The words you are searching are inside this book. To get more targeted content, please make full-text search by clicking here.

Văn Bút Tao Đàn
Collection of Selected Works
Số 1 . No. 1
11.2018

Discover the best professional documents and content resources in AnyFlip Document Base.
Search
Published by duongthanhloi, 2018-11-16 22:53:11

Văn Bút Tao Đàn Collection of Selected Works 11.2018

Văn Bút Tao Đàn
Collection of Selected Works
Số 1 . No. 1
11.2018

VIETNAMESE ABROAD PEN CENTRE
VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI
www.PENVietnam.org

_____________________________________________________________________________________

Văn Bút Tao Đàn
Collection of Selected Works

Số 1 . No. 1
11.2018

MỤC LỤC . CONTENTS

Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn . Thanksgiving Wish Trang . Page

Hai Chữ Việt Nam Đăng Nguyên 3
Bìm Bịp Kêu Chiều Nguyên Bông 4
Vẫn Mùa Thu Của Riêng Ta Chương Hà 5
Người Thơ Với Mùa Thu Đình Duy Phương 6
Có Thể Nào Anh Hiểu Tuyết Nga 7
Hoài Niệm Hà Anh Phương 8
Trang Châu 9
Nghe Bình Minh Uyên Thúy Lâm 10
Hạt Bụi Nguyễn Thế Giác 11
Trên Vùng Ăn Năn Mặc Khách 13
Một Góc Nhớ Đặng Toản 14
Trả Nợ Lý Bửu Lộc 15
Thương Kiếp Gió Sương Lãm Thúy 16
Biết đổi gì đây? Tạo Ân 17
Mẹ Là Hồng Thủy 18
Ngày cho Mẹ Vũ Thùy Nhân 19
Em Đi… Ngày Mẹ Về Trời Khánh Giao 21
Một Kiếp Người
28
English Lloyd Duong 30
The Vietnamese Lê Hữu Liệu 31
Mother in Memory Sean Nguyễn 32
Time Lloyd Duong 33
For Ever and For Always Lê Anh Dũng
The Color of Her Dress 37

Tường Trình về Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ 84
Report on the 84th PEN International Congress (in Vietnamese)

1

VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI
VIETNAMESE ABROAD PEN CENTRE
Ban Chấp Hành Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại
kính chúc quý Văn Thi Hữu và quý Thân Hữu cùng gia quyến

Lễ Tạ Ơn an lành và hạnh phúc
Wishing you peace, happiness and the wonder of the holiday season.

Have a memorable Thanksgiving.
TM. BCH VBVNHN

Vịnh Thanh Dương Thành Lợi
Chủ tịch . President

_____________________________________ Ω _____________________________________

2

HAI CHỮ VIỆT NAM

Người Việt Nam nào cũng dễ thương
Xin đừng tha hóa dù tha hương
Bốn phương trời rộng dài chân bước
Ngoảnh lại non sông đẹp lạ thường.
Bốn ngàn năm tổ tiên xây dựng
Một dải sơn hà có kỷ cương
Con cháu giờ đây lan tỏa khắp
Anh hùng hào kiệt vẫn noi gương
Xa nước nhưng lòng luôn nhớ nước
Mối tình chung ấy mãi vương vương
Dù cho muôn dặm đường cách biệt
Vẫn một lòng trung đến cuối đường.
Máu Việt chảy dài trong huyết quản
Trẻ già trai gái sống hiền lương
Trăm con ngàn cháu mà như một
Đất Việt muôn năm vẫn cát tường.
Đăng Nguyên

3

BÌM BỊP KÊU CHIỀU

Não lòng thay mấy tiếng kêu sầu,
Những lúc hoàng hôn tím bể dâu!
Mắt đỏ chao làn con sóng bạc,
Cành xanh che bóng giống chim nâu.
Cữ đầu, thúc gió tuôn miền ngược, (1)
Hiệp cuối, giục dòng xuôi miệt sâu. (2)
Bìm bịp kêu chiều trong thổn thức, (3)
Người đây kẻ đó nhớ nhau lâu… (4)

Nguyên Bông

“Bài thơ Đường này của cố Văn hữu Nguyên Bông
tả cảnh điểm màu tỏa cảm xúc vô cùng đặc sắc.”
Vịnh Thanh

_________________________________________________________________________________

(1) Ý nói bìm bịp kêu nước lớn.

(2) Nước ròng.

(3) Bìm bịp: loại chim có đôi mắt đỏ, lông nâu, thích sống ở bụi rậm ven bờ sông suối. Chúng
dựa vào thủy triều lên xuống để bay đi kiếm ăn. Do vậy mới có câu… “Bìm bịp kêu chiều”,
“Bìm bịp kêu nước lớn ròng,” … trong dân gian.
– Bìm bịp thích ăn mồi sống, thường tha về tích trữ ở ổ, nhất là rắn, cho nên những ai láu táu
thọc tay vào ổ để bắt bìm bịp con, có thể bị rắn cắn. Tương truyền, những người đi săn gặp ổ
chim bìm bịp con, liền bẻ gãy chân chúng. Chim cha mẹ sẽ tìm thuốc về đắp lên vết thương. Sau
nhiều lần như vậy, người ta mới bắt chim con về làm thịt sấy khô mà ngâm làm rượu thuốc, uống
rất phê.
– Theo chuyện cổ tích, một tên tướng cướp gặp một thầy tu trên đường đi tìm Đức Phật để học
đạo, bèn hỏi… “Xin thầy cho biết cách tu?” Nhà sư đáp… “Phải do tâm của mình mới được.”
Tướng cướp bèn mổ tim của mình gởi cho nhà sư nhờ trao lên Đức Phật. Dọc đường, trái tim
thối nên nhà sư buộc phải quăng đi. Về sau, nhà sư gặp được Phật, Phật hỏi… “Trên đường đi,
có ai gởi gì cho ngươi không?” Sau khi nghe nhà sư kể lại mọi chuyện, Phật phán… “Nhà
ngươi hãy quay trở lại tìm trái tim rồi trở lại gặp ta.” Nhà sư hóa kiếp thành giống chim bìm
bịp, cứ lủi tìm trái tim trong bụi rậm…
– Đây là loại chim rất hung dữ nên người ta thường nuôi để giữ nhà…

(4) Ý nói cuộc tình trắc trở, người ở đầu sông, kẻ cuối sông, nhớ nhau hoài…

4

VẪN MÙA THU CỦA RIÊNG TA

Trên con đường uốn lượn đầy lá úa vàng bay lả tả
Anh nghe tiếng chân em giẫm trên lá khô nhè nhẹ
Từng mùa thu qua mình vẫn hẹn nhau cùng ngắm lá
Trời trong xanh, không khí dịu dàng
Mình lắng lòng yên ả
Nắng hanh hao ngủ mơ màng cùng cây cỏ
Chỉ có lá xanh, lá vàng, lá đỏ khoe màu rực rỡ
Hồn ta nao nao cùng hoa lá
Từng mùa thu đất trời cùng ta thêm mới
Kỷ niệm êm đềm thêm chất chồng dịu vợi
Ta hứng lá vàng từng mùa, ấp ủ cõi tình
Cùng với trời đất chan hòa,
chỉ có tiếng sóng vỗ đều đặn ngoài xa
tiếng lũ chim sâu ríu rít tìm trái chín tới
Gió hắt hiu đẩy đưa, trêu đùa em, mơn man trên tóc, trên vai, trên má
Lá nào ngập ngừng run rẩy, lá nào nhí nhảnh, nhún nhảy
trong từng cơn gió
Mặt nước trong gương phẳng lặng
mặc lá đỏ, lá vàng điểm tô bức tranh thủy mạc mơ hồ
Mùa thu nào cũng của riêng cho chúng ta
Mình chỉ muốn tựa vai nhau lim dim thư thả
Thơ thới cùng đất trời lặng lẽ vào mùa

Chương Hà

5

NGƯỜI THƠ VỚI MÙA THU

Trời se se lạnh gió hiu hiu
Cảnh mới sang Thu mượt mỹ miều
Lá thắm trên cành chưa đổi sắc
Lòng nghe xao xuyến biết bao nhiêu.

Thu đến không gian vừa tiễn Hạ
Trông về Quê Mẹ giọt châu sa
Triều dâng sóng vỗ hờn vong Quốc
Vọng khúc quân hành vang vẳng xa

Mới thấy Hằng Nga trong chiếc nôi
Trăng tròn vằng vặc sáng buông lơi
Vòng mây âu yếm khung trời rộng
Cuội dưới gốc đa khúc khích cười.

Mộng thấy hồn Thu lưu luyến qua
Êm nương theo gió ghé thăm nhà
Tao nhân mặc khách gieo vần điệu
Cảm khái lời thơ vận thiết tha.

Vòm cây rợp đỏ chuyển vàng tươi
Tạo-Hoá dựng tranh sống tuyệt vời
Đất trải thảm màu khi lá rụng
Thu phong xào xạc bước rong chơi.

Đình Duy Phương

6

CÓ THỂ NÀO ANH HIỂU

Có thể nào anh hiểu được nỗi nhớ nhung trong lòng em
Có thể nào anh hiểu được nỗi đau đớn vò xé trái tim em
Chúng như sức nóng của mặt trời
Cứ thiêu đốt trái tim non nớt của em
Và khiến em dường như sắp bốc cháy
Có thể nào anh hiểu đuợc
Đối với riêng em con đường dài nhất thế giới
Là con đường dài hơn cả đại dương
Nhưng em sẵn sàng đi bộ tới
Nếu ở cuối con đường kia… có người yêu em đón đợi
Ôi có thể nào anh hiểu được
Những đêm khuya em giật mình tỉnh giấc
Đêm mênh mông, lạnh lẽo và bao la
Em nghẹn ngào trăn trở vì thương nhớ
Em thèm được nằm trong vòng tay anh ấm áp
Em khát khao quấn cổ anh khắn khít êm đềm
Rồi cứ thế lặng im
Mà chả cần nói năng một lời gì
Chả cần phải bảo em nhớ anh vô kể
Chả cần phải nói em nhớ lắm một nụ hôn nồng
Vì ngôn ngữ bỗng trở nên thừa thãi
Nhưng chính thật… lại thiếu thốn vô cùng
Khi nó không thể giúp em nói cùng anh
Tất cả những gì em nghĩ
Khi nó không thể giúp em bầy tỏ
Nỗi nhớ nhung và tình yêu trong lòng

Hỡi anh yêu dấu, có thể nào anh hiểu?

Tuyết Nga

7

HOÀI NIỆM

Tôi nhớ một ngày đã xa xôi
Trên rừng thông vắng suối bên đồi
Vai kề đôi bóng chân em bước
Nhớ đến làm tôi thấy bồi hồi.

Ngày ấy tôi về thăm cố Hương
Trên đường qua thác lúc hoàng hôn
Tình cờ tôi gặp người thôn nữ
Duyên dáng làm tôi đã vấn vương

Từ đó tôi tìm cách gặp nàng
Tỏ tình khôn khéo biết hân hoan
Cho tình cảm nàng luôn chan chứa
Đến lúc tình yêu thắm mộng vàng.

Ngờ đâu nơi đó giặc lan tràn
Gieo sầu ly tán khắp Giang San
Chia lìa mối tình đầu dang dở,
Để người xa cách chết tâm can

Thế rồi tôi sống những ngày qua
Khối sầu thương nhớ biết bao la
Chờ tin người đó từng giây phút
Vẫn mãi mong cho Tình thiết tha.

8 Hà Anh Phương

NGHE BÌNH MINH

ngồi đây
lòng ở muôn trùng
con trăng châu thổ
sáng vùng cao nguyên

ta về
ngậm nắng trong tim
hai tay tung gió
thổi niềm tin lên

***

tiễn nhau
xin chớ ưu phiền
nghìn riêng tư mộng
đổ nghiêng lưng đời

tiễn nhau
ta gởi nụ cười
đôi mắt sáng
với một lời quyết tâm

***

ta về
đá núi đơm bông
con sông thoi thóp
bỗng thầm thì reo

quê hương
đang giấc tiêu điều
nghe bình minh
vội đuổi chiều phôi pha

9 Trang Châu

10 HẠT BỤI

Chiều lên nắng xuống chiều lên,
Vẫn trăm năm hẹn bến thuyền sông quê.

