- 11 Mục lục Những lời khen ngợi dành cho cuốn sách ............................................. 5 Lời giới thiệu........................................................................................... 7 Muốn hiểu chỉ một con người, ta phải thấu trọn cả thế gian................. 9 Phần 1. THUYỀN TRƯỞNG 1794 - 1847............................................ 13 Chương Một Người ở đảo ......................................................... 14 Chương Hai Kẻ đấu tay đôi...................................................... 63 Chương Ba Vị thần quỷ quyệt............................................... 106 Chương Bốn Kẻ báo thù......................................................... 147 Chương Năm Toàn quyền kiểm soát....................................... 188 Chương Sáu Người trọng danh dự......................................... 213 Phần Hai. PHÓ ĐỀ ĐỐC 1848–1860................................................ 250 Chương Bảy Prometheus ...................................................... 252 Chương Tám Ngôi sao bờ Tây................................................. 300 Chương Chín North Star ........................................................ 344 Chương Mười Ariel................................................................... 390 Chương Mười Một Vanderbilt.......................................................... 427 Chương Mười Hai Champion.......................................................... 457
12 - Phần Ba. NHÀ VUA 1861–1877 ...................................................... 507 Chương Mười Ba Chiến tranh ....................................................... 509 Chương Mười Bốn Khởi sinh đế chế................................................ 553 Chương Mười Lăm Uy quyền trừng phạt.......................................... 609 Chương Mười Sáu Giữa những bạn bè ............................................ 662 Chương Mười Bảy Hợp nhất............................................................ 716 Chương Mười Tám Vương triều........................................................ 784 Lời kết ................................................................................................ 850 Lời cảm ơn.......................................................................................... 863 Tóm lược tài liệu nghiên cứu ............................................................. 870
Phần 1 THUYỀN TRƯỞNG 1794 - 1847 Ông ta sắc sảo mọi mặt. Tôi sợ gã này. – THOMAS GIBBONS, ngày 12 tháng 12 năm 1822 Tôi thà kéo ông ta về phe mình còn hơn là đối địch. – WILLIAM GIBBS MCNEILL, ngày 14 tháng 11 năm 1840 Vanderbilt là một... siêu việt (tự điền từ vào chỗ trống). – COURTLANDT PALMER, ngày 16 tháng 12 năm 1841
14 - Chương Một Người ở đảo Họ đến để khám phá những bí mật của ông. Còn lâu mới tới phiên xử ấn định vào 2 giờ chiều ngày 12 tháng 11 năm 1877, nhưng hàng trăm khán giả đã chen vào phòng xử án ở Hạ Manhattan. Tất nhiên, trong đó có bạn bè cùng họ hàng thân thích của những người tranh biện, cùng những luật sư hàng đầu mong được quan sát tuyệt kỹ pháp lý của các luật sư đại diện tham gia vụ xét xử. Nhưng đa phần đám đông đầy đủ nam phụ lão ấu – nhiều người ăn vận đỏm dáng, chen vai thích cánh cho đến