Anh hùng rơm
Thời pháp thuộc, làng Bình An, tỉnh Rạch Giá được nổi danh là sung
túc. Ruộng đất quá phì nhiêu, chẳng cần bón phân, mỗi công đất
(một ngàn thước vuông) thâu hoạch hơn hai chục giạ. Qua tháng
mười một, mãn mùa gặt, dân chúng còn hưởng thêm mùa dưa hấu
trồng ngay trên ruộng. Nếu trúng mùa dưa thì rõ ràng là vốn một lời
mười. Họ tha hồ mà ăn xài suốt tháng Giêng cờ bạc, đờn ca vọng cổ
lai rai đến lúc tháng Ba, sa mưa.
Nhịp sống của đoàn nông phu cứ trôi qua đều đều. Nhưng đến năm
1937, một biến cố khá quan trọng xảy ra khiến dân chúng... nghẹt
thở. Hầu hết những kẽ tay lấm chân bùn trong làng đều bị lên án là
... kẻ ăn trộm trâu.
Tiên cáo là một ông lạ mặt, người Việt Nam, mặc âu phục, tay xách
cặp da, hút ống vố.
Ông ta đến nhà thầy phó hương quản:
- Có ai ở nhà không?
Thầy phó hương quản ngơ ngác:
- Xin lỗi, ông là ai? Xin cho biết quí danh.
Ông ta nói:
- tôi muốn nói chuyện...
Thầy phó hương quản mời ông khách vào nhà. Ông ta mở cặp da,
đưa ra một tấm danh thiếp:
" Nguyên Hưu Henri,
Domaine agricole de Saigon."
Sau khi đọc sơ qua, thầy phó hương quản lấy làm bối rối:
- Thưa ông. Xin ông vui lòng"thông ngôn" cho tôi được hiểu.
Thông ngôn có nghĩa là thông dịch. Ông khách cứ hút thuốc, chưa
chịu làm công việc ấy. Hồi lâu, ông trợn mắt:
- Tấm"cạc" nầy nói nhiều rồi. Quyền hạn thanh tra... toàn Nam Kỳ
thuộc địa của tôi như thế nào, chú phó hương quản dư hiểu.
Khổ quá! Thầy phó hương quản đành nài nỉ, thú nhận sự dốt nát của
mình:
- Dạ, tấm"cạc" của quí ông... toàn là chữ Tây. Chắc là ở Sài Gòn!
Khách cười nhếch mép:
- Khá lắm. Còn hai chữ nữa"Nguyễn Hữu" tôi không thèm bỏ dấu
cho đúng mẹo luật Lang Sa. Tôi thường giao thiệp với quan chủ tỉnh
mà. Ðây, tôi tạm"thông ngôn " cho chú hiểu: Tôi là Nguyễn Hữu
Hăngri, thanh tra đồn điền Sai Gòn. Tôi vô dân Tây nên giữ chữ
Nguyễn Hữu. Mới đây, sau khi tiếp xúc xa giao với quan chủ quận
tôi ăn cơm ở nhà quan chánh sở mật thám. Bậy quá, chắc quan chủ
quận phiền giận tôi...
- Thưa ông sao vậy?
- Ổng là anh em bạn học.
Lần đầu tiên từ thưở nhỏ đến từng tuổi này. Thầy phó hương quản
mới được vinh dự đón rước một nhân vật quan trọng. Lập tức, thầy
gọi vợ ra chào khách, bắt gà làm thịt. Ông khách Hăngri nói, giọng bí
mật:
- Tánh tôi bình dân lắm. Tôi ưa làm quen với người chất phác như
chú. Vừa vừa thôi, đừng bày tiệc tùng, tốn kém lắm.
Thầy phó hương quản suy nghĩ hồi lâu rồi giả bộ như mình cũng
rành tất cả lề lối làm việc của người cầm giềng mối trị dân:
- Ông nói chí lý quá. Các quan chủ quận đều rành chữ Tây. Ðọc sơ
qua tấm"cạc" của ông, mấy ổng hiểu liền. Chẳng dám nào, ông cho
phép...
- Chú nói đi. Chỗ quen biết với nhau mà.
- Ông cho tôi xin một tấm"cạc" như vầy để lộng kiếng, làm kỷ niệm.
Hễ có khách quí tới nhà là tôi nhắc nhở, giới thiệu... lúc ông vắng
mặt.
Ông Hăngri cau mày:
- Ðây! Chú giữ tấm"cạc" này. Nhưng mà chú phải dè dặt. Ðừng phô
trương quá sớm. Tôi muốn giữ bí mật. Chờ đôi ba ngày nữa, xảy ra
nhiều việc lạ lùng lắm, có lợi cho chú... trong tương lai.
Thế là ông Hăngri nghiễm nhiên trở thành vị thượng khách của thầy
phó hương quản. Thầy bắt đầu xa lánh bà con chòm xóm, vì lý do
riêng. Trong lúc ông Hăngri nằm trên bộ ván gõ, đọc báo Lục Tỉnh
Tân Văn thì thầy phó hương quản trèo cây dừa xiêm hái xuống trọn
quày.
Nhớ đến câu"gái ngoan làm quan cho chồng," thiếm phó hương
quản thắt lưng buộc bụng... sẵn sàng đi tiệm mua nào càri, củ hành,
tiêu, tỏi đem về để thanh toán bằng bầy gà bầy vịt.
Tối hôm ấy, ông Hăngri mở đầu câu chuyện:
- Này chú phó hương quản. Chú là người đáng tin cậy, xứng danh là
người làm việc nước. Tôi nhờ chú giúp tôi một vấn đề quan trọng.
Chừng mãn nhiệm vụ thanh tra, tôi sẽ gặp quan chủ quận, gởi gắm
để thăng chức chú lên chức chánh hương quản.
- Dạ, may phước cho đời tôi quá!
- Vợ chú ngủ chưa? Ðừng cho đàn bà hay biết. Họ ưa chộn rộn.
- Dạ, để tôi coi thử.
Rồi chú trở ra:
- Nó ngủ rồi.
- Chú nên giữ bí mật hoàn toàn. Nếu hư hỏng công việc truy tầm
của tôi, chú sẽ bị trừng phạt theo phép nước luật quan. Chừng đó
mặc dầu thương mến chú, tôi cũng chẳng tài nào cạy gỡ dùm được.
Dưới ánh đèn toạ dăng, trong khi sương mù mịt, bất chấp tiếng chó
sủa ma trong xóm vắng, ông Hăngri mở cặp da, đem ra một mớ giấy
có đóng dấu đỏ. Thầy phó huơng quản đếm thử: chừng ba chục tấm
giấy cứng, màu xanh, lớn gấp đôi cái giấy thuế thân.
Ông Hăngri lẩm bẩm:
- A lo! A lo!
Thầy phó hương quản giật mình, bước ra xa, vấn thuốc hút. Thầy
càng tò mò, liếc qua xấp giấy xanh của ông Hăngri. Thầy sực nhớ
đến loại giấy mà thầy có đôi ba tấm trong nhà.
Thời thực dân, dân chúng gọi nôm na là đó là"bài kía" trâu bò, trên
mỗi tấm, hài rõ tên chủ của gia súc, tên con gia súc, tuổi tác, dấu
riêng... và số thuế đã nạp.
Nhà thầy phó hương quản có hai con trâu và một con bò. Thầy đã
lãnh"bài kía," xác nhận thầy làm chủ ba con gia súc đó. nếu bị trộm
cắp, thầy đem"bài kía" để nhìn nhận của đã mất.
Ông Hăngri thừa hiểu rằng từ nãy giờ cặp mắt tò mò của chủ nhà
đan xăm xoi về phía mình.
- Chú phó hương quản. Lại đây tôi dạy việc.
- Dạ, tôi sẵn sàng.
Ông Hăngri lật đật đem xấp..."bài kía" trâu bò ấy bỏ vào cặp da rồi
đưa cho thầy phó hương quản xem một tấm giấy trắng có chữ đánh
máy, chữ Pháp.
Ông giải thích:
"Số là đồn điền chúng tôi - ở chi nhánh Sóc Trăng - từ lâu thường bị
ăn trộm trâu. Theo tin riêng của sở mật thám Sài Gòn cho biết thì
bọn bất lương đem số trâu bất hợp pháp ấy về bán tại làng Bình An
này. Vì vậy, thừa lệnh quan trên..."
Thật là đất bằng sóng dậy. Thầy Phó hương quản cố gợi lại trí nhớ.
Thỉnh thoảng vài người ở xóm này mua trâu, nhưng là trâu tơ, sanh
đẻ tại làng. Lúc nhậu nhẹt, nhiều người chế nhạo lẫn nhau:"mầy là
chủ phồn ăn trộm trâu!" nhưng đó là tiếng thường lệ cũng như"đồ
mặc dịch! đồ ma bắt." Nó không có ngụ ý gì ráo.
Thầy lẩm bẩm:
- Té ra hổm rày ông làm nhiệm vụ mật thám.
- Tôi là thanh tra!
Phó hương quản bắt đầu e ngại:
- Dạ, quan thanh tra muốn"ăn kết" theo cách nào? Theo ý tôi thì dân
chúng ở xóm này toàn là người lương thiện. Trâu bò của họ nuôi
đều có"bài kía," đóng thuế đầy đủ, do quan trên thừa nhận.
- Nhưng họ mua ở đâu? Mua của ai?
- Dạ, mua ở Châu Ðốc, hoặc mua ở mấy xóm gần đây.
- À! À!
Ông Hăngri vừa gõ cái ống điếu vào gốc cột:
- Phó hương quản đừng che dấu tội lỗi của họ mà chịu chung số
phận. bây giờ, việc đầu tiên của phó hương quản cần thi hành là tới
cái chuồng trâu nào gần đây nhứt, biểu họ trình cho tôi coi mấy
cái"bài kía" của trâu bò trong chuồng để tôi kiểm soát.
Trưa hôm sau, phó hương quản trở về:
- Ðây! Nhà của Trần Văn Lén, tất cả bốn con trâu tên là trâu Pháo,
trâu Bướm, trâu Ðiệu, trâu Mẫm.
Ông Hăngri nói nhanh:
- Tôi muốn kiểm soát dấu riêng của mỗi con trâu. Nếu nó trúng dấu
với mấy con đã ghi trong tờ cớ của tôi thì đó là trâu gian. Tôi cần
làm việc cẩn thận. Phó hương quản cứ tới nhà mấy người khác, từ
nhà tên Trần Văn Lén này dài đến cuối xóm, tom góp tất cả"bài kía"
đem cho tôi xem xét lại.
Cả xóm nhốn nháo lên vì nguồn tin bất lành ấy. Vốn làm ăn chất
phác, tin tưởng nơi công lý, các chủ trâu đều ngoan ngoãn tuân lịnh.
- Vàng thiệt không sợ lửa, - họ tự an ủi.
° °
°
Nhưng trò đời diễn ra khá phức tạp.
Sáng hôm sau, phó hương quản đổ ;mồ hôi trán, đi thất thểu đến
mời mấy người chủ trâu:
- Nguy quá. Ông thanh tra mật thám mời bà con tới"hầu." Tôi e đã
xảy ra điều gì bất trắc. Nhớ tới nhà tôi cho đủ mặt, bằng không thì
ông Hăngri lên án khiếm diện.
Các đương sự lần lượt đến ngồi chồm hổm tại hàng ba, nhà thầy
phó hương quản.
Ông Hăngri nâng ống vố lên, rít một hơi dài rồi nói từng tiếng một:
- Trần Văn Lén! Ai tên Trần Văn Lén?
Người tên Trần Văn Lén"dạ" một tiếng nhỏ rồi chạy tới, đứng trước
mặt ông Hăngri để nghe lời dạy.
- Bốn con trâu Pháo, trâu Bướm, trâu Ðiệp, trâu Mẫm của chú đều là
trâu ăn trộm.