Ba mươi năm không lối về,
Đường muôn nẻo chắn, dặm về xa khơi.

Vọng ngân tiếng mẹ ru hời,
Lắng trong tiềm thức, một đời còn ghi.

Thương sao ước vọng xuân thì,
Theo thời gian quá bước đi không đền.

Sang hè lá cỏ xanh thêm,
Nhớ cành hoa tím trao em năm nào.

Giờ đây phố nhỏ mưa mau,
Thương người đơn lẻ gầy hao đợi chờ ...

Lặng nghe sóng vỗ ven bờ,
Việt Nam yêu dấu bây giờ nơi đâu?

Rừng già bể cả nương dâu
Đồng xanh bãi mía đất nâu quê mình.

Một thời ly loạn đao binh,
Triệu người xiêu tán hành trình biển Đông

Thế trần sắc sắc không không,
Nghiêng mình Hạt Bụi nhớ lòng đất quê....

Uyên Thúy Lâm

TRÊN VÙNG ĂN NĂN

(…đau thương này ta biết ngỏ cùng ai…)

Thế là hết! Khi cạn tàu ráo máng.
Bao gió tanh mưa máu phụt vào nhau.
Bảo vô tình, nhưng hững hờ súng đạn.
Từ thương vong đến dang dở chuyến tàu.

Thế là hết! Nước mắt dù đã cạn.
Đáy linh hồn còn đọng vũng tang thương.
Làm Văn Học cho đời chút ánh sáng.
Nào ngờ đâu chữ nghĩa quá tầm thường!

Thế là hết! Thôi cứ xem định mệnh.
Đã an bài cho tất cả niềm tin.
Kể từ ngày bắt đầu phát súng lệnh.
Đem tâm tư chằm bẳm rải bẫy, mìn.

Thế là hết! Mình hơn gì Quốc Nội?
Cắn nát từng con chữ ngậm ngùi thay!
Đứa chiến thắng và có thằng phản bội.
Thu dọn chiến trường một đám ma chay.

11

Thế là hết! Đạn lên nòng khao khát.
Chờ bóp cò thoả mãn tính kiêu căng.
Mấy ai biết dòng sông xưa bát ngát?
Chảy về xuôi không một chút thù hằn.

Thế là hết! Cõi ta bà nham hiểm.
Trang bị điêu ngoa làm vũ khí giết người.
Khi tự ái là hồi chuông đã điểm.
Lồng lộn lên như dã thú, đười ươi.

Thế là hết! Ngọn gió nào đưa đẩy.
Thành quân thù thề không đội trời chung.
Mắt vẫn mở mà võng mô chẳng thấy.
Thèm ngu ngơ trước bão lửa bập bùng.

Thế là hết! Lòng người là hải đảo.
Sống cô đơn chờ từng ngọn thủy triều.
Đầy nhân nghĩa chấn động lòng lương hảo.
Nhìn đại dương hút mắt cõi đăm chiêu.

Thế là hết! mãi đầu tư thù hận.
Sẽ đến đâu khi trời ngã về chiều?
Sống hải ngoại tâm tư còn lận đận.
Chốt vô tình làm khánh kiệt tin yêu.

Thế là hết! Chỉ còn lại tiếc nuối.
Khi yêu thương đã vụt khỏi tầm tay.
Sống cô độc có gì hơn: Buồn tủi!
Một sát na thấy đã vụt qua mày.

Thế là hết! Bãi chiến trường rực lửa.
Đau thương này âm ỉ xé linh hồn.
Muốn được khóc cho vơi đi chan chứa.
Bạn với thù cùng một nấm mộ chôn.

Nguyễn Thế Giác

12

13

TRẢ NỢ

Ngửa tay xin trả nợ đời
Trăm năm đoạn gốc, hẹn lời kiếp sau
Gió cười xao xác bờ lau
Nghìn xưa mù thẳm, ngàn sau mịt mùng
Xoa tay vầng trán mông lung
Gẫm câu “Thiên địa vô cùng…” hụt hơi
Khoanh tay ngẩng mặt hỏi trời:
“Một thân tứ đại… muôn đời đủ không?”
Đặng Toản

14

15 THƯƠNG KIẾP GIÓ SƯƠNG

Các anh là những người hùng không tên tuổi,
Đã hiến cuộc đời cho sông núi quê hương.
Tuổi thanh xuân đã gởi trọn với chiến trường,
Để.. giành giử tự do về cho đất nước.

Vì thời cuộc mà nữa đời chiều xuôi ngược,
Trên vạn dậm đường khi tóc đã ngã sương.
Xa quê hương nhưng lòng mãi vấn vương,
Tình đất nước, tình quê hương bất diệt

Buông tay súng là cả một trời hối tiếc,
Tiếc cho quê hương đã giã biệt tự do.
Tiếc cho người thân mất áo ấm cơm no,
Tiếc tạo hoá đã phụ lòng người sương gi.

Một bài thơ tặng anh... có tôi trong đó,
Thương những kiếp tầm đã, đang mãi nhả tơ.
Và cũng chẳng trách chi định mệnh bao giờ,
Mà còn hãnh diện với màu cờ sông núi.

Thân dẫu bé và cuộc đời dù ngắn ngủi,
Vẫn mơ hoài một ngày đất nước yên vui.
Để biển xanh thêm xanh thẳm với mầu trời,
Để núi mãi vươn cao với niềm mong đợi.

Để đói khổ tránh đường, ấm no đi tới,
Để tự do về gieo hạnh phúc nơi nơi.
Để cháu con ta hảnh diện với đất trời,
Dân tộc Việt bẻ gảy xiềng gông nô lệ.

Lý Bửu Lộc

BIẾT ĐỔI GÌ ĐÂY? Hãy về ôm Mẹ giữa vòng tay
Để thấy lòng dâng hạnh phúc đầy
Con biết đổi gì để được nghe Rồi xót cho bao người bất hạnh
Những lời Mẹ nói lúc đêm khuya Không còn có Mẹ để vui vầy!
Khi con về lại căn nhà cũ Ta gửi người thông điệp thiết tha
Rộn ràng Mẹ dậy, nỗi mừng chia Những ai còn Mẹ với còn cha
Biết đổi gì quay ngược thời gian Giữ gìn báu vật kia, người nhé!
Để được ôm thêm Mẹ một lần Đời chẳng dài đâu. Xin hiểu ra!
Nói con thương Mẹ thêm lần nữa
(Những lời đã nói suốt nhiều năm!) Lãm Thúy
Biết đổi gì có Mẹ một ngày
Để thương từng phút, tiếc từng giây
Cận kề bên Mẹ cho lòng thoả
(Ôi! Có bao giờ thoả được đây!)
Biết đổi gì cho một sát na
Được cùng Mẹ nói tiếng chia xa
Chắc câu vĩnh biệt đau lòng lắm
Sao nói cho cùng nỗi thiết tha?
Dốc cả lòng cho Mẹ được vui
Chẳng còn chi để tiếc trong đời
Mà con vẫn muốn dài thêm nữa
Khoảng đời có Mẹ, Mẹ yêu ơi!
Ăn chẳng còn ngon, sống chẳng vui
Ngẩn ngơ từ lúc Mẹ qua đời
Mắt không khô lệ, lòng cay đắng
Nghe trái tim mòn đau, tả tơi!
Con trải niềm đau khắp thế gian
Để ai còn Mẹ hiểu cho rằng
Họ có một gia tài quý giá
Chớ để Mẹ buồn đau, tủi thân!
Xin hãy làm cho Mẹ được vui
Tặng Mẹ hân hoan những nụ cười
Hãy yêu thương Mẹ, nâng niu Mẹ
Ta gửi người thông điệp thiết tha
Những ai còn Mẹ với còn cha
Giữ gìn báu vật kia, người nhé!
Đời chẳng dài đâu. Xin hiểu ra!
Chớ để bao giờ lệ Mẹ rơi!
Hãy về ôm Mẹ giữa vòng tay
Để thấy lòng dâng hạnh phúc đầy
Rồi xót cho bao người bất hạnh
Không còn có Mẹ để vui vầy!
Chớ để bao giờ lệ Mẹ rơi!

16

MẸ LÀ

Mẹ là gió mát dịu trưa hè,
Ru con tròn mộng tuổi thơ trôi.
Lời ngọt say ngất hồn con dại,
Êm đềm từ mẫu ánh quang soi.

Mẹ là suối chảy từ non thượng,
Róc rách sạch trong mát nụ cười.
Mẹ là đuốc sáng đêm thâu vắng,
Dìu con tìm lối giữa dòng đời.

Mẹ là lúa chín hương đồng nội,
Hiền lành hoa chuối tím ngoài hiên.
Nhớ lắm tiếng đong đưa kẽo kẹt,
Ca dao Mẹ kể chuyện Vân Tiên.

Mẹ là tất cả Mẹ hiền ơi!
Cho dù đời bạc lắm chông gai.
Vẫn hướng lòng thơ bên gối mẹ,
Gác đầu con ngủ giấc mơ ngoan.

Tạo Ân

17

Ngày cho Mẹ

Tháng năm là tháng khí hậu đẹp và dễ chịu nhất của mùa Xuân. Cây hoa Dogwood trước
nhà tôi nở đầy hoa mầu hồng tươi thắm. Thời tiết đẹp, phong cảnh đẹp mà sao lòng tôi lại buồn
tê tái. Bởi vì ngày LỄ CHO MẸ gần kề, mà tôi lại không còn mẹ nữa.

Mẹ tôi bỏ tôi đi đúng 4 tháng rồi. Tôi vẫn biết có ngày tôi phải xa lìa mẹ vì mẹ tôi đã quá thọ,
mẹ đã một trăm tuổi, lúc sau này mẹ rất yếu và không còn nhớ gì nhiều nữa.Tuy nhiên mỗi ngày
tôi vào thăm mẹ, mẹ vẫn tỏ ra vui mừng và vẫn ôm hôn tôi. Tôi vẫn biết mất mẹ tôi sẽ buồn
lắm, nhưng tôi không ngờ nỗi buồn lại quá lớn và đau đớn đến như thế này. Tinh thần tôi suy
sụp hẳn đi, trong vòng 1 tháng tôi xuống 7 pounds, tôi như người không còn sức sống. Có lẽ tại
tôi quá gần gũi với mẹ, săn sóc mẹ mỗi ngày. Hai mẹ con tôi quấn quýt nhau. Mẹ tôi thật tội
nghiệp, cả một đời đơn độc. Bố tôi chết năm mẹ có 26 tuổi, mẹ hy sinh cả tuổi xuân, quên hạnh
phúc của cá nhân mình, ở vậy nuôi 2 đứa con. Anh tôi chả may chết sớm, mẹ chỉ còn tôi. Mỗi lần
đi qua con đường Montrose, nơi có Nursing Home mẹ ở, tôi lại ngậm ngùi ứa nước mắt.