khi nêm sát bức tường cuối phòng – muốn nghe các chi tiết về cuộc đời của người đàn ông giàu nhất từng thấy ở nước Mỹ. Phiên tòa xử tranh chấp di chúc của Cornelius Vanderbilt, vị Phó đề đốc nổi danh, khét tiếng, sắp sửa khai màn. Ngay trước giờ xử, đám đông rẽ đôi để nhường đường cho William H. Vanderbilt – con trai lớn của Phó đề đốc, bước vào cùng đoàn luật sư của ông này, dẫn đầu là Henry L. Clinton. William “đưa mắt quét khắp phòng một cách lơ đễnh và thờ ơ, cởi áo choàng và an tọa thoải mái trên ghế của mình”, tờ New York Times đưa tin; trong khi đó, các luật sư của ông bắt tay với đoàn luật sư đối thủ, dẫn đầu là Scott Lord, đại diện cho em gái của William, Mary Vanderbilt La Bau. Đúng 2 giờ, quan tòa nhanh nhẹn bước vào từ buồng riêng qua một cánh cửa bên hông, bước lên bục và ngồi xuống ghế. “Thưa các quý ông, quý vị đã sẵn sàng chưa?”, ông hỏi. Lord và Clinton đều tuyên bố đã sẵn sàng, quan tòa ra lệnh: “Xin mời quý vị bắt đầu!”1 Khi Lord đứng lên thực hiện tuyên bố mở đầu, tất cả những người có mặt tại đó đều biết rõ những được-mất ở đây lớn đến mức nào. Tờ
- 15 Người ở đảo Times chạy dòng tít cho bài báo sáng hôm sau: “GIA TỘC VANDERBILT. TÀI SẢN CỦA HOÀNG TỬ ĐƯỜNG SẮT. NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ TRANH CHẤP DI CHÚC... CUỘC CHIẾN GIÀNH 100 TRIỆU ĐÔ-LA”. Chi tiết duy nhất trong dòng tít thất thanh ấy có thể gây sửng sốt cho độc giả là tờ Times đã giáng cấp Vanderbilt xuống thành “hoàng tử”, vì báo giới thường mệnh danh ông là vua đường sắt. Tài sản của ông sừng sững vượt trên nền kinh tế Mỹ đến mức khó mà tưởng tượng, ngay cả ở thời bấy giờ. Nếu Vanderbilt có thể bán toàn bộ tài sản với giá trị thị trường tối đa tính ở thời điểm ông qua đời (tức tháng Giêng cùng năm), thì cứ trong 20 đô-la đang lưu hành (bao gồm cả tiền mặt và tiền gửi không kỳ hạn), ông sẽ nắm giữ 1 đô-la.2 Hầu hết những người có mặt trong phòng xử án đó đã sống gần trọn đời dưới cái bóng của Vanderbilt. Tính đến thời điểm bước sang tuổi ngũ tuần, Vanderbilt đã thống trị tuyến vận tải đường sắt và tàu biển nối giữa New York và New England (nhờ đó tạo dựng biệt danh “Phó đề đốc”). Vào thập niên 1850, ông đã khai trương tuyến tàu thủy vượt Đại Tây Dương và khởi phát tuyến trung chuyển tới California qua Nicaragua. Đến thập niên 1860, ông từng bước nắm quyền kiểm soát các tuyến đường sắt liên kết Manhattan với phần còn lại của thế giới, xây dựng hệ thống Đường sắt New York Central bề thế nối giữa New York và Chicago. Có lẽ mỗi người trong căn phòng đó đều đã đi qua Nhà ga Trung tâm – ga xe lửa tọa lạc trên Phố 42 mà Vanderbilt đã xây dựng; từng nhìn thấy bãi xếp dỡ hàng hóa đồ sộ St. John’s Park mà ông dựng nên, cùng bức tượng chân dung khổng lồ của ông; từng băng qua những cây cầu trên những thanh dầm ông đã nhận chìm xuống nước dọc theo Đại lộ Bốn (một bước đi mở đường cho sự khai hoa kết trái thành Đại lộ Park sau này); hoặc từng đi một chuyến phà, tàu thủy chạy bằng hơi nước hoặc tàu hơi nước mà Vanderbilt nắm quyền kiểm soát suốt đời mình. Ông đã ghi dấu ấn lên khắp thành phố – một dấu ấn trường tồn đến tận thế kỷ XXI – và từ đó, ghi dấu ấn lên khắp nước Mỹ. Gần như mọi người Mỹ đều vinh danh khối tài sản của Vanderbilt.
