các cô gái phục vụ ở trong quán.
Thưa cán bộ, thế là ngay tối đầu tiên Quyên đã phải bán mình. Đến chiều ngày thứ ba, không thể chịu
được cảnh xa con, xa chồng, Quyên đành phải trốn về nhà. Cô ấy kể hết cho tôi nghe cảnh ngộ mấy ngày
qua, và bảo: “Anh có giết em bây giờ em cũng cam chịu. Nhưng bây giờ thì chẳng còn cách nào khác.
Cuộc đời đã đẩy em và anh đến bước đường này thì cũng đành phó mặc. Hoặc là anh bắt em chết bây giờ,
hoặc là lão chủ quán sẽ sai thằng Thiết Cật đến đây để giết em, nếu em bỏ trốn…”.
Cán bộ ơi, lúc ấy tôi như muốn hoá điên. Tôi vò tập tiền đến nhàu nát và với lấy con dao định băm
vằm cô ấy ra. Nhưng con tôi khóc thét lên. Và mẹ tôi nằm ở góc nhà bỗng lên một cơn đau đột ngột. Thế là
tôi ngồi rũ ra, bất lực
Không còn cách nào khác, mấy ngày sau, chính tôi phải dùng chiếc xe đạp tàng lai cô ấy đi hành nghề.
Tôi đưa cô ấy đến quán cà phê, rồi chui vào một quán nước uống rượu. Cho tới nửa đêm, khi cô ấy làm
xong công việc, tôi lại lai cô ấy về nhà. Có đêm có gã khách sộp nào đó muốn ngủ qua đêm với cô ấy, tôi
đành về nhà một mình. Những đêm như thế thường tôi mua một chai rượu để tự hành hạ mình cho tới sáng.
Sống nhơm nhếch như thế, nhưng nào chúng tôi có được yên. Toà án liên tục gọi mẹ con tôi lên hầu
kiện. Một vài kẻ ăn đút lót liên tục đến gây sức ép đuổi mẹ con tôi ra đường. Mụ Quỉ ngày nào cũng hắt
nước bẩn, đổ chất thải xuống cửa nơi chúng tôi ở. Một hôm nhân lúc tôi đi vắng, mụ thuê một bọn du côn
đến hành hung bà cụ. Chiều ấy uất quá, bà cụ đã uống thuốc sâu tự tử…
Thưa cán bộ. Cái chết của mẹ tôi khiến tôi suy sụp. Đến lượt vết thương tái phát khiến tôi nằm bẹp ở
nhà. Người duy nhất có thể nuôi sống gia đình là Quyên. Bây giờ thì cô ta phải đi hành nghề một mình. Cô
ta làm điếm để nuôi cả nhà.
Chưa đạt được mục đích, mụ Quỉ vẫn chưa chịu buông tha. Hôm cúng một trăm ngày mẹ tôi, mụ ấy
xuống lôi bát hương quăng ra đường. Mụ ấy sai con đánh đuổi mẹ con Quyên ra khỏi nhà. Không còn chịu
được nữa, tôi vớ con dao rựa nhảy chồm từ trên giường xuống bổ cho mụ ta mấy nhát. Người ta đưa mụ
Quỉ đi cấp cứu, còn tôi thì bị bắt đến đây… Thế là mục đích của vợ chồng mụ Quỉ đã đạt được. Tôi vào
nhà giam, mẹ con Quyên tất phải ra đường. Nghe đâu cái nhà tầng trệt ấy bây giờ đã trở thành một của hàng
kinh doanh vàng bạc.
Thưa cán bộ, cuộc đời như thế đó. Ít ra tôi còn được sống trong một gian nhà như thế này. Còn mẹ con
Quyên, cán bộ có biết cô ấy hiện sống ở đâu không?
X
N hững lời khai của Hiển, như nỗi ám ảnh, gieo vào lòng Lê My một tâm trạng nặng nề. Đằng sau
một vụ án là cả những chuỗi sự kiện rối rắm và phức tạp, là những thân phận đầy uẩn ức, những
mưu mô và thủ đoạn vượt hẳn ra ngoài tính người. Nhờ cuộc gặp gỡ với Hiển trong nhà giam, Lê My lại
hiểu thêm một phần đời của Quê. Chao ơi, từ cái vụ bị hãm hiếp ở khách sạn Tương Lai ấy, cho đến cái
mối tình thơ mộng với anh chàng Long ở làng, mới chỉ là những khúc dạo đầu của một thảm kịch. Đoạn
cuộc đời những năm sau này của Quê, My vẫn hoàn toàn chưa biết. Đó chắc mới là những sóng gió nhất, là
cái dòng xoáy nhấn chìm Quê xuống, đẩy cô tới đáy vực bây giờ. Phải đến thăm “nơi ở” của Quê, gặp
người mẹ bất đắc dĩ và đứa con bờ bụi của cô - Lê My tự đặt nhiệm vụ cho mình. Công việc nghề nghiệp
Nkhông nhất thiết bắt chị phải làm như vậy. Những “đối tượng” này hoàn toàn nằm ngoài địa bàn chị phụ
trách, ngoài nhiệm vụ chị được giao. Nhưng đây là trách nhiệm của lương tâm. Chị hoàn toàn tự nguyện và
thấy nhất thiết phải làm công việc này. Cố yêu lấy một con người, cố làm một cái gì đó để giúp họ thoát
khỏi một thảm cảnh, công việc này còn cao cả và ý nghĩa hơn rất nhiều việc hoàn thành bổn phận một công
chức thuần tuý. Huống chi đây không phải chỉ một mà là ba con người. Yêu và giúp được cả ba con người
trong hoàn cảnh đời sống hiện nay, thật khó thay. Nhưng hãy cứ thử bắt đầu xem.
Lê My đang chuẩn bị để đến cái xó chợ ấy thì Quê hớt hải chạy đến. Mái tóc cô ta rối bù, da mặt bợt
tái, và đôi mắt thất thần như vừa trải qua một cơn hoảng loạn.
- Sao thế Quê? Có việc gì thế?
Quê oà khóc, tiếng vỡ ra trong nước mắt.
- Chị hãy cứu em với… Thằng cu Tẩm bị bắt mất rồi…
- Sao? Ai bắt? Công an ư?
- Em cũng chưa biết đích xác. Trưa nay nó đi với bà em. Hai bà cháu dắt nhau ra phố bia để ăn xin.
Đến lúc bà quay lại thì không thấy cháu đâu nữa. Em đoán rằng đúng lão ta. Lão ấy mới từ mạn ngược
về…
- Mẹ mìn… - Lê My bật thốt lên. Chị nhớ lại những hiện tượng trẻ em bị bắt cóc trong thời gian gần
đây. Có một đường dây buôn bán trẻ em từ các tỉnh đồng bằng lên biên giới. Ngay ngày hôm qua tại bến xe
Long Biên đã phát hiện ra vụ bắt cóc ba đứa trẻ.
- Phải điện báo ngay cho các đồn công an - Lê My dứt khoát - Em hãy viết ra giấy đặc điểm và nhận
dạng của cháu. Chị sẽ lên báo cáo ngay với lãnh đạo cho triển khai tìm kiếm.
- Nhưng chị ơi, hình như là lão ta đấy chứ không phải mẹ mìn đâu - Quê nối.
- Lão ta là ai? Em phải kể rõ với chị đi.
Và Quê đã kể vắn tắt cho Lê My nghe về Toại, và cái quãng đời ba năm ở lâm trường H. ấy.
- Rất có thể lão Toại đã bắt cóc thằng bé - Lê My nói - Nhưng vẫn phải đề phòng khả năng thứ hai là
thằng bé bị mẹ mìn bắt cóc mang bán lên biên giới. Chúng ta sẽ triển khai tìm kiếm theo hai hướng. Bây
giờ chị bàn với em về hướng giải quyết trường hợp bà cụ Nụ. Không thể để bà cụ lang thang với em như
thế được. Chị sẽ lên gặp con gái và con rể cụ, bảo họ về đón bà cụ. Riêng trường hợp của em cũng phải lo
một hướng sống chắc chắn cho đời mình. Em không được lang thang hành nghề này nữa. Lẽ ra công an sẽ
đưa em đến một trại cải tạo. Nhưng chị thương em, chị đã đứng ra bảo lãnh. Bây giờ thế này, em có thể trở
lại quê hương được không?
- Em van chị… Chị hãy thương lấy em… Em không thể vác mặt về quê được nữa rồi. Đã chín năm nay
em không dám về làng…
Quê nói van vỉ, gương mặt cô dăn dúm lại, như thể cô sắp phải chịu một cực hình.
- Có một hướng khác mà chị đang cố giúp em. Nếu công việc này thuận lợi thì coi như em đã thực sự
đổi đời.
Lê My nhớ lại buổi gặp Phong. Suốt cả một tuần Phong đã đi gõ cửa khắp các cơ quan có liên quan
đến làng trẻ em SOS để lo việc cho Quê. Chưa bao giờ Lê My nhờ anh một việc gì, cho nên Phong coi
công việc này như một ân huệ và chị đã chiếu cố giao cho anh. “My cứ yên tâm. Chỉ tiêu tuyển người của
làng SOS vẫn còn. Sắp tới làng sẽ mở rộng quy mô, đón thêm năm trăm trẻ em nữa. Anh đã làm việc với
Bộ lao động - xã hội để xin một chỉ tiêu. Anh coi công việc này như chính công việc của anh. Tạo điều
kiện để em yêu được một người khác, tức là...”