Tôi thấy cuộc đời vô lý quá, có gì tha thiết hơn tình mẫu tử. Mẹ mang mình trong bụng 9
tháng 10 ngày, mẹ nuôi mình bằng máu thịt của mẹ. Mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi cho mình khôn
lớn, dậy dỗ săn sóc từng ly từng tí. Dựng vợ gả chồng cho con rồi, mẹ vẫn chưa yên tâm. Mẹ
theo dõi cuộc sống của các con. Vui khi thấy con mình hạnh phúc, buồn khổ khi thấy con mình
không may mắn trên đường đời. Nỗi lo của mẹ cứ trải dài theo từng diễn tiến trong cuộc sống
của các con. Chắc chắn trong cuộc đời không ai thương chúng ta bằng mẹ. Dù bất cứ hoàn cảnh
nào, tình huống nào, tệ hại tới đâu, mẹ cũng không bao giờ bỏ chúng ta. Tình mẫu tử gắn bó như
vậy, bỗng dưng một ngày mẹ biến mất trên cõi đời, không bao giờ mình còn được nhìn thấy mẹ
nữa .Tình mẹ con chấm dứt, là thôi, là hết. Sự chia lìa đó quá đau đớn. Viết đến đây nước mắt tôi
lại chảy. MẸ ơi, con nhớ mẹ vô cùng. Ngày LỄ CHO MẸ năm ngoái, tôi còn mua áo mới cho
mẹ, mẹ mặc hoài không chịu thay. Ai nói “già bát cơm bát canh, trẻ manh áo mới” là sai. Gìa
cũng vẫn thích áo mới. Mẹ ơi, ngày LỄ CHO MẸ sắp tới, năm nay mẹ bỏ con đi rồi, con biết
mua áo mới cho ai?

Xin các bạn, những ai còn mẹ, nên dành nhiều thì giờ gần gũi, săn sóc mẹ, bởi vì một ngày
nào đó, mẹ sẽ phải bỏ chúng ta ra đi, lúc đó bạn ơi, đau đớn và tiếc nuối vô cùng…

18 Hồng Thủy

Em Đi…
Ngày Mẹ Về Trời

Nhung băng qua vườn hồng để đi xuống ngôi nhà dưỡng lão nhỏ bé, ở đấy Bà của Nhung đang
nằm đợi Nàng sau giờ kinh nguyện ban sáng.

Mặt trời mới lên, những cánh hồng nhung xinh xắn còn lấp lánh sương đêm, thoảng một mùi
hương nhẹ nhàng. Nhung bước chậm lại trên những lối đi trải sỏi để nhìn kỹ hơn những cánh hoa
mong manh, để thưởng thức sâu hơn… bầu khí tươi mát và trầm lắng của tu viện. Nhung mỉm
cười nhớ lại chuyến xe lửa đưa Nàng rời thành phố Sài gòn náo nhiệt để đến cố đô Huế trầm lặng
này. Trên toa xe lửa hạng nhì, Nàng đã khéo léo để lẩn tránh đám thanh niên cũng đang trên
đường đến đế Đô như Nàng. Họ là những sinh viên đến Huế để tham quan những di tích cổ xưa,
để vui chơi vào dịp hè. Còn Nàng đến Huế để … đi tu. Những chàng sinh viên trẻ đó đã rất ngạc
nhiên, không hiểu sao cô bé mới mười lăm, mười sáu… đẹp cứ như mơ mà… chai đá thế! Nàng
còn như nghe văng vẳng tiếng cười của họ và những tiếng nói xầm xì: “Cô em đẹp, mà hình như
bị… tắc tiếng.” Phải, từ lúc Nhung quyết tâm dâng mình cho Chúa, Nàng đâu còn tha thiết gì đến
những anh chàng điển trai vây quanh Nàng… trong những buổi văn nghệ ở trường, hay trong
những cuộc gặp gỡ bất ngờ như trong chuyến xe lửa kia, chuyến xe lửa đã đưa Nàng đến đây…
đến với cảnh tu viện êm ái này.

–Con nghĩ gì thế, cô bé!

19

Giọng nói nhẹ nhàng, kéo Nàng về với hiện tại.

–Dạ thưa, con xuống thăm Bà con.

–Ừ thôi, con đi đi, sắp có tin vui cho con rồi đấy.

Nhung bước mau hơn, chiếc áo dài trắng mới may còn thơm mùi hồ cuốn theo bước chân nàng.
Nhung thấy mình thật thanh thoát, thật bé bỏng trong chiếc áo dài thật rộng Nàng đang mặc. Nhớ
lại khi ngắm nàng lần đầu tiên mặc chiếc áo này, Mẹ Nàng đã phải kêu lên: “Thế là con gái Mẹ
mất hết... eo rồi .” . “Mẹ ơi, Chúa cần một tâm hồn trinh trong thôi, Mẹ ạ.” (Nhung đã tự bảo
mình như thế)... và cho đến nay thì Nàng đã quá quen với chiếc áo rộng của mình..

–Ồ! Cháu gái của Bà, Cháu lấy ghế ngồi cạnh Bà đây.

Nhung nhìn Bà tha thiết và khâm phục. Bà năm nay đã ngoài sáu mươi. Bà đã sống trong nhà
Chúa dễ có hơn bốn mươi năm rồi. Chúa đã thử thách cuộc đời nữ tu của Bà… Căn bệnh hen
suyễn đã ào vào thân thể mảnh khảnh của Bà cách đây cũng cả chục năm. Cả chục năm Bà chỉ
nằm trên giường cầu nguyện, kết hợp với Chúa và tiếng thơm thánh thiện của Bà đã lan truyền
khắp trong Tu viện Thánh Phao Lô này. Nhung nhìn sâu vào đôi mắt ấm áp của Bà, Nàng nũng
nịu: -“ Dạ đây, cháu gái của Bà đây”. Nàng bóp nhẹ hai bàn tay gầy guộc của Bà, ngắm nhìn
khuôn mặt thánh thiện, phảng phất ánh sáng của các vị Thiên Thần. Bà khẽ mỉm cười, khó nhọc
nhấc mình lên và… chắc Bà đã phải cố gắng lắm vì nụ cười của Bà mới gần Nàng biết bao!

-“Cháu ơi, một tin vui cho cháu, Bà đã cầu nguyện hơn một tuần nay, Bà chỉ tha thiết xin Đức
Mẹ điều này: -” Lạy Đức Mẹ, nếu Đức Mẹ thấy cháu gái con xứng đáng thì xin Đức Mẹ cho
cháu con được chính thức gia nhập Tu viện vào dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời sắp tới. Và cháu ơi, Bề
Trên vừa báo tin cho Bà rằng Mẹ Giám Tỉnh sẽ ra thăm nhà Dòng vào ngày 15 tháng 8 tới đây,
Mẹ sẽ dẫn cháu vào Đà Nẵng, vì nhà Đệ tử cho các tập tu tuổi của cháu là ở đấy. Ở đây chỉ nhận
các em nhỏ tuổi thôi, phải cháu gái của Bà sẽ chính thức được gia nhập cuộc sống tu trì vào ngày
15 tháng 8 tới đây. Ngày Lễ Đức Mẹ Về Trời…”

Hôm nay cũng ngày 15 tháng 8, ngày Lễ Đức Mẹ Về Trời như trong Tu viện Huế ngày xưa…
Nhung cũng đang trầm ngâm trước những bông hồng thật lớn, thật hồng của Cali. nhưng tuổi
hồng của Nàng thì đã qua lâu… Người Bà thân yêu thuở nào cũng đã từ lâu trở thành người thiên
cổ. Nàng trìu mến thầm gọi tên Bà “Soeur Barbabé yêu dấu!”

Nhìn những giọt sương lóng lánh trên những cánh hồng, Nhung liên tưởng đến chuyến máy bay
đã đưa Nàng rời thành phố mất tên : Sài gòn, để đến đây… phương trời Cali. xa xôi… còn chút
gió lạnh cuối mùa và… những bông hồng…

Nhung bước vội… những gì đang đợi Nàng phía trước!?

Vũ Thùy Nhân
Cali, Lễ Mẹ Về Trời
15 Tháng 8...

20

Một Kiếp Người

Cách mạng Mùa Thu 1945, tiếp theo là Toàn quốc kháng chiến 1946, là những thời điểm mà thế
hệ lưu vong trên 70 tuổi nhớ đến với nhiều nỗi đau thương, ngậm ngùi. Riêng tôi kỷ niệm tản cư
những năm kháng chiến chống Pháp thật khó quên. Gia đình tôi bỏ làng ở tỉnh Quảng Nam, chạy
vào tận Bình Định. Lúc đầu sống ở Bồng Sơn sau dời lên Hội Yên, và sống ở đó cho đến ngày
hồi cư về làng cũ. Một kỷ niệm khó quên là sông Lại Giang. Sông xuất phát từ thung lũng An
Lão, chảy ra cửa biển Bàu Tượng, xuyên qua các cánh đồng phì nhiêu quận Hoài Ân, Hoài
Nhơn. Về mùa đông, con sông thu hẹp, cạn dòng, trừ khi lũ lụt. Trái lại mùa nắng, mức nước
sông lên cao, chảy chậm lại vì cứ độ một cây số thì có hệ thống dẫn thủy nhập điền gọi là “bờ xe
gió” hay “dàn xe gió”(noria): Vào đầu Xuân, các làng ven sông bắt đầu đóng cừ ngang sông,
ghép vỉ tre vào cừ, làm thành đập chắn, dồn nước vào một lạch chảy xiết sát bờ. Một giàn chừng
5 đến 10 bánh xe đặt ngang qua lạch. Giàn là một kiến trúc giống như sườn một căn lầu hai từng
gồm những cột gỗ đóng sâu vào lòng lạch, và những xà ngang dọc, nối kết vào cột, bằng dây
mây. Giàn có nhiều ngăn, và trong mỗi ngăn là một bánh xe. Xà ngang nâng bánh xe có khấc lót
sắt cho trục tựa vào. Mỗi bánh xe, có trục gỗ bịt sắt hai đầu, từ đó các nan gỗ dài 3m tỏa ra nâng
vành có bề ngang 1m. Tất cả đều ghép lại bằng những sợi mây, do những thợ chuyên nghiệp
làm. Những tấm vỉ tre cản nước 1m X 1m, được cột, cách khoảng đều đặn, vào đầu mút nan, sát
vành. Nước đẩy những tấm vỉ làm bánh xe quay trên trục. Các ống tre lồ ô, có đáy là mắt tre, và
có miệng hướng lên cao khi vành xe được nâng lên khỏi mặt nước sông, cột nghiêng 45 độ trên
vành, múc nước. Lên đến đỉnh, ống tre nằm ngang, trút nước vào các máng xối dẫn nước vào
ruộng. Giữa các bờ xe gió, là những hồ nước xanh biếc, phẳng lặng. Bờ cừ cũng chừa một lối
hẹp ở giữa dòng sông cho đò dọc đi lại. Hội Yên là một làng nông nghiệp ven sông Lại Giang, có
xưởng dệt vải Ba-ta (của dân tản cư từ Phú bông, Quảng Nam vào), có xưởng giấy sản xuất loại
giấy màu vàng sẫm (vì thiếu hóa chất tẩy bột giấy), có Ủy Ban Kháng Chiến Miền Nam
(UBKCMN) trấn đóng, nên cuộc sống ở đây có phần náo nhiệt. Với tôi, Lại Giang thay thế Thu
Bồn nơi quê cũ, cũng đầy ắp kỷ niệm thiếu thời: tắm sông, chèo thuyền...