16 - TÀI PHIỆT ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC MỸ Hấp dẫn hơn cả khối tài sản chính là người đàn ông ở phía sau. Lord bắt đầu đòn tấn công bằng lời thừa nhận “có vẻ độc hại khi nói rằng một người đàn ông tích lũy 100 triệu đô-la và nổi tiếng bởi ý chí sắt đá lại không đủ sức mạnh để từ bỏ tài sản của mình”. Đúng là ý chí sắt đá của ông rất nổi tiếng. Vanderbilt bắt đầu tích lũy của cải ở vị thế một đối thủ cạnh tranh tàu thủy và tàu biển hơi nước, cắt giảm tiền vé để đấu lại các tên tuổi sừng sỏ cho đến khi ông buộc các đối thủ phải xùy tiền mời ông cuốn gói. Cách làm này khiến tờ New York Times, một phần tư thế kỷ trước khi Vanderbilt qua đời, đã phải đưa vào vốn từ bản địa của người Mỹ một ẩn dụ mới: so sánh Vanderbilt với các địa chủ ăn cướp thời Trung Cổ, thu phí mọi thuyền bè qua lại trên sông Rhine. Cuộc phiêu lưu của Vanderbilt ở Nicaragua phần nào đó cũng là tự bày trò hải tặc, vì ông đã khai phá lộ trình băng qua rừng mưa, lái một con tàu vượt những thác ghềnh sông San Juan, quả quyết can thiệp vào cuộc chiến chống lại một tên tội phạm quốc tế đang nắm quyền kiểm soát đất nước. Những năm tháng tuổi trẻ của Vanderbilt tràn ngập đấm đá, những cuộc đấu tàu hơi nước tốc độ cao và những vụ nổ động cơ; còn quãng đời sau của ông lại ghi dấu bởi những ganh đua vũ trang liều lĩnh cùng những cuộc tỉ thí một mất một còn. Bi kịch cá nhân của Vanderbilt đã lôi kéo đông đảo công chúng đến phòng xử án 11 tháng sau khi ông qua đời, nhưng những người quan sát thấu đáo hơn lại ngẫm nghĩ về vai trò lớn lao của ông. Vanderbilt là kẻ gây dựng đế chế, là nhà tài phiệt tập đoàn lớn đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Ngay cả trước khi Hoa Kỳ trở thành một quốc gia công nghiệp thực sự, Vanderbilt đã học được cách vận dụng chủ nghĩa tư bản tập đoàn để gom góp của cải và quyền lực với phạm vi vô tiền khoáng hậu, tạo nên những doanh nghiệp với quy mô chưa từng thấy. Charles Francis Adams Jr. viết: “Ông đã đưa chế độ độc tài quân sự vào đời sống tập đoàn, Vanderbilt chính là tiền thân của một lớp người sẽ thao túng chính quyền bằng thứ quyền lực do chính quyền tạo ra nhưng lại vượt quá sự kiểm soát của họ. Ông là người sáng lập một triều đại.”3
- 17 Người ở đảo Adams không ám chỉ triều đại với nghĩa “gia đình”, mà là một chuỗi những ông chủ tập đoàn sẽ phủ bóng lên cả chính quyền dân chủ. Nào Rockefeller, Carnegie, Gould, Morgan – tất cả đều mới chân ướt chân ráo bắt đầu sự nghiệp vào thời điểm Vanderbilt đang ở đỉnh cao. Họ kính nể và noi gương Vanderbilt, mặc dù khó mà sánh kịp ông. Chẳng mấy luật lệ kiềm thúc ông; không mấy chính quyền vượt được ảnh hưởng của ông. Vào những năm 1850, vai trò cá nhân của Varderbilt tại Trung Mỹ còn quan trọng hơn cả Nhà Trắng hay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Năm 1867, ông dừng mọi đoàn tàu chạy từ miền Tây tới thành phố New York để bắt Đường sắt New York Central phải khom lưng uốn gối chịu thua. Năm 1869, ông đã một tay làm dịu cơn hoảng loạn trên Phố Wall vốn đe dọa dấy lên một cuộc suy thoái. Những kẻ ái mộ coi ông là một cá nhân thực tài tột đỉnh, là ví dụ tinh túy nhất về một người bình dân vươn lên nhờ lao động cần cù và năng lực tự