The words you are searching are inside this book. To get more targeted content, please make full-text search by clicking here.

Quê Huong và Tình Yêu trong dong nhac cua ns LamPhuong _Ger_20012011_Final__LNChau for PenViet

Discover the best professional documents and content resources in AnyFlip Document Base.
Search
Published by lanthicung, 2021-05-28 15:42:59

Quê Huong và Tình Yêu trong dong nhac cua ns LamPhuong _Ger_20012011_Final__LNChau for PenViet

Quê Huong và Tình Yêu trong dong nhac cua ns LamPhuong _Ger_20012011_Final__LNChau for PenViet

Quê Hương và Tình Yêu
trong dòng nhạc Lam Phương

* Tạp Ghi của Lê Ngọc Châu (Munich-Germany)
Lời phi lộ: Khi nói đến nhạc sĩ tài danh Lam Phương có lẽ không nhiều thì ít những ai ái mộ Anh đều
biết Lam Phương là một trong rất ít các nhạc sĩ có sự đa dạng trong sáng tác, từ những bài hát "bình
dân" cho đến nhạc lính, tình ca, quê hương .v.v... Tôi không phải là một nghệ sĩ thuần túy nên có lẽ
chưa hội đủ khả năng, kiến thức và hiểu biết để bình phẩm về người nhạc sĩ tài danh này. Tôi chỉ mạo
muội tóm lược những gì biết về nhạc sĩ Lam Phương, lược thuật vài bài hát đượm tình Quê Hương,
chất chứa tâm trạng "Tình Yêu" phóng tác thành bài tạp ghi sau đây để giới thiệu cùng quý độc giả.
Cũng xin phép nhạc sĩ Lam Phương cho tôi được xưng hô "Anh" cho bớt xa lạ dù chúng ta chưa hề
quen biết, diện kiến, có chăng chỉ được nghe đến tên tuổi Anh qua lãnh vực âm nhạc. Hơn nữa vì tôi
cũng chẳng phải là một văn sĩ nên chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót trong bài tạp ghi này, kính
mong nhạc sĩ Lam Phương và quý vị thức giả hoan kỷ cho.
Trân trọng cám ơn (LNC)

***

Trước khi đi vào phần chính của bài tạp ghi, tôi xin giới thiệu sơ vài nét về nhạc sĩ Lam Phương.
Lam Phương (LP) tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20/3/1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, hiện nay
là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Anh là con trai trưởng trong một gia
đình gồm 6 người con. Các em của anh không có ai theo con đường âm nhạc hay nghệ thuật gì cả.

1

Thời Đệ Nhị Thế Chiến, bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa Đồng Minh và Nhật Bản nên miền quê của
Nam Việt Nam chúng ta thời đó thường bị phi cơ của quân đội Đồng Minh dội bom để đánh Nhật lúc
bấy giờ đang chiếm đóng toàn cõi Đông Dương. Nhiều gia đình đã phải lánh nạn, đàn ông đi trước dò
đường tìm nơi định cư rồi sẽ trở về đón gia đình sau. Ba của LP cũng bỏ Rạch Giá lên Sài Gòn tìm
đường sinh sống nhưng ông không trở về đón vợ con vì đã có liên hệ với nhiều người đàn bà khác tại
đây. Vì vậy LP có rất nhiều em cùng cha khác mẹ!
Cho nên LP rất thương mẹ cũng bởi nguyên nhân này và đã dồn hết lòng thương yêu cho người mẹ
nghèo nàn, quê mùa đau khổ nhưng giàu lòng mẫu tử!. Từ đó anh đã quyết tâm vượt mọi trở ngại để
thành công cho bằng được trong sự nghiệp âm nhạc của mình hầu có thể giúp đỡ mẹ già, em út.
Năm 1947, cuộc sống của gia đình ở miền quê Rạch Giá quá khó khăn nên LP, người con trai trưởng
khi ây chỉ mới 10 tuổi đã phải bơ vơ lên Sài Gòn một mình bỏ lại mẹ và các em để kiếm ăn và ... giúp
gia đình.
LP đến tá túc tại nhà một người dì ở Tân Định. Khi đời sống tạm ổn định, mẹ anh dẫn các em lên
theo. Cả gia đình dọn về một ngôi nhà mướn tồi tàn, chật hẹp trong một căn hẻm lầy lội tăm tối ở
vùng Đa Kao. Lúc đó anh còn đang học Trung Học. Đây là thời kỳ LP bi quan nhất. Những đêm mưa
dù không lớn, nước chảy vào nhà, từ trên mái xuống, từ ngõ trước vào.
Sự nghiệp âm nhạc của LP bắt đầu bằng tấm lòng thương mẹ. Lúc mới mười mấy tuổi, mẹ anh
thường nói với anh niềm mơ ước nhỏ bé là mong được có một nơi trú ngụ . . . đỡ tồi tàn hơn. Câu nói
của mẹ như ngọn lửa nung đúc LP trong thập niên 50 khi LP chập chững bước vào âm nhạc với quyết
tâm là anh sẽ nuôi mẹ và các em bằng âm nhạc.
Cảnh nhà túng quẫn, tại Sài Gòn, Lam Phương phải đi làm mướn, gánh thuê để có tiền ăn học. Vốn
thích nhạc, LP dành tiền mua những bản nhạc về hát nghêu ngao sau những giờ phút làm việc mệt
nhọc.
Anh theo học nhạc sĩ Hoàng Lang. Ông thầy thấy anh tính tình chất phác, yêu nhạc mà lại quá nghèo
nên dạy anh miễn phí căn bản nhạc lý. Tuy nhiên, LP học thầy thì ít nhưng "học lóm" thì nhiều. Cho
đến nay, anh lúc nào cũng nhắc nhở và nhớ ơn vị thầy tốt bụng này.