Phong đã nói với Lê My như thế. Anh nhìn chị với cái nhìn của một kẻ sẵn sàng nhảy vào lửa nếu chị
ra lệnh.
*
Ngay ngày hôm sau Lê My cùng một chiến sĩ công an nữa đi xe máy lên thị xã H. Đó là một thị xã
trung du với những con đường đất đỏ và những hè phố bụi bặm. Mới hai năm Lê My không lên đây mà
quang cảnh đã thay đổi đến không thể nhận ra. Hàng hoá bày bán la liệt khắp hai bên đường. Đông nhất là
những quán ăn, hiệu chữa xe máy, điểm bán xăng. Chỗ nào cũng thấy xăng bia phơ-thịt cầy. Máy cátxét mở
xập xình suốt ngày. Có cả các điểm chiếu vi-đê-ô không thu tiền. Vừa ngồi ăn, vừa uống giải khát, vừa
thưởng thức một phim chưởng Hồng Kông hoặc một băng cải lương mùi mẫm. Nhưng đáng lưu ý nhất là
những khu nhà tầng chồng đống những hộp diêm, cái nào cũng mô đéc, bề thế, cái nào cũng granitô, ốp
gạch giếng Đáy và sơn quét loè loẹt. Có một cái phố mới ở ngay đầu thị xã toàn những ngôi nhà ba tầng,
nhà nào cũng như một biệt thự. Chưa có tên phố, nhưng dân chúng gọi là “phố Quan” bởi đây là khu đất
tỉnh cấp cho các cán bộ đầu ngành, các chức sắc vừa có quyền thế vừa có máu mặt trong tỉnh. Hoá ra
không có vị nào nghèo cả. Mười lăm, hai mươi năm cách mạng chẳng anh nào không giấu trong túi áo vài
chục “cây”. Thời buổi bao cấp trước kia họ giả nghèo giả khổ để được nhà nước cấp nhà, chịu ở chen
chúc trong các khu tập thể hoặc các khu nhà tầng như những chuồng chim câu, bây giờ được phân đất, cán
bộ có quyền sở hữu và nhượng bán nhà cửa, thế la bung ra, “cây”, “chỉ” biến thành biệt thự, xe cúp, quán
hàng. Có anh mới đi theo cách mạng dăm năm, nhưng nhờ rơi vào đúng các công ty Mex, ốp hoặc nhờ
đứng ra cai quản việc xây dựng công trình A, công trình B mấy đợt, cũng kiếm bằng mấy những người tham
gia từ ngày đầu cách mạng nhưng liêm khiết, ngờ nghệch.
Nhà của vợ chồng Danh Vọng nằm ngay ở giữa khu phố Quan. Đó là ngôi biệt thự ba tầng, gian ngoài
là cửa hàng có cửa sắt kéo. Qua một khoảng sân rộng nữa thì dến ngôi biệt thự. Mỗi tầng có đến bốn
phòng, chạy dài hun hút suốt từ mặt đường tới cánh đồng phía sau. Chỉ nhìn qua cơ ngơi nhà cửa, đủ biết
chủ nhân của nó là người có sức mạnh như thế nào?
Cái oai và cái giàu của chủ nhân được biểu diễn trước tiên bằng đàn chó. Hai con chó béc giê to như
hai con bê mộng từ trong nhà nhảy chồm ra để biểu dương sức mạnh. Chúng nhảy dựng đứng hai chân lên
chấn song cửa sắt, cái mõm đen nhôm nhôm há ra đầy răng và lưỡi. Rồi ba con chó Nhật lũn cũn chạy ra
biểu diễn sự sang trọng ăn chơi của chủ nhà. Người ló mặt ra sau cùng để điều khiển lũ chó đi vào là chủ
nhân, một người to bè, mặt đỏ bự màu gạch cua, mới hơn bốn mươi tuổi mà má đã chảy sệ và cái cổ đã sắt
khúc thành từng ngấn.
Thấy Lê My và chiến sỹ cùng đi mặc sắc phục công an, Danh Vọng đã thất sắc. Anh ta quát tháo ầm ĩ
lũ chó và rối rít mời hai người vào nhà.
- Xin chào các đồng chí. Các đồng chí cứ đưa xe vào trong nhà. Quí hoá quá. Ngày chủ nhật mà các
đồng chí cũng bớt chút thời gian đến thăm thì thật là hân hạnh - Danh Vọng nói giọng như người viêm
xoang mũi lâu ngày, ngôn ngữ nửa trong cuộc họp nửa dùng khi giao dịch buôn bán nghe đến tức cười. Rồi
anh ta gọi với xuống nhà dưới. Một người đàn bà chạc bốn mươi, múp míp như một mụ Nanông lạch bạch
từ bếp lên, hai tay cứ xoắn xuýt lại với nhau vừa chào vừa bẻ các ngón khùng khục.
Rõ là một lớp thị dân mới, vùa đài các rởm, vừa quê mùa - Lê My thầm nhận xét hai vợ chồng. Chị
đưa mắt nhìn ngắm gian nhà khách choáng lộn với tủ gương, tủ buýp phê, sa lông bọc đệm mút, giường
Đức, tủ lạnh, vi-đê-ô… mà lại chạnh nghĩ đến bà cụ Nụ khốn khổ giờ này có lẽ đang lê bước đi xin ăn trên
các vỉa hè.
Thấy khách lạ từ lúc vào nhà vẫn im lặng chưa hề nói rõ lý do gì, vợ chồng Danh Vọng càng thấy phấp
phỏng. Anh chồng đưa mắt cho chị vợ, rồi mạnh dạn đằng hắng:
- Dạ, báo cáo… các đồng chí đến thăm gia đình hay…
- Chúng tôi đến thăm gia đình thôi anh chị ạ.- Anh chiến sỹ đưa mắt ra hiệu cho Lê My, ý muốn chị hãy
để mặc anh đi vài đường thăm dò đối tượng - Nghe nói anh đang làm việc ở công ty Luđamêx, một công ty
đang làm ăn phát đạt của tỉnh?
- Thưa vâng, báo cáo hai đồng chí, công ty Luđamếch chúng tôi mới thành lập vài năm nay nhưng hiện
là đứa con cưng của tỉnh. Chúng tôi kinh doanh tổng hợp nên vất vả lắm các đồng chí ạ. Ấy, có dễ đến hai
tháng rồi hôm nay vợ chồng tôi mới có một ngày chủ nhật. Tôi làm trưởng phòng giao dịch, nhà tôi làm thủ
kho, công việc bấn bíu lắm các đồng chí ạ. Thời buổi cơ chế thị trường, phải nhanh nhạy, năng động mới
sống nổi.
- Trưởng phòng mà đã có cơ ngơi như thế này, chắc ban giám đốc còn khang trang hơn nhiều…
- Ấy chết, công ty chúng tôi đang thời kỳ trứng nước…. Cái nhà này là do vốn liếng của các cụ nhà tôi
ở quê giúp đỡ đấy ạ. Vợ chồng cán bộ lương ba cọc ba đồng, lại một lũ con, lo sao được hở các đồng chí.
Lê My thấy khó chịu vì cái câu chuyện vòng vo giả tạo. Chị nói:
- Hình như một tuần trước đây anh chị có thông báo một tin trên đài về việc tìm người nhà?
- Dạ vâng, đúng đấy ạ - Chị vợ vội nói - Bà cụ đẻ ra em bị lạc nhà từ ba tháng trước. Chúng em đã cất
công đi tìm kiếm mãi. Ôi, có thật là anh chị đã tìm thấy giúp bà cụ nhà em không?
- Chẳng nói giấu gì các dồng chí, b cụ nhà tôi lẩn thẩn - Anh chồng nói - Cụ đi ra chợ rồi bị lạc. Khổ
quá, tôi đã bảo với nhà tôi, bà già rồi, không được để bà làm một việc gì cả. Ấy thế các đồng chí đã đưa
giúp bà mẹ tôi lên đây rồi chứ ạ?
- Đưa lên thì dễ thôi anh chị ạ. Nhưng chúng tôi muốn anh chị về đón cụ. Bà cụ bị mệt đang nằm bệnh
viện.
- Trời ơi, mẹ ơi- Chị vợ bỗng ôm mặt khóc hu hu - Mẹ mà làm sao thì con ân hận suốt đời.
Cả hai vợ chồng cùng cuống cuồng hỏi thăm, làm như suốt mấy tháng nay họ không thể nào ăn ngon ngủ
yên vì quá thương nhớ bà mẹ già.
Nhưng đến lúc ai là người đi đón mẹ thì cả hai cùng đùn đẩy. Anh chồng lấy cớ ngày mai phải làm
việc với Công ty xuất nhập khẩu tỉnh T. Chị vợ nói rằng chị không quen đi tầu xe, với lại ở nhà còn biết
bao nhiêu công việc.
