố. Ở
lớp học, tôi luôn luôn bị gọi tên vì trả học phí chậm. Cũng may là tôi học
giỏi nên ma soeur thương tình. Thi đậu xong bằng tiểu học, muốn nộp
đơn thi tuyển vào đệ thất Đồng Khánh, tôi cần cái chứng chỉ tạm do Hội
Đồng Giám Khảo kỳ thi tiểu học gởi về trường gốc. Các ma soeur hẳn
trông vào thanh thế trước đây của bố tôi, lại tiếc đứa học trò có đôi chút
triển vọng nên giữ rịt cái chứng chỉ tạm, chỉ vuông vức bằng lòng bàn
tay một người lớn, không chịu trao. Các soeurs không biết nội tình gia
đình đứa học trò khốn khổ là tôi, những buổi chiều sân trường ươm
nắng, tôi đứng vẩn vơ ở một nơi nào đó, nhìn các bạn nội trú ăn gouter
với chuối và phó mát, bánh mì nướng và mứt dâu mà thèm, mà ao ước.
Cũng những bạn ấy, khi tan trường, tôi nhìn thấy họ đi những bước chân
sáo dọc theo cái hành lang rộng với quần áo giặt ủi thơm tho xếp gọn
gàng trên tay, để đến phòng tắm nội trú. Các ma soeur đâu biết rằng từ
lúc đó cho đến chạng vạng hoàng hôn, tôi vẫn còn phải đi những bước
cuối để về nhà trên chặng đường dài hơn bảy cây số, qua hai con sông,
chỉ có một trò chơi giải khuây là đếm cột điện hoặc vừa đi vừa tung ném
hai chiếc guốc gỗ. Các ma soeur cũng đâu có biết là suốt mùa đông ẩm
ướt và giá lạnh ở Huế, trong lúc các bạn tôi ấm áp đến trường trên những
chiếc xe kéo che diềm kín mít (những tấm diềm vải nâu mới cong, có
những cái khoen bằng thiếc sáng lấp lánh) hoặc trong những chiếc áo tơi
nhựa xinh xắn thì tôi đã phải thức dậy từ nửa đêm để cố đến trường lúc
chưa có ai, dấu cái tơi lá của tôi vào cuối bờ dậu rồi đội cặp sách lên đầu
mà ù té chạy qua sân để vô lớp, không cho ai thấy cái thiếu, cái nghèo
vẫn làm tôi khổ sở vì xấu hổ. Vì vậy, tôi nhất quyết phải ra khỏi cái thế
giới trưởng giả mà bố tôi, chắc là vì tương lai học hành của con, đã có
lúc vô tâm bỏ tôi vào bằng thông hành của ông rồi quên đi. Tôi nghĩ
ngợi lao lung mất mấy ngày mới tìm được kế đánh lừa soeur C. để lấy tờ
chứng chỉ. Tôi nói với soeur là: Nếu bố con không thấy bằng chứng con
thi đậu, ông không cho con tiếp tục học nữa…” [Bùi Bích Hà, “Trường
Đồng Khánh: Giấc Mơ Một Đời”, Phương trời khác, trang 41-43, Nhà
Xuất Bản Cảo Thơm, California, 2002]
Bà thi đậu vào trường Nữ Trung học Đồng Khánh, rồi tự lực cánh sinh
tiếp tục thi đậu vào trường Đại học Sư Phạm, Huế. Qua những trang tự
sự, bà giúp chúng ta cảm nhận được thứ văn hóa “trọng nam khinh nữ”
đã luồn những chiếc rễ đầy độc dược của một thứ đại thụ, bẩy tung
nhiều mối liên hệ gia đình và sự tiến thủ của một cá nhân. “Cô S.” (bà
thân mẫu) đại diện cho đa số phụ nữ giai cấp “mò cua bắt ốc” khi đối
chiếu với các Cô Loan và Cô Mai trong Tự Lực Văn Đoàn của giai cấp
trung lưu. Số phận họ cũng không khác gì nhau lắm.
Hai anh em bất ngờ rời tổ ấm gia đình. Người anh đột ngột bỏ học, lập
tức gia nhập Quân lực Việt Nam Công hòa, binh chủng Công Binh. Phần
Bùi Bích Hà, sau khi tốt nghiệp và đi dậy một thời gian rất ngắn, bà
thình lình lập gia đình, hầu yên lòng mẹ, qua cuộc “coi mắt” chớp
nhoáng của đàng trai rồi theo chồng xuôi Nam. Quyết định gượng ép
này, theo bà, gây nhiều hậu quả gian nan, nhưng chính vì thế, khơi
nguồn tự tin vào việc sử dụng truyền thông để giúp chị em khác.
3.3 Thân em như hạt mưa sa/Hạt vào gác tía, hạt ra ngoài đồng
Độc giả cũng có thể đoán biết tâm sự của bà qua một cuộc hôn nhân bị
xếp đặt với một người chồng hội đủ điều kiện được xã hội kính trọng.
Cuộc “sống chung không dài” khoảng mươi năm ấy phơi bầy não nề
không e dè trong cả sáng tác lẫn tự sự dù bà đã thu mình hết sức vào bổn
phận làm vợ, dù công khai chịu đựng nỗi sầu riêng, kể cả nỗi sầu không
được phép sáng tác trong rất nhiều năm. Cuộc hôn nhân ấy được định
nghĩa bằng một điều vô nghĩa và bạc bẽo khôn cùng::
-” […] Bố tôi yên lặng thắp hai nén nhang, đưa cho đôi tân hôn mỗi
người một, bảo vái nhau. Có lẽ người đàn ông số phận bỏ vào đời tôi
chưa bao giờ nghe hay biết tới câu phương ngữ của người xưa: ‘Phu phụ
tương kính như tân’ nên sau này, anh nhiều lần đay nghiến tôi về cử chỉ
của bố tôi… Với anh, nếu là thế, chỉ người đàn bà phải vái lạy chồng
mình như một trong tứ đức xã hội dạy họ. Trong mắt anh, tôi đứng ngoài
lề thói, không được dạy dỗ đúng chuẩn mực nên trong cuộc sống chung
không dài, mỗi khi cần sửa trị tôi, anh luôn bắt đầu bằng câu: ‘Em ạ, con
nhà có giáo dục thì…'[…] Ngày ấy, chưa biết thế nào là biệt ly, tôi làm
sao hình dung được cảnh nhà quạnh quẽ khi cha mẹ đã già, anh tôi sống
đời quân ngũ rày đây mai đó, để tôi biết nói không cho một điều vô
nghĩa và bạc bẽo khôn cùng […] Mẹ tôi biết tôi đang đi con đường hôn
nhân gập ghềnh, buồn tủi […] Càng không hối tiếc đã dắt tay con đi vào
nơi khó khăn […] Mẹ lìa xa khu vườn mẹ yêu thương, chăm chút, xách
giỏ theo tôi, bồng bế các cháu […] không một lần nhắc lại Huế, sợ tôi vì
mẹ mà tan đàn sẩy nghé. Mẹ biết đâu không vì mẹ, cũng có ngày chúng
tôi tan đàn sẩy nghé…” [Bùi Bích Hà, Mai tôi về Huế,
https://www.diendantheky.net/2021/07/bui-bich-ha-mai-toi-ve-hue.html]
-” […] Phu quân tôi có thói quen, nếu không đi đánh phé hay nhảy đầm,
đi ngủ vào lúc chín giờ. Khi chàng lên giường, đèn đóm trong phòng
phải tắt hết. Chàng không bao giờ đọc sách, bất luận sách gì. Vì vậy, tôi
làm cô giáo để mưu sinh, làm vợ, làm mẹ, làm chị sen để phục vụ hạnh
phúc gia đình, không có hoàn cảnh hay điều kiện làm nhà văn. Hơn hai
mươi năm sống giữa ‘Sài thành hoa lệ’, tôi lẩn khuất như một con chuột
ngày ở mấy con hẻm chật […] Con cá nhỏ rạt lên bãi cạn, mắc kẹt trong
sỏi đá, chết khô. Một hôm, phu quân của tôi ở ngoài phố về, cười bảo
tôi ‘Em nói hồi xưa em viết báo, làm văn chương. Bây giờ bộ Thông Tin
Chiêu Hồi mở cuộc thi truyện ngắn, giải thưởng hai mươi lăm