21

Kháng chiến chống Pháp bước vào năm thứ sáu. Liên khu 5 từ Đèo Hải Vân vào đến Bình
Thuận, gồm cả Cao Nguyên Trung Phần là một quân khu lớn. Từ Đèo Cả vào Nam, toàn bộ Cao
Nguyên, và hơn nửa tỉnh Quảng Nam mạn Bắc, là vùng xôi đậu hoặc hoàn toàn nằm dưới sự
kiểm soát của Pháp, và chính quyền Quốc gia thời Bảo Đại, nhất là các thị xã, quận lỵ, và thành
phố. Vùng hoàn toàn do UBKC Liên khu 5 kiểm soát gồm nửa tỉnh Quảng Nam mạn Nam, tỉnh
Quảng Ngãi và Phú Yên. Năm 1952 Liên quân Pháp và Bảo an Đoàn, trong chiến dịch Atlante,
đổ bộ lên Qui-Nhơn, và Tuy hòa, (thành phố bỏ ngỏ do tiêu thổ kháng chiến), rồi lan tỏa ra các
vùng phụ cận, thu hẹp phạm vi kiểm soát của UBKC. Vợ chồng Bác sĩ Hoa, làm việc ở Bệnh
viện Song Thanh, gần Qui-Nhơn, phải di tản ra làng Hội Yên. Họ tá túc trong nhà ông Chánh
Bích, một địa chủ giàu có trong làng. Trang trại ông Bích là một khu vườn rộng lớn gần một mẫu
tây, có hàng rào xương rồng dày, kín, vây bọc bốn phía. Cổng vào là một ngôi nhà nhỏ, lợp ngói,
khép lại bằng hai cánh cửa lim. Tiếp theo cổng là lối đi vào nhà, giữa hai hàng dâm bụt cắt xén
đẹp mắt, và những chậu hoa lớn, trồng đủ thứ hoa nhiều màu, thơm ngát. Bóng mát những cây ăn
quả làm lối đi mát rượi. Rời lối đi rợp mát, khách bước vào sân gạch rộng lớn, chan hòa ánh
sáng, mà vào mùa gặt dùng để phơi lúa. Một dãy nhà dài, lợp ngói đỏ, có hàng hiên rộng, làm
thành chữ U, bọc hai bên và chính diện sân. Vườn sau dãy nhà là thế giới êm mát, rợp bóng cây
ăn quả. Gia đình tôi đã thuê một góc vườn, dựng một mái nhà tranh để ở. Chính vì thế mà tôi có
dịp gần gũi hai ông bà Bác sĩ Hoa.

BS Hoa đã tốt nghiệp Y khoa, đại Học Paris năm 1942. Vợ ông, bà Khương Băng Tuyết, tốt
nghiệp viện Quốc gia Âm Nhạc Paris khoa Dương cầm cùng năm ấy. Ông, quê Đà Nẵng, con
một phú thương. Cha ông có tàu buôn lớn, chở hàng đi về các cảng Sài gòn, Hải Phòng,Vinh, và
là chủ nhân những dãy phố cho thuê, dày đặc ở Đà Nẵng. Bà quê Sài gòn cũng con một đại phú
gia. Hai người đã quen biết nhau ở Paris, trong một buổi họp mặt sinh viên du học, và một tình
yêu lớn đã nảy nở, trong khung cảnh lãng mạn của kinh đô hoa lệ nhất Châu Âu. Sau ba năm say
đắm, tràn đầy hạnh phúc, cộng với nỗi mừng vui đỗ đạt, công thành, danh toại, họ hối hả về Việt
Nam để thành hôn cuối năm 1942. Lễ cưới được cử hành ở Sài gòn thật linh đình. Rước dâu về
Đà Nẵng phải thuê bao cả hai toa tàu hạng nhất. Lễ ra mắt cô dâu ở họ nhà trai cũng linh đình
không kém. Đám cưới xong, đôi tân hôn đi hưởng tuần trăng mật ở Ý, rồi ghé Paris để sống lại
kỷ niệm thân thương. Ba tháng sau họ trở về Đà Nẵng. Nhưng không phải là để mở phòng mạch
hành nghề. Cả hai ông bà đều là con một, và cùng kế thừa một sản nghiệp đồ sộ của đôi bên phụ
mẫu đã qua đời vài năm sau. Các nghiệp vụ doanh thương đã có những gia nhân thân tín đứng
cai quản, và hàng tuần báo cáo thu nhập. Vì thế BS Hoa thấy không phải hành nghề chi cho mệt,
mà cùng vợ hưởng thụ cuộc sống thư nhàn, đi du lịch khắp nước, từ Bắc, chí Nam. Họ giao du
rộng rãi và như Mạnh thường Quân, trong nhà lúc nào cũng đầy thực khách, và cả ba, bốn bàn
mạt chược. Nhưng biến cố năm 1945 dồn dập đến: Cách mạng Mùa Thu rồi Toàn quốc kháng
chiến. Pháp trở lại tái chiếm Đà Nẵng. Ông Cử Diện, cha BS Hoa, xưa kia đã từ quan thời Pháp
để xoay qua kinh doanh. Ông đã giúp đỡ rộng rãi phong trào yêu nước Đông du, cấp học bổng
cho học sinh giỏi và có chí hướng du học Pháp. Vì thế BS Hoa, cũng chẳng ưa gì chế độ thực
dân, đã chọn lựa đi tản cư, khi thành phố lọt vào tay Pháp. Hai ông bà đã gói ghém vàng bạc, nữ
trang đi vào tận Quảng Ngãi rồi Bình Định. Bà không quên mang theo đàn dương cầm, mà sự
chuyên chở kềnh càng tốn tiền không ít. Ngày mà bà chở dương cầm về Hội Yên, ít nhất phải
sáu người lực lưỡng mới đem được đàn xuyên qua cổng nhà ông Chánh Bích.

22

Ở lứa tuổi 16, lối sống của ông bà BS Hoa thu hút trí tò mò của tôi. Ông lúc ấy độ 30 tuổi, nét
mặt nghiêm nghị, thanh tú, trí thức. Bà khoảng 25, với vẻ đẹp quý phái, cân đối, khỏe mạnh,
đúng như lời thơ ông tặng bà lúc mới quen nhau:

...Xinh xinh sao thân nở đặn đầy
Xinh xinh sao đôi má hồng hồng
Xinh xinh sao nụ cười êm ái
Xinh xinh sao dáng đi quý phái
Xinh xinh sao vầng trán phẳng phiu
Xinh xinh sao mái tóc mỹ miều
Mái tóc xõa của tuổi xanh ngăn ngắt
Và đôi mắt, ồ đôi mắt
Là một trời tình tứ, ngây thơ..
Ngước nhìn, anh những thẫn thờ,
Nàng tiên tiền kiếp, trong mơ đây rồi...

Trong khi mọi người ăn mặc xuềnh xoàng với vải ta sần sùi, ông bà với áo quần vải vóc ngoại
mượt mà, trắng tinh hoặc màu sắc óng ả. Ban ngày khi ông đi làm ở bệnh viện Liên khu cách
Hội Yên một cánh đồng, bà ở nhà, làm bếp, trồng hoa, và nhất là đàn dương cầm cả giờ. Bà
không đi chợ mua đồ ăn, mà gửi tiền, nhờ người khác mua. Để tránh con mắt tò mò, ông bà ít ra
ngoài. Thảng hoặc có đi dạo trong làng thì lựa ban đêm, trên những hẻm mờ tối. Thấy tôi nghe
lén bà đàn, bà nẩy ý dạy tôi đánh đàn. Nhờ cách dạy tận tâm và có phương pháp, tôi tiến bộ
nhanh. Tôi bước vào thế giới huyền diệu của âm thanh qua các bài menuet đơn giản nhưng réo
rắt, những bài Songe d'été, Princesse Czardas, La prière d'une vierge, La chapelle au clair de
lune, Lettre à Élise, v.v... dịu dàng thơ mộng. Những bài bà đàn thì rất khó và dài dặc của những
nhạc sĩ cổ điển nổi danh, như Beethoven, Bach, Mozart, Chopin, Mendelssohn, Brahms, cùng rất
nhiều nhà soạn nhạc khác mà tôi không nhớ hết. Tôi nghe tâm tình bà qua bài “sonate au clair de
lune” của Beethoven, lúc xao xuyến, lúc hối tiếc, giận dỗi và sự thanh thản cuối cùng. Bà kể tôi
nghe Beethoven lúc nhỏ đã bị cha xiềng chân vào đàn, để tập đánh đàn cả ngày cho giỏi. Bà cũng
kể uy lực của âm nhạc qua chuyện nhạc sĩ nầy có cô học trò cũ đến thăm, thổ lộ ông nghe nỗi
buồn vô vọng vì đứa con mới chết. Ông không nói gì, ngồi trước dương cầm, dạo những khúc
nhạc êm ái đến nỗi một giờ sau, người học trò thấy lòng thanh thản trở lại, vơi đi nỗi buồn mất
con... Bà cũng kể khi mới về làm dâu, cha mẹ chồng nghe bà tốt nghiệp dương cầm, bèn bảo bà
đánh đàn cho nghe. Ngồi trước phím đàn, bà e lệ hỏi:

-Thưa ba mẹ muốn con đàn bài gì?

Bà mẹ chồng âu yếm bảo:
-Con đàn sáu câu vọng cổ cho ba mẹ nghe.

Bà đã khóc thầm, trong bụng thấy tủi, vì công phu mình học thật quá thừa để đàn 6 câu vọng cổ
đơn giản. Phải chi nói mình đàn sonate của Beethoven hay mazurkas của Chopin cho thỏa chí.

Qua những chuyện bà kể, qua đối thoại tâm tình của hai ông bà, tôi biết mối tình họ được xây
đắp trong sự hài hòa, quên mình, lắng nghe nguyện vọng của nhau để đem lại niềm vui cho
người mình yêu. Tôi biết được Paris có sông Seine chảy về hướng Tây (nước ta phần lớn sông

23

đều chảy về Đông) và chia Paris thành hai phần Nam (tả ngạn), Bắc (hữu ngạn). Trung tâm thành
phố là nhà thờ Notre Dame nằm trên cù lao giữa dòng sông Seine. Từ trung tâm ấy, Montmartre
với đền thờ Sacré Coeur ở hướng Bắc. Hướng Nam là Montparnasse. Quảng trường Bastille ỏ
hướng Đông. Tháp Eiffel cao vọi ở hướng Tây. Vì những cuộc hẹn hò trên các nẻo đường Paris,
mà họ thuộc thành phố rộng lớn nầy như trong lòng bàn tay, chỗ nào có cà-phê ngon, chỗ nào có
tiệm ăn Việt Nam, tiệm Mandarin bán tới con vịt số mấy. Họ tìm kỷ niệm nhiệt đới ở đường
Cherche Midi. Họ đi trên “bâteau mouche” để nhớ lại kỷ niệm chuyến đi trước. Họ lang thang
trên những nẻo đường ngoại ô, tay cầm tay, nói không bao giờ hết chuyện như: -“trời hôm nay
đẹp”õ, -“ừ, trời hôm nay đẹp thật” –“anh có nhớ mình quen nhau lúc nào?”, -“Em có biết tối qua,
nhớ em không ngủ được” v.v...

Ông Chánh Bích có một thuyền gỗ dài độ 10m. Giữa thuyền là một căn nhà nhỏ 3m X 4m có mái
lợp cót che mưa nắng, có cửa sổ treo rèm hai bên, có cửa ra vào, đằng lái và đằng mũi. Trong
nhà nhỏ có một bộ bàn ghế tiếp khách. Thời trước ông hay đi lại trên Lại giang, hoặc tiếp đãi bạn
bè trên thuyền nầy. Nhưng từ ngày Cách mạng Mùa Thu, ông biết chính quyền không ưa gì lối
sống tư sản, nên ông không dùng thuyền nữa, mà chỉ cho mượn đãi khách. Ông bà BS Hoa đã
mượn thuyền để thưởng thức vẻ đẹp đêm trăng trên Lại giang, nhân kỷ niệm 10 năm thành hôn.
Vì biết chèo thuyền nên tôi được tháp tùng hai ông bà. Hôm ấy cũng có BS Đồi, đi xe đạp trên
100km, từ Quảng ngãi vào thăm. Chúng tôi 4 người, đợi hoàng hôn xuống, mới rời nhà ra bến
xưởng giấy, mang theo đèn cầy, trà, bếp cồn cùng đồ ăn. Trăng rằm đã lên ở chân trời, tròn,
sáng. Hàng dừa hai bên bờ sông, lá đung đưa theo gió, lấp lánh ánh trăng. Mặt nước phẳng lặng
in trăng xuống đáy, lan tỏa những vòng vàng rực.

