CHỐN CŨ
SONG THAO
CHỐN CŨ
NHÂN ẢNH
2006
Chốn Cũ
Song Thao
tranh bìa: Đinh Cường
bìa & trình bày: Tạ Quốc Quang
NHÂN ẢNH xuất bản
www.songthao.com
MỤC LỤC
Giữa đàng 9
Tưởng 25
Chốn cũ 39
Nhảy chân sáo 59
Lẽ ra 77
Rong chơi 91
Tìm về 111
Cay đắng 129
Trong vùng quên lãng 147
Niềm vui không trọn 163
NGOẠI TẬP 181
191
Thầy Chương 199
Với Lê Uyên Phương và Đà Lạt 205
Với Lê Uyên Phương 211
Nguyễn Đông Ngạc, một đi… 217
Yến
Luân Hoán, thường ngày
GIỮA ĐÀNG
Xe Huyndai tương đối còn mới, sạch sẽ, máy lạnh rò
rè, năm chục chỗ ngồi chia làm hai hàng, giữa là lối đi, mỗi
bên hai chỗ ngồi, cửa kính hai bên đều có những tấm màn vải
sạch sẽ có thể kéo ra kéo vào được. Anh hướng dẫn du lịch
và các cô ở quầy tiếp tân khách sạn đều gọi đó là xe đò cao
cấp. Cao cấp hình như là một tiếng thời thượng để chỉ những
gì mà hạng người bình thường không thể với tới được. Tôi
đã thấy ở một bên Xa Lộ gần ngã tư Hàng Xanh một tấm
bảng to lớn cao vời vợi quảng cáo thứ kem chống nhăn cao
cấp. Đầu tôi cứ miệt mài băn khoăn không hiểu tấm bảng có
ý định chỉ rõ ra là có một thứ da mặt nhăn cao cấp không.
Còn thứ cao cấp của chiếc xe đò nghe nói là do một công ty
Đại Hàn khai thác này, ngồi thoải mái trên xe tôi mới dần dần
10 - SONG THAO
ngộ ra cái cao cấp của nó. Xe chạy loăng quăng qua các tụ
điểm đón khách của thành phố Đà Lạt, phần lớn là các khách
sạn, rồi rời thành phố là thôi, chạy một mạch không dừng lại
đón khách giữa đường. Vừa ra khỏi Đà Lạt, anh hướng dẫn
mở máy phóng thanh chào mừng khách, thông báo giờ nghỉ,
giờ ăn, giờ đến bằng hai thứ tiếng Việt và Anh rất gọn ghẽ và
chuẩn xác. Sau đó, anh lơ xe đò cao cấp này đi phát cho mỗi
người một khăn ướt lau mặt và một chai nước suối cá nhân
xem ra cũng thuộc loại cao cấp.
Ngồi yên vị trên ghế, hành lý cũng đã yên vị trong những
hộc sát trên trần xe như trên máy bay, sắp xếp xong áo quần
và mấy thứ trái cây xách tay, tôi mới rảnh rang ngó quanh.
Hành khách gần phân nửa là người ngoại quốc, số còn lại cứ
nhìn cách ăn mặc đủ biết ai là Việt Kiều, ai là thương gia, ai
là cán bộ ( cao cấp?). Ngồi hàng ghế trên tôi, chắc là hai cha
con, ông bố và đứa con gái nhỏ nhắn khoảng hai chục tuổi,
loại nhà giầu, tôi nghĩ vậy. Đường dốc xuống, xe chạy ngon
trớn. Hai bên đường vẫn xanh rì một loại thông Đà Lạt. Nắng
vắt trên những chóp cây, đâm xéo vào chỗ tôi ngồi. Tôi kéo
chiếc màn cửa, tính tôi vốn sẵn ngại ngùng sợ nắng ăn nám
da. Vừa quay sang nói chuyện với Thạnh ngồi bên ghế phía
trong, tôi thấy vạt nắng nhảy phắt vào nằm lại trên người. Tôi
nhìn ra phía cửa kính, chiếc màn đã bị kéo gọn lên hàng ghế
trên. Tôi nhìn sững vào gáy ông già ngồi phía trên Thạnh,
phóng ánh mắt nháng lửa sang phía chồng dò hỏi. Thạnh
nhún vai, lắc đầu, chép miệng. Anh chồm người ngang qua
tôi, kéo xộc lại chiếc màn. Ông già đứng dậy, chỉ vào chiếc
màn, nhún vai nói câu xin lỗi bằng tiếng Anh. Chiếc màn
GIỮA ĐÀNG - 11
nhỏ chỉ đủ che một hàng ghế xuệch xoạc nằm giữa hai thanh
sắt. Tôi nghĩ chắc ông già tưởng chúng tôi là người ngoại
quốc khi dùng tiếng Anh nên nói lại bằng tiếng Việt.
“ Chắc họ làm thiếu một chiếc màn, mình để che ở giữa
cho đỡ nắng cả trên dưới vậy, bác hỉ!’’
Mặt ông già có vẻ ngơ ngác. Cô gái vội đỡ lời.
“ Dạ, dì để như vậy được rồi. Cám ơn dì.’’
“ Không có chi, em!’’
Thạnh chôn mắt vào những trang sách. Anh có tật mê
sách, lúc nào đọc cũng được, ngồi đâu đọc cũng được. Cứ có
cuốn sách trên tay là chẳng biết trời trăng gì cả. Mà lạ, sách
gì cũng đọc, cứ có chữ là mê mải. Hỏi thì anh bảo cứ đọc sẽ
thấy có những cái mình cần biết, cái mình thấy hay, phải gõ
thì cửa mới mở chứ! Tôi thì ngại gõ. Sách đâu có phải cuốn
nào cũng hay, cũng hấp dẫn, nhiều cuốn đọc lạt lẽo, chán
phèo chỉ muốn gấp ngay lại. Thạnh tỉnh bơ lập thuyết: gấp
ngay lại thì còn biết gì nữa, đọc thì mới thấy chán làm sao,
tại sao chán, dở như thế nào, tại sao dở, tìm được ra như vậy
cũng thú vị chứ! Thật là lý luận nhăng cuội chỉ tổ đau đầu.
Tôi thì cái gì hay mới đọc, không hay thì cho de. Mà đọc
phải có chỗ có chàng đàng hoàng. Ngồi xe đọc tôi chẳng thể
tập trung tinh thần được, họa chăng coi hình vớ vẩn thì có.
Cuốn báo tháng chuyên về thời trang, bạn gái mới mua ở
sập báo sáng nay, giấy láng tốt, in ấn đẹp đẽ, hình ảnh rõ ràng
như báo ngoại quốc , mang theo để đọc vẫn còn nằm nguyên
trong túi xách. Tôi ngồi ngắm vu vơ cảnh vật hai bên đường
nhưng thỉnh thoảng mắt vẫn kín đáo nhìn cặp hành khách
ngồi trước mặt.
12 - SONG THAO
Nắng xiên khoai đã gắt. Tôi kéo tay áo xuống, vắt thêm
chiếc khăn trên thành ghế chống nắng. Ông già phía trên
loay hoay xoay trở chiếc nón rơm rộng vành che nắng cho
cô gái. Trông điệu bộ lăng xăng của ông mắc tức cười. Chiếc
nón hình như chưa đủ, ông lẹ tay với ra phía cửa. Chiếc màn
vải nhích lên phía trên một chút. Nắng thừa cơ chen chân rọi
vào vai tôi. Bụng tôi tức anh ách. Tôi huých Thạnh. Anh giật
mình rời mắt khỏi trang giấy, liếc sang tôi, ngúc đầu dò hỏi.
Tôi khẽ thì thầm.
“ Thằng cha phía trên dễ ghét! Hắn mới kéo thêm một
chéo màn lên phía con gái hắn.’’
Thạnh nhìn chiếc đầu muối tiêu đang rộn ràng nhích qua
nhích lại trước mặt, thì thầm lại với tôi.
“ Em muốn anh kéo đầu hắn xuống hỏi cho ra lẽ
không?’’
“ Ai làm vậy, kỳ chết!’’
“ Vậy thì nhường hắn vậy.’’
“ Nhưng mà tức cái bụng lắm!’’
Thạnh dẩu môi như người đang suy nghĩ băn khoăn lắm.
Thì thầm tiếp.
“ Vậy em muốn kỳ hay muốn tức?’’
Tôi véo mạnh vào đùi chồng.
“ Ghét cái mặt hay giỡn! Nói với anh thà đừng nói còn
hơn.’’
“ Vậy thì đừng nói!’’
Thạnh tiếp tục đọc sách. Tôi ngồi khoanh tay ấm ức.
Giận cuốn sách, tôi muốn giật phăng khỏi tay Thạnh. Giận
thằng cha già ngồi trên, tôi muốn giật tấm màn xuống lại
GIỮA ĐÀNG - 13
phía tôi. Nhưng tôi vẫn ngồi yên, mặt lạnh như tiền, đầu óc
quay quắt với cơn giận. Tôi cố ém lòng, ngơi nghỉ với cảnh
vật hai bên đường. Những bóng thông đã biến mất, cây cỏ
miền thấp đã tràn lan. Rải rác đã có những thôn xóm làng
mạc. Tôi chẳng nhận được ra xe đã chạy tới đâu. Mà sao tôi
biết được, con đường này ngày xưa tôi đâu có dám đi tuy
Saigon Đà Lạt tôi lên về như con thoi. Mối nguy hiểm vì
mìn bẫy, hay nỗi bất trắc của những cuộc chặn xe, bắt người
đã đẩy tôi lên máy bay. Khoản tiền ăn học trên Đà Lạt của
tôi nặng nề thêm với món tiền không phải nhỏ trả cho những
chiếc vé máy bay mỏng dính của Air Vietnam. Con đưòng
Saigon Đà Lạt Saigon của tôi không tính bằng cây số, bằng
những địa danh bên đường mà bằng những giờ bay khi sáng
khi tối tùy tấm vé quí giá nhiều khi phải nhờ quen biết mới
mua được hồi đó.
Chán với cảnh vật hai bên đường, tôi định mở túi xách,
lôi cuốn tạp chí ra coi hình để giết thời giờ, thì tôi to mắt
nhìn lên phía trên. Cô gái tựa đầu vào vai ông già say ngủ,
ông già tì mặt xuống thả những chiếc hôn tha thiết lên má,
lên tai cô bé. Tôi bấm tay Thạnh, chỉ lên trên. Thạnh gật đầu.
Tôi thì thào.
“ Thằng cha già dịch! Tưởng là bố con, ai dè.’’
“ Ai bảo em tưởng là bố con!’’