ngàn (tương đương ba lạng vàng vào năm Mậu Thân) đây này, có giỏi
thì viết đi.” Lòng tê tái, tôi tìm cách thoái thác “Em không có máy đánh
chữ“. Chiều hôm sau, phu quân tôi tan sở về, xách theo cái máy đánh
chữ của sở. Hơn cả lời thách thức của người bạn đường, hơn cả sự hấp
dẫn của ba lạng vàng, tôi ôm lấy cơ hội được cầm lại cái bút đã nhiều
năm không còn viết một điều gì cho riêng tôi. Trong mấy đêm liền, khi
con cái đã ngủ yên, tôi ngồi viết như một người mê sảng. Truyện ấy gửi
đi dự thi dưới mỹ danh của phu quân tôi. Ít lâu sau, một thư của bộ Dân
Vận Chiêu Hồi gởi đến nhà, báo tin truyện ngắn dự thi của chàng được
chấm giải nhất, mời chàng tới lãnh giải tại trụ sở trên đường Thống
Nhất. Hôm đi nhận thưởng, chàng đem tôi theo. Tôi nhìn chàng được
nồng nhiệt bắt tay và khen ngợi, như chuyện đó không liên quan gì đến
tôi…” [Bùi Bích Hà, “Tại sao viết văn-Bàn tròn văn học”, Thế Kỷ 21, Số
59, Trang 68-69, Tháng 3.1994]
-“Cô cũng có sinh các em, lập gia đình cho đến khi anh cần tự do của
anh, anh muốn tự do của anh trở lại thì cô trả lại tự do cho anh ấy là
xong…” [Đặng Thúy Võ phỏng vấn Bùi Bích Hà , Vietnamese American
Oral History Project– UC Irvine- Đoàn Giang ghi lại, sđd]
“Sửa trị“! “Con nhà có giáo dục“! “Hôm đi nhận thưởng, chàng đem tôi
theo. Tôi nhìn chàng được nồng nhiệt bắt tay và khen ngợi, như chuyện
đó không liên quan gì đến tôi“!!! “Muốn tự do của anh trở lại…”! Dù đã
biết Bùi Bích Hà rất kỵ cô Thúy Kiều nhưng không lần nào nhớ lại mấy
câu này mà tôi nén mình quên được “Thân lươn bao quản lấm đầu…”
(Nguyễn Du). Cuộc hôn nhân ấy kết thúc rất giản dị khi người chồng
“muốn tự do” để lập gia đình với người khác. Hai chữ “là xong” của Bùi
Bích Hà nhẹ như một tiếng thở dài nhưng cũng nặng như một nỗi thống
hận. Thật ra, hai chữ này mới dành cho bà. Bà đã nhẫn nhịn hết mức, hy
sinh cả phẩm giá nhưng cuối cùng vẫn “là xong“, là thôi. Kỳ lạ thay,
định mệnh của mẫu thân mà bà muốn tránh lại tái hiện qua cuộc hôn
nhân tê tái và cái chết của con gái. Trong đời bà, có 2 cái chết của 2
người thân, cùng vì chiến tranh, sẽ tái hiện lẩn khuất nhưng luôn luôn
ngự trị tới những giòng chữ cuối. Người thứ nhất là người chị cả Bùi
Túy Sơn. Người thứ hai là cô con gái Thái Hà.
3.4 Hồn ngẩn ngơ dòng suối rừng sim (Nguyễn Du)
Bùi Túy Sơn, người chị cả, mất tích vì bị quân Pháp giết lầm theo Chị
Thúy, một truyện ngắn trong tuyển tập Hạnh phúc có thật (Nhà Xuất bản
Văn Mới, 2001), xuất hiện lần đầu trên tạp chí Văn, 1996:
-“Chị Thúy theo chồng được mấy tháng thì mặt trận Việt Minh kết thúc
[…] Khi họ tiến vào Phù Cát, nghe nói anh Mỹ và chị Thúy từ hầm trú
ẩn chạy về phía họ thì do ngộ nhận, quân Pháp tưởng lầm anh chị là cán
bộ Việt Minh tan hàng nên bắn gục cả hai trên đường sắt trước cửa nhà
ga. Nghe nói người đưa tin cho bố tôi đã tìm thấy trong túi áo anh Mỹ tờ
giấy viết những dòng như sau ‘Nếu tôi có mệnh hệ nào, xin người nhặt
được giấy báo tin này cho nhạc phụ tôi là cụ Hường B. số
nhà…đường…thành phố Huế. Thương nhớ anh, tôi tự nhủ thầm : “Anh
chỉ có cơ hội gọi bố em là nhạc phụ khi anh qua đời…'” [Bùi Bích Hà,
“Chị Thúy”, Văn số 160, trang 17-22. Tháng 9. 1996 (3)-Nhà văn
Nguyễn Xuân Hoàng, kế nhiệm Nhà văn Mai Thảo từ số này]
Nhiều chi tiết trong Chị Thúy về Bùi Túy Sơn trùng hợp với lời tự thuật
của Bùi Bích Hà trong cuộc phỏng vấn vào năm 2012:
-“Sau này năm 1945, chị lớn tôi lập gia đình với một người gọi là trưởng
khu hoả xa ở Tam Kỳ. Khi mà quân đội Pháp rút đi thì anh chị cũng trốn
vào một nơi hầm trú ẩn nào đó. Khi người Pháp trở lại tiếp quản thì anh
chị tôi nghĩ rằng mình là nhân viên cũ của chế độ thì có thể đi ra, và coi
như là mình thoát chết, thì hai anh chị dẫn nhau ra trên đường rầy xe lửa.
Tôi chỉ nghe kể lại thôi. Khoát tay cho quân đội Pháp biết là mình là
người của họ, nhưng có lẽ vì Pháp không phân biệt được thế nào là Việt
Minh, thế nào là người của họ, thành ra họ bắn một tràng đạn trên đường
rầy xe lửa, anh rể tôi mất, còn chị tôi thì không có tin tức gì hết, không
biết thất lạc hay là mất, tại vì sở dĩ nhà biết tin là có một người sau này
thấy trong túi áo người anh rể tôi có một tờ giấy nhỏ viết là: “Nếu tôi có
mệnh hệ nào thì xin báo tin cho cụ Hùng Bùi ở Huế được biết.” Thì gia
đình biết anh đã mất rồi, nhưng mà không có tin tức gì của chị hết từ
ngày đó đến giờ…” [Đặng Thúy Võ phỏng vấn Bùi Bích
Hà , Vietnamese American Oral History Project– UC Irvine- Đoàn
Giang ghi lại, sđd]
Sau người chị cả, cái chết của cô con gái sẽ được bà viết đến nhiều lần,
như một người mở đi mở lại xem kỹ một vết thương chưa lành, cố tự
thuyết phục ảo tưởng đã thành sẹo nhưng chỉ lại bàng hoàng trước huyệt
máu tươi nguyên. Bà phân giải về lý do oan nghiệt đẩy đến quyết định
cho con gái vượt biển:
-“Con cô không ngoại lệ, nó đang ở tuổi niên thiếu mà, 13, 12 tuổi, băt
buộc cháu phải đi sinh hoạt. Một hôm cô bắt được cái thư của anh đội
trưởng đội cháu sinh hoạt, nó viết thư tỏ tình với cháu. Cháu đưa cho cô
xem. Bắt buộc cô phải lên trên quận đoàn, quận Phú Nhuận. Cô đi
phường đoàn trước, rồi sau cô mới lên quận. […] anh hứa là anh sẽ sữa
chữa […] Nhưng mà cô không tin nữa, cô bắt đầu nghi ngại rồi […]. Cô
nghĩ đến chuyện cho cháu đi. Thì lúc bấy giờ cả Sài Gòn sôi nổi vấn đề
vượt biên […] Đến năm 79 cô mới có cơ hội để cho em đi. Chuyến đi
của em mất nạn, không thành công, nên cô mất em trong chuyến
đó….”[Đặng Thúy Võ phỏng vấn Bùi Bích Hà , Vietnamese American
Oral History Project– UC Irvine- Đoàn Giang ghi lại, sđd]
Nhiều chi tiết của cuộc vượt biển từ khi giao tiền đến lúc nhận xác và
chôn cất con gái được chuyển hóa trong truyện ngắn/tự sự Vết chàm
xâm:
-“[…] Sau cùng, khi chúng tôi đến nơi thì những người tù cải tạo do