- Thôi được, nếu anh chị quá bận không thể đi đón bà cụ được thì chúng tôi sẽ giúp - Lê My nói và
cùng người đồng ngiệp đứng dậy - Thực ra chúng tôi biết rất rõ vì sao cụ bỏ nhà ra đi. Không có chuyện
lạc nhà đâu. Về chi tiết này cả anh và chị đều không trung thực. Chúng tôi đến đây chỉ muốn được thấy sự
hối hận của anh chị vì đã trót đuổi mẹ ra khỏi nhà. Nhưng thật buồn cho nhân tình thế thái. Trong thâm tâm,
cả anh và chị đều không muốn đón bà cụ về. Việc thông báo trên đài chỉ là một động tác chiếu lệ, một hành
động sĩ diện mà thôi. Nếu quả vậy thì dù có trở về, bà cụ cũng không thể tiếp tục sống với anh chị được
đâu. Chúng tôi sẽ báo cáo việc này với lãnh đạo. Có lẽ nên đưa cụ tới một trại dưỡng lão…
- Ấy chết, thưa đồng chí, đồng chí hoàn toàn hiểu lầm chúng tôi rồi. - Anh chồng kêu lên.
- Chị ơi, đừng nghĩ ác cho chúng em - Chị vợ mếu máo - Máu chảy ruột mềm, mẹ đẻ ra mình sao
chúng em lại dám phụ bạc.
Cả hai vợ chồng đều ra sức thanh minh rằng họ thực sự là những người con hiếu thảo, rằng họ chỉ tha
thiết mong được gặp bà cụ, rằng được phụng dưỡng mẹ già những năm cuối đời là một niềm hạnh phúc của
họ, vân vân. Cuố cùng, họ cũng tỏ lời hết sức biết ơn tinh thần trách nhiệm và tình cảm ưu ái riêng của hai
đồng chí công an với vợ chồng họ và hẹn đúng chín giờ sáng ngày mai họ sẽ có mặt ở thành phố để đón
người mẹ kính yêu.
*
Ngày hôm sau, đúng giờ hẹn, hai vợ chồng Danh Vọng lai nhau trên chiếc xe cúp DD đỏ rực đến trước
đồn công an K. Lê My đã đợi sẵn họ ở đó. Chị thông báo ngay:
- Xin lỗi anh chị, chúng tôi có mời cụ đến đây, nhưng cụ bị mệt không thể đến được.
- Sao? Mẹ em vẫn còn nằm trong bệnh viện ư? - Chị vợ bỗng ôm mặt khóc hu hu, còn anh chồng thì
bỗng nhiên cáu bẳn.
- Làm gì mà đã như đưa đám. Xin lỗi chị, chị có thể cho vợ chồng tôi đến gặp bà cụ.
- Anh chị ngồi chơi, đợi tôi một lát.
Lê My đi vào phòng trong. Chị cảm thấy phân vân, cố tìm một cách giải quyết nào tế nhị hơn là kế
hoạch tối qua Quê đã bàn với chị.
Tối qua, sau chuyến đi lên thị xã H. Lê My đến ngay cái góc chợ để tìm gặp bà cụ Nụ và Quê. Vừa
thông báo về chuyến đi của mình, bà cụ Nụ đã giẫy nảy:
- Tôi nhất định không về với vợ chồng nhà nó đâu chị ạ. Cứ coi như tôi không có con cái. Sống nhờ
bàn dân thiên hạ thế này hoá ra lại thanh thản. Với lại tôi sống với con Quyên, thằng Tẩm đã quen rồi. Tôi
phải ở đây để đợi tìm thằng Tẩm về. Thà ăn một miếng bố thí nhưng có tình nghĩa với nhau còn hơn là ngồi
mâm cao cỗ đầy mà coi nhau như con sen người ở…
- Nhưng cụ ơi, anh chị ấy đã nghĩ lại rồi. Cụ cứ về, nếu có điều gì chúng cháu sẽ lên giải quyết.
- Thôi, chị thương tôi thì cứ cho tôi ở lại đây với mẹ con nhà Quyên. Tôi đã coi chúng nó như con
cháu mình rồi…
Biết làm sao? Lê My thở dài. Sự tổn thương ở người mẹ này lớn đến mức bà không thể tin ở sự phục
thiện. Chị đành bàn với Quê một kế hoạch. Và gây giờ cái kế hoạch ấy đang được họ ngấm ngầm thực hiện.
Vào khoảng gần trưa, khi cái phố bia bắt đầu vào thời điểm đông vui nhất, Lê My mới ngỏ ý mời hai
vợ chồng Danh Vọng đi dùng tạm bữa trưa. Danh Vọng vốn là người rất nhạy cảm trong chuyện xã giao
đón lời gợi ý của Lê My, anh ta biết ngay đây là một kiểu “vòi vĩnh” quen thuộc nên sốt sắng đi ngay.
- Ấy chết. Tôi phải mời chị chứ ai lại để thế. Hay lắm, hồi này tôi rất thích dùng món bia hơi. Cái món
bia hộp rất dễ dùng phải của rởm. Còn bai Tàu uống đầy bụng lắm, không lợi tiểu…
Họ chọn một quán bia dưới gốc một cây xà cừ bên vỉa hè. Chị vợ thì cứ nhăn nhó như ngồi trên đống
kiến lửa. Có lẽ một phần vì nóng ruột muốn gặp mẹ, một phần vì sợ anh chồng trưa nay phải chi một món
quá đậm để đãi khách.
Danh Vọng tỏ ra là một người rất biết điều. Anh ta gọi một lúc sáu vại bia, một đĩa tái dê, ba bát bồ
dục trần và một đĩa ốc luộc.
- Mời đồng chí. Nào, thay mặt nhà tôi, tôi xin cám ơn đồng chí trước. Hôm nay đón được bà cụ về thì
chúng tôi phải nhớ ơn các đồng chí suốt đời…
Lê My cầm cốc bia chạm với Danh Vọng nhưng chị lại đặt xuống bàn không uống. Đây là lần đầu tiên
chị ngồi ở cái phố bia này. Chị cảm thấy mình thật lạc lõng với nhịp sống quay cuồng xung quanh. Bia ở
các bom ồng ộc xả ra các cốc. Bia trào bọt lênh láng ra các mặt bàn. Các cô gái trẻ tấp nập đi lại, đon đả
chào khách. Cả một dãy hè phố chộn rộn, khói um, thơm lừng mùi xào nấu. Người ăn uống ngồi chật các
bàn. Và người ăn xin mỗi lúc kéo đến cũng đông đúc không kém. Có những tốp trẻ con dắt díu nhau, bế
bồng nhau lần lượt đi từng hàng ngửa tay xin tiền. Những bà cụ già đội nón mê chùm hụp. Có cả những anh
còn rất cường tráng nhưng lại cố làm ra vẻ tiều tuỵ khốn khổ. Họ họp nhau thành một đội quân ăn xin
chuyên nghiệp. Họ đánh trúng tâm lý của các vị khách sộp là luôn luôn tỏ ra cao thượng, luôn luôn sĩ diện
với bạn bè.
Tim Lê My bỗng thót lại khi chị thoáng nhận ra bà cụ Nụ từ góc phố trước mặt đang đi lại. đúng như
kế hoạch của Quê, Quê đã bố trí để bà cụ Nụ cũng hoàn toàn không hay biết. Cái dáng thấp nhỏ của bà cụ
trưa nay trông lại càng còm cỗi, khổ sở. Giá như còn thằng Tẩm có lẽ cụ sẽ đỡ côi cút hơn. Cặp bài trùng
ấy bây giờ chỉ còn có một người.
Khi bà cụ chỉ còn cách chỗ Lê My ngồi chừng chục mét thì Lê My không chịu đựng nổi nữa. Nước mắt
chị tự nhiên chảy tràn trên má. Chị không dám nhìn bà cụ, không dám nhìn cả vợ chồng Danh Vọng đang ăn
uống một cách thản nhiên trước mặt.
- Xin lỗi anh chị, tôi phải đi có việc một lát - Lê My nói và chị vội vã đứng dậy, đi như chạy sang bên
kia đường.
Mình ác độc quá chăng? Để cho con gặp mẹ trong một cảnh ngộ trớ trêu như thế này thật quả là tàn
nhẫn. Lê My bỗng thấy ân hận. Chị định quay trở lại ngăn bà cụ Nụ không để cụ gặp vợ chồng Danh Vọng.
Nhưng không kịp nữa rồi. Chính lúc ấy đôi bàn chân đất với hai ngón cái choãi ra như bàn chân của người
Giao Chỉ của bà cụ Nụ đã chạm đúng cái hòn gạch lát hè, nơi vợ chồng Danh Vọng đang ngồi. Một bàn tay
bà cụ giữ lấy cái túi cói bên sườn, bàn tay kia giơ ra, huơ một vòng trước mặt.
- Xin ông bà làm phúc…. Xin ông bà cho cái thân già này đồng bạc…
Chị vợ sững sờ đánh rơi chiếc bát bồ dục trần. Vại bia đang đưa lên miệng anh chồng bỗng đổ ộc
xuống cổ áo.
- Ối mẹ ơi, sao mẹ lại nỡ đầy ải mình thế này? Con đây. Cái Thoa của mẹ đây. Con lạy mẹ. Mẹ hãy về
với chúng con…
Cả dãy phố bia nhớn nhác. Người ta kéo đến đông đặc, vây kín vòng trong vòng ngoài.
Lê My hốt hoảng quay trở lại. Chị không ngờ sự việc lại vỡ lở ra như thế. Phải nhanh chóng đưa họ
trở lại đồn công an để giải quyết. Với vợ chồng Danh Vọng, bài học này đã quá đủ rồi.
Khi Lê My và các chiến sỹ công an rẽ đám đông để đưa bà cụ Nụ về đồn, chị chợt nhận ra Quê. Đôi
mắt Quê sưng mọng. Cô không muốn để cho bà cụ Nụ nhận ra mình. Cuộc chia tay này với cô thực sự là
một nỗi đau.