Trần Văn Lén trợn mắt:
- Làm sao có chuyện đó? Xin quan lớn... coi lại. Trâu nhà của tôi mà!
- Chú mua hồi nào?
- Dạ, hồi năm ngoái, 1936.
- Tôi cho biết: hồi năm 1935, đồn điền tôi bị mất trộm, có tờ cớ hẳn
hoi. Cái tấm"bài kía..."của chú giữ ghi vô bộ năm 1936. Nhưng"bài
kía" của đồn điền tôi vô bộ 1934. Dấu riêng của con trâu Bướm y
hệt: sừng cong, hai xoáy ở chân trước bên mặt.
Tên Lén hơ hãi, kêu nài:
- Xin quan thanh tra cho tôi thấy cái"bài kía" của đồn điền...
- Ðừng lẻo lự. Này đâý Tờ cớ rành rành."Bài kía" của tôi cũ hơn...
Chứng tỏ rằng kẻ trộm đem trâu của đồn điền tôi đến làng Bình An
này bán lại cho chú. Hoặc là chú có nhúng tay vô...
Tên Lén trố mắt."Bài kía" (bài chỉ) của ông Hăngri vô bộ trước, có
đóng dấu đỏ và chữ ký tên...
Ông Hăngri giựt cái "bài kía" trở lại:
- Tôi tịch thâu con trâu Bướm của chú. Chú ngồi đó suy nghĩ. Nếu
cự nự tôi giao cho quan chủ quận, truy tố ra toà.
Sau tên Trần Văn Lén, lần lượt bốn năm khổ chủ khác đều bị cật
vấn. Trâu của họ trùng dấu riêng với những con trâu mà đồn điền bị
mất trộm, cách đó vài năm có ghi rõ torng tờ cớ. Kèm theo tờ cớ,
ông Hăngri nên ra mấyh cái"bài kía" vô bộ sổ quá trễ mà dân chúng
trong làng Bình An đang giữ.
Bằng một giọng nhỏ nhẹ, ông Hăngri giải bày:
- Tôi chảng muốn đưa mấy chú ra toà làm gì. Tội nghiệp cho vợ con
mấy chú. Nếu mấy chú ăn năn hối cải, tôi ém dùm. Tôi hứa chạy tờ
về ông chủ đồn điền... Với điều kiện là mỗi người cho tôi năm chục
đồng. Bằng không thì...
Ai nấy cúi đầu, áy náy. Năm chục đồng đâu phải là số tiền nhỏ.
Day qua phó hương quản, ông Hăngri tiếp lời:
- Thế nào? Phó hưong quản dám bảo lãnh dùm họ không? Tới trưa
mai họ phải chạy tiền đầy đủ.
Phó hương quản gải đầu:
- Tôi xin bảo lãnh. Ðể họ về vay nợ, đền ơn quan thanh tra. Nếu ai
trốn, tôi chịu trách nhiệm.
Ðã quá mười hai giờ trưa.
Tại tiệm chạp phô ở cuối xóm, dân chúng tụ họp lại, bảo vây thầy
phó hương quản. Hai ba chai rượu để trên bàn đều cạn. Ai nấy đều
say ngà ngà. Người này sừng sộ:
- Rõ ràng hương quản a tòng với ông Hăngri làm tiền bọn tôi. Trâu
nhà, trâu hgé nuôi lớn lên rành rành vậy mà ông ta dám quả quyết là
trâu ăn trộm. trời đất làm chứng dùm.
Kẻ khác khóc mùi mẫm:
- Rũi bề gì, mình mất trâu, lại ở tù oan mạng. Phó hương quản sao
lại chấp chứa hắn?
Phó hương quản trợn mắt:
- Tôi hổ lắm rồi. Bà con yên tâm. Ta hãy tìm cách gỡ rối, lấy độc trừ
độc... bà con giúp tôi vài cơ mưu...
Một người nói xen vào:
- Tôi biết trồi. Thừa dịp này, mình nên sửa dấu riêng trên trâu bò
mình để chạy án. Theo kinh nghiệm ông bà còn để lại, mình cứ
nướng sắt cho đỏ rồi đót ngay xoáy của con trâu để nó ... bớt xoáy.
Hoặc chặt một khúc chuối cây hơ lửa cho nóng rồi đút sừng trâu vô
mà uốn bộ sừng của nó cho bớt cong...
Phó hương quản gật gù, nhìn xuống mé sông. Thầy ta reo to:
- Hay quá. Vợ tôi tới thăm tôi kìa!
Có người nổi nóng:
- Vợ tới thăm mà cũng"hay quá"! Thầy sung sướng trong lúc bà con
chòm xóm đang tán gia bại sản.
Sau khi ra sân nói chuyện rù rì với bà vợ, phó hương quản trở vào
tiệm, nói khẻ:
- Mời anh em tụ họp lại, nghe tôi nói rõ đầu đuôi. Số là tên Hăngri nó
nhiều hành động dian dối. Hổm rày, vợ tôi theo dõi hắn. Hắn dự trữ
trong cặp da môt số"bài kía," đóng dấu giả: Hắn coi"bài kía" của trâu
bò lối xóm rồi sao y, điền vô khoảng trống trong "bài kía" giả của
hắn. Xong xuôi, hắn... ăn gian ngày tháng. Thí dụ như trâu bò của
bọn mình vô bộ năm 1935 thì hắn ghi là 1934. Vợ tôi htấy rõ ràng
hắn đang"sao y bổn chánh" , lúc tôi vắng mặt. Hắn tưởng vợ tôi dốt.
Một nạn nhân nổi giận:
- Tôi chém nó mới được.
Phó hương quản nói:
- Ðừng! Chém ruồi ai dùng gươm vàng làm chi. Tôi tính như vầy:
đêm nay tôi ăn cắp cái cặp da đựng "bài kía" của hắn. Rồi tôi tri hô
rằng ăn trộm đã lẻn vào nhà tôi. Tất nhiên bà con mình nên sắp xếp
sẵn. Một người nào đó cứ chạy phía trước, giả như kẻ trộm xách cái
cặp da. Rồi bà con xúm nhau đuổi phía sau. Tên Hăngri cũng rượt
theo để giựt cái cặp da trở lại. Thừa dịp đó, mình dùng củi khúc mà
ném cho hắn ta u đầu, què cẳng.
Nửa giờ sau, kế hoạch được thi hành. Tên Hăngri hốt hoảng, yêu
cầu dân làng giúp hắn giựt lại cái cặp da:
- Tôi hứa trọng thưởng. Tôi hứa tha tội cho bà con!
Nhưng ai nấy cứ hò hét, chạy dồn về phía hắn, hươi gậy gộc... Hắn
hốt hoảng chạy. Dân làng đuổi theo mãi.
Riêng thầy phó hương quản thì dè dặt hơn. Thầy ngồi núp trong bụi
chuối, đề phòng trường hợp tên Hăngri là thanh tra... thứ thiệt. Hắn
sẽ rút súng bắn thầy và truy tố thầy là kẻ chủ mưu.
Thầy thất vọng vì quả thật hắn không có súng.
Và dân làng hơi thất vọng, mất hào hứng. Cuộc rượt bắt diễn ra quá
nhanh. Chạy được chừng trăm thước, tên Hăngri quẹo xuốngmé
kinh xáng rồi té quỵ, rơi tòm trong bóng tối.
Có lẽ hắn biết lội, nên sáng hôm sau không ai thấy"anh hùng rơm"
trở lại làng Bình An, và dân chài lưới tuyệt nhiên chẳng gặp cái thây
ma chết trôi nào!
Bức tranh con heo
Gia đình ông hương trưởng Neo rất nổi danh ở làng Thạnh Hòa. Rồi
mới đến lập nghiệp, ông hương trưởng chuyên nghề đốn củi trong
rừng, bà thì bày ra sáng kiến nuôi heo nọc - heo đực, không thiến -
dành để gây giống. Phương châm của hai vợ chồng trẻ thưở ấy
là:"đại phú do thiên, tiểu phú do cần." Ông hưởng trưởng tỏ ra bảo
thủ, giữ cái búi tóc và trung thành với chánh phủ thuộc địa, đến mức
chẳng bao giờ đốn củi lậu thuế. Bà hương noi theo thôn lệ cổ truyền.
Hễ ai có heo để nái, muốn cho nhảy đực lấy giống thì bà dẫn con
heo nọc tới, kiểm soát cẩn thận, để phòng trường hợp thân chủ lợi
dụng con heo nọc nọ"nhảy" liên tiếp hai con heo nái, thay vì một
con. Ðến ngày heo sinh đẻ, nhơn danh là là chủ heo nọc, bà được
quyền "ưu tiên," lựa chọn con heo nào khoẻ khoắn nhứt, đem về
nuôi hoặc bán lại cho kẻ khác.
Lần hồi, gia đình trở nên khá giả, ông hương trưởng bỏ nghề đốn
củi, mua đất, lập vườn. Theo sáng kiến của bà, ông cũng cho hương
chức đình, liên tiếp ba năm liền, một số tiền khá to khi tổ chức lễ kỳ
yên hàng năm. Lẽ dĩ nhiên, ông được ngồi mâm trên tham dự phần
xôi thịt hơi nhiêù và hơi ngon. Việc gì đến phải đến. Ông được chức
hội tề phong cho làm hương trưởng, cai trị dân làng bằng cách suốt
ngày ở không. Thỉnh thoảng đi nhậu nhẹt hoặc mặc ái dài khăn đóng
trong dịp đón rước quan chủ quận, chủ tỉnh thời Pháp thuộc. Thật ra,
ông không có quyền hạn gì ráo. Ông muốn như thế để có thời giờ
rảnh rỗi lo việc chăn nuôi, lập vườn.
Nhưng có tiền nhiều để làm gì? Trong làng Thạnh Hoà, từ mấy năm
qua, thiên hạ đàm tiếu:
- Vợ chồng hương trưởng Neo Khờ khạo quá. Có tiền mà sống như
người nhà quê, thời"đàng cựu." Không chừng ổng bả chưa thấy đèn
điện hoặc chiếc xe hơi.
Bà hương trưởng đã nhiều lần tỉ tê với chồng:
- Bữa nào mình ra chợ... một lần cho thiên hạ biết mặt. Tôi sợ tốn
tiền.
Ông gật đầu:
- Lâu lâu cho nó tốn môt lần. Hơi đâu bà ngán miệng lằn lưỡi mối
của thiên hạ. Mấy người kiêu ngạo vợ chồng mình, bà thử nhớ mặt
họ. Nè, thằng Tám Theo, làm cu li xe kéo ở chợ rồi thất bại, trở về
xóm này để làm ruộng. Nó tưởng làm ruộng dễ lắm. Ruộng thất, nó
sạt nghiệp. Lại còn thằng Tư Mít, vừa bán hủ tiếu, vừa cờ bạc. Nó
bị"tổ trác" phần vì thua cờ bạc, phần vì nấu hủ tiếu không ngon. Nó
thấy vợ chồng mình làm ăn khá giả rồi nó ganh tỵ.
- Đâu phải! Nó khinh vợ chồng mình hạ tiện.
- Mà bà hà tiện thiệt! Họ nói không oan đâu!
- Hứ! lâu lâu tôi cũng dám xài tiền một lần. Ông đừng hùa theo
người hàng xóm mà chê bai tôi. Bây giờ tôi nhứt định đi chợ Rạch
Giá một chuyến cho... phỉ tình. Tôi sợ điều này...
- Ðiều gì? Ðàn bà đâu có đóng thuế thân mà bà sợ lính bắt. Cònt ôi
thì năm nào năm nấy, đóng đầy đủ. Tôi là người"chức việc" trong
làng.
Bà hương trưởng nói khẽ:
- Ở nhà thì tôi biết khôn biết dại, ngặt ra chợ ra búa, đi làm sao,
đứng làm sao, mua sắm làm sao, tôi chưa từng biết.