Công an lấy từ trại giam của tỉnh Cần thơ ra đang hì hục đào đất dưới
ánh lửa bập bùng của hai cây đuốc cắm trên thành một cái xe bò bên trên
để một cái gói lù lù bọc ny lon xanh. Tôi biết ngay là xác con gái tôi
trong đó, chắc chắn cũng đã chương sinh như xác một con bò mộng! Tôi
lao đến. Người ta giúp tôi run rẩy lật miếng nylon nhỏ không đủ phủ kín
hình hài con tôi để nhìn mặt cháu lần cuối cùng. Như có một tiếng sét nổ
trong đầu tôi vỡ tung, mắt tôi như bị lửa bỏng rát, tôi lăn ra đất và nghe
tiếng khóc của tôi như từ một cõi xa lạ nào! Tất cả quang cảnh trước mặt
tôi bỗng thu vào một đốm sáng nhỏ, xa dần rồi mất hút vào một thinh
không lặng ngắt. Tôi tỉnh lần trong tiếng đất rớt lộp bộp trên miếng
poncho gói một phần xương thịt dấu yêu của chính tôi từ nay chôn vùi ở
cái xó quạnh hiu này. Hai cây đuốc đã tắt ngấm. Công an đã rong những
người tù khốn khó về trại giam trong tiếng bánh xe bò lăn cọc cạch qua
thửa đất mấp mô sỏi đá, tiếng những cái xẻng va vào nhau kêu xủng
xoảng trong thùng xe như tiếng nghiến răng của thần chết. Đám đông
hiếu kỳ cũng đã hết nước mắt cảm thương và tản mác ra về, chỉ còn tôi
bên nắm đất tối đen đào lấp vội vàng và bác nông dân già trông nom khu
nghĩa địa. Bác không nói gì, yên lặng hút những điếu thuốc rê vấn to
bằng ngón chân cái. Đốm lửa to tướng trên đầu điếu thuốc của bác như
một con mắt căm thù thao thức trong bóng đêm…” [Bùi Bích Hà, “Vết
chàm xâm”, Buổi sáng một mình, trang 100, Nhà Xuất bản Người Việt,
1989]
Và rành rẽ trong một bài tự sự khác:
-“[…] Thời gian ở Mỹ, tôi vẫn đều đặn hàng năm gởi tiền về Chùa (nơi
ký vong cháu) và về An Dưỡng Địa Phú Lâm (nơi gởi tro cốt cháu) để
nhờ quý vị trụ trì các nơi này hương khói, giúp săn sóc chút di hài của
cháu. Năm 2001, tôi về quê hương thăm mộ thân phụ ở Huế xong thì
vào nam (sic) thăm nơi an nghỉ của con gái. Cái hộp kiếng trong suốt
bên ngoài hũ tro của cháu ngày tôi ra đi, sau 15 năm trong một góc tối
của bảo tháp, chen chúc với nhiều tro cốt khác tới sau, đã bám đầy bụi
đen như bồ hóng hay muội đèn. Quá đỗi thương tâm, tôi vội vàng đóng
lệ phí cho chính quyền ở cả hai nơi để xin trích xuất cháu ra. Chúng tôi
thuê sẵn xe và trực chỉ con đường oan nghiệt bất ngờ đưa cháu về cõi
khác 23 năm trước tính từ ngày miền Nam Việt Nam thất thủ. Xe tới bến
Ninh Kiều, Cần Thơ, chúng tôi xuống thuyền trong một buổi trưa nắng
chói lòa trên dòng sông Hậu gió lồng lộng. Thuyền ra giữa mênh mông
trời nước Tây Đô, tôi ôm bình tro của cháu, đặt nằm nghiêng trên mặt
sông cuồn cuộn sóng để gió lùa hết những gì còn lại của kiếp người ngắn
ngủi, thả xuống đáy mộ sâu. Cùng với cháu, một phần xương thịt của tôi
cũng mãi mãi ở lại khúc sông này của quê hương một thời tan tác khổ
đau.” [Bùi Bích Hà, ” Cõi khác”, Đèn Khuya-Tập 1, trang 192]
Bảy năm sau cái đêm đưa con vào lòng đất, Bùi Bích Hà cùng đàn con
còn lại và thân mẫu bỏ xứ sang Hoa Kỳ.
3.5 Bầy chim bỏ xứ [Phạm Duy]
Như đa số mọi người bỏ xứ, Bùi Bích Hà không trở lại được ngành dậy
học. Nghề viết bất đồ trở lại rất tình cờ:
-” […] Di tản qua Mỹ sau 11 năm kẹt lại Việt Nam trong biến cố 30
tháng 4/1975, tôi đi làm lao động chân tay để cấp tốc ra khỏi trợ cấp xã
hội chỉ sau chưa đầy 2 tháng, từ ngày 13 tháng 1/năm 1986 đến ngày 6
tháng 3/ năm 1986. Một công việc không chuyên môn, lương thấp,
không đủ để bao bọc cuộc sống tươm tất cho 4 mẹ con, bà cháu, tôi phải
kiếm việc làm thêm […] Nghĩ đi nghĩ lại, chưa biết làm gì để cải thiện
đồng lương eo hẹp dù lúc đó, ngoài công việc lao động chính tại công ty
Baxter, tôi đã làm thêm một việc văn phòng từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối
ở một chi nhánh bảo hiểm All States. Dịp may khi tôi gặp lại anh Trần
Đ. Quân, một đồng môn thời trung học ở Huế, lúc đó đang làm việc cho
công ty Người Việt. Anh bảo tôi: ‘Toa viết lách được, phụ moa làm
trang Phụ Nữ cho tờ báo đang thiếu trang này nhé!’ Nghe anh đề nghị,
khuyến khích, tôi nhận lời ngay, mừng rơn. Từ đó, 5 ngày trong tuần với
thời khóa biểu mỗi ngày từ 5 giờ sáng đến sau 12 giờ đêm không ngưng
nghỉ, tôi chu toàn được chi phí sinh hoạt gia đình trong tình trạng thiếu
ngủ thường xuyên. Dẫu sao, suốt 15 năm tiếp theo, tôi trải qua một thời
gian tuy vất vả đấy nhưng vô cùng hạnh phúc, vừa sinh nhai vừa vui
chơi với chữ nghĩa. Tôi viết truyện ngắn, tùy bút, làm thơ, trả lời thư độc
giả gởi tới tòa soạn và được công ty Người Việt giúp xuất bản cuốn
truyện ngắn đầu tay Buổi Sáng Một Mình…” [Bùi Bích Hà, “Chữ
Nghĩa”, Đèn Khuya-Tập 1, trang 145-157]
“15 năm tiếp theo” và sau đó nữa, tổng cộng vài chục năm tại xứ người,
Bùi Bích Hà “viết truyện ngắn, tùy bút, làm thơ, trả lời thư độc giả…”
và còn làm gì nữa? Tôi trích rất dài phần tiểu sử để hướng đến phần
“còn làm gì nữa” vì muốn trình bày về sự chọn lựa lãnh vực báo chí và
truyền thanh của bà.
Từ trái: Nhà thơ Trần Mộng Tú, chủ biên Diễn Đàn Thế Kỷ Phạm Phú
Minh, và nhà văn Bùi Bích Hà tại vườn nhà Phạm Phú Minh, năm 1998
(Hình: Phạm Phú Minh)
4. Sinh hoạt Văn Chương, Báo Chí và Truyền Thanh
Tôi có thể nói mà không sợ lầm, rằng tên tuổi nhà văn Bùi Bích Hà được
liên kết tới nhiều người trong văn giới và báo giới như nhà báo Đỗ Ngọc
Yến (Sáng lập nhật báo &Công ty người Việt), nhà báo Lê Đình Điểu
(Chủ nhiệm Thế Kỷ 21 & Giám đốc Đài Phát Thanh VNCR), nhà văn
Phạm Xuân Đài (Chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21), nhà văn Nguyễn Mộng
Giác (một trong những người sáng lập tạp chí Văn Học), nhà văn
Nguyễn Xuân Hoàng (Tổng Thư ký nhật báo Người Việt kiêm Thư ký
Tòa soạn tạp chí Thế Kỷ 21 và Chủ nhiệm & Chủ bút tạp chí Văn) hay
nhà thơ Trần Mộng Tú. Sự liên tưởng ấy không phải là không có lý do.