XI
M ột tuần trôi qua, không có tin tức gì về thằng cu Tẩm. Sở công an sáu tỉnh biên giới điện về đều
cho biết không có trường hợp trẻ em nào bị bắt cóc như đặc điểm đã thông báo.
Chỉ còn lại khả năng thứ hai: cu Tẩm đã bị Toại bắt mang về lâm trường H. Hà Tuyên. Quê khẳng định
với Lê My chính Toại là thủ phạm và thúc chị bằng mọi giá phải lên Hà Tuyên với mình để đưa cu Tẩm về.
Lê My báo cáo với lãnh đạo, gửi bé Trang cho một người bạn rồi cùng Quê ngược Hà Tuyên trên một
chuyến xe khách.
Suốt bẩy năm qua, Quê không ngờ mình lại có dịp trở lại con đường này - . Một con đường mà cô chỉ
ngược, xuôi có hai lần, nhưng mỗi lần đều hằn sâu trong ký ức cô những kỷ niệm đầy cay đắng hãi hùng.
MLần lên khi cô mới mười bẩy tuổi nhưng đã phải mang theo mình cái thai bé Rớt. Và hơn hai năm sau là
lần về, lại mang theo mình cái thai cu Tẩm. Chao ơi là đời con gái, trầm luân khổ ải dến chừng ấy mà sao
Quê vẫn sống được, vẫn bị trần gian đầy ải cho tới bây giờ. Quê bỗng nhớ con bé Rớt, nhớ cụ Tẩm đến
cồn cào. Bé Rớt bây giờ chắc đã lớn lắm rồi. Suốt từ ngày cô bỏ đi, chưa một lần nào cô viết thư cho cô
giáo Điệp. Thôi, cứ coi như Quê đã chết, cứ coi như bé Rớt chính là con đẻ của Điệp. Một người như Quê
còn tư cách nào để viết thư cho Diệp, còn gì phẩm chất để được làm mẹ nữa?
Càng đến gần địa bàn lâm trường H. Lòng Quê càng rối bời. Lúc đi Quê hăm hở bao nhiêu, bây giờ cô
lại thấy phân vân ngần ngại bấy nhiêu. Quê sợ gặp cô giáo Điệp, sợ gặp bé Rớt. Cô biết mình hoàn toàn
không xứng đáng để đến quấy phá cuộc sống của họ.
- Chị My này - Đắn đo mãi, cuối cùng Quê đành phải nói thật những băn khoăn của mình - Em tin rằng
cháu Rớt nó không nhận em đâu. Mà cả chị Điệp nữa, chắc chị ấy cũng không muốn em trở lại. Hay là chỉ
mình chị đến chỗ chị Điệp thôi. Em sẽ nghỉ nhờ một người nào đó ở lâm trường…
Quê vừa nói vừa khóc. Lê My bỗng hiểu tâm trạng của cô. Chị an ủi:
- Em cứ đến thăm cháu. Nếu quả thật cháu không còn nhận ra em nữa thì em cũng phải bằng lòng nhận
lấy sự trừng phạt. Mà mục đích chính của chúng ta là đi tìm thằng cu Tẩm cơ mà…
Họ đến nhà cô giáo Điệp vừa lúc xẩm tối. Cái lớp học tồi tàn trước đây giờ đã được xây mới. Một
dẫy nhà ngói năm gian, bốn gian dành làm lớp học. Cô giáo Điệp được xếp ở gian đầu hồi. Thoạt nhìn qua
đã thấy cuộc sống nhà giáo khá giả hơn trước nhiều. Ngoài gian nhà ở, Diệp còn dựng thêm được một cái
bếp, có giếng nước và một vườn rau xanh.
Riêng Điệp, thoạt đầu Quê không thể nhận ra. Không còn một chút hình bóng nào của một cô giáo Điệp
bẩy năm về trước, mà bây giờ, trước mặt Quê là một người đàn bà đứng tuổi, mái tóc lơ thơ vì rụng, bộ
ngực lép kẹp, cái lưng còng như một bà già. Những người đàn bà không chồng, không sinh nở, teo tóp là lẽ
thường, nhưng cái vẻ teo tóp của Diệp ngoài cái không bình thường của sinh lý còn có thêm vẻ bệnh tật và
sự thiếu dinh dưỡng.
Sự xuất hiện đột ngột của Quê và Lê My khiến Điệp hốt hoảng. Chị đứng ngẩn nhìn họ trong bóng
hoàng hôn chập choạng. Không ai thấy sắc mặt của chị tái mét đi và hơi thở dồn dập như người thiếu
dưỡng khí. Quê! - Chị thầm kêu lên - Cuối cùng thì nó đã đến. Nó đến để bắt con Rớt của ta rồi. Điệp ú ớ
không thành tiếng. Đôi mắt chị mở to, cái miệng hé ra, méo xệch không ra cười mà cũng không ra nói. Suốt
bẩy năm lúc nào chị cũng lo sợ cuộc gặp gỡ này. Có lúc chị thầm có ý nghĩ độc địa rằng Quê hãy biến khỏi
cuộc đời này, Quê hãy đi mất tích đâu đó hoặc là chết đi. Vậy mà ác nghiệt thay, đúng cái lúc mà Điệp
tưởng như thanh thản nhất, tưởng như trên đời này với chị thật là êm đẹp, thật là viên mãn, con Rớt sẽ mãi
mãi là của chị, chị sẽ hy sinh tất cả vì nó, gắn bó suốt đời với nó… thì Quê xuất hiện. “Tò vò mà nuôi con
nhện…” Câu ca xưa chợt hiện trong đầu, chua chát và cay đắng khiến Điệp trào nước mắt. Thôi rồi, người
ta sẽ đến cướp đi tất cả niềm hạnh phúc và hy vọng của chị. Bẩy năm công chị hoá thành công dã tràng.
Đời chị thế là hết. Chôn vùi cả tuổi thanh xuân nơi xó rừng này. Bây giờ lại tiếp tục chôn vùi nốt những
ngày còn lại…
- Chị Điệp, chị không nhận ra em ư? Cháu Rớt đâu rồi?
Quê ào đến với Điệp, nhưng Điệp hốt hoảng lùi lại. Chị có cảm giác như mình đang chạm vào bóng tử
thần.
- Cô lên đòi cái Rớt à? - Điệp buông một câu khô lạnh.
- Em lên cám ơn chị. Em lên thăm chị và cháu. Cháu đi đâu hả chị?
- Nó vào trong xóm xem ti-vi rồi… Này, tôi hỏi thật, thế chuyến này cô có định lên đón nó đi không
thế?
- Không. Em với chị My đây lên thăm cháu thôi. Em phải để cháu cho chị chứ…
Đến lúc này mới thấy nụ cười trên môi Điệp, một nụ cười như mếu.
- Thế mà tôi cứ hết cả hồn…
Đó, cuộc gặp gỡ của hai chị em sau bẩy năm xa cách diễn ra như thế. Một người đầy mặc cảm tội lỗi,
còn người kia lại hoảng hốt như gặp bọn người trấn lột. Lê My đã chứng kiến toàn bộ cảnh tượng và đọc rõ
từng tâm trạng của hai người đàn bà. Chị thấy thương và thật ái ngại cho hoàn cảnh của họ.
Cho tới lúc có tiếng trẻ ngoài đường, gương mặt cô giáo Điệp bỗng lại biến sắc. Chị ghé sát vào Quê,
thì thào:
- Nó về đấy… Cô đừng để cho nó biết nhớ. Tôi giới thiệu cô là em tôi. Cô phải xưng cô với nó…
Quê lặng lẽ gật đầu và nước mắt cô bỗng dàn dụa khi cô chợt nhận ra đứa con rứt ruột của mình. Chao
ơi, con bé mới lớn làm sao. Gương mặt trái xoan của nó trắng hồng, đôi má phinh phính, mắt to đen láy.
Quê tưởng như gặp lại chính mình cái tuổi chăn trâu cắt cỏ. Cô bỗng nhớ nôn nao cái làng quê bên bờ sông
Đáy. Ở đó cô có một tuổi thơ nhọc nhằn vất vả nhưng thật thơ mộng. Ở đó lần đầu tiên và duy nhất trong
đời cô biết thế nào là tình yêu. Ôi, cái đêm trăng ấy cái gốc gạo bên bờ đầm ấy, niềm hạnh phúc tột cùng
và cũng là nỗi đau khổ của đời cô...
Thấy khách lạ, cô bé cất tiếng chào rồi sà ngay vào lòng Điệp. Quê cũng định xoà tới ôm chầm lấy nó.
Nhưng Điệp đã lấy bàn chân chặn chân Quê lại. Chị ôm riết bé Rớt vào lòng. Chị giới thiệu những người
khách với nó một cách rất trịnh trọng nhưng khá lạnh lùng.
Quê cắn chặt môi đến muốn bật máu. Quê gục đầu vào vai Lê My và để mặc những giọt nước mắt thấm
vào áo chị. Lê My cảm nhận hết nỗi đau ấy. Ôi, nếu như chị là Quê, chắc chị đã chạy ào ra ngoài rừng
hoặc là chị đã lăn xả đến bên bé Rớt mà ôm ghì lấy nó.