Ðể tỏ rằng"ta đây xứng đáng làm chồng." Ông hương trưởng quả
quyết:
- Bà đừng lo. Tôi chỉ dẫn cho bà từng đường đi nước bước. Tuy
chưa ra chợ lần nào nhưng tôi giao thiệp nhiều với mấy người đã
từng đi chợ. Bà tin tôi đi.
- Tôi sợ ông xài lãng nhách, tốn kém nhiều quá.
Ông hương trưởng Neo cằn nhằn:
- Hà tiện gì dữ vậy? Chừng năm chục đồng đủ rồi.
- Làm gì tới năm chục đồng... Tính ra là một con heo đúng tạ, hàng
trăm con gà mái. Mình đi sáng sớm hoặc hừng đông, cho kịp chuyến
đò. Tới chiều, mình đi tàu trở về. Ðể"thằng bạn" ở nhà, cho nó coi
chừng trộm cướp. Tôi nghĩ cách: chèo ghe ra chợ. Ngặt tốn thêm
một miệng ăn. Nghe đâu ở chợ, mỗi bữa ăn tốn kém bằng năm,
bằng mười ở nhà quê.
Ông hương trưởng thở dài:
- Ra tới chợ, mình phải ăn, phải uống. Xuống tàu đò, mình phải ăn,
phải uống.
Bà hương trưởng như chợt nảy ra sáng kiến:
- Ă uống dễ quá, tôi lo cho ông... ăn cành hông. Ðể coi! Tiền tàu mỗi
người bảy cắc, hai người là một đồng tư, bận đi bận về là hai đồng
tám cắc. Mình đem theo năm đồng đủ rồi. Năm đồng là một phần
mười của số tiền mà ông dự định. SÁng mốt mình ra chợ, cho thiên
hạ đừng khinh, ông chịu không?
Chiếc tàu đò Phước Sanh tách bến từ lâu rồi - kiểu tàu xưa, không
có tần trên - tất cả hành khách ngồi chen chúc nhau trên hai
hàng"băng" đóng sát be tàu. Hành khách bắt đầu mệt mỏi: máy tầu
nổ quá to, hơi xăng nhớt toả ra ngùn ngụt. Tim và phổi của hành
khách đều sống chung trong tình trạng bất bình thường.
Ông hương trưởng Neo đã khéo léo chen lấn, giành chỗ ngồi ở
khoang giữa. Lẽ dĩ nhiên, bà ngồi kế bên ông. Ông cười tủm mãi vì
tàu đò ít nhảy sóng. Nhiều người cho rằng hễ đi chưa quen thì hành
khách có thể ụa mửa. Ông nói với bà:
- Sướng hơn đi bằng ghe biển. Vậy mà thiên hạ đồn đãi lung tung.
Bà đáp:
- Chật chội quá. Làm sao ông nói với người kế bên... Xét dùm. Mỏi
cái bắp đùi...
Bây giờ ông mới sực nhớ đến mớ hành lý quan trọng mà bà vợ cụ bị
mang theo. Ðó là mớ gà rô tiểu nhân, vịt luộc gói khéo léo trong tờ
giấy nhựt trình. Bên ngoài, có hai ba sợi dây buộc chặt. Bà vợ lãnh
phần gìn giữ, ôm sát vào mình. Lúc mới xuống tàu, ông đã chỉ dạy:
- Cứ để bên"băng" còn trống. Nhưng dọc đường, hành khách tăng
thêm. Bà hương trưởng đành ôm gói hành lý vào lòng, đặt trên đùi.
Dưới tàu, vài em bé đi tới lui, bán đậu phộng rang, nước cam, nước
xá xị.
Bà nói khẽ với chồng:
- Mấy thứ đó ăn uống vào sanh bịnh! Ðồ ăn thiếu gì, trong gói nè.
Cái gì... gái đậu phộng nhỏ xíu, bán năm cắc!
Ông hương trưởng bắt đầu áy náy. Kế hoạch tự túc của bà vợ tuy
khôn khéo nhưng hơi khác thiên hạ. Bà nói:
- Ăn được chưa?
Khó xử quá! Nếu mở gói"hành lý" ăn tại chỗ thì thiên hạ cười chê.
Ngược lại, nếu bắt buộc bà ôm cái gói khá nặng ấy vào lòng thì lại
tội nghiệp. Ông nhớ rõ: đêm rồi, bà vợ thức từ hồi canh tư, bắc
nước nhổ lông gà, lông vịt rồi thì luộc, rô tiểu nhân, bay mùi thơm
phức. Bà lại còn thắp đèn, ra sau vườn hái thêm mớ rau sống: "rau
tốt quá! Bao nhiêu đây, nghe đâu ở ngoài chợ họ bán tới giá hai
đồng bạc. Tội tình gì mình không hái đem theo".
- Ăn chưa! Tôi đói bụng rồi!
Nghe bà vợ thúc hối, ông hương trưởng bắt đầu hơi mệt. Ông cũng
đói như bà. Ông rất thông cảm. Ở nhà quê, vào khoảng chín giờ
sáng là ai nấy bắt đầu ăn cơm trưa, tức là buổi ăn lót lòng sáng và
buổi cơm trưa nhập một. Nhưng trong lúc tất cả bộ hành đều tỉnh
táo, chẳng lẽ hai vợ chồng ăn riêng, coi hơi kỳ.
Ông nói nhỏ:
- Chờ lát nữa. thiên hạ chưa ăn mà!
Nói xong, ông ho lên một tràng. Bên hàng ghế đối diện, một người
gọi thằng bé bán dạo, mua chai xá xị, nút ở nghe cái bốp. Nước ngột
chảy từ từ vào cái ly, sôi bọt, ông hương trưởng không còn nhịn
thêm được nữa:
- Bà có đem nước theo không? Tôi thèm nước trà quá. Uống được
rồi. Thiên hạ uống kìa!
Gói giấy từ từ mở ra, rất lâu, theo ngón tay khéo léo của bà hương
trưởng. Bà tháo gút dây cẩn thận rồi cuốn sợi dây lại, để dành.
- Quăng bỏ đi! Ông nói.
- Ðể buộc lại chớ. Gà tới hai con. Vịt luộc cũng vậy. Ăn sao hết, để
ngoài gió, rủi bụi bặm vào hoặc có con dời nó bò, dính vào thịt gà.
Ăn nhằm con dời là chết! Ông quên rồi sao?
- Ðem làm gì nhiều dữ vậy! Tôi tưởng bà làm thịt một con gà, một
con vịt, dè đâu tất cả tới bốn con...
- Ăn sáng rồi còn bận về, mình ăn chiều. Mấy chục năm qua, mình
sống bằng nghề nuôi gà vịt, bữa nay ăn một bữa thoả thuê. Tốn kém
gì? Cây nhà lá vườn mà!
Mấy người bên cạnh đều trố mắt, lắng tai nghe tâm sự của bà bộ
hành đặc biệt ấy. Họ cố gắng che giấu nụ cười. Bà hưởng trưởng
ngỡ mình có duyên, nói tiếp:
- Hay là ông nhớ thịt heo! Nhà mình còn hai con heo đúng tạ, bán
sớm quá, hơi uổng. Tôi biết tánh ông ưa ăn thịt heo luộc nên mua
hồi hôm qua tới nửa cân thịt ba rọi.
Ông hương trưởng nhăn mặt:
- Nhiều quá, ai ăn cho hết?
Bà vợ vẫn chưa hiểu:
- Tôi xắt từng miếng nhỏ rồi. Tôi hiểu mà. Dọc đường như vậy, dễ gì
mượn tấm thớt với cây dao.
Ðể chấm dứt sự hiểu lầm ấy, ông gật đầu:
- Lát nữa hãy ăn. Tôi muốn uống hà.
Bà hương trưởng đưa ra chai nước, xung quanh chai có quấn giấy
nhựt trình để khỏi dính mùi thịt gà:
- Cái chai sạch thiệc sạch. Ông uống đi!
- Bà gói lại đi. Ðể cái chai này ở ngoài.
- Vậy hả?
Thấy ông chồng hơi lúng túng vì chẵng lẽ đưa miệng chai vào miệng
mà nốc, bà chắt lưỡi:
- Tôi quên đem theo cái ly, cái chén. Hồi hừng sáng, tôi nhớ kỹ, đem
theo hai đôi đũa để gắp thịt, nhè quên cái ly uống nước.
- Ðược rồi!
Vừa nói, ông vừ anâng chai, uống ừng ực mớ nước trà nguội ngắt
trao cho bà. Bà uống, hạ chai xuống, thở ra khoan khoái.
- Như vậy đỡ tốn một đồng bạc. Ủa! Hai đồng bạc chớ. Một chai xá
xị là một đồng. Hai chai là hai đồng. Chai gì mà nhỏ xíu cái ruột.
Mình coi kìa!
Ông hương trưởng ngồi im, không dám gợi chuyện thêm. Tàu cứ
chạy. Hành khách bắt đầu uể oải vì đường còn khá xa. Vài người
dựa đầu vào vách mui tàu mà ngủ hoặc bàn tán chuyện riêng tư,
chẳng còn ai chú ý tới sự thắc mắc của hai vợ chồng người đồng
hành.
Ông hương trưởng hỏi người kế bên:
- Gần tới chợ Rạch Giá chưa?
Người nọ đáp:
- Chừng hai giờ nữa.
Ông buồn rầu. Như vậy là đúng ngọ tàu mới cặp bến. May thay,
tiếng rao lanh lảnh của thàng bé bán hàng rong đã mở cho ông một
lối thoát kỳ diệu:
- Ai ăn cơm sườn không?
Nó bưng hai đĩa cơm nghi ngút. Ði tới lui. Bà vợ mừng quýnh:
- Chừng này ăn được rồi. Mình đem thịt gà thịt vịt ra ăn. Tệ quá. Coi
đĩa cơm kìa! Bán năm cắc, đâu chừng một chén cơm với nửa miếng
sườn. Tôi đói quá.
Ông đáp:
- Ăn hấp tấp quá, người ta cười. Mình cứ chờ.
- Kìa! Có người mua cơm. Họ ăn kìa.
- Nãy giờ tôi suy nghĩ điều này, bà có nhớ hay quên? Ăn thịt gà thịt
vịt với món gì? Ðể tôi biểu thằng nhỏ đó bán một cắc bạc cơm, cơm
không rẽ tiền. Chẳng lẽ mình ăn thịt gà thịt vịt trừ cơm!
Bà cười tủm tỉm, như kẻ đắc thắng, thắng một ván cờ khá gay go,
với chồng:
- Tôi nấu cơm nếp đem theo. Nhiều lắm.
- Sao tôi không hửi mùi?
- Hửi làm sao được. Hồi khuya, rô tiểu nhânxong con gà, tôi thấy nó
chảy mỡ quá nhiều. Tôi tiếc hùi hịu, nên nấu cơm nếp, trộn với mỡ
gà. Cơm nếp đó nằm trong gói này. Nó thơm như thịt gà vậy!
Thế là hành khách lại chứng kiến một cảnh vui vui: gói hành lý,
lương thực được mở ra. Bắp đùi của ông và của bà kề sát lại, trở
thành cái mâm cơm. Họ ngồi kề vai nhau; bà tặng cho ông một cái
đùi gà, ông nói lẩm bẩm:
- Bậy quá! thiếu rượu đế!
- Hí! Uống rượu say sưa, thiên hạ phiền. Nè, nem sống thiếu gì! Cây
nhà lá vườn. Rau răm, rau húng cây, rau húng lủi... nè dưa leo, nè
ớt.
Hành khách đổ dồn hàng chục đôi mắt về hía đôi vợ chồng già. Bà
nói với ông:
- Mời họ ăn không? Mình nên mời một tiếng.