Cặp bạn Bùi Bích Hà-Trần Mộng Tú thường xuyên nhắc đến nhau luôn.
Hai người có thời cùng làm báo Phụ Nữ Gia Đình Người Việt. Các ông
chủ nhiệm/chủ bút thượng dẫn đều quen biết với bà cả. Bà cộng tác bền
bỉ với Công ty Người Việt từ thời Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu cho đến
khi qua đời tuy có lúc gián đoạn. Tuy thế, sự liên tưởng này có thể
không chính xác nếu xét về các lãnh vực hoạt động dù bà có tiếng quen
biết hay hợp tác trong một thời gian dài.
4.1 Báo quan-sang
Bùi Bích Hà là một nhà văn. Cái đó đã hẳn. Bà viết rất sớm, từ lúc là
thiếu nữ:
-“Nhớ lại năm tôi 15 tuổi, thầy giáo tôi thấy đứa học trò có năng khiếu,
đã khuyến khích nó viết và giúp nó gửi bài đi dự thi giải truyện ngắn của
tuần báo Thẩm Mỹ ở Sàigon…” [Bùi Bích Hà, “Tuổi thơ”, ngày 30.6.
2016, https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-little-saigon/tuoi-tho/]
Thanh Nam và Tô Kiều Ngân là hai người đầu tiên thuộc thế giới văn
chương mà bà diện kiến:
-“Bữa hai anh Thanh Nam và Tô Kiều Ngân, đại diện tuần báo Thẩm
Mỹ đem giải thưởng một truyện ngắn trúng tuyển của tôi ra tận Huế
(gồm mấy trăm bạc và mười bức tranh lụa mô tả mười phong thái đánh
đàn của cô Kiều), bố tôi trình trọng mặc áo the, đội khăn xếp, pha trà tàu
tiếp khách văn phương xa thay cho con. Khách về rồi, bố ngồi lặng trên
tràng kỷ, một lúc mới khẽ khàng bảo con gái “con tập tành viết lách lăng
nhăng như thế đủ rồi, phải dốc lòng lo việc học. Người viết văn ở nước
ta nghèo rớt, vả chăng, con gái, đàn bà mà viết văn thì rồi thân thế long
đong lắm con ạ.” Bố tôi thở dài…”[Bùi Bích Hà, “Tại sao viết văn”, Thế
Kỷ 21 Số 59, trang 68, tháng 3.1994]
Nhà văn Duy Lam là người thứ ba rồi đến nhà văn Nhất Linh:
-“[…] Năm tôi mười bẩy tuổi, do nhà văn Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn
(lúc bấy giờ đang đóng quân ở Huế) khuyến khích, tôi có gửi vài truyện
ngắn ký bút hiệu Chi Hương, được Nhất Linh cho đăng ở Văn Hoá Ngày
Nay, bộ mới, với lời khen ngợi qua một thư ngắn viết tay cho tôi mà tự
dạng về sau tôi có dịp so sánh, rất giống với nét chữ của những nhà văn
khác thế hệ thứ hai của dòng họ Nguyễn Tường, mỏng, nhỏ, ngoằn
ngoèo, gẫy vỡ, chông chênh nhiều khoảng trống xung quanh”… [Bùi
Bích Hà, “Sự sống và cái chết của con người ngoại khổ”, Thế Kỷ 21 Số
159-Chủ đề “Ngày 7.7: Tưởng niệm Nhất Linh“, Tháng 7.2002, trang
48-
* Tưởng nhớ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
https://www.diendantheky.net/2021/07/nguyen-tuong-thiet-en-khuya-
vut-tat.html#more]
Sau Thanh Nam, Tô Kiều Ngân, Duy Lam và Nhất Linh trước 1975, hãy
đọc họa sĩ/nhà văn Võ Đình nhận xét về văn Bùi Bích Hà sau 1975:
-“[…] Sau đây, xin ghi thêm đôi ba ý nghĩ về hai trường hợp đặc biệt,
rất đặc biệt, của “chay” và “mặn”. Một, là trường hợp nhà văn Bùi Bích
Hà. Truyện của bà không có, hoặc có rất ít, những cái mà chúng ta
thường gọi là “mùi mẫn”. Cái mà ‘cõi viết’ của Bùi Bích Hà có nhiều,
Bùi Vĩnh Phúc (trong cuốn Lý Luân và Phê Bình, Văn Nghệ, 1996) đã
nói đến rồi, và nói rất hay: “(…) Chỉ với tập truyện ngắn và một vài bài
tùy bút (…) bà đã để lại những ấn tượng rõ nét trong lòng người đọc về
một văn phong, trầm lắng nhưng lại ẩn chứa đầy những sôi sục bên
dưới, và một trái tim thiết tha nhưng luôn quằn quại với những câu hỏi
của đời sống‘.
Là một người đọc truyện (chứ không phải một nhà phê bình văn học) tôi
thấy Bùi Bích Hà viết… “mặn” đáo để. Điều đáng ghi nhận là cái “mặn”
đó không phải do những mô tả trao đổi xác thịt nam nữ gây ra. Cái
“mặn” đó có gốc nguồn từ một cách nhìn, một nghệ thuật. Một người
đàn bà đứng tuổi, dù “đang yêu hoặc sẽ phải yêu”mà lại có cái thân hình
như một thứ trái cây chín, chín ngọt ngào, như một vết thương tấy đỏ”
(truyện Cơn Bão trong Buổi Sáng Một Mình, Người Việt, 1989). Cô
Quyên trong Cuộc Hẹn (cùng trong một sách) được hôn: môi cô “bỏng
rát vì những cái chân râu cứng (…) Tiết lên một nụ hôn tìm kiếm”. Chữ
nghĩa như vậy là “mặn”,
Cái “mặn” của Thuyền trong truyện có cùng tên […] được phô bày một
cách rất sinh động […] Phác họa một người đàn bà chín muồi, với vài
nét đơn sơ như vậy, dù không đụng chạm gì đến chuyện chăn gối của ai,
“mặn” lắm. Thuyền dan díu với Lâm, một người đã có vợ. Vợ Lâm đến
“dằn mặt” Thuyền. “Bằng một cử chỉ thật nhanh và bất ngờ, vợ Lâm rút
trong túi xách của nàng một con dao nhỏ, mũi nhọn, rạch ngang dọc lên
đệm lưng cái ghế bành nàng vừa ngồi. Tiếng mũi dao cứa lên mặt da
căng nghe xoèn xoẹt, cao su ở trong nứt bung ra, như một vết thương
bày mỡ trắng hếu”. Như một vết thương bày mỡ trắng hếu! Tả một cuộc
“đánh ghen” có tính cách tượng trưng mà gọn ghẽ, ít lời như vậy là hay,
và “mặn”. Đặc biệt hơn nữa, theo thiển ý, là cái viết “mặn” của nhà văn
này, trong chuỗi dài những khuôn mặt nữ cầm bút, trước 1975, sau 1975,
nổi bật riêng rẽ một mình. “Chữ nghĩa” của bà vừa gọn ghẽ, kín đáo, lại
vừa chính xác, tài tình. Chẳng những Bùi Bích Hà có một ngòi bút hiếm
hoi, bà có một ngòi bút “Mặn” hiếm hoi…” [Võ Đình, “Chay và
Mặn”, Văn Học số 146, Tháng 6.1998]
Võ Đình là một họa sĩ có tiếng đa tình–ít nhất trên chữ nghĩa, nghĩa là
“đa tình”…chay– và tài hoa trên giấy vẽ. Được ông khen “cái viết
“mặn” của nhà văn này, trong chuỗi dài những khuôn mặt nữ cầm bút,
trước 1975, sau 1975, nổi bật riêng rẽ một mình. […] Chẳng những Bùi