Chúng tôi xuống thuyền. Tôi mở dây buộc thuyền và ra sau lái khua chèo, nhẹ nhàng đẩy thuyền
ra giữa sông. Đến nơi tôi thả neo, giữ thuyền đứng yên một chỗ. Tôi giúp khiêng bàn ra đằng
mũi, chúng tôi ngồi vào bàn, im lặng ngắm vẻ đẹp chung quanh: Bầu trời có ít vẩn mây, sâu
thẳm. Trăng lên cao một ngọn sào trên chóp hàng dừa, tỏa ánh sáng bàng bạc trên sông. Dàn xe
gió lấp lánh dưới trăng, nước đổ ra trên máng xối như những dòng bạc sáng lung linh. Tiếng
nước đổ rào rào, tiếng trục xe gió mài trên đà nâng, rên rỉ kéo dài nghe thật buồn. Tình tự xa quê
nhà vì tản cư, nỗi khổ chiến tranh, làm chùng lòng mọi người. Bà BS Hoa lên tiếng trước phá tan
im lặng: “Tôi vào trong pha trà, nấu chè và sửa soạn thức ăn.” Tôi vào giúp bà và để hai bác sĩ
ngồi tâm sự với nhau. BS Đồi có mang theo một hộp phó mát Canembert và hai ổ bánh mì dài.
Ông có người bà con, là gián điệp nhị trùng, đã lén mang những thức ấy từ Đà Nẵng vào cho
ông. Vì muốn chia với bạn thân, ông phải giấu của “quốc cấm” ấy vào xách tay, và lặn lội đường
xa. Tối hôm ấy, sau khi chúc vợ chồng BS Hoa tràn đầy hạnh phúc, chúng tôi bắt đầu ăn bánh mì
với phó mát, mà gần 7 năm không được ăn, một món ăn không có gì đặc biệt ở Paris hoặc Đà
Nẵng, song trong hoàn cảnh tản cư hiện tại, quả là ngon tuyệt, mặc dù bánh mì đã lâu ngày,
không còn giòn và ngọt. Hai ông bác sĩ còn uống thêm rượu đế, để giải sầu. Sau đó tráng miệng
với chè đậu xanh đánh, mùi vị rất ngon, mà bà BS Hoa đã nấu từ chiều với một “recette” đặc
biệt. Cuối cùng là uống trà Bắc Thái, mà một cán bộ miền Bắc vào, tạ ơn BS Hoa đã chữa trị cho
anh ta bệnh sốt rét. Trà ngon thơm, và làm mọi người tỉnh ngủ. Hai bác sĩ, ngồi giữa sông, không
sợ tai vách, mạch rừng, đã phê bình những mưu toan UBKCMN che đậy dã tâm xích hóa cuộc
kháng chiến, dành công đầu cho đảng Lao động, một đảng Cộng sản trá hình. Sự bất mãn của họ
giải nghĩa vì sao họ trốn về thành, chừng sáu tháng sau cuộc gặp gỡ trên. Trăng đã xế về Tây
lạnh lùng, xa vắng. Chúng tôi đi nghỉ. Hai vợ chồng BS Hoa trải chiếu nằm trong phòng nhỏ. Tôi

24

và BS Đồi nằm dưới trăng ở mũi thuyền. Vì uống trà, tôi trằn trọc, khó ngủ, và nghe vợ chồng
BS Hoa to nhỏ, âu yếm. Đến gần sáng thì tôi chợp mắt ngủ.

Cũng nhờ có tiền, ông bà BS Hoa đã móc nối với ngư dân ở Tam Quan. Một ngày cuối tuần họ
giả đi tắm biển. Trong đêm tối họ xuống thuyền buồm, ra khơi. Chuyến đi trót lọt, và hai ngày
sau họ đã về đến bãi biển Sơn Chà. Trình diện với cơ quan an ninh thành phố xong, ông bà được
bạn bè cũ đến bảo lãnh. Vì ngôi nhà cũ bị lính Pháp trấn đóng, ông bà phải lang thang sống nhờ
người quen, đồng thời mướn luật sư, tìm cách lấy lại tài sản cũ. Lúc ra đi tản cư vội vã, không
mang theo giấy tờ sở hữu nhà đất. Giấy tờ của sở nhà đất chính phủ cũng bị cháy rụi, lúc giao
tranh trong thành phố. Các nhà cho thuê nay có chủ mới. Riêng những tàu buôn thì phần bị phá
hoại, lúc Pháp tái chiếm cảng Đà Nẵng, phần bị trôi dạt mất tăm. Tài sản bên bà BS Hoa ở Sài
gòn lại càng khó thu hồi lại được, vì không tìm lại được gia nhân cũ, và những chứng từ sở hữu.
Vì cứ đinh ninh sẽ trở về lối sống nhàn nhã trước kia, hai ông bà theo đuổi kiện tụng, cả ở Sài
gòn và Đà Nẵng. Rốt cuộc chỉ đòi lại được hai căn nhà nhỏ, nhưng phải bán đi để lo luật sư. Thế
là phải lang thang sống nhờ bạn bè. Nhưng tình bác ái lâu ngày rồi cũng mệt mỏi. Bạn bè xa
lánh, và có người nói xúc phạm. Hai ông bà thấy tủi nhục, ôm nhau khóc lóc cho tình đời đen
bạc. Ông bà bàn định sẽ cùng nhau tự tử. Thuốc ngủ đã mua hai liều mạnh. Trong tuyệt vọng não
nề, bỗng ông sực tỉnh:

-“A quên mình còn cái bằng Bác sĩ.”

Thế là hai ông bà đứng lên, hăng hái kiến tạo cuộc đời mới. Họ vay mượn bạn bè ít vốn để mở
phòng mạch. Ba năm sau họ đã trang trải được nợ nần, mua xe, mua nhà, có đời sống ổn định và
tìm lại hạnh phúc ngày xưa. Gia đình có thêm hai đứa con, một trai, một gái. Ông không quên
mua cho bà một đàn dương cầm mới. Trong nhà lại dập dìu tiếng nhạc rộn vui, thanh thản. Thời
đệ nhất Cộng hòa ông làm ty trưởng y tế Đà Nẵng, đồng thời là giám đốc bệnh viện thành phố.
Khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào Việt Nam và leo thang chiến tranh, có những đoàn văn nghệ từ Mỹ
sang, đi khắp chiến trường, biểu diễn cho lính Mỹ xem, để nâng cao tinh thần chiến đấu của họ.
Có một đoàn văn nghệ biểu diễn quanh Đà Nẵng trong nhiều tháng, trong ấy có một nhạc sĩ
dương cầm Mỹ trẻ, tên gọi là Bill, tốt nghiệp âm nhạc viện Nữu Ước. Anh chỉ là Trung sĩ, chắc
là để thi hành nghĩa vụ quân sự. Đoàn văn nghệ ấy, gồm nhiều ca sĩ nổi danh, có lần giúp vui cho
bệnh nhân Bệnh viện Đà Nẵng trong dịp Giáng sinh. Phần lớn họ hát các bài thánh ca như Jingle
Bell, Silent Night, v.v... Cảm động nhất là các ca sĩ ngoại đã hát những bài thánh ca Việt như bản
“Đêm đông” của nhạc sĩ Hải Linh. Bill và bà Băng Tuyết đệm đàn, rồi không biết vì sao, hai
người lại cho hội trường thưởng thức độc tấu dương cầm , bà với bản Rhapsodie Hongroise của
Litz, Bill với bản Lieder của Brahms. Họ âm thầm so tài và mọi người đều bị lôi cuốn bởi dòng
nhạc êm ái, điêu luyện. Sau đêm biểu diễn ông bà BS Hoa mời Bill đến tư gia ăn những món đặc
sản Việt. Bà Tuyết và Bill lại có dịp bàn luận về âm nhạc. Bill xuất thân gia đình vọng tộc, nói
tiếng Pháp thạo, vì đã từng qua Paris học hỏi dương cầm. Chàng lại đẹp trai, khiêm nhường, ăn
nói có duyên và nhiệt tình. Bà Tuyết được trời ưu đãi, trẻ lâu, lúc ấy tuy gần 40, song da dẻ vẫn
mịn màng, đẹp mà không cần son phấn. Hai người phục tài nhau, và cùng một mê say: nhạc
dương cầm cổ điển. Từ đó, Bill thường đến nhà bà Tuyết và hai tâm hồn đa cảm làm giàu cho
nhau bằng những khám phá lý thú bên đàn dương cầm, thâm nhập vào sự tinh anh, tài ba, xuất
thần của các nhạc sĩ thiên tài.

25

Sở dĩ tôi biết được các chi tiết trên về gia đình BS Hoa vì sau khi ông bà về thành, gia đình tôi
cũng hồi cư về làng cũ. Tôi ra Huế tiếp tục học, rồi vào trường Y Sài gòn. Khi đi học cũng như
khi ra trường, tôi vẫn thường xuyên đến thăm ông bà. Lúc về Tổng Y Viện Duy Tân, cuối tuần
tôi thường chơi mạt chược ở tư thất ông bà. Kết thúc bi thảm sau đây tôi đã cố tìm hiểu, và cho
đến nay nghĩ đến tôi vẫn còn bàng hoàng:

Sự đi lại thân thiết giữa bà Tuyết và Bill đi vào một ngã rẽ định mệnh. Không hề nghi ngờ lòng
chung thủy của vợ, bỗng một hôm, sau một ca mổ căn thẳng, BS Hoa đột nhiên muốn về nhà
nghỉ ngơi. Mở khóa vào nhà, phòng khách không có ai, trong nhà im ắng. Ông đoán là vợ đi phố
và các con đều đến trường. Ông lặng lẽ đi vào phòng ngủ và thấy Bill ôm vợ mình, hai người say
sưa trong giấc ngủ. Ông choáng váng, lặng người, song cũng vẫn bình tĩnh, không làm ồn ào.
Khóa cửa nhà lại như cũ, ông trở lại nhà thương làm việc. Chiều đến ông về nhà, xem như không
có gì xảy ra. Trong bữa ăn tối ông vẫn vui vẻ trò chuyện với vợ và con. Nhưng tối đó ông không
vào phòng ngủ như thường lệ. Bà Tuyết có trực giác là có điều gì nghiêm trọng. Bà trăn trở, và
cuối cùng ra phòng làm việc của chồng. Đèn vẫn sáng. Đồng hồ phòng khách ngân nga điểm hai
giờ. Chồng bà gục đầu trên bàn viết, thân thể bất động, chùng xuống trên ghế bành rộng. Hai
cánh tay xoải trên bàn, đè một lá thư. Như cái máy, bà rút lá thư xem:

“Em thân yêu. Em hãy xem cái chết của anh như một tai nạn xuất huyết não cấp tính, và làm ma
chay bình thường, để khỏi gây những lời dị nghị, có hại cho em và cho con cái chúng ta. Anh
vẫn yêu em như thuở ban đầu, và cầu mong em thanh thản, yên vui trong hạnh phúc mới. Riêng
anh đã ích kỷ chọn sự yên lặng của nấm mồ.”

Trong hốt hoảng bà điện thoại cho tôi đến gấp. Năm phút sau tôi đã có mặt ở nhà bà. Khám xác
và nhìn lọ thuốc ngủ trên bàn, tôi biết BS Hoa đã dùng một liều cực mạnh, và đã tắt thở từ lâu.
Thể theo lời người quá cố, tôi đứng ra lo việc ma chay long trọng, mà hầu hết những nhân vật tai
mắt của thị xã đều đến phúng điếu, song không mảy may hay biết sự tình, chỉ thương tiếc BS
Hoa đã sớm ra đi vì bạo bệnh.

Chừng ba tháng sau tang lễ, bà BS Hoa xuống tóc, vào tu ở một ngôi chùa gần nhà. Bà từ biệt thế
giới dương cầm, âm nhạc. Bà buộc vợ chồng tôi dọn về ở nhà bà, tiếp tục coi sóc phòng mạch
của chồng bà, và theo dõi hai con bà nay đã vào Đại học ở Sài gòn.