thân. Với họ, ông là biểu tượng cho vận hội của nước Mỹ. Những người chỉ trích nói ông tham lam và tàn độc, một ông hoàng không qua tuyển cử và chưa từng giả vờ cai trị vì muôn dân. Tệ hơn thế, họ coi ông như đỉnh cao của một thứ văn hóa sơ khai thô lậu, đã loại bỏ sự thuần khiết của nền cộng hòa trong cuộc cách mạng để đổi lấy “con bê vàng” là bạc tiền, của cải. “Ông có vẻ là thần tượng của... một đầm lầy nhung nhúc những linh hồn bé mọn”, Mark Twain viết trong lá thư ngỏ gửi Vanderbilt, “những kẻ... ca tụng những thói quen riêng tư, những lời nói và việc làm vụn vặt của ông, như thể triệu triệu tiền bạc của ông mang lại cho họ phẩm giá”.4 Sẽ có những người hiểu rằng tầm quan trọng thực sự của Vanderbilt phức tạp hơn thế, thậm chí đầy mâu thuẫn. Làm sao có thể không như vậy? Cuộc đời ông trải suốt một thời kỳ đầy những biến động kinh hồn, từ thời George Washington vắt sang thời John D. Rockefeller (ông đã làm ăn với nhân vật này). Ông bắt đầu sự nghiệp từ một vùng quê nông nghiệp, về căn bản mang tính thuộc địa mà ở đó, “doanh nhân” vẫn là khái niệm xa lạ; ông kết lại sự nghiệp ở nền kinh tế công nghiệp, tập đoàn.5 Không một kẻ ái mộ hay chỉ trích
18 - TÀI PHIỆT ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC MỸ nào ở quãng đời sau này từng chứng kiến vai trò của ông trong kỷ nguyên đầy biến động của nền cộng hòa non trẻ cùng giai đoạn tiền Nội Chiến. Họ không thể thấy rằng gần như xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp, Vanderbilt luôn là một tác lực triệt để. Từ xuất phát điểm là một anh thiếu niên lái thuyền trước Nội Chiến 1812, Vanderbilt đã lèo lái sự trỗi dậy của cạnh tranh như một phẩm chất tốt đẹp trong nền văn hóa Hoa Kỳ. Ông đã đập bỏ những tàn dư của dòng dõi quý tộc thế kỷ XVIII, đe dọa giới thương nhân ưu tú bảo thủ và từng bước phá hủy các vị thế độc quyền. Những đối thủ ngùn ngụt căm hờn không hiểu được nhiệt huyết cạnh tranh của ông; thay vào đó, đám người thống trị giàu có trong nền kinh tế trẻ măng và hạn hẹp đó coi những đòn tấn công của ông là phá hoại. Năm 1859, một người đã viết rằng Vanderbilt “luôn chứng tỏ ông ta là kẻ thù của mỗi doanh nghiệp hàng hải nước Mỹ”, còn tờ New York Times kết tội Vanderbilt vì theo đuổi “cạnh tranh chỉ để thỏa mãn máu cạnh tranh”.6 Những người cực đoan ở phe bên kia lại hân hoan tán thưởng cách Vanderbilt mở mang vận tải, giảm mạnh giá cả, trừng phạt những đối thủ dựa dẫm vào thế độc quyền hoặc bao cấp từ chính phủ. Đối với những đảng viên Dân chủ kiểu Jackson cổ xúy “thị trường tự do” ở vị thế một phái quân bình chủ nghĩa, Vanderbilt là hiện thân cho lý tưởng: doanh nhân là kẻ tranh đấu vì nhân dân, thương nhân chính là nhà cách mạng. Nhưng sự nghiệp “sớm nở” ấy không “chóng tàn”, còn nhà cách mạng kia đã kết lại kỷ nguyên của mình ở vị thế đế vương. Khi ông mở rộng địa hạt đường sắt từ tuyến New York & Harlem thuở ban đầu – gộp thêm Hudson River, New York Central, Lake Shore & Michigan Southern, cùng Canada Souththern – dường như ông không còn là người cực đoan, mà là một nhà độc quyền. Vai trò của ông trong Cuộc chiến Erie năm 1868i – với tình trạng tham nhũng kinh hoàng của các quan chức – khiến ông giống như kẻ thù của đạo đức công i. Nguyên văn là “Erie War”, cuộc tranh chấp giữa các tài phiệt Mỹ (trong đó có Cornelius Vanderbilt) để giành quyền kiểm soát Công ty Đường sắt Erie. (ND)