- Theo tục lệ, không ai mời ai cả. Ra đường, mạnh ai nấy lo, tiền ai
nấy xài. Thí dụ như chiếc tàu này gặp dông bão, rủi chìm thì mạng ai
nấy lội. Chết ai nấy chịu. Mình mời lung tung, thiên hạ không ưa. Bộ
mình khinh khi, cho rằng thiên hạ đói hay sao? Họ no hết rồi. Họ
không ăn như mình chì vì... họ no hoặc họ chưa muốn ăn. Mình cứ
tự nhiên, đừng mắc cỡ.
° °
°
Hai vợ chồng lên bờ sau chót. Bầu không khí nóng nực quá. buổi
trưa, chọ vắng teo. Hầu hết các tiệm phố đều đóng cửa hoặc hép
bớt cửa cái.
Bà hương trưởng sửng sốt vì đường đá quá rộng và quá cứng! Chỗ
này đá trồi lên lởm chởm, đau chân, chỗ kia, mặt đường đen thui,
nhão nhoẹt mớ dầu hắc tráng đường chảy ra như dầu sôi. Ông
hương trưởng cắm đầu, bước tới, sát bên lề:
- Mình cứ đi theo tôi! Cứ theo đường thẳng từ đây tới mé sông. Rồi
từ mé sông trở lại bến tàu này, kẻo lạc lối. Buồn quá!
Ông hương trưởng không muốn che giấu nỗi buồn vô tận của mình.
Người quá lại khá nhiều nhưng chẳng một ai chịu khó nhìn ông,
chào hỏi như ở thôn quê. Rõ ràng chợ búa là chốn buồn tẻ, buổi
trưa, muốn tìm bóng mát, đâu phải dễ. Vào quán thì sợ tốn tiền. Còn
đi như vầy hoài, thiệt là hành hạ tấm thân.
Nhưng bà vợ phía sau đã nêu vấn đề:
- Kiếm chỗ nào nghỉ chân một chút.
- Nãy giờ tôi cũng như bà. Mỏi quá. Mình vô quán ăn.
- Bộ ông còn đói hả?
- Mình mượn cái ghế mà ngồi... tạm. Họ tính bao nhiêu thì mình trả.
Vài cắc bạc, chớ không lẽ nhiều.
- Phải à, mình kiếm một cái quán nào nho nhỏ, uống bậy chén nước
trà Huế, không chừng rẽ hơn.
- Ông bà đi chợ! Chào ông bà! Hân hạnh cho tôi quá.
Lần đầu tiên tù khi lên đường xa xứ, vợ chồng hương trưởng Neo
nghe giọng nói ấm áp, mát rượi như vậy.
Người ấy ngồi trên chiếc chiếu hơi rách, đang ăn bữa cơm đạm bạc:
một đĩa cá kho, một dĩa dưa cải. Ăn một mình, dựa lưng vào vách.
Ông hương trưởng nói:
- Chaò ông! Xin lỗi, ông quen với vợ chồng tôi hồi nào?
Người ấy vuốt mái tóc, vuốt hai cái tay áo cho thẳng thớm:
- Chưa quen, nhưng tôi biết ông bà là người khá giả ở trong làng.
Mấy khi ông bà ra chợ chơi. Ông bà làm trong ban hội tề. làm tới
chức...
Bà vợ mừng quýnh, buột miệng nói:
- Chức hương trưởng làng Thạnh Hoà.
- Mời ông bà ngồi, dùng cơm với tôi.
Người ấy vừa nói, vừa liếc nhìn cái gói hành lý mà bà hương trưởng
đeo trong cánh tay.
Ông liếc về phía vợ, như để hỏi ý kiến:
- Mình ngồi cho khoẻ chân.
Bà gật đầu:
- Rồi ăn luôn với ông này.
Bữa tiệc... khai mạc khá sôi nổi ấm áp.
Ông bà ăn chiếu lệ vì còn hơi no. Nhưng anh nọ ăn hơi nhiêù, vừa
ăn vừa hỏi han về tình hình mùa màng trong làng Thạnh Hoà. Ăn
hết con gà, con vịt, anh ta không ngần ngại gắp mấy miếng thịt ba
rọi heo, nhai ngấu nghiến với rau sống, nhai liền miệng:
- Ngọn quá! Heo ngoài chợ ăn không mấy ngọt bằng heo của ông
bà.
Bà vợ gật đầu:
- Nhà tôi nuôi heo nhiều lắm. Chừng nào rảnh ông vô Thạnh Hoà mà
xem. Còn một chuồng... Ông cứ ăn cho hết đi.
- Cám ơn ông bà. Nhưng tôi biết lấy gì làm kỷ niệm. À... Xin thú thật
với ông bà, tôi làm nghề.. thầy thuốc, chuyên bán thuốc nuôi heo
mau lớn. Ngặt thuốc bán không đủ, thiên hạ mua nhiều quá rồi. Phải
chi ông bà tới sớm một chút. Chờ xem.
Nói xong, anh ta đứng dậy, chạy vào ngõ kêu đem ra... một bức
tranh: con heo khá to, đuôi cong lên, mình heo có điểm vòng tròn âm
dương:
- Ông đem về, dán ngay cửa nhà, làm ăn phát đạt lắm!
Bà hương trưởng ngắm nghía bức tranh, gật đầu. Trong lùng khi đó,
ông hương trưởng nghĩ ngợi xa xôi hơn. Anh nọ lạnh lùng gói mớ
thịt heo, thịt gà... để làm của riêng, đặt trong góc vách. Trông anh ta
đói quá. Còn đói, còn thèm nhưng anh ta muốn để dành cho buổi ăn
chiều.
- Ngộ quá!
Anh nọ gật đầu, đứng dậy như để ... đuổi khách.
- Cám ơn ông bà. Hẹn ông bà lát nữa hoặc tối nay đi ăn cao lầu... đi
coi hát!
Lại một sự tốn kém mới. Ông hương trưởng chợt hiểu: nếu hắn
không là kẻ hoàn toàn bất lương thì hắn cũng đang sống trong tình
trạng... ghiền á phiện hoặc thất nghiệp. Ông lật đật nắm tay vợ:
- Thôi mình về!
Rồi day lại chào anh nọ.
Bà vợ còn mân mê bức tranh heo:
- Ngộ quá! Ðem về dán trước của nhà. Vui quá! Làm ăn tấn phát,
thiệt vậy hả ông?
- Mình về, đủ rồi.
- Cái hình ngộ quá. Mình thấy không! Bữa nay toàn chuyệnmay
mắn, không tốn đồng xu. Coi hình tốt quá.
Ông nói cho bà vợ được hưởng trọn niềm vui trong ảo mộng xa vời:
- Tốt lắm. Ðem về dán trước cửa. Hễ gà vịt hoặc heo mà đau ốm thì
mình van vái cái hình đó. Gà đẻ ra nhiều trứng, heo mập như thổi,
vài ngày đúng tạ... mình làm giàu, cái tờ cử hương trưởng của tôi
đem danh, cái hình này đem lợi... Ðủ danh đủ lợi rồi.
Ðảng xăm mình
Ông Tây Lơ Pheo vừa được"nhà nước thuộc địa Nam Kỳ" cấp cho
một phầnd dất hoang vu, sình lầy ở rạch Xẻo Quao, làng Ðông
Hưng, sát mé biển vịnh Xiêm La.
Sau khi hay tin ấy, mấy ông điền chủ Việt Nam ở gần không ngớt
bàn tán:
- Bộ thằng Tây đó muốn tán gia bại sản sao chớ? Thứ đất khô
không ra khô, ướt không ra ướt, tràm mọc vài cụm xơ rơ... Biết
chừng nào mới làm ruộng được. Cỏ mọc cao hơn đầu người.
Có người đáp lại:
- Ông Lơ Pheo không ngu dại gì đâu, ông làm tới chức"bác vật," ông
có vốn liếng nhiều. Vài chục năm nữa, đất phèn, mùa nàng thạch
mậu nhờ ổng mướn người xẻ kinh, đào mương cho rút bớt chất
phèn.
- Vô lý. Vài chục năm sau, ông Lơ Pheo chết ngắt. Biết đâu Tây rút
lui về chánh quốc trước khi đất này trở thành "đất thuộc" có huê lợi.
Ông Trạng Trình tiên đoán rằng... thầy tăng trở về... gì đó, bà con
mình quên rồi sao?
Nhưng Sấm Trạng Trình, năm ấy, chưa ứng nghiệm. Co bộ còn hơi
lâu Tây mới rút về nước họ. nhà nước Tây còn mạnh lắm. Quan chủ
quận vừa gời trát xuống cho thầy hương quản"tuân cứ" là hôm sau
cả ban hội tề Ðông Hưng mặc chỉnh tề, khăn đóng, áo dài đen, chầu
chực đón rước vị điền chủ mới.
Ông Lơ Pheo nói sành sỏi tiếng Việt Nam, không cần ai làm thôn
ngôn. Ông không mang theo khí giới, súng đạn, khi người ta là một
tay lịch lãm, dám bỏ quê xứ để qua thuộc địa miền nhiệt đới, khi
người ta có bộ óc khá to, có cái trán sói sọi vì quá suy tư.
Nghe trình bày những khó khăn trong công việc làm ăn, ông Lơ
Pheo mỉm cười:
- Hèn gì... Ngành canh nông ở đây kém phát triển, thua Nhật Bổn,
Miến Ðiện, Nam Dương. Ðất nào mà không sanh ra huê lợi. Vậy chớ
mấy ông điền chủ"An Nam" ở gần đất của tôi sanh sốn bằng nghề
gì?
Thầy hương quản nói:
- Dạ, họ không làm ruộng.
Ông Lơ Pheo trố mắt:
- Tại sao họ xưng là người trồng tỉa lúa gạo. Họ khai trong giấy tờ
làRi-di-cun-tưa (Riziculteur).
Thầy hương quản gãi đầu:
- Họ sống bằng nghề nuôi cá.
- Ồ!Phọt-mi-đáp . Nuôi cá là chuyện khác với làm ruộng. Bây giờ,
thầy hương quản cứ cho tôi biết. Mỗi mùa nuôi bao nhiêu... con cá?
Loại cá gì? Cho cá ăn mồi gì? Làm sao có đủ thức ăn cho cá lớn?
Lúc cá đẻ, phải săn sóc cá mẹ cá con ra sao? Mỗi ngày, cá ăn mấy
lần? Mỗi năm, bán được bao nhiêu tiền?...
Thầy hương quản nói tóm tắt:
- Dạ, theo chỗ tôi biết thì mỗi người chủ đều bán ra vài chục ngàn kí
lô cá. Ðó là cá lóc, cá trê, cá rô do trời sanh, trời dưỡng. Từ hồi...
tạo thiên lập địa, cá kiếm ăn một mình. Mình cứ ở không, uống rưọu
mà chờ mùa nắng để bắt cá một lần. Gọi tắt là mấy ông điền chủ"An
Nam" đắp vuông nuôi cá. Nuôi cá trong cái"vuông" .
- Vuông là cái gì? Sao tôi chưa nghe sách vở nói tới. Cái hình bốn
góc bằng nhau. Làm sao cá ở trong đó?
Thật vô cùng bối rối cho thầy hương quản. Làm sao giải thích rõ
ràng cho ông Tây thuộc địa nghe được. Thầ ngỏ ý muốn đưa ông Lơ
Pheo ra ngoài vuông để ông ta quan sát tận nơi. Trời nắng chang
chang, đổ sao. Ông Lơ Pheo lắc đầu, nghĩ đến những vụ ám sát, bắt
cóc. Phía chân trời, dường như có một dẫy rừng chạy dài.
Rốt cuộc, thầy hương quản nói:
- Dạ, đó là một khoảng đất rộng từ bảy chục, tám chục hoặc hai ba
trăm mẫu. Trong khoảng đất hoang vu, người ta đào nhiều đường
mương nhỏ, như bàn cờ, cho cá ở. Bên ngoài có bờ bao ngạn như
vòng thành khá cao. Cao hơn một thước tây. Vì vậy cá lội quanh
quẩn trong vùng đất bao la bên trong. Làm sao cá nhảy ra khỏi bờ
bao ngạn được. Cái vuông ấy không nhứt thiết hình vuông. Nó méo
mó, hoặc theo hình chữ nhựt.