Vì sao BS Hoa đã chọn cái chết? Có lẽ vì quen sống trong tiện nghi, cuộc đời không có những
thử thách, lao đao, nên sự thích nghi, đối đầu với biến cố rất yếu. Ông đã có một tình yêu lớn,
ông trân quý, xây đắp, và là nơi trú ẩn an toàn cho ông . Ông đã tìm thấy ở đó hạnh phúc lớn nhất
của mình. Nhưng biến cố xảy đến, làm cho lâu đài tình ái của ông sụp đổ tan tành. Những điều
đẹp đẽ ông trân quý trở nên xấu xa, đen tối không phương cứu vãn. Ông thất vọng não nề. Ông
quan niệm cuộc đời quá đẹp. Ông không chấp nhận sự yếu đuối, bội phản. Thật ra vợ ông chỉ là
yếu đuối, mà không bội phản. Thiên chúa Giáo khác Phật Giáo ở điểm căn bản. Phật giáo hoàn
toàn đặt sự giải thoát khỏi thất tình, lục dục bằng sự tự chủ bản thân, nghĩa là chỉ ta cứu lấy ta.
Trái lại Chúa Jesus đã nói: “Linh hồn, thì siêu thoát, nhưng xác thịt yếu đuối.” Sai lầm là nhân
bản (to err is human). Biết con người yếu đuối tội lỗi nên Chúa đã đổ máu ra cứu chuộc nâng đỡ,
và sẵn sàng thứ lỗi, khi con người biết hối lỗi và trở về với đường ngay, lẽ thẳng. Sự cứu rỗi con
người không thể tự người làm được, mà phải nhờ vào sự cộng tác, dẫn dắt của Thượng Đế. Bởi
người là người, không phải là thần thánh. Tự biết mình yếu đuối, và thấy sự yếu đuối của người
khác là sự cao cả của con người. (la grandeur de l'homme est grande en ce qu'il se connait
misérable, et aussi en ce qu'il a vu la misère d'autrui). BS Hoa phải rộng lượng thứ lỗi cho sự yếu

26

đuối của vợ. Sự im lặng của ông thật đáng ca ngợi, để tránh những đổ vỡ to lớn hơn nữa. Nhưng
ông đã ích kỷ tìm sự im lặng của nấm mồ. Ông không biết như thế là làm tan nát tấm lòng yêu
thương chân thật của vợ ông, và mối tình lớn mà hai người un đúc sẽ đứt đoạn. Ông phải chấp
nhận đau thương, để tình yêu thêm sâu sắc và biết hy sinh hơn nữa. Ông đã làm vợ ông từ bỏ một
sự phong phú, giàu có tâm hồn là âm nhạc, vì bà cho đam mê nầy là đầu mối của sự sa đọa.

Một tục ngữ Đức có nói:“Khi người ta đưa quỷ nắm ngón tay, nó sẽ chụp luôn cả cánh tay.” Một
cách tránh xa quyến rũ tội lỗi, là đừng bao giờ thử xem một tí. Đây cũng là bài học quá muộn
cho bà Tuyết. Trong thâm sâu tâm hồn, bà đau khổ biết bao, khi thấy chính lỗi lầm mình đã đưa
chồng vào tuyệt vọng. Tôi thường hay đến chùa thăm bà và đàm đạo với bà về triết lý nhà Phật.
Bà đã tìm lại được sự thanh thản tâm hồn ở cửa thiền, và sự tương thông với người chồng quá cố
thân yêu. Bà tận tâm trong công việc từ thiện của Chùa. Nhưng điều làm tôi vui mừng nhất là bà
đã cho mang đàn dương cầm của bà vào chùa. Bà đã trở lại với âm nhạc để tìm lại sự an bình
mới. Bà đã sáng tác nhiều ca khúc thâm trầm siêu thoát, mà mỗi khi tôi vào thăm, bà đàn cho tôi
nghe. Đó là những truyền cảm linh thiêng của người mẹ thứ hai trong đời tôi. Tôi ra về với tâm
hồn thơ thới và những quyết tâm mới. Tôi đã cùng nhà chùa tổ chức các buổi trình diễn dương
cầm của bà cho mục đích từ thiện. Chắc nhiều thính giả lúc ra về cũng thấy cõi lòng hân hoan
thơ thới, ít nhất là vì dư âm của những dòng nhạc bất tận, huyễn hoặc, thâm trầm, và cũng có
những tâm hồn đồng điệu nhập vào sự huyền nhiệm của tình yêu, sự sống và tài ba, qua sự sắp
xếp thần kỳ của tiết tấu và âm thanh, thoát ra dưới ngón tay huyền diệu của ni-cô Băng Tuyết.

Riêng với Bill, tôi đã báo tin cho anh ta về cái chết của BS Hoa. Anh ta có gửi vòng hoa phúng
điếu, và không dự đám tang theo lời khuyên của tôi. Sự có mặt một ngoại nhân có thể gây dị
nghị. Thư anh gửi cho bà Tuyết sau đó, tôi đã hủy đi hết và dặn anh nên chỉ liên lạc với tôi. Anh
có trao đổi với tôi nhiều ý kiến hay. Anh nói là những năm cuối trung học Loyola, tại thị trấn quê
anh, do các linh mục dòng Tên (jesuites) cai quản, anh đã học qua nhiều khóa giáo lý. Khi nói
đến hôn nhân, các linh mục giảng dạy nhấn mạnh, là phải giữ thanh khiết trước ngày thành hôn.
Ở Mỹ hiện nay trong các trường trung học, có những hội đoàn thanh niên nam nữ, thệ giữ đồng
trinh (virgin) trước khi lập gia đình. Giáo lý đưa ra nguyên tắc là không được tách rời tình yêu ra
khỏi nhục dục (sex). Chỉ tìm thú vui xác thịt là tội lỗi. Anh nói:

-“Tôi đã xem thường điều giảng dạy trên, và hậu quả là đổ vỡ và hối tiếc không nguôi. Trong 10
giới răn mà Moise nhận lãnh từ Thượng Đế có điều: chớ lấy vợ chồng người. Tôi đã phạm tội
trọng (péché mortel).”

Sau nầy khi tôi qua Mỹ, tôi có đến nhà anh chơi. Anh đã 60 tuổi. Anh kể là sau khi giải ngũ, anh
trở về dạy âm nhạc tại trường trung học Loyola, ở Wichita, quê anh. Anh đổi qua chơi phong
cầm cho các nhà thờ. Anh rất mộ đạo và đã yên vui xây dựng gia đình gương mẫu trong giáo xứ.
Anh khoe với tôi, các con và cháu của anh đều là hội viên hội “Thệ giữ đồng trinh trước ngày
thành hôn.” Trên góc bàn thờ Chúa trong nhà có để ảnh bà Tuyết ngồi trước dương cầm lúc ở Đà
Nẵng. “Như thế để nhắc nhở gia đình tôi cầu nguyện cho bà”, anh nói. Trầm ngâm giây lát anh
thêm: “Những tình cảm sôi nổi, những thị hiếu nhất thời, những say mê của trào lưu mới, những
thú vui thân xác, theo thời gian sẽ qua đi, nhưng đạo đức, luân lý, bổn phận, trách nhiệm, tự chế,
khắc kỷ, là trường cửu, và là những yếu tố tạo nên giá trị của con người.

Khánh Giao

27

The Vietnamese

Across this magnificent universe
from the four corners of this wonderful earth

emerged a people, simple but resolute,
upholding their own uniqueness

They have never been the strongest
and certainly they are not the grandest

but truly they believe
good deeds shall prevail over evil

They have never been the brightest
and certainly they are not the proudest

but truly they believe
in righteousness and justice

They rose up against the mightiest
persistently and decisively they resisted

and kept out from their homeland
slave chains of adversaries

In three great wars they crushed Genghis Khan’s army
Countless times they thwarted the northern fleets

From Asian invaders to European colonialists
All intruders were vanquished in time

28

Across this magnificent universe
from the four corners of this wonderful earth

emerged a people called the Vietnamese,
the Exceptional People of the South
Their land is not among the best fertile
often dried and sometimes flooded
but they nurture with warm heart and mind

to cultivate fine yields of life
They have never been the wealthiest
but they’re among the most generous

endowed with brave souls and vibrant spirit
channeling love to overcome sufferings
Defying history’s vicious politics
Millions conquered the Pacific’s challenge
with nothing but kindness and love
of the Exceptional People of the South
Their journey has never ended
but evolved and kept evolving
to illustrate the compassion in love,
in tragedy and triumph throughout life
Across this magnificent universe
from the four corners of this wonderful earth
emerged a people with kindness and love,
the Exceptional People of the South.

Lloyd DUONG

29

Mother in Memory

Mom, far away from home
I still carry your beloved image.
Days and nights
my soul dreams of visiting you.

Over here it’s winter.
Falling snow isolates my soul
buried in memory of past Springs
when you held your children in happy times.

Spring just arrived in our homeland.
The sun came, flowers blossomed.
Everyone waits for the lunar year to come.
Mom, you must be sad?

Mom! I can never forget.
All your life you took care of us,
spent your happiness, dreams
to raise your children…

The situation caused me to leave.
The homeland changed, people remain apart.
So many cry in silence.
The vast ocean has buried so many lives!

This Tết I am still far away from you.
I can’t return for a visit.
In foreign land, I always remember
my beloved mother with the highest respects!

Lê Hữu Liệu

30

Time

I was born in my homeland
where we called the Pearl of the East
with great mountains and beautiful rivers
with people who are simple but dedicated.
But the dream of peace keeps slipping away
as the Northerners invaded our land.
Many losses. Many families suffered,
asphyxiated by the emptied promise of liberty.
Democracy, human rights are detained in dark cells
as the enemy continues to attack our ancestry
and destroy our 4000-year culture.
More than four decades I am still longing
for justice released from the deep dungeon
to break the chains and remove the foreign sacks.
When will my homeland attain democracy
for the flame of liberty burns brightly?
When will my people achieve happiness
and sing the song of justice and compassion?
My tears flow with my awaken soul
When will, when will the time come?

Sean Nguyễn

31

For Ever and For Always

My Darling, I was mystified
Mystified truly I was

by the secret invite portrayed on your lips
the unspoken gifts concealed in your eyes
the triumph of love prevailed from your thought
I am still mystified, truly, my Darling

for ever and for always
My Darling, I was amazed
Amazed truly I was

by the innocence perfecting your mind
the genuine kindness revealed in your charm
the calmness graced by your presence
I am still amazed, truly, my Darling

for ever and for always
My Darling, I was dazzled
Dazzled truly I was

by the romance flown from your soft voice
the unique choice of your elegant fragrance
the magnificence of your gentle touch
I am still dazzled, truly, my Darling

for ever and for always
My Darling, I do remember
Remember truly I do

the great moments we often had
the arch challenges that we’d overcome
the wisdom of love, care and sharing
I do remember, truly, my Darling

for ever and for always

Lloyd Duong

32

The Color of Her Dress

Quietly sitting at a table, before a glass of beer that still had one third of the alcohol, with his
head leaned forward, he was repeating what everybody could hardly hear. There was only one
thing they could notice was his constant smile. Once in a while he looked at the street as if
waiting for someone. It was a few days ago, he began to come to this restaurant, looking for a
seat at a hidden corner, ordered a bottle of Heineken beer and a pack of cigarettes “three
numbers”, and nothing else. He sat there from early morning to late in the afternoon.

He looked at nobody and paid no attention to the other diners who came in and out. Neither did
he care to notice the unpleasant face of the waitress who approached him to pick or wipe
something off the table near him. The day before, he still gave the owner a smile when she
greeted him. It was past noon at that time, she intentionally did some actions to let him know that
he was sitting there too long with so many cigarette butts but only an empty bottle of beer. He
ignored her and acted like a Hanoi resident, considering nothing happened.