- Em xin lạy sống chị ba lạy này để chị tha tội cho em - Cho tới lúc bé Rớt đã ngủ say rồi Quê mới
đến bên con, áp mặt mình vào mặt nó, để cho những dòng nước mắt của mình chan hoà xuống mặt nó, rồi
đột ngột phủ phục trước mặt Điệp vái chị ba vái dài.
- Đừng làm thế cô - Điệp vội vàng đỡ Quê dậy - Tôi phải biết ơn cô mới phải. Cô đã cho tôi cái phần
thiêng liêng nhất mà lẽ ra tôi không được hưởng. Nếu không có bé Rớt chắc là tôi chẳng thể yên tâm mà
sống ở cái nơi xó rừng này được. Nó là niềm vui của tôi. Là hy vọng và tương lai của tôi. Cô có biết
không, có những đêm tôi nằm mơ và bỗng hốt hoảng sờ soạng quanh mình. Tôi nằm mơ thấy cô về mang bé
Rớt đi. Thế là tôi hoảng hốt ôm chầm lấy nó, tôi ú ớ reo gọi tên nó. Những lúc ấy bao giờ tỉnh dậy tôi cũng
toát hết cả mồ hôi. Rồi tôi ôm nó mà mỉm cười sung sướng vì bé Rớt vẫn ở bên tôi, vẫn là của tôi. Nói cô
và chị đừng giận, suốt bẩy năm qua, tôi không bao giờ dám nhắc đến tên cô trước mặt nó. Tôi cố làm cho
nó hiểu rằng tôi chính là người đẻ ra nó, chỉ có tôi và nó ở trên đời này thôi. Nếu cô thương tôi thì cô đừng
bao giờ để cho nó biết rằng cô là mẹ đẻ của nó. Cô đừng bắt bé Rớt của tôi đi cô nhé…
- Không, em không có quyền. Bé Rớt là của chị. Chị hãy yêu thương lấy cháu. Em như người bỏ đi rồi.
Em là một người mẹ khốn nạn. Em đáng bị trừng phạt. Em biết cái số mệnh của em rồi.
Hai người đàn bà cùng sụt sịt khóc. Nhìn họ. Lây nỗi đau của họ, Lê My cũng không cầm được nước
mắt. Chị hoan toàn đồng cảm với họ và thấy mình có phần nào đó cũng giống như họ. Đúng, cả chị và hai
người đàn bà kia dường như mỗi người đều có những khuyết tật riêng, những nỗi đau riêng của thân phận
đàn bà. Mỗi người đang sống cái phần mà người kia thiếu hụt. Chị thấy thương họ cũng như thương chính
bản thân mình.
*
Sáng hôm sau một mình Lê My đến gặp Toại.
Nhà Toại là cả một ngôi biệt thự giữa rừng. Từ con đường ven đồi phải đi men theo một cái ao rộng
chừng hai mẫu, nước quanh năm đầy ắp. Từ sân lên tới nền nhà phải leo hai mươi bậc tam cấp. Ngôi nhà
nằm ngang sườn đồi, đón gió rừng lồng lộng. Hai bên nhà là những đồi chè xanh ngắt, xén đều tăm tắp theo
đường đồng mức. Thoạt nhìn ai cũng nghĩ là chè nông trường, nhưng không, vườn nhà Toại đấy. Mỗi tháng
gia đình Toại thu nửa tạ chè khô, mỗi cân chè bằng năm cân gạo, chỉ riêng khoản chè cũng cho một khoản
thu nhập ổn định bằng vài mẫu ruộng dưới xuôi.
Lê My đóng giả một người đàn bà ăn chơi từ dưới Hà Nội lên lùng mua vàng và đá quí. Mái tóc phi
dê buông xoã ngang vai, đôi mắt viền một đường chì xanh mờ ảo, môi thoa một lớp son màu cánh sen tươi
hồng, áo thun màu xanh da trời, quần bò mốc… trông vừa duyên dáng khêu gợi, vừa đích thị là một tay
chơi sành điệu.
Toại tiếp Lê My một cách dè dặt và đầy vẻ thăm dò. Ông hoàn toàn không tỏ ra vồ vập khi chị đưa ra
những thông tin về đường dây tiêu thụ, về giá cả cũng như những hứa hẹn trong việc hợp tác làm ăn. Suốt
buổi tiếp chuyện, điều Toại quan tâm hơn cả là cái khoảng trắng ngần dưới cổ My. Một làn da nõn nà. Một
khuôn ngực đầy đặn và khêu gợi. Ở người đàn bà này Toại cảm thấy có một sức quyền rũ giới tính rất mạnh
mẽ. Nó gợi cho Toại nhớ lại cái cô gái mà ông đã từng bắt gặp loã thể trong cái buổi chiều tắm suối mấy
năm trước. Và ông lại bỗng thấy một cảm giác thèm muốn nhục cảm tràn ngập trong người. Ông bỗng nhớ
đến Quê, muốn gặm nhấm lại những kỷ niệm ngày nào.
Dường như Lê My cũng đọc được những ý nghĩ ấy ở Toại. Chị thấy người mình như nổi gai lên, chị
thấy thật là khó chịu mỗi khi ánh mắt Toại cứ nhìn xoáy vào chỗ khuôn ngực mình. Tự nhiên vai kịch của
chị bỗng trở nên gượng gạo và giả tạo. Ấy là chưa kể trong lúc vừa nói chuyện với Toại, chị lại phải đưa
mắt để ý đến từng tiếng động, từng hình bóng xung quanh. Chị cố gắng thử phát hiện xem trong căn nhà này
có dấu tích gì của một cậu bé, có hơi hướng gì của một đứa trẻ lạ…
- Tôi có cảm giác như cô không phải là một người lên đây làm ăn - Toại bỗng nói, đôi mắt của ông ta
giờ đây đã nhích cao lên, chĩa thẳng vào Lê My - Nếu cô làm nghề chạy mánh thì chắc chắn cô sẽ bị thua
lỗ. Tiếp xúc qua, tôi thấy cô còn khờ khạo lắm. Đến dân đồng rừng như tôi, tôi cũng dễ dàng lừa bịp cô
được. Thôi, đừng đóng kịch nữa, cô hãy nói cho tôi biết cô lên đây gặp tôi với mục đích gì. Đúng là tôi
vừa ở Hà Nội lên tuần trước. Tôi đang có việc phải làm ăn ở dưới đó. Tôi có thể giúp được cô điều gì?
Một đối thủ khá lọc lõi - Lê My thoáng giật mình. Trong đời làm nghề, đây là lần đầu tiên chị cảm thấy
vai đóng của mình đã bị đối thủ nhận ra ngay từ phút gặp ban đầu. Nhưng chính cái vẻ lọc lõi của Toại lại
khiến chị phát hiện ra ở Toại một trạng thái tâm lý mà chị đang cần khai thác. Ấy là sự bất ổn trong tâm lý,
một ý thức đề phòng trong lúc giao tiếp. Và Lê My đã tận dụng ngay trạng thái tâm lý này để khai thác đối
thủ:
- Không có điều gì qua mắt ông được. Ông tinh lắm. Chắc ông đoán ra ngay việc tôi lên đây là vì
thằng cu Tẩm. - Lê My nhìn xoáy vào đôi mắt Toại và chị chìa cho Toại xem tấm thẻ đỏ của mình - Lẽ ra
chúng tôi có thể gặp ông ngay ở bến xe thành phố… Nhưng, chắc ông biết vì những lý do tế nhị…
- Tôi hoàn toàn không hiểu ý định của chị - Toại bỗng khoát đôi bàn tay - Cu Tẩm nào? Tôi không dính
dáng gì đến chuyện trẻ con.
- Ông đừng tỏ vẻ ngạc nhiên thế. Với chúng tôi, ông hoàn toàn có thể tin cậy được. Vả lại chúng tôi
không bao giờ làm một việc gì mà không có chứng cớ. Ông nghĩ lại đi. Ngày 18 ông gặp bà cháu cu Tẩm ở
phố bia. Ngay tối hôm đó ông đã tìm đến góc chợ nơi mẹ con Quê ở để xin đón cháu Tẩm về. Và ngày 19
ông đã tổ chức bắt cóc cháu Tẩm trên hè phố…
- Không. Hoàn toàn tôi không bắt cóc… Đúng là tôi đã nhận ra cháu… Tôi đã đến cầu xin mẹ nó…
- Vậy thì bây giờ cháu Tẩm đâu?
- Chính tôi phải hỏi lại đồng chí điều này. Xin lỗi đồng chí, từ lúc đồng chí nói, tôi rất băn khoăn…
- Ông băn khoăn vì điều gì? Chính ông đã đạt được mục đích của mình rồi…
- Không. Đồng chí đừng dồn tôi như thế - Toại bỗng đột ngột đứng dậy. Vẻ mặt của ông ta tỏ ra rất
căng thẳng. Ông ta đi lại góc bàn rót một cốc nước lọc và tu ừng ực.
Thoáng trong đầu Lê My một chút phân vân. Có phải chính Toại cũng không hay biết gì về việc cu
Tẩm bị mất tích không? Hay ông ta giả vờ? Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, Lê My thấy lúc này là thời cơ
chị dồn ép đối tượng, buộc ông ta phải lúng túng, phải bộc lộ những điều mà chị cần khai thác.
- Ông Toại, ông hãy nói thật đi. Tôi biết ông chưa mang cháu Tẩm về đây. Nhưng ông giấu cháu ở
đâu?