Ông Lơ Pheo thích chí:
- Tôi hiểu rồi. Giỏi quá! Nhưng mà... làm sao gom cá lại một chỗ, bắt
cá đem lên. Chẳng lẽ dùngmáy bơm để hút nước ra ngoài. Muốn bắt
cá, phải tốn bao nhiêu nhân công?
- Dạ bẩm, quan lớn... Qua mùa hạn bao nhiêu cá đều rút xuống
mương, tự nhiên. Chừngmương cạn thì thì cá rút lui từ từ, dẫn vào
một cái đìa khá to, ở sát bờ bao ngạn. Mình cất nhà ở bên cái đìa
đó, để coi chừng kẻ trộm. cứ tát đìa. Cá lớn thì bán. Cá nhỏ thì để
dành làm giống cho mùa tới.
Ông Lơ Pheo gật đầu lia lịa, khoát tay ra dấu nhận lời thầy hương
quản. Chẳng lẽ người Pháp lại thua trí người nông phu"An Nam" ?
ông ta nói nhanh:
- Tôi hiểu rồi. Mấy người nuôi cá theo kiểu... cái Biển Hồ trên xứ
Cao Miên. Mùa mưa cá lên rừng, lên ruộng, sanh đẻ trong lồng cỏ.
Mùa nắng, cá gom xuống ao hồ. Tôi làm bài toán rồi. Mỗi năm, một
cón cá mẹ sanh ra chừng mười ngàn cá con, hay quá.
- Như vậy nghĩa là quan lớn thấy xa hiểu rộng hơn tôi nhiều. Sáng
mai, tôi dẫn quan lớn đi thăm mấy cái ruộng của điền chủ"bổn xứ" ,
gần đây...
- Cám ơn. Tôi đắp một cái ruộng, lớn bằng hai bằng ba... cho điền
chủ An Nam noi theo. Ờ, tại sao mấy người điền chủ ở đây không
làm giàu. Cá nưôi không cần mồi. Tiền bạc ở đâu? Tại sao không ai
cất nhà lầu, mua tàu bè, lập nhà máy xay lúa. Tại sao ông chủ ruộng
nào cũng nghèo xơ xác?
Thầy hương quản mỉm cười bí mật. Thầy ta cũng là một người chủ
vuông, luôn cả những người trong ban hương chức hội tề:
- Thưa ông, khó nói quá.
- Sao vậy? Tại vì mấy người chủ vuông hút á phiện, mê cờ bạc?
- Dạ, khó nói quá.
° °
°
Ông Lơ Pheo lấy làm hài lòng khi ông đích thân đến quan sát vùng
đất, ông phác hoạ kế hoạch tương lai.
Này, cái bản đồ với bón góc A,B,C,D có thể chứa hàng triệu con cá.
Này, cái trại vuông, lợp bằng thiếc, nền lát gạch, vách ván, có cửa
sổ che lưới sát mịn để ngừa loại muỗi đòn xóc gây bịnh rét rừng.
Này, cái phòng khách. Bên góc, có bình lọc nước, thư viện nghiên
cứu. Và trước sân là một cái hồ nhỏ, cẩn xi măng để nuôi thử vài
loại cá lóc, cá trê. mấy loại này sẽ lai giống, gây ra vài thứ cá mau
lớn, dễ nuôi hơn, ăn ngon hơn.
Ngày đắp xong cái vuông, ông khen thưởng bọn"culi" một con heo
quay.
Rồi suốt ngày, ông nằm trong trại, theo dõi tình hình nuôi cá.
Vài người đàn ông đen đúa, ở trần, tóc dài tới ót đi qua đi lại gần trại
nuôi cá của ông Lơ Pheo.
Họ chào ông, ông chào họ. Họ tự xưng là người"làm ăn lương thiện"
ở ngoài mé biển. Họ hút điếu thuốc của ông Lơ Pheo thân tặng rồi
họ nheo mắt, khều nhau.
Họ nói nói, cười cười như âm mưu chuyện gì.
Ông Lơ Pheo cau mày, linh tính như báo trước chuyện bất an. Ngực
của mấy kẻ"làm ăn lương thiện"ấy xâm đầy chữ Tàu, chữ quốc ngữ,
luôn cả chữ Pháp. Bí mật quá.
Chờ khi họ khuất dạng, ông Lơ Pheo đến nhà hương quản:
- Mấy người ở đâu vậy? Tên họ gì? Có đóng giấy thuế thân không?
Hay là dân bất lương?
Thầy hương quản nói:
- Họ ngoài mé biển, làm nghề câu cua, đốn củi, gài bẫy chim. Mấy
nghề đó, nhà nước Lang Sa đâu cấm đoán. Còn về giấy thuế thân
thì... khó quá. Tôi chua dam1 hỏi thử vì làm vậy sợ mất cảm tình. Ðể
tôi hỏi thầy xã trưỡng xem thử họ có ghi tên trong bộ sỗ không.
Ông Lơ Pheo lắc đầu:
- Họ còn làm gì khác không? Coi bộ họ rảnh rang hơn tôi. À, họ biết
chữ Tây không?
- Dạ, làm sao biết được Ở làng này, chẳng ai biết chữ Tây hết.
- Nè, thầy hương quản. Họ xăm mấy chữ Pháp quá vô phép:"Plutôt
la mort que la honte"(thà chết hơn chịu nhục). Họ lại ở trần cho tôi
đọc.
Thầy hương quản hơi bối rối:
- Họ xăm mình từ hồi nào lận kìa! Vả lại, chữ nho cũng vậy"Ninh thọ
tử bất ninh thọ nhục."đã xăm vào da vào thịt rồi thì làm sao bôi xoá
được. Chữ Tây mà. Chữ Tây ngụ nhiều ý nghĩa quá.
Ông Lơ Pheo lẩm bẩm:
- Câu đó để dành cho người Pháp bên chánh quốc. Hoặc cho tôi. Ở
xứ Nam Kỳ này, không nên nhắc lại câu đó, sợ dân tình bắt chước.
Ngoài mé biển, còn chừng bao nhiêu người sống lang thang rảnh rổi
như vậy?
- Dạ, để tôi hỏi thầy phó hương quản. Phó hương quản lo trị dân
ngoài đó.
- Phó hương quản là ngườ nào? Mặt mày ra sao? Kêu lại cho tôi
biết mặt.
Thầy hương quản im lặng. Ngưòi xăm mình, xoay mấy chữ ngạo
nghễ khi nãy chính là phó hưong quãn chó còn ai đâu xa lạ. Thầy
che giấu:
- Dạ, phó hưong quản giờ này đi câu cua ngoài biển.
- Dân ngoài mé biển hiền hậu không? Uống rượu nhiều không? Họ
uống rượu với... thịt chó hả? Ở vùng đồng bằng sông Hồng...
Thầy hương quản gật đầu để chấm dứt câu chuyện rắc rối.
- Dạ, uống rượu với thịt chó.
Rồi thầy ra về với nụ cưòi bí mật. Sự thật là dân miền biển ưa nhậu
rượu với cá, loại cá nước ngọt, nuôi trong vuông. Cá đồng ngon hơn
loài cá biển. Nay mai, đến mùa nước cạn, họ sẽ nhậu với cá trong
vuông của ông Lơ Pheo và ăn trộm cá để mua rượu. Họ ăn cá, thay
cho cơm.
Ông Lơ Pheo vào trại, tỏ thái độ cương quyết. Ông vừa thắng một
trận giặc lòng. Lương tâm ông chẳng còn cắn rứt nữa. Ông quyết
tâm vượt những khó khăn đầu tiên mà cuộc kinh doanh nào cũng
vấp phải. Kế hoạch đối phó của ông như thế này: Về chợ Rạch Giá,
tìm một tay võ sĩ, đánh lộn hay, chém lộn giỏi, rồi phong cho hắn làm
chức quản lý vuông cá. Ấy là lấy độc trị độc. Mỗi tháng, cứ tăng
lương đều đều cho hắn.
° °
°
Mấy tháng qua, Tư Liệt lấy làm vui thích. Với trách nhiệm to tát, chú
tư còn được quyền hạn khá rộng do ông Lơ Pheo giao cho.
Sáng sớm, vừa thức giấc là chú Tư Liệt dạo vòng quan bờ ruộng, đi
hơn một tiếng đồng hồ mới giáp bốn phía bờ bao ngạn. Chẳng có kẻ
bất lương nào ẩn náu trong vùng cấm địa cả! Ông Lơ Pheo đã la
hoảng, vậy thôi. Trong vuông, chú Tư Liệt thấy nào chi, cò, trích,
cúm núm. Hàng trăm con le le bay lên từng chặp, từ mấy cái lung
đầy sen bạch, nở muộn. Gió chướng thổi hiu hiu. Mấy giề rong đuôi
chồn tan rã, chìm xuống. Mắt nước lềnh bềnh, đầy bông súng.
Mấy tấm bảng"Vuông này là của riêng của ông Lơ Pheo, Cá có chủ!
Coi chừng! Nếu trộm cắp sẽ bị nghiêm trị!"đứng trơ trẽn lạnh lùng
trưóc cơn gió biển. Thỉnh thoảng, vài con cò quắm đáp xuống, đâu
thử trên đầu bảng. Nhưng chặp sau, vì tấm bảng quá mỏng, nên cò
quắm đau chân. Cò vỗ cánh, phóng uế, bay về phía rừng mắm xanh
rì để đậu. Cành mắm tròn đậu êm ngón chân hơn.
Tư Liệt ngáp dài, trở về trại, uống viên ký ninh, đúng theo lời căn
dặn của ông Lơ Pheo, và uống với nước lọc, những giọt nước mát
lạnh nhểu xuống từ cái"phít" bằng đất sét trắng. Buổi chơm chiều,
chú ăn chậm rãi. Nhà đóng kín, muỗi không lọt vào được. Ông Lơ
Pheo đã trở về Sài Gòn từ tháng trước. Tư Liệt nghiễm nhiên trở
thành chủ nhà, chủ vuông cá. Còn năm ngày nữa, ông Lơ Pheo mới
trở lại Xẻo Quao này.
Chú nằm trên giường lắng tai. Bên ngoài có những tiếng động lạ
thường.
Trong cái đìa sau trại, cá quậy nước nghe ầm ầm. Hàng ngàn con
cá to đã gom vào đó. Im một chặp, lại nghe tiếng"chép chép," "lụp
bụp," "lào xào" ... cứ như thế, mỗi lúc một náo nhiệt.
Chú xách cây đèn"pin" , chạy ra ngoài rọi xuống đìa. Nước đục ngầu
pha trộn với bùn đen. Hằng hà sa số cá lóc, cá trê cố vùng vẫy, toan
lội trở ngược. Chú dạo một vòng, chung quanh bờ vuông. Cá gom
xuống mương rồi. Cá muốn lội dài theo dòng nước đục, gom vào cái
đìa lớn. Chú rọi đèn"pin" ... Vài con cá choá mắt, nhảy dựng đứng
để trốn ra ngoài bờ bao ngạn khá cao. "Cá ở đâu mà nhiều quá
vậy?" Tư Liệt hỏi thầm.
Sau cuộc tuần tra ấy, Tư Liệt vào nhà mừng thầm vì nay mai ông Lơ
Pheo sẽ hài lòng.
Hừng sáng, chú thúc dậy sớm, dạo một vòng trên bờ vuông. Ðằng
kia, đôi ba người lực lưỡng đưa tay ngoắt chú. Bên cạnh họ, đống
lửa cháy vàng lườm. Khói bay cuồn cuồn, đưa màu cá nướng thơm
phức. Thấy họ đông đảo và mạnh khoẻ hơn mình, Tư Liệt dừng lại.