- 19 Người ở đảo dân thay vì là người đấu tranh cho nó. Ông nắm giữ vị thế tiên phong trong việc kiến tạo một tổ chức mới, một tập đoàn khổng lồ sẽ thống trị nền kinh tế Mỹ suốt nhiều thập niên sau khi ông qua đời. Khung cảnh chính trị cũng đã thay đổi. Với sự xuất hiện của các đường sắt lớn và quyền lực liên bang mở rộng trong giai đoạn Nội Chiến, những người cực đoan bắt đầu nhìn nhận chính phủ như một đối trọng khả dĩ cân bằng với thế lực tập đoàn. Vanderbilt vẫn hết lòng cổ xúy thị trường tự do; như ông từng hơn một lần trả lời báo chí, nguyên tắc dẫn đường của ông là “chỉ lo việc của riêng mình”, và tất cả những gì ông mong đợi ở chính quyền là để ông được yên thân.7 Như Charles F. Adams Jr. viết, ông chưa từng thừa nhận một điều: những tập đoàn đồ sộ mà ông thống lĩnh mang lại cho ông thứ quyền lực đối nghịch với quyền lực chính phủ, và rằng ông đã trở thành một thế lực mà phe dân túy chống lại nhờ tự vũ trang bằng pháp luật nhà nước. Có lẽ không một cá nhân nào khác tạo ra được ảnh hưởng tương đương đối với kinh tế và xã hội nước Mỹ suốt một giai đoạn lâu dài đến thế. Trong sự nghiệp kéo dài 66 năm, Vanderbilt trụ ở tuyến đầu của đổi thay, một nhà cải cách hiện đại từ đầu đến cuối. Ông đã nâng cấp và mở rộng mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông toàn quốc, góp phần vào sự biến đổi của bản thân địa lý nước Mỹ. Ông nắm bắt những công nghệ và loại hình tổ chức kinh doanh mới, rồi áp dụng để cạnh tranh thành công đến nỗi buộc các đối thủ phải noi gương ông hoặc bỏ cuộc. Vượt trước rất xa những kẻ cùng thời, ông hiểu thấu một trong những biến đổi lớn lao của văn hóa Mỹ: sự trừu tượng của hiện thực kinh tế, khi mối liên hệ giữa thế giới hữu hình và những công cụ kinh doanh mới – chẳng hạn tiền giấy, các tập đoàn và chứng khoán – dần dần mờ nhạt. Với những công cụ ấy, ông đã góp phần tạo ra nền kinh tế tập đoàn định hình nên nước Mỹ thế kỷ XXI. Ngay cả khi thể hiện sức mạnh sáng tạo của một nền kinh tế thị trường, ông cũng đồng thời làm trầm trọng thêm những vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để: chênh lệch ghê gớm về của cải giữa người giàu và người nghèo; tình trạng tập trung quyền lực
20 - TÀI PHIỆT ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC MỸ cực mạnh của những thế lực tư nhân; gian lận và mánh lới tư lợi ăn nên làm ra trong một môi trường vô pháp vô thiên. Một cá nhân đơn độc không thể khuấy đảo cả nền kinh tế quốc dân – nhưng chưa có ai từng đặt tay lên chiếc đòn bẩy thật lâu và ấn mạnh đến thế. Thời điểm bấy giờ, công chúng trong phòng xử án có thể khẳng định rằng Vanderbilt thực sự phức tạp, trước cả khi nhân chứng đầu tiên lên tiếng. Thế nhưng, điều thôi thúc họ đến đây có lẽ không hẳn là tầm vóc quốc gia của Vanderbilt, mà là tính cách lạ lùng, dữ dội cùng đời tư bí hiểm của ông. Miệng tiếng thế gian miêu tả một gia đình tan hoang bởi ái tình dan díu, bởi những buổi gọi hồn kiểu duy linh, cùng sự đỡ đầu gây tranh cãi của Vanderbilt với nhà hoạt động nữ quyền Victoria Woodhull cùng người chị em khêu gợi của cô ta