“ Anh biết trước à?’’
“ Ừ, làm gì mà không biết!’’
“ Sao anh biết được?’’
“ Trông điệu bộ như gà mắc đẻ của chả, khó chi mà
không biết.’’
14 - SONG THAO
“ Sao anh không nói với em?’’
“ Em có hỏi đâu!’’
Nói chuyện với Thạnh tức anh ách. Vòng vo một hồi rồi
cũng bù trất! Mà lại mua thêm cái bực mình. Vậy mà tôi vẫn
cứ nói.Thiệt!
“ Anh còn biết gì nữa không?’’
“ Chả không phải là người Việt.’’
“ Người gì vậy?’’
“ Một là Đài Loan, hai là Đại Hàn.’’
“ Sao anh biết?’’
“ Người Việt thì không dại gì dắt bồ nhí đi khơi khơi như
vậy.’’
Tôi trề môi.
“ Chà! Kinh nghiệm dữ hè! Vậy thì dấu ở đâu?’’
“ Anh không biết.’’
“ Anh là người Việt mà sao không biết?’’
“ Anh không phải là người Việt “
Tôi chồm người qua.
“ Anh nói chi vậy? Anh không phải là người Việt?’’
“ Ừ!’’
“ Tại sao vậy?’’
“ Vì anh cũng đang dắt bồ nhí đi khơi khơi trên xe này
vậy!’’
Tôi đập Thạnh một cái mạnh. Mặt tôi giãn ra. Bụng ngan
ngát lâng lâng. Tôi nhìn bộ mặt dễ ghét của Thạnh, muốn
ôm vào lòng.
Tiếng máy phóng thanh vừa được mở nghe rè rè óc ách.
Anh hướng dẫn viên thông báo xe sẽ nghỉ ở Định Quán một
GIỮA ĐÀNG - 15
tiếng cho mọi người dùng bữa trưa. Thạnh gấp vội cuốn sách
nhìn nháo nhác ra bên đường. Tôi giương mắt theo dõi cử
chỉ cập rập của Thạnh. Tuồng như anh vừa phóng mình trở
thành một Thạnh khác. Câu hỏi của tôi cố làm ra vẻ thản
nhiên xa cách.
“ Ngày xưa có cô bồ nào ở đây không mà nghe thấy tên
Định Quán là nhớn nhác như gà lạc đàn vậy?’’
Thạnh vẫn láo liên nhìn ra cửa, ậm ừ.
“ Làm gì có! Em chỉ được cái đoán mò.’’
“ Cứ đoán khơi khơi như vậy coi chừng trúng phóc ạ.’’
Thạnh như không nghe thấy câu nói của tôi, mắt vẫn như
diều hâu săn mồi. Làm như đã nửa phần đoán đúng, tôi nhấn
thêm ga.
“ Đúng không bồ?’’
“ Em muốn đúng thì cứ cho là đúng.’’
Tôi thở ra niềm vui.
“ Em cho thế nào được. Nếu đúng thì là đúng. Thôi, khai
ra cho rồi!’’
“ Ba bốn cô lận! Biết khai làm sao?’’
“ Thì cứ có bao nhiêu khai bấy nhiêu cho được tiếng là
thật thà.’’
“ Một cô cao, ba bốn cô thấp.’’
“ Dữ à! Cao là cao bao nhiêu? Cao bằng em không?’’
“ Anh không biết.’’
“ Bộ không đo với nhau bao giờ sao?’’
“ Không. Nhưng cao lắm. Phải chỗ này không à?’’
Tôi nhìn ra cửa. Chỉ thấy cây chen lẫn với đá. Trời mênh
mông xanh. Nắng trải rộng chóa mắt. Tôi nâng cằm Thạnh
16 - SONG THAO
lên, giọng dịu ngọt.
“ Bộ bồ anh là người rừng à?’’
“ Người rừng đã là phước.’’
“ Phước? Bộ hồi đó anh muốn đóng khố đeo gùi đi chân
đất thật sao?’’
Thạnh bật cười. Anh nâng lại cằm tôi.
“ Em có bộ óc phong phú lắm. Nhưng tưởng tuợng của
em trật đường rầy tất cả. Người ngợm gì đâu! Anh kiếm mấy
tảng đá ở khoảng đường này. Hồi đó, lần đầu tiên được đi
xe ké lên chơi Đà Lạt, anh rộn ràng từ lúc xe nghỉ ở Định
Quán, chụp hình bên những khối đá vươn cao ở khúc đường
này. Đối với anh, cuộc phiêu lưu đầu đời hình như bắt đầu
từ những tấm hình với đá nơi đây. Anh muốn sống lại với
chúng mà sao chúng chạy đi đâu mất tiêu hết!’’
“ Ngộ hè! Chẳng lẽ đá cũng có chân!’’
Thạnh ngẩn ngơ buồn bã.
“ Đá không có chân đâu. Chắc ký ức của anh đi lạc!’’
Xe tung bụi mù mịt vào bãi đậu trước một hàng ăn rộng
rãi. Mấy bậc thềm dẫn lên nhà hàng bằng gỗ có tay vịn
bằng những thân cây rừng còn nguyên vỏ. Phòng ăn rộng
mênh mông. Người người tấp nập. Thạnh nhìn quanh, xấn
tới chiếm một chiếc bàn nhỏ. Cô hầu bàn nhanh nhẹn bưng
tới hai ly trà đá.
“ Có cơm, có phở, có hủ tiếu. Cô chú dùng gì?’’
Tôi muốn ăn cơm nhưng ngại. Chẳng cần hỏi Thạnh, tôi
gọi.
“ Cô cho hai tô phở, một lớn một nhỏ, thịt chín. Hai chai
nước suối lạnh.’’
GIỮA ĐÀNG - 17
Cô hầu bàn lúi húi ghi vào tấm giấy nhỏ, vừa quay gót
vừa nói.
“ Cám ơn cô chú.’’
Thạnh ngó quanh. Tôi thấy cần phải giải thích một chút.
“ Em thèm cơm nhưng coi bộ ở đây không bảo đảm. Ăn
phở dù sao cũng có nước dùng sôi nóng, yên tâm hơn. Anh
đừng uống trà đá này nghe. Em đi kiếm thêm chút gì lành
lành tráng miệng.’’
Tôi chậm rãi tới nơi quầy ở góc nhà bán đủ thứ thập cẩm
dùng cho khách đi đường. Mắt tôi loạn lên. Hàng hóa thứ
xếp trên quầy thứ treo lủng lẳng dài theo tường rối mắt. Tôi
chợt thấy những bao giấy bạc mầu sắc rực rỡ. Tay tôi nhanh
nhẹn nhấc từng bao tìm kiếm. Cái này lạ đây. Tôi cầm bao
mít sấy khô, ra trả tiền.
Hai tô phở tỏa khói làm tôi thấy đói bụng. Tôi tưởng có
thể ăn hết ngay trong nháy mắt. Mới được vài miếng, tôi
khựng lại.
“ Phở lạ quá anh nhỉ?’’
“ Ừ. Hình như món này người ta không tìm được tên gọi
nào khác nên gọi là phở.’’
Tôi lắc đầu.
“ Tội nghiệp người ta, anh!’’
“ Thì thôi! Anh kính trọng lòng từ tâm của em đối với
những người đeo vàng đầy tay đang ngồi thủ chiếc ngăn kéo
đầy nhóc giấy bạc kia!’’
Thạnh hất đầu ra hiệu cho tôi nhìn về phía sau. Anh tài xế
và anh hướng dẫn viên đang bận rộn với mặt bàn ê hề thức
ăn, bia và hai bao thuốc lá ba số chưa bóc. Tôi kéo Thạnh ra
18 - SONG THAO
ngoài.
Từng hàng dọc xe đạp cõng sọt trái cây to bự trên yên sau
đậu kín sân trước nhà hàng. Những người bán hàng nhanh
miệng mời chào, thoăn thoắt trên tay con dao lá lúa sắc lẻm
xẻ từng miếng trái cây mời khách nếm thử. Táo Thái Lan, ổi
xá lị thanh long, đu đủ, khóm tươi mơn mởn bắt mắt. Ổi xá lị
chấm muối ớt làm tôi xuýt xoa lại thời con gái. Mắt tôi đụng
vào một đống rễ cây còn dính đất chất trên chiếc sân thấp bên
cạnh nhà hàng. Một thanh niên đang ngồi cong lưng đẽo gọt.
Tôi bước tới gần. Cặp mắt chăm chú của người thanh niên
dán vào mũi đục được đẩy nhẹ bằng chiếc búa vỗ lên cán gỗ
của cán đục. Anh đang tô tỉa khuôn mặt Chúa với vòng lá
gai quấn quanh đầu. Bên anh ngổn ngang những chiếc đục
to nhỏ nhiều cỡ. Khuôn mặt Chúa đã có hồn. Chiếc đục nhỏ
xíu đang tẩn mẩn một giọt lệ trên má. Thấy có người, anh
ngước mặt lên mời chúng tôi vào phòng trưng bày . Những
bức tượng khắc trên rễ cây, cái lớn cái nhỏ bóng lộn nuớc
quang dầu, được bày thành hàng trên những chiếc kệ thấp.
Cô gái nhỏ ngồi trước tôi trên xe đang đứng bất động trước
khuôn mặt Phật Bà Quan Âm hiền từ. Thấy tôi, cô gật đầu
chào. Tôi hỏi cho có chuyện.
“ Tượng khắc linh động quá cô nhỉ?’’
“ Dạ. Mấy chú thợ ở đây xem ra vừa có hoa tay vừa có
tâm hồn. Em...’’
Đôi mắt cô quấn lấy tôi. Môi cô ngập ngừng định nói
gì rồi thôi. Tôi nhận thấy nét bối rối trên mặt cô. Mãi rồi cô
mới dò dẫm.
“ Xin lỗi cô cho em hỏi. Cô có phải là cô Diệu không ạ?’’
GIỮA ĐÀNG - 19
Khuôn mặt cô đỏ ửng lên. Tôi tròn mắt ngạc nhiên.
“ Sao cô biết tên tôi?’’
“ Em có học cô mà. Cô không nhận ra em sao?’’
Tôi không nhận ra khuôn mặt thanh thanh hơi xanh xao
trước mặt. Học trò tôi ngày trước, lớp đi lớp tới, năm này nối
năm khác, làm sao mà nhớ nổi. Thấy tôi ngây người không
có vẻ gì là nhận ra được người học trò cũ trước mặt, cô gái
vội chỉ tay vào ngực.
“ Thục Quyên đây cô!’’
Tôi há miệng ngạc nhiên.