Có tiếng kêu réo:
- Lại đây nhậu chơi nè. Chẳng lẽ ba người ráp đánh một người. Anh
hùng một thứ với nhau mà.
Tư Liệt cười gượng, đến gần. Ô hô! Nãy giờ, và có lẽ từ mấy ngày
trước, họ ăn hằng hai ba chục con cá lóc, cá trê, bỏ xương bỏ thịt
một đống to. Dường như chưa thoả mãn, họ đang chuẩn bị cặp vào
gắp tre chừng mười con cá trê mà nướng tiếp theo.
- Lại đây đại chúng ta. Uống một hớp cho tỉnh táo để thính lỗ tai,
nghe tụi tôi hạch tội.
Tư Liệt ngạc nhiên:
- Hổm rày, tôi đã làm gì khiến bà con hờn giận?
Một người trong bọn nói:
- Hồi tối, đại ca đi đâu. Rọi đèn"pin" để rình bắt tụi tôi hả? Rình ban
ngày chưa đủ sao? Lại đây ăn no rồi kéo tay sơ sơ coi ai mạnh, ai
yếu. Nè! Cá lóc Xẻo Quao ngon lắm, ngốn một miếng cho biết mùi.
Ăn lớn miếng mới biết ngon.
Cực chẳng đã, Tư Liệt phải ăn và uống. Bọn người cười vang:
- Cha nội này tiếc của dùm cho ông Lơ Pheo. Cá này là cá của mình
mà. Tại sao đại ca lại trung thành"bất tử" với ổng?
Tư Liệt hỏi nhanh:
- Cá ở đây vậy?
- Cá ở trong vuông trốn ra chớ ở đâu.
- Cá biết trốn à? Làm sao nó nhảy qua bờ bao ngạn, cao hơn một
thước tây.
- Nó đào hang, đào ngách. Ðất mềm lắm. Kìa! Thí dụ, như mấy bụi
sen bạch này. Nó mọc phía ngoài nhưng nó trổ ngó, mọc thêm vài
bụi phí trong vuông của ông Lơ Pheo. Hai bụi sen dính liền với nhau.
Thử đào đất lên thì biết. Lời tục thường ví:"Ðất có con mắt" .
Hôm sau, ông Lơ Pheo từ Sài Gòn về Xẻo Quao để... bán cá. Ông
hơi buồn phiền vì Tư Liệt cứ vắng mặt. Chỉ còn người bạn tâm giao
của ông ta là thầy hương quản.
Thầy hương quản nói:
- Xứ này khó làm giàu lắm. Bởi vậy, mấy ông điền chủ Xẻo Quao chỉ
lo nhậu rượu rồi làm hương chức hội tề cho vui. Làm sao phân biệt
cái hang tự nhiên với cái hang của tụi nó đào. Tôi biết. Gây gỗ với
tụi nó vô ích.
Ông Lơ Pheo nói giọng chán ngán:
- Chắc thằng Tư Liệt theo đảng xăm mình rồi. Còn thầy có xăm mình
không?
Thầy hương quản mỉm cười:
- Ôi thôi. Cá nước chim trời mà.
Cái va li bí mật
Ở đây là hòn Móng Tay, cách bờ biển hơn hai mươi cây số ngàn.
Tàu ngoại quốc thỉnh thoảng chạy qua lại ngoài xa xa. Ghe đánh
lưới, ghe buôn lậu ít khi nào ghé vì trên hòn chỉ có một ngọn suối
quá nhỏ, cạn khô khi trời vừa trở nắng.
Ấy thế mà Hai Khoánh ra đây, sống lây lất từ bốn tháng trường. Anh
ta kéo chiếc ghe lên bãi, che giấu cẩn thận trong bụi cây đầy gai. Cái
ngày trở lại đất liền, sống chung với xã hội loài người còn xa lơ xa
lắc. Kẻ tù vượt ngục dường như sẽ được ân xá, nếu hắn trốn thoát
vòng tập nã của nhà nước Pháp suốt hai mươi năm. Hồi bị giam ở
khám đường Rạch Giá, Hai Khoánh nghe một bạn tù giảng giải như
vậy. Hai Khoánh chưa vội tin vì người bạn ấy nào phải quan toà hay
thầy kiện mà rành luật lệ.
- Tại sao nhà nước ân xá nếu mình trốn được hai chục năm?
Người bạn đáp:
- Vì suốt thời gian ấy mình ân hận, ăn không ngon, ngủ không yên.
Nếu mười bảy, mưòoi tám năm trôi qua mà mình còn hung bạo, cố
lỳ thì tới năm thứ mười chín, hai mươi mình cũng sám hối...
Nghe lời hữu lý ấy, Hai Khoánh cương quyết tẩu thoát. Thừa lúc bọn
lính mã tà dẫn đi nhổ cỏ trong vườn bông của ông chánh chủ tỉnh,
anh ta cảm ơngiò, chạy nhanh ra bãi biển, cưới chiếc ghe lưới, xổ
buồm... nhờ gió đưa ra hòn Móng Tay. Lâu ngày sanh buồn bực, anh
ta lén vô bờ, ăn trộm gà vịt, xúc gạo của dân miền duyên hải để rồi
trở ra hòn Móng Tay, nơi hoang vu chẳng một bóng người.
Một sáng, khi thức dậy, Hai Khoánh nằm trên vồ đá khá cao chợt
thấy có một chiếc ghe chạy thẳng vào bãi. Từ dưới ghe, một người
cao lớn, mặc quần áo đen bước lên, tay xách vật gì giống như cái va
li. Người nọ day lại, vẫy tay, tức thời chiếc ghe nọ quay mũi chạy trở
về mất dạng phía đất liền. Hai Khoánh rất đỗi vui mừng. Ngưòi nọ
nhứt định không phải là mật thám hay lính mã tà theo dõi tung tích
của mình! Chắc hắn ta buôn lậu, bị tàu"đoan" rượt nên lên hòn
Móng tay để ẩn thân, giấu mớ vàng hoặc á phiện. Không bỏ lỡ cơ
hội, Hai Khoánh lập tức theo dõi kẻ lạ mặt. Hắn theo con đường
mòn duy nhất mà Hai Khoánh đã dọn sẵn. Ðộ nửa giờ sau, nhờ rình
núp sau tảng đá khá to, hai Khoánh nghe tiếng lá khô xào xạc. Hắn
lú ra, gương mặt mệt nhọc, đưa hai bàn tay ôm cái va li trước ngực.
- Phải là vật nắng đôi ba chục kí lô! Hắn trông lạ quá, mắt xếch,
cườm tay xăm mình con rồng. Từ hồi nào tới giờ, mình chưa gặp
hắn lần nào!
Bỗng dưng khách lạ dừng bước. Hai Khoánh nín thở, ngỡ rằng hắn
đã đánh hơi, hồ nghi có kẻ đang rình! Nhưng Hai Khoánh lầm to.
Khách lạ cúi mặt, bước vòng quanh để khỏi đạp lên một con cuốn
chiếu. Con cuốn chiếu thu mình, khoanh tròn như khu ốc. Hắn nhặt
nó, đưa lên mũi hửi rồi khom lưng thả nó trên chiếc lá khô.
Hắn leo lên ngọn cây thao lao, một tay vịn nhánh cây, một tya nắm
quai chiếc va li. Hai Khoánh hiểu rằng hắn quan sát địa thế, tìm nơi
an toàn nhứt. Rồi hắn trở xuống đất, cố sức trèo lên gành Ðá Trắng.
- Ðược rồi! Mình đi nom theo, hắn sẽ giựt mình. Hắn như con cọp
hoang. Trước khi đánh cọp, mình nên biết cọp làm ổ chỗ nào rồi
mới"điệu hổ ly sơn."
Chờ khi hắn khuất dạng, Hai Khoánh trở về động đá dưới sườn đồi,
lục lạo mớ cơm nguội còn sót trong nồi đất. Ðêm đến, anh ta nằm co
chịu lạnh, không dám đốt lữa...
Hôm sau, Hai Khoánh mặc quần rách, ở trần, lên bờ suối hái mớ rau
má, chặt ống tre lồ ô để đựng nước.
Từ phía sau lưng, Hai Khoánh chợt nghe tiếng gọi:
- Chú em ơi!
Ngưòi vừa gọi chính là"hắn" . Hắn cũng ở trần, ngồi dựa lưng vào
bó củi khô. Hai Khoánh hỏi nhanh:
- Ủa! Ai đó?
Rồi lộ vẻ sợ sệt, để khách lạ đừng chạy đi chỗ khác. Hắn đưa tay
ngoắc, với thái độ đàn anh kẻ cả, nói đúng hơn là hắn tự phong
chức chúa đảo.
Khách lạ mỉm cười:
- Vậy mà tôi tưởng ở hòn Móng Tay này chẳng có ai, trừ tôi ra.
Hai Khoánh gật đầu:
- Tôi cũng nghĩ như"đại ca" vậy. Dè đâu còn người thứ hai là"đại ca"
. Ðại ca tới đây hồi nào? Lập nghiệp bao lâu năm ở sườn đồi phía
mặt trời lặn hay phía mặt trời mọc? đại ca có vợ con gì chưa?
Khách lạ bèn móc trong túi đem ra gói thuốc rê, vét mớ thuốc nát,
chia cho Hai Khoánh một điếu. Khách giới thiệu:
- Tôi vừa giết vợ...
Rồi lẩm bẩm, nhìn chòng chọc vào mắt Hai Khoánh:
- Giết vợ rồi giết luôn con...
Hai Khoánh kêu lên:
- Ngán quá! vợ con của ai?
- Của tôi chớ của ai? Ông già vợ tôi đánh mõ, tri hô... Nửa đêm, xóm
giềng xách gậy, xách hèo tới vây bắt. Tôi ra bờ biển, mướn ngưòi
đưa ra ngoài hòn để ở tù theo ý muốn của mình. Còn chú em?
- Dạ, tôi ăn cắp vặt trong xóm vì túng tiền, thua cờ bạc, nợ nần kêu
réo. Chủ nợ thưa tôi. Tôi ở khám Rách Giá, chạy ra đây.
Khách lạ nhướng mắt:
- Giỏi thiệt. Nhưng khi trốn, chú em có giết bạn tù hoặc lính của tù
không.
- Không.
Khách đưa tay vỗ nhẹ lên đầu Hai Khoánh:
- Xin lỗi. Thế là chú em... phải là em nuôi của tôi. Tội của chú em
nhẹ quá. Bất quá, nhà nước Tây chồng án. Hồi đó chú em bị kêu án
mấy tháng?
- Hai năm.
- Mai chiều, rủi ro bề gì chú em ở bốn năm, chồng án gấp đôi. Còn
tôi đây thì...
Bấy giờ, Hai Khoánh tung ra luận điệu: nếu trốn thoát suốt hai mưoi
năm thì kể như trắng án. Khách lắc đầu:
- Chú em ở đâu?
Hai Khoánh đáp thật tình, cố ý mời khách lạ đến hang đán của anh
ta để rồi sau đó, anh ta đến thăm viếng xã giao, dò xét cái xào
huyệt... có chiếc va li quá nặng của khách. Vừa bước vào hang
khách mừng rỡ quá mức, thấy món gì cũng thèm.
- Chuối chín hả? Cho vài trái coi! Chuối ở đâu vậy? Tôi mới trốn ra
đây vày bữa, cơm gạo, áo quần, thức ăn.... món gì cũng thiếu. Còn
thứ gì ăn được nữa không?
Hai Khoánh cố che giấu sự khinh bỉ đối với anh chàng"đại ca"nhỏ
nhen ấy. Nhưng gây gổ, giảng luân lý với kẻ giết đàn bà, giết con nít
là điều ngu xuẩn, hơi đâu khảy đờn vào tai trâu, múc nước đổ lá
môn. Phải tương kế tựu kế, áp dụng triệt để câu quân tử tham tài,
tiểu nhân tham thực:
- Dạ, tôi vừa gài bẫy, bắt được một con gà rừng, buộc giò nó ngoài
gốc cây...