là Tennie C. Claflin. Điều công chúng không thấy chính là những phức cảm rối ren ở Vanderbilt: tài giao thiệp kinh doanh bền bỉ, tình yêu dành cho người vợ đầu và người vợ thứ hai (cũng như thói ích kỷ của ông với họ), tình cảm đầy mâu thuẫn đối với những đứa con thường khó chiều, khó dạy – nhất là Cornelius Jeremiah, người khổ sở vì chứng động kinh và thói nghiện cờ bạc. Những người cùng thời và cả hậu thế thường sẽ bỏ qua khía cạnh rất phàm trần, thậm chí đáng cảm thông của vị Phó đề đốc cao ngạo, mà chỉ bị hút vào những bài báo tục tằn, gây sốc và thổi phồng quá đáng. Chính màn kết của ông đã đưa tất cả mọi người vào phòng xử án, một màn kết đan bện cả đời tư lẫn tập đoàn. Ông đã gây dựng một thứ mà ông mong sẽ trường tồn và nằm trong tay hậu duệ trực hệ của ông – đó là sáng lập một triều đại đúng theo nghĩa đen. Để thực hiện mục đích ấy, ông đã thảo di chúc để lại 95% tài sản cho con trai cả William. Em gái Mary của William muốn phá vỡ triều đại đó bằng cách phá bỏ di chúc, cưỡng chế chia đều khối tài sản cho cả 10 người con còn sống của Vanderbilt. Liệu cô ta có thành công? Mỗi bên sẽ chiến đấu để định nghĩa Vanderbilt; mỗi bên sẽ tìm kiếm lời giải đáp cho ma lực của một người đàn ông chỉ để lại ít ỏi thư từ, không một dòng nhật ký. Lord
- 21 Người ở đảo bắt đầu lên tiếng, và đám đông ngả rạp về phía trước lắng nghe, hồi hộp tìm hiểu xem Phó đề đốc thực sự là con người như thế nào. Người ta vẫn nói, một đứa con làm thay đổi tất cả. Với Phebe Hand Vanderbilt, dẫu có thêm một đứa con, mọi sự vẫn y nguyên. Tháng 5 năm 1794, khi đứa con thứ tư còn một tháng nữa là chào đời, ba đứa lớn là Mary, Jacob và Charlotte vẫn còn chạy lăng xăng quanh căn nhà tồi tàn của gia đình. Quá hiểu lệ nhà Vanderbilt, cô dự trước sẽ còn nhiều đứa nữa nối tiếp em bé đang nằm trong bụng mẹ. Không phải thay đổi, mà kế tục mới là thứ quyết định toàn bộ sự tồn tại của cô, một sự tồn tại chẳng khác mấy so với cha mẹ, ông bà và cụ kị cô. Cô ngồi trên bộ ghế gỗ được đẽo bằng tay. Cô mặc quần áo làm từ len se thủ công. Cô rửa đống chén đĩa được nặn trên bàn xoay thủ công, những chai lọ thủy tinh do chính miệng thợ thủ công thổi nên. Ngoài cửa sổ là những cỗ xe ngựa lắp dựng thủ công được thắng vào các đội ngựa. Xa hơn một chút là đám thuyền nhỏ một buồm và tàu đi lại ngay trên bờ nước chỉ cách bậu cửa vài bước chân. Buổi tối, cô thắp sáng căn phòng bằng nến mỡ cừu hoặc đèn đốt bằng mỡ cá voi. Phebe sống trong một thế giới bằng gỗ khép kín được tạo tác từ bàn tay con người, chạy bằng sức gió, sức ngựa và sức người, quây quần bên bờ nước. Hầu hết những công nghệ mà cô biết đều đã được hình dung lần đầu tiên từ hàng ngàn năm trước. Ngay cả những phát minh tân kỳ nhất thời cô – đồng hồ, máy in, các công cụ định vị – đều đã có từ thời Phục Hưng. Súng nòng dài “Ong Nâu” được cất trữ trong kho vũ khí Hoa Kỳ, do lính Anh áo đỏ mang tới đã được thiết kế từ những năm 1690, tròn một thế kỷ trước. Cách mạng là chuyện chính trị; còn thế giới kiến thiết cứ âm thầm tiến về phía trước.8 Phebe sống ở Port Richmond, một kiểu cộng đồng cổ xưa nhất – một ngôi làng thuần nông, với bầu không khí nồng mùi phân động vật và khói từ những đám rơm rạ lớn, những con đường không lát đá nhoen nhoét bùn do mưa theo mùa. Làng tọa lạc ở rìa Bắc Hạt Richmond, được biết đến nhiều hơn với cái tên Đảo Staten, một