2

Lam Phương thầm ước ao trở thành một nhạc sĩ nên với chút vốn liếng học được, năm 1952, LP với
15 tuổi đã sáng tác nhạc phẩm đầu tay mang tên "Chiều Thu Ấy" ẩn chứa khá nhiều mộng mơ của
chàng thiếu niên vừa mới lớn và dĩ nhiên là chẳng ai muốn biết đến. Chẳng có nhà xuất bản nào chịu
mua nhưng LP không lấy thế làm nản lòng. Anh buồn nhưng không thất vọng, tiếp tục tự học nhạc và
tự nhủ rằng: Nhạc phải đáp ứng được sở thích của đại đa số mới có cơ may bán trong tiệm sách,
ngoài lề đường.

Năm 1952, LP tuy nhỏ tuổi thật nhưng theo nhận xét của tôi (người viết bài tạp ghi này) thì LP có tâm
hồn phóng khoáng, lãng mạn. Anh đã đóng vai của chàng thanh niên biết yêu đương, biết say sưa
bên người tình và cũng đã biết đau khổ cho dù có thể đó chỉ là tưởng tượng. Tình tiết éo le đã được
"bộc lộ" trong bản nhạc đầu tiên, khởi điểm cho sự nghiệp âm nhạc của anh:

Chiều thu ấy, ngồi bên em dưới ánh trăng vai kề vai
Nhìn mây bay, hồn lâng lâng theo gió lay hương mùa say.
Chiều thu ấy, nhìn nhau tay nắm tay, mắt hoen lệ tràn.
Buồn ngao ngán, nàng xa cách, duyên tình ta ôi bẽ bàng
Ngày nào còn thơ, say sưa trong mơ, ...

( Chiều thu ấy )

Những ngày tháng nghèo khổ kể trên đã tích lũy, làm “vốn liếng” cho Lam Phương. Chúng ta có thể
tìm thấy được sự bi quan này trong rất nhiều tác phẩm của LP trong thập niên 60, 70 và sau này ở
hải ngoại. Trong một đêm mưa năm 1954, vì quá tủi thân cho cảnh cơ cực, bi đát của gia đình mình
nên LP đã sáng tác bản "Kiếp Nghèo", một bản nhạc đã được quần chúng đón nhận nồng nhiệt và
báo chí khen ngợi hết mình, vì đã diễn tả, phác hoạ cái cảnh cơ cực một "Kiếp Nghèo" trong xã hội
mà khi nghe hát người ta có thể hình dung ra ngay:

“ Đường về đêm nay vắng tanh
Dạt dào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên mái tranh
Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh
Nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi...”

Năm 1954, "Kiếp Nghèo" và "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" mới thực sự tạo tên tuổi cho anh. Từ đó, sự
nghiệp của Lam Phương chắp cánh bay cao.

Một nhạc phẩm nữa cũng được LP sáng tác để nói lên cảnh nghèo của gia đình thời còn ở Đa Kao,
bản "Đèn Khuya", sáng tác năm 1958 trong đó tiềm tàng ý chí vươn lên, không chịu đầu hàng cách
dễ dàng cái "định mệnh không may mắn" dành cho anh LP:

Không biết đêm nay vì sao tôi buồn
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim ?
Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm
Để rồi buồn ơi nghe tiếng mưa đêm

Khi bước chân đi lần trong cuộc đời
Lời mẹ hiền ru con nhớ khôn nguôi
Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời
Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay

3

Cả hai bài "Kiếp Nghèo" và "Đèn Khuya", đều được nữ danh ca Thanh Thúy của miền Nam Việt
Nam lúc đó trình bày và đều nằm trong 10 bản nhạc (top ten) được ưa chuộng nhất vào đầu thập
niên 60.
Để diễn tả, nói lên cảm xúc về cuộc di cư của người miền Bắc vào Nam năm 1954 nhạc sĩ Lam
Phương tuy là người Nam cũng đã sáng tác nhiều bản nhạc đượm tình quê hương, phản ảnh sự di cư,
đi tìm tự do của người miền Bắc qua các tuyệt tác như "Đoàn Người Lữ Thứ" hay "Chuyến Đò Vĩ
Tuyến"

Đêm nay trăng sáng quá anh ơi!
Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu?
Lênh đênh trên sóng nước mông mênh
Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng
Vượt rừng, vượt núi đến đầu làng
Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vỹ tuyến
Phương Nam ta sống trong thanh bình
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng
Ợ.. ai.. hò
...

(Chuyến Đò Vĩ Tuyến)

và Nhạc Rừng Khuya,
Nhạc đêm tàn hòa cùng ngàn cây trầm lắng
Nhạc reo buồn hòa cùng đường tơ rừng vắng
Sương trời khuya rơi khắp đó đây rừng ơi!
...
Lửa cháy hăng lửa dục lòng dân đoàn kết
Lửa reo vang lửa gào lòng ta nguồn sống
Lửa Tự Do muôn năm vẫn reo rừng ơi ....
(Nhạc Rừng Khuya)

để rồi đến, sống hoà mình cùng với "Nắng Đẹp Miền Nam".

4

Đây trời bao la ánh nắng mai hé đầu ghềnh lan dần tới đồng xanh.
Ta cùng chen vai đem tay góp sức tăng gia cho người người vui hòa .
Đường cày hôm qua nay lên tràn bông lúa mới ôi duyên dáng đồng ơi!
Đến mai sẽ là ngày muôn hạt chín lả lơi mình ngắm nhau cười.

(Nắng Đẹp Miền Nam, Nhạc Lam Ppương; Lời: Hồ Đình Phương)

Những năm kế tiếp, nhạc phẩm của Lam Phương được đón nhận một cách nồng nhiệt, có thể được
coi là một loại nhạc phổ thông tiêu biểu của Việt Nam, với những lời lẽ mộc mạc và âm điệu giản dị
trong sáng, gần gũi với quần chúng. Chính nhờ đặc điểm không cầu kỳ này nên nhạc của anh đã in
sâu vào tâm hồn người thưởng ngoạn một cách rất dễ dàng, trở thành một hình thức văn chương
truyền khẩu mang đầy nhạc tính.

Lam Phương đến tuổi thi hành quân dịch, nhập ngũ năm 1958, phục vụ trong Ban Tâm Lý Chiến Biệt
Khu Thủ Đô. Lúc quê hương đi vào cuộc chiến, âm nhạc của anh cũng từ giã thành thị len lỏi theo
bước chân người quân nhân thi hành bổn phận giữ gìn Miền Nam Tự Do. Anh yêu đời quân ngũ và
thương những người lính chiến đấu gian khổ nơi đồn xa biên trấn nên đã viết những bản nhạc thật là
tuyệt vời biểu lộ rõ tình cảm giữa em gái hậu phương và người lính Việt Nam Cộng Hoà. Anh rung
cảm bằng "Tình Anh Lính Chiến":

Xuyên lá cành trăng lên lều vải
Lòng đất ấm thương tình đôi mươi
Thương những người mạch sống đang khơi
Đang tìm một cuộc đời cho lòng vơi nét phong sương
Anh chiến trường tôi nơi hậu tuyến
Đời lính chiến xui gặp nhau đây
Đôi lứa mình còn mỗi đêm nay
Nói gì cạn niềm thương để rồi mai ta lên đường ...

hay vừa gian nan, vừa oai hùng trong những buổi “Chiều Hành Quân” và "Đêm Dài Chiến Tuyến"
hoặc tươi cười thản nhiên lên đường làm tròn bổn phận người trai thời binh loạn với nhạc phẩm "Bức
Tâm Thư":

Vài hàng gửi anh triều mến
Vừa rồi là còn truyền tin
Nói rằng nước non đang mong
Ði quân dịch là thương nòi giống

5

Người thường tìm sang giàu tới
Lòng này thì khác tình ơi
Cầm tay súng tòng quân anh tươi cười ...