- Đồng chí không tin tôi sao? Tôi hoàn toàn không biết gì về việc này. Thực tình là tôi đang rất bối rối
khi biết cháu Tẩm đã bị mất tích.
- Ông đừng đùa bỡn nữa - Lê My nghiêm giọng - Tôi biết, từ lúc ông gặp cháu Tẩm ở phố bia ông đã
không rời nó một giây nào trong ý nghĩ. Chính nó đã thức tỉnh ở ông tình máu mủ. Ông như bắt được một
báu vật mà bấy lâu ông tìm kiếm, ông mơ ước. Ông có thể đổi cả gia tài, cả tiền bạc mà bấy lâu ông giành
dụm. Có thể nói nó là tất cả cuộc đời ông… Tôi tin là ông không nhầm lẫn, không mơ hồ gì về cái sợi dây
đã liên kết cuộc đời ông và Quê. Chính vì thế mà ông có thể đổi bằng mọi giá để có được một thằng con
trai là thằng Tẩm. Trong chuyện này ông hành động hoàn toàn theo cái tình cảm thiêng liêng của một người
cha. Ông hoàn toàn có lý. Chúng tôi đánh giá cao việc làm của ông. Chỉ có điều, chúng tôi muốn biết hiện
giờ ông để thằng bé ở đâu?
- Xin đồg chí hiểu cho rằng…
- Ông hãy bình tĩnh lại đã. Nếu ông hiểu mục đích của tôi trong chuyến đi này, ông sẽ phải cảm ơn
thiện chí của chúng tôi. Chắc ông cũng biết rõ hoàn cảnh của Quê hiện giờ ra sao? Cô ấy không đủ điều
kiện để nuôi dạy thằng bé. Cô ấy quá khốn khổ. Có lẽ một trong những nguyên nhân khiến ông quyết liệt để
giành giật lại thằng bé cũng vì lý do ấy. Đúng là không thể để một đứa trẻ sống lang thang bụi đời như vậy
được. Ông có hoàn toàn đồng ý với tôi như vậy không?
- Đồng chí nói rất đúng. Đồng chí có hiểu tâm trạng của tôi lúc gặp hai bà cháu ngửa tay ăn xin như thế
nào không? Bằng linh cảm, tôi nhận ra thằng bé chính là đứa con của mình. Và tôi đau xót vô cùng. Tôi ân
hận vì mình đã đẩy Quê đến tình cảnh ấy. Tôi có thể mất cả gia tài. Tôi sẵn sàng đánh đổi cuộc đời mình
để cho con tôi không phải đi làm cái công việc đau lòng ấy. Tôi đã tìm kiếm mẹ con cô ấy suốt một buổi
chiều, một buổi tối. Tôi đã cầu xin cô ấy hãy tha thứ tất cả. Tôi có tội với mẹ con cô ấy vô cùng. Vậy mà
cô ấy không tha thứ. Mà thằng bé nó đâu hiểu được, nó đâu biết rằng chính tôi là người cha của nó… Đồng
chí ơi, tôi hỏi thật. Quê có lên đây cùng với đồng chí không?
- Có đấy. Chính vì cô ấy mà tôi phải lên đây. Cô ấy là một người yêu con vô cùng.
- Thế thì tôi không biết gì hết. Tôi không biết thằng bé bây giờ ở đâu - Toại bỗng lắc đầu quầy quậy.
- Xin ông đừng lo ngại điều gì. Ông có thể nói với tôi toàn bộ sự thật. Tôi biết rằng người có đủ điều
kiện và tư cách nuôi dậy thằng bé hiện giờ là ông.
- Thật vậy chứ? Chị hứa với tôi đi. Về mặt luật pháp tôi hoàn toàn có khả năng được nuôi thằng con
tôi chứ?
- Xin lấy danh dự để hứa với ông.
- Chị sẽ không nói gì cho Quê biết cả?
- Tôi đã nói rồi. Quê hiện giờ không có điều kiện và cũng chưa đủ tư cách để nuôi cháu bé. Tôi ủng hộ
ông.
- Vậy thì xin thưa với chị - Toại mỉm cười, một nụ cười đầy mãn nguyện và tin cậy - Tôi đã đón thằng
bé về rồi. Tất nhiên là tôi không đưa nó về đây. Vì tôi biết Quê có thể lên đòi lại. Tôi đã gửi cháu bé ở
một nơi tin cậy. Tôi sẽ phải cho nó ăn học. Tôi sẵn sàng bán cả cái gia tài này để nuôi dạy nó nên người.
Chao ơi, chị không hiểu được đâu. Đến tuổi này tôi mới hiểu rằng mình cần phải có một thằng con trai như
thế nào? Nó chính là nơi để tôi gửi gắm và ký thác đời mình. Khi mình chết đi rồi thì nó chính là một phần
đời mình gửi lại. Thú thật với chị, những ngày qua tôi hạnh phúc vô cùng. Tôi như trẻ lại. Tất cả những
ham muốn của đời tôi vậy là tôi đã đạt được. Tôi không còn mong ước gì hơn nữa. Từ nay tôi có thể yên
tâm để làm giàu, tôi có thể yên tâm để chết…
Nhưng lời tâm sự chân thành và bộc trực của Toại khiến Lê My bỗng thấy xúc động và cảm thông.
Chính chị cũng không ngờ rằng cái ý định ban đầu khi cùng Quê lên đây đã hoàn toàn bị đảo ngược. Khi từ
Hà Nội đi, chị chỉ nghĩ rằng chị sẽ làm mọi cách giúp Quê đưa được thằng bé trở về. Nhưng chính sự thiết
tha với thằng bé của Toại đã làm chị thay đổi ý định. Đúng, Toại mới chính là người có quyền nuôi dạy
thằng cu Tẩm lúc này.
- Tôi nghĩ mình cũng còn phải có nghĩa vụ với Quê nữa chị ạ - Sau một phút suy tính, mắt Toại bỗng
sáng rực lên. Ông ta đảo mắt nhìn Lê My thăm dò rồi mạnh dạn đề đạt - Tôi có nguyện vọng này, nếu chị
giúp được thì tôi đội ơn suốt đời. Quả tình là tôi rất muốn được đón cô ấy về… Bây giờ thì tôi chẳng sợ
vợ con tôi ghen tuông nữa rồi…
- Tức là ông muốn cả hai mẹ con… - Lê My bỗng cười giễu cợt.
- Vâng. Đồng chí rất hiểu ý tôi. Hay thế này nhá. Đồng chí hãy giúp tôi gặp gỡ cô ấy. Tôi sẽ đề đạt
nguyện vọng. Biết đâu cô ấy lại thương mà tha thứ cho tôi. Tiền thì tôi không thiếu. Tôi có thể mua cho mẹ
con cô ấy một căn nhà tại Hà Nội. Hai mẹ con cứ việc ở đó. Có thể mở một tiệm hàng nào đó buôn bán nhì
nhằng. Tôi thì đi về giữa trên này và dưới ấy. Hầy, như thế mà lại hoá hay… Chị giúp tôi đi. Tôi không để
chị thiệt đâu. Trên đời này cái gì cũng có giá của nó…
- Thế ông định trả tôi bao nhiêu? - Lê My nhướng đôi mày đầy vẻ khinh mạn, nhưng Toại không thể
hiều được cái nhìn ấy.
- Nếu trả tiền chắc chị không nhận. Với lại tiền làm sao tính được công lao giúp đỡ của chị. Vả lại làm
như thế chị sẽ cho tôi là hối lộ. Tôi chỉ muốn trả cái ơn của chị thôi. Ví dụ tôi có thể tặng chị một mặt đá
hồng ngọc chẳng hạn. Đánh một chiếc mặt đá dây chuyền sẽ rất hợp với nước da của chị - Toại nói và nhìn
xoáy vào khoảng ngực trắng muốt của Lê My như thể ông ta đang nhìn thấy những ánh hào quang lấp lánh ở
đó.
- Thôi, đủ rồi, ông Toại ạ - Lê My đứng dậy khoát tay tỏ ý muốn dẹp bỏ cái kiểu mặc cả lố bịch của
Toại - Phương án của ông có vẻ rất hay ho. Ông đang là kẻ có tiền. Đúng là nếu có tiền thì Quê rất có thể
sẽ sống một cách lương thiện chứ không đến nỗi khổ ải như bây giờ. Nhưng mà ông alàm rồi. Không phải
bao giờ đồng tiền cũng làm đảo lộn mọi thứ lô gích của cuộc đời. Trong mối quan hệ giữa ông và Quê
trước đây, cái lô gích của ông nó thế này: Ông là kẻ đã gây ra mọi đau khổ cho cô ấy, đã đẩy cô ấy xuống
đáy của cuộc sống, vậy thì ông hãy nhận lấy mọi hậu quả. Tôi ở địa vị của Quê tôi cũng không bao giờ tha
thứ. Thà rằng làm đĩ để nuôi con chứ không thể tha thứ cho kẻ đã làm hại đời mình. Tính cách phụ nữ của
chúng tôi là thế đấy. Ông đã đẩy cô ấy xuống cái đáy vực mà bây giờ dẫu nối chục con sào, dẫu thả một sợi
dây vàng ròng ông cũng không mong kéo cô ấy lên được…
- Thưa đồng chí, nhưng mà bây giờ tôi đã ân hận… Tôi biết tôi là kẻ có tội. Tôi muốn được chuộc
lại…
- Bằng cách ông hãy nuôi dạy thằng cu Tẩm cho nó lên người…
- Vâng. Chuyện đó thì xin đồng chí hãy yên tâm.