- Cho tôi mượn luông.
Hai khoánh chẳng tài nào chịu đựng nổi con người khả ố đó nữa:
- Ðể tôi ăn chớ! Nếu thèm, đại ca chia nửa con.
- Tôi muốn ăn bộ đồ lòng gà.
Vừa nói, khách lạ vừa bước tới, vặn họng con gà rừng, rút trong
lưng quần đem ra một"cây dao con chó," mổ bụng gà, cắt gan, ruột
và thịt nạc ở đùi.
Khách từ giã. Hôm sau khách lại tới viếng Hai Khoánh:
- Còn gạo không? Chừng nào chú em vô trong bờ mua gạo?
Hai Khoánh đáp:
- Dạ, sáng mai.
- Nhớ kiếm cho tôi một hộp sữa bò, một cân bột nấu chè ăn chơi.
Hai Khoánh cau mày:
- Dạ, tôi ăn cắp gạo của thiên hạ. Sữa bò và bột là những món phải
mua tại tiệm quán, lúc ban ngày, với tiền bạc sòng phẳng.
Khách lạ gãi lưng sột sột:
- Dễ quá. Tôi chỉ chỗ dùm chú em... Ở xóm Rạch Giồng, tiệm quán
bán tới khuya, tư bề vắng vẻ. Tôi thèm sữa bò quá chừng quá đỗi.
Chú em phải đi gấp. Bằng không thì đừng vác mặt trở về hòn Móng
Tay này. Cực chẳng đã, tôi phải nhờ chú em. Chẳng lẽ tôi lén về để
họ nhìn mặt, bắt bỏ tù mãn đời. Tôi muốn sống chừng... mười lăm
năm nữa... Ờ! Ðúng mười lăm năm nữa là đũ.
° °
°
Hai Khoánh xuống ghe, trương buồm... bao nhiêu công chuyện quan
trọng to tát mà anh ta cần thực hiện! Rõ ràng"khách lạ" nọ là kẻ gian
mà không ngoan. Hắn thú nhận đã giết vợ con, quê quán ở Rạch
Giồng, người ở Rạch Giồng có thể nhìn mặt hắn. Va Li của hắn
chứa một số vàng bạc hoặc á phiện lậu dù cho cho hắn... ăn chơi
đến mưòi lăm năm ròng rã.
Vừa tới Rạch Giồng. Hai Khoánh đến tiệm tạp hoá, uống liên tiếp hai
chén rượu. Việc sát nhơn của"khách lạ" còn nóng hổi, dân chúng
bàn tán xôn xao. Ðại khái,"khách lạ" nọ tên là Nguyễn Văn Hi, làm
mướn cho ông chủ Tân, nhờ ăn nói có duyên, tên Hi tư tình với cái
gái chủ nhà. Cô gái nọ mang thai. Ðể cứu vớt danh giá cho dòng họ,
chủ Tân đem con gái gả cho một phú thương, tuổi hơn năm chục, đã
chết vợ. Tên Hi buồn rầu, bỏ xứ đi bặt tăm tích.
Bốn năm sau, tên Hi lại xuất hiện, giết người tình và đứa bé.
Hai Khoánh hỏi người chủ tiệm:
- Nhà ông chủ Tân gần hay xa?
- Cái nhà ngói ba căn hai chái kia kìa!
- Thằng Hi hèn hạ quá.
Chủ quán nói:
- Nó hèn nhưng nó có tài cao bay xa chạy nên nó cứ sống nhăn
hoài. Nghe đâu ông chủ Tân đặt giải thưởng năm trăm đồng cho ai
điểm chỉ nơi nên Hi ẩn náu.
Thế là Hai Khoánh vững bụng. Anh ta sẽ điểm chỉ tên Hi để lãnh
thưởng, để loại trừ một kẻ giết vợ giết con, để thanh toán một người
bạn quá tham ăn, bóc lột kẻ yếu thế. Hai Khoánh lẩm bẩm:
- Nếu không mang tội giết người, tên Hi còn hung dữ gấp mười.
Mình làm một việc... nhơn đạo, đoái công chuộc tội.
Ðến nhà ông chủ Tân. Hai Khoánh lân la, tự giới thiệu rồi trình bày
kế hoặch. Chủ Tân mừng quýnh vì Hai Khoánh tả rất đúng hình
dáng kẻ sát nhân, mắt xếch, có xăm nơi bắp tay. Chỉ có một chi tiết
khó hiểu: chiếc va li đựng vàng hoặc á phiện lậu, đã cho tên Hi sống
trên nhung lụa suốt mười lăm năm.
Chủ Tân nói rỉ vào tai Hai Khoánh:
- Tôi hứa chia phần nửa cái va li á phiện đó với chú em. Hạ được
thằng hi, tôi hả dạ rồi. Ðiều quan trọng là đừng cho ai biết nó mang
cái va li kẻo thấu tai chủ quận, chủ tỉnh. Tôi gởi chú em đi Châu Ðốc,
cuốc rẫy tại Núi Dài, nơi nhà người bà con. Ở Núi Dài, dân trên núi
sống thảnh thơi, Tây tà chẳng bao giờ dám tới xét giấy thuế thân.
Với phân nửa va li á phiện, chú em sẽ mua đất, trở thành điền chủ.
Hai Khoánh cau mày:
- Tôi chỉ buồn buồn... Thiên hạ sẽ đàm tiếu, họ khinh khi cho tôi là
đứa phản bạn!
Chủ Tân cười dòn dã:
- Chú em kết bạn, uống máu, ăn thề với nó hồi nào mà sợ thần
thánh... Hoặc lương tâm cắn rứt? Dễ quá, lúc về già, chú em cất một
cái am ở Núi Dài, tha hồ ăn năn xám hối. Vả lại, đạo Phật, đão Lão
đều dạy mình trừng trị kẻ gian tà. Nhà nước Tây bắt tư Hi bỏ từ vài
mươi năm chớ đâu chặt đầu, xử bắn nó.
Tối hôm ấy, Hai Khoánh vạch ra một kế hoạch khá tinh vi. Tên Hi
luôn luôn đứng trên gành Ðá Trắng để theo dõi những người lạ mặt
bước chân lên hòn Móng Tay. Hai Khoánh về hòn trước một mình,
mang theo đậu xanh, sữa hộp và thuốc hút.
- Nó là đứa ham ăn. Gặp đồ ăn, nó mừng quýnh. Sẵn dịp, tôi lên
chốt hòn, thăm viếng sào huyệt của nó. Ông dẫn bọn gia nhân tới
sau, cho ghe cặp bãi lúc ban đêm. Ông cứ tới hang đá của tôi. Dọc
đường, hễ đi được năm sáu bước là tôi bẻ một vài đọt cây để làm
dấu. Phải tìm cho được cái va li của nó.
Chủ Tân nói:
- Nghĩa là tối mai tôi ra hòn. Sáng mốt, tôi theo dấu, tới hang của
chú em rồi lên gành Ðá Trắng, sào huyệt của thằng Hi... Tôi nói
thêm một điều này cho chú em vui mừng: Thằng Hi không biết võ
nghệ. Nó chỉ có tài phóng dao mà thôi. Phóng dao chỉ có kết quả khi
nào hai người đứng cách xa. Chú em nhớ coi chừng cây dao nó
giấu đ6au đó. Tôi mang theo hai người võ sĩ, bạn cũ của thằng Hi.
Hồi xưa, thằng Hi đánh lộn, vật lôn thua xa hai người đó.
° °
°
Hai Khoánh ngồi trong hang mà chờ đợi. Anh ta đoán chừng: ông
chủ Tân và bọn gia nhân đã có mặt tại hòn Móng Tay từ hồi hôm.
Tại sao tên Hi chưa rời gành Ðá Trắng xuống đây? Hay là cơ mưu
đã bị tiết lộ?
Ngoài cửa hang, kia... tên Hi đứng thấp thoáng. Hai Khoánh mừng
quýnh, kêu to:
- Anh Hi!
Tên Hi trợn mắt trong một thoáng rồi giữ vẻ mặt hồn nhiên bước
vào. Hai Khoánh nghe trống ngực đánh thình thịch, nhận rằng mình
đã vô ý, gọi hắn đích dạnh, hắn có thể nghi ngờ.
Vừa vào hang, hắn hỏi nhanh:
- Sữa bò đâu? Tôi thèm thứ đó quá.
Hai Khoánh trao cho hắn hai hộp sữa:
- Lát nữa mình khui ra, uống mỗi đứa một chén, bổ khoẻ lắm.
- Ðâu được. Mình đem sữa bò lên gành Ðá Trắng dự trữ phòng khi
đau ốm. Sữa bò là vị thuốc. Sao! Ở Rạch Giồng, thiên hạ làm ăn vui
vẻ chớ? Có ai nhắc tới tên tôi không?
- Dạ, tôi lén ăn trộm rồi về, sợ ngoài này đại ca nóng lòng trông đợi.
Ðói bụng quá. Ðại ca có món gì ăn sốt dẻo không?
- Có gì đâu! Bây giờ mời chú em lên gành Ðá Trắng thăm mấy"nhà
cửa" của tôi một lần cho biết. Tụi mình sẽ uống một vài hớp sữa cho
khoẻ.
Hai Khoánh mừng ra mặt. Anh ta đi theo sau tên Hi. Thỉnh thoảng,
Hai Khoánh với tay, ngắt một vài đọt cây, bỏ lại sau lưng để làm dấu
cho chủ Tân theo dõi.
Ðến cách gành Ðá Trắng chừng mười bước, tên Hi ngồi xuống:
- Chú em mệt chưă?
Hai Khoánh sanh nghi "phải chăng hắn rủ mình lên thủ tiêu cho
gọn?"
Tên Hi xăn tay áo, cầm hai hộp sữa bò, nhìn nhãn hiệu rồi cười
giòn:
- Chú em đừng sợ sệt. Lát nữa tôi chết.
Hai Khoánh hốt hoảng:
- Dạ, đại ca đừng nói bậy.
- Chú em ngồi xuống. Chú em làm gì mà biết tôi tên Hi? Ðừng nói
dối với kẻ sắp chết như tôi. Chú em phản tôi, kêu thằng cha chủ Tân
ra đây hả?
Nói xong, tên Hi lắc đầu, tiếp lời:
- Sao, chủ Tân nói sao? Nó nói tôi giết ai?
Hai Khoánh cúi mặt, im lặng.
Tên Hi rút cây"dao con chó" nạt to:
- Nói thiệt đi. Chủ Tân nói tôi giết ai?
- Dạ... dạ... nó nói đại ca giết vợ rồi giết luôn đứa con mới ba tuổi.
Tên Hi cười sặc sựa:
- Chú em là ... đồ con nít, bày mưu điệu hổ ly sơn, để chiếm đoạt cái
va li hả? Chừng nào chủ Tân tới đây? Nói mau...
- Dạ, lát nửa ổng tới.
Rồi Hai Khoánh chắp tay lạy:
- Em có tội đáng chết. Xin đại ca trốn tránh đi. Em chịu trách nhiệm
với chủ Tân. Thà là nhà nước Tây bắt em bỏ tù chồng án. Em đâu
dám để họ bắt sống đại ca.
Tên Hi chẳng cần nghe lời năn nỉ của Hai Khoánh. Hắn trèo lên
gành đá, nép mình rồi trở xuống:
- Nó tới bây giờ, nó đi với hai thằng thầy nghề võ. À! Lát nữa chú em
dẫn nó qua cái hang của tôi. Ðây nè!
Hai phút sau. Hai Khoánh trố mắt, thấy một đứa bé mạnh khoẻ
chừng bốn tuổi đang bú tay. Trong hang, có manh chiếu nhỏ, cái gối
nhỏ.
Thằng bé chạy lại ôm chân Hi.