“ Trời ơi! Em lớn thế này sao cô nhận ra em được?’’
“ Em cũng không nhận ra cô. Cô trắng và mập ra nhiều.
Chỉ khi thấy nụ cười quen thuộc của cô em mới bạo gan hỏi.
Cô ở nước ngoài về chơi phải không cô?’’
“ Sao em biết?’’
“ Trông bộ điệu và cách ăn mặc của cô làm gì mà không
biết.’’
“ Cô không ngờ lại gặp em ở đây. Cô vẫn nhớ tới cô học
trò ngoan hiền của cô ngày xưa.’’
Thục Quyên xoắn tay ngượng nghịu. Cử chỉ dễ mến này
nhắc tôi bay về những ngày thầy trò cũ.
Thục Quyên là học trò ruột của tôi những năm em mới
bắt đầu bước chân vào trường trung học. Em nhỏ người, quá
nhỏ so với đám bạn cùng lớp. Da em xanh xao bệnh hoạn.
Thực ra, những ngày nhọc nhằn đó, học trò của tôi hầu như
toàn là những đứa trẻ thiếu ăn thiếu thuốc cả. Nhưng Thục
Quyên choắt choeo thấy bắt thương hại. Gia đình em ở quê,
em lên ở trọ nhà bà con để đi học. Nhà em trọ là một quán
20 - SONG THAO
bán cà phê nên em thành một lao động vất vả sau giờ học.
Những cái ngáp mệt mỏi trong lớp cùng với sự sa sút trong
bài vở của em khiến người giáo viên chủ nhiệm là tôi phải
gọi em hỏi riêng. Em thú thật là không có đủ giờ ngủ, thiếu
thời gian học bài làm bài, lại phải quần quật làm việc nên rất
nhọc mệt. Em đưa tay gạt nước mắt thều thào với tôi. Thà là
như vậy, em còn được cắp sách tới trường, về quê chắc chắn
em phải bỏ học. Thỉnh thoảng, em khệ nệ mang tới nhà tôi
vài trái dừa, trái bí, trái bầu hoặc đòn bánh tét, bánh dừa do
gia đình em mang lên. Tôi nẫu ruột trước những món quà
dân giã nhưng đầy ắp thân tình của em. Không nhận thì em
nặng mặt không vui, nhận thì khó chịu trong bụng. Khó chịu
như những lần chia nhu yếu phẩm trong trường. Chỉ vì chút
mỡ chút xương, chút nhiều chút ít rau cỏ, chút nặng nhẹ tay
của từng nhúm bột ngọt, chút nhích nhẹ của bàn cân cá cân
khoai mà đồng nghiệp lạnh mặt với nhau. Mỗi lần tan trường
vào ngày chia nhu yếu phẩm, tôi lúng túng xếp, cột những
cái vặt vãnh nhưng thiết thân vào chiếc xe đạp, thì bao giờ
cũng có bàn tay khéo léo của Thục Quyên giúp đỡ. Thỉnh
thoảng được chia ít viên kẹo, thỏi đường, tôi kín đáo gói cho
em chút ít bồi dưỡng. Khi em nhận, khi em nhất định không
nhận. Cô mang về cho mấy em nhỏ ở nhà! Thục Quyên nhỏ
nhẹ vừa nói vừa bỏ lại vào giỏ xe. Mấy đứa con tôi giờ đây
cao lớn đẫy đà, chắc cũng xấp xỉ gấp đôi Thục Quyên đang
đứng trước mặt tôi. Chút son phấn nhẹ nhàng trên mặt không
xóa được nét thơ dại của Thục Quyên ngày xưa. Tôi nhìn
em, đầu óc rối mù, lặng người đứng như một người câm.
“ Mấy em bây giờ chắc lớn bộn rồi cô nhỉ?’’
GIỮA ĐÀNG - 21
“ Chúng cao lớn hơn cả cô rồi.’’
“ Vậy thì chắc chúng nuốt trỏng em được!’’
Thục Quyên le lưỡi cười. Tôi ngần ngừ sang số hoài mà
chưa hỏi được cô học trò cũ điều muốn hỏi.
“ Em chắc bây giờ cũng khá chứ?’
“ Cũng lai rai vậy cô. Sống được là may rồi , cô ạ.’’
Tôi lại loay hoay lựa lời.
“Ừ, thời buổi này sống mà thỉnh thoảng đi chơi xa được
là tốt rồi.’’
Thục Quyên nhìn xuống đôi chân đang rê rê phía dưới.
“ Em đi công tác đấy cô ạ.’’
Câu chuyện lại ngập ngừng trúc trắc như đang đi vào
ngõ bí. Cả tôi lẫn Thục Quyên đều ngại ngùng chưa dám đặt
bước tiến xa hơn. Tôi lấy hơi quả quyết trong bụng. Mình
cần phải biết hoàn cảnh của người học trò cũ tình cờ gặp lại
này, để xem có giúp đỡ gì được không. Tôi mạnh bạo dấn
bước.
“ Hình như em đi với một người nữa phải không?’’
Mắt Thục Quyên chạy quanh, xáo xác như mắt nai bị săn
đuổi.
“ Dạ. Ông chủ em đấy.’’
Tôi không nỡ vờn con thú đang bị săn đuổi chuệnh
choạng trước mặt nhưng tại sao tôi vẫn cứ xấn tới.
“ Chắc ông ấy buôn bán lớn?’’
“ Ông ấy qua đầu tư ở bên này.’’
Tôi làm bộ ngạc nhiên.
“ Ủa, ông ấy không phải là người mình sao?’’
“ Không, ông ấy người Hàn Quốc đấy chứ. Em tưởng cô
22 - SONG THAO
biết rồi!’’
Tôi thẹn với mình, ngại ngùng đuổi theo câu chuyện.
“ Ừ, lúc ở trên xe, cô chỉ ngờ ông ấy không phải là người
mình thôi. Còn cô có biết ông ta là người nước nào đâu.’’
“ Bây giờ người Hàn Quốc qua đầu tư bên mình đông
lắm. Dân trong nước nhìn là biết liền. Cô ở xa về chắc không
biết.’’
“ Lương em khá không?’’
“ Cũng tạm được cô ạ. Đủ nuôi gia đình.’’
“ Em lập gia đình rồi hả?’’
“ Chưa cô ạ.’’
Em bỗng nắm tay tôi, mắt rướm lệ, giọng ướt sũng.
“ Em khổ lắm, cô ơi!’’
Tôi ôm chặt đứa học trò cũ tội nghiệp, lòng dạ như có
kim châm.
“ Cô hiểu em. Tội nghiệp em!’’
Thục Quyên thổn thức trong vòng tay tôi.
“ Em học hành dang dở, làm được chân thư ký quèn cho
hãng nước ngoài đã là phúc. Phải cắn răng mà chịu đựng hết,
cô ạ! Mất cái nọ thì được cái kia. Bổng lộc em cũng khá, đủ
nuôi một bầy em ăn học. Nhờ trời, tụi nó cũng chịu khó học
hành tất cả, đứa nào cũng vào được Đại Học.’’
Tôi đắng ngắt trong cổ. Tay tôi vuốt ve bờ vai mỏng.
“ Cô thương em quá!’’
Trong tôi, Thục Quyên bỗng biến hình thành một đứa
con gái yêu của tôi. Mắt tôi rớm lệ. Phải chi tôi luôn luôn ấp
ủ được em như thế này. Tôi với tay qua cầm bức tượng Quan
Thế Âm.
GIỮA ĐÀNG - 23
“ Em giữ bức tượng này. Mỗi khi buồn phiền trong lòng,
em niệm Phật cho em được thanh thản để chịu đựng được
nhọc nhằn của cuộc sống. Mỗi bước chân gian nan của em,
em luôn luôn nhớ có cô ở bên em. Lúc nào cô cũng thương
đứa học trò bé bỏng ngày xưa của cô.’’
Tiếng máy xe nổ vang vang ngoài bãi đậu. Tôi trả tiền
bức tượng, tiện tay rút tấm danh thiếp có ghi địa chỉ trao cho
Thục Quyên. Tôi đưa giấy lau mặt cho Thục Quyên, lau kỹ
mắt mình, gượng gạo nói.
“ Em lau mặt đi. Xe sắp chạy rồi đó.’’
Chúng tôi vội vàng leo lên xe. Thạnh dò hỏi bằng mắt.
Tôi ghé vào tai chồng.
“ Học trò cũ của em.’’
Thạnh gật đầu. Tôi không nói mà anh như đã hiểu hết.
Anh ngồi lặng im. Cuốn sách thả lửng trên đùi vẫn gấp
nguyên. Xe chuyển bánh. Bụi tung mù mịt. Mấy chị bán
hàng kéo khẩu trang lên che mũi miệng. Tiếng máy phóng
thanh rù rù mở. Thạnh quay sang hỏi nhỏ tôi.
“ Đại Hàn hay Đài Loan vậy?’’
Tôi như hóa đá, giọng chán chường.
“ Có gì khác nhau không?’’
12/2002
TƯỞNG
Thiếu phụ ngồi bệt xuống sàn nhà. Vòng khăn trắng ôm
gọn quanh mái tóc đen nhánh chảy dài xuống ngang vai. Đôi
má bầu bầu không một chút phấn sáp. Đôi môi mộc mạc
vênh lên từng vẩy da khô khốc. Cạnh nàng, ngay dưới chân
quan tài, những kỷ vật bày san sát trên mặt thảm buồn một
màu xanh xậm xịt. Mắt nàng âu yếm , tay nàng nhảy hờ hững
trên từng kỷ vật.
Anh còn nhớ bữa anh đòi mua chú vịt nhồi bông vàng có
đôi mắt xanh rộng mở như muốn nuốt cả thế giới này không?
Anh thích cặp mắt đó. Anh bảo giống cặp mắt em, lúc nào
cũng như ngơ ngác trước cuộc đời. Anh xạo quá đi! Mắt em
đâu có xanh. Mà nếu lúc nào em cũng trợn trừng mắt như
vậy chắc anh chạy mất tiêu rồi. Nhưng anh làm em thích. Vì
26 - SONG THAO
em biết là anh nhìn đâu cũng thấy em, người vợ bé bỏng của
anh. Anh lại xạo nữa! Em cao hơn anh một cái đầu, bé bỏng
sao được! Lúc mới gặp nhau, em phải cúi đầu nhìn xuống
anh và em thấy thích anh liền. Chẳng lẽ khuôn mặt lúc nào
cũng mang vẻ tội nghiệp này lại đánh động con tim em đến
như vậy! Anh cũng nhận ra cái so le oái oăm này, nhưng cái
miệng leo lẻo của anh xóa nhòa nó ngay được. Anh bảo con
gái thường lớn mau hơn con trai, mai mốt tới lượt anh lớn thì
em sẽ thua anh tới hai cái đầu! Anh xạo nữa. Anh chưa lớn
mà anh đã trốn em.