- Ngay lúc này thì chưa yên tâm được đâu.
Toại ngây người. Ông ta thoáng nhìn Lê My một cách lo lắng.
- Lúc nãy tôi nói chuyện với ông là về mặt tình cảm. Đứng về mặt tình cảm tôi có thể thay mặt Quê để
bằng lòng cho ông nuôi dạy thằng Tẩm. Nhưng về mặt luật pháp thì cần phải có những chứng cứ đảm bảo.
Rất có thể Quê sẽ kiện tôi về việc này chứ. Và ai dám đoán chắc chính ông là bố đẻ của cháu Tẩm?
- Ôi đồng chí, đồng chí vẫn không tin tôi sao? Tôi cũng đã từng là một đảng viên… Hay là tôi có thể
gửi đồng chí một số tiền để đồng chí lo giúp tôi về mặt thủ tục…
Toại vừa nói vừa đi lại tủ, lấy ra một bọc tiền đặt trước mặt Lê My. Ông ta tin một cách thành thật
rằng Lê My đang cố tình gây khó dễ cho mình để đòi một chút thù lao nào đó.
Lần này thì Lê My tỏ ra bực bội thực sự. Chị chặn bàn tay lên gói tiền và nhìn thẳng vào mặt Toại:
- Tôi sẽ lập biên bản về tội hối lộ này.
- Ấy chết, xin lỗi… Thực tình là tôi quí đồng chí - Toại lắp bắp.
- Vậy thì ông hãy cất tiền đi và nghe tôi nói đây.
- Dạ vâng. Xin chị hết sức tha lỗi…
- Ông hãy làm một tờ đơn, khai rõ mối quan hệ của ông và cô Quê trước đây và xin tình nguyện được
nuôi thằng cu Tẩm. Đơn này phải có chứng thực của lâm trường và công an địa phương. Trong đơn ông
cũng phải cam kết sẽ nuôi dạy cháu Tẩm một cách chu đáo. Trường hợp mẹ nó phát hiện ra, đòi lại con thì
ông phải trả lại hoặc có một sự thoả thuận mới…
- Tôi e rằng việc chứng thực sẽ gặp khó khăn… - Toại lắc đầu ngần ngại.
- Nếu không có những giấy tờ này thì chính tôi cũng không thể bảo lãnh cho ông được. Đây chính là
địa chỉ của tôi. Ông hãy gửi hoặc mang những giấy tờ hợp lệ về địa chỉ này.
- Rất đội ơn chị. - Toại cầm tờ giấy có ghi địa chỉ cơ quan Lê My một cách rất trân trọng. Ông ta đăm
chiêu suy nghĩ một lát rồi chợt ngẩng lên, mặt mày rạng rỡ như vừa tìm ra diệu kế - Xin chị cứ yên tâm.
Một tuần nữa tôi sẽ xin nộp đủ giấy tờ.
Dường như Lê My đã đọc thấy những ý nghĩ trong đầu Toại. Ông ta đang nghĩ đến cái túi tiền có khả
năng cải lão hoàn đồng, có thể biến đen thành trắng của ông ta.
XI
Bây giờ thì Quê đã hoàn toàn trắng tay. Cái vốn liếng cuối cùng của đời cô là thằng cu Tẩm cũng không
còn nữa. Lê My đã không ngần ngại mà nói toẹt cho Quê biết: Ông Toại không có liên quan gì đến vụ mất
tích thằng Tẩm.
Suốt chặng đường từ Hà Tuyên về, Quê ngồi rũ như một tàu lá úa. Cuộc đời Quê còn gì? Quê không có thời
thiếu nữ. Mười sáu tuổi Quê đã trở thành người đàn bà. Làm đàn bà nhưng không được hưởng cái e ấp, hồi
hộp, rộn rạo của đêm động phòng. Quê như một trái non bị chín ép, bị châm chọc, vày vò cho ung rữa.
Mười bảy tuổi Quê đã phải làm mẹ, làm mẹ khi mà cô vẫn còn trẻ con, vẫn chưa có một hành trang gì cho
cuộc sống gia đình. Rồi cả hai đứa con đều sinh ra trong những hoàn cảnh khốn khổ. Ngoài Quê ra không
có ai mong chúng ra đời. Chúng là những đứa con hoang trong những cuộc hôn phối giữa Quê và quỉ.
Giá như đời Quê được yên ổn, dù trên cái xó rừng heo hút kia. Quê sẽ lầm lũi nuôi con, Quê sẽ bới đất,
vạch cây mà tìm ra thức ăn nuôi chúng. Vậy mà cái mơ ước giản dị ấy cũng không thể có được. Lại bị dồn
đuổi, lại bị truy bức đến cùng. Dồn đuổi đến mức bán thân nuôi mình, nuôi con vẫn còn chưa đủ. Bây giờ,
hai đứa con đã bán cả rồi, trắng tay rồi, còn thiết sống gì nữa.
- Này Quê, em phải bình tâm lại - Lê My an ủi - Để chị về báo cáo với các đồng chí lãnh đạo. Nhất định
rồi bọn chị sẽ tìm được thằng cu Tẩm cho em. Có nhiều trường hợp mẹ mìn đã mang trẻ con sang bên kia
biên giới mà rồi công an ta vẫn tìm được cơ mà…
- Nhưng mà em biết nói với anh Hiển thế nào? Ở trong tù anh ấy đã khốn khổ lắm rồi. Bây giờ biết tin cu
Tẩm mất tích thì anh ấy sẽ phát điên lên mất…
- Vậy là Hiển vẫn không hề biết cu Tẩm là con của ông Toại ư?
Câu hỏi của Lê My cũng chính là điều mà Quê tự hỏi mình suốt mấy năm trời. Càng sống với Hiển, cô lại
càng bị dày vò bởi cái điều bí mật mà chỉ có mình cô biết ấy. Đã bao lần cô định tự thú với Hiển, rằng
thằng cu Tẩm không phải là con anh, rằng anh hãy tha thứ cho mẹ con cô. Cô hoàn toàn không có ý định lừa
dối anh. Chỉ riêng một hành động cao thượng là anh nhặt mẹ con cô từ ngoài đường về nhà đã đủ khiến cho
cô có thể làm nô lệ cho anh suốt đời. Nhưng rồi Quê không thể nói với anh, không có gan để thú nhận với
anh được. Như thế thì tàn nhẫn quá. Sự thật nhiều khi nói ra còn tàn nhẫn hơn cả bản thân nó. Thà rằng hãy
cứ dối trá để cho Hiển sống trong ảo vọng. Cũng như tôn giáo vậy thôi, người ta phải cố thêu dệt ra một
chốn thiên đường, một cõi niết bàn cho phần hồn để an ủỉ cái phần xác khốn khổ của mình. Chỉ thương cho
Hiển. Dường như anh không hề biết Quê đã lặng lẽ lừa dối anh, hoặc giả anh biết mà anh làm như không
biết gì. Anh quí thằng cu Tẩm thực sự, anh yêu nó như chính nó là giọt máu đích thực của mình.
- Em cũng không biết là anh Hiển có biết gì về thằng cu Tẩm không - Quê nói - Hồi em đẻ, có người nghi
ngờ thừng bé không phải là con anh Hiển, nhưng anh ấy không tin. Anh ấy bảo: “Miệng lưỡi thế gian biết
thế nào mà lường. Em đừng nghĩ ngợi gì”. Suốt mấy năm trời, chưa bao giờ anh ấy đánh mắng nó. Thằng
Tẩm cũng tin rằng chính anh Hiển là bố đẻ của nó. Tuần nào nó cũng giục em vào nhà giam thăm bố Hiển.
Nó chỉ mong bao giờ bố Hiển được ra tù để nó đi phụ giúp bố Hiển đạp xích lô… Thế đấy chị ơi, rồi em
biết nói với anh Hiển thế nào? Không, dù thế nào đi nữa, ngay ngày mai em phải báo cho anh Hiển biết tin
này…
- Đừng báo vội, Quê ạ - Lê My tìm cách hoãn binh - Cứ để một hai tuần nữa để bọn chị tìm kiếm xem đã.
- Nhưng anh ấy hỏi thăm cháu thì em biết nói thế nào?
Lê My thở dài. Chị bỗng nhớ lại cái buổi vào nhà giam hỏi cung Hiển, nhớ lại gương mặt chất phác, cương
trực của anh.
- Quả tình chị không ngờ có những người như Hiển mà lại bị vào tù.
- Trong tù cũng có nhiều người vốn rất lương thiện. Họ bị hoàn cảnh dồn đẩy đến tội ác. Cũng có khi vì họ
chống lại cái ác mà bị cái ác tròng vào người. Anh Hiển bị tù là oan lắm đấy chị ạ. Chính hai vợ chồng mụ
Quỉ mới đáng bị tù kia. Trời ơi, chị có biết không, trên đời này không có người đàn ông nào tốt với mẹ con
em như anh ấy - Quê vừa nói vừa ôm mặt khóc.