Bích Hà có một ngòi bút hiếm hoi, bà có một ngòi bút “Mặn” hiếm
hoi…” là một danh dự, nhất là khi người thứ hai mà ông nhắc đến là nhà
văn Võ Phiến. Ngoài ra, nhà văn Trần Doãn Nho và nhà phê bình Bùi
Vĩnh Phúc cũng có nhận xét mà tôi chú ý ngay đến chữ “ý tứ” do cả hai
cùng sử dụng:
-[…] Văn Túy Hồng trực tiếp, nói ngay nói thẳng; văn Bùi Bích Hà
mang mang, xa xa gần gần. Huế của Túy Hồng nằm trong ngôn ngữ;
Huế của Bùi Bích Hà nằm trong ý tứ […] Để kết thúc, xin dẫn lại một
nhận xét của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc về văn chương Bùi
Bích Hà: “Câu văn của Bùi Bích Hà rất lành, rất hiền, dịu dàng, tha
thiết, mang một chút buồn và thơ như những chùm hoa sầu đông nở tím
những cửa sổ Huế ngày xưa. Tác giả không phải là một người thích làm
dáng. Bà chân thực và thiết tha trong những suy nghĩ và bày tỏ của
mình. Câu văn đẹp, ý tứ, và rất ít son phấn. Trong nhiều chỗ, chúng có
cái đẹp của những lời văn trong sáng nhưng vẫn làm dấy lên một chút
tình trong ‘Bướm Trắng’ của Nhất Linh, và nhất là chúng có cái đẹp
tươi tắn và trong sáng như những câu văn của những trang sách ‘Nắng
Trong Vườn’ và ‘Gió Đầu Mùa’ của Thạch Lam”… [Trần Doãn Nho,
“Nỗi Huế trong văn Bùi Bích Hà”, Người Việt, https://www.nguoi-
viet.com/van-hoc-nghe-thuat/noi-hue-trong-van-bui-bich-ha/amp/]
Tôi hiểu chữ “ý tứ” này, nhưng nó gợi cho tôi một cảm tưởng khác: Bùi
Bích Hà là một người hết sức “ý tứ” trong các giao dịch hay mối liên hệ,
không chỉ với thân hữu. Hãy đọc Trần Doãn Nho lần nữa:
-“[…] Hôm đó, một ngày tháng 7 năm 1994, sau khi định cư tại Boston
một năm trước đó, tôi ghé thăm quận Cam, được Nguyễn Mộng Giác rủ
tôi đến dự một bữa ăn tối tại nhà Bùi Bích Hà. Có mặt trong bữa ăn,
ngoài Nguyễn Mộng Giác và nữ chủ nhân, còn có Nguyễn Xuân Hoàng,
Nhật Tiến và Trần Mộng Tú. Đây là lần đầu tiên tôi đến quận Cam, lần
đầu tiên được gặp những tên tuổi văn chương mà tôi yêu mến, lần đầu
tiên tôi được sống trong không khí văn chương sau gần hai thập niên im
lặng và câm lặng trong nước. Đến nhà một người lạ, lại nghe giọng Bắc
ngọt, đậm và lịch lãm của chủ nhân, tôi cảm thấy hơi ngại ngần. Nhưng
Bùi Bích Hà lịch lãm mà thân tình, chu đáo mà cởi mở khiến cho một
người vừa mới qua Mỹ định cư như tôi cảm thấy ấm áp. Bữa ăn là một
kỷ niệm dịu dàng khó quên…”[Trần Doãn Nho, “Đến lúc đi, là đi”,
https://www.diendantheky.net/search/label/B%C3%B9i%20B%C3%AD
ch%20H%C3%A0]
Chính sự “ý tứ” trong đời thường giải thích cho tính chất “ý tứ” trong
văn chương Bùi Bích Hà. Sự quan sát hết sức thầm lặng mà vô cùng bén
nhậy đã khiến văn Bùi Bích Hà rất “mặn” khi cần, nhưng bao giờ cũng
nhuốm “tình” dù chỉ “một chút” như Bùi Vĩnh Phúc nhận xét. Hơn thế
nữa, dù nhập cuộc rất muộn (1986), nhưng văn Bùi Bích Hà không hề lộ
sự muộn màng đó khi đứng chung với văn chương của tác giả khác, nhất
là nữ tác giả, như Võ Đình quả quyết.
Trở lại Văn Học và Thế Kỷ 21, nếu tôi không nhầm, phải chăng nhà văn
Trùng Dương quy trách nhiệm một các gián tiếp vào quyết định không
“chuyên chú vào viết lách” của Bùi Bích Hà? Sự chọn lựa ấy không dễ
hiểu như đã phản ảnh qua cảm tưởng của Trùng Dương: “Tôi nghĩ giá
chị cứ chuyên chú vào viết lách thì hay hơn. Và có lẽ chị đã không gặp
thất bại như đã thất bại với tờ báo và cái đài phát thanh trước…”
[Trùng Dương, “Tiễn Chị lên đường”, ngày 15. 7. 2021
http://nhinrabonphuong.blogspot.com/2021/07/tien-chi-len-uong-trung-
duong.html.]
Theo tôi, sự “thất bại” với nhật báo Việt Herald và Đài phát
thanh VNCR–hoặc quan trọng hơn, quen biết nhiều hay ít với các quan-
sang cầm bút–đã không cản trở hay ảnh hưởng được hai chọn lựa ấy. Mà
chưa chắc đã là thất bại. Tôi chọn hai tạp chí văn học quan-sang Văn
Học và Thế Kỷ 21 vì đã được số hóa trên Thư viện Người Việt hầu kiểm
chứng giả thuyết thượng dẫn.
Bùi Bích Hà và các quan-sang Mai Thảo, Kiều Chinh, Nguyễn Mộng
Giác, Mai Kim Ngọc vv.
Mừng 10 năm tạp chí Văn tại tư gia quan-sang Nguyễn Xuân Hoàng
Tôi muốn biết số bài đã đăng của Bùi Bích Hà so với số bài của vài nhà
văn nữ khác như Túy Hồng– người bạn cùng quê thuở thiếu thời, trở
thành nhà văn trước 1975 trong khi Bùi Bích Hà dừng lại vì hoàn cảnh
gia đình– không thuộc 2 nhóm tạp chí trên; nhà thơ Trần Mộng Tú, bạn
thân, cùng hợp tác mật thiết với Người Việt và Thế Kỷ 21; nhà văn
Nguyễn Thị Hoàng Bắc, có thể coi như thuộc nhóm Văn Học; rồi sau
cùng, Lê Thị Huệ, một nhà văn độc lập. Bởi thế, tôi sẽ cũng xác định
được đề tài trong các bài đã đăng của Bùi Bích Hà.
Từ đó, tôi sẽ có kết luận một cách chính xác hơn về chủ trương và ước
nguyện cũng như thành quả (nếu có) của Bùi Bích Hà, một phụ nữ nhà
văn tỵ nạn chính trị giữa một rừng…tuyền các ông (bạn) nhà văn nhà
báo quan-sang đảm nhiệm các trọng trách như nhà báo Đỗ Ngọc Yến–
chủ nhiệm/sáng lập nhật báo & Công ty Người Việt & tạp chí Thế Kỷ
21; nhà báo Lê Đình Điểu, Chủ biên Biên Khảo &Chủ nhiệm Thế Kỷ
21 kiêm sáng lập và Giám Đốc Đài Phát thanh VNCR; nhà văn Nguyễn
Xuân Hoàng- Chủ biên rồi Chủ biên Văn học tạp chí Thế Kỷ 21, Tổng
Thư ký Tòa soạn nhật báo Người Việt, chủ nhiệm & chủ bút tạp chí Văn,
vv.; nhà thơ Đỗ Quý Toàn, Chủ bút Thế Kỷ 21 (cũng là chủ bút cuối của
tạp chí này); Phạm Phú Minh, Chủ nhiệm & Chủ bút Thế Kỷ 21; Đỗ Việt
Anh, Chủ nhiệm Thế Kỷ 21 & Chủ nhiệm nhật báo Người Việt vv.