(Bức Tâm Thư)

Anh tham gia với Đài Phát Thanh Quân Đội và Biệt Đoàn Văn Nghệ. Năm 1959, anh giải ngũ rồi gia
nhập ban văn nghệ Bảo An và đoàn Hoa Tình Thương. LP tiếp tục sáng tác, sinh hoạt với các ban
nhạc Đài Phát Thanh Quân Đội, Đài Sài Gòn và Biệt Đoàn Văn Nghệ cho đến ngày 30 tháng Tư năm
75, cũng là ngày anh rời khỏi Việt Nam; Lập Ban Kịch “Sống” với Túy Hồng, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài
danh cùng hợp tác, trình diễn trên đài truyền hình. Ngoài việc sáng tác, Lam Phương còn cộng tác với
nhiều ban nhạc của các đài phát thanh khác như ban Hoàng Lang, Võ Đức Tuyết, Văn Phụng, v.v.
Không những thế anh còn phụ trách phần văn nghệ cho ban kịch Thẩm Thúy Hằng.

Những năm cuối của thập niên 60 là thời gian tên tuổi Lam Phương nổi như cồn tại Nam Việt Nam.
Cuộc sống vật chất của LP đã sáng sủa hơn rất nhiều sau khi nhạc phẩm "Nắng Đẹp Miền Nam"
được tung ra và lại càng khả quan hơn sau "Tình Anh Lính Chiến" và "Chiều Hành Quân". Đây là
2 nhạc phẩm do chính Lam Phương xuất bản và tự phát hành. Số lượng bán 2 nhạc phẩm này phải
nói là kỷ lục. Tinh thần của anh đã bớt đi phần nào nỗi bi quan để vui với ánh mắt, với nụ cười của
người mẹ hiền và bầy em nhỏ. Từ cuối thập niên 60 anh lập gia đình với nữ nghệ sĩ Túy Hồng.

Qua dòng nhạc của Lam Phương người nghe có thể hồi tưởng ngay lại được những kỷ niệm vui buồn
trên quê hương Miền Nam Việt Nam yêu dấu thuở thanh bình cũng như thời ly loạn khi chiến tranh
leo thang do cộng sản miền Bắc gây nên. Và đậm nét nhất vẫn là những dấu ấn tình yêu: Những
nhung nhớ, tiếc nuối, biệt ly xen lẫn trách móc và oán hờn, trong đó không thiếu "hình ảnh" những
mảnh đời vụn nát, đau thương, tan tác để rồi tâm hồn cũng bồi hồi và tiếc nuối.

Lam Phương là một tâm hồn đa dạng, ẩn núp sau cái cá tính bình dị, hiền hoà là tình yêu quê hương
nồng nàn, thắm thiết, qua những bài hát ca ngợi đồng quê, tình tự Việt Nam, điển hình như Khúc Ca
Ngày Mùa hay Trăng Thanh Bình (tác phẩm thứ hai sau Chiều Thu Ấy):

....
Giờ đây ánh trăng lên rơi xuống khắp đồng quê
bao la la bao la a ... a ...
Có một đàn cò trắng bay về về đồi xa
xa xa xa vời
Mừng vui lúa tung tăng hò reo lúa mừng trăng reo

6

vang vang tình tang lúa reo
Lúa mừng cuộc đời sống thanh bình đã về đây với dân yên lành
Cùng cười lên thắm tươi lúa ơi!
Cho nhân loại được sống yên vui
Cho cung hằng cũng hé môi cười
cười lả lơi trong nhân thế yêu đời
Hò khoan ánh trăng lên rọi xuống khắp trần gian
xa xôi lúa đầy vơi trăng ơi!
Trăng về là nguồn sống yên lành
của toàn dân yêu trăng thanh bình!

(Trăng Thanh Bình)

Nhạc sĩ Lam Phương đã cùng với Hoàng Thi Thơ chuyên sáng tác loại dân ca theo thể điệu Mambo
của Nam Mỹ nhưng đa dạng với rất nhiều đề tài khác nhau. Điều lạ lùng là loại nhạc mới này đi vào
mọi tầng lớp quần chúng thật nhanh. Bản nhạc thịnh hành của LP theo điệu mambo thời đó, thuở mà
miền Nam Việt Nam còn thanh bình, có thể nói cả nước cùng hát là "Khúc Ca Ngày Mùa“

Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác
chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời
Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát
Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát
Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời .....

Qua những dòng nhạc ở trên chúng ta cảm nhận ra ngay là nhạc của Lam Phương lãng đãng trên
đồng lúa, bát ngát trên sông nước mênh mông. Nó xuất phát từ ngõ hẻm thành phố về đến tận
đường mòn thôn xốm. Nó hiện hữu ngay trong trường học và luôn cả ngoài chiến trường. Nó chứa
đựng nồng nàn tình yêu, hồng môi thiếu nữ:

Ngày hôm nay thanh thanh gió đưa cành mơn man tà áo
Làn mây xanh vây quanh ánh vừng hồng chiếu xuống niềm tin
Đàn chim non tung tăng như đón chào ngày vui thế gian
Chúc ai tìm được bến mơ

7

Mừng cho đôi uyên ương sớm sum vầy trong hạnh phúc
Và đôi tay thân yêu sẽ là nguồn sống của đời ta
Nhiều khi mong trăng lên chung chén trà kể chuyện thuở xưa
Bên bếp hồng đùa vui trẻ thơ ...