Lê My thấy mủi lòng. Chị định nói với Quê rằng chính ông Toại đã đón thằng Tẩm về nuôi, rằng chị đã
đồng tình với nguyện vọng của ông ấy, đó là giải pháp tốt nhất lúc này cho Quê, bởi cô không có đủ điều
kiện để làm mẹ cả hai đứa trẻ. Nhưng thôi. Đành phải dối Quê vậy. Cứ mặc cho cô ấy đau khổ. Người mẹ
nào chẳng có nỗi đau khi mất con, nhưng họ không hề biết có một nỗi đau hơn là họ không có khả năng nuôi
nổi được chính đứa con của mình. Chuyến đi này, với Quê có thể là một chuyến đi thất bại, nhưng với Lê
My thì đó lại là một thành công không ngờ. Chị hoàn toàn yên tâm về bé Rớt và thằng cu Tẩm. Chúng sẽ
được cô giáo Điệp và ông Toại nuôi dạy chu đáo. Cùng với việc giải quyết đưa bà cụ Nụ về với vợ chồng
Danh Vọng, Lê My đã góp phần giúp ba con người tránh được những con đường bất lương trong cuộc đời.
Còn với Quê? Liệu Lê My có thể giúp được cô thoát khỏi tình cảnh bi thảm hiện giờ không?
*
Khi Lê My và Quê vừa về đến khu tập thể thì Đặng Phong đã ngồi chờ họ sẵn ở quán nước bên đường. Hai
ngày qua anh nhớ Lê My và mong chị từng giờ. Sau bốn năm ly thân, sau bao nhiêu lần đi lại toà án đến
mòn cổng, cô vợ của anh đã đồng ý chấp nhận cho anh được ly hôn. Còn mười lăm ngày nữa cuộc ly hôn
mới có hiệu lực, nhưng Đặng Phong không thể chờ đợi được hơn nữa. Anh đã đến tìm Lê My bốn lần, đến
để thông báo cái tin vui này với chị, để được ngắm nhìn chị và để được nghe chị nói rằng: “Từ nay em sẽ
là của anh”.
Nhưng Lê My thật quá vô tâm, hoặc vì sự xuất hiện của Phong khiến chị chỉ nghĩ đến cái công việc mà chị
đã nhờ anh, nên không kịp để Phong nói điều gì, chị đã hỏi ngay:
- Thế nào anh, công việc ở làng SOS mà em đã nhờ anh có kết quả gì không?
Đặng Phong như người bị dội gáo nước lạnh. Anh buồn vì Lê My chẳng nghĩ gì đến anh cả.
- Sao? Anh nói em nghe đi. Em đã nói chuyện với Quê rồi. Anh hãy báo cho Quê một tin vui gì đi. Em nghĩ
rằng anh đến chính là vì cái tin ấy…
- Vì một cái tin khác… Nhưng thôi, lúc này nói cũng chẳng có ý nghĩa gì…
- Anh cứ nói. Hay anh giận em à? - Lê My chợt sững người khi nhìn thấy đôi mắt Phong sầm tối lại - Em
xin lỗi. Em đoán rằng có một chuyện gì đó mà anh muốn nói riêng với em…
Lẽ ra Phong cứ nên yên lặng, chờ đến một lúc khác. Nhưng vì anh quá đột ngột bởi sự vô tâm của Lê My
nên anh đã trở nên vụng về.
- Về chuyện của Quê, tôi đã làm hết sức mình nhưng cho đến giờ có thể nói rằng hoàn toàn không có hy
vọng. Có một trăm bảy mươi hai lá đơn xin vào làm việc ở làng SOS. Cần phải ưu tiên trước hết cho
những người vợ liệt sĩ, những người có cống hiến, những người đã qua trường lớp đào tạo, những người có
quá trình làm việc từ thiện nhiều năm… Ngay cả những công việc lao động giản đơn nhất cũng đều phải xét
trên những tiêu chuẩn ấy…
- Không có một trường hợp ngoại lệ nào sao? - Lê My nhìn Quê và thở dài.
- Nếu như chúng ta mở ra một trăm làng SOS thì cũng vậy thôi. Có biết bao nhiêu người lương thiện còn
đang không có công ăn việc làm…
Vậy là không có một việc gì cho Quê, ngoài… Lê My cay đắng nghĩ. Chị mường tượng ra cảnh đêm mai
Quê sẽ lại đi lang thang ra bờ hồ, vật vờ dưới gốc cây trong ánh đèn nhập nhoạng. Biết tìm cách gì để giúp
Quê được? Chính bản thân chị, với đồng lương ít ỏi của mình cũng phải chật vật lắm mới nuôi nổi bé
Trang, huống chi lại phải cõng thêm một người nữa, dù chỉ trong thời gian dăm bữa nửa tháng.
- Anh muốn gặp riêng em để nói một câu chuyện - Chần chừ mãi cuối cùng Đặng Phong cũng phải nói với
Lê My một cách khẩn khoản.
- Hãy đợi em một chút. Chúng mình sẽ nói chuyện trên đường em đi đón bé Trang.
Lê My vào phòng tắm ào qua và thay quần áo. Rồi chị bảo Quê:
- Quê ở nhà nấu cơm để tí nữa chị đón cháu về cùng ăn nhé. Em cứ ở lại đây với chị nhé. Không được bỏ
đi như lần trước đâu đấy.
Khi Lê My và Phong vừa đi khỏi, Quê vội quay vào nhà và khóc tức tưởi. Trên đời này chưa bao giờ Quê
thấy ai lại quá tốt với mình như Lê My.
*
Tối ấy, trong công viên, gần “khu rừng chiến khu” rất thân thuộc của Quê, lần đầu tiên sau ba năm quen
biết nhau, Lê My đã gục đầu vào ngực Phong, để mặc anh ôm riết trong niềm hạnh phúc bao ngày kìm nén.
Chị tưởng mình đã khô cằn chai sạn đi trong tình yêu, nhưng đâu phải. Những nụ hôn vẫn say đắm, nồng
thắm như lần đầu.
Họ, đôi tình nhân muộn màng ấy không hề hay biết rằng, đúng cái lúc họ đang trao cho nhau những cái hôn
cháy bỏng nhất thì có một người lặng lẽ bỏ ra đi. Người ấy chính là Quê.
Quê không để lại một dòng chữ nào. Cô chuẩn bị sẵn cho mẹ con My bữa cơm trên bàn, rồi như một cái
bóng, ra đi không để lại một dấu tích gì. Dường như cô muốn những ngày cô gặp gỡ, làm phiền nhiễu Lê
My vừa qua chỉ là ảo ảnh, rằng bản thân cô, cái con người nhơ nhếch và khốn khổ của cô không đáng để
một vết tích gì trong cuộc đời một người quả giàu lòng nhân ái và vị tha cho Lê My.
Quê đi đâu? Như một bản năng đã được hình thành từ những ngày sống cuộc đời bờ bụi. Quê lại đi qua cái
lỗ chó chui để dẫn vào cái góc "chiến khu” trong công viên. Ở đây người và ma, thánh thần và quỉ dữ đều
có thể tìm thấy hạnh phúc của mình, có sao đâu?
Rất có thể là Quê đã đi ngang qua, hoặc đi sát gần cặp tình nhân. Bóng tối đã giúp họ không nhận ra nhau.
Và, sau hôm Quê bỏ đi mấy ngày, từ nhà giam thành phố. Lê My nhận được một tin mới: phạm nhân
Nguyễn Văn Hiển đã trốn khỏi trại, mặc dù chỉ còn bốn tháng nữa gã sẽ mãn hạn tù.
Không ai biết vì sao cái gã tù nhân Nguyễn Văn Hiển lại dại dột bỏ trốn khi mà gã sắp có cơ hội trở thành
người tự do. Chắc chắn chỉ có mình Lê My mới hiểu được cuộc chạy trốn của cả Quê và Hiển. Chị ân hận
vô cùng vì đã trót nói dối Quê rằng thằng cu Tẩm bị mất tích. Chao ơi, cuộc đời đầy rẫy những éo le phức
tạp. Để giúp được người này thì lại làm cho người kia khổ. Có cách chi để yêu trọn được tất cả mọi
người?
Suốt từ hôm ấy, một trong những công việc của Lê My luôn canh cánh bên lòng là để tâm tìm kiếm Quê và
Hiển. Tìm, để nói với họ rằng, họ hãy yên tâm về thằng cu Tẩm. Nó không bao giờ còn phải lang thang trên
những vỉa hè để làm một đứa trẻ bụi đời ngửa tay xin cơm thiên hạ.
Nhưng mà Quê và Hiển bây giờ ở đâu?
17 phố Trần, Hà Nội, 30-4-1991
H.M.T.
Tác phẩm viết về người phụ nữ trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ Quốc.
Bìa 4
Trong số hàng trăm can phạm mà nữ trung uý công an Lê My có dịp tiếp xúc, Đào Thị Quê dường như là
một phép thử đối với lương tâm và phẩm chất nghề nghiệp của chị. Nếu lần gặp gỡ 10 năm trước, khi Quê
vừa 16 tuổỉ đã bị bắt cóc vào cuộc chơi tình cờ, thì cuộc gặp gỡ bây giờ chính là sự sắp đặt của định
mệnh. Mười năm, số phận đã đẩy Quê trượt dài xuống đáy… Làm đàn bà ngay từ tuổi thiếu nữ. Hai lần
sinh con ngoài giá thú là hai lần một mình vượt cạn. Trốn lên rừng xanh rồi mà vẫn không thoát được “lầu
xanh”...
Nữ trung uý Lê My sẽ làm gì với cô gái khốn khổ ấy? Lạnh lùng chối bỏ ư? Hay sẽ khinh bỉ, hắt hủi?