The next day, he showed up again sooner and went right to the table he had chosen at the corner
as usual ordering a pack of cigarettes and a bottle of Heineken beer. He occupied the corner table
and repeated the same activities. Every time he came in, he attracted everybody’s attention.
When he came late, they whispered and discussed about his strange attitude. They guessed that

33

he was sick, kicked by a bull, really injured or involved in an accident etc…” All of a sudden, he
had become a phenomenon!

He looked elegant and very manly in a light blue shirt tucked in a pair of chestnut pants, a pair of
shining black shoes, with a long chocolate coat, his hair recently cut short, framing the perfectly
square shape of his face. He drove a brand new white Lexus. With those nice appearances, the
waitress and her boss could not deny his service. He courteously bowed his head to say hello
before he went to the same seat at the corner. He also smiled whenever he ordered beer and
cigarettes. In addition, he also left tips on the table. He silently sat in his own dream, his head
bowed, his lips moved softly, and every now and then he looked out waiting for someone or
something. A few days passed, his cell phone laid on the table, next to his cigarettes. He had not
made a call and his cell phone had not rung once during his stay there.

Spring has come to our motherland but it is still winter here. Winter starts from October till
March. Our Lunar New Year falls on somewhere between February and March. It turns cold for
now and I have been sitting here from morning to late afternoon before taking over my shift of
duty in order to hear your voice. But you did not call me even once. My phone was on the desk
and I was waiting every minute for your lovely phone ring. My darling, I never feel negative
about our happiness even without you by my side, without your phone call or you did not come
see me… But I still feel happy while waiting. One usually says: “How happy and romantic for
someone to wait for the lover”. I knew you misplaced your phone somewhere, so I did not call
but waited for your call instead!

You know dear, I was waiting for you from dawn to dusk so that both of us will place a special
order of food you love. At our first acquaintance, you usually asked me to take a long drive
under severe weather in Northeast to buy the food you enjoyed. That kind of dish made of fish
and vegetable is available and more delicious here in Southern California with warmer climate. I
was sitting here slowly drinking a bottle of beer and feeling the happiness running from heart to
tongue. The bitter taste of lures me into dream of happiness on our first days of acquaintance.
My stomach was growling. My senses of smell and taste were facing toward the flavor of food
on nearby tables. I did not want to order food for myself but waited for your arrival so that we
enjoy food together. The music “Letter à Elise” in the restaurant with fingers sweeping on the
piano keyboard, the cigarette turning short waiting in lonely happiness and lasting hope…!
Oh, my darling!

I was told you had gone. I was also warned that all my hopeless waiting will become an
illusion…But I never believed that you had gone by yourself without me. Don’t you remember
that we were always together like shadows unless I took over my shift of duty? I never believed
in gossips that you had died. And I never believed that you were lying in the coffin I was forced
to follow during the funeral.

Everybody told me a lie. Our best friends have mercilessly spread the unreliable rumors to divide
our love. I still remembered that day, while I was trying to solve some problems in my company,
then the phone rang. I was told by police that you were hit by a truck when you were crossing the
street on the way to the market to buy something for our dinner. I hurried to the hospital and saw
you there probably sleeping. But you were still talking to me, answering all my questions.

34

You followed me wherever I went. I went smoking at the balcony. You also followed me there
and smiled without saying but giving me a kiss on my cold lips.

Everybody whispered that I lost my mind and kept talking nonsense. Our schoolmate at UCLA
named Bach acted like a counselor. He urged me to think it over, to look at reality, to better
understand…But in the end, both friends and relatives are liars, giving no assistance. They do not
worry about our happiness. Sometimes they are jealous of our happiness and success. They also
talk bad about us so that we no longer love each other. I definitely believe that you never left me.
We left our country because of its change. We love each other because of mutual dreams. Our
home was result of our sweat. How could you dare leaving me with a lonely large house?
My darling, I must definitely look for you and wait for your return…

He looked at his watch then stood up, not forgetting to leave some tips for the waitress. On the
way out he slowly and courteously said goodbye to the owner and slightly bowed his head in
front of several customers along the aisle. As the sun died down in late afternoon, he entered the
car and started the ignition…
“Madam, who the hell is that so nice looking guy?”
“What? Why do you say awkward? The owner replied.

The owner left the register to join some friendly customers who usually spent their weekends at
her restaurant to enjoy “sheep meat stewed with herb”. Every Saturday afternoon, all tables were
taken, not very noisy, but smell of cigarettes, beer, food together with the noise of bowls and
chopsticks touching one another created an attractive and lovely atmosphere. After taking a seat,
the owner importantly cleared her throat,
“You guys know, for the past several days, he came here, sitting at the corner table and quietly
stayed there from morning until this time around four o’clock in the afternoon. And the same
thing happened every day. He finished one after another pack of cigarettes, but only one bottle of
Heineken beer. He looked great with nice clothes and courteous dialogue. But whether or not he
was inspired by ghost to become so quiet, paying no attention to anybody and anything...!”
The customer dressed in short sleeve red shirt bounced his glass of beer on the table, interrupting
the owner, “That’s enough, I know who he is!”
“What do you know? Asked the customer at the corner table while enjoying his mutton.”
“Is it okay to treat me one bottle of beer Madam, I must be right.”
“I reward you with a whole case not only one bottle of beer.”
“Do not forget…Ok, He fell in love with you so he pretended to be love sick and wanted to be
your security guard.”
Not waiting for the owner’s reaction, the other waitress although busy to clear the table still
turned around and said, “I don’t believe you. If he fell in love with Madam Owner why he did
not say a word and stare at anybody. He just turned his attention to the street, saying something
soft in his mouth, ignoring everything.”
“He wanted just to play a role.”
“One day, I approached him and intended to start a story. I am just about sitting down then he
opened his mouth, “Please leave me alone!”
From that day on, I dared not come close to him.
The same thing happened to Loan who planned to ask if he wanted something he uneasily
replied, “Leave me alone, it’s not late for ordering when another person comes.”

35

“Madam is right. How weird such a person! He may be inspired by ghost. He physically sat there
but his mind may wander somewhere in the world, the clever waitress added.
Someone who looked like you was walking very swiftly on the other side of the street. Is that
really you? Oh, it was too late. How could I reach you on time? Why are you in such a hurry?
Don’t you know that I am waiting for you on this side of the street? Sure, it was you in a light
blue blouse, a pair of jean and long hair! It must be you!
He stood up fast, running out of the restaurant and crossing several car parking lots. He left his
own car where he parked, running straight to the other side of the street. He was nervously
running along side with the main street with heavy traffic on both sides. The figure of a young
girl who looked like his wife, wearing a light blue blouse, appeared and disappeared on the other
side of the street. He stumbled and hit some pedestrians. He tried to spot but lost his wife in the
crowd. His shirt was soaked with sweat. He was breathing hard, feeling very exhausted. But he
was determined to catch his wife. She could not hear his voice. He called her while running,
“Suong, wait for me… It’s me here!”
He could not wait until he reached the green light nor could he wait another second, when she
changed into narrower lane on the other side of the street. If he was slow, how could he find her?
He jumped on the street, trying to cross it despite the speeding cars. He screamed her name while
looking at her figure. He paid no attention to his surroundings. He just wanted to reach the girl
who had disappeared in an alley. The sound of cars skidding, honking and people howling was
heard.

The traffic was suddenly stopped…Then his body was seen on the street, with his mouth still
calling his wife’s name. Fresh blood was running out of his nose. People were gathering around
him and began chattering. Two of them were women from the restaurant.
Lê Anh Dũng

36

Tường Trình về Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ 84

Trải Nghiệm với Sự Thật: Tự Do, Sự Thật, Đa Dạng

Experiments with Truth: Freedom, Truth, Diversity
Pune, Ấn Độ 25-29.9.2018

Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ 84 (the 84th PEN International Congress) được tổ chức tại thành
phố Pune, Ấn Độ, cách thủ phủ tài chánh Mumbai (Bombay) khoảng 3 tiếng lái xe vượt vùng
cao nguyên và qua nhiều đường hầm xuyên núi. Đại Hội VBQT kỳ này có chủ đề là Trải
Nghiệm với Sự Thật: Tự Do, Sự Thật, Đa Dạng và do Trung tâm Văn Bút Nam Ấn Độ tổ
chức từ ngày 25 đến 29 tháng 9, 2018.

Phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại bao gồm Chủ tịch Dương Thành Lợi, Phó Chủ tịch
Lê Hữu Liệu và Tổng Thư Ký Nguyễn Thanh Sơn là một trong vài phái đoàn đông nhất; đa số
các trung tâm Văn Bút khác chỉ có một hoặc hai đại biểu.

Đại Hội Đồng VBVNHN chính thức khai mạc vào hôm 26-9-2018 lúc 2:00 trưa bắt đầu với diễn
văn chào mừng của Chủ tịch VBQT Jennifer Clement. Sau đó Đại Hội Đồng duyệt qua rất nhiều
việc như báo cáo của CT VBQT, báo cáo của TTK VBQT, báo cáo của Thủ Quỹ VBQT. Những
ngày sau đó là các cuộc thảo luận và bầu cử CT VBQT và CT vài ủy ban cũng như thông qua các
nghị quyết, v.v. Theo báo cáo, ngân quỹ hoạt động của Văn Bút Quốc Tế vào năm 2018, tiền
thâu vào là $1,661,563 và chi ra là $1,650,828 do đó thặng dư $10,634 (dự đoán). Theo kết quả
bầu cử, Jennifer Clement tái đắc cử Chủ tịch (President) VBQT, Salil Tripathi tái đắc cửa Chủ
tịch (Chair) Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ Bị Cầm Tù của VBQT.

Trước ngày 26-9-2018 các ủy ban khác hội họp, bàn thảo và thông qua bản thảo nghị quyết trước
khi trình lên cho Đại Hội Đồng bỏ phiếu chấp thuận. Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ Bị Cầm Tù là nơi
phái đoàn VBVNHN làm việc để nêu lên tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Salil
Tripathi, Chủ tịch Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ Bị Cầm Tù của VBQT, trở thành văn hữu cộng tác thân
thiết với phái đoàn VBVNHN.

Thành quả của phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại trong Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ 84
có thể được tóm tắt như sau:

i. Đệ trình và được Đại Hội Đồng VBQT thông qua Nghị quyết lên án CSVN vi phạm
nhân quyền và phản đối Luật An Ninh Mạng. Nghị quyết của VBVNHN thực hiện cùng
TT Văn Bút Pháp Thoại Thụy Sĩ được TT Quebec và Canada bảo trợ.

ii. Trực tiếp đóng góp ý kiến và trình bày về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam
trước Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ bị Cầm Tù của Văn Bút Quốc Tế (CT Dương Thành Lợi).

iii. VBVNHN bảo trợ các Nghị quyết của các TT Văn Bút sau đây:

Resolution 7 on Eritrea liên quan đến quyền tự do ngôn luận của công dân, phản
đối nhà nước kiểm soát thông tin và giam giữ các tù nhân lương tâm.

37 Resolution 9 on Gui Minhai (China). Nhà thơ đối kháng Minhai đã bị nhà nước
Trung cộng bắt cóc tại Thái Lan vào tháng 10-2015, xử tù 14 năm, sau khi được

thả vào tháng 10-2017, ông lại vừa bị bắt vào ngày 20-1-2018. Gia đình không
thể liên lạc với ông.

Resolution 19 on Cuba của Trung tâm Văn Bút Cuba đòi hỏi nhân quyền, đặc
biệt là quyền tự do ngôn luận cho dân tộc Cuba.