(Ngày Hạnh Phúc)

Và cuối tháng tư 1975, khi Miền Nam Tự Do bị cộng sản (với sự giúp đỡ của Nga, Tàu và khối cộng
sản Đông Âu) cưỡng chiếm, anh đem gia đình lên tầu Trường Xuân với 4.000 người của thuyền
trưởng Phạm Ngọc Lũy rời bỏ quê hương vào ngày 30 tháng 4. Tàu hỏng máy nhưng đã được một
thương thuyền Đan Mạch kéo vào Hương Cảng và sau đó được sang tỵ nạn tại Mỹ. Anh thay đổi chỗ
ở khá nhiều, khi thì Houston, Virginia. DC, khi thì Paris, Quận Cam bên Cali. Sau Lam Phương sang
sống ở Paris Pháp, nơi Anh cho biết là anh thích nhất.

Ra hải ngoại, dòng nhạc của LP có nhiều thay đổi. Sáng tác của anh mang tính cách tình cảm hơn.
Trước hết, trong thời gian ở Paris, khung cảnh mới lạ mang tính chất lãng mạn và cổ kính của thành
phố đó đã ảnh hưởng sâu xa đến dòng nhạc của Lam Phương. Anh cảm thấy thoải mái hơn trong việc
sáng tác, có dịp sống thật với chính mình và không bị vướng bận về vấn đề thương mại, sinh kế như
khi còn ở Việt Nam. Trong thời gian này, nhiều nhạc phẩm đặc sắc ra đời như: Mùa Thu Yêu
Đương, Tình Hồng Paris, Cho Em Quên Tuổi Ngọc, v.v... Lời nhạc của LP ở hải ngoại có vẻ bóng
bẩy hơn so với lúc còn ở trong nước. Đối tượng của anh bây giờ không còn là giới bình dân nữa.

Trong những ngày tháng đầy rẫy khó khăn mà bất cứ người lưu vong nào cũng phải đương đầu, từ
cay đắng cho đến những khắc khoải của nỗi sầu viễn xứ, Lam Phương còn phải trải qua những kinh
nghiệm chua chát của riêng anh để rồi anh đã mượn lời ca, điệu nhạc diễn tả ước muốn của một
người rời bỏ quê hương vì hoàn cảnh mong có ngày về chốn cũ được anh gói gấm bằng những lời
nhạc rất đơn sơ, dễ hiểu nhưng đong đầy tình yêu quê hương mà bất cứ người tỵ nạn nào cũng phải
mũi lòng khi nghe:

Đến bao giờ trở về Việt Nam, thăm đồng lúa vàng, thăm con đò chiều hoang
Đường mòn quanh co ôm chân hàng tre thắm, nghe gió chiều nhẹ đưa
Đến bao giờ ta được nhìn ta, ta được nhìn ta trong niềm vui phố xưa
Cô em đôi mắt ướt mang sầu chia ly ra mừng đón anh về
Quê hương ơi, Việt Nam nước tôi, tôi mong ngày về từng phút người ơi
Quê hương tôi nằm cạnh biển khơi, cho tôi tiếng khóc từ khi ra đời
Bây giờ mình đã đôi nơi, bây giờ buồn lắm người ơi

(Đường Về Quê Hương)

8

Một bản nhạc khác cá nhân tôi rất thích là Chiều Tây Đô vì nó không những chất chứa kỷ niệm ấu
thơ thời học trò mà còn phác hoạ nên phần nào hình ảnh của quê nhà hiện tại. Chính vì thế người viết
đã thực hiện một Slide Show rất tài tử bài hát này với tiếng hát của Ca-Thi sĩ Miên Thụy (Hoà Lan),
xin được giới thiệu cùng quý độc giả,

https://www.youtube.com/watch?v=dB0oNSA15MA

....
Kể từ khi mất quê hương gió ra khơi đưa người vượt biển
Mẹ chờ thư về ngồi thèm thuồng miếng trầu cay
Trẻ thơ lang thang vì cơn đói suốt bao ngày
Vợ chờ tin chồng ngày về quá xa xăm
Bao năm giải phóng như thế này phải không anh ?
Ngày xưa ta quen từng viên đá quanh sân trường
Nay nghe sao khác từ tên đường ...