Tên Hi hôn nó rồi trao cho Hai Khoánh.
Hai Khoánh run tay:
- Trời!
- Ðừng cãi lời tao. Nó nằm trong cái va li của tao đó. Nó là cục vàng,
là cục á phiện lậu của tao đó. Ðem nó trả lãi cho chủ Tân. Nó ăn cực
không được. Nó đòi ăn chuối chín, ăn gan gà. Suốt đêm, nó dứt sữa
rồi mà còn đòi bú...
Nói xong, tên Hi chép miệng:
- Hai Khoánh mầy tệ quá.
Hai Khoánh ôm mặt khóc. Tên Hi tiếp lời:
- Khóc làm gì? Mỗi lần mầy học khôn như vầy là một phen giết hại
thiên hạ. Tao đi đây...
° °
°
Ðoàn người trở xuống sườn núi. Ông chủ Tân bồng đứa cháu ngoại,
hai tên võ sĩ cúi đầu. Hai Khoánh nhìn dáo dác ra phía sau.
Bỗng nhiên, Hai Khoánh ôm ngực, ngã xuống.
Chủ Tân la hoảng:
- Nằm xuống! Nó tấn công.
Tên võ sĩ thứ nhứt đỡ Hai Khoánh:
- Thằng Hi trổ tài phóng dao bay! Giỏi thiệt.
Chủ Tân nói gắt:
- Thằng Hi! Nó là đồ chó chết. Trời hại nó.
Tên võ sĩ thứ nhì trợn mắt:
- Ðừng chửi thằng Hi. Kìa... Nó chứ ai?
Từ trên gành Ðá Trắng, một bóng người lảo đảo rơi tỏm xuống biển
sâu thẳm.
Yêu cho được
Cặp rằng Hực ngồi uống trong quán, tại chợ Ngã Năm. Bỗng đâu từ
ngoài cửa, một thanh niên bước vào, kéo ghế ngồi, gọi hủ tiếu. Như
bẽn lẽn, sợ sệt, thanh niên nọ day mặt vào vách.
Cặp rằng Hực nhận ra: đó là thằng Cưng, thuộc vào hàng thanh
niên đa tình, đẹp trai, đắt mèo nhứt trong xóm. Thằng Cưng đã
nhiều lần đến tò vè cô Huệ, con gái cặp rằng Hực. Ðôi bên dường
như tâm đầu ý hiệp lắm.
Ðể chận đứng những hậu quả có thể xảy ra, cặp rằng Hực nói đổng,
với giọng hách dịch thường lệ:
- Bọn hậu sinh quá dở...
Rồi uống thêm một hớp rượu, nhìn thẳng vào mặt Ba Lự, người chủ
quán:
- Phải vậy không ông chủ? Tôi nói chuyện... đầu trúng, đầu trật, ông
cu;4ng nên trả lời với tôi chớ?
Ba Lự đành nén giận, tránh mọi việc gây gổ với cặp rằng Hực. Hắn
là tay cường hào nhứt nhì tại chợ này.
- Dạ phải. Ông nói đúng.
Cặp rằng Hực quắc mắt:
- Cái gì mà phải, cái gì mà đúng. Tôi không ưa kẻ nịnh hót, tôi muốn
làm bạn với người ăn ngay nói thẳng.
Ba Lự nói tiếp, giọng thản nhiên:
- Ông cặp rằng nóng quá, tôi nói chưa hết lời. Bọn hậu sanh quá dở
vì... chúng nó thiếu kinh nghiệm trường đời. Tuy nhiên, chúng nó
hay hơn người lớn tuổi. Thí dụ, chúng nó biết cầm lái xe hơi, biết
đánh nghề võ, biết...
Lời nịnh hót ấy khiến cặp rằng Hực khoái chí. Sẵn dịp ông ta tấn
công thằng Cưng, gọi là cảnh cáo để nó sợ, không dám ve vãn con
gái ông ta nữa:
- Nhiều thằng hậu sanh bày mưu kế để o mèo. Tụi nó muốn qua mặt
người trưởng thượng...
Ông ta chỉ vào ngực mình, nói tiếp:
- Cặp rằng Hực này hồi đó o mèo đủ trăm cách. Tụi hậu sanh làm
sao o mèo bằng... thằng này.
- Nghĩa là sao?
- Nghĩa là đám hậu sanh quá dở. Hễ o mèo dở thì có ngày bị trói,
đóng gông hoặc bị đánh lỗ máu đầu.
Rồi cặp rằng Hực gọi to.
- Phải thẳng Cưng ngồi ăn hủ tiếu đó không? Lại đây uống rượu cho
vui mậy...
Vốn là tay giàu bản lĩnh, thằng Cưng đứng dậy, đến gần cặp rằng
Hực. Từ bốn tháng qua, nó tư tình với cô Huệ, nói chuyện riêng
được bốn lần, gởi tho tình được năm lần và nắm tay người đẹp
hàng chục lần. May thay, chưa lần nào cặp rằng Hực bắt gặp quả
tang, thằng cưng nghĩ thầm:
- Bắt quá ông ta nói bóng nói gió, mắng chó mắng mèo. Nếu muốn
hành hung hoặc bắt bớ, ông ta đã hành động kiểu khác.
Cặp rằng Hực ra vẻ ta đây là bậc cha chú, rót rượu vào ly, thúc giục
từng chặp:
- Uống đi mầy Cưng. Ðừng e ngại. Bữa nay, tao dạy mầy cách o
mèo. Mầy còn non tay ấn lắm. Hồi còn nhỏ, tao khôn khéo hơn mầy
nhiều.
Thế rồi cắp rằng Hực kể lại một giai thoại gay cấn nhứt do ông ta
đóng vai chánh, hồi hai mươi năm về trước. Ông ta có người tình
nhân trẻ đẹp. Cô ấy bị gả ép làm vợ bé của viên cai tổng già nua
nhưng nhiêù tiền nhiều bạc. Khi rước dâu, cắp rằng Hực đứng
chàng ràng trước mặt người yêu. Viên cai Tổng mắng nhiếch: "Mầy
là đồ con nít." Cặp rằng Hực đáp: "Tôi không chịu thua ông đâu,
mặc dầu tôi trẻ tuổi." Viên cai tổng cười gằn: "Tao đố mầy..." Về nhà,
cặp rằng Hực thức liên tiếp năm sáu đêm, hình vóc ốm o, cặp mắt
sâu hoẳm theo kiểu Câu Tiễn nằm gai nếm mật để tìm cách... trả
mối thù... tình!
Thuật đến đó, cặp rằng Hực uống thêm rượu rồi vỗ vai thằng Cưng:
- Mày biết tao làm cách nào để ăn nằm với vợ bé của ông cai tổng
không?
Thằng Cưng đáp:
- Dạ, cháu chưa gặp cảnh đau xót ấy.
- Nếu gặp mầy làm sao? Thí dụ như nay mai con mèo của mầy bị gả
ép cho người khác.
Thằng Cưng nổi giận, nói lầm bầm:
- Một là tôi trốn bỏ xứ. Hai là tôi... đâm cho chết người tình địch.
Ba Lự giựt mình: Người chủ quán nên tránh chuyện gây gổ trong
quán. Ông ta đỡ lời dùm thằng Cưng:
- Mầy ăn nói nghe sanh tử quá! Làm thế nào mầy không bỏ xứ,
không đâm chém mà gần gũi được người yêu cà. Nếu chịu thua thì
mầy xin thọ giáo với ông cắp rằng... cho vui!
Thằng Cưng đáp:
- Tôi chịu thua.
Lại thêm một cơ hội để cặp rằng Hực khoe tài khoe trí. Ðại để, viên
cai tổng bố trí cẩn thận, theo dõi mọi hành động của cô vợ trẻ tuổi.
Ban đêm, ông cai lắng nghe từng tiếng chó sủa, từng tiếng khua
động ở mái ngói, ở nhà bếp và nhà... tiểu tiện. Bất cứ khách lạ nào
muốn nói chuyện với cô vợ đều phải trình diện với ông cai, và nói
thật lớn tiếng cho ông cai nghe rõ. Ngày qua tháng lại, ông cai tổng
vẫn... canh phòng nghiêm ngặt. Ðến hôm đó, có người chị ruột của
cô vợ bé đến kêu cửa:
- Xin ông cai cho cô Tư về thăm nhà. Con Năm đau nặng lắm, sợ chị
không nổi đêm nay.
Cô Tư - vợ bé ông cai - liền thỏ thẻ với chồng:
- Mình cho em về thăm con Năm. Nó là em út trong gia đình. Từ hồi
về ăn ở với mình tới nay, emc hưa gặp mặt nó. Bây giờ, nó đua
nặng, dầu gì đi nữa, em cũng phải về gặp mặt nó lần chót.
Thế là ông cai đồng ý cho vợ về thăm với điêù kiện có ông đi theo...
bén gót.
Ðến nơi, cô vợ trẻ đẹp vào buồng để nói chuyện, rót nước an ủi đứa
em gái. Ông cai tổng ngồi ngay cửa buồng, day mặt ra ngoài để
canh chừng. Cửa buồng khép he hé. Ông cai tỏ ra đứng đắn, chẳng
muốn nhìn cô Năm - Cô em vợ - đang nằm sóng sượt. Nhưng hỡi
ơi! Cô vợ bé bèn thừa cơ hội ấy mà chun xuống gầm giường của cô
em.
Ba Lự cười vang:
- Thế là cô vợ bé được phỉ nguyền ước ao với chàng trai đa mưu,
đa tình đang nằm dưới gầm giường, chờ sẵn.
Cặp rằng Hực gật đầu:
- Ðúng vậy! Tôi bố trí kế hoạch đó. Tôi năn nỉ cô Năm đến gãy lưỡi,
tôi đòi tự tử nên cô Năm đồng ý cho tôi rình sẵn. Tôi nói rõ: từ năm
sáu đêm trước, mỗi đêm tôi nằm sẵn dưới gầm giường để chờ đợi...
một vài phút trả thù ấy. Thật ra, tôi đâu có ăn nằm với người yêu cũ.
Tôi muốn giữ thể diện làm trai, thực hiện lời thách đố hôm trước. Vì
vậy gia đình cô Năm không là khó dễ...
Nói xong câu chuyện, cặp rằng Hực đứng dậy:
- Mầy Cưng. Có giỏi như tao thì hãy có mèo. Nếu ngu ngốc hơn,
mầy nên trốn đi xứ khác.
Rồi ông ta day lại chủ quán:
- Ba Lự à! Nhớ ghi tiền rượu, thủng thỉnh tôi trả. Rượu bữa nay
uống... "hét," gắt cổ quá.
Ba Lự nhìn theo cặp rằng Hực rồi lật sổ: tổng cộng số nợ của tên
"ác bá" đó đã lên tới mười lằm đồng cộng thêm hai cốc nữa là mười
lăm đồng hai cắc, một số tiền to tát hồi bấy giờ.
Vì số tiền ghi sổ đã lâu tới mức to tát mà câu chuyện lại tiếp tục như
sau: Ba Lự gọi thằng Cưng đến nói rỉ vào tai:
- Mầy làm như vầy, như vầy... cho bõ ghét. Nhà cặp rằng Hực trống
hoang, ban đêm chỉ có con Huệ ngủ phía gần nhà bếp. Ta bố trí rồi..
Mầy ráng chờ ngày lành tháng tốt rồi làm như vầy, như vầy... cho
thàng cha cặp rằng đó hiểu rằng: hậu sinh khả úy, đám con nít đời
nay o mèo giỏi hơn thằng chả gấp bội.
Ðã tám giờ tối. Thằng Cưng trèo rào, chạy đến cửa nhà bếp của cặp
rằng Hực. Tư bề vắng lặng. Bầy cho săn đã chạy ra ngoài vườn,
giành nhau miếng da trâu... thủm thủm mà thằng Cưng đã buộc vào
gốc dừa.