Thiếu phụ ngước nhìn lên. Cặp mắt đen láy vô hồn chăm
chú vào màu gỗ nâu sậm bóng loáng. Chiếc quai vàng óng
nằm gần đầu quan tài như chiếc miệng cười buồn. Nàng giơ
tay mân mê chiếc quai. Tay nàng lạnh giá. Nàng thu vội tay
lại ủ vào giữa bụng. Màu áo đen ấm cúng làm nàng dễ chịu.
Một chân gấp lại ngả trên thảm, một chân chống lên đầu gối
chạm cằm. Nàng dựa mặt vào đầu gối, mắt nhắm lại. Nàng
thiếp đi mệt mỏi. Những hình ảnh nhảy múa trong đầu nàng.
Anh dí trán anh vào trán nàng day day đùa cợt. Anh rộng
miệng cười sảng khoái, nụ cười thơ dại ấm áp. Anh làm hề
phía trước mặt, vụt dọa nàng phía sau lưng. Nàng bất thần
chợt tỉnh. Ngơ ngác. Tay nàng với ra phía sau. Nàng chụp tay
lại trong khoảng không. Anh ở đâu, anh?
Anh đâu rồi? Đôi giầy của anh vẫn còn đây. Anh thật tức
cười. Người thì nhỏ mà chân thì lớn. Giầy mang tới số chín!
Bữa đi mua đôi giầy này với anh, khi anh đi tới đi lui thử giầy
trước tấm gương dựng sát trên sàn nhà, em thấy anh kỳ cục.
Đôi giầy quá khổ với người anh trông như đôi hia đi mượn
TƯỞNG - 27
của ai! Em cười thầm trong bụng với ý nghĩ ngộ nghĩnh đó.
Em không nói với anh vì sợ tai anh sẽ đỏ lên làm em muốn
cắn. Ai lại cắn tai chồng giữa chốn đông người. Chỗ vắng
người thì lại khác, anh nhỉ? Cũng chính đôi giầy này đây,
buổi đầu anh chạy bộ với giầy mới về, em đang làm bếp,
anh ôm vòng phía sau em, thú vị khoe đôi giầy chạy ưng ý
quá, vừa đằm vừa dính sát đường. Em cảm thấy cái xốn xang
của anh từ phía sau. Em quay lại. Anh khóa miệng em bằng
đôi môi nóng bỏng của anh. Hai tay anh vờn trên vú em,
mấy ngón tay bóp nhẹ hai đầu vú. Vú em tấy lên. Anh ngả
em xuống sàn nhà. Em đẩy anh ra. Ai đời vừa chạy về, mồ
hôi mồ kê nhễ nhại mà ôm khít chặt em vừa mới tắm xong
thơm phức trong bộ đồ nhẹ mặc nhà mới thay. Anh chẳng
nói chẳng rằng, cứ lầm lì giữ chặt em trên sàn. Anh phăng
chiếc áo em ra. Hai bầu vú em trần trụi cương lên trong tay
anh. Em cảm thấy từng lỗ chân lông mở ra đón nhận mùi mồ
hôi trộn với mùi nước hoa đàn ông cay gắt. Chưa bao giờ
anh vầy vò em trong lúc anh nhớp nhúa như vậy. Chiếc quần
mỏng manh của em có nghĩa lý gì với cơn nồng nhiệt của
anh. Hạ thể em phô bày ra mát rượi kéo anh xuống. Người
em nở ra. Như một đài hoa đang độ. Anh úp mặt xuống vùng
thịt da quen thuộc. Em mê man quằn quại. Bông hoa đàn
bà của em nhấc cao ngất ngây. Anh luống cuống trút bỏ áo
quần, nằm phủ lên em. Mái tóc rít kịt mồ hôi tỏa ra mùi rừng
rú. Anh mạnh bạo như một thớt gấu. Em vừa sợ vừa hừng
hực đam mê. Chưa bao giờ anh như vậy. Chưa bao giờ em
như vậy. Thân người anh như sóng. Từng con sóng vùi em
xuống ngộp thở. Cả anh lẫn em quằn quại. Cho tới lúc anh
28 - SONG THAO
vỡ ra. Em rùng mình. Anh trào vào em ào ào như suối, êm ả
như ao hồ. Người em duỗi ra dễ chịu. Thật dễ chịu!
Thiếu phụ ngồi như mê. Một tay vẫn ủ giữa đùi và bụng,
một tay mân mê đôi giầy. Đôi giầy thể thao màu trắng có
những sọc xanh vàng phản chiếu ánh đèn sáng chói. Nàng
cầm một chiếc giầy đưa lên trước mặt. Nàng lật ngược chiếc
giầy. Đế giầy mòn vẹt một bên. Nàng nhìn chỗ vẹt nhếch
môi cười.
Anh đi chân chữ bát, vừa xấu vừa mòn vẹt một bên giầy.
Bảo anh sửa hoài mà chỉ một chút lại đâu vào đấy. Em chán
anh quá. Anh giả lả bảo là anh đi như vậy cho em dễ nhận
ra anh trong đám đông. Anh xạo! Cần gì em phải nhìn chân
anh. Chỉ ngửi mùi của anh là em nhận ra anh rồi. Thiếu gì
cách em nhận ra anh. Nhìn quần áo anh mặc chẳng hạn. Áo
quần thì mua toàn thứ xịn. Vậy mà mặc vào thì xốc xếch.
Không nhăn chỗ này thì cũng nhúm chỗ khác. Cổ áo chẳng
bao giờ nằm cho chính, quần kéo ống thấp ống cao, nẹp áo
lệch lạc, lại còn để giầy nuốt cả lai quần. Em khó chịu nhưng
em thấy tính tình anh hiện ra nơi quần áo. Mộc mạc và trung
thực. Chẳng bao giờ anh dối em. Mà anh có dối chắc em
cũng chẳng biết. Vì em thương anh.
Thiếu phụ cúi đầu, mắt nhắm lại. Thân hình đen tuyền
như một vết cắt xậm xịt giữa những vòng hoa trắng muốt.
-- Chị phải kéo cháu đứng dậy chứ trông thảm quá! -- Tôi
kéo mấy lần rồi mà nó có nghe đâu! -- Chẳng ăn chẳng uống,
cứ ngồi rũ cả ngày như thế chịu gì nổi! -- Tôi cũng khổ tâm
lắm mà cháu không nghe, biết làm sao, tội nghiệp, mới hăm
hai tuổi đầu đã tang chồng! Có tiếng nghẹn ngào cố đè nén
TƯỞNG - 29
tức tưởi.
Em đâu có khóc. Từ ngày lấy nhau, anh có bao giờ để em
khóc đâu. Anh hay giỡn mà em cũng thích giỡn. Sống với
anh như dự hội hè. Trước kia, em ở với gia đình cũng vui lắm
chứ nhưng vẫn không như ở với anh. Bên cạnh anh, em thấy
an tâm khỏe khoắn. Mình bằng tuổi nhau, nhưng em cảm
thấy bé nhỏ bên anh. Anh có cái dáng che chở và bảo bọc em.
Em nói với anh ý nghĩ này, anh hít hơi, gồng mình, vênh mặt,
khuỳnh tay ra ôm em vào lòng, ghé tai em bảo vì anh là đàn
ông. Em bĩu môi trợn mắt, anh rống lên cười thích thú. Lúc
đó trông mặt anh quá dễ ghét. Anh, em muốn nhìn mặt anh!
Thiếu phụ uể oải đứng dậy. Tay nàng vịn vào chiếc quai
vàng bên quan tài, nặng nề nhấc người lên. -- Cháu nó đứng
dậy kìa, chị dắt cháu ra ngoài một chút cho thoáng đi. Bà
mẹ rón rén tới bên cạnh, e dè nắm cánh tay thiếu phụ kéo đi.
Thiếu phụ chuồi tay ra khỏi tay mẹ, mắt ngơ ngẩn nhìn vào
trong quan tài. Nàng vuốt má, kéo cằm, sửa lại gọng kính
cho chồng. Cặp mắt nàng âu yếm, miệng mỉm cười. Nàng
lần tay nắn lại nút chiếc cà vạt.
Anh ngủ hả? Ngủ gì mà ngủ dữ vậy? Bẹo má như thế mà
vẫn không nhúc nhích. Lì dữ! Mà sao anh thắt chiếc cà vạt
ngày cưới này vậy? Lúc mình nhảy khai mạc phần dạ vũ, chỉ
có chúng mình ôm nhau ngoài sàn nhẩy. Đèn chung quanh
tắt hết, chỉ còn một ngọn đèn pha đuổi theo bước chân hai
đứa mình, em nhìn xuống thấy nút cà vạt của anh lệch sang
một bên. Em kéo lại cho chính. Anh thiệt! Ngày cưới mà vẫn
luộm thuộm. Anh ngửa mặt lên, mắt sáng, môi tươi, anh nói
anh hạnh phúc. Em thấy lâng lâng, người em như mới mọc
30 - SONG THAO
cánh, em tưởng em đang bay trong vòm trời sao. Em thủ thỉ.
-- Anh đang nghĩ gì? -- Anh như đang lạc bước vào hồn em.
Còn em, em thấy sao? -- Em nhẹ tênh, như em không còn
trong em nữa. -- Mình đang bắt được nhau phải không em?
-- Có lúc nào mình đuổi nhau đâu... Hai năm tình nhân, em
ngợp bóng anh tuy mình cách xa nhau tới gần ngàn cây số.
Anh ngồi bên em trong lớp học, anh bên ghế xe trên đường
đi, anh kề sát em lúc đứng ngồi, anh ngắm em lúc ăn, anh
trong em giấc ngủ, anh ôm em trong lúc tắm... Ngày cưới,
em chẳng phải tập tành sống chung với anh. Em đã quen có
anh bên cạnh rồi! Chiếc cà vạt Tommy này, anh có nhớ chính
em chọn cho anh không? Màu đỏ không tươi, những vạch
xéo, những chấm nhỏ, những đường gân, chúng ôm nhau,
gần gụi nhau, hài hòa trong nhau, gắn bó nhau. Như anh
và em. Buổi tối, khi rút chiếc cà vạt ra, anh lắc lắc cần cổ,
hột nút áo bật ra, em thấy anh là của em, hoàn toàn của em.