(Chiều Tây Đô)

Đặc điểm nữa, như đã trình bày ở trên, vì hoàn cảnh gia đình nên Lam Phương rất thương mẹ và là
người con rất có hiếu. Bóng dáng người Mẹ hiền lúc nào cũng phản phất trong lời ca đơn sơ của anh,
nhất là những nhạc phẩm đầu tiên vào giữa thập niên 50. Trong nhiều bản nhạc hình ảnh người Mẹ
hay tình mẫu tử đã được anh khéo léo nhắc đến, điển hình

Khi bước chân đi lần trong cuộc đời
Lời mẹ hiền ru con nhớ khôn nguôi
...
Mưa ơi! Mưa ơi! Còn nhớ thương hoài
Nhớ khi mẹ lo sớm chiều, nhớ nụ cười khi nâng niu
Đôi tay run run ánh mắt dịu hiền
Biết tìm lại chốn nào, Mẹ ơi biết chăng!

Cũng vì anh đã dồn hết tình thương yêu cho người mẹ quê mùa chân chất, nghèo nàn nhưng giầu
tình thương đã khiến Lam Phương viết những ca khúc nổi tiếng với tham vọng qua sự thành công trân
lãnh vực âm nhạc anh có thể giúp mẹ và gia đình vượt qua cơn bỉ cực. Và Lam Phương đã bật khóc
nức nở khi nhắc đến người mẹ thân yêu đã qua đời vào năm 1979. Từ khi mẹ mất, anh không về Việt
Nam để chăm sóc mộ phần mặc dù rất nhớ thương. Lý do theo Lam Phương cho biết là chế độ hiện
nay không thích hợp với anh: “Rất nhiều người hỏi tại sao tôi không về. Quê hương ai cũng thương
hết, ai cũng nhớ hết, nhất là tôi. Tôi qua năm 75, tôi còn nhớ nhiều hơn nữa nhưng tôi không về”. Có
lẽ cùng chung cảnh ngộ như anh bởi chính tôi cho đến nay cũng không về nơi chôn nhau cắt rốn từ
khi rời Việt Nam lần cuối vào tháng tư 1975, và đã khóc thầm khi hay tin Ba tôi phải ngồi tù vì là công
chức thời VNCH để rồi đổ lệ thật nhiều khi Ba tôi mất năm 1978 trong lúc tôi đang chờ kết quả xin tỵ
nạn chính trị nên không về dự đám tang được, vì thế trong thời gian qua thỉnh thoảng tôi cũng nghêu
ngao hát (kiểu hát hay không bằng hay hát) vài bản nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này như Thành
Phố Buồn, Chiều Tây Đô, Bức Tâm Thư hay Đường Về Quê Hương ...

Và khác với tôi ngoài những giọt lệ dành cho Cha mình, Lam Phương vốn là nhạc sĩ nên đã cảm xúc
viết thành ca khúc “Khóc Mẹ” vào năm 1984 tại Paris để tưởng nhớ người Mẹ anh thương mến:

Đất trời này tạo thành thân ta
Ơn cưu mang tiếng khóc đầu môi
Mang thân trai chưa đền sông núi
Nay đã vội xa cách bùi ngùi
...
...

9

Các bụi này mẹ vừa yên thân
Sau bao năm nước mắt chảy xuôi
Con ra đi trong giờ mẹ hấp hối
Để muôn đời thành kẻ vong ân

Nhạc sĩ Lam Phương là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền Tân Nhạc Miền Nam, đã thành
danh ngay từ khi còn ở dưới tuổi đôi mươi! Sở dĩ nhạc của anh được nhắc nhở nhiều vì lời ca lãng
mạn mà bình dị khiến cho ai nghe qua khó quên. Anh được rất nhiều người yêu mến, không chỉ vì
anh có những bản nhạc nổi tiếng mà quan trọng hơn vì anh là một người hiền hoà, khiêm tốn nên
chiếm được cảm tình của mọi giới khán thính giả.

..... Giống như nhiều người khác khi đào thoát khỏi Việt Nam tìm Tự Do sau ngày 30-04-1975 và đã
được tỵ nạn tại đệ tam quốc gia anh bảo lãnh vợ là Tuý Hồng sang đoàn tụ. Sau đó không lâu, cuộc
hôn nhân giữa LP và Túy Hồng tan vỡ. Lời nhạc của anh từ đó bắt đầu hiện rõ nét chua xót, đắng cay
như bài "Tình Vẫn Chưa Yên" chẳng hạn. Sự ngao ngán, thất vọng về cuộc đời, tình người đã khiến
cho Lam Phương, từ một người hiền từ, ăn nói nhỏ nhẹ, cư xử thật khiêm tốn đã thay đổi cảm xúc và
có những lời nhạc thống thiết, uất ức lẫn oán trách, chẳng hạn như trong tác phẩm "Lầm":

Anh đã lầm đưa em sang đây để đêm thường nghe tiếng thở dài
Thà cuộc đời yên trong lòng đất được trở về tiếng khóc ban sơ
Hơn là mang kiếp mong chờ
Anh đã lầm đưa em về đây cho tâm hồn tan nát từng ngày
Cùng điệu nhạc lâm ly huyền bí Dìu lòng người sang chốn đam mê
Đưa anh vào khổ lụy hôm nay ....