4.1.1 Số bài đã đăng trên Thế Kỷ 21 và Văn Học
§ Tạp chí Thế Kỷ 21
Bùi Bích Hà cộng tác với tạp chí này trong suốt thời gian tồn tại từ tháng
5.1989 tới tháng 11-2007. Thế Kỷ 21 do công ty Người Việt sáng lập và
hầu hết chủ nhiệm, chủ bút, tổng thư ký tòa soạn cũng là nhân viên hay
thuộc Ban Quản Trị của công ty dù sau này được chuyển tượng trưng
cho VAALA với giá 1 mỹ kim vào giữa năm 1994. Bà là 1 trong 15
thành viên thuộc Hội đồng Điều Hành Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt
Mỹ (Vietnamese American Arts and Letters Association-VAALA) sau
khi giữ chức Thủ Quỹ trong giai đoạn đầu vào tháng 5, 1993. Thành lập
vào năm 1993, VAALA sẽ trở thành tổ chức bảo trợ cho Thế Kỷ 21.
Chưa đầy 1 năm sau, vào tháng giêng, 1995, VAALA giao lại cho Nhóm
Chủ Biên vì chỉ có thể bảo trợ trên danh nghĩa tinh thần. Từ tháng
8.2002 (số 160) tới tháng 11.2007 (số 223, số cuối), bà có tên trong Ban
Biên Tập gồm 15 người. Trên thực tế, theo lời chủ bút Phạm Phú Minh
trong “Thư Từ giã”, Thế Kỷ 21 vẫn được coi như thuộc công ty Người
Việt:
-“[…] Tháng 6, 2007, Hội đồng quản trị của Công ty Người Việt đã
quyết định nhường lại quyền khai thác tờ Thế Kỷ 21 cho các cá nhân
trong nội bộ công ty qua một cuộc đấu giá […]Kết quả ông Đỗ Việt Anh
mua được tờ báo…” [Phạm Phú Minh/bút hiệu Phạm Xuân Đài, “Thư từ
giã”, Số 223, trang 6, Tháng 11.2007]
Một lá “Thư Tòa soạn” khác, đăng trên Số 70, tháng 2.1995, có thể xem
như một phần tiểu sử của Thế Kỷ 21, nhất là khi trách nhiệm của nhà văn
Nguyễn Xuân Hoàng–người duy nhất không thuộc Nhóm Người Việt–
được nhắc đến với đầy đủ chi tiết hầu xứng đáng với công lao của ông.
Ông là Chủ biên Số Ra Mắt với Phụ tá Hoàng Khởi Phong khi chưa có
chủ nhiệm và chủ bút. Ông đảm nhận phần Chủ Biên Văn Học từ số 3,
tháng 7.1989 cho tới số 26, tháng 6. 1991 với Chủ nhiệm Đỗ Ngọc Yến
và Chủ bút Vương Hữu Bột. Bắt đầu từ số 27, tháng 7, 1991, khi Lê
Đình Điểu (vẫn giữ phần Chủ Biên Khảo Cứu) thay thế Đỗ Ngọc Yến
giữ nhiệm vụ chủ nhiệm, ông trở thành Tổng Thư ký Tòa soạn cho đến
khi phải dừng (tháng 2. 1995, số 70) vì quá bận rộn với trách nhiệm
Tổng Thư Ký Tòa soạn nhật báo Người Việt.
Ngoài ra, người viết lá thư tòa soạn này (chủ nhiệm Lê Đình Điểu?)
cũng nhắc đến phần việc của một số nhân sự rất cần thiết như phần trị sự
của nhạc sĩ Trần Đình Quân rồi Vũ Duy Tự và Phan Mỹ Sương. Trần
Đình Quân–bạn của Túy Hồng và Bùi Bích Hà từ Huế–chính là người
giới thiệu Bùi Bích Hà với Người Việt:
-“[…] Chủ nhiệm đầu tiên của Thế Kỷ 21 là nhà báo Đỗ Ngọc Yến, vẫn
luôn luôn là một thành viên của ban chủ biên. Vương Hữu Bột đã nhận
vai trò chủ bút kể từ số thứ hai dù anh ở xa trụ sở tòa báo năm ngàn cây
số. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã gánh vác trách nhiệm Tổng thư ký
Tòa soạn ngay từ số đầu, một nhiệm vụ nặng nề nhất trong tòa soạn.
Nguyễn Xuân Hoàng đã liên lạc với các tác giả để thảo luận về bài vở,
đã lo nội dung cũng như hình thức, nhờ thế mà tờ báo giữ được phẩm
chất và uy tín như hiện nay. Trong thời gian gần đây, Nguyễn Xuân
Hoàng đã phải trao lại bớt trách nhiệm cho Phạm Phú Minh và Lê Đình
Điểu vì công tác của anh tại nhật báo Người Việt đã chiếm hết thời giờ.
Về hình thức, các trang bìa tờ báo có được khuôn mặt khả ái và nghiêm
túc như hiện nay là do sự chăm sóc tận tụy của hai họa sĩ Nguyễn Thị
Hợp và Nguyễn Đồng. Cũng góp công với Thế Kỷ 21 ngay từ đầu còn có
nhạc sĩ Trần Đình Quân, người phụ trách về trị sự. Trong vài năm gần
đây Trần Đình Quân vì lý do sức khỏe đã phải rời bỏ tòa soạn, và công
việc của anh hiện do anh Vũ Duy Tự đảm nhiệm. Hiện nay, Thế Kỷ
21 còn được sự đóng góp của chị Phan Mỹ Sương, người phụ trách trị sự
và lo thiết lập mối liên lạc mật thiết hơn với các nhà sách, độc giả và
thân chủ quảng cáo…” [sđd, trang 6, tháng 2.1995]
Một chi tiết trong bài “Đỗ Ngọc Yến trên đường Moran” tiết lộ ai là
người mời Nguyễn Xuân Hoàng về làm 13 năm với công ty Người Việt.
Việc làm ấy gồm cả phần Tổng Thư Ký Tòa soạn Nhật báo Người
Việt lẫn phần văn học cho Thế Kỷ 21 như đã thấy trong lá thư trên vì, tuy
không trong nhóm, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng lại là người có khả
năng hơn hết. Ông từng giữ chức Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn (trước
1975):
-“[…] Năm 1986, từ Hoa Thịnh Đốn xuống quận Cam, tôi gặp Đỗ Ngọc
Yến lần đầu […] Mai Thảo hỏi tôi: ‘Cậu định đi học lại thật đấy à?’ Tôi
nói phải đi học lại chứ anh. Anh cười nhìn Đỗ Ngọc Yến. Yến nói ‘Anh
Mai Thảo bảo ông về trên đó làm gì. Ở lại dưới này đi. Bạn bè có mấy
người.’ Câu nói của anh đã giữ tôi ở lại đường Moran 13 năm kể từ ngày
đó…” [Nguyễn Xuân Hoàng, “Đỗ Ngọc Yến trên đường Moran”, Đỗ
Ngọc Yến giữa bạn bè–53 tác giả, trang 229, Nhà Xuất bản Người Việt,
2006, Hoa Kỳ]
Bùi Bích Hà đã gặp Nguyễn Xuân Hoàng trong những buổi “học tập”
dành cho giáo sư trung học Sài gòn sau 1975. Bà là giáo sư môn Pháp
Văn. Ông là giáo sư môn Triết. Sau này, bà gặp lại ông tại tòa
soạn Người Việt và rồi cũng sẽ có bài đăng trên báo Văn do Mai Thảo
giao lại cho Nguyễn Xuân Hoàng.
Tạp chí Thế Kỷ 21 là sản phẩm của một nhóm anh em thân hữu đã gắn
bó qua hoạt động xã hội từ trước 1975 và một phần của công ty/tổ chức
sau 1975 nên, tuy thay phiên trong các chức vụ chủ nhiệm hay chủ bút,
tất cả đều góp phần và liên đới chịu trách nhiệm. Bằng cớ của sự góp
phần và chịu trách nhiệm chung này là danh sách Hội đồng Quản Trị,
đặt trên cả danh sách chủ nhiệm & chủ bút: Đỗ Quý Toàn (Chủ bút
1989-2001& Chủ nhiệm nhật báo Người Việt), Đỗ Ngọc Yến (Chủ
nhiệm 1989-1991 & Tổng Giám Đốc Công ty và Nhật báo Người Việt),
Đỗ Việt Anh (Chủ nhiệm 2005-2007 & Chủ nhiệm nhật báo Người
Việt), Hoàng Ngọc Tuệ (chủ nhiệm 2001-2004), Phạm Phú Minh (Chủ
nhiệm (1997-2001 & Chủ bút 2001-2007), Phan Huy Đạt (Chủ nhiệm
nhật báo Người Việt & Tổng giám đốc Công ty Người Việt), Phạm Phú
Thiện Giao (Chủ bút nhật báo Người Việt) và Trần Văn Ngô. Nhờ vậy,
công việc của chủ nhiệm chủ bút không nặng nề như đồng nghiệp các
tạp chí khác vì vấn đề tài chính, trị sự và phát hành đã được nhân viên
như Trần Đình Quân, và một thời gian dài do Phan Mỹ Sương–một nhân
tố quan trọng–đảm nhận.