Mình giao hẹn với nhau cất chiếc cà vạt chung với áo cưới
của em, mỗi năm anh chỉ lấy ra đeo lại một lần, vào ngày kỷ
niệm đám cưới chúng mình. Anh mới đeo nó được hai lần,
có nhiều nhặn gì cho cam. Hôm nay sao anh lại đeo nó?
Mắt thiếu phụ rộng mở như han hỏi. Nàng gieo người
ngồi xuống thảm. Cả thân nàng như khuỵu xuống. Nàng
liếc mắt xuống phía dưới. Những bóng đen ngồi ủ rũ. Thinh
không tất cả. Tai nàng vang vang một điệu nhạc quen thuộc.
Tiếng vĩ cầm vút lên, tiếng trung hồ cầm ai oán, tiếng đại hồ
cầm bập bùng. Tiếng nhạc nhẹ nhàng như đánh thức nàng.
Nàng vươn người với lấy một đĩa nhạc.
Anh còn thích đĩa nhạc này không? Hỏi vậy chứ em biết
TƯỞNG - 31
lúc nào anh chẳng thích. Em thường trêu chọc anh già, chỉ
thích nhạc cổ điển! Nói vậy chứ, chiều anh, nghe mãi với
anh, em cũng thấy thích. Anh hỏi em có hiểu gì không mà
thích? Em thật thà lắc đầu. Nhưng đầu em cũng cứng lắm,
em chống chế. Nghe nhạc cần gì phải hiểu. Em thích là thích.
Nhạc như chiếc kiệu gấm đưa hồn em lên thanh thoát nhẹ
nhàng, em chơi vơi, chơi vơi. Những buổi tối mình nằm
bên nhau, tiếng nhạc lúc ào ạt đuổi nhau, lúc lãng đãng rơi
rụng, lúc cô quạnh từng giọt nhẩn nha rỏ xuống, lúc mạnh
mẽ bừng bừng, anh nằm quay nghiêng sang em, tay anh dịu
dàng xoa bờ lưng em trần trụi, hơi thở anh mơn trớn bên má
em, người anh rung theo nhịp điệu, lúc khoan lúc nhặt. Em
nhắm mắt thả người theo nhạc, lòng ấm áp, tâm an bình. Em
lạc mất mình trong vòng tay anh, đờ đẫn, mí mắt em khoan
thai khép lại.
Thiếu phụ gục đầu giữa hai đầu gối. Nàng như thiếp
đi. Có tiếng mẹ nàng. -- Con chịu khó theo mẹ ra nghỉ một
chút nghe! Nàng vẫn gục mặt bất động. -- Đứng dậy đi con.
Mẹ nàng quàng tay ngang người cố nhấc nàng lên. Nàng trì
người xuống. Giải khăn sô lắc lắc. -- Con thương mẹ đứng
lên đi con. Giọng van lơn của mẹ nàng khàn đặc. Nàng đẩy
mẹ ra. Tiếng ba nàng thầm thì. -- Bà để yên cho con nó muốn
làm gì thì làm, đừng ép nó. -- Phải ép nó ăn chút gì chứ, từ
sáng tới gì nó đâu có gì trong bụng. -- Bà với tôi cũng có
muốn ăn uống gì đâu.
Anh còn nhớ bữa hai đứa mình đi ăn với nhau lần đầu
tiên không? Anh thắt chiếc cà vạt vàng vàng này đây. Bữa
đó em thấy anh tức cười quá. Cà vạt làm chi chẳng biết. Anh
32 - SONG THAO
bảo lần đầu gặp em phải chững chạc một chút chứ. Anh tới
phi trường không cho em ra đón. Em năn nỉ thế nào anh cũng
không chịu. Anh bảo phi trường là chốn hội ngộ và chia ly
ngắn ngủn. Gặp nhau đó, mất nhau đó. Anh không thích gặp
em lần đầu ở một chỗ vội vã bất trắc như vậy. Lần đầu tiên
anh đến thành phố em ở, lạ nước lạ cái, em sợ anh lúng túng.
Anh trấn an em, em có ở trên rừng anh cũng kiếm ra. Em
cười giòn giã trong điện thoại. Nhà em ở bờ rừng thiệt, để
coi anh có kiếm ra không! Anh tức tốc gửi cho em một điện
thư, không một hàng chữ, vỏn vẹn chỉ có tấm bản đồ khu
vực nhà em, với ngôi sao đỏ đánh dấu căn nhà. Làm rành
như vậy, nhưng anh cũng không muốn nhìn thấy em bằng
xương bằng thịt lần đầu tại nhà em. Anh ngại đông người,
anh nói vậy. Nhưng em biết anh xạo. Trong thâm tâm, anh
muốn giây phút đầu tiên mình gặp nhau phải thật riêng tư,
chỉ có anh và em. Anh bảo em chọn một nhà hàng có một
khung cảnh thơ mộng, độc đáo, sang trọng, nhạc phải dịu và
hay, tiếp đãi phải lịch thiệp. Em tức cười. Chọn nhà hàng mà
chẳng nói gì tới thức ăn. Anh bảo không cần, không phải anh
đi ăn mà anh tới gặp em. Anh cũng không cho em tới đón
anh ở khách sạn. Cứ cho anh địa chỉ, giờ giấc, rồi mạnh ai
người ấy tới. Anh bỏ nhỏ giọng. Anh muốn nhìn thấy em đi
tới với anh. Bữa đó, em chẳng biết anh tới từ lúc nào, em vừa
bước vào nhà hàng đã thấy anh ngồi sẵn chờ em, bó hồng
trên mặt bàn, chiếc cà vạt này trên cổ, mặt đầy ắp hồi hộp.
Anh hôn em, trên má, trao em bó hồng đỏ thắm, mắt âu yếm
nhìn em. Em không nhìn được mắt em, nhưng em cản thấy
độ lấp lánh của chúng. Mình ngồi đối mặt nhau, anh cầm tay
TƯỞNG - 33
em. Cả anh lẫn em lặng đi. Gần cuối bữa ăn, chân anh khều
em dưới mặt bàn. Thấy em để yên không nhúc nhích, anh
kẹp chặt chân em. Anh cười với em. Em mắc cở muốn chết
nhưng thầm mong hai đôi chân chẳng rời nhau. Đùi em ấm
áp dễ chịu. Em lái xe vòng quanh giới thiệu thành phố của
em. Anh chẳng có vẻ thích thú gì cả. Về tới khách sạn, anh rủ
em lên nhà hàng trên sân thượng ngồi chơi. Chiếc lồng kính
nhốt chúng ta trên cao chậm rãi quay vòng quanh, chậm đến
nỗi chúng mình chẳng thấy nó quay, hay nó ngưng lại cho
mắt của anh và em đậu lại với nhau. Anh gọi champagne.
Chúng mình cụng ly. Anh đặt nụ hôn trên bàn tay em cầm ly.
Như đang hành lễ. Em nhấp chút rượu. Ngực em rộn ràng,
ấm áp.
Anh nhìn xuống, thành phố lấp lánh phía dưới. Anh bảo
coi thành phố kiểu này vừa vui vừa đỡ vất vả. Anh nhác
nhớm quá đi. Nhưng phải công nhận là thành phố nhìn từ hai
trăm thước cao xuống trông lung linh đẹp đẽ quá. Bao nhiêu
năm ở đây, em chưa bao giờ thấy thành phố này đẹp đến như
vậy. Sao trời quanh chúng ta sỗ sàng nhìn vào mắt anh và
em. Chúng ta có một đêm hạnh phúc. Lúc trở xuống, anh rủ
em vào cho biết phòng anh. Cửa phòng vừa khép, anh tham
lam làm nhếch nhác son trên môi em. Anh xiết em như con
trăn xiết mồi. Em lịm chết trong vòng tay ham hố của anh.
Chiếc áo rộng cổ xộc xệch một phần bầu vú em phơi ra dưới
ánh đèn. Anh cắn nhẹ vành tai em. Cho anh coi ngực em một
chút nghe! Em chẳng biết phản ứng ra sao. Anh run run ngón
tay lóc từng hạt nút áo em. Chiếc nịt ngực hồng nhẹ nhàng
theo tay anh rơi ra. Anh ngất ngây đặt tay lên vú em. Em
34 - SONG THAO
chới với. Tay anh lần xuống lưng quần em. Em vội chặn tay
anh. Đừng anh, chúng mình mới gặp nhau lần đầu mà! Anh
ngừng lại. Em chẳng hiểu sao anh lại ngoan đến như vậy.
Thiếu phụ mỉm cười nhích người về phía một vòng hoa.
Nàng ngắt một bông hồng trắng. Nàng xoay bông hồng bụ
bẫm trên hai ngón tay hờ hững. Mắt nàng dại đi. Nàng đặt
bông hoa lên một xấp giấy in. Nàng rút ra một tờ, nhẩn nha
đọc, miệng tươi, mắt cười. Nàng rút tiếp một tờ khác, say mê
nuốt từng hàng chữ.
Anh cũng văn vẻ gớm! Lúc nào đọc lại những điện thư
anh gửi, em cũng vẫn mê mẩn như xưa. Anh bảo anh nghĩ
sao viết vậy, nếu em thấy văn vẻ là tại vì em cảm thấy chúng
văn vẻ. Anh xạo! Em biết vậy nhưng vẫn thích. Không hiểu
sao vừa chat với anh là em thấy thú vị liền. Những bước chập
chững tìm đến nhau sao mà hào hứng. Em in lại và cất giữ tất
cả. Chẳng hiểu sao em có linh tính là cuộc chơi này sẽ chẳng
sớm chấm dứt. Lúc đó, chúng mình đâu đã biết mặt nhau.
Phải bao nhiêu lâu, anh còn nhớ không, anh mới gửi cho em
tấm hình đầu tiên. Em thấy cũng đường được. Và có cảm
tình ngay. Sau này, kể lại với anh, anh vênh mặt lên. Đường
được là thế nào, đẹp trội ấy chứ! Em hất mặt bĩu môi. Anh lý
sự cùn. Không đẹp sao em lại mê mẩn theo về với anh? Em
bướng bỉnh. Em đâu có theo vẻ đẹp, em lấy chồng mà! Anh
gục gặc cười. Vậy là anh đẹp trong đẹp ngoài rồi. Dễ ghét!
Anh cãi cho anh không à. Thế còn khi em gửi hình cho anh
thì sao? Anh mê tít thò lò ngay! Em vẫn tự tin nơi nhan sắc
của em. Anh tức tốc gửi thư cho em. Anh chấm em hoa hậu
tuy chưa biết vòng nào của em. Em tình tứ trả lời. Vòng một,
TƯỞNG - 35
vừa một vòng ôm của anh. Vòng hai, vừa một vòng xiết của
hai bàn tay anh. Vòng ba, xin xem kích thước vòng một! Anh
nóng nẩy đòi qua gặp em liền. Em phải vội làm lính cứu hỏa
dập tắt ngọn lửa trong anh. Đừng vội, chắc anh không muốn
em rớt kỳ thi này! Em xổ cho anh trúng một lô an ủi. Hè này,
em sẽ hẹn ngày sau! Anh ôm tấm vé số chờ đó, phát cho em
mỗi ngày một bài sớ xưng tụng. Em không cho anh biết, kỳ
thi đó, nếu không có cây gậy vớt của các ông bà thày cho em
bám, em đã chìm mất tiêu rồi!
Nụ cười vương vất trên môi người thiếu phụ trẻ. Bà mẹ
ngồi trên ghế lo lắng. Bà ghé tai chồng. -- Ông coi nó cười
kìa, tôi sợ nó điên quá! Ông bố nhìn con, bồn chồn. Đám
người tới dự tang lễ ngồi kín trên những chiếc ghế nệm xếp
thành từng hàng dài nhìn lên trên quan tài. Thiếu phụ như
chẳng nhìn thấy ai. Nàng sống với riêng nàng, đúng hơn với
những kỷ niệm của người chồng vừa bỏ ra đi. Cuộc sống
chồng vợ ngắn ngủi làm nàng cố vớt vát những hụt hẫng vừa
rơi xuống đời nàng. Nàng ôm lại đôi giầy thể thao, xiết chặt
vào lòng. Nàng cúi xuống với đôi mắt trìu mến. Như đang âu
yếm đứa con nhỏ nhoi trong vòng tay nàng thương yêu.
Đôi giầy này đã gắn bó với anh, mỗi ngày. Anh đam mê
thể dục thể thao, đó là điều tốt cho sức khỏe của anh. Anh
chạy bộ, tập tạ, chơi nhiều môn thể thao, có nhiều quá cho
anh không? Câu hỏi đã nhiều lần em thầm nêu ra cho mình,
trong những giờ lo toan việc nhà khi anh đi tập, trong những
đêm em thao thức bên anh, trong những phút em ngồi trên
khán đài dõi theo anh tranh đua với bạn bè. Tim anh không
được tốt, bác sĩ vẫn nhắc nhở. Ra khỏi phòng mạch, anh cười
36 - SONG THAO
khẩy vứt bỏ lời dặn dò của bác sĩ nơi cánh cửa. Đôi lần, cầm
lòng chẳng được, em nhắc anh, một cách rất dịu dàng trìu
mến, anh cũng vẫn bỏ ngoài tai. Anh luôn luôn tin anh còn
trẻ, sức sống còn thừa thãi, ăn thua gì chút vặt vãnh đó. Anh
ngang bướng gạt phắt những âu lo của em. Anh có cá tính
mạnh, đó là điều tốt, nhờ đó mà anh thành công trong cuộc
sống. Anh muốn gì là làm bằng được. Tán em, theo đuổi em,
anh vây em đến nghẹt thở. Em chết ngộp trong vòng tay đam
mê của anh. Anh chắc nịch dắt em theo ý của anh. Anh hết
lòng với em, như một người chồng. Anh say mê em, như một
người tình. Nhưng anh sống như một người đàn ông kiêu
hãnh với cái chất đàn ông của mình. Anh gục xuống cũng vì
vậy. Đôi giầy này đã bay nhảy với anh, hào hứng với anh,
miệt mài với anh, ra sức với anh, tung hoành với anh. Nay nó
bị anh bỏ lại đơn côi. Như em!
Thiếu phụ lặng lẽ ngồi ôm riết đôi giầy, mắt như lạc vào
một khoảng không gian nào khác. Người đô tùy trưởng cứng
ngắc trong bộ đồ đen tiến tới chỗ đặt quan tài. Thiếu phụ nhìn
thấy đôi giầy đen bóng chậm chạp lê về phía nàng. Người
đô tùy nhìn ông bố chờ xin một hiệu lệnh. Ông bố gật đầu.
Người đô tùy cúi xuống chỗ thiếu phụ ngồi. Ông bố vội bước
lên, nghiêng người, nói nhỏ bên tai con gái. Nàng ngoan
ngoãn đứng lên theo bàn tay dắt của bố. Đôi giầy vẫn nằm ủ
trước ngực. Người đô tùy, bằng giọng nghiêm trang và buồn
rầu, mời thân nhân lên tiễn biệt người quá cố lần cuối. Hàng
người chậm rãi di chuyển trước quan tài. Thiếu phụ chẳng
nhìn thấy ai, âm thầm ve vuốt đôi giầy đã dính chân người
chồng tới giây phút cuối khi anh ngã xuống bất tỉnh. Nàng
TƯỞNG - 37
tưởng như vẫn đang nắm được chân chồng. Ông bố dắt nàng
tới bên quan tài. Anh vẫn đang ngủ hả anh? Đâu có phải, có
bao giờ anh ngủ nghiêm trang như thế này đâu! Giấc ngủ của
anh bao giờ cũng có một tay với qua ôm em, đầm ấm. Nàng
đặt đôi giầy bên cạnh chồng. Nàng cúi xuống, lượm đám kỷ
vật, đặt vào trong quan tài, lẹ làng như một người đang vội
đóng xếp hành lý cho một chuyến đi xa. Nàng ngả người với
qua vòng hoa đặt trên quan tài, ngắt một bông hồng trắng,
đưa lên môi hôn, đặt vào tay chồng. Ông bố dìu nàng xuống
ngồi trên hàng ghế đầu. Người đô tùy trưởng nhìn ông bố
chờ một hiệu lệnh. Ông bố khẽ gật đầu. Người đô tùy cúi
xuống lấy một chiếc tay quay vàng óng, cắm vào chiếc lỗ
nhỏ ở đầu quan tài. Ông nhẹ quay, thân xác chồng nàng từ từ
lặn xuống giữa những lớp vải sa tanh trắng bạc. Ông hạ chiếc
nắp quan tài xuống. Bóng tối từ từ chạy vào trong chiếc quan
tài theo nhịp khép từ tốn của chiếc nắp gỗ bóng loáng. Ông
khóa quan tài lại. Tiếng lách cách như lay tỉnh thiếu phụ.
Nàng vội chạy lên. Tiếng lao xao phía dưới như tiếng sóng
bể vùi dập trong tai nàng. Nàng nằm vắt ngang quan tài, tay
giang ra ôm ấp. Như một cánh chim đen vừa trúng đạn rớt
xuống nằm xoải cánh bất động.
Anh ơi, về nhà với em đi.
Và nàng lịm ngất.
11/2002
CHỐN CŨ
Trời hoe nắng. Từ cửa sổ khách sạn, tôi nhìn thấy những
sợi nắng óng ả ngơi nghỉ trên những tàn cây bàng trụi lá. Hà
Nội đang trở rét, cái rét đậm đà người ta nói là mấy chục năm
nay mới thấy lại. Dưới đường, khách bộ hành co ro trong
những tấm áo dày mà kiểu cách hình như chỉ là chuyện phụ.
Trên những chiếc xe gắn máy xuôi ngược nhộn nhạo, người
lái xe che chắn kỹ lưỡng với mũ len, khăn choàng , găng tay
ấm áp. Những bà già bán hàng, người cắp thúng, người đội,
người gánh, khăn vuông chùm kín đầu, vừa te tái rảo bước
vừa lớn tiếng rao hàng. Những tiếng rao mất hút bên kia lớp
cửa kính.
Tôi trở vào nằm dài trên giường, lười biếng. Bộ bàn ghế,
tủ áo quần, chiếc bàn phấn, tất cả đều bằng gỗ mun khảm xà
40 - SONG THAO
cừ, cho tôi một cảm giác lạ. Trên bàn phấn, nằm xộc xệch
như muốn rơi khỏi góc bàn tờ tạp chí đang đọc dở tối qua
tôi vất đại lên khi giấc ngủ tới làm ríu mắt. Lẽ ra phải có
Diệu trong căn phòng này. Mặt bàn phấn trơ trẽn nhắc tôi sự
thiếu vắng tưởng như không thể có được. Mọi khi, trong mỗi
chuyến đi, trong mỗi phòng khách sạn, mặt bàn phấn bao
giờ cũng ôm đầy những chai lọ làm đẹp của Diệu. Chuyến
đi vội vã, bất chợt lần này của tôi đã khiến Diệu không theo
kịp. Diệu vẫn mơ một chuyến ra Hà Nội, với tôi, cùng tôi đi
lại những con đường thơ ấu của thời tôi non yếu cắp sách tới
trường. Em muốn biết Hà Nội của anh, muốn cùng anh sống
lại những xúc động khi anh trở về chốn cũ, thời anh chưa có
em. Giọng Huế nói về Hà Nội mà cũng tha thiết như giọng
Hà Nội.
Chiếc điện thoại cầm tay nằm vất vưởng nơi nào đó trên
giường reo lên từng chập hối hả. Tôi lật chăn mền, tìm kiếm
một hồi mới lôi ra được.
“ Allô!’’
“ Em Phương đây anh. Hôm nay anh muốn đi đâu? Nửa
giờ nữa em tới đón nhé.’’
Tôi ngần ngừ.
“ Chắc sáng nay em khỏi tới. Anh muốn thả bộ một mình,
loanh quanh coi thành phố. Nhẩn nha như một người Hà Nội
dư thừa thời giờ.’’
“ Ái chà! Anh lên cơn mơ mộng hồi nào vậy?’’
Tiếng cười khanh khách rộn ràng bên tai tôi.
“ Ở giữa Hà Nội mà không biết mơ mộng một chút thì
mắc cở chết.’’
CHỐN CŨ - 41
“ Anh, dân Hà Nội không nói mắc cở. Anh phải nói xấu
hổ.’’
Phương sửa lưng tôi. Mấy hôm nay tôi cứ bị sửa lưng
hoài vì cái giọng Hà Nội mà dùng chữ Sài Gòn. Vậy mà mấy
bà bán hàng, khăn nhung quấn nghiêm chỉnh trên đầu, ở các
con đường có đội chữ Hàng đằng trước, cứ xoắn xuýt khen
lấy khen để cái giọng Hà Nội tôi đã vác đi ta bà thế giới trong
ngót năm chục năm qua là đúng giọng Hà Nội xưa. Giọng
Hà Nội nay có khác. Nghe lượn lờ như có thêm múi chanh
trên môi.
“ Anh ơi, hôm nay rét lắm đấy. Mười hai độ, em vừa mới
nghe đài loan báo như vậy. Anh thả bộ có được không?’’