Sau sự đổ vỡ này, LP đã sống những chuỗi ngày thật đau khổ. Tình yêu vụt bay, tất cả đối với LP chỉ
còn là kỷ niệm và anh đã cho ra đời nhạc phẩm Như Giấc Chiêm Bao

Còn những gì ? Tình mười năm đó
Lệ biệt ly, tan nát người đi
Lời trùng dương, đêm đêm vỗ về
Trong muộn thề ... từng cánh bay đi
Còn những ngày, mặn nồng ân ái
Người vội quên hay cố vùi chôn
Kỷ niệm xưa, câu ca êm đềm
Biết người còn ghi thắp trong tim

10

Bây giờ mình đã xa nhau, thương anh nước mắt tuôn trào
Mười năm yêu đó ...
Như cơn mưa rào, như giấc chiêm bao

Trong sự khủng hoảng tình cảm nói trên, nhạc sĩ Lam Phương đã sống những chuỗi ngày mang nặng
đau buồn. Nhưng cũng nhờ "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" đó mà anh đã cho ra đời nhiều ca
khúc tình cảm thật đặc sắc khác. Lam Phương từng cho biết là nguồn cảm hứng thường đến từ tâm
tư của chính anh và điều quan trọng nhất là cần sự yên tịnh để tập trung tư tưởng, mặc dù anh có
thể sáng tác vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Theo nhạc sĩ Lam Phương, trong cái thế giới yên
lặng đó anh đã sống thật với những cảm nghĩ của mình khi đối diện với hoàn cảnh bẽ bàng và tìm sự
giải tỏa nỗi buồn qua âm nhạc, chứa đựng những lời lẽ phản ảnh đúng con tim anh như qua ca khúc
“Một Đời Tan Vỡ " chẳng hạn:

Tình ơi ...

Tình một đời thì mang lừa dốí
Còn tình một đêm sớm bỏ ra đi
Trở về tìm đường xưa chung lối
Chỉ gây khổ thêm mà thôi
Thà cuộc đời như con nước đưa bèo trôi
Lúc có lúc không cũng vậy thôi
Từ đây sẽ vắng câu mộng mơ xa vời
Đây đó cho qua một kiếp người !

Tuy nhiên "sự thất tình" của anh không lâu lắm. Thời gian sau, Lam Phương đã tìm được nguồn an ủi
bởi một cuộc tình khác, kéo dài cho đến ngày hôm nay. Người vợ sau tên Diệu của anh đã khiến cho
Lam Phương tìm lại được nguồn sống mới, hàn gắn vết thương lòng tưởng như không bao giờ lành
được và dần dần quên đi những đắng cay từng dày xéo tâm hồn anh trước đó. Cũng từ đó cuộc sống
cuả Lam Phương rộn rã hẳn lên kể “Từ Ngày Có Em Về,” tựa đề một nhạc phẩm rất nổi tiếng:

Từ ngày có em về, nhà mình toàn ánh trăng thề
Giòng nhạc tình đang tắt lâu, tuôn trào ngọt ngào như giòng suối
Anh yêu phút ban đầu, đẹp nghiêng nghiêng dáng em sầu
Trong mắt em buồn về mau, em ơi có khi nào lần gặp đây cho mai sau
...
Giờ mình có nhau rồi, đời đẹp vì tiếng em cười
Vượt ngàn trùng qua bể khơi, dắt dìu cùng về căn nhà mới
Ta xây vách chung tình, nhiều chông gai có tay mình
Xin cảm ơn đời còn nhau, xin ghi phút ban đầu bằng bài tango cho em

(Bài Tango Cho Em)