Đây là số bài của mỗi nhà văn nữ đã được chọn trên 223 số Thế Kỷ 21:
-Túy Hồng: 9 bài
-Trần Mộng Tú: 98 bài
-Nguyễn Thị Hoàng Bắc: 11 bài
-Lê Thị Huệ: 6 bài
-Bùi Bích Hà: 22 bài
§ Tạp chí Văn Học
Tạp chí Văn Học [2.1986-3&4.2008] do nhà văn Nguyễn Mộng Giác và
một nhóm thân hữu sáng lập và duy trì. Trong số thân hữu này có thể kể:
nhà văn Hoàng Khởi Phong, nhà văn Cao Xuân Huy, Võ Thắng Tiết
(Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ-Nhận trách nhiệm phát hành trong
một thời gian dài), Châu Văn Thọ, Lê Thọ Giáo, nhà thơ Trịnh Y Thư,
Trương Vũ, nhà văn Mai Kim Ngọc vv. Qua khoảng 15 lần thay đổi ban
biên tập hay điều hành, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Khởi Phong, Cao
Xuân Huy, Châu Văn Thọ, Trịnh Y Thư, Thạch Hãn vv. thay phiên làm
chủ nhiệm, chủ bút, tổng thư ký. Như đã đối chiếu với Thế Kỷ 21, nhân
sự của Văn Học đương đầu với vấn đề tài chính một cách chật vật hơn vì
khó lấy được quảng cáo lại phải kiêm phần trị sự trong khi ban chủ
trương vẫn phải mưu sinh cho cá nhân và gia đình. Hoàng Khởi Phong
là người chịu trách nhiệm pháp lý từ đầu. Cao Xuân Huy sẽ là “Chủ
biên” duy nhất có tên trong những tờ Văn Học cuối cùng với phần Thơ
do Trịnh Y Thư phụ trách. Tạp chí Văn Học đình bản với cơn trọng bệnh
rồi qua đời của ông.
Đây là số bài của mỗi nhà văn nữ đã được chọn trên 236 số Văn Học:
-Túy Hồng: 1 bài
-Trần Mộng Tú: 62 bài
-Nguyễn Thị Hoàng Bắc: 27 bài
-Lê Thị Huệ: 9 bài
-Bùi Bích Hà: 13 bài
§ Tổng cộng bài của các nhà văn nữ đã chọn trên 459 số Thế Kỷ
21 và Văn Học
-Túy Hồng: 10 bài
-Trần Mộng Tú: 160 bài
-Nguyễn Thị Hoàng Bắc: 38 bài
-Lê Thị Huệ: 15 bài
-Bùi Bích Hà: 35 bài
Những con số này cho chúng ta thấy ngay sự cách biệt bình thường giữa
Bùi Bích Hà và Túy Hồng, khá lớn giữa Bùi Bích Hà và Trần Mộng Tú,
hầu như không khác giữa Bùi Bích Hà và Nguyễn Thị Hoàng Bắc hay
một khoảng cách vừa phải giữa Bùi Bích Hà và Lê Thị Huệ. Điều có thể
gây ngạc nhiên, không phải là số bài khác biệt không đáng chú ý giữa
Bùi Bích Hà và Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc hay Lê Thị Huệ,
nhưng là số khác biệt quá lớn giữa Bùi Bích Hà (35 bài) và Trần Mộng
Tú (160 bài). Đáng ngạc nhiên hơn nữa là con số quá ít (35) bài của Bùi
Bích Hà đã đăng trong 459 số tổng cộng của Thế Kỷ 21 và Văn Học.
Chính số khác biệt quá lớn ấy sẽ giúp củng cố vị trí độc lập của Bùi Bích
Hà trong thế giới văn nghệ đầy các quan-sang như đã đặt giả thuyết.
Đặc biệt hơn, thể loại và chủ đề các bài của Bùi Bích Hà cũng rất khác
với thể loại sáng tác (thơ và truyện) của các nhà văn nữ kia như sẽ được
tiếp tục tìm hiểu.
4.1.2 Danh sách các bài đã đăng của Bùi Bích Hà (và qua bút hiệu
Thái Hà & Vương Tiểu Muội)
§ Trên Thế Kỷ 21
1- Ngay trên quê hương mình, Vương Tiểu Muội, Số 1, Tháng 5.1989.
2- Đỗ Kh.: 13 Câu trả lời, Thái Hà, Số 3, Tháng 7.1989.
3- Một giờ với Mai Thảo, Vương Tiểu Muội, Số 10, Tháng 2.1990.
4- Tôi đọc “Ly Thân” của Trần Mạnh Hảo, Bùi Bích Hà, Số 14, Tháng
6.1990.
5- Chuyện những người H.O., Vương Tiểu Muội, Số 25, Tháng 5. 1991.
6- Khi người ta không thở được nữa nên phải ôm lấy ngực giải thích…,
Bùi Bích Hà, Số 30, Tháng 10. 1991.
7- Thư gủi Dương Thu Hương, Bùi Bích Hà, Số 36, Tháng 4. 1992.
8- Tại sao viết văn?, Bùi Bích Hà, Số 59, Tháng 3. 1994.
9- Trả lời phỏng vấn “Gia đình, Tình yêu và…Tâm sự“, Phan Mỹ Sương
thực hiện, Số 105&106, Tháng 1&2.1998.
10- Vòng ngựa gỗ, Bùi Bích Hà, Số 142, Tháng 2. 2001.
11- Cát bụi -Chủ đề tưởng niệm Trịnh Công Sơn, Bùi Bích Hà, Số 145,
Tháng 5. 2001.
12- Hãy bước vào, và chọn lấy cho mình những đóa riêng, Bùi Bích Hà,
Số 148, Tháng 8. 2001.
13- Đi xem Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng, Bùi Bích Hà, Số 149, Tháng 9.
2001.
14- Đi xem Green Dragon, Bùi Bích Hà, Số 158, Tháng 6. 2002.
15- Sự sống và cái chết của con người ngoại khổ-Chủ đề Tưởng niệm
Nhất Linh, Bùi Bích Hà, Số 159, Tháng 7. 2002.
16– Đọc Huyệt Tuyết, Bùi Bích Hà, Số 160, Tháng 8. 2002.
17– Yếu tố thành công của người phụ nữ di dân, Bùi Bích Hà phỏng
vấn, Số 161, Tháng 9. 2002.
18– Tự do và thân phận, Bùi Bích Hà, Số 162, Tháng 10. 2002.
19– Nhìn lại quê hương, Bùi Bích Hà, Số 173, Tháng 9. 2003.
20– Bà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Bùi Bích Hà, Số 186, Tháng 10.
2004.
21– Hình như, Bùi Bích Hà, Số 189&190, Tháng 1&2. 2005.
22– Biệt Ly-Chủ đề Tưởng niệm nhà báo Đỗ Ngọc Yến, Bùi Bích Hà, Số
209, Tháng 9. 2006.
§ Trên Văn Học
1-Tôi đọc Ly Thân của Trần Mạnh Hảo, Bùi Bích Hà, Số 52, Tháng 6.
1990.
2-Những cái thùng giấy, Bùi Bích Hà, Số 93&94, Tháng 1&2. 1994.
3-Trả lời phỏng vấn 20 Năm Văn học Việt Nam Hải Ngoại, Tác giả Bùi
Bích Hà &Tác phẩm: Truyện ngắn Chỗ về, Số 110, Tháng 6. 1995.