Giọng tôi nhuốm vẻ bỡn cợt.
“ Mười hai độ lận!’’
“ Anh bỏ dùm chữ lận đi được không?’’
“ Ừ thì bỏ! Em rắc rối quá! Lưng anh bị sửa hoài, cứng
ngắc, đi bộ ngoài đường người ta dám tưởng là hình nộm
lắm đấy!’’
Phương cười rúc rích bên kia đầu dây.
“ Mười hai độ! Bên xứ anh, âm ba mươi, bốn mươi. Cái
rét Hà Nội của em ăn nhằm gì!’’
“ Thôi, anh đừng nói nữa, em rùng mình. Anh ở cái nơi
chốn gì mà kỳ quái. Chắc con người co rút lại chẳng nhìn
thấy nhau nữa nhỉ?’’
Câu nói vô tình mà hữu ý của Phương làm tôi khựng lại.
Quả thật, từ khi về lại trên mảnh đất này con người tôi như
trải rộng ra. Máu mủ tôi rần rần trong châu thân những người
chung quanh. Tôi mềm lòng với những con người bên tôi.
42 - SONG THAO
Tôi thương cả những cái ranh mãnh, mánh mung vặt vãnh
của những con người mà đời sống đã dậy họ phải lắt léo với
chút lợi lộc còm cõi.
Cái rét tháng chạp của Hà Nội chỉ vừa đủ làm tôi tỉnh
táo hơn khi bước chân ra khỏi khách sạn. Ngõ Bảo Khánh
nằm chen chân với những con phố cổ. Tôi chọn đại một
bên đầu ngõ dẫn ra một ngã ba. Quẹo phải hay trái đây? Tôi
mường tượng ra đường quẹo của chiếc xe gắn máy bụi đời
của Phương. Tôi theo con đường và ngơ ngẩn trước ngã tư kế
tiếp. Hàng gì đây chẳng biết? Tôi nhìn lên bảng tên đường.
Hàng nào cũng đánh đố bước đi của tôi. Tôi quẹo mặt ngã tư
kế tiếp. Người đi như hội. Ngoại kiều dập dìu lên xuống. Phố
mang tên Hàng rất chuyên môn nhưng Hàng nào cũng toàn
những cửa tiệm bán cho du khách. Cái trật tự cũ đã quá lỗi
thời. Những rươi, mắm, đường, than, trống chẳng thể ngang
nhiên đi vào kinh tế thị trường được. Tôi nhởn nhơ sánh vai
với các khách bộ hành khác mà đầu chẳng có một ý niệm gì
về phương hướng. Đi một hồi chẳng thấy tới đâu, tôi dừng
bước hỏi một bà bán hàng đường đi tới nhà thờ Lớn. Cậu đi
xuống hai ngã tư nữa rồi rẽ tay trái là thấy nhà thờ. Lại đi lộn
lại. Phương mà biết tôi vừa ngơ ngáo ra khỏi khách sạn đã
lạc lung tung, chắc cô nàng cười phải biết. Hồi sáng, Phương
đã dặn đi dặn lại là nếu lạc thì gọi điện thoại ngay. Dân Hà
Nội chẳng lẽ đi lạc ngay giữa Hà Nội, tôi đã vênh váo trả lời.
Dại gì mà điện thoại, tôi phải cố giữ cái vênh váo vài chục
phút trước. Bà bán hàng tài tình thiệt, vừa quẹo một cái là hai
cái tháp chuông cổ lỗ đen đủi đã đập vào mặt!
Tôi đứng trên bực cấp nhà thờ, bên trái tôi là trường Dũng
CHỐN CŨ - 43
Lạc cũ. Trường vẫn còn đó, với một cái tên mới, trường Hoàn
Kiếm-Tân Trào. Hàng rào đã được xây lại, cửa sắt cao kín
mít. Ngày xưa, giờ ra chơi, bàn tay tôi đã muôn lần vất vả
chen lấn thọc qua những song sắt của chiếc cửa, tờ bạc một
đồng kẹp giữa hai ngón tay, tranh nhau mua cây kem mát
rượi. Tôi đảo mắt qua vạt đất trước hàng rào trường. Không
một bóng người. Những tủ gánh thịt bò khô, bánh tôm loẹt
xoẹt tiếng kéo rao hàng đã trốn đi đâu tất cả? Tôi như nhìn
thấy ông thịt bò khô hai tay hai chai xì dầu pha đường và
chai dấm lợn cợn ớt có những tép tỏi trắng hấp dẫn thi nhau
dốc xuống những đĩa đu đủ thịt bò bầy xúm xít trên mặt
gương, bà bánh tôm má hồng trên lửa cuống quít với những
tiếng lao xao đòi hỏi của bày trẻ háu ăn. Chợt nhớ tới cái
mánh mua một cái bánh tôm mà lợi dụng lúc bà hàng bối rối
lấy được tới hai ba đĩa rau muống chẻ ăn kềnh bụng, tôi mỉm
cười một mình. Thằng nhỏ khoảng mười tuổi mặc chiếc áo
len sọc xanh sọc nâu ngơ ngác nhìn tôi cười góp. Tôi như
thấy lại tôi mấy chục năm trước. Tôi giơ chiếc máy hình rủ
chụp hình chung, thằng nhỏ lắc đầu bỏ chạy một mạch.
Tôi quẹo mặt theo phố Nhà Thờ. Phố xá ngày xưa yên
tĩnh với những dãy nhà ở kín đáo nay nhộn nhịp những cửa
hàng. Ngôi trường bà sơ giữa con phố hẹp vẫn nết na cửa
đóng then cài. Ngày xưa, giờ chúng tôi tan học về cũng là
giờ bầy con gái trong ngôi trường này túa ra. Cái tên trường
chạy đâu mất tiêu trong ký ức tôi. Tôi dừng lại trước cánh
cửa sắt nhỏ xíu của ngôi trường Tây kín cổng cao tường,
đứng ngẩn ngơ chôn mắt như muốn soi thấu vào bên trong.
Có một thời tôi quá nhỏ trước bầy con gái mượt mà sang cả,
44 - SONG THAO
liếc mắt thích thú nhìn những anh lớn học đòi làm những con
trống, những con trống vụng về tội nghiệp!
Đường Tràng Tiền hiện ra thênh thang xe cộ lên xuống.
Tôi quẹo trái ra phía Bờ Hồ. Hồ Hoàn Kiếm tôi đã làm quen
lại ngay buổi chiều ngày tôi đặt chân xuống phi trường Nội
Bài. Anh tắc xi chạy văng mạng đưa tôi về tới khách sạn
vào buổi trưa, vất chiếc va ly vào một góc, tôi gọi ngay cho
Chí. Chí là anh của bạn của Hoàng. Hoàng mới là bạn tôi.
Khi tôi vất vả về được tới Saigon, điện thoại cho Hoàng, hắn
hốt hoảng. Sao ông về bất thần vậy? Tôi đang ở Hà Nội, mai
tôi trở lại Saigon, tôi sẽ hú ông. Vừa tới Saigon, hình như
vẫn còn say Hà Nội, Hoàng hỏi tôi có rảnh được vài ngày
không? Làm chi vậy? Ông phải ra Hà Nội. Thế là tôi phải đi
Hà Nội. Chỉ nội trong một buổi sáng, Hoàng lấy vé máy bay,
đặt phòng khách sạn, gọi anh Chí nhờ hướng dẫn tôi ở Hà
Nội, và không quên đưa cho tôi chiếc điện thoại cầm tay để
dễ liên lạc. Chí tới ngay khách sạn sau cú điện thoại của tôi.
Chuyện trò một hồi cũng ra được một điểm chung. Chúng
tôi cùng học ở Dũng Lạc ngày xưa, Chí trên tôi hai lớp. Nhìn
Chí râu ria sợi đen sợi trắng, da mặt xếp nếp, tàn nhang vất
vưởng trên má, tôi khó tưởng tượng được tôi hai năm sau.
“ Thời thế cả anh ạ. Anh sa chân vào chỗ mát mẻ, người
ngợm cũng mát mẻ. Tôi bị cột chân vào nơi bức bối. mặt mũi
như bị thiêu đốt, trông chẳng ra làm sao cả.’’
Tôi với tay lấy ly bia Halida cao cao trên chiếc bàn mây.
Bia lạnh không đá. Ly của Chí sóng sánh hai cục đá vuông.
Chí cũng nhấc ly, nhìn tôi, cụng.
“ Bỏ qua mọi chuyện đi. Mừng gặp anh, hai thằng Dũng
CHỐN CŨ - 45
Lạc của cha Nguyễn Huy Mai.’’
Chí hớp vội một hụm bia, khề khà.
“ Cha Mai về sau làm Giám Mục. Cha Trịnh văn Căn,
anh còn nhớ không, người kế chức Hiệu Trưởng sau cha
Mai, làm tới Hồng Y. Các Ngài đã về với Chúa hết rồi.’’
Tôi cười khan với Chí.
“ Thì anh như vậy, tôi như thế này. Các Ngài đã tới lúc đi
hết cũng là phải. Mình còn lao đao muốn đi nữa là.’’
Tháp Rùa dưới nắng chiều như gần gũi trước mắt tôi.
Liễu lê thê rũ bên bờ sạch sẽ. Ngày xưa, lúc về học, tôi vẫn
cùng lũ bạn cắm cần câu bên bờ đất bắt mấy chú cá lòng tong
dại dột. Chung quanh bờ bây giờ đã cẩn gạch thoai thoải, chỗ
đâu mà cắm cần câu.
“ Anh ở xa về lại chốn cũ, cũng ngót nghét nửa thế kỷ
chứ ít gì, nghe mà thấy khiếp, anh thấy ra sao?’’
“ Tháp Rùa coi nhỏ quá anh ạ. Tôi có cảm tưởng với tay
ra là đụng được.’’
Chí cười, pha trò.
“ Chắc tại bây giờ anh lớn hơn.’’
“ Già hơn chứ, tuổi mình hết lớn rồi anh ạ! Mà không
hẳn như vậy. Tôi nghĩ cái gì trong kỷ niệm cũng vạm vỡ hơn
trong thực tế. Mình thường phóng đại, tô hồng chuốc lục cho
những kỷ niệm. Còn anh, ngồi lại với tôi trong khung cảnh
cũ, anh thấy sao?’’
Chí ngả người. Người anh lọt thỏm trong chiếc ghế mây
rộng rãi. Mắt anh lim dim.
“ Tôi thấy cái thiệt thòi của mình. Anh nhìn lại Tháp Rùa
bằng con mắt khác, tôi nhìn Tháp Rùa bằng con mắt khác.