Tình yêu là đề tài có thể nói được hấu hết các ca nhạc sĩ khai thác trên lãnh vực văn học nghệ thuật.
Chuyện tình của LP thì coi như chiếm rất nhiều chỗ trong lòng, trên những dòng nhạc và lời ca, phần
lớn là buồn bã, đau thương, khắc khoải, đợi chờ... như: Trên đỉnh đau thương, Phút cuối, Tình nghĩa
đôi ta chỉ thế thôi, Tình vẫn chưa yên ... Cũng nhờ đó mà anh đã cho ra đời nhiều sáng tác đặc sắc
mà điển hình là bài "Một Đời Tan Vỡ". Tuy nhiên kể từ khi Lam Phương tìm được nguồn hạnh phúc
mà đối với anh là một cuộc “Tình Đẹp Như Mơ.” thì dòng nhạc của Lam Phương trở nên dồi dào,
tha thiết hơn, trong đó có “ Cỏ Úa ” , “Một Mình ” v.v…

Năm 1995 anh rời Pháp trở về định cư ở Hoa Kỳ.
Cuối thập niên 90, đầu năm 1999 Lam Phương bị bệnh tiểu đường và có lượng cholesterol cao. Ngày
13 tháng 3 năm 1999, do biến chứng của bệnh tiểu đường, anh đã phải vào bệnh viện cấp cứu và từ

11

đó LP bị liệt nửa người. Cho đến nay, mặc dầu được điều trị nhưng tình hình sức khỏe của anh khá
bấp bênh. Biến cố này đưa Lam Phương về lại với nỗi bi quan vốn đã đeo đuổi theo anh từ thuở còn
thanh niên. Theo tin mới nhất bằng điện thư từ nhạc sĩ Cao Minh Hưng cho biết sau lần cùng với Quý
vị trong " Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ" - như ns Anh Bằng, giáo sư Lê Văn Khoa, nhà văn Việt Hải, nữ
nhạc sĩ Diệu Hương ...- và thân hữu viếng thăm nhạc sĩ Lam Phương cuối năm 2010 vừa qua thì anh
LP hiện tá túc tại nhà người em rể và đang được chăm sóc bởi vợ chồng người em gái.

Hình: Thành viên Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và thân hữu viếng thăm NS_Lam Phương

Tóm lại, sự nghiệp của Nhạc Sĩ Lam Phương gồm trên 200 tác phẩm trải dài trong một thời gian gần
50 năm với một nét nhạc rất bình dị, chân thành và mộc mạc. Qua đó Anh đã đóng góp những tác
phẩm có giá trị nhất định mà người đời ghi nhận, một công trình lớn lao trong vườn hoa âm nhạc Việt
Nam trong hơn bốn thập niên qua (cho đến khi không sáng tác được nữa vì bạo bệnh!).
Xin được nhắc đến một số tác phẩm tiêu biểu cuả nhạc sĩ Lam Phương: Chiều tàn, Sầu Cố đô, Lá thư
Miền Trung, Phút cuối, Buồn mà chi, Biết đến bao giờ, Kiếp tha hương, Mùa thu yêu đương, Tình
hồng Paris, Cho em quên tuổi ngọc, Tình vẫn chưa yên, Một đời tan vỡ , Từ ngày có em về, Tình đẹp
như mơ , Cỏ úa , Một mình , Tình bơ vơ , Thu sầu, Duyên kiếp, Thao thức vì em (Em là tất cả),
Thành phố buồn, Mưa lệ, Tiễn người đi, Biết đến bao giờ , Đêm tiền đồn, Ngày hạnh phúc'' .... Nhưng
những bản nhạc của LP có số bán rất chạy vào cuối thập niên 50 thì phải nói đến: Chuyến Đò Vĩ
Tuyến, Đoàn Người Lữ Thứ, Sầu Cố Đô, Lá Thư Miền Trung, Bức Tâm Thư và Nắng Đẹp
Miền Nam. Các thế hệ ca sĩ nổi tiếng đều trưởng thành theo dòng nhạc trữ tình của Lam Phương.

Còn rất nhiều bản nhạc thật hay và trữ tình của nhạc sĩ Lam Phương. Rất tiếc bài viết có giới hạn nên
tôi không thể trích dẫn hết trong bài tạp ghi để trình bày cùng quí vị, xin thông cảm. Nhưng qua đó
cũng đủ gói ghém những bài hát chan chứa "Tình Yêu" và đượm tình "Quê Hương" của Lam
Phương đã được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam trước 1975 cũng như ở hải ngoại sau đó.

Lam Phương là người nhạc sĩ tài danh được đánh giá cao như là một trong những nhạc sĩ sáng chói
của Việt Nam với năng khiếu về âm nhạc và có một tâm hồn nhiều xúc cảm để sáng tác!.

* Ghi chú thêm ngày 28.5.2021: Nhạc Sĩ Lam Phương mất ngày 22.12.2020 tại California/USA.

* Lê Ngọc Châu (Germany, Munich_20-01-2011)
Tài liệu tham khảo: - Wikipedia và Internet.

- Lời Nhạc góp nhặt từ Internet

12


Click to View FlipBook Version