Resolution (add-on) của Trung tâm Văn Bút Đức bảo vệ dân tị nạn và phản đối
các hành động kỳ thị.

iv. Trình bày sáng tác Việt ngữ, Anh ngữ kêu gọi tự do dân chủ cho dân tộc (PCT Lê
Hữu Liệu, TTK Thanh Sơn). [Khi PCT Lê Hữu Liệu ngâm thơ trong chương trình phỏng
vấn radio, một nữ phóng viên Ấn Độ đã cảm động rơi nước mắt.]

v. Nêu lên tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam qua các cuộc phỏng vấn với T.V.
và radio Ấn Độ (PCT Lê Hữu Liệu, TTK Thành Sơn).

vi. Xác định lịch sử và vai trò quốc gia của VBVNHN và nỗ lực hiển dương tiếng gọi tự
do dân chủ của toàn thể hội viên VBVNHN qua cuộc phỏng vấn khá dài với Văn Bút
Quốc Tế nhân dịp VBQT kỷ niệm 100 năm hoạt động. Tài liệu này sẽ được lưu giữ vĩnh
viễn trong thư khố VBQT (CT Dương Thành Lợi).

vii. Trồng cây Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tại Đại Học Savitribai Pune University.
Cây VBVNHN sẽ được bảo dưỡng bởi đại học và hy vọng trong tương lai các thế hệ trẻ
có thể ghé thăm như ấn tích lịch sử của văn thi sĩ Việt Nam và đặc biệt là của hội viên
Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.

viii. Gầy dựng quan hệ cộng tác tốt đẹp và lâu dài với nhiều trung tâm Văn Bút khác như
Úc châu (Melborne, Sydney), Quebec, Norway, Belarus, Đức, Miến Điện, Hồng Kông,
Đại Hàn, Ukraine, Tibet, v.v.

Trong các chương trình sinh hoạt mặc dầu có thông dịch qua máy nghe tại chỗ, hầu như đa số
các ý kiến trao đổi đều bằng Anh ngữ. Đại biểu VBVNHN đã đóng góp rất nhiều ý kiến trong
Đại Hội Đồng Văn Bút Tế (General Assembly) và các cuộc họp của Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ Bị
Cầm Tù điển hình như:

1. Phản đối Nghị quyết của Trung tâm Văn Bút Moscow vì quá gấp rút không đủ thời
gian cho các trung tâm VB khác nghiên cứu (VBVNHN là TT phản đối đầu tiên và ý kiến
của CT Dương Thành Lợi đã được đại biểu của các TT Văn Bút khác lên tiếng ủng hộ do
đó nghị quyết này đã được gác lại);

2. Phát biểu ý kiến ủng hộ Trung tâm Văn Bút Phi Luật Tân tổ chức Đại Hội Văn Bút
Quốc Tế thứ 85 vào năm tới (2019) khi VB Phi bị phản đối do tình hình chính trị bất ổn
(tranh cãi rất kịch liệt giữa một số trung tâm). Xác suất Đại Hội Văn Bút Quốc Tế thứ 85
vào năm tới được Văn Bút Phi Luật Tân tổ chức rất cao (trên 90%) mặc dầu đề nghị chưa
được thông qua;

3. Ủng hộ và bảo trợ (seconded) Nghị quyết của Trung tâm Văn Bút Đức tại cuộc họp

38

của Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ bị Cầm Tù (tranh cãi là danh từ anti-refugee sentiment có ngăn
cấm các cuộc thảo luận về vấn đề tị nạn hay không (TT Norway) do đó Nghị quyết được
tạm hoãn và để vào chương trình nghị sự của ngày hôm sau; trong khi giải lao CT
Dương Thành Lợi đề nghị thay chữ sentiment với chữ prejudice và trao đổi riêng với đại
biểu TT Norway và TT Đức do đó vào hôm sau Nghị quyết này được thông qua nhanh
chóng với danh từ anti-refugee prejudice nhờ sự vận động hậu trường của VBVNHN).

Phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại thường xuyên giao tiếp và trao đổi với đại biểu của
nhiều Trung tâm Văn Bút khác như VB Đức, VB Sydney, VB Myanmar, VB Norway, VB
Quebec, VB Tibet, VB Hong Kong, VB Trung Hoa Độc Lập, VB Belarus, VB Ukraine, v.v., và
các tổ chức NGOs để gầy dựng quan hệ tốt đẹp cho VBVNHN và nêu lên quan điểm quốc gia
của văn thi sĩ Việt Nam.

Phó Chủ tịch VBVNHN Lê Hữu Liệu được mời làm diễn giả trước sinh viên sinh viên phân
khoa Kỹ sư và Khoa học của DY Patil International University. Trong đoàn diễn giả gồm 5
người, PCH Lê Hữu Liệu là văn hữu cao tuổi nhầt (79). Sau phần nói chuyện thì câu hỏi đầu
tiên của sinh viên dành cho PCH VBVNHN. Khi kết thúc rất đông sinh viên xin chụp ảnh lưu
niệm cùng PCH Lê Hữu Liệu và đã trao tặng anh bó hóa hồng lớn nhất và thật đẹp.

PCT Lê Hữu Liệu và TTK Thanh Sơn đã tạo được ấn tượng tốt đẹp sâu đậm khi trình diễn thơ
nhạc trước văn thi sĩ Ấn cũng như trong chương trình phỏng vấn radio. Trưởng ban tổ chức
chương trình Tripti Karnik đã gởi thư vào hôm 5-10-2018 cho CT Dương Thành Lợi để cảm ơn
sự đóng góp giá trị của PCT Lê Hữu Liệu và TTK Thanh Sơn và nhắc lại hai tác phẩm “Mother
in Memory” (PCT LHL) và “Time” (TTK TS) đã được dịch sang tiếng Ấn và phổ biến.

Vietnamese Writers Abroad PEN Centre: Phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại chú ý thấy
danh xưng Anh ngữ chính thức của VBVNHN được Đại Hội Đồng Văn Bút Quốc Tế xác định là
Vietnamese Writers Abroad PEN Centre. Danh xưng Vietnamese Abroad PEN Centre do các
Ban Chấp Hành VBVNHN tiền nhiệm sử dụng thiếu chữ “Writers” do đó Đại Hội Đồng
VBVNHN vào năm 2020 nên nghị luận về vấn đề này để phái đoàn VBVHN có thể nêu kiến
nghị thay đổi theo quyết định của Đại Hội Đồng VBVNHN, cơ quan tối cao của Văn Bút Việt

39

Nam Hải Ngoại. Việc kiến nghị Đại Hội Đồng Văn Bút Quốc Tế khá dễ dàng qua các mối quan
hệ tốt đẹp vừa được phái đoàn VBVNHN gầy dựng với rất nhiều TT Văn Bút khác.

Kinh Nghiệm Tổng Quát: Phái đoàn VBVNHN chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với hy vọng các
hội viên VBVNHN tham dự Đại Hội VBQT trong tương lai cảm thấy tự tin. Đại Hội Văn Bút
Quốc Tế diễn tiến khá thân thiết trong thịnh tình văn thi sĩ do đó đa số đại biểu và tham dự viên
mang trang phục bình dị thường nhật. Ít có người đóng com-lê (suit) và mang cà vạt (ngay cả
thành viên Hội Đồng Quản Trị VBQT, TTK cũng như nhân viên văn phòng VBQT). Thành viên
Ban Tổ Chức Ấn Độ thỉnh thoảng mặc com-lê trong các dịp đặc biệt như chương trình khai mạc.
(Lưu ý trang phục trong ảnh lưu niệm của Đại Hội Đồng VBQT đính kèm).

Be a voice, not just an echo . Góp ý thay vì chỉ biết tán thành: Đại Hội Đồng Văn Bút Quốc Tế
là nơi thảo luận nhiều vấn đề và thông qua nghị quyết do đó đại biểu cần có kiến thức cũng như
khả năng Anh ngữ để hiểu và khả năng đóng góp ý kiến nêu lên quan điểm của trung tâm. Đại
biểu nào cũng có thể đóng góp ý kiến nhưng đa số ý kiến vẫn từ những đại biểu Úc, Âu và Bắc
Mỹ trong đó có đại biểu VBVNHN. Thí dụ điển hình như khi VBVNHN đề nghị thay từ “anti-
refugee sentiment” bị tranh cãi bằng “anti-refugee prejudice” và ý kiến này được chấp thuận dễ
dàng hay khi CT Dương Thành Lợi phản đối đề nghị Đại Hội Đồng thông qua Nghị quyết mới
của Trung tâm Văn Bút Moscow với lý do quá gấp rút cho nên không đủ thời gian và dữ kiện để
nghiên cứu, đại biểu của các TT Văn Bút khác sau đó lên tiếng cùng chia sẻ quan điểm của
VBVNHN do đó Nghị quyết này đã được gác lại.

Trong tương lai đại biểu VBVNHN có lẽ không chỉ đóng góp ý kiến mà nên lưu ý đến cơ hội
ứng cử vào Hội Đồng Quản Trị Văn Bút Quốc Tế (Board of Directors). Việc này thật ra chỉ đòi
hỏi khả năng giao tiếp và quan hệ tốt đẹp với nhiều trung tâm qua gợi ý của thành viên Search
Committee mà phái đoàn VBVNHN có dịp tiếp xúc. Không có lý do gì mà hội viên VBVNHN
không tham gia tích cực vào sinh hoạt của Văn Bút Quốc Tế để hiển dương tiếng nói của lương
tâm và tiếng lòng vang vọng của người Việt Nam khắp thế giới.

Đại Hội Văn Bút Quốc Tế sinh hoạt thân thiết trong thịnh tình văn thi sĩ do đó năng khiếu quan
trọng nhất có lẽ là khả năng giao tiếp bằng Anh ngữ hài hòa bặt thiệp cùng kiến thức chu đáo về
đề tài được bàn thảo chính thức hoặc sau hậu trường trong lúc hàn huyên với đại biểu của các
trung tâm Văn Bút khác.

Phái đoàn VBVNHN soạn thảo và thông qua ngày 6-10-2018.

Chủ tịch Vịnh Thanh Dương Thành Lợi
Phó Chủ tịch Lê Hữu Liệu
Tổng Thư Ký Nguyễn Thanh Sơn

Đính kèm: Vài hình ảnh ghi nhanh sinh hoạt ĐH VBQT 84.

40

PCT Lê Hữu Liệu và TTK Thanh Sơn trình diễn thơ nhạc.

1. Tổng Thư Ký VBVNHN Nguyễn Thanh Sơn và Tổng Thư Ký VBQT Carles Torner. 2. Phó
Chủ tịch VBVNHN Lê Hữu Liệu và Chủ tịch VBQT Jennifer Clement. 3. Ấn bản ĐHVBQT
đặc biệt có thơ của thành viên phái đoàn VBVNHN. 4. TTK Thanh Sơn và CT Dương Thành
Lợi trao đổi với sinh viên Ấn Độ. 5. Ăn trưa với các đại biểu TT Văn Bút khác (Thụy Sĩ Pháp

thoại, Tibet, Đài Loan, Úc).

41

Trồng cây Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tại Đại Học Savitribai Pune. Cây VBVNHN sẽ được
bảo dưỡng bởi đại học và hy vọng trong tương lai các thế hệ trẻ có thể ghé thăm như ấn tích lịch

sử của văn thi sĩ Việt Nam và đặc biệt là của hội viên Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.
(Quốc kỳ VNCH thu hút sự chú ý đặc biệt và rất nhiều cá nhân cùng đài truyền hình đã đến quay

phim và chụp hình.)

42

CT Dương Thành Lợi (1) ký bản lưu niệm tại Đại học Savitribai Pune, nơi phái đoàn VBVNHN
trồng cây Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và (2) phát biểu trước Ủy Ban Văn Nghệ Sĩ bị Cầm Tù

VBQT. (3) Ảnh lưu niệm Đại Hội Đồng VBQT kỳ 84.

Phái đoàn VBVNHN: TTK Nguyễn Thanh Sơn, PCT Lê Hữu Liệu, CT Dương Thành Lợi
Trái: Ngày khai mạc ĐH.VBQT 84 (Conference hall, Hyatt).
Phải: Ngày bế mạc (Regency Club, Hyatt).

43

www.PENVietNam.org

______________________________________
TRANG CUỐI . THE END

______________________________________

_____________________________________ Ω _____________________________________

44


Click to View FlipBook Version