4-Linda Lê, “Ôi gia đình, ta căm ghét ngươi!“, Bùi Bích Hà, Số 116,
Tháng 12. 1995.
5-Gạch Đỏ, Bùi Bích Hà, Số 120, Tháng 4. 1996.
6-Thư viết cho con gái lúc dọn nhà, Bùi Bích Hà, Số 122, Tháng 6.
1996.
7-Cái địa chỉ cũ, Bùi Bích Hà, Số 128, Tháng 12. 1996.
8-Tây Tạng và góc phố đỏ, Bùi Bích Hà, Số 141&142, Tháng 1&2.
1998.
9-Mùa Phục Sinh, Bùi Bích Hà, Số 157, Tháng 5. 1999.
10-Đôi cánh ước mơ của con, Bùi Bích Hà, Số 160, Tháng 8. 1999.
11-Hư Vô, Bùi Bích Hà, Số 183, Tháng 7. 2001.
12-Cỏ dại và thú dữ, Bùi Bích Hà, Số 188, Tháng 12. 2001.
13-Thiên Thu, Bùi Bích Hà, Số 196, Tháng 8. 2002.
§ Phân loại theo chủ đề
· Hậu quả của chủ nghĩa Cộng sản
1- Ngay trên quê hương mình, Vương Tiểu Muội, TK 21 Số Ra mắt,
Tháng 5.1989.
2- Chuyện những người H.O., Vương Tiểu Muội, TK 21 Số 25, Tháng 5.
1991.
3- Khi người ta không thở được nữa nên phải ôm lấy ngực giải thích…,
Bùi Bích Hà, TK 21 Số 30, Tháng 10. 1991.
4– Nhìn lại quê hương, Bùi Bích Hà, TK 21 Số 173, Tháng 9. 2003.
· Phản ứng trước một số tác giả được mệnh danh “phản kháng” từ Việt
Nam
5- Tôi đọc “Ly Thân” của Trần Mạnh Hảo, Bùi Bích Hà, TK 21 Số 14,
Tháng 6.1990.
6- Thư gủi Dương Thu Hương, Bùi Bích Hà, TK 21 Số 36, Tháng 4.
1992.
7-Tôi đọc Ly Thân của Trần Mạnh Hảo, Bùi Bích Hà, VH Số 52, Tháng
6. 1990
· Hoạt động xã hội
8- Trả lời phỏng vấn “Gia đình, Tình yêu và…Tâm sự“, Phan Mỹ Sương
thực hiện, TK 21 Số 105&106, Tháng 1&2.1998.
9– Yếu tố thành công của người phụ nữ di dân, Bùi Bích Hà phỏng vấn,
TK 21 Số 161, Tháng 10. 2002.
· Văn học
10- Đỗ Kh.: 13 Câu trả lời, Thái Hà, TK 21 Số 3, Tháng 7.1989
11- Một giờ với Mai Thảo, Vương Tiểu Muội, TK 21 Số 10, Tháng
2.1990.
12- Tại sao viết văn?, Bùi Bích Hà, Số 59, TK 21 Tháng 3. 1994.
13- Cát bụi -Chủ đề tưởng niệm Trịnh Công Sơn, Bùi Bích Hà, TK 21
Số 145, Tháng 5. 2001.
14- Sự sống và cái chết của con người ngoại khổ -Chủ đề tưởng niệm
Nhất Linh, Bùi Bích Hà, TK 21 Số 159, Tháng 7. 2002
15-Trả lời phỏng vấn 20 Năm Văn học Việt Nam Hải Ngoại, Tác giả Bùi
Bích Hà &Tác phẩm: Truyện ngắn Chỗ về, VH Số 110, Tháng 6. 1995.
16– Bà Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Bùi Bích Hà, TK 21 Số 186,
Tháng 10. 2004.
· Điểm sách & Điểm phim
17- Hãy bước vào, và chọn lấy cho mình những đóa riêng, Bùi Bích Hà,
TK 21 Số 148, Tháng 8. 2001.
18- Đi xem Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng, Bùi Bích Hà, Số 149, TK 21
Tháng 9. 2001.
19- Đi xem Green Dragon, Bùi Bích Hà, TK 21 Số 158, Tháng 6. 2002.
20– Đọc Huyệt Tuyết, Bùi Bích Hà, TK 21 Số 160, Tháng 8. 2002.
21-Linda Lê, “Ôi gia đình, ta căm ghét ngươi!” Bùi Bích Hà, VH Số
116, Tháng 12. 1995
· Xã Luận
22– Tự do và thân phận, Bùi Bích Hà, TK 21 Số 162, Tháng 10. 2002
23-Cỏ dại và thú dữ, Bùi Bích Hà, VH Số 188, Tháng 12. 2001.
· Sáng tác
24- Vòng ngựa gỗ, Bùi Bích Hà, TK 21 Số 142, Tháng 2. 2001
25– Hình như, Bùi Bích Hà, TK 21 Số 189&190, Tháng 1&2. 2005.
26– Biệt Ly-Chủ đề Tưởng niệm nhà báo Đỗ Ngọc Yến, Bùi Bích Hà,
TK 21 Số 209, Tháng 9. 2006.
27-Những cái thùng giấy, Bùi Bích Hà, VH Số 93&94, Tháng 1&2.
1994.
28-Gạch Đỏ, Bùi Bích Hà, VH Số 120, Tháng 4. 1996.
29-Thư viết cho con gái lúc dọn nhà, Bùi Bích Hà, VH Số 122, Tháng 6.
1996.
30-Cái địa chỉ cũ, Bùi Bích Hà, VH Số 128, Tháng 12. 1996.
31-Tây Tạng và góc phố đỏ, Bùi Bích Hà, VH Số 141&142, Tháng 1&2.
1998.
32-Mùa Phục Sinh, Bùi Bích Hà, VH Số 157, Tháng 5. 1999.
33-Đôi cánh ước mơ của con, Bùi Bích Hà, VH Số 160, Tháng 8. 1999.
34-Hư Vô, Bùi Bích Hà, VH Số 183, VH Tháng 7. 2001.
35-Thiên Thu, Bùi Bích Hà, VH Số 196, Tháng 8. 2002.
Theo danh sách thượng dẫn, Bùi Bích Hà không có truyện ngắn hay thơ
sau khoảng 2001-2002 ngoài vài bài thơ tiễn bạn như bài tiễn Đỗ Ngọc
Yến. Bài thơ Hình như (Thế Kỷ 21, 2005) và Hư Vô (Văn Học, 2001) chỉ
là một với vài sửa chữa nhỏ. Bài thơ này phác họa chân dung cuộc tình
linh đình với sự chứng kiến và góp vui của bạn hữu quan-sang, nhưng
kết thúc ảm đạm một cách bất ngờ. Chỉ trong vòng vài năm, “đóa hư vô
thơm một hồn đầy”, 2001 đã nhường chỗ vĩnh viễn cho “Sợi tóc buồn
ngơ ngác nhớ vai”, 2005.
Như đã trình bày, Bùi Bích Hà có quan điểm khác hẳn với một số quan-
sang.
“Tôi đọc Ly Thân của Trần Mạnh Hảo” [Bùi Bích Hà, Thế Kỷ 21 Số 14,
Tháng 6.1990 & Văn Học Số 52, Tháng 6. 1990] là thí dụ thứ nhất. Cả
hai tạp chí này đăng cả bài của Bùi Bích Hà lẫn bài phản bác của Vũ
Huy Quang [“Thông điệp của Ly Thân… và Trần Mạnh Hảo”, sđd].
Chưa đầy 2 năm sau, Thư gửi Dương Thu Hương [Thế Kỷ 21 Số 36,
Tháng 4. 1992] là thí dụ thứ 2, một phản bác dữ dội:
-“[…] Trước hết, bản Tự bạch về Tiểu thuyết Vô Đề làm tôi vô cùng
kinh ngạc […] quả thật chỉ là một Dương Thu Hương của những tranh
chấp cuồng nhiệt, của những kiến thức chính trị nông cạn, hồ đồ, bó chặt
trong giới hạn người cực đảng viên CS của những nhân danh giả trá và
lạm dụng…” [Bùi Bích Hà,
sđd, https://issuu.com/nvthuvien/docs/theky21_-
_so_36?mode=window&viewMode=doublePage]]