22 - TÀI PHIỆT ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC MỸ vùng rộng lớn, dân cư thưa thớt, chỉ gồm chưa tới 4.000 cư dân, điều hành mọi sự vụ bằng những cuộc họp thị trấn. Dân đảo cày xới trên những sườn đồi nghiêng dốc xanh mướt, để lũ lợn tự chạy rông kiếm ăn, họ xây nhà dựng cửa gần những bờ nước lầy lội đã đổ nát thành lạch sông – những con lạch thủy triều bọc quanh rìa đảo. Đảo Staten sừng sững như một nút chẹn ngay miệng Cảng New York, phân cách với Long Island bởi khúc sông hẹp dài 2 dặm, nơi nước biển chắt vào trong vịnh. Mặt Tây Đảo Staten vươn tới phần đất liền New Jersey, và trải khắp chiều dọc của cảng là Manhattan, một đảo dài và hẹp chạy suốt giữa hai con sông sâu là Sông East và sông Hudson (hoặc Sông North) như dải kè chắn bằng đá cứng thiên tạo. Một hòn đảo được định nên bởi các viền rìa. Cứ mỗi khi chồng ra khơi, Phebe lại dõi mắt qua mặt nước chờ cho đến khi anh lái thuyền về và cột buồm lên. Tên anh là Cornelius. Một cái tên đặc sệt Hà Lan, họ Vanderbilt cũng vậy, cả hai đều rất phổ biến quanh khu Vịnh New York. Người đầu tiên trong gia tộc đến Mỹ vào năm 1650, khi Jan Aertsen Vanderbilt cắm chốt tại khu kiều dân Hà Lan, New Netherlands. Năm 1715, rất lâu sau khi người Anh chinh phục vùng này và đặt tên mới thành New York, một trong những hậu duệ của Jan đã vượt qua sóng nước, tới Đảo Staten thưa thớt bóng người. Chỉ hành động ấy thôi dường như đã đủ mang tới bước ngoặt cho một gia đình phân tán và sinh sôi nảy nở ở đó. Những thế hệ nối tiếp kiếm kế sinh nhai nhờ làm nông hoặc mở quán trọ, không hề nao núng trước chiến cuộc cam go giữa Bắc Mỹ với nước Pháp hồi những năm 1750, khi cách mạng nổ ra hai thập niên sau đó, khi quân Anh chiếm đảo, rồi nước Mỹ giành độc lập, Hiến pháp được thông qua và Tổng thống George Washington tuyên thệ nhậm chức ở Manhattan. Ngày 27 tháng 5 năm 1794, Phebe hạ sinh đứa con thứ tư. Cô đánh dấu sự tiếp nối bằng cách đặt tên cậu con trai thứ hai cũng là Cornelius, dù cả nhà gọi cậu là Cornele. Cô nựng con bằng tiếng Anh. Phebe gặp chồng tương lai lần đầu tiên ở Port Richmond, một ngôi làng đậm chất Hà Lan, nơi cô làm hầu gái cho một gia đình
- 23 Người ở đảo công sứ, nhưng cô vốn xuất thân từ một gia đình Anh Quốc lâu đời ở New Jersey. Tại New York, kiểu hôn nhân khác chủng tộc này chẳng khiến ai bất ngờ. Ở đây, ngay từ năm 1720, số lượng kiều dân Hà Lan đã giảm xuống chưa tới một nửa; tính đến nay, trong tổng số 33.000 dân, họ là nhóm còn thiểu số hơn cả một nhánh dân lai. Ngay từ khi Petrus Stuyvesant cai trị hồi năm 1647, ngôi làng với tên gọi bấy giờ là New Amsterdam đã vươn mình thành một nơi tương đối phồn hoa. Stuyvesant điều hành dưới thẩm quyền của Công ty Tây Ấn Hà Lan, được tạo ra để huy động vốn thương nghiệp nhằm nâng cao lợi ích cho Hà Lan ở Tân Thế Giới. Dưới thời Stuyvesant, cảng biển nho nhỏ dần phản ánh định hướng thương mại của Hà Lan, quốc gia siêng năng nhất châu Âu thế kỷ XVII. Giống như ở mẫu quốc, địa vị ưu việt của thương mại – đặc biệt là ngoại thương – đã khuyến khích thái độ đón nhận những người xa lạ và những tín ngưỡng tạp nham (ở thời mà tín đồ phái Quaker còn bị xử giảo ở Massachusetts), và truyền thống ấy vẫn tiếp tục tồn tại.9 Trên Đảo Staten, một di sản hơi khác đã chiếm thế thượng phong. Hầu hết những người định cư gốc Hà Lan ở New Netherlands, gồm cả Jan Aertsen Van Der Bilt, đều tới để làm nông. Họ rải rác ở cả hai mạn Vịnh New York và sông Hudson (tới tận thế kỷ XIX vẫn được biết tới với cái tên Sông North) từ Đảo Staten tới Albany. Đó là một cộng đồng thuần nông, hướng nội, và những người Mỹ dòng dõi Anh Quốc thường nhìn đám dân này với vẻ khinh khi. Hồi thập niên 1790, nhà lữ hành William Strickland đã viết: “Không gì thắng nổi tình trạng biếng nhác và dốt nát vốn được mô tả là môi trường sống của đám dân Hà Lan này. Nhiều người trong số đó được cho là đã sống cả đời rồi chết đi mà chưa hề đi đâu cách nhà quá 5 dặm.” Người ngoài thường coi dân Hà Lan là lỗ mãng; chẳng hạn, một cư dân nói tiếng Anh ở thung lũng Hudson đã than phiền về “cái thứ mà ta gọi là phép lịch sự Hà Lan”. Thi thoảng, những hoài nghi như thế lại sục sôi thành ẩu đả.10
24 - TÀI PHIỆT ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC MỸ Các cháu chắt chút chít Hà Lan duy trì phong tục tập quán xa xưa qua suốt nhiều thập niên. Đến tận năm 1836, một tác giả nhật ký viết: “Thật khó có thể khiến cộng đồng người Hà Lan quay lưng bỏ mặc những phép tắc truyền thống trường tồn.” Phụ nữ đội mũ cao vẫn tiếp tục phục vụ “oely-coeks”, món bột viên vị ngọt chiên giòn; nam giới thường diện quần áo truyền thống, gồm cả mũ lông hải ly rộng vành. Và họ ưa nói “Laeg-Duits”, tức Low Dutch, tiếng Hạ Saxon Hà Lan. Đến năm 1790, phương ngữ này đã tiến hóa thành một thứ ngôn ngữ khó hiểu với chính người Hà Lan bản xứ, nhưng vẫn được nghe thấy khắp vùng Sông North và Cảng New York. Một thông số gây ấn tượng mạnh: ba phần tư trong số 1.232 nô lệ bỏ trốn ở vùng này hồi đầu thế kỷ XIX đều nói tiếng Hạ Saxon Hà Lan. Những nô lệ ấy cho thấy một khác biệt nữa giữa người Hà Lan và các láng giềng nói tiếng Anh. Năm 1799, bang New York phê chuẩn Đạo luật Xóa bỏ chế độ nô lệ từng bước (Gradual Manumission Act), dần dần loại bỏ chế độ nô lệ trong vòng 28 năm. Đạo luật này vấp phải phản kháng chủ yếu từ các khu vực người Hà Lan làm nông. Năm 1790, chỉ 11,3% số gia đình Anh Quốc sở hữu nô lệ, so với 27,9% gia đình Hà Lan – và ở phía bắc Đảo Staten, cứ ba nhà lại có một nhà như vậy. Là các thương nhân quốc tế, người Hà Lan đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa chế độ nô lệ vào Bắc Mỹ; khi là nông dân vùng New York, họ vẫn duy trì chế độ này đến cùng.11 Không chỉ là một hệ thống xã hội áp bức, chế độ nô lệ còn là một thể chế thương mại cung cấp cả lao động lẫn tài sản. Sự tồn tại của chế độ này tiết lộ thêm một đặc điểm độc đáo nữa của nông dân Hà Lan: họ canh tác để thu lời. Vào thế kỷ XVII và XVIII, đây là một thực tế đáng chú ý. Đến tận những năm 1800, nhiều nông dân nói tiếng Anh ở New York và New England đã tập trung phần lớn nỗ lực để kiếm sống nuôi thân – dù không hẳn là lựa chọn chủ động – trong khi người Hà Lan lại trồng trọt “với định hướng thị trường”, như lời của một sử gia, “lấy những đặc điểm vùng miền độc đáo này từ truyền thống Hà Lan”.