46 - SONG THAO
Nó như cái gông trí trá, không những kìm giữ tôi lại, nó còn
tước đi cuộc sống của tôi mỗi ngày, cho tới khi tôi phải tự
cảm thấy tôi không còn cuộc sống nữa.’’
Tôi cố không nhìn thẳng vào mặt Chí. Có nỗi buồn nào
đáng cho người ta muốn nhìn đâu. Tôi hất đầu ra phía bờ
hồ.
“ Hồi xưa anh có bao giờ ăn bánh mì ba tê của những anh
nhí bán hàng chỗ này không?’’
“ Không, nhà tôi ở phía trên phố cổ nên ít la cà ở chỗ này.
Hồi đó anh ở đâu?’’
“ Gần chợ Hôm.’’
“ Vậy thì đi học anh phải ngang qua đây hàng ngày
rồi.’’
“ Chỗ này là đất của tôi mà! Để tôi kể anh nghe. Chỗ này
là chỗ buổi sáng tôi thường mua bánh mì ba tê. Ngày xưa,
nơi đây chỉ có cỏ với cây, làm gì có quán giải khát như thế
này. Thằng nhỏ móc chiếc bánh mì nhỏ bằng bàn tay con nít
ra khỏi chiếc bao tải. Nóng hôi hổi. Một lát dao rạch dọc,
nhét vào một lát ba tê mỏng như lá lúa, xục xục chiếc lọ
muối tiêu. Vậy mà ngon thấu trời anh ạ. Nhất là những bữa
trời lạnh như ngày hôm nay.’’
“ Thú nhỉ! Tôi chỉ biết những hàng nổi tiếng hơn. Như
ông Tàu bán phát xa ở phía bờ bên kia.’’
Tôi theo ánh mắt của Chí bắt gặp chiếc cổng gạch vuông
vức. Giọng tôi như reo.
“ Tôi vẫn còn nhớ mặt mũi ông ta! Nếu bây giờ ông ấy đi
ngang đây, tôi có thể ra nắm áo ông ấy mà không sợ nhầm.
Cặp kính gọng đen xộc xệch, đôi mắt hấp háy kèm nhèm,
CHỐN CŨ - 47
cái miệng lúc nào cũng nhe ra như cười mà không phải cười,
hàm răng cải mả có mấy chiếc răng của to bản, cái dáng ngồi
co ro và bàn tay gian xảo. Anh có nhớ cái bàn tay ra tiền
đó không? Bàn tay thọc vào túi lạc rang nóng ròn một cách
mạnh bạo, tưởng như có thể rút hết lạc ở bên trong, nhưng
khi rút ra thì chỉ có mấy hạt lạc dính theo mấy đầu ngón tay
chụm hờ vào nhau. Nhả vội mấy hạt lạc vào chiếc sâu kèn
quấn bằng giấy báo kín mít. Ba cái bốc như vậy, ấn tay cho
kín cái đầu sâu kèn, trao cho khách và xòe rộng bàn tay nhận
tiền. Có nài nỉ thêm thì cái bốc bất đắc dĩ còn tệ hại hơn nữa.
Vậy mà cứ xúm nhau vòng trong vòng ngoài chờ tới lượt
mua.’’
Chí rung đùi cười khoái chí.
“ Cái mùi húng lìu thấm vào từng hạt lạc bất hủ thật!’’
Tôi nuốt nước miếng.
“ Nhất là những ngày trời mưa lạnh, ông Tàu ngồi vào
trong chiếc cổng gạch bốn bề hở toang để trốn mưa và gió,
mình đứng run run chờ gói lạc, nắm được chiếc sâu kèn, hơi
ấm tỏa ra trong lòng tay, đã cách gì đâu!’’
Tôi lang thang qua chiếc cổng gạch rêu phong. Nó có
cũ thêm chút nào không? Tôi sờ tay vào lớp vôi sứt mẻ.
Tôi mường tượng ông già Tàu ngồi trong đó. Chiếc cổng
như vẫn vậy. Nó đã rêu phong tới mức không thể rêu phong
thêm. Tôi đang chạm tay vào quá khứ. Nỗi tê dại làm tôi
ngây ngất. Tôi quay người lại khi nghe tiếng đằng hắng vọng
lên từ phía sau.
“ Đổi tiền không anh?’’
Chị đàn bà mặc chiếc áo dạ dài phủ gần hết chân nhìn
48 - SONG THAO
tôi chờ đợi. Nụ cười vẽ vội ra trên môi nằm cứng trên mặt.
Tôi lắc đầu.
“ Không, chị ơi.’’
“ Em đổi giá nới hơn ở ngân hàng mà anh.’’
Tôi lại lắc đầu.
“ Anh đổi giùm em đi. Từ sáng tới giờ chưa được mối
nào.’’
Tôi lắc đầu, rảo bước, lòng phân vân không hiểu sao chị
đổi tiền lại biết tôi có đô la. Tôi phì cười nhìn xuống quần
áo mình. Chúng đã mách lẻo nhiều chuyện. Liếc nhìn thấy
nhà Gô Đa cũ nay đã lột xác thành Trung Tâm Thương Mại
Tràng Tiền ở phía bên trái, tôi thẳng bước. Phố Huế đây rồi.
Xuôi xuống tới chợ Hôm là nhà tôi. Phố phường rộ ra buôn
bán. Ngày xưa đâu có lắm cửa hàng như thế này! Cảnh vật
có lạ nhưng tôi thấy rõ ràng thiếu một cái gì rất thân quen.
Lặng nghĩ một hồi, tôi mới nghiệm ra chiếc xe điện xưa leng
keng kéo chuông giữa lộ nay đã biến đâu mất chẳng còn dấu
tích. Ngày xưa, hai buổi đi học về học, chiếc xe điện vẫn
là trò chơi thú vị của chúng tôi. Khi nhẩy đổi tầu từng trạm
dừng, khi luồn lách từ toa này qua toa khác, lũ học trò chúng
tôi thích thú chơi trò cút bắt với mấy ông soát vé. Những đôi
chân thoăn thoắt nhanh như sóc của chúng tôi bao giờ cũng
làm tức giận các ông đội mũ kê pi mặc áo trắng. Có bao giờ
mấy ông ấy thu được tiền vé của chúng tôi đâu!
Chiếc điện thoại trong túi quần quằn quại rung lên. Tôi
bấm nghe. Tiếng Hoàng vang vang.
“ Ông đang ở đâu vậy?’’
“ Tôi đang đi trên phố Huế.’’
CHỐN CŨ - 49
“ Ông đi đâu vậy?’’
“ Tôi tìm về nhà cũ của tôi.’’
“ Ông đi với anh Chí hả?’’
“ Không, tôi đi một mình.’’
“ Vậy anh Chí đâu?’’
“ Anh ấy bị cái rét Hà Nội đánh gục rồi. Mới đi với tôi
một buổi, anh ấy lạnh quá không chịu nổi,’’
“ Rồi làm sao?’’
“ Ông khỏi lo. Anh Chí của ông đàng hoàng lắm. Anh ấy
sang tôi cho cô cháu con người bạn của ông ấy rồi.’’
“ Số ông lạ nhỉ!’’
“ Lạ là sao?’’
“ Là hay hay. Kỳ này ông về lại Saigon, tôi phải vạch tay
ông ra coi cái chỉ tay ông nó chạy loạng quạng ra sao mà cứ
chỗ nào có hoa đào là tấp vào như vậy!’’
“ Nói bậy nào! Cháu chắt ấy mà!’’
“ Ông thì cháu chắt chồng chất! Thôi, không tán nhảm
nữa. Tôi sẽ gọi ông sau.’’
Bỏ chiếc điện thoại nhỏ xíu vào túi lại, tôi nhớ cái giọng
nhẽo nhẹt thảm khổ của Chí. Mới bảy giờ sáng, còn nằm
nướng trên giường, tôi đã choàng tỉnh với cú điện thoại sớm
sủa.
“ Allô!’’
“ Tôi Chí đây anh. Đêm qua anh ngủ ngon không?’’
“ Ngủ được anh ạ. Cám ơn anh. Di chuyển suốt ngày
mệt nên nằm xuống là làm một giấc chẳng biết trời trăng chi
cả.’’
“ Anh khỏe thật. Tôi bết bát hơn nhiều. Tôi bệnh rồi anh ơi.’’
50 - SONG THAO
Mấy tiếng ho phụ họa cho cái giọng khàn khàn đục đục.
“ Chết chửa! Chắc tôi lôi anh đi nên anh bệnh. Trời lúc
này đang lạnh, gió máy độc địa.’’
“ Không phải tại anh đâu. Tại cái thân rệu rạo của tôi đấy.
Chắc tôi lết đi với anh không nổi rồi. Nhưng tôi đã nhờ được
cô cháu của một anh bạn đưa anh đi. Anh muốn đi đâu cứ
nói với cháu. Con bé làm ở một công ty du lịch nên chắc biết
nhiều hơn tôi. Chút nữa con bé sẽ tới gặp anh nhé. Chúc anh
vui với Hà Nội. Của anh!’’
Con bé cao như một người mẫu. Tôi đã thuộc loại cao mà
Phương chẳng chịu nhường tôi phân nào. Mà không hề ăn
gian nghe! Giầy đế phẳng, tóc không uốn rẽ ngôi giữa nằm
sát sạt trên đầu. Người kín bưng trong chiếc áo giả da nâu,
áo len tím cao cổ, khăn choàng nửa nâu nửa đen kéo sát lên
tới miệng, đôi găng len sậm mầu và chiếc mũ len chỉ để ló ra
mái tóc dài. Dân Hà Nội phòng thủ kỹ thật!
Vượt qua tấm cửa kính rộng của khách sạn, Phương
nhìn tôi đang ngồi chờ. Cười gượng. Vừa run vừa nhẩy nhẩy
chống rét. Chờ cho bài nhẩy vãn, tôi mới hỏi.
“ Cô Phương phải không?’’
“ Vâng ạ. Để em xếp chương trình đi với anh nhé. Anh
đã đi được những đâu rồi?’’
Thật là chuyên nghiệp! Nhưng cách nói và cử chỉ của
Phương cho tôi cái cảm tưởng không phải mới biết nhau
lần đầu. Chẳng cứ Phương. Dân Hà Nội bây giờ hình như ít
hình thức hơn. Cứ em em anh anh vô tư. Có lần Phương nói
chuyện với một anh lái xe hợp đồng với công ty du kịch nơi
Phương làm việc. Phương tự nhiên em anh. Anh